Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:25:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những năm tháng tham gia giữ gìn lâu dài và bảo vệ thi hài Chủ tịch HCM  (Đọc 11878 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 24 Tháng Tư, 2017, 03:19:06 am »

        
        - Tên sách: Những năm tháng tham gia giữ gìn lâu dài và bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh
        - Tác giả: Trần Kinh Chi
        - NXB: Nhà xuất bản Trẻ
        - Năm xuât bản: 2000
        - Số hoá sách: 10con3, ptlinh, chienvit



        Kính dâng hương hồn Bác muôn vàn kính yêu

        Kính tặng những cán bộ, chiến sĩ bảo vệ an ninh quân đội nhân dân Việt Nam, những  nhà khoa học, những cán bộ và công nhân viên đã cống hiến toàn bộ tinh thần, sức lực cho sự nghiệp: để Bác Hồ sống mãi với nhân dân.


LỜI GIỚI THIỆU

        Công tác giữ gìn lâu dài và bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Lăng của Người là một nhiệm vụ trọng đại, có ý nghĩa lịch sử chính trị to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

        Ngay từ những ngày đầu, đồng chí Thiếu tướng Trần Kinh Chi với cương vị là Cục trưởng Cục Bảo vệ - an ninh quân đội đã được Quân ủy Trung ương chỉ định vào Ban chỉ đạo giữ gìn lâu dài thi hài Bác Hồ, trực thuộc Quân ủy Trung ương. Quá trình thực hiện nhiệm vụ vẻ vang này có nhiều lực lượng, trong đó có nhiều cán bộ, chiến sĩ Bảo vệ - an ninh quân đội được huy động tham gia, đó là một vinh dự lớn.

        Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50, ngày thành lập Cục Bảo vệ - an ninh quân đội (20.7.1950-20.7.2000), đồng chí Trần Kinh Chi đã kể lại những công việc mà cán bộ, chiến sĩ Bảo vệ - an ninh quân đội đã tiến hành, trong những năm tháng đầu tiên với những khó khăn gian khổ, nhưng đã vượt qua, để  góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn lâu dài thi hài Bác Hồ và xây dựng Lăng của Người; góp phần minh họa, làm phong phú lịch sử truyền thống của Ngành Bảo vệ - an ninh quân đội trong 50 năm xây dựng và trưởng thành.

        Cục Bảo vệ - an ninh quân đội xin trân trọng giới thiệu cuốn sách: “NHỮNG THÁNG NĂM THAM GIA GIỮ GÌN LÂU DÀI VÀ BẢO VỆ THI HÀI CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH”  cùng bạn đọc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2017, 05:28:44 am »


THƯA CÙNG BẠN ĐỌC

        Tôi sinh ngày 20 tháng 5 năm 1927 ở xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây. Tôi có may mắn được tham gia phong trào Việt Minh tại địa phương từ tháng 7 năm 1943 và được công nhận là đảng viên chính thức Đảng Cộng sản việt Nam vào tháng  8 năm 1945.

        Trong cuộc đời tham gia hoạt động cách mạng, tôi đã kinh qua nhiều công tác, ở nhiều địa phương, nhưng quãng thời gian dài nhất là tôi được phục vụ trong quân đội từ tháng 10 năm 1950 đến tháng 6 năm 1981; sau đó tôi chuyển ngành và tháng 9 năm 1992 được nghỉ hưu.

        Thời gian phục vụ trong quân đội của tôi cũng là thời gian tôi làm công tác bảo vệ - an ninh quân đội, với trên 30 năm tuổi quân, tuổi ngành và có vinh dự  là một trong những cán bộ tham gia quá trình xây dựng ngành từ những ngày tháng đầu tiên. Tôi đã được cử giữ nhiều trọng trách: trưởng phòng của Cục từ năm 1950-1960,  quyền Cục trưởng rồi Cục trưởng  từ tháng 6 năm 1960  đến năm 1976, được phong hàm Thiếu tướng năm 1974. Một vinh dự lớn nữa đến với tôi là từ năm 1967 tôi đã được tham gia công tác chuẩn bị, và sau đó từ ngày 2 tháng 9 năm 1969 khi Bác qua đời, tôi được tham gia giữ gìn lâu dài và bảo vệ thi hài Bác Hồ kính yêu. Khi Lăng Bác hoàn chỉnh và đi vào hoạt động, tôi được cử làm Trưởng ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng đồng thời là Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trực thuộc Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng (1976-1979).

        Hơn 30 năm làm công tác bảo vệ - an ninh quân đội với tôi có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc đáng nhớ.

        Nhân kỷ niệm lần thứ 50, ngày thành lập Ngành Bảo vệ - an ninh quân đội, qua trao đổi, được sự động viên, tạo điều kiện giúp đỡ của các đồng chí thủ trưởng Cục Bảo vệ - an ninh quân đội đương thời tôi mạnh dạn ghi lại những hồi ức về “NHỮNG THÁNG NĂM THAM GIA GIỮ GÌN LÂU DÀI VÀ BẢO VỆ THI HÀI CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH”, với những lý do:

        - Công tác giữ gìn lâu dài và bảo vệ thi hài Bác Hồ là một trong những công tác quan trọng bậc nhất, trong cả quá trình lịch sử xây dựng và trưởng thành của Ngành Bảo vệ - an ninh quân đội, là một trong những nhiệm vụ có đông đảo cán bộ, chiến sĩ của ngành tham gia trong một thời gian dài và đây cũng là một trong những thành tích xuất sắc của ngành trong lịch sử của mình. Tập hồi ức này góp phần minh họa thêm trang sử và thành tích trong cuốn lịch sử truyền thống của ngành.

        - Với tình cảm kính yêu sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh và lòng quyết tâm sắt đá mãi mãi đi theo con đường của Bác, đồng bào, đồng chí cả nước rất quan tâm tới tình hình công tác giữ gìn, bảo vệ thi hài của Bác và sự hoạt động của Lăng Bác, nhưng từ trước tới nay, vì nhiều lý do vấn đề này ít được phổ biến trên những phương tiện thông tin đại chúng.

        Tập hồi ức này là tấm lòng thành kính của tôi kính dâng lên hương hồn Bác muôn vàn kính yêu, là món quà nhỏ gửi tặng đồng chí, bạn đọc gần xa, nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Bác và 25 năm hoạt động của Lăng Bác.

        Tập hồi ức này được thể hiện bởi tầm nhìn, suy nghĩ của một chiến sĩ bảo vệ - an ninh quân đội được tham gia vào một số công việc, với một thời gian nhất định trong toàn bộ quá trình thực hiện nhiệm vụ trọng đại của Đảng và quân đội, vì vậy, khó tránh khỏi khiếm khuyết và chắc chắn là chưa thể đáp ứng đầy đủ lòng mong muốn của các đồng chí, bạn đọc gần xa. Rất mong được lượng thứ.

TRẦN KINH CHI       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2017, 05:31:48 am »


        I. TỔ Y TẾ ĐẶC BIỆT VÀ NHỮNG CÔNG TRÌNH ĐẶC BIỆT.

        Bước sang những năm của thập kỷ sáu mươi, Bác của chúng ta vẫn làm việc với nhịp độ khẩn trương như trước đây, nhưng qua theo dõi của các bác sĩ thì rõ ràng sức khỏe của Bác ngày càng suy giảm. Ngay từ giữa năm 1966, sau chuyến đi thăm đồng bào tỉnh Thái Bình trở về, Bác đã bị liệt nhẹ nửa người bên trái, đi lại phải dùng gậy. Nhờ sự rèn luyện phi thường của Bác và sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ sức khỏe của Bác dần dần hồi phục, nhưng đây vẫn là dấu hiệu không bình thường đầu tiên nói lên sự suy giảm sức khỏe của Bác.

        Trước tình hình đó, tháng 5 năm 1967, sau lễ mừng thọ lần thứ 77 của Người, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị bất thường do đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng chủ trì để bàn về việc chăm sóc sức khỏe của Bác và những công việc phải chuẩn bị để đáp ứng khi tình huống xấu nhất xảy ra, trong đó có việc giữ gìn thi hài Bác khi Bác qua đời. Xuất phát từ tình cảm và nguyện vọng sâu xa của nhân dân cả  nước đối với Bác để nêu ra vấn đề lớn lao này, mặc dầu các đồng chí trong Bộ Chính trị rất hiểu sinh thời Bác Hồ là một lãnh tụ giản dị, thanh cao; Người không muốn có một sự tôn vinh đặc biệt nào đối với mình, lại cũng không muốn sau khi mình qua đời đồng bào, đồng chí phải hao tâm tổn lực vì những việc tang lễ, điếu phúng, chứ đừng nói gì đền đài lăng tẩm.

        Cũng chính vì thế mà Bộ Chính trị quyết định không xin ý kiến Bác về vấn đề này.

        Hội nghị Bộ Chính trị đã quyết định:

        - Cử các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương trực tiếp thường xuyên theo dõi và chăm sóc sức khỏe của Bác.

        - Giao Quân ủy Trung ương chuẩn bị những công việc cần thiết về tổ chức tiến hành công tác giữ gìn lâu dài thi hài Bác khi Bác qua đời. Trong đó trước mắt chọn một số cán bộ y tế giỏi cử đi Liên Xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài.

        - Cử đồng chí Lê Thanh Nghị thay mặt Đảng và Chính phủ ta sang Liên Xô để đề nghị Đảng và Nhà nước Liên Xô giúp đỡ việc giữ gìn thi hài Bác, xây dựng Lăng của Người và tiếp nhận cán bộ Việt Nam sang học tập khoa học giữ gìn lâu dài thi hài.

        Mọi công việc về chuẩn bị giữ gìn thi hài Bác phải  tuân thủ nguyên tắc tuyệt đối giữ bí mật để tránh gây ra hoang mang lo lắng trong Đảng, trong nhân dân và để đề phòng âm mưu hành động phá hoại của địch. Việc giữ bí mật cũng còn là để giấu Bác, vì nếu biết  Bác sẽ không cho phép triển khai thực hiện chủ trương này.

        Cũng trong năm 1967, Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định thành lập Ban tổ chức lễ quốc tang (Ban A) dành cho việc tổ chức lễ tang Bác Hồ và Bác Tôn khi Người qua đời. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Trưởng ban. Đồng chí Phó tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài - thành viên Ban A, đã đi Liên Xô, Bun-ga-ri, tìm hiểu, nghiên cứu về tổ chức lễ quốc tang của nước bạn.

        Các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng vô cùng cảm động trước sự tin cậy của Đảng, của Nhà nước đối với quân đội và hạ quyết tâm động viên cán bộ, chiến sĩ quân đội làm thật tốt nhiệm vụ này. Bước đầu Quân ủy Trung ương giao cho đồng chí Thiếu tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Phạm Ngọc Mậu và đồng chí đại tá Phó tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài điều hành mọi công tác cụ thể cần thiết, sau này cần đến đâu thì mở rộng tổ chức, hoạt động đến đó. Như vậy công việc dễ giữ được bí mật hơn.

        Là Cục trưởng Cục Bảo vệ quân đội lúc đó, tôi sớm được đồng chí Phạm Ngọc Mậu, đồng chí Phùng Thế Tài cho biết quyết định của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và đưa vào dự kiến tiến trình công tác để huy động cán bộ, chiến sĩ trong Cục triển khai các mặt công tác bảo mật - phòng gian, bảo vệ an toàn cho nhiệm vụ cực kỳ quan trọng này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2017, 12:47:54 am »


        Sau khi nhận được sự chấp thuận của Trung ương Đảng và Nhà nước Liên Xô, một tổ y tế đặc biệt của  ta gồm ba đồng chí được giao nhiệm vụ bí mật lên đường sang Liên Xô học tập. Đó là các đồng chí:

        - Nguyễn Gia Quyền - thiếu tá bác sĩ, Chủ nhiệm khoa giải phẫu Viện quân y 108.
        - Lê Ngọc Mẫn - bác sĩ phụ trách khoa nội tiết Bệnh viện Bạch Mai.
        - Lê Điều - bác sĩ phụ trách khoa ngoại bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô.

        Đồng chí Nguyễn Gia Quyền được cử làm tổ trưởng.

        Chuyến đi của tổ y tế đặc biệt được bảo mật chặt chẽ. Các đồng chí được nhận nhiệm vụ đã giữ tuyệt đối bí mật mục đích của chuyến đi, ngay cả với gia đình và bạn bè.

        Ngày 2 tháng 9 năm 1967, đoàn bí mật đi ô tô từ Hà Nội lên Đồng Đăng và từ đó đi xe lửa liên vận qua Trung Quốc sang Liên Xô.

        Nội dung học tập của tổ là công tác ướp, giữ thi hài trong giai đoạn đầu (theo bạn thì những giai đoạn tiếp sau, các chuyên gia Liên Xô sẽ trực tiếp đảm nhiệm). Tổ y tế đặc biệt học tập ngay tại Viện khoa học giữ gìn thi hài Lê-nin với sự giúp đỡ tận tình của đồng chí Xéc-gây Sê-gây-ê-vích Đê-bốp - Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, Phó chủ tịch viện Hàn lâm y học Liên Xô, Viện trưởng Viện khoa học giữ gìn thi hài Lê-nin, trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn.

        Chương trình học gồm hai phần: lý thuyết và thực hành. Tài liệu nghiên cứu chủ yếu là tài liệu về giữ gìn thi hài từ cổ chí kim trên thế giới, tiêu biểu là các thi hài của Ai Cập thời cổ đại, Liên Xô, Mỹ. Tiếp đến là nghiên cứu, thực hành công tác bảo quản thi hài của những người già trên 60 tuổi.

        Nội dung học tập là vấn đề hết sức mới mẻ, thời gian dành cho học tập không nhiều, nên anh em đã phải động viên nhau dồn hết tâm lực vào học tập; nhiều hôm phải làm việc suốt ngày trong phòng kín không khí ngột ngạt khó thở bởi các mùi hóa chất, ban ngày học tập thực hành tại Viện, đêm về khách sạn lại họp tổ trao đổi kinh nghiệm, đọc thêm tài liệu.

        Qua bảy tháng, tổ y tế đặc biệt đã học hết nội dung chương trình do bạn đề ra. Bạn đánh giá cao kết quả học tập của tổ. Khóa học kết thúc, trước khi lên đường về nước, tổ y tế đặc biệt đã cùng bạn trao đổi về chế độ, nền nếp quan hệ công tác giữa Việt Nam - Liên Xô về nội dung công việc mà Việt Nam tự làm khi tổ y tế đặc biệt về nước. Liên Xô đã cấp cho tổ ba bộ dụng cụ đại phẫu thuật và một số dụng cụ chuyên dụng đặc biệt.

        Tháng 4 năm 1968 tổ y tế lên đường về nước. Ngay khi về tới Hà Nội, tổ đã trực tiếp báo cáo công việc với đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Quân ủy Trung ương. Theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương, chúng tôi nhanh chóng hoàn tất công tác chuẩn bị, trước hết là về công tác tổ chức để tổ y tế đặc biệt bắt tay vào nhiệm vụ.

        Tháng 6 năm 1968, tổ y tế đặc biệt được thành lập gồm sáu đồng chí:

        - Thiếu tá bác sĩ Nguyễn Gia Quyển - tổ trưởng. 
        - Đại úy bác sĩ Lê Ngọc Mẫn.
        - Thượng úy bác sĩ Lê Điều.
        - Thiếu úy bác sĩ Nguyễn Văn Châu.
        - Y sĩ Nguyễn Trọng Hát.
        - Hộ lý trưởng Phạm Ngọc Ảm.

        Đến cuối năm 1968, Ban tổ chức Trung ương Đảng và Tổng cục Chính trị quyết định chính thức điều sáu đồng chí nói trên vào quân đội và thuộc biên chế Viện quân y 108.

        Ít ngày sau, tổ y tế đặc biệt đã đề nghị bổ sung cho tổ một kỹ sư vi sinh vật là đồng chí Doãn Huy Nghi có nhiệm vụ chuyên nghiên cứu về chống nấm mốc trên thi hài.

        Trong hoàn cảnh chiến tranh trên cả nước đang ở vào thời kỳ rất quyết liệt nên việc giữ bí mật công tác chuẩn bị của việc giữ gìn thi hài Bác Hồ là rất quan trọng, vì công việc chuẩn bị cho việc giữ gìn thi hài Bác Hồ có nhiều việc phải làm: vừa phải xúc tiến công tác xây đựng tổ chức, vừa phải quan hệ với nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội để lo trang bị những cơ sở vật chất cần thiết và triển khai những công tác chuyên môn cần làm ngay của tổ y tế đặc biệt, lại vừa phải lo làm thật tốt công tác bảo vệ. Để giữ được bí mật, tổ y tế đặc biệt không tổ chức thành một đơn vị độc lập mà được biên chế trong khoa giải phẫu của Viện quân y 108. Đồng chí Nguyễn Gia Quyền vẫn trực tiếp giữ cương vị Chủ nhiệm khoa, điều hành công việc chung của khoa nhưng chủ yếu là làm công tác của tổ y tế đặc biệt. Đồng chí Hát và đồng chí Ảm vốn là cán bộ của khoa, do vậy mà tránh được sự chú ý của mọi người.

        Công việc của tổ y tế đặc biệt trong thời gian này là:

        - Tổ chức bồi dưỡng học tập nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, nhân viên trong tổ; tiếp tục sưu tầm thêm những tài liệu chuyên môn và cả những tài liệu về phương pháp ướp xác cổ truyền phương Đông.

        - Chuẩn bị trang thiết bị cần thiết, ngoài số dụng cụ Liên Xô đã cấp, tổ còn phân công nhau đi tìm thêm dụng cụ ở các cơ sở y tế trong và ngoài quân đội; đặt làm các phương tiện công tác ở các nghệ nhân, các xí nghiệp, các kỹ sư ở Trường đại học Bách khoa và xí nghiệp đá An Dương… Cuối cùng tất cả dụng cụ chuyên dùng cần thiết đều đã được chuẩn bị chu đáo.

        - Công việc khó khăn nhất của tổ là phải tìm kiếm được tử thi dùng vào công tác thực nghiệm để học tập rút kinh nghiệm. Nhưng với sự cố gắng của tổ và sự hỗ trợ của các đồng chí lãnh đạo thì vấn đề khó khăn đó đã được giải quyết. Đây là cơ sở khoa học và vật chất đầu tiên để các đồng chí trong tổ y tế đặc biệt vận dụng những điều đế học tập được ở Liên Xô về khoa học giữ gìn thi hài và áp dụng kỹ thuật chống nấm, mốc thi hài (kỹ thuật này phía Liên Xô yêu cầu Việt Nam chịu trách nhiệm); công việc này còn kết hợp với sự vận dụng những tri thức, kinh nghiệm của Việt Nam đã tích lũy được từ trước. Cơ sở này ngày càng phát triển và chính là tiền thân của viện khoa học giữ gìn thi hài Bác Hồ được chính thức thành lập từ năm 1976.

        Bên cạnh việc triển khai những công việc chuẩn bị nói trên, chúng tôi thấy ngay từ bấy giờ phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của Bác nên đã đề nghị Bộ Chính trị cho phép đồng chí Lê Ngọc Mẫn được vào Phủ Chủ tịch cùng đồng chí Như Thế Bảo theo dõi và chăm sóc sức khỏe của Bác. Ngày 28 tháng 3 năm 1969, đồng chí Lê Ngọc Mẫn vào Phủ Chủ tịch nhận nhiệm vụ. Có thêm bác sĩ Lê Ngọc Mẫn bên cạnh bác sĩ Nhữ Thế Bảo chăm sóc sức khỏe Bác, chúng tôi sẽ luôn có được những thông tin chính xác về sức khỏe của Người, để không bị bất ngờ.

        Các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, Phạm Ngọc Mậu đã đến tận nơi nghe tổ y tế đặc biệt báo cáo, kiểm tra, nhất là sau khi quan sát trực tiếp kết quả thực nghiệm… hết sức hài lòng. Đã có thể khẳng định công tác chuẩn bị làm rất tốt.

        Cuối năm 1968, đồng chí Phó viện trưởng Viện khoa học giữ gìn thi hài Lê-nin sang kiểm tra xem xét công việc chuẩn bị tại chỗ và kết quả nghiên cứu thí nghiệm của tổ y tế đặc biệt. Là một nhà khoa học, đồng chí đã có những đánh giá nghiêm khắc, khách quan về từng việc một. Khi được biết đồng chí đã hoàn toàn hài lòng về công tác chuẩn bị để giữ gìn và bảo quản thi hài Bác giai đoạn đầu, chúng tôi mới thực sự cảm thấy nhẹ nhõm, tự tin hơn.

        Tháng 3 năm 1969, đồng chí Nguyễn Gia Quyền lại được cử sang Liên Xô để báo cáo kết quả thí nghiệm và quy trình kỹ thuật dự kiến tiến hành trong giai đoạn đầu khi Bác qua đời, đồng thời cũng đề nghị Viện giữ gìn thi hài Lê-nin giúp đỡ cung cấp cho một số Vật tư quý hiếm phục vụ cho nhiệm vụ trọng đại này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2017, 12:55:56 am »


*

*       *

        Trong khi tổ y tế đặc biệt tiến hành những công tác chuẩn bị, Quân ủy Trung ương đã giao cho Bộ Tư lệnh Công binh nghiên cứu và xây dựng một công trình để làm công tác khoa học giữ gìn thi hài và bảo quản thi hài. Đồng chí thượng tá Trần Bá Đặng - Phó tư lệnh Binh chủng Công binh trực tiếp chỉ đạo thi công.

        Theo đề nghị của tổ y tế đặc biệt, công trình này phải bao gồm các hạng mục: Phòng giải phẫu thi thể, kho để thuốc men, dụng cụ y tế, phòng làm thuốc thi hài, phòng lưu giữ bảo vệ thi hài khi làm thuốc xong, phòng thay quần áo vô trùng, phòng chờ và nghỉ ngơi của cán bộ khi làm việc tại đây và các phòng vệ sinh.

        Công trình này phải có độ vững chắc, chống được bom đạn ở mức độ nhất định, có thiết bị điều hòa nhiệt độ để bảo đảm nhiệt độ thường xuyên là 160C, độ ẩm 75 phần trăm, không có gió lùa, vô trùng tuyệt đối, đặc biệt phải giữ được bí mật an toàn tuyệt đối.

        Sau một quá trình nghiên cứu kỹ, Quân ủy Trung ương, đồng chí Nguyễn Lương Bằng xem xét và Bộ Chính trị phê chuẩn địa điểm thi công công trình ở phần phía sau nhà tang lễ của Viện quân y 108. Địa điểm này đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về kỹ thuật và bảo đảm an ninh, đồng thời có thể tận dụng được một số căn nhà đã có sẵn. Nơi này cũng sát nơi làm việc của khoa giải phẫu bệnh lý, thuận tiện cho sự đi lại làm việc của tổ y tế đặc biệt, ít người qua lại nên bảo đảm được yếu tố bí mật.

        Bộ Tư lệnh Công binh giao nhiệm vụ thiết kế công trình cho các đồng chí Nguyễn Trọng Quyền, Bùi Danh Chiêu, Lâm Sinh, Trần Thanh Vân. Lực lượng thi công cũng được chọn rất kỹ từ Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 259, do đồng chí Trần Sỹ Yêm chỉ huy.

        Giai đoạn thi công công trình cũng là thời điểm mà công tác bảo vệ an ninh cần phải được tăng cường. Bởi vì, muốn hay không thì diện những người tiếp xúc với nhiệm vụ xây dựng công trình bí mật này ngày một tăng lên. Tập thể cán bộ chỉ huy Cục Bảo vệ rất lo lắng, mặc dù chúng tôi đã triển khai mọi phương án bảo vệ, đã kiểm tra rà soát kỹ lưỡng các đối tượng tiếp xúc với nhiệm vụ. Hàng ngày anh Phùng Thế Tài và tôi vẫn thay nhau có mặt tại công trường. Nhưng chúng tôi cố gắng để càng ít người biết tới sự có mặt của mình càng tốt.

        Khi công trình thi công, nhà tang lễ của Quân y viện 108 vẫn hoạt động. Chúng tôi cũng không làm xáo trộn những công việc bình thường ở nơi này. Vào những ngày bệnh viện có tang lễ, đơn vị thi công ngừng hoạt động; anh em ở yên tại trại, không tiếp xúc với bất kỳ ai; thư từ của anh em cũng không được gửi về công trường, và anh em đều được quán triệt là không được phép nói đến công việc của mình với bất kỳ ai, mặc dù chính anh em công binh cũng không biết mình đang xây dựng công trình gì.

        Tôi nhớ lại trong quá trình triển khai nhiệm vụ này có một chi tiết về kỹ thuật mà chúng ta đã phải xử lý rất vất vả, khó khăn. Ngày nay, chúng ta có thể tìm thấy bất cứ đâu những máy điều hòa nhiệt độ có chất lượng cao kích thước gọn nhẹ. Nhưng hồi đó thật quá hiếm hoi; máy điều hòa do Liên Xô cung cấp thì to lớn, cồng kềnh, khi đặt vào trong phòng độ rung rất lớn, lại không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

        Chúng tôi bàn đi tính lại “nát cả óc”, chưa biết xử lý việc này ra sao thì các anh em công binh đề xuất huy động một bộ điều hòa nhiệt độ hiện đang lắp đặt ở một công trình trong An toàn khu bí mật để thay thế máy của Liên Xô. Đề nghị này của anh em công binh đả được chấp thuận ngay. Thế là vấn đề gay cấn đó đã được giải quyết.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2017, 12:56:52 am »


        Cuối năm 1968, công trình mang mật danh 75A đã hoàn thành. Đoàn chuyên gia y tế Liên Xô sang kiểm tra đã hết sức ngạc nhiên. Bạn không ngờ trong điều kiện có nhiều khó khăn, thiếu thốn mà Việt Nam vẫn xây dựng được một công trình phục vụ công tác chuyên môn có chất lượng cao như vậy. Nó chẳng có những nét gì đặc sắc về mặt kiến trúc, nhưng là một công trình lịch sử, bởi nơi đây đã chứng kiến những giây phút đau thương của dân tộc ta, khi Bác ra đi. Công trình nhỏ bé này cũng là tấm lòng của những người lính dành cho Bác - vị Tổng tư lệnh tối cao của mình. Công trình đã được bàn giao cho tổ y tế đặc biệt quản lý, sử dụng. Từ đó không còn nỗi lo lằng, ngại rằng khi Bác mất mà công trình vẫn chưa có và tổ y tế đặc biệt đã bớt được nhiều khó khăn về địa điểm làm việc.

        Sau khi công trình 75A được nghiệm thu thì việc xây dựng một công trình khác được đặt ra. Đó là nơi sẽ quàn thi hài Bác trong những ngày tang lễ. Địa điểm được chọn là Hội trường Ba Đình. Không một nơi nào xứng đáng hơn để được chọn làm nơi để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiễn đưa Bác tới cõi vĩnh hằng.

        Nhưng muốn bảo đảm an toàn tuyệt đối thi hài Bác trong những ngày tang lễ thì tại đây phải có một công trình đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật như ở 75A dù chỉ là để sử dụng trong thời gian tang lễ. Công trình ở Ba Đình còn đòi hỏi những tiêu chuẩn khác với 75A vì nơi đây sẽ quy tụ rất đông người tới viếng Bác; sự biến đổi về nhiệt độ, độ ẩm sẽ khác với 75A và công tác bảo vệ an ninh đặt ra nhiều vấn đề rất gay cấn, phức tạp. Đồng thời phải đạt được sự trang trọng tôn nghiêm nhất.

        Sau khi được Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị phê chuẩn phương án, anh Phùng Thế Tài và tôi nhiều lần tới Hội trường Ba Đình để xem xét quan sát hiện trường. Chúng tôi từng bước hoàn chỉnh phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn cho lễ quốc tang. Anh Tài tỉ mỉ tính từng mét cự ly từ nơi các đoàn đến viếng tới nơi đặt vòng hoa. Chúng tôi xem lại từng khâu trong các hạng mục của công trình mới, được đặt tên là công trình 75B. Công trình sẽ gồm các hạng mục như: nơi đặt bàn thờ Bác, nơi đặt hòm kính thi hài Bác, nơi điều hành, một trung tâm điều hòa nhiệt độ cho hòm kính đặt thi hài và một số công trình tiếp cận ở ngoại vi.

        Công trình 75B có thuận lợi là Hội trường Ba Đình đã có sẵn một số hạng mục công trình có thể cải tạo thêm để sử dụng. Vì đã có kinh nghiệm qua việc thi công 75A, nên công việc thi công không gặp nhiều khó khăn. Điều phức tạp nhất vẫn là việc giữ gìn bí mật. Vì thế mọi công việc đều được tiến hành vào ban đêm, và một số cơ quan liên quan cũng chỉ biết đây là việc tu bổ có tính chất bình thường của Hội trường Ba Đình mà thôi.

        Khó khăn, phức tạp nhất trong công trình 75B là việc thi công hòm kính đặt thi hài Bác. Mẫu thiết kế đã có nhưng việc tìm những tấm kính khổ lớn, loại kính không vỡ, dày, trong suốt, không có gợn sóng và phải khắc phục được hiện tượng đọng hơi nước, ngưng tụ ở mặt kính khi chạy máy điều hòa nhiệt độ. Chúng ta đã gửi yêu cầu sang Liên Xô để xin loại kính này, nhưng sẽ phải chờ rất lâu. Chúng tôi lo lắng. Nếu như hòm kính chưa xong mà Bác qua đời thì vô cùng lúng túng.

        May mắn sao, sau một thời gian tìm kiếm khắp nơi chúng tôi phát hiện Bộ Xây dựng của ta cũng đã từng nhập một số kính như vậy để phục vụ cho một số công trình khác. Lần hồi tìm kiếm mãi, thì ra ngay dưới tầng hầm của Hội trường Ba Đình vẫn còn có một lô kính như vậy.

        Tới đây, tôi đặc biệt cảm phục bộ đội công binh của chúng ta. Nếu không vì thi công công trình này thì chúng ta cũng không biết rằng, chính bộ đội công binh của ta lại có những người thợ tài hoa như vậy. Việc thi công hòm kính phức tạp khó khăn đến vậy mà bộ đội ta cũng đã làm được, mà làm rất tốt. Đến nỗi, các chuyên gia Liên Xô sau khi cho vận hành chạy thử các thiết bị điều hòa phục vụ hòm kính đều ngạc nhiên, hòm kính đã đạt tới mọi tiêu chuẩn kỹ thuật mà các chuyên gia bạn đề ra.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2017, 10:39:58 pm »


        Vào đầu năm 1969, công trình 75A đã được hoàn thành về cơ bản; công tác bảo quản, hoàn thiện được tiếp tục tiến hành tới tháng 8 năm 1969. Chúng tôi triển khai kế hoạch bảo vệ công trình đồng thời tiến hành những công tác chuẩn bị khác, trong đó có việc cùng các cơ quan Nhà nước, các đơn vị bạn chuẩn bị cho lễ quốc tang. Trong lịch sử, ta chưa từng có kinh nghiệm tổ chức quốc tang lớn. Nhất là lại chuẩn bị tang lễ cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Công tác bảo vệ phải được triển khai trên cả hai hướng là: bảo vệ bí mật, an toàn cho kế hoạch bảo quản giữ gìn lâu dài thi hài Bác và bảo vệ tuyệt đối trật tự an toàn, trang nghiêm, trọng thể cho lễ quốc tang. Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề này, chúng tôi rất cần phải phối hợp tốt với nhiều cơ quan của Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác của Nhà nước. Nhưng vì tính chất bí mật tuyệt đối của công việc, chúng tôi lại không được phép xin sự giúp đỡ rộng rãi, cũng không được phép xin ý kiến tham khảo của nhiều người, nhiều cơ quan. Mấy anh em chúng tôi đành động viên nhau phải huy động tối đa năng lực của mỗi người mà hoàn thành tốt nhiệm vụ.

        Trung đoàn 144 - đơn vị bảo vệ trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, là đơn vị được huy động vào công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ trọng đại này. Cùng với Ban chỉ huy trung đoàn, anh Phùng Thế Tài và tôi đã chọn ra 50 đồng chí làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ hai công trình 75A và 75B, đồng thời lo bảo vệ cuộc di chuyển thi hài. Bộ phận này do thượng úy Nguyễn Văn Mộc chỉ huy; bộ phận thứ hai gồm 150 đồng chí được chọn để phục vụ tang lễ. Các phương án di chuyển thi hài, phục vụ nghi thức quốc tang phải được luyện tập kỹ càng đến từng động tác, như: gác tiêu binh danh dự, khiêng linh cữu, đưa vòng hoa, bảo vệ tiếp cận các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta và các đoàn khách quốc tế tới viếng Bác.

        Bên cạnh lực lượng phục vụ bên trong, Cục Bảo vệ cũng tổ chức một số khá đông cán bộ, chiến sĩ của Cục làm nhiệm vụ canh gác công khai, canh gác bí mật, trinh sát bí mật bảo đảm an ninh cho các công trình và những tuyến đường di chuyển thi hài của Bác.

        Đó là những ngày đêm vô cùng căng thẳng, sôi động, đầy lo âu đối với chúng tôi.

        Đêm đêm, các chiến sĩ có mặt tại vị trí luyện tập âm thầm, lặng lẽ nhưng rất vất vả. Vất vả nhất có lẽ là nhóm khiêng linh cữu. Các đồng chí đã phải luyện tập hàng trăm lần để phối hợp nhịp nhàng từng động tác, chính xác từng mi-li-mét và làm sao để đạt đến trình độ điêu luyện nhất. Các chiến sĩ tiêu binh phải tập đứng nghiêm đêm này qua đêm khác. Và điều khó khăn nhất mà chúng tôi phải nói với anh em là khi vào tang lễ phải tập dồn nén mọi nỗi xúc động dâng trào. Có thể cả hàng nghìn, hàng vạn người tới dự tang lễ sẽ khóc, nhưng các chiến sĩ tiêu binh không được phép rơi lệ; các chiến sĩ bảo vệ tiếp cận phải luôn tỉnh táo, không được đắm chìm vào nỗi đau thương mà sao nhãng dù chỉ một giây, nhiệm vụ của mình. Thực tế sau này đã chứng minh rằng đó là một điều vô cùng khó khăn khi cả Quảng trường vang lên tiếng nấc, khi các cháu thiếu niên gào lên gọi Bác, khi cả trời xanh cũng ào ào đổ lệ, thì bản lĩnh những người lính cận vệ phải rắn rỏi nhường nào mới kìm nén được lòng mình để hoàn thành nhiệm vụ. Có đồng chí, trong khi luyện tập đã không nén nổi xúc động khi nghĩ tới lúc phải tiễn đưa Bác ra đi.

        Chúng tôi cũng vậy, mỗi một lần tới cùng luyện tập với anh em ai nấy đều thấy lòng mình nhói đau. Ai cũng muốn rằng đây chỉ là tình huống giả tưởng, hoặc ít nhất nó càng lâu xảy ra càng tốt. Một đêm, sau khi duyệt lại một lần toàn bộ đội hình và xem anh em thao tác các động tác, anh Phùng Thế Tài và tôi đều chung tâm trạng mong rằng điều đau thương ấy không bao giờ xảy ra. Nhưng cả hai chúng tôi đều biết, đó là điều không thể nào tránh khỏi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2017, 10:42:43 pm »


        II. MỘT NGÀY VÀ MÃI MÃI

        Vào một ngày Tết Kỷ Dậu (1969), Bác dành chuyến xuất hành đầu năm cho bộ đội Phòng không - Không quân; bởi Bác hiểu rằng, trong tương lai bộ đội Phòng không - Không quân ta còn phải đương đầu với không lực Hoa Kỳ - một lực lượng không quân hùng hậu và hiếu chiến bậc nhất thế giới. Hình như Bác linh cảm thấy rằng, một trận quyết chiến vĩ đại nhất định sẽ xảy ra ngay trên bầu trời Hà Nội và Bác đặt niềm tin vào lực lượng bộ đội Phòng không - Không quân nhân dân Việt Nam.

        Lần này, tháp tùng Bác đi chúc Tết bộ đội, tôi luôn xúc động, nhói đau con tim, bởi vì tôi cũng đang được tham gia vào một công việc mà tôi không bao giờ muốn nó xảy ra. Tôi muốn nói to lên với các đồng chí của mình: “Các đồng chí ơi, sức khỏe của Bác không tốt lắm. Bác gắng gượng lắm mới tới được với anh em ta đấy!”. Tôi muốn hét lên như vậy khi nhìn thấy những gương mặt hân hoan của các đồng chí cán bộ, bộ đội ở Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, họ như bị tiếng nói ấm áp và nụ cười hiền hậu của   Người “thôi miên” mà không biết rằng đây là lần cuối cùng được nhìn thấy Bác, được gặp Bác.

        Sau khi thăm bộ đội Phòng không - Không quân, Bác còn lên thăm và còn chúc Tết nhân dân huyện Bất Bạt, Hà Tây. Bác tới làng Vật Lại anh hùng, dừng chân ngồi nghỉ trên đồi Vật Lại, ngắm nhìn núi Tản Viên với một cõi lòng thanh thản như một người đã thoát tục. Bác đã trồng cây đa trên gồi Vật Lại. Cây đa đó đến nay vẫn tỏa bóng mát xanh tươi. Đó là cây cuối cùng Bác để lại cho đời. Đó cũng là di chúc, là lời hiệu triệu của Người gửi tới muôn đời sau về trách nhiệm của mỗi con người với thiên nhiên cây cỏ về cách ứng xử của con người với thiên nhiên. Bác tin rằng mọi cuộc chiến tranh rồi cũng đi qua, nhưng cuộc đấu tranh và sinh tồn của con người chỉ có một cách, đó là sống hòa đồng với thiên nhiên, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên. Bởi thiên nhiên chính là con người và con người cũng là một phần của thiên thiên tươi đẹp.

        Trong dịp sinh nhật Bác năm 1969, có một buổi gặp mặt của Bác với các tướng lĩnh, chỉ huy, lãnh đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng, quân khu, quân binh chủng dự hội nghị quân chính toàn quân. Tại phòng họp của Phủ thủ tướng, buổi gặp mặt có Bác, các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Song Hào… Bác nói chuyện, động viên, nhắc nhở cán bộ dự hội nghị. Anh Vương Thừa Vũ thay mặt cho các tướng lĩnh, cán bộ cao cấp toàn quân kính chúc sức khỏe Bác và tặng hoa chúc mừng nhân ngày sinh nhật Bác. Bác tặng lại các đại biểu và chúc các đại biểu sau hội nghị về cần cố gắng hơn nữa, có nhiều hoa chiến công hơn nữa.

        Sau buổi gặp gỡ này, các bác sĩ chăm sóc sức khoẻ cho Bác vô cùng lo lắng, báo cáo với Bộ Chính trị rằng Bác đã có dấu hiệu nhồi máu cơ tim bước đầu. Bộ Chính trị quyết định cho mời bác sĩ Trung Quốc sang điều trị cho Bác. Nhưng, từ tháng 8 năm 1969 mới thật sự là những ngày đầy lo âu về bệnh tình của Bác.

        Ngày 12 tháng 8 năm 1969, tuy trời nổi cơn giông nhưng nghe tin phái đoàn ngoại giao ta ở Pa-ri vừa về nước, Bác lập tức tới nhà nghỉ Hồ Tây thăm anh em trong đoàn. Bác tới để nghe tình hình và động viên tinh thần anh em trong cuộc đấu tranh trên bàn hội nghị; sau đó Bác lại đi thăm, kiểm tra công tác bảo vệ đê điều chống bão lụt của Hà Nội.

        Khi về Bác bị cảm lạnh. Ngày hôm sau, Bác có triệu chứng ho nhiều. Ngày 23 tháng 8 năm 1969 bác sĩ phải dùng thuốc kháng sinh tiêm cho Bác và thực hành điện tim, thấy có dấu hiệu nhồi máu cơ tim thành sau tim.

        Ngày 28 tháng 8 năm 1969 tim Bác có dấu hiệu loạn nhịp và rối loạn phần tuyến nhĩ thất. Trước tình hình sức khỏe cửa Bác ngày càng có nhiều dấu hiệu xấu, trung tuần tháng 8 năm 1969 Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác giữ gìn thi hài Bác trực thuộc Quân ủy Trung ương. Ban chỉ đạo gồm các đồng chí:

        Thiếu tướng Lê Quang Đạo, ủy viên Trung ương Đảng - ủy viên Quân ủy Trung ương - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - Trưởng ban.   

        Thiếu tướng Phạm Ngọc Mậu - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

        Đại tá Phùng Thế Tài - Phó Tổng tham mưu trưởng.

        Đại tá Vũ Văn Cẩn - Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - Cục trưởng Cục Quân y.

        Đại tá Trần Kinh Chi - Cục trưởng Cục Bảo vệ quân đội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2017, 10:43:10 pm »


        Ban chỉ đạo phân công đồng chí Phùng Thế Tài làm Phó ban và tôi là ủy viên thường trực, điều hành mọi công việc cụ thể của Ban chỉ đạo. Từ thời gian này, Ban chỉ đạo đã huy động thêm lực lượng nhằm đáp ứng với tình hình ngày một khẩn trương.

        Theo dõi từng ngày, từng giờ sức khỏe của Bác, chúng tôi biết thời điểm nghiệt ngã nhất đang đến gần. Ban chỉ đạo khẩn trương xúc tiến công việc kiểm tra mọi khâu trong công tác chuẩn bị; khẩn trương hoàn thành các công việc còn chưa hoàn thiện; đình chỉ mọi việc đi phép, đi học của cán bộ, chiến sĩ có liên quan đến nhiệm vụ.

        Cục Bảo vệ và Trung đoàn 144 tổ chức ngay một đoàn xe làm nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác, gồm năm chiếc: hai xe cứu thương, ba xe Gat, chọn các đồng chí: Nguyễn Văn Thinh lái xe của Tổng cục Hậu cần, Nguyễn Văn Nhứt lái xe của Bộ Tổng tham mưu, Nguyễn Văn Hợp lái xe cứu thương của Viện quân y 108 làm nhiệm vụ lái xe cứu thương. Còn các xe khác do lái xe cửa Cục Bảo vệ đảm nhiệm. Hàng đêm, đoàn xe tập hành quân từ địa điểm này đến địa điểm khác theo những con đường khác nhau (có phương án).

        Một số cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 144 và Cục Bảo vệ đã được chọn và luyện tập, mặc trang phục cảnh sát hoặc hóa trang là người dân bình thường, ém và tuần tra ở các con đường mà đoàn xe đi qua; mọi tình huống xấu có thể xảy ra (xe hỏng, kẹt, tắc đường, gặp tai nạn, phá hoại…) đều được lường tính trước và vạch sẵn giải pháp xử trí.

        Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng được giao chuẩn bị nhà cửa, sửa chữa trang bị nội thất vào loại tốt nhất, chuẩn bị đội ngũ phục vụ, chuẩn bị hai xe du lịch, cử người nấu ăn, lái xe, công vụ cùng hai cán bộ Cục Bảo vệ - an ninh quân đội (đồng chí Vũ Quang Kha phiên dịch, đồng chí Hoan - cán bộ bảo vệ tiếp cận) và một tiểu đội cảnh vệ của Trung đoàn 144 hình thành một bộ phận công tác phục vụ đoàn chuyên gia y tế Liên Xô. Đồng chí Vũ Quang Kha được cử phụ trách chung.

        Một số cán bộ của Bộ Tư lệnh Công binh, Trung đoàn 144 và một số cán bộ, chiến sĩ Cục Bảo vệ - an ninh quân đội (Tống Xuân Đài, Mạc Hồ, Nhu, Tấn…) chuyên trách làm mọi công tác do Ban chỉ đạo điều hành.

        Đồng chí Nguyễn Văn Hanh - Trưởng phòng Cục Bảo vệ - an ninh quân đội được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý các bộ phận có trách nhiệm trực tiếp phục vụ ở công trình 75A, 75B.

        Cuối tháng 8 năm 1969, Ban chỉ đạo kiểm tra lại tất cả các công trình, các đơn vị và mọi công tác chuẩn bị. Sau đó, chúng tôi chính thức báo cáo với các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Lương và Bộ Chính trị: Mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất với chất lượng cao nhất. Tất cả mọi người, mọi bộ phận, mọi công trình đều đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất xảy ra.

        Trong thời gian này, thấy tình hình sức khỏe của Bác ngay càng giảm sút nghiêm trọng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã điện thông báo cho Bộ Chính trị Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô, đề nghị cho đoàn y tế làm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác Hồ, sang Hà Nội ngay.

        Ngày 28 tháng 8 năm 1969 đoàn cán bộ y tế Liên Xô đến Hà Nội. Đoàn gồm sáu đồng chí, do đồng chí S.Đê bốp - viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm y học Liên Xô, Viện trưởng Viện khoa học giữ gìn thi hài Lê-nin làm trưởng đoàn.

        Ngay khi tới Hà Nội, đoàn đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta tiếp và làm việc. Sau đó, đoàn tiến hành kiểm tra các công trình 75A và 75B, kiểm tra công việc chuẩn bị của tổ y tế đặc biệt. Sau khi kiểm tra xong, đoàn kết luận: Đã có đủ điều kiện để tiến hành công tác giữ gìn thi hài Bác giai đoạn đầu để phục vụ lễ viếng và lễ tang Bác. Nghe vậy, Ban chỉ đạo chúng tôi thực sự như trút được một gánh nặng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2017, 05:35:39 am »


*

*        *

        Trong khi ấy ở phòng bệnh của Bác, hàng ngày các bác sĩ vẫn thay nhau theo dõi và chăm sóc sức khỏe của Bác; các đồng chí trong Bộ Chính trị vẫn tới thăm và báo cáo tình hình của cả nước với Bác. Mỗi tin vui từ chiến trường miền Nam đều làm cho Bác vui thêm.

        Ngày 30 tháng 8 năm 1969, đồng chí Phạm Văn Đồng sang thăm và báo cáo tình hình chuẩn bị ngày lễ Quốc khánh 2-9. Nghe báo cáo xong, Bác dặn: “Các chú phải nhớ bắn pháo hoa để động viên tinh thần nhân dân”. Nhưng do tình hình sức khỏe của Bác đang trầm trọng như vậy, ai còn tâm trạng nào đế bắn pháo hoa nữa?

        Ngày 31 tháng 8 năm 1969, nghe tin bộ đội phòng không bắn rơi máy bay không người lái của kỹ (chiếc máy bay này bị bắn rơi ngày 30-8) Bác rất phấn khởi. Người bảo Văn phòng Chủ tịch nước lập tức gửi lẵng hoa chúc mừng và khen ngợi bộ đội phòng không. Các chiến sĩ Sư đoàn phòng không 361 không ngờ rằng, đó là lẵng hoa cuối cùng mà họ thay mặt quân và dân ta được đón nhận từ lãnh tụ kính yêu.

        Hôm đó, tâm trạng Bác rất vui, Người đã gắng ăn hết một bát cháo. Các đồng chí phục vụ bên Bác mừng khôn tả. Các bác sĩ chăm sóc Bác vừa ngạc nhiên, vừa lo lắng. Họ hiểu rằng, chính tin vui thắng trận đã tạo nên điều kỳ diệu đó. Nhưng đó chỉ là tình trạng nhất thời.

        Và thời điểm khắc nghiệt nhất đã đến: Sáng 2 tháng 9 năm 1969, cả nước đang hân hoan trong ngày Quốc khánh. Chưa ai hay biết gì về một nỗi đau thương lớn đang xảy ra thì trong căn nhà nhỏ, giản dị, cách căn nhà sàn của Bác không xa, trên một chiếc giường gỗ trải chiếu đơn sơ, Bác Hồ kính yêu của cả dân tộc ta đang trút những hơi thở cuối cùng. Vây quanh Bác là các đồng chí trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Bác. Đồng chí Vũ Kỳ - người phục vụ thân cận nhất của Bác ngồi bên đầu giường với chiếc quạt lá cọ trên tay không ngừng quạt nhẹ cho Bác.


Những phút cuối cùng của Bác Hồ

        Nhưng rồi, đúng 9 giờ 47 phút, trái tim Bác ngừng đập.

        Chiếc quạt lá cọ rời khỏi tay, đồng chí Vũ Kỳ gục xuống khóc nức nở. Các bác sĩ vẫn không ngừng xoa bóp, hô hấp nhân tạo với hy vọng mong manh rằng, trái tim vĩ đại tràn đầy yêu thương của Bác sẽ đập trở lại. Nhưng tất cả đã vô vọng. Một giờ sau, khi trao đổi với các bác sĩ làm công tác cấp cứu, đồng chí Phạm Văn Đồng đau đớn khoát tay ra lệnh: “Thôi, các đồng chí để yên cho Bác nghỉ!”. Tất cả mọi người có mặt bên giường Bác đều òa lên khóc nức nở. Tình hình trên liên tục được thông báo về 75A.

        Tại công trình 75A, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài và tôi luôn bám sát tình hình ở Phủ Chủ tịch qua máy điện thoại. Các chuyên gia Liên Xô và tổ y tế đặc biệt đã được lệnh sẵn sàng.

        10 giờ, tôi đau đớn buông máy điện thoại, nói với các anh có mặt tại 75A “Bác mất rồi”. Anh Phùng Thế Tài vừa khóc vừa ra lệnh cho mọi người: “Tất cả vào vị trí”. 

        Tôi cũng gạt nước mắt lao ra xe chỉ huy, 11 giờ, chúng tôi được lệnh cho xe tới Phủ Chủ tịch. Trên xe còn có các đồng chí Nguyễn Gia Quyền, Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Văn Hát, tổ y tế đặc biệt và đồng chí Đỗ Hải - Chính ủy Trung đoàn 144.

        Tới cổng Phủ Chủ tịch, đoàn xe dừng lại, riêng chiếc xe cứu thương mang biển số PH1468 do đồng chí Nguyễn Văn Hợp lái được lệnh đi tiếp. Xe vừa đến trước cửa ngôi nhà sàn của Bác, đã thấy đồng chí Trần Quốc Hoàn ra đón. Anh Hoàn ôm lấy tôi, vừa khóc vừa nói: “Sự việc xảy ra rồi! Các đồng chí phải bình tĩnh làm tốt nhiệm vụ của mình”. Khi nhìn thấy tôi và tổ y tế đặc biệt tiến vào, đồng chí Phạm Văn Đồng cũng vừa khóc, vừa vẫy tay ra lệnh: “Thôi, mọi người hãy dãn ra cho các đồng chí chuyên môn làm nhiệm vụ”.

        Chúng tôi tiến vào. Nhìn thấy Bác nằm thanh thản trên giường, nước mắt tôi trào ra. Nhưng tôi chợt hiểu rằng, đây là lúc mà mình phải tỉnh táo nhất; mình là cận vệ của Bác Hồ, lúc này mình phải bảo vệ Bác như tất cả những lần Bác đi công tác. Nghĩ vậy, tôi trấn tĩnh lại cùng các đồng chí trong tổ y tế đặc biệt tiến vào. “Các đồng chí thận trọng” - Tôi nhắc nhở trong khi mọi người chuyển Bác từ giường sang cáng thương. Tôi vẫn đi bên cạnh Bác trên quãng đường từ nhà ra xe. Lúc này tôi không còn chú ý tới mọi người xung quanh. “Tất cả dãn ra cho Bác đi” hình như tôi đã ra lệnh như vậy. Mọi người dãn sang hai bên tạo thành một đội danh dự. Đó là tất cả các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị - những người học trò ưu tú của Bác.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM