Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:57:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84909 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #520 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2021, 05:24:19 pm »


Nhưng vua Jean lại cầm gậy hành hương, tự đi vận động cho cuộc thập tự chinh của mình. Số 4B đại lộ Invalides là kho đồ thánh, là sở chỉ huy của ông. Đám thân cận "đợi mỏi mòn" ở đấy. Ông thỉnh thoảng đến đó như một tia chớp để trao đổi mật hoặc ra lệnh. Buổi sáng ông biến mất và xuất hiện lại với Monette hoặc người của mình vào lúc chín, mười giờ đêm. Cả ngày ông đi từ cửa này đến cửa khác, làm việc ở từng nhà. Gặp thường xuyên tổng thống Cộng hòa Vincent Auriol, các bộ trưởng từng người một. Không có gì làm ông nản lòng. Tiếp xúc với những người anh em Hội Tam điểm, các tổng giám mục, giám mục, những nhà tài chính, những viên chức cao cấp, các đại sứ. Báo động các nơi, người ta nói nhờ vào thiếu tá R..., trưởng văn phòng của ông ở Paris.

Phục vụ de Lattre, R... giật dây cánh tả; ông ta có vị trí ở phía này, vận động trong các nước Phương Đông hoặc những môi trường tương tự, ít nhất cũng thuyết phục được. Lu mờ và phục vụ tốt.

De Lattre thu xếp để có một người tin cẩn thực hiện ở mỗi lĩnh vực. Thực ra, giành giật được thật vất vả, một thắng lợi nghèo nàn thuyết phục các chủ tịch và bộ trưởng, và cả tướng Blanc. Bao nhiêu lập luận tế nhị! Phải bốn hoặc năm cuộc họp sôi động, quyết liệt, của Thượng viện để đi đến thỏa mãn de Lattre, không kể các cuộc họp ban, phòng, không kể Vincent Auriol. Sự sa lầy trong màu mè kiểu cách. Nền Đệ tứ Cộng hòa nhường bước mà chẳng hiểu gì, chỉ để làm vừa lòng vua Jean mà họ không dám nói "không" dù Đông Dương làm mọi người nhức nhối. Nhưng dù buộc phải để cho làm, họ không đi đến chỗ quyết định một điều gì, không có một biện pháp cụ thể nào.

Tất cả đều không thể. Không đủ quân tình nguyện đăng ký làm lính đánh thuê. Không có vấn đề kéo dài thời hạn phục vụ trong quân đội. Cuối cùng, trước những kêu gào, chứng minh của de Lattre người ta thoát ra bằng giải pháp dễ làm, giải tán một số trung đoàn của Bắc Phi: trả quân lính về cho bộ tộc họ để trưng dụng khung cán bộ cho de Lattre vốn cần sĩ quan và hạ sĩ.

Vậy là rút quân ở Bắc Phi cho Đông Dương xa xôi nhưng ai nghĩ ở đây ít lộn xộn, ít nổi dậy hơn? Và vua Jean khẳng định:

- Tất cả là ở Đông Dương; phải chiến thắng ở đây. Vì nếu mất Bắc Kỳ và biên giới Trung Quốc, việc thất bại dần dần bao trùm, khối Liên hiệp Pháp sẽ tan rã và chìm hẳn.

Đòi hỏi như vậy đã quá nhiều. Bố Queuille, thủ tướng chiến tranh lặng lẽ chuẩn bị âm ỉ cho nước Pháp, bảo:

- Đại tướng, những số lượng chuyên viên, kỹ thuật viên ông muốn có, tôi không cho hẳn mà cho ông mượn một thời gian để ông thắng. Sau đó ông trả lại cho tôi, càng nhanh càng tốt.

Thoái thác. Tranh luận giữa nhà chính trị già sợ sệt ngập ngừng và vua Jean hung hăng. Và để mang được trọn gói, ông này chấp nhận cầm cố tương lai. Ông cam kết điều nghiêm trọng nhất, hứa quá lắm là một năm sẽ đập tan các sư đoàn của ông Giáp. Ít nhất ông có thể trả lại cho nước Pháp lực lượng tăng cường ngắn hạn, trong thời hạn cần thiết để chiến thắng quân Việt. Thậm chí đã đặt một ngày giới hạn: mồng 1 tháng bảy năm 1952.

De Lattre bùng lên vui sướng! Tự hào, tinh nghịch khoe khoang, ông hớn hở trong những bữa tiệc huy hoàng. Nhưng cũng thường có trên nét mặt ông những bóng đen phân vân, những thể hiện lo lắng kín đáo. Như thường lệ trước tâm trạng không chắc chắn, ông hỏi từng người trong đám thân cận:

- Tôi có đi quá xa không? Tôi có thể sẽ giữ được lời hứa không? Phải chăng đã quá mạo hiểm để tranh thủ được nhanh? Thậm chí tôi sẽ thất bại trong cuộc đấu với thời gian và quân Việt chăng? Phải chăng sẽ bị dồn vào bước đường cùng vì không làm gì được? Nhưng trò chơi đã đưa ra, không lay chuyển được. De Lattre biết thế. Dù sao ông chẳng có gì để tự trách cứ. Ông đã "bịp" vì bắt buộc, vì công việc. Nếu ông nói sự thật về cuộc chiến sẽ chẳng có gì. Không thêm được một người. Vậy là ông vứt lên bàn cân vinh quang, tên tuổi, danh dự của ông để đảm bảo chiến thắng. Những ông bộ trưởng khốn khổ với tinh thần công chứng viên! Vua Jean khốn khổ! Vì ông bị buộc chặt, biết người ta luôn luôn đòi hỏi: "Việc tiêu diệt quân Việt ra sao? Thanh toán Hồ Chí Minh thế nào? Nền hòa bình của ông đến đâu rồi?" Từ nay ông tự giam hãm mình phải thắng.

De Lattre có dối trá không? Chắc bản thân ông cũng không biết. Dù sao những lực lượng tăng cường ấy, ông cần có và có ngay. Dù chỉ để "trụ vững" khỏi thất bại. Sau đó ông sẽ xoảy xở, tìm cách để thắng... Trong lúc chờ đợi, việc cần thiết là "nhận được" sĩ quan, ca-nông, tiền bạc của chính quốc rất bủn xỉn ấy.

Hơn nữa, còn vấn đề tâm lý. Làm cho người ta tin tưởng vào thắng lợi để đánh thắng. Thuyết phục không chỉ Vincent Auriol, Chính phủ, Nghị viện mà cả người Pháp bình thường, người đường phố, toàn dân tộc. Cũng là thuyết phục cả toàn cầu, nhất là Washington sau này ông sẽ đi "gõ". Và rồi đấy là cái được cho Đội quân viễn chinh, cho quân lính ông, Bảo Đại, Trần Văn Hữu, các loại. Đối với vua Jean chỉ một thái độ của người chiến thắng! Đưa ra lòng tin, bản thân ông cũng tin vào đó. Vả lại, cuộc chơi đẹp, cử chỉ, việc cá cược tuyệt vời xiết bao!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #521 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2021, 08:32:59 pm »


Trước hết là sự huyền hoặc. De Lattre ở Paris tích cực chạy chọt. Trong mấy ngày ông hơi quên cuộc chiến tranh, ông Giáp, việc phản công của quân Việt đã như mưng mủ nhưng vẫn chưa vỡ ra. Mỗi ngày vua Jean nhận được hàng ki-lô điện tín nhưng bình tĩnh kỳ lạ đối với những gì liên quan đến cuộc chiến. Ông tuyên bố: "Không có gì, chỉ là việc gây rối thôi, tôi muốn ở lại Paris thật lâu, cảm thấy tự cao, đẹp, phần nào anh hùng khi đấu tranh ở các bộ thay vì đánh nhau với người Việt”.

Ở bên kia, những "kẻ ngu xuẩn” nghĩa là Linares và Salan điện sang rất bi quan. Theo họ, tình hình căng thẳng: đánh nhau trên toàn mặt trận từ Vĩnh Yên đến bờ biển, mỗi ngày mỗi khốc liệt. Và thực sự không hiểu được ý đồ quân Việt như thế nào. Ông già Gonzales, trước sự lộn xộn đẫm máu ấy, đề nghị đánh vào chỗ đã dự kiến phía bắc Đông Triều, với những đoàn cơ động tập hợp ở Lục Nam. Ông dám điện: "Thưa đại tướng, đã đến lúc chúng ta đưa lại lực lượng ra". De Lattre giận dữ, hét lên: "Không có gì xảy ra đâu. Không được làm gì, phải chờ tôi, không có tôi không tung quân vào đâu cả. Vả lại, sao lại có những chuyện ấy? Tôi đã dự kiến tất cả". Thực tế hàng ngày hai, ba bốt bị hạ mà quân Pháp không phản ứng gì. Họ chỉ có một số biện pháp sơ đẳng bảo vệ Hải Phòng hơn - không biết vì sao ở đây lộn xộn hơn. Biện pháp đơn giản: tăng thêm một số lính trong các lô-côt của vành đai bê tông bảo vệ cảng. Nhất là báo với đô đốc hải quân Ortoli sẵn sàng cảnh giác, dội súng và đưa tàu LCT, thậm chí tàu lớn vào sông Bạch Đằng khi có mật hiệu. Đây là sông tiêu tự nhiên vùng lầy hôi hám thường ngày vấy bẩn Hải Phòng nhưng lần này rất có ích. Nó là phòng tuyến bảo vệ tốt nhất đối với thành phố ngay dưới chân những ngọn núi cuối cùng của Đông Triều nguy hiểm.

May mắn cho vua Jean! Ông đi vắng là vận may kỳ lạ cho ông. Vì nếu ở Đông Dương, ông sẽ làm theo mệnh lệnh ông cấm Linares, sẽ hoạt động theo sức ép vào Lục Nam, sẽ tung lực lượng ra, nghĩa là những đội cơ động. Để làm lại một Vĩnh Yên lớn, táo bạo, vinh quang hơn. Cú chặn đánh và đuổi theo để tiêu diệt những sư đoàn thép chính quy của ông Giáp và ông sẽ rơi vào bẫy. Quân đội ông, sau khi đánh vỡ một lốp "vỏ bọc" mỏng, sẽ rơi vào chỗ trống không rất khó ra, khó tập hợp lại cho cuộc chiến thực sự phát động ở chỗ khác cách đấy một trăm cây số.

Vì quân lính, dân công, những khối đông của ông Giáp không còn ở giữa vùng núi như người ta tưởng nữa. Đối diện với Lục Nam chỉ có mấy tiểu đoàn đỏ đi lại như cả những sư đoàn đầy đủ. Quân đội ông Giáp đã ra đi, hoàn toàn biến mất, tiến lên phía trước trong bí mật của rừng, im lặng, ngụy trang hoàn hảo. Họ đi ngày đêm về phía nam, cho đến những sườn núi cuối của Đông Triều, đến sông Đá Bạc, cách Hải Phòng không đến ba mươi cây số.

Ai ngờ được điều đó? Người ta không biết gì hết: thám báo không nói gì và rừng giấu đi tất cả. Do trời âm u, đen đặc gần như mỡ, những chiếc Morane thám thính không hoạt động được, không thấy gì trong vũ trụ hoàng hôn thường xuyên và màn đêm không sao này.

Sự chờ đợi nặng nề. Quân Việt tấn công khắp nơi. Gần Vĩnh Yên cũng tìm được một hoặc hai sư đoàn quân địch. Trước Hà Nội một lần dân chúng thức dậy ban đêm vì tiếng súng lớn: một khẩu đội 105 ly giải phóng một làng bị chiếm chỉ cách thủ đô mấy cây số. Gần Lục Nam và phủ Lạng Thương có những trận đánh nhiều giờ liền. Nhưng những đội cơ động triển khai tốt, đẩy lùi những làn sóng đỏ. Gần như khắp nơi các bốt rơi rụng như những hạt nho trong chiếc bánh người ta cắt để ăn. Nhiều bốt bị chiếm dọc sông Đá Bạc mà không ai làm gì được. “Ông chủ" vẫn chưa trở lại. Và trong các ban tham mưu, các đơn vị đã có người nói: "Cũng như thời kỳ của Carpentier thôi". Quân lính đã tự hỏi việc bố trí của vua Jean có thực tốt không. Linares và Salan mặt càng dài ra.

Tình hình xấu đi. Đêm 23 sáng 24 tháng 3, ba sư đoàn xung kích của ông Giáp xuất hiện từ Đông Triều xông vào đường 18, một con đường nhỏ không quan trọng dọc theo con sông Đá Bạc. Đây là một con đường cũ với những đồn bốt cách quãng nhau bố trí trên bờ giữa những ngọn núi và cửa sông không thành dạng. Ở đây có những mỏ than cũ bây giờ bỏ đi. Người ta khai thác than khối lượng lớn, mỏ lộ thiên ở Hòn Gai cách đấy năm mươi cây số.

Thế nhưng đây là một chiến trường tốt. Khối quân Việt lao vào những bốt đơn độc, hoàn toàn không bảo vệ được và không có ai đến cứu. Sau những cuộc giáp lá cà khốc liệt quân lính bảo vệ Uông Bí và Yên Lập thoát ra, chạy vào bóng tối và rừng núi. Khắp nơi, ở các cơ sở nhỏ với vài sĩ quan hoặc hạ sĩ quan chỉ huy một nhóm pháo thủ Sénégal, chiến đấu vô vọng, chống cự với cái chết. Trong một đêm quân địch xuyên một "lỗ hổng" khoảng ba mươi cây số trên đường 18, phá huỷ sáu bốt và năm chiếc cầu. Họ đặt mìn phá vỡ bể lọc và hệ thống dẫn nước ngọt cho Hải Phòng. Dân chúng hải cảng không còn nước uống, mỗi xô nước đã bán với giá mấy đồng bạc.

Ban ngày quân Việt bỏ lại những nơi chiếm được trong đêm. Nhưng họ ở ngay gần đấy, dưới chân núi, ngụy trang kỹ trong rừng. Khi bóng tối trở lại, họ cũng trở lại trên con đường 18, lao vào những mồi mới. Họ không hề cố vượt vùng đầm lầy sông Bạch Đằng để tấn công thẳng vào Hải Phòng mà mở rộng cuộc tấn công dọc theo con đường về phía biển và vịnh Hạ Long muốn chiếm một phần rất rộng những mỏ than Bắc Kỳ; dĩ nhiên không quan trọng về chiến lược, nhưng tác động mạnh vào nguồn thu nhập của Paris, đến những người khai thác và làm vua Jean mất mặt nếu bị mất đi! Một đòn đánh hạ ông này cũng chắc chắn như một thất bại quân sự.

Tuy vậy ban đêm triển khai lên trục con đường 18, các sư đoàn ông Giáp tiến về hướng khác: về vùng châu thổ. Nếu họ tiếp cận Hải Dương và xuống đến đồng bằng, trên con đường Hà Nội đi Hải Phòng để quay lại đánh Hà Nội hoặc đánh Hải Phòng sẽ là thảm họa hoàn toàn, sự thất bại của Đội quân viễn chinh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #522 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2021, 08:34:08 pm »


Các ban tham mưu lúng túng ghê gớm. Tình hình nghiêm trọng, phải cấp tốc có một quyết định. Thế nhưng trong các Phòng Nhì, Phòng Ba vẫn dẫm chân tại chỗ. Người ta sợ vua Jean hơn cả quân Việt. Vì ai dự kiến được phản ứng của ông trước những biện pháp áp dụng trong khi ông vắng mặt? Khi về có nhiều khả năng ông cho những biện pháp ấy không tốt, đáng sợ và sẽ rất giận dữ.

Tất cả không khí lúc ấy chứa đựng câu nói của một trong những "người có trách nhiệm” của Đội viễn chinh:

- Làm sao đây? Khi không có de Lattre ở đây, giành được chiến thắng là rất xấu. Nhưng cũng không để bị thất bại. Mọi việc ấy đều rất khó...

Và rồi Linares, Salan không tin chắc mình về mặt quân sự. Họ vẫn không thấy rõ được những ý đồ của ông Giáp, tự hỏi: "Cạm bẫy ở đâu? Làm sao để không rơi vào?" Người ta tự thấy mình là con thú bị săn đuổi và cả những đội cơ động.

Ở Bắc Kỳ mọi người tìm kiếm mưu kế. Ý kiến phân tán. Một số người vẫn tuyên bố: "Chúng ta đừng làm gì cả. Nhất là không gửi quân tăng cường trên đường 18. Mục đích của ông Giáp là kéo lực lượng chúng ta vào ngõ cụt ấy để đánh chỗ khác. Đừng để bị lừa. Chỉ có mấy bốt nhỏ, cứ để bị hạ. Chúng ta chờ khi quân địch bộc lộ rõ để đưa ra hết mọi phương tiện, đúng như cần thiết".

Những người khác nói: "Cuộc tấn công thực sự là ở con đường 18. Nếu sự tàn phá đổ tràn lên đấy, tình hình rất nguy hiểm. Phải làm nhanh, rút quân tập trung vô ích ở Lục Nam và tung vào cuộc chiến. Phản công đồng loạt. Nhưng có thể đấy là điều quân Việt mong muốn. Có lẽ họ đã tính toán và hy vọng như vậy. Khi các đội cơ động của chúng ta lao trên đường, lưới sẽ khép chặt họ lại. Vì các sư đoàn ông Giáp nấp sẵn trong những tảng núi cuối cùng ở Đông Triều ngay gần đấy sẽ bốn phía tràn vào họ với một vòng vây bao la và tiêu diệt quân Pháp bị dồn vào một dải đất giữa núi và nước".

Dù những ý kiến khác nhau một kết luận cuối cùng đặt ra cho mọi người: không dấn thân vào con đường 18. Do đó không đi cứu các bốt bị vây hãm. Không hành động, không làm gì cả. Kiên trì chờ de Lattre trở về và để ông ấy chịu mọi trách nhiệm. Ông quyết định. Nếu có người thua thì sẽ là ông ấy. Trong lúc chờ đợi không cho báo chí và thế giới biết gì hết. Đấy là sự im lặng của chờ đợi mà những sở chỉ huy lớn của các sĩ quan cẩn thận xếp những bức điện về người chết trên đường 18, việc cầu cứu chán nản và vô ích của họ.

Ở Paris vua Jean thong thả đọc những bức điện từ Bắc Kỳ tới. Vẻ nghiêm khắc, không một lời, ông chuyển cho Cogny đọc. Ông này chỉ nói:

- Tình hình chuyển sang chua như giấm. Tôi không thích thú gì những tin tức này. Phải trở về thôi.

- Chúng ta trở về.

Đấy là ngày 26 tháng ba. Chuyến đi còn vội vã hơn khi de Lattre rời Sài Gòn sang Paris nhiều. Không từ biệt trịnh trọng, chẳng thủ tục, dàn diễn gì. Chỉ mấy giờ là tất cả sẵn sàng. Ở sân bay Orly, đám thân cận ngồi chen nhau trên một chuyến "đặc biệt". Trước khi cất cánh chỉ mấy nắm tay với những người thân tín, chỉ mấy lời với Monette cao lớn, tư cách: "Tạm biệt. Tôi sẽ chú ý trông chừng Bernard..." Và rồi vài điều căn dặn khẽ Valentin về cách trở về rất nhanh này với Chính phủ: "Nói với các bộ trưởng tôi phải có mặt đúng lúc ở đấy. Tôi bảo đảm tất cả".

Trên máy bay, de Lattre có nét mặt u tối nhất. Ông mệt nhừ người, mười ngày ở Paris làm ông hết cả sức lực. Rét, sốt, thân thể đau đớn nhưng không ngủ được. Ông suy nghĩ. Bốn tháng trước đây sang một Đông Dương xa lạ, hầu như hỏng hết, ông là một người anh hùng thử làm cái không thể. Lần này ông trở về Đông Dương "của ông", đã làm lại, xây dựng lại, thực sự là công trình của mình. Vì vậy nhất thiết phải chiến thắng hoặc tự sát.

Sự đơn độc đáng sợ của một chỉ huy chiến tranh! Nhưng vua Jean bình tĩnh lại. Ông quát:

- Tôi chắc chắn ở Bắc Kỳ họ chẳng hiểu gì hết. Họ nghi ngờ như tôi là một kẻ đào ngũ. Tôi tới đây, và họ sẽ thấy...

Mỏi mệt, đau đớn, nhưng đại tướng kêu lên:

- Bản đồ. Giở ra cho tôi xem...

Và ông cúi xuống đấy, tìm tòi. Nhiều phút, nhiều giờ. Với từng người, ông hỏi:

- Còn anh, anh nghĩ thế nào?

Nhưng không ai có ý kiến rõ rệt. Bản thân ông cũng không. Nghiên cứu mọi đường gạch, đường cong thể hiện Đông Triều, nắm rõ mọi dấu hiệu, mọi đường nét, con số nhưng không hiểu. Những cái ấy không "nói" với ông điều gì, không gợi trí tưởng tượng, trực giác, sáng kiến tài năng của ông. Chỉ là một sự lẫn lộn không giải thích nổi.

- Thật không chấp nhận được chiến thuật của quân Việt. Không phù hợp với những gì đã biết. Hư hỏng, lộn xộn. Thế nhưng họ không ngu dốt. Họ đã sáng tạo ra cách gì vậy?

Hai ngày đêm bay. Bỗng vua Jean ra lệnh:

- Không dừng lại Sài Gòn. Đỗ hẳn ở Hà Nội. Ở đấy, chỉ huy cuộc chiến tôi sẽ tìm ra giải pháp. Tôi sẽ hiểu. Không để mất một giây. Nói với đội bay tất lực vào...

Bên ngoài sấm chớp khắp nơi, giông tố đáng sợ. Vòi rồng, mưa gió mạnh. Gió mùa đang bùng lên, cơn giận của trời.

Với thời tiết ấy, trưởng phi hành đoàn tới nói:

- Tình hình như thế này không thể vượt dãy Trường Sơn. Như vậy quá mạo hiểm. Phải hạ cánh ở Sài Gòn.

Bên ngoài là cực điểm. Trong máy bay, cũng đấu tranh kịch liệt! De Lattre điên lên, hét phi công cứ tiếp tục. Họ không nhường bước, cho là không thể được. Mỗi người trong đám thân cận cố làm cho đại tướng bình tĩnh lại. Cuối cùng đành phải đỗ xuống Sài Gòn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #523 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2021, 08:35:06 pm »


Khi máy bay dừng lại ở Tân Sơn Nhất, de Lattre tự mở cửa, đứng đấy mấy phút, miệng há ra nhưng không nói một lời. Cuối cùng ông xuống khỏi cầu thang.

Hôm ấy là sáng 28 tháng ba. Vua Jean không để mất thì giờ, chỉ ba tiếng đồng hồ ở Sài Gòn đủ để thông báo với Hữu và "môi trường" Pháp-Việt về chính trị, tài chính, về thắng lợi của ông ở Paris, những tỷ và lực lượng tăng cường. Sau đó ra Hà Nội ngay, lần này đi Dakota, đến ngay tối hôm ấy. Ông triệu tập cấp tốc tất cả những người của ông có thể tập trung được. Ông bảo mọi người: "Phản bội. Bất lực. Các anh là hạng bét. Nhưng các anh sẽ thấy tôi chiến thắng ở Đông Triều như thế nào... Sẽ là chiến thắng lớn nhất về quân sự của tôi".

De Lattre giữ lời. Nhưng theo cách của Jeanne d'Arc. Không lôgic. Bằng hai cách nhìn, hai ngây ngất, hai kích thích, hai lần những tiếng nói nội tâm. Tóm lại là những phép lạ. Đấy là trận đánh huyền thoại de Lattre hơn thực tế. Hai linh cảm. Chủ yếu ở "Ngôi nhà Pháp" đêm đầu tiên. Sốt cao ông đi nằm, ngủ chập chờn, để một ngọn đèn đầu giường. Mở mắt, ông nhìn lâu vào tấm bảng treo tất cả những bản đồ tham mưu của Đông Triều. Một giờ sáng ông tỉnh hẳn, nhảy dậy kêu lên "Mạo Khê". Trong giấc ngủ chập chờn, ông đã đoán hoặc thấy điểm ấy, tên ấy giữa những mảng bản đồ thể hiện dãy núi. Từ đó mọi việc đã chắc chắn: ông nắm chìa khóa của trận đánh. Cuối cùng có giải pháp.

Tuy chỉ một bốt đơn giản trên con đường 18 nhưng là chỗ sông Đá Bạc kết thúc giáp đất liền. Quân Việt đến đấy để phục kích tiêu diệt nhưng không thấy nên bây giờ muốn rút ra triển khai trên vùng châu thổ. Muốn thế phải dỡ bỏ Mạo Khê, khu bản lề giữa đồng bằng và ven rừng để không còn trở ngại về sông núi. Mọi điều đã rõ: ý đồ của ông Giáp, việc ông ấy sẽ làm, việc phải làm. Không được để các sư đoàn đỏ đang sắp tấn công chiếm lấy chỗ ấy hoặc sẽ là tai họa.

Sau ý nghĩ lóa lên là việc thực hiện. Vua Jean gọi người tùy tùng trực: "Triệu tập ngay Sizaire cho tôi. Trong nửa giờ nếu anh ta không có mặt, tôi trừng trị anh đấy..."

Tại sao lại Sizaire, người ta không biết. Cho đến lúc đó de Lattre không chú ý đến ông, ngược lại gần như thất sủng. Nhưng chắc vua Jean đã tính toán ông ta là người của trường hợp này. Đây là một người cao lớn phương bắc, tóc vàng nhanh nhẹn và vô tư, đầu quý phái, nụ cười tươi, đùi cứng rắn và cầm can do một vết thương cũ. Ông đã khoảng năm mươi nhưng vẫn "cuồng tín”. Giọng nói to, vui vẻ dễ mến. Ông thường gầm lên như một con sư tử bị thương về sự sa sút tất cả, nhất là về lề thói quân sự. Và ông thiếu khôn ngoan đã quá tự hào trước vua Jean.

Hơn nữa Sizaire cao lớn cũng là một biểu tượng vinh quang. Thời kỳ Leclerc ông là người một mình, đã chiếm lấy Lạng Sơn và biên giới Trung Quốc. Sau đó người ta bỏ những chỗ ấy và lúc đầu de Lattre quyết định chinh phục lại. Vì vậy ông đã điều động ông ta đang đồn trú trên đất Pháp trở lại.

Nhưng cũng có điều đáng nói. Sizaire không chú ý, tôn trọng những cuộc "hội ý" lớn buổi chiều ở Hà Nội, vua Jean, Boussary và người của ông ba hoa hai, ba tiếng đồng hồ. Đối với ông, tất cả những diễn giải ấy là phù phiếm. Và rồi quan niệm của de Lattre về hệ thống bê-tông ông cho là "thiếu nhuệ khí", bảo vệ thay vì tấn công, từ bỏ thay vì hành động. Thậm chí ông thể hiện bất bình khi vua Jean kể: "Gazin đã nói với tôi... Phải thế này, thế kia. Trong ba tháng tôi sẽ có mặt trận duy nhất không bàn cãi được trên hoàn cầu". Sizaire không tin tí nào điều đó. Ông đã quá nhớ những mặt trận đẹp đẽ của Lạng Sơn, những công trình đồ sộ Decoux đã làm, trong tình trạng đổ nát, hoàn toàn bị phá vỡ, lần lượt do người Nhật, người Trung Hoa và người Việt.

Việc ấy kết thúc bằng một vụ tranh cãi và Sizaire bị đẩy đi. Bây giờ tìm lại ông trong Hà Nội thật khó khăn. Huy động bao nhiêu người, cuối cùng tìm ra ông lúc nửa đêm. Ông sửng sốt, khó bị thuyết phục. Người ta đưa ông lên xe jeep, dẫn tới "Ngôi nhà Pháp" vào phòng de Lattre đang nằm, sốt, mồ hôi nhễ nhại, xung quanh là Petcho-Bacquet và nhiều người.

Sizaire vào, nao lòng, chán ngán. Nhưng vua Jean vừa thở vừa thì thầm:

- A! Sizaire dũng cảm. Tôi thấy anh tươi tỉnh đấy. Vì sao anh mỉm cười?

- Hình như ông lại tín nhiệm tôi.

De Lattre kêu lên:

- Các ông thấy Sizaire chưa? Tôi gọi ông ta về là đúng... Và chồm dậy để nắm tay, ôm lấy ông:

- Thời gian này chúng ta hơi lúng túng, nhưng tại sao anh nhạy cảm thế? Sizaire dũng cảm, tôi dựa vào anh. Nếu chúng ta không hành động ngay sẽ hỏng hết. Quân Việt sắp tấn công Mạo Khê xa xôi, chẳng có gì, chỉ một vài trăm lính ngụy. Sau đó sẽ đến lượt thị xã Đông Triều và Bảy Chùa - không thể để những chỗ ấy vào tay bọn họ. Thế nhưng tất cả có thể triển khai từng giây phút, từng giờ một. Đây, anh nhìn bản đồ sẽ thấy ngay việc đe doạ chết người...

De Lattre nhổm dậy hơn để chỉ vào cả phần "góc" bản đồ:

- Anh thấy rõ chứ Sizaire? Anh hiểu chứ? Chính anh phải đi cứu Mạo Khê và Đông Triều.

De Lattre đã sẵn sàng ra mệnh lệnh:

- Anh đi lấy những đội cơ động anh cần, đang phân tán khắp Bắc Kỳ, nắm quyền chỉ huy và giữ Đông Triều cho tôi. Đừng để mất thì giờ. Anh có khó khăn trong việc tập hợp người đấy. Nhưng tôi muốn chiều mai người của anh có mặt ở khu Bảy Chùa và Đông Triều, đúng lúc, có trật tự, sẵn sàng xung kích. Và tôi muốn đêm sau đó anh đưa quân vào Mạo Khê, ở hai vị trí Mạo Khê - Mỏ và Mạo Khê - Nhà thờ.

Vua Jean nhìn Sizaire:

- Anh có hỏi gì tôi nữa không?

- Không, thưa đại tướng.

- Tôi biết anh chiến đấu ra sao. Nhưng tôi lệnh cho anh có mặt ở đó kịp thời vì đã chậm lắm rồi. Anh bạn già Sizaire, anh tự xoay xở lấy, khuấy động người của mình đi. Tôi đã chọn anh. Từ hai giờ sáng, anh là ông chủ sau tôi. Vứt bỏ Salan, Linares hoặc bất cứ ai cản trở, anh chỉ vâng lời tôi. Anh có mọi quyền hành, phương tiện, phải giữ cho tôi những vùng hẻo lánh ấy...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #524 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2021, 08:36:03 pm »


De Lattre đã quên tên như thường lệ. Ông lại ngả mình xuống gối vẫn lẩm bẩm câu nói với giọng hầu như không nghe rõ:

- Mình rất đúng khi tin tưởng vào Sizaire. Thật hài lòng...

Viên đại tá chào theo lối quân sự:

- Sizaire sẽ làm hết sức mình, thưa đại tướng.

Ra ngoài, đại tá là người có kinh nghiệm, là cựu binh vững vàng, nói với các sĩ quan của mình:

-   Trước nhiệm vụ rộng lớn, chúng ta hãy đi ăn ở khách sạn Metropole đã. Ăn uống để tăng thêm sức lực "đập vỡ quân Việt".
-   
Nhà bếp, bồi bàn được đánh thức dậy. Bữa tiệc giữa Sizaire và ban tham mưu của ông. Đại tá bình luận với người của mình:

-   Trò chơi cao tay. Vua Jean đã nói ông chỉ có tôi. Như vậy nếu ngày mai quân Việt vào Mạo Khê, ông không phải người có tội mà là Sizaire đã lừa dối lòng tin của ông...
-   
Tuy vậy, vừa ăn uống, với giọng rõ ràng của người đàn ông, với sự nhanh nhạy vững vàng, ông đọc lên như một ông vua, không ồn ào như vua Jean mà là vị chúa cao quý, điềm tĩnh, những mệnh lệnh của mình. Việc đầu tiên, thứ hai, thứ ba... Ông chỉ đạo sĩ quan liên lạc:

- Điện ngay, thật rõ ràng. Những tiểu đoàn tôi đã chọn đi trong đêm, ngay đêm nay, bật sáng đèn pha mà di chuyển. Điểm hẹn cho mọi người ở Bảy Chùa, không thiếu một ai.

Và ngay lúc Sizaire ăn uống đầy đủ xong, khắp Bắc Kỳ còn trong đêm tối, những đoàn dài khởi động để không lỡ hẹn. Đại tá, bụng no nê và trí óc sáng suốt, cũng đi đến đấy, họp các hiệp sĩ của những đội cơ động.

Trong thâm tâm, vua Jean đã chọn nhân vật với niềm "kiêu hãnh" của mình. Phải có một anh hùng Phương Tây, có bước chạy kỳ diệu. Đúng thế. Đây là một cuộc chạy đua tốc độ giữa những người Pháp đi ô-tô và tàu thuỷ trên đường và sông ngòi với người Việt đi bộ đường rừng. Những người này ngay đêm nay càng đang chạy tập trung lại thành khối. Người ta đã biết chắc như thế vì lần đầu tiên ở Đông Dương đã có việc thám thính ban đêm. Trước đây chưa hề làm do thiếu hạ tầng cơ sở và các loại chỉ dẫn. Nhưng de Lattre chỉ thị: "Chọn cho tôi một chủ bài, thực thụ". Đấy là một chiếc máy bay cũ trong cuộc chiến với Anh. Cất cánh bí mật không có đêm tối. Máy bay không thấy và người ta không thấy máy bay. Phi công bay trên vùng Đông Triều. Bỗng nhiên thấy bên dưới cả một làn suối lửa. Khu rừng giống như một thành phố có những con đường được chiếu sáng. Không phải bằng những bóng đèn điện mà hàng chục nghìn bó đuốc quân chính quy và dân công đến từ khắp nơi, từng đoàn trên đường mòn trong rừng và ở các chỏm núi. Đấy là bằng chứng các sư đoàn ông Giáp đang chuyển quân, chuẩn bị phản công. Toàn cảnh thiên nhiên là trại tập trung một quân đội thong dong trước con mồi. Tóm lại vua Jean đã không nhầm khi kêu lên "Mạo Khê, Mạo Khê".

Đối với Sizaire mọi việc tiến triển tốt để bắt đầu. Các đoàn quân và những đội tàu nhỏ đến Bảy Chùa trong ngày hôm sau như dự kiến. Một đợt tập hợp quân sự đẹp. Những khí cụ tốt, các sĩ quan tốt. Đoàn quân "cầu vồng" đủ các màu, tất cả kiểu cách Pháp, quân chính quốc, Ả-rập, những người da vàng, da đen. Và Sizaire, người khổng lồ, với nụ cười, giọng nói điềm tĩnh, dáng khập khiễng đẹp, loại cựu binh cao cả, thoải mái, lớn lao, muốn làm anh hùng, thông minh nhưng không muốn to tiếng. Tất nhiên "kiêu hãnh". Nhưng có đúng thông minh không?

Chiều 29 tháng ba, toàn bộ tập trung ở Bảy Chùa, vừa rất gần vừa rất xa. Mạo Khê chắc chắn sẽ bị tấn công ngay trong đêm. Vấn đề là còn phải đi ba mươi cây số, trong những khó khăn không tưởng được. Chuyển động theo đường vòng đã phức tạp. Nhưng tệ hại hơn nhiều đối với xe cộ của quân Pháp là trở ngại của thiên nhiên. Luôn luôn mưa phùn như tấm vải liệm, nước chảy rỉ ra lên mọi vật. Đường sá là sông bùn, gần như không đi được. Để vươn tới chỉ có con đường 18 mà xe GMC sa lầy và một con suối trở thành sông Đá Bạc, tàu LST đang sa lầy.

Từ Bảy Chùa trở đi, bước tiến kỳ diệu là sự "nhảy cóc" tại chỗ trong môi trường lỏng bám dính vào xe cộ và người. Để vẫn tiến lên người ta sử dụng mọi thứ, lăn đi, bơi đi, bước đi, bất kể ra sao. Những đoàn xe quân sự hỏng hóc được thay thế bằng xe "ca Trung Hoa", những xe địa phương không ra xe. Với những chiếc tàu hải quân bất lực, thêm vào thuyền, đò. Người ta đi bộ, bơi. Xe cộ vận chuyển được bổ sung bằng những phế phẩm Châu Á, xem ra buồn cười nhưng phù hợp, có hiệu quả hơn.

Ở chỗ kia sức ép của quân Việt tăng lên từng giờ. Không đi được nhanh, Sizaire chia đoàn quân của mình ra làm hai. Theo đường 18 ông cử đi những gì gấp gáp, cần thiết: một tiểu đoàn dù và một đại đội lê dương tiến vào Mạo Khê bố trí ở đấy và (hơn một nghìn người) phải không mệt mỏi đẩy lùi quân Việt đông vô số. Ông cũng cử một toán cao xạ. Súng ca-nông ở Đông Triều sẽ bao khung lính dù và lê dương trong vòng lưới lửa; dĩ nhiên chỉ những đạn cối dày đặc mới cho phép số ít người như vậy có thể "trụ vững" một thời gian cần thiết chống lại cả những sư đoàn.

Việc này cũng tranh thủ thời gian, từng giây một. Vì ngoài bùn lầy còn có những đoạn đường cắt, phục kích, mìn trên đường. Cũng có những chi tiết ngớ ngẩn, gần như không khắc phục được. Ví dụ để vượt con sông rộng chỉ có một con đò từ thời đầu chế độ thực dân, đã một hoặc nửa thế kỷ, hoạt động bằng người kéo những vòng móc đính vào dây cáp gỉ, và những việc ấy có lẽ dẫn đến thất bại hoặc thắng lợi trong cuộc chiến. Hét to "Mau lên, mau lên" cũng chẳng hơn gì.

Phần đoàn quân còn lại Sizaire cho lên tàu LST. Nhưng con suối tàu bơi đi là một lẫn lộn đất bùn, rác rưởi lũ lụt đổ vào từ nhiều nguồn trái ngược nhau, cảnh vật không rõ, không chắc chắn, nước, bờ, đất trời và mây, hơi nước, sương mù và mưa phùn. Tất cả mờ mịt trong xám xịt ẩm ướt. Thế là tàu mày mò, tiến, lui, hụt hẫng. Người ta thử mọi cách để thoát ra. Quân lính chối bỏ cách đi như thế, nhảy ra khỏi bùn nước như vậy và bì bõm qua mười, hai mươi cây số lầy lội hôi thối. Đêm tối trở lại nhưng Mạo Khê được thấy rõ trong đêm nhờ những ánh lửa, những bó đuốc đang bao trùm nó. Lửa cháy dùng làm tiêu điểm. Mỗi người tự nhủ: "quân Việt đã tấn công. Chúng ta đến vào giữa cuộc chiến, có lẽ quá chậm, vừa để bị đánh bại."
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #525 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2021, 08:40:59 pm »


Sizaire đẹp đẽ đến trong tình trạng như thế nào: quần áo rách và bùn lầy. Một bản anh hùng ca đối với ông để đến Đông Triều! Đắm tàu LST. Tắm bùn để lên bờ. Dừng lại trên một đường nhánh, ông gặp một chiếc xe quân sự cũ một người Sénégal bình thản lái làm công việc thường lệ cho một bốt gần đấy. Đi qua một con sông nhờ con đò địa phương. Trưng thu một chiếc “xe Trung Hoa”, đuổi hết người và hàng hóa vốn đi khắp nơi như không có chiến tranh. Và như thế, khốn khổ và vinh quang hơn bao giờ hết, ông đại tá trước mọi người đầu tiên đến Đông Triều, nơi sẽ là cơ sở chỉ huy của ông.

Việc bố trí cấp tốc hoàn thành trong ngày hôm sau, giữa ban ngày nhưng gần như ban đêm vì mưa mù dày đặc. Sizaire ở trong thành thực dân cũ Đông Triều, một loại lâu đài vững chãi tường dày cắm sắt và mảnh chai. Một bên là đầm lầy, bên kia là sườn núi dốc. Xung quanh tĩnh lặng tuyệt đối nhưng bị đe dọa, o ép. Ở đây chưa đánh nhau nhưng cách hơn mười cây số người ta biết có hỗn chiến qua tiếng nổ và ánh lửa vọng lại.

Ngay gần Sizaire, dưới chân thành, là một nơi bố trí toán pháo binh. Tiếng “bumg” đầu tiên xuất phát rồi ba đội pháo nhả đạn không ngớt trong bốn mươi tám giờ liền. Đến mức nòng súng cháy đỏ lên. Đạn súng cối tàu LST chở từ Hải Phòng lên sông Đá Bạc được tiêu thụ ngay. Chúng được tháo dỡ từng viên, để rồi mấy giây sau rơi thành vòng kim khí xung quanh những người của Mạo Khê còn trụ vững, chiến đấu giữa làn sóng đỏ. Trước những đợt quân Việt tràn tới vẫn luôn phải khép chặt vòng tròn đạn xung quanh những người bảo vệ, những nhóm người ít ỏi chống cự với lực lượng lớn quân chính quy. Quân lính sống sót không ngớt gọi qua đài: “Chúng tôi xé nát chiến trường”. Nhưng cuối cùng pháo binh đã cứu tất cả, biến những làn sóng Việt tấn công thành từng lớp xác chết.

Lình dù và lê dương vào Mạo Khê lúc còn chưa có gì ở đấy. Dọc con đường 18, phía dưới, gần đầm lầy là một dãy vô tận những “gian hàng” trưng bày mọi sản phẩm xuất nhập khẩu cho đến những lọ nước hoa. Thế nhưng trong thị trấn nguyên vẹn kỳ lạ này, còn đầy những vật phẩm của cuộc sống, là một sự trống rỗng khác thường. Không một bóng người, một đứa bé bị bỏ quên, một bà già lẩm cẩm. Như cái chết trong một vỏ bọc nguyên vẹn. Trong sự vắng lặng ấy chỉ có một số người bảo vệ nghĩ mình đã bị kết tội chết. Những nguỵ binh trong các tháp canh, những người Maroca trong ba, bốn xe đại liên của một tiểu đội lưu động. Xa hơn một ít trong ngôi nhà thờ đồ sộ, có một số Sénégal, chỉ huy là một trung uý Pháp. Họ nhồi vào ngôi nhà Chúa những bao cát bảo vệ vô vọng, thậm chí không có tác dụng gì.

Khi tiểu đoàn dù thứ 6 BPC1 và đại đội 1 BEP, đoàn quân xung kích, xuất hiện ở Mạo Khê trống không này thì năm mươi nghìn quân Việt cách đó một cây số, phía trên một ít, ở khu mỏ. Trên ấy, giữa bụi than đen, đường ray, máy móc thời xưa, cuộc chiến xảy ra khốc liệt. Ở nơi cả một ngọn đồi than đá do cuốc xẻng đã khai thác, đào thành hang hầm một nửa là do cuộc bắn giết cuồng nhiệt đã một ngày một đêm. Ở nơi trước kia là đám đông cực nhọc cu-li lầm than, bây giờ là đám đông người chết. Không chỉ là cuộc tàn sát ghê gớm mà còn những hành quyết tinh vi.

Giữa trung tâm khu vực khai thác bỏ đi, trên đỉnh một ngọn núi hầu như bị san bằng trước kia giữa những sườn dốc trơ trọi, đá sỏi, một số ngôi nhà lợp ngói bẩn được xây dựng lại. Đấy là bốt Mạo Khê - Mỏ, được trung uý Toàn và người của ông bảo vệ, những người Thổ vùng biên giới Trung Quốc, những người miền núi Cao Bằng, Lạng Sơn gần đường số 4. Gần như toàn bộ dân tộc của họ trung thành với Việt Minh; chính trên vùng cao này trước kia Hồ Chí Minh xây dựng khu du kích đầu tiên. Nhưng những người này phục vụ quân Pháp, đi theo họ trong cuộc rút lui, vẫn tiếp tục phục vụ, là những “kẻ phản động”. Họ biết mình không được thương xót gì.

Toàn, địa chủ phong kiến được hiện đại hóa. Con người to lớn, vai rộng, khuôn mặt đầy đặn giữa đôi gò má cao, đôi mắt tàn nhẫn bằng đá đen và khi muốn, có nụ cười vui. Mọi nền văn hóa lẫn lộn trong người anh. Độc ác, vì anh là một hậu duệ của quân Cờ Đen xưa kia đến đây từ Trung Hoa Trung cổ từng đoàn tắm máu. Khôn ngoan vì gia đình anh thờ triều đình Huế, ông nội là một trí thức, một nhà thơ. Nhưng chú anh Vi Văn Định, chính khách đầu tiên ở Annam, sau đó gắn bó với Phương Tây. Và anh khi còn bé, sau khi học chữ Hán, triết lý Khổng Mạnh và “mười tám ban võ nghệ”, đã học trường Albert Sarraut ở Hà Nội và trường Saint-Cyr ở Pháp. Cuối cùng, ngoài sự lại giống về máu và đạo lý Châu Á, anh cũng là một quân nhân cổ điển của quân đội Pháp, một “cuồng tín” trẻ. Quân lính của anh trước hết là những triều thần của anh, những chư hầu tuyệt dối, hết sức vâng lời. Có khả năng cùng anh xuống tới thảm họa rùng rợn cùng vài hạ sĩ quan thuộc địa gắn bó với họ.

Thảm họa rùng rợn trong khung cảnh thê thảm vùng mỏ; khoảng một trăm người đơn độc khi các đội cơ động của Sizaire còn rất xa. Người ta chỉ biết chắc lúc bắt đầu. Ngày 29 tháng ba, trong đêm tối, vào một giờ sáng mọi súng hạng nặng của Sư đoàn 312 nhả đạn. Chiếc bốt bốc lửa đổ nhào, chôn vùi những xác chết và cả người bị thương trong đổ nát, những mảng tường còn đứng để trụ vững, vẫn chống cự.

Sau đó là một sự lộn xộn anh hùng, gần như huyền thoại. Ba giờ sáng trong đêm tối, từ những đường hầm một mỏ than cũ, hàng nghìn “tình nguyện tử chiến” ào ra. Về phía người Việt, đấy là những du kích cảm tử lao vào nổ mìn để mở đường. Đối với quân phòng thủ, phải bắn hạ trước khi họ đến gần hàng rào để phá tung ra. Giết thật đúng lúc làn sóng “cảm tử” những người mang bom ấy. Chiến binh của Toàn giết từng khối bằng lựu đạn, đạn lửa, đạn đum đum. Hai đợt xông lên như thế bị chặn lại khá xa. Những tiếng kèn nổi lên - hiệu kèn khàn, ghê rợn, thôi thúc của quân Việt. Lần này là quân chính quy, cả một quân đoàn mặc quân phục màu xanh lá cây, đội mũ lá có nguỵ trang, nước da vàng xám, xuất hiện từ những đường hầm cũ xông lên. Khác với những người lúc trước ôm mìn hoặc ngòi nổ im lặng tới phá rào, những người này vừa bắn vừa hét. Những tiếng hét ghê rợn để làm sợ hãi, tê liệt. Những tiếng nổ. Bắn móc-chi-ê, ba-dô-ka, quân Việt quét đi quét lại, làm tung mọi thứ, sáng rực vì những khối pháo nhân tạo khổng lồ. Trong mấy nghìn mét khối bóng đêm lác đác lên những tia lửa, những vạch, chấm, vòi đủ màu sắc. Và cũng đầy đủ tiếng ồn ào, chỉ tiếng kêu của những người hấp hối không nghe thấy được trong cảnh ầm ĩ ấy. Tiếng kèn đồng vẫn vang lên, bộ phận lớn quân chính quy chỉ còn cách mấy mét. Trong đổ nát Toàn tung ra một vũ khí bất ngờ: khẩu ca-nông 75 ly, cho bắn hết cỡ. Những toán người ngả xuống. Quân lính trong bốt, những người Thổ chai lỳ, nấp kỹ trong đổ nát, ném lựu đạn lân tinh; họ bắn súng MF hạ những người sống, kết liễu những người Việt hấp hối rất gần bằng những loạt đạn ngắn, chính xác. Quân Việt lùi rồi tiến, kèn vẫn thúc quân, kéo dài cho đến gần sáng. Bây giờ mọi loại ánh lửa nhạt hơn, lu mờ dần trong màu bàng bạc của đêm tàn. Bỗng nhiên có tiếng lộn xộn. Một suối phun kinh khủng. Một nhóm người mặc quần áo đen lẩn vào bóng tối còn lại, bò đến tận hàng rào, từng mét, từng bộ phận không bị phát hiện. Họ kiên trì, tiến lên như rắn bò, đẩy phía trước mình một gói to: năm mươi ki-lô chất nổ. Tai biến lớn, vừa tung toé vừa lay động, rung chuyển đất không để lại dấu vết gì. Thay vào chỗ ấy là một hố khổng lồ, hàng rào và lô cốt đổ sụp vào đấy. Quân chính quy gần đấy lao vào qua lỗ hổng lớn, một dòng người không dứt lúc bình minh. Để ngăn chặn họ chỉ có một hạ sĩ Pháp và mấy người Thổ. Cuộc giáp lá cà vô vọng với lưỡi lê. Lúc ấy, người ta kể lại (phải chăng là một sự bịa đặt gây cười?), những bà vợ giận dữ cầm búa, dao phạt và dao nhà bếp, lao vào đám lộn xộn, đánh nhau để cứu những người chồng của mình. Toàn, thân mình co quắp cho buộc mình vào một chiếc ghế, bình tĩnh, ngồi bắn vào đám đông trước mặt mình. Cuối cùng quân Việt bị đẩy lùi. Người ta lấp hố sâu bằng dồn xác chết và đá vào đấy.
__________________________________________
1. Lính dù thuộc địa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #526 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2021, 08:42:01 pm »


Ban ngày ánh sáng mờ đục vì mưa phùn. Ông Giáp lại cho những tiểu đoàn tấn công Mạo Khê - Mỏ, nơi chồng chất xác chết nhưng vẫn còn người cố thủ. Những người của ông đến từ nơi xa hơn, ở bìa rừng, phải đi thêm mấy trăm mét. Họ chạy qua khoảng trống thành một hàng dày tiến lại gần. Rõ ràng ánh sáng ban ngày thuận lợi cho quân Pháp. Thế nhưng đoàn quân của Sizaire còn bì bõm, lúng túng cách xa mấy cây số. Tuy vậy đoàn tàu của đô đốc hải quân đã có mặt. Họ đi từ phía kia, hạ lưu, từ cảng Hải Phòng, qua phần sông Đá Bạc rộng, sâu hơn đã gần như một cửa sông. Những chiếc tàu bố trí theo trật tự chiến đấu, đều đặn chiếc này sau chiếc khác - như trong hình ảnh cũ của thế chiến thứ nhất. Tất cả bóng loáng, cờ phất phơ theo gió và súng chĩa về phía Đông Triều. Trật tự và kỷ luật. Những đoàn thuỷ thủ sạch sẽ, các sĩ quan không một vết bẩn trên quân phục màu trắng. Cuộc “chiến tranh sạch” mà người ta không vấy bẩn, đối nghịch hoàn toàn với “chiến tranh bẩn” của những người trên bộ, những “người vô gia cư” thấm đượm mọi rác rưởi, bùn và máu, những “người cục cằn” làm mọi việc và đủ thứ kinh hoàng. Ở đây, trên những toà nhà “Hoàng gia” như người ta gọi, đánh nhau là việc tính toán đơn thuần. Tính các góc và toạ độ. Chỉ huy là những lời giải đúng các phương trình ấy. Súng ca-nông lấy đúng độ nghiêng. Những âm sắc tiếng chuông, những tiếng “Bắn”. Và gần như trừu tượng, các loạt đạn vút đi. Đối với bộ đội Việt là trận mưa kim khí, là cụ thể, cái chết.

Phải bắt kịp quân chính quy lộ rõ trong lúc chạy giữa khoảng rừng và mỏ. Đạn từng khối dội xuống đám người đang xông tới. Việc làm này cách xa đấy, thật vệ sinh. Chỉ thấy những cột khói của mục tiêu trúng đạn. Một làn bụi tung mù lên che phủ cảnh vật, hiệu quả của đợt bắn. Nhưng những chiếc Morane nhỏ bay phía trên thấy hết, điều chỉnh tầm ngắm cần thiết. Đạn cối rơi xuống đều đặn như một cuộc chiến khoa học rất hiếm thấy ở Đông Dương...

Hàng trăm quân chính quy bị ngã quỵ. Một số trong đợt xông tới biến thành cuộc chạy thoát lên phía trước, đến tận mỏ, vào những hang hầm cũ, dồn đống tại đây. Máy bay Morane nghiêng cánh chỉ nơi họ ẩn nấp. Thế là khoảng ba, bốn chục máy bay tìm kiếm đến dội na-pan. Những ngọn lửa màu da cam sau đó chuyển thành những cuộn khói. Mặt đất âm u càng đen xám vì bị đốt cháy. Nhìn bề ngoài theo lôgic không thể có bộ đội ở đấy nữa, có lẽ đã thành tro hoặc những mảnh bụi gió tung lên. Thế nhưng... ai biết được nếu còn quân chính quy sống sót dưới hầm hố sẵn sàng chiến đấu! Kinh nghiệm cho thấy quân Việt vẫn luôn sống sót, rất kiên định cả trong những trường hợp xem như đã tan tác hết.

Thực tế phải giải thoát cho Toàn và những người Thổ trước hoàng hôn. Trong tình trạng của họ không còn vấn đề trụ vững một đêm nữa ở Mạo Khê. Khu mỏ toang hoác. Đến đấy không có cách nào khác là đi bộ, một cuộc hành quân như tự sát. Thế nhưng lính dù và lê dương của Sizaire vừa đến bằng ô-tô trước đây non hai giờ thị trấn Mạo Khê, xếp thành hàng ngũ. Họ trèo lên ngọn đồi than theo đường ray cũ, đi dọc một con đường hình thành từ những quặng than. Yên tĩnh tuyệt đối. Trên những sườn đồi trước đây nham nhở vì khai thác bây giờ chiến tranh đốt cháy chỉ còn những xác chết. Tất cả quân Việt từ rừng ra bị tiêu diệt hết rồi sao? Cả đoàn trèo lên thong thả, thận trọng, mắt tìm tòi, ngón tay trên cò súng, vẫn còn ban ngày. Phía trên họ là những máy bay tiêm kích bảo vệ. Phía sau, ca-nông Hải quân “bao bọc” họ từng mét. Không có gì. Một quang cảnh bị tàn phá sau cuộc bắn giết. Và rồi việc phục kích. Một màng lưới đạn, đợt bắn chéo rất chính xác từ hai bên đường đi. Cả tiếng hô xung phong nữa. Vậy là trên bề mặt khu mỏ người ta nghĩ đã được “dọn sạch” vĩnh viễn do đạn cối và na-pan nướng đi nướng lại vì lửa, không thể có sự sống, vẫn còn quân Việt, rất nhiều với đại liên và ba-dô-ka lên nòng, vẫn sôi nổi hoạt động. Tất cả người và vũ khí không chết nhưng làm như chết, đang chờ đợi để bắn giết. Chắc hẳn họ “ẩn nấp” trong lòng đất, nghệ thuật của bộ đội Việt sống sót trước mọi tình huống bằng vùi mình vào bất cứ đâu, hang hốc, bùn, nước và cả than đá nữa. Bằng mọi cách, những “người bị tiêu diệt” luôn luôn xuất hiện lại để tiêu diệt.

Chiến đấu. Lính dù bị cắm chặt vào đất không bắn được. Phải giải thoát họ, những người đến giải thoát người khác. Phải huy động điệu vũ lớn của máy bay và tàu chiến. Những súng lớn Hải quân dồn dập. Máy bay tiêm kích như một bầy ong bổ nhào vừa vút lên. Nhưng một chiếc tiếp tục đâm xuống vỡ tan, hình như bị trúng đạn súng phòng không Việt. Tuy vậy nhờ đợt dội bom những người lính dù đứng lên được. Không phải để tiến lên mà vội vã rút lui về thị trấn Mạo Khê.

Hoàng hôn xuống dần. Toàn bị bỏ rơi, chơi vận may cuối cùng. Một sự cá cược: “Quân Việt đang đánh nhau quyết liệt với quân Pháp, không chú ý đến mình nữa. Chuồn thôi”. Thế là, đã ba lần bị thương nhưng vẫn đi được, anh thoát ra từ những đổ nát của mỏ Mạo Khê cùng những người sống sót, khoảng sáu chục với vũ khí và các gia đình, cả vợ con những người bị giết. Và người ta nói trước khi đi, gia ân cho những người không mang đi được, những kẻ hấp hối để có cái chết nhanh chóng của những người dũng cảm thay vì hấp hối trong tay người Việt. Lòng nhân đạo này thực hiện bằng lưỡi dao vào tim để không gây tiếng động. Đoàn bóng người chạy trốn quay lưng về phía thị trấn Mạo Khê ngay phía dưới vì có quân Việt ở sườn đồi, những người vừa đẩy lùi lính dù. Toàn theo phương pháp cũ: trốn vào rừng rậm bao la mà quân Việt đông đến mức nào cũng không tìm ra được. Anh biết rất rõ những con đường mòn nhằng nhịt! Sau mấy giờ mò mẫm trong rừng cuối cùng anh ra thị trấn Mạo Khê, không gặp cuộc đụng độ nào, với đoàn người vẫn sống, với những bà vợ goá và trẻ con. Đã gần nửa đêm. Đúng lúc thị trấn sắp bị tấn công.

Ban đêm. Đêm của cuộc phản công lớn. Trời vừa tối. Cả thị trấn Mạo Khê chờ đợi căng thẳng. Lực lượng tăng cường chỉ có mấy đại đội dù và nhóm lê dương theo đường 18 đến bằng ô tô vào buổi chiều. Chính những quân lính này cố chiếm lại mỏ một cách vô vọng, thoát bị tiêu diệt, chạy trốn nhờ vào trọng pháo và máy bay. Tất cả chỉ mấy trăm người bố trí trong nhà thờ và những ngôi nhà vững chắc nhất của thị trấn. Những người ấy ít và đơn độc trong lúc vừa tối, bố trí kháng cự, tự làm những lô-cốt tạm thời cho vũ khí, xoay quanh những bức tường mỏng manh bằng những hòm đất và đồ vật linh tinh trong các nhà dân. Họ luôn hối hả tăng cường những nơi ẩn nấp bằng hầm hố, bờ rào, dây thép gai, mìn. Tất bật, nhanh chóng như biết cuộc chiến sắp bắt đầu từng giây và họ sẽ phó thác cả cuộc sống của mình.

Tối tăm hoàn toàn. Những quân lính còn lại ở Mạo Khê này tự nhủ: “Bộ phận lớn của đoàn quân Sizaire trên tàu LST ở đâu? Tại sao chưa tới? Tại sao tàu chưa cập bến để đổ quân?” Thực tế trong lúc đó nước triều trong sông thấp quá, thậm chí những con tàu nhỏ cũng bị cạn, dính bết vào bùn không tiến không lùi, không cử động gì được nữa. Cả đội tàu nhỏ đưa hai, ba tiểu đoàn để giữ bốt bị mắc bẫy trong bùn. Sizaire và quân lính nhảy xuống bùn và “nhảy cóc” đến Mạo Khê trong bóng đêm và lầy lội. Họ sẽ đến nơi trong bao lâu? Có chậm quá không?

Vậy là Mạo Khê chờ đợi. Một số ít người trong bóng đêm giữa đông đảo quân Việt đang tiến lại gần, trong tư thế tấn công cách mấy mét, mấy chục mét. Ngay gần đấy đã có những trung đoàn bám chặt trong mỏ. Có năm mươi nghìn bộ đội lúc hoàng hôn còn ở trong rừng, chỉ một hai giờ đi bộ trong đêm để tới đây tập trung và xông lên. Sự im lặng nhung nhúc quân địch đang chuẩn bị. Bất cứ lúc nào cuộc chiến cũng có thể nổ ra.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #527 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2021, 08:42:43 pm »


Một giờ sáng. Giờ nguy hiểm quân Việt sau khi chuẩn bị kỹ từ chập tối, lao vào mồi. Một lần nữa là giờ họ hành động. Cả thị trấn bỗng biến thành địa ngục. Đại liên, móc-chi-ê, ca-nông đồng loạt nhả đạn. Có những tiếng nổ vang hơn của bộc phá. Gần khắp nơi những ngọn lửa bùng lên, thiêu trụi nhà cửa. Những nhà khác cũng bị tác động, đổ tan tành không cháy. Ngay sau những loạt đạn, bảy hoặc tám tiểu đoàn xông lên, như bia đỡ đạn dưới ánh sáng vô định của các lò lửa. Nhiều người gục chết trên thang bắc qua dây thép gai và bao nhiêu người khác nữa. Quân Việt đồng thời tấn công ba phía, chẳng bao lâu Mạo Khê - thị trấn đầy đám người cuồng nhiệt lao vào mọi nơi, mọi góc, tấn công lính dù nấp sau những bức tường đổ. Có mọi cách tiêu huỷ và giết người. Rồi những quân chính quy cao lớn, ba-dô-ka trên vai, bắn không ngớt vào những gì còn trụ lại. Những người khác ném mìn, lựu đạn lân tinh, những chai xăng. Với thuốc nổ, họ dự định nhấn chìm mọi nhà cửa, bằng gạch cũng như nhà tranh. Thiệt hại lớn. Hai tháp canh bị ba-dô-ka xuyên thủng, đổ sụp xuống, chôn luôn số nguỵ binh và đại liên trong đó. Hai chiếc cam-nhông và hai ô tô đại liên bốc cháy trên đường chính nhưng một chiếc khác tiếp tục bắn quét trên đường cho đến khi cháy đỏ lên rồi đen lại.

Cuộc tấn công mở rộng sang ngôi nhà thờ được củng cố. Hàng nghìn người vừa xông lên vừa hô: “Độc lập!” Người ta bắn hạ họ từng đám. Quân chính quy tiến gần tới bàn thờ. Người ta kể lại linh mục đứng trên gác chuông vừa bắn liên thanh vừa đọc Kinh thánh.

Trong đêm dài, lính dù đánh nhau bằng dao. Một cuộc sát hại nhau trên đường hết sức tàn ác. Dần dần đội lính dù thứ 6 BPC “quét sạch” quân Việt trong thị trấn. Bỗng nhiên không có những người khác tràn vào nữa vì trọng pháo tiêu diệt rất chính xác những làn sóng tấn công mới. Ca-nông của đoàn tàu, nhất là hai mươi khẩu 105 ở Đông Triều bắt đầu bắn không ngớt. Xung quanh Mạo Khê đạn cối dựng lên một bức tường ngăn không qua được. Điều ấy cho phép ở bên trong, giữa thị trấn đang cháy những người chống giữ “trụ vững” trong những trận đánh giáp lá cà không bị dìm chết: bộ đội không thể có những người mới bổ sung.

Tuy vậy tất cả không chắc chắn gì. Cho đến bình minh, cuối cùng bộ phận lớn của Sizaire xuất hiện. Họ đi bộ đến, hầu như không nhận ra vì bùn, hàng ki-lô bùn bám vào từng người như một vỏ bọc chỉ thấy đôi mắt. Đại tá cũng trong số đó. Ông tổ chức phản công với hai tiểu đoàn. Quân Việt không cố chống lại. Họ biến mất theo lối bí mật của họ, cũng nhanh, toàn bộ, bất chợt như khi xuất hiện tấn công. Một hiệu kèn và họ rút đi hết: như bốc hơi. Ra đi toàn thể trong mấy giây, trong trật tự hoàn hảo. Điều lạ là họ có khả năng đến rất đông, xông tới mà không bị phát hiện và ra đi cũng như thế. Qua một thời gian rất ngắn, sau vài ngày đêm, ở nơi họ chọn, lại gây kinh hoàng, với cuộc tấn công cuồng nhiệt. Lần này họ vội vã rút đi, không kịp mang theo xác binh sĩ. Đây là một dấu hiệu thất bại. Vậy là quân Pháp chiến thắng.

Đấy là tình hình Mạo Khê, Mạo Khê của de Lattre và cách nhìn của ông, được cứu thoát như ông đã chỉ thị, theo cách ông dự cảm, bằng Sizaire ông đã chọn không ai biết vì sao.

Vậy là vinh quang cho vua Jean và Đội quân viễn chinh của ông. Ông tự tổ chức lễ mừng. Tất cả sao gửi cho báo chí. Ở Sài Gòn các nhà báo không nghi ngờ gì nhiều, bị bắt cóc, đưa lên máy bay, trao đổi ngắn về tình hình và đưa đi Đông Triều. Họ đến vừa đúng lúc cần thiết. Cuộc chiến chưa kết thúc và ông Giáp có thể có những trận đánh ở chỗ khác. Nhưng trận đánh nguy hiểm, đáng lo, bất ngờ nhất đã vượt qua được. Chưa phải thắng, hoàn toàn thắng, có lẽ chỉ là một đợt tạm nghỉ. Nhưng dù sao tình hình “trong tay”, sau khi “nâng cốc”, có sự chín muồi cần thiết. Bây giờ là lúc đưa những tít lớn lên những tờ báo toàn thế giới.
Đoàn của Cabestan với những người mang máy chữ đến phía sau thị trấn Đông Triều có những khau ca-nông đã bắn. Bên trong, những “người cả đêm trước” của các nước, say rượu, bây giờ đang say những “chuyện kể” vui thú dâm dục. “Chào các bạn”, Cabestan hô lên với những người quen biết cùng khoá, trong nhà ăn và những đồn trú, đã trở thành những nhà binh thô lỗ nhìn người “quản tượng” các phóng viên này với sự ân cần hơi khinh khi. Nhưng đối với các nhà báo, việc chào hỏi hơi cục cằn, không khách sáo ấy thuộc về “cử chỉ đẹp” - tất cả ở Đông Triều đều đẹp. Thực ra có sự lớn lao thực và cũng có màn kịch, dàn cảnh: tóm lại là tất cả theo kiểu de Lattre. Giữa quang cảnh hùng mạnh của chiến tranh, công sự, xây dựng tạm thời chinh phục với nghĩa trang đầy người chết, người bị giết đã gần một thế kỷ; người ta đã đánh nhau nhiều ở đây, vùng này trước đây là trung tâm chống cự cuối cùng của quân Cờ Đen và quân đội nhà vua. Rồi sau đó thời gian hoà bình rất dài... Cho đến lúc có hai mươi khẩu ca-nông của Sizaire, những nòng súng đã bắn biết bao nhiêu đạn cối vào Mạo Khê. Đơn độc với pháo thủ. Vì trong đêm quyết định ở đây chỉ có mấy pháo thủ và trọng pháo của họ. Bây giờ đúng là cuộc diễu binh lớn. Tôi lại nhận ra những phương pháp, những sở thích của vua Jean.

Sự thần thánh hoá. Những gian phòng tối và ẩm của pháo đài cũ đầy “tướng tá” dạo quanh như những chiến binh thật đẹp, đồng thời như những cậu bé trong nỗi lo “ông chủ” xuất hiện bất cứ lúc nào. Sizaire đi lại với đôi chân cứng đờ và chiếc gậy, dáng điệu ông càng uy nghi. Bên dưới những bức tường thành u tối chứa đựng những nhân vật quân sự lớn ấy, vừa sợ sệt vừa kiêu căng ngay ở sườn núi chỉ có mấy khẩu đội đến do biến cố, từ nay là thủ đô của cuộc “chiến tranh đẹp”, cả một bộ máy để “giết quân Việt”, vì Đội quân viễn chinh từ nay ở đây trong sự giản dị trịnh trọng. Đô thị của những tấm tăng. Hàng đống kho tàng. Đủ loại máy phát, điện đài. Những xe bếp lăn. Tiếng bê bê của những con cừu người Ả-rập đang chọc cổ. Những sở chỉ huy bình thường và những sở chỉ huy trong xe có phòng khách của các tướng, cả một hệ thống ổ đại liên, súng cối. Cả những dây xe cam-nhông, những nơi tập hợp xe tăng, những hàng ca-nông, bây giờ tập trung biết bao ca-nông! Và vẫn luôn luôn người đủ mọi nòi giống, trong xáo động có trật tự với thái độ cung kính quen thuộc, đùa vui và bận rộn về công việc, cuộc sống, uống, ăn và đi ngoài! Như không có chiến tranh tuy những người ấy đã sẵn sàng cho cuộc chiến! Đấy là “đạo lý đúng đắn”, quên bẵng không phân vân gì về cái chết và cuộc chiến hiển nhiên. De Lattre biết thế, chăm chú và nhìn ngó, rất hài lòng, ngược lại với những gì thể hiện không chấp nhận trên mặt ông trong cuộc “viếng thăm” Vĩnh Yên lần đầu thấy cách ăn mặc của quân lính “không chỉnh tề”. Nhưng đội quân của ông từ đấy được cải tiến... Tính khí vui vẻ bây giờ chỉ còn chuyển sang quát nạt “những tướng tá” của ông.

Thế nhưng Đội quân viễn chinh thong dong như vậy bất cứ lúc nào cũng có thể bị dìm trong kinh hoàng, điên rồ, giận dữ của người Việt có tổ chức, có phương pháp! Những tăm tối ban đêm, của bạo lực và phá huỷ đang lơ lửng trên Mạo Khê đối với những gì còn lại và tôi đến đây.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #528 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2021, 11:54:01 am »


Trên con đường 18, một chiếc cầu đổ sụp, lại cắt làm hai, thay thế bằng chiếc đò tạm bợ, những người chở đò chống sào, câm lặng, thờ ơ, như chẳng có gì xảy ra bao giờ. Giữa cảnh bề bộn một viên đội hàng không đến từng nhóm người hỏi: “Ông có biếc xác người phi công trong chiếc Hellcat hôm trước bị hạ ở đâu không? Người ta bảo có thể tìm thấy ở vùng này”. Thực vậy, xác người phi công ở bờ bên kia, co quắp trong một hòm trọng pháo; trên nắp hòm có một mẩu chong chóng máy bay, như vật tôn vinh trông tang lễ. Chỉ có bùn nhưng đã có mùi cháy khét. Tôi lên được một chiếc xe GMC của Mạo Khê, ít nhiều đêm qua cũng bị cháy. Một vật sống sót đưa tôi vào thị trấn. Tôi thấy những tháp canh bị ba-dô-ka phá thủng những lỗ lớn, những ngôi nhà đổ nát. Cả một cảnh ngổn ngang những mảnh vỡ. Mạo Khê là một chỗ không còn lại gì. Lạ nhất là mặt đất, màu thuốc súng, bộc phá lẫn vào màu đất đen. Khắp nơi hôi hám, mùi xác chết thối rữa! Nhưng không còn xác chết. Người ta nhặt mẩu thịt đầy máu khắp nơi nhất là trên dây thép gai, cho vào những hòm, những hố, hàng tấn. Công việc này do lính lê dương làm, những người làm mọi việc không còn cảm giác ghê tởm về công việc bẩn thỉu nữa.

Trong cảnh trống không ấy người ta trở về. Những gia đình lục lọi, tìm kiếm, bận rộn sửa sang lại. Một số xuất hiện lại ngay từ mặt đất là những hố thô thiển họ đào và nguỵ trang ngay trong nhà.

Trong lúc tôi ở đấy người ta chiếm lại mỏ. Những xạ thủ từ bên dưới bùn, ruộng đi lên trèo theo các sườn đá này sang tảng đá khác, lỗ này sang lỗ khác, không để ý đến những xác chết đêm trước đă bắt đầu rữa ra. Không một tiếng súng. Im lặng như hoà bình. Thế nhưng là chiến thắng, hoàn toàn, không còn quân Việt. Sau đó một ít quân lính chuyển về chỏm núi, chinh phục lại được trong trống không, vắng mọi sự sống. Tôi cũng trèo lên, lặng lẽ bước trên con đường đen thẫm không gặp một ai. Quân Pháp lần này không lên tới đây và các tiểu đoàn ông Giáp hôm trước ẩn nấp rất đông đã đi hết. Không còn một ai. Sự trống vắng kỳ lạ...

Nhưng trong cảnh tĩnh lặng ấy, càng đi tôi càng thấy kinh hoàng. Những mảng thịt người chưa lượm lặt hết. Tới gần bốt, bên những ngôi nhà sụp đổ, mùi hôi thối không chịu nổi và những con quạ đang ăn bay lên. Và ruồi nữa. Trên mặt đất không còn là xác người mà những mảng bùn người. Đôi khi người ta nhận ra một vật gì đấy còn nguyên, một cái chân, bàn tay, cái đầu. Bên cạnh hàng rào bị phá huỷ, những lớp phủ tạng càng dày. Những mảnh máu me còn mắc vào dây thép gai còn lại. Và những tàn dư của cái chết ấy đều thấm đượm chất bột màu vàng của bộc phá. Bên dưới nữa là Mạo Khê - Nhà thờ. Khắp nơi ở đây là những chuỗi, những đám máu thịt dày nhiều phân. Chiến thuật của quân Việt dựa vào “chất nổ” phá huỷ mọi công trình của Pháp. Tất cả cuối cùng chỉ còn những mảnh vụn xi-măng, những khúc người Sénégal và những người cảm tử khốn khổ phủ màu vàng nghệ của chất bộc phá.

Quang cảnh ghê tởm. Bên trong hàng rào bị phá huỷ, mặt đất đầy vỏ đạn, băng thấm máu, những vũng máu khô. Những gì là xương thịt đã biến mất. Xa hơn mấy bước, mìn phá đổ bức tường gạch dùng làm hàng rào bảo vệ bốt. Trong khi sụp đổ những mảng tường chôn vùi những quân chính quy đang trèo vào và lính Sénégal chống giữ bốt: trong đổ nát còn lộ ra một khúc chân đen bóng.

Ở sân trong, những người cu-li làm việc cho các bên mà người ta không biết cảm giác thực của họ, đang thu lượm xác người đặt thành hàng, của những người Thổ và nguỵ binh bảo vệ Mạo Khê - Mỏ. Những vết thương thật kinh khủng. Một cái đầu chỉ còn là hộp rỗng. Cũng có một người Châu Âu, râu hung và đôi chân cháy sém. Người ta tìm thấy anh ta trong một gian phòng trong tư thế như đang ngủ, như mơ màng, một cùi tay dựa vào tường và tay kia giơ lên không trung. Thực tế là ác mộng và sợ hãi, Đấy là một hạ sĩ bị thương, bị bỏ quên khi Toàn dẫn quân rút lui.

Gần thi thể quân Pháp người ta cũng tập hợp những khí cụ bắt được của quân địch. Nghèo nàn. Có một đại liên Tiệp sử dụng đạn Trung Hoa, mấy tiểu liên Nga. Bên cạnh vũ khí thực của quân chính quy ấy là những chai, ống khiên, giáo mác của “quân cảm tử”. Những vật không là gì nhưng người ta thu thập lại hết để làm tròn con số thông báo về chiến lợi phẩm.

Tôi thấy thi thể quân lính mình và vũ khí quân địch đặt trong sân trên những chữ trắng lớn vôi đang phủ lên: người ta rải một lớp vôi trên lớp máu và bột thuốc nổ để tẩy uế. Đấy là chữ “cứu thương” Toàn cho viết lúc bình minh sau đêm đánh nhau đầu tiên để phi công Pháp trông thấy và gọi đến mấy xe Hồng thập tự cho những người bị thương của anh ta...

Một tiếng kêu điên loạn. Một người đàn ông thất thểu đi qua. Đấy là người Thổ nhận thấy mình bị vùi sống trong đổ nát, những đống khổng lồ gạch và mọi thứ. Anh ta vừa chui ra được không biết bằng cách nào, vừa bước đi, vừa chảy máu, vừa hét lên. Người ta nắm lấy anh, đưa lên một xe cứu thương; dĩ nhiên bây giờ cùng những bác sĩ, y tá, có tất cả những người chữa chạy thương tật.

Chưa bao giờ tôi xúc động trước bi kịch chiến tranh như vậy trong Mạo Khê - Mỏ. Chưa bao giờ tôi nghe nói ở chỗ nào có sự quyết liệt, những chiến thuật quyết liệt, những chiến thuật quái đản đến thế. Tướng de Lattre có lý do để huênh hoang. Những người ông thấy bốn tháng trước đấy có những thể hiện và tâm trạng thất bại vô vọng; họ hầu như là những kẻ hèn nhát, cam chịu trước những đoàn quân đột nhiên xuất hiện trên đường số 4. Nhưng thời kỳ nhục nhã có vẻ đã xa rồi! Dưới sự chỉ huy của ông, cùng những quân lính uỷ mị ấy đã tìm lại niềm tự hào, niềm vui trong cuộc sống và cái chết. Tất cả, lính chính quốc, Ả-rập, da đen, da vàng đều là những quân đánh thuê tuyệt vời như chưa bao giờ có và sẽ không bao giờ có nữa! Vì ở Mạo Khê họ có khả năng “trụ vững” chống quân Việt đối mặt và đẩy lùi họ. Để chống lại họ, sự tinh tế đáng sợ của những đám đông “liều mình”, phải là những người anh hùng. Từ nay tất cả Đội quân viễn chinh đã được xây dựng như thế: chỉ là những siêu nhân được kích thích.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #529 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2021, 11:56:58 am »


Vua Jean thích cao độ. Trên chiếc Morane ông không ngừng trở lại với các đội quân. Chưa bao giờ ông hồ hởi thân mật như thế. Ở Đông Triều, ngay dưới chân pháo đài cổ, ông bảo Sizaire lên xe jeep của ông: “Tổ chức ngay tại đây một cuộc duyệt binh”, cảnh huy hoàng của cuộc duyệt binh trong trại với đầy đủ vũ khí. Vẻ đẹp của de Lattre, của Sizaire, lính dù, lê dương cứng cáp, của tất cả quân lính của ông. Những khuôn mặt cương quyết bước đi chậm của những người chiến thắng và rồi nụ cười... Thủ tục kết thúc, đại tướng bỗng ra lệnh cho đại tá: “Tập hợp cho tôi tất cả các sĩ quan, tại đây”. De Lattre ngồi trên mái xe jeep chờ, nói chuyện, chạm cốc. Các trung uý, đại uý tới: “Chào các bạn”. Bữa tiệc ngoài trời. Người ta ăn uống. Vua Jean ăn trong cà-mèn của mình. “Anh này, tôi biết rõ bố anh. Anh xứng đáng với ông ấy”. Sau một giờ hào hiệp ông kêu lên: “Tôi sẽ nói chuyện với các anh, các bạn nhỏ”. Ông nói lên lòng sốt sắng lớn lao: “Tôi đã ở Paris vì các anh và mang về cho các anh tình yêu của nước Pháp. Các anh sẽ có những đồng đội khác nữa, nhiều ca-nông hơn nhiều. Riêng các anh, các anh vừa bẻ gãy các sư đoàn ông Giáp. Với những người mới đến, các anh sẽ hoàn thành việc thanh toán họ.” Trong im lặng người ta nghe thấy tiếng chào của những người dày dạn này. De Lattre đứng dậy để đi và như để chào, ông nói thêm: “Chắc chắn các anh còn chiến đấu trong những ngày sắp tới. Hãy làm tốt như ở Mạo Khê”.

Máy bay vua Jean cất cánh, kèm theo hai máy bay bảo vệ. Trời còn sáng, một ngày ẩm ướt, âm u. Thay vì hướng về Hà Nội, tiểu phi đội biến mất trên vùng trời Đông Triều. Đại tướng chỉ còn tin vào mình để tìm bộ phận lớn quân Việt đã hoàn toàn, ma quái biến mất như do một chiếc đũa thần.

Lúc này de Lattre đóng kịch với quân lính như đã làm với cả hoàn cầu. Nhưng bản thân ông, qua tất cả những nhõng nhẽo thoả mãn, ông thấy không thanh thản, thậm chí lo lắng sâu sắc. Đầu óc luôn quay cuồng với câu hỏi không trả lời được mặc dù ông có trực giác, có tầm nhìn: '‘Quân Việt ở đâu? Còn ở Đông Triều hay ở bên ngoài?'’ Ông không hiểu. Một đội quân tấn công và ngày hôm sau không còn nữa. Tuy ông tiêu diệt được ở Mạo Khê, ông biết điều đó hơn ai hết. Còn lâu! Ông có thể lừa bịp thế giới, Đội quân viễn chinh, có lẽ cả Bảo Đại nhưng ông thì không! Ở vùng mỏ và trong thị trấn, thực tế lính dù của ông chỉ làm chảy máu vài trăm bộ đội. Sự thực đối với riêng ông, cuộc chiến ông rêu rao như là đập tan tướng Giáp và các sư đoàn chỉ là trận mở màn, đáng sợ nhưng rất nhỏ. Không tới ba, bốn trăm chính quy và một số “cảm tử”, không đáng kể. Như vậy là chẳng có gì thay đổi. Trước mặt vẫn có năm mươi nghìn người, sẽ lại tấn công chắc là khốc liệt hơn, dồn dập hơn. Nhưng lúc này họ ở đâu? Vì những gì người ta thấy là rừng, không có một người.

Tuy ông đã làm nhiều để biết! Trước hết cử các đội tuần tra đi quá Mạo Khê, trên những cây số con đường 18 mà quân Việt đã chiếm. Không một chống cự nào, chỉ thấy vài toán du kích thoát lên núi. Ngoài ra chỉ là đổ nát, xác chết và mùi hôi thối. Không một bóng người. Sự tàn phá đặc biệt có hệ thống; những bốt Pháp cũ, xiêu vẹo vì đạn ba-dô-ka, làng xóm dân quê trơ trụi vì cháy, đường dẫn nước ngọt về Hải Phòng bị phá vỡ như bởi hàng nghìn người, ống nước vỡ mở toang hoác. Nhưng quân Việt, đông vô số không còn ở đấy nữa. Phải chăng họ đi sâu hơn vào rừng, vẫn luôn có mặt, ẩn nấp để đánh một cú thực sự? Lính biệt kích đi thám thính. Họ thận trọng đi khắp nơi, làm nhiệm vụ hy sinh trên những con đường gai góc, những chỏm núi sắc cạnh như dao. Chẳng thấy gì. Những dấu vết quá nhiều của quân đội nhưng không có quân đội nữa. Mặt đất, mùn dưới lớp lá dày đen sẩm bị đào xới: hầm hố, đường hầm khắp nơi để chứa đựng những sư đoàn, kho tàng đồ sộ, mọi loại bố trí ăn ở. Những cái đó trước đây đầy người và vật, bây giờ trống rỗng, hoàn toàn bỏ đi như một sự di chuyển, rút quân toàn bộ, cấp tốc.

De Lattre vẫn không tin chắc, ra lệnh tổ chức một đợt bay ban đêm. Bốn mươi tám giờ trước đây một phi công thấy vùng này như một khối lân tinh khổng lồ, điểm nhiều nghìn tia sáng. Lần này chỉ là một khối màu đen bao la, lẫn lộn bóng tối rừng và ban đêm, không có gì lộ rõ.

Biện pháp cuối cùng, Vua Jean bảo phi công: “Trời còn sáng. Hãy đưa tôi bay trên rừng, sát ngọn cây, chỏm núi. Tôi muốn nhìn xem ra sao...” Một giờ, một giờ rưỡi trôi qua. Chiếc Morane chui vào mây phía trên chóp núi, trong thung lũng, bơi trên rừng cây. Đôi mắt “ông chủ” mở to tìm tòi một chi tiết khả nghi. Chẳng có gì. Chỉ là những hố bom Pháp, những vạt cây héo vì na-pan, thân cây trở thành những bộ xương.

Chiếc máy bay nhỏ vòng đi vòng lại hai, ba, bốn lần. Vẫn không thấy gì, như năm mươi nghìn quân Việt dứt khoát đã bỏ đi. Không một phát súng bắn vào chiếc máy bay rất dễ hạ. Trên những con đường mòn díc dắc khắp nơi qua núi rừng, trống không: chẳng có chính quy, dân công, không có bóng một người, như làn sóng triều trong nhiều giờ đã cuốn đi tất cả. Bên dưới, bất động hoàn toàn, Đông Triều đơn độc trong cảnh hoang dã lâu đời. Cảnh tranh tối tranh sáng cuối ngày mỗi lúc càng lẫn với mưa phùn và rừng. “Ông chủ” căng mắt nhìn mãi cũng mỏi. Không phân biệt được gì nữa. “Phải về thôi”, cuối cùng de Royer nói, người tuỳ tùng luôn có mặt, người vua Jean chọn cùng đi trong cuộc tìm kiếm này. De Lattre rất say sưa quyết liệt, bướng bỉnh thấy cho được quân Việt ở Đông Triều cũng đã mệt mỏi, ra hiệu từ bỏ cuộc tìm kiếm. Máy bay bay về Hà Nội, “ông chủ” đỗ xuống lúc sáu giờ chiều, cả đám thân cận đang chờ để cùng ăn.

Thất vọng. Đại tướng về không, biết sẽ trông thấy những khuôn mặt kính cẩn diễu cợt. Toàn thể đám thân cận đều nhất trí. Từ ngày 29, 30 và 31 tháng ba lẽ ra ông phải đưa quân phản công từ Lục Nam, từ Chu để cắt đứt việc rút lui của quân Việt, đánh tan tác họ. Ông không làm gì, không quyết định. Bất động. Và nhiều ngày ròng dưới vẻ oai nghi của mình, ông không chỉ lo lắng mà còn hối hận, lương tâm cắn rứt. Sao? Ông đại tướng de Lattre de Tassigny trước kia táo bạo như thế, sẵn sàng lao vào “cuộc chơi lớn”, vào mọi đề xướng tấn công từ nay không dám làm gì! Một người chỉ huy già... Như ông sợ. Đúng là ông sợ rừng rậm, nơi người ta muốn đưa ông vào săn đuổi quân Việt. Một lần nữa ông cảm thấy có một cạm bẫy, đánh hơi thấy. Ở Châu Á người ta phải hành động mà không làm gì được vì người ta đoán có một bẫy sập, bao giờ cũng giăng ra một cuộc mai phục mới! Nhưng cạm bẫy nào? Nếu người ta không hoạt động sẽ bị bất ngờ và thất bại nữa.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM