Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:07:07 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84890 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #430 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2020, 07:50:59 pm »


Đại tướng và bộ trưởng được bố trí trong giàn hợp xướng. Quì gối, họ cầu nguyện. Letourneau cúi đầu thành kính, de Lattre đầu thẳng. Nhưng vì nhún nhường hay tự cao mà vị tướng đã chọn thánh đường khốn khổ này để chúc mừng Chúa Trời? Nếu vì tự cao, ông đã bị trừng phạt. Chúa không đợi ông. Buổi lễ bắt đầu không có ông vì tới chậm. Đến nơi chính ông phải "đợi mãi" trước cánh cửa khép kín cho đến lúc làm lễ dâng bánh Thánh. Lúc ấy ông mới vào được. Lần này ông bị đánh bại.

Cả buổi tối ông đi từ khu đồn trú này đến khu đồn trú khác không để lơi quân lính. Hai lần tuỳ tùng de Royer lưu ý ông về thời gian trôi qua: linh mục đã báo trước buổi lễ bắt đầu đúng mười hai giờ đêm, dù có mặt đại tướng hoặc không. Ông chỉ càu nhàu với de Royer: "Điện cho ông ấy làm chậm buổi lễ lại. Tôi ra lệnh cho ông ta đấy". Vị tướng không vội. Ông tới nhà thờ Tử vì đạo lúc mười hai giờ mười lăm, đụng phải cửa vào đã khóa và người ta không mở. Buổi thuyết giáo đã bắt đầu. Và trong Gia tô giáo, chặt chẽ, tuyệt đối áp dụng ở Việt Nam đối với những người Việt Nam, luật lệ là các cửa đóng kín cho đến cuối buổi de Lattre giận dữ vì đã quen với những thể thức ở Châu Âu. Chẳng làm gì được. Vị tổng chỉ huy, bộ trưởng, các sĩ quan, những người của ông đứng từng nhóm trên sân giáo đường. Phải mất mười phút. Tái mặt, de Lattre tự hỏi có nên bỏ đi như ông thường làm khi không bằng lòng với bất cứ ai, vua hoặc bộ trưởng. Không thể được vì đây là Chúa Trời. Chỉ còn cằn nhằn mấy câu mạt sát giới tu sĩ.

Việc đền tội kết thúc. Khi vị tướng vào, chẳng còn oán giận nữa mà chỉ còn niềm tin. Ở nhà thờ Tử vì đạo, ông cầu Chúa như một người cao cả, tập trung và bất động. Đối mặt với Chúa Trời ông chấp nhận là bề trên. Chính Chúa đã đưa lại cho ông những gì xảy ra trong đêm nay, "lý do chính đáng” của ông, cả cuộc chiến tranh này. Chắc ông cũng có xin người giúp đỡ.

Phía sau de Lattre và các quan chức là lớp người vô danh, cầu nguyện với một niềm tin tuyệt vọng. Đây là đám đông cùng khổ nhất đến đầy ngôi nhà các loại quân chủng và màu da. Một vài dân thường Pháp, hầu hết di tản và chưa trở lại Hà Nội. Mọi người tham dự vậy là thuộc lớp người thứ hai và phần đông là dân quê. Nhưng những quân nhân khiêm tốn và những lớp trẻ vô danh đều căng thẳng khi cầu nguyện. Những người thấy cái chết, cùng kêu gọi Chúa về những mối nguy hiểm và những lời cầu cứu. Tất cả khẩn cầu bảo vệ, đầu cụng vào nền bê tông, bàn tay nắm chặt và đôi môi thì thầm. Một cảnh tượng thời Trung cổ.

Niềm tin kỳ lạ này là nỗi sợ hãi thăng hoa. Làm sao không nghĩ đến những gì diễn ra lúc này trong bóng đêm vùng châu thổ! Những giáo dân trong làng tổ chức những buổi lễ bí ẩn trong các nhà thờ kiên cố, linh mục da vàng khuyến cáo nỗi căm hờn những người "cộng sản không theo đạo”, các bà ngồi xổm kêu gọi trả thù, chiến binh co quắp người với súng sau lỗ châu mai. Lính đồn trú ở các bốt Pháp không làm lễ. Đêm Giáng sinh này không có vấn đề đình chiến; khác với những năm trước, quân Việt không đề nghị, Giáng sinh của những người lính chiến là mấy chai rượu và thức ăn giữa vũ khí đã lên đạn. Vào giờ này có những bốt bị tấn công, có lẽ bị qụy. Trong toàn vùng châu thổ phải làm mọi động tác chiến tranh. Các đội tuần tra tiếp tục lên đường để bắn giết.

Ban đêm trên đồng ruộng, có câu chuyện Giáng sinh thật và lạ lùng. Một chỉ huy biệt kích bố trí quân, những ngụy binh Gia tô giáo phục kích. Phải tiêu diệt một đoàn xe Việt Minh sẽ đi qua lúc nửa đêm theo một nguồn tin chắc chắn. Nhưng về khuya, chuông nhà thờ gọi cộng đồng giáo dân đi dự lễ Chúa hài đồng; Ngụy binh ra khỏi nơi ẩn nấp đang chĩa súng, nói với người Pháp: "Đấy là tiếng nói của Chúa. Không lắng nghe sẽ là một tội chết. Phải đến nhà thờ cầu nguyện. Chúa sẽ ban thưởng cho chúng ta: nếu đêm nay chúng ta tha cho người Việt, ngày mai chúng ta sẽ giết được gấp trăm lần".

Viên hạ sĩ cố giữ đội hình, nhận mọi tội lỗi về mình, đưa mọi người trở lại chỗ ẩn nấp. Tất cả lại lẫn vào đêm tối và thiên nhiên. Bùn, thân hình ngụy trang, miệng như không còn hơi thở, tay nắm tiểu liên chờ nhả đạn. Cách mấy trăm mét trên đường bờ ruộng có ánh lửa nhấp nháy. Đoàn quân Việt tiến lại, gần rơi vào bẫy. Người Pháp sắp hô "Bắn". Thay vì tiếng súng nổ là một bài thánh ca vang lên, ngay trong bóng tối và trên đồng ruộng. Các ngụy binh hát bài "Nửa đêm giáo dân" vì giờ linh thiêng đã tới. Khi họ im tiếng thì quân Việt chạy đã rất xa, thoát nạn. Và đúng là ngày mai những ngụy binh, giáo dân ấy, cũng nhân danh chiếc thập tự, chặt thành khúc những du kích rơi vào tay họ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #431 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2020, 07:53:11 pm »


Cũng có phép lạ Giáng sinh, của hai trung uý dù Kermarec và Leduc. Họ tạ ân Chúa vì được cứu một cách kỳ lạ. Hai người vừa thoát khỏi một trại Việt Minh. Hôm trước khi lê lết cho đến Hà Nội, họ là hình ảnh của người bị bắt và thất trận. Quần áo rách nát, râu tóc rối bù bẩn thỉu. Qua thân hình và đôi mắt chỉ là những nét ảm đạm, mệt mỏi, những vết thương và sẹo, cáu bẩn. Tinh thần, tri giác ngây dại đến mức phải hàng giờ để hiểu ra mình đã tự do, ở giữa những người Pháp nhà mình và trên khuôn mặt bạc nhược ánh lên một nét vui mừng. Những người Pháp tiếp nhận, hỏi họ phải rất lâu mới tin vào điều họ kế lại.

- Chúng tôi bị bắn trên đường số 4 ở Đông Khê, bị giữ lại trong một làng Mèo vùng cao Bắc Kỳ, giữa rừng núi. Tất cả tám sĩ quan. Được đối xử tử tế. Thế nhưng là sự tiêu hao, kiệt sức, hấp hối kéo dài nằm trên đất trần trong những ngôi nhà tranh. Thân thể chúng tôi bị thiên nhiên nhiệt đới hành hạ, đầu óc ngập trong những bài học buồn chán về duy vật biện chứng nhằm "cải tạo tư tưởng" chúng tôi; cán bộ chính trị là những viên chức chế độ thuộc địa cũ nhiệt tình giáo dục lại chúng tôi.

Trong tám người sĩ quan, hai bị chết về sốt rét, kiết lỵ và yếu sức. Không có thuốc men. Sáu người còn lại chúng tôi chỉ nghĩ làm thế nào để sống sót. Phải trốn khỏi xóm làng này trước khi được đưa đến các trại tù binh, những bệnh xá khoa học chữa trị những phản động và đế quốc cho đến khi trở thành "những người mới", rửa sạch "con người cũ".

Chúng tôi ở trong ngôi làng xa vắng, có một ám ảnh trốn thoát. Trong sáu người, ba đã là cảnh hấp hối, tàn tật, không cố được, ba còn có sức liều đi. Những việc chuẩn bị sơ đẳng, thăm dò, vẽ một bản đồ tương đối.

Chạy trốn. Chúng tôi bò trong bóng tối ban đêm và rừng núi mờ sáng ẩn mình vào cây cối. Không biết bao nhiêu đêm lướt nhanh trên đường mòn, bao nhiêu ngày nấp trong rừng rậm. Không còn biết mình ở đâu. Không còn gì ăn. Sức lực yếu dần. Lúc ấy chúng tôi dừng lại trước nền đường sắt Vân Nam cũ, cây cối choán hết đường. Một trạm gác của người Việt. Một trong chúng tôi bị bắt; hai chạy sâu vào rừng.

Tiếp tục những đêm đi bộ, đói khát, sợ hãi. Bỗng rồi, không còn rừng nữa. Trời sáng. Vùng châu thổ trống trải với dân quê đông đúc, không trông thấy nhưng cảm nhận họ rất gần đấy. Họ lao vào chúng tôi, dẫn tới trước một cán bộ, một uỷ viên chính trị. Chúng tôi không biết hôm ấy ngày lễ Giáng sinh, thế mà đối với chúng tôi là phép lạ của đêm thần thánh. Ông cán bộ Việt Minh, thay vì nghi ngờ, rất tử tế hỏi chúng tôi: "Chắc các anh là tù binh được trả về với người Pháp theo sự khoan hồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh? - Vâng. - Các anh có giấy chứng nhận không? - Có nhưng đang ở chỗ một anh bạn quá kiệt sức chúng tôi phải để lại cách đây mấy cây số. - Được rồi, tôi sẽ cho người dẫn hai anh đến trước một bốt Pháp. Các anh nghỉ cho lại sức và uống nước đi trong lúc chờ đợi.” Ông cán bộ cho chúng tôi một người đưa đường, chúc may mắn và từ biệt chúng tôi. Đúng là cuộc sống, sự hồi sinh, Chúa Trời đã cứu vớt chúng tôi.

Thành phố Hà Nội vẫn như chết, đường sá vắng lặng. Đèn tắt từ lâu trong những quán bar cuối cùng. Nhưng trong các khu đồn trú là đèn, tiếng ồn ào, thú vui, lễ hội anh hùng. Vì thế sau khi tôn vinh Chúa của quân đội trong nhà thờ Tử vì nạn, de Lattre chuyển sang hoạt động quân sự: đến với các đội quân. Cho đến mờ sáng ông đi kiểm tra các bếp ăn của những tiểu đoàn xung kích lớn, lực lượng dự trữ cao nhất ở Hà Nội.

Mỗi binh chủng có những lễ Giáng sinh đặc biệt. Đấy là đêm hôn lễ của de Lattre với Đội quân viễn chinh. Ông đến để mê hoặc họ. Ông cũng bị cám dỗ. Từ nay ông gắn bó thân mật với tất cả những người lính đánh thuê ấy, những kỵ binh, lính dù, lê dương - họ có một tính cách cao cả của họ.

Trong đêm Giáng sinh này ở Hà Nội, de Lattre xúc động sâu sắc, rung cảm về tinh thần yêu nước và duy mỹ của mình. Con người thiếu nhiệt tình về con người đến thế tìm thấy ở đây những chiến binh lý tưởng. Những người chỉ quan tâm đến thái độ, đến một cách xử sự bắt buộc và gần như hoàn hảo. Có nhiều loại. Ông thích thú thái độ kiêu kỳ và kính cẩn của kỵ binh, về "cánh" của họ. Ông thích thú sự nóng nảy quá đáng của lính dù, những tên vô lại cao thượng. Ông thích sự lặng lẽ tự cao của lính lê dương, những tay hầu phòng danh dự. Ông biết để đi đến kiểu cách ấy phải vừa có lề thói ngàn đời vừa đụng chạm với hiện đại. "Những con vật" thật đẹp!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #432 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2020, 07:54:59 pm »


De Lattre sung sướng. Sẽ dễ dàng tác động những con người như vậy, làm theo ý muốn, sở thích của mình. Riêng một mình ông sẽ làm công việc của tất cả những uỷ viên chính trị ở quân Việt Minh. Riêng một mình, ông sẽ giáo dục lại toàn bộ với những phương pháp không phải theo biện chứng pháp mà theo Gia tô giáo. Cách nào cũng thế cả.

Dĩ nhiên de Lattre đang thăng hoa. Vừa thật thà vừa mưu mẹo. Từ nay ông quất vào người của mình với Thánh tín. Ông cũng dùng mọi biện pháp đã biết mơn trớn những yếu điểm của con người, những tự hào, quyền lợi vốn là truyền thống trong quân đội. Những chùm sao băng, rừng lá cọ - những biểu hiện khen thưởng khéo phân phát làm nổi giá trị con người. Từng chuỗi tăng lương, bổ nhiệm, nâng cấp chỉ huy. Quân đội cũng từ điều ấy.

Tiền bạc, ông khinh ghét, nhưng cũng là một biện pháp. Đấy là dây thần kinh của chiến tranh và với danh nghĩa này ông cần rất nhiều. Những quyết toán chính thức ông không quan tâm nhưng ông chú ý nhiều về những quỹ mật. Triệu tập những quản lý lên, bao giờ ông cũng hỏi: "Trong quỹ anh có bao nhiêu?" Và ông hoan hỉ nếu két còn đầy.

Hà Nội. Chương trình khắc khổ. Cũng có chương trình rất sang trọng. Phải chăng vua Jean cần có một khung cán bộ xứng đáng với ông, với cuộc chiến tranh, với nước Pháp? Tóm lại là sự đơn giản trong cái đẹp. Đẹp người, đẹp các đội quân, đẹp các cuộc hành quân, đẹp của những cái chết đẹp. Sở chỉ huy của các đội cơ động sẽ là những "trại thảm vàng". Trong thành phố phải có cho ông một "ngôi nhà Pháp" của ông. Đã có một lâu đài thuộc địa nhưng ông để trống, dành cho Bảo Đại, nghĩ có thể nhử mồi. De Lattre chọn một khu các biệt thự của "nhà máy bia và nước đá Đông Dương", một công ty tư bản thu lãi lớn nhất ở Đông Dương, giải khát cho quân lính đến tận rừng sâu. Vậy là công bằng khi lấy của các tỷ phú này những ngôi nhà đẹp nhất của họ ở Hà Nội. De Lattre sẽ sử dụng với những tiện nghi tuyệt đẹp, làm thánh đường của mình. Trước mắt ông đi thăm các ngôi nhà đẹp với kịch bản quen thuộc: mắng chửi các quản lý, hỏi han các bồi v.v... Ở đây cũng phải thay những gì sẵn có cho đến những lọ hoa. Tìm lời nói cao cả thanh minh cho cách làm của mình, ông tuyên bố: "Tôi không muốn thừa hưởng bụi bặm của các nhà buôn, lợi dụng Đội quân viễn chinh. Họ bán "nước giải khát tồi" cho quân lính của tôi, không những chỉ trả bằng tiền mà cả bằng máu. Ở đây, tôi muốn là nước Pháp thực sự."

Như vậy de Lattre tạo ra cả một địa lý về thể chất và tình cảm cho cuộc Chiến tranh Đông Dương của ông. Từ nay vị tướng sẽ ở luôn tại Hà Nội nhân danh chỉ huy cuộc thập tự chinh. Vợ ông khi đến cũng sẽ ở đây, con trai ông cũng gần đấy. Ở đây ông vượt lên giữa triều đình của mình, giữa đoàn quân chiến đấu, giữa trận chiến. Và ông sẽ sung sướng ở đấy cho đến khi bị đè bẹp vì sức nặng cố sức.

Một tháng mê hoặc. Một tháng chèo kéo dụ dỗ. Hà Nội được chọn như Thánh địa. Nhưng de Lattre luôn quay cuồng như một dã thú trong Đông Dương. Để hoàn thành công việc. Ông cũng cần những nhà báo chịu khuất phục cũng như những quân lính cuồng tín, những ông vua nhiệt tình. Ông nói rất đúng và là quân nhân đầu tiên khẳng định: "Đưa lại chiến thắng làm gì nếu thế giới không biết đến, nếu người ta không đọc những chuyện kể lại trên báo, với hàng tít lớn. Đánh quân địch là tốt, đánh vào trí tưởng tượng của người ta còn tốt hơn". Và ông trở lại Sài Gòn để tán tỉnh các phóng viên chiến tranh, những người đích thực.

Có những người giả danh. Năm mươi nhà báo có lon trong đó năm đại tá mà Carpentier đã cay đắng do thiếu thông cảm của những phái viên đặc biệt, những nhà chuyên nghiệp viết bài. Họ không "đi vào" những dối trá và những bí mật yêu nước. Ông thành lập một bộ máy biên tập khổng lồ mà mỗi lần xuất bản báo phải qua sự kiểm duyệt có hệ thống. Tám lần phê duyệt liên tiếp kết thúc bằng sự chuẩn y cua chính tổng chỉ huy. Tổng kết lại: nhiều trăm triệu bỏ ra không một dòng chữ được in ấn.

Giận dữ, de Lattre bỏ việc làm ngu ngốc ấy mà Carpentier rất tự hào. Ông kêu lên: "Lên tàu. Không. Đi máy bay. Thanh toán họ càng nhanh càng tốt. Tôi không muốn những phóng viên thực thụ phát hiện ra những tay giả danh bạc nhược này. Không muốn họ gặp, họ trông thấy chúng. Vì họ sẽ bất bình hoặc chế giễu chúng ta. Tôi biết các ông báo chí ấy. Nếu xử sự tệ họ rất hung dữ. Còn tôi, tôi sẽ quan hệ tốt với họ, bằng bất cứ giá nào."
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #433 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2020, 07:57:05 pm »


Trực giác kỳ lạ của de Lattre. Ông biết từ nay ông không thể chống lại giới báo chí hiện đại. chế ngự hoặc mua chuộc họ một cách thô lỗ. Việc ấy quá sức mình, quá sức nước Pháp. Đấy là một kỹ thuật mới và ghê gớm mà người ta không thực hiện lề thói dối trá cũ được nữa. Không thể buộc báo chí im miệng, phỉnh phờ lá cờ tam tài, gian dối, nông nổi nhân danh Tổ quốc, quân lính và các tướng, lý do đúng và cái chết đẹp. Tương lai phải đưa ra sự thật, ít nhất một sự thật phù hợp với mọi người. Phải tạo ra những bí ẩn chấp nhận được. Nhất là biết nắm lấy tầng lớp phái viên đặc biệt. Công việc buồn cười đối với một vị tướng năm sao?

Giai đoạn thứ nhất, tàn sát các "nhà báo" quân đội. Một người duy nhất thoát được. Một "tên Do Thái bẩn thỉu” như de Lattre trìu mến nói. Và thường ông thêm: "Tay ấy giỏi đấy. Thậm chí anh ta tìm được cách trở thành trung uý kỵ binh". Nhiệt tình ấy càng khác thường vì nhân vật này có mọi cái để người ta không thích: hình ảnh phác họa của một người Israel trẻ quá cơ hội, khuấy động, quá đà trong "nịnh hót" cũng như khiêu khích. Hơn nữa lại nhỏ người, xấu, hơi nâu, gầy, nguồn gốc không rõ ràng. Anh ta liều lĩnh xum xoe bên cạnh de Lattre và vị tướng bị chinh phục. Ông tuyên bố nửa tự hào nửa đùa cợt: "Tôi cũng sẽ có một tay Do Thái của mình." Vả lại phải chăng đấy là truyền thống của những ông vua có tiếng nhất ở Pháp? Và rồi gặp anh ta ở đâu cũng đối xử tốt.

Vị tướng nóng nảy và anh Do Thái tế nhị hiểu nhau ngay. Hơn nữa anh này mang đến một ý tưởng, phỉnh phờ:

- Thưa đại tướng, tên tuổi ông trải khắp những tờ báo trên thế giới chưa đủ. Khuôn mặt ông cũng phải có ở đấy. Làm sao để người ta bị ám ảnh về hình ảnh, cử chỉ, lời nói cua ông, về quân lính, trận chiến, Đông Dương của ông. Tất những cái ấy phải đưa vào ảnh, vào phim. Tôi đề nghị ông hình thành phòng báo chí của quân đội, mà ông và người của ông là những ngôi sao. Tôi đảm bảo sẽ làm ngập thế giới bằng phim ảnh của chúng ta.

- Thế nào? Một de Lattre cắn môi ngay, hỏi.

- Các nhà báo viết bài trong phòng sau một số cuộc đi dạo thu thập nguồn tin bất cứ ở đâu, bằng cách nào. Họ không cần bị giết, không thích thế. Nhưng "bấm máy" thường là công việc chết người. Theo dấu vết của ông để chụp ảnh, đồng ý. Nhưng sẽ ít người chuyên nghiệp đi vào giữa những trận đánh nhau, chết chóc. Tôi sẽ tìm được những hạ sĩ, đưa máy cho họ, họ sẽ xông xáo giữa trung tâm trận địa. Một đội lê dương về phim ảnh.

- Anh có biết gì về việc ấy không? Ví dụ phải chụp ảnh tôi ở góc cạnh nào?

- Luôn luôn ở mặt nghiêng bên trái. Đấy là đẹp nhất, gây ấn tượng nhất.

- Lạy Chúa, đúng quá!

Vậy là chàng trai được sử dụng, đưa vào lớp người thân cận. Anh ta mau chóng trở nên cần thiết đối với vua Jean, luôn luôn phải có mặt. Mặc dù vị tướng chửi mắng hầu như hàng ngày, anh không nao núng.

Nhân vật này ngày càng thắt đai, đi bốt, thượng võ, mặc quân phục, vươn lên như một con gà trống, nhưng không thái quá. De Lattre không muốn anh thực sự trở thành một chiến binh cao quý. Ông bảo: "Đừng làm hội hóa trang, đừng tự biến thành anh hùng mà tạo nên những anh hùng". Điều này anh rất thành công. Nôm na và tinh quái, anh sản xuất hàng loạt ảo vọng, huyền thoại, vinh quang, mọi vẻ đẹp khắc nghiệt của chiến tranh với các dạng hưởng thụ, những cử chỉ đẹp và cái chết. Muốn thế phải tìm kiếm sự thực đổ máu dĩ nhiên đã được thu xếp lại, trình bày tốt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #434 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2020, 07:58:34 pm »


Kẻ mới nổi lên trong lớp thân cận này không tự mình thực hiện. Vì de Lattre có năng khiếu kẻ buôn người, ông có bản năng xây dựng người. Về người thừa hành ông lựa chọn từng người một trong số người thường, những anh cai có vấn đề, những dân thường lê dép, buộc phải ký hợp đồng với quân đội. Ông, khô khan và nhất là không lố lăng, tạo dựng được một đám đông những kẻ điên, cuồng tín, những kẻ ngông cuồng với ống quay. Những người đi săn hình ảnh ấy, chỉ vũ trang bằng máy của mình và những thủ thuật, mê say, có bao nhiêu người? Vài chục, có lẽ ba chục. Là cuộc chạy đua tự sát, cuộc chiến cao độ không bảo vệ. Lính dù thoát thân bằng nhấn vào cò súng tiểu liên, đại liên; về phần họ, giữa những trận đánh dữ dội nhất - những điều họ thích, họ tìm kiếm - bấm nút sản xuất ra những bức ảnh.

Họ đúng có tính chất hiệp sĩ. Bẩn thỉu, luộm thuộm, những chàng trai này không cần đến những gì quân lính dữ tợn nhất quan tâm: việc khen thưởng và thăng cấp. Họ chẳng mong chờ gì. Người ta trả công kém, đối xử theo cách những người cấp dưới. Một loại khinh khi bao lấy họ của vô số những sĩ quan tiêu chuẩn. Họ gần như là rác thải trong quân đội.

Vậy là họ thăng hoa, hoàn toàn vô tư. Cuộc chiến tranh này là sự đam mê, vui thích của họ. Vấn đề của họ là sự quý mến của những đồng bọn phim ảnh, của những chiến binh khó khăn nhất: lê dương, lính dù, vốn phán xét không thương xót. Nhưng họ phải làm sao để được bạn bè trong nghề và Đội viễn chinh quý mến? Phải có chiến công thường xuyên. Một số có ý thức tự nhiên về nguy hiểm. Một số phải cố gắng quá sức mình, khắc phục nỗi sợ hãi, thần kinh căng thẳng. Vừa đam mê vừa hành xác.

Tóm lại, tính tự cao buộc họ lăn vào những đoàn biệt kích, những trận đánh, những vụ ám sát, khắp những chỗ vừa đùa cợt vừa run sợ. Tốt nhất là bình tĩnh trỗi dậy, đứng vững như không có gì trong địa ngục lửa đạn. Hơn nữa họ phải nhìn để bắt lấy những chi tiết thực thể hiện cả cuộc đánh nhau. Đồng thời để hành nghề và sống sót, phải là những người biết rõ chiến tranh, những dấu hiệu, chỉ tiêu của cuộc chiến. Họ biết mỗi đơn vị có giá trị đến đâu, dưới mặt nạ chiến binh che giấu những gì, mỗi người lính có điều gì trong lòng, bí mật thiết tha về sự can đảm hoặc hèn nhát. Tất cả có một ý nghĩa đối với họ: một giọng nói, tiếng rừng, bước đi, một nguồn tin thì thầm trong nhà ăn, sự nhàm chán của một "cuộc hội ý" hay kế hoạch một cuộc hành quân, khung cảnh thiên nhiên, thái độ một sĩ quan, tất cả những gì quân đội giấu giếm, thú nhận hoặc chuẩn bị. Không điều gì lọt khỏi mắt họ. Họ biết cả những sự đối đầu, buôn lậu, vận chuyển thuốc phiện, những dằn vặt, trai gái, những mặt dưới của các ban tham mưu. Trong số sĩ quan họ biết ai là kẻ điên, ai "huênh hoang", ai bẩn thỉu. Những người này thu xếp không để họ nói gì, sợ bị "cháy", bị tố cáo lên cấp trên vì tinh thần yếu kém.

Nỗi ám ảnh về tư cách và cái chết. Nỗi ám ảnh không bao giờ rời, ngay ở Hà Nội, trong biệt thự dành riêng cho họ. Ở đây là gấp gáp hôn, thuốc phiện, rượu, đơn giản chỉ để quên mà không được. Phần lớn sẽ bị giết trong thời kỳ điểm cao hèn hạ và đẹp đẽ. Một số bị thanh lọc như những bèo bọt trôi sông. Chỉ ba hoặc bốn người qua thử thách được lột xác trở thành những "ngôi sao" trong vũ trụ yên bình.

Năm 1951, de Lattre chỉ nghĩ đến vinh quang của mình và của cuộc chiến tranh. Ông biết vào đầu thế kỷ XX, vinh quang trước hết là một sản phẩm của tuyên truyền. Vậy là ông rất bằng lòng với những chàng trai không quen biết vẫn quay phim, chụp ảnh cuộc chiến tranh Đông Dương của ông hàng ngày, tại chỗ. Đấy là hoạt động đầu tiên của loại này, lần đầu con mắt ống kính thấy tất cả. Vua Jean và anh Do Thái của ông chỉ còn chọn lựa, sắp xếp sự việc. Như vậy một hình ảnh - chủ nghĩa anh hùng toát lên từ nỗi kinh hoàng, trong một hiện thực đạo đức và khắc nghiệt, chứng minh đẹp đẽ cho Đội quân viễn chinh về những khổ cực, sự lớn lao, những đau thương và những chiến công của họ. Và trên tất cả có một cái đầu chụp ở góc cạnh đẹp của đại tướng de Lattre.

Con người Israel quả có thính giác tốt, dự báo các nhà báo lớn trên thế giới sẽ đến nhiều. Họ chạy đến hàng tá, nhất là giới báo chí Mỹ. Tất cả không biết gì về Đông Dương. Hầu hết chưa rõ mình sẽ "chống", vì chống chủ nghĩa thực dân đang là một món hàng tốt hoặc sẽ "ủng hộ", vì de Lattre có lẽ là một "khuôn mặt" có thể khai thác cho những đợt xuất bản lớn. Vị tướng dù sao cũng có lo ngại. Những người ấy, đích thân ông sẽ phụ trách. Vừa là chỉ huy cuộc chiến tranh, ông sẽ là chỉ huy như thế về thông tin, báo chí. Có nghĩa là ông cũng để thì giờ gần như thế để "phỉnh phờ", "hội ý", chăm sóc đến các nhà báo "của ông" cũng như các sĩ quan quân đội của ông. Gần như mỗi cuộc họp tham mưu đều kèm thêm một cuộc họp báo chí. Vua Jean chuyển từ cuộc họp này sang cuộc họp khác, không có chuyển tiếp. Nhưng ông vất vả với những phóng viên luôn luôn không chắc chắn hơn với các đại tá hoàn toàn lệ thuộc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #435 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2020, 08:44:26 pm »


Cả một vấn đề. Trước hết vua Jean làm thế nào để biến đổi những phái viên đặc biệt sang đây thành những người ông gọi là các nhà báo "của ông"? Mệnh lệnh phải tìm hiểu về họ ở tất cả mọi cơ quan. Đại tướng nghiên cứu các phiếu, cau mặt: "Không được tốt lắm. Anh này là ai? Anh kia là ai? Tôi muốn biết hết, dĩ nhiên là các thói xấu, nhưng cả đức tính nữa. Phải theo dõi họ nhưng đừng làm họ nghi ngờ vì sẽ là tai họa!"

Các ông ấy hay càu nhàu. Lúc đầu họ có thái độ thách thức rêu rao khắp các bar: "Người ta không nắm được chúng tôi đâu. Chúng tôi đấu tranh quyết liệt cho tự do báo chí. Không lừa chúng tôi được. Nhân dân Hoa Kỳ chi phí cho cuộc chiến tranh này có quyền biết đồng tiền của mình dùng làm gì".

Dĩ nhiên họ đến đây để gây "ấn tượng". Phần lớn hy vọng Pháp thất bại đậm, bi thảm, tả mùi mẫn với những xác chết, xấu hổ, với "cử chỉ đẹp". Những người to tiếng nhất là những cựu chiến binh già dặn trên chiến trường. Thực tế họ không phải là những người xấu nhất: họ la ó để đặt mình vào đúng vị trí, để xem gió đến từ phương nào. Và rồi họ vứt bỏ tất cả, không có cảm xúc, không tin vào gì cả. Chẳng có gì làm họ quan tâm ngoài nghề nghiệp, rượu và vòng tay lớn vô vọng tình thân mật của những người ở tuổi năm mươi phải sống với nhau, chửi nhau, cãi nhau, chơi khăm nhưng một cách "giả tạo" để giết thì giờ.

Ngay trong nghề nghiệp, họ làm việc vừa ghen ghét vừa thờ ơ sâu sắc. Chắc họ chỉ quan tâm đến chữ ký, những cột và đầu đề bài báo nhưng nhất là sợ tổng biên tập đối xử không hay, sẽ đưa họ về hưu. Thế là với một mẩu tin, họ làm cả thế giới nhảy lên không hề chau mày. Hơn nữa những "ông già" này, biết rõ mọi đường dây, ẩn dấu, mưu mô, nghi ngờ tất cả. Hoàn toàn vô cảm. Làm sao tác động được? Đối với một de Lattre, họ có thuận lợi là gửi bản sao đi một cách vô tư ở hướng này hoặc hướng khác.

Những phóng viên trẻ bướng bỉnh hơn. Họ có lòng tin tin vào báo chí, vào nước Mỹ, Kinh thánh và đạo đức. Họ không ngớt lặp đi lặp lại nghề của họ là một chức vụ tôn nghiêm, long trọng thề thốt: "Người Pháp là cái xấu. Không phải một đại tướng huyênh hoang như de Lattre làm chúng tôi thay đổi chính kiến được". Với những bản phim, bản chữ và những khuôn mặt vô ơn, họ nghĩ mình là những tông đồ của đạo đức, sẵn sàng đẩy lùi những tấn công của vua Jean, những đòn quyến rũ ôi thiu cũng như những đòn tàn ác được trang điểm.

Vậy là các phóng viên có sự huy động chống de Lattre. Họ hầm hè. Đổi lại vua Jean mời họ ăn tối gần như hàng ngày. Bao giờ cũng có hai, ba người ở bàn ăn của ông: những ông rất kinh ngạc và lạc điệu với không khí ấy. Vua Jean làm cho họ thoải mái, tạo mọi điều kiện; là khách danh dự của ông, được ưu tiên hơn các đại tá và thậm chí các tướng. Tất cả đều được thể hiện: sự cao cả và tình gia đình, một bĩu môi đẹp hoặc nhăn mặt thân mật, một điệu bộ đặc biệt, một cử chỉ nhỏ. Niềm tâm sự thật hay giả, thường đại tướng bắt đầu câu nói đùa bằng tiếng Pháp và kết thúc bằng tiếng Anh bếp núc: "Đấy, tôi đang làm cho anh hiểu ra".

Với tôi, một hôm de Lattre thực sự thổ lộ tâm tình:

- Tôi biết rõ tĩnh thế của tôi. Súng đại liên đã biến đổi theo lối Mỹ, dù là câu chuyện tệ hại nhất. Tất cả những gì xảy ra ở bất cứ điểm nào trên thế giới từ nay dần dần bị hàng trăm triệu người nhấm nháp. Họ là những người thích nhìn ngó. Các nhà báo là những người truyền đạt. Còn hơn thế, họ là những người tạo ra sự kiện. Một sự kiện không tồn tại nếu không sáng rực trên báo chí. Ví dụ khi Chính phủ Pháp nhận báo cáo của tôi, họ thường vứt vào sọt. Nhưng nếu họ đọc cũng điều ấy trên mặt báo, họ sẽ bị tác động.

Tôi cải tổ lại việc nói dối trong quân đội. Trước kia trong quân đội thói quen là nói dối 95%. Điều ấy gọi là giữ vững tinh thần. Một sự ngu ngốc. Tôi đưa tỷ lệ sự thật lên cao hơn, khoảng 50% trừ trường hợp đặc biệt. Như vậy tôi trình bày sự kiện có vẻ có thật và có lợi cho tôi. Tôi không nói tất cả, dĩ nhiên. Vì trong hành động tất cả đều được phép - những xáo trộn, lầm lẫn, ô nhục. Để không bẩn tay tôi mang găng trắng. Trách nhiệm của chỉ huy rất lớn nhưng tôi không sợ, tôi yêu thích nó. Một mình tôi với lương tâm và Chúa Trời, với bổn phận kiên trì phải có kết quả. Sự thật đáng xua đuổi nhưng thắng được nó đẹp xiết bao. Một sự căng thẳng khác thường vì phải tìm cái không có, mưu mẹo, mánh lới, ý tưởng sẽ làm thay đổi tất cả. Tất cả những cái đó tôi không nói với ai. Đấy là bí mật của tôi, phải quên đi, ở lại trong bóng tối.

Tôi nhắc lại, sự thật duy nhất là bề ngoài. Đến một lúc nào đó tôi sẽ kêu lên: Đây là ánh sáng, là sự việc, những gì đã xảy ra. Đôi khi tôi chờ có kết quả mong muốn để trình bày theo cách của tôi, đưa ra các dạng phù hợp. Đôi khi tôi đi trước để xóa bỏ một bước ngoặt có thể có bằng cách giải thích trước. Không được để bất ngờ. Luôn luôn phải ra vẻ điều khiển quá trình các sự kiện. Luôn luôn nhắm chính xác.

Hôm ấy de Lattre giải thích rõ cho tôi về triết lý của ông. Điều mà tôi thấy ông luôn luôn áp dụng. Nhiều tháng sau, một hôm ông nói với tôi chỉ nửa đùa: "Nào, Bodard không có việc gì lớn xảy ra. Anh và tôi, chúng ta làm ra một thắng lợi chăng?"
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #436 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2020, 08:46:17 pm »


Lúc này là trận đánh quyết định: cuộc họp báo chí lớn đầu tiên của đại tướng de Lattre de Tassigny. Ông sẽ có mặt một mình trong đấu trường đối mặt với đám đông phóng viên. Nếu không nắm bắt họ, ông sẽ bị họ ngấu nghiến. Ông biết điều đó. Chỉ một việc không ra gì, một lầm lỗi, có thể làm hỏng tất cả. Vì thế những việc chuẩn bị rất tỉ mỉ! "Đưa đạn dược cho tôi, các hồ sơ, giấy tờ". Những giờ điên rồ. De Lattre, và cả đám thân cận đều trang bị vũ khí, nghĩa là giấy tờ. Dannaud gật đầu, nhắm mắt suy nghĩ: anh phải hình dung tất cả những câu hỏi có thể đặt ra cho de Lattre và tìm những câu trả lời tổng quát. Các quân nhân, Cogny Goussault và trong nhóm còng lưng cho nhỏ người lại. Không thoát khỏi giọng của "ông chủ". "Làm cho tôi những bản tóm tắt về tất cả mọi vấn đề. Gợi ý cho tôi..." Người ta mang tài liệu đến. Không đọc hết, ông bắt họ giải thích cho mình nghe. "Không phải thế". Ông tự thấy mệt mỏi, kiệt sức; bỗng kêu lên. "Cuối cùng, các anh không có khả năng nói điều tôi muốn nói, muốn làm". Giận dữ, mệt mỏi. Một de Lattre cần mẫn lải nhải và đọc ngắc ngứ như học sinh.

Ban ngày. Tiệc đứng chiêu đãi các nhà báo: bánh ngọt và rượu champagne. Không khí lấp lửng. Các phóng viên nhấm nháp như đám người quá lễ phép, nhiều kiểu cách. Một người hỏi: "Đại tướng đâu?" De Lattre vẫn chưa tới. Chờ đợi. Những nụ cười gượng. Thái độ nhã nhặn bối rối của một số sĩ quan làm nhiệm vụ nghi thức.

Vua Jean long trọng bước vào, nét mặt nghiêm khắc. Các đại tá và tùy tùng cũng cứng rắn. Nhưng đại tướng vừa trông thấy những "vị khách ấy" thường xấu bụng phệ, ông đã chuyển sang nhiệt tình. Nét mặt ông rạng rỡ. Ông kêu lên: "Giới thiệu các ông ấy với tôi từng người một; họ đã là những người bạn của tôi rồi đấy". Với từng người ông nói một vài tiếng; bắt tay đến nát xương, nhất là cái nhìn thẳng thắn, vào mắt nhau. Tóm lại, đó là cuộc tấn công.

"Thưa các ông, tôi sẽ nói hết với các ông". Tiếng ồn ào, hoài nghi. "Thưa các ông, tôi nói tất cả với các ông, vì tôi tin ở các ông." Một số tiếng xì xầm. "Thưa các ông, chúng ta bắt đầu ngay."

Khỏi đầu nhanh như chớp. Trong mấy giây vua Jean "bán rẻ" danh dự quân đội Pháp - đã lỗi thời - cho người Mỹ. Cử tọa há miệng khi ông kêu lên: "Thưa các ông, quân đội chúng tôi ở lại đất nước này để giữ lời của nước Pháp. Duy nhất vì độ lượng, vì chúng tôi đã hứa với người Việt Nam bảo vệ họ chống chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi ở đây cũng là bảo vệ toàn thế giới tự do trong đó bao gồm cả nước Mỹ. Vì nhiệm vụ ấy mà chúng tôi đổ máu của con cái chúng tôi, chi phí những đồng phrăng của những người đóng góp của chúng tôi. Lợi ích ích kỷ của chúng tôi dĩ nhiên là ra đi". Có ai đó hét lên: "Thế còn đồng bạc?" Thực tế vị tướng đã dự kiến câu hỏi này. Câu trả lời của ông làm hội nghị báo chí và các nhà báo nổi giận. "Thưa ông, không nên cho người Pháp là những kẻ đần độn. Vì chúng tôi thật ngu dốt nếu chúng tôi đánh nhau vì lợi, vì bóc lột thực dân! Tất cả vốn liếng của chúng tôi ở Đông Dương không lấy đi mỗi ngày một tỷ. Ông thấy bảng cân đối như thế đấy!... Ông không hiểu sao, có những giá trị khác, vì giá trị nhân đạo, đạo đức, tâm linh mà nước Pháp hy sinh ở đấy".

Phép tính ấy làm những người Mỹ bàng hoàng. Làm sao không tin được vào những con số từ một miệng nhiệt tình như vậy! Màn kịch tuyệt vời. De Lattre đưa ra vài con số thống kê một cách khinh thường, vô vọng cho một "vụ làm ăn" tốt, chỉ dành chỗ cho sự lớn lao, tình cảm của ông. Và bằng cách ấy ông được cử tọa "mua chuộc", được đánh giá là một giá trị chắc chắn, như người anh hùng, người anh hùng thực sự, lớn lao được cả đoàn nhà báo bảo đảm trước người đọc. Hiệu năng đến mức thuyết phục được người nghe cho rằng có thể khai thác vua Jean về tính chất cao thượng đang rất thiếu hụt trong thị trường thông tin. Bên cạnh tôi, một ông già cáu kỉnh lão luyện trong nghề thì thầm: "Tôi cho ông người Pháp này như một Napoléon, đại loại như vậy. Dĩ nhiên theo cỡ nước Pháp ngày nay, nhỏ thôi. Thế đấy..."

Sau giai đoạn cực mạnh là đoạn cực nhẹ. Sau cú đánh de Lattre cảm thấy phải hạ giọng, hơi tếu. Những trò hài hước nối tiếp nhau. Những nụ cười thông cảm, đôi mắt đồng loã. Điều khám phá mới là nói tiếng Anh trong hoàn cảnh trịnh trọng này. Như ngẫu hứng, ông gầm lên: "Anh phiên dịch giữa người và người, thẳng thắn, với các bạn Anh và Mỹ của chúng ta. Tôi tự mình sử dụng ngôn ngữ của Shakespeare vậy." Ngôn ngữ Shakespeare của đại tướng là tiếng la-tinh của bếp núc, nếu có thể nói thế. Nhưng đạt được cái cao thượng trong lối diễn đạt không đúng cách là một mánh khóe về sức mạnh, làm tôn giá trị mình lên biết mấy. Một mưu mẹo hay. Càng tốt khi cũng là một lễ nghi tế nhị, là chứng cứ của sự thân thiện. Một đại tướng chỉ huy đặt mình vào hàng ngũ những người nghe vốn quen không ai phải vất vả vì mình! Thực vậy de Lattre nói tiếng Anh thật cực nhọc! Ông đổ mồ hôi vùng vẫy với ngôn ngữ; bao nhiêu động tác nhỏ để nói ra lời! Bao nhiêu giây sốt ruột, bập bẹ để tìm ra đúng từ. Nhưng vua Jean tự mình làm trò cười không kỳ cục, ông rất đẹp theo cách của mình. Cả cử toạ hiểu và thích thú. Đại tướng cùng hớn hở, vui cười.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #437 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2020, 08:47:12 pm »


Trong lúc de Lattre có thể rơi xuống trong trò hề, bao giờ ông cũng lấy lại uy thế, cái nhìn sắc cạnh, đấm tay xuống bàn, câu nói "Tôi đòi hỏi" nhắc nhủ ông không phải một kẻ pha trò mà là một anh hùng vui tính, thân mật với các nhà báo.

Kết thúc là sự thắng lợi. Chủ nghĩa anh hùng và ngôn ngữ khó hiểu lẫn lộn với nhau ở mức kỳ lạ. Âm thanh kèn đồng. Hứa hẹn chiến thắng: "Tôi mang lại cho các ông trên một chiếc khay bạc". – Ông người Pháp bao giờ cũng trở lại lời tiên tri ấy. Nhưng khi nào? Ông nhấp nháy mắt để cho thấy là đại tướng có kinh nghiệm, ông không nắm chắc được những bất ngờ của chiến tranh. Một chống cự cuối cùng của cử tọa bung ra. Một giọng nói nặng của miền Tây kêu lên: "Các ông thậm chí không có máy bay. Không thể thắng được". De Lattre bùng lên, xen lẫn tiếng Anh: "Sao? Tôi không có máy bay? Tôi có hàng đống." Ông bắt chước ngay máy bay tiêm kích ném bom bằng đôi tay và môi, nghiêng đầu về phía này để nhắm vào một cánh, nghiêng đầu phía kia để nhắm vào cánh khác. Ông khạc "bum-bum" làm tiếng bom nổ. Ông rít lên đến ngạt thở chứng tỏ đang bổ nhào, phun nước bọt như những làn đạn. Chiến thắng trong trận đánh máy bay với các nhà báo, ông nói thêm sẽ đưa họ đi theo trên máy bay khi ông ra trận. Một lần nữa, đưa hai tay lên tai, ve vẩy như những chiếc cánh. Tinh ranh và thân tình, de Lattre rút ra kết luận, bằng tiếng Anh: "Và rồi, nếu tôi không đủ máy bay, nhiệm vụ của các ông là nói với nước Mỹ cung cấp cho tôi nhiều hơn."

Kết thúc cuộc họp. Nét mặt de Lattre rạng rỡ. Nhưng lớp người thân cận mừng quá, khen ngợi quá. Điều ấy đủ làm vị tướng nhăn nhó, bỗng tìm cách trách mắng người của mình: "Tôi nói nhiều quá. Các anh đã để cho tôi nói quá nhiều. Không nên thế. Bí mật quân sự chứ? Các anh nghĩ sao về điều ấy?" Dĩ nhiên, giận dữ là giả tạo, giận dữ hài lòng. Thực tế, công việc xong, mục đích đã đạt. Từ nay các phóng viên bị buộc vào chiếc xe de Lattre. Ông sẽ bắt họ kéo càng! Ông xử sự tốt đến nỗi họ khó biết được mình trở thành những con vật kéo xe.

Hệ thống hoàn hảo. Những phóng viên tự đóng chặt mình vào. Trong những bản tin, họ bắt đầu cung cấp tài liệu về "con người lớn lao". Chủ của họ không ngớt điện: "Gửi tin tức nhiều hơn. Công chúng đòi hỏi". Các phái viên đặc biệt không thể chạy sau, phải luôn luôn đi trước de Lattre. Chính de Lattre thúc đẩy họ theo ý mình đơn giản bằng sử dụng những luật lệ không viết ra và chặt chẽ của công nghệ báo chí. Chẳng ai biết rõ nhưng ông đã nắm được họ từ lâu. Bí mật nào vậy? Dù sao ông đưa các nhà báo vào một vụ mua chuộc thường xuyên, dĩ nhiên với tình bạn bè nhưng rất có hiệu quả. Bây giờ, khi họ đã thoả hiệp với ông, ông buộc họ lao mình vào cuộc đua ca ngợi, nhờ vào các "đường dây" và "điện tín".

Ai có thể cung cấp những vấn đề về de Lattre tốt hơn de Lattre? Một trong những nhiệm vụ hàng ngày của ông là nhồi nhét cho phóng viên thức ăn ngon về tin tức. Họ chỉ còn trang điểm lại, thêm mắm muối và gửi đi.

Vua Jean từ nay ở trên thế mạnh. Ông chỉ còn để cho mỗi nhà báo nghe tiếng: "Nếu anh không thông cảm với tôi, tôi sẽ không dễ dãi với anh, chỉ chuyển cho anh những thông báo". Mỗi người được đối xử với sự xứng đáng và lợi ích. Có những người dễ bảo người ta chuyển cho nguồn "đường dây"; đối với những người bướng bỉnh người ta chẳng nói gì hết. Những người này hiểu ngay tai họa của họ, sẽ nhận được những bức điện khó chịu của các ông chủ ở xa: "Anh làm những gì thế? Tờ báo cạnh tranh thông báo de Lattre giết được 5 nghìn quân Việt. Anh chỉ đưa tin có năm trăm". Con người bất lực phải đến khẩn khoản xin lỗi vua Jean, xin cho được một mẩu tin và tạo ra cho ông một chiến thắng lớn hơn.

Dù có nhiều lợi thế, ông luôn cảnh giác, mưu mẹo để nắm dây cương thế giới nhỏ này vốn là tất cả và ngược lại tất cả quy phục và thường xuyên gay gắt ở hậu trường, có thể bung ra vì một việc không đâu và báo động toàn thế giới, phá huỷ công việc tốt nhiều tháng.

Tổng quát lại, nhóm hợp tác này theo de Lattre ở mức độ tương đối. Một vật phẩm thay thế trong lớp người thân cận. Một số người Mỹ hơi khó bảo. May thay de Lattre tìm được ông bạn J…, phóng viên một cơ quan báo chí Anh. Anh ta sẵn sàng bán mình cho quỷ dữ, vua Jean có vẻ đối xử được, có mối quan hệ rất tốt. Cứ thế nhân vật này vô danh, bị quên lãng, đã chủ yếu xây dựng huyền thoại Đông Dương về de Lattre. Một cách có ý thức những "có cho, có trả". Một tình cảm cao cả giả tạo thật tế nhị! Đấy là một người Úc khuôn mặt như thịt sống, và đôi mắt nguy hiểm. Làn da ông ta thành rãnh, sạm nắng và hun nấu bởi không biết bao nhiêu mặt trời, bí ẩn, âm mưu, công việc và tình tiết. Đấy là "hiệp sĩ phiêu lưu" của những bức chạm trổ thời trước. Răng trắng, mái tóc dày màu sẫm, bao giờ cũng với một dáng điệu khiêu khích ngầm, kiêu kỳ miệt thị tưởng như ông ta đang bay, khinh thường tất cả. Thế nhưng khi nói về báo chí ông tỏ ra dữ dội, sắc sảo, nham hiểm. Ông không tin vào một sự thật nào. Nguyên tắc của ông là lao vào một chàng trai nào không may có một chiếc cúc quần không gài. Ông vung vẩy, thì thầm, đỏ mặt xấu hổ mà không dám dùng lời cụ thể để báo với đương sự. Ông đỏ ửng mặt khi người ta nói trước mặt ông những điều không trang nhã, kể cả về tình cảm. Lẽ tự nhiên người ta nghi ngờ ông có những thói quen đặc biệt nhưng chẳng ai biết gì. Ông sống một mình trong một phòng khách sạn, xem ra như một thầy tu. Thói xấu duy nhất của ông, lên đến cực độ là "tia chớp" - tin tức không biết rõ và gây ấn tượng mạnh bung ra trên mọi bản tin của thế giới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #438 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2020, 08:48:13 pm »


Dĩ nhiên ông J... này có nhiều thiện cảm với vị tướng. Ông thực hiện lề thói Anh cũ về tính vô sỉ được nâng cao tính tàn ác thông minh - lối chơi đẹp của Anh gần gũi với lối thủ đoạn của ông vua. Chưa đến bốn mươi tuổi, ông chỉ thích những trò chơi lớn bí mật của thế giới. Cốt lõi của những đam mê và những lợi ích người ta gọi là lý do quốc gia. Sự thành thực của ông là chỉ tin vào "đường lối chính trị lớn" được tô vẽ một cách bẩn thỉu, với lúc nhúc thường xuyên các phòng ban cơ quan, quân đội, tiền bạc. Đôi khi ông tỏ ra buồn, hất đầu trước sự chểnh mảng của những lãnh đạo và thừa hành người Pháp. Ông có lòng tốt nói: "Các ông biết đấy, những điều nặng nề này đôi khi cũng đến với chúng tôi, những người Anh". Vì vậy ông rất phấn khởi phát hiện ra de Lattre. Dù ông không phải cận thần của hoàng hậu, không hoàn toàn là một người Anh hào hoa, thì ông cũng là một nghệ sĩ thiên tài về những điều ấy. Ông thán phục ông ta thực sự.

Ông là ai? Ông làm gì? Ngủ ít; phần lớn thời gian ông biến mất đi đâu đó, ở lâu đài Norodom, nhà băng hoặc trong một nhà tranh rách nát. Đôi mắt khiêu khích ẩn sâu dưới sự hiền từ màu mè, ánh lên như chớp khi đưa ra câu hỏi. Giọng nói hạ xuống nhẹ hơn trở lại lè nhè và dữ dội như của một lính thủy say rượu. Đôi bàn tay to đưa phía trước, ông lao thẳng vào đối tượng quan trọng trả lời ít hoặc sai. Khi ông nghi ngờ là một mẩu tin tốt, ông cắn như một con chó, giật ở sổ ghi chép tin tức để tung ra toàn thế giới.

Những nhà báo khác không thường thấy nét mặt đỏ bừng của ông ta. Họ sợ thấy J... xuất hiện, to lớn, thấp lùn, trâng tráo, bề ngoài có vẻ không hoạt động. Những cuộc xuất hiện ban ngày được tính toán, nói chung vì những việc xấu. Các nhà báo tuy vậy cũng an tâm khi khuôn mặt ông đe dọa như giông tố, quát nạt, tuôn lời bỉ ổi, thách thức giận dữ, những từ gây gổ. Đấy là chứng cứ ông ta không bằng lòng về mình, không tìm được tin tức gì. Nếu ông đến với nụ cười thân thiện mơn trớn những người cạnh tranh, đấy là ông đã thành công trong một thủ đoạn ngầm. Khi các đồng nghiệp ra đi, còn lại một mình ông ta lẻn vào bưu điện, đặt chiếc hòm nhỏ lên một mặt bàn, chiếc máy chữ xách tay, và giữa đám dân quê kinh ngạc, ông gõ máy cho đến khi đưa một tờ giấy bí mật cho một nhân viên đã được đút lót - quả bom của ông có nghĩa là bức điện mà hôm sau cả thế giới nói đến. Ông ra hiệu "suỵt" với anh nhân viên và bỏ đi.

Nỗi ám ảnh của ông ta là bị bắt gặp. Vậy là ông thuê một trợ lý. Ông Tumoo Rami, cũng nhạy cảm và xông xáo. Một người quốc tịch Malabare gốc Pháp, đen hơn một người da đen, trịnh trọng hơn một con cú, thành thạo trong ngốc nghếch, dài dòng lý luận suông, xấu và giọng nói đầy nghi ngờ. Nhân vật đen tối này - ông mang theo cùng đi giữa ban ngày, mồ hôi nhễ nhại - là kẻ "bới rác" cuồng tín nhất Sài Gòn. Vì anh ta mày, tao với những người Ấn Độ khác trong thành phố, những kẻ cho vay nặng lãi từ Bombay tới, những cảnh sát nhập cảnh từ Pondichéry, tất cả những ông đen bóng đáng kính biết hết mọi chuyện.

J... không đi đâu nhưng Tumoo Rami đi khắp nơi. Vào những giờ nào đấy anh ta đến gặp ông chủ lựa chọn trong hộp rác rưởi nhặt tin tức cho báo. Con người Malabare không hiểu gì về việc ấy. Nhưng J... tìm được nguồn dự trữ trong mớ tạp nham đó. Ông ta biết cách sử dụng anh ta.

J... tính toán tất cả. Khôn khéo giữa những táo bạo. Quan hệ nguy hiểm duy nhất của ông ta là viên lãnh sự Anh ở Hà Nội, một người tốt, mẫu mực về tình báo viên giỏi của cơ quan tình báo Anh, cũng là kẻ hèn hạ thô bỉ nhất không giấu diếm, tự hào về việc đó, nói chuyện như một con sáo, bao giờ cũng đề nghị người khác một công việc hoặc một cốc, nhiều "đường dây". Say từ tám giờ sáng với liều lượng mỗi ngày hai chai whisky không kể rượu vang và những thứ khác. Như vậy, con người bao giờ cũng đỏ đắn, to, tròn, bụng phệ, có ria mép, đôi mắt quá ranh mãnh. Ông ta không che giấu có quan hệ với người Việt, là người của họ. Như vậy không có nghĩa ông chống Pháp ở Đông Dương. Tập quán cũ và trong sáng của những cơ quan bí mật của Anh là đồng thời có nhiều đường lối. Tế nhị, không đam mê, rất khôn khéo, ông làm cho J... hạnh phúc. Những vị lãnh sự đi quá xa và làm tổn thương ông này. Ông dễ dàng rút lui và trong mấy tuần lộ rõ là bạn thân hơn bao giờ hết của đại tướng người đồng lõa, nâng cao giá trị của đại tướng.

Giữa de Lattre và ông có một hấp dẫn: cũng sự lẫn lộn nước đôi ấy, sự rõ ràng, nam tính và tranh cãi viển vông, cũng hiện tượng lưỡng tính ấy, khả năng chỉ tin vào những gì người ta đưa ra từ hư không nhờ tưởng tượng và nghị lực. Hai nhà sáng tạo. Bao giờ cũng sẵn sàng đưa ra, một người về trận đánh, người kia một bức điện về trận đánh. Họ yêu mến nhau quá để không chơi xỏ nhau ngọt ngào, để không giúp nhau một số công việc nhỏ. Cũng có những bất hòa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #439 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2020, 08:48:56 pm »


Trong những cuộc họp báo chí của đại tướng, J... lấy giọng và thái độ một người dữ tợn. Ông nêu những câu hỏi khó chịu hầu như luôn luôn chuyển một cách thần kỳ có lợi cho de Lattre. Sau màn hài kịch chửi rủa họ bắt tay nhau. Tất cả những điều đó không quá lộ liễu. Nhưng có những ngày các câu hỏi của J... khó chịu thực sự, loại tệ hại. Để chứng tỏ ông ta độc lập với đồng sự, cả với vua Jean. Ông này điên lên. Một lần trong cơn giận dữ không kìm được, ông tiến lại chỗ J... như muốn đánh. J... còn đỏ mặt hơn, hét lên to hơn, giọng vỡ ra:

- Nếu ông đụng đến tôi, tôi đấm ông vỡ họng.

Cơn giận của vị tướng chuyển sang vui đùa. J... thường làm ông vui vẻ, nhất là khi ông ta nói dứt khoát:

- Nếu ông muốn tôi gửi những bức điện tốt, ông phải cho riêng tôi những "tin đặc biệt". Nếu không tôi chẳng có lý do gì để giúp ông. Đã một tuần nay ông quên tôi...

De Lattre nói đùa:

- Tôi biết rõ anh không bằng lòng tôi đã tám ngày. Điều ấy thấy rõ trong giọng các bức điện của anh.

Tình bạn giữa hai người nhưng cũng vì lợi ích của nhau. Vị tướng gia ân cho J... một cách có tình ý. Đôi khi cũng thổ lộ rõ với ông này. Điều ấy ông không bao giờ làm với các cơ quan thông tin Mỹ mà ông không tin chắc. Còn cơ quan thông tin Pháp vì sao phải nâng đỡ một cách máy móc? Dù sao cũng đã thuộc về ông hoặc phải thế. Và rồi một chế độ ưu tiên với người mình sẽ bị các nhà báo nước ngoài, mà ông rất cần, xem là không tốt. Ông đóng vai trò nước Pháp, tất nhiên, nhưng còn rộng rãi hơn nữa.

J... giải thích cho tôi:

- Tôi không biết de Lattre có thắng được trong cuộc chiến tranh không. Nhưng chắc chắn ông ấy không thất bại ngay, sẽ giữ khá lâu để lên mặt "chỉ huy lớn". Người ta sẽ có bi-hài đủ mọi cách. Và điều ấy bán chạy trên mọi thị trường, trong đó có cả Hoa Kỳ vì Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng nhắm vào Đông Dương, ủng hộ Pháp, ủng hộ de Lattre. Tôi tạo cho ông thành một yêu tinh thực dân. Nhưng tôi hiểu tốt nhất là ngược lại, miêu tả ông là con người lớn lao, một quán quân chống chủ nghĩa cộng sản.

Bằng cách ấy J... làm đầu tàu của vua Jean. Ông kéo theo mình tất cả các phóng viên, bị buộc vào những luật lệ cạnh tranh và không khí quốc tế, theo sát gót ông.

Vừa tỏ thái độ là kẻ thù của vị tướng, chính J... là người sáng tạo thực sự huyền thoại vàng - dù sao cũng không quá về de Lattre ở Đông Dương.

De Lattre có hàng trăm đôi. Đấy là cách của ông. Ông chỉ giấu bàn tay sắt đối với các nhà báo. Nhưng để kiểm soát các nhà báo tốt hơn nữa, khi bắt đầu cuộc chiến ông sẽ tập trung họ tại một trại dễ chịu ở Hà Nội. Mấy tuần nữa sẽ làm việc đó. Trước mắt, mỗi lần đi đối mặt với kẻ thù ông đưa họ từ Sài Gòn đi như một cuộc vận chuyển hàng không. Sự chèo kéo lớn các đội quân, những ông vua và các phóng viên báo chí sắp hoàn thành. Từ nay ông đi vào cuộc chiến.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM