Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:36:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những năm tháng tham gia giữ gìn lâu dài và bảo vệ thi hài Chủ tịch HCM  (Đọc 11880 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2017, 04:01:09 pm »


        Công tác bảo vệ cho một chiến dịch như vậy đã được tiến hành chu đáo nghiêm mật ở tất cả các khâu. Bên cạnh việc chọn, chuẩn bị phương tiện, chúng tôi còn phải tiến hành khảo sát lại từng mét của hơn bảy chục cây số đường từ 75A lên K84. Nói là khảo sát kiểm tra từng mét đường quả là không ngoa. Bởi vì cho tới ngày hành quân thì từ các chiến sĩ bảo vệ, lái xe đến cán bộ chỉ huy đều thuộc từng ổ gà trên chặng đường kể trên. Những đoạn đường quá xấu được các lực lượng bảo đảm giao thông của tỉnh Hà Tây khẩn trương sửa chữa. Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây nhận được yêu cầu sửa chữa nâng cấp những đoạn đường trên với lý do thông thường, vì cũng không thể gây nên sự chú ý khi huy động lực lượng công nhân quá đông trên con đường này. Những đoạn còn lại, bộ đội Trung đoàn 144 sẽ khắc phục dần qua những ngày luyện tập hành quân.

        Khi các loại phương tiện đã chuẩn bị xong, chúng tôi bắt đầu giai đoạn luyện tập. Ban chỉ đạo cho rằng phải dành càng nhiều thời gian cho anh em luyện tập càng tốt để khi vào cuộc anh em đều thành thục, đều thuộc từng mét đường. Ban chỉ đạo và những người chỉ huy cuộc hành quân cũng phải cùng luyện tập với anh em.

        Từ cuối tháng 9 năm 1969, chúng tôi bắt đầu luyện tập. Đêm đêm, chiếc xe Zin 157 chở đủ trọng lượng quy định, lặng lẽ rời công trình 75A. Để kiểm tra độ rung xóc, một cốc nước đầy cách miệng ba xăng-ti-mét được đặt trên nắp chiếc hòm gỗ để kiểm tra. Hễ nơi nào có độ rung xóc lớn là xe dừng lại, đánh dấu đoạn đường xấu, để khắc phục ngay, những đoạn đường cần sửa lớn thì sẽ để lại khắc phục trước khi đoàn xe chính thức hành quân chừng ba mươi phút để bảo đảm bí mật.

        Ngoài các lái xe luyện tập, các lực lượng làm công tác bảo vệ an toàn cho cuộc hành quân gồm lực lượng của Cục Bảo vệ và Trung đoàn 144, các đơn vị thông tin vô tuyến điện, hữu tuyến điện tăng cường cũng phải luyện tập. Từ phương án rải quân, cắm chốt, tuần tra, phối hợp hành động giữa các bộ phận khi có tình huống… đều phải luyện tập nhiều đêm cho thật nhuần nhuyễn. Nhuần nhuyễn thành thục đến độ, ai cũng phải biết khi xe chính tới chỗ nào thì mình sẽ ở đâu sẽ phải tìm gì. Tôi và anh Phùng Thế Tài cũng thường xuyên thay nhau luyện tập với anh em trong suốt ba tháng trời ròng rã, trong khi đó chúng tôi vẫn phải bám cả hai đầu K84 và 75A để chỉ đạo công việc.

        Trung đoàn 144 ngoài nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ còn có một việc nặng là sửa đường. Những đoạn đường đặc biệt dự định chỉ tiến hành sửa vào trước giờ xuất phát ba mươi phút, Trung đoàn đã có phương án tập kết vật liệu, dụng cụ chu đáo, nhưng vẫn ngụy trang đánh lạc hướng chú ý của nhân dân và tai mắt của địch. Công việc này phải rất khôn khéo và tế nhị. Bài học về công tác bảo vệ cho chiến dịch này rất đáng được rút kinh nghiệm để làm phong phú thêm kinh nghiệm cho công tác bảo vệ của quân đội ta.

        Trong khi đó tiến độ công việc ở K84 rất thuận lợi. Với tinh thần lao động quên mình và trí thông minh, sáng tạo, bộ đội công binh đã hoàn thành công trình trước thời hạn với chất lượng rất cao như tôi đã kể ở phần trên.

        Đêm 20 tháng 12 năm 1969, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, Trần Quốc Hoàn họp cùng Ban chỉ đạo và nghe báo cáo lại toàn bộ công việc ở K84, công việc ở 75A, công việc chuẩn bị hành quân di chuyển thi hài Bác lên K84. Hội nghị đã xem xét lại từng chi tiết của mỗi loại công việc và đặc biệt chú ý tới kế hoạch hành quân của Ban chỉ đạo. Chúng tôi rất hiểu sự lo lắng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, khi lần đầu tiên chúng ta phải đi chuyển thi hài Bác ra khỏi Thủ đô. Vấn đề tình cảm là một chuyện, nhưng an toàn lại là vấn đề liên quan đến một việc cực kỳ quan trọng của Đảng, của Nhà nước ta. Các đồng chí lãnh đạo đã nhấn mạnh rằng khi còn sống, sức khỏe, tính mạng của Bác quan trọng với đất nước như thế nào, thì nay vấn đề an toàn tuyệt đối cho thi hài Bác cũng quan trọng với đất nước như vậy. Đây là trách nhiệm của Đảng, của Nhà nước, của quân đội trước nhân dân. Vì vậy, không được phép phạm bất kỳ một sai lầm nhỏ nào.

        Quyết tâm của Ban chỉ đạo đã được phổ biến tới từng bộ phận. Giờ hành động đã đến. Từ đồng chí lái xe đến chúng tôi, đều hiểu rằng một cuộc hành quân lớn đang ở phía trước. Chúng tôi sẽ lại cùng hành quân với Bác Hồ kính yêu.

        Ngày 22 tháng 12 năm 1969 - ngày lễ sinh nhật lần thứ 25 của quân đội ta. Như thường lệ cả nước hân hoan chào mừng. Tuy nhiên, ngày lễ năm nay buồn hơn mọi năm vì Bác đã ra đi, nhưng những người lính trên  khắp hai miền Nam - Bắc vẫn hướng về Thủ đô để báo công với Bác.

        Tổ y tế đặc biệt được lệnh cử người cùng hai chuyên gia Liên Xô mang bể thủy tinh trung tính và thuốc men, dụng cụ y tế lên K84 trước.

        Trung đoàn 144 được lệnh bí mật rải quân dọc đường, các trạm thông tin liên lạc dọc đường được thiết lập. Lệnh cho tất cả những bộ phận, khi làm nhiệm vụ trên đường đều phải cải trang để giữ bí mật.

        Ngày 23 tháng 12 năm 1969, Cục Bảo vệ và Trung đoàn 144 đã rải quân xong, K84 báo về mọi việc trên đó đã sẵn sàng.

        Chiều 23 tháng 12 năm 1969, Ban chỉ đạo hội ý và soát lại công việc lấn cuối.

        Đúng 23 giờ ngày 23 tháng 12 năm 1969, cuộc hành quân bắt đầu. Các đồng chí đại diện Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Trung ương cục miền Nam, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Ban chỉ đạo có mặt để tiễn Bác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2017, 08:38:31 pm »


        Tôi được Ban chỉ đạo giao nhiệm vụ chỉ huy cuộc hành quân này. Sau khi báo cáo các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, tôi ra lệnh xuất phát. Đoàn xe bắt đầu lăn bánh. Xe đi đầu là xe Gát 69 bảo ôn, bảo vệ phía trước. Tiếp theo là xe Zin 157 chở thi hài. Đồng chí Nguyễn Văn Thinh, đội trưởng đội xe Tổng cục Hậu cần lái. Tôi ngồi bên ghế phải chỉ huy. Trong thùng xe là đồng chí Nguyễn Gia Quyền và đồng chí I-go chuyên gia y tế Liên Xô. Tôi kiểm tra điện thoại liên lạc với anh Quyền rồi nói với Thinh: “Chúng ta đi”. Sau xe Zin 157 là một xe Gát 69 bảo ôn, bảo vệ phía sau. Tiếp đến là xe chở các chuyên gia y tế Liên Xô và xe chở các đồng chí trong Ban chỉ đạo, cuối cùng là một xe bảo vệ của Trung đoàn 144.

        Đêm Hà Nội yên tĩnh lạ thường. Đoàn xe lặng lẽ lăn bánh trong ánh đèn đường. Người Hà Nội lúc này đã yên giấc ngủ; chỉ còn rất ít người đi lại trên đường Hà Nội, nhưng không biết rằng Bác Hồ đang rời Thủ đô. Ngồi trong ca bin xe chở thi hài Bác; tôi thầm hứa với nhân dân Hà Nội rằng nhất định chúng tôi sẽ bảo vệ, giữ gìn an toàn tuyệt đối thi hài Bác; một ngày kia, khi đất nước thanh bình, sẽ đưa Bác trở về Lăng để hàng ngày nhân dân cả nước có thể tới thăm viếng, tới báo công với Người.

        Đêm đưa thi hài Bác rời Thủ đô, trong lòng tôi đã vững tin ở những quyết định của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Tuy vậy, chúng tôi cũng hình dung được trong quá trình thực hiện quyết định của Đảng, Nhà nước sẽ còn gặp nhiều khó khăn thử thách. Cuộc hành quân đêm nay của Bác cháu tôi không phải là cuộc hành quân duy nhất.

        Trên đường đi tôi vẫn duy trì liên lạc với các bộ phận cảnh giới trên đường và cứ 10 phút tôi lại gọi cho bác sĩ Nguyễn Gia Quyền qua điện thoại “Tình hình dưới ấy ra sao?”. Anh Quyền không rời khỏi chiếc kính đeo mắt đặt trên nắp hòm đựng thi hài để kiểm tra độ rung xóc, tiếng anh vang lên trong máy điện thoại: “Báo cáo tốt, không có gì đặc biệt xảy ra”.

        Ra khỏi Hà Nội, chúng tôi vẫn thận trọng lần từng mét đường. Ở những đoạn đường xấu, các chiến sĩ Trung đoàn 144 đã có mặt và khắc phục trước khi đoàn xe tới. Khi đoàn xe đi qua, anh em lại phải xóa ngay mọi dấu vết của sự sửa chữa đặc biệt đó. Đây là một động tác thận trọng, để bảo đảm không ai được biết có một đoàn xe đặc biệt vừa qua đây đêm hôm trước.

        Xe chạy qua đập Phùng rồi lên con đường ven đê sông Hồng. Trước mặt là quê hương tôi. Nhìn những làng xóm của quê hương bình yên ngủ trong bóng đêm, lòng tôi trào lên một cảm xúc đặc biệt. Tôi nhớ lại những ngày mới bước chân ra đi làm cách mạng. Không biết bao nhiêu lần tôi và các đồng chí của tôi đã đi trên con đường này. Nay, người còn, người mất, không ai biết rằng đêm nay tôi đang đưa Bác Hồ đi qua quê hương mình, đi trên những con đường mà  năm xưa chúng tôi vẫn từng đi. Nhớ lại lần được bảo vệ Bác trong chuyến người lên thăm và làm việc ở Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (6-1946), hồi đó tôi đã cùng các đồng chí của mình đón đoàn xe của Bác đi qua con đường này. Đêm nay, tôi lại được bảo vệ tiếp cận cho Bác trên đường về nơi nghỉ ngơi ở quê hương Sơn Tây của mình. Buồn vui lẫn lộn, tự nhiên tôi nói với đồng chí lái xe: “Đây là quê hương mình đấy. Thinh ạ”. Thinh vẫn đang căng mắt, tập trung vào từng mét đường ngập ngừng đáp lại: “Vâng”. Tiếng bác sĩ Nguyễn Gia Quyền lại vang lên trong máy: “Báo cáo anh, tình hình dưới này yên ổn, độ rung xóc không đáng kể!”. Cảm ơn bác sĩ Quyền, cảm ơn các đồng chí. Bác vẫn bình yên trong giấc ngủ.

        Đến ngã ba Sơn Tây, tôi ra lệnh cho đoàn xe dừng lại nghỉ giải lao mươi phút theo đúng phương án hành quân. Các đồng chí lái xe được phép ra khỏi xe, thư giãn, uống một hớp trà nóng. Các chuyên gia bạn nghe báo cáo tình hình trên xe chính rồi uống mỗi người một chén rượu cho ấm người. Đúng mười phút tôi ra lệnh tiếp tục hành quân.

        Bốn giờ sáng ngày 24 tháng 12 năm 1969 đoàn xe tới K84, đã thấy các đồng chí chuyên gia và anh Phùng Thế Tài đón trước cửa nhà kính. Tất cả dồn đến trước xe chính với những câu hỏi dồn dập. Nguyễn Gia Quyền và I-go từ trên xe bước xuống, anh Phùng Thế Tài nằm tay I-go lắc mạnh: “yên ổn không?”, “Đồng chí có lạnh lắm không?”. I-go cười hồn nhiên: “Yên ổn, tốt, tốt lắm”. Mọi người có mặt trước nhà kính đều thở phào nhẹ nhõm. Tôi bước tới, nắm chặt tay anh  Phùng Thế Tài, xúc động nghẹn ngào: “Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”.

        Hòm thi hài của Bác nhanh chóng chuyển vào nhà kính. Chỉ một lát sau thi hài Bác được đặt lên chiếc giường đuy-ra trải nệm trắng y hệt như ở 75A. Cuộc kiểm tra y tế sau đó xác nhận cuộc hành quân di chuyển đã không có ảnh hưởng gì tới thi hài Bác. Lòng tôi thấy thanh thản lạ lùng.

        Từ đó, K84 dưới chân núi Tản Viên bắt đầu thay thế 75A làm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2017, 08:40:41 pm »


        VI. NHỮNG THÁNG NGÀY GIAN KHỔ

        Trong sự tĩnh lặng, thanh khiết của núi rừng những công việc trong giai đoạn tiến hành kỹ thuật cơ bản giữ gìn lâu dài thi hài Bác đang được tiến hành. Các chuyên gia Liên Xô đã kiên nhẫn chịu đựng mọi gian khổ trong cuộc sống dã ngoại ở K84 để hoàn thành tốt nhất công việc hệ trọng này. Ban chỉ đạo chúng tôi được sự cho phép của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đã tìm mọi cách để việc ăn ở, sinh hoạt của các chuyên gia bạn tại K84 vẫn đàng hoàng, ổn định như ở Hà Nội. Trong thời điểm đó, để thực hiện được yêu cầu này không phải là chuyện đơn giản.

        Nhưng điều đáng nói nhất là cuộc sống của những cán bộ, chiến sĩ của chúng ta tại K84. Tuy cũng được trên quan tâm tối đa, nhưng đời sống của anh em vẫn vô cùng khó khăn. Một mặt, do yêu cầu bảo mật nên anh em phải hạn chế đi lại, hạn chế sinh hoạt tập thể. Việc tiếp phẩm cũng phải được tiến hành sao cho người dân bên ngoài K84 không thể qua việc đi chợ mua bán của các đồng chí tiếp phẩm mà đoán ra hoạt động của K84. Mặt khác, về tổ chức chưa thống nhất, tiêu chuẩn chế độ của anh em vẫn do nhiều đơn vị khác nhau đảm nhiệm, nên rất phức tạp. Bữa ăn hàng ngày của anh em do đó rất đạm bạc: cơm độn ngô, rau rừng, một chút thực phẩm khô… Tuy vậy, trong các bộ phận không ai nghe thấy một lời kêu ca, phàn nàn.

        Sau khi nghiên cứu, Ban chỉ đạo chúng tôi thấy rằng, phải nhanh chóng thành lập một đơn vị thống nhất, khắc phục tình hình hiện nay, để anh em yên tâm công tác, để công việc bảo đảm quy về một mối sẽ tốt hơn và quan trọng là chỉ có quy về một mối thì mới bảo đảm được việc bảo mật, bảo vệ an ninh cho K84.

        Ngày 16 tháng 2 năm 1970 Bộ Tổng tham mưu đã ra quyết định chính thức thành lập Đoàn 69 trực thuộc Bộ Tổng tham mưu. Ban chỉ huy đoàn gồm: đồng chí Nguyễn Gia Quyền - Đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Hanh làm Chính ủy; Cục Bảo vệ tăng cường thêm đồng chí Vũ Văn Quán làm trợ lý chính trị kiêm phụ trách công tác phục vụ đoàn chuyên gia. Ít lâu sau, Quân ủy Trung ương cũng ra quyết định thành lập Đảng ủy Đoàn 69 gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Hanh (Bí thư), Nguyễn Gia Quyền, Nguyễn Văn Mộc, Vũ Văn Quán, Đinh Viết Phụng.

        Từ đây, quân đội ta đã có một đơn vị chính thức làm nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn lâu dài thi hài Bác.

        Trung tuần tháng 5 năm 1970, giai đoạn tiến hành kỹ thuật cơ bản giữ gìn lâu dài thi hài Bác đã hoàn thành. Ngày 23 tháng 5 năm 1970, một phái đoàn gồm các nhà khoa học hàng đầu do Đảng và Chính phủ Liền Xô cử sang để kiểm tra, đánh giá kết quả công tác giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một Hội đồng khoa học liên quốc gia được thành lập. Về phía Liên Xô có: giáo sư viện sĩ Krac-pki là trưởng đoàn, giáo sư viện sĩ Mác-da-chốp, các giáo sư La-pu-khin, Ku-pri-a-nốp và trưởng đoàn chuyên gia y tế Liên Xô tại Việt Nam S.Đê-bốp. Phía Việt Nam có các đồng chí: Vũ Văn Cẩn - Bộ trưởng Bộ Y tế thành viên Ban chỉ đạo, các đồng chí Phùng Thế Tài, Trần Kinh Chi thành viên Ban chỉ đạo và đồng chí Nguyễn Gia Quyền - Đoàn trưởng Đoàn 69, tổ trưởng tổ y tế đặc biệt của Việt Nam.

        Hội đồng đã làm việc tại K84. Sau hai ngày kiểm tra, thí nghiệm, xem xét các thông số kỹ thuật, các quy trình công nghệ và các chi tiết khác Hội đồng đã đi đến kết luận:

        Qua tám tháng làm công tác khoa học giữ gìn thi hài Bác, mặc dù phải di chuyển xa, trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn nhưng kết quả đạt được là rất tốt. Thể trạng thi hài Hồ Chủ tịch rất tốt.

        Những nét đặc trưng trên gương mặt và trên cơ thể (đặc biệt là trên hai tay) của Hồ Chủ tịch lúc sinh thời được bảo tồn nguyên vẹn, đầy đủ. Thi hài Hồ Chủ tịch có đầy đủ những yếu tố để giữ gìn lâu dài và đã có thể đưa thi hài Hồ Chủ tịch ra chiêm ngưỡng, viếng thăm.

        Ngày 29 tháng 5 năm 1970, văn bản kết luận của Hội đồng liên quốc gia Việt - Xô đã được ký kết và được báo cáo ngay lên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước của hai quốc gia.

        Đây là một tin vui lớn đến với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Đây cũng là kết quả công lao bao ngày gian khổ, lao động miệt mài, nghiêm túc của cán bộ khoa học hai nước, của Ban chỉ đạo, của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 và nhiều cơ quan, đơn vị khác đã tham gia vào nhiệm vụ trọng đại này.

        Ngày 22 tháng 8 năm 1970, đồng chí Vũ Văn Cẩn, ủy viên Ban chỉ đạo lên K84 làm công tác chuẩn bị đón đoàn đại biểu Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương lên viếng Bác. Sáng ngày 23 tháng 8 năm 1970, tại phòng đặt thi hài Bác, lễ viếng đã diễn ra trang nghiêm, giản dị và vô cùng cảm động. Đồng chí Lê Duẩn, dẫn đầu đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương viếng Bác. Nhìn thấy hình hài Bác sau gần một năm xa vắng, nhiều đồng chí đã không cầm được nước mắt. Đồng chí Lê Duẩn thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cảm ơn các chuyên gia y tế Liên Xô, biểu dương cán bộ chiến sĩ Đoàn 69 đã hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Đồng chí Tổng bí thư đã đi thăm toàn bộ công trình K84 và khen ngợi tài trí, tinh thần lao động của bộ đội Việt Nam.

        Nhân dịp này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đón tiếp và có những cử chỉ chăm sóc, thăm hỏi đặc biệt với các đồng chí thành viên trong Hội đồng khoa học Liên Xô và các chuyên gia y tế Liên Xô. Những cử chỉ này vừa biểu lộ lòng biết ơn, thủy chung của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam với bạn; vừa là những việc làm, chuẩn bị cho những kế hoạch hợp tác, giúp đỡ lâu dài của phía Liên Xô với việc bảo quản lâu dài thi hài và xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

        Sau một năm Bác ra đi, Đảng, Nhà nước và quân đội ta đã làm tất cả mọi điều, kể cả những điều vượt quá khả năng của đất nước mình, để thực hiện ý nguyện của nhân dân Việt Nam, là giữ hình hài Bác cho con cháu mai sau được chiêm ngưỡng. Trong buổi đi viếng Bác và thăm công trình K84, đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn đã xúc động nói với chúng tôi: “Chúng ta đã không phụ lòng tin cậy của đồng bào cả nước, nhất là với đồng bào miền Nam ruột thịt”. Đến thời điểm này, công tác kỹ thuật đã đủ điều kiện để có thể tổ chức cho nhân dân viếng thăm nếu như đã có Lăng và có đủ những điều kiện xã hội thuận lợi. Nhưng thời cơ ấy chưa tới vì đất nước vẫn còn trong thời kỳ chiến tranh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2017, 08:45:01 pm »


*

*      *

        Trong những ngày đó, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, nhưng chúng ta vẫn cảnh giác với mọi lời tuyên bố “hòa bình” kiểu này của Mỹ. Các lực lượng phòng không ta vẫn sẵn sàng đánh trả mọi cuộc tiến công bất ngờ của không quân Mỹ. Và một sự cố nghiêm trọng có liên quan đến việc bảo vệ thi hài Bác đã xảy ra:

        Đêm 20 rạng ngày 21 tháng 11 năm 1970, đế quốc Mỹ bất ngờ mở cuộc tập kích đường không xuống ven thị xã Sơn Tây hòng cướp lại số giặc lái mà ta đã từng giam giữ tại một nhà giam nhỏ ở đây. Số giặc lái này đã được chuyển đi từ sáu tháng trước đó. Nên bọn biệt kích Mỹ đã đổ quân xuống một trại giam bỏ không.

        Điều hết sức quan tâm là cuộc tập kích của địch đã được tổ chức với quy mô lớn, có phương án chặt chẽ và rất bất ngờ khiến các lực lượng vũ trang địa phương ở khu vực đó không kịp phản ứng.

        Ngay ngày hôm sau, tôi trực tiếp bảo vệ đồng chí Võ Nguyên Giáp lên quan sát tại chỗ để đánh giá tình hình. Các đồng chí Văn Tiến Dũng, Phạm Ngọc Mậu, Phùng Thế Tài cũng lập tức có mặt để xem xét, đánh giá sự kiện này.

        Tuy Mỹ không đạt được kết quả trong cuộc hành quân ăn cướp này, nhưng sự kiện trên đây đã khiến chúng tôi xem xét lại một số vấn đề an ninh, trong nhiệm vụ bảo vệ giữ gìn lâu dài thi hài Bác.

        Ban chỉ đạo chúng tôi đã họp xem xét lại khả năng phòng thủ K84. Thực lòng, chúng tôi cũng hơi giật mình trước sự kiện này. Phân tích tình hình, chúng tôi thấy rằng: Khả năng tổ chức những cuộc tập kích bất ngờ kiểu này của Mỹ có thể vẫn xảy ra, kể cả ở khu vực K84. K84 nằm trong khu vực địch đã trinh sát đường không để chuẩn bị cho cú đột kích vừa qua (vì K84 chỉ cách trại giam có 20 ki-lô-mét đường chim bay). Lại nằm trên tuyến đường bay thường xuyên của máy bay Mỹ từ Thái Lan qua Lào tới Việt Nam để đánh phá. Tuy nằm trong dải rừng núi liền từ Ba Vì xuống, lại chỉ có vài công trình, có thể địch chưa chú ý tới, nhưng phải đề phòng khả năng ta đã để lộ trong thời gian qua, khi phải sử dụng nhiều xe cộ đi lại khu vực này, lại có cả người nước ngoài lui tới nên phải tính đến khả năng địch thu thập được một vài tin tức nào đó, khiến địch đặt giả thiết rằng nơi này có thể là nơi sơ tán tù binh từ trại giam mà chúng vừa vồ hụt.

        Trên cơ sở phân tích như vậy, chúng tôi thực sự lo ngại và quyết định báo cáo lên Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương xin được đưa Bác trở lại 75A. Ở 75A, nếu làm tốt công tác bảo mật, bố phòng chặt chẽ thì vẫn bảo đảm được an toàn. Địch không thể liều lĩnh đột nhập vào một thành phố đông dân cư như vậy. Nếu điều đó xảy ra thì khả năng đánh trả của ta sẽ tốt hơn nhiều so với ở K84. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nhất trí với đề nghị này.

        Chúng tôi lập tức chuẩn bị phương án hành quân, đưa Bác trở lại 75A. Ngày 25 tháng 11 năm 1970, tôi và anh Phùng Thế Tài lên khu K84 phổ biến kế hoạch di chuyển, phương án hành quân, phương án bố trí lực lượng ở lại bảo vệ K84.

        Ngày 1 tháng 12 năm 1970, một số cán bộ trong tổ y tế đặc biệt và chuyên gia Liên Xô về 75A chuẩn bị về mặt kỹ thuật để đón Bác.

        22 giờ ngày 3 tháng 12 năm 1970 đoàn xe chở thi hài Bác lăn bánh rời K84. Do đã có kinh nghiệm trong chuyến di chuyển trước đây và do chuẩn bị chu đáo nên chúng tôi đã tiến hành cuộc hành quân di chuyển này rất thuận lợi nhanh chóng, an toàn.

        3 giờ sáng ngày 4 tháng 12 năm 1970 đoàn xe tới 75A. Khi chiếc xe chính dừng lại trước cửa công trình 75A, các chuyên gia Liên Xô kiểm tra ngay hai miếng gạc trắng được đặt trên bàn tay Bác, hai miếng gạc vẫn nằm nguyên vị trí cũ và không hề thấm nước hay chuyển màu. Mọi người phấn khởi. Thi hài Bác lập tức được đưa vào buồng đặc biệt.

        Khi mọi công việc hoàn tất thì một ngày mới đã bắt đầu. Hôm nay, Bác Hồ đã trở lại Thủ đô, nhưng người dân Hà Nội không mấy ai biết điều đó. Ngay trong gia đình tôi cũng vậy, vợ tôi và các con tôi chỉ thấy hồi này tôi ít phải đi công tác xa hơn và hình như tôi có vẻ vui hơn. Kể từ hôm địch tập kích Sơn Tây, anh em trong Ban chỉ đạo chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Nay đã đưa được Bác trở về trong lòng Hà Nội, chúng tôi đã thực sự yên tâm. Nhân dân Hà Nội sẽ bảo vệ Bác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2017, 08:46:02 pm »


*

*       *

        Trở về Hà Nội, công việc của các chuyên gia y tế và anh em Đoàn 69 dường như thuận lợi rất nhiều. Đời sống vật chất, đời sống tinh thần được cải thiện rõ rệt. Nhưng riêng công tác bảo vệ, bảo mật thì đứng trước những thử thách không nhỏ. Chúng tôi đã huy động các cán bộ chuyên môn của Cục Bảo vệ phối hợp với Bộ Công an hình thành những tuyến an ninh từ xa để bảo vệ mục tiêu. Công tác giáo dục cũng được tăng cường để cán bộ, chiến sĩ thấy rõ trách nhiệm nặng nề của mình, tự giác thực hiện các chế độ bảo mật, các phân đội cảnh vệ thường xuyên tập dượt phương án bảo vệ mục tiêu. Bộ Tổng tham mưu cũng điều động, bố trí mạng lưới phòng không, phòng chống biệt kích đột kích ở phía sông Hồng. Tất cả những hoạt động trên được tiến hành kín đáo, ngụy trang cẩn thận để tránh mọi tai mắt của địch.

        Công việc của 75A đi vào nền nếp và thời gian cứ lặng lẽ trôi. Nhưng trong thâm tâm sâu xa tôi vẫn có linh cảm rằng Bác cháu chúng tôi còn gặp nhiều gian nan thử thách.

        Mùa mưa năm 1971 đã ập đến thật khác thường. Mưa như trút nước ngày này qua ngày khác. Các nhà khoa học về khí tượng cho biết 50 năm nay mới lại có một năm có lượng mưa lớn đến như vậy. Vào giữa tháng 8, mực nước trên các triền sông tiếp tục dâng cao, mực nước sông Hồng ở Hà Nội đã lên đến mức kỷ lục 14,10 mét. Ở một vài nơi trên miền Bắc đã có hiện tượng vỡ đê. Sông Hồng cuồn cuộn, đục ngầu, gầm lên hung hãn như muốn hất tung mọi trói buộc. Hà Nội thực sự bị đe dọa, Ủy ban phòng chống lụt bão Trung ương đã yêu cầu nhân dân Hà Nội chuẩn bị rời khỏi những vùng đất thấp.

        Ban chỉ đạo họp khẩn cấp. Một mặt chúng tôi ra lệnh cho anh em ở 75A sẵn sàng đưa thi hài Bác lên nhà cao tầng khi tình huống xấu xảy ra; một mặt tôi và anh Phùng Thế Tài cùng một số cán bộ lập tức đi trực thăng quan sát khu vực Sơn Tây. Cống Ngọc Nhị ở Quảng Oai bị vỡ đã kịp thời hàn khẩu, nhưng lượng nước tràn vào rất lớn, đường Sơn Tây đi Trung Hà ngập sâu trong nước. Nhưng khi chúng tôi bay quan sát tuyến đường Hà Nội - Sơn Tây - Bất Bạt (tuyến lên K84) thấy không bị ngập nhiều lắm.

        Lúc này, ở Đoàn 69, anh Nguyễn Văn Hanh đi Liên Xô, anh Nguyễn Gia Quyền ngày đêm phải túc trực bên Bác, vì thế tôi phải thường xuyên có mặt ở 75A để trực tiếp chỉ huy mọi công việc, sẵn sàng đương đầu với nước lũ.

        Ngày 18 tháng 8 năm 1971, đê Cống Thôn bị vỡ gây ra lụt lớn ở các tỉnh Hà Bắc, Hải Hưng. Nhiều vùng dân cư đông đúc chìm ngập trong nước lũ. Trời vẫn mưa như trút. Hà Nội xao động, ai nấy đều lo chuẩn bị phòng lụt. Chính phủ ra lệnh dùng mọi biện pháp để cứu trợ đồng bào ở những vùng bị ngập lụt, hạn chế tối đa thiệt hại về người và của cho nhân dân.

        1 giờ chiểu ngày 18 tháng 8 năm 1971, anh Phùng Thế Tài trực tiếp phóng xe đến thông báo quyết định của Quân ủy Trung ương, khẩn trương di chuyển thi hài Bác về K84 trong thời gian ngắn nhất.

        Một cuộc họp khẩn cấp được tổ chức tại 75A để triển khai mệnh lệnh. Suốt đêm 18 tháng 8 năm 1971, chúng tôi chạy đôn chạy đáo để hối thúc các bộ phận chuẩn bị hành quân.

        8 giờ sáng ngày 19 tháng 8 năm 1971, toàn đơn vị và phương tiện đã sẵn sàng. Tôi lập tức phổ biến lệnh hành quân. Theo kế hoạch tôi cùng một số anh em đi trước kiểm tra đường và chuẩn bị K84. Đồng chí Trần Quốc Hoàn và anh Phùng Thế Tài sẽ tháp tùng Bác, hành quân cùng đơn vị.

        Lần này trong đội hình hành quân có thêm một xe lội nước bánh hơi (xe Páp). Xe này được Ban chỉ đạo điều về từ đầu mùa mưa, đã được chỉnh trang, tu sửa để vừa làm xe ứng cứu dọc đường vừa sẵn sàng dùng như một xe dự bị. Đoàn xe cắm cờ hỏa tốc của Ủy ban phòng chống bão lụt vừa để ngụy trang, vừa để có thể đi vào mọi đường cấm mà không phải dừng lại giải thích với cảnh sát.

        Chiếc xe Páp được đẩy lên trước làm xe trinh sát dẫn đường. Đoàn xe chạy trong mưa như trút, đường lại lầy lội nên đi rất chậm. Mọi chế độ bảo vệ an toàn cho thi hài vẫn được áp dụng nghiêm ngặt. Đoàn xe kiên nhẫn dò dẫm tiến về phía trước trong màn mưa dày đặc.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Năm, 2017, 09:05:11 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2017, 10:41:52 pm »


        Khi chỉ còn cách K84 chừng 4 ki-lô-mét thì đoàn xe bị sa lầy vì một đoạn ngập nước lầy lội. Chiếc xe chính tuy là Zin 157 ba cầu nhưng vẫn không thể đi được vì nếu đẩy cầu, lãng ga cho xe vượt lên thì độ rung xóc rất lớn, xe có thể bị giật cục, nẩy lên, rất nguy hiểm cho sự an toàn thi hài Bác. Do được đi trước dò đường, nên tôi đã chuẩn bị sẵn một bộ tời để vượt qua đoạn lầy này. Khi vượt được đoạn lầy, rẽ vào đường lên K84 thì đã 5 giờ chiều. Nghĩa là đã sáu giờ hành quân. Tôi và các anh trong Ban chỉ đạo lo thắt ruột, vì như vậy là đã quá thời gian kỹ thuật cho phép. Nhưng khó khăn chưa phải là hết. Ngay gần cổng K84 có một quãng đường võng, thấp ngập nước, nước ở đây lại chảy xiết và ngày một dâng cao. Mọi người nhìn nhau ai cũng lo đến tái nhợt cả người. Đây chính là lúc sống còn. Không thể chần chừ do dự nữa. Một phương án táo bạo được đưa ra. Chúng tôi chuyển hòm thi hài Bác từ xe Zin 157 sang xe cứu thương, rồi phải tìm cách đưa cả xe cứu thương lên xe Páp. Muốn vậy phải dùng hai thanh ray bắc cầu từ mặt đường lên thùng xe Páp; thùng xe Páp không có sàn phẳng, phải lắp gỗ ghép lại thành sàn. Khi xe cứu thương nổ máy bò lên thì cùng lúc xe Páp dùng tời hỗ trợ kéo xe cứu thương. Công việc này rất khó khăn. Tất cả trông cậy vào tài nghệ và hệ thần kinh bằng “thép” của lái xe. Đồng chí Nguyễn Văn Sướng là một lái xe kỳ cựu đã nhận nhiệm vụ khó khăn này. Mọi người nín thở, dán mắt vào hai thanh ray. Chiếc xe cứu thương từ từ nhích lên từng chút một. Tai họa có thể ập đến bất kỳ lúc nào.

        Nhưng rồi mọi việc đã trôi chảy, chiếc xe cứu thương ngự vững trên thùng xe Páp. Xe Páp từ từ lăn bánh tiến vào K84. Khi tới trước cửa nhà kính thì hai thanh ray lại được bắc lên. Bây giờ chiếc xe cứu thương lại phải lăn theo hai thanh ray đó trở xuống, một cú lùi thật vô cùng khó khăn.

        Mọi người lại thêm một lần nữa nín thở. Không gian im phăng phắc. Khi chiếc xe cứu thương đã ngừng chuyển động, cả bốn bánh xe thăng bằng trên mặt đất, mọi người mới ồ lên, chạy ùa cả lại.

        Vì quá căng thẳng, đồng chí Nguyễn Văn Sướng ngất xỉu ngay trên vòng tay lái.

        Thi hài Bác lập tức được chuyển vào phòng đặc biệt. Phải chờ đến khi các chuyên gia y tế Liên Xô kiểm tra kỹ thuật xong, thấy các thông số kỹ thuật vẫn bảo đảm, mọi người mới thực sự thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng ngàn cân. Anh Phùng Thế Tài quá xúc động, cao hứng tuyên bố: “Hôm nay  toàn đơn vị và chuyên gia sẽ liên hoan mừng thắng lợi của cuộc hành quân lịch sử này”.

        Do lũ lụt mà phải đưa Bác trở lại K84. Nhớ lại sự kiện lịch sử đột kích ở Sơn Tây, chúng tôi lập tức triển khai ngay phương án bảo vệ an ninh và phòng thủ K84. Theo yêu cầu của Ban chỉ đạo, Bộ Tổng tham mưu đã tăng cường một lực lượng tinh nhuệ lên K84, gồm:

        Một đại đội bộ binh của Trung đoàn 144 có nhiệm vụ chốt giữ bảo vệ vòng ngoài.

        Ba khẩu đội 14,5 ly thuộc Tiểu đoàn 20 Sư đoàn 361 được điều lên bố trí trên ba ngọn đồi trong khu vực tạo thành thế chân kiềng, vừa sẵn sàng đánh máy bay bay thấp vừa sẵn sàng chống trả các cuộc đột nhập.

        Ba chiếc xe tăng T34 có trang bị ĐKZ84 của Trường sĩ quan Thiết giáp được điều về bố trí xung quanh khu vực nhà kính.

        Các phương án chống đột nhập được hình thành để các đơn vị căn cứ vào đó luyện tập. Các hệ thống công sự, hầm hào được tu sửa, những bãi trống xung quanh khu vực K84 đều được cắm chông để chống địch đổ bộ đường không. Cục Bảo vệ đã tăng cường cán bộ, tổ chức nhiều nhóm trinh sát độc lập hoạt động xung quanh khu vực để bảo đảm an ninh, thu thập các tin tức, phòng gian, bảo mật.

        Huy động một lực lượng tăng cường lớn tới khu vực K84, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Vì những lực lượng này đều là lực lượng tăng cường, không nằm trong biên chế của Đoàn 69 nên công tác quản lý công tác bảo đảm hậu cần rất phức tạp. Chúng tôi phải thường xuyên liên hệ với các đơn vị chủ quản, phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, chỉ huy Đoàn 69 để đảm bảo tốt nhất đời sống cho anh em trong điều kiện có thể.

        Đó là những tháng ngày nền kinh tế đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, phải ưu tiên tất cả cho tiền tuyến, nên hết sức khó khăn. Bảo đảm lương thực cho bộ đội được ăn no đã là chuyện không đơn giản rồi. Anh em tăng cường lại không được đi lại tìm phương cách cải thiện đời sống, nên khó khăn càng chồng chất. Có thời điểm Đoàn 69 đã phải lo “chạy ăn từng bữa”.

        Trong khi ấy, các chuyên gia lên làm việc ở K84 vẫn được bảo đảm sinh hoạt rất chu đáo. Các chuyên gia cũng biết điều đó vì thế họ rất cảm thông với chúng ta và càng nhiệt tình chu đáo hơn trong nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác.

        Tuy đã yên ổn ở K84 nhưng trong thâm tâm Ban chỉ đạo chúng tôi vẫn lo lắng về sự an toàn. Chúng tôi biết, đế quốc Mỹ sẽ không chịu dừng tay nếu không đi những nước cờ phiêu lưu cuối cùng. Nếu địch mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại thì K84 rất có thể là một mục tiêu. Hơn nữa K84 lại nằm trên tuyến máy bay địch thường bay qua để trở về các sân bay ở Thái Lan sau mỗi phi vụ đánh phá ở Hà Nội và vùng lân cận. Kỹ thuật phát hiện mục tiêu của địch đã ở trình độ cao; trường hợp chúng phát hiện được một chi tiết nhỏ, dù chưa rõ là mục tiêu gì nhưng trên đường đi đánh phá trở về còn dư bom, dư đạn, chúng trút xuống khu vực này thì sẽ rất nguy hiểm. Vì thế ngay sau khi mọi việc ở K84 đi vào ổn định, tôi và anh Phùng Thế Tài đã nghĩ tới việc phải đi tìm một căn cứ mới, bí mật hơn, an toàn hơn để sẵn sàng cho phương án phải chuyển thi hài Bác khỏi K84. Anh Phùng Thế Tài nói với tôi: “Chúng ta phải đi tìm một hang đá vừa đủ rộng, thuận tiện đi lại, xa dân cư hơn, bí mật hơn”. Thế là tôi và anh Phùng Thế Tài lặng lẽ hành quân lên Ba Vì, chúng tôi vượt qua cao độ 200, 400 rồi 800, 1000… Nhưng Ba Vì về cơ bản là núi đất, không có hang động, độ dốc rất cao, những đường có sẵn thì cheo leo, gập ghềnh không thể mở rộng vì sợ lộ bí mật. Vì thế khu vực núi Ba Vì nhanh chóng được loại khỏi khả năng lựa chọn. Một hôm, đứng trên một điểm cao ở khu vực K84 nhìn sang bên kia sông Đà, tôi chợt nghĩ “có thể ở bên kia sông Đà sẽ có một nơi lý tưởng như vậy”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2017, 10:48:23 pm »


        VII. BÊN KIA SÔNG ĐÀ

        Được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Ban chỉ đạo giao cho tôi nhiệm vụ đi trinh sát chuẩn bị vị trí mới ở bên kia sông Đà. Vào đầu tháng 5 năm 1972, tôi chỉ huy một nhóm cán bộ, bí mật vượt sông Đà, hướng về nơi có những triền núi đá thuộc tỉnh Vĩnh Phú.

        Chúng tôi lặn lội hai tuần trong khu vực này nhưng vẫn chưa tìm được nơi thích hợp. Nơi thì có hang nhưng hẹp, khó cải tạo; nơi thì quá xa đường vận chuyển, mở đường mới thì khó giữ bí mật. Những ngày lặn lội đi tìm căn cứ dự phòng cho K84, là những ngày đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc. Đêm đêm, nghe bản tin qua ra-đi-ô, tôi vô cùng lo lắng. Trong Ban chỉ đạo, tôi là ủy viên thường trực, phải trực tiếp đảm nhiệm mọi công việc, nhưng tôi còn là Cục trưởng Cục Bảo vệ, là người phải chịu trách nhiệm về bảo vệ an ninh cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác, trách nhiệm cá nhân của tôi với nhiệm vụ này rất nặng nề. Chúng tôi, những người lính cận vệ cho Bác, bao nhiêu năm qua, dù trong tình huống khó khăn, hiểm nghèo như thế nào vẫn luôn  hoàn thành sứ mệnh của mình, bây giờ cũng chính là thời điểm thử thách, vẫn kiên nhẫn vượt qua. Đối với quân đội, bảo vệ an toàn cho thi hài Bác là trách nhiệm lớn, cũng là danh dự Đảng, nhân dân tin tưởng quân đội nên phó thác nhiệm vụ nặng nề và vinh dự này. Quân ủy Trung ương, mặc dù phải lo chỉ đạo toàn quân đánh giặc ở cả hai miền, vẫn dành nhiều  tâm huyết cho nhiệm vụ này. Vì thế, chúng tôi không  thể phụ lòng.

        Sau nhiều ngày lặn lội, tìm kiếm, chúng tôi chợt nhớ tới một hang đá dành làm căn cứ dự phòng cho cơ quan chỉ huy trong những tình huống đặc biệt ở khu vực T.S. Chúng tôi lập tức tới đó khảo sát và nhận thấy nơi này là phù hợp hơn cả để xây dựng một căn cứ mới. Căn cứ này mang mật danh H21.

        H21 là một hang đá sâu 70 mét nằm trong một núi đá lớn trong cả một dải núi đá trùng điệp, đã từng được sửa chữa cải tạo sơ qua địa hình không có những nét đặc biệt để dễ nhận dạng. Hang đá này nằm cách đường giao thông liên tỉnh 200 mét, cách K84 chừng  15 ki-lô-mét đường chim bay. Muốn từ K84 qua H21 phải vượt sông Đà, phải cải tạo mở rộng một đường mòn nối từ bờ sông lên tỉnh lộ chừng 5 ki-lô-mét.

        Những kết quả khảo sát của chúng tôi được báo cáo ngay với Ban chỉ đạo, Ban chỉ đạo đã xem xét tỉ mỉ phương án này rồi đồng ý và đề nghị Quân ủy Trung ương xem xét, phê duyệt. Quân ủy cũng nhanh chóng đồng ý việc chọn H21 làm căn cứ dự phòng cho   K84 và yêu cầu Ban chỉ đạo nhanh chóng xúc tiến thi công, xây dựng căn cứ mới.

        Ngày 15 tháng 6 năm 1972, đoàn cán bộ Bộ Tư lệnh Công binh do đồng chí Lương Soạn dẫn đầu lập tức đi khảo sát, xây dựng kế hoạch thi công. Mấy ngày sau, lực lượng thi công thuộc đại đội 3, tiểu đoàn 3, Trung đoàn 259 đã có mặt tại công trường.

        Tuy đã có kinh nghiệm thi công các công trình ngầm và cải tạo các hang động, nhưng các chiến sĩ công binh đã phải làm việc trong điều kiện vô cùng khó khăn. Vào thời điểm này, ở khu vực thi công mưa nắng thất thường, hơi núi bốc lên ngùn ngụt, muỗi vắt sinh sôi nảy nở nhiều như trấu, lại có nhiều rắn rết. Bộ đội phải thi công cả ban đêm để kịp tiến độ, và để giữ bí mật bởi vì H21 chỉ cách tỉnh lộ 200 mét. Sau hai mươi ngày đêm lao động cực nhọc, các chiến sĩ công binh đã hoàn thành một khối lượng công việc ngoài sức tưởng tượng: đục phá 70 mét khối đất đá, đào một giếng với khối lượng 25 mét khối đất, xây 5 buồng công tác, 3 bể chứa nước, lắp đặt toàn bộ thiết bị trạm điện, trạm bơm, hệ thống cung cấp và thoát nước, làm đường trong hang, làm cửa hang…

        Để có thiết bị cho công trình, các chiến sĩ đoàn xe của công binh đã phải vượt qua bom đạn, đi lấy thiết bị ở Đông Anh, có lần bị trúng bom, xe và thiết bị hư hỏng nhưng rất may không có người hy sinh.

        Mức độ đánh phá miền Bắc của giặc Mỹ mỗi ngày một gia tăng. Ban chỉ đạo yêu cầu khẩn trương hoàn tất công trình để đưa thi hài Bác qua H21. Các chuyên gia Liên Xô cũng đã tới kiểm tra công trình và đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo của Công binh Việt Nam; hài lòng về chất lượng kỹ thuật của công trình, đặc biệt là hệ thống thông gió, cống thoát nước. Những ý kiến góp ý sửa chữa của các chuyên gia lập tức được đáp ứng ngay.

        Ngay khi bắt đầu thi công công trình, Cục Bảo vệ và Trung đoàn 144 đã lập tức được lệnh nghiên cứu, khảo sát, chuẩn bị phương án di chuyển. Sau chuyến di chuyển chạy lụt lần trước, Ban chỉ đạo đã quyết định cho cải tạo xe Páp làm xe chính vì nhận thấy dùng xe Páp thuận lợi hơn, vừa là xe ba cầu có tời bánh hơi, có sàn rộng có thể để máy điều hòa máy phát điện được, lại có thể di chuyển trong điều kiện sông nước, lầy lội. Xe Zin 157 trở thành xe hỗ trợ, dự phòng.

        Cùng với các cán bộ của Cục Bảo vệ và Trung đoàn 144, tôi trực tiếp xây dựng phương án, tổ chức tập luyện và sau đó trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân di chuyển này.

        Thế là Bác cháu tôi lại chuẩn bị vượt sông Đà.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2017, 04:07:22 am »


*

*         *

        Sau nhiều lần khảo sát, tính toán, chạy thử, chúng tôi vạch ra một kế hoạch hành quân.

        Thời điểm này đang là mùa mưa lũ; nước sông Đà lên cao, chảy xiết và rất hung dữ. Do đó từ K84 không thể đi thẳng sang bến bên kia, vì như vậy sẽ phải bơi ngược dòng 4 ki-lô-mét, rất nguy hiểm. Sau khi tính toán, chúng tôi quyết định một lộ trình như sau:

        Từ K84 vận chuyển bộ trên đường 15 ki-lô-mét đến một bến phà có sẵn. Đây sẽ là bến xuống.

        Từ bến xuống, xe Páp chở thi hài chạy xuôi dòng, được ba xe lội nước bánh xích K61 của Bộ Tư lệnh Công binh hộ tống để mở luồng, cản các loại vật trên mặt sông như củi gỗ va vào xe chính và sẵn sàng kéo, kích khi xe chính chết máy hoặc bị trôi. Quãng đường thủy này có độ dài 3,5 ki-lô-mét.

        Tới bến lên đã có hai xe hộ tống trực sẵn, trong đó có xe Zin 157 sẵn sàng kích kéo, hỗ trợ cho xe chính khi lên bến. Tại bến lên đã đào sẵn một âu thuyền để xe Páp nhẹ nhàng dạt vào rồi từ đó dùng tời kéo lên bờ, giảm bớt độ rung xóc. Ở bến lên bố trí sẵn một hệ thống đèn tín hiệu để hướng dẫn xe chính cập bến an toàn.

        Từ bến lên tới đường liên tỉnh dài 5 ki-lô-mét, đường phải cải tạo. Bộ đội Trung đoàn 144 vừa sửa đường, vừa làm công tác bảo vệ.

        Một số cán bộ của Cục Bảo vệ cũng được tăng cường lên để làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho khu vực H21. Chúng tôi đặc biệt chú ý tới việc bảo vệ từ xa, lập những tổ trinh sát bí mật thường xuyên đi lại, tiếp cận với nhân dân để nắm dư luận và phát hiện 98 những sơ hở của ta ở khu vực H21 để sửa chữa,  đề phòng.

        Vào thời điểm này, sông Đà đã vào mùa lũ, những trận mưa đầu mùa ở thượng nguồn đổ xuống khiến nước sông dâng cao, cuồn cuộn chảy. Mỗi lần nhìn dòng sông Đà, tôi lại trào lên một nỗi lo khôn tả. Tuy  mọi chi tiết kỹ thuật của cuộc hành quân đều đã được tính toán chi tiết, tỉ mỉ, nhưng không ai dám nói rằng đã lường trước được mọi rủi ro. Một lần hành quân tập khi xe Páp từ bến bò lên dốc có tời kéo hỗ trợ nhưng tời đã bị đứt, đây là tình huống tập nhưng cũng khiến chúng tôi vô cùng lo lắng. Nhưng cũng nhờ luyện tập mà ta phát hiện được những sơ suất để kịp thời khắc phục ngay.

        Ngày 11 tháng 7 năm 1972, lúc 21 giờ, mưa gió vẫn vù vù, trời tối đen như mực. Ban chỉ đạo cùng các đồng chí chuyên gia và cán bộ Đoàn 69, Bộ Tư lệnh Công binh có mặt đầy đủ để tổ chức hành quân đưa thi hài Bác vượt sông Đà sang H21.

        Chưa bao giờ sông Đà lại lộ rõ vẻ uy nghiêm, huyền bí như vậy. Tuy không tin ở sức mạnh của những đấng siêu nhiên, nhưng tôi vẫn thầm mong các quý nhân phù trợ cho chúng tôi thuận buồm xuôi gió. Khi chiếc xe chính vừa chạm vào làn nước sông Đà, trong lòng tôi bỗng cảm thấy dạt dào một xúc cảm thật khó tả. Nhớ lại những hình ảnh Bác hành quân ra trận, mỗi lần nghỉ giải lao, Bác đều chọn những con suối đẹp để dừng chân, Bác yêu thiên nhiên sông suối nước Nam, nhất định sông suối nước Nam không bao giờ phụ lòng Bác.

        Những vệt đèn pha của chiếc xe lội nước rạch những luồng sáng chói gắt trên mặt sông ngầu đục. Ba xe hộ tống vẫn bám sát xe chính gạt đi tất cả những chướng ngại vật, những cành cây, khúc gỗ trôi nổi trên sông. Tại bến lên, thỉnh thoảng đèn hiệu lại lóe sáng. Chắc các đồng chí bên ấy sốt ruột lắm. Phải, đêm nay tất cả chúng tôi cùng thao thức với sông Đà.

        Cuộc hành quân vượt sông thuận lợi nhiều hơn chúng tôi dự kiến. Ở bến lên, nhờ chuẩn bị kỹ, nên chiếc xe chính được tời lên một cách nhẹ nhàng. Đoạn đường làm gấp từ bến lên tới đường liên tỉnh và từ đường liên tỉnh vào H21 cũng đã được chuẩn bị kỹ càng từng đoạn một, nên xe chính hầu như không gặp trở ngại gì, nhẹ nhàng an toàn dừng bánh trước H21.

        Lúc đó là 0 giờ 15 phút ngày 12 tháng 7 năm 1972. Dãy núi đá bên kia sông Đà đứng uy nghiêm trầm mặc trong bóng đêm như một đạo quân khổng lồ đang đón chào vị anh hùng của dân tộc.

        Trong ánh đèn điện hư ảo của hang đá H21, tôi ghi vào nhật ký công tác: “0 giờ 15 phút ngày 12 tháng 7 năm 1972. Đưa Bác vượt sông sang H21 an toàn tuyệt đối. Ban chỉ đạo và các chuyên gia đều vui mừng. Nơi này có thể bảo đảm an toàn cho Bác trong mọi tình huống…”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2017, 04:09:20 am »

        
*

*       *

        Bác ở H21, công việc bảo vệ an ninh, công tác bảo đảm kỹ thuật, công tác hậu cần trở nên khó khăn, phức tạp bội phần. Đoàn 69 phải căng ra, chia làm ba bộ phận: một bộ phận ở 75A, một bộ phận ở K84 và một bộ phận ở H21. Tuy H21 giờ đây là điểm chủ yếu, nhưng K84 vẫn là nơi đi về, là căn cứ hậu cần, là nơi nghiên cứu khoa học, nơi nghỉ ngơi cho chuyên gia nên cũng không thể lơ là. Lực lượng tăng cường bảo vệ K84 cũng được lệnh rút dần. Phương pháp bảo vệ an ninh, phòng thủ ở H21 phải thay đổi. Bộ đã điều một số đơn vị về đóng quân dã ngoại ở gần khu vực đó để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ mục tiêu, tuy nhiên từ chỉ huy đến chiến sĩ cũng không được biết họ đang bảo vệ mục tiêu gì. Bộ đội phòng không - không quân được lệnh theo dõi sát sao và thường xuyên có lực lượng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời khu vực K84 và H21. Cục Bảo vệ bố trí nhiều tổ, nhóm trinh sát hoạt động thường xuyên ở khu vực này để nắm tình hình. Trung đoàn 144, bố trí một lực lượng tinh nhuệ bảo vệ H21. Bộ đội công binh vận hành, bảo trì công trình phải làm lán tạm xung quanh H21 để ở  nên rất gian khổ. Tổ y tế đặc biệt càng vất vả hơn vì ở đây không có điều kiện, phải gồng gánh trang bị, quần áo qua rừng rồi vượt sông về K84 để giặt giũ sấy hấp trang phục công tác, rồi lại chuyển sang H21.

        Các chuyên gia Liên Xô cũng phải vất vả hơn nhiều. Mỗi tuần hai lần đoàn chuyên gia Liên Xô từ Hà Nội lên K84, chờ trời tối mới vượt sông sang H21 để làm việc rồi lại trở về K84 trước khi trời sáng. Những cuộc hành quân như vậy kéo dài liên tục nhiều tháng, nhưng các chuyên gia bạn không một lời kêu ca phàn nàn. Ban chỉ đạo chúng tôi thường yêu cầu  Đoàn 69 củng cố lại nơi ăn, ở bảo đảm sinh hoạt tốt nhất cho chuyên gia, vì thế các chuyên gia rất hài lòng. Tôi còn nhớ, hồi đó trong một lần tâm sự, một đồng chí chuyên gia đã nói: “Chúng tôi ở đây cũng đầy đủ thoải mái như ở Hà Nội, thậm chí còn yên tĩnh thoáng đãng hơn… Các đồng chí đừng băn khoăn gì nữa. Việt Nam đang đánh Mỹ, còn rất nhiều việc phải làm”.

        Được nghe những lời chân tình như vậy, chúng tôi cũng mát lòng. Theo đạo lý của người Việt Nam, các chuyên gia bạn từ phương trời xa đến để cùng mình, lo việc hiếu nghĩa, đã là một cái ơn mà nhân dân Việt Nam luôn phải ghi nhớ.

        Trung tuần tháng 12 năm 1972, Mỹ dùng máy bay B52 đánh phá Hà Nội và nhiều thành phố khác. Quân dân ta đã làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” vô cùng oanh liệt, khiến cho “canh bạc” cuối cùng của đế quốc Mỹ trở nên vô hiệu.

        Đầu năm 1973, Hiệp định Pa-ri được  ký kết. Đế quốc Mỹ đã chấp nhận thất bại, cam kết chấm dứt vĩnh viễn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc và triệt thoái toàn bộ quân đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam. Tin vui ấy làm nức lòng cả nước, đặc biệt các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 lại càng vui hơn. Hiệp định Pa-ri đã mở ra những điều kiện thuận lợi để có thể đưa Bác trở lại K84 hoặc 75A, công việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây Lăng Bác sẽ gặp nhiều thuận lợi.

        Ban chỉ đạo chúng tôi lập tức xin chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị về việc di chuyển thi hài Bác về K84. Được sự đồng ý của Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị, ngày 27 tháng 1 năm 1973 (vào trước Tết ông Táo một ngày), đồng chí Nguyễn Văn Hanh - Chính ủy Đoàn 69 được lệnh về Hà Nội làm việc với Ban chỉ đạo nhận kế hoạch hành quân di chuyển thi hài Bác từ H21 về K84.

        Kế hoạch hành quân di chuyển lần này về cơ bản vẫn như phương án cũ. Nhưng lần này xe Páp chở thi hài Bác sẽ đi xuôi dòng rồi sang thẳng bến trước K84 chứ không ngược lên bến xuống cũ.

        Công việc chuẩn bị được tiến hành rất khẩn trương, nhưng vẫn tỉ mỉ, chu đáo. Ban chỉ đạo chúng tôi vẫn không bỏ qua bất kỳ một khâu nào không xem xét kỹ. Đúng chiều 30 Tết âm lịch, mọi công việc đã chuẩn bị xong. Ban chỉ đạo quyết định cho anh em nghỉ ăn Tết, đồng thời cũng để có thời gian kiểm tra lại lần cuối mọi khâu chuẩn bị trước khi phát lệnh hành quân.

        Ngày 8 tháng 2 năm 1973 (mùng bốn Tết), sau khi Ban chỉ đạo và các chuyên gia Liên Xô kiểm tra xong lần cuối cùng mọi khâu chuẩn bị, chúng tôi chính thức ra lệnh hành quân.

        21 giờ ngày 8 tháng 2 năm 1973, đoàn xe hộ tống thi hài Bác rời H21. Lần này nước sông Đà thấp, dòng chảy nhẹ nhàng nên chúng tôi tin rằng sẽ thuận lợi hơn. Tới bến sông, chiếc xe Páp chở thi hài và hai xe hộ tống xuống sông một cách nhẹ nhàng rồi bơi xuôi một đoạn nhằm bờ bên kia, theo tín hiệu đèn rẽ vào bến K84. Trên bến sông, tất cả cán bộ, chiến sĩ ở K84 cùng Ban chỉ đạo và chuyên gia đều có mặt. Hòm đựng thi hài Bác được chuyển bằng tay từ bến sông lên nhà kính một cách lặng lẽ, an toàn.

        Khi thi hài Bác đã bình yên an tọa trong nhà kính thì trời cũng vừa hừng sáng. Một ngày mới ở K84 lại bắt đầu.

        Ít ngày sau đó, theo lệnh của Ban chỉ đạo, H21 đã hoàn thành sứ mệnh của mình, được xây lấp cửa hang, xóa hết mọi dấu vết.

        Những ngày gian khổ bên kia sông Đà của những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn lâu dài thi hài Bác cũng đã chấm dứt.

        Nhìn lại chặng đường từ khi Bác ra đi (9-1969) đến thời điểm này, Ban chỉ đạo chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, tự hào. Từ chỗ chúng ta chưa hiểu biết gì về lĩnh vực này, đến quyết tâm gìn giữ lâu dài thi hài Bác tại Việt Nam, trải qua gần 5 năm trời lận đận với 5 cuộc hành quân di chuyển, xây dựng 3 công trình… đến hôm nay, chúng ta vẫn giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Bác. Lòng kính yêu lãnh tụ, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và danh dự người chiến sĩ là sức mạnh giúp chúng tôi vượt qua muôn ngàn khó khăn. Tình đồng chí cao cả dựa trên tinh thần cộng sản hòa quyện với đạo đức, nhân nghĩa, lòng thủy chung son sắt của người Việt Nam, đã khiến chúng ta và các chuyên gia bạn đoàn kết một lòng, phát huy sức mạnh tổng hợp của hai Đảng, hai dân tộc, hai nền khoa học, để biến điều tưởng như không thể, thành điều được khẳng định là hoàn toàn có thể.

        Việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác ở Việt Nam trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nền kinh tế còn lạc hậu nghèo nàn, lại có chiến tranh phải di chuyển nhiều… chắc hẳn sẽ là những kinh nghiệm khoa học quý giá đóng góp vào lĩnh vực khoa học rất chuyên biệt này của thế giới.

        Riêng đối với Ban chỉ đạo và cá nhân tôi, những năm tháng này là thời gian chúng tôi có một cuộc sống đặc biệt phong phú. Chúng tôi đã học được nhiều điều hiểu biết thêm nhiều điều về một lĩnh vực mà trước đó, chúng tôi không hề có chút kinh nghiệm nào. Đặc biệt, chúng tôi đã có được bài học về những phương pháp ứng xử, mối quan hệ giữa con người với con người. Chúng tôi cũng thấy rõ hơn tình cảm sâu nặng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta với Bác Hồ kính yêu. Nếu không có sự lao động quên mình và lòng trung thành vô hạn của cán bộ và chiến sĩ thì chúng tôi không thể vượt qua được những khó khăn chồng chất như vậy để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác trong những năm tháng khó khăn gian khổ vừa qua.

        Trong sổ tay công tác của tôi vào ngày hôm đó có ghi: “Bác đã trở về K84 an toàn, Hiệp đinh Pa-ri đã được ký kết. Thời cơ hoàn thành việc xây dựng Lăng để đưa Bác trở về Thủ đô đã đến…”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2017, 08:30:08 am »


        VIII. THAM GIA NHIỆM VỤ XÂY DỰNG LĂNG BÁC HỒ

        Cùng với quyết định về việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác, Bộ Chính trị cũng đã có quyết định về việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một việc lớn của đất nước, của Đảng, của nhân dân. Tôi đã hình dung ra quang cảnh tráng lệ nhưng trang nghiêm, đầm ấm của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây trong phạm vi hồi ức của một cá nhân, tôi không đi sâu vào những vấn đề kỹ thuật vốn rất phức tạp của công việc này, mà chỉ kể những gì có liên quan trực tiếp đến cá nhân và đơn vị công tác do tôi trực tiếp phụ trách trong quá trình xây dựng Lăng Bác. Tôi được tham gia vào quá trình xây dựng công trình lịch sử văn hóa quan trọng vào bậc nhất của đất nước ta cũng với tư cách của một người đang giữ cương vị Cục trưởng Cục Bảo vệ quân đội và là ủy viên thường trực của Ban chỉ đạo bảo vệ và giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

        Sau ngày Bác từ trần và lễ viếng, lễ tang Bác, việc xây dựng Lăng của Người đã trở thành một vấn đề bức xúc. Đồng bào và chiến sĩ cả nước đều mong muốn sớm có Lăng để lại được gặp Bác và bày tỏ với Người ý chí quyết tâm, nguyện đi tiếp con đường mà Đảng và Bác đã vạch ra.

        Ngay sau lễ tang, Ban phụ trách “quy hoạch A" gồm các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Quốc Hoàn, Phùng Thế Tài... đã nghiên cứu quy hoạch chung về việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người.

        Trong phiên họp sáng 29 thảng 11 năm 1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định:

        1- Chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thì hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người. Cố gắng làm nhanh, làm tốt và sớm xây dựng xong Lăng để đồng bào ta có thể viếng và chiêm ngưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm 1971.

        2- Mọi công tác có liên quan đến thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh phải thể hiện được sự trong sáng và đức tính giản dị, gần gũi quần chúng của Người...

        3- Cần thấu suốt, nắm vững và đáp ứng những yêu cầu sau đây trong công tác thiết kế Lăng:

        a- Bảo đảm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nguyên vẹn và lâu dài, chống được các biến động có hại của khí hậu, thời tiết; có kế hoạch giữ gìn an toàn phòng chiến tranh, phòng địch phá hoại...

        b- Thể hiện được tính cách hiện đại mà vẫn giữ màu sắc dân tộc: trang nghiêm nhưng giản dị.

        c- Bảo đảm được sự thuận tiện cho nhân dân, cán bộ và khách nước ngoài đến viếng đông và liên tục; bảo đảm sự kiên cố, bền vững của công trình.

        d- Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ở khu Ba Đình lịch sử.

        4- Xúc tiến ký hiệp định chính thức với Liên Xô về việc Liên Xô giúp ta giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.

        Bộ Chính trị còn quyết định:

        - Ban phụ trách "quy hoạch A" có trách nhiệm tiếp tục theo dõi, chăm lo chung các công việc đã được phân công.

        Quân ủy Trung ương tiếp tục phụ trách các công tác về giữ gìn, bảo vệ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

        - Bộ Kiến trúc có trách nhiệm chính việc xây dựng lăng mộ.

        Ngày 14 tháng 8 năm 1970, Hội đồng Chính phủ họp, ra nghị quyết thành lập Ban phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và cử đồng chí Phó Thủ tướng Đỗ Mười trực tiếp phụ trách.

        Ngày 9 tháng 2 năm 1971 tại Mát-xcơ-va, "Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết về việc Liên Xô giúp đỡ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người" đã được đại diện hai Chính phủ là Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trướng Liên Xô, Nô-vi-cốp ký kết.

        Theo hiệp định, Chính phủ Liên Xô giúp đỡ về kỹ thuật trong việc thiết kế, xây dựng và trang bị cho Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liên Xô cung cấp những trang thiết bị, máy móc của Lăng, vật liệu xây dựng Lăng và cử chuyên gia giúp Việt Nam về kỹ thuật xây lập và hiệu chỉnh mà phía Việt Nam đảm nhiệm.

        Việt Nam có trách nhiệm tiến hành xây dựng Lãng bằng lực lượng cán bộ kỹ thuật và công nhân Việt Nam; giải phóng và tạo mặt bằng thi công, năng lượng điện, nước, máy móc thi công, phương tiện vận chuyển, các vật liệu mà trong nước có...

        Ngày 3 tháng 11 năm 1971, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định chính thức thành lập BAN PHỤ TRÁCH XÂY DỰNG LĂNG Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm:

        Đồng chí Đỗ Mười, Phó Thủ tướng - Trưởng ban.

        Đồng chí Bùi Quang Tạo, Bộ trưởng BỘ Kiến trúc - Phó trưởng ban.

        Đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng - Ủy viên.

        Cùng ngày 3 tháng 11 năm 1971, Phó Thủ tướng Đỗ Mười ký quyết định thành lập BAN CHỈ HUY CÔNG TRƯỜNG XÂY DỤNG LĂNG Chủ tịch Hồ Chí Minh (lấy phiên hiệu Công trình 75808) do kiến trúc sư Vương Quốc Mỹ - Thứ trưởng Bộ Kiến trúc làm chỉ huy trưởng, thượng tá Trần Bá Đăng - Phó chỉ huy thứ nhất, trung tá Lương Soạn - Phó chỉ huy.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM