Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:06:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Giữ yên giấc ngủ của Người  (Đọc 15350 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 24 Tháng Tư, 2017, 03:29:51 am »

        
        - Tên sách: Giữ yên giấc ngủ của Người
        - Tác giả: Nhiều tác giả
        - Nhà xuất bản: Văn học (Tái bản ỉân thứ tư)
        - Số hóa: Giangtvx

        Chỉ đạo nội dung: THƯÒNG VỤ ĐẢNG UỶ VÀ BỘ TƯ LỆNH BẢO VỆ LĂNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

        Những người vìểí:

                NGUYỄN TRÍ HUÂN
                NGUYỄN BẢO
                CHU VÃN TẮC
                DOÃN ĐỨC XUÂN
                BÙI ĐOÀN CẨM
 



        "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta".

        (Trích Điếu văn cùa Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch ngày 9 tháng 9 năm 1969).


        Về việc riêng - suốt đời tôi hết lòng hết sức  phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mang, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

        Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phi thời giờ và tiền bạc của nhân dân.

        Cuối cùng, tôi đế lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.


(Trích Di chúc của Chủ tịrh Hồ Chí Minh (Bản công bố năm 1969)).        


        Sau khi Người qua đời, với tấm lòng kinh yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể theo nguyện vọng của toàn dân, Đảng và Nhà nước quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt thiêng liêng, chưa có tiền lệ ở Việt Nam.

        Với vinh dự và trách nhiệm được giao, gần 38 năm qua, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Bảo vệ Lăng đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, luôn "Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo", bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác ở trạng thái tốt nhất. Những nét đặc trưng của Người lúc sinh thời được giữ gìn nguyên vẹn.

        Để giúp bạn đọc hiểu thêm về sự nghiệp giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu từng phần cuốn sách "Giữ yên giấc ngủ của Người" được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 1990 (sau đó có bổ sung, tái bản nhiều lần). Nội dung cuốn sách đã thể hiện một cách chân thành và cảm động tình cảm kính yêu vô bờ bến của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và tình cảm quốc tế cao đẹp của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đối với Bác Hồ.

        Cuốn sách gồm lời nói đầu, lời giới thiệu và 6 chương:

                           Chương I: Những ngày tháng cuối cùng của Bác.
                           Chương II: Đơn vị đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt.
                           Chương III: Những nơi Bác yên nghỉ.
                           Chương IV: Công tác chuẩn bị.
                           Chương V: Ngày, đêm trên Quảng trường Ba Đình.
                           Chương VI: Đón Bác về Lăng.

BAN QUẢN LÝ LĂNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH        
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tư, 2017, 03:36:41 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2017, 05:35:19 am »

       
LỜI GIỚI THIỆU 1

        Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, thể theo ý nguyện rất thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, khi Người qua đời, Đảng và Nhà nước đã ra quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người.

        Để bảo vệ tuyệt đối an toàn và giữ gìn trọn vẹn thi hài Bác trong điều kiện ở một đất nước khí hậu nhiệt đới và chiến tranh đang diễn ra gay go, ác liệt, một bộ phận cán bộ và chiến sĩ quân đội và nhân dân ta đã trải qua hơn sáu năm trời vất vả, làm việc quên mình trên mặt trận thầm lặng này và họ đã lập nên những thành tích đặc biệt.

        Cùng với những công việc bảo vệ và giữ gìn thi hài Bác, việc xây dựng Lăng của Người trên Quảng trường Ba Đình lịch sử cũng là một thành tựu đặc biệt của quân và dân ta. Từ thiết kế đến thi công trong những điều kiện có nhiều khó khăn về vật chất và cuộc chiến đấu đang còn tiếp diễn, nhưng cả nước đã chung sức, chung lòng, góp công góp của để hoàn thành sớm việc xây dựng Lăng Bác - một công trình vĩnh cửu, vừa hiện đại, trang nghiêm, vừa mang màu sắc dân tộc. Đó là tấm lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính dâng lên Bác.

        Cuốn ký sự “Giữ yên giấc ngủ của Người” góp phần nói lên tấm lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đối với Bác, đồng thời cũng thể hiện rõ tình cảm và sự giúp đỡ quý báu của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô trong việc bảo vệ, giữ gìn mãi mãi thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người. Nhân dân ta vô cùng quý trọng và biết ơn sâu sắc sự giúp đỡ to lớn và quý báu đó.

        Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi thấy cuốn sách này là một món quà rất quý gửi đến đồng bào và chiến sĩ cả nước.

ĐỖ MƯỜI        

----------------
1.   Lời giới thiệu của Tổng bí thư Đỗ Mười cho lần xuất bản đầu tiên (năm 1990)



Chương I

NHỮNG NGÀY THÁNG CUỐI CÙNG CỦA BÁC

        Hiếm thấy trong lịch sử có con người nào mà tên tuổi và sự nghiệp lại gắn bó với vận mệnh của cả một dân tộc, một đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể tìm thấy hình ảnh của Người trong từng hơi thở của mỗi người dân và cũng có thể tìm thấy số phận mỗi người dân trong từng ý nghĩ của Người. “Bác Hồ”, đó là tên gọi trìu mến nhất, thiêng liêng nhất mà cả dân tộc đã dành để gọi vị lãnh tụ kính yêu của mình. Bác giản dị và gần gũi. Không có khoảng cách nào giữa một người dân bình thường với lãnh tụ lại được rút ngắn lại như vậy. Từ lâu Bác đã trở thành một lẽ sống không thể thiếu được trong đời sống chính trị và tinh thần của đất nước. Người là một cá nhân, nhưng Người cũng đã trở thành tất cả.

        Đã có biết bao nhiêu người anh hùng trước giờ phút hy sinh đã hô lớn “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Bác Hồ muôn năm!”. Lời hô giản dị và thiết tha ấy trước kẻ thù trên nhiều pháp trường đã vang lên như một lời thề, thể hiện khí phách “tận trung với nước, tận hiếu với dân” của người chiến sĩ cách mạng. Đó cũng là niềm mong mỏi da diết, là lời cầu chúc của người chiến sĩ cách mạng đối với sức khoẻ của Bác. Người sắp hy sinh cầu chúc cho Bác mãi mãi mạnh khoẻ, sống lâu, người sống cũng luôn khao khát Bác trường sinh cùng với dân tộc, với đất nước.

        Nhưng sức khoẻ của bác lại hoàn toàn ngoài ý muốn của toàn Đảng, toàn dân ta. Vào giữa những năm của thập kỷ sáu mươi. Cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang ở vào giai đoạn quyết liệt nhất. Nửa triệu quân Mỹ đã đổ bộ ồ ạt vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ tàn khốc nhất trong lịch sử. Tin tức về những người dân vô tội bị giết hại, những làng mạc trù phú ở miền Nam bị tàn phá đã trở thành nỗi đau nhức nhối thường xuyên của Bác.

        Cùng với tuổi tác, sức khoẻ của Bác cứ mỗi ngày một suy giảm. Đã có một câu chuyện kể lại rằng, thấy Bác suy giảm sức khoẻ vì hút thuốc lá nhiều, các bác sĩ đề nghị Bác không được hút thuốc nữa, Bác chấp hành. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, các bác sĩ lại phải để Bác hút thuốc trở lại vì bỏ thuốc, sức khoẻ của Bác có phần sa sút hơn. Điếu thuốc là người bạn duy nhất của Bác trong những giờ phút riêng tư, khi tất cả mọi người sau một ngày làm việc với Bác đều trở về với cuộc sống gia đình.

        Năm 1962, khi phái đoàn đầu tiên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc, trước khi về, thay mặt cho 14 triệu đồng bào miền Nam lúc đó, đoàn chỉ có một yêu cầu với Trung ương Đảng và nhân dân miền Bắc: “Phải cố gắng giữ gìn sức khoẻ của Bác cho thật tốt, để đồng bào miền Nam có thể được gặp Người khi nước nhà hoàn toàn thống nhất”.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Tư, 2017, 01:01:36 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2017, 05:37:25 am »

     
        Tháng 5 năm 1967, sau lễ mừng thọ nhân ngày sinh thứ 77 của Bác, Bộ Chính trị đã triệu tập một cuộc họp bất thường để bàn việc bảo vệ sức khoẻ của Người và chuẩn bị giữ gìn thi hài Bác lâu dài sau khi Người qua đời. Cuộc họp do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trì. Hội nghị đã xác định: vấn đề quan trọng đặt ra lúc này phải đảm bảo hai yêu cầu:

        1. Phải tuyệt đối giữ bí mật, nếu không nhân dân sẽ hoang mang lo lắng và bác sẽ phê bình Bộ Chính trị, không cho phép triển khai thực hiện chủ trương này.

        2. Phải chọn một số cán bộ y tế giỏi gửi sang Liên Xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài. Nhân sự cụ thể giao cho Ban Tổ chức Trung ương lựa chọn.

        Hội nghị cũng nhất trí giao nhiệm vụ đặc biệt này cho Quân uỷ Trung ương vì quân đội sẵn có truyền thống nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Mặt khác, Bộ Chính trị cũng chỉ định đồng chí Nguyễn Lương Bằng thay mặt cho Trung ương Đảng trực tiếp theo dõi và chăm sóc sức khoẻ của Bác.

        Vốn là một người sống giản dị, Bác luôn luôn lo lắng đến vận mệnh của dân tộc, của đất nước. Bác thường kêu gọi toàn Đảng, toàn dân ta thực hành tiết kiệm. Bởi vậy, quyết định trên của Bộ Chính trị là hoàn toàn trái với ý nguyện của Bác. Sau khi qua đời, Bác chỉ có một nguyện vọng: Hoả táng thi hài Bác, lấy tro đựng vào ba chiếc bình, đặt trên ba ngọn đồi thấp ở ba miền Bắc, Trung, Nam để đồng bào cả nước có thể đến với Bác và để Bác mãi mãi được gần gũi với dân, với nước. Bác còn dặn thêm rằng, trên mỗi ngọn đồi phải được trông thật nhiều cây có bóng mát và làm nhà để nhân dân có thể ngồi nghỉ mỗi khi lên viếng Bác.

        Nhưng việc giữ gìn thi hài Bác cho đời đời con cháu mai sau được chiêm ngưỡng lại là nguyện vọng thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân ta. Đó sẽ là phần thưởng vô giá mà Đảng ta dành cho các thế hệ tương lai của đất nước.

        Để công việc được triển khai sớm, Bộ Chính trị quyết định cử đồng chí Lê Thanh Nghị thay mặt Đảng và Chính phủ ta sang Liên Xô hội đàm đề nghị bạn giúp đỡ, từ công tác đào tạo cán bộ đến việc gìn giữ lâu dài thi hài Bác. Dĩ nhiên, chuyến đi này, đồng chí Lê Thanh Nghị cũng phải giấu không để Bác biết. Xuất phát từ lòng kính trọng và nhận rỗ vị trí lớn lao của Bác đối với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế, Đảng và Chính phủ Liên Xô khẳng định ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam không hoàn lại trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.

        Chuyến đi là một thành công lớn. Nhưng cũng bắt đầu từ đó, trong lòng mỗi người biết tường tận về sức khoẻ của Bác, bắt đầu xuất hiện một khoảng trông, một khoảng trống còn mơ hồ nhưng không gì có thể bù đắp: đó là sự thiếu vắng Bác trong tương lai mà mỗi người dân, mỗi người lính sẽ phải gánh chịu. Không ai muốn điều đó, nhưng lại không thể không nghĩ đến nó.

        Trong cuộc đời của Bác có nhiều nỗi đau, nhưng nỗi đau lớn nhất là nỗi đau miền Nam chưa được giải phóng, nước nhà chưa hoàn toàn được thống nhất. Năm 1966, khi tiếp một nhà báo Cu Ba, Bác đã đặt một bàn tay lên ngực mình nói rằng: “Nhân dân miền Nam, mỗi nhà, mỗi người đều có một nỗi đau, đem cộng tất cả những nỗi đau đó lại thì đấy là nỗi đau của tôi”. Cũng trong năm ấy, Người đã tuyên bố một chân lý bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chân lý đó, cho đến bây giờ vẫn vang lên trên khắp hành tinh, trở thành lẽ sống của nhiều dân tộc còn chưa giành được độc lập, tự do thực sự.

        Miền Nam luôn luôn ở trong trái tim Bác và Bác cũng luôn có trong trái tim của mỗi người dân miền Nam. Còn nhớ năm 1946, trước quốc dân, đồng bào, trước nguy cơ miền Nam bị đe dọa, nước nhà bị chia cắt, Bác đã khẳng định: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

        Trong những tháng năm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có ngày nào Bác không gọi điện hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tình hình chiến sự ở miền Nam? Được vào miền Nam là nguyện vọng da diết trong những năm cuối đời của Bác. Nhiều lần, Bác đề nghị Bộ Chính trị bố trí để Bác được vào thăm đồng bào miền Nam theo đường mòn Trường Sơn, hoặc đường hàng không Hà Nội – Phnôm Pênh, nhưng nhận thấy sức khoẻ của Bác không bảo đảm cho chuyến đi, nên Bộ Chính trị đã tìm mọi cách trì hoãn chuyến đi ấy vì trước đây, sau chuyến đi thăm đồng bào Thái Bình trở về, Bác đã bị bệnh co thắt động mạch não.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2017, 05:42:33 am »


        Vào mùa xuân năm 1968, theo lời mời của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, Bác sang Bắc Kinh nghỉ ngơi và chữa bệnh. Đồng chí Lê Đức Thọ trước khi vào miền Nam công tác đã sang Bắc Kinh chào Bác. Khi nghe đồng chí Lê Đức Thọ báo cáo về chuyến đi sắp tới, Bác lại tha thiết đề nghị Bộ Chính trị bố trí để Bác đi miền Nam. Bác bảo: “Chú vào trong đó bàn với chú Hùng (Phạm Hùng) bố trí để Bác vào thăm đồng bào miền Nam”. Đồng chí Lê Đức Thọ khéo léo từ chối, nói rằng: Bác chỉ có thể đi đường hàng không qua Phnôm Pênh. Muốn vậy phải làm hộ chiếu và người ta dễ dàng nhận ra Bác vì Bác có râu. Bác bảo: Thì Bác cạo râu đi. Nhưng cạo râu thì đồng bào miền Nam không còn nhận ra Bác nữa - đồng chí Lê Đức Thọ trả lời. Bác ngồi yên và rất buồn. Lát sau Bác lại bảo cho Bác đi theo đường biển. Hồi đó, tàu chở vũ khí tiếp tế cho chiến trường miền Nam vẫn cập cảng Xi-ha-núc-vin. Bác sẽ cải trang làm một thuỷ thủ hoặc được giấu dưới hầm tàu… Phương án đã được Bác vạch ra tỉ mỉ, chi tiết, khó có thể từ chối được. Nhưng cũng như lần trước, đồng chí Lê Đức Thọ lại khéo léo trì hoãn, và hứa: Tình hình còn nhiều khó khăn, Bộ Chính trị sẽ cố gắng thu xếp để đồng bào miền Nam có thể sớm được gặp Bác. Lúc chia tay, Bác đã ôm lấy đồng chí Lê Đức Thọ khóc. Trong lòng người học trò, người đồng chí của Bác hôm ấy và suốt cả chuyến đi, lúc nào cũng canh cánh một nỗi lo, sợ rằng khi hoàn thành nhiệm vụ trở về có thể sẽ không còn được gặp Bác nữa.

        Mồng một Tết Nguyên đán năm 1969, Bác đến thăm Quân chủng Phòng không - Không quân, sau đó đi theo quốc lộ 11 lên chúc tết đồng bào huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Đây là chuyến đi xa cuối cùng của Bác. Buổi trưa, ngồi nghỉ ăn cơm dưới một gốc đa ven đồi, nhìn những bóng người đang cắm cúi làm cỏ dưới cánh đồng ven đường, Bác cười quay sang đồng chí Kháng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ nói vui: “Nhân dân mình chăm chỉ thật, mông một tết vẫn đi làm”. Và Bác đột ngột hỏi: “Này, có phải quân của chú không?”. Đồng chí Kháng bối rối “dạ” khẽ. Những năm ấy, đất nước còn chiến tranh nên việc bảo vệ an toàn cho chuyến đi của Bác luôn là nhiệm vụ hàng đầu của Cục Cảnh vệ.

        Sau chuyến đi đó trở về, sức khoẻ của Bác vẫn bình thường, nhưng kiểm tra kỹ điện tim, các bác sĩ thấy sóng tim đều đảo ngược. Hội đồng bác sĩ chẩn đoán Bác đang bị nhồi máu cơ tim bước đầu. Trước những dấu hiệu không lành ấy, Bộ Chính trị quyết định mời các giáo sư và bác sĩ Trung Quốc sang điều trị cho Bác.

        Tháng 5 năm 1969, Bác sửa chữa lần cuối bản Di chúc nổi tiếng. Bản Di chúc này, Bác bắt đầu viết từ mùa hè năm 1965 mà Bác thường gọi là “Tài liệu tuyệt đối bí mật”. Nó “tuyệt đối bí mật” không phải ở nội dung mà ở chỗ, Bác không muốn cho mọi người biết Bác đang làm cái công việc cuối cùng của một đời người. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác kể lại rằng, Bác thường viết vào những giờ nhất định trong ngày. Có lần, đồng chí Trường Chinh gọi điện xin phép làm việc với Bác đúng vào giờ Bác đang viết bản “Tài liệu tuyệt đối bí mật”. Biết Bác không thể tiếp khách vào giờ đó, để đến chiều thì Bác bận. Đồng chí Vũ Kỳ đã khéo léo bố trí để đồng chí Trường Trinh đến ăn cơm trưa với Bác, vừa ăn vừa làm việc.

        Bấy giờ Bác đang đọc lại và sửa chữa lần cuối cùng bản Di chúc ấy. Đó là những ngày nắng nóng ở Hà Nội. Khu vườn Chủ tịch phủ đầy bóng cây, nhưng không khí rất oi nóng, ngột ngạt. Bác vẫn duy trì nếp sinh hoạt như mọi ngày. Buổi sáng dậy tập thể dục, tưới cây, ăn sáng và dành phần cho cá ăn. Những bước chân của Bác lên xuống cầu thang đã chậm chạp và khó khăn dần. Tuy vậy, Bác vẫn cố gắng để những người phục vụ, những đồng chí lãnh đạo đến làm việc với Bác không nhận thấy điều đó.

        Một lần, theo Bác đi dạo trong vườn, thấy trời nắng nóng, đồng chí Mẫn, bác sĩ trong tổ y tế đặc biệt được cử đến chăm sóc sức khoẻ Bác cầm theo một chiếc quạt lông chim quạt cho Bác. Bác tỏ vẻ không hài lòng: “Các chú làm cứ như đi hầu vua!”. Biết Bác không thích người khác quạt cho mình và hơn nữa là cái quạt làm bằng lông chim quý, đồng chí Mẫn đã chặt một tàu lá cọ trong vườn, cắt ra làm quạt đưa cho Bác. Bác rất thích chiếc quạt này, vừa có thể che nắng, vừa có thể quạt mát. Từ đó, quạt lá cọ trở thành loại quạt rất phổ biến trong Phủ Chủ tịch. Để khỏi nhầm lẫn với những chiếc quạt khác. Bác cẩn thận lấy thuốc là châm chữ B vào quạt của mình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2017, 01:00:42 am »

 
        Cũng trong tháng 5 rất đáng ghi nhớ này, các cán bộ cao cấp toàn quân đã đến thăm và mừng thọ nhân dịp Bác 79 tuổi. Đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cùng dự trong buổi gặp mặt đầy lưu luyến và xúc động ấy. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân uỷ Trung ương Bộ Quốc phòng và toàn quân lên chúc Bác mạnh khoẻ, sống lâu, hứa với Bác quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ để đón Bác vào thăm miền Nam. Đồng chí Vương Thừa Vũ thay mặt anh em ôm một bó hoa lớn lên mừng thọ Bác. Bác ngồi trên chiếc ghế tựa, cảm động nhận hoa và cảm ơn các chú ở quân đội luôn quan tâm tới sức khoẻ của Bác. Bác bảo các chú đánh thắng giặc là Bác vui, Bác khoẻ ra nhiều… Giọng Bác ấm áp, quen thuộc nhưng nhỏ và thỉnh thoảng Bác đã phải dừng lại nghỉ.

        Buổi gặp mặt hôm ấy, các tướng lĩnh ai cũng thầm nghĩ, có lẽ đây là lần cuối cùng họ được gần Bác, được nghe tiếng nói âm vang đầy trìu mến của Người.

        Buổi chiều ngày 12 tháng 8, trời mưa dông. Gió giật từng cơn ào ào trên những lùm cây trong vườn. Bác chợt nảy ra ý định lên nhà nghỉ Hồ Tây thăm phái đoàn ta mới ở Hội nghị Pa-ri về đang nghỉ tại đó. Hôm đó xe đưa Bác đến tận nơi để Bác thăm các đồng chí trong phái đoàn.

        Ngày hôm sau, Bác húng hắng ho, bác bị nhiễm lạnh, phế quản bị viêm và khi kiểm tra thấy bạch cầu tăng so với ngày hôm trước. Các giáo sư và bác sĩ hội chẩn, quyết định để Bác uống kháng sinh nhưng không đỡ. Ngày 23 phải dùng pê-ni-xi-lin tiêm cho Bác. Khoảng 9 giờ tối hôm ấy, Bác thấy đau trong lồng ngực. Các bác sĩ vội đình chỉ tiêm và làm điện cơ tim ngay, thấy rõ rệt có phản ứng nhồi máu cơ tim thành sau tim. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ lại quyết định tiêm cho Bác.

        Đến ngày 28 tháng 8, tim Bác bắt đầu có dấu hiệu loạn nhịp và rối loạn phần truyền nhĩ thất. Trong những ngày đêm căng thẳng ấy, ngày nào các đồng chí trong Bộ Chính trị cũng đến thăm Bác và báo cáo với Bác tình hình chiến trường ở hai miền. Mỗi tin chiến thắng đều làm gương mặt Bác rạng rỡ hẳn lên. Lần nào Bác cũng nói: “Hôm nay Bác khoẻ hơn hôm qua”. Nhưng thực tế thì ngược lại.

        Chiều ngày 30 tháng 8, đồng chí Phạm Văn Đồng sang, Bác còn hỏi: “Các chú chuẩn bị lễ kỷ niệm Quốc khánh đến đâu rồi”. Nghe đồng chí Phạm Văn Đồng báo cáo, Bác dặn: “Các chú nhớ phải bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân”. Nhưng Bác đang bệnh, làm sao có thể bắn pháp hoa được.

        Ngày 31, Bác thèm ăn một bát cháo. Các đồng chí phục vụ vội nấu cho Bác một tô cháo thật ngon. Thấy Bác ăn hết, ai cũng mừng. Nhưng tối hôm đó, lễ kỷ niệm Quốc khánh ở Hội trường Ba Đình diễn ra trong không khí đầy lo âu trên nét mặt các đồng chí trong Bộ Chính trị.

        Nghe tin bộ đội tên lửa Hà Nội bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ ngày 30 tháng 8, nên hôm đó ( ngày 31 tháng 8 ), Bác bảo Văn phòng gửi tặng lẵng hoa cho đơn vị vừa lập công. Đó chính là lẵng hoa cuối cùng của Bác mà chiến sĩ tên lửa sư đoàn 361 được đón nhận.

        9 giờ 47 phút ngày mồng 2 tháng 9, trái tim Bác ngừng đập. Cho đến những giây phút cuối cùng ấy, đồng bào miền Nam và Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng vẫn mãi mãi còn lại trong trái tim vĩ đại của Người.

        Đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, sự ra đi đột ngột của Bác là một nỗi đau, một tổn thất vô cùng to lớn không gì bù đắp nổi.

        Mông 2 tháng 9, ngày Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng khai sinh ra Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Đông Nam Á hai mươi bốn năm trước cũng là ngày Người vĩnh biệt chúng ta! Đây là mọt sự trùng hợp thật lạ lùng, không sao giải thích được. Để nhân dân có thể kỷ niệm lễ Quốc khánh thật yên tĩnh, Bộ Chính trị quyết định công bố ngày mất của Bác lùi lại một ngày: ngày mồng 3 tháng 9.

        Có lẽ trong thời đại chúng ta, sau cái mất của Lê-nin chưa có sự ra đi nào lại gây chấn động lớn đối với loài người tiến bộ như sự ra đi của Bác. Khi đai phát thanh vừa đưa tin, trời đất như ngừng lại trong nỗi đau khôn xiết và cái cảm giác trống vắng như bao phủ lên toàn bộ đất nước.

        Nắm ấy, trong những ngày để tang Bác, trời đổ mưa tầm tã. Vòm trời Ba Đình như trĩu nặng một nỗi buồn. Thiên nhiên như cũng đau nỗi đau của con người. trên các đường phố ở Thủ đô, trên các làng mạc, những dòng sông và những cánh rừng, người dân để tang Bác thật giản dị và trang nghiêm. Những giọt nước mắt hoàn lẫn nước mưa chảy mãi như không bao giờ hết trong niềm tiếc thương vo hạn của con người.

        Nhưng có lẽ nỗi đau đến với mỗi người dân, mỗi người lính trên chiến trường miền Nam da diết hơn, day dứt hơn, bởi ai cũng cảm thấy ân hận chưa làm xong sứ mệnh được Đảng giao phó. Đấy là sứ mệnh giải phóng miền Nam, đón Bác vào thăm dải đất luôn luôn nhức nhối trong trái tim của Người.

        Năm ấy, ở đồng bằng sông Cửu Long, những người dân Nam Bộ đã dựng đền thờ bác bên bờ những con kênh, những rừng đước, rừng tràm bạt ngàn, để mỗi người dân khi chống xuồng qua đều có thể bước lên viếng Bác. Những ngôi đền mộc mạc và đơn sơ ấy vẫn còn mãi cho đến bây giờ. Ở chiến trường miền Trung, nhiều chiến sĩ đi hai ba ngày trời lên núi cao tìm củ trầm về làm nhang thắp trên bàn thờ Bác… Nỗi đau vò xé được nén chặt trong tâm khảm họ.

        Cũng ngay sau khi nghe tin Bác mất, hàng trăm đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước và các tổ chức quốc tế đã xin được đến Việt Nam viếng Bác. Hàng vạn bức điện đã được gửi tới Trung ương Đảng, Chính phủ ta chia buồn với những lời lẽ đầy thương tiếc và kính trọng.

        Cùng với dân tộc Việt Nam, Bác đã trở thành lẽ sống, thành lương tâm của thời đại.

        Bác đã ra đi và một cuộc đời mới của Bác lại được bắt đầu, được tái sinh trong lòng mỗi người dân, mỗi người lính. Việc xây dựng Lăng và giữ gìn thi hài Bác trở nên hết sức bức thiết trong thời gian đó. Nhưng để được ngày đón Bác vào Lăng trên Quảng trường Ba Đình những người dân, và những người chiến sĩ đã phải trải qua biết bao thử thách gian khổ với một sức lực và trí tuệ phi thường. Đoàn 969 là đơn vị được vinh dự thay mặt cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giữ gìn thi hài Bác và bảo vệ Lăng - Nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Người.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2017, 01:11:51 am »



Chương II

ĐƠN VỊ ĐẶC BIỆT, NHIỆM VỤ ĐẶC BIỆT

1

        Ngày 2 tháng 9 năm 1967, chiếc xe Skô-da của Tổng cục Đường sắt, chở một tổ y tế lặng lẽ rời Hà Nội. Lúc ấy vào khoảng 6 giờ chiều, thành phố đã lên đèn, nhưng những dòng người đầu đội mũ rơm, vai mang súng vẫn qua lại náo nhệt trên đường phố. Xen lẫn trong dòng người là những đoàn xe kéo pháo, xe chở hàng phủ bạt kín mít, đầy bụi đường, ùn tắc lại ở lối rẽ xuống cầu phao bắc ngang sông Hồng để lên phía Bắc.

        Đó là gia đoạn quyết liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Bị thất bại nhục nhã sau hai mùa khô phản công chiến lược, Giôn-xơn điên cuồng tung thêm những đơn vị tinh nhuệ nhất vào chiến trường miền Nam và tăng cường đánh phá miền bắc. Những phi đội AD.6, F.105, F.4 từ Cò-rạt, gây tang tóc cho các làng mạc, thành phố trên miền Bắc. Còi báo động của Thủ đô chốc chốc lại rú lên cùng với giọng người phát thanh viên báo tin máy bay địch đang vào Hà Nội. Tiếp đấy hoặc là tiếng súng cao xạ nổ ran ở ngoại ô, hặc là một khoảnh khắc im lặng, căng thẳng cho đến khi giọng người phát thanh viên trầm tĩnh vang lên báo tin máy bay địch đã đi xa…

        Trong những ngày ấy, ngoài Bộ Chính trị và tổ y tế, không mấy ai biết được sức khoẻ của bác đang mỗi ngày một suy giảm. Ngay từ những năm 1966, sau chuyến đi thăm đồng bào tỉnh Thái Bình trở về, bác đã bị liệt nhẹ nửa người bên trái, đi lại đã phải chống gậy. Được sự chăm sóc tận tình của các bác sỹ, kết hợp với sự rèn luyện phi thường của Bác, sức khoẻ Bác dần dần hồi phục nhưng đó cũng là dấu hiệu đầu tiên, báo hiệu sự thiếu ổn định trong cơ thể Người.

        Một buổi sáng, thiếu tá bác sỹ Nguyễn Gia Quyền, chủ nhiệm khoa giải phẫu bệnh viện 108, trưởng phòng pháp y Cục Quân y; bác sỹ Lê Ngọc Mẫn, chủ nhiệm khoa nội tiết bệnh viện Bạch Mai và bác sỹ Lê Điều, chủ nhiệm khoa ngoại bệnh viện Việt – Xô được đồng chí Lê Đức Thọ triệu tập lên Văn phòng trung ương giao nhiệm vụ sang Liên Xô học tập. Đồng chí Nguyễn Gia Quyền được cử làm tổ trưởng. Trong buổi giao nhiệm vụ, đồng chí Lê Đức Thọ căn dăn: Đây là một công việc tối mật, tất cả mọi việc chúng ta đều làm theo lời Bác, không giấu Bác điều gì, nhưng riêng việc này tuyệt đối không được để Bác biết. Nếu biết, Bác sẽ buồn, và sẽ không cho phép thực hiện kế hoạch. Đồng chí Lê Đức Thọ còn dặn thêm: ngay đối với vợ con cũng không được tiết lộ một chi tiết nào về nhiệm vụ của chuyến đi này.

        Xe chạy sang bờ bắc sông Hồng thì trời ập tối. Tuy vậy, dấu vết tàn phá của những cuộc ném bom trong ngày vẫn còn hiện rõ ở hai bên đường. Khắp nơi, những người dân, những người lính đang sôi động chuẩn bị cho trận đánh ngày hôm sau. Hầu hết những đoàn xe, đoàn tàu hối hả đổ về phía nam. Riêng chiếc Skô-đa chở tổ y tế thì cứ ngược mãi lên phía bắc, hồi đó được coi là hậu phương lớn của cả nước.

        Đến ga Đồng Đăng, ba người lên tàu liên vận sang Bắc Kinh đi Mat-xcơ-va. Đón đoàn tại nhà ga Thủ đô Mát-xcơ-va có đồng chí La-du-nốp, đại diện Văn phòng trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Đoàn được bố trí ăn, nghỉ tại khách sạn Tháng Mười.

        Vừa mới đặt chân đến khách sạn, bạn đã mời đoàn làm việc ngay, và ngày hôm sau, đoàn được đưa tới Viện nghiên cứu Lăng Lê-nin để trao đổi về chương trình và kế hoạch học tập. Tại cuộc họp mặt này, đồng chí viện trưởng Đê-bốp cho biết chương trình học tập của đoàn gồm hai phần: lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết chủ yếu là đọc tài liệu ở Viện. Phần thực hành do giáo sư Xa-rô-va-tốp, người đã tham gia ướp giữ thi hài Đi-mi-tơ-rốp trực tiếp hướng dẫn.

        Ngày thứ hai, đồng chí viện phó Rô-ma-cốp dẫn đoàn vào Lăng viếng Lê-nin và tiếp sau đó là những ngày học tập căng thẳng. Bạn đã dành hẳn cho đoàn phòng làm việc của đồng chí viện phó làm nơi nghiên cứu, đọc tài liệu, chủ yếu là các tài liệu về bảo quản thi thể từ cổ chí kim trên thế giới mà tiêu biểu là cổ Ai cập, Liên Xô và Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2017, 10:44:35 pm »


        Hết phần lý thuyết, đoàn được chuyển sang bộ phận dành riêng cho việc bảo quản thi thể do giáo sư Xa-rô-va-tốp phụ trách. Đối tượng nghiên cứu thực hành là thi thể của người già trên 60 tuổi, vì thế việc tìm kiếm thi thể ở lứa tuổi này rất khó khăn. Nhiều ngày trời lạnh, mưa tuyết phủ trắng trên các đường phố đồng chí Xa-rô-va-tốp vẫn tìm đến các bệnh viện cách xa Thủ đô hai ba trăm cây số để tìm kiếm tử thi cho đoàn thực tập.

        Biết rằng thời gian dành cho việc học tập không được nhiều, cả ba người đã dồn hết tâm lực vào những đường dao, mũi chỉ tranh thủ học hỏi, cố gắng tiếp thu những kiến thức trong một lĩnh vực khoa học mới mẻ và phức tạp. Nhiều hôm, ba người đã phải làm việc suốt ngày trong phòng kín, không khí hết sức ngột ngạt, khó thở, bởi mùi hoá chất xông lên nồng nặc.

        Ban ngày làm việc, học tập, đêm về khách sạn, đoàn lại tập trung trao đổi, rút kinh nghiệm, đọc thêm tài liệu. Ngày nào cũng dành thời gian nghe đài, theo dõi tin tức Tổ quốc. Một ngày trôi qua yên tĩnh là một ngày nhẹ nhõm nhưng không khỏi thắc thỏm những lo âu cho ngày mới đến. Không ai bảo ai, nhưng cả ba đều lo có chuyện không hay xảy ra với Bác trong khi họ đang còn ở Liên Xô. Cho đến ngày cuối cùng, lúc đã ngồi trên con tàu liên vận trở về Tổ quốc ba người mới thở phào, yên dạ khi buổi sáng và buổi chiều, đài phát thanh Hà Nội vẫn chỉ báo tin chiến thắng. Nghe giọng người phát thanh viên, cả ba đều hiểu: Họ đã không về muộn và bác của chúng ta vẫn mạnh khoẻ.

        Về hôm trước, hôm sau đoàn đến báo cáo tình hình kết quả học tập với đồng chí Nguyễn Lương Bằng, bấy giờ là trưởng ban bảo vệ sức khoẻ của Bác. Sau bảy tháng trời học tập, thực nghiệm trên đất bạn, tổ y tế đã có thể hoàn toàn đảm đương được công việc ướp giữ thi hài trong giai đoạn đầu từ 15 đến 20 ngày. Giai đoạn tiếp theo, bạn sẽ trực tiếp sang giúp đỡ. Vì thế, tổ y tế không nghiên cứu học tập quy trình bảo quản lâu dài. Tổ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong học tập và thực nghiệm. Tổ hứa với đồng chí Nguyễn Lương Bằng sẽ cố gắng tiếp tục nghiên cứu, kết hợp giữa phương pháp hiện đại của bạn với phương pháp cổ truyền của dân tộc.

        Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và tình hình sức khoẻ của Bác, tổ được chia làm hai bộ phạn: Bác sĩ Lê Ngọc Mẫn được vinh dự vào Phủ Chủ tịch cùng với bác sỹ Nhữ Thế Bảo theo dõi và chăm sóc sức khoẻ của Bác. Đồng chí Nguyễn Gia Quyền và Lê Điều được lệnh thành lập tổ y tế đặc biệt nằm trong khoa giải phẫu bệnh lý bệnh viện 108 do Quân uỷ Trung ương trực tiếp chỉ đạo.

        Buổi chiều ngày 19 tháng 8 năm 1968, bác sỹ Lê Ngọc Mẫn vào Phủ Chủ tịch gặp bác. Lúc đó Bác đang đi bộ từ nhà sàn sang nhà ăn. Nghe đồng chí Vũ Kỳ thư ký riêng của Bác giới thiệu, tuy Bác không hài lòng nhưng Bác vẫn ôn tồn bảo: “Bác có một mình mà những hai bác sỹ. Trong khi đó nhân dân, bộ đội, trẻ em còn rất thiếu thầy thuốc”. Ngừng một lát, Bác nói tiếp: “Nhưng Bộ Chính trị đã quyết thì Bác nhận, Bác cũng nói trước cho chú biết, người già trong lúc lâm bệnh thường khó tính, các chú phải hết sức thông cảm cho Bác”.

        Từ hôm đó, bác sỹ Lê Ngọc Mẫn và bác sỹ Nhữ Thế Bảo thường xuyên có mặt bên cạnh Bác. Cuối năm 1968, Bác vẫn duy trì rất đều đặn nếp sinh hoạt và rèn luyện hàng ngày. Sáng, 5 giờ 30 phút bác dậy xuống nhà hầm đánh răng, rửa mặt. Sau đó đi bộ sang nhà ăn, ăn sáng. Rồi tiếp khách và trở về nhà sàn làm việc. 11 giờ 30 phút Bác lại sang nhà ăn, ăn trưa. Buổi chiều, Bác thường tập thể dục, ném bóng, đi bách bộ theo đường món sang tận chùa Hội Đồng. Bác hết sức chú ý tới những hàng cây mọc hai bên đường, luôn luôn đặt câu hỏi về cây này, cây kia… nhiều hôm trời nóng, Bác vẫn không từ bỏ những cuộc đi bộ và thường thở dài bảo bác sỹ Mẫn: “Mình đi chơi không mà còn toát mồ hôi, huống hồ là công nhân hầm lò, các pháo thủ trực chiến… Cần phải lo nước giải khát cho họ”.

        Luôn luôn quên mình, nghĩ đến dân, đến bộ đội là phẩm chất của Bác. Năm ấy, bác đã 78 tuổi. Không ai nghĩ rằng, chưa đầy một năm sau, bác đã vĩnh biệt chúng ta, vĩnh biệt khu vườn đầy hoa trái mà Người đã gieo trồng từ những năm đầu về Hà Nội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2017, 10:47:12 pm »

       
2

        Tổ y tế đặc biệt được chính thức thành lập vào tháng 6 năm 1968, do bác sỹ Nguyễn Gia Quyền làm tổ trưởng. các tổ viên gồm có: đại uý bác sỹ Lê Ngọc Mẫn, thượng uý bác sỹ Lê Điều, thiếu uý bác sỹ Nguyễn Văn Châu, y sỹ Đỗ Trung Hát và hộ lý trưởng Phạm Ngọc Am. Để tổ y tế có thể bắt tay ngay vào thực hành thí nghiệm gìn giữ thi hài ở điều kiện khí hậu nhiệt đới , Quân uỷ Trung ương đã chỉ thị cho Bộ tư lệnh Công binh lựa chọn một số cán bộ, chiến sĩ tốt về viện Quân y 108 xây dựng phòng thí nghiệm đặc biệt và đó sẽ là nơi yên nghỉ đầu tiên của Bác trước khi hoàn thành công trình Lăng mà bấy giờ đây mới chỉ là đồ án thiết kế.

        Nhận nhiệm vụ, từ địa điểm sơ tán một số cán bộ kỹ thuật phòng công trình Bộ tư lệnh Công binh gồm các đồng chí Nguyễn Trọng Quyền, Bùi Danh Chiêu, Lam Sinh và Trần Thanh Vân, do đồng chí  Nguyễn Trọng Quyền phụ trách hành quân gấp về Hà Nội, vừa ổn định chỗ ăn, ở, vừa khảo sát hiện trường, vừa lập phương án thiết kế sơ bộ, cũng không kịp tìm hiểu công trình phục vụ ai, nhằm mục đích gì, chỉ được biết: đây là một công trình đặc biệt, phục vụ một nhiệm vụ đặc biệt, dòi hỏi kỹ thuật cao so với khả năng, phương tiện hiện có của đơn vị.

        Phải thiết kế và thi công một công trình phức tạp, bảo đảm nhiệt độ thường xuyên 16 độ C, chỉ được phép dao động trên dưới 0,2 độ C. Độ ẩm phải giữ ổn định 75% trong điều kiện không có gió lùa và phải vô trùng tuyệt đối. Đây là một khó khăn lớn. Mặt khác, qua mấy năm chiến tranh phá hoại, một số cơ sở điện nước bị địch đánh phá hư hại nặng, không thể đảm bảo điện nước 24/24 giờ cho công trình. Các cơ quan Trung ương lại ở nơi sơ tán, việc trao đổi kinh nghiệm, học hỏi thêm kỹ thuật, tìm kiếm phương tiện, vật tư bị hạn chế lớn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy nhưng nhóm cán bộ kỹ thuật vẫn quyết tâm chuẩn bị thi công. Theo chỉ thị của Bộ tư lệnh Công binh, cả hai lực lượng thiết kế và thi công phải song song triển khai cùng một lúc mới bảo đảm tiến độ. Quá trình thi công cũng là quá trình vừa bổ sung hoàn chỉnh thiết kế. Chỉ ít ngày sau, lực lượng thi công chủ yếu của tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 259 công binh do đồng chí Trần Sỹ yêm chỉ huy đã được điều động tới. Thời gian này, phần lớn các khoa của bệnh viện 108 đã đi sơ tán. Không khí trong viện vắng lắng, kín đáo, rất thuận lợi cho việc thi công cả ban ngày lẫn ban đêm. Do vị trí thi công chật hẹp, tiểu đoàn 2 phải tổ chức làm ca, kíp, kết hợp với việc tập kết vật tư, nguyên liệu đúng lúc, đồng bộ. Vốn là những chiến sĩ ngày đêm đối mặt với bom đạn Mỹ trên các mặt đường, trên các cây cầu, bến phà các chiến sĩ công kinh binh đã tỏ ra dày dạn, có nhiều kinh và hết sức năng động trong nhiệm vụ mới này.

        Sau một thời gian lao động quên mình, công trình đã hoàn thành đúng tiến độ và yêu cầu kỹ thuật. Nhưng đến khi lắp đặt các thiết bị máy móc, vận hành thử nghiệm lại nảy ra những khó khăn mới tưởng chừng không sao khắc phục, như khi lắp máy điều hoà nhiệt độ, lúc cần hạ thấp nhiệt độ theo yêu cầu thì máy không đáp ứng được. Thế là lại phải mày mò, cải tạo làm cho máy điều hoà nhiệt độ thoả mãn tất cả mọi yêu cầu kỹ thuật trong từng giai đoạn gìn giữ thi hài Bác.

        Xử lý, khắc phục xong máy điều hoà nhiệt độ thì ở buồng trung tâm, nơi sẽ đặt thi hài lại xuất hiện một trục trặc khác. Nguyên do là sau khi máy điều hoà ngừng làm việc, mọi người nhận ra có hiện tượng đọng sương trên trần nhà. Hện tượng này dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển, trong khi đó, buồng đòi hỏi phải vô trùng tuyệt đối. Làm thế nào để khắc phục hiện tượng này? Nhiều lần các chiến sĩ công binh đã dùng sơn chóng khô và dùng giẻ thấm nước, nhưng hiện tượng đọng sương vẫn xảy ra. Cuối cùng họ đã tìm được một biện pháp: dùng gỗ dán lên toàn bộ trần nhà kết hợp với thông hơi. Hiện tượng đọng sương biến mất. Công trình này đã được hoàn tất vào những ngày cuối năm 1968 và mang mật danh: công trình 75A
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2017, 10:48:07 pm »


        Khi đoàn chuyên gia Liên Xô sang kiểm tra, bạn đã ngạc nhiên đánh giá cơ sở làm việc được chuẩn bị hết sức tốt và bắt đầu từ đó, công trình được bàn giao cho tổ y tế đặc biệt sử dụng. Tiểu đoàn 2 công binh chỉ để lại một bộ phận nhỏ tiếp tục củng cố, bổ sung và quản lý vận hành, còn phần lớn đơn vị chuyển sang một nhiệm vụ mới: cải tạo, xây dựng công trình 75B, một công trình có cấu trúc và thiết bị tương tự như 75A. Đây là nơi đặt thi hài Bác trong những ngày tang lễ.

        Bước vào cải tạo, xây dựng công trìn 75B, tiểu đoàn 2 công binh có nhiều thuận lợi. Vì sau ngày địch ngừng ném bom, các cơ quan của Bộ Quốc phòng và cơ quan Dân, Chính, Đảng đã lần lượt trở về Hà Nội. Những vướng mắc về kỹ thuật, những khó khăn về vật tư, trang thiết bị, được các cơ quan của Đảng và Nhà nước có liên quan quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ vô điều kiện. Nhưng cũng như ở công trình 75A, vị trí thi công ở 75B rất chật hẹp, khó tập kết nguyên vật liệu, khó thi công ồ ạt trong cùng một thời gian và lại ở quá gần đường nên chỉ có thể tiến hành vào ban đêm để giữ bí mật. Gần sáng mọi công việc phải được thu dọn gọn ghẽ để ban ngày Hội trường có thể dùng làm việc bình thường, phục vụ cho các hoạt động khác.

        Trong những ngày đầy lo âu ấy, những dòng người cuồn cuộn đổ qua Quảng trường Ba Đình, không ai nghĩ rằng, bên trong cái vẻ yên tĩnh trang nghiêm của Hội trường Ba Đình, nơi đã diễn ra những sự kiện lịch sử của đất nước, các chiến sĩ công binh đang âm thầm chuẩn bị cho cái ngày đau xót nhất của dân tộc. Họ đã làm việc hết sức mình, bởi họ nhận thức sâu sắc rằng, giai đoạn đầu – giai đoạn ở Hội trường rất quan trọng. Nó sẽ là giai đoạn quyết định cho cả quá trình gìn giữ thi hài Bác về sau.

        Để có những giải pháp tối ưu, hàng loạt các thí nghiệm trong công tác bảo đảm kỹ thuật đã tiến hành. Cũng giống như ở buồng trung tâm của công trình 75A, trên bề mặt hòm tôn được gò để chạy thử máy, không chỉ hiện tượng đọng suơng mà hơi nước còn bốc lên, ngưng tụ, chảy thành dòng. Trước khó khăn này, các cán bộ kỹ thuật lại lao vào vật lộn với các đề án khắc phục. Cuối cùng, sau nhiều đêm mất ngủ, họ đã tìm ra biện pháp chạy máy điều hoà kết hợp với thông hơi dùng tốc độ gió, chấm dứt được tình trạng đọng sương, ngưng tụ nước. Chính kết quả này đã làm cơ sở cho lãnh đạo quyết định duy trì phương án cải tạo xây dựng công trình 75B và tiếp tục cho đặt các máy móc, thiết bị kỹ thuật như ở công trình 75A.

        Cũng cần nói thêm rằng, năm 1967, Trung ương còn cử đồng chí Phùng Thế Tài sang Liên Xô, Bun-ga-ri tìm hiểu về nghi thức lễ Quốc tang. Đồng chí Phùng Thế Tài tìm hiểu tỉ mỉ cả việc tại sao khi mai táng lại dùng xe kéo pháo chở linh cữu mà không dùng các loại xe khác. Ở Liên Xô, bạn giải thích rằng trước đây trong chiến tranh, đại tướng Cu-tu-dốp chết, không có xe khác nên phải dùng xe kéo pháo chở linh cữu. Còn ở Bun-ga-ri, bạn trả lời việc này tuỳ theo phong tục, tập quán của mỗi nước và không có một quy định chung nào cả. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sau khi nghe báo cáo, đã đề xuất ta nên dùng xe ngựa để tránh sự ồn ầo. Lập tức đồng chí Đỗ Viết Kháng, cục trưởng Cục Cảnh vệ được cử sang Mông Cổ mua ngựa. Nhưng khi diễn tập thử thì thấy không ổn, nên Trung ương quyết định dùng xe kéo pháo trong các dịp lễ Quốc tang như ở Liên Xô và các nước châu Âu khác.

        Hoàn thành hai công trình đặc biệt trong một thời gian ngắn, các chiến sĩ công binh trung đoàn 259 đã biểu lộ tất cả tấm lòng của họ đối với Bác. Đứng trước những thành quả lao động, do chính bàn tay mình tạo ra, họ không thấy thoả mãn mà thấy lòng mình trống trải. Họ có mong muốn rằng, công trình làm chỉ để dự phòng rằng Bác vẫn đang mạnh khoẻ. Bác sẽ sống rất lâu với dân, với nước và công trình của họ, cái công trình mà họ đã dồn tất cả tâm lực để hoàn tất còn rất lâu, rất lâu nữa mới có thể dùng đến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2017, 05:49:00 am »


3

        Trong khi các chiến sỹ công binh bước vào giai đoạn khởi công cải tạo xây dựng công trình 75B thì 75A, tổ y tế đặc biệt cũng bắt tay vào công việc chuẩn bị trang thiết bị y tế. Một việc cấp bách cần làm ngay là phải đặt làm một chiếc bàn đá ga-ni-tô chuyên dụng để uớp giữ thi hài. Đây là một chiếc bàn đặc biệt. Khi còn học ở Liên Xô, anh em trong tổ y tế đã đo kích thước để khi về nước đặt làm. Sau khi nhận được mẫu vẽ, các công nhân ở xí nghiệp đá An Dương đã làm được một chiếc bàn rất đẹp, y hệt chiếc bàn đặt ở trong phòng giải phẫu của Viện thi hài Lê-nin tại Mát-xcơ-va.

        Khi tổ y tế đặc biệt về nước, bạn đã cấp cho ta ba bộ độ đại phẫu thuật và một số dụng cụ đặc biệt chuyên dụng. Số dụng cụ này là một cái vốn ban đầu hết sức quý giá nhưng chưa đủ. Dưới danh nghĩa của khoa giải phẫu Quân y viện 108, tổ y tế đã phân công người đi tìm thêm dụng cụ ở các kho, các cơ sở y tế, ở bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, ở Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần và đặt làm ở các xí nghiệp, các nghệ nhân, các kỹ sư của Trường đại học Bách khoa Hà Nội… Cuối cùng tất cả các dụng cụ chuyên dụng cho việc bảo quản thi hài như kim tiêm đặc biệt, ống thông chỉ pla-tôn, chỉ vàng bạch kim… đều đã được chuẩn bị chu đáo.

        Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, trưởng ban bảo vệ sức khoẻ của Bác rất sốt ruột về công tác chuẩn bị của tổ y tế đặc biệt. Nhiều lần, đồng chí trực tiếp xuống kiểm tra hoặc gọi lên báo cáo. Trong một lần gặp mặt đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chỉ thị:

        - Phải tiến hành khẩn trương công tác thực nghiệm để Bộ Chính trị và Trung ương yên tâm.

        - Trong lĩnh vực này phải hết sức chú ý khai thác những kinh nghiệm của cha ông ta.

        Để tiến hành được các thí nghiệm theo phương pháp đã học được, việc đầu tiên đối với tổ y tế là phải có tử thi. Đây là một vấn đề hết sức nan giải. Theo phong tục tập quán của người Việt Nam, không dễ gì có thể giữ lại được thi thể của những người quá cố một khi họ còn thân nhân.

        Đã nhiều lần, các cán bộ của tổ y tế đặc biệt được cử đi các bệnh viên để xin tử thi nhưng đều trở về tay không. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tổ quyết định đi tìm bằng được và một thời gian sau đó tổ đã tìm được một số thi hài không còn thân nhân ở các bệnh viện.

        Đồng chí Nguyên Lương Bằng, Lê Văn Lương và đồng chí Phạm Ngọc Mậu, sau khi kiểm tra kết quả thực nghiệm đã hết sức hài lòng. Đồng chí Phạm Ngọc Mậu thay mặt Tổng cục Chính trị, quyết định cấp ngay cho tổ y tế 10 chiếc áo khoác Ba Lan để chống rét, một máy ảnh Đức có ống kính chụp gần và một số đồ dùng khác cho cá nhân và cho tập thể mà Tổng cục Chính trị có thể có được.

        Với những kết quả bước đầu, tổ y tế đặc biệt đã khẳng định: Với khả năng của mình, họ có thể gìn giữ được thi hài của Bác trong giai đoạn đầu. Dĩ nhiêu phía trước họ còn là một con đường gian khổ, cần phải học tập, nghiên cứu nhiều hơn nữa và phải được sự giúp đỡ không điều kiện của bạn mới có thể gìn giữ được lâu dài thi hài Bác.

        Cuối năm 1968, đồng chí Rô-ma-cốp, viện phó Viện thi hài Lê-nin sang kiểm tra, xem xét công việc chuẩn bị tại chỗ và kết quả thí nghiệm đã đánh giá cao cố gắng của tổ y tế. Thời gian này, sức khoẻ của Bác yếu đi nhiều, mặc dù Người vẫn kiên nhẫn duy trì nếp sinh hoạt, tập luyện hàng ngày. Nhưng các bác sĩ đi với Bác hiểu rất rõ: Người đã phải hết sức cố gắng mới có thể duy trì được nếp sinh hoạt tập luyện ấy.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM