Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:54:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 85336 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #440 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2020, 10:17:47 pm »


Chỉ mới hai tuần kể từ khi de Lattre đến Sài Gòn. Hai tuần lễ mê hoặc. Hai tuần lễ ông buộc mình vào một Đông Dương đổ nhào, lăn tới thất bại. Xem ra như một phép thần. Thế nhưng bao nhiêu người không bị thuyết phục thực sự! Mỗi người vẫn đặt câu hỏi: đấy là việc cứu chữa thực sự hoặc những trò ảo thuật?

Có những đại tá đã không tin vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Đặc biệt những người đã quá bi kịch trên đường 4, một trong bọn họ, một người luôn có ý thức, nói:

- De Lattre chỉ làm trò nhào lộn. Về cơ bản chẳng có gì thay đổi. Ngược lại tình hình càng trầm trọng vì vua Jean sẽ tự rơi vào bẫy của chính mình trong đất nước này, nhất là ở Bắc Kỳ. Ông lừa Đội quân viễn chinh - chưa bao giờ bi đát đến thế. Ông gây ảo tưởng bằng chơi con bài bịp về nền độc lập, với hàng tỷ và những cuộc sống, nhưng những người Châu Á ấy không thích chúng ta, không bao giờ thích. Để ngụy trang những điều ấy de Lattre triệt để sử dụng các nhà báo.

Vì vua Jean, chúng tôi sẽ là tù nhân của một loạt sự kiện không kiểm soát được nữa. Chúng tôi bị tóm họng về đạo đức, quân sự, chính trị. Về đạo đức chúng tôi có trách nhiệm với dân chúng, những người hợp tác vẫn còn tin vào sự vững chãi của chúng tôi làm họ sẽ phải trả giá đắt. Về quân sự chúng tôi bị khép kín trong vùng châu thổ như một chỗ vây hãm khó bỏ rơi. Về chính trị chúng tôi bảo trợ một Bảo Đại và những quan chức chỉ có thể củng cố mình bằng thờ ơ, nâng cao giá và chống đối.

Thế thì giải pháp ra sao? Tôi chỉ thấy hai cách. Một thực tiễn: giải quyết bất cứ giá nào và vô thời hạn. Cách kia thật vô vọng: hy sinh đến người cuối cùng. Thực sự tôi không tin khả năng chiến thắng bằng vũ khí nữa. Và tai hại là de Lattre sẽ lại đưa cuộc chiến kéo dài nhiều tháng, nhiều năm cho đến thảm họa.

Đấy là quan điểm của những người gọi là "kẻ chủ trương thất bại" de Lattre nhanh chóng làm tiêu tan và không còn ai dám nói về hòa bình trong nhiều năm. Đúng là Đội quân viễn chinh được tăng sinh lực, muốn đánh nhau, muốn trả thù. Bộ phận lớn sĩ quan và binh lính rất dè dặt với vua Jean mười lăm ngày trước đây từ nay nhiệt tình. Nhưng bản thân vua Jean mù quáng lao tới, chẳng bao lâu sẽ nhận thấy là việc này không thể? Trước mắt, chưa biết điều gì chờ đợi mình, ông xông vào, xông vào rất hăng. Với tư cách hiệp sĩ của vinh quang.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #441 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2020, 06:51:57 pm »


Chương II
ĐÊM QUYẾT ĐỊNH


Hai tuần lễ mê hoặc. Hai tuần lễ mà hàng ngày de Lattre tự nhủ: "Hôm nay ông Giáp có xông vào mồi không, có tung các đội quân tấn công Hà Nội không? Lúc mình còn phải làm một anh gia sư, lừa phỉnh, lang thang khắp nơi để thu thập những tâm hồn và thể xác bị vỡ! Nếu quân Việt lao vào trận đánh quyết định mình sẽ thất bại với những bộ phận rải rác ở Đông Dương chưa được chỉnh đốn thành một khối, một hệ thống. Miễn là mình có thì giờ. Miễn là quân địch để cho mình có thì giờ. Thì giờ là tất cả đối với mình."

Thực tế, sai lầm của ông Giáp rất lớn. Ông đã sẵn sàng, gần như sẵn sàng. Nhưng ông mắc căn bệnh của những người cộng sản: cầu toàn. Ông phải "chuẩn bị tỉ mỉ" tất cả cho đến khi cuộc phản công tự tiến hành gần như tự động, theo một kịch bản khổng lồ mà mỗi chi tiết tự nó là một kỳ quan. Có hàng triệu chi tiết gồm những động tác giả, những bề ngoài giả, không rõ ràng để đầu độc quân Pháp. Cả một chiến lược tập trung dự trữ, người, tập hợp những khối người bao la chuẩn bị tấn công ở trong rừng, chỗ không có gì. Cả một chiến lược lặp lại không dứt những nghi binh, tấn công để quân lính thật nhuần nhuyễn. Cầu toàn để ngày một cải tiến hơn về phía Việt Minh. Nhưng cầu toàn đã cho de Lattre những ngày may mắn ông rất cần.

Ngày 28 tháng chạp. Kết thúc những cuộc thị sát. Kết thúc cuộc lắp đặt, vá víu đầu tiên, những trò chơi hoàng tử của vua Jean. Và bây giờ hoàn toàn một mình de Lattre đứng trước câu hỏi đồ sộ: "Cuộc chiến tranh, tiến hành như thế nào đây?" Việc này, hơn bao giờ hết, cũng đòi hỏi nhiều ngày, nhiều tuần lễ để tổ chức quân đội. Người Việt có để thời gian cho ông không?

Điều tệ hại là ông phải ở lại Sài Gòn vì một số việc không quan trọng: trước hết là thân mật rũ bỏ Letourneau. Vị bộ trưởng làm xong bổn phận, thái độ thỏa mãn, sẽ trở về Pháp. Vua Jean muốn tâng bốc ông, tổ chức một buổi lễ trang trọng ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ông sẽ có mặt vì cũng là nghệ thuật chiến tranh khi tranh thủ ân huệ của một nhân vật như Letourneau. Hơn nữa ông có một dự kiến cao cả, lớn lao hơn. Trở lại với Bảo Đại, đưa đi theo mình, trình diện ông ta trước dân chúng Bắc Kỳ và nói: "Hoàng đế của bà con đây". Ông điên người phải ở lại Sài Gòn không biết tí gì về tình hình Bắc Kỳ. Nếu ở đấy, ông sẽ hiểu, sẽ đánh hơi được quân Việt, những người lạ lùng có chiến thuật lạ lùng, khó hiểu, nguy hiểm, gây nên nỗi sợ hãi đến thế. Ông sẽ tìm ra một chiến lược, lại phát minh một cuộc chiến chống "chiến tranh nhân dân" ghê gớm. Hơn nữa ở đấy ông cảm thấy có phần bị phản bội. Tướng de Lattre, một người còn lại của thời kỳ trước vẫn còn chỉ huy Hà Nội.

Cũng lo lắng nữa. Khi trở lại lâu đài Norodom, nét mặt ông căng thẳng, trong lòng phân vân. Với những người của mình, Boussary, Salan, Cogny và đồng sự, ông nêu lên mười lần, một trăm lần cùng những câu hỏi đó. Đấy là cách ông tìm ý, đi đến ánh sáng. Chẳng có gì, chỉ mây mù và bối rối. Những chuyên gia lớn của Đội quân viễn chinh có vẻ lúng túng. Bao giờ cũng là câu trả lời: "Ở Châu Á người ta chẳng biết được gì bao giờ". Và ông càu nhàu: "Các ông làm tôi hối tiếc một cuộc chiến tranh thực sự, chiến lược thực sự. Một tướng chỉ huy như tôi có một kẻ thù thực tế chứ không phải là những bóng ma. Như vậy tôi mới có thể chiến thắng."

Thời gian kéo dài, nặng nhọc. Vua Jean đến Đông Dương với biết bao lời thề chiến thắng, không "cảm thấy" gì. Trước mắt không có hành quân, không có kế hoạch. Bất lực trước khi bắt đầu.

Giẫm chân, quát tháo. Bỗng một ý đầu tiên: họp những người trung thành, de Lattre quyết đoán và cáu kỉnh, hỏi họ: "Làm thế nào để loại bỏ de Latour?" Phải tống cổ ngay tay này. Vấn đề tế nhị. Phải làm cho ông ta bỏ cuộc mà không bị xúc phạm: con người thô lỗ thông minh này là chỉ huy đám cận thần đội quân Bắc Phi đã chiếm các đòn bẩy chỉ huy thời kỳ Carpentier. De Latour còn có trọng lượng, nhiều quan hệ và phong cách dữ tợn, thậm chí đáng sợ. Dù sao cũng phải vô hiệu hóa ông ta bằng mọi giá. De Lattre phấn khích kêu lên: "Tôi biết tay này chống tôi, chống cuộc chiến tranh của tôi. Đấy là một kẻ thất bại chủ nghĩa phá tôi." Nhưng không ai tìm được mưu kế thanh toán nhẹ nhàng.

Bỗng đầu óc chính de Lattre lóe ra một ý. Mệnh lệnh: "Salan ra Bắc Kỳ ngay". Giọng nói của vị tướng vui vẻ, thoải mái. Thế nhưng Salan nhăn mặt; miệng bạnh ra, đôi mắt nhấp nháy, dấu hiệu xúc động khác thường ở con người bí mật này. Việc lựa chọn này là ân huệ hay không may, một cạm bẫy hay lời đề nghị? Salan chua xót cho vị trí của mình. De Lattre lấy ông sang Đông Dương nhưng không thích ông. Giữa hai người là ngày và đêm, không hề tiếp xúc, không chút thân thiện. Đối với de Lattre, đấy là người "Trung Hoa" bị đầu độc, luôn sống lơ lửng, không bao giờ đụng tới đất, trời, người, sống trên mọi người, một mình, giấu diếm những tình cảm sốt sắng trong im lặng, cay đắng vì bà vợ "Hươu cái" chỉ lui tới với những người lạ lùng, những kẻ phiêu lưu, đáng ngờ, vô lại và chỉ điểm nhưng trước hết là những "tay cờ bạc" như bà - những tay chơi da trắng trong Châu Á da vàng. Salan giá lạnh, thực tế là con người về tướng số tương lai, huỷ hoại thanh danh, sống nội tâm và với những quan hệ bí mật, những mê tín và đặt quẻ. Bất kể bộ phận lớn các sĩ quan và binh lính, ông chỉ quan tâm đến một số người cùng nhóm chơi, chỉ tin vào sự may mắn - không phải ngẫu nhiên mà là số phận qua bói bài và xúc xắc. Theo de Lattre, đưa ông ra Hà Nội là nghệ thuật sử dụng người "Trung Hoa", kẻ mất gốc chẳng còn hiểu gì Phương Tây mà có lẽ nắm được bí mật của Phương Đông. Ở đấy ông ta sẽ quỳ lạy trước những tượng Phật, những biểu tượng mang lại hạnh phúc mà tùy tùng của ông luôn mang theo trong cặp. Ông ấy sẽ "thần giao cách cảm" với ông Giáp để đoán những ý nghĩ của ông Giáp, đi hút thuốc phiện trong những hang hầm với những nhân vật khó xác định chỉ xuất hiện ban đêm từ những nơi tăm tối, không minh bạch. Vậy là người ta gửi ông đi thăm dò, mò mẫm ở Bắc Kỳ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #442 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2020, 06:53:18 pm »


Một nhà tiên tri, tốt rồi, với điều kiện để ông ta một mình với những lời sấm truyền. Bên cạnh phải có một người theo dõi, trí óc sáng suốt, một trí óc hoàn hảo của Phương Tây. Ghép cặp đối với Salan, de Lattre cử Beaufré, một gương mặt khác xanh xao và lạnh lùng, nhưng là "đại tá trong nhóm chủ đạo" của ông, một máy tính điện tử, chuyên gia chiến lược, chỉ vài giây chuyển logic sang quyến rũ. Salan quanh co và trực giác; Beaufré là sự thông minh hoàn hảo, trở thành nét đẹp, Salan trông thấy vấn đề quanh co và đúng, Beaufre thấy rõ ràng và sai. Một đôi đối nghịch như de Lattre vẫn thích. Hai phần tử trái ngược nhau ấy đều nhận cùng những mệnh lệnh: "Không tự mình làm gì. Chỉ thực hiện chỉ thị này: các đội quân không lùi một tấc, trong bất cứ tình thế nào, không kể đến những hoàn cảnh."

Hai kẻ tử vì đạo này, de Lattre cử ra Hà Nội chống tư tưởng thất bại, lùi bước đang lan rộng ở đây. Linh cảm không lừa dối ông. Đã đến lúc đối với tướng de Lattre, mối nguy hiểm của quân Việt mạnh hơn mối nguy của de Latour.

Những màn sân khấu nối tiếp nhau. De Lattre đã quyết định quá chậm. Hai phái viên đến Hà Nội không đúng lúc, thậm chí đi từ Sài Gòn không đúng lúc. Vua Jean phải có những điện tín nhanh, bất ngờ, từ lâu đài Norodom.

Tất cả lẫn lộn vì đúng ngày Letourneau ra đi. Salan và Beaurfe ở bên cạnh vua Jean trong lễ tiễn; buổi chiều họ mới lên máy bay. Đã gần trưa de Lattre và tùy tùng chúc mừng vị bộ trưởng ở sân bay Tân Sơn Nhất. Giữa lúc duyệt đội danh dự, ông mở một bức điện khẩn từ ban tham mưu Hà Nội. Bên trong là mấy chữ viết trong thảm họa, thông báo những đợt tấn công lớn của quân Việt vào vùng châu thổ và ở Tiên Yên trên bờ biển. De Latour xin mệnh lệnh. Vua Jean kêu lên: "Ông ta phải trụ vững, trụ vững khắp nơi. Nhất là không được nao núng..." Mười lăm phút sau, lại có tin mới của de Latour. Lần này đề nghị cho phép áp dụng hướng chỉ dẫn của một chỉ thị mật đề ngày 11 tháng 11 năm 1950. De Lattre vẫn đang tiễn Letourneau lên máy bay, gầm lên: "Nó là cái gì?" Trong nghi lễ từ biệt, các quân nhân vùng vẫy cuồng nhiệt. Ở lâu đài Norodom nơi người ta chờ đợi đại tướng từng giây, lớp thân cận hốt hoảng lục hồ sơ, giấy tờ tìm ra chỉ thị không biết đến ấy. Đấy là tài liệu rút lui, bỏ chạy. Phải bỏ Móng Cái, Tiên Yên, những bốt cuối cùng trên đường gố 4 trên bờ biển Trung Hoa. Và do sức ép không đáng kể của quân Việt.

Một cảnh lộn xộn ồn ào. De Lattre vội vã về như nước cuốn; chiếc xe của ông vượt nhanh các khúc quanh, giữa những xe xích lô và những người bán mía. Ông bước lên thềm nhà từng bốn bậc thang một. Cuối cùng ông vào đến văn phòng vẫn vò trong tay bức điện của de Latour. Một tuỳ tùng đưa đến chỉ thị ngày 11 tháng 11 do Carpentier ký. Tay Carpentier này dám hồi sinh để cản đường ông, ngăn ông lại, đưa đến thất bại. Không có cả thì giờ giận dữ. Ông nắm lấy bút nguệch ngoạc. Chợt nhớ ra mình viết khó khăn, ông đọc chỉ thị này cho tướng de Latour, giọng giá lạnh: "Thứ nhất, tất cả những chỉ thị trước khi tôi đến Đông Dương bị huỷ bỏ. Thứ hai, chỉ một chỉ thị cho ông: phải chiến đấu. Thứ ba, Salan và Beaufré lên một chiếc Dakota ra Hà Nội lúc mười bốn giờ. Khi đặt chân xuống đất, Salan phụ trách việc chỉ huy thay thế ông. Thứ tư đích thân tôi sẽ đến." Ký: Đại tướng de Lattre de Tasigny.

Bức điện gửi đi rồi là cả một sự lộn xộn. Lệnh chống lệnh. Lo lắng trong đám thân cận. Ai sẽ theo? Ai không theo? Các loại đại tá chạy đến, các sĩ quan liên lạc, gấp gáp. Trong đêm, xem lại các đồng phục và ý kiến. Và tiếng ông chủ luôn vang lên: "Salan đã bay chưa? Chưa. Được, ông ta có thể mang theo vợ". Vì không có "Hươu cái", Salan kém hăng hái. May mà Beaufré không có vợ ở đây. De Lattre không thích bà to lớn ấy, quá lắm chuyện, vả lại ông đã cấm đại tá của ông mang bà ấy sang Châu Á.

Việc này nhắc ông bà de Lattre sẽ đến Sài Gòn trong hai ba ngày tới. Ông sẽ không đón tiếp. Điều rất quan trọng, ông muốn đề cao bà, để bà thành một nhân vật chính thức hiện thân của tất cả các bà mẹ Pháp. Ông bỗng nói, với ngôn từ trong những công việc lớn: "Nhất là Bernard phải có mặt để đón bà. Đấy là mệnh lệnh. Không được gượng gạo. Phải để Bắc Kỳ của anh lại, tới đây mấy ngày. Tôi muốn Monette có niềm vui này: khuôn mặt đầu tiên bà gặp ở Đông Dương là con trai bà."

Tình trạng hỗn độn: "Điện ngay cho Vanuxem đi theo tôi ra Bắc Kỳ. Rover, đi gọi anh ta ở Nam Kỳ đưa ngay về đây, không để cả thì giờ thay quần áo."

- Allard đâu? Phải có phương tiện nhiều nữa cho Bắc Kỳ. Cố gắng lên. Tìm cho tôi những tiểu đoàn tốt, những sĩ quan tốt nữa cho ngoài ấy. Danh sách đây. Lấy hết khí cụ trong các xưởng, các kho. Tìm ca-nông, tăng, máy bay chiến đấu, những gì giết được nhiều. Có những khẩu trọng pháo để khắp nơi không dùng đến. Thật xấu hổ! Tôi muốn có tất cả. Tìm hết mọi pháo thủ - nhiều người bị phân tán, bị sử dụng như bộ binh. Thống kê lại đạn dược. Không đủ cho cuộc chiến tôi muốn triển khai, tuyệt đối không đủ. Hơn hoặc thiếu đi mấy nghìn viên đại cối có thể quyết định số phận của Đông Dương. Đòi hỏi người Mỹ cung cấp ngay cho. Bảo họ cho cả bom na-pan nhưng kín đáo để người Việt không biết. Tôi cho anh một tuần lễ để gửi người và hàng cho tôi. Giải quyết vấn đề vận chuyển như thế nào tuỳ anh: Không kể đến tiền bạc, luật lệ cũng không." Những tiếng hét khác: "Ortoli, ông đô đốc hải quan đâu? Đây là lúc ông sử dụng con tàu của ông cho một số việc. Đưa lại gần bờ biển, trước mặt Tiên Yên sẽ là đội trọng pháo của tôi... Đáy thấp quá ư? Thủy thủ tìm một đường lạch!" Lại kêu lên: "Tôi sẽ đưa theo các nhà báo. Phải bí mật báo với họ chuẩn bị sẵn sàng. Họ sẽ nói về những trận đánh. Bất kể! Các anh phải xoay xở tìm họ cho được, kể cả họ ở trong nhà chứa..."

Không có thì giờ tìm một chiến lược. Không cần. Chưa biết gì nhưng rồi để xem. Điều cần thiết là có "những gì cần cho cuộc chiến" đầy đủ: Đội quân viễn chinh được trang bị lại đầy đủ. Huy động tất cả cho Bắc Kỳ và quân Việt "sẽ nhấm nháp”. Dù thế nào cũng có khả năng xoay xở: Phải làm tất cả để đưa ra lúc muốn có. Chủ bài tối cao: Bảo Đại. Đừng từ bỏ, phải đưa ông ta lên với tác dụng tối đa. Trước hết, ngay trước khi ra chiến trường, bắt cóc ông ta bằng quyến rũ. Dùng mọi cách. Cả sắc đẹp, vì đấy cũng là một vũ khí.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #443 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2020, 06:54:18 pm »


Trong lúc de Lattre chuẩn bị để ra đi, Salan cùng bà vợ. Beaufré không có vợ, đến Hà Nội. Để đón họ ở sân bay - trong quân đội bao giờ người ta cũng đón tiếp, dù tốt hay xấu - có mưu sĩ của tướng de Latour, đại tá Meric. Một quân nhân khổ hạnh và nhân đạo: loại lệ thuộc và cấp cao trong quân đội, vừa giết người vừa thích nhân đạo, càng ngày càng ít tin vào cuộc chiến tranh nói chung, đặc biệt vào chiến tranh Đông Dương. Ông đẹp người, mảnh mai nhưng không kiệt sức, có niềm tin chắc và sự thành thật là những dấu hiệu của tinh thần cao cả. Trong xe đưa hai đồng sự về, ông mô tả tình hình rất đen tối. Quân Việt quá mạnh dù đối với một vua Jean. Mọi phương tiện ông ta đưa vào một cuộc chiến không lối thoát. Điều ông muốn làm rất nguy hiểm. Beaufré có vẻ chấp nhận nhưng nói thêm: "Đấy không phải vấn đề. Chúng tôi có lệnh, chúng tôi thực hiện lệnh."

"Cuộc hội ý" long trọng hơn ở sở chỉ huy của tướng de Latour với các phái viên của vua Jean. Như để tác động họ, tình hình còn bi quan hơn Méric mô tả. Người ta chỉ cho họ trên bản đồ các sư đoàn ông Giáp tấn công suốt chiều dài mặt trận. Chưa ồ ạt, không lộ mặt, không chứng tỏ nơi nào ông Giáp sẽ đánh nhưng trong tình thế không chắc chắn ấy, chống cự ở chỗ nào? Có thể chống cự khắp nơi được chăng? Làm sao được nếu không co cụm dần như da lừa?

Qua những trình bày ấy đúng là xung quanh Hà Nội tất cả đều chết, rơi lại vào điểm chết. Xem như dân chúng đã quên những xuất hiện của vị tướng mấy ngày trước đây, cuộc duyệt binh ngày 19 tháng chạp, buổi lễ Giáng sinh, những lời nói bốc lửa, khuôn mặt đầy hy vọng của ông.

Nỗi sợ hãi. Nghĩa là khi de Lattre sau lễ Giáng sinh đi giám sát tình hình ở Đông Dương thì chỉ còn lại trọng lượng của thực tế. Vua Jean vừa biến mất, cuộc đánh nhau to đã bắt đầu. Những cuộc tấn công không dứt vào những bốt vành đai phía bắc Hà Nội, ngay gần thành phố. Không chỉ ban đêm mà cả ban ngày. Ba ngày đêm liên tiếp. Không còn là những tiểu đoàn mà những trung đoàn trọn vẹn như quân chính quy hàng nhiều nghìn ra khỏi chỗ ẩn để đánh giáp lá cà. Mỗi khi hoàng hôn xuống, trên mảnh đất còn yên tĩnh, người ta đã biết những khối người sẽ xuất hiện từ hư không xông vào ba hoặc bốn công trình chỉ huy một khu, cả một vạt tường chống giữ. Và khi những cuộc tấn công ấy không thành, tối hôm sau ông Giáp lại cho bắt đầu lại ở chỗ khác, xa hơn, như bằng mọi giá phải chọc thủng "một lỗ" để vào Hà Nội.

Đa Phúc, Yên Châu, Phù Lỗ... một số bốt bị kết tội tử hình đã trải qua cơn khủng khiếp. Họ bị nhấn chìm nhưng không lấy được, bao giờ cũng có một số sống sót ẩn mình trong đổ nát để bắn vào những đám đông trong đêm. Như trước đây, như bao giờ cũng thế, sự đơn điệu nhục nhã nhưng tệ hại hơn, sâu rộng hơn. Sự yên tĩnh, cảnh cuồng loạn, ba-dô-ka nghiền nát cảnh vật, những bóng người tràn tới, các loạt bắn chặn của một đội trọng pháo Pháp ở xa, cái chết, lửa khói, những tiếng nói tắt ngấm, những tiếng khác còn ra lệnh và đôi khi một đoàn quân Pháp xuất hiện.

De Lattre ở xa. De Latour, vị tướng dũng cảm sạm nắng chỉ huy dẻo dai, nhưng không tin tưởng. Thế nhưng biết bao kỳ tích của những người bị dồn đến đường cùng trong những công trình bị đốt cháy trong đêm tối. Những hình ảnh của chủ nghĩa anh hùng. Một nhúm người chống lại năm tiểu đoàn, trong hầm chống đạn mà họ thấy nhân công đang thu dọn chiến trường. Và rồi những người Sénégal gan góc: Trước đây họ thất vọng, nặng nề, chậm chạp giữa thiên nhiên, trong trận chiến ở rừng. Nhưng sau một bức tường, sau những tấm ván và bê-tông, họ tỏ ra ghê gớm. Chỉ còn sáu người chống giữ trong lô-cốt cuối cùng ở góc một bốt bị phá huỷ. Trời vừa sáng họ ra chào mừng một đoàn quân vừa tới. Những người da đen này có một ngôn ngữ rất ngây thơ. Họ nói với một đại tá, lính thủy đánh bộ cũ chỉ huy cuộc hành quân giải thoát: "Ông bằng lòng chứ? Chúng tôi biết ông là ai; xưa kia đã gặp ông ở Sudan. Còn ông, ông có nhận ra chúng tôi không? Chúng tôi đã giết nhiều quân Việt và nhân danh Chúa, Thuộc địa muôn năm."

Từ đó, tình hình tạm lắng trước Hà Nội. Đội quân viễn chinh trả giá bảy trăm bị thương, chết hoặc mất tích, nhưng vành đai bảo vệ Hà Nội không bị vỡ. Tuy vậy de Latour và Méric chú ý không ca bài chiến thắng. Đối diện với Salan và Beaufre họ thật thê thảm. Không có gì làm những phái viên không lay chuyền được tỏ ra cảm động. Họ còn có vẻ đe dọa hơn với thái độ vô cảm của họ, như không có quan điểm gì, không tán thành không phản đối, ghi chép tất cả để báo cáo với de Lattre.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #444 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2020, 06:55:48 pm »


Tuy vậy lần này de Latour và Méric chồm dậy, nói hết sự thật về những ngày sau lễ Giáng sinh. De Latour nặng nề, cục mịch, ít nói, đôi mắt khôn ngoan một cách dữ tợn. Méric bên cạnh bức tượng nông dân tinh quái ấy, tỏ ra rất say sưa, thuyết phục. Ông cố đánh vào hai bức tượng tổng chỉ huy cử đến, những trận thất bại, nửa thất bại, bắt đầu thất bại, bằng thông báo ra hết.

Cho đến lúc đó, de Latour đã nhấn mạnh một số tin tức làm lu mờ vinh quang của vua Jean đang bận bịu. Dù sao ông này cũng không hề xác nhận. De Latour loanh quanh tự hỏi phải sợ ai hơn ông Giáp hoặc vua Jean, vẫn còn sợ de Lattre hơn nhưng ông tự nhủ: một sự điên rồ. Vẫn đi theo những bức điện của de Lattre vốn là những cú đá vào vào đít nhưng ông cảm thấy luôn bị con "người lớn lao" nghi ngờ và vẫn lặp đi lặp lại: "Nếu mình làm theo những gì ông ta chỉ thị, mình sẽ đi đến thảm họa hoàn toàn với các đội quân. Phải tranh thủ từng giờ để thoát ra chứ không xông vào.Vua Jean chẳng ý thức được". Thế là để rút khỏi công việc ít tồi tệ nhất, de Latour mưu mẹo đủ cách. Ông chỉ làm một nửa những gì được lệnh, dùng những biện pháp nhẹ, bí mật di tản xuống Hải Phòng, hải cảng, để bất chợt phải lại lên tàu. Tất cả những việc đó kín miệng ám muội, ám ảnh bởi ý nghĩ: "Nếu vua Jean biết được...". Bên cạnh ông, một Méric đau khổ và nồng nhiệt trách cứ ông mất tinh thần, thiếu can đảm, không theo quan điểm của ông: việc rút lui co dãn.

Đối với de Latour và Méric, tuần lễ vừa qua thật nặng nề! Dĩ nhiên họ biết rõ quân lính Đội viễn chinh có khả năng đụng độ với quân Việt nhưng khép kín trong lô-cốt, phía sau những vành đai, những ụ bê tông, với đội trọng pháo rất gần. Những cái đó làm họ yên tâm, bảo vệ họ chống Châu Á. Ngược lại, khi đoàn quân ra ngoài, họ rất e ngại quân Việt không thấy được dù khi quân Việt xuất hiện cả những trung đoàn, sư đoàn hoàn chỉnh, bước đi, bao vây, bất chợt, tiêu diệt. Đã biết bao người da trắng và đồng đội bị thiệt hại trên đồng ruộng! Trong rừng núi và đầm lầy, quân lính Đội quân viễn chinh như những con bọ hung nặng nề bị vô vàn đàn kiến xâu xé. Ở đây họ không thích nghi được. Cũng để trụ lại họ phải có một nỗ lực đáng sợ, đôi khi vươn tới chủ nghĩa anh hùng như có ma túy tác động. Nhưng với những mức độ khác nhau trong các đội quân. Trên cao lính dù giam hãm mình vào sự kích động thăng hoa. Dưới thấp những người da đen được thả vào cảnh vật chẳng hiểu được gì, kể cả những người tốt nhất.

Những ngày ấy, bên cạnh một de Latour xuất hiện trước công chúng vờ yên tâm, Méric tiên đoán. Trong lúc vị tướng của mình càu nhàu ở Hà Nội, ông đi thực địa, đến những vùng tình hình xấu để trở về nói: "Lúc nhúc khắp nơi. Thật tồi tệ. Trụ vững trước Hà Nội để làm gì trong lúc mặt trận sụp đổ hai đầu ở những nơi quân Việt còn dựa vào rừng? Những chỗ ấy họ dễ dàng gây bất ngờ và cuốn đi hết để rồi ào vào thành phố, chúng ta sẽ là những con chuột nếu vâng theo lời de Lattre".

De Latour ngập ngừng. Méric dứt khoát và từ xa, qua vô tuyến điện, một cú sét đánh, một lò lửa tiêu diệt một tiểu đoàn do mệnh lệnh de Latour và Méric buộc phải thực hiện. Trong lúc này hai người đang trình bày hết với Salan và Beaufré vẫn bí hiểm theo cách của họ.

Sự việc xảy ra ở vùng biên châu thổ, nơi sông Hồng vươn tới và dãy núi Ba Vì nhô ra như một chiếc răng hàm. Quân Việt từ núi xuống "lúc nhúc" mỗi lúc mỗi lúc một nhiều. Hà Nội dự tính di tản vùng này, ngầm gợi ý. Bức điện rất ngạc nhiên của de Lattre: "Tổ chức một đội cơ động, cử đi thăm dò vùng đang biến động". Có nghĩa là đưa đi đánh nhau một tổ chức tạp nham gồm những đơn vị chưa sử dụng - vì hèn kém, là hành động điên rồ theo những người biết suy tính như de Latour và Méric nhưng họ phải vâng theo lời Chúa.

Chuẩn bị trong bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Theo chỉ thị, de Latour tổ chức một đội cơ động, thậm chí đặt số hiệu GM3. Để hình thành, người ta rút chỗ này chỗ kia ba tiểu đoàn hỗn tạp, tung vào Vĩnh Yên. Đến đây, không ai biết rõ ai, không ai nắm chắc sẽ phải làm gì. Chỉ huy là một đại tá Muller nào đó, một người "dũng cảm". Ông hỏi tình hình ở các sĩ quan quân khu: đại tá Gallibert và thiếu tá Fossev-Francois: "Có bao nhiêu quân Việt trong vùng? - Rất ít. - Đáng ngờ lắm. Tôi cảm giác có lực lượng mạnh ở đây, có lẽ một sư đoàn hoàn chỉnh." Mơ hồ như vậy, không biết làm thế nào với người của mình, ông quyết định cử đoàn quân vào rừng thăm dò cách đấy vài cây số.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #445 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2020, 06:57:19 pm »


Cảnh vật thảm hại. Các đoàn quân đi bất cứ ra sao. Một tiểu đoàn Sénégal thật gớm ghiếc, giữ các bốt dọc sông Đáy đã nhiều năm trong lười biếng và bỏ mặc tất cả. Chỉ huy là một người có tên F.T.N, do hội cứu trợ xã hội đặt cho thời gian anh ta ở trong đó. Một kẻ điên, giận dữ, nghiện ma tuý, thường xuyên lên cơn. Khi một phó của đại tá Muller hỏi có bao nhiêu quân lính, anh ta trả lời: "Điều ấy không liên quan gì đến anh. Anh đi lục tìm lấy để biết". Người ta cách chức anh, vị trí giao cho một thiếu tá được gửi gắm, từ văn phòng một bộ trưởng ở Paris đến thẳng đây để lấy thêm một lon nữa ở Đông Dương.

Như một cuộc đi dạo trong rừng. Những người đàn bà Annam mang túi của những người đàn ông da đen mà họ đã trở thành vợ. Cũng có những trẻ em da nâu. Muller rất lo ngại nhưng không làm gì được. Lính Sénégal vô ý thức đến mức chẳng sợ hãi gì. Họ đùa cợt.

Suốt cả ngày không có gì. Trời sắp tối Muller gửi chỉ thị cho các đội quân: "Tôi sợ có xô xát lớn vào nửa đêm. Quân lính cần lại gần thị xã Vĩnh Yên để nằm trong vòng bảo vệ của trọng pháo." Lính da đen trả lời qua điện đài: "Chúng tôi mệt quá không đi được nữa. Chúng tôi ở lại tại chỗ." Đêm tối đến họ gửi một báo cáo lên sở chỉ huy của đại tá: "Nghe tiếng đào hầm gần chỗ chúng tôi - Các anh đi đi. - Không, chúng tôi kiệt sức rồi". Sáng hôm sau, khi lính Sénégal muốn chuyển quân, đại liên hạng nặng phạt nhào họ gần hết. Viên sĩ quan bỏ chỗ tốt ở Pháp, dưới bóng quyền lực, để được thăng cấp nhanh ở Châu Á, bị thương ở bụng và bị bắt.

Ở Hà Nội, Méric nói với de Latour: "Tôi đến đó xem sao. - Tốt, anh đi đi". Và con người bi quan Méric, tại chỗ, sửng sốt về sự vô lý của bị kịch này. Những chi tiết lệch lạc. Một lần nữa anh lại suy nghĩ: chỉ một de Lattre nói "Tôi ra lệnh" không đủ để tất cả thay đổi. Mặc vua Jean với những huy hoàng của mình, tình thế tiếp tục tồi tệ.

Cãi cọ và run sợ khắp nơi. Ngay ở Việt Trì, thị xã chủ yếu trong vùng, trên bờ sông Hồng, bị bóp ngạt giữa hai khối lớn Ba Vì và Tam Đảo, hai khối Việt Minh. Tất cả các sĩ quan đồn trú lặp đi lặp lại cùng những giọng: "Phải đi thôi để khỏi bị chẹn họng trong một đêm nào đó." Méric, chấp nhận. Trở về Hà Nội ông muốn de Latour đồng ý. Nhưng một tiếng "Không". Vì de Lattre sẽ đến đây sau mấy giờ nữa, chậm nhất là một, hai ngày.

Vả lại de Lattre giải quyết vấn đề Vĩnh Yên theo cách của mình. Ông chỉ định kẻ cứng rắn, mặn mà nhất trong số vô lại cỡ lớn của ông, Vanuxem nắm lấy đội GM3 chuyển thành một đội mạnh. Đẩy Vanuxem mới mấy giờ trước ở Nam Kỳ đến chân núi Tam Đảo. Tuỳ tùng chính, de Royer được cử đi gọi về để tranh thủ thời gian, có lệnh gặp Vanuxem nói thay lời vua Jean: "Anh đừng bao giờ quên anh là Vanuxem."

Bắc Kỳ có chìm xuống trong số ít giờ trước khi de Lattre đến không? Vì một cuộc tấn công đỏ rất lớn đã triển khai ở xa, trên "vùng bờ biển". De Latour càng lung lay, tự hỏi mình: "Bổn phận phải chăng là không tuân lệnh, rút lui ngay trước khi được vua Jean đồng ý? Phải tính từng giây một".

Đã mấy giờ nay người ta biết ông Giáp vừa tập trung quân ở vùng châu thổ vừa đưa sư đoàn thép mấy tháng trước đây tiêu diệt các đoàn quân Charton và Lepage ở Cốc Xá, tiến đến Tiên Yên, bến cảng của đường số 4. Tất cả đã bắt đầu lại. Đối mặt với quân Việt đi trên đoạn đường số 4, từ Đình Lập đến Tiên Yên quân Pháp còn nắm giữ là một phức hệ trốn chạy. Bỏ rơi bốt trong trật tự hoặc sợ hãi, những cuộc chạm súng mù quáng, những người sống sót đổ xô vào rừng, không biết gì hết và cái chết khắp nơi.

Thác đổ xuống "vùng bờ biển". Vì sao? Đây là núi và rừng ra đến biển, một dải đá ngầm và vịnh trải dài ba trăm cây số từ Hải Phòng đến Móng Cái - vị trí cuối cùng quân Pháp còn giữ trên biên giới Trung Quốc. Lẻ loi, xa tất cả, không có giá trị. Dân chúng là người Nùng, không đông nhưng là những sát thủ. Chỉ huy của họ, đại tá Vòng A Sáng, gần như một chúa chiến tranh vừa ở đất liền vừa trên biển. Biểu tượng là một chiếc thuyền của những cuộc tấn công xưa kia. Bây giờ là của những chuyến vượt biển buôn lậu. Để vận chuyển chỉ có biển, làn nước đục của vịnh Hạ Long giữa hàng nghìn ngọn núi và đá ngầm. Có một con đường thực sự nhưng có mười bảy bến đò ngăn cách. Ở mỗi nơi phải mất ba ngày mới đưa được một chiếc xe ô tô qua.

Đây là thiên đường cách xa tất cả. Cho đến lúc đó không có đông người đến xâm chiếm. Tại sao họ đến trên dải đất miền biển rất đẹp, nghèo nàn và tầm quan trọng chiến lược không rõ ràng này? Tại sao quân Việt bây giờ đến đây?

Vòng A Sáng kêu cứu. Phải chăng dân tộc ông sẽ chết vì đã phục vụ quân Pháp? De Latour lạnh lùng bỏ mặc. Vùng này chỉ là một mảnh không quan trọng và phải để quân viễn chinh giữ vùng châu thổ. Dấu hiệu bỏ rơi rõ nhất: rút tiểu đoàn bảo vệ Móng Cái. Sau đó thiên nhiên đầy người Việt và các thị xã trở thành đất không người. Các nhà giàu chạy trốn bằng thuyền đò. Di tản. Lại bắt đầu cuộc di tản liên miên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #446 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2020, 06:58:04 pm »


Quân lính, các đơn vị, các ban chỉ huy "vùng bờ biển" cũng run sợ. Tình thế nguy hiểm: các khu đồn trú không đủ mạnh để chống cự mà không ai bảo rút. Sự chờ đợi trong hư không. Ở Hà Nội người ta chẳng làm gì. Ở Sài Gòn de Lattre không biết de Latour và Méric không muốn hành động. Méric vẫn luôn luôn đưa ra lý do rút lui. De Latour không quyết định mặc dù viên đại tá than vãn khẩn thiết.

- Muốn chống cự khắp nơi như de Lattre chỉ thị sẽ vướng víu. Cố tìm hiểu chiến thuật rối mù của quân Việt, nhìn rõ "lầm lẫn" của họ mà không biết, chỉ là một cái bẫy. Họ có một trật tự thật hoàn hảo, tuyệt đối cho phép ông Giáp có hàng nghìn chiến lược nhìn ngoài như rời rạc, mâu thuẫn. Nhưng ông đã tính toán, phân tích tất cả. Sự rối mù ấy chỉ để làm chúng ta rối trí, phân tán, đưa chúng ta đến chỗ lãng phí phương tiện, dễ bị đánh, làm chúng ta không phòng vệ được. Và rồi, đừng quên chúng ta chỉ còn rất ít lực lượng mạnh. Ở Bắc Kỳ này các đội quân của chúng ta là một hộp mục ruỗng có đủ loại, tệ hại và thật tốt. Việc lẫn lộn tốt xấu có cả ngay trong vũ khí, trong các đơn vị. Như trường hợp đội quân thuộc địa với người Sénégal: có những tên tệ hại không chỉ bị giết vì hèn nhát mà vì hoàn toàn nhu nhược. Cũng có những chiến binh chống cự rất đẹp ở những bốt tiền tiêu Hà Nội. Đội quân viễn chinh quá ô hợp không thể liều được. Như vậy mặc dù là de Lattre phải rút ngay khỏi Tiên Yên, đó chỉ là một điểm phụ.

De Latour không làm hại thanh danh mình, trả lời Méric:

- Ông đến tại chỗ xem sao đã, ở Tiên Yên ấy.

Khi Méric hạ cánh với chiếc Morane, hoàn toàn vắng lặng: xung quanh không có người. Không một người lính. Im lặng và cảm giác quân Việt ẩn nấp đâu đó bên cạnh.

Méric biết mình đã thấy cái mình tìm, cái mình sợ. Hoàn toàn để mặc, chấp nhận tình hình, chịu đựng thảm họa.

Một cột số: "Tiên Yên: 3 cây số”. Viên đại tá đi bộ đến thị xã, đầu đội chiếc kê-pi xanh, vai đeo xà cột, mặc quần dài. Ông đến một con đò ở cửa sông hôi thối. Trên đò một người lính thất thểu, mơ hồ đưa tay lên mũ, hỏi:

- Ông ở đâu đến một mình như vậy, thưa đại tá?  Ở bờ bên này chúng tôi chẳng còn ai. Trên bờ trước mặt là thị xã cũng không có nhiều người nữa.

Qua sông là Tiên Yên. Vẫn không có nhóm dân cư nào. Chỉ là những nhà nhỏ, không một bóng người. Cuối cùng sở chỉ huy với lá cờ tam tài. Một lính gác chịu khó bồng súng chào. Chỉ huy quân khu biết công việc của mình, nói rất nhiều, độc nhất lặp đi lặp lại: "Hỏng hết rồi".

Ở rừng cũng hỏng đã mười ngày nay. Các khu đồn trú "chuồn" êm. Ngày 19 tháng chạp vừa qua, ngày mà ở Hà Nội trong cuộc diễu binh thật đẹp de Lattre thề thốt Đội quân viễn chinh của ông không bỏ một tấc đất, bốt lớn Đình Lập rút đi. Đấy là công trình của quân Pháp ở đầu đoạn đường số 4 mà người ta giữ lại sau thảm họa Lạng Sơn. Công trình ở đầu đoạn đường khoảng hai trăm hoặc ba trăm cây số. Rừng khắp xung quanh; nguy hiểm khắp xung quanh. Chỉ cần một lời đồn đơn giản: "Quân Việt đến" là cuộc di tản lại bắt đầu. Không có vấn đề gì. Người ta đi rất lâu trước khi các đội quân địch tới gần.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #447 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2020, 06:58:43 pm »


Mấy ngày sau, cũng vấn đề như thế ở Bình Liêu, một bốt cũng rất quan trọng kế tiếp đó, gần Tiên Yên hơn, khoảng mươi cây số, vẫn là sự lựa chọn giữa hai đường: tẩu thoát một cách xấu hổ hoặc chần chừ nguy hiểm. Ở đây ông "chủ" là một "vị chúa", không muốn bỏ chạy khi chẳng có gì trước mặt. Ông ta chờ và dĩ nhiên đi quá chậm. Từ đó là bi kịch. Bình Liêu bị vây hãm, bị tấn công, không còn tin tức của Bình Liêu. Đấy là logic của cuộc chiến tranh Đông Dương mà người Pháp làm đi làm lại.

Ở Tiên Yên, chỉ huy quân khu suy nhược, dù sao cũng nói với Méric: "Tôi đã cử một đoàn quân cứu viện, miễn không bị mất nốt". Người ta cũng không biết diễn biến ra sao, cách ở đấy khoảng một trăm cây số. Méric lại bay trên chiếc Morane nhỏ, cố đi tìm hiểu điều bí mật. Chỉ toàn rừng. Khi máy bay bay trên bốt, một đám người Việt từ những đổ nát chạy trốn. Chắc họ sợ đạn rốc-két. Từ đó đã chắc chắn: Bình Liêu bị phá hủy. Những người bảo vệ ra sao rồi? Đoàn quân cứu viện ra sao?

Méric chỉ còn bay trở về Tiên Yên. Máy bay theo con đường số 4, một vạch đỏ nhạt trên nền xanh của rừng. Đại tá nhìn ống nhòm, thấy quân chính quy Việt phục kích ở một ngọn đèo. Ông cũng thấy đoàn quân cứu viện nặng nề, đi dần vào bẫy. Viết vội một mảnh tin, ông gói vào túi vải vàng quăng trước tầm đoàn quân: "Người Việt nấp cánh các anh một trăm năm mươi mét. Chú ý cẩn thận"...

Trưa. Đoàn quân có nhận được tin cấp cứu không? Chẳng rõ. Họ tiếp tục đi đến Bình Liêu. Quân Việt đi xung quanh nhưng không tấn công, thậm chí để cho họ lấy lại bốt, một vỏ cháy đen. Người Việt chắc chắn quân cứu viện sẽ vào kéo lá cờ tam tài trên những đổ nát ấy rồi lại ra đi lúc năm giờ chiều, tránh cuộc đụng độ kinh khủng ban đêm. Các trung đoàn ông Giáp chờ cuộc rút lui ấy để tiêu diệt. Tất cả đã sẵn sàng và sẽ vào mười giờ đêm.

Đầu buổi tối. đoàn quân Pháp đã kiệt sức, cồng kềnh thêm bởi đàn bà, trẻ con và ngụy binh không biết từ đâu tới. Cả đoàn đi vào một lòng chảo giữa rừng. Quân Việt xuất hiện từ những cây to, bao vây, tấn công, sẽ là đòn kết thúc. Đoàn quân thoát nạn nhờ phản xạ của một đại uý, chăm chú tìm trong đêm tối - dịp may duy nhất là có một khe hở trong trận địa quân Việt. Ông nhận thấy phía bên trái có con sông rộng nhìn qua có vẻ không vượt được. Ông khẽ ra lệnh cho quân lính, truyền miệng từ người này đến người khác giữa tiếng ồn ào của trận đánh: "Chúng ta thử lội qua sông. Quân địch có lẽ không "bịt kín" bờ bên kia". Một số bị nước cuốn đi nhưng phần lớn của đội hình qua được. Những chiếc băng-ca nâng thương binh lên trên mặt nước. Tất cả diễn ra trong mấy phút. Bên kia sông không có quân Việt.

Tóm lại, trở lại không khí của đường số 4. Hình như người ta lặp lại những câu chuyện anh hùng nghèo nàn, nặng nhọc ấy, hàng chuỗi nhục nhã và bại trận. Cũng nỗi sợ hãi ấy ở từng người. Những người anh hùng trước hết buộc phải tự thắng mình. Trong các ban tham mưu lại lan tràn "chủ nghĩa Carpentier", không lộ liễu như trước mà kín đáo vì có vua Jean.

Méric đã báo cáo, điện về cho de Latour như thế nào? Dù sao ông cũng đã quyết định. Viên tướng cố can đảm gửi de Lattre một đề nghị cho áp dụng chỉ thị ngày 11 tháng 11. Chỉ thị của chính Carpentier.

Tất cả những điều đó de Latour và Méric kể hết với Salan và Beaufré, tai mắt của de Lattre vừa tới dây. Hai người này vẫn giữ lịch sự, lối lịch sự nguy hiểm. Quá lắm, hình như một trong hai người lẩm bẩm:

- Các ông nói muốn chống người Việt, vậy chỉ thắng được nếu tất cả binh lính phải là những người anh hùng. Nhưng để chỉ có những người anh hùng, phải chăng trước hết không lùi bước trước việc gì hết?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #448 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2020, 07:44:44 pm »


De Lattre đối mặt với "thất bại" của mình, những thất bại nhỏ. Việc mê hoặc không đủ. Kết hợp vuốt ve với giận dữ cũng chẳng hơn được. Đội quân viễn chinh vừa chứng tỏ sự không dày dạn, mặc dù sự xuất hiện đầy uy thế của ông, vua Jean. Lần này ông phải nắm lấy trong tay, xử trí bằng sức mạnh và bằng cuộc chiến. Không tha thứ điều gì. Lôi kéo họ vào máu và chiến thắng với bất cứ giá nào.

De Lattre một mình, đối mặt với chính mình, với các đội quân, với ông Giáp. Đêm quyết định. Nhưng tình hình nghiêm trọng không phải là lý do để thay đổi chương trình mà ngược lại. Còn có thời gian, ít nhất là mấy giờ để thực hiện giấc mơ mới cách đây không đến mười lăm ngày: nắm lấy Bảo Đại.

Lên đường ra Bắc Kỳ nhưng một lần nữa ghé gặp nhà vua. Ông này không ở Đà Lạt mà ở Buôn Mê Thuột. Điều ấy muốn nói lên tất cả. Việc ông có mặt ở đây đã là một tiếng "Không". Vì ông không lo công việc mà vui chơi, trong một khu rừng cảnh trang để tiệc tùng, đi săn và ngủ trưa dưới bóng những cây phượng vĩ. Bảo Đại tiếp viên tướng tổng chỉ huy trong căn nhà bên hồ, giữa cảnh hoang dại nên thơ, bên cạnh đầm lầy cổ như từ thời cổ.

Những nghi lễ từ chối. Bảo Đại càng ít muốn lao vào khi những khởi đầu cuộc chiến không chắc chắn. Những gì xảy ra ở Vĩnh Yên và Tiên Yên cho đến nay không mấy hứa hẹn. Dù sao cũng phải chờ xem ông Giáp hay de Lattre mạnh hơn.

Những kiểu cách hoàng gia đánh lừa vị tướng. Ông đi tấn công. Ông bốc lửa. Chiếc Dakota lại cất cánh. Không giận dữ, chỉ là những mệnh lệnh. Thậm chí hơi vui thích - thử kiểm soát bản thân mình: "Beaufré đừng chờ tôi, hãy đi chỉ huy hành quân ở Tiên Yên. Anh này chuộng mốt thích tước vị. Nếu thành công cho làm quận công ở Tiên Yên. Anh ta sẽ thành công vì khi có mình đứng sau, anh ta thực sự thông minh." Đối với Salan, những bức điện không chắc chắn bao dung. Ông ta bị nghi ngờ không đánh giá tình hình đúng theo cách de Lattre. Và vì sao lại có một phó vương khi de Lattre đến làm vua ở Bắc Kỳ. Ở Hà Nội Salan hiểu ngay ý nghĩa của những bức điện. Ông nói: "Tôi bình tĩnh. Tôi cần bình tĩnh hơn nữa". Trong lúc chờ đợi thời cơ tốt hơn, ông quan lại này vào trong tháp ngà của mình.

Ngày 31 tháng chạp. De Lattre khởi đầu chiến dịch của mình ở Bắc Kỳ. Lệnh cho đội bay: "Không đi Hà Nội. Đậu xuống Hải Phòng, thật gần chiến trường." Ông mở màn cuộc "chiến tranh lớn" của ông như thế trong hải cảng thực dân này, hải cảng nhân tạo những xí nghiệp, bùn lầy, những máy nạo vét sông, dùng làm căn cứ hậu phương "trận đánh lớn" của ông ở Tiên Yên,

Ông cần gây một đòn bất ngờ, một đòn tâm lý bất ngờ chưa bao giờ có. Giận dữ và có ý tưởng, ông không tỏ thái độ gì. Đến nơi ông nhẹ nhàng bảo: "Tập hợp cho tôi tất cả các sĩ quan của căn cứ. Tôi muốn gặp từng người một". Những người có cấp bậc, từ trung uý đến đại tá xếp thành hàng, ngỡ ngàng tiến đến trước mặt vua Jean đứng chào. Vị tướng hỏi từng người, có vẻ thường tình: "Trong tháng mười năm 1950 anh ở đâu?" Với giọng nói vô tư và đôi mắt đáng sợ nhất ông thể hiện thích thú, dữ tợn ghê gớm mỗi giây ông chờ một người khốn khổ khẽ nói: "Tôi ở Lạng Sơn - ở Lạng Sơn à? Lên máy bay về Pháp. Ghi tên anh ta, Allard”.

Bỗng giữa những giọng nói khổ sở ấy một gã lực lưỡng dập gót giày hô lớn: "Vâng, thưa đại tướng, thời gian ấy tôi cũng ở Lạng Sơn. - Tên anh là gì? - Tharaud. - Tôi đuổi anh đi. Anh là người đi đầu tiên". Lúc ấy, tùy tùng chính của ông, de Royer ngắt lời de Lattre: "Thưa đại tướng, không thể được. Trong Đội viễn chinh không ai hơn Tharaud, không có chiến binh nào dũng cảm, được khen thưởng, được đánh giá cao hơn. - Bất kể, anh ta cũng phải đi. Tất cả những người của Lạng Sơn và đường số 4 là những kẻ hèn nhát. Tôi xấu hổ vì họ. Tôi muốn ở Đông Dương của tôi không còn một người nào như họ nữa, thậm chí không một cai, lính nào. - Thưa đại tướng tôi sẽ cùng đi với anh ấy vì tôi cũng đã có mặt ở Lạng Sơn. - Đồ ngốc, ở lại vậy. Nhưng anh phải hiểu có những điều không xóa đi được, phải giết chết cả kỷ niệm đi. Lạng Sơn không chỉ là một tội ác mà còn là mối nguy hiểm lây nhiễm. - Giữ Tharaud lại chứ, thưa đại tướng? - Để rồi xem, đồ ngu".

Màn kịch lớn thất bại vì "con sâu" de Royer. Và rồi vì Allard giải thích sự trục xuất hết những người ở biên giới sẽ làm lộn xộn tổ chức quá nhiều tiểu đoàn. Không phải là lúc làm như thế được. Vị tướng đành nén giận vào lòng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #449 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2020, 07:48:58 pm »


Cơn giận tiếp tục ấp ủ, thậm chí ôi thiu khi hình dung hết sự nhục nhã của Lạng Sơn. Năm lính lê dương Đức tả lại với ông, họ bị cầm tù ở đấy và đã trốn thoát khỏi thị xã hoàn toàn trống rỗng ban ngày. Quân Việt và dân chúng rời bỏ thị xã lúc vừa sáng để lên núi, chen chúc trong các hang động. Họ sợ máy bay Pháp sau khi mất Lạng Sơn ba tháng vẫn ném bom những kho vật liệu mênh mông hậu cần bỏ lại. Chỉ ban đêm họ mới về thị xã ngủ. Thường xuyên ở lại đó chỉ có bốn trăm tù binh quân viễn chinh, những người mạnh khỏe nhất bố trí thành ba trại, trại lê dương ở trong một nhà thờ Hồi giáo cũ, trại Bắc Phi trong một nhà xe, trại "lính Pháp" ở Sở Thủy lâm cũ. Họ được chia thành ba đội lao động. Nhiệm vụ của họ là chất những trang bị, đạn dược, vũ khí bỏ lại lên những chiếc xe do người Trung Hoa lái. Các đoàn xe rỗng từ Trung Quốc sang, ra đi chất đầy khí cụ sẽ được phân phối cho các đơn vị Việt Minh hoàn thành tập huấn trên đất Mao Trạch Đông. Cứ như thế họ trở về mặt trận trước Hà Nội đúng lúc cho trận đánh quyết định.

De Lattre kêu lên: "Do hành động ô nhục của vụ Lạng Sơn quân địch sẽ giết quân Pháp bằng đạn dược Pháp, vũ khí Pháp. Làm sao tha thứ được cho những kẻ thiếu trách nhiệm? Họ vấy bẩn quân đội Pháp."

De Lattre đã nghĩ tổ chức một cuộc duyệt binh để khen thưởng những người hùng này nhưng rồi từ bỏ ý định ấy. Họ chỉ muốn sống sót thôi, thậm chí đã phản bội, làm phu khuân vác trong thảm họa. Chẳng ai lạ gì những trường hợp ấy. Những người trốn khỏi Lạng Sơn không có vấn đề bồi dưỡng lại sức khỏe ở Pháp. Vừa được tóm lại, họ vào các hàng ngũ lê dương để tiến hành cuộc chiến tranh của ông.

Trạng thái muốn lấy lại sức lực. Mới đến Hải Phòng chưa đến hai tiếng đồng hồ nhưng ông cần ngay một chiến thắng. Không chuẩn bị trước, ông họp ban tham mưu ngay tại sân bay, ăn bánh nhân thịt. Allart, Cogny và Salan vừa ở Hà Nội xuống; ông bảo: "Tôi muốn các anh cho biết nên phòng thủ Tiên Yên như thế nào? Làm sao đập tan được quân Việt ở đấy?" Không có trả lời. "Tôi đến tại chỗ xem sao". Nhưng chẳng có gì sẵn sàng; không có máy bay rảnh. Tìm máy bay rảnh. "Tìm máy bay cho tôi". Mấy phút sau những chiếc Morane nhỏ chở de Lattre và những đầu lớn đi. Allard chuẩn bị lên một chiếc, chắc chắn, như có quyền vì là tổng tham mưu trưởng. Giọng nói của de Lattre cắm ông xuống đất: "Anh không có chỗ. Tôi chỉ muốn những người có ích, các nhà báo". Vị tướng cần báo chí hơn ông nhiều. Ông cũng đạo diễn sân khấu với quân đội để cả thế giới phải nói đến việc trình diễn của ông: đại tướng de Lattre de Tassigny trên một vị trí tiền tiêu cùng với quân lính.

Đoàn bay theo hình chữ V, đi đầu mũi nhọn là chiếc Morane của vị tướng. Tiếp đó, ở hai bên là bốn chiếc chở các phóng viên. Máy bay tiến lên như những đồ chơi nhỏ, ú tim trên những ngọn nham nhở cây cối vùng núi Đông Triều. Phong cảnh thật đẹp. Xa xa, những tảng đá của vịnh Hạ Long, đồ sộ, được đại dương tỉa gọt. Bên dưới những mỏ than lộ thiên Hòn Gai, một tảng bánh màu đen do máy cắt thành mảnh dài. Xưa kia than được hàng nhiều nghìn cu-li khai thác chỉ với "thúng mủng". Nhưng từ khi những đám người Châu Á nổi dậy, những nhà tư bản Pháp thích máy cào, máy ủi đất hơn, đắt hơn nhưng không ám sát. Thậm chí nhờ vào những cỗ máy đồ sộ mua hàng tỷ đồng, mỏ than được khai thác rầm rộ dù ở gần các tiểu đoàn quân Việt.

Tất cả trở thành dày đặc, sẫm màu hơn. Rừng bao quanh mặt nước như đêm tối. Giữa trưa. Đoàn bay đến trên một vịnh bùn lầy thu hẹp dần chỉ còn là một cửa sông, một con ngòi quanh co trong núi rừng. Và rồi một vệt trắng: Tiên Yên.

Đường băng đầy cỏ của sân bay. Đồi núi dốc đứng, chắc có nhiều quân Việt. Không là Méric mà vua Jean đến. Thực địa thật thảm hại nhưng rất khác: màn kịch hài những quân lính bất ngờ, sửng sốt, sợ hãi nói với nhau: "Ông ấy đấy, làm thế nào đây?" Có tất cả làm de Lattre nổi giận, nét đẹp của tính khí ông. Nhân vật đầu tiên chỉ vào là một nhà báo không thuộc về ông, không do ông đưa tới mà có ở đây ông không biết. Một chàng trai rất trẻ, trán cao, mặt kéo dài với một bộ râu nhỏ. Loại khốn khổ, trí thức khốn khổ. De Lattre kêu lên: "Tôi không biết anh. Anh không tồn tại. Anh không tồn tại. Anh làm gì ở đây?" - Tôi đã đi nhiều ngày đêm, theo các đội quân Pháp nhiều tuần lễ; đã lấy và mất Thái Nguyên cùng với họ." Anh ta lẩm bẩm, ốm yếu, quần áo luộm thuộm thân hình như một bộ xương, vầng trán cao đầy nếp nhăn mệt mỏi, chỉ còn đôi mắt ánh lên. Anh nói: "Thay vì ở lại trong thành phố và bên cạnh các ban tham mưu để chờ đợi tôi đã thấy chiến tranh, mô tả nó. - Nhưng không ai đưa đến cho tôi một bài báo nào của anh. - Những bức điện của tôi không đến nơi. Gửi chúng đi trong quá trình hành quân thật phức tạp. Và rồi việc kiểm duyệt... - Tôi chẳng cần. Anh không được phép. - Có chứ." Người kia đưa ra một tờ giấy phép, do Carpentier ký đã một tháng. "Tấm giẻ rách này là cái gì? Anh điên rồi. Anh là một nhà báo vụng trộm. Cạo râu đi anh bạn. Và khi trên mặt anh không còn mớ bụi cỏ chán ngấy, xứng đáng là anh râu ria xấu nhất trong đám tượng người chết năm 1914 xấu nhất, anh đến xin chữ ký tắt của tôi, của riêng tôi mới có giá trị ở Đông Dương. Ngày mai, tại Hà Nội. Bây giờ thì anh đi đi, biến thật nhanh để tôi không thấy anh nữa hoặc tôi sẽ cho bắt anh như một kẻ do thám". Người phái viên đặc biệt, vì đấy cũng là một, mở miệng cãi về quyền của mình. De Lattre vung tay như chiếc cối xay gió: "Lôi anh ta đi, lôi anh ta đi". Việc ấy được làm ngay. Đôi tay của vị tướng không quay nữa, nó trở lại để yên.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM