Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:13:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84904 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #400 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2019, 09:49:44 pm »


Thế là Alessandri ra đi, như sét đánh vì ông không chờ đợi điều ấy. Cuộc đời còn lại ông là hình ảnh của người nặng trĩu bất công nhưng luôn tranh đấu quyết liệt, tăng cường giấy tờ, vận động, lập luận không mệt mỏi để nêu rõ: "Không phải tôi, không phải lỗi của tôi." Lại vẫn là sự bướng bỉnh vô ích! Do chạy chọt nhiều ông trở thành cố vấn riêng của Bảo Đại, mơ hồ, gần như vì thương cảm. Rồi ông biến mất vĩnh viễn, một viên tướng về hưu vô danh trong một căn nhà ở Bờ biển Xanh, thành quả tiết kiệm của ông. Không bao giờ ông hiểu mình là nạn nhân đồng thời của những ảo tưởng của mình và của một thế giới quá phức tạp. Ông vẫn rất khổ sở vì một lần nữa chịu đựng một hội đồng điều tra thanh minh cho Carpentier, gần như thanh minh cho Constans nhưng đè nặng ông, người có tội ít nhất về đường số 4 và những thảm bại. Nhưng điều đó vẫn là vận mệnh ông, muốn trèo lên cao hơn, thật thà tin mình thiên tài để rồi sụp đổ.

Trừ một số trung thành, vấn đề Alessandri ít làm Đội quân viễn chinh xúc động: chịu trách nhiệm hay không, ông đã quá tàn tạ, mang dấu vết thảm họa, thậm chí là mẫu người kết thúc xấu. Lời bình luận duy nhất là: "Nhưng tướng Carpentier cũng không ra đi nốt?"

Carpentier vẫn đấy, thậm chí không biết lấy ai thay thế Alessandri; trước hết theo ông, thực tế chẳng có ai. Một tướng Garbey nào đó có vẻ là một người mạnh, được thăm dò sau khi đến xem xét tại chỗ.

Đối đầu với người Việt đang rất tích cực chuẩn bị là một Hà Nội trống không, chỉ những người làm ra vẻ. Không ai chỉ huy - người ta để cho quân đội tự xoay xở. Lúc ấy không có gì lạ lùng hơn thành trì, chỗ ban tham mưu Bắc Kỳ đang làm việc. Đây là pháo đài cổ của người Annam bị người Pháp chiếm cách đây một thế kỷ, còn lại một bức tường thành ghép đá to và xù xì, vẫn còn lại lỗ một viên đạn do lính thủy đánh bộ Pháp bắn trước kia. Bây giờ đây là một khu bàn giấy bao la, bẩn, bỏ phế. Những ban, phòng không kể xiết của chiến tranh được bố trí trong các căn nhà của vùng quân sự cũ được làm dần theo sự cần thiết của chế độ bảo hộ dở thức dở ngủ. Ở đây đầy các sĩ quan, vẻ thảm hại của tầng lớp tiểu tư sản: tất cả gắn chặt vào phạm vi hẹp hòi của công việc, ai biết nhiệm vụ nấy, dựa vào áp dụng chặt chẽ những điều quy định. Tất cả rất hạn chế. Một nhà báo có ngày đến đó với tôi nói tôi: "Tất cả đám người ấy đều có đầu óc làm cuộc chiến thất bại".

Thế nhưng trong những ngày kịch tính này, chính những người kém cỏi ấy, những người vô danh tuy mang lon, chỉ huy Bắc Kỳ. Thiếu các nhân vật quan trọng khác, mọi trách nhiệm đè nặng lên đại tá Gambiez giữ nhiệm vụ tham mưu trưởng: con người nhỏ thó gân guốc đã chiếm và rút khỏi Thái Nguyền. Vẫn là khuôn mặt khó coi đối với một quân nhân. Và ở bàn giấy cũng như trước đây trong chiến đấu, ông chỉ huy rất nhã nhặn, tinh tế, với những cách thức tỉnh lẻ. Trong ban tham mưu ông làm những gì có thể làm một cách vô vọng, nhưng không có trọng lượng. Ông chỉ là đại tá và ông có một sự khờ dại nào đó mà không ai cho là khôn khéo hoặc đạo đức giả bề trên; vì ông có tài, không ai biết làm thế nào mà ông luôn thoát khỏi những "ngây thơ" đó. Cuối cùng ông chẳng được việc gì nhiều.

Tất nhiên sự trống không đáng sợ ấy không ngăn cản Bộ chỉ huy mỗi ngày càng nảy nở những lý thuyết mới; tôi vẫn kinh ngạc về khả năng trí tuệ của các ban tham mưu đã sáng tạo những lập luận xuất sắc để thanh minh, giải thích. Đã đến lúc phổ biến quan điểm việc bình định đã qua rồi, phải thay đổi, chuyển sang chiến đấu. Ý tưởng cơ bản là hình thành một đoàn quân thực sự chiến đấu, với những đội lưu động, trọng pháo, máy bay xung kích, những gì là sức mạnh về lưới lửa. Người ta đang ở mức tiểu đoàn trong lúc quân Việt đi đến trung đoàn, thậm chí sư đoàn. Người ta chuyến sang đội lưu động. Đấy là một đoàn quân nhỏ được trang bị cần thiết để tự chiến đấu, gồm ba tiểu đoàn bộ binh, một số ca-nông, xe tăng, một ít công binh. Cũng có vài ý kiến bổ sung: hệ thống hóa quân biệt kích, các ban ám sát để gây bất ngờ và khủng bố người Việt; lập vùng trắng, quanh vùng châu thổ xây dựng một vành đai đốt phá ngăn cản sự xâm nhập và mọi tiếp vận của quân địch.

Nhưng chương trình ấy vẫn ở dạng suy nghĩ - chỉ là những ý tưởng trên không, không bắt đầu vận dụng. Vả lại từ Hà Nội cho đến các quân khu, khắp nơi không đồng lòng. Mọi người công nhận phải chiến đấu, phải có những đội lưu động. Nhưng khi yêu cầu có một đơn vị, thậm chí một người để xây dựng, chỉ huy quân khu đưa tay lên trời kêu lên: "Tôi không thể. Nếu lấy người của vùng tôi đi, công cuộc bình định sẽ ra sao?" Trở ngại khắp nơi, làm khổ những người ở văn phòng điều chỉnh kế hoạch. Vậy là người ta dè dặt chẳng làm gì cả như còn nhiều thì giờ, như cuộc sống, cái chết không phải chẳng còn mấy tuần nữa. Người ta biết, và chịu đựng may rủi của sự kiện.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #401 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2019, 09:50:39 pm »


Tính thụ động ấy càng đáng sợ hơn không chỉ vì quân Việt tập trung hướng về Hà Nội và huỷ hoại vùng châu thổ. Bỗng nhiên trong tháng 11 có mối nguy hiểm nghìn lần lớn hơn. Nỗi sợ hãi quân Việt chồng chất thêm nỗi sợ quân Trung Hoa. Cách đây nhiều nghìn cây số, quân đội Mao - hàng trăm nghìn có lẽ hàng triệu người bỗng lao vào các đội quân của McAurthur, nhấn chìm quân lính Hoa Kỳ nhiều lần lớn hơn, được nuôi dưỡng, trang bị vũ khí tốt gấp đôi. Chỗ ấy là thảm họa của người Mỹ. Nhưng khắp nơi ở Hà Nội người ta tự hỏi giông tố tàn phá Triều Tiên có tràn ra xung quanh Trung Quốc, trước hết là lan sang Bắc Kỳ không.

Tác động của sự thất bại Hoa Kỳ ở Triều Tiên thật rộng lớn. Mọi người tự nhủ: "Đây là cuộc đấu cuối cùng của người da vàng chống người da trắng, là sự kết liễu người da trắng ở Châu Á." Từ nay Trung Quốc là lò lửa sáu trăm triệu người ở đỉnh cao say mê. Sau nhiều thế kỷ ngủ, con rồng nhà trời đã thức tỉnh - và tai họa cho ai gần nó, trong tầm tay nó!

Ở Hà Nội là ý nghĩ nhức nhối: "Quân đội đỏ có can thiệp vào Bắc Kỳ không?" Trong lúc ở vùng châu thổ này người ta chẳng làm gì cả, Đội quân viễn chinh sa lầy trong tình trạng bị hành hạ vì định mệnh. Vả lại cố gắng làm một việc gì đó phỏng có ích gì? Nếu từ Trung Quốc nổi giận tràn ra làn sóng người không dứt, Bắc Kỳ vô vọng sẽ là bước đường cùng của các đơn vị Pháp, bẫy chuột chết người, sẽ bị nhấn chìm toàn bộ.

Nếu bị thua riêng người Việt, người ta chắc còn rút bộ phận lớn quân qua Hải Phòng. Nhưng nếu quân lính Mao phối hợp với quân lính ông Giáp, nếu họ ào qua biên giới thì sẽ là thảm họa không cùng, không một đơn vị, một chiến binh nào trở về nước được.

Nhưng vẫn chẳng xẩy ra việc gì. Những ngày trôi đi tẻ nhạt hơn, còn những tưởng tượng đầy giả thuyết càng ngày càng đáng sợ. Sau bao đảm bảo hoà bình, bên cạnh không còn là một Trung Hoa mềm mỏng nữa mà đầy giận dữ. Những lời nói và việc làm cũng đầy đe dọa. Chu Ân Lai tuyên bố trên radio: Đông Dương chỉ còn là một mặt bằng xâm lược của Mỹ. Chúng tôi không thể chịu đựng tình trạng ấy lâu hơn nữa. Ở Quảng Đông trên các bức tường trong thành phố Châu Giang đều viết khẩu hiệu: "Chúng ta sẽ chặt đứt những bước chân đẫm máu của chủ nghĩa đế quốc Pháp." Mỗi ngày mối nguy cơ càng thể hiện cụ thể: ngoài người Việt, người Trung Hoa cũng có những chuẩn bị quân sự rộng lớn. Họ tiến hành điều quân: quân đoàn 2 tập trung ở Vân Nam, quân đoàn 3 ở Quảng Tây, tập hợp trên hai trục xâm chiếm, một theo đường Lao Cai, trục kia qua Cao Bằng - Lạng Sơn. Họ bố trí một ban tham mưu lớn ở Nam Ninh, cách biên giới hai trăm cây số, do một viên tướng nổi tiếng chỉ huy.

Thực tế, tin tức tình báo cho biết Trung Quốc không tấn công Đông Dương vì bản thân Đông Dương, vì những gì nó có. Nhưng họ có thể đánh để chống lại những gì xảy ra ở những nơi khác.

Như vậy, Đông Dương tê dại trong cuối năm này đầy kịch tính, cuộc phản công chắc chắn của Việt Minh, cuộc phản công Trung - Việt rất có khả năng. Và trước sự biến động rất đẹp của cấp trên, những người thực sự hiểu là các sĩ quan trong các đội quân, vật cá cược là mạng sống của họ. Họ không muốn chết như vậy, do lỗi của người khác do sự ngu ngốc.

Tất cả triết lý của tướng Carpentier chứa đựng trong mấy câu thân mật với đại tá Gambiez, tổng tham mưu trưởng ở Hà Nội và dùng làm chỉ huy thay thế: "Tôi có một điều phiền phức lớn, tôi không muốn có những quấy rầy khác nữa. Ông tự xoay xở lấy". Và đấy rõ ràng là cách đi tới những phiền phức lớn hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #402 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2019, 09:51:39 pm »


Người cứu tinh giả mạo

Lúc ấy bỗng xuất hiện người cứu tinh, nhưng đúng không phải một người cứu tinh thật mà là giả mạo. Trước hết người ấy phải có ngọn lửa và sự trong sạch, nhất thiết phải có tính chất hai mặt ấy.

Ông ta không có vẻ thế. Đấy là tướng Boyer de Latour đã khô héo và sạm nắng ở Sahara. Cuối tháng mười một ông đến với hai vị chúa, những gương mặt chính, đại tá Edon, người tròn, luôn có dáng vẻ một chủ đất đi thăm đồn điền, và đại tá Meric, đẹp gần như khổ hạnh, gầy, không ngừng cắn rứt "lương tâm" tự nhủ có phục vụ sự thật không.

De Latour - người ta biết rõ ông ở Châu Á. Vì một, hai năm trước ở Nam Kỳ ông đã liên minh các giáo phái, sáng tạo việc bình định. Vậy là ông có tiếng tăm lâu dài. Ở Paris, Chính phủ bất ngờ nắm lấy ông, đưa lên một chiếc máy bay bảo đi cứu Đông Dương nhưng gần như không có chỉ thị, không nói làm thế nào, không gì cả.

Vậy là ông "nhảy xuống" Bắc Kỳ cùng số thân tín của mình. Bao giờ cũng thế, ông xuất hiện có phong cách, thậm chí cường điệu, sẵn sàng mang vỏ bọc một ông già càu nhàu, nông dân, nhưng rất tinh quái, "mánh lới" kinh khủng và tự nhủ mình đến làm gì trong tình hình khó khăn này.

Những quân nhân có vẻ ngoài đơn giản nhất, thô ráp vui vẻ nhất thường giấu trong lòng những phức tạp kỳ lạ: đấy là trường hợp de Latour. Lúc đầu mọi tham vọng của ông không có giới hạn. Trước kia ông ra đi chẳng là gì cả. Ông muốn tất cả. Juin đã nói với ông ở Paris: "Ông xoay xở cho tốt ở đấy. Trong mấy tuần nữa ông sẽ thay thế Carpentier." Vậy là Juin bắt đầu thả Carpentier trung thành của ông mà ông ta không nghi ngờ gì.

Nhưng nhất là de Latour này không chỉ dẫn, không hiểu biết thực sự có một dạng thông minh, trí thông minh nguyên chất, trong trạng thái thiên nhiên, cấu thành mưu mẹo dưới dạng tàn ác. Trước tiên, điều ông thích là viên tướng "thoải mái", khéo léo theo cách của mình vừa càu nhàu, phân phát phần thưởng cho những người cuồng tín mình, những kẻ mình nâng đỡ, trước hàng quân sau những "chiến thắng".

Bắc Kỳ đối với ông là một cơ hội, miễn là phải khéo léo. Vì có thể đây là một hố sâu và ông không muốn rơi vào đấy. Khi đến nơi, ông tuôn ra với những người thân tín: "Tôi không muốn giam hãm mình trong tổ ong bò vẽ này. Tôi, các anh biết đấy, tôi không thích chơi bài pô-khơ với một đôi chín chống lại người có đôi át. Mà ở đây ông Giáp có những lá bài tốt".

Thâm tâm, ông có ý tưởng của mình, trình bày mật trong một báo cáo ngày 16 tháng chạp: Rút chân rút khỏi Bắc Kỳ và "đánh lớn" ở Nam Kỳ dễ phòng thủ hơn nhiều, có gạo, những lợi ích kinh tế và tài chính. Ông muốn mình là thống đốc Sài Gòn của đồng bạc và cao su.

Lẽ tự nhiên de Latour không bộc lộ hoàn toàn. Trong những văn bản viết cho ông Letourneau và những nhân vật khác, ông gợi ý người ta có thể xây dựng khoảng một trăm tiểu đoàn Việt Nam để chiến đấu ở miền Bắc còn Đội viễn chinh Pháp rút về miền Nam. Cũng là một cách bỏ Bắc Kỳ không nói ra.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #403 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2019, 09:52:12 pm »


Ngay từ đầu, de Latour "khù khờ" - thực tế ông chỉ khù khờ ngoài mặt - đầy mâu thuẫn, đúng ra là đầy thủ đoạn. Ông muốn rút khỏi Bắc Kỳ nhưng có vẻ phòng thủ vùng này vì đấy là nhiệm vụ chủ yếu của ông được giao. Thế là bên ngoài, trước hết ông làm những gì cần thiết để chuẩn bị chiến đấu. Và là một con vật giả danh, ông đặt ra những biện pháp mạnh, thông minh. Ở Nam Kỳ ông đã nói: "Mỗi cây số phải có một vọng lâu", ở Bắc Kỳ ông tuyên bố: "Phải có sáu đội cơ động để chiến đấu." Vì vùng châu thổ sắp bị tấn công này không có một loại dự trữ nào: tất cả rải rác ở các bốt khắp nơi. Ông độc ác rút đi của các đại tá, thiếu tá, đại uý giữ đất đai, những tiểu đoàn, đơn vị, người để xây dựng các đoàn quân chiến đấu. Tất cả rên rỉ rồi sẽ mất hết, quân Việt sẽ thâm nhập khắp nơi nhưng de Latour làm cho họ im lặng một cách đơn giản: "Tôi bất kể... Các ông thu xếp lấy. Gửi cho tôi những gì tôi cần". Hơn nữa ông bố trí mặt trận trước Hà Nội, cho làm pháo đài nhẹ khắp nơi, các loại hầm hào, học theo một ít của chiến tranh 1914-1918 - làm chỗ dựa cho các cuộc hành quân.

Tai họa là tinh thần trong lòng Đội quân viễn chinh ngày càng xuống, sĩ quan và binh lính cảm thấy de Latour tuy làm những việc ấy nhưng không tin vào đấy, ông ta nghĩ ở miền Bắc đã thất bại và chỉ nghĩ ra đi. Căn bản là thiếu tác động về tâm lý. Khá kỳ cục là ông de Latour giỏi tập hợp này không tiếp xúc với các đội quân, không biết nói với họ. Ông ta cũng chỉ thực sự thoải mái với cận thần, với những người ủng hộ mình, các nhóm ở Bắc Phi. Những đơn vị ông đến thăm, trước hết các đội quân ta-bo, pháo thủ Maroc và Algéria: đấy là thế giới của ông. Thì giờ còn lại ông bận bịu, không riêng vì tình hình mà còn vì ông bị bệnh kiết lỵ và lo lắng về bà vợ trẻ, rất trẻ ông phải để lại ở Pháp.

Tinh thần uể oải tiếp tục. Mối nguy hiểm càng hiển nhiên về người Trung Hoa lu mờ đi, về người Việt trở nên o ép. Sau một thời gian dài chờ đợi, đã đến lúc mỗi ngày các sư đoàn ông Giáp càng gấp rút. Họ đã tung ra cuộc phản công đầu tiên - mới chỉ là một hành động phụ, với một sư đoàn, xa nhưng là điềm báo bão, chứng tỏ bộ máy phá huỷ đã khởi đầu. Đấy là vùng bờ biển gần vịnh Hạ Long, đường đi Tiên Yên và đầu đường số 4 - một lần nữa phải di tản, rút đi các bốt, các khu đồn trú. Mệnh lệnh là vừa đánh vừa rút lui. Nhưng Bình Lư muốn chống cự, mất đi một trăm năm mươi người và cũng phải bỏ lại.

Sức nặng tăng lên, sức nặng đè bẹp của người Việt. Dù sao Đội quân viễn chinh còn chiến đấu tốt. Vì sau đợt tạm ngưng là cơn ác mộng. Quân chính quy của Giáp "sờ đến" vành đai các công sự phía bắc Hà Nội.

Vào tháng chạp bắt đầu nỗi sợ hãi lớn ở Hà Nội. Lúc đầu thành phố này không tin có sự đe dọa. Trước kia đây là thành phố của chính quyền cai trị. Sau những "tai họa" năm 1946 nhân dân hồi cư dần dần - và là sự thịnh vượng của những "trung lưu", những chủ quán rượu, cửa hàng, gái đĩ, những viên chức. Trong Hà Nội này cái gì cũng nhỏ, u ám dưới bầu trời thấp, xung quanh mặt hồ ngọt ngào và nhỏ nhoi¬, với những ngôi nhà có kính, ngược hẳn với Sài Gòn ngoại lai. Những người ở đây không sống cuồng loạn, trừ những người sẽ chết cho chiến tranh. Những người này làm việc trong các văn phòng, những người khác buôn bán với lính trơn. Không có những ý đồ lớn, thậm chí không có đầu cơ đáng kể.

Dân thường người Pháp là những mẫu người cổ xưa sống bằng ký ức, loại cựu chiến binh 1914-1918 sau đó làm việc ba mươi năm ở "thuộc địa". Họ đều ít nhiều dân quê hóa nhưng vô cùng khinh dân quê tuy nhuốm chút lòng tốt. Không có gì làm thay đổi được bản chất họ, suốt ngày họ chứng minh "dân quê không biết đánh nhau", cả những người Việt Nam trong thành phố, mặc dù trước sức mạnh Việt Minh, vẫn không tin chắc một quân đội Pháp có thể bị ông Giáp và binh lính da vàng đánh bại hoàn toàn, cả Hà Nội lúc đầu rất bình tĩnh vì ngu ngốc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #404 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2019, 09:52:41 pm »


Rồi dần dần nỗi lo lắng thâm nhập, không vì sự tuyên truyền Việt Minh. Đấy là do nỗi sợ hãi của quân đội Pháp, tất cả những triệu chứng lo lắng của quân lính và viên chức lây nhiễm bất kể những bảo thủ lạc quan. Lâu dần Hà Nội tự nhủ có thể quân Việt nói thật, có thể họ sẽ vào Hà Nội ngày 19 tháng chạp như Hồ Chí Minh đã công bố. Có những dấu hiệu liên quan thật ghê rợn. Hình như một con rùa khổng lồ, mai dài hơn một mét rưỡi, xuất hiện một lúc trên mặt nước Hồ Gươm, bên cạnh ngọn tháp linh thiêng; con vật sau đó lại biến mất trong nước sâu. Ngay chiều hôm đó cả thành phố nói về sự xuất hiện ấy. Vì trong dân chúng chẳng ai không biết đấy là điềm báo. Theo truyền thuyết con quái vật đáng tôn kính ấy chỉ nổi lên trước một biến động lớn, khi sắp có một tình hình mới. Như vậy là lời cán bộ Việt Minh thông báo sẽ chiếm thành phố trong mấy ngày nữa, được trời xác nhận.

Sự chờ đợi lâu dài tăng lên hàng ngày. Dưới trời mưa phùn Hà Nội chuyển từ thiu thiu ngủ bình thường sang trạng thái chết: mọi hoạt động ngừng lại, chấm dứt, cảnh tê liệt lan rộng. Không có những tụ họp trên đường, không có những khuôn mặt lo âu, những lời nói run rẩy nữa; dân chúng chấp nhận điều hiển nhiên.

Tai vạ rơi xuống cả những dân thường Pháp từ lâu, cho đến tuần lề cuối cùng, vẫn bám vào bản năng xưa, Hà Nội là của họ, không tin vào biên giới đã mở, vào quân địch đã tập trung cách đấy mấy cây số. Sự sụp đổ của họ người ta thấy qua tờ báo lá cải địa phương dày đặc những thông báo "rao bán". Chẳng mấy chốc không còn mấy nhà không có biển "Bán ngay", cả một khu phố trở thành "một chợ trộm cắp", ở đó mọi nền văn minh Pháp, những gì đại diện cho nó đưa ra bán đồ cũ không có ai mua.

Cả Hà Nội đang trong kinh hoàng. Một đợt chuyển đi những tài sản, đồ vật. Tướng de Latour làm ăn có kết quả ở Nam Kỳ với những người của đồng bạc, dĩ nhiên không hề an tâm mà ngược lại.

Khi ông đến Bắc Kỳ, mọi người, kể cả dân thường, biết ông đến làm gì. De Latour tuyên bố sẽ phòng thủ Hà Nội đến cùng, những điều ông làm là di tản, với "danh nghĩa đề phòng". Ông gửi đi Hải Phòng trên những đoàn xe đồ sộ mọi nhân viên, dịch vụ và những dụng cụ lớn. Có vẻ để "giải tỏa" Hà Nội, tránh tình trạng lệ thuộc khi bắt đầu đánh nhau. Nhưng ai cũng biết đấy là sự di tản và tiếp tục không ngừng.

Vả lại nỗi ám ảnh của de Latour là chiếc cầu Doumer, chiếc cầu sắt mênh mông hai cây số, con đường, rút duy nhất, phương tiện duy nhất vượt sông Hồng: nếu cầu bị cắt, Đội quân viễn chinh sẽ bị tắc nghẽn. Ông tăng cường phòng vệ, dùng lực lượng gần như một sư đoàn để giữ cầu, phải bảo đảm cầu nguyên vẹn. Điều làm cho dân Hà Nội lo lắng là một thông báo của tướng de Latour. Ông tuyên bố người Hà Nội nên thu vén nhanh đồ đạc và ra đi, vì nếu có lúc nào đó quân đội rút đi, sẽ không lo gì được cho họ. Quân đội giành cho riêng mình, cho những vận chuyển lớn, việc qua cầu Doumer và con đường Hà Nội - Hải Phòng, không một dân thường nào được đi qua đó.

Đòn cuối cùng đánh vào tinh thần dân chúng là lệnh di tản phụ nữ và trẻ em Pháp. Lần đầu tiên sau bao lần di dân người da vàng tôi thấy cuộc di dân người da trắng ở Đông Dương. Chính phủ chịu trách nhiệm đối với những người quá nghèo, gần bốn nghìn. Những người ấy là những người da trắng, lai da vàng, hầu như người da vàng, những người thuần túy da trắng có phương tiện tự di tản, không phải giúp đỡ. Thật thảm thương. Tôi thấy ở Hải Phòng một chỗ tập trung lên tàu của những người Pháp ấy - có những người phụ nữ ăn trầu, trẻ con, là những bà con, gia đình người Pháp bản thân cũng đã là người Việt hơn người Pháp. Họ đi về chỗ không quen, chẳng có một xu, sẽ thất bại ở một nơi nào đấy, đó là toàn bộ thảm kịch của người lai. Giữa cảnh tàn tạ ấy tôi nhận thấy một đôi vợ chồng già hoàn toàn da trắng. Họ lo lắng hỏi tôi: "Không biết ở Pháp chúng tôi có bị chết rét không? Chúng tôi chẳng biết ra sao nữa; đã bốn mươi năm chúng tôi chưa trở về bên ấy."

Ngày 14 tháng chạp đến gần. Tương lai bí mật tuyệt đối. Nhịp điệu di tản tăng nhanh: ở sân bay Gia Lâm một dãy máy bay đặc biệt chuyển đi tất cả những gì có thể được khi còn có thời gian. Máy bay ầm ì trên thành phố nhợt nhạt trống vắng mãi. Các thềm bán cà phê là những nơi ẩn cuối cùng của cuộc sống, ở đây những người ở lại tỏ ra can đảm. Chính quyền hứa bảo vệ từng đường phố, từng mái nhà nếu cần. Phòng Nhì nói các sư đoàn ông Giáp đã chuẩn bị xong, cuộc phản công hàng loạt sẽ bắt đầu vào bất cứ ngày nào, giờ nào. Các đội quân Pháp đã vào vị trí nhưng hầu như chẳng còn hy vọng gì.

Trong nỗi thất vọng ấy, Bernard de Lattre viết thư cho bố: "Chúng con phải có một chỉ huy biết chỉ huy, những kíp mới, những khí cụ thay thế, không "đánh nhau chập chờn" nữa và với tinh thần chúng con cố giữ, chúng ta có thể cứu được tất cả."

Ở các điểm ấy, giữa nỗi nhục nhã, giữa mọi nhục nhã là lời kêu gọi vô vọng đến ông bố. Và phép lạ là ông ta đến. Khắp Đông Dương radio báo tin tướng de Lattre de Tassigny được bổ nhiệm làm cao uỷ Pháp và tổng chỉ huy các đội quân Pháp ở Đông Dương. Việc này có một ý nghĩa rõ rệt, tuyệt đối, toàn diện đến mọi sĩ quan, mọi người trong các nhà ăn, bếp tập thể, nhà hàng quân đội, những nơi người ta chuyện trò và hơn thế, ở những nơi người ta chiến đấu, ở các đồn bị tấn công, những tiền tuyến bị đe dọa. Việc này cũng có một ý nghĩa rất cụ thể trong các ban tham mưu, nơi người ta đã lừa bịp nhau quá nhiều, nơi đã làm bao nhiêu kế hoạch giả, non nớt, tai họa. Chứng tỏ nước Pháp, đúng hơn là những chính phủ rời rạc, dốt nát của nước Pháp dù sao cũng từ chối sự thất bại, muốn vinh quang hơn xấu hổ.

Mọi việc đang trên bờ vực thẳm. Những người thông minh tự nhủ làm sao một người, đơn giản chỉ là người, có thể thay đổi tiến trình không lay chuyển được của lịch sử - người ta sẽ thấy ông ta nghĩ thành công như thế nào, ông tự lạm dụng mình và chết ra sao. Nhưng đây sẽ là đỉnh cao cuối cùng rất lãng mạn, thần kỳ nhất trong thời hiện đại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #405 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2019, 09:53:29 pm »


Sự lựa chọn lớn

Để thu xếp mọi việc ở Đông Dương, Chính phủ Pháp - vẫn không hiểu gì ở đấy hết - cử sang một anh hùng, như một giải pháp, như thế là đủ. Và sau một thời gian, vị anh hùng sẽ đưa Đội quân viễn chinh ra khỏi khốn khổ, trả lại tư cách, niềm tin cho nó. Nhưng bản thân ông sẽ quá sáng suổt để nhanh chóng nhận ra mình chỉ tạo ra một ảo tưởng. Ông hăng say, thử mọi phương pháp, tiêu huỷ mọi sức sống về tiềm năng, nghị lực, trí thông minh vượt ngoài những gì chấp nhận được - đến cực điểm của sự cố gắng. Trong nhiệm vụ này, con người thép và lửa ấy tự hủy hoại mình - cái chết của ông như một vụ tự sát gián tiếp. Nhưng trước khi tàn lụi, ông có câu nói: "Nếu tất cả thất bại, tôi sẽ đưa Đội quân viễn chinh trở về Pháp thay vì để quân Việt tiêu diệt thành mảnh hoặc chịu thảm họa."

De Lattre năm 1951 đã kéo Đội quân viễn chinh ra khỏi nỗi nhục nhã, nếu còn sống thì sẽ làm gì? Người ta không biết. Nhưng cách này hoặc cách khác, bao giờ để rơi lại vào những nhục nhã tệ hại, ông sẽ không để bị dồn cùng đường vào một Điện Biên Phủ nào đấy. Thực tế de Lattre đến quá muộn. Vì sự thất bại trên đường số 4 - các đoàn quân bị tiêu diệt, việc rút chạy Lạng Sơn, vây hãm Hà Nội - là dấu hiệu định mệnh: thế là hết. Bản thân những diễn biến ấy rất quan trọng, chỉ là khâu kết liễu thê thảm, không tránh khỏi được. Nhưng điều báo tin ấy người ta không muốn đọc, người ta bó mình trong mù quáng và phi lý.

Cuộc chiến tranh, người ta đã chọn trước hết là quyết định năm 1945 chiếm lại Đông Dương đã mất do người Nhật rồi người Việt: thu mềm mỏng, thương lượng rồi chuyển sang đổ máu. Người ta chọn cuộc chiến tranh lần thứ hai sau đợt "tấn công" Hà Nội tháng chạp năm 1946 mà Hồ Chí Minh thử giải pháp tiêu diệt. Đấy là lúc người ta tung ra Đội quân viễn chinh chống nhân dân - tưởng đã gần thắng lợi và tất cả đã sụp đổ trên biên giới Trung Quốc, đối mặt với một thực tế mà người ta phủ nhận. Tháng chạp năm 1950, người ta lại chọn cuộc chiến tranh lần thứ ba - đúng lúc đáng ra đã phải biết. Từ đấy người ta hoàn toàn nhận thấy đây là một công cuộc không thể, bị lên án, đối mặt với tiềm lực to lớn của chủ nghĩa cộng sản, với chủ nghĩa bài ngoại nói chung của lục địa da vàng: toàn Châu Á không còn muốn một loại chinh phục thuộc địa nào nữa, dù trực tiếp hay gián tiếp; người da trắng khắp nơi đang nhường lại lãnh thể trong lúc ở Đông Dương người ta vẫn muốn giữ. Và rồi có một sự giúp đỡ nào đó của người Mỹ, nước Pháp không được những nước Phương Tây khác ủng hộ. Trong cố gắng lỗi thời, nước Pháp đơn độc một cách bi đát - không chỉ những lực lượng không có giới hạn chống lại mà cả xu hướng lịch sử nhân loại.

Thế nhưng người ta vẫn tiếp tục. De Lattre đã một thời gian như thể ngôi sao băng đẹp, hiện thân và biểu tượng của việc từ chối chấp nhận. Nhưng để làm điều đó, ông đã có gì? Thiên tài của ông và những người lính đánh thuê, quá ít lính đánh thuê. Với Đội quân viễn chinh nghèo nàn, ông sử dụng thật đẹp nhưng một Đội quân viễn chinh có thể làm gì được khi chống lại một tư tưởng, chống lại ngọn gió đông bùng lên như bão tố. Dĩ nhiên ở một số cấp, một số ngành, có những người trông thấy ngõ cụt, cạm bẫy người ta sẽ rơi vào. Nhưng họ nói ít hoặc không nói gì, và rồi nhanh chóng buộc phải im lặng hay bị quét sạch. Chính phủ Pháp muốn chiến thắng - như trận Verdun. Nhưng họ muốn một cách đơn giản, thậm chí không cung cấp phương tiện, không nhận thấy toàn cầu đã thay đổi mà người ta không làm gì được. Và rồi sự ngoan cố ấy cũng có những sức đàn hồi thấp kém, xấu hổ như đồng bạc, như sự thịnh vượng.

Năm 1950 có nên điều đình với người Việt chăng? Nhưng không thể được vì họ không muốn có sự thoả hiệp nào, phải tiến hành một "cuộc chiến tranh lâu dài" để toàn thắng với chủ nghĩa cộng sản hoàn chỉnh. Điều người ta đã có thể làm là thay vì đánh nhau khắp nơi, rút về một số vùng mạnh để có thể chờ đợi. Đấy là lý luận của Carpentier - nhưng ông ta chỉ nghĩ đến tránh "rắc rối". Là lý luận hợp lý của de Latour nhưng ông ta mưu mô mà không dám nói ra.

Còn có vấn đề khác nữa. Tất cả những việc ấy không làm được trong sự hổ thẹn. Không có chiến thắng toàn bộ thì cũng ít nhất phải chiến thắng ở một chiến trường để khôi phục tinh thần Đội quân viễn chinh. De Lattre đã hiểu điều ấy, ông đã chữa bệnh sợ người da vàng cho sĩ quan và binh lính bằng diệt hàng nghìn quân Việt ở Vĩnh Yên, cất cao giọng hát chiến thắng vinh quang. Nhưng sau đó? Người ta nhận thấy trước tiên là de Lattre chẳng đem lại được gì. Phải thủ một ván bài khác, bất kể ván bài nào. Những vị tướng chết, như những người điên, những người thất vọng, người ta bám vào công trình của ông mà không muốn thấy nó luôn giảm sút, cũng mang những mầm mống thất bại và cái chết.

De Lattre không chỉ là một tên tuổi, một sự nghiệp anh hùng không sánh được, một sự hy sinh tuyệt đối. Nhưng ông đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà không đưa lại thắng lợi thực sự, không giải quyết được cơ bản vấn đề vì không thực hiện được nữa, vì ông đụng phải những trở ngại quá lớn. Việc ông làm được, trong mấy tháng ít ỏi - trả lại tư cách cho một đội quân, đấy là điều đáng kể - đáng lẽ phải tranh thủ, khai thác để có một giải pháp đáng kính. Người ta thậm chí đã không thử làm. De Lattre chết một cách vô ích, để rồi đi tới Điện Biên Phủ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #406 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2019, 08:33:52 pm »


CUỘC PHIÊU LƯU

 
Chương I

SỰ MÊ HOẶC

Tôi chưa bao giờ thấy một diễn viên "ra sân khấu" đạt như de Lattre ở Đông Dương. Vai trò của ông không phải hận thù và miệt thị. Giây phút đầu tiên của ông trên đất Đông Dương là khinh bỉ, đánh dấu việc cắt đứt hoàn toàn với một quá khứ thất bại, xấu hổ và ngu dốt. Không người nào biết như ông, tỏ ra chán ngấy cảnh bị nghiền nát; lúc ấy ông có vẻ uy nghiêm cao đạo.

Điều ấy xảy ra ở sân bay Sài Gòn, cả Pignon và Carpentier ra đón người kế nhiệm họ vì ông thay thế hai người cùng lúc, cao uỷ và tướng tổng chỉ huy. Đã được báo tin ông sẽ nắm quyền lực của họ, dưới sự bảo trợ của một bộ trưởng ở Paris, "người tiến cử" Letourneau cũng đi trong chuyến này.

Mọi giới chức của Đông Dương đều chờ ở đấy, đủ làm một đám đông lớn. Chồng chất nhàm chán những lon sao và huân chương của những nhà chức trách dân sự. Phòng đón tiếp như một nhà kho tách riêng, bên cạnh những ngôi nhà của sân bay. Im lặng nặng nề trong xã hội sang trọng khi tập hợp ở đấy nhân danh thuộc địa, mà thông thường vẫn nói chuyện rôm rả.

Mỗi người cố gắng nghiêm chỉnh, ra vẻ hồ hởi. Trên sân các đội quân dàn hàng đặc biệt cẩn thận. Cùng chẳng thay đổi được gì với những khuôn mặt thiếu tự tin, quần áo sơ sài. Một cố gắng nhỏ không đủ. Điều sẽ xảy ra ở đây là thảm họa thực sự. Mọi người đều tin chắc thế. Chẳng làm gì được với những điều sắp tới tuy có vài cố gắng vờ vịt, thái độ cam chịu của những người bị kết tội. Đã là số phận. Cuối cùng, trong cảnh phó mặc tình thế, việc tiếp đón chuẩn bị như một nghi lễ bình thường và đơn điệu.

Bỗng bài La Marseillaise vang lên, những lá cờ phất phới, tiếng hô ra lệnh của các hạ sĩ. Từ một ngôi nhà lụp xụp, hàng ngũ cao cấp nhất của Đông Dương, Carpentier và Pignon dẫn đầu, bước vội ra đường băng. Máy bay vừa hạ cánh trong nắng chói chang ban chiều, khoảng bốn, năm giờ. Một chiếc bốn động cơ đặc biệt, trong hai ngày hai đêm dùng làm sở chỉ huy và chỗ ở của các nghệ sĩ nhưng không phải phòng ngủ: cấm gà gật. Phải xem xét tất cả những gì là hồ sơ, phiếu, điện tín để tìm hiểu xứ Đông Dương xa lạ mà đại tướng và những thân cận bước xuống. Ít nhất cũng phải biết nên ra sao. Một điều chắc chắn, bắt buộc, là cách ăn mặc. Vào giờ cuối, cả toán người thay quần áo, bận đồng phục màu trắng rất đẹp cắt may ở một cửa hiệu lớn Paris, dưới sự chỉ dẫn của chính de Lattre: "Thử nhiều đi. Phải đẹp. Khi chúng ta đặt chân xuống nơi chúng ta chẳng biết gì hết, phải thật lộng lẫy."

Thế nhưng người ra khỏi máy bay đầu tiên chẳng lớn lao đặc biệt. Đấy là bộ trưởng Letourneau béo tròn đỏ đắn và tươi cười hơn bao giờ hết, trong bộ comple bình thường nhưng khuy áo cài một chiếc nơ hoa hồng, vẻ ngoài đầy duyên dáng dân chủ. Rồi de Lattre, cả một hình mẫu cao lớn, áo quân thẳng nếp, lộng lẫy khắc khổ uy nghi, tỉ mỉ hàng giờ. Biểu tượng của sự kiêu ngạo. Vốn được biết như công tử lập dị, ông xuất hiện những trang điểm cổ điển nhất nhưng rất được chọn lọc! Một chiếc cà vạt đen làm nổi màu trắng của bộ comple nhiệt đới. Những hàng huân chương trên ngực, bằng chứng thực của giá trị một chỉ huy lớn. Và rồi, tương phản, để tô đậm tính chất qúy phái của người chỉ huy cuộc chiến, có những phụ tùng thậm chí thời thượng: một chiếc áo chống thấm, đôi găng tay da hoãng trắng, nhất là một chiếc can dùng điều chỉnh bước đi thong thả theo nhịp. Tóm lại, tất cả những gì tượng trưng cho một quân nhân chúa tể, tất cả những gì là hình dáng của một ông lớn đến vì một nhiệm vụ lớn.

De Lattre đứng im một lúc đầu cầu thang máy bay, dừng lại để nhìn bao quát với đôi mắt không cân đối. Ông ngắm chủ yếu bằng con mắt trái, nhỏ hơn, mở hẹp hơn nhưng là con mắt sáng hơn khi ông mở thật to, ít nhất khi ông không muốn làm đẹp nữa, khi không kèm theo cái nhìn chăm chú, một nụ cười hoặc khẽ nhếch mép. Lúc ấy không còn quyến rũ. Ông muốn "mạnh tay". Và trong việc nhìn ngắm nghiêm khắc chốc lát này, đảm nhận trách nhiệm về một xứ Đông Dương nhu nhược và bại trận đang trải rộng dưới chân ông, đang giả tạo đưa cho ông những đôi tay nồng nhiệt, những khuôn mặt thân mật. Đúng, trước hết ông phải tiêu diệt tất cả sự mục ruỗng ấy.

De Lattre thong thả bước xuống các bậc thang, đặt chân lên đất. Bao quát và câm lặng. Vừa hết sức chú ý đến cảnh vật, đến khuôn mặt cuối cùng, chi tiết cuối cùng, ông tập trung đôi mắt để không nhìn thấy, không cúi mình trước những lễ nghi, lịch sự. Không thỏa hiệp. Từ chối tất cả.

Phía sau, những người của ông, từng người một ra khỏi buồng máy bay. Đấy là những quân nhân mặt bự đỏ bừng, cũng cùng thái độ vô cảm gây gổ, lối trâng tráo lạnh lùng ấy. Không thô lỗ, không nhân đạo hoặc vô nhân đạo. Chỉ là phong cách những người được dựng lên và khuất phục nhưng không như nô lệ những dụng cụ mà bản thân họ cũng tạo dựng lên và khuất phục. Tóm lại, họ là những đầu rô-bốt của chiến tranh, mù quáng sau "ông chủ" vẫn sống và nghĩ cho họ vì họ là "chiến binh tối cao".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #407 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2019, 08:35:46 pm »


Trước đấy mấy ngày de Lattre gọi điện thoại gọi họ về từ khắp nước Pháp, Châu Âu, khắp thế giới. Mỗi lần như thế là những lời ấy hoặc gần thế: "Anh đấy à, anh bạn? Ở Maroc tốt chứ? - Vâng, thưa đại tướng. - Còn vợ anh? - Cũng thế. - Con gái anh? - Cũng thế. - Thế này, chuẩn bị hành lý và đến đây. Tôi sang Đông Dương, đưa anh đi cùng. Ngày mai có mặt ở văn phòng. Anh không biết gì về đất nước ấy ư? Tôi chẳng cần. Nhưng anh hình dung tổ chức công việc ở đấy ra sao đi..." Tất cả đều lên tàu theo cách ấy và bây giờ họ đến Sài Gòn sau ông chủ của họ để là những người chắc chắn nhất, những cột trụ của cuộc phiêu lưu. Ngoài Allard le Viking sẽ là tham mưu trưởng, có Cogny lực lưỡng và thông minh sẽ là chánh văn phòng, Beaufré xanh xao là chiến lược gia, Goussault, thị thần đẹp mắt xanh đảm nhiệm một số công việc tin cậy. "Bộ tham mưu của tôi" như de Lattre thích nói khi đụng chạm với người Anh ở Fontainebleau. Tất cả cùng một lò, tất cả thoát thai từ khuôn đúc chiến tranh danh dự. Đối với họ không có, không thể có "chiến tranh bẩn thỉu": chỉ cần đưa nghệ thuật vào.

Trong toán người này, không hài hòa một ít có Salan. Ông hơi bị ngờ, không hoàn toàn trong "nhóm". De Lattre lấy ông đi vì dù sao ông ta cũng phải có một "Trung Hoa", một người thuộc địa, biết rõ xứ sở, gần như người bản địa. Lúc đầu ông ta nghĩ đến Valluy nhưng ông này xét thấy nguy hiểm, ông ta quá nhiều ý tưởng, quan hệ với Paris nhiều, bám rễ vào lính thuỷ đánh bộ, với bộ binh thuộc địa khống chế Đông Dương từ lâu xem như lãnh địa của mình. Ngược lại có thể đối xử với Salan tùy ý, không phiền phức gì.

Cũng hơi rời rạc, có Gauthier và Aurillac. Một là toàn quyền các thuộc địa và người kia cũng gần như thế. Trong toán tùy tùng thượng võ của ông vua Jean ấy, hai người là những tay cạo giấy, vô ơn, tiểu tư sản. Gauthier, tóc trắng bàn chải trên chiếc đầu to, mắt lồi, phong thái mạnh mẽ, người béo tròn, giọng nói và cử chỉ lộn xộn, là một con voi vụng về. Aurillac, ăn mặc chải chuốt, là con chồn luôn cảnh giác, cái nhìn sắc sảo, lo ngại, thụt vào trong mõm. Họ được đặt thật không đúng chỗ giữa những "kẻ lang thang bất lương" của de Lattre với những lễ nghi, quí trọng, những lời nói tỏa mùi băng phiến! Viên tướng đã tìm các ông chỗ Decoux. Chính đô đốc hải quân đã nâng đỡ họ, giới thiệu cho Paris: "Trước kia họ chân thành giúp đỡ tôi bên ấy chống người Nhật. Họ sẽ phục vụ tốt trong những thách thức chờ đợi ông. Theo lệnh tôi, họ sẽ mang lòng trung thành đến với ông, sẽ là đôi mắt, đôi tai của ông. Ông hãy nghe họ và họ sẽ tránh cho ông những sai lầm ghê gớm..." Những lời nói không khôn khéo lắm. Vua Jean vẫn nhận món quà, nhưng trên đất Tân Sơn Nhất này ông nhận thấy hai ông bạn không được "thoai mái" lắm. Họ ra khỏi máy bay sau cùng, xa các chiến binh, với tư cách dân sự, vậy là đáng nghờ. Làm sao không cảm thấy phiền lòng khi họ đã là những kẻ thất bại và là một trong những "thực dân" thua cuộc trên xứ sở mà de Lattre tới tìm kiếm vinh quang.

Những vết nhơ nhỏ. Điều đáng kể là ông, de Lattre thái độ của ông, với nhóm "trung thành" bừng sát khí, đối mặt với hàng trăm quan chức Đông Dương trước mặt ông của thảm họa Đông Khê, rút bỏ Lạng Sơn. Cuộc tiếp xúc trong mấy phút rầm rộ nhưng trống rỗng. Người ta chờ đợi những bùng nổ điên loạn, những kiểu cách thô lỗ. Không có gì hoặc gần như thế, chỉ có cuộc duyệt binh, chào cờ, lễ tôn vinh Đội quân viễn chinh. Chỉ là những nét giá lạnh của vua Jean, đầu chúi về phía trước khi đi hoặc khi nói. Có sự giận dữ nội tâm làm hồng đôi má, ông không quát tháo vì chưa đến lúc: ông chưa biết gì nhiều. Vậy là ông tự hạn chế mình ở đấy, tỏ rõ trọng lượng, sức nặng của sự bài tiết. Điều ông cần là việc nhỏ, biểu tượng của sự hoàn hảo, có nghĩa là tất cả.

Và Carpentier dùng vào việc đó, dùng được lần cuối ở Đông Dương. Mánh khoé của de Lattre là đè nặng lên ông, đập nát ông như bởi trọng lượng, bởi những tấn. Sự lăng nhục kỳ lạ. Carpentier ở đây, với những ngôi sao của người phục vụ tốt, giọng nói mạnh mẽ bị hủy hoại qua năm tháng, thân hình gầy đi vì những vất vả trong các chiến dịch và nhất là trong suy nghĩ. Ông can đảm đứng ở vị trí của mình, trong hàng đầu các giới chức với những cảm nghĩ tốt, những giải thích, chúc tụng, chỉ mong được tuôn ra qua dấu hiệu đầu tiên. "Thưa đại tướng, sự rủi ro, tất cả chỉ là sự rủi ro trong những tai họa! Không phải lỗi của tôi..." Đúng, ông chấp nhận đóng vai trò hợp lý đáng kính, cấp dưới xứng đáng nhưng không may, bị lu mờ trước thiên tài, như vừa rồi ông thể hiện với Juin khi sang kiểm tra sau thảm họa biên giới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #408 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2019, 08:36:38 pm »


Ông mong có một sự thân mật giữa công chúng và một trách mắng riêng nhẹ nhàng như nhân danh tình anh em trong quân đội. Ông cố tươi tỉnh, thậm chí với nụ cười khẽ. Ông chào lối quân sự và chờ đợi. Nhưng không có gì đến với ông. Không một động tác, một lời nói, một cái nhìn. Đối với de Lattre, người tiền nhiệm không còn tồn tại.

Hai người cách nhau một mét. Jean như bức tượng. Da diết im lặng. Carpentier ở đấy, nửa vụng về, nửa săn đón, hy vọng và cam chịu. Ông không bắt tay, không nói một tiếng, không giấu diếm nhìn sang phía khác. Một cách loại ra khỏi. Carpentier bỗng già đi, nhăn nheo, càng mệt mỏi hơn. Nhưng ông gắng như không nhận thấy sự nhục mạ. Và suốt thời gian ông chịu đựng, de Lattre vẫn xa xôi, lạnh như một tảng đá.

Đoàn xe các giới chức chạy một trăm cây số mỗi giờ qua những đường rộng nhiệt đới của thành phố. Pignon và Carpentier, những người thua trận được chất lên cùng xe. De Lattre chiếm một chiếc xe khác, ngồi cùng ghế với Letourneau, rất "hào hiệp" làm tất cả những gì có thể để sửa chữa. Lúc ấy, bên cạnh nhau, viên tướng mới nổ ra lần đầu:

- Thưa bộ trưởng, tại sao ông dễ mến như vậy đối với tay Carpentier ấy? Ông có thấy các đội quân của ông ta bồng súng chào chúng ta một cách thảm hại như thế nào không? Một số người thậm chí không cài cúc áo! Quân đội của Carpentier là như thế đấy. Thật xấu hổ! Không có kỷ luật, rệu rã, tinh thần bạc nhược. Rồi bao nhiêu bụng phệ, béo bệu tàn tạ, những xã xệ mang lon! Tôi sẽ phải quét sạch hết...

Sau đó, suốt dọc đường còn lại là hờn dỗi. Cuối cùng de Lattre đến lâu đài Norodom, ở đó với những người của mình trong những chỗ Carpentier đã ngập ngừng và Pignon mánh khoé. Ở đây một trong những cử chỉ đầu tiên của ông là gọi Allard:

- Ghi, ghi vào sổ tay của anh. Chỉ huy quảng trường Sài Gòn, tay đần độn bẩn thỉu đã dám giới thiệu với tôi một cuộc diễu binh thảm hại khi tôi đặt chân xuống Đông Dương. Anh tống cổ tay ấy về Pháp trong chuyến bay đầu tiên. Và tìm một người tốt thay thế, một quân nhân giỏi, sĩ quan kỵ binh tồi nhất mà anh biết chẳng hạn.

Phải nhiều tuần lễ mới tìm được người thích đáng. Một đại tá đầu tiên, người quá nhỏ, vừa đi vừa nhảy, luôn luôn thắt đai như con cá trích sấy khô. Trong lúc chờ đợi, de Lattre tiếp tục quyết liệt với Carpentier. Sau đó ông nói với tôi:

- Tay ấy bao giờ tôi cũng gặp. Đáng lẽ phải đuổi ông ta lần thứ nhất trên chiến trường Pháp lúc người ta cử làm tham mưu trưởng. Ở đây tôi phải làm lại, cứng rắn hơn, vì ông ta luôn luôn chấp nhận thất bại. Ít nhất trong lúc tôi còn sống thì ông ta sẽ chẳng là gì cả.

Về phần mình, Carpentier nuốt rắn nhưng vẫn giữ một sự thanh thản kỳ lạ. Chắc nhà quân sự vững chân này nghĩ de Lattre là một thiên tài chân đất sét, sẽ sụp đổ, nhưng ông vẫn còn đấy. Lập luận tỏ ra đúng chỉ sau một năm. De Lattre, kiệt sức bởi nhiệm vụ vừa chết thì Carpentier được bổ nhiệm trong số những người đứng đầu NATO. Vậy là ông vẫn chiến thắng de Lattre, trên xác ông ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #409 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2019, 08:37:27 pm »


Trong những ngày cuối cùng ở Đông Dương ông phải chịu bao điều sỉ nhục! De Lattre có một nghệ thuật tấn công vừa đế vương vừa như đàn bà. Người tiền nhiệm của ông ta, một tổng chỉ huy cũng có gần những ngôi sao như thế, ông ta không muốn tiếp, thậm chí không gặp, là điều không tưởng tượng được theo mọi quy chế quân sự. Tuy vậy ông ta cũng phải chịu đựng suốt buổi lễ chính thức bàn giao quyền lực trong gian phòng danh dự của lâu đài Norodom, buồn bã và mong cho được trịnh trọng. Một bên là khối sĩ quan cao cấp, với Carpentier. Bên kia các viên chức dân sự với Pignon. Letourneau và de Lattre ở giữa. De Lattre vẫn xem Carpentier như không tồn tại; đối với ông không có Carpentier, thậm chí không một bóng ma của Carpentier. Vẫn không một lời, một động tác, một liếc mắt, chỉ là cái nhìn hư vô. Nhưng khắc kỷ, can đảm, cam chịu, thấp hèn, tính toán hoặc thụ động, Carpentier cố chịu đựng, theo cách một nông dân già trước thảm họa. Thế nhưng Letourneau phát biểu đầu tiên, nói nhiều về ông, rất ca ngợi. Điều ấy đủ làm de Lattre giận điên người, tím mặt nhưng buộc phải im lặng. Một giờ sau, buổi lễ kết thúc, ông đến gặp bộ trưởng và sừng sộ trong chừng mực khôn ngoan ông vẫn đối xử với các nhà chức trách Đệ tứ Cộng hòa: "Làm sao ông có thể nịnh hót thậm chí cám ơn tay Carpentier ấy nhân danh Chính phủ? "

De Lattre bỉ ổi đến nỗi Cogny, lực sĩ, chịu trách nhiệm về mọi công việc cần khôn khéo và tế nhị tự đến gặp Carpentier. Nguyên tổng chỉ huy lấy lại niềm vui, rất hài lòng về điều đó. Ông kể lại cuộc chiến của ông, lúc đầu hơi lúng túng. Càng ba hoa ông càng tô vẽ tình trạng ông để lại, gần như cho mình là một người chiến thắng. Chán quá, Cogny phải cắt ngang tâm trạng sảng khoái ấy. Sau đó ông kể lại:

- Nếu tôi tiếp tục để cho nói, ông ta sẽ cho rằng đã thắng cuộc chiến tranh. Đúng như Gamelin sau mấy tuần thảm họa năm 1940.

Cogny, con chó ngao cao đạo dễ mến ấy có khả năng, chẳng biết vì khôn khéo hay độ lượng, có tình người, là một anh chàng tốt khi có thể, khi không phải trả giá đắt. Dù sao khi Carpentier ra đi, ông lén lút tổ chức một lễ nhỏ tiễn biệt ở sân bay. Ông cũng đến đấy. De Lattre biết được mắng chửi ông nhưng không nhiều. Và rồi, kết cục như vậy có lẽ tốt hơn.

De Lattre cũng thu xếp để dội lên khinh bỉ Pignon nhưng không công khai, đạo đức giả nhiều hơn. Vì vậy trong ngày chuyển giao quyền lực ở lâu đài Norodom, nguyên cao ủy đọc một bài diễn văn: di chúc chính trị của ông, với những câu rối rắm và xúc động. Cuối cùng giọng nói đầy nước mắt ông đề nghị đại tướng gia ân cho những cộng tác viên của ông. Khi ông nói xong, de Lattre tiến lên mấy bước, nai nịt gọn ghẽ với bộ đồng phục, đứng nghiêm mấy giây, cúi xuống, hướng đầu và ngực về phía con người xuất sắc, ông nói:

- Tôi xin gửi tới ông cao uỷ Pignon những lời chào nhiệt liệt.

Cử chỉ và câu nói ấy rơi vào không khí im lặng của cử tọa. Người ta biết rõ Pignon không xứng đáng được đối xử như thế. Vì với de Lattre, không chờ đợi được một sự công bằng, thương xót nào khi đã đưa ra đường lối của mình. Phải huỷ hoại người tiền nhiệm dân sự cũng như ông đã hủy hoại người tiền nhiệm quân sự. Ông phải dìm hết những gì có trước thời đại ông, trước giây phút ông đạp chân xuống đất Đông Dương.

Ít nhất gia đình Pignon - vị cao uỷ rất mệt mỏi, bà vợ tư sản, ba cô con gái tóc vàng - có quyền cho một số đối xử. Thậm chí vị tướng có mặt ở sân bay lúc gia đình này lên máy bay về Pháp lúc tám giờ sáng. De Lattre cũng tạo cho mình một chút hào hoa: ông tặng bà Pignon một bó hoa to. Khi máy bay cất cánh trong những bàn tay đưa lên chào tiễn biệt, bàn tay của đại tướng, mang găng da, hạ xuống cuối cùng.

De Lattre đã rủ bỏ được hết. Còn vướng víu một ít chỉ là Letourneau, vị bộ trưởng nông dân phúc hậu. Cũng là một kẻ tinh ranh, nhiều mánh khóe. Hơn nữa chính nhân vật này đã chọn de Lattre, đề nghị bổ nhiệm sang Đông Dương với đầy đủ quyền hành dân sự và quân sự. Lạ lùng là nhà tư sản thích yên bình ấy lại say sưa với cuộc chiến tranh dữ dội ở Đông Dương. Thậm chí ông tự hào về con "quái vật linh thiêng" của mình, vua Jean. Ông giới thiệu trống không, khen ngợi với một chút tợ hào kín đáo, không ngớt có vẻ nói: "Thiên tài đấy. Hãy tha thứ cho những thái quá của ông ta..."
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM