Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:32:38 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 85345 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #390 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2019, 10:02:54 pm »


Lúc đầu Bộ chỉ huy Pháp còn ngập ngừng trong việc hy sinh Lao Cai. Bao nhiêu điều thoái thác! Nhưng làm sao bảo vệ được con "nhím" này, cách hơn ba trăm cây số, và làm việc ấy khi phải nổ súng toàn diện, tập hợp tất cả những người lành lặn huy động những gì có trong Đội viễn chinh cho vùng châu thổ? Cuối tháng mười, có quyết định rút khỏi Lao Cai.

Thế rồi, thêm vào bi kịch chiến tranh là bi kịch tuân thủ kỷ luật quân sự của sĩ quan và binh lính khu đồn trú họ không muốn ra đi. Từ nhiều năm nay họ chống lại mọi cuộc tấn công của Việt Minh tuy họ không nhiều. "Chủ nhân" Lao Cai - là đại tá Coste, điện nói chuyện với Hà Nội.

Thực ra Alessandri muốn giữ Lao Cai, chiến đấu vì thị xã, nhưng Carpentier ra lệnh di tản và từ nay ông sợ Carpentier, không đối đầu nữa. Khi Coste nói: "Chúng tôi có thể chống cự", ông cho trả lời: "Phải đi, tổ chức một đoàn quân đi về đất Thái." Coste gần như chống lại với câu trả lời chính thức: "Chúng ta phản bội tất cả những ai đã tin tưởng vào chúng ta. Sau khi chúng ta đi, nhiều đầu bị rơi đấy". Hà Nội chỉ nhắc lại: "Phải đi".

Cuộc chiến đấu gần thị xã. Hai trung đoàn Việt Minh được báo đã rất gần. Ở Lao Cai chỉ có hơn một tiểu đoàn lính Maroc. Lại một lần nữa, trên biên giới Trung Quốc quy trình ra đi, di tản bắt đầu. Đấy là cầu hàng không những Junker và Dakotas chở vật liệu, người bệnh và đàn bà, trẻ con. Cũng phải chở một khối lượng dự trữ thuốc phiện, hàng tấn. Và phi công Fontange kêu lên: "Tôi là một con vật, các chỉ huy của tôi là những con vật. Vì đáng lẽ cứu người, trước hết người ta cứu thuốc độc." Những dân thường đi được người ta tổ chức thành hai đoàn ra đi theo đường mòn, không có bảo vệ, đến thị trấn Phong Thổ, thủ đô của ông chúa cũ Đèo Văn Ân. Tất cả những cái đó thể hiện sự khắt khe không cưỡng được của việc bỏ rơi; mọi việc làm theo lối số học của di tản mà người ta bắt đầu có kỷ luật.

Trong lúc những gì "vô ích" ở Lao Cai biến đi, đến lượt những bốt sâu trong rừng như Pakha, Hoàng Su Phỳ, những vị trí bị đánh nhiều. Ở Hoàng Su Phù, đại uý B, trưởng bốt hổ thẹn nói với Châu Quán Lồ, thủ lĩnh người Mán ở Mường Khương: "Chúng tôi đi đây. Ông đi với chúng tôi. Đưa đi theo cả dân tộc ông." Châu Quán Lồ, chột mắt, trả lời: "Nước Pháp hứa không bao giờ bỏ chúng tôi nhưng họ vẫn bỏ. Các ông đi đi. Tôi ở lại, dân tộc tôi ở lại. Đấy là đất đai chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục chiến đấu chống người Việt."

Lẩn khuất trong rừng và căn cứ của mình. Châu Quán Lồ còn đánh nhau dữ dội với người Việt hai năm nữa. Máy bay Pháp thả vũ khí, đạn dược xuống tiếp tế cho nhưng từ đầu năm 1952 ông ta và người của mình bị tiêu diệt.

Chỉ còn lại màn cuối cùng - rời bỏ Lao Cai. Khó khăn thực sự của việc di tản là chọn thời gian - phải đi hết sức muộn nhưng đừng quá muộn: Muộn quá như ở Cao Bằng, là cảnh bị tiêu diệt. Sớm quá như Lạng Sơn là sự xấu hổ. Sau những tai họa ấy Bộ chỉ huy cao cấp không dám tự mình ra lệnh nữa. Vậy là do Coste quyết định, chỉ duy nhất ông ta có trách nhiệm để nói: "Đã đến lúc ra đi".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #391 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2019, 10:03:43 pm »


Quân Việt tập trung đông trước Lao Cai, chiếm các vị trí, khống chế sân bay dưới tầm đạn. Máy bay không hạ cánh được nữa. Nhưng lạ lùng, trong các đợt tấn công, họ tỏ ra có phần mềm yếu, kích thích khu đồn trú vẫn ở lại. Phải chăng đấy là mưu mẹo giữ quân lính Pháp lại Lao Cai để các đội quân khác của Giáp có thời gian đi cắt đứt đường rút lui? Dù sao, ngày 31 tháng mười, quân Pháp tổ chức một đợt phản công và sau khi giáp lá cà, đẩy lùi quân Việt mấy cây số. Sân bay được giải phóng, một chiếc Junker hạ cánh ngay để mang thương binh đi. Sau thành công ấy Coste cao giọng nói với Hà Nội: "Không còn vấn đề di tản nữa. Chúng tôi có thể tiếp tục phòng thủ". Ngay tối hôm ấy ở Hà Nội các tướng tranh luận trước sự lựa chọn: có nên tranh thủ lợi thế vừa đạt được ở Lao Cai để củng cố và giữ vị trí này hoặc ngược lại, nhanh chóng di tản với nhiều may mắn hơn? Cuối cùng không giải quyết được gì; quyết định dành cho Coste, cho nhiệm vụ, trách nhiệm của ông này.

Giữa tình trạng ấy, một nguồn tin quyết định tất cả. Người ta được biết các trung đoàn Việt Minh, thành hàng dài đi trên những con đường hẹp dọc bờ phía nam sông Hồng đang mùa nước lũ. Vậy là họ đã vượt qua con sông nước ấy, hành quân cấp tốc đến chỗ bắn giết người Pháp hàng loạt; họ phải đến trước trên những dãy núi Thái, trên con đường khu đồn trú rút lui. Theo lối rút cổ điển, dẫn đến chỗ hàng nghìn quân Việt Minh phục kích ẩn nấp trong rừng sẽ xông vào đoàn người Pháp kéo dài trên đường.

Đấy là tin tức chắc chắn do nguỵ binh đi thăm dò trong rừng đưa về, không hề là cơn sốt tưởng tượng như ở Lạng Sơn. Vậy là Coste ra lệnh rút quân, một cuộc chạy đua giành cuộc sống với từng giờ từng phút. Quân Việt ra đi trước một ngày nhưng bắt đầu chỗ xa hơn, phải vượt khoảng năm chục cây số nữa. Dịp may bằng nhau, chính xác đối với mỗi bên.

Mờ sáng ngày thứ tư trong tuần, quân lính Mao Trạch Đông ở Hà Khẩu trên cao, thấy đoàn quân Pháp lướt ra khỏi Lao Cai giữa những đám lửa phá hoại. Việc rút khỏi vị trí dự kiến tốt. Coste cho những bộ phận bảo vệ ém quân ở những chỗ nguy hiểm trên đường đi. Trước hết là hành quân trên lưu vực sông Hồng, rồi cuộc leo núi dài đến Sa Pa, từ những bui cây gai góc phía dưới lên những rừng thông trên đỉnh, phía sau là dãy núi Phan Xi Phăng đồ sộ đầy thác ghềnh. Chỉ vài tiếng súng từ những thành núi, đoàn quân đang len lỏi rồi bỗng họ được tin quân Việt ngay sau lưng, không đến nửa tiếng đồng hồ. Thế là cuộc săn đuổi bắt đầu. Những người đã kiệt sức cũng không thể dừng lại, phải tiến lên, thất vọng hơn bao giờ hết những quân địch tới gần từng phút một. Sa Pa, trạm khí tượng cũ đã bỏ lại phía sau. Ngày đêm không nghỉ quân Pháp tiếp tục đi gấp đến những ngọn núi cao ngăn cách lưu vực sông Hồng và sông Đà.

Kế hoạch của Coste là chọn chỗ tốt, đẩy lùi cuộc tấn công của quân Việt ở đèo Sam Sao. Nhưng quân địch không để cho quân Pháp có thì giờ bố trí phòng thủ: hai phút sau khi tiểu đoàn kiệt sức đến nơi, họ lao vào tấn công theo những kỹ thuật hiện đại nhất, theo từng toán nhỏ, trang bị những dụng cụ biệt kích, lựu đạn, tiểu liên, súng liên thanh. Trong lúc đó những toán khác xâm nhập phía trên đèo bắn đại liên vào sườn. Thêm vào đó là những viên đạn súng cối không biết từ đâu đến, rơi từng chùm dày đặc và chính xác. Sau nhiều giờ chiến đấu, tiểu đoàn lính Maroc hết đạn, lại phải chạy. Đèo Sam Sao bị quân địch khống chế, vùng đất Thái mở ra trước mặt họ.

Quân Việt đuổi theo đoàn quân hơn lúc nào hết. Một cuộc rút lui rất kỳ lạ. Bão tố cản trở máy bay thả dù và tất cả đều thiếu, thực phẩm, đạn dược. Những toán Việt Minh luồn về phía trước, tấn công vào sườn đoàn quân tan rã - phía sau bị khối lực lượng chính chặn lại. Một nỗ lực ghê gớm. Cảnh tượng ấy xảy ra trên núi rừng hoang dã nhất, ghê gớm vì bùn và mưa, đường đi chỉ còn là những mảng lở lói tiếp những sườn núi bao la rậm rạp. Một người Pháp trong chuyến đi ấy nói: "Lúc ấy người ta như ở trên răng cửa, mỗi răng cao đến hai cây số. Cuối cùng, sau nhiều ngày đoàn quân thoát nạn vào chỗ ẩn, họ đến phía sau những ngọn núi do quân đội Đèo Văn Long, độc tài ở Lai Châu chiếm giữ. Quân Việt đến lượt cũng thiếu đạn dược và lương thực, đành từ bỏ, đoàn dân công hậu cần của họ bị tan vỡ. Và thế là mồi của họ thoát được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #392 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2019, 10:04:18 pm »


Đối với người Pháp, việc di tản kịp thời ấy thành công, gần như một chiến thắng. Thực tế đấy cũng là một thất bại, dù đáng khen. Vì việc săn đuổi đưa người Việt đến gần lòng đất Thái, và lần này không phải quân du kích mà những đội chính quy của ông Giáp. Họ chiếm Phong Thổ, Bình Lư phía bên kia những ngọn đèo, giữ ngay trước mặt Pu Sam Cáp, dãy núi ôm chặt Lai Châu, thị xã chính của người Thái.

Đối với người Pháp bắt đầu một cuộc chiến mới ở vùng rừng núi. Những bước đầu rất tăm tối. Nhưng đấy là cuộc chiến, sau nhiều diễn biến không ngờ, những đụng độ quyết liệt - giữa quân dù và lính lê dương với quân chính quy - sẽ đạt đỉnh cao bi thảm ở Điện Biên Phủ. Lúc ấy sẽ là trận đánh lớn nhất mà những tinh hoa của hai quân đội của những người da trắng và của những người da vàng hủy diệt nhau ở chỗ có vẻ không thể được, ở đáy núi rừng, xa tất cả, cách biệt tất cả. Đấy sẽ là cuộc chiến lớn nhất giữa rừng của lịch sử nhân loại.

Chưa tới lúc ấy nhưng đã có dạng cuộc chiến tương lai trong lòng rừng cây xanh bao la. Không chỉ như trên đường số 4 đưa những đoàn xe đi trên đường cho đến lúc không thể được nữa và rút lui trong tai họa. Từ nay là sự lẫn lộn trong lòng thiên nhiên: các đoàn quân Pháp đi trên đường mòn, chỉ liên hệ với thế giới bằng một số sân bay. Những đội quân tham chiến, để được tiếp phẩm, hướng dẫn, bảo vệ, chỉ có những máy bay từ vùng châu thổ, qua những chuyến bay mạo hiểm, phải vượt mọi hiểm nguy của gió mùa và thiên nhiên. Quân Pháp có khả năng tiến hành cuộc chiến tranh rừng núi ấy không? Lúc ấy người ta chưa nêu ra vấn đề, thậm chí chưa nghĩ đến sức mạnh hàng không cần phải có.

Dù thế nào đi nữa, tôi cũng đi Lai Châu để xem sao. Việc tôi nhận thấy đầu tiên là Đèo Văn Ân chạy trốn khỏi thị trấn Phong Thổ của ông bị người Việt chiếm đóng, ông đang bước lên chiếc xuồng nhà vua của ông vượt qua những thác nước của sông Đà. Ông cười buồn bã với tôi. Phong Thổ đã ra tro và dân chúng của ông đã chạy trốn lên núi. Nỗi sợ hãi lan tràn ngay trước khi quân Việt đến; một người chạy thoát khỏi Lao Cai bị chiếm kể lại tình hình ở đấy khi quân Việt xông vào.

Những tai họa của Đèo Văn Ân không hề ảnh hưởng đến người anh em họ Đèo Văn Long, kẻ độc tài của Lai Châu. Ông này còn hài lòng nữa. Tinh thần hăng hái chiến đấu của ông càng tăng lên khi những chiếc máy bay xuất hiện, đưa tới một khối lượng vũ khí, đạn dược nhiều vô kể. Ngay Pignon, cao uỷ cũng chở không tiếc lời khuyến khích, Đèo Văn Long rất thoải mái nói: "Chưa đủ. Cung cấp thêm cho tôi mấy chục đại liên và súng cối, tôi đảm nhiệm tất cả. Cũng cần nhiều tiền nữa để tôi có thể tổng động viên." Thực tế một phần lớn khí cụ tiền bạc người ta cho máy bay đưa tới đi thẳng vào kho của ông ta để tăng thêm dự trữ riêng. Phần còn lại mới chất lên các đoàn xe ngựa chở ra "tiền tuyến" - trên đỉnh núi Pu Sam Cáp. Việc đó đúng ra là một "vụ kinh doanh tốt" để Đèo Văn Long phát triển của cải và quyền lực.

Người Thái tin chắc sẽ đập tan quân Việt. Thực ra họ chỉ biết quân du kích, không hề biết những sư đoàn chính quy của Giáp mạnh ghê gớm ra sao.

Việc báo động ở Lai Châu chỉ kéo dài trong mấy ngày. Giông tố không nổi lên ở đây, mà ở vùng châu thổ. Thời gian chưa đến để người Việt phân tán các đội quân ra toàn Đông Dương rộng lớn, khắp núi rừng. Trước hết ông Giáp muốn đánh một trận lớn, chí tử, trong lòng để kết thúc tất cả một lần - ông muốn lấy Hà Nội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #393 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2019, 10:05:12 pm »


Mối đe dọa vùng châu thổ

Từ đầu tháng 11, người Pháp chắc chắn quân Việt đang chuẩn bị tỉ mỉ, không tránh được, xung quanh vùng châu thổ cho một cuộc tấn công lớn. Mỗi ngày việc đó càng cụ thể, hình thành, được xây dựng rõ ràng hơn.

Bao giờ cũng như thế, nhưng chẳng làm gì được. Chỉ thấy trống không, người ta nắm bắt được vài dấu hiệu mơ hồ, hạn chế trong giả thuyết, bất lực. Thế nhưng người ta biết có ngày việc đó "sẽ nổ ra", có lẽ sẽ không làm gì được, cũng vẫn bất ngờ. Mối nguy hiểm chắc chắn và ghê gớm cứ tăng lên - mối nguy hiểm sẽ xảy ra như một bất ngờ, không biết bao giờ, ở đâu - gây ra trong lòng người nỗi lo lắng. Đấy là thời kỳ chờ đợi đáng sợ.

Nhiều tuần lễ trôi qua không việc gì xảy ra. Nhưng mỗi người tự nhủ trong núi rừng vùng cao Bắc Kỳ, vô số dân công đang chuyển những vật nặng đến vùng ven đồng bằng. Có hàng trăm nghìn, vài trăm nghìn, theo yêu cầu, ngày đêm đi trong rừng rậm, theo số đường mòn và những con đường đã chiếm được. Cho đến lúc đó không có gì, chỉ những đám đông người đang chở những vật cung ứng Trung Hoa từ biên giới đến cơ sở xuất phát không rõ ở đâu của cuộc tấn công tương lai. Khi đã bố trí các kho thực phẩm và đạn dược, đến lượt quân lính đến vây quanh vùng châu thổ. Họ cũng đi như các đoàn dân công, mỗi ngày sáu mươi cây số trong rừng, với khẩu súng, nắm cơm và lá cây trên mũ. Khi đến nơi, họ ở trong rừng, không ai thấy, chẳng ai đe dọa họ nhưng trong tầm châu thổ, trước miếng mồi ngon Hà Nội. Người ta biết hết và không biết gì, họ diễn tập một lần nữa những hành động cần thực hiện. Các uỷ viên chính trị "hâm nóng" tinh thần, hứa hẹn thắng lợi nhưng cũng nói rất khó khăn, mỗi người cần hy sinh tất cả, dựa vào nhiệt tình và lòng yêu nước.

Cứ như thế, quân đội nhân dân của ông Giáp tập trung dưới bí mật của thế giới cộng sản, càng không biết rõ trong bí mật núi rừng. Người Pháp cố bằng cách khai thác một số mẩu, một số tin tức về mệnh lệnh chiến lược ấy, nhưng quá ít ỏi! Máy bay đi chụp ảnh nhưng in ra chỉ thấy lớp rừng đồng đều. Những đội tuần tra thám thính nhưng không dám vào sâu nơi cần thiết vì sẽ bị tiêu diệt. Nếu trong những đợt xung kích ấy bắt được vài tù binh, dù có nói họ cũng chẳng biết gì, cả tên các sĩ quan, phiên hiệu đơn vị. Dĩ nhiên những phòng nhì vẫn "mua" tin tức nhưng rất khó xác định: dù đúng cũng không có tác dụng bao nhiêu, vì không tin tưởng, không dám dựa vào. Càng nghi ngại và chắc chắn một số tình báo chuyên nghiệp ấy làm việc cho người Việt, nhắc lại những gì họ bảo nói, sai lạc hay có một ít đúng và nhiều cái sai. Thậm chí hình như có một tổ Việt Minh trong số tình báo viên của Pháp.

Những việc đó, chuẩn bị thật và giả kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng trong sự căng thẳng ngày càng tăng, cho đến lúc người Việt sẵn sàng, "nổi dậy" đánh mạnh, ào lên tiêu diệt.

Tuy vậy vào cuối tháng 11 theo một ít điều họ biết đã đủ sợ. Ông Giáp tập hợp phần lớn phương tiện, khoảng một trăm tiểu đoàn sẵn sàng hành động. Có ba chỗ tập trung chính, mỗi chỗ ở một cạnh của hình tam giác là vùng châu thổ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #394 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2019, 10:06:00 pm »

Mối đe doạ chết người nhất ở phía bắc, chỉ cách Hà Nội bốn mươi cây số, nơi những con đường Lạng Sơn, Cao Bằng ra tới đồng bằng. Theo hướng này đất đai người Việt vươn tới thủ đô: từ các đại lộ và đường phố người ta thấy những đội quân sẽ tiến về. Và đấy là những đơn vị biên giới, các sư đoàn sắt của ông Giáp. Nhiệm vụ của họ là xung kích, ào lên nhanh và mạnh, mũi chọc thủng quyết định vào đến trung tâm thành phố.

Một mối đe doạ cũng gần nghiêm trọng như thế đến từ phía tây của đầu vùng châu thổ, chỗ ngã ba sông nơi sông Hồng tiếp nhận một bên là sông Đáy, bên kia là sông Đà. Hợp lưu này được hai đồn gác đồ sộ khống chế, hai núi dốc ở vùng biên đồng bằng, Tam Đảo và Ba Vì. Mũi tập trung thứ hai ẩn trong vùng dốc đứng ấy, do các đội quân vùng trung du Bắc Kỳ, đã chiếm Lao Cai và chiến đấu ở những trận lội nước sông Đà. Khi Coste và tiểu đoàn của ông chạy thoát, bộ phận lớn những người đuổi theo, thay vì tiếp tục đến Lai Châu và sang Lào, đã trở lại phía sau vì mục tiêu lớn Hà Nội. Ở đâu cũng vậy, thành phố chỉ cách bốn mươi cây số, theo đường sông Hồng tỏa ra vùng châu thổ.

Tóm lại, mọi việc xảy ra như ông Giáp muốn lấy Hà Nội bằng gọng kìm của hai mũi tập trung - phía bắc và phía tây - sẵn sàng khép lại ở miếng mồi ngon rất gần.

Sự khác biệt là chỗ tập trung thứ ba, về phía nam, nhằm lật đổ chính quyền hiện hữu. Nhìn vào bản đồ vùng châu thổ: những gì sống còn trước mắt là ở miền Bắc. Đấy là Hà Nội, con đường Hà Nội - Hải Phòng, là Hải Phòng. Ngược lại miền nam như là phần phụ, một phần phụ khổng lồ. Ít quan trọng hơn về chiến lược, ở đây là chỗ đông người, mật độ dân số trên một cây số vuông cao nhất thế giới, miền khổ cực chủ yếu. Đây là vùng dân quê Châu Á, ngược với diềm miền Bắc là vùng các thành phố, của nền kinh tế Châu Âu, có sự hiện diện người da trắng. Từ phía trên Hà Nội, sông Hồng tỏa rộng ở miền nam này, mỗi năm sáu tháng biến thiên nhiên thành trận lụt lớn nước đục ngầu. Ở đây tất cả đều thuận lợi cho người Việt - tương đối xa, thiếu đường sá, chỉ đất và nước, người chồng chất, nghèo đói, men truyền thống của nổi dậy. Nhưng người ta không thể đưa lại tính quyết định ở vùng này, chỉ có thể hỗ trợ nhiều với những phương pháp thích hợp. Địa thế và dân số ấy đặt ra cho ông Giáp có những kế hoạch của mình. Trong lúc quân đội phía bắc, phía tây sẽ đánh người Pháp tận những công trình sống của họ, quân đội phía nam sẽ tỏa ra trên ruộng đồng, nắm lấy quần chúng nông thôn. Họ sẽ tiến hành một công việc đặc biệt, một chiến thuật riêng; sẽ là sự huỷ hoại lớn, với mức độ chưa từng thấy.

Việc đó sẽ do các lực lượng từ bắc Trung Kỳ: trang bị kém, không tập huấn ở Trung Quốc nhưng rất đáng sợ vì gần gũi quần chúng. Cơ sở của họ là Chi Nê - vùng lổn nhổn đá sỏi, một vịnh Hạ Long trên đất liền đầy hang động đình chùa, phía nam là đồng bằng châu thổ - dải rộng bùn lầy hoặc trồng lúa tùy mùa. Ở đây mũi tập trung ở ngay phía trên vùng đồng bằng, chỉ đi xuống, vượt sông Đáy là vào giữa vùng đông dân.

Cuộc chiến tranh mới bắt đầu từ đây. Trong lúc quân chính quy từ phía Trung Quốc xuống bố trí quanh Hà Nội, những quân bán chính quy của bắc Trung Kỳ luồn vào đồng ruộng. Trước khi đánh vỗ mặt vùng châu thổ, ông Giáp cài người vào lũng đoạn những gì xảy ra ở Nam Định, Thái Bình rất giống chiến tranh du kích nhưng quan trọng hơn nhiều với những tiểu đoàn, trung đoàn toàn vẹn. Những thông báo Pháp chỉ nói về sự thâm nhập; thực tế trước những đội quân Việt từ Chi Nê tới, tất cả những mắt xích về sự thống trị của Pháp sụp đổ. Các chức sắc bị giết, đường bị cắt đứt, thậm chí các đồn bốt bị triệt phá. Trong vùng châu thổ đã được bình định, tất cả đổ nhào cùng lúc và người ta không biết làm cách nào ngăn chặn tai họa ghê gớm và vô hình lan tràn. Không thấy đối thủ. Thế mà chỉ cần vài người lính quân phục hoặc mặc quần áo thường đến một làng là những ai giấu mặt, ẩn nấp xuất hiện khắp nơi - tình báo, hội đồng, uỷ viên chính trị, các loại phường hội, thông tin viên, tiếp phẩm, du kích, ám sát viên, các đội quân của tỉnh, của vùng. Trong mấy ngày, cả hệ thống Việt Minh có mặt trong miền nam châu thổ và nhân dân lại thuộc về Hồ Chí Minh. Dấu hiệu của việc nắm lại ấy, biểu hiện chung là sự xuất hiện "làng chiến đấu" - ngôi làng trở thành thành trì đỏ với những bức tường đất, những vị trí súng máy, mê lộ hầm địa đạo.

Bốt đầu tiên bị phá là Hoi Tung, do một đội đồn trú Việt Nam giữ, chỉ huy là một trung uý Việt Nam vừa học ở một trường quân sự Pháp trở về. Đây là một bốt tiền tiêu của cái người ta gọi "hàng phòng ngự sông Đáy", đối diện với cơ sở địch ở Chi Nê. Năm tiểu đoàn tấn công, súng ba-dô-ca bắn tới tấp. Không còn hy vọng gì. Sĩ quan chỉ huy bị thương ra lệnh cho quân lính ban đêm bò ra, qua Việt Minh, đến đơn vị quân Pháp gần đấy nhất - rồi ông tự sát.

Đối phó với những tiểu đoàn Việt thâm nhập, Bộ chỉ huy cho tiến hành "cuộc càn quét lớn" đầu tiên trong vùng châu thổ, nhưng là cuộc chiến tranh thực sự, đông quân, khí cụ nặng nề, ngay trong lòng quần chúng, đánh vào quần chúng. Mỗi lần như thế người ta đưa ra nhiều nghìn quân lính cứng rắn, các đội lính nhảy dù, những xe lội nước, những đoàn trọng pháo, những máy bay thám thính và tiêm kích. Muc đích là lấy lại những làng kháng chiến có quân chính quy, kể cả quần chúng, vế lý thuyết, chiến thuật bao giờ cũng thế, rất đơn giản. Trước hết là đập tan tất cả bằng ca-nông hoặc trọng pháo, đưa xe lội nước càn nát đồng ruộng, theo sau là những bộ binh tấn công vào các cụm cư dân. Trường hợp có chống cự thì máy bay tiêm kích can thiệp.

Có vẻ dễ dàng, hơi đơn giản. Nhưng không. Thật thê thảm, khó khăn, tàn ác. Những quân chính quy ấy lẫn lộn trong quần chúng không làm sao diệt hết được. Trong những năm tiếp đó để tiêu diệt họ, người ta tiến hành hàng nghìn cuộc "hành quân phối hợp" với một loạt mánh khoé. Kết quả là mỗi tuần, mỗi tháng hàng nghìn dân quê, hàng triệu đàn ông, đàn bà, trẻ em luôn luôn sống trong kinh hoàng, cận kề cái chết dưới bom đạn. Vì thế họ căm ghét người Pháp, đồng hóa hẳn với quân chính quy. Và để đạt được như vậy người ta mất biết bao người trên bờ ruộng và trong bùn - vì Đội quân viễn chinh cũng đổ máu ghê gớm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #395 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2019, 10:07:59 pm »


Cái chết trên đồng ruộng

Tôi được biết cuộc chiến tranh vùng châu thổ thực sự như thế nào ở Hà Nội, trong sàn khiêu vũ Paramount. Một gian phòng dài một trảm mét chất đầy quân lính, hàng nhiều trăm lẫn lộn xộn mọi cấp bậc, mọi đồng phục. Hầu như không có những người bên dân sự. Tất cả có vẻ thất vọng, từ những gái gọi tiều tụy đến dàn nhạc ầm ĩ. Đây là chỗ vui chơi của quân lính: bàn gỗ trắng, chao đèn bằng giấy, ánh sáng và nhạc điệu chói chang, tất cả thảm hại mặc dù những ý đồ sang trọng. Những người đến đây để quên chiến tranh họ vừa trải qua như buồn nôn sống lại.

Binh lính uống rượu trong cơn sốt vui; mọi khuôn mặt giống nhau ở chỗ thô lỗ và bạo lực, cùng đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại. Nhất là họ nói, tranh cãi, chán ngán nhắc lại những gì đã xảy ra đối với họ. Ngay trong bọn họ cũng không tốt, sẵn sàng đánh chửi nhau vì một tiếng nói. Trong những nhóm khác là đùa nghịch và những giọng nặng nề.

Tôi như ở trong một lò sát sinh. Những người ở đây biết họ sắp bị giết chết vì không có gì ngăn cản họ cả: trước hết họ là nạn nhân của sự nhu nhược. Sau này, thời kỳ Điện Biên Phủ là nỗi đau đớn tự hào và khắc kỷ. Ở đây như là một sự buông thả thú tính, thực tế sự tàn bạo ấy là sức lực tệ hại nhất của tình trạng mất tinh thần.

Tôi ngồi vào bàn những anh lính dù trẻ tôi quen biết một người. Họ uống Champagne và giãy dụa trên ghế theo điệu nhạc như người cô đơn thất vọng. Chủ thầu gái gọi đề nghị gái nhảy mỗi giờ năm mươi đồng bạc. Họ chấp nhận và lập tức những cô gái Trung Hoa hạng cuối đến, xấu và tàn tạ, với những mụn cóc trên má. Anh lính dù tôi quen nâng cốc: "Chúc sức khỏe ông hoặc đúng hơn là chúc sức khỏe những người đẹp ấy - mạng sống chúng tôi không vững chắc lắm." Anh nghiêng về phía tôi, dở say tâm sự:

- Chúng tôi muốn đùa vui vì vừa hành quân ở miền Nam châu thổ về. Đây là lần đầu tôi và những anh bạn trong đại đội đánh nhau. Chúng tôi vừa sang Đông Dương. Trận đánh kéo dài bốn mươi lăm ngày và chúng tôi mất mười chín người. Gay go nhất là trong các làng kháng chiến, chúng tôi ba trăm chống lại ba nghìn quân Việt. May mà không tử vong nhiều hơn."

Những lính dù cùng bàn không uống nữa. Họ sững sờ vì những việc xảy ra và tất cả rối rắm tuy không muốn, kể lại trận chiến của họ:

- Nhìn bề ngoài ba làng cũng như mọi làng khác, những mảng cây xanh giữa đồng bằng ngập lụt. Một thông tin viên báo trước có quân chính quy trong đó. Có lệnh đến xem sao. Để tới chỗ ấy phải qua một con ngòi và vượt nhiều trăm mét đồng ruông. Không chuẩn bị trọng pháo vì không thể đưa ca-nông đến từng làng. Xe lội nước đi trước, chúng tôi bì bõm theo sau.

Không có gì xúc động bằng đi như thế, nguy hiểm và lộ ra qua tấm màn nước, đến các làng dày đặc và bí hiểm, những hình khối trên cảnh lụt. Và không biết có tìm thấy gì không. Lần này, mới nửa khoảng cách, từ ba làng có vẻ yên bình và đóng kín, người ta đồng loạt dội súng cối vào chúng tôi. Chúng tôi dừng lại ngay; trong một giây tất cả nhào xuống nước, không có ai bị thương, mọi người cố tránh được. Xe lội nước lùi lại. Chúng tôi không thể cử động, phải ẩn trong nước chỉ vừa để thở. Quân Việt tiếp tục bắn. Chúng tôi yêu cầu trọng pháo nhưng họ ở xa quá, ngoài tầm bắn can thiệp. Những người bắn ca-nông để một giờ đưa súng lại gần, đẩy trên đường lầy lội và bị cắt đứt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #396 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2019, 10:08:34 pm »


Trong lúc người ta đưa trọng pháo tới thì hàng rào tre làng gần nhất, loại hàng rào này dùng làm tường thành bao quanh đột ngột mở ra, tung lên như bởi một sức mạnh khó hiểu. Từ lỗ hổng ấy nhiều trăm quân Việt xông vào đại đội 1 đi đầu. Chúng tôi bắn điên loạn, xe lội nước xả lưới lửa địa ngục. Nhiều người Việt trúng đạn, ngã chìm trong nước nhưng vẫn còn nhiều. Họ vẫn im lặng tiến lên, đến tận đại đội 1 lính dù trận giáp lá cà xảy ra ngay trong bùn. Tình hình xấu đi. Nếu trong những làng cũng có những đoàn quân Việt Minh xông ra thì sẽ ra sao? Chúng tôi sẽ bị bao vây và có lẽ bị tiêu diệt.

Trong lúc đó trọng pháo gầm lên. Mấy phút sau tiếng máy bay rú. Khói và lửa phủ khắp các làng. Tất cả kết thúc rất nhanh. Quân Việt bỗng rút về làng cơ sở; người ta đuổi theo đánh bằng mọi cách, một số nữa bị giết. Khi những người sống sót về đến nơi, hàng rào khép lại phía sau họ, cũng kỳ lạ như mở ra hai giờ trước đó. Chúng tôi quá yếu không đuổi theo tấn công nên bỏ đi. Hôm sau, chúng tôi trở lại với quân tăng cường, một đội trọng pháo và máy bay bảo vệ vào làng không một tiếng súng; làng bị huỷ hoại non một nửa và hoang vắng. Quân chính quy đã im lặng rút đi, mang theo dân chúng. Suốt cả ngày người ta tuần tra khắp vùng không có gì cả.

Cả cuộc chiến tranh Đông Dương gói gọn trong câu chuyện trên và trước hết người ta không bao giờ nắm bắt được người Việt, đưa họ vào chỗ có thể giết họ. Bao giờ cũng thế trong sự phức tạp vô biên của việc hành quân có điều gì đó không ổn. Có thể như trường hợp trên là trọng pháo quá xa. Nhưng thường thường cuộc săn đuổi bị kẹt tại chỗ do thời tiết, một chiếc xe sa vào bùn lầy, việc truyền tin rối loạn, một tiểu đoàn đi lạc lối, con đường bị cắt đứt, một tin tức giả. Chỉ cần như thế, vì một điều không đâu ấy mà tất cả hỏng hết; thường thì không những quân Việt thoát được mà họ còn lợi dụng "sai sót" để làm hại.

Nhìn vào vùng châu thổ Bắc Kỳ, nước và ruộng chỉ gián đoạn vì những điểm tập trung các làng, tưởng mọi việc dễ dàng. Thế mà tất cả thật phức tạp, không làm được, không có giải pháp dù đã nhiều năm cố sức vô ích.

Mùa thu ấy người ta đã cố làm! Vì Bộ chỉ huy muốn thanh toán các "làng kháng chiến", dựa vào một vùng châu thổ đã được thanh lọc, khỏe chắc, để tiếp nhận cuộc tấn công tất nhiên của các sư đoàn ông Giáp đóng ở phía bắc và mỗi ngày càng sẵn sàng xông vào Hà Nội. Trong lúc chờ đợi là cuộc chiến chống "mục ruỗng". Than ôi! Kết quả đáng thất vọng. Trong mấy tuần lễ tình trạng mục ruỗng lan khắp miền Nam vùng châu thổ, trên một phần ba diện tích và hơn một phần ba nhân dân, đến vùng giáp ranh Hà Nội. Có một cuộc tấn công vào bốt Ngã Ba Thá cách thành phố hai mươi lăm cây số về phía nam. Bốt suýt bị chiếm tuy vào loại chắc chắn nhất ở vùng châu thổ, một loại công sự xi-măng với đội quân đồn trú đông.

Tôi đến đấy sau cuộc tấn công mấy giờ, vào buổi sáng tiếp theo đêm ghê gớm ấy. Tôi thấy người Việt dùng kỹ thuật "đánh mạnh", kỹ thuật dùng đối với những công trình đường số 4. Từ nay trong rừng cũng chẳng hơn đồng ruộng, không có gì là không lấy được; Ngã Ba Thá khởi đầu nỗi kinh hoàng của các bốt vùng châu thổ, kéo dài đến năm năm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #397 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2019, 10:09:13 pm »


Sáng hôm nay hàng nghìn cu-li trong đó có đàn bà, trẻ em trong các làng - xây dựng lại bốt với những chiếc thúng nhỏ, khổ sở, khúm núm, những người quy phục André Bardou, người da trắng vừa là chúa tể trong vùng vừa là chúa trời.

Trước hết vị chúa tể chỉ cho tôi một số mảnh vụn kim khí:

- Đây là những mảnh bom bay người Việt ném vào chúng tôi bằng một đoạn tre và đốt điện: loại lắp đặt tạm bợ. Nhưng phá huỷ, đâm thủng lớp bê tông sáu mươi phân là những đạn cối tám ki-lô súng DKZ người Việt làm trong các hang động Chi Nê. Rất cổ xưa nhưng chỉ cần mấy phát để đạp nát vọng lâu của chúng tôi.

Tôi đang trên nền cao. Một con lạch hai bên là bờ đê lượn quanh về ba phía. Xa xa cảnh vĩnh cửu của Bắc Kỳ, đồng ruộng tận cùng đến mãi chân núi. Yên bình. Bốt đặt trong thiên nhiên tĩnh lặng này như một cái hộp. Đây là một khoảnh vuông, tường gạch, trong một góc là khối xi-măng vọng lâu. Phía trong một cái sân, một nửa bị khối nhà ngủ chiếm sát tường và cùng chiều cao với tường. Toàn bộ được tăng cường bằng lô cốt.

André Bardou kể lại quân Việt đã làm thế nào suýt đập tan Ngã Ba Thá, cả sức mạnh địa hình vừa quân sự của bốt này:

- Tối hôm 12 tháng 11, đội đồn trú đã ngủ, không thấy có gì bất thường. Đến một giờ rưỡi sáng, nghe như có trận động đất. Những tên lửa lớn rơi xuống. Trời tối như bưng không trông thấy gì. Sau đó được biết một tiểu đoàn Việt Minh bố trí ngay dưới chân tường chúng tôi. Họ đào hố cá nhân và bố trí súng máy - làm việc lặng lẽ đến mức lính gác chúng tôi không nghe thấy. Làn đạn chính xác đến kinh hoàng - một quả đạn cối rơi xuống hầm đạn, những quả khác trúng lô cốt và vọng lâu thủng như một cái rây. Trong mấy phút chiếc bốt đẹp đẽ trở thành một vật lỗ chỗ khắp nơi. Chúng tôi chạy đến vị trí chiến đấu nhưng chỉ còn đổ nát, thậm chí không đứng được vào chỗ nào. Dưới làn đạn mạnh tất cả sụp đổ. Chúng tôi ít nhiều đều bị thương, vì đá hơn vì đạn. Vọng lâu không giữ được nữa phải bỏ lại. Chúng tôi ẩn vào nhà ngủ, chỉnh đại liên và bắn xối xả.

Quân Việt đã trèo lên vọng lâu, nhảy xuống sân, bị hạ sát dần bằng các loạt đạn mạnh. Một lô cốt còn giữ được bắn hết ba mươi két đạn. Chỉ khi sân đầy xác chết quân Việt mới không nhảy xuống nữa, ở lại trong vọng lâu nâng súng DKZ, trong suốt bốn tiếng đồng hồ bắn vào nhà ngủ. Tất cả đổ nát xung quanh nhưng chúng tôi chống cự. Lúc ấy bộ phận lớn của tiểu đoàn quân địch ngoài hàng rào tấn công vào các chỗ hổng nhưng bị nghiền nát bởi đường chắn của trọng pháo. Chúng tôi được cứu thoát.

Ca-nông của bốt bên cạnh Canh Hoạch khép chặt Ngã Ba Thá trong lưới lửa bao quanh, đạn cối nổ cách nhau từng hai ba mét. Vì vậy ít quân Việt đến được sát tường. Những người tới nơi ném thang trèo lên bị chúng tôi hạ ngay. Dù vậy cuộc tàn sát lớn xảy ra bên kia tường, nơi những làn sóng quân Việt nối tiếp nhau vượt đường bắn chặn của trọng pháo.

Cuộc tấn công vẫn không chấm dứt. Không có đoàn quân nào đến tiếp ứng chúng tôi trong đêm, quân Việt đã chặn các lối vào và chắc chắn không có người Pháp cố tới gần. Chúng tôi chỉ dựa vào lực lượng trong bốt và làn đạn cối bắn chặn bảo vệ. Phải cố thủ trong những điều kiện ấy cho đến sáng. Chúng tôi hoặc trọng pháo hơi chùn lại là xong đời. Thì giờ trôi qua chậm chạp không tưởng được. Mọi người tự nhủ: "Đêm vừa qua xảy ra những gì?" Không có gì xảy ra. Trời vừa sáng quân Việt ra đi, có lực lượng dân công mang theo những xác chết.

Tôi nhận thấy - người ta không chỉ sửa chữa bốt mà còn dọn sạch khu này; người làm nhặt nhạnh tất cả những gì họ thấy, những mảnh kim khí và những mảnh người - các vật nhỏ cứng, lớng lánh và các vật lớn, mềm và đầy máu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #398 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2019, 10:09:44 pm »


Rồi trên một con đê nhỏ, một hàng người bận quần áo đen đang đi, giữa là một người cao lớn quá khổ. Ông chủ vùng này nói với tôi:

- Đấy là Vandenberghe cùng đội biệt kích. Họ sẽ chui vào rừng núi Chi Nê thám thính để biết tiểu đoàn tấn công Ngã Ba Thá ra sao rồi. Chỉ có anh ta mới dám làm công việc ấy.

Vandenberghe: Chúa của chiến tranh, một kẻ thô lỗ, con của trại trẻ, chăn gia súc, mù chữ, đi lên từ tầng lớp thấp nhất của xã hội. Con người tàn bạo ấy, trong sâu kín của tâm hồn, trong hố sâu của bản chất, có tất cả những gì để trở thành một ông thánh hoặc một tên sát nhân - đấy là một tên sát nhân sinh ra để giết người không chờn tay, thủ lĩnh, tuy có tính cách lãng mạn của những người da đen thông tục, của những bài ca dân gian bi ai. "Đại lộ Sát thủ" của anh là cảnh đẹp chỗ con sông Đáy khúc khuỷu ôm lấy những tảng đá vỡ của vùng núi Chi Nê, đoạn cuối những đồng ruộng đơn điệu. Nhưng vì chiến tranh, anh ta là một anh hùng.

Người ta kể về anh rất nhiều, về sự tàn ác và mưu mẹo của anh, về sự táo bạo không lay chuyển nổi. Anh tập hợp xung quanh mình nhiều trăm tên giết người Châu Á, những kẻ khát máu, lạnh lùng tính toán và ẩn náu - nhưng anh chỉ huy chúng như chơi, thoải mái, dễ dàng đáng kinh ngạc. Anh có một đao phủ là một thầy tu cũ, tinh tế kỳ lạ trong việc chặt đầu và róc xương. Bản thân anh là một đồ tể thiện nghệ. Đấy là một tướng lính đánh thuê - mọi người thoải mái trong băng nhóm anh ta được ở tổ chức như một hội anh em về hưởng thụ, chiến công và cái chết; có đủ loại âm mưu, đồng loã như vẫn có ở đáy xã hội.

Bây giờ Vandenberghe đuổi theo quân Việt. Bốt đã cứu thoát nhưng sau bao thời gian! Đêm trước quân Việt suýt chiếm được. Mọi điều kiện đã hội tụ đủ, kế hoạch không sơ hở, chi tiết, chính xác và mọi việc bắt đầu thuận lợi. Khi chỉ còn kết thúc thì họ không biết làm thế nào. Như trong quá trình hành động, họ "bồng bềnh" vì một số việc làm đã không dự kiến và họ không thể phản ứng tức thời.

Chủ vùng này nói với tôi:

- Quân Việt thiếu yếu tố quyết định.

Tất cả lặp đi lặp lại ở Đông Dương! Đấy là việc bắt đầu lại vĩnh cửu và bi thảm. Cũng câu nói ấy trước kia tôi đã được nghe ở đường số 4, ở đấy cũng thế quân Pháp đã thoát khỏi tình thế vô vọng do thiếu điểm quyết định cuối cùng ấy. Người ta biết sẽ kết thúc ra sao; qua kinh nghiệm ở biên giới, người Việt sẽ áp dụng ở vùng châu thổ và rồi bất cứ Ngã Ba Thá nào cũng sẽ đổ.

Vì trong lúc quân Việt cải tiến, chậm nhưng chắc chắn, tình hình quân Pháp xuống cấp dần. Carpentier, vị tổng chỉ huy biết điều đó viết những chỉ thị giải thích "làm thế nào để tăng cường khả năng phòng vệ của các bốt". Ông hướng dẫn phủ đầy đất để chống ba-dô-ka, đưa lưỡi sắt ra ngoài, xa các công trình để tiếp xúc làm mìn nổ sớm, cho ít vôi vào xi măng. Nhưng đấy chỉ là những biện pháp tạm thời. Phải nghĩ những phương pháp mới để "giữ" vùng châu thổ, để các bốt khỏi là bẫy chôn những người bảo vệ. Phải tìm cách chống lại các sư đoàn sắp tràn tới và đã tin chắc vào chiến thắng. Phải chữa bệnh cho Đội viễn chinh, nhất là vấn đề nghị lực và lòng tin. Nhưng ai có tinh thần ấy?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #399 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2019, 09:48:49 pm »


Những ngày buồn tẻ nhất

Về một mức độ nào đấy, kinh hoàng là điều tẻ nhạt không có gì xảy ra nữa và không còn hy vọng. Suốt tháng mười một những tuần lễ không dứt trống rỗng, là sự sa sút tâm hồn, chấp nhận một số phận hiển nhiên và bi thảm. Việc chờ đợi trận đánh lớn, cuộc tấn công hàng loạt của những sư đoàn ông Giáp mỗi ngày càng trở nên nhức nhối, bực bội: có ai không biết việc bố trí quân lâu dài của người Việt kết thúc đúng vào phía bắc Hà Nội? Người ta thậm chí chắc chắn vào cuối tháng chạp hoặc đầu tháng giêng, hàng chục nghìn quân chính quy sẽ lao tới đánh đòn quyết định vì lúc ấy mưa phùn phủ bức màn xám xuống vùng châu thổ, máy bay hầu như không cất cánh được nữa, xe tăng và ca-nông ngập vào bùn trên đường và khí cụ của người Pháp sẽ mất phần nửa hiệu quả.

Về phía người Pháp là con số không hơn bao giờ hết, nhìn bề ngoài thậm chí không còn sự chỉ huy. Cuối cùng tướng Carpentier đã loại bỏ được Alessandri vào đầu tháng mười một. Ông người Corse xin từ chức hoặc bị từ chức. Tại sao việc thất sủng này đến đúng lúc ấy, không ai biết. Hợp lý hơn là đưa ra sau những tai họa của đường số 4 một kẻ hiến sinh, có lẽ có ích về tinh thần. Nhưng người ta đã chờ đợi. Có sự giải thích nhưng đưa ra ở nhà ăn - rất bẩn thỉu.

Người ta nói Carpentier hiểu rõ nguy hiểm nếu tự mình làm, tự đưa ra chiến lược, đã thông minh lẩn tránh vấn đề Lao Cai và những cuộc di tản mới. Xảo quyệt ông thấy để cho Alessandri làm sẽ có lợi cho mình hơn: nếu ông này thành công, ông ấy đã quá mất uy tín nên không là điều quan trọng và nếu ông ta thất bại thì còn gì đơn giản đề cho nhận xét: "Các ông thấy rõ là ông ấy bất lực, là kẻ chịu trách nhiệm thực sự về thảm họa đường số 4". Và lúc đó tướng tổng chỉ huy sẽ vô can về sự thất bại qua những thất bại mới.

Mọi việc ở Lao Cai diễn ra suôn sẻ. Đột nhiên ông người Corse trở thành vô ích, là người thừa. Mối căm hận giữa hai viên tướng vẫn nguyên vẹn, không khoan nhượng, cho dù sau những tai họa chung họ làm ra vẻ nhã nhặn với nhau, chơi trò ú tim với nhau. Carpentier biết việc phục tùng của Alessandri là giả dối. Ông này đau khổ nhưng có đặc tính càng bất hạnh càng nghĩ nhiều, càng kín đáo hơn, càng mơ trả thù, trả thù cả thế giới, nhất là Carpentier và ông Giáp, hai người liên kết để làm hại số phận ông. Alessandri khốn khổ! Sau mấy ngày suy sụp, sau mấy tuần lễ khúm núm giả tạo và bực bội khôn ngoan, ông không chịu là kẻ thất bại nữa, bắt đầu lại nói: "Để giông tố qua đi rồi chúng ta lại phản công". Muốn thế ông lại bí mật lao vào những tính toán phức tạp trên giấy. Ông chính thức tuyên bố: "Tôi phải có nhiều hơn nữa để phòng lại lực lượng cần thiết để làm người cứu tinh, để vào đập tan quân ông Giáp trong núi rừng.”

Alessandri hoàn toàn ảo tưởng. Trong mù quáng, với ý tưởng cố định, ông không kể gì đến nỗi chán chường của Đội quân viễn chinh, sự suy sụp tinh thần, số lượng ít đối mặt với các sư đoàn ông Giáp. Trong ảo giác thậm chí ông không có những biện pháp sơ khai để chặn đứng mối đe dọa vào Hà Nội - ông không làm gì cả, chỉ mơ màng, tất cả là làm thế nào để Carpentier khỏi đoán ra, tránh một cuộc gây rối mới. Dĩ nhiên Carpentier chẳng khó gì mà không đoán ra và ông báo cáo với Paris "Con người này điên. Ông ta sẽ đưa chúng ta đến một thảm họa ghê gớm hơn ở vùng biên giới". Paris sợ hãi thỏa mãn tổng chỉ huy, không báo trước, tìm một người ít có chủ trương thất bại thay thế ông ta.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM