Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:17:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84876 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #410 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2019, 08:38:15 pm »


Thực tế Letourneau, người làm trò con gấu không đến nỗi quá nhiều phiền nhiễu. Ông hơi mềm lòng: chỉ phải ở lại Đông Dương mấy ngày so với những người bầu ông ở vùng Sarthe. Tai hại là ông có quyền ngồi trên de Lattre. Với chiếc bụng, mũi to và đôi mắt tròn, ông đứng trước ông này trong các buổi lễ, chiếm mất vị trí danh dự. Vị tướng càu nhàu trong răng: "Làm sao dưới bóng nhân vật kỳ cục này mình nêu lên được ý nghĩ về sự lớn lao của mình, của nước Pháp mà mình đại diện?" Đôi khi vị tướng gây những màn rắc rối cho bộ trưởng. Letourneau vui vẻ chịu đựng và rồi de Lattre sau lúc giận dữ, chú ý bình tĩnh lại. Thậm chí ông tỏ ra rất tốt, ông biết rõ quyền lực của nền Cộng hòa và những đại diện: một Anh hùng có là gì bên cạnh một quý Ngài?

Điều ấy trở thành trò trẻ con. Trong những bi - hài kịch ấy, Letourneau đóng vai trò người bố trong gia đình đối với một đứa con ngỗ nghịch. Một hôm de Lattre không mở miệng, tỏ ra hờn dỗi. Ông im lặng mãi cho đến lúc bộ trưởng phải hỏi:

- Có điều gì không ổn?

- Tôi ngạc nhiên thấy ông không hiểu.

- Không.

- Ông đọc một bài diễn văn. Tôi đã bấm giờ suốt buổi, không thấy nêu tên tôi một lần nào. Tôi không hiểu.

Ngày hôm sau de Lattre rất vui vẻ.

- Tôi cám ơn ông, ông đã nêu tên tôi năm lần trước công chúng. Thậm chí ông cho tôi mọi chức danh, gọi tôi là đại tướng Jean de Lattre de Tassigny, cao ủy và tổng chỉ huy quân đội ở Đông Dương. Monette, vợ tôi, sẽ rất hài lòng khi biết điều đó. Tôi sẽ điện cho bà ấy.

Thực ra de Lattre rất chú ý đến tính tình của Letourneau. Vị bộ trưởng này cũng nhạy cảm. Ông giả nhân nghĩa với những cãi cọ của ông ta nhưng chánh văn phòng của ông thì thầm ở hành lang: "Nếu ông tướng ấy ngáng trở chúng ta quá, chúng ta sẽ thay thế một ông khác". De Lattre biết thế. Giữa những lúc tính khí thất thường, ông luôn có cách "nịnh hót" Letourneau. Ông không ngớt nhắc đi nhắc lại: "Tôi nhờ ông nâng đỡ tôi ở Paris. Ở đấy những kẻ ngu dốt không thích tôi, không hiểu tôi, tìm cách phá tôi. Nhưng ông biết tôi là lịch sử, là người viết một chương mới về chiến thắng và vinh quang."

Lẫn lộn nịnh bợ, một ít hèn hạ, tự phụ có mức độ, ngây thơ thật hay giả, thành thật vô sỉ, de Lattre đi tới chỗ "vô hiệu hóa" quản tượng của mình, đảo ngược vai trò. Ông trở thành người chủ và từ nay một mình ông cùng những người thân tín đối mặt với Đông Dương.

Vậy là bằng kỹ thuật của sự khinh bỉ, de Lattre đã gạt bỏ tất cả. Nhưng ông ở lại một mình trong trống không, ông là ai? Thiên tài thực sự hay một anh hùng rơm? Ở Đông Dương chẳng ai biết. Người ta khó gặp ông vì trong hai ngày ông đóng kín trong lâu đài Norodom hầu hết thời gian, một mình cùng hai, ba người tin cậy, không ngớt tự hỏi: "Tại sao tôi đến đây? Bây giờ tôi sẽ làm gì và làm như thế nào? "Một nghiền ngẫm lớn.

- Mình phải làm to chuyện.

Đấy là điều de Lattre càu nhàu trong lâu đài Norodom. Các sĩ quan, viên chức của Pignon và Carpentier đã chạy trốn như trước nạn dịch và công trình thực dân cổ điển này khép lại trên những cầu thang, hàng hiên, những gian phòng bao la những bức tường đồ sộ. Không có gì buồn hơn, lạnh giá hơn: triều đại cũ chỉ còn lại những người bồi quấn khăn mà việc xun xoe không giấu hết sự thỏa mãn. Và rồi có hàng tấn bụi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #411 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2019, 08:38:55 pm »


De Lattre đi lại trong những hành lang lát đá, bực tức: "Rác bẩn của một thế giới chết". Những người trung thành của ông, khoảng hơn một chục bạn bè ông mang theo bận bịu trong công việc. Giữa nơi trống không, họ chọn những gian phòng tốt, dĩ nhiên không phải những phòng đẹp nhất để làm những trung tâm chỉ huy nhỏ. Họ tự đóng biển chức danh, tên họ ở cửa. Tóm lại là một cuộc chia chác. Vị tướng để cho họ làm, biết lúc thích hợp cũng dễ dàng đưa lại trật tự và thứ bậc cần thiết.

Trong thời gian ấy, lâu đài Norodom như mắt bão, yên bình, tuyệt đối tĩnh lặng giữa tâm giông tố. Toàn Đông Dương lơ lửng, tự hỏi: "Sẽ nổ ra như thế nào đây?"

Cả Đông Dương thì thầm, gièm pha, ước chừng nhưng không người nào dám nói to, ai lo việc nấy, đối mặt với de Lattre chắc chắn sẽ bắt đầu những sai trái của mình nhưng vẫn còn đe dọa và bí mật.

Trong lâu đài Norodom, de Lattre thích thú về sự sợ hãi đó bởi tên tuổi của mình. Ông khoan khoái, không ngớt hỏi:

- Bên ngoài người ta nói về tôi thế nào?

- Họ sợ ông, thưa đại tướng. Họ co vòi lại nhưng hễ có sai lầm họ chẳng từ ông đâu...

- Thế thì sẽ chẳng có ai làm hại được tôi. Ở Paris cũng vậy, người ta chờ tôi ở bước ngoặt. Tôi sẽ không lỗi lầm.

Tuy vậy ý nghĩ về những khó khăn làm ông suy tính. Trong những giờ đầu tiên này ông không bộc lộ với những người thân cận xung quanh, không tin họ. Người tin cẩn là Petcho-Bacquet, "v sĩ" quân y của ông "thả ra" hai năm trước và đã sang Đông Dương. Khi ông lao vào cuộc phiêu lưu Phương Đông, ông thấy cần đến anh hơn bao giờ hết. Trước khi đến nơi ông viết thư cho anh: "Chúng ta lại ở cùng nhau Anh nghĩ tôi nhận việc này có đúng không? Dù sao cũng là bổn phận". Sau đó ở sân bay Tân Sơn Nhất, đám đông các ngài và các quý ông thấy vị tướng ghê gớm vừa xuống máy bay đã chạy tới góc sân gặp một sĩ quan nhỏ, bình thường của quân y - Petcho.

Ở lâu đài Norodom, họ tìm lại nhau. Petcho đến phòng vệ sinh, nơi vị tướng đang trang điểm một ít vào cuối buổi chiều. Những câu nói đầu tiên:

- Anh thấy việc này thế nào?

- Sẽ không tồi tệ.

- Yên tâm đi. Tôi sẽ làm ra trò.

Trong đêm, mọi người đi hết, de Lattre ở lại một mình với Petcho trong phòng. Ông nói to, rất khiêm tốn, trung thực, tự vấn lương tâm. Hai bàn tay đặt lên bàn giấy, ông nói một mình, không nhìn ngó, thật tập trung. Ông nhìn lại đầy đủ cả ngày của mình, tự vấn, hỏi và đột nhiên im lặng, để cho anh ta kết luận.

Rồi de Lattre đưa tay lên trán, trở lại ý tưởng cố định của mình:

- Tôi không đề nghị đến đây. Người ta yêu cầu tôi. Nhiệm vụ sẽ khó khăn, tôi biết. Tôi không phải Chúa trời, nhưng tôi sẽ làm hết sức mình. Anh hiểu chứ, ở Châu Âu có một sự cân bằng, Trung Đông tồi tệ, chỉ Châu Á xứng đáng với tôi. Thế nhưng, với tên tuổi mình tôi có thể mất tất cả ở đấy. Thêm vào vinh quang của tôi như thế nào? Thành công sẽ chẳng đưa gì lại cho tôi; hơi thất bại là người ta sẽ hành hạ tôi. Nhưng nhắc lại với anh, tôi sẽ không thất bại. Thực sự anh nghĩ về tình hình như thế nào?

- Một lần nữa, sẽ không tồi tệ.

Petcho không nói hơn. Anh biết de Lattre của anh! Là thầy thuốc giỏi anh có nghệ thuật chăm sóc ông, không bao giờ bêu xấu căn bệnh hoặc mệt nhọc. Và nhất là anh biết đặt ông vào tư thế tốt nhất. Muốn vậy phải vượt nhiều sự hiểu biết về y tế. Anh là nhân chứng, người gần gũi nhất của ông, người "hiểu rằng" hoàn toàn không bao giờ ngạc nhiên, phật lòng, người thấy mục đích sâu xa, nghiêm túc, kịch tính của những thể hiện kỳ cục nhất. Và điều ấy anh không chứng tỏ mình hiểu ông, chỉ làm ông đoán ra qua cử chỉ, thái độ, lời nói hoặc im lặng cần thiết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #412 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2019, 08:39:50 pm »


Vị tướng không thể bỏ qua Petcho. Ông không thú nhận thật sự, chỉ nói với anh điều sâu xa, quan trọng nhất nhưng theo một "mật hiệu" rất phức tạp. Petcho "giải mã de Lattre", giải mã những từ lạ lùng rút tỉa từ sự mơ hồ thường xuyên và sự lộn xộn cao độ anh đang sống và thật thần kỳ, anh bỗng rút ra những ý tưởng, linh cảm, giận dữ, những quyết định chợt lóe sáng.

Cuối năm 1950, một ngày mùa đông bình thường ở Paris. Trong điện Elysée, tổng thống Cộng hòa chiêu đãi quốc vương Maroc. Đông đảo các sĩ quan cùng gia đình tham dự một cuộc đua ngựa. Những câu chuyện của các cựu chiến binh. Trong khung cảnh tầm thường, hàng ngày ấy "rơi xuống" tin tức về sự thất bại thê thảm ở Cao Bằng. Các vị bộ trưởng choáng váng, kinh hãi, rì rầm với nhau như đàn ruồi. "Phải gửi sang đấy người có uy tín nhất trong các nhà chỉ huy quân sự Pháp". Nhưng họ để hai tháng tìm người có thể đảm nhiệm việc ấy.

Lúc đầu thậm chí không ai nghĩ đến de Lattre. Lượt của ông đến sau khi những người được chọn đầu tiên từ chối. Tên tuổi lớn dĩ nhiên là Juin ông này tâm sự với vua Jean: "Tôi sẽ nắm Đông Dương. Tôi đã nhận." Gian xảo hay thủ đoạn vận động? Vì Juin quyết định chắc chắn không sang đấy trừ trường hợp đi mấy ngày. Juin có một trí thông minh chiến lược hơn hẳn de Lattre. Nhìn qua ông đủ hiểu một cuộc chiến tranh và cuộc chiến ấy báo trước cho ông chẳng có gì tốt đẹp. Ông cũng tin chắc nước Pháp không bao giờ có cố gắng cần thiết. Vậy là ông không nhìn đến Đông Dương. Món quà tẩm thuốc độc ông để lại cho de Lattre, chỉ loanh quanh một ít để ông này cắn câu. Còn ông, ông ở lại để chơi con bài Bắc Phi. Vì tình cảm cũng như tham vọng, ông nghĩ sẽ cứu được Bắc Phi khi gặp khủng hoảng. Đấy là nước Pháp thứ hai mà ông quan tâm.

Nhục nhã cho de Lattre, Juin được chọn thay vì ông và ông ta khinh thường... Ít nhất vua Jean cũng có thể tự nhủ đấy là một nhân vật gần bằng mình, gần cùng tầng lớp với mình. Nhục nhã sau đó càng tệ hại. Koenig được chọn trước ông. Người xưa kia đã thay vị trí của ông ở Đức. Hơn nữa không phải một người nổi tiếng, không phải chúa, không phải một chỉ huy, chỉ là một viên tướng trung thực, dũng cảm, nổi lên vì tính anh hùng - lớp dưới. Và chỉ vì Koenig đặt những điều kiện quá tỉ mỉ, đòi hỏi, mà người ta không chấp nhận ông. Đông Dương không đáng được bầu cử, số phiếu sẽ mất đi vì một số lính nhập ngũ bị giết ở Bắc Kỳ. Sự xem xét càng quan trọng khi de Gaulle đang chinh phục lại quyền lực, tấn công mạnh trong những cuộc bỏ phiếu bầu. Chỉ còn lại de Lattre. Chính phủ vẫn còn do dự. De Lattre hoàn toàn yên tâm. Không ngần ngại, không điều kiện: "Tôi chẳng đòi hỏi gì. Đội quân viễn chinh lâm nguy, tôi đi cứu, với những phương tiện sẵn có. Các ông phán xét theo kết quả. Chỉ sau những kết quả đầu tiên, sau việc củng cố lại ban đầu tôi mới có một số yêu cầu nhỏ để hoàn thành công việc."

Những lời cãi bướng, vì dù sao cũng có một điều kiện. De Lattre muốn có toàn quyền ở đó về dân sự và quân sự. Ông nói nhiều: "Tôi đi một mình. Chống lại thảm họa tất yếu, sẽ chỉ có tôi. Tôi nhận Đông Dương như vốn có, có vẻ bị kết án. Các ông muốn tôi làm nên một phép lạ. Nếu vì yêu nước tôi nhận những trách nhiệm, những nguy cơ đáng sợ thì tôi phải tự mình chỉ huy toàn bộ, chơi ván bài toàn bộ." Thái độ ngập ngừng của các bộ. Nhưng ở Bắc Kỳ luôn luôn sa sút hơn. Nếu có những tai họa mới, de Gaulle có thể tranh thủ dư luận đưa lại đa số phiếu cho ông được không? Tốt hơn là tung de Lattre ra, chỉ giao cho một bộ trưởng cộng hòa, Letourneau, theo dõi.

Chính phủ tỏ ra mềm mỏng. Vị tướng cảm thấy đã đến lúc bèn quyết định. Ông tâm sự với Cogny: "Việc chỉ định tôi sắp kết thúc". Trong lúc chờ đợi, ông như bận rộn, căng thẳng, sợ điều ông bao mong muốn. Hung hăng, ông cuống cuồng nói với mọi người: "Tôi nghĩ họ sắp đến tìm tôi. Như vậy có tốt không?" Ông sợ gì vào lúc cuối - không bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm ông? Chẳng ai biết. Ngày 4 tháng chạp được chính thức công bố. Trong mấy giây, de Lattre, người biến hóa được biến hóa. Một sự hồi sinh. Điện khí hóa vua Jean, chế độ năm nghìn vòng. Khi biết, ông chạy vội vã đến điện thoại như một kẻ điên, báo trước với những người tin cẩn: "Tôi sang Đông Dương. Tôi mất tất cả". Đấy là nghệ thuật. Bà de Lattre có nghệ thuật trọng lực nghiêm trang. Còn hơn ông, bà như lên với thiên thần. Theo bà có ngón tay của Thánh thần, Chúa trời muốn như thế. Phải tuân theo thôi. Nhưng vẻ trịnh trọng quá đáng, không phải với một niềm vui quá nhân đạo. Trong những tuần lễ cuối, bà luôn thúc đẩy "Jean" sang Đông Dương. Qua một đường dây khác, bà tích cực thông báo sự kiện với những "bà" vợ các ông: "Chồng tôi đã nhận. Ông đi Hà Nội, một sự hy sinh lớn. Nhưng tôi sẽ nâng đỡ ông, sẽ chóng theo ông sang đấy".

Tiếng ồn ào vang lên khắp xung quanh. Những lời chúc mừng nhiệt liệt. Nhưng nhiệt tình của những đám đông chóng tàn! Để kéo dài sẽ không hay. Phải thực hiện ngay một cuộc đi chớp nhoáng, cuộc đi của cứu tinh xứ Đông Dương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #413 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2019, 08:40:31 pm »


Vậy là chỉ mười ngày để chuẩn bị. Không hơn một ngày. Điên rồ, thời gian ấy chỉ đủ cho những gì cần thiết. Nghĩa là để chèo kéo những "ông bạn" lần lượt đến, để xây dựng lại đội "cận vệ cũ". Để sẵn sàng những chi tiết tối cần thiết cho thắng lợi: máy bay, y phục.. Phải mất nhiều giờ. Lúc ba giờ sáng de Lattre và người của mình thử những bộ đồng phục màu trắng tại nhà, chú ý từng đường gấp nếp, sửa đi sửa lại mười lần, hàng trăm lần, hành hạ người thợ may quỳ trên đất với kim găm và kéo. Mười ngày để che phủ người, lần này về chính trị. "Điên khùng" ngọn lửa táo bạo, ông thích có một vỏ bọc phía sau. Trước đây ông đã bị vấp ngã vì điều đó.

Mười ngày để gặp triều đình và thành phố, tất cả mọi người trong các phái. Luôn kèm theo Cogny, người khổng lồ Cogny rất mạnh trong giao tiếp với các bộ, các văn phòng. De Lattre cũng gặp những người trước đây nắm quyền lực như Decoux và người của Chính phủ Vichy và những người có thể trở lại nắm quyền như người của phái de Gaulle. Ông gặp de Gaulle, hơi gò bó vì giữa họ có một quá khứ căm ghét nhau, kẻ thù đang có thế lực. Tốt nhất là ký đình chiến với ông ta trước khi đi vào rừng núi Châu Á.

Vậy là con đường thập tự chinh được quét sạch. Vượt qua "đầm lầy" của nền Đệ tứ Cộng hòa, qua "ngọn núi" de Gaulle. Qua cả "phái chống đối" cuộc chiến tranh Đông Dương. Vì vua Jean với phong thái rất lịch sự đồng thời gặp những người đã Việt Minh hóa, những người xã hội, nhân văn chống thực dân, tất cả những người tin vào Hồ Chí Minh. Đối với tất cả, ông tuyên truyền về chương trình độc lập dân tộc. Ông không nói gì cụ thể nhưng gợi ý mục đích của ông là hòa bình, có thể không chỉ bằng vũ khí và cả bằng thương lượng. Trong lúc ấy đối với những ông ở phía hoàn toàn khác, ông đặt vấn đề chiến thắng, chinh phục Châu Á, trả thù cho nước Pháp.

Để chuẩn bị cho "chiến trường Đông Dương" de Lattre đã biết sử dụng sự nhập nhằng hai mặt. Không có tiếng la ó "cuộc chiến tranh bẩn thỉu" khi ông tuyên bố với ông thì sẽ sạch sẽ. Không có những nổi dậy, chống dân chúng khi ông hiện thân là thiên sứ sấm sét của lưỡi gươm. Như vậy ông che chắn cho tương lai, cho mọi trường hợp ngẫu nhiên, mọi đường lối chính trị nảy sinh. Nhất là ông che chắn cho hiện tại, được bảo vệ khắp nơi, đưa ra với từng người sự thật họ muốn có.

Buổi ra đi dù sao cũng là của người lính viễn chinh, người hiệp sĩ mang vũ khí. Lên máy bay ban đêm, đèn chiếu sáng. Mấy trăm người hoan nghênh. Giữa màu đen được chiếu sáng ấy, giữa thời tiết lạnh gần lễ Giáng sinh, de Lattre như một người anh hùng đi bảo vệ Đất thánh. Một ông vua Jean huyền thoại, như không thật nhưng thật vững vàng, tính toán tất cả, tính toán những cử chỉ khi đến để đạt được mục đích, sự lớn lao. Của nước Pháp, cũng là của ông. Vì nước Pháp là ông và ông là nước Pháp.

Và hai ngày sau, thế là ông ở trong lâu đài Norodom, suy ngẫm. Phải chiến thắng tại chỗ. Một chiến thắng cần có ngay, trên đồng ruộng hoặc trong rừng núi. Ông không biết sự việc ấy như thế nào, không biết người Việt, Châu Á ra sao. Ở Paris ông đã lục lọi mọi tài liệu, thông tin, đã hỏi đủ mọi phía. Trên máy bay ông ngốn ngấu mớ tài liệu hỗn tạp: tập sưu tầm đẫm máu. Nhưng ông vẫn không có một khái niệm gì, chỉ một số ý tưởng cố định, một số định kiến có ích. Và vì những điều ấy ông hỏi Petcho rất nhiều và không thích anh này rầu rĩ mất vui. Ông muốn có những khó khăn nhưng không quá đáng...

Bất kể! Ông đang ở đây, nắm vận mệnh mình trong đôi tay và khối óc. Và lớp trẻ sẽ làm ông khỏe lại. Vì những người cầu cứu ông sẽ đến, những người nghĩ là con cái ông, sĩ quan tùy tùng của ông khi ông, đấu tranh trở thành một người quyền lực. Ông hài lòng. Chương trình: một hai ngày thu xếp tư thế và rồi cú đầu tiên. Không súng đạn mà biểu tượng. Một đòn quyết định.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #414 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2019, 08:41:27 pm »


Sáu mươi ba tuổi của vua Jean. Lứa tuổi luôn đáng ghét chỉ chịu đựng được với những chỉ huy lớn như ông, trên con đường vinh quang. Ở những người khác, nhất là những quân nhân bình thường đã là thời kỳ tàn phế, thất bại, khôn ngoan, những gì về tinh thần và thể xác xấu đi rồi. Vậy không phải cùng với những người già mà ông, Vua Jean, đã là "ông già" lao vào cuộc phiêu lưu lớn mà chỉ lớp trẻ, đóa hoa thanh xuân, mới hiểu được sự lớn lao của ông.

Chính lớp trẻ, những trung uý, đại uý của Đội quân viễn chinh lúc ấy chưa người nào nghĩ đến ông, đã kêu cứu: "Mời ông đến! Chỉ có ông mới cứu được chúng tôi". Lời kêu gọi cảm động nhất là của Bernard, đứa con trai hai mươi tuổi, đã hai năm đánh nhau giữa lòng Bắc Kỳ mục ruỗng. Đứa con viết cho ông: "Con cú mèo phải mặc lại chiếc quần lao động thắt đai". Khi de Lattre được bổ nhiệm và ra vẻ bị đè nặng vì nhiệm vụ ghê gớm, ông bỗng nhún vai: "Ít ra tôi cũng sẽ gặp lại Bernard." Một tiếng lòng của de Lattre. Dĩ nhiên thành thật nhưng có lẽ cũng là một "ngón khéo léo" để có lý do nhanh chóng chấp nhận Đông Dương. Bà de Lattre, sốt sắng vì tình mẹ, nói với chồng: "Ông cứ đi để đến cùng con trai, để nó được bảo vệ. Sau mấy ngày ông sẽ gặp nó. Và sau đó mấy ngày nữa tôi sẽ sang đấy với ông và con". Tóm lại cả nhà de Lattre, bộ ba phức hợp ấy cuối cùng họp lại với nhau trên cùng một chiến trường.

Tình cảm, gia đình và chính trị - quan hệ của lớp trẻ - tất cả lẫn lộn với vua Jean. Trước hết, trong cảnh vắng vẻ của lâu đài Norodom, ông chờ đợi Bernard, đã ở Đông Dương một ít và cũng phải phục vụ ông một ít.

Ngày 18 tháng chạp Bernard từ Hà Nội vào. Anh lao vào tay ông bố vốn khó nhận ra anh. Trước mặt de Lattre là một sĩ quan trẻ đẹp lạ lùng, cao ráo, tóc vàng và gầy, thể hiện một niềm vui buồn hơn nghị lực thực thụ. Ông khó khăn để hiểu được cậu bé này rất khác ông, thực sự vô tâm, không có tham vọng. Sức sống của anh chỉ hạn chế trong việc làm những sai lầm của tên vô lại trẻ quý phái, khoác lác. Nhưng những quá khích ấy thể hiện sự cố gắng vì thực tế Bernard rất dễ mến nhưng bị dằn vặt. Anh muốn làm người ta quên anh là con trai của de Lattre nhưng không làm quên đi hoàn toàn.

Anh đau khổ vì sự che chở đè nặng trên mình nhưng không thể thoát ra được. Rồi như một loại u uất, anh chiến đấu dũng cảm gần như quá dũng cảm, vừa muốn rời bỏ quân đội, mong được từ bỏ tất cả.

Tuy thế lần này ở lâu đài Norodom là phép lạ, sự thông cảm tuyệt vời. Vị tướng thấy lại một Bernard chín chắn, rắn rỏi qua mười tám tháng tham chiến ở Đông Dương; Bernard thấy lại một người cha đường bệ, lóe sáng. Ba giờ liền ông bố hỏi và người con trả lời: anh nói những điều mình biết về Đội quân viễn chinh, dân quê, đồng ruộng, Việt Minh, về toàn cuộc chiến tranh. Với cách của mình, chàng trai còn hơi trẻ con ấy, khá khôn ngoan, buồn, là một nhà quan sát rất tốt. Anh chỉ mô tả tỉ mỉ, với những từ đơn giản, điều anh đã thấy đã sống, tất cả sự phức tạp cuộc chiến của mấy nghìn người da trắng sa lầy giữa những khối người da vàng. Bức tranh màu xám, đen hơn bức tranh của Petcho, nhưng lần này de Lattre hào hứng, chỉ nói: "Càng khó khăn sẽ càng thích thú".

Tối hôm ấy, đi nằm, ông hỏi Petcho:

- Anh có gặp Bernard chứ?

- Vâng.

- Anh biết đấy, nó trẻ đẹp, thánh thiện, lập luận tốt, có cái nhìn rõ nét về tất cả...

Trước đó Allard đã "hội ý" với Petcho, thì thầm tâm sự:

"Chẳng thể yên tâm nếu cả ông bố và cậu con cùng ở Đông Dương. Nếu Bernard trở về tiểu đoàn, sẽ là một mồi săn của người Việt. Họ sẽ phục kích, giết chết và có lẽ tệ hơn nữa là bắt sống. Anh ấy đã phục vụ lâu ở Đông Dương. Sẽ là bình thường nếu đưa anh ta vào một chỗ không nguy hiểm".

Vì vậy Petcho tranh thủ lòng tự hào của ông bố để làm nhiệm vụ:

- Bernard chiến đấu ở đây đã từ lâu. Ông nên đưa anh ấy lại gần mình. Chẳng ai thấy có điều gì để nói.

- Anh đừng nói về việc đó. Điều tôi muốn hứa với tất cả những sĩ quan trẻ của tôi là chỉ huy họ hoàn hảo, để họ thấy tôi luôn ở cùng họ dù có việc gì xảy đến. Nếu họ chết sẽ chết xứng đáng. Bernard không còn lâu ở Bắc Kỳ nữa, phải để nó ở đấy.

Bỗng de Lattre nheo mắt hỏi:

- Ai uỷ nhiệm anh khuyên tôi điều ấy?

- Những người yêu mến ông.

- Nếu có ai đó làm việc gì cho Bernard thì không phải tôi. Câu nói nhập nhằng. Giữa vai trò chỉ huy chớp nhoáng và ý thức cha con, chắc de Lattre để cho làm mạnh tay. Phải có một ai đó có khả năng bố trí Bernard vào một chỗ dễ chịu không ai để ý, không ai nói nhiều. Nhất là không để đứa con trai nhận thấy. Mỗi lần Bernard cảm nhận có một ân huệ nào đấy, chàng trai dễ mến này bùng lên giận dữ, đi đến chỗ "cãi cọ" với ông bố ghê gớm của mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #415 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2019, 08:42:01 pm »


Ở lâu đài Norodom, khi có vấn đề về danh dự của mình. Bernard nhã nhặn trở nên rất kích động. Có lúc anh bị cúm, Petcho bảo: "Anh ở thêm mấy ngày nữa, bên cạnh bố anh". Bernard hét lên: "Nếu tôi bị bệnh tôi muốn được chữa trị như mọi người, không phải trong lâu đài mà trong một bệnh viện quân đội. Và tôi cũng chán rồi, tôi muốn trở về Bắc Kỳ".

Những lời nói đi đáp lại ấy có lẽ đóng dấu vào số phận của cuộc chiến tranh Đông Dương. Chỉ liên quan đến một trung uý rất trẻ, không có gì quan trọng ngoài tên họ của anh. Nhưng giữa những cân nhắc tế nhị ấy đã diễn ra thời kỳ kết thúc của cuộc phiêu lưu; với cái chết của Bernard, de Lattre cũng bị dồn đến cái chết.

Trong lúc này ngoài những vụ nổ nhỏ, chỉ là vui vẻ. Thú vui sống hết mình với lớp trẻ. Với Bernard, với một chàng trai cũng rất quý và thân thiết, hơi lớn tuổi hơn con trai ông một ít: trung uý de Royer. Anh này từ Bắc Kỳ vào để làm trưởng nhóm tùy tùng. Trước đã làm nghề này bên cạnh vị tướng, theo kinh nghiệm, anh thu xếp để có mặt chậm. Ở Sài Gòn anh thấy "ông chủ" rất vui vẻ, không hề nổi giận. Gặp nhau, de Lattre chỉ nói: "Anh đã ở Đông Dương hai năm, đã ở ngay trong nỗi xấu hổ ở Lạng Sơn. Anh đã tả lại cho tôi tất cả những khốn khổ ấy trong những bức thư của anh. Anh cầu cứu tôi nhưng không có mặt để chào tôi khi tôi đặt chân xuống Đông Dương."

Sau mấy tiếng đồng hồ, de Rover lại ở tầm cao đầy đủ. Vừa là người gác cổng dữ tợn vừa là cố vấn chín chắn đến hoàn hảo. Người ta không nhận ra tầm quan trọng của anh ngay lập tức. Lúc đầu chỉ thấy là một sĩ quan gương mẫu. Không hề nóng nảy, buông thả, mảnh mai và tóc vàng như đang là mốt ở Đông Dương, như sở thích của de Lattre. Anh ngược lại. Rắn chắc, da nâu, thấp đậm, cao lớn trung bình, bình lặng. Anh có lối lễ phép không phải của một thị dân, không kiêu kỳ, chỉ tuyệt đối trung lập, một đức tính đáng sợ, của những đao phủ lớn, những thám tử lớn, những người xung kích. Sự có mặt thường xuyên, một cách nào đó để khi nào cũng hiện diện ở mấy tiếng nói, mấy cử chỉ luôn luôn có chừng mực và rất phù hợp, hình như đứng trên mọi hoàn cảnh, mọi tình huống đột xuất: đối với de Lattre, đấy là dấu hiệu am hiểu sâu.

De Rover rất bình tĩnh, đúng đắn mà người ta có thể coi thường. Thế nhưng người ta nhanh chóng cảm thấy anh có trọng lượng. Những gì từ miệng anh nói ra, dù dưới dạng những câu thông thường với giọng nói chính xác, rõ ràng và không đặc sắc, vẫn có một ý nghĩa. Có thể là lời phán truyền, sự cảnh báo được che đậy về những gì sẽ đến. Có thể là một lời khuyên nhưng đã là một mệnh lệnh. Có thể là bản án không chính thức trước khi có sự kết tội chính thức. Những việc ấy chẳng có gì quanh co. De Royer không có tính chất độc ác, phức tạp. Chỉ là kẻ cơ hội thích giật dây bên dưới, không có gì mạo hiểm vì đã biết quá rõ de Lattre.

De Lattre là một kỵ sĩ, xử sự với người như với ngựa. Ông đưa họ ra trước trở ngại để xác định giá trị của họ. Tất cả tùy thuộc vào thái độ của đối tượng. Ông không bao giờ lầm. Chớp mắt ông cảm thấy điều ông bắt họ phải chịu đựng hoặc ông có thể chấp nhận.

Sự cãi lại đặc biệt là ân huệ cho "cậu bé" de Royer. Đôi khi sĩ quan tùy tùng này, thay vì chịu đựng lăng nhục, đã chống cãi lại. Anh xuất sắc nhất trong trò chơi này. Hơn cả Cogny và Allard, những nhân vật rất quan trọng. Hơn cả Petcho, thân tình của de Lattre, như một "vú nuôi" mù quáng hy sinh và phục tùng.

Ở Sài Gòn, như Petcho, Bernard, điều de Royer nói về Đông Dương không khích lệ lắm. De Lattre nổi giận:

- Nhưng có tôi ở đây. Và rồi anh yêu mến tôi, tất cả những chàng trai như anh yêu mến tôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #416 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2019, 08:42:40 pm »


Để tăng cường niềm vui và hy vọng của mình, giữa đêm ông ra khỏi lâu đài Norodom đi thăm các chỗ trú quân. Ông hét lên: "Tập hợp cho tôi tất cả các trung uý, đại uý". Với những người này, ông nói: "Các anh cũng rất đẹp như tôi nghĩ. Với các anh, những chàng trai chưa đến ba mươi tuổi, tôi sẽ làm những việc lớn." Đi bên cạnh Cogny lẩm bẩm rất khẽ, điệu hát ấy với những đàn em, những "kẻ cuồng tín" vừa mới ra trường, chỉ là lối mị dân.

Cũng là sự thương mến cần thiết vì de Lattre cũng phải có điều ấy. Nhìn những khuôn mặt trơn tru, đầy sức sống, đôi mắt chăm chú vào mình, ông thấm thía tình cảm quân nhân. Trở về lâu đài Norodom, ông tâm sự với Petcho, với Bernard và de Rover: "Sự trong trắng của những đứa trẻ ấy làm tôi yên tâm, tôi tin tưởng." Rồi ông nói thêm: "Nhưng cũng có những kẻ đáng ghét cần phải nghiền nát. Tôi sẽ xáo trộn tất cả".

Ở lâu đài Norodom tiến hành một đợt ngắn "độc ác". De Lattre phải bác tất cả, cho đến nút bấm ở cửa. Trong lâu đài cũ, tuy đáng kính, chẳng có gì ổn. Vua Jean xem xét lại chi tiết toàn bộ, không có gì quá thấp đối với ông.

Suốt hai ngày, giông tố đến tận những bếp núc và phục vụ. Ông cho di dịch những bức tượng, bàn ghế, tranh ảnh. Phải gọi người quản lý lâu đài, các trưởng bếp, kiểm tra bát đĩa, dụng cụ bằng bạc, xoong chảo. Ông tự mình hỏi những bồi bếp từng người một.

Một quan tâm lớn khác là bố trí các phòng.

Phòng lớn nhất là của ông nhưng cũng phải có một phòng rất đẹp, không xa, không gần quá, cho bà de Lattre mấy hôm nữa sẽ sang. Vì ở Pháp không là gì, ông tính bà rất có ích cho ông ở Đông Dương, ít nhất như là một biểu tượng. Có sự hiện thân cao quý của gia đình người Pháp nào hơn gia đình đại tướng de Lattre de Tassigny ở Viễn Đông: bà mẹ nội trợ, con trai đang chiến đấu, ông bố trên chín tầng mây?

Dĩ nhiên trong việc xáo trộn nhà cửa này de Lattre có những phát hiện lạ lùng. Ông kêu lên: "Tại sao những đĩa bạc có trong danh sách thống kê lại thiếu? Vì sao bếp bẩn và cũ như vậy? Thế mà người ta không muốn tôi chõ mũi vào ngôi nhà chứa này! Tôi chắc chắn ở Đông Dương tất cả đều như thế". Ông nổi giận khi thấy một người lai, những người Pignon yêu thích, một trong những người tin cậy của ông này, phụ trách đón tiếp, đã mưu mô với các hộp đêm. Thật đúng lúc, ông hét lên: "Tất cả mục ruỗng, phải quét sạch khắp nơi".

Như vậy bận tâm với những vấn đề tầm thường nhất, de Lattre đang sẵn sàng với những nhiệm vụ lớn. Đuổi Pignon và Carpentier chưa đủ, phải thanh toán cả hệ thống và những người của họ.

Trong những giờ đầu tiên này de Lattre không nhìn Đông Dương dưới dạng nguyên tắc, vấn đề, giải pháp. Ông chỉ nghĩ về người, "chơi trò" con người. Phải đuổi những kẻ xấu, tìm những người tốt, từ trên xuống dưới.

Việc đánh gục bộ phận lớn được uỷ thác cho tướng Allard. De Lattre muốn ít nhất hạ ba trăm người. Ông này phải tìm cho ra. Nhưng phải tỉ mỉ, không ầm ào, nhất là không tùy hứng. De Lattre và Allard là "đôi cơ bản" cần thiết có lợi tối đa cho đoàn quân. Thiên tài cần có một người bàn giấy quanh guồng máy hàng ngày.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #417 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2020, 10:53:57 pm »


Vua Jean ít gặp ông này, vừa nói mấy câu là đủ. De Lattre - con người quá nghi ngờ người khác, luôn luôn theo dõi, xác minh, củng cố mình - tuyệt đối tin tưởng vào ông nên chỉ càu nhàu trước mặt ông: "Anh làm cái này, anh làm cái kia", không bình luận, không giải thích. Và bao giờ cũng được thực hiện, hoàn hảo, dù điều ấy không thể được. Tuy vậy chẳng phải có phép lạ. Do hai người rất khớp với nhau. De Lattre biết rõ Allard của mình, đòi hỏi hơi quá điều "thực hiện được" sự tối đa được tính toán một cách lạ lùng, hơn lên một tí. Allard nhận lệnh, đứng nghiêm chào: "Vâng, thưa đại tướng". Rồi ông cho bộ máy của mình hoạt động, nghĩa là gần như tất cả trừ chiến lược và chính trị. Nhưng không có ông và những người của ông, de Lattre và những "khói óc lớn"- Beaufre, Cogny, v.v... - sẽ rất lúng túng trong chiến tranh và những ý đồ lớn. Nhờ ông, mọi "đạn dược khí cụ" các loại bao giờ cũng sẵn sàng, lúc nào cũng có những bản đồ lớn cần thiết cho "cuộc chơi lớn".

Ông không bao giờ ở lâu bên vua Jean. Khi thấy ông, ông này kêu lên: "Anh làm gì đấy? Thế công việc?" Thực vậy, Allard sống xa các ông lớn, trong những văn phòng trại lính ở ngoại ô Sài Gòn. Ở đấy ông là vua hậu cần, của việc cung cấp, kỷ luật, tổ chức. Ông chăm lo đến tất cả những gì khô khan bao gồm cả tài chính, vấn đề rất không xứng đáng. Để xem xét các phiếu, để ghi chép, ông mang trên chiếc mũi to đôi kính của bà già, làm việc cật lực. Sức khỏe ông rất tốt. Nhờ có ông Đội quân viễn chinh trở thành một cỗ máy được bôi trơn hoàn hảo, các tiểu đoàn "sáng bóng" đúng mức, với những chỉ huy đẹp, quân lính đẹp, những đạn cối, trang bị vận chuyển, thông tin liên lạc. mọi cái cần thiết. Không bao giờ bị bất ngờ, đụng chạm, phiền phức.

Đấy là một người phục vụ lý tưởng. Khiêm tốn, bao giờ cũng ẩn mình, tận tụy cả thể xác và tâm hồn. Ông là "phục vụ và phục vụ" nhưng ở mức những việc lớn. Tất cả ở ông là lòng tự hào nhưng tự hào trên cơ sở vâng lệnh những "ông chủ" lớn vốn vượt ra ngoài chuẩn mực, có thể cho phép tất cả mọi điều khác thường.

Lúc này là việc săn lùng người; de Lattre muốn đầy một rổ, bất cứ những ai miễn là có nhiều để tung ra trước mặt mọi người. "Thi hành” - phải nói như thế. Allard săn đuổi nạn nhân của mình trong ban tham mưu bao la Carpentier để lại. Mỗi phòng ban là một vương quốc đặc biệt mà các lon rất được nuông chiều. Allard tỉa gọt trong đó như đối với bụi cây. Ông chỉ muốn cắt những cành nhánh vô ích để có một khu vườn hợp lý, hoạt động tốt, bình lặng không ồn ào. De Lattre mắng nhiếc ông: "Anh làm nhanh lên. Tôi muốn chuyến tàu sắp tới đi Pháp chở đầy những kẻ ngu xuẩn. Tìm đi, tìm đi cho tôi". Cuối cùng Allard bực mình:

- Ông để tôi yên. Tôi cũng cần có những viên chức trong quân đội. Việc đó ông không quan tâm nhưng tôi có đấy. Tôi không muốn đổ vỡ tất cả. Ông sẽ nói thế nào nếu các phòng ban của tôi không hoạt động nữa. Tôi biết rõ người của tôi, những lao động vô danh và cần thiết mà đối với ông chỉ là những kẻ hiến sinh. Tôi giữ những người tốt, loại bỏ những kẻ xấu. Nhưng phải có thì giờ.

De Lattre im lặng. Trong lúc này một chiếc xe nhỏ đầu tiên cũng đủ. Vả lại ông không dứt khoát phản bác, không có nguyên tắc tuyệt đối. Tìm được cái tốt ở đâu thì ông nắm lấy kể cả trong cái ông vừa long trọng loại trừ. Vì vậy trong số Carpentier và Pignon để lại, ông chọn một người của Carpentier và một của Pignon, hai người sẽ đóng một vai trò to lớn bên cạnh ông, trong lớp thân cận, giữa lòng lớp người xung quanh ông.

Trong đó có một quản nhân, một con bài "A" về thông tin đảm bảo. Salan đã có thể làm việc ấy, vì rất giỏi trong những chuyện lôi thôi, dựa vào những đường dây riêng những tình báo viên già thừa hưởng của cảnh sát Thượng Hải, băng riêng của ông do "Hươu cái" ghê gớm, bà Salan, khống chế và đủ loại dân thường kỳ cục, nhà sư hoặc những viên quản cũ thuộc địa bố trí trong cửa hàng tạp phẩm. De Lattre rất lo ngại về tất cả cái đó. Ông muốn có một kỹ thuật viên bách khoa. Ông tìm được, dù người ấy đã do Carpentier đào tạo. Đấy là Boussary. Ông ăn mặc tồi, vụng về, một dáng vẻ hề với chiếc đầu bạc. Boussary làm ông thích thú vì đó là cỗ máy điện tử, một chiếc máy tính, phân tích. Một trí óc không mệt mỏi, luôn lập luận, số liệu và rút ra kết luận. Đấy là kỹ thuật viên thực sự và nhanh chóng về thông tin. De Lattre hỏi: "Quân Việt ở đâu?" Boussary lên ngay một bảng rõ ràng và thông minh. Ông nắm số lượng quân Việt, chia, cộng, nhân, thực hiện mọi phép tính sơ và cao cấp. Tuy vậy ông luôn thiếu một kết luận, lúc nào cũng còn một ẩn số cơ bản. Ông biết rõ có thể quân Việt ở mười, một trăm chỗ nhưng không biết thực tế hiện họ ở dâu. De Lattre lóa mắt về những tính toán lô-gic ấy: Điều ấy cho phép ông nổ ra khi muốn bất chợt: "Anh chỉ là một con lừa, Boussary. Quân Việt ở đây, dĩ nhiên là chỗ này." Cuối cùng de Lattre không bỏ qua được, ông này rất quan trọng. Ông thường xuyên dựa vào Boussary cho dù trước mỗi trận đánh, do những định đề của ông này, Đội quân viễn chinh bị bất ngờ vì quân Việt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #418 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2020, 10:55:28 pm »


De Lattre tự nhủ những chiến thắng tương lai ấy để làm gì nếu không có văn chương? Ông không bao giờ đọc, kể cả các tác phẩm của những tác giả đang lên đề tặng. Ông ra lệnh cho một trong những tuỳ tùng: "Anh nói xem trong đó viết về những gì?" Lần lượt ông rất chú trọng đến văn chương, viện Hàn lâm Pháp, các văn sĩ lớn. Theo ông, chiến tranh thắng trên giấy cũng như trên thực địa. Vậy là ông thực hiện những văn bản đẹp về quân sự. Ông có tiền đề hiếm thấy ở một tổng chỉ huy: "Một nét phẩy cũng quan trọng như một trận đánh." Xung quanh ông, Cogny, Beaufré, Goussault và những nhân vật lớn hàng ngày để nhiều giờ trau chuốt lối hành văn quý phái, những kilô thông điệp, báo cáo, tường thuật. Sau đó đọc các bài, de Lattre dừng lại ở từng chữ: "Cái này là cái gì? Không tốt".

Tuyệt vời! Trong số những người của Pignon, ông tìm được một cây viết. Một biên tập chuyên nghiệp. Một thủ khoa cũ của trường sư phạm và hơn thế, một chiến binh thực thụ, một sĩ quan dự bị đã được thưởng huân chương ở mặt trận Ý. Đấy là người thứ hai, ông Dannaud.

Một người phái dân sự rất đẹp, có loại đầu lãng mạn, được các bà yêu thích khác thường. Thời kỳ Pignon, khi ông lãnh đạo nền giáo dục ở Đông Dương, các nữ sinh trung học ngất xỉu khi ông đến gần họ trong đợt đi thanh tra. Ông cưới một phụ nữ lai rất đẹp, đôi mắt xanh nhạt màu, thân hình gợi cảm mà người chồng trước bị bắn chết. Chắc chắn là tự sát: Tuy vậy giới tư sản Sài Gòn bàn tán chính bà vợ giết. Dannaud thú vị về lời đồn ấy, thích làm cho người ta tin ông cũng có thể có số phận tương tự. Ông luôn đưa cho bạn thấy con dao ông có trong người để tự vệ.

Chuyên môn của Dannaud là cảm nhận, mọi sự cảm nhận. Ông muốn tin nhưng vì quá thông minh không bám được vào một ý, một hệ thống. Ông có một vẻ buồn nhớ, mơ hồ trong tâm hồn mà tùy tình hình có thể là một niềm tin mãnh liệt hoặc khinh miệt cao độ. Ông ở trong hư vô, nhìn từ cao từ xa và bỗng thức tỉnh, lao vào một ai đó và bắt giữ.

Nghề thực sự của ông là sự quyến rũ. Khi ông tấn công, không ai cưỡng được từ một bộ trưởng đến một người đẹp. Khi tấn công de Lattre ông thành công hoàn toàn - điều làm thay đổi cuộc đời ông. Ai chinh phục de Lattre cũng bị ông ta chinh phục.

Dannaud chấp nhận một ông chủ, và cống hiến tài năng. De Lattre đưa ông vào công việc, viết những bài diễn văn tuyệt vời. Dannaud như ở với thiên thần, trong bầu trời de Lattre. Đôi khi vị tướng quát: "Không phải thế". Ông giao cho những quân nhân tốt như Cogny, Beaufré chữa những bài rất hay của người sinh viên sư phạm. Đôi khi ông cũng nhúng tay vào việc đó. Ông, người không biết viết, không thể đưa ra một tia đầu tiên, đượm máu và nước dễ dàng kỳ lạ khi biến bài viết của Dannaud thành của de Lattre. Lúc ấy sẽ là văn cổ điển thêm vào cái gì đó. Trong những sửa chữa ấy, Dannaud đau khổ, khủng hoảng và khóc. De Lattre nhận xét: "Dannaud có luật lệ của anh ta."

Như thế trong bốn mươi tám tiếng đồng hồ ở lâu đài Norodom, de Lattre đã bổ sung thân cận của mình. Ông đã tăng cường đội biệt kích đến cùng ông từ Pháp. Nhưng còn cần những người khác, những kẻ vô lại, trí óc, những chiến binh, các cận thần. Có những người đã ở Đông Dương, những người khác ở Pháp hoặc khắp thế giới. Hàng trăm điện tín gửi đi để tuyển mộ ê-kíp lớn. Những người đến được tính toán: từ nồng nhiệt đến khinh khi. Cho dù những người ấy không phải siêu nhân cũng được, ông sẽ biết đào tạo lại họ.

Thế nhưng de Lattre không có thì giờ chờ đủ người cho gánh xiếc. Một mình ông sẽ làm "trò chơi lớn". Trong tất cả những gì người ta nói với ông về Đông Dương, có một "nguồn" tác động đến ông, đun nóng sự tưởng tượng của ông: Hồ Chí Minh tuyên bố sẽ diễu binh, chiến thắng ở Hà Nội vào ngày 19 tháng chạp, kỷ niệm ngày Việt Minh kháng chiến năm 1946.

De Lattre đến Đông Dương từ 17 tháng chạp, ông quyết định vào ngày 19 tháng chạp chính ông sẽ duyệt các đội quân trong Hà Nội được giữ lại, Hà Nội mà ông không bao giờ nhường lại. Đây là biểu tượng của sự quyết tâm, sự thách thức khó tin đối với kẻ địch, vở bi kịch lớn kéo màn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #419 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2020, 10:56:50 pm »


Sài Gòn, thành phố của đồng bạc mà de Lattre rất khinh, lơ là và vui vẻ - một niềm vui không liên quan gì với việc cứu tinh, một tổng chỉ huy xuất sắc đến. Trong thành phố này chẳng có gì quan trọng, ngoài việc hưởng thụ. Phần đông những người đến chào đại tướng De Lattre de Tassigny sau đó đi uống với nhau ở quán rượu Le Chalet gần ngoại ô Chợ Lớn. Trong lúc người ta "tỏa ra", đi lại nhiều, một đám cháy khổng lồ (tấn công, quấy phá hoặc do sáng kiến một chủ đất muốn phá huỷ những mái nhà tranh để xây dựng kiên cố) bao trùm bên bờ đường phía kia. Lửa và khói nghi ngút bốc lên trời. Hơi nóng càng làm tăng nhiệt độ phòng nhảy. Không một xúc động nào. Ban nhạc chơi, các đôi trai gái quay cuồng, rượu champagne chảy. Có ai đó thì thầm trong sự thờ ơ: "Hình như Vua Jean ra Hà Nội. Để xem ông ta có ra gì không đối với người Việt."

Ở Hà Nội là sự lo lắng, cảm giác của kết thúc, của cái chết đã rõ ràng. Ngày đêm súng ca-nông nổ rất gần. Thành phố vơi đi. Viên chức đốt hồ sơ. Những đoàn xe dài di tản phụ nữ và trẻ em da trắng, thường đã ngả màu vàng. Những đoàn xe khác chuyển vũ khí hạng nặng của quân đội. Quân lính bị ám ảnh về chiếc cầu Doumer, công trình cũ thời thuộc địa bắc qua sông Hồng và là con đường chạy thoát duy nhất. Người ta đưa cả những tiểu đoàn đầy đủ bảo vệ cầu. Ban chỉ huy thông báo cho dân chúng, đàn ông phải tự xoay xở đi thật sớm, sau đó cầu sẽ dành cho Đội viễn chinh rút quân. Dân bản địa ẩn lại trong các khu phố của mình. Đường sá vắng vẻ, cả những đường phố nhỏ trước đây buôn bán tấp nập: Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Buồm. Chiếc hồ nhỏ giữa lòng Hà Nội hiu quạnh với những tháp, những chùa, cảnh hoang phế...

Sự lo lắng tăng khi càng gần đến ngày 19 tháng chạp. Một số người Pháp ở lại nhớ đến những kỷ niệm kinh khủng trước đây: ánh sáng vụt tắt, những người bận đồ đen xuất hiện trong đêm tối, bóp cổ, xử cực hình. Tiếng la hét, tiếng nổ, đánh nhau giáp lá cà ở cửa cống, trong nhà, ở các ngõ cụt hầu như không trông thấy nhau; lẫn lộn mù quáng giữa những đao phủ, nạn nhân và binh lính. Chẳng ai biết ra sao. Chỉ là những ngọn lửa và tiếng ồn ào. Những cái đó có lặp lại không?

Ít hy vọng. Ngay ngày de Lattre đến Sài Gòn, 17 tháng chín, quân đội Pháp rút khỏi vị trí Đình Lập, trên đoạn cuối đường số 4. Vậy là tiếp tục rút chạy. Tất cả hình như sụp đổ. Các sư đoàn chủ yếu của ông Giáp tập trung thành hình vòng cung xung quanh Hà Nội, trên những ngọn núi cách không đến bốn mươi cây số. Những lực lượng đó xuống vùng đồng bằng rất gần, đã bắt đầu tấn công những tiền đồn ngoại vi. Cuộc tổng tấn công sắp xảy ra. Về phía người Pháp vẫn không hoạt động gì. Tướng de Latour chỉ huy các đội quân Bắc Kỳ đi Sài Gòn gặp tổng chỉ huy. Ông trở về lo ngại không có niềm tin, sẵn sàng chối bỏ. Vua Jean vẫn không làm gì ở Hà Nội, như đã chối bỏ trước.

Ngày 19 tháng chạp. Trời mưa phùn. Tiếng ì ầm của trọng pháo đến từ phía bắc, từ những đồi núi, quân Việt sẽ xông lên chăng? Thành phố vẫn vắng vẻ, chỉ có các đội tuần tra. Thời gian kéo dài. Những người ẩn nấp trong nhà tự hỏi: "Chưa có gì, nhưng chốc nữa sẽ xảy ra việc gì đây?" Đủ loại đồn thổi o ép nhất. Tiếng súng ca-nông vẫn ở xa. Bỗng có tiếng truyền miệng nổi lên. Không có thông báo chính thức nào. Sau những cửa sổ, người ta trông thấy các nhân vật quan trọng người Pháp và Việt Nam, trang sức đầy đủ trên những chiếc xe cắm cờ hiệu chạy ào ra sân bay. Rung chuyển mới làm những người cam chịu rùng mình, không tin. Chắc chắn rồi, đại tướng de Lattre chốc nữa sẽ đến.

Chờ đợi lâu. Ở sân bay các giới chức trang điểm diêm dúa kết thành từng nhóm buồn chán, nói ít. Cả buổi chiều lệnh đi, lệnh lại. Đối với quân lính nai nịch vội vã, là một việc mất thì giờ. Nhưng Nguyễn Hữu Trí, thủ hiến khô khan và kiêu ngạo của Bắc Kỳ, áo dài, chít khăn, có khuôn mặt quá nhẵn, khuôn mặt không bằng lòng. "Đợi mãi" theo cách này, vị đại diện của hoàng đế Bảo Đại "mất mặt".

Ngày bắt đầu tàn, buổi chiều êm dịu và sáng sủa. Trong vẻ xám xịt của hoàng hôn, các nhân vật đứng chờ từ lâu thấy có ánh sáng trên bầu trời, đèn xác định vị trí trên chiếc Dakota của de Lattre. Đêm xuống. Chiếc máy bay của vị tướng hạ cánh, đèn pha các xe ô-tô dùng làm đèn chiếu. Một ít lễ nghi rồi ào đi. Qua những con đường của thành phố trở lại trong bóng tối và hoang vắng, đoàn xe các quan chức chạy gần một trăm cây số mỗi giờ. Trong xe, de Lattre thúc anh lái: "Nhanh hơn, nhanh hơn nữa". Phía sau, những xe của chính quyền và quân sự chạy đua để khỏi bị cắt quãng. Trên các hè phố tụ tập một đám đông, kinh ngạc về việc vào thành phố phi cổ điển như vậy. Họ nói: "Đấy là vua Jean, chỉ có thể là ông ta thôi”.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM