Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:13:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84932 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #450 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2020, 07:49:36 pm »


Cơn giận không mất đi: không có phân đội danh dự đón tiếp ông. Các sĩ quan khu đồn trú Tiên Yên nối tiếp nhau chạy đến, cấp bậc cao dần. Họ chạy bộ, đi xe jeep, bất kể ra sao, tất cả hổn hển, lo sợ, trình bày lý do. Một de Lattre sôi sục giận dữ chờ họ. Khinh khi cao độ, ông lắng nghe một thiếu tá ấp úng: "Thưa đại tướng, chúng tôi được báo tin quá chậm, không tổ chức đón tiếp được theo cấp bậc của người. Không có các đội quân để người duyệt binh. Họ đang đi chiến đấu hết." Vị tướng bảo: "Anh nên biết, không có hoàn cảnh nào tôi không đón tiếp theo chức danh và vinh dự của tôi. Trừ trường hợp tôi ra lệnh bỏ qua luật lệ ấy". Bực bội. Một người cao lớn, muốn xoa dịu cấp trên cố lôi ông ra hướng khác: "Thưa đại tướng, ông nhanh cho, ở lại đây rất nguy hiểm đối với ông. Quân Việt chắc chắn do sự đi lại trên thực địa báo động; họ sẽ mau chóng nã súng cối vào đây. - Tôi vội vào lúc nào tôi thích, không khác được. Tôi bất kể cả anh và quân Việt". Ông rề rà trên đường băng khốn khổ, xe của vua Jean và những chiếc Morane tập trung ở một đầu. De Lattre, thong dong, ăn mặc rất lịch sự đi kiểm tra những gì có thể kiểm tra: chẳng có gì. Trong mấy phút ông là một tấm bia bắn hoàn hảo. Nhưng phía người Việt cũng chẳng có gì. Không tiếng nổ, làn đạn. Không có những đợt nổi giận. Rất bình lặng.

Qua đò trên con sông. De Lattre cũng muốn nhìn thấy thị trấn nhưng không được. Người ta bảo chỉ cách mấy trăm mét trước mặt, dưới một lòng chảo bị núi và cây cối che khuất đầy Việt Minh. Dân chúng tiếp tục chạy trốn. Con sông ông đi qua đầy sà lúp và xà-lan. Đấy là những phương tiện di tản hai, ba nghìn người đến Hải Phòng, các gia đình cảnh sát và ngụy binh theo Pháp. Không còn một thương gia, một tỷ phú nào. Một số nhóm người trong dân chúng ở lại, thuận lợi với người Việt, nhất là thờ ơ. De Lattre trông thấy cả những hình ảnh cấm di tản và chịu đựng.

Vượt qua xóm nhà tranh là trung tâm thị trấn, nơi xây dựng kiên cố, có vẻ tốt hơn. Ở chỗ là đường phố, đất không người hai mươi bốn tiếng đồng hồ trước đây, bây giờ có quân lính đang làm việc. Họ đào lỗ, hầm hào, những hố ngăn, hang, đề phòng bị vây hãm. Đấy là những ngụy binh người Nùng - những người da vàng lực lưỡng và cân đối, luôn luôn vui. Chỉ huy của họ là một viên quản thuộc địa, loại triết gia gầy đét, hơi bị đầu độc. Vừa nhìn quân lính làm việc, ông bình luận: "Nhớ lại ở đây, thật hạnh phúc với cờ bạc, tiệm hút, nhà chứa, rượu, lễ nghi và một vài vụ giết người nhỏ, đồng bạc và những chiếc thuyền nhỏ chẳng biết buôn lậu thứ gì. Và nghĩ rằng bây giờ người ta chui như chuột. Ở trong đáy lỗ và chỉ còn đào lỗ vì sắp tắc cổ họng. Quân Việt đang chuyển ca-nông lên đỉnh núi để bắn xuống chúng ta. Hình như chúng ta cũng sẽ có trọng pháo. Nhưng chúng ta sẽ bắn vào đâu? Chẳng tiếc gì, chúng ta mù trước rừng rậm. Tôi biết sẽ kết thúc ra sao. Quân Việt từ núi xuống, đến nhặt cả chúng ta và súng đạn".

Đấy là lời nói kinh nghiệm. Nhưng đối với de Lattre, kinh nghiệm của người khác chẳng là gì cả. Ông là niềm tin sinh động. Hai giờ ở Tiên Yên đủ cho ông đặt viên đá đầu tiên của cuộc chiến. Người ta tìm được trong khu đồn trú một số sĩ quan khá trẻ, đẹp, để nghe ông nói:

- Cách đây mấy ngày, tôi đã thề sẽ luôn bên cạnh các đội quân trong những trận chiến khó khăn nhất. Tôi đến đây với các anh, giữa các anh, những chiến binh của tôi, ở thị trấn Tiên Yên này đang bị những tổ chức quân địch nhiều và mạnh đe dọa nghiêm trọng. Để bảo vệ mình, các anh không chỉ có lòng can đảm. Tôi sẽ cho các anh những phương tiện cần thiết để đẩy lùi quân xâm chiếm, làm chúng bất ngờ và đập tan chúng. Trong khi các anh không có gì, tôi cho các anh hỏa lực. Tôi để lại cho các anh người thành thạo nhất để sử dụng trang bị hiện đại một cách khoa học, đại tá Beaufre.

Hôm ấy ở Tiên Yên chưa có một cái gì mang dấu vết de Lattre trừ khuôn mặt Beaufre. De Lattre là cuộc sống. Thế nhưng hình ảnh phản chiếu, công cụ của ông, là con người này bề ngoài rất ít giống ông. Một người da tái, môi mỏng, đôi mắt có khẽ nứt. Không bao giờ ông tỏ rõ gì ra ngoài. Im lặng, tự cao ghê gớm, một người vờ khiêm tốn có niềm tin tối cao vào mình.

Beaufre mới đến Tiên Yên cách đây vài giờ. Bây giờ, một bước sau "ông chủ" ông giữ sự câm lặng cứng rắn qua những việc làm nóng, lạnh của de Lattre. Sự im lặng thán phục nhấn mạnh bằng nụ cười khẽ tán thưởng. Và khi trả lời những câu hỏi là sự nhanh gọn trong lời nói. Đặc điểm nghị lực trong những tình hình nghiêm trọng. Điều đó không ngăn cản Beaufre rất hoạt bát trong nói và viết vào những thời gian bình lặng hơn. Nhưng hiện tại, ông đang trong nhiệm vụ một "đại tá chỉ huy quân đội".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #451 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2020, 07:50:09 pm »


Khi nói về Tiên Yên, người ta đã nghe de Lattre nêu lên tên: Beaufre. Vì đấy là người thân tín của ông về khoa học quân sự. Ông đưa ông này sang Đông Dương là để làm "người suy nghĩ", chiến lược. Dĩ nhiên vua Jean biết Beaufre, đã phục vụ trước ông ở đất nước này. Chính Beaufre trước kia trong chiếc xe xa-lông của mình, đã chỉ huy khối lượng lớn xe cộ chinh phục con đường số 4. Việc ấy xảy ra trong năm 1947. Sau đó ông đi ngay, để những người khác hứng chịu hậu quả đáng sợ "chiến thắng" của ông, kết thúc ở Đông Khê và Lạng Sơn. Kỷ niệm de Lattre vẫn giữ lại trong trí nhớ, nếu có trường hợp... Trong lúc chờ đợi vua Jean tin tưởng nhất ở ông, bảo:

- Anh sẽ thắng cho tôi ở trận chiến Tiên Yên. Bằng mọi cách và bất kể như thế nào. Để người ta thấy tôi là ai...

- Vâng, thưa đại tướng.

Thế thôi. Đã giải quyết với Beaufre trước dự đoán: về phía quân Việt, đây là một cuộc phản công thật hay "giả"? Phòng Nhì và Ba suy tính mãi. Tại sao ông Giáp để một phần lực lượng trước Hà Nội nếu không phải để đánh quân Pháp ở một vùng xa? Đâu là cạm bẫy: chấp nhận hay từ chối trận chiến Tiên Yên? De Lattre dứt khoát:

- Cạm bẫy, tôi thấy rõ, ông giải thích. Tiên Yên, ông Giáp chẳng cần. Mục đích ông ta là làm mất uy tín tôi, de Lattre. Ông nghĩ tôi không dám rút bớt vùng châu thổ để nhận thách thức của ông bất cứ nơi nào, ví dụ như ở góc này. Thực ra nếu tôi mất nhuệ khí, tất cả sẽ mất theo tôi, những lời hứa, tinh thần của Đội viễn chinh. Tôi chỉ còn là một viên tướng bại trận, không thể ngăn chặn việc xông vào Hà Nội nữa, trận cuối cùng sau khi tôi mất tín nhiệm.

Nếu ông Giáp đi Tiên Yên, tôi cũng đi. Nhưng với cách ngắn gọn thôi. Đông lực lượng. Phá hỏng kế sách của ông Giáp với cường độ bắn, tập trung khí cụ giết người, hoạt động hậu cần trước nay chưa từng có để đưa đến tại chỗ tất cả những gì cần thiết. Sẽ là ông Giáp chứ không phải tôi nhường bước về vấn đề Tiên Yên - một Tiên Yên trở thành mạnh mẽ ghê gớm trong mấy ngày. Sau đó dĩ nhiên phải thu xếp bộ máy cũng nhanh như khi bố trí để đưa trở lại vùng châu thổ - ở đấy sẽ là trận địa thực.

De Lattre sẽ ra đi nhưng "hệ thống" của ông đã bắt đầu hoạt động. Người ta nhận thấy các loại máy bay đang lượn vòng trên một vùng khoảng mười cây số. Một điệu vũ trên không. Điệu vũ đầu tiên của de Lattre. Những chiếc "Kingcobras" bổ nhào không dứt xuống một dải rừng và đá vô danh, rộng mấy trăm mét vuông giống như hàng nhiều triệu mét vuông ở Đông Dương. Đấy là để cứu một bốt tên là Đồng Ngư, không phản biệt rõ dưới bóng cây cối mà quân Việt đang tấn công, ở đấy chỉ là những ngụy binh khốn khổ, người Nùng mà viên đội đã kêu cứu qua đài. Thay vì bỏ rơi như thường lệ, de Lattre đã cho huy động những phương tiện lớn Máy bay tiêm kích, ca-nông, quy trình công nghệ giết người. Nhưng thực sự nó giải quyết được chăng những con người và thiên nhiên được ngụy trang mà người ta chưa bao giờ có thể? Phải chăng đây là sự thực mới chua chát hay lại thêm một ảo tưởng, người ta chưa biết rõ.

Ở Tiên Yên vậy là đã khởi đầu. De Lattre và các nhà báo của ông trở về. Lại ghé Hải Phòng để lên chiếc Dakota có phòng ngủ và bàn giấy của tổng chỉ huy. Chiếc máy bay đã biến mất. De Lattre kêu lên: "Lấy bất cứ chiếc máy bay vận tải quân sự nào." Họ lên cả đấy. Không có ghế. Đám thân tín hoảng sợ. De Lattre đùa cợt nói với người của mình: "Lấy băng-ca ra nằm lên trên đó. Các ông ơi, chiến tranh là chiến tranh." Và cuối cùng về đến Hà Nội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #452 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2020, 07:51:19 pm »


Tám ngày ở Bắc Kỳ. Những ngày xây dựng lại, de Lattre sắp đặt mọi bánh xe để chứng tỏ sự huy hoàng của mình. Ông không muốn chỉ là một "người lính" nắm quyền chỉ huy. Phải là một ông vua lên ngôi - hơn vua Jean nhiều, một cách gọi kiêu căng hoặc tình bạn mà ông chấp nhận. Đây là một ông vua bắt đầu triều đại của mình, một triều đại lớn. Chế độ quân chủ này là phương tiện để ông thắng cuộc chiến tranh.

Tám ngày trò chơi bắn súng trên mình ngựa, của mọi hoạt động về các hướng, của mọi kế hoạch - trận chiến, duyệt binh, tiệc tối và cả gia đình nữa. Tất cả là lịch sự thượng võ, thậm chí những người chết chỉ còn là những "cái chết đẹp"; vấn đề là có đúng số người chết, không nhiều quá không ít quá. Những người sống sót, ra khỏi cảnh hỗn độn, phải biết làm đẹp, sạch sẽ, trịnh trọng, cao quý, vừa mãnh liệt vừa dửng dưng như vị tướng - đôi khi ngay tại chỗ, hầu như tươi tốt, không quá xa các xác chết bắt đầu thối rữa - gắn huân chương cho họ trên ngực. Ở Hà Nội, những bữa tiệc của vị tướng đều "lớn", những buổi lễ gần hai tiếng đồng hồ, được bố trí tốt, với bao nghi thức!

Dĩ nhiên cũng có những "hội ý", những hòa giải, luôn luôn những tìm tòi ý kiến và rồi mệnh lệnh, những cuộc viễn du, xuất hiện, niềm vui hành động. Tất cả đều gấp gáp. Anh ta tự tổ chức chiến đấu lấy - ba, bốn ngày sau vua Jean sẽ trở lại xem kết quả. Trong lúc chờ đợi ông có việc cần làm hơn: nắm chặt lấy Đội viễn chinh, sử dụng lại thế giới hầu như không biết gì về chủ nghĩa anh hùng.

"Đại uý Coulandre, nhân danh Tổng thống Cộng hòa tôi tặng thưởng anh Bắc đẩu bội tinh. Trung uý Lajouane, nhân danh Tổng thống Cộng hòa, tôi tặng thưởng anh Bắc đẩu bội tinh." Tiếng của de Lattre vang lên giữa những hàng quân bồng súng chào. Ông lấy Bắc đẩu bội tinh, huân chương các loại trên khay đệm được kính cẩn nâng lên do các tùy tùng còn rất trẻ, nhưng phong thái đã cứng rắn, được tôi luyện trong chiến tranh, có khả năng lăn lộn trong môi trường không thương xót của de Lattre. Ông gắn huân chương, ôm hôn trong tiếng quân nhạc. De Lattre ôm hôn mọi cấp bậc, mọi nòi giống người Pháp, lê dương, Sénégal, A-rập, các loại người Việt Nam. Việc ấy xảy ra ngày 2 tháng giêng trên quảng trường đất đỏ Phúc Yên, nơi quân Việt tấn công các bốt tuần trước. Và de Lattre khen thưởng những anh hùng của các bốt ấy, ngay gần chiến trường của họ.

Sau lễ long trọng là cuộc đi thăm các đội quân. Tình cảm thân mật. Các sĩ quan trở nên thông minh hơn, bây giờ biết đánh giá người Việt, không máy móc khinh thường họ như những năm trước, không sợ họ như mấy tháng gần đây nữa. Họ nói một cách sáng suốt hơn:

- Bây giờ chúng tôi đánh giá đúng quân địch sau khi đã đánh giá thấp hoặc cao quá. Quân Việt là những chiến binh tốt loại đặc biệt, rất đặc biệt. Từ nay chúng tôi biết mưu mẹo của họ. Đối với họ phải chiến đấu nghiêm túc. Những muốn vậy phải có một chỉ huy nghiêm túc, như de Lattre.

Vậy là ngày hôm sau, Đội quân viễn chinh "phát hiện" ra de Lattre. Đấy là thành công thực sự đầu tiên của vua Jean. Đội viễn chinh đã thay đổi, công nhận quân Việt là người, đối thủ, chiến binh mà người ta có thể tiến hành một cuộc chiến thực sự, quyết liệt.

Ở Phúc Yên từ nay lan rộng một cảm giác sảng khoái trong lòng các đội quân. Họ không tin vào "bí mật" vào "bất ngờ" nữa. Đối với họ quân Việt chiến thắng ở đường số 4 vì họ đã xây dựng một quân đội chính quy. Bây giờ Đội viễn chinh đã trở thành một quân đội cổ điển, lớn, mạnh, trang bị tốt hơn quân đội ông Giáp. Người ta chờ đợi những quân đội ấy đụng độ, cả hai, với mẫu mực nhìn có vẻ bình thường. Lần này quân Pháp sẽ thắng bởi sức mạnh khí cụ vì sẽ là dạng hiện đại của cuộc chiến tranh mát mẻ và vui vẻ. Dù có khó khăn, dù nhiều mất mát.

Chờ đợi các trận chiến. De Lattre hân hoan cũng như những chiến binh đẹp của các tiểu đoàn xung kích. Cảm giác một "quả đấm sắt", Đội viễn chinh chưa bao giờ đẹp như thế trên thế giới, với những đơn vị cao quý nhất của quân đội Pháp trong tình trạng đơn thuần, trong chủ nghĩa quân phiệt tổng thể. Trong kiêu căng và hy sinh.

Một lối khoe khoang. Vì quân Việt còn ẩn nấp trong rừng, cùng chắc chắn về lực lượng của mình như những người Pháp đang diễu binh trước khi hành động. Trong chờ đợi hành động và mọi diễn biến. Vậy sẽ xảy ra cuộc đụng độ giữa hai niềm tin chắc, trận chiến đấu đủ, hoàn hảo và không thương xót. Về lâu dài chính người Việt có lý.

Khoe khoang. Người Pháp không ai không hình dung chẳng có gì xảy ra như dự kiến. Vì quân đội chính quy của ông Giáp dù sao cũng tỏ ra là một "quân đội nhân dân", chống lại nó, sự kiên cường về tinh thần và sức mạnh vũ khí sẽ tự huỷ, hao mòn sau mấy chiến thắng thực và nhiều chiến thắng giả, cho đến ngày suy sụp. Mãi về sau này, de Lattre ngã gục vì cố sức.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #453 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2020, 07:52:04 pm »


Trong những ngày đầu tháng giêng này gần với thất bại của đường số 4, người ta ít chấp nhận những thất bại trong tương lai! Trong mấy ngày, những mây mù nghi ngại còn lởn vởn trong lòng mọi người và trong những ban tham mưu bỗng tan biến. Vì ngày 2, 3 và 4 tháng giêng, vua Jean xuất hiện trên mặt trận châu thổ ở phủ Lạng Thương, Lục Nam, Bắc Ninh, có mặt khắp nơi. Ông không đến như một chỉ huy vội vã, lén lút mà các đội quân khó thấy mặt, đó là những giây của ông chủ quá quý, những giây có lẽ dứt khoát cho đêm quyết định. Đến với cả bộ máy chỉ huy lớn, ông xác nhận công trình của mình: nét sắc lạnh của những khuôn mặt bự đỏ bừng, những khuôn mặt khổ hạnh, dập góp đứng chào, cử chỉ khô khan, lời nói ngắn gọn. Khắp nơi là các đội cơ động, các tiểu đoàn tổ chức tốt, những xe tăng sáng bóng với tháp và ống, những đội pháo được phủ kín giữa bụi tre và bồn hoa khắp nơi các đài phát đi tin tức chiến tranh, cờ phất phơ trước gió, những biểu tượng xếp bằng vỏ hàu trên đất. Tất cả đã sẵn sàng.

Thực sự đã sẵn sàng chữa? Chưa. Buổi tối trở về Hà Nội trong "ngôi nhà Pháp" của mình, ông kêu lên: "Phải tranh thủ hai mươi bốn tiếng đồng hồ nữa!" Tuy ngoài mặt có vẻ thanh thản và tin tưởng, ông vẫn không yên tâm được. Một lần đêm đã khuya ông tâm sự với tôi: "Tôi có Tiên Yên, với một sư đoàn Việt hoàn chỉnh đi lại trên những đường mòn trong rừng. Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể có sự phản công vào châu thổ, bốn hoặc năm sư đoàn Việt xông vào Hà Nội. Miễn là tôi còn thì giờ để tăng cường lực lượng". Luôn luôn hội tụ. Máy bay và tàu thủy đổ vào Bắc Kỳ những nguồn bổ sung, khí cụ từ các nơi khác ở Đông Dương đưa tới. Nhưng cũng phải có những phương tiện mới để vũ trang lại mặt trận. Trước hết là những nguồn cung cấp của Mỹ. Một đợt lớn đã được thông báo - có lẽ có tính quyết định nhưng chưa tới. Chậm quá! Người Mỹ bảo không đủ khí cụ cho Triều Tiên. Nhưng de Lattre kêu gọi rất mạnh. Ông đòi hỏi Đông Dương phải được đặt ngang với Triều Tiên nhưng không được. Bao giờ cũng ưu tiên cho McArthur.

Mỗi ngày qua là những tiểu đoàn mới đặt chân xuống sân bay Hà Nội. Đang trong tình trạng im ắng. Không có trận chiến. Những ngày bình lặng như thế hẳn là quyết định. Vì trước cuộc chiến thực là cuộc chiến vận chuyển, một cuộc chạy đua lạ lùng: những máy bay chở hàng trên không và tàu thuỷ vượt biển chống lại những đoàn dân công trong rừng, vẫn chưa có gì xảy ra.

Ở Hà Nội, một bữa tiệc lớn của de Lattre chiêu đãi tướng de Latour đi ngày hôm ấy, mang theo dấu vết cuối cùng của quá khứ. Nhưng trước đây vua Jean rũ bỏ Carpentier một cách thô bạo thì bây giờ ông hình dung những quan tâm tế nhị nhất đối với de Latour trong công việc đã làm phiền ông hơn nhiều. Sự thân mật ngọt ngào, những lời nói phỉnh nịnh, bắt tay chặt, cảm ơn. Đạo đức giả đối với nhau, cả hai cùng thỏa mãn, không còn sử dụng hoặc phục vụ nhau nữa. Đối với de Latour, thay vì những gai góc của de Lattre, những tuần lễ trước chỉ còn là những hoa hồng. Chính chiếc Dakota của cao ủy - đại tướng tổng chỉ huy đưa ông vào Sài Gòn. Ở sân bay Tân Sơn Nhất, de Rover cân vệ của de Lattre chờ ở đấy sẵn, đón ông với bức điện và lời chúc mừng của "Ông chủ". Cuối cùng, vinh dự tối cao, có ý nghĩa hơn tất cả, bà de Lattre vừa đến Sài Gòn lúc chín giờ mồng 2 tháng giêng ở lâu đài Norodom. Mấy giờ sau ông về Pháp cùng Méric.

Vị tướng ở Bắc Kỳ "bố trí" cuộc chiến tranh của mình đã cho tính toán múi giờ để bà vợ nhận điện chúc mừng năm mới đúng vào nửa đêm trên máy bay. Bà vừa hạ cánh thì nghi thức được vua Jean sắp xếp trước cho bà vợ tiến hành như một bộ máy đồng hồ. Một cuộc đón tiếp được tính toán với sự đơn giản tuyệt vời. Ngay những giây đầu tiên có mặt ở Đông Dương, bà là cao uỷ và tổng chỉ huy nữ chúa, vì de Lattre là chúa. Bà đến đây không chỉ vì tình cảm mà còn vì chính trị - Sự lớn lao ông đưa lại cho bà. Bà được sử dụng đầu tiên: tiễn de Latour.

Vị tướng trước đây rất lơ là với Monette, nay tế nhị hơn. Ông đã thu xếp để Bernard có mặt đón bà ở cầu thang máy bay. Anh con trai, nhạy cảm bởi danh dự, đã rời bốt, các bạn và binh lính. Lần này tình gia đình được đặt lên trên nhiệm vụ. Ở Tân Sơn Nhất là sự chiến thắng của một bà mẹ. Bà de Lattre biến đổi hẳn, trẻ lại, hoan hỉ, thậm chí đẹp ra, gặp lại lại con mình. Niềm vui của bà lớn đến nỗi những người chứng kiến tự nhủ: "Vì như thế mà bà thúc đẩy de Lattre khoản cá cược không thể thắng này, đến với gánh nặng đáng sợ: cuộc chiến tranh Đông Dương". Nhưng họ hiểu sai bà de Lattre vì nếu bà cần có Bernard thì bà cũng phải có một ông chồng cấp tiến hơn. Ở Sài Gòn mối diễm tình giữa mẹ và con kéo dài suốt hai ngày. Họ hấp dẫn nhau kỳ lạ. Đối với bà, anh con trai là sụ bù đắp thực sự của bà. Thiết tha với tình yêu nhưng thất vọng sau ngày cưới vì bệnh tật và mọi loại hoàn cảnh, sống riêng rẽ, bà có một vẻ ngoài phức tạp, hơi lạnh lùng. Tuy vậy bản chất dữ dội, trước hết bà như có một cơn đam mê tranh thủ đứa con trai độc nhất. Trước đây bà không hề có con bên mình. Bị bệnh lao, ông tách đứa con ra sau khi sinh. Bà chỉ gặp lại nó do những lộn xộn trong khi đất nước bị chiếm đóng và kháng chiến. Thời kỳ này với sự quyết liệt, lòng tự hào, sự tận tình và tinh thần hy sinh vốn có trước hết bà lo chăm sóc ông chồng bị Chính phủ Vichy kết án và cầm tù. Bà hoàn toàn bị cuốn hút về nhiệm vụ, về tầm quan trọng của ông, chạy vất vả để ông thoát ngục. Cuối cùng de Lattre thoát được, không ai biết hoạt động của bà có ích hay không. Dù sao bà đã sống, tồn tại trong mấy tháng. Nhưng de Lattre trở lại là mình, vua Jean, chỉ huy quân đoàn 1, người hùng của "sông Rhin và Danube", bà lại rơi vào quên lãng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #454 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2020, 07:53:07 pm »


Bà de Lattre chỉ còn lại Bernard, đứa con trai còn giữ lại một phần tuổi thơ ấu, không thể tan biến hoàn toàn. Anh suy tư, hơi co mình lại, đơn độc quá lâu giữa một người mẹ lúc bệnh hoạn lúc anh hùng và một người bố đao phủ trong công việc, con quái vật linh thiêng. Trưởng thành, anh bắt đầu vào thế giới cứng rắn của chiến tranh, giết chóc, đủ loại cái chết. Sang Đông Dương với cấp bậc trung uý, anh vui vẻ nhưng giả tạo. Cứ năm ngày, mồng 1, mồng 5, mồng 10 v...v... hàng tháng anh viết thư cho mẹ, cũng cô đơn như anh trong lúc vị tướng có mọi cảm giác và mọi vinh quang, cũng có một số thất vọng.

Lần bù lại đầu tiên của bà de Lattre đối với cuộc đời. Ông chồng thay vì chống đối, đã hợp tác với bà. Ông giao Bernard cho Monette, tranh thủ gần càng nhiều càng tốt. Từ nay Monette "có" Bernard, ít nhất khi Bernard không bị cuốn hút vì chiến tranh của vua Jean, khi Bernard không thoát ra về với các bạn trong đơn vị và với những cuộc phiêu lưu. Vì thẹn, anh sợ là con trai của ông nhiều quá. Từ nay anh sợ là con trai của mẹ nhiều quá dưới con mắt bạn bè.

Vào đầu tháng giêng, trong lúc Hà Nội chờ đợi số phận mình, tiếng đồn lan rộng: "Bà đại tướng đến". Thành phố vẫn ảm đạm. Bà de Lattre ăn mặc lịch sự, trang nghiêm, cứng rắn, hơi kiêu căng, một tí e dè sự khô khan. Sau khi ôm hôm chồng ở sân bay, bà có một nụ cười rất khoan dung nhưng xa vắng như đóng băng, vừa để thực hiện bổn phận vừa để giữ khoảng cách. Bà de Lattre đến gặp các bà người Pháp ở Hà Nội tập hợp ở đây đón bà. Rất ít. Những bà ở lại là những giáo viên và các bà trong giáo hội. Trước mặt họ, bà là người đàn bà của Hà Nội.

Nỗi buồn tẻ của thành phố không làm bà sợ. Bà de Lattre không bao giờ sợ và bà chưa biết gì nhiều nhưng bà "tin". Điều làm bà thất vọng hơn là đến thăm "ngôi nhà Phảp" mới chỉ là một biệt thự rất khiêm tốn, sơ bộ sắp đặt một phòng ăn, phòng làm việc, phòng khách và bốn phòng ngủ. Bà không thích việc sử dụng các phòng nhưng không tỏ thái độ gì. Phòng đẹp nhất là của de Lattre; một phòng đẹp gần như thể dành cho bà. Petcho- Bacquet, người thầy thuốc làm mọi việc, hơi là kẻ thù của bà, con người nhận được nhiều tâm sự và giúp một số công việc nhỏ nhặt trong nhà, người mà vị tướng thường gặp trước khi ngủ, luôn có mặt. Nhưng bà de Lattre ở đây, theo đúng chỗ của mình; bà sẽ làm theo quyền lực của mình và sẽ có nhiều phức tạp trong sân nhà.

Khi bà de Lattre đã ở Hà Nội thì làm sao đây? Bà đại tướng phải ở nhà, ở ngôi nhà Pháp. Nhưng ngay ở đây, làm sao cho bà bận bịu công việc? Có rất nhiều công việc nội trợ, từ kiểm tra đầy tớ và thực đơn đến những vấn đề lớn, kế hoạch tiệc tùng với nghìn lẻ một phức tạp của đời sống thời thượng mà một việc nhỏ không đâu cũng trở thành cơ bản, mỗi chi tiết cũng phải cân nhắc như một hoạt động của chính phủ, một sự kiện chính trị hoặc một hành động quân sự để thắng trong cuộc chiến.

Quản lý "ngôi nhà Pháp", tiếp khách, chiêu đãi, những bữa ăn trưa, ăn tối, tiệc đứng, đối với de Lattre cũng mất thì giờ như động viên tinh thần Đội viễn chinh hoặc quyến rũ Bảo Đại. Lãng phí thì giờ, ông lấy lại từng phần theo nghệ thuật khai thác muôn mặt.

"Ngôi nhà Pháp" trở thành cả một thế giới. Ngoài người địa phương, tất cả ở đây đều đẹp: lính lê dương bảo vệ, bộ phận thư ký và cả những cảnh sát thường phục. Tất cả hoạt động nhộn nhịp, hàng chục, hàng trăm nhân vật đủ mọi cấp bậc, giới tính và tính cách, vào ra theo "đường dây" chạy theo sự bố trí của "ông chủ", những thì thầm về việc xảy ra trong ngày, những bí mật, những vấn đề lớn. Tiếng nói của de Lattre dùng làm gậy chỉ huy hợp xướng.

Hoạt động của de Lattre ra đến tận ngoài vườn. Ở đây, Perier, trưởng An ninh Pháp, ngày đêm nấp sau bụi cây. Ông đứng ở vị trí này từ khi vị tướng bảo: "Anh là ai? Tôi thích anh lắm. Anh hãy trông chừng cho tôi. Nhưng phải chính anh. Và luôn luôn có mặt". Tuỳ theo những tiếng vọng từ trong ra, Perrier tự nhủ: "Tình hình tốt. Tình hình xấu đấy. Đã đến lúc mình thọc vào tiền sảnh. Không, chưa nên..."
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #455 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2020, 07:53:34 pm »



Trong Hà Nội im lặng, bà de Lattre dành nhiều thì giờ cho các bà xơ. Bà thường đến những người nghèo và những người xứng đáng nhất, những người quá dè sẻn và khắc khổ, nuôi dưỡng những cô gái nhỏ bị bỏ rơi trên đường phố, đào tạo thành những tín đồ sùng đạo nhờ vào cầu kinh và may vá. Dưới mũ trùm, những gương mặt già tàn tạ, nhàn nheo, vá víu, sắc cạnh của những tín đồ khô héo vì ba mươi bốn mươi năm ở Châu Á, đáng khen những chai sạn vì đã làm nhiều, thấy nhiều. Bên cạnh họ, những khuôn mặt tròn, trơn tru và tươi cười của những nữ tu nhỏ người Việt Nam, vui vẻ như chưa bao giờ in dấu vết của ti tiện và tiều tụy. Ở đây bà De Lattre được đón tiếp như nữ chúa. Bà khoan khoái trước khung cảnh những cô bé đứng theo hàng ngũ, xinh xắn trong những bộ đồng phục xanh trắng. Bà thực sự cảm động khi những cô bé lần lượt đến qùy gối tặng bà hoa. Tất cả đều da vàng và đôi mắt màu hạt dẻ - không một em bé da trắng.

Mẹ bề trên, một nữ nông dân Pháp biến thành gần như một dân quê Việt Nam da trắng sau bao nhiêu năm, khúm núm khẩn cầu Monette, muốn có một mệnh lệnh: "Làm thế nào đây, thưa bà đại tướng? Chúng tôi đã cầu Chúa, làm lễ chín ngày, dâng Thánh giá. Chúa Trời không trả lời. Thưa bà đại tướng, chúng tôi phải di tản lũ trẻ hoặc để chúng ở lại tu viện? Chúng tôi đã gửi lũ trẻ con lai đi, sợ bị đe dọa vì dòng máu của bố chúng. Nhưng bây giờ đã có phu quân anh hùng của bà, có phải gửi những em bé Việt Nam thân thiết của chúng tôi đi xa nữa không? Để giữ chúng lại, bà phải cho chúng tôi biết đại tướng de Lattre chắc chắn chiến thắng. Ngược lại, sẽ là vô cùng tai hại... Thưa bà, chúng tôi tin tưởng ở bà."

Một trách nhiệm như thế làm bà đại tướng chao đảo. Bà cũng bỗng nhiên thấy không chắc chắn và lo sợ. Bà câm lặng mấy giây. Rồi lấy lại niềm tin, bà nói với tư cách bà chúa, giọng chỉ huy - vì bà cũng có giọng ấy: "Cứ ở lại Hà Nội. Không bao giờ được nghi ngờ lời nói của đại tướng."

Đôi khi de Lattre trao đổi một số vấn đề với bà vợ, những vấn đề xem như bà có quyền. Bà là tiếng nói của lương tâm, sau đó ông quyết định tùy theo lợi ích. Ví dụ như vấn đề các gia đình người Pháp. Lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội, ngày 19 tháng chạp, hét lên ngăn việc di tản, ông sẽ buộc những người đã đi phải trở lại. Tiếng kêu tin tưởng để tạo ra niềm tin. Nhưng việc đó lâu rồi, đã mười lăm ngày. Bây giờ sẽ là tranh cãi và ông không hề muốn ở Hà Nội có những người vô ích, cồng kềnh; nhất là cuộc chiến hiển nhiên quay về hướng xấu, người ta sẽ có rất nhiều việc phải làm hơn là nghĩ về họ.

Mọi việc suôn sẻ đối với de Lattre. Bà vợ ở cạnh ông nhưng đúng chỗ của bà. Bernard ở bốt nhưng được kiểm tra chu đáo. Những dân thường Pháp được thu xếp khéo léo. Dân thường Việt Nam không có âm mưu chống đối. Hoàng đế Bảo Đại gửi lời nồng nhiệt chúc mừng de Lattre, ông điện trả lời rất thân mật. Mọi việc suôn sẻ hoặc gần như thế. Đội quân viễn chinh rất tốt. Cơn im lặng kéo dài và đã bắt đầu thấy buồn. Ngày mồng 5 tháng giêng viên tướng nói: "Đã đến lúc tới chỗ người ta đánh nhau, cần đến Tiên Yên xem Beaufré của mình làm gì."
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #456 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2020, 04:40:30 pm »


Tiên Yên sẽ là chiến thắng đầu tiên của vua Jean, một chiến thắng không có trận đánh thực sự. Như ông đã dự kiến, quân Việt rút lui trước mặt ông, Beaufre và việc huy động của ông. Việc đánh cuộc đã thắng... Và điều ấy làm ông khoan khoái đến mức tuần sau đó ông suýt trả giá cho những ảo tưởng về trận đánh lớn ở Vĩnh Yên, trận đánh vùng châu thổ. Ở đây ông chiến thắng thực sự nhưng sau biết bao nhiêu báo động, nguy cơ gần như sợi tóc, với giá bao nhiêu vất vả và máu. Chiến thắng không lặp lại.

Ngày mồng 5 tháng giêng, không khí huy hoàng. Một đợt bay lớn đến Tiên Yên ra vẻ có vấn đề nghiêm túc. Vua Jean và các nhà báo của ông trên đoàn Morane. Không khí một cuộc chiến được chuẩn bị chu đáo, sạch sẽ, có kỷ luật ngay khi hạ cánh. Chỉ một cuộc duyệt binh nhỏ vì de Lattre - lần trước rất không hài lòng vì không có các đội quân chào ông, không muốn trang trọng nữa. Ông muốn đơn giản, nhẹ nhõm dù có tính toán, như của "đại tá chiến trường" Beaufre sáng bóng và sẵn sàng trên chiến trường, mờ nhạt nhưng toát lên sắc lạnh. Đại tướng nhận thấy hài lòng ngay về Beaufre của ông. Ông nói với các nhà báo: "Tôi có anh Beaufre này ở đây rất tốt. Anh ấy biết thực hiện mệnh lệnh của tôi triệt để và có sáng kiến. Anh biết đứng vững ở vị trí của mình, với tư cách người biết giá trị của mình nhưng còn tự hào hơn được thuộc về tôi". Anh Beaufré ấy nhận những lời khen với sự bình tĩnh quen thuộc và với nụ cười nửa miệng nửa quyến rũ nửa bị quyến rũ. Anh thực sự thỏa mãn là sở hữu của de Lattre hay sở hữu của chính mình?

Dù sao Beaufré không nhường sở hữu ấy cho de Lattre trong việc đạo diễn, cảnh trí chuyên môn hơn, thái độ khắc khổ hơn. Cuộc họp mật với vua Jean ở sở chỉ huy trong ngôi nhà hải quân cũ. Đại tướng và Beaufré ra khỏi nhà để đi dạo trong khu vườn. Đại tướng rất phấn khích. Bên cạnh ông, Beaufré ngẩng cao khuôn mặt nhợt nhạt hơi trắng, khi suy nghĩ. Phía sau "đại tá chiến trường" mấy mét, tất cả những khuôn mặt của ban tham mưu đều thể hiện là những chuyên gia kỳ cựu. Trong lúc cấp trên đang trao đổi ý kiến, ban tham mưu của Beaufré bố trí trên một bãi cỏ, hoạt động như một phòng thí nghiệm chiến tranh. Tất cả có nề nếp, lạnh lùng, thậm chí như băng giá. De Lattre và Beaufré đến xem họ làm việc. De Lattre để Beaufré tự làm. Im lặng. Dưới đôi mắt của "ông chủ", Beaufré trầm ngâm trước bản đồ, tin tức và có những quyết định. Giọng đều đều ông hỏi thuộc hạ, đưa ra những câu, những chữ theo công thức, không sắc thái. Người ta cảm thấy ông chỉ đưa ra những giải pháp tổng thể. Đôi khi tự thỏa mãn, ông buông một câu nói đùa thông minh và cười từng lúc. Những việc ấy diễn ra dưới con mắt một vua Jean hiểu biết và tán thành theo phong cách nghệ sĩ.

Vài chỉ thị dứt khoát của de Lattre, "Vâng" cũng dứt khoát nhưng giọng cấp dưới của Beaufré. Sau mấy giờ vua Jean ra đi, để lại các nhà báo "của ông" kể cả tôi, với mệnh lệnh thường xuyên "hội ý", cung cấp tin tức cho họ. Beaufré rất chú ý về điều này. Ông biết sẽ thiếu khôn ngoan tệ hại nếu nói với các phóng viên khi vua Jean không có ở đấy. Dù ông nói thế nào, khi đọc tin tức vị tướng vẫn kêu lên: "Tay Beaufré này thật ngốc! Anh ta kể lại những điều không nên nói". Viên đại tá chỉ lắm lời khi cần thiết, rất hiếm. Nói chung ông có đức tính câm lặng. Ở Tiên Yên càng cố câm lặng, chỉ cần nhìn. Ban tham mưu của Beaufré vẫn tiếp tục làm việc. Giờ này đến giờ khác, xung quanh viên đại tá, những nhà đồ họa vẽ sơ đồ tình thế, điện đài vang lên, điện thoại hét, sĩ quan liên lạc chạy. Thông tin đến liên tục và mệnh lệnh đưa đi.

Một tổ chức như thế làm những đồng nghiệp Mỹ của tôi ngạc nhiên. Làm sao nhận ra Tiên Yên trống không sẵn sàng thất bại ở thị trấn chiến tranh náo nhiệt này? Đầy ắp các đội quân và súng ca-nông. Không nhận một loạt đạn nào, người ta dội cho quân Việt trong rừng, ít nhất là dội cho rừng, ném bom ào ạt, trọng pháo 105 hướng họng súng về phía bắc khạc liên tục. Một điện đài nhận mệnh lệnh của Sở chỉ huy Beaufré cách đấy mấy trăm mét: "Bắn loạt thứ 2... Kéo dài thêm một trăm mét..." Pháo thủ là những người Nùng, rất thoải mái, xem là một trò chơi kỳ lạ, mới và ngộ nghĩnh.

Việc bắn trọng pháo như một hoạt động trình diễn công khai. Sau những loạt không dứt và những giờ chuyển đạn cối, những người đàn bà bình thản ngồi dưới họng súng bán trái cây. Ngụy binh, chắc là chồng họ, đứng từng dây nạp đạn cách đấy một mét, tỏ ra hoàn toàn thỏa mãn. Một lê dương già, chòm râu, ống điếu và đôi dép chứng tỏ đã đăng lính hai mươi hoặc ba mươi năm, đĩnh đạc dạo chơi xung quanh. Một lính A-rập kích động, bình luận: "Chúng tôi phục vụ bữa ăn qua loa cho người Việt..."

Nói chung cả thị trấn trình diễn. Súng bắn khắp nơi, trên mọi đường phố. Những con đường vẫn xấu nhưng không còn là mùi hôi thối của vắng lặng và cái chết cách đây mấy ngày. Bây giờ là mùi hôi thối của cuộc sống lúc nhúc, quá nhiều, tuôn ra mọi thứ cần thiết, rác bẩn, nôn ọe và cả phân nữa. Cảnh ấy kéo dài đến tận cửa sông bùn lầy, ô nhiễm, nơi người ta cũng dội bom. Ban tham mưu không chê được của Beaufré, người nào cũng nhẵn nhụi, sực nức nước hoa, quân phục trắng toát.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #457 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2020, 04:42:10 pm »


Trong cuộc chiến tranh Đông Dương, lần đầu tiên trọng pháo được người Pháp dùng hàng loạt làm phương tiện chủ yếu, làm một vòng lưới lửa bảo vệ Tiên Yên bị quân Việt và rừng bao vây. Việc làm cho một bốt, bây giờ người ta thực hiện cho cả một thị trấn. Thêm vào đó là các loại súng bắn xa giữ gìn cho Tiên Yên, từ trên trời và dưới biển.

Người Pháp dội bom đạn ngày này qua ngày khác. Tiên Yên bị người Việt vây hãm càng ngày càng vui chơi. Nhà chứa và sòng bạc mở cửa và hoạt động hết mức. Tiếng âm ỉ của chiến tranh không làm ai bận lòng. Một chúa Nùng kể lại với tôi - trong một buổi tối dạo chơi lông bông giữa những căn nhà lụp xụp: "Những đạn cối họ bắn cũng như pháo Tết. Chúng mang lại điềm lành, đạn nổ đuổi hết các ác thần."

Giữa cảnh đó, Beaufré với khuôn mặt mùa ăn chay: băng giá, xanh xao và không đoán được. Đối với ông, rõ ràng ra là hài lòng. Hàng giờ hoàn thành những biện pháp de Lattre chỉ thị. Beaufré thực hiện: đều đặn từng đội quân được gửi đến chỗ trước đây không có gì, lên mặt trận Tiên Yên trước đây không tồn tại.

Các tiểu đoàn như đến bằng tàu điện trong những khoang tàu thủy LCT. Nhận quân ở Hải Phòng đổ xuống Tiên Yên. Con thoi ngày đêm qua một trong những góc xấu nhất của đại dương, nơi ngổn ngang nửa nước nửa đất liền của vịnh Hạ Long.

Với de Lattre và Beaufré không còn tuỳ hứng được nữa. Tàu thuỷ đưa tới cả một đội cơ động lính ta-bo, những chiếc đầu khô hạnh trong những vòng râu. Chỉ huy họ là một người quý phái cao lêu nghêu, mảnh dẻ, nhanh nhẹn và dửng dưng. Thay vì da nâu là màu trắng hồng. Đấy là de Castries, mệnh danh "Cá ngựa". Ông kiêu kỳ nhưng không theo định mệnh. Khi được lệnh đưa đơn vị theo đường bộ, ông chỉ bập bẹ: "Ồ! Ồ! theo đường bộ có nhiều quân Việt và những con đò tệ hại". Allard xác nhận ngay: "Nếu một de Castries ngập ngừng thì không nên làm điều đó”. Thế là người ta ra lệnh cho lính thủy tập hợp tàu.

Hành trình thật nhàm chán! L... chuẩn uý buộc phải chuyên chở những người lính thờ ơ và hành trang quy định của họ, ngáp dài: "chiến tranh thực sự chán ngấy". Khi lính ta-bo đổ bộ thành hàng dài ở Tiên Yên, thậm chí họ không thèm biết mình ở đâu. Với khuôn mặt khinh khi, họ cho cu-li da vàng đi lấy đạn dược họ mang theo ở hầm tàu. Và rồi nối đuôi nhau họ biến mất vào rừng.

Lần này Beaufré thú nhận nhẹ nhõm với các nhà báo: "Khi tôi đến Tiên Yên thị trấn nhũn ra như một chiếc bánh pho mát. Tôi bị buộc vào lời hứa với de Lattre không lùi bước. Lúc ấy nếu quân Việt tấn công thì tôi xong đời".

Trong thị trấn ngoài súng ca-nông còn có các đội quân. Dân chúng chắc chắn trọng pháo đã làm quân Việt ẩn nấp trong rừng tan thành mảnh. Không ai thấy họ nhưng những người Phòng Nhì do thám đưa mục tiêu đến những ngọn núi họ ẩn nấp để sống sót qua những trận mưa lũ đạn thép. Pháo thủ tính toán, tiếp tục đập nát từng mét vuông đất khả nghi. Dĩ nhiên từ xa, rừng vẫn luôn không xê dịch, bình lặng. Nhưng quân Việt ở trong đó chỉ có thể còn là những mảnh vụn. Ít nhất người ta tin như thế. Quân ta-bo bây giờ trực tiếp đi quét sạch.

Luật lệ của Đông Dương: sau ảo tưởng là thất vọng. Ở vùng núi xung quanh, lính Maroc không tìm thấy người Việt - sống, chết đều không có. Phải chăng là một chiến thắng? Dĩ nhiên các trung đoàn của ông Giáp không dám tấn công Tiên Yên. Nhưng họ không hề bị tiêu diệt, thậm chí không bị đụng tới. Họ đã đến và rút đi mà người ta không hiểu ra sao.

Điện tín của de Lattre. Lệnh của Beaufré cho de Castries và quân ta-bo đuổi theo quân Việt. Lính Maroc đến lượt mình vào rừng: hai hàng người bước đi trên những con đường nhỏ khó phân biệt, giữa những hàng cây ken dày như tường nhà tù. Mưa rỉ rả. Trên trời mây chuyển sang màu đen. Mưa phùn rơi xuống khu rừng màu sẫm, nước qua các lớp lá xuống thấm ướt người. Hoàn toàn không trông thấy gì. Máy bay tiêm kích không cất cánh được. Morane trinh sát rất khó làm việc, không phân biệt được gì, cả những chỏm núi mà chúng có thể đâm sầm vào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #458 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2020, 04:42:43 pm »


Chuyến đi dài trong hư không. Một hư không đáng ngại không một phát súng, không phục kích, không có địch. Chỉ mệt mỏi vô cùng. Bỗng nhiên, chẳng ai biết việc gì xảy ra, hỗn loạn. De Castnes ở giữa người Việt, người Việt ở giữa quân ta-bo. Khắp nơi người ta bắn mà không trông thấy nhau, không biết mình bắn vào ai. Sau mấy phút sự lộn xộn ngừng lại, cũng bí mật như khi bắt đầu. Hầu như không có thiệt hại. Quân Việt thực sự không muốn "đụng độ". Vì sợ hay vì chiến lược? De Castries và quân ta-bo chỉ còn tiếp tục đuổi theo. Họ cũng không thật yên tâm, không biết ai là kẻ đi săn, ai là con mồi.

Quân ta-bo ngược lên "đường mòn Hồ Chí Minh", con đường đầu tiên trong những con đường mòn Hồ Chí Minh được biết đến. Cây cối ken chặt đến nỗi các phi công Pháp không bao giờ xác định được. Vì vậy là dòng chảy về Tiên Yên hàng chục nghìn quân chính quy và nhân công đi chân đất. Chắc chắn nó cũng dùng vào việc "làm tan biến", họ cũng ma quái như khi họ đến. Bây giờ họ đang phía trước quân Pháp, cách mấy mét hoặc mấy cây số, có trinh sát theo dõi, nếu muốn, có thể giăng một cuộc phục kích đáng sợ. Một cuộc phục kích tiêu diệt nhưng họ không làm.

Lính Maroc bước nặng nề, theo hàng một, hàng cây số lính, trang bị, vũ khí. Hành trình thận trọng, dưới lưới lửa của trọng pháo đập nát các chỏm núi trong quá trình tiến quân.

Người ta chiếm lại các bốt đã bị lấy và phá huỷ, đặt những đội quân đồn trú mới. Cách Tiên Yên ba mươi hoặc bốn mươi cây số người ta quay trở lại. Đi xa hơn làm gì?

Công việc kết thúc. Nhưng luôn luôn, hơn bao giờ hết vẫn là ẩn số này: "Có phải là một chiến thắng không?" Đối với Beaufré là đúng và thể hiện ra sao? Ông rạng rỡ, nghĩa là mỉm cười qua nét xanh xao của khuôn mặt. Ông nói nghĩa là đưa ra với báo chí mấy lời có chừng mực. Thái độ ấy của "đại tá chiến trường" có sức mạnh đối với các phóng viên. Họ rêu rao kết quả chiến thắng của quân Pháp qua điện tín. De Lattre đọc tin, cảm thấy còn tin hơn vào Beaufré.

Và như dấu hiệu thấy được về sự vùng lên, Beaufré tung một tiểu đoàn dù xuống biên giới Trung Hoa, ở Móng Cái; thị trấn thực tế đã bị bỏ rơi. Dân chúng nhanh nhẹn, hoạt động. Milady tuyển những người ở trọ mới, các cô gái Thổ rất đẹp trong các bộ tộc núi rừng.

De Lattre bị thuyết phục. Vị tướng có một ý: "Tay Beaufré này thông minh lắm, có một kế hoạch thanh toán quân Việt trước Hà Nội. Anh ta áp dụng... thật nhanh".

Mệnh lệnh tới tấp. Salan, "con người Trung Hoa" gần đây không làm gì, luôn ở những vai trò phụ, phải đi Tiên Yên, phải truyền đạt cho Beaufré lời của de Lattre:

- Kết thúc vùng bờ biến, vụ Tiên Yên ít nhất cũng cho ta biết được nhiệt độ của quân Việt. Anh có lý, họ không có gì tốt đẹp. Chúng ta hãy lợi dụng điều đó. Thu xếp gấp hệ thống Tiên Yên của anh lại. Nhanh chân lên. Anh trở lại vùng châu thổ xây dựng cho tôi một kế hoạch tấn công mười lần lớn hơn để cuối cùng nghiền nát Hồ Chí Minh. Ông Giáp, tất cả các sư đoàn của họ. Chúng ta sẽ lấy lại Lạng Sơn, trả thù con đường số 4.

Ở Tiên Yên người ta dỡ bỏ. Những chiếc tàu rách nát của hải quân đã chuyển đến khoảng một chục tiểu đoàn và mọi trang bị, gói ghém trở lại Hải Phòng nơi họ đến không đầy một tuần trước đây. Vừa đổ bộ lên bến cảng, người và ca-nông được đưa lên những chiếc xe cam-nhông, chạy qua đồng ruộng trên đường đê ra mặt trận đâu đó vì dự định lớn.

Vậy là vua Jean bị thuộc hạ bịp nói về chiến thắng Tiên Yên thực ra không có. Ông đa nghi đến thế vẫn bị mắc lừa, tưởng mình là người chiến thắng nhưng không phải. Sự tự phụ ấy dẫn ông đến một hoàn cảnh "lúng túng" nào đó, những sai lầm về nhận định suýt đưa ông đến hỏng việc. Vì mấy ngày sau đó, chiến thắng thực của ông ở Vĩnh Yên đã bắt đầu gặp thảm họa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #459 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2020, 04:45:47 pm »


Dự định lớn. Bí mật lớn. "Đòn" chuẩn bị cho ông Giáp. Phải làm sao để Giáp không biết gì, không nghi ngờ gì.

Mệnh lệnh đã truyền đi và ngày mồng 7 tháng giêng ông lên máy bay vào Nam Kỳ. Không chờ Beaufré từ Tiên Yên về. Không chờ Beaufré chuẩn bị "Hình thang" - tên mật của cuộc phản công đã được quyết định.

Chuyến đi không thể giải thích. Không chỉ để lừa những người khác mà cũng là nghệ thuật tô vẽ màu sắc. Có gì khó chấp nhận hơn đối với tổng chỉ huy Đội quân viễn chinh rời bỏ Bắc Kỳ khi trận đánh quyết định, không xê dịch, quyết tử sắp khởi đầu trong từng giờ. Có gì ngu dốt hơn hoặc lớn lao hơn? Nhưng ở de Lattre trước hết là sự phóng túng, sự tính toán vận dụng những nguyên tắc bịp bợm cũ. Vừa duy mỹ vừa xảo quyệt. Thật lớn lao khi tỏ ra vô lo khi chuẩn bị việc làm cốt tử, mất cả hoặc được cả! Một người bình thường phải bị cuốn hút vào những suy nghĩ, lo lắng, nghi ngờ. Nhưng một "thiên tài" ở trên tất cả những điều đó, ít nhất là bề ngoài và rồi, chờ đợi lúc bắt đầu cũng buồn, ông phải bận bịu, sử dụng thì giờ vì phải mất mấy ngày kế hoạch đã quyết định mới bố trí xong trước khi tiếng còi bắt đầu trận đấu de Lattre - Giáp vang lên, cuộc tử chiến sau những vụn vặt ở Tiên Yên.

Đám thân cận đi theo de Lattre trừ Beaufré. Trong khi bay ông nói với người của mình:

- Tốt đấy, chẳng ai hiểu chuyến đi của tôi. Việc ấy sẽ tạo ra đủ loại tiếng đồn trái ngược nhau. Kẻ địch hơn bao giờ hết tự hỏi tôi muốn làm gì: phòng thủ hay phản công. Tôi cũng lừa họ bằng mọi hoạt động của các đội quân xem ra có vẻ rời rạc. Tôi sẽ đầu độc họ.

Đầu độc. De Lattre quên những tai họa của Carpentier: ông này dựa vào khả năng lừa bịp quân Việt của mình ở toàn cuộc chiến trên biên giới Trung Quốc. Vua Jean, cũng như ông ta, dựa vào mưu mẹo để tiến hành cuộc chiến quyết định hơn ở vùng châu thổ. Nhưng de Lattre không phải Carpentier. Ít nhất ông tin như vậy và mọi người bắt đầu tin ông.

De Lattre thấy đi Sài Gòn trong những ngày như thế rất tốt, để giới thiệu thuộc địa Pháp "của mình", để nhận những lời chúc mừng của "những người làm ra đồng bạc" những kẻ cơ hội chính. Tất nhiên ông ghét "cuộc chiến tranh bẩn thỉu" làm nảy nở mạnh hơn " đồng bạc bẩn thỉu". Nhưng ông vẫn hãnh diện về những đồng bạc đủ các loại - của người giàu, người nghèo, xuất nhập khẩu, người Corse, tỷ phú Trung Hoa, buôn lậu và lương thiện của Việt Minh nữa, đều chào mừng vinh quang của de Lattre bắt đầu tin vào chiến thắng của vị tướng. Mũi tên lên thẳng trên thị trường tiền tệ. Hai tỷ đồng bạc chuyển đổi trong bốn mươi tám tiếng. Đồng tiền cũng trở thành điên, phải ngăn định giá chứng khoán lại.

Ở Sài Gòn đủ loại biến cố thượng lưu. De Lattre có nét mặt bình lặng, hạ cố. Trong lúc quân lính của ông ở Bắc Kỳ chuẩn bị chết và chiến thắng, ông tiếp ở lâu đài Norodom cả Sài Gòn thương mại, nhà băng, chính trị. Chỉ những nhân vật rất đáng kính nhưng đối với ông, không hoàn toàn "tốt".

Dù sao de Lattre cũng hơi không chắc về đường lối chính trị của mình đối với môi trường tài chính. Nhưng nên chăng thỏa hiệp với họ thì tốt hơn? Thâm tâm ông vẫn giữ một sự chống đối tự phát.

Đồng bạc đến với ông ngay dưới dạng hiện thân da vàng. Không phải Bảo Đại, chỉ là người lợi dụng nhưng "ông Hữu" tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Người dân Nam Kỳ béo tròn, nhân từ này là của đồng tiền, làm việc, đại diện cho đồng tiền. Cho đến lúc đó Hữu yêu mến nền tài chính Pháp, không thích cuộc chiến tranh Pháp. Ông sẵn sàng gắn bó với Nhà băng Đông Dương nhưng từ chối gắn bó với cao uỷ và các tướng Pháp, nói với họ: "Không thể, tôi là người quốc gia". Và ông Hữu ấy, khôn ngoan thế, tự nguyện "ra mặt trận" đi Bắc Kỳ với de Lattre, xuất hiện trên chiến trường như người của vị tướng, tự phản bội mình. Thật thần kỳ, cuối cùng Việt Nam đã lay động, đúng hơn là đồng bạc Việt Nam đã vang lên một bản nhạc nhỏ tam tài. De Lattre hài lòng, nhưng không tuyệt đối. Vì ông tự nhủ: "Chà! Nếu Bảo Đại đề nghị với mình tất cả những điều ấy..."

Làm gì ở đây. Sài Gòn mà de Lattre không thích nhưng ông phải phô trương mình là người tuyệt vời? Tướng Harding đến đúng lúc. Đây là vị chỉ huy các đội quân Anh ở Singapore, một quân nhân tốt. Điều đáng buồn là cuộc viếng thăm của ông được quyết định thời Carpentier. Vậy không phải vì de Lattre. Hơn nữa trong giới các tướng lĩnh quốc tế, ông ta không ngang tầm với ông. Vậy không rầm rộ, không đón tiếp lớn. Nhưng làm đúng mức độ, tỏ ra có một dè dặt nào đó và chinh phục người ấy. Không để ông ta "tuột khỏi tay”.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM