Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:16:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Giữ yên giấc ngủ của Người  (Đọc 15446 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2017, 05:49:18 am »


        Tháng 3 năm 1969, đề phòng mọi việc có thể xảy ra sớm hơn, hai đồng chí Nguyên Gia Quyền và Vương Quốc Mỹ được cử sang Liên Xô thông báo kế quả thí nghiệm và quy trình kỹ thuật dự kiến tiến hành trong giai đoạn đầu, đề phòng bạn không sang kịp. Ngoài ra, đoàn còn được giao nhiệm vụ xin thêm dụng cụ chuyên môn, nghiên cứu thêm công tác bảo quản thi hài tại Hội trường và cả khi chuyển vận. Đồng chí Vương Quốc Mỹ tìm hiểu sơ bộ về việc xây Lăng. Mọi việc được tiến hành gấp gáp và đã được bạn tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ.

        Có thể nhận thấy rất rõ ràng, bên ngoài sự tĩnh lặng, yên ả thường ngày của Thủ đô là sự lo âu, căng thẳng của các đồng chí lãnh đạo, của các bộ phận được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho những ngày đau thương, chắc chắn không lâu nữa sẽ xảy ra.

        Đó là việc các chiến sĩ công binh đang cải tạo công trình 75B, các công nhân viên quốc phòng, đội cơ động 2 của Bộ tư lệnh Công binh đang gấp rút hoàn thành chiếc hòm kính đặc biệt thay thế chiếc hòm kính cũ do Bộ Kiến trúc làm từ trước đã trải qua quá nhiều thí nghiệm…

        Khi bắt tay vào việc làm chiếc hòm kính, các chiến sĩ đội cơ động 2 đã gặp một khó khăn tưởng chừng rất vô lý: làm hòm kính nhưng lại không có kính. Kính làm hòm yêu cầu phải dày, trong suốt, không có gợn sóng. Đồng chí Trần Bá Đặng, tư lệnh phó Binh chủng Công binh, người đã có mặt thường xuyên ở công trình 75A, 75B báo cáo lên trên, có ý kiến đề xuất lấy kính của quầy trưng bày ở Cửa hàng bách hoá Tổng hợp. Nhưng khi kiểm tra thì loại kính này mỏng không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. Giữa lúc đó anh em phát hiện ở gầm sâu khấu Hội trường Ba Đình có một số tấm kính có thể sử dụng được. Đồng chí Trần Bá Đặng cho kiểm tra, kết quả thật không ngờ: kính tốt, đạt tiêu chuẩn, dùng được.

        Làm xong hòm kính lại nảy ra một vấn đề khác: đôi dép của Bác đặt ở đâu? Để trong hòm kính thì không ổn. Để bên ngoài càng không ổn. Thế là lại quyết định làm một hòm kính nhỏ để đôi dép. Các chiến sĩ xưởng 49 quốc phòng đã thức trọn đêm để hoàn thành chiếc hòm kính nhỏ bé này.

        Đó còn là việc lữ đoàn 144 do đồng chí Vũ Ngạch làm lữ trưởng được giao nhiệm vụ chọn 150 cán bộ, chiến sĩ triển khai tập luyện các nghi thức cho một lễ tang lớn.

        Hàng này, khi thành phố vừa lên đèn, các chiến sĩ thuộc lữ đoàn 144 lại lặng lẽ rời đơn vị chia làm hai bộ phận tập kết tại Hội trường Ba Đình và câu lạc bộ quân đội. Tại đây, họ tập các động tác đứng tiêu binh danh dự, tập tiếp cận bảo vệ mục tiêu, khiêng linh cữu, đưa vòng hoa… sao cho thật thuần thục, không rối, không sai, theo các quy định hết sức nghiêm ngặt của nghi lễ Quốc tang.

        Công việc phải rèn đi tập lại nhiều lần là động tác khiêng linh cữu. Với chiếc linh cữu đóng bằng gỗ Ngọc Am, một loại gỗ hiếm và quý, màu vàng chanh thơm ngát, nặng gần 200 ki-lô-gam. Bên trong còn chứa thêm hai bao tải gạo. Trên nắp của linh cữu để một bát nước đầy. Mười sáu cán bộ, chiến sĩ phải khiêng linh cữu đi đúng điều lệnh, lên xuống bậc tam cấp thật nhịp nhàng sao cho bát nước không bị tràn sánh ra ngoài.

        Ngoài hai bộ phận luyện tập nói trên, lữ đoàn 144 còn được giao nhiệm vụ lựa chọn một số cán bộ, chiến sĩ do thượng uý Nguyễn Văn Mộc chỉ huy làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực 75A và triển khai từ Phủ Chủ Tịch về 75A và ngược lại.

        Đội hình xe tham gia luyện tập gồm 5 chiếc, trong đó có 2 xe hồng thập tự (một chính thức, một dự bị) và 3 xe Gát hộ tống do các chiến sĩ Nguyễn Văn Hợp, Nguyễn Văn Nhít và Nguyễn Văn Thịnh lái.

        Trong thời gian diễn tập, một số cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn 144 được cải trang, mặc trang phục cảnh sát giao thông, ém chốt ở các ngả đường mà đoàn xe sẽ đi qua. Tất cả mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra đều đã được lường tính để có kế hoạch xử trí.

        Tuy chỉ là diễn tập, nhưng một bầu không khí trang nghiêm đã bao trùm trên nét mặt từng chiến sĩ. Những buổi tập, ngay cả trong giờ nghỉ rất ít tiếng cười, nói. Mọi người lặng lẽ đi, đứng, mồ hôi ướt đầm trên lưng áo. Mặc dù không được phổ biến chi tiết nhưng mọi người đều ngầm hiểu Bác đang mệt nặng và công việc họ đang làm là để chuẩn bị đón đợi cái ngày không thể không đến đã đang đến với toàn Đảng, toàn dân ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2017, 05:59:42 am »


4

        Và cái ngày không ai mong đợi ấy đã đến. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhận buổi sáng ngày 2 tháng 9 năm 1969, ngày dân tộc và đất nước từ giã một con người vĩ đại nhất. Con người mà ngay từ lúc sinh thời đã đi vào truyền thuyết, huyền thoại. Con người của tất cả mọi người.

        Buổi sáng hôm ấy, trong căn nhà hầm giản dị cách nhà sàn của Bác không xa, trên chiếc giường gỗ đơn sơ Bác nằm im thanh thản. Vây quanh phòng Bác là các bác sĩ, các chuyên gia và các đồng chí Bộ Chính trị. Trên nét mặt người nào cũng tràn ngập một nỗi lo buồn, và khi đồng chí Vũ Kỳ ngồi ở phía đầu giường Bác ngừng quạt, gục xuống khóc nức nở thì cả căn phòng như lặng đi, chìm ngập trong một nỗi đau quá lớn. Trái tim của Bác đã ngừng đập. Tuy vậy, các bác sĩ vẫn gắng hết sức xoa bóp cho Bác, hy vọng - một niềm hy vọng mãnh liệt nhưng thật mỏng manh - Trái tim của Bác sẽ đập trở lại. Nhưng một giờ sau, đồng chí Phạm Văn Đồng đau đớn ra hiệu cho các bác sĩ ngừng hô hấp nhân tạo để Bác được yên nghỉ.

        Trước đó, vào những ngày cuối tháng 8, thấy bệnh tình của Bác mỗi ngày một nặng, Bộ Chính trị đã điệu mời các chuyên gia Liên Xô sang và giao cho Quân uỷ gấp rút thành lập một ban phụ trách theo dõi, điều hành việc gìn giữ thi hài Bác trong thời gian tang lễ, bao gồm các bộ phận đã tham gia các công việc chuẩn bị trước như y tế, công binh, Cục Bảo vệ và lữ đoàn 144, dưới sự cỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài, Kinh Chi, Vũ Văn Cẩn.

        Ngày 28 tháng 8, một phái đoàn y tế Liên Xô do viện sĩ thông tấn giáo sư Đê-bốp làm trưởng đoàn đã đến Hà Nội. Vừa đặt chân xuống sân bay Gia Lâm, nhìn sắc trời mùa thu chói chang ánh nắng, nhìn những vạt cỏ cháy xém bên đường băng, các đồng chí chuyên gia đã tỏ ra lo lắng, với nhiệt độ quá cao ở Hà Nội mùa này, khó có thể gìn giữ được thi hài của Bác.

        Vào những ngày này, không khí chuẩn bị tang lễ ở Hội trường Ba Đình diễn ra hết sức dồn dập. Hòm kính để thi hài và hệ thống điều hoà nhiệt độ đã được kiểm tra, đánh giá kỹ. Hệ thống chiến sáng, hệ thống điều hoà nhiệt độ và độ ẩm… bảo đảm được nhiệt độ, độ ẩm ổn định trong hòm kính ở môi trường khí hậu nhiệt đới là một cố gắng rất lớn của các kỹ sư, cán bộ Bộ tư lệnh Công binh. Đây là những yếu tố cơ bản quyết định trong việc bảo quản và giữ gìn thi hài Bác.

        Liên tiếp trong hai ngày 31 tháng 8 và mồng 1 tháng 9, sau khi Ban chỉ đạo thông báo kết quả thí nghiệm, vận hành máy móc, đoàn chuyên gia Liên Xô đã tiến hành kiểm tra xem xét tỉ mỉ từng thí nghiệm. Ở 75A và 75B, đoàn tỏ vẻ hài lòng. Kết quả đã vượt quá những lo lắng ban đầu của bạn.

        11 giờ trưa ngày mồng 2 tháng 9, sau khi Bác yên nghỉ chưa đầy nửa giờ, một đoàn xe đặc biệt do đồng chí Kinh Chi chỉ huy được lệnh xuất phát từ công trình 75A. Đến trước cổng Phủ Chủ tịch, đoàn xe được lệnh dừng lại. Riêng chiếc xe hồng thập tự mang biển số FH 1468 của Quân y viện 108 do chiến sĩ Nguyễn Văn Hợp lái được lệnh đi tiếp. Xe vừa đến trước ngôi nhà sàn của Bác đã thấy đồng chí Trần Quốc Hoàn từ căn nhà hầm bước ra đón. Đồng chí căn dặn "sự việc đã xảy ra rồi, các đồng chí cứ bình tĩnh làm cho thật tốt". Đồng chí Nguyễn Gia Quyền cảm động thay mặt anh em hứa "sẽ biến đau thương thành trách nhiệm".

        Trong căn nhà hầm, các đồng chí trong Bộ Chính trị vẫn đứng lặng quanh phòng Bác, cạnh giường có một bó hoa huệ lớn. Các đồng chí trong tổ y tế bàng hoàng khi nhìn thấy Bác. Bác gầy và xanh. Mọi người vừa khóc vừa đến bên giường Bác. Đồng chí Phạm Văn Đồng vừa nói vừa ra hiệu: "Thôi, mọi người giãn ra cho chuyên môn làm nhiệm vụ".

        Hình như cho đến lúc ấy, mọi người trong căn nhà hầm vẫn còn ngơ ngác như chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra, như chưa tin hẳn vào cái sự thật vừa xảy ra trước mặt họ.

        Con đường Phan Đình Phùng, Trần Nhật Duyệt, Trần Quang Khải, Lê Thanh Tông hôm ấy âm thầm đưa tiễn Bác. Các chiến sĩ cảnh vệ lữ đoàn 144 đã bảo vệ cho đoàn xe đưa Bác về 75A được an toàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2017, 04:32:55 pm »


        Đón Bác ở bệnh viện 108 có các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài và các chuyên gia. Xe vừa dừng, mọi người đã có mặt xung quanh để đưa Bác vào buồng đặc biệt. Gần hai năm chuẩn bị, hôm nay nhiệm vụ đã đến với tổ y tế đặc biệt. Mọi người bỏ mũ, đứng lặng đi trước linh cữu của Người.

        Nửa giờ sau, biên bản khám nghiệm được hoàn thành, hai giáo sư viện sĩ Liên Xô I-u-ri Mi-khai-lô-vích và Ni-cô-lai I-ních Mi-khai-lốp đã trực tiếp làm công tác y tế cho Bác cùng với sự phụ giúp của hai bác sĩ Việt Nam.

        Sau hai giờ làm việc, các chuyên gia cùng với tổ y tế đặc biệt đã hoàn thành công tác y tế giai đoạn một và làm các biện pháp bảo quản thi hài giai đoạn đầu. Để giữ cho chân dung Bác được nguyên vẹn, các chuyên gia và tổ y tế đã nâng niu từng sợi tóc, sợi râu, từng tế bào trên khuôn mặt và đôi bàn tay của Bác. Đặc biệt là các chi tiết ở mặt và miệng đòi hỏi phải làm hết sức tỉ mỉ và công phu. Mỗi mũi kim tiêm, mỗi đường đưa thuốc dều phải cân nhắc kỹ trước khi tiến hành, nhằm đạt kết quả cao nhất. Công việc này không chỉ nhằm chuẩn bị cho những ngày tang lễ mà còn liên quan trực tiếp đến việc gìn giữ thi hài Bác. Trong chiếc hòm kính do các chiến sĩ công binh sản xuất, Bác nằm thanh thản như sau một ngày làm việc căng thẳng, như sau một chuyến đi xa trở về. Bộ quần áo ka ki quen thuộc nhưư còn đang phập phồng theo nhịp thở. Bác nằm đó, nhưng linh hồn Bác như đã thoát ra khỏi căn phòng chật hẹp của bệnh viện để đến với đồng bào ở từng ngõ phố, làng mạc và đến với chiến sĩ ở từng trận địa.

        Sau buổi làm việc với các chuyên gia, bạn quy định chỉ có một số ít người được tiếp xúc với thi hài Bác. Vì thế, đồng chí Nguyễn Gia Quyền đã phải huy động một số nhân viên của khoa giải phẫu bệnh lý Quân y viện 108 để thành lập một tổ y tế lưu động hỗ trợ cho tổ y tế thi hài do bác sĩ Lê Điều phụ trách. Tổ này phải thường xuyên xử lý các phương tiện di chuyển, làm vệ sinh hòm kính ở Hội trường Ba Đình và theo dõi những diễn biến của khí hậu tác động tới nhiệt độ và độ ẩm trong hòm kính.

        Quy trình xử lý môi trường ở Hội trường Ba Đình cũng được tổ chức hiện hết sức nghiêm túc, bằng các hoá chất có khả năng sát trùng mạnh và đèn cực tím. Do không có phương tiện bảo hộ, nên sau ba ngày, mắt nhiều cán bộ trong tổ bị sưng, tuy vậy không một ai chịu nghỉ. Mọi người vẫn khẩn trương lao vào giải quyết công việc và đều bồn chồn có cảm giác ngày đêm như ngắn lại.

        Sáu giờ sáng ngày 4 tháng 9 năm 1969, trên làn sóng của Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam đã truyền đi bản Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam, Quốc hội, Hội đồng Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mật trận Tổ quốc Việt Nam báo tin cho đồng bào và chiến sĩ cả nươc biết: Bác Hồ đã từ trần. Giọng đọc nghẹn ngào đầy xúc động của người phát thanh viên đã vang lên trong một bầu không khí ảm đạm và buồn bã. Trên các đường phồ Hà Nội, trong các căn nhà, mọi hoạt động đều ngừng lại. Mọi người bàng hoàng vây quanh những chiếc đài bán dẫn hoặc đứng lặng đi quanh những chiếc loa truyền thanh công cộng. Tin Bác qua đời như một tiếng sét đánh dữ dội, làm xáo trộn tất cả mọi sinh hoạt của đất nước. Những người đã từng được gặp Bác thì bồi hồi ôn lại những kỷ niệm về Người, còn những người chưa được gặp Bác thì đau đớn, ân hận, bởi niềm hạnh phúc mà họ hằng khao khát sẽ không bao giờ còn đến với họ nữa.

        Suốt trong những ngày đau thương ấy, cả nước đã thao thức, không ngủ. Các cơ quan, đoàn thể, các đơn vị quân đội âm thầm treo cờ tang, may băng tang, lập bàn thờ Bác, cử người đại diện cho đơn vị mình về Thủ đô viếng Bác.

        Trung tâm bưu điện quốc tế cũng chưa có thời gian nào làm việc căng thẳng đến như thế. Hàng trăm bức điện trên khắp trái đất liên tiếp được gửi tới chia buồn với Đảng, Chính phủ và nhân dân ta, và xin được đến Hà Nội dự lễ tang của Bác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2017, 04:33:40 pm »


        Tối ngày 5 tháng 9, khi đài phát thanh thông báo danh sách Ban Tổ chức tang lễ và thời gian tiến hành lễ viếng thì cũng là lúc tổ y tế đặc biệt đang cùng với các chuyên gia chuẩn bị đưa Bác về Hội trường Ba Đình.

        Đúng 20 giờ, đèn điện quanh khu vực Ba Đình vụt tắt. Đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác từ từ chuyển bánh, rời khỏi Quân y viện 108. Ngoài ba chiếc xe hôm trước, còn có hai chiếc xe của các đồng chí trong Ban chỉ đạo: Nguyễn Luơng Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng hế Tài, Kinh Chi tiễn chân Bác. Theo kế hoạch, đoàn xe vẫn đi theo đường Lê Tháng Tông, qua Bảo tàng cách mạng, Nhà hát lớn, Trần Quang Khải, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Bắc Sơn để vào Hội trường Ba Đình. Xe chở thi hài do đồng chí Nhít lái. Khi đến Nhà hát thành phố đã xảy ra một sự cố nhỏ. Vì quá xúc động và căng thẳng qua nhiều đêm tập luyện, xe đồng chí Nhít chở thi hài Bác đi lạc qua đường Nguyễn Hữu Huân và phải mất một lúc lâu, đoàn xe hợp điểm lại được ở cột đồng hồ để cùng về vị trí tập kết. 21 giờ đoàn xe đến Hội trường Ba Đình. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cũng có mặt đầy đủ để đón vào 75B và thay nhau túc trực bên thi hài Bác.

        Khi đưa Bác ra Hội trường, theo yêu cầu của các chuyên gia, Ban chỉ đạo đã bố trí sẵn một xe trang bị đầy đủ mọi thiết bị, đề phòng ở Hội trường không bảo đảm được nhiệt độ, độ ẩm thì phải kịp thời đưa Bác về ngay lại 75A.

        Mãi sau này khi lễ tang Bác kết thúc, các cán bộ chiến sĩ công binh mới được biết: phương án chuẩn bị của quân đội ở 75B là phương án dự bị. Nhiệm vụ chuẩn bị hòm kính, các trang thiết bị đặt ở 75B để bảo đảm thi hài trong thời gian tang lễ được giao cho Bộ Kiến trúc. Năm 1969, Bộ Kiến trúc đã khẩn trương cử đồng chí Vương Quốc Mỹ, Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc sang Liên Xô ký hợp đồng, nhờ bạn giúp đỡ các phương tiện máy móc, làm hòm kính giữ thi hài Bác. Ngày 12 tháng 8 năm 1968, khi Bác ốm nặng đồng chí Vương Quốc Mỹ tiếp tục được cử sang Liên Xô lấy hòm kính và phương tiện máy móc nhưng không kịp. Bác đã ra đi trước khi đồng chí Mỹ về. Vì vậy phương án dự phòng trở thành phương án chính thức. Điều này thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, thể hiện tính chủ động, sáng tạo và ý thức nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh của quân đội ta mà trước hết là tấm lòng của những người lính đối với Bác.

        3 giờ sáng ngày mồng 6, Ban Tổ chức lễ tang cùng với các chuyên gia tiến hành tổng kiểm tra các mặt chuẩn bị cho ngày viếng đầu tiên. Khi nâng chiếc nắp hòm kính lên, đặt máy đo kiểm nhiệt độ, độ ẩm, thấy kết quả hiện trên mặt máy báo hiệu mọi sự đều hết sức ổn định. Viện sĩ thông tấn, trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô Đê-bốp không ghìm được xúc động đã quay lại ôm chầm lấy đồng chí Trần Bá Đặng và đồng chí Nguyễn Gia Quyền, lặp đi lặp lại mãi một câu nói: "Kha-ra-sô, kha-ra-sô!" (Tốt, tốt!).

        Đến 6 giờ sáng, tất cả các đồng chí trong Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đều đã có mặt quanh linh cữu Bác. Cặp mắt người nào cũng đỏ ngầu đẫm lệ, xung quanh Bác là cả một rừng hoa muôn sắc và trầm hương toả khỏi nghi ngút như khoét sâu thêm vào nỗi mất mát quá lớn của cả một dân tộc.

        Giữa không khí trang nghiêm ấy, bỗng một tiếng khóc nức nở, oà lên vang xa khắp Hội trường. Đó là tiếng khóc không thể ghìm nén được của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vừa khóc, Thủ tướng vừa bắt tay cảm ơn các đồng chí chuyên gia Liên Xô. Lời cảm ơn chân thành và những giọt nước mắt liên tiếp lăn trên má của đồng chí Phạm Văn Đồng khiến các đồng chí chuyên gia cũng không cầm được nước mắt

        Đồng chí Lê Duẩn cố nén xúc động, quay sang bắt tay mọi người. Đồng chí hỏi khẽ: "Các đồng chí có yêu cầu gì không?". Thay mặt cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đồng chí Trần Bá Đặng đã đề nghị với đồng chí Lê Duẩn cho phép anh em được chụp ảnh bên thi hài Bác. Nguyện vọng thật đơn giản nhưng hết sức thiêng liêng ấy là phần thưởng vô giá đối với mọi cố gắng bấy lâu của các chiến sĩ công binh, cảnh vệ và tổ y tế đặc biệt. Đó cũng là hình ảnh đầu tiên của các chiến sĩ quân đội được đứng vòng quanh lĩnh cữu của Người.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2017, 04:42:14 pm »


6

        Giai đoạn gìn giữ bảo quản thi hài Bác trong thời gian tang lễ đã kết thúc. Đối với tổ y tế, giai đoạn tiếp theo là một khoảng trống hết sức khó khăn. Những kiến thức học được ở Liên Xô chỉ đủ cho họ làm được những gì mà họ đã cố gắng hết sức để làm. Phương pháp hiện đại thì chưa được học hết, phương pháp cổ truyền của dân tộc thì chưa kịp khai thác cho thật thấu đáo. Hơn nữa nước ta đang trong điều kiện chiến tranh và lại là một nước khí hậu nhiệt đới; quanh năm nắng nóng, độ ẩm cao…

        Việc bảo đảm giữ gìn lâu dài thi hài Bác có rất nhiều khó khăn. Nhưng sự giúp đỡ trực tiếp của bạn, tổ y tế tin rằng chúng ta có thể vượt được tất cả để giữ gìn trọn vẹn lâu dài thi hài Bác.

        Sau ngày đưa Bác về lại 75A, hàng loạt công việc cần phải làm ngay được đặt ra trước tổ y tế, như việc làm vệ sinh môi trường, chống bụi, chống nấm mốc.. Điều gay go nhất là làm sao có ngay được 320 lít nước mềm, bảo đảm chất lượng cao, trong nước hoàn toàn không có chất kim loại, không có khuẩn trùng. Để giải quyết khó khăn này, tổ y tế đã cử người đến các cơ sở y tế có chạy thận nhân tạo như bệnh viện Việt-Đức, Bạch Mai và 108 xin, nhưng khi bạn kiểm tra lại không đạt yêu cầu về chất lượng. Cuối cùng đồng chí Bộ trưởng Y tế phải đích thân trực tiếp chỉ đạo cách giải quyết, tổ y tế mới có được 320 lít nước mềm đúng tiêu chuẩn.

        Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, với trí thông minh, sáng tạo, có đầu óc phân tích, phán đoán nhạy bén, tổ y tế đặc biệt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Quân uỷ giao phó: vừa gìn giữ thi hài Bác, vừa nghiên cứu khoa học đạt kết quả tốt.

        Cho tới nay, gần ba mươi năm trôi qua, những cố gắng ban đầu của tổ y tế vẫn được đánh giá cao. Chiến công của họ thật đáng kể nhưng lại diễn ra hết sức thầm lặng. Họ không được báo chí nhắc đến, không được biểu dương rầm rộ. Chỉ với tấm lòng, tình cảm của họ đối với Bác là cứ mỗi ngày một sáng kiến thêm. Khiêm tốn, giản dị, không lùi bước trước khó khăn là phẩm chất mà Bác đã để lại cho họ, giúp họ đi đến tận cùng trong mọi lĩnh vực khoa học phức tạp và đầy những trắc trở. Bao giờ những thử thách cũng luôn luôn ở phía trước họ.

        Cuối năm 1969, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn mới - giai đoạn đánh gẫy xương sống chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của Mỹ. Sau khi Bác mất, cả nước dấy lên phong trào thi đua biến đau thương thành hành động cách mạng miền Bắc tiếp tục làm hết sức mình chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Ngày cũng như đêm, những đoàn xe, những dòng người náo nhiệt tập kết ở vĩ tuyến 20 - vĩ tuyến mà Giôn-xơn đã buộc phải tuyên bố ngừng ném bom hạn chế năm 1968 - chuẩn bị lần trót trước khi bước vào chiến trường. Miền Nam liên tiếp diễn ra những trận đánh lớn ở vùng ven Sài Gòn, vùng Đông Nam Bộ và trên chiến trường Khu 5… Trước tình hình đó, Ních-xơn một mặt tăng cường viện trợ cho quân Nguỵ, mở nhiều chiến dịch càn quét vào hậu cứ và ngang nhiên tuyên bố sẵn sàng ném bom trở lại miền Bắc.

        Đề phòng chiến tranh lại có thể xảy ra trên phạm vi cả nước, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương nhận định: nếu tiếp tục để thi hài Bác tại Hà Nội, khi xảy ra chiến tranh, công trình 75A không đủ kiên cố chống đỡ sức phá huỷ của bom đạn Mỹ. Hà Nội lại là một mục tiêu đánh phá quan trọng của địch, việc bảo đảm điện nước thường xuyên cho công trình cũng là điều hết sức hạn chế…

        Xuất phát từ nhận định như vậy, Bộ Chính trị quyết định giao cho Quân uỷ tìm một vị trí thật yên tĩnh, bí mật, xa Hà Nội và thuận tiện cho việc di chuyển thi hài Bác khi chiến tranh lan rộng.

        Sau khi cân nhắc, xem xét kỹ, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định chọn K9 làm nơi giữ gìn thi hài Bác. Đó là một khu đồi thông yên tĩnh nằm bên bờ hữu ngạn một dòng sông, hồi ấy còn là một con sông hung dữ nhưng cũng đầy thơ mộng. Vào mùa lũ, dòng sông réo ầm ầm, nước sông tràn lên mênh mang như dang rộng cánh tay ôm lấy quả đồi, trên đồi có những mỏm đá nhô sắc nhọn như những mũi mác lớn. Chính tại vùng đất sơn thuỷ hữu tình này đã đẻ ra một trong những huyền thoại đẹp nhất về sức mạnh của con người chế ngự sự hung dữ của thiên nhiên. Đó là chuyện Sơn Tinh, Thuỷ tinh. Trước Cách mạng tháng Tám, tấy khí hậu ở khu vực này thuận tiện cho việc trồng thông, thực dân Pháp đã mở đồn điền trồng thông và khai thác quặng ở đây. Ngày nay, thông vẫn mọc đầy trong khu rừng thưa thoáng xen kẽ với các loại cây gỗ cao có tán lá rộng như trò, trám, long não…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2017, 09:05:14 am »


        Năm 1956, trong một lần thăm sư đoàn 316 đang diễn tập bên sông, dọc đường Bác dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đỉnh đồi. Thấy khí hậu ở đây mát mẻ, địa thế hiểm trở, phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung ương đề phòng chiến tranh có thể mở rộng ra miền Bắc.

        Sau chuyến đi của Bác, Tổng cục Hậu cần được lệnh lên khu đồi ấy xây dựng một số ngôi nhà cấp bốn và đến năm 1960, nguy cơ của một cuộc chiến tranh phá hoại có thể xảy ra quá rõ ràng, Cục doanh trại được lệnh tiếp tục xây dựng một ngôi nhà sàn là vị trí hội họp, nghỉ ngơi của Bác và Bộ Chính trị khi cần thiết. Cùng với việc xây dựng ngôi nhà sàn, bộ đội công binh còn xây dựng một hệ thống công sự kiên cố và đặt tên là K9. Điều đáng kể là cả hầm và nhà đều do Bác cắm cọc và nhằm hướng. Những năm sau này, nhiều lần Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã lên làm việc và nghỉ tại đây. Cũng có một đôi lần bác đưa khách quốc tế lên nghỉ. Thiên nhiên ở đây đẹp, rất phù hợp với hồn thơ đầy rung cảm của Bác.

        Ngày 10 tháng 9 năm 1969, một đoàn cán bộ chiến sỹ của Bộ tư lệnh Công binh và lữ đoàn 144 đã có mặt tại K9 để khảo sát thiết kế, cải tạo lại công trình và nhận bàn giao toàn bộ khu vực do các đơn vị công an võ trang và Văn phòng trung ương giao lại.

        Thoạt đầu ở K9, ban chỉ đạo chỉ có ý định dùng ngôi nhà kính đã có sẵn để lắp đặt thiết bị máy móc gìn giữ thi hài Bác ở ngay trên mặt đất. Nhưng về sau, Quân uỷ Trung ương quyết định phải cải tạo cả hệ thống hầm ngầm để có thể đưa Bác xuống một khi chiến tranh có thể lan rộng tới khu đồi yên tĩnh và thơ mộng này.

        Khối việc công việc lớn, vị trí thi công chật hẹp, nhưng các đơn vị thi công nhận được lệnh phải hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng vào đầu tháng 12. Cả thời gian thiết kế và thi công chỉ được vẻn vẹn chưa đầy 3 tháng. Đây là một yêu cầu vượt quá khả năng và phương tiện hiện có của đơn vị.

        Tuy vậy, nhận rõ tầm quan trọng của công trình, các đơn vị trực tiếp thi công đều xác định bằng bất cứ giá nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ đúng quy định đúng thời gian. Một ban chỉ huy công trình được thành lập gồm các đồng chí: Nguyễn Trọng Quyền, Nguyễn Trung Thành, Cao Đàm, Lam Sinh, Bùi Danh Chiêu, Hoàng Quang Bá, Phạm Hoàng Vân, đại diện cho các ngành, các bộ môn kỹ thuật đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Bá Đặng, tư lệnh phó binh chủng. Lực lượng thi công chủ yếuvẫn là tiểu đoàn 2 trung đoàn 259, đơn vị đã thi công suất sắc công trình 75A và 75B.

        Ngày 20 tháng 9, các lực lượng tham gia cải tạo K9 đã tập kết đầy đủ. Trong cùng một lúc, đoàn vừa thiết kế, vừa thi công công trình. Tuy đã có kinh nghiệm nhưng vấn đề khó khăn nhất đặt ra đối với công trình là vấn đề kiến trúc. Trước đây, Bộ Kiến trúc đã cho làm hai nhà kính, cốt thép ở hai cửa hầm trên và dưới. Để đạt các yêu cầu đặt các thiết bị máy móc, dụng cụ y tế, ban chỉ huy công trình quyết định làm thêm một nhà kính nữa ở cửa thứ ba. Vấn đề khó khăn thứ hai là phải chọn cho được vật liệu, cấu kiện kiến trúc. Từ viên gạch men đến tấm gỗ làm cửa đều phải đi các nơi tìm kiếm. Tìm được vật tư lại lo vận chuyển, mọi công đoạn vận chuyển đều tổ chức vào ban đêm. Theo yêu cầu của công tác bảo vệ, xe phải có cán bộ áp tải để kịp thời phát hiện nếu có xe lạ bám theo.

        Khác với công việc thi công 75A và 75B, ở K9 không có điện, nước, thời gian lại gấp, các chiến sỹ tiểu đoàn 2 công binh phải tập trung sức lực làm cả ngày lẫn đêm. Đêm đến, khu đồi sáng rực ánh đèn. Đèn đất, đèn dầu. Anh em chiến sỹ thường gọi những đên thi công là những đêm "hội đèn" nào là đèn ăn, đèn làm việc, đèn trên đồi, đè dưới hầm, đèn đào, đèn khoan…. không khí lao động rất gấp gáp, sôi động, mặt giàu đời sống của anh em rất khó khăn thiếu thốn.

        Công việc nặng nhọc nhất, khó khăn nhất là cải tạo hầm ngầm cũ, làm thêm một vách ngách hầm đặt máy điều hoà và dụng cụ y tế. Để tiến hành thi công, các chiến sỹ đã phải đào một cái giếng rộng 5 mét, sâu 6 mét xuống nóc hầm ngầm rồi dùng khoan tay để phá nóc hầm. Tuyệt đối khồng được dùng chất nổ. Cứ 5 căng-ti-mét vuông phải khoan một mũi, 1800 mũi khoan đã được khoan suốt ngày đêm mới phá vỡ được nóc hầm bê tông cốt thép để đưa vật liệu xuống bảo đảm điều kiện thi công theo thiết kế mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2017, 09:05:51 am »


        Thi công xong đường hầm, việc lắp đặt thiết bị cũng diễn ra căng thẳng và sáng tạo. Để lắp đặt một cánh cửa sắt nặng 3000 kg dưới độ sâu 6 mét trong điều kiện không có cần cẩu, các chiến sỹ công binh đã nghĩ ra cách làm tời quay tay và chỉ cần năm chiến sỹ cũng đưa được cánh cửa khổng lồ ấy xuống đúng vị trí. Việc thiết kế, lắp đặt hệ thống đường ray trong hầm cũng diễn ra tương tự. Theo yêu cầu của chuyên môn, khi thiết kế và xây dựng phải hết sức chú ý tới đường lên xuống. Làm sao để có thể đưa được thi hài Bác lên xuống hầm ngầm bảo đảm không nghiêng, không rung xóc. Đây là một công việc khó. Ban chỉ huy công trình giao cho hai kỹ sư cơ khí Đặng Thành Trung và Vũ Quý Khôi nghiên cứu thiết kế. Sau nhiều ngày đêm trăn trở trước bản vẽ, hai đồng chí đã hoàn thành bản thiết kế đường ray thay cho việc khiêng linh cữu từ trên xuống hoặc từ dưới lên. Khi bản vẽ thiết kế thông qua, xưởng 49 quốc phòng được giao nhiệm vụ thi công và lắp đặt trong một thời gian ngắn. Kết quả đạt được rất mỹ mãn. Linh cữu được đặt trên một giá đỡ, có bánh xe lăn trên hai đường ray uốn cong, nên ở độ dốc 60 độ, linh cữu vẫn luôn giữ được thế cân bằng, bảo đảm an toàn tuyệt đối thi hài của Bác.

        Do ngọn đồi K9 có độ cao 250 mét so với mặt nước biển nên mặc dù nằm ngày bên bờ sông, vấn đề nước cũng như điện khi đưa công trình vào sử dụng là hai yếu tố quan trọng nhất. Để đảm bảo cho công trình hoạt động hằng ngày, nước cần đến hàng trăm mét khối. Đó là chưa kể nước dùng trong sinh hoạt. Điều này đã làm cho các cán bộ kỹ sư mất ăn, mất ngủ. Đã có ý kiến đề nghị sử dụng nguồn nước sông. Nhưng nguồn nước sông rất thất thường, lên xuống tuỳ theo từng mùa, dễ xảy ra sự cố. Suy tính mãi, cuối cùng kỹ sư Hoàng Quang Bá đã đề ra một phương án sử dụng nguồn nước giếng hiện có bằng chu trình tuần hoàn. Phương án được chuẩn y và được triển khai thực hiện. Theo thiết kế, nước từ giếng được bơm lên bể chứa ở độ cao 65 mét rồi dẫn vào các máy điều hoà làm lạnh, xong nước thải ra ngoài theo lẽ thường mà lại được chảy xuống một bể chứa khác gồm bốn ngăn theo nguyên tắc bình thông nhau để hạ nhiệt độ từ 35 độ C xuống 27 độ C. Sau đó nước từ bể chứa này lại được bơm lên chiếc bể ở độ cao 65 mét rồi tiếp tục dẫn vào máy. Hệ thống bơm cũng được lắp đặt tự động theo kiểu "du kích hoá" bằng phương pháp dùng phao nổi để ngắt mạch điện cho máy hoạt động mỗi khi nước đầy hoặc vơi trong bể.

        Với sáng kiến lắp đặt hệ thống nước tuần hoàn này, ở K9 không những đủ nước cho máy hoạt động mà còn bảo đảm nước cho cả đơn vị sinh hoạt, tiết kiệm được một số lượng vật tư, tài chính lớn cho Nhà nước.

        Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng trong việc giữ gìn thi hài Bác là nguồn điện. Không có điện, máy móc không thể vận hành được. Trước đây, ở K9 có một trạm biến thế lấy từ lưới điện quốc gia. Nhưng từ khi xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, nhiều đoạn đường dây bị phá, trạm biến thế điện cũng bị hư hại nặng. Do đó, phương án cấp điện lúc này chủ yếu dùng nguồn điện từ máy phát đi-ê-den. Bộ phận kỹ thuật điện do kỹ sư Nguyễn Trung Thành phụ trách đã thiết kế lắp đặt ba cụm tổ máy, mỗi cụm có 3 máy đi-ê-den, đường dây điện lưới quóc gia cũng được kịp thời khôi phục.

        Để đảm bảo nguồn điện thường trực 24/24 giờ mỗi ngày, một hệ thống đóng và cắt nguồn điện dự phòng đã được thiết kế và thử nghiệm thay thế cho việc thao tác của con người. Hệ thống tự động này không những đảm bảo tự động đưa một trạm đi-ê-den vào hoạt động khi nguồn điện quốc gia bị mất mà còn có khả năng chọn trạm đi-ê-den thay thế nhau sau hai lần khởi động không được của máy đi-ê-den trực.

        Bên cạnh trạm tự động đóng ngắt điện, bộ phận kỹ thuật còn thiết kế, lắp đặt kèm theo một hệ thống tự động nạp ắc quy, đảm bảo cho các bình ắc quy luôn luôn ở trạng thái "no đủ"…

        Trước ngày di chuyển thi hài Bác lên K9, đồng chí Lê Quang Đạo, trưởng ban chỉ đạo cùng với đồng chí Trần Bá Đặng đã trực tiếp kiểm tra thử nghiệm các sự cố. Kết quả thu được thật không ngờ, các tình huống giả định đều được xử lý với thời gian không đến một phút.

        Giải quyết được nguồn điện cung cấp cho công trình, các cán bộ và công nhân kỹ thuật ngành điện còn thiết kế, lắp đặt một hệ thống điều khiển từ xa với các máy điều hoà nhiệt độ đặt ở buồng trung tâm. Bởi vì, nếu phải thao tác bằng tay, khả năng xử lý sẽ không kịp thời và mỗi lần ra vào tiếp xúc với các máy sự ổn định nhiệt độ trong phòng đặt thi hài rất dễ bị phá vỡ đột ngột.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2017, 09:08:22 am »

     
        Lắp đặt xong các hệ thống tự động kể trên là một cố gắng lớn của cán bộ và công nhân ngành điện. Nó chứng tỏ những khả năng tiềm tàng của những người lính khi được phục vụ Bác. Họ luôn tâm niệm rằng, để giữ gìn thi hài Bác, trong mọi việc, mỗi người phải tìm ra những biện pháp tối ưu nhất, tốt nhất mà khả năng và điều kiện lúc đó có thể cho phép thực hiện được.

        Ngày 15 tháng 12, công trình K9 hoàn thành những chi tiết cuối cùng, vượt mức thời hạn quy định 10 ngày. Để giữ bí mật, K9 được đổi thành K84. Gọi K84 là xuất phát từ một phép tính đơn giản K75+K9 = K84. Từ đó về sau, không ai còn gọi khu đồi đó là K9 nữa.

        Có lẽ trong những trang sử truyền thống vẻ vang của quân đội ta, chưa có trang nào ghi về nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhưng hết sức thiêng liêng của những cán bộ, chiến sỹ ngày đêm gìn giữ, bảo vệ thi hài Bác. Đó là một đơn vị đặc biệt, làm một nhiệm vụ đặc biệt. Do vậy, chiến công của họ cũng hết sức đặc biệt, không giống chiến công của bất cứ đơn vị nào ngoài chiến trường.

        Hoàn thành xong công trình K84, 20 cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn 2 trung đoàn 259 công binh được lựa chọn ở lại quản lý, vận hành công trình. Đây là một vinh dự, một phần thưởng lớn đối với họ. Ít ngày sau, khi tiểu đoàn 2 công binh và các lực lược phối thuộc khác rút đi, những người còn lại rạo rực chuẩn bị, họ chăm chút từng lối đi, từng gốc cây, khóm hoa và hồi hộp chờ đợi ngày được trở về Hà Nội đón Bác lên.

        Quyết định di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84 là một quyết định chính xác của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương. Nhưng di chuyển bằng cách nào, bằng phương tiện gì là điều Ban chỉ đạo còn phải cân nhắc. Ở Liên Xô và Bun-ga-ri, thi hài Lê-nin và Đi-mi-tơ-rốp thường xuyên nằm ở trạng thái tĩnh tại, nên bạn cũng không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Hơn nữa, các yêu cầu trong công tác di chuyển được các chuyên gia Liên Xô đặt ra hết sức nghiêm ngặt. Ngoài lĩnh vực y-sinh-hoá, trong quá trình hành quân còn phải bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm theo quy định. Thiếu hai yếu tố này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc giữ gìn thi hài. Ngoài ra, khi di chuyển phải tuyệt đối chống rung xóc. Trong khi đó, con đường di chuyển lại gập ghềnh, đầy ổ gà, nhiều đoạn đường, nhiều cây cầu bị hư hại nặng cần phải được sửa chữa.

        Sau nhiều cuộc họp, Ban chỉ đạo đã thận trọng cân nhắc cả ba phương án hành quân: Đường không, đường thuỷ và đường bộ. Đường không có ưu điểm nhanh, an toàn, K84 lại sẵn có sân bay trực thăng nhưng không thể chống rung xóc vì độ rung của máy bay trực thăng rất lớn. Đường thuỷ có thể chống được rung xóc nhưng thời gian lại kéo dài quá, ảnh hưởng đến quy trình làm thuốc. Cuối cùng Ban chỉ đạo quyết định chọn phương án đường bộ. Đường bộ có nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn ấy có thể khắc phục được.

        Sau khi đã xác định được phương án hành quân bằng đường bộ, Ban chỉ đạo tập trung vào việc bàn cách khắc phục những hạn chế của phương án này. Thứ nhất, về bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm, Ban chỉ đạo quyết định dùng nước đá thay cho máy điều hoà nhiệt độ. Trước đây, khi đón Bác từ Phủ Chủ tịch về 75A và đưa Bác từ 75A ra Hội trường Ba Đình, tổ y tế đặc biệt cũng đã dùng nước đá và đã bảo đảm tốt nhiệt độ, độ ẩm. Dĩ nhiên hồi đó đường đi gần hơn nên vấn đề nhiệt độ, độ ẩm đặt ra không gay gắt như lần di chuyển này. Thứ hai là làm thế nào để chống rung xóc. Muốn chống rung xóc phải khắc phục hai yếu tố xe và đường. Sau những tính toán, cân nhắc, Ban chỉ đạo quyết định chọn xe Zin 157. Loại xe này lớn và khoẻ, có 3 cầu, độ xóc ít hơn các loại xe khác. Con đường, Ban chỉ đạo nhận định không thể dùng công nhân sửa chữa ồ ạt, như vậy dễ bị lộ bí mật. Nhưng không sửa chữa thì dù xe tốt đến đâu cũng không tránh được hiện tượng rung xóc. Không còn cách nào khác ngoài việc cho người đi khảo sát rồi giao cho lữ đoàn 144 chuẩn bị phương án sửa chữa những đoạn đường và những cây cầu xấu nhất ngay trong đêm hành quân. Khi đoàn xe đặc biệt đi qua lập tức phải xóa dấu vết để cầu và đường trở lại về tình trạng vốn có của nó…

        Sau cuộc họp của Ban chỉ đạo, cán bộ, chiến sĩ và công nhân xưởng 49, Bộ tư lệnh Công binh được giao nhiệm vụ nghiên cứu, cải tạo lại chiếc xe Zin 157 theo yêu cầu của các chuyên gia Liên Xô và tổ y tế đặc biệt. Với tinh thần làm việc khẩn trương, chỉ sau ba tuần chiếc xe Zin bình thường đã biến đổi hình dạng và khoác lên mình một màu áo mới xanh thẫm. Bên trong thiết kế hết sức gọn ghẽ, hợp lý. Các bộ phận máy, bệ, gầm, đặc biệt là bộ nhíp giảm xóc đã được cải tiến lại. Các cán bộ kỹ thuật còn tính toán cả lượng hơi bơm ở các bánh xe, sao cho xe vẫn có thể chạy nhanh nhưng lại giảm độ rung xóc ở mức thấp nhất.
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Năm, 2017, 04:03:37 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2017, 04:02:45 pm »


        Cùng với xưởng 49 Công binh, các cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Thông tin cũng được giao nhiệm vụ làm hai chiếc hòm lớn, một chiếc dùng để bảo quản thi hài Bác khi hành quân và một chiếc khác dùng để chứa bể thuỷ tinh.

        Sau nhiều đợt ném bom của máy bay Mỹ, con đường lên K84 ngày ấy bị hư hại nặng. Do tính chất đặc biệt của cuộc di chuyển và do yêu cầu đặt ra rất khắt khe đối với người lái xe nên Ban chỉ đạo đã quyết định phải tích cực tập luyện để tránh những sai sót, dù rất nhỏ có thể xảy ra khi bước vào cuộc di chuyển chính thức.

        Để đảm bảo bí mật, hầu hết những cuộc tập luyện đều diễn ra vào ban đêm. Không biết bao nhiêu lần, chiếc Zin 157 đã lặng lẽ rời 75A khi thành phố vừa lên đèn để lao vào màn đêm đang trùm phủ lên những cánh đồng, làng mạc ở ngoại ô thành phố. Người lái xe vừa chạy xe, vừa quan sát, ghi nhận những đoạn đường và những chỗ khó đi. Nhiều đêm các đồng chí trong Ban chỉ đạo đã thay nhau nằm trên thùng xe theo dõi, giám sát độ rung xóc của xe cũng như phát hiện kịp thời những đoạn đường cần phải sửa chữa.

        Cứ như vậy, gần ba tháng trời ròng rã, chiếc Zin 157 đã lăn bánh đi, về một cách kiên nhẫn sáu, bảy tiếng đồng hồ trên một con đường quen thuộc. Ban đêm tập luyện, ban ngày rút kinh nghiệm. Những địa danh, những lối rẽ, những đoạn đường dốc… đã in sâu vào trí nhớ không chỉ của người lái xe mà cả của các đồng chí trong Ban chỉ đạo. Cùng với các chiến sĩ lái xe, các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ cho cuộc di chuyển cũng bước vào những buổi luyện tập công phu. Thường vào các buổi chiều, lữ đoàn 144 được cải trang rải quân dọc hai bên đường, để ban đêm khi chiếc xe Zin 157 xuất phát lên đường, họ đã có thể thông báo cho nhau biết xe đang ở vị trí nào, sắp tới vị trí nào. Những người ở nhà cũng vất vả trong luyện tập. Từng động tác nhỏ nhất như khiêng linh cữu lên xe, xuống xe, khiêng bể thuỷ tinh, cách chuyển các bình hoá chất… đều phải tập đi tập lại căng thẳng. Tất cả đều phải hết sức thuần thục, tỉ mỉ. Chỉ một sơ suất, một va chạm khẽ đều có thể dẫn tới một hậu quả không lường trước được. Có lẽ việc luyện tập khó khăn nhất là khiêng chiếc bể thuỷ tinh lớn. Chiếc bể vừa to vừa trơn. Sau một vài buổi tập luyện các chiến sĩ đã nghĩ ra một cách: may băng tải luồn dưới đáy bể rồi quàng qua cổ người khiêng ở hai bên thành bể. Nếu lỡ tuột tay thì băng tải vẫn giữ được chiếc bể.

        Ngày 20 tháng 12 năm 1969, cuộc họp giữa Ban chỉ đạo và Bộ phận gìn giữ thi hài Bác kéo dài quá nửa đêm. Ngay từ đầu hội nghị đã xác định quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng phải lãnh đạo, động viên các bộ phận thực hiện tốt nghị quyết của Quân uỷ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đợt di chuyển sắp tới, đạt các yêu cầu: nhanh, gọn, đúng thời gian, bảo đảm bí mật và an toàn tuyệt đối.

        Hội nghị cùng một lúc phải bàn triển khai tất cả các mặt công tác cụ thể: sắp xếp lại tổ chức, ai đi, ai ở, lên phương án hành quân, tổ chức nghi binh và triển khai công tác chính trị trong hành quân cũng như khi đến địa điểm mới. Tất cả mọi việc đã được rà xét, cân nhắc kỹ lương như chuẩn bị cho một trận đánh quan trọng. Khi đồng chí Kinh Chi đứng lên kết luận hội nghị thì kim đồng hồ đã chỉ đúng 2 giờ sáng.

        Ngày hôm sau, 21 tháng 12, quyết tâm của hội nghị được phổ biến xuống từng bộ phận. Một cuộc chuẩn bị rất khẩn trương. Ai cũng hiểu kết quả của ba tháng trời rèn luyện vất vả sắp được thể hiện một cách cụ thể. Không khí bỗng lắng xuống, trang nghiêm khi mọi người bất chợt nghĩ đến Bác. Nỗi đau của những ngày lễ tang đột ngột trở lại. Lòng mọi người đều nhói lên khi nhận thấy sau khi qua đời, Bác vẫn không được yên nghỉ trọn vẹn. Chiến tranh vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc và không biết Bác sẽ còn vất vả, gian khổ đến bao giờ?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2017, 04:11:44 pm »


7

        Buổi sáng ngày 22 tháng 12, một bộ phận của tổ y tế đặc biệt được lệnh cùng với hai chuyên gia Liên Xô mang bể thuỷ tinh lên K84 trước để chuẩn bị. Các đơn vị của lữ đoàn 144 bí mật rải quân dọc hai bên đường. Cứ 5 ki-lô-mét lại có một trạm trang bị máy thông tin liên lạc. Trước đó, các chiến sĩ cảnh vệ cũng đã liên hệ với công an địa phương, nắm tình hình ở các xóm trên trục đường hành quân. Tất cả đều được dự tính trước để bảo đảm tuyệt đối an toàn.

        Đúng 23 giờ ngày 23 tháng 12, đoàn xe đặc biệt được lệnh xuất phát. Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Trung ương Cục miền Nam đã có mặt đông đủ ở 75A để tiễn Bác. Đêm đó trời lạnh. Gió mùa đông bắc tràn về thổi giật từng cơn trên các lùm cây dọc hai bên đường. Phía sau đoàn xe, Hà Nội với những ánh đèn vàng lùi xa dần, cho đến lúc chỉ còn là một quầng sáng mờ đục trên bầu trời thành phố. Đoàn xe lặng lẽ vượt qua một thị trấn, bò xuống cây cầu rồi vượt lên bờ đê. Đoàn xe đi vào một thị xã, lúc đó đã chìm trong giấc ngủ. Mặt đường chỉ còn lác đác một vài bóng người cắm cúi đạp xe và thỉnh thoảng một đoàn xe quân sự chạy ngược chiều, đèn pha quét sáng rực thành từng vòm sáng trên những lùm cây xà cừ ướt đẫm.

        Dầu sao, chặng đường vừa trải qua vẫn là một chặng đường đơn giản vì phần lớn mặt đường được rải nhựa. Nhưng đoạn đường tiếp theo cho đến đích là một thử thách không nhỏ đối với họ. Khi đoàn xe vừa ra khỏi rặng cây xà cừ của thị xã, đường nham nhở, đầy "ổ gà", "ổ trâu" lần lượt hiện ra trước mặt. Các chiến sĩ cảnh vệ đang tay cuốc, tay xẻng san lấp khẩn trương để bảo đảm xe qua. Sau khi đoàn xe đi qua họ lại xoá hết mọi dấu vết của cuộc di chuyển đặc biệt.

        Ngoài chiếc Zin 157 chở thi hài của Bác còn có bốn chiếc xe khác. Xe đi đầu là chiếc Gát 69A, xe bảo ôn bảo vệ phía trước, xe bảo ôn bảo vệ phía sau, cuối cùng là xe của các đồng chí trong Ban chỉ đạo. Theo yêu cầu của các chuyên gia Liên Xô, để đề phòng những diễn biến bất trắc xảy ra dọc đường, tổ y tế phải chuẩn bị một cơ số thuốc dự bị đi cùng xe thi hài để khi cần có thể dừng lại làm thuốc bổ sung.

        Đêm mùa đông, càng về khuya trời càng se lạnh. Gió bỗng nhiên tắt lặng và những vì sao hiện ra mờ nhạt sau những tảng mây xám ngắt. Con đường trườn qua những sườn đồi, bò xuống những thung lũng, băng qua các cây cầu vừa được sửa chữa gấp gáp. Không gian hoàn toàn yên tĩnh. Chỉ còn nghe tiếng máy nổ, tiếng bánh xe nghiến trên đường đầy sỏi đá sàn sạt. Mỗi lần qua một đoạn đường xấu, một ý nghĩ, một câu hỏi cùng một lúc vụt đến với mọi người: liệu Bác có làm sao không?

        Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền được phân công ngồi cùng xe chở thi hài Bác. Trời bên ngoài giá lạnh, trong xe càng lạnh hơn bởi những khối nước đá xếp đầy trong xe và xung quanh linh cữu Bác thay cho máy điều hoà nhiệt độ. Đồng chí I-go, chuyên gia Liên Xô cùng tình nguyện lên xe thi hài, ngồi cùng với bác sĩ Quyền và đồng chí Kinh Chi ngồi bên buồng lái. Thỉnh thoảng đồng chí Kinh Chi lại hỏi: "Thế nào, vẫn yên ổn cả chứ?", đồng chí Nguyễn Gia Quyền đặt cặp kính trên nắp linh cữu để kiểm tra độ rung xóc của xe. Mỗi lần đồng chí Kinh Chi hỏi, nhìn cặp kính vẫn nằm yên ở vị trí cũ, đồng chí Nguyễn Gia Quyền lần nào cũng trả lời ngắn gọn: "Báo cáo, không có chuyện gì xảy ra cả".

        Trời vừa hửng sáng thì chiếc xe cuối cùng trong đội hình hành quân của đoàn cũng mất hút trong cánh rừng của khu căn cứ. Đoàn xe đi vào con đường ngang qua một hồ nước lớn bàng bạc sương mù để lên đồi. Hai bên đường, lau, sậy mọc đầy, quệt hai bên thành xe lạt sạt. Lúc đoàn xe tắt máy dừng lại đã thấy rất đông người đứng đón Bác trước ngôi nhà kính. Trong cùng một lúc, cả người mới đến và người ra đón đều đổ xô đến chiếc xe Zin chở thi hài Bác. Cánh cửa sau xe vừa mở, đồng chí I-go và đồng chí Nguyễn Gia Quyền bước xuống, khuôn mặt hai người tái nhợt nhưng không giấu được xúc động. Đồng chí Phùng Thế Tài bước đến nắm lấy bàn tay to, lạnh giá của bác sĩ I-go và hỏi: "Đồng chí ngồi trong đó lạnh, nhưng yên ổn phải không?". "Tốt, tốt", đồng chí I-go trả lời. Mọi người cùng thở phào. Họ hiểu: như vậy có nghĩa là không có gì xảy ra đối với thi hài Bác.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM