Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 11:28:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những năm tháng tham gia giữ gìn lâu dài và bảo vệ thi hài Chủ tịch HCM  (Đọc 11924 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2017, 10:04:49 am »


        Tháng 12 năm 1971, Ban phụ trách xây dựng Lăng giao cho Bộ Quốc phòng nhiệm vụ là bên A của công trình (bên chủ quản công trình sau khi xây dựng xong) và phụ trách lắp ráp toàn bộ thiết bị bên trong công trình. Bộ Quốc phòng đã cử một số cán bộ tham gia vào công việc chung trong quá trình thiết kế, xây dựng Lăng, tham gia vào bộ máy cơ quan Ban phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban chỉ huy công trường xây dựng Lăng, tham gia thiết kế về kiến trúc, đặc biệt là đề xuất các yêu cầu kỹ thuật bảo đảm giữ gìn thi hài tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống, giao Bộ Tư lệnh Công binh làm nòng cốt trong tổ chức lực lượng thi công lắp ráp thiết bị, giao Ban chỉ đạo giữ gìn và bảo vệ thi hài Bác của Quân ủy Trung ương nghiên cứu huy động các lực lượng, các ngành chuẩn bị các mặt để tiếp nhận bàn giao Lăng và vận hành Lăng.

        Ngày 29 tháng 6 năm 1974, Ban kiến thiết Quảng trường Ba Đình được thành lập, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chi Minh, đồng chí trung tá Nguyễn Văn Tưởng được cử làm Trưởng ban.

        Đảng và Chính phủ Liên Xô đã cử những cán bộ đầu ngành, những chuyên gia đầy tài năng như đồng chí I.Xa-cô-vích Ga-ron là một kiến trúc sư nổi tiếng đã từng nhận giải thưởng quốc gia - phụ trách kiến trúc sư trưởng đồ án thiết kế, đồng chí Mét-vê-đép được cử làm Tổng công trình sư công trình Lăng. Tổng công ty xây dựng thuộc Xô-viết Mát-xcơ-va phụ trách thiết kế, tổ chức thi công phần xây dựng và cử chuyên gia xây lắp sang giúp Việt Nam, một Viện chuyên ngành có uy tín đảm nhiệm phần thiết kế hệ thống phòng cháy, chữa cháy, bộ đội công binh Liên Xô đảm nhiệm thiết kế “Công trình bảo vệ đặc biệt", ngành du hành vũ trụ thiết kế và chế tạo quan tài kính...

        Công việc xây dựng Lăng Báe được bắt đầu chuẩn bị từ cuối năm 1969 qua đầu năm 1970. Lúc đầu Bộ Chính trị quyết định cố gắng làm nhanh, hoàn thành sớm để đồng bào có thể viếng và chiêm ngưỡng Bác trong năm 1971.

        Nhưng qua quá trình chấp hành nghị quyết, nhiều vấn đề mới được đặt ra. Riêng công việc thiết kế đã phải mất 2 năm mới hoàn thành bản thiết kế kỹ thuật (1.1970-12.1971) và công tác chuẩn bị các mặt: tổ chức lực lượng, nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị... của một công trình lớn trong hoàn cảnh đất nước nghèo nàn, thiếu thốn và có chiến tranh, khối lượng vật tư máy móc quan trọng lại phải vận chuyển từ Liên Xô sang... đòi hỏi mất nhiều thời gian..., nên Ban phụ tránh xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiến nghị và được Bộ Chính trị phê chuẩn: Công tác chuẩn bị thi công xong trước tháng 8 năm 1972, khởi công tháng 9 năm 1972: hoàn thành trước tháng 9 năm 1973.

        Nhưng tháng 10 năm 1972, đế quốc Mỹ ra lệnh ném bom trở lại toàn miền Bắc, đánh phá dã man Hà Nội, Hải Phòng, phong tỏa cảng Hải Phòng và các cửa biển khác. Sau khi xem xét mọi mặt, Bộ Chính trị quyết định “tạm dừng xây dựng Lăng theo tiến độ".

        Khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, công việc xây dựng Lăng lại được tiếp tục. Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định lấy ngày 2 tháng 9 năm 1973 là ngày khởi công, ngày 2 tháng 9 năm 1975 là ngày hoàn thành đưa công trình vào sử dụng (trong thực tế ngày 29 tháng 8 năm 1975 lễ khánh thành Lăng Bác đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình và sau đó lễ viếng Bác đầu tiên được cử hành).

        Đây là nhiệm vụ có liên quan đến việc bảo vệ giữ gìn lâu dài thi hài Bác, đồng thời cũng quan hệ tới những vấn đề bảo vệ an ninh lâu dài ở khu vực Quảng trường Ba Đình, Phủ Chủ tịch, Hội trường Quốc hội, liên quan đến việc triển khai công tác đảm bảo an ninh cho những ngày lễ lớn, những kỳ hội họp quốc gia, quốc tế, nên chúng tôi đặc biệt chú trọng tới khâu bảo mật, bảo đảm an ninh cho quá trình thiết kế, thi công công trường, bảo vệ những đồng chí tiếp xúc với những nguồn tài liệu có liên quan đến an ninh quốc gia.

        Cục Bảo vệ, ngoài việc cử một số cán bộ được chỉ định tham gia trực tiếp một số công việc trong quá trình xây dựng Lăng, còn phải triển khai các tuyến bảo vệ vòng ngoài, thường xuyên kiểm tra đôn đốc các cán bộ kỹ thuật, cán bộ chỉ huy giữ đúng quy chế, chế độ bảo mật. Đây là một công việc không có bề nổi, nhưng lại phải làm thường xuyên, kiên trì, không mệt mỏi. Nhiều cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đã phải làm việc thầm lặng như vậy trong suốt quá trình thi công công trình. Cục Bảo vệ quân đội còn được giao nhiệm vụ tham gia cùng bộ đội công binh lắp đặt các phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác an ninh - an toàn, như: hệ thống tín hiệu báo động, hệ thống quan sát hồng ngoại, hệ thống camêra kiểm soát, hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống thông tin; hệ thống khóa cửa đặc biệt hiện đại ở cửa chính vào Lăng; hệ thống phòng cháy, chữa cháy...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2017, 04:34:59 am »


        Những công việc này vừa đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao vừa đòi hỏi trình độ nghiệp vụ bảo vệ tinh tưởng. Để hoàn thành những nhiệm vụ đó, Cục Bảo vệ thành lập một đội kỹ thuật do đồng chí trung tá trưởng phòng Phạm Đức Vượng chỉ huy, đồng chí Phạm Quốc Anh làm trưởng ban kỹ thuật. Đồng chí Nguyễn Công Tam làm tổ trương tổ lắp đặt thông tin, đồng chí Nguyễn Việt Cường - tổ trưởng tổ cơ khí. Các sĩ quan kỹ thuật Nguyễn Văn Lữ, Nguyễn Văn Buồm, Đỗ Quốc Hợi, Nguyễn Văn Kỳ, Dương Phương, Phạm Văn Quýnh... đều tích cực tham gia các tổ kỹ thuật. Hai đồng chí Nguyễn Việt Cường và Nguyễn Văn Lữ được trực tiếp tham gia thiết kế và lắp đặt ổ khóa đặc biệt cửa trước Lăng. Đồng chí Phạm Thái - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ lúc bấy giờ, được giao nhiệm vụ là Phó phòng bảo vệ công trường để tiến hành công tác bảo vệ an toàn đối với các lực lượng và các bộ phận tham gia xây dựng Lăng; phòng bảo vệ này trực thuộc Ban phụ trách xáy dựng Lăng.

        Trong quá trình xây dựng Lăng, Cục Bảo vệ luôn luôn bám sát tiến độ thi công và kiểm tra đôn đốc các lực lượng tham gia bảo đảm an toàn tuyệt đối các khâu chống các sự việc phức tạp xảy ra dẫn đến những hậu quả khôn lường. Nhiệm vụ và trách nhiệm của Cục Bảo vệ, vì thế cũng rất nặng nề.

        Sau khi đã triển khai các lực lượng bảo vệ, an minh trên toàn tuyến, chúng tôi mới bắt tay vào những công việc cụ thể.

        Riêng tôi, trong những ngày tháng này tôi dành nhiều thời gian hơn cho công việc ở K84 và H21. Nhưng hễ có thời gian là tôi và các anh trong Ban chỉ đạo đều đi kiểm tra, theo dõi sát sao mọi công việc thiết kế và chuẩn bì lực lượng thi công ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

        Sau khi đã tổ chức trưng bày, xin ý kiến nhân dân về phương án thiết kế kỹ thuật Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do các nhà thiết kế hai nước Việt Nam và Liên Xô xây dựng, ngày 31 tháng 12 năm 1971 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phê duyệt bản thiết kế này. Hội đồng Chinh phủ cũng ra quyết định phê duyệt bản thiết kế. Sau 2 năm chuẩn bị, văn bản kỹ thuật cơ bản của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hai Chính phủ chấp nhận. Đây là một bước tiến quan trọng có tính định hướng cho những công việc tiếp theo.

        Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong một quần thể các công trình lịch sử văn hóa. Quảng trường Ba Đình, Phủ Chủ tịch, khu lưu niệm trong Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ... (sẽ lần lượt hoàn tất về sau). Khối chính của Lăng cao 21,5 mét đặt trên bệ tam cấp, thềm Lăng gợi hình dáng một ngôi nhà năm gian giản dị, thân thuộc. Bậc tam cấp một lần nữa được nhắc lại ở mái Lăng với những hình vát mái, gợi nhớ sự gần gũi của những mái đình làng hay đền thờ các đanh nhân của đất nước. Trong Lăng có tiền sảnh, cầu thang và buồng Bác nằm. Toàn bộ khối Lăng được kết cấu bằng bê tông cốt thép và được ốp đá; mặt ngoài ốp đá hoa cương - một loại đá có độ bền cao chịu được mưa nắng và thời tiết khắc nghiệt của xứ sở nhiệt đới, loại đá hoa cương này do Liên Xô cung cấp. Chữ Chủ tịch HỒ CHÍ MINH trên nóc Lăng được ghép bằng đá ngọc khai thác ở Cao Bằng. Cửa chính của Lăng được ốp bằng đá đen bóng. Nền và các bậc thang cũng được lát bằng đá hoa cương. Tường và cột ốp đá cẩm thạch. Riêng bức tường chính ở tiền sảnh ốp đá hoa cương vân đỏ hồng làm nền cho dòng chữ KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO và chữ ký của Bác bằng vàng. Phòng Bác yên nghỉ ốp đá cẩm thạch khai thác ở Hà Tây. Đầu Bác hướng về bức tường có lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng được ghép bằng 4.000 miếng đá hồng ngọc khai thác ở Thanh Hóa. Cờ màu đỏ thẫm, ngôi sao vàng năm cánh và búa liệm ghép đá có vân màu vàng sáng.

        Lăng có độ bền rừng cao, có đủ khả năng chống được bom đạn, chống được động đất với cường độ 7 độ Ricter; có công trình bảo vệ đặc biệt đủ khả năng chống được mưa bão, đủ điều kiện ngăn không cho nước tràn vào Lăng nếu Hà Nội bị vỡ đê.

        Phía trước là lễ đài quốc gia được xây dựng gần liền với Lăng. Lễ đài chính ngay phía trước, bên trên cửa thánh của Lăng, có độ cao thấp hơh so với độ cao giường nằm trong Lăng của Bác. Hai lễ đài phụ ở hai bên. Quảng trường Ba Đình ở phía trước Lăng rộng 2,8 héc-ta, sức chứa 100 nghìn người, chia thành 168 ô vuông trồng cỏ xanh.

        Các loại cây hoa, cây cảnh, cây xanh đặc trưng từ khắp mọi miền Tổ quốc được đưa về trồng quanh Lăng và Quảng trường Ba Đình. Đây là một hạng mục công trình rất đặc biệt, gần gũi thân thương với mỗi người Việt Nam, gần gũi với tình cảm của Bác Hồ với thiên nhiên lúc sinh thời. Nhân dân khắp nơi trong cả nước đã tích cực cung cấp những vật liệu quý, cây hoa quý để xây dựng Lăng và Quảng trường xây dựng vườn Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh sau này. Điều đó cũng thể hiện được tâm nguyện của toàn dân, thành kính dâng lên Bác Hồ tấm lòng của cháu con hiếu thảo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2017, 04:38:08 am »


        Thiết bị đặc biệt nhất ở trong Lăng là chiếc giường Bác nằm. Đây là một công trình kỹ thuật và nghệ thuật đạt được tới đỉnh cao. Chiếc giường được chế tác bằng đồng, có dải hoa văn bông sen được cách điệu bao quanh, ba mặt giường lắp kính, loại kính có độ an toàn cao do ngành du hành vũ trụ Liên Xô sản xuất, nóc giường chế tạo bằng kim loại, bên trong đặt hệ thống chiếu sáng đặc biệt gồm 20 loại đèn nhiều tia có thiết bị điều chỉnh ánh sáng theo ý muốn, hệ thống điều hòa nhiệt độ tự động. Giường được đặt trên một bệ đá bền vững, có hệ thống thang máy nâng, hạ tự động. Thiết bị này là tác phẩm của những kỹ sư, những người thợ bậc thầy của hai nước Việt - Xô.

        Lăng còn có một hệ thống các phòng điều hành, phòng chỉ huy, phòng kiểm tra an ninh với những trang thiết bị rất hiện đại, tiên tiến.

        Để bản thiết kế được phê duyệt, Ban tổ chức đã mở một đợt sáng tác hình mẫu Lăng. Cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân, kể cả Việt kiều và lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài. Hơn hai trăm phương án đã gửi về Ban tổ chức dự thi. Ban tổ chức chọn 24 phương án có nhiều ưu điểm khác nhau để đưa đi triển lãm tại Nghệ An, Thái Nguyên, Sơn La và Hà Nội để xin ý kiến nhân dân. Sau đỏ Ban tổ chức tổng hợp ý kiến, góp ý với các nhà thiết kế để hoàn chỉnh lại thành văn bản thiết kế cuối cùng trình duyệt.

        Đối với quân đội, được sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, giao cho thi công những hạng mục công trình quan trọng nhất, có quan hệ tới toàn bộ hệ thống bảo vệ kỹ thuật, bảo vệ an ninh cho công trình, là một vinh dự to lớn. Để thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, Bộ Tư lệnh Công binh được sự đồng ý của Nhà nước, đã chọn một lực lượng công nhân kỹ thuật có tay nghề cao của các ngành điện, than, cơ khí luyện kim, công nghiệp nhẹ, giao thông vận tải... để bổ sung cho đơn vị. Bộ Tư lệnh Công binh quyết định thành lập một đơn vị đặc biệt để tiến hành nhiệm vụ này lấy phiên hiệu là Trung đoàn 259B, do đồng chí Nguyễn Văn Tý làm đoàn trưởng, đồng chí Văn Đình Khánh làm chính ủy.

        Được tuyển chọn kỹ lưỡng, nên cán bộ và chiến sĩ Trung đoàn 259B đều là những con người tốt, những tay thợ giỏi. Họ đã hoàn thành xuất sắc những phần việc được giao, góp phần cùng toàn đoàn hoàn thành nhiệm vụ do Ban tổ chức xây dựng Lăng và ban chỉ huy công trường giao cho.

        Ngoài nhiệm vụ lắp đặt thiết bị tại Lăng, bộ đội công binh còn được huy động tham gia xây dựng các hạng mục công trình khác trong Lăng, như thi công phần nền móng Lăng, tham gia đặt cốt thép phần nổi công trình... Quân đội còn được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng Quảng trường Ba Đình và nhiều hạng mục công trình ngoại vi khác.

        Trong khi điều hành các đơn vị quân đội tham gia xây dựng Lăng và Quảng trường Ba Đình, Quân ủy Trung ương nhấc nhở Ban chỉ đạo phải tích cực chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng tiếp nhận quản lý điều hành Lăng và Quảng trường sau khi đã khánh thành và đưa thi hài Bác về Lăng.

        Khi Bộ Chính trị đã có quyết định về xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và xác định trách nhiệm của các ngành thì Ban chi đạo chúng tôi cũng bắt đầu nghĩ tới việt tổ chức điểu hành, quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào. Đối với chúng tôi, những năm tháng còn chiến tranh phải lo việc bảo vệ, giữ gìn lâu dài thi hài Bác trong những điều kiện khó khăn, thì có được một lăng mộ của Bác bảo đảm đầy đủ mọi tiêu chuẩn kỹ thuật, độ an toàn ở giữa Thủ đô là một ước mơ lớn. Trong những ngày tháng sống cùng Bác dưới chân núi Tản Viên, nhất là những ngày đêm trong hang đá bên kia sông Đà thì ước mơ đó lại càng cháy bỏng. Tôi cũng đã từng được qua Liên Xô, được vào viếng Lăng Lê-nin. Tôi chỉ thấy sự trang nghiêm, tráng lệ, chứ thực sự chưa biết cụ thể nước bạn quản lý, điều hành Lăng và Quảng trường Đỏ như thế nào. Nay, nào ngờ mơ ước của nhân dân Việt Nam, của những người cộng sản, những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang trở thành hiện thực. Và tôi một người lính cận vệ, lại đang được tham gia vào công trình to lớn ấy. Một câu hỏi khác được đặt ra với chúng tôi lúc này là: “Chúng ta phải quản lý điều hành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào đây?".

        Chấp hành nhiệm vụ do Trung ương Đảng, Chính phủ và Quân ủy Trung ương giao, ngay từ sau khi có Nghị quyết Bộ Chính trị (11-1969), ban chỉ đạo giữ gìn bảo vệ thi hài Bác trực thuộc Quân ủy Trung ương đã nhiều lần trao đổi trong Ban và những ngành liên quan (các Tổng cục, Bộ Tổng tư lệnh. Các đồng chí lãnh đạo và các đơn vị hữu quan thuộc Bộ Công an) về vấn đề xây dựng tổ chức, công tác quản lý điều hành Lăng của ta nên như thế nào, và phải tiến hành chuẩn bị ra sao? Qua nghe đoàn chuyên gia y tế Liên Xô giới thiệu về tình hình Lăng Lê-nin (nội dung cũng hạn chế vì theo cơ cấu tổ chức Lăng Lê-nin thì Viện khoa học giữ gìn thi hài Lê-nin là một đơn vị độc lập trực thuộc Bộ Y tế, không có liên hệ nhiều với các bộ phận khác của Lăng);
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2017, 07:45:50 am »


        Xuất phát từ tình hình thực tế Việt Nam; từ kinh nghiệm công tác bảo vệ giữ gìn thi hài Bác, Ban chỉ đạo đã sơ bộ xác định phương hướng tổ chức và nội dung công tác quản lý điều hành như sau:

        - Dù thế nào thì tổ chức quản lý Lăng cũng cần có những thành phần: công tác khoa học giữ gìn thi hài, công tác vận hành các thiết bị máy móc, công tác quản lý về kiến trúc xây dựng, công tác gác danh dự, công tác bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, công tác đón tiếp phục vụ người viếng, công tác công viên cây xanh, công tác vệ sinh, công tác tổ chức và phục vụ những ngày lễ lớn và các sinh hoạt chính trị khác của Quốc gia... Đảm đương những công việc trên, phải là các cơ quan chuyên ngành của Nhà nước, của địa phương sở tại thành phố Hà Nội phân công nhau đảm nhiệm, trước hết là Bộ Quốc phòng (bảo vệ và giữ gìn thi hài, đảm bảo kỹ thuật, bảo vệ nội bộ), Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (công viên cây xanh, đón tiếp và phục vụ người đến viếng, vệ sinh môi trường...), nhưng dù sao cũng phải có một tổ chức quản lý, điều hành chung, chuyên trách. Trong khi tiếp tục nghiên cứu xáy dựng những phương án tổ chức, quy chế các mặt công tác..., các ngành hữu quan của Quân đội cần tham gia vào việc xây dựng thiết kế Lăng, tham gia và tham quan việc xây dựng Lăng, chủ yếu là nhàm đề xuất được những yêu cầu về xây dựng công trình, về trang thiết bị máy móc và nắm được kết cấu công trình, những trang thiết bị công trình... để có thể đề ra những phương án, biện pháp, quy trình công tác quản lý, vận hành Lăng sau khi khánh thành.

        - Từ phương hướng này, tôi và anh Phùng Thế Tài, anh Nguyễn Gia Quyền - tổ trưởng y tế đặc biệt, các anh Phạm Thái - Cục phó, Phạm Đức Vượng - Trưởng phòng, Tống Xuân Đài - Trưởng phòng Cục Bảo vệ, đồng chí Vũ Ngạch, Đỗ Hải chỉ huy Trung đoàn 144 và một số cán bộ đã tham gia vào công tác thiết kế Lăng, công tác bảo vệ công trường xây dựng Lăng (đồng chí Phạm Thái là Phó phòng bảo vệ công trường) và đi sâu tìm hiểu về kết cấu trang thiết bị máy móc của Lăng. Riêng cán bộ Cục Bảo vệ quân đội còn có trách nhiệm cùng bộ đội lắp máy thi công xây dựng, lắp đặt các phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ an toàn, phòng chữa cháy: Bộ Tư lệnh Công binh, với nhiệm vụ tham gia vào công việc xây dựng chung và lắp đặt toàn bộ thiết bị máy móc của Lãng, thì mặc nhiên đã dễ dàng thực hiện được nhiệm vụ nghiên cứu công tác chuẩn bị của mình.

        Để có thêm kinh nghiệm giúp cho công tác chuẩn bị tốt hơn: cuối năm 1973, tôi đã được đồng chí Trần Quốc Hoàn sắp xếp cho làm việc với đồng chí trưởng đoàn cán bộ Ủy ban an ninh Liên Xô (là Phó Chủ tịch Ủy ban) sang công tác tại Việt Nam để nghe giới thiệu về công tác bảo vệ an ninh, trật tự an toàn ở Lăng Lê-nin và để đề nghị với Ủy ban an ninh Liên Xô giúp đỡ cụ thể Việt Nam trong công tác này, đặc biệt là viện trợ các phương tiện kỹ thuật bảo vệ.

        Cũng cuối năm 1973 đầu năm 1974, Ban phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử một đoàn cán bộ cao cấp đủ quyền hạn giải quyết công việc về xây dựng, lắp máy của Lăng sang Liên Xô trực tiếp làm việc với bạn. Đoàn do đồng chí Phùng Thế Tài dẫn đầu; thành viên Có đồng chí Vương Quốc Mỹ, tôi và một số cán bộ khác. Theo đề nghị của Ban phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và được phía Liên Xô chấp nhận, đồng chí Phùng Thế Tài và tôi còn được phía Liên Xô bố trí làm việc với các cơ quan hữu quan Liên Xô đề nghị giới thiệu kinh nghiệm tổ chức quản lý, điều hành Lăng Lê-nin. Chúng tôi đã tham quan Viện khoa học giữ gìn thi hài Lê-nin (tham quan công trình, thiết bị máy móc của Viện, nghe các đồng chí Viện trưởng, Viện phó giới thiệu về tổ chức nhiệm vụ của Viện và nội dung quy trình công tác giữ gìn thi hài Lê-nin ở Lăng). Chúng tôi cũng đã tiếp xúc với đồng trí Trung tướng Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh cảnh bị điện Krem-lin trực thuộc Ủy ban an ninh Liên Xô (cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ Lăng Lê-nin) nghe giới thiệu về tổ chức quản lý Lăng, tổ chức và công tác bảo đảm kỹ thuật, gác danh dự, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, đón tiếp người viếng Lăng, xem thực tập báo động ứng phó với bất trắc xảy ra ở buồng đặt thi hài Lê-nin của bộ đội bảo vệ Lăng, bộ đội gác danh dự, khu tập kết người đi viếng Lăng, dòng người đi viếng và công tác hướng dẫn - an ninh, có xem cả trường hợp cảnh sát giám sát kiểm tra phần tử khả nghi trong dòng người đi viếng...; đã làm việc với đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban an ninh Liên Xô nghe giới thiệu về công tác bảo vệ an ninh, trật tự an toàn Lăng Lê-nin và đoàn cũng nhắc lại đề nghị Liên Xô viện trợ, giúp đỡ Việt Nam. Chuyến đi này có kết quả lớn là giúp cho việc nghiên cứu phương án chuẩn bị của ta được đầy đủ hơn, có cơ sở để đánh giá đúng hơn những công việc đã làm, hình dung được những việc cần làm tiếp rõ ràng hơn, đầy đủ hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2017, 07:50:10 am »


        Sau khi đi Liên Xô về, chúng tôi đã báo cáo với Ban chỉ đạo, với các đồng chí lãnh đạo trong Ban phụ trách quy hoạch A tình hình và kết quả chuyến đi.

        Ông cha ta thường nói "Đi một ngày đàng học một sàng khôn". Câu nói đó áp dụng vào chuyến đi này của chúng tôi thật tuyệt đối đúng. Chưa bao giờ chúng tôi học hỏi được nhiều như vậy. Có lẽ, những gì được nghe, được xem, được trao đổi đều là những điều rất thiết thân, nên chúng tôi tiếp thu rất nhanh chóng. Cũng phải nói, nếu không có quá trình mấy năm trời làm việc trong lĩnh vực này, thì tôi cũng không có đủ kiến thức cơ sở mà tiếp thu những gì mình được nghe, được thấy. “Chúng ta chưa ai từng được học để làm những công việc này, đành phải vừa làm vừa học mà thôi" - lời nói ấy là do đồng chí Nguyễn Lương Bằng nói với chúng tôi từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ này. Nay ngẫm lại, thấy thật chí lý. Tuy vậy chúng tôi cũng xác định vấn đề tổ chức - quản lý điều hành Lăng Bác không thể rập khuôn như Liên Xô mà phải có những giải pháp thích hợp với thực tiễn Việt Nam.

        Trên cơ sở thực tế Việt Nam, rút kinh nghiệm những việc đã triển khai, kết hợp với những kinh nghiệm của Lăng Lê-nin, Ban chỉ đạo đã xây dựng phương án sơ bộ về tổ chức quản lý vận hành Lăng và những công tác chuẩn bị cần tiếp tục. Phương án đã được báo cáo với Ban phụ trách quy hoạch A, với các đồng chí lãnh đạo của Quân ủy Trung ương được phân công chỉ đạo thường xuyên công tác giữ gìn thi hài Bác và xây dựng Lăng với Trung ương Đảng, Chính phủ. Phương án này đã được nhất trí tán thành kèm theo một số ý kiến bổ sung, điều chỉnh. Nội dưng cơ bản của phương án là:

        - Là phương án lâm thời, các ngành liên quan căn cứ vào phương án để triển khai tổ chức thực hiện phần nhiệm vụ của mình; khi Lăng đã hoạt động, sẽ rút kinh nghiệm và quyết định chính thức sau.

        - Căn cứ vào Nghị quyết ngày 29 tháng 11 năm 1969 của Bộ Chính trị, quyết định của Ban phụ trách xây dựng Lăng (tháng 12 năm 1971 - phần trách nhiệm của các ngành) và thực trạng tổ chức thời điểm đó tạm thời phân giao nhiệm vụ như sau:

        Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm xây dựng tổ chức, điều động lực lượng làm công tác giữ gìn bảo vệ thi hài Bác: Quản lý vận hành các máy móc thiết bị, các công trình kiến trúc của Lăng và Quảng trường; bảo vệ an ninh và bảo vệ trật tự an toàn trong công trình Lăng, khu vực Lăng và lễ đài, vườn Lăng; đón tiếp hướng dẫn, phục vụ người đi viếng từ cửa Lăng trở vào.

        Bộ Công an chịu trách nhiệm xây dựng tổ chức, điều động lực lượng làm công tác bảo vệ an ninh, bảo vệ trật tự an toàn khu vực Quảng trường, vùng tiếp giáp Lăng và Quảng trường, khu vực đón tiếp người đi viếng và công tác đón tiếp, hướng dẫn người viếng đi viếng từ nơi tập hợp đến cửa Lăng.

        Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm xây dựng tổ chức điều động lực lượng làm công tác quản lý, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, cây xanh, ô cỏ của Lăng, Quảng trường và khu đón tiếp người viếng; làm công tác vệ sinh môi trường khu vực Lăng và Quảng trường; làm công tác phục vụ người viếng về ăn uống, vệ sinh và các hoạt động dịch vụ văn hóa (chụp ảnh, bán sách báo, lưu niệm...).

        Sẽ có một tổ chức quản lý thống nhất chung các đơn vị của các ngành làm nhiệm vụ ở Lăng (thống nhất chương trình kế hoạch, điều hòa phối hợp hoạt động giữa các ngành, đảm nhiệm những việc chung mà các ngành không chịu trách nhiệm...).

        Căn cứ vào phương án tổ chức sơ bộ đã được phê chuẩn trên, từ cuối 1974, các ngành đều khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị. Ban chỉ đạo giữ gìn thi hài Bác trực thuộc Quân ủy Trung ương đã xúc tiến các việc:

        Giao tổ y tế đặc biệt nghiên cứu và đề xuất vấn đề biên chế bổ sung thêm cán bộ, nhân viên để có thể làm tốt nhiệm vụ sau khi đón Bác về Lăng, Lăng Bác đi vào hoạt động; cần lưu ý cán bộ, nhân viên phục vụ công tác cấp cứu người đi viếng Lăng bị mệt ốm (buồng cấp cứu sẽ đặt trong Lăng); biên soạn những quy trình, quy phạm công tác khi giữ gìn thi hài Bác tại Lăng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2017, 06:45:08 pm »


        - Trung đoàn 144, có Cục Bảo vệ chỉ đạo về nghiệp vụ và hỗ trợ, được giao nhiệm vụ tổ chức ra đơn vị gác danh dự và bảo vệ vũ trang ở Lăng với cơ cấu: có phân đội gác danh dự ở cửa Lăng và quanh bệ đặt thi hài Bác; có phân đội hướng dẫn người đi viếng từ cửa Lăng trở vào, có phân đội bảo vệ vũ trang trong Lăng và trong khu vực Lăng (Lăng, lễ đài, vườn sau và quanh Lăng). Tiêu chuẩn của cán bộ, chiến sĩ này rất cao: Chính trị trong sạch, đạo đức tốt, quan hệ xã hội lành mạnh; có thể lực, có trình độ nghiệp vụ về bảo vệ vũ trang, về an ninh tốt (sử dụng thành thạo vũ khí, phương tiện kỹ thuật, võ thuật, khả năng quan sát ứng phó với các tình huống nghi ngờ và bất trắc), có trình độ văn hóa trong ứng xử giao tiếp với người đến viếng, tham quan Lăng... Riêng bộ đội gác tiêu binh danh dự còn phải có ngoại hình cân đối, cao từ 1,7 mét trở lên, thân thể và đặc biệt là vùng đầu, mặt, chân tay không có khuyết tật, dị tật... Vì thế, Trung đoàn 144 được phép đi tuyển cán bộ, chiến sĩ từ mọi đơn vị trong toàn quân, đi tuyển tân binh ở các địa phương, sau đó phải tổ chức huấn luyện thuần thục nghiệp vụ, quân sự, chính trị, văn hóa. Chỉ riêng việc tập luyện công tác đi đều, đi nghiêm, vác súng, lên súng, xuống súng, tư thế đứng gác, đổi gác, khiêng hoa, hướng dẫn người viếng... của phân đội tiêu binh danh dự cũng đã phải huấn luyện, thực tập nhiều tháng ở doanh trại trên Vĩnh Phúc... Đơn vị này được nuôi dưỡng với tiêu chuẩn cao hơn bình thường và Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị cho đơn vị quân trang, quân phục thích hợp, nhất là lễ phục sử dụng khi công tác.

        - Cục Bảo vệ quân đội cử cán bộ, chiến sĩ cùng bộ đội lắp máy tiếp tục thi công, lắp đặt các công trình, thiết bị của công tác bảo vệ trong Lăng; thành lập đơn vị công tác bảo vệ bí mật ở khu vực Lăng, Quảng trường và tiếp giáp Lăng; cùng Cục Cán bộ, Cục Quân lực chọn cán bộ, chiến sĩ dự kiến sẽ điều động cho bộ máy vận hành Lăng; giúp đỡ và phối hợp với Ban chỉ huy Trung đoàn 144 trong việc chọn và huấn luyện bộ đội.

        - Bộ Tư lệnh Công binh dự kiến những cán bộ, chiến sĩ, công nhân đang làm nhiệm vụ lắp máy ở Lăng sẽ ở lại làm công tác quản lý, vận hành các thiết bị sau khi hoàn thành việc xây dựng Lăng; xây dựng những quy trình, quy phạm công tác vận hành thiết bị, máy móc...

        - Ban chỉ đạo trao đổi với Cục Cán bộ về dự kiến sắp xếp cán bộ cho bộ máy quản lý chung các cơ quan đơn vị bộ đội làm công tác ở Lăng. Cũng trong thời gian này Bộ Công an đã tổ chức một đơn vị cảnh sát bảo vệ (thuộc Cục Cảnh sát bảo vệ) chuyên trách làm công tác bảo vệ ở khu vực xung quanh Lăng, Quảng trường Ba Đình, khu tập kết người đi viếng Bác và công tác tiếp đón, hướng dẫn người đi viếng - kể cả đối với khách nước ngoài.

        - Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức một đơn vị chuyên trách công tác ở khu vực Lăng và Quảng trường, bao gồm các bộ phận: công viên, cây xanh, vệ sinh môi trường, phục vụ khách viếng...

        Như vậy, tới tháng 7 năm 1975 cơ cấu tổ chức ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm:

        1- Bộ Công an có Đoàn 375.

        2- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có Ban quản lý Quảng trường Ba Đình.

        3- Bộ Quốc phòng hình thành một đơn vị thống nhất gồm các bộ phận:

        + Đoàn y tế đặc biệt.

        + Đoàn vận hành thiết bị thuộc Bộ Tư lệnh Công binh.

        + Cơ quan đặc trách CX73 - thuộc Bộ Tư lệnh Công binh. Đây là bộ phận chuyên trách vận hành quan tài kính và thiết bị điều hòa nhiệt độ trong buồng thi hài Bác.

        + Tiểu đoàn 275 thuộc Trung đoàn 144.

        + Tổ bảo vệ kỹ thuật và bảo vệ bí mật thuộc Cục Bảo vệ

        + Tổ thông tin thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin.

        Đoàn 69 là cơ quan chỉ huy thống nhất tất cả các bộ phận, điều hòa phối hợp vời các đầu mối có lực lượng làm việc tại Lăng. Đoàn 69 do đồng chí Lương Soạn làm chỉ huy trưởng, đồng chí Lưu Công Tiền là chính ủy.

        Ban chỉ đạo vẫn hoạt động giúp Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo quán xuyến mọi công việc của bộ đội ở Lăng.

        Ban chỉ đạo giao cho tôi nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo mọi công tác chuẩn bị để bộ máy kể trên hoạt động có hiệu quả. Tình cảm của quân và dân ta đối với Bác Hồ thì ai cũng sâu đậm; nhiệm vụ phục vụ cho việc xây dựng và điều hành Lăng thì ai cũng nhiệt tình. Nhưng khi động đến nhưng công việc cụ thể thì không phải lúc nào cũng thông đồng bén giọt. Những vướng mắc về cơ chế, quy chế, sự chồng chéo, những chỉ thị, mệnh lệnh, quy định khiến chúng tôi rất vất vả trong giai đoạn chuẩn bi này. Nhưng chúng tôi có một niềm an ủi lớn, một "câu cửa miệng" để động viên nhau luôn cố gắng - Vất vả mấy, khó khăn mấy cũng chưa bằng những năm vừa qua. Chúng ta đã vượt qua được những khó khăn chồng chất trong những năm tháng ấy để bảo vệ giữ gìn thi hài Bác, thì những khó khăn, trở ngại hôm nay có sá gì.

        Chỉ cần nghĩ như vậy, chúng tôi lại hăng hái lao vào công việc để sớm đến ngày được đón Bác vế Lăng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2017, 01:20:55 am »


        IX. “BÁC NẰM TRONG LĂNG, GIẤC NGỦ BÌNH YÊN"

        Từ khi đón thi hài Bác từ H21 trở về, K84 lại trở thành trung tâm của nhiệm vụ bảo vệ giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Ban chỉ đạo chúng tôi vừa phải thường xuyên theo dõi từng "hơi thở" ở K84, vừa tham gia vào nhiệm vụ xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghiên cứu phương án tổ chức điều hành Lăng.

        Đối với K84, chúng tôi đã nhận thức được rằng, dù sau khi Lăng hoàn thành, thi hài Bác được đưa về Lăng nhưng K84 vẫn là một căn cứ quan trọng vẫn cần được bảo mật và duy trì bảo dưỡng thường xuyên để làm căn cứ dự phòng cho những trường hợp thiên tai, địch họa. Hướng xây dựng K84 thành một căn cứ lâu dài đã hình thành. Đoàn 69 căn cứ vào đó để củng cố nơi ăn ở, tăng gia sản xuất, xây dựng mối quan hệ với địa phương và hoàn chỉnh thêm một bước các phương án bảo vệ an ninh và phòng thủ khu vực.

        Mùa xuân 1975, ta mở chiến dịch Tây Nguyên, thắng lợi vang dội, tạo nên một bước ngoặt có tính chiến lược. Thời cơ để tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định đẩy nhanh tốc độ tiến công và nổi dậy.

        Tin thắng trận từ các chiến trường miền Nam tới tấp bay về khiến cả Hà Nội nức lòng.

        Rồi Chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ra như “sấm rạn chớp giật” và ngày 30 tháng 4 lịch sử đế đến. Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Ngày toàn thắng mà Bác Hồ kính yêu cùng toàn quân, toàn dân ta trông đợi đã đến.

        Ban chỉ đạo chúng tôi mặc dù bận nhiều việc để phục vụ các chiến dịch trên chiến trường miền Nam; riêng tôi đi Tây Nguyên, Khu 5 rồi vào tiếp quản Sài Gòn, nhưng vẫn phân công nhau theo dõi sát tình hình trên K84.

        Cuối tháng 5 năm 1975 chúng tôi được lệnh đẩy mạnh mọi công tác chuẩn bị để đưa Bác về Lăng trước ngày Quốc khánh 2-9. Theo yêu cầu của đoàn chuyên gia y tế, thi hài Bác phải được đưa về Lăng trước một đến hai tháng để làm những công tác kỹ thuật cần thiết vì khi Lăng hoạt động, điều kiện môi trường có những thay đổi so với ở K84, phải có một khoảng thời gian nhất định để thích nghi.

        Ban chỉ đạo yêu cầu Đoàn 69 và Cục Bảo vệ, Trung đoàn 144 lập tức tiến hành công tác chuẩn bị cho cuộc hành quân đưa Bác về Hà Nội. Mặc dù đã hành quân nhiều lần trên tuyến đường đã quen thuộc, nhưng chúng tôi không chủ quan. Anh Phùng Thế Tài và tôi vẫn thay nhau kiểm tra từng khâu của công tác chuẩn bị, nhất là khâu đường sá. Lần này, chúng tôi được phép yêu cầu các địa phương tham gia việc sửa đường với lý do chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2-9 và đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, chúng tôi đã được phép nói về nhiệm vụ chuẩn bị đưa Bác Hồ về Lăng. Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo của Hà Tây đến lúc đó mới biết rằng bao năm qua Bác Hồ đã ở trên quê hương mình. Biết chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong những năm ấy, có đồng chí trách "Giá như các anh cho chúng tôi biết thì chúng tôi và nhân dân Hà Tây sẽ cùng ghé vai với các anh”. Biết thế, nhưng do yêu cầu bảo mật nghiêm ngặt, chúng tôi đành chịu nghe lời trách vậy.

        Trong dịp này quân đội ta cũng bắt đầu chuẩn bị lễ duyệt binh mừng chiến thắng trong ngày Quốc khánh 2-9, nên chúng tôi có thêm lý do để nói với các địa phương, các hạt giao thông để họ đẩy nhanh tiến độ sửa đường.

        Cuối tháng 6 năm 1975 đường sá đã sửa chữa xong, tốt hơn hẳn tình trạng con đường này ngày đầu tiên đưa Bác lên K84. Bên cạnh công tác chuẩn bị về đường sá, các đơn vị của Cục Bảo vệ, Trung đoàn 144 cũng đã triển khai xong lực lượng bảo vệ tuyến đường. Các phương tiện vận chuyển cũng được trung tu lại. Các đồng chí lái xe vẫn luyện tập tay lái để nâng cao tay nghề, kiên quyết bảo đảm an toàn cao nhất cho cuộc di chuyển này.

        Bấy giờ, còn một việc khó mà Đảng ủy, chỉ huy Đoàn 69 phải làm. Đó là vấn để kẻ ở - người đi. Trong thâm tâm, mọi cán bộ, chiến sĩ đều muốn được cùng Bác về Hà Nội. Về lý do tình cảm cũng rất xác đáng, về những lý do riêng cũng vậy, hòa bình rồi, ai chả muốn về sống ở Thú đô. Bao năm qua anh em cũng đã quá gian lao vất vả nơi rừng núi rồi. Nhưng biết làm sao: Dù sao K84 vẫn phải có người bảo vệ, duy trì thường xuyên vì tính chất quan trọng của nó trong sự nghiệp giữ gìn lâu dài thi hài Bác và cả những nhiệm vụ quan trọng khác nữa. Tôi đã nói lên điều băn khoăn đó với anh Phùng Thế Tài, nhưng không ngờ anh Tài lại khoát tay nói: “Yên trí đi. Anh em họ sẽ thu xếp đâu vào đó thôi mà". Quả vậy, cái việc mà tôi tưởng là rất khó khăn, hóa ra lại được anh em lãnh đạo, chỉ huy Đoàn 69 giải quyết rất nhanh gọn. Những người được phân công ở lại đều vui vẻ, tự nguyện. Thì ra, trong những thời điểm quyết định nhất, mọi người vẫn biết đặt lợi ích của mình sau lợi ích của đất nước, của nhân dân, của đồng chí, đồng đội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2017, 01:21:22 am »


        Ngày 15 tháng 7 năm 1975, tôi cùng các anh Phạm Ngọc Mậu, Phùng Thế Tài lên K84 kiểm tra lần cuối cùng mọi công việc chuẩn bị đưa Bác về Lăng. Trên đường đi, anh Phùng Thế Tài nhắc lại với tôi những kỷ niệm khó quên của cái đêm đầu tiên chúng tôi đưa Bác từ Hà Nội lên K84. Rồi mạch chuyện không dứt, chúng tôi nhắc đến những lần được tháp tùng bảo vệ Bác đi công tác. Đối với anh Phùng Thế Tài và tôi, những chuyến đi đó là niềm vinh dự, là những kỷ niệm không thể nào quên.

        Sau khi kiểm tra lần cuối công tác chuẩn bị, Ban chỉ đạo ra lệnh cho Đoàn 69 chuẩn bị tổ chức đưa Bác về Lăng vào ngày 18 tháng 7 năm 1975.

        Ngày mà chúng tôi bấy lâu mong đợi đã tới.

        Chiều ngày 18 tháng 7 năm 1975 - một ngày đẹp trời. Bầu trời xanh ngăn ngắt. Núi Ba Vì sừng sững soi bóng xuống sông Đà cuộn chảy. Trong khi đợi giờ để hạ mệnh lệnh hành quân, tôi tha thẩn đi dạo một vòng trong khuôn viên K84. Tôi dừng chân đứng ngắm ba ngọn đá thồi lên từ lòng đất như ba mũi chông, hay như ba cánh buồm vậy. Đây là nơi khi còn sống, mỗi khi lên K84 nghỉ ngơi làm việc, Bác thường ra ngồi chơi đọc báo. Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô, Ti-tốp cũng đã được Bác tiếp ở đây; phu nhân của Thủ tướng Chu Ân Lai - bà Đặng Dĩnh Siêu cũng đã từng đến nghỉ ngơi ở nơi này. Có lẽ cái tên Đá Chông xuất phát từ những tảng đá nhọn hoắt như những mũi chông mọc rải rác ven sông Đà này. Theo truyền thuyết mà nhân dân địa phương kể lại thì đây chính là dấu tích của những cọc đá nhọn mà các tướng sĩ của Sơn Tinh cắm ven sông Đà để ngăn chặn cuộc xâm lấn của các loài thủy quái. Lúc sinh thời, mỗi khi lên K84 nghỉ ngơi, làm việc, Bác thường đứng nơi đây nhìn xuống dòng sông Đà cuộn chảy. Không ai biết Người đã nghĩ suy gì trước cảnh núi non hùng vĩ này.

        Bây giờ, ở nơi có ba ngọn đá chòi lên như ba mũi mác, cán bộ chiến sĩ ở K84 đã xây một bệ thờ và đặt lên đó một bình hương. Chiều hôm ấy, khi tôi tới nơi này thì đã có những nén hương đang tỏa khói. Không gian yên lắng lạ thường khiến tôi nghe rõ những tiếng chim ríu rít trẽn ngàn cây hòa với tiếng nước chảy dạt dào phóng khoáng dưới sông Đà.

        16 giờ, đoàn xe đã sần sàng. Tôi ra lệnh hành quân. Hầu như tất cả các cán bộ, chiến sĩ được phân công ở lại K84 đều có mặt để đưa tiễn Bác; họ đứng chật hai bên đường từ nhà kính ra tới tận cổng K84 lưu luyến vẫy chào.

        Rời khỏi K84, tôi ra lệnh cho đoàn xe giữ tốc độ quy định mặc dù đường sá đã sửa khá tốt. Dọc đường tôi nhìn thấy các cán bộ, chiến sĩ của Cục Bảo vệ và Trung đoàn 144 vẫn có mặt trên các điểm quy định. Cuộc hành quân trở về của Bác vẫn được bảo vệ cẩn mật.

        Lần này tôi được bảo vệ thi hài Bác hành quân qua quê hương mình vào ban ngày, nói đúng hơn khi đoàn qua địa phận xã Tam Hiệp quê tôi thì trời đã sẩm tối, nhưng tôi vẫn nhìn rõ những mái nhà tranh ấm áp, thân thương của bà con quê tôi. Khác với những lần trước đưa Bác hành quân qua đây, lần này lòng tôi thanh thản nhẹ nhõm hơn, thư thái hơn nhiều. Tôi cảm thấy tự hào vì đã cùng đồng đội vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất để bảo vệ giữ gìn lâu dài thi hài Bác cho Đảng, cho dân. Ngày bước chân ra đi làm cách mạng, tôi chỉ là một chú học trò nhỏ, nay tôi đã được mang trên vai quân hàm cấp tướng. Nhưng dù là một vị tướng, trước Bác, tôi vẫn cảm thấy mình giống như một chú lính cận vệ nhỏ bé ngày nào cùng được hành quân bên Bác. Tôi tự hào vì cho đến tận lúc đó, tôi vẫn được làm một người lính cận vệ cho Bác Hồ.

        Đường phố Hà Nội rực rỡ ánh đèn. Thủ đô đã trở lại bình yên sau bao ngày khói lửa. Thăng Long đã trở thành chiến địa nhưng cũng đã trở thành nơi phơi xác bọn "giặc trời”. Nhớ ngày nào bảo vệ Bác đi thăm bộ đội tên lửa ta vừa đánh thắng trận đầu, bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời sông Đà, Bác đã từng nói với các chiến sĩ phòng không Việt Nam: "Dù giặc Mỹ có B52 hay bê gì đi chăng nữa, nhưng nhất định chúng ta sẽ đánh thắng”. Quyết tâm, ý chí của Bác đã được quân dân ta biến thành hiện thực. Những con "át chủ bài!' của không lực Hoa Kỳ đã phải gục ngã trước sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam. Thủ đô Hà Nội đã không trở thành một đống gạch vụn như kẻ thù mơ tưởng, mà vẫn rực rỡ, xanh tươi để đón Bác trở về.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2017, 09:54:50 pm »


        20 giờ ngày 18 tháng 7 năm 1975, đoàn xe hộ tống thi hài Bác về tới Lăng. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương đã đợi sẵn ở phía sau Lăng. Thi hài Bác được trang trọng rước vào phòng chờ. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng thay mặt Đảng, Nhà nước ta nói lời chào mừng ngày Bác trở về Hà Nội, nói lời biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và các nhà khoa học Xô-viết đã tận tình giúp đỡ Việt Nam trong những năm qua. Chỉ có tình đồng chí sâu nặng, tinh thần vô sản cao cả, niềm tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, mới có thể khiến các chuyên gia Liên Xô vượt qua những điều kiện khó khăn, gian khổ trong những năm chiến tranh để sát cánh với Đảng, Nhà nước ta và các đồng nghiệp Việt Nam vượt qua mọi thử thách để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và giữ gìn thi hài Bác. Phó Chủ tịch Nguyễn Lương Bằng cũng đã biểu dương cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 và các đơn vị quân đội, các nhà khoa học trong và ngoài quân dội đã tham gia vào nhiệm vụ trọng đại này.

        Ngày 29 tháng 8 năm 1975 lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình. Đây là một ngày trọng đại đối với đất nước ta. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu các bộ, ngành; đại biểu các địa phương trong cả nước, đại biểu các đơn vị tham gia xây dựng Lăng và Quảng trường đã tới dự đông đủ. Đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô, các chuyên gia y tế, chuyên gia kiến trúc xây dựng của Liên Xô và các đoàn ngoại giao các nước tại Hà Nội cũng đã có mặt tại buổi lễ. Mọi người đều vui mừng phấn khởi trước sự kiện trọng đại này.

        Đồng chí Trường Chinh, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam đọc diễn văn khai mạc buổi lễ. Sau đó đồng chí Lê Duẩn - Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đọc diễn văn ca ngợi công ơn trời biển của Bác Hồ đối với dân tộc ta, Đảng ta, nhãn dân ta; báo cáo với Bác những thành tựu vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp chiến đấu chống xâm lược, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng chí ca ngợi tình hữu nghị sâu nặng của hai Đảng, nhân dân hai nước Việt - Xô; cảm ơn Đảng, nhân dân và các chuyên gia Liên Xô đã tận tình giúp đỡ Việt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình. Đồng chí Bí thư thứ nhất đã ca ngợi tinh thần lao động sáng tạo, quên mình của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Việt Nam trong việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình. Đồng chí nhấn mạnh rằng, công trình lịch sử văn hóa này là biểu hiện cao đẹp của tình đoàn kết hữu nghị, và biểu lộ lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Từ nay, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình thực sự là một trung tâm văn hóa, là trái tim của Thủ đô Hà Nội, là nơi mà nhân dân Việt Nam luôn hướng về.

        Sau buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã dẫn đầu các đoàn đại biểu vào Lăng viếng Bác.

        Thay mặt cho Ban chỉ đạo, anh Phùng Thế Tài và tôi trực tiếp hướng dẫn các đoàn đại biểu đầu tiên vào viếng Bác. Các đồng chí chi huy Đoàn 69, Tiểu đoàn 275 đã cùng chúng tôi làm nhiệm vụ vinh dự này. Nhìn những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta bước từng bước trang nghiêm kính cẩn tới trước buồng thi hài Bác trong Lăng, tôi chợt nhớ tới ngày nào tại 75A, chính các đồng chí đã đứng trước thi hài Bác cúi chào tiễn biệt khi Người phải rời Thủ đô để lên K84. Từ những ngày ấy, Đảng, Nhà nước ta, quân đội ta và nhân dân ta đã nung nấu ý chí, âm thầm chuẩn bị để có ngày hôm nay đón Bác về Lăng. Chặng đường đó thật gian nan nhưng cũng thật đáng tự hào. Mọi người đều bồi hồi xúc động khi gặp lại Bác sau 6 năm xa vắng. Từ ngày 30 tháng 8 năm 1975, nhân dân cả nước đã đổ về Thủ đô Hà Nội để viếng Bác. Dòng người nối dài nối dài theo năm tháng.

        Ngày Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1975, Quảng trường Ba Đình rầm rập bước quân đi. Những đoàn quân chiến thắng trên khắp các chiến trường đã cử đại biểu về đây để diễu binh, báo cáo với Bác. Đại biểu các đơn vị các đoàn thể, nhà máy, xí nghiệp, nhà trường cũng cử những đoàn đại biểu ưu tú diễu hành báo công với Bác trước Lăng. Trên lễ đài quốc gia có đầy đủ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội - những học trò ưu tú của Bác Hồ kính yêu. Trong Lăng, Bác hẳn rất mừng vui khi thấy cháu con về quần tụ bên Người trong ngày toàn thắng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2017, 09:55:49 pm »


        Từ đó Bác đã có thể bình yên trong giấc ngủ ngàn thư. Nhân sự kiện trọng đại này, Đảng, Nhà nước ta đã chỉ thị cho các ngành tiến hành bình công, khen thưởng những cán bộ, chiến sĩ, những tổ chức, cá nhân đã có thành tích trong công tác xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình. Cũng nhân dịp này, Nhà nước ta đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động Việt Nam cho ba chuyên gia Liên Xô là đồng chí S.Đê-bốp trưởng đoàn y tế Liên Xô, Ga-ron kiến trúc sư trưởng công trình Lăng và Quảng trường Ba Đình, Mét-vê-đép Tổng công trình sư của công trình Lăng và Quảng trường Ba Đình - những người đã có công lao động đặc biệt với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ giữ gìn thi hài Bác Hồ và xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

        Sau lễ khánh thành, Ban chỉ đạo đã có một cuộc họp đánh giá lại tình hình. Chúng tôi cho rằng, nhiệm vụ tới của Ban chỉ đạo là phải tập trung vào làm tốt công tác xây dựng tổ chức cho nhiệm vụ bảo vệ, vận hành hoạt động của Lăng và phục vụ nhân dân tới viếng Bác. Trong đó nhiệm vụ xây dựng tổ chức lực lượng là rất quan trọng; nhiệm vụ phục vụ nhân dân tới viếng là nhiệm vụ rất mới, nổi bật trước mắt, vì số lượng nhân dân từ khắp nơi trong cả nước tới viếng Bác ngày càng đông. Công tác khoa học giữ gìn thi hài và công tác vận hành kỹ thuật cũng phải được xây dựng thành nền nếp chế độ, quy trình, quy phạm chu đáo chuẩn mực. Những dự thảo vệ quy chế, quy phạm trong công tác bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác, vệ vận hành kỹ thuật, về bảo vệ an ninh do Đoàn 69 và các bộ phận liên quan soạn thảo được xem xét, hoàn chỉnh lại để ban hành.

        Sau một thời gian hoạt động, qua kinh nghiệm đúc kết từ quá trình quản lý, điều hành Lăng của các tổ chức lâm thời, Ban chỉ đạo đã báo cáo đề nghị Quân ủy Trung ương quyết định về hình thức cơ cấu, cán bộ của đơn vị công tác ở Lăng. Ngày 28 tháng 12 năm 1975, Thường vụ Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy phiên hiệu là Bộ Tư lệnh 969 (quyết định số 279/VBBQLT).

        Nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh 969 được xác định là:

        - Làm công tác khoa học giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổ y tế đặc biệt nay được nâng lên thành viện khoa học giữ gìn thi hài, biên chế được mở rộng - tăng cường nhiều cán bộ khoa học... vừa làm nhiệm vụ cùng với chuyên gia y tế Liên Xô trực tiếp làm công tác giữ gìn thi hài Bác, vừa tiếp tục triển khai công việc cua một cơ sở thực nghiệm của Việt Nam, vừa xây dựng một mạng lưới cộng tác viên rộng rãi là các nhà khoa học, trí thức trong cả nước, vừa cử nhiều cán bộ đi họe các khoa học cơ bản có liên quan (theo sự góp ý của Liên Xô)... Nhằm sẵn sàng tự đảm nhiệm việc trực tiếp giữ gìn thi hài Bác khi chuyên gia y tế Liên Xô về nước.

        - Trực tiếp, sử dụng các thiết bị máy móc, các công trình kiến trúc khu vực Lăng.

        - Tổ chức gác danh dự ở Lăng và bảo vệ an toàn khu vực Lăng.

        - Hướng dẫn khánh và quần chúng tới viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ cửa Lăng trở vào.

        Với Nhà nước, Bộ Tư lệnh 969 là một thành viên Ban phụ trách quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các công trình liên quan trực thuộc Thủ tướng Chính phủ.

        Với quân đội: Về Đảng, trực thuộc Quân ủy Trung ương; về nhiệm vụ chuyên môn do Ban chỉ đạo bảo vệ thi hài và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh của Quân ủy Trung ương chỉ đạo; về công tác chính trị do Tổng cục Chính trị phụ trách; về các mặt quản lý hành chính, bảo đảm đời sống tinh thần vật chất do Bộ Tổng tham mưu phụ trách.

        Về sắp xếp cán bộ: cán bộ chủ trì phải là cán bộ cao cấp, có thể xếp từ cấp thượng tá đến cấp thiếu tướng. Trước mắt quyết định đồng chí Lương Soạn - thượng tá là quyền Tư lệnh và đồng chí Lưu Công Tiền - thượng tá là quyền Chính ủy Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng.

        Chấp hành nghị quyết của Quân ủy Trung ương, các đồng chí chỉ huy Đoàn 69 đã đề nghị với Bộ Tổng tham mưu về tổ chức biên chế của Bộ Tư lệnh 969. Kiến nghị trên đã được Bộ Tổng tham mưu chấp thuận, Bộ Tư lệnh 969 đã triển khai thực hiện.

        Ngày 14 tháng 5 năm 1976, Bộ Quốc phòng ra quyết định chính thức số 109/QĐQP về việc thành lập Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Quốc phòng, lấy phiên hiệu là Bộ Tư lệnh 969 (nội dung như quyết định ngày 28 - 12 - 1975 của Quân ủy Trung ương). Ngày 16 tháng 7 năm 1976, Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập Đảng ủy Bộ Tư lệnh 969 đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương về mọi mặt.

        Ngày 15 tháng 5 năm 1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết (thông báo của Ban Bí thư Trung ương Đảng số 2657/NQ-NSTW ngày 24-1976) bổ nhiệm “Thiếu tướng Trần Kinh Chi - Cục trưởng Cục Bảo vệ, Tổng cục Chính tri, nay chuyên trách Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh...".
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM