Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:41:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 21 năm viện trợ Mỹ ở Việt Nam  (Đọc 19921 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2017, 05:01:01 am »

         
        Việc nhập cảng hàng hóa của tất cả các nước không phải Mỹ vào Nam Việt Nam, theo chế độ thanh toán đa phương, đều dựa trên hai nguyên tắc:
         
        - Nằm trong khuôn khổ viện trợ thương mại hóa, tức là trừ vào số hàng viện trợ này.
         
        - Mỹ cũng không thanh toán bằng đô la cho nước bán hàng, mà thanh toán bằng cách trừ nợ hoặc xuất hàng của Mỹ sang các nước đó.

        Đó cũng là một nét đặc trưng nữa của viện trợ Mỹ. Như ta thấy, phải là một cường đế quốc, đóng vai trò thống trị trong thế giới tư bản mới có thể sử dụng được thủ đoạn đó.
         
        Rút cuộc, người tiêu dùng trên thị trường miền Nam và những nhà nhập cảng đã bị cái cơ chế này làm tê liệt tính năng động và ý thức tự chủ. Họ đã trở thành thụ động. Hàng của một nước nào đó đột nhiên biến mất. Hàng của một nước khác đột nhiên xuất hiện. Phần lớn trường hợp đều chẳng liên quan gì đến chuyện tốt hay xấu, rẻ hay đắt, hợp nhu cầu hay không hợp nhu cầu, thậm chí, cũng chẳng tùy thuộc ở quan hệ giữa nước bán hàng đó với người Việt Nam và nền kinh tế ViệtNam. Tất cả đều được tính toán ở tận đâu đó, vì những nhân tố rất xa lạ ở đâu dó. Có khi là do việc De Gaulle rút quân khỏi khối NATO mà xe Peugeot phải nhường chỗ cho xe Honda và giá bia BIG tăng lên. Có khi vì Canada đã giành mất của Mỹ một khách hàng mua lúa mỳ mà những người nuôi lợn mua được thức ăn gia súc nhiều hơn và rẻ hơn. Có khi vì Đài Loan ký một hiệp ước mua gang thép của Mỹ chứ không phải của Nhật, nên các cửa hàng đồ điện ở miền Nam bán nhiều đồ điện Đài Loan hơn đồ điện Nhật, mặc dầu nó xấu hơn mà giá thì chẳng rẻ hơn, nhờ thuế phân suất bình quân che chở cho nó…
         
        Cuối cùng, xin nói qua đôi chút về “quỹ đối giá”. Như đã trình bày, quỹ này chỉ chiếm một phần trong số các nguồn thu của ngân sách ngụy quyền, tính trung bình khoảng 30% (Tỷ lệ của “quý đối giá trong tổng số thu ngân sách (%)

1955        34,1       1965        22,0       
195644,1196621,7
195739,6196726,3
195836,619682o!o
195937,8196910,7
196051,0197015,3
196127,519718,6
196230,0197219,0
196327^6197329,0
196421,8197430,0

        Tại sao Mỹ không cho nhập thẳng số tiền này vào ngân sách ngụy, mà lại lập ra thành một quỹ riêng, do phái bộ viện trợ Mỹ quản lý?
         
        Có hai lý do chính:
       
        Một là, vì viện trợ thương mại hóa là biện pháp chính giúp ngụy có tiền trả lương cho lính đánh thuê, cho nên sử dụng tiền viện trợ này là việc có ý nghĩa sinh tử đối với các kế hoạch của Mỹ ở Nam Việt Nam. Hàng năm, tình hình chiến tranh thế nào, cần số quân bao nhiêu, khả năng bắt lính thế nào, phải chu cấp cho họ tới mức nào để đảm bảo đủ quân số và quân số đó đủ sức chiến đấu - đối với tất cả các vấn đề đó đều phải dùng tiền lương và các chế độ đãi ngộ khác nhau như những cái nút điều chỉnh. Đối với những cái nút hệ trọng này, Mỹ không thể giao cho ngụy hoàn toàn. Mỹ phải trực tiếp nắm lấy, ít nhất thì cũng ở mức khống chế được tình hình. Quỹ đối giá chính là cái mức khống chế cần thiết đó. Hàng quý chi một lần, cho những mục đích đã định: Bao nhiêu để trả binh sĩ, bao nhiêu để đôn thêm quân, bao nhiêu để tặng thưởng cho các sỹ quan, bao nhiêu để phụ cấp cho số quân mới tăng lên, bao nhiêu để úy lạo gia đình số đã chết trận… Tất cả các chi tiết đó, phái bộ quân sự Mỹ (MACV) đã nắm chắc, phái bộ viện trợ Mỹ căn cứ vào ý kiến của MACV để chuẩn chi.
         
        Hai là, ngoài quỹ đối giá, viện trợ thương mại hóa và viện trợ Mỹ nói chung còn đem lại cho ngân sách ngụy nhiều khoản thu khác nữa. Các khoản thu này phần lớn cũng được chi cho các mục đích mà Mỹ đã định. Do đó, điều quan trọng không phải là tỷ lệ của “quỹ đối giá” trong ngân sách. Điều quan trọng là có quỹ đó, như một khoản riêng do Mỹ khống chế. Điều quan trọng hơn nữa là Mỹ đã nắm được cái chốt để có thể làm cho quỹ này đầy vơi tùy ý. Ta lại nhớ đến vấn đề hối suất vừa kể trên. Thực ra, cái gọi là hối suất đó chẳng có một cơ sở kinh tế nào cả. Nam Việt Nam không có thực lực gì để đảm bảo giá trị đồng bạc của nó. Hối suất giữa đồng tiền đó với đô la Mỹ là do Mỹ quy định. Mỹ muốn nâng thì hối suất cao. Mỹ muốn hạ thì hối suất thấp, mà lượng tiền trong quỹ đối giá này thì tùy ở hối suất. Khi Mỹ muốn tăng số tiền trong quỹ đối giá, hay nói đúng hơn, tăng tỷ lệ của quỹ đối giá trong tổng thu nhập ngân sách, cũng tức là cần nắm trực tiếp một số tiền nhiều hơn, Mỹ chỉ việc tăng hối suất. Lập tức, như một cái ống xi-phông, bạc Sài Gòn sẽ tự động dồn sang quỹ này. Chính vì vậy, điều quan trọng không phải là lượng tiền trong quỹ này, mà điều quan trọng là đã có quỹ này như một cái bình chứa, và đã có một cái ống xi-phông tự động nối nó với ngân sách. Khi đã có hai cái đó rồi, thì khi cần cho nó đầy nó sẽ đầy ngay, và ngược lại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2017, 07:26:40 am »

         
        III. VIỆN TRỢ THEO DỰ ÁN
         
        Viện trợ theo dự án (Project Aid) còn được gọi là Viện trợ kinh tế trực tiếp.
         
        Loại viện trợ này cũng là một bộ phận rất quan trọng trong viện trợ kinh tế. Có một vài năm nó lớn hơn cả viện trợ thương mại hóa. Nhưng khác với viện trợ thương mại hóa, nó lên xuống thất thường. Từ 1954 đến 1965, viện trợ theo dự án chỉ vào khoảng vài chục triệu đô la. Đến 1966, nó tăng vọt gấp 3-4 lần các năm trước. Sang năm 1967, nó lại tăng gấp đôi năm 1966, lên tới 360 triệu đô la. Từ 1969, nó giảm dần, và từ 1972 xuống dưới mức một trăm triệu đô la hàng năm.
         
        Sở dĩ gọi đây là “viện trợ theo dự án” hoặc “viện trợ trực tiếp” vì nó là khoản cung cấp trực tiếp tiền và của cho các dự án hoặc các chương trình của các ngành, các cấp, không qua ngân sách ngụy quyền.
         
        Nhưng “dự án” hay “chương trình”, tức đối tượng của loại viện trợ này, gồm vô vàn thứ khác nhau. Hầu như không có thứ chương trình nào, dự án nào của ngụy quyền mà không dựa phần lớn hoặc hoàn toàn toàn vào khoản viện trợ này: Xây dựng và bảo trì hệ thống đường quốc lộ, xây dựng các hải cảng, trang bị các phương tiện cho cảnh sát và phòng vệ dân sự, củng cố và mở rộng các trại giam, đài thọ cho chương trình cải cách điền địa, đào tạo cán bộ “ấp dân sinh”, kinh phí cho chiêu hồi, chu cấp cho nông thôn về thuốc men, định cư, giống mới, phân bón, thuốc trừ sâu, thủy nông, tín dụng, xây dựng hệ thống viễn thông cho nông thôn và thành thị, huấn luyện cán bộ nghiệp đoàn, xây dựng trường học, sách và học cụ, xây dựng các hệ thống nước và điện… Đó là các khoản tương đối lớn. Còn về các khoản lặt vặt như giếng nước ăn cho nông thôn, giống cá rô phi, thuốc trừ muỗi, trừ ruồi, thiết bị và chi phí cho dạy sinh ngữ… cũng nằm trong khuôn khổ viện trợ  này.
         
        Có thể xếp các dự án vào 4 loại chính sau đây:
         
        - Những dự án phục vụ cho chính sách khủng bố và đàn áp, thường được gọi là các dự án “hành chính”. Đó là việc trang bị cho cảnh sát, ác ôn, xây dựng nhà tù… Năm 1969, riêng viện trợ cho các dự án tổ chức bộ máy an ninh, tình báo, các “đội phượng hoàng” (Một đội quân bình định nông thôn có vũ trang của ngụy quyền do Cục tình báo T.W Mỹ điều khiển), tốn 19,6 triệu đô la (American Report, 9-10-1970). Năm1970, riêng việc thay thế trang bị cho hệ thống “chuồng cọp” ở nhà tù Côn Đảo tốn 40 vạn đô la (AP Washington 19-2-1971), nhiều gấp bốn số tiền chi cho các dự án thủy lợi (10,1 vạn đô la) và gấp đôi số chi cho các việc đào tạo y tá và xây dựng các nhà hộ sinh (20,8 vạn đô la). Năm1971, riêng tiền thù lao cho Thompson cùng 5 chuyên viên Anh sang nghiên cứu trong 10 tuần để lập dự án tổ chức hệ thống an ninh mất gần 8 vạn đô la (Reuter, Washington 23-5-1971. Khoản này trả bằng tiền Livre Sterling, theo giá hối đoái chính thức với bạc Sài Gòn), tức là gần bằng số chi cho dự án giáo dục đại học và trung học (9 vạn đô la). Năm 1970-1971, dự án trang bị cho cảnh sát tốn 8,4 triệu đô la (LeMonde 10-11-1971). Tất nhiên, số này cũng được cấp thẳng bằng hiệnvật - từ xe xịt nước, lựu đạn chứa hơi cay, khóa các loại, đến máy ghi âm, hệ thống xe cộ để vây bắt, chó săn… Riêng một tỉnh Gia Định, trong một năm, được viện trợ tới 56.000 tấn dây thép gai, 16.000 cọc sắt và 11.000 đèn pin. Tính đến tháng 6-1972, cảnh sát đã cấp 9.068.811 thẻ căn cước, 502.000 cuốn lý lịch, lập 3.100.000 tập hồ sơ, đều là giấy và bìa đặc biệt của Mỹ, được in từ Mỹ, do viện trợ theo dự án đài thọ. Miền Nam có tới 601 trại giam ở khắp nơi và thường xuyên có từ 60 đến 80 vạn người bị cầm tù. Chính viện trợ theo dự án đã tạo cơ sở vật chất cho hệ thống kìm kẹp này.
         
        Nhìn chung, các loại dự án “hành chính” chiếm độ 11-14% tổng số viện trợ theo dự án. Đương nhiên, các chi phí “hành chính” này không phải chỉ do viện trợ theo dự án đài thọ. Ngân sách ngụy quyền cấp một phần, viện trợ theo dự án đóng góp một phần, chủ yếu là những dự án đặc biệt và đột xuất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2017, 07:00:51 pm »

         
        - Những dự án phục vụ cho các chiến dịch về chính trị, thường gọi là “các dự án xã hội”, như cải cách điền địa, dồn dân, tuyên truyền, chiêu hồi, xây dựng các nghiệp đoàn, các tổ chức quần chúng, các ấp chiến lược… Loại dự án này chiếm tỷ lệ khá lớn trong viện trợ theo dự án. Mỗi năm có một số trọng tâm khác nhau. Thời kỳ 1964-1965, một trong những ý đồ chiến lược của Mỹ và vét dân, dồn về các khu tập trung để dễ kiểm soát. Trong một năm (1964), Mỹ đã chi tới 20.579.000 đô la cho kế hoạch “ấp dân sinh”, bằng 37% tổng số viện trợ theo dự án của năm đó (Sommaire du Budget National-Exercise 1964). Nếu tính toàn bộ kế hoạch bình định mà Johnson gọi là “kế hoạch xây dựng nông thôn” (1962-1965) thì Mỹ đã chi 100 triệu đô la. Kế hoạch “xây dựng nông thôn” đó được tiến hành theo 3 bước. Bước thứ nhất: Mỹ cho xe cơ giới san ủi làng mạc, nhà cửa. Nơi nào cần thiết, sẽ rải thêm chất độc hóa học để nông dân không thể quay về làng cũ, và cũng không tìm thấy làng cũ nữa. Bước thứ hai: Dùng cơ giới để dồn dân về các ấp trại. Bước thứ ba: Củng cố bộ máy kìm kẹp trong các ấp trại, đưa kỹ thuật và văn hóa thực dân vào.
         
        Từ năm 1968, Mỹ trở lại với chủ trương cải cách điền địa mà Ngô Đình Diệm đã bỏ dở. Như lời Nguyễn Văn Thiệu, dự án cải cách điền địa lúc này là “lực lượng thứ tư để đánh bại Cộng sản”. Trong hai lần gặp Thiệu, Nixon đều thúc ép việc cải cách điền địa, coi đó “có thể là việcgấp rút hơn bất cứ chương trình nào” (Xã luận New York Times 18-8-1969). Từ năm 1967, Quốc hội Mỹ đã nhiều lần lo ngại về việc ngụy quyền tỏ ra lơ là vấn đề cải cách điền địa, mà lý do chính là “bản thân chính phủ phần lớn bao gồm những nhân vật khá giả” (New York Times 6-6-1969). Tới cuối 1969, “Ủy ban toàn quốc cho một giải pháp chính trị ở Việt Nam” của Mỹ đã kiến nghị một kế hoạch gấp rút tiền hành cải cách điền địa ở Nam Việt Nam. Theo quan điểm của những người làm kế hoạch (Ba tác giả chủ chốt của kế hoạch này là Prostermna, giáo sư luật học, Clark Kerr, Chủ tịch “Ủy ban toàn quốc cho một giải pháp chính trị ở Việt Nam” và R.Coate, cựu Chủ tịch Đảng Dân chủ bang California), thì đơn thuần chỉ dùng vũ lực để cưỡng ép nông dân chưa đủ đảm bảo thắng lợi. Điều quan trọng hơn là phải thực sự giành lại được người nông dân và tạo ra “một giai cấp hoàn toàn mới mẻ gồm những nhà nông hữu sản, trung thành với chính phủ” (New York Times18-8-1969).
         
        Dự án này định tiến hành trong 3 năm 1970, 1971 và 1972, với tổng số chi là 400 triệu đô la. Đó là một số tiền rất lớn. Nhưng, như chính Clark Kerr giải thích, nếu so với việc chinh phục bằng quân sự, thì đó vẫn là cái giá rất rẻ để mua chuộc cả nông thôn Nam Việt Nam, vì nó vẫn chưa bằng số chi phí chiến tranh trong 5 ngày ở Việt Nam(Elisabeth Pond “Mỹ nhận xét thế nào về cải cách điền địa ở Việt Nam”.Bài đăng trên báo The Christian Science Monitor. Trích trong Công luận, Sài Gòn 7-7-1969). Theo những tài liệu của Mỹ-Ngụy, chương trình cải cách điền địa đã chuộc lại 1.300.000 ha ruộng đất của 16.111 điền chủ (Theo quy định của Thiệu thì địa chủ được giữ lại một số ruộng đất tối đa là 15 ha đối với Nam bộ và 5 ha đối với Trung bộ). Có hơn 60.000 hộ (gồm 4.000.000 người) được cấp không ruộng đất (ở Nam bộ mỗi hộ khoảng 3 ha, ở Trung bộ mỗi hộ khoảng 1 ha). Sau khi được cấp ruộng, mỗi hộ có thể được vay thêm 8.000 đồng tiền Sài Gòn để làm vốn sản xuất, lại được miễn thuế trong 1 năm. Địa chủ gọi là bị “truất hữu”, nhưng thực ra, chỉ bị chuộc lại đất thôi. Giá ruộng đất được tính bằng 2,5 lần số hoa lợi hàng năm (tính mức thu hoạch trung bình trong 5 năm trước). 20% được trả ngay bằng tiền mặt. 80% còn lại được trả dần trong 8 năm, lãi đồng niên 10% (Elisabeth Pond. Đã dẫn: Nếu so sánh với kế hoạch cải cách điền địa do Ladlinsky thảo dưới thời Diệm thì kế hoạch này có mấy điểm khác:

        - Ladlinsky chủ trương duy trì sở hữu lớn, cơ sở của lối kinh doanh tư bản chủ nghĩa theo kiểu Mỹ (chỉ trưng mua ruộng đất của những địa chủ có trên 100 mẫu). Chủ trương này chịu ảnh hưởng của cái hy vọng hồi đó, là bình định sắp hoàn thành rồi, và chẳng bao lâu sẽ tạo lập ở nông thôn Nam Việt Nam một lối kinh doanh nông nghiệp theo kiểu Mỹ. Đến thời Thiệu, mức sở hữu tối đa bị hạ thấp nhiều: dưới 15 ha. Như vậy, ruộng đất bị chia nhỏ hơn… Nhưng số nông dân có ruộng lại đông hơn. Sự sửa đổi này phản ánh những khó khăn to lớn của Mỹ và sự nhận thức sát hơn trước về những khó khăn đó. Cải cách điền địa không nhằm chuẩn bị cho giai đoạn sau bình định, mà chỉ tiến dần tới bình định thôi. Ruộng đất được cấp không. Nông dân không phải trả tiền chuộc. Viện trợ Mỹ trả tiền chuộc. Đặc điểm này cũng có cái lý do giống như đặc điểm trên. So với Diệm, Thiệu có phần mạnh tay hơn với địa chủ. Giai cấp này bị đánh tả tơi. Sức mạnh chính trị của nó coi như tàn. Sức mạnh kinh tế của nó thì càng thảm hại. Trong khi Thiệu phải bắt và nuôi cả triệu lính, phải đương đầu với cuộc chiến tranh cách mạng đang bùng lên khắp các xã ấp, nếu chỉ dựa vào 16.000 con người cổ lỗ, hủ lậu, mất hết thực lực này, thì ắt sẽ tạo ra trong 10.000.000 nông dân những phản ứng quyết liệt mới). Như vậy, rút cuộc, hầu hết viện trợ theo dự án đã rơi vào túi địa chủ, giúp địa chủ lột xác khỏi cái vỏ phong kiến. Với túi tiền đầy, các địa chủ dễ dàng hóa thân thành các chủ khách sạn, chủ các hãng vận tải, các chủ hiệu buôn, chủ các rạp hát, chủ các nhà máy, chủ các nhà thầu…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2017, 03:35:47 am »

         
        - Những dự án xây dựng các công trình gọi là “cơ cấu hạ tầng”: Đường xá, cầu cống, hải cảng, sân bay, điện nước, đài phát thanh, đài truyền hình…
         
        Trong loại này, các dự án về giao thông vận tải chiếm phần lớn nhất. Chính là nhờ viện trợ Mỹ, mà miền Nam có được 1.700 km đường nhựa rộng và chạy tốt đi các tỉnh, có 9 hải cảng lớn với khả năng bốc dỡ gần 10 tỷ tấn/năm, có 14 sân bay hiện đại, mà riêng phần vận tải dân dụng đã đạt tới 1.000.000 hành khách/năm. Riêng việc xây dựng đường sá và bến cảng, Mỹ đã chi hơn 2 tỷ đô la, tức bằng tổng số của cải do miền Nam làm ra trong 1 năm. Riêng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất từ 1967, Mỹ chi 15.000.000 đô la, tức gần gần bằng tổng ngạch xuất khẩu của miền Nam trong năm đó (17.800.000 đô la) (Tin APF 31-3-1967. Chấn hưng kinh tế, số 3-10-1968).
         
        Đương nhiên, khi viện trợ cho các dự án về giao thông vận tải to lớn này, Mỹ nhằm những lợi ích quân sự. Về thực chất, đây không phải là viện trợ cho ngụy quyền, mà chính báo chí Mỹ nói, chỉ là “viện trợ” cho Mỹ thôi. Không có hệ thống giao thông hoàn bị thì không thể vận chuyển quân đội và vũ khí với quy mô to lớn được. Cả triệu quân ngụy, nửa triệu quân Mỹ, với hàng trăm triệu tấn vũ khí, sẽ không phát huy được sức mạnh của nó nếu bến cảng chật hẹp và bốc dỡ chậm chạp, nếu đường sá không tốt hoặc không có đủ đường sá tới các vị trí chiến lược, nếu không có một hệ thống sân bay hoàn bị để có thể tức khắcđưa hàng trăm máy bay chuyển quân đến bất cứ nơi nào hoặc oanh tạc bất cứ nơi nào (“Chỉ có dựa vào việc tạo ra một cơ sở kiện toàn về bến cảng, sân bay có đường băng cao tốc, mới có thể tránh khỏi những khó khăn đang làm đau đầu nước Mỹ trong việc tập trung lực lượng quân sự ở Việt Nam. Nếu các căn cứ và hệ thống đường sá hoàn thành sẽ có thể đảm bảo trong 1 ngày đưa vài sư đoàn Mỹ từ Thái Bình Dương hoặc từ Mỹ sang”. New York Times 20-12-1965).
         
        Tuy nhiên, một số cơ sở giao thông vận tải này cũng đồng thời phục vụ cho sinh hoạt công cộng cho kinh tế. Người tiêu dùng, nhất là ở các đô thị, có thể mua ngay tại chợ đủ mọi thứ của thập phương, từ cua bể và sò huyết Rạch Giá đến tôm hùm Vũng Tàu, từ cải bắp Đà Lạt đến thịt nai Buôn Mê Thuột… với giá không cao hơn nơi sản xuất bao nhiêu. Khách đi đường cảm thấy thoải mái trên những xa lộ… Chẳng qua vì đã có 2 tỷ đô la lát dưới những bánh xe của họ… Điều trớ trêu của Viện trợ Mỹ là: Ở đâ nó chỉ là một khối lượng của cải vật chất hiền lành và dễ thương. Người ta có thể tiếp nhận nó một cách thơ ngây mà không buộc phải biết cái giá ghê gớm phải trả, vì việc trả giá đó diễn ra ở nơi khác, liên quan đến những người khác.
         
        Khoản lớn thứ hai sau giao thông vận tải là các công trình cung cấp điện và nước. Đương nhiên, những dự án này trước hết nhằm phục vụ bộ máy cai trị, đặc biệt là phục vụ quân đội. Nhìn vào sự biến động của viện trợ theo dự án, ta thấy chính trong những năm chiến tranh cục bộ, khi có nửa triệu quân Mỹ đóng ở miền Nam, thì viện trợ theo dự án bỗng tăng vọt gấp 3-4 lần. Việc xây dựng hệ thống cung cấp điện, nước cũng được tiến hành ồ ạt trong những năm đó. Đối với nửa triệu quân lính công tử của Mỹ mà phần lớn đã muốn đốt thẻ quân dịch ngay từ trước khi sang Việt Nam, nếu không có đủ nước để hàng ngày ngâm mình trong các bồn tắm, không có đủ điện chạy các máy lạnh, quạt điện, bếp điện… thì khó mà duy trì sức chiến đấu.
         
        Nhưng khi đã có điện và nước về các thành phố, thì dân chúng cũng được hưởng một phần (nếu có đủ tiền để trả). Nền kinh tế cũng được hưởng một phần nào đó.
         
        Chính là nhờ các dự án này mà người dân có tiền ở các đô thị miền Nam có thể dùng điện, nước thỏa thích. Viện trợ thương mại hóa đã đặt sẵn ở các cửa hàng đủ các đồ dùng điện. Thu nhập bằng lương, bằng các nghề buôn bán và phục vụ, lại chuẩn bị cho khá nhiều người đủ tiền để mua sắm các thứ đó… Số lượng điện phân phát hàng năm ở miền Nam khoảng trên 1 tỷ KW giờ. Trong đó khoảng 550 triệu KW giờ dùng để thắp đèn, chạy quạt và các đồ điện trong các tư gia, 90 triệu KW giờ dùng để thắp sáng, chạy quạt và máy lạnh trong các công thự. Số còn lại, khoảng 350 triệu KW giờ dùng cho các nguyên động lực trong công nghệ và một phần rất nhỏ cho canh nông.
         
        Ở miền Nam, hầu hết các nhà máy điện đều chạy bằng dầu (Tổng công suất điện thiết kế của miền Nam là 830 ngàn KW. Hầu như chỉ cómột nhà máy thủy điện Đa Nhim, có 4 tổ máy, nhưng chỉ chạy được 2 tổ, với công suất 80 ngàn KW. Song vì thiếu đường dây điện, cho nên chỉ cung cấp điện tới Phan Rang thôi (trước giải phóng)). Để có hơn 1 tỷ KW giờ, miền Nam hàng năm phải nhập 60 vạn tấn dầu để chạy các động cơ diezel, tính ra tiền là gần trăm triệu đô la, cũng do viện trợ Mỹ trả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2017, 03:36:23 am »

         
        Khoản chi thứ ba, sau điện nước, là các dự án xây dựng màng lưới thông tin. Ngay dưới thời Diệm, Mỹ đã giúp Ngụy xây dựng hệ thống các đài phát thanh rộng khắp các vùng và một loạt đài nặc danh. Riêng số chi cho các dự án về “thông tin” này, trong 5 năm, từ 1955 đến1961, là 40 triệu đô la. Từ 1964 hệ thống điện thoại và điện báo được mở rộng đặc biệt. Ngoài việc phục vụ các hoạt động thám báo, bình định, nó cũng phục vụ các hoạt động kinh doanh, thương mại. Riêngnăm 1964 dự án trang bị cho các “ấp dân sinh” về thông tinh nội bộ tốn 1,8 triệu đô la, về liên lạc vô tuyến giữa các ấp với nhau và với các cấp trên tốn 2,584 triệu đô la (Sommaire du Budget National-Exercise,1964). Từ 1965, máy vô tuyến truyền hình được đưa ồ ạt vào miền Nam Việt Nam. Mỹ ngụy đặc biệt khuyến khích phát triển ngành vô tuyến truyền hình (vì các máy truyền hình chỉ bắt được các đài phát của chính phủ). Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Quy Nhơn, CầnThơ, Đà Lạt… đều có các đài phát hình. Hầu hết các đô thị miền Nam cùng các vùng nông thôn lân cận đều được xem các chương trình truyền hình đó. Từ tết Bính Ngọ 1966, Mỹ đã lập dự án cho vệ tinh nhân tạo tiếp sóng thẳng của các đài phát hình từ Mỹ sang Việt Nam.Theo tính toán của Mỹ, tổng số các khoản chi cho các hệ thống đó tốn hơn 100 triệu đô la. Ở Nam Việt Nam, quảng cáo chưa đem lại nhiều lãi cho các hãng truyền hình. Nhà nước còn phải đài thọ, dựa vào viện trợ.
         
        - Những dự án phục vụ các chương trình kinh tế, văn hóa xã hội: Canh nông, mục súc, ngư nghiệp, lâm nghiệp, kỹ nghệ, khai khoáng, y tế, giáo dục, cứu tế… Các khoản này thường chiếm không quá 20% tổng số viện trợ theo dự án.
         
        Nhìn chung, phần viện trợ cho các dự án kinh tế đóng vai trò yếu ớt đối với sự phát triển kinh tế miền Nam.
         
        Trong công nghiệp, khoản đáng kể nhất là các dự án xây dựng các nhà máy điện, mà ở trên đã nói rồi. Ngoài điện, có thăm dò và khai thác các tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, kể đến các dự án về dầu lửa,về kế hoạch sông Mê Công, là những dự án mà Mỹ hy vọng sẽ kiếm được nhiều món lợi về sau.
         
        Trong nông nghiệp, tác dụng của các dự án rất kém. Ta có thể nêu lên vài năm làm ví dụ. Năm 1964, tổng số viện trợ theo dự án là 52,7triệu đô la. Trong đó, phần dành cho Bộ cải tiến nông thông chỉ có 1,22 triệu đô la (hơn 2%). Năm 1972, tỷ lệ đó là 4 triệu đô la trong 72 triệu đô la (độ 3%). Nhìn vào tỷ lệ thấp kém này, có thể hiểu được vì sao nền sản xuất nông nghiệp miền Nam sau 20 năm, vẫn chẳng có sự tiến bộ nào đáng kể. Cái mới nhất trên bộ mặt của nông thôn lại không phải là cái mới trong sản xuất, mà là xe Honda, máy thu thanh và vô tuyến truyền hình bán dẫn, bia chai, nước ngọt, thuốc lá thơm, vải lụa nhận tạo… Các máy bơm chưa đảm bảo tưới nổi 1/10 diện tích nông nghiệp. Máy kéo tuy được quảng cáo nhiều, nhưng trong thực tế, phần lớn diện tích ruộng đất ở miền Nam vẫn phải canh tác bằng cày hoặc cuốc tay.
         
        Sự thật đó bày ra trước mắt chúng ta, ngay ở hai bên các con đườngquốc lộ hầu như ở tất cả mọi tỉnh. Nhìn chung, diện tích cày máy không quá 20% tổng diện tích canh tác (Theo thống kê của “Nha phát triển nông cơ”, tổng số mày kéo của miền Nam có tới 600 ngàn mã lực.Nhưng chính các viên chức chế độ cũ đã cho biết rằng thực ra, đó chỉ là tính tổng số máy móc đã nhập cảng, trong đó có nhiều máy đã hỏng, ngoài ra, còn có rất nhiều máy kéo được đăng ký nhưng chỉ có hóa đơn, không có máy thực. Nhiều người chỉ mua hóa đơn máy, dùng đó làm chứng từ để được vay tiền nông tín cuộc. Họ chẳng có máy, cũng chẳng canh tác. Họ lấy số tiền vay đó để buôn, mở quán bia, tậu Honda…).Lượng phân bón, với miền Bắc hồi đó chỉ bằng ½ (Hàng năm miền Nam nhập độ 30-40 vạn tấn phân. Ngoài số nhập cảng đó, không có nhà máy phân bón nào trong nước. Miền Bắc hồi đó hàng năm có khoảng 70-80 vạn tấn phân hóa học).
         
        Còn giống mới thì chưa đảm bảo quá 30% diện tích. Trong chăn nuôi, hầu hết những giống gà, giống lợn do viện trợ Mỹ cung cấp đều là giống một đời, sau mỗi chu kỳ sản xuất, người ta buộc phải trở lại với các nhà xuất cảng Mỹ, như cái Boomerang của người châu Úc vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2017, 04:30:38 am »

         
        Ở đây, ta có thể thấy được một trong những đặc điểm cơ bản nhất của viện trợ Mỹ trong thời kỳ này: Nó tạo ra sự phồn vinh của những dân tộc được viện trợ bằng cách đem đến cho họ những hàng tiêu dùng đã chế tạo sẵn sàng, hoặc gần như sẵn sàng. Các dân tộc đó, hay nói đúng hơn, những tầng lớp thượng lưu trong các dân tộc đó, lập tức có thể xuất hiện trong cảnh sống giàu sang, lộng lẫy. Rút cuộc, người ta mau chóng có thể biến thành những người tiêu dùng cao cấp, trong khi bản thân người ta chưa có một cơ sở vật chất nào để đảm bảo cho sự tiêu dùng đó. Trong một đất nước chưa sản xuất đủ cơm ăn, áo mặc,mà vẫn thấy người ta lái xe hơi như mắc cửi, người ta xài xăng như nước, người ta mua sắm như các bà hoàng… Tất cả đã có viện trợ Mỹ cung cấp. Thay cho sản xuất, đã có hàng nhập cảng. Thay cho tiền của làm ra, đã có tiền viện trợ. Một Tổng trưởng kinh tế ngụy đã từng nói: “Khỏi lo làm chi. Đằng sau quân đội Việt Nam Cộng hòa đã có trực thăng Mỹ. Đằng sau Bộ kinh tế, đã có đồng đô la Mỹ” (Báo Đại dân tộc, Sài Gòn 14-8-1973).
         
        Về phương diện kinh tế, cái xã hội tiêu dùng đó cũng giống như một người thọt mất một chân, tiêu dùng thì rất nhiều, mà sản xuất thì rất ít.Thế vào cái chân thọt đó, viện trợ Mỹ đã đem đến cho anh ta một cái nạng. Khi cái nạng đó mất thì anh ta chỉ còn biết ngồi kêu khóc. Anh ta đã chống cái nạng đó đi càng xa bao nhiêu thì bây giờ anh ta trở về càng khó khăn vất vả bấy nhiêu, tấn bi kịch của anh ta càng nặng nề bấy nhiêu. Đem đến cho anh ta cái nạng đó, viện trợ Mỹ không phải là giúp đỡ anh ta, mà đã đẩy anh ta vào tình trạng buộc phải giúp đỡ lại nó. Viện trợ Mỹ không muốn tạo ra sự phồn vinh của các dân tộc bằng cách giúp các dân tộc đó tự sản xuất ra nhiều của cải để sống sung túc và tiêu dùng đầy đủ. Nó chỉ sẵn sàng đưa xe hơi về bán trong các “salon”, đặt các trạm xăng trên mọi nẻo đường, và sẵn sàng tạo cho người ta vô số cơ hội để kiếm tiền: Đi lính, làm đĩ, bán “bar”, thông dịch, buôn lậu, ăn cắp… để mua sắm và tiêu xài hàng viện trợ.
         
        Tóm lại, Mỹ đã nuôi cả cái xã hội và nền kinh tế như một đưa trẻ bằng bầu sữa của viện trợ. Nhưng bầu sữa viện trợ Mỹ khác với bầu sữa mẹ, nó không giúp cho đứa trẻ đó khôn lớn lên để tự làm lấy mà ăn, tự tạo ra cơ nghiệp cho nó.
         
        Về cái bản chất này, thì chính người Mỹ và các nhân vật trong chính quyền ngụy cũng đã có lúc nói toạc ra.
         
        Jack Foisis, ký giả tờ Los Angeles Times viết: “Đưa quân đội Mỹ ra khỏi các khu rừng rậm còn dễ hơn nhiều so với việc đưa nền kinh tế miền Nam Việt Nam ra khỏi cái túi tiền của Mỹ” (Los Angeles Times 25-8-1970).
         
        Năm 1969, Nguyễn Cao Kỳ, do cả những bất mãn cá nhân lẫn những nỗi lo sợ chung của ngụy quyền, đã nói thật với báo chí: “Chúng tôi là một quốc gia nông nghiệp, thế mà chúng tôi không xây dựng nổi một nhà máy phân bón. Trong khi đó, chúng tôi lại nhập cảng xe cộ, máy vô tuyến truyền hình và nước hoa. Nói tóm lại, trong khuôn khổ kinh tế-xãhội hiện thời của Việt Nam, viện trợ Hoa Kỳ dành cho Việt Nam chỉ có một nhóm ít người Việt Nam hưởng lợi, trong khi đó đầu hết những người khác đều vẫn chịu đựng sống trong tình trạng của nền kinh tế rất thấp kém và không có những căn bản nào khả dĩ làm nền tảng đượccho sự phát triển kinh tế quốc gia” (Tuần san Phòng thương mại và công kỹ nghệ Sài Gòn, 10-10-1969).
         
        Viên Thống đốc quỹ phát triển kinh tế quốc gia Nguyễn Văn Hào nói: “Ở Việt Nam, không có cái cân phi phó, cũng không có ngân sách quốc gia, mà chỉ có tờ trả lương… Cái khó ở Việt Nam là không có vấn đề kinh tế nào đúng với kinh tế cả. Hầu hết chỉ dựa vào ngoại viện, hay ngoại thuộc, còn gọi là thuộc Mỹ. Nhưng Mỹ viện trợ rất ích kỷ. Mình cần cá để ăn, họ cho bao nhiêu cũng được, nhưng chiếc cần câu thì họ không cho, cách câu họ cũng không dạy” (Tuần san Phòng thương mạivà công kỹ nghệ Sài Gòn, 10-12-1971).
         
        Lâm Văn Sĩ, Tổng Giám đốc công ty kinh doanh kỹ nghệ Sofidiv viết: “Chúng ta dùng ngoại tệ của viện trợ Mỹ để tiêu xài. Chúng ta xài tiền của người khác và chúng ta lầm tưởng là chúng ta giàu. Tiêu xài nhưng không sản xuất. Người Mỹ rút đi, chúng ta sẽ trở về với sự thật phũ phàng” (Tuần san Phòng thương mại và công kỹ nghệ Sài Gòn, 12-5-1972).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2017, 05:28:18 am »

         
        Bây giờ ta xét qua các dự án về văn hóa, xã hội.
         
        Trong số các dự án này, phần dành cho y tế thường chiếm phần lớn hơn cả. Thời gian từ 1955 đến 1961, các dự án về y tế tốn 13,6 triệu đô la. Những năm chiến tranh ác liệt, khoản chi này càng tăng lên: Năm1964, hơn 5 triệu đô la, trong đó 4,1 triệu dành cho y tế nông thôn.Năm 1972, 13,9 triệu đô la. Tổng cộng, trong 21 năm các chương trình y tế tốn kém tới hơn 100 triệu đô la. Đối với một dân số chưa đầy 20 triệu dân, đó là một số tiền không nhỏ, mà nếu biết tận dụng, có thể làm thay đổi đáng kể màng lưới y tế. Nhưng nhìn vào cả nông thôn lẫn thành thị, thì thấy hệ thống y tế vẫn còn nghèo nàn. Ở các thành thị đã xây dựng một số bệnh viện khá đồ sộ. Nhưng thực ra, số giường nằm chưa bằng 10% tổng số bệnh nhân cần điều trị.
         
        Ở nông thôn, Mỹ tiến hành công tác y tế theo kiểu dã chiến. Mỗi khi mở chiến dịch hành quân bình định, thì cho hàng ngàn nhân viên y tế về tiêm, nghe, khám, cấp thuốc, chiếu phim và dán tranh cổ động vệ sinh, xịt thuốc muỗi, xét nghiệm nước giếng…. Việc quân xong, thầy thuốc rút, các xóm làng lại sống với những bệnh tật, ruồi muỗi và vi trùng như cũ.
         
        Nhìn chung về y tế miền Nam, có thể nhận xét: Bệnh tật thì rất nhiều, nhất là bệnh xã hội, nhưng thuốc thì hiếm và đắt. Đó là điều mà hầu hết các nhà báo quốc tế đều xác nhận.
         
        Vậy thì con số hơn 100 triệu đô la cho các dự án y tế biến đi đâu?
         
        Ngoài việc thổi phồng quá con số thực, gán ghép vào dự án y tế những khoản chi ít dính dáng đến y tế, thì còn một sự hao hụt lớn nữa: Tham nhũng. Tham nhũng là căn bệnh lan tràn trong mọi ngành, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
         
        Nhưng trong viện trợ y tế, nó trầm trọng hơn, vì khoản này dễ ăn cắp và gian lận hơn. Nhất là trong các chương trình có tính chất từ thiện và các chương trình y tế nông thôn, hầu như không ai kiểm soát được số đã phân phát thực tế. Các làng xã được các dự án y tế chiếu cố tới, tất nhiên không thể kiểm tra được số thuốc men và dụng cụ mà họ nhận được có đúng với mức quy định trong các dự án hay không. Theo điều tra của cơ quan kiểm tra thuộc Quốc hội Mỹ (GAO) thì có tới 75% số tiền của các dự án cứu tế đã không được cứu tế (AP Washington, 15-4-1972). Một tài liệu điều tra khác cho biết các quỹ của các dự án cứu tế thường hao hụt mất 60%.
         
        Ta thấy một sự phân công éo le: Tướng tá thì mở các chiến dịch bắn, phá, ném bom, thả chất độc… Vợ con tướng tá thì đem tới đó các xe cứu thương, thuốc men, bông băng… Nhưng cả hai đều rút được từ những công việc trái ngược đó một thứ như nhau là tiền của. Một bác sĩ ở bệnh viện Huế nói: “Các bà đứng ra đỡ đầu dự án chống bệnh phong tình, rồi bớt tiền ở đó về lập “bar”, mở hộp đêm, tiệm nhảy, nhà chứa, bao thầu thuyền khách sông Hương. Từ những chốn đó, họ thực hiện dự án bằng cách gửi đến cho chúng tôi các bệnh nhân để chạy chữa”.
         
        Các dự án về giáo dục thường chỉ bằng ½ hay 2/3 số dành cho các dự án về y tế: Thời kỳ 1955-1961 là 8,3 triệu, năm 1964 là 2,1 triệu,năm 1972 là 3,7 triệu. Hai trường lớn nhất và trang bị đầy đủ nhất ở miền Nam là trường Võ bị Đà Lạt và trường sĩ quan Thủ Đức, đều do viện trợ quân sự đài thọ. Các trường phổ thông và các trường đại học chỉ được dành cho một số tiền ít ỏi. Chính vì thế, hệ thống giáo dục và hệ thống trường sở ở miền Nam, nói chung là kém. Ta biết, ở các nước văn minh, các trường đại học thường là những tòa nhà lớn nhất và đẹp nhất của các thành phố. Ở miền Nam thì trường đại học vẫn chỉ là những cơ sở cũ, xây dựng thời Pháp.
         
        Tuy nhiên, nhìn vào nền giáo dục ở miền Nam, thấy số lượng sinh viên khá lớn, và nói chung họ học khá chăm chỉ. Phải kể đến một nguyên nhân trực tiếp rất quan trọng: Thanh niên tìm thấy ở trường đại học chỗ ẩn náu để tránh quân dịch - một tai nạn thường xuyên và khủng khiếp nhất đối với tuổi trẻ. Bắt lính càng ráo riết thì thanh niên chui vào các trường đại học càng nhiều và càng buộc phải học giỏi để khỏi bị gạt ra cái máy nghiền thịt khổng lồ của quân dịch.
         
        Bây giờ ta xét tới những quy chế và thể thức trong viện trợ theo dự án.
         
        Như đã nói, trong hình thức viện trợ này, Mỹ trực tiếp cung cấp và đài thọ cho các dự án, không quan ngân sách chính quyền bản địa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2017, 05:28:46 am »

         
        Trình tự của việc cấp viện trợ được tiến hành theo hai chiều:
         
        Các ngành, các cấp căn cứ vào nhu cầu, khả năng, lợi ích, mà lập ra các dự án. Trong đó phải thuyết minh được mấy điểm quan trọng nhất: Định làm gì, vì lý do gì, nếu làm được thì có lợi ích về các mặt như thế nào, khả năng hiện hữu, những khó khăn trong việc thực hiện, cần viện trợ cụ thể những gì, bao nhiêu, vào thời gian nào, tại đâu, ai chủ trì, ai đứng ra viện trợ, thời hạn hoàn thành dự án… Kèm theo bản tường trình này, có hồ sơ thiết kế của dự án (nếu là các công trình), hoặc hồ sơ về nội dung cụ thể của kế hoạch (nếu là các chương trình chính trị,văn hóa, xã hội). Ngoài ra, còn có một bản cam kết sẽ thực hiện đúng các điều phúc trình. Tất cả được nộp lên bộ chủ quản gọi là “chủ bộ ViệtNam” (Những dự án của các địa phương, trước khi nộp lên bộ phải nộp tại Văn phòng tỉnh trưởng hoặc Văn phòng vùng).
         
        Bộ chủ quản xem xét các dự án này, cũng căn cứ trên nhu cầu, khả năng, lợi ích, nhưng theo một nhãn quan rộng hơn, có tính đến mối liên quan giữa các ngành, các mặt, và đặc biệt là căn cứ vào khả năng chấp thuận của Mỹ. Thường thì ở cấp này, các dự án bị đẽo gọt kỹ lưỡng nhất, nhằm làm sao cho lọt qua được phái bộ viện trợ Mỹ (Các công chức và chuyên viên trong chính quyền ngụy thường nói rằng, sự nổi tiếng và do đó, tiêu chuẩn của một bộ trưởng, không phải là ở khả năng điều khiển ngành do mình phụ trách mà ở sự nhạy cảm chính xác về những điều kiện cùng những cơ hội để lấy được chữ ký của phái bộ viện trợ).
         
        Sau khi đẽo gọt kỹ càng, dự án được gửi tới số nhà 32 Ngô Thời Nhiệm, trụ sở của Phái bộ viện trợ Mỹ ở miền Nam (United StatesAgency for International Development-USAID). Bản dự án thuộc những ngành nào thì sẽ đưa trao cho các “bo” (Board, tức là Cục, Vụ) chuyên trách về các ngành đó nghiên cứu và xét duyệt (Nếu đó là các dự án của địa phương thì các “bo” này sẽ cùng xét duyệt với phái bộ USAID ở các tỉnh hay các vùng).
         
        Những dự án nào không qua khỏi các câu hỏi kiểm tra của USAID thì bị xóa bỏ.
         
        Các dự phát triển nghề trồng dâu và ươm tơ trên các triền sông Trung phần, bốn lần được gửi lên, đều bị bác bỏ cả bốn lần. Lý do chính thức là: để ngăn ngừa du kích ẩn náu ven sông, tập kích tàu bè, và để cho dân chúng không vì nghề tầm tang mà khó tập trung. Nhưng còn một lý do nữa: nếu thực hiện các dự án này, việc tiêu thụ bông sợi và tơ nhân tạo sẽ khó khăn.
         
        Nhà máy xi măng Hà Tiên do Pháp thiết kế và cung cấp thiết bị. Nếu thực hiện mở rộng nhà máy này, thì Pháp sẽ nắm được một khâu then chốt trong nền kinh tế Nam Việt Nam. Trong khi đó, Mỹ đã ký hiệp định mua xi măng của Đài Loan và Nam Triều Tiên để cung cấp cho Nam Việt Nam, trừ khoản nợ của hai nước này do mua lúa mì và bông của Mỹ. Dự án này bị “treo” mất mấy năm.
         
        Dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân bón được đệ trình liên tiếp nhưng cũng liên tiếp bị bác bỏ, mặc dầu chính Mỹ đề ra và hò hét nhiều nhất về cách mạng xanh, về tái thiét nông thôn… Mỹ muốn trực tiếp cung cấp phân bón cho nông dân.
         
        Những dự án nào đã lọt qua được các câu hỏi kiểm tra, hoặc chỉ còn các chi tiết chưa thích hợp, thì được sửa đổi lại, và ký duyệt, gọi là “dự án chấp thuận”. Phần lớn các “dự án chấp thuận” đều đã được điều chỉnh nhiều so với các dự án ban đầu.
         
        Cũng có một số dự án không phải do phía Việt Nam đề nghị mà do phía Mỹ gợi ý. Phái bộ viện trợ Mỹ, cơ quan thông tin Mỹ, tòa đại sứ Mỹ có khi nghị viện Mỹ hoặc bản thân Tổng thống Mỹ đề ra các chủ trương cho Nam Việt Nam. Chẳng hạn kế hoạch cải cách điền địa là do Quốc hội Mỹ và bản thân Nixon nêu ra. Kế hoạch ấp chiến lược là do Bộ Quốc phòng Mỹ đề ra. Trong những trường hợp này thì chính Mỹ cử người lập đề án, chẳng hạn Prosterman và Kleer trong dự án cải cách điền địa,Thompson trong dự án ấp chiến lược…
       
        Các “dự án chấp thuận” được gửi theo hai chiều: gửi về Mỹ để xin chuẩn chi ngân sách, và gửi cho bộ chủ quản ngụy quyền để thừa hành.
         
        Cũng như viện trợ thương mại hóa, loại viện trợ theo dự án chỉ dùng đồng đô la để tính toán thôi, chứ không cấp thẳng bằng đô la, trừ một vài khoản mục tối thiểu cần thiết (Đó là các món tiền túi cho các sinh viên, kỹ thuật viên đi tu nghiệp ở nước ngoài trong khuôn khổ các dự án, phí tổn trả cho các chuyên gia Mỹ và nước ngoài trong việc xây dựng và thi hành các dự án).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2017, 05:51:20 am »

         
        Mỹ đài thọ các dự án theo hai phương thức:
         
        - Tất cả các khoản vật tư, thiết bị, phương tiện, hàng hóa… tức là những nhu cầu về hiện vật, thì Mỹ cung cấp trực tiếp, từ viên thuốc chữa sốt rét, chiếc đèn pin, tấm thẻ căn cứ, bình thuốc xịt muỗi, đến những trái lựu đạn làm chảy nước mắt, từ nhựa đường, xi măng, tôn lá, dây cáp để xây nhà và cất cầu, đến ổ khóa và kìm rút móng tay ở các nhà tù…
         
        - Những khoản chi phí trong nước như mua vật tư nội hóa, thuê nhân công và trả tiền cho các hãng thầu, mua lương thực, thực phẩm cho công nhân xây dựng, chi cho các khoản phục vụ, tiền đền bù ruộng đất cho địa chủ, tiền cho nông dân vay để sản xuất thì Mỹ cấp bằng bạc Sài Gòn, lấy từ “Quỹ đối giá” (Đến đây có thể hiểu rõ thêm: vì sao Mỹ không để cho toàn bộ viện trợ thương mại hóa dồn vào ngân sách ngụy quyền mà lại đặt nó trong “Quỹ đối giá”. Chính nhờ có những quỹ này mà một phần đáng kể tiền viện trợ vẫn thuộc quyền sở hữu của Chínhphủ Mỹ). Đối với một số chương trình lớn, cần chi nhiều bạc Sài Gòn,như chương trình cải cách điền địa, “Quỹ đối giá” không đủ cung cấp, thì Mỹ cấp bằng hàng tiêu dùng bán vào nội địa, lấy tiền bỏ vào “Quỹđối giá” để chi cho dự án. Trong trường hợp đó, viện trợ theo dự án được thực hiện theo con đường giống như viện trợ thương mại hóa, chỉ khác ở chỗ mức thuế nhập nội địa thấp hơn nhiều, nhằm thu gần hết cho “Quỹ đối giá”.
         
        Vì sao Mỹ đặt ra hình thức viện trợ trực tiếp? Vì sao không gộp tất cả các loại viện trợ vào một hình thức?
         
        Khoa học quản lý Mỹ không tạo ra sự phức tạp và cồng kềnh một cách vô ích. Đặt ra hình thức viện trợ trực tiếp cho các dự án, Mỹ nhằm giải quyết những vấn đề sau đây:
         
        - Kẻ trực tiếp cấp tiền cho các dự án không phải là ngân sách ngụy quyền, mà là Mỹ, nhờ đó Mỹ có toàn quyền quyết định các dự án. Nếu để ngân sách ngụy quyền đài thọ các dự án, thì hơi thiếu lý lẽ để hủy chương trình xây dựng nhà máy ươm tơ ở Quảng Ngãi, hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy phân bón ở Biên Hòa, thiết kế các nhà máy đường chỉ để lọc lại đường thô nhập cảng chứ không có phân xưởng ép mía, trang bị cho các nhà máy giấy các máy móc của Nhật chứ không phải của Thụy Điển…
         
        - Bằng cách viện trợ trực tiếp cho các dự án, Mỹ vẫn có thể giúp ngụy quyền thực hiện tất cả các chương trình mà Mỹ thấy là cần thiết, nhưng vẫn khống chế ngân sách ngụy quyền trong một khuôn khổ nhỏ bé. Ngân sách ngụy về căn bản, chỉ đủ trả lương cho bộ máy quân sự và dân sự. Còn trong hầu hết các khoản kinh phí quan trọng khác, Mỹ vẫn trực tiếp nắm, nắm tất cả hoặc nắm phần quan trọng nhất. Một ngân sách quá lớn và quyền chu cấp quá rộng của chính quyền bản địa là điều mà lợi ích và sự an ninh của Mỹ không cho phép.
         
        - Do trực tiếp xét duyệt và đài thọ các dự án, Mỹ có thể ứng phó chủ động và nhanh chóng trước mọi biến động thất thường của tình thế. Khi tình thế đòi hỏi, Mỹ có thể lập tức đề ra các dự án và xúc tiến các dự án đó kịp thời theo ý muốn. Khi không muốn tiếp tục chương trình nữa, Mỹ có thể đình chỉ, thu hẹp, sửa đổi hoặc hủy bỏ các dự án ngay. “Chỉ có người của Washington mới thực hiện tốt các chính sách của Washington” (The Pentagon’ Papers đã dẫn), quan điểm đó của Tylor cũng chính là cái nguyên lý làm cơ sở cho hình thức viện trợ trực tiếp này.
         
        - Đặt các dự án ra ngoài quyền thảo luận và phê chuẩn của ngụy quyền, có nghĩa là không bắt buộc phải đưa ra bàn bạc và xét duyệt tại nghị viện Sài Gòn.
         
        - Có một số công trình mà hệ thống thiết kế và các công thức xây lắp thuộc bí mật quốc gia của Mỹ, Mỹ cần trực tiếp thi công. Ngụy quyền chỉ được sử dụng khi đã hoàn thành. Đó là một số công trình quân sự mang hình thức dân sự: sân bay, bến cảng, hệ thống viễn thông…
         
        Những công thức làm các đường chiến lược, một số cầu cống, một loạt các hóa chất và máy móc tinh vi, các bản mã số… và bí mật của Mỹ. Từ năm 1972, khi quân Mỹ bắt đầu rút đi nhiều, người ta thấy Mỹ bỗng thu hồi một loạt các phương tiện đã cấp. Tại một số công trình, Mỹ tháo gỡ hàng loạt thiết bị đem về hoặc hủy tại chỗ, rồi sau đó mới giao phần còn lại cho ngụy. Tại một số công trình khác, người ta lại thấy quân đội và nhân viên Mỹ tự tay tháo dỡ các thiết bị rồi trao cho ngụy quyền. Số còn lại cùng toàn bộ công trình thì được dùng mìn để phá hủy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2017, 06:22:17 am »

         
        IV. VIỆN TRỢ NÔNG PHẨM
         
        Viện trợ nông phẩm được gọi là “Chương trình lương thực vì hòa bình” (Food for Peace). Đây là hình thức viện trợ mà Mỹ đã thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới.
         
        Hình thức viện trợ này đã có mầm mống từ trong kế hoạch Marshall.
         
        Trong đại chiến thế giới thứ II, các quốc gia châu Âu bị tàn phá nặng nề. Sau chiến tranh, châu Âu gặp những khó khăn kinh tế rất lớn, đặc biệt là về lương thực và hàng tiêu dùng. Theo kế hoạch Marshall 16 nước tư bản châu Âu được Mỹ cho vay hàng hóa, nhất là lương thực.Cũng vì phải vay trong lúc khó khăn, các nước này đã chịu nhiều ràng buộc bất lợi. Tư bản Mỹ đã đi theo giấy đòi nợ để xâm nhập các nước này. Khối NATO được thành lập trên cơ sở ràng buộc những nước đã chịu sự giúp đỡ của kế hoạch Marshall. Một trong những nguyên tắc viện trợ trong kế hoạch này là phải sử dụng phần lớn số viện trợ đó vào ngân sách quốc phòng, theo đạo luật “Viện trợ phòng thủ chung”, do Quốc hội Mỹ định ra năm 1949.
         
        Sang những năm 50, Chính phủ Mỹ định mở rộng phương thức “Viện trợ” này ra các khu vực khác trên thế giới - châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh, nhưng không thành công. Khác với các nước châu Âu, các nước Á, Phi, Mỹ la tinh chưa có sẵn một cơ sở công nghiệp mạnh mẽ để phát triển kinh tế, do đó, khó có khả năng trả những khoản nợ vay của Mỹ.Vả lại, đến thời kỳ này, uy tín Mỹ không còn như những năm sau chiến tranh. Mỹ không còn đóng vai trò một cường quốc chống phát xít và bảo vệ các dân tộc nhỏ yếu. Mỹ đã dần dần trở thành một nguy cơ xâm lược đối với nhiều dân tộc, nhiều khu vực. Đâu đâu người ta cũng sợ Mỹ.
         
        Kế hoạch Marshall được thay thế bằng hình thức khác, mềm dẻo hơn.
         
        Năm 1954, Quốc hội Mỹ thông qua “công luật về viện trợ và phát triển mậu dịch nông phẩm”, thường được gọi là luật PL.480. Đến năm1960, khi Kennedy lên cầm quyền, để thi hành “chiến lược hòa bình” trong học thuyết “Biên giới mới” Chính phủ Mỹ đã mở rộng quy mô áp dụng đạo luật này và đổi tên là “Luật nông phẩm phụng sự hòa bình”.
         
        Tổng cộng, trong 21 năm, vị trí nông phẩm thừa của Mỹ cho Nam Việt Nam tới 1,2 tỷ đô la.
         
        Nhìn chung, khối lượng viện trợ này có xu hướng ngày càng tăng lên. Có năm, như năm 1974, lên tới trên 2 trăm triệu đô la. Điều đó có nghĩa là Nam Việt Nam, một nước chủ yếu sống bằng nông nghiệp, nay phải sống bằng nông phẩm của nước ngoài và ngày càng thiếu ăn hơn.
         
        Có một số năm, viện trợ nông phẩm thừa đã xấp xỉ bằng hoặc lớn hơn cả viện trợ thương mại hóa, đó là các năm 1967, 1968, 1969. Đây là thời kỳ Mỹ đưa quân viễn chinh ồ ạt vào miền Nam, mở rộng quy mô chiến tranh. Nông thôn bị tàn phá nặng nề. Dân số không sản xuất nông nghiệp tăng vọt, cộng với số nửa triệu quân viễn chinh, làm cho nạn thiếu lương thực trở nên trầm trọng. Lúc này tăng viện trợ nông phẩm có nghĩa là tiến hành chiến tranh xâm lược không phải chỉ bằng súng Mỹ, lính Mỹ, mà bẳng cả thức ăn của Mỹ.
         
        Về cơ cấu của viện trợ nông phẩm, có thể xét hai giác độ: xét theo từng loại nông sản và xét theo ba khoản mục của đạo luật PL.480.
         
        Nếu xét theo từng loại nông phẩm viện trợ cho Nam Việt Nam, thấy gạo chiếm phần lớn nhất, khoảng 50% tổng giá trị viện trợ nông phẩm.Từ năm 1965 đến 1974, tổng số gạo viện trợ đã lên tới 3,9 triệu tấn.Thứ hai là sữa, chiếm khoảng 17%. Thứ ba là bông vải 11%. Thứ tư là thuốc lá 10%. Thứ năm là một số ngũ cốc và tiền cước vận tải qua đại dương 4% (Cụ thể trong 10 năm, từ năm 1958 đến 1967: Tổng số viện trợ: 544,9 triệu đô la. Trong đó: gạo 268 triệu, sữa đặc và sữa bột 96triệu, bông 68,9 triệu, thuốc lá 57 triệu, bột mì 50,7 triệu, ngũ cốc khác 3,6 triệu, vận tải 9,9 triệu).
         
        Mục I, chiếm phần lớn nhất. Trong 20 năm mục này lên tới gần một tỷ đô la, chiếm gần 90% tổng số viện trợ nông phẩm (Ở các nước khác, mục này cũng chiếm tỉ lệ xấp xỉ vậy. Riêng một số nơi, thì tỷ lệ còn cao hơn, như ở Indonesia tới 96%, Malaysia-tới 100% (trong thời kỳ tương ứng)).
         
        Theo luật PL.480, số nông phẩm thuộc mục I được đem bán trên thị trường của nước nhận viện trợ. Thủ tục bán cũng giống như trong viện trợ thương mại hóa, tức là bán cho các nhà nhập cảng theo giấy phép nhập cảng mà phái bộ viện trợ Mỹ sở tại đã duyệt. Nhưng chế độ thanh toán thì có mấy điểm khác:
         
        - Cuớc phí do chính phủ Sài Gòn chịu (khác với viện trợ thương mại hóa, cước phí được khấu vào viện trợ)
         
        - Tiền bán nông phẩm bỏ vào mục 44-11 trong quỹ đối giá do Mỹ nắm, khác với tiền lương trong viện trợ thương mại hóa, bỏ vào mục44-20, do hai bên cùng quản lý.
         
        - Số tiền thanh toán của các nhà nhập cảng phải tính theo hối suất cao nhất trên thị trường Sài Gòn, thường cao gấp đôi so với hối suất trong viện trợ thương mại hóa. Để bù lại sự thiệt thòi này, hàng nông phẩm được miễn thuế hoặc chỉ phải nộp một số lệ phí rất thấp.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM