Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:41:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84878 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #380 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2019, 09:04:57 pm »


Vẻ huy hoàng của bại trận

Mấy giờ sau điều tôi thấy ở Hà Nội là thông báo Lạng Sơn đang trên đường di tản. Như vậy là đại tá Constans đã nói dối tôi vì quyết định đã có khi tôi đang ở đấy. Sau này ông bảo buộc phải lừa tôi. Dù sao ông cũng đã rất thành công trong màn kịch của mình. Lúc ấy tôi mới hiểu từ nay không nên tin vào các nhà quân sự vì bổn phận của họ thường phải nói trái với sự thật.Và họ trở nên thành thạo.

Tôi thấy cuộc rút lui của Lạng Sơn giữa những vẻ huy hoàng chính thức - vẻ huy hoàng của bại trận! Đấy là đợt đi kiểm tra của những nhân vật lớn chạy đến tai họa. Có Juin và Letourneau - một gương mặt bự quân sự và một dân sự, luôn luôn đi cùng nhau, ghép đôi - vội vã từ Pháp sang. Có Pignon và Carpentier, tất cả những "văn phòng" dân sự và quân sự, tất cả các loại người bắt tay nhau, thì thầm với nhau có vẻ bí mật, không ngớt tập hợp trong các buổi thỏa thuận, trong các buổi tiệc. Và tôi nhận thấy trong không khí của những "ông lớn" ấy, của lời nói và những nghi lễ của họ, tất cả giảm cường độ, tất cả mất tiếng vang, trở lại hầu như bình thường. Thảm họa trên đường 4 và những gì tiếp theo, những cuộc rút bỏ chỉ còn là những "biến cố”.

Trong lúc chờ đợi những đội quân Lạng Sơn về đến nơi, trước hết người ta đi gặp những người bại trận, sống sót từ vùng núi đá Đông Khê, hiện ở bãi biển Đồ Sơn cũ. Có ngay những người bồng súng chào, những lính Maroc nét mặt nhợt nhạt. Họ có vẻ từ bên kia thế giới trở về, thực tế là những người trốn thoát khỏi Cao Bằng. Juin và Letourneau làm hết những gì họ có thể - gắn huân chương, ôm hôn, có những lời tốt đẹp, những nụ cười vô cùng thân mật. Nhưng như thế hình như chưa đủ, thật mỉa mai! Không có mức độ chung giữa những trao tặng, những lời khen với những đau khổ phải chịu đựng. Những người lính Maroc theo kỷ luật đưa má và ngực ra cho những huy hiệu và ôm hôn, nhưng còn lâu họ mới hiểu! Họ đang mờ ảo về những nỗi sợ hãi của mình. Tôi tìm hiểu làm cách nào họ "vượt qua", thoát được, nhưng họ không biết rõ. Những câu chuyện của họ rời rạc, từng mẩu, lẫn lộn buồn chán - họ bị tấn công, bắn lại, vượt qua những cuộc phục kích, trèo lên núi, đi liên miên và cuối cùng đến đây. Những gì tôi rút ra được là những lời này của một giáo trưởng: "Tôi chỉ nhớ đang nấp sau một tảng đá cùng một viên cai, cũng người hồi giáo. Việt Minh ở sau những tảng đá khác và chúng tôi bắn nhau hàng giờ. Viên cai ngã xuống chết ngay và tôi lao vào rừng, cứ đi mãi, không biết làm sao tôi tới đây được". Các sĩ quan Pháp của đội ta-bo cũng có mặt, giải thích cho tôi: "Những người này vượt qua được vì họ đi phía trước và bộ phận lớn quân phục kích xông lên phía sau họ. Họ đi không nghỉ, chịu đựng đủ mọi thứ; đấy cũng là những thú rừng, các giác quan căng lên, cả toàn thân làm việc có ý thức hoặc không có ý thức để sống sót.

Tôi đi theo đoàn kiểm tra, lên máy bay. Lần này đi xem những gì đưa đến thất bại và phát hiện "lực lượng" Việt Minh, đi xem Lạng Sơn bị bỏ rơi. Đi từ Hải Phòng và biển, lúc đầu bay trên rừng những tảng đá chìm - vịnh Hạ Long. Rồi trên địa bàn những núi sừng sững, ngược lên từ Tiên Yên trên con đường số 4 mỏng manh đến Lạng Sơn. Bên dưới chỉ là cảnh vắng lặng thê thảm của cuộc chiến tranh Đông Dương, bao la rừng cây và núi đầy dã thú. Không một dấu vết người Pháp ngay Việt Minh trên con đường trắng này. Uốn khúc trơ trọi trong hoang vắng. Tuy thế đoạn này vẫn còn những bốt cắm cách đều nhau mà Đội quân viễn chinh vẫn giữ về nguyên tắc. Tôi nhận ra Đình Lập, Lộc Bình nhưng đều có vẻ trống không, những căn nhà tồi tàn người ta chạy bỏ lại. Phải chăng thảm họa đã lan đến đây? Cũng không có những đoàn quân trên đường. Còn dọc theo con đường số 4 mấy phút nữa rồi máy bay lấy độ cao, phía trên Lạng Sơn, một Lạng Sơn phải là anh hùng và hy sinh, vẫn ở đây nhưng ghê rợn, vừa Việt Minh vừa nguyên vẹn. Thị xã xuất hiện lại trước mắt tôi một lần nữa, trải rộng đầy đủ và với đường băng dài, nhà thờ. những ngôi nhà công sở đẹp, trại lính mà người ta gọi là thành trì, với tất cả dấu vết của nước Pháp. Nhìn bề ngoài không có gì thay đổi. Tôi phải chăm chú nhìn lâu cảnh đẹp đô thị này mới nhận ra một số nét của các sự kiện - những bốt vành đai trên các điếm cao hơi bị hư hỏng, một vòm cầu trên sông Kỳ Cùng sập đổ, vài ba đám khói bốc lên, chỗ này chỗ kia. Tôi thấy thị xã nguyên vẹn, đúng hơn là tấm vỏ thị xã nguyên vẹn vì bên trong chẳng có gì. Người ta không nhận ra dấu hiệu nào của sự sống. Tôi chẳng thấy dân, cờ, quân lính, như chỉ còn lại đá và loài người đã biến mất. Thói quen của quân Việt là không vào đông người ngay, sợ bị dội bom. Họ ở trong rừng, xung quanh mồi của họ nhưng ban đêm họ vào Lạng Sơn, tích cực làm mọi việc. Có một lúc, máy bay chúng tôi tản ra, những chiếc tiêm kích đến và bổ nhào xuống. Kết quả là một số vụ nổ nhưng thật nhỏ bé trên xác chết khổng lồ của thị xã! Số phận cuối cùng của Lạng Sơn là như vậy, là thừa, chưa phục vụ cho người Việt, chưa bị người Pháp phá hoại, vẫn ở đấy như niềm kiêu hãnh của cuộc chiến tranh này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #381 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2019, 09:05:51 pm »


Một ngày khác, phái đoàn Juin-Letourneau gồm một đoàn xe jeeps dài, đi ngay sau cơn bão. Xe chạy trên đường đê, một vạch đất trong cảnh nước bao la mặt ruộng sau lụt. Trong vùng nông thôn đông dân này chỉ thấy một số dân quê run rẩy trong những chiếc áo tơi lá. Đoàn đi qua các thành phố, các làng, đã bị phá hủy từ nhiều năm. Con đường càng gập ghềnh, không ngớt bị đào đắp và sửa chữa tạm. Qua một chiếc cầu hư hỏng trên sông Cầu ngập nước và cuối cùng là phủ Lạng Thương.

Cách Hà Nội bốn mươi cây số về phía bắc, là những đổ nát, chỉ nhà thờ còn nguyên vẹn. Lúc ấy về phía ngược lại, cũng trên con đường ấy, những chiếc xe lê dương đồ sộ. Họ dừng lại, dài nhiều cây số, trong trật tự và sức mạnh. Thế nhưng đấy là đoàn quân di tản từ Lạng Sơn. Cuộc hành quân được bí mật bố trí trong sáu ngày, từ 12 đến 18 tháng mười, nhờ vào những đoàn xe lớn, lần lượt đưa đi bộ phận hậu cần, công binh, tài liệu. Sau đó là những ta-bo và lính Maroc. Rồi trong đêm 17 sáng 18, chính đội quân đồn trú lên đường. Lính lê dương và các đội quân đi bộ, ban đêm trên đường số 4 ẩn mình trong bóng tối và sương mù. Họ phải đi ba mươi cây số như chạy, cảnh giác với phục kích, cho đến bốt Lộc Bình. Ở đây có hai toán vận chuyển của Tiên Yên chờ họ đưa đến phủ Lạng Thương này không có dân và đầy các nhân vật. Đội cơ động duy nhất ở Đông Dương GMNA Bắc Phi của đại tá Massiez, đến đón họ tại Chu, lối vào núi. Tất cả tiến triển không có một đụng độ nào.

Ở phủ Lạng Thương là những cuộc gặp lại nhau. Đại tá Constans nhảy từ một chiếc jeep xuống, rạng rỡ, quân phục chiến đấu, bắt tay mọi phía. Có vẻ là một người chiến thắng. Trong lúc các đội quân giải khát xung quanh, đại tá được tiếp trang trọng trong nhà thờ biến thành ban tham mưu nhỏ. Một bản đồ lớn treo trước bàn thờ. Và ở đây, trước những nhân vật lớn, Constans hùng hậu giải thích cuộc hành quân của ông - việc nhanh chóng quyết định di tản Lạng Sơn như thế nào, việc bất ngờ hành quân đã đánh lạc hướng kế hoạch quân Việt, đã cứu nhiều nghìn con người ra sao. Xa hơn, phân tán thành nhóm nhỏ ở các góc nhà thờ là những nhân vật ít quan trọng hơn, các đại tá, nhà báo, nhân viên văn phòng. Ông Letourneau, các viên chức ông Pignon mang theo - chờ cuộc hội nghị bí mật rất lâu mới kết thúc. Người ta ngạc nhiên nhận thấy tướng Alessandri không được tham dự những cuộc trao đổi quan trọng ấy. Ông cũng có mặt ở phủ Lạng Thương, không đến với phái đoàn chính thức mà bay trên một chiếc Morane theo dõi, chỉ đạo các đoàn quân đi. Để đến phủ Lạng Thương máy bay của ông đậu xuống một thửa ruộng nhỏ, trong những điều kiện nguy hiểm nhất. Ông ra khỏi buồng máy gầy yếu, tái xanh, suy sụp, với bộ râu mười ngày không cạo. Nhưng vừa đặt chân xuống đất, ông là người không mong muốn, người mà người ta không muốn nghe, muốn nói. Ông bị loại trừ khỏi cuộc hội nghị lớn không dứt trong nhà thờ. Ông bực tức, muốn chống lại nhưng một sĩ quan thân cận của Carpentier rỉ tai ông:

- Người ta tránh hỏi ông.

- Nhưng tôi chỉ huy ở Bắc Kỳ.

- Ông cứ giữ quyền chỉ huy của ông. Nhưng lúc này người ta không muốn ông nói.

Tuy thế trong quá trình hội nghị bí mật diễn ra trong nhà thờ, những gương mặt "lớn" tối dần lại. Constans nói trong sự trống không mỗi lúc càng không được tán thành và căm ghét. Ngoài Alessandri phản bác ông ta, ở đây tập hợp khoảng năm mươi nhà quân sự quan trọng của Đông Dương và của Pháp, với những ngôi sao và lon, mỉm cười với nhau, chào nhau. Mỗi lúc họ càng bất động trong sự im lặng khô khan, chán chường. Juin tỏ ra cau có. Sau Constans, Carpentier, giải thích vì sao việc di tản Lạng Sơn rất cần thiết và cấp tốc. Những sĩ quan khác lần lượt trình bày. Juin không nói gì nhưng nét mặt mỗi lúc càng thiếu thiện cảm. Letourneau vẻ bí hiểm, khuôn mặt mỗi lúc càng thể hiện sự nghiêm khắc của một quyền lực dân sự bị lăng nhục. Mọi dấu vết thỏa mãn, hài lòng biến mất, không riêng ở những "ông lớn" mà những ai ở phủ Lạng Thương, trong các đội quân, các sĩ quan và binh lính. Bỗng nhiên như trong lòng tất cả đều thắt lại - như làn sương hối tiếc lan khắp Đội viễn chinh.

Carpentier còn có Constans can đảm thanh minh, chống chế tốt. Nhưng sau những gì họ lộ rõ, bây giờ mọi người biết sự di tản Lạng Sơn như đã làm, từ nay là nỗi "xấu hổ của quân đội Pháp - dù chỉ là nỗi xấu hổ ở Đông Dương mà họ đã chiến đấu dũng cảm như thế, vô vọng như thế trong bao năm vì một lý do không rõ ràng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #382 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2019, 09:21:35 pm »


Nỗi xấu hổ và bùn nhơ

Sau một đợt an ủi ngắn Đội quân viễn chinh lâm vào suy sụp hoàn toàn, tệ hại hơn bao giờ hết, với cảm giác không tha thứ được vì hèn nhát. Chỉ còn hối hận và xấu hổ. Vì những tin tức không ngớt đưa tới về "vụ việc Lạng Sơn". Người ta biết những gì đã nói, trình bày, chứng minh để thanh minh việc trốn chạy, nhằm tránh cuộc bị tàn sát, là sai. Tất cả chỉ là ảo ảnh từ sợ hãi, lo lắng.

Một sĩ quan nói:

- Chưa bao giờ có việc như thế xảy ra trong lịch sử quân đội chúng ta. Trong một đêm, nhiều nghìn lính Pháp, và là trong số tốt nhất, rời bỏ trại, theo lệnh, chẳng đối mặt với gì cả. Trong mấy tiếng đồng hồ, họ "bỏ trống" các chỗ, chạy khỏi Lạng Sơn và để lại một khối vật liệu, một nguồn cung cấp không tưởng tượng được, đủ tiếp tế cho toàn thể Việt Minh trong nhiều tháng. Họ bỏ chạy như những bóng ma, không phá huỷ gì, sợ quân địch để ý; họ ra đi trong một cuộc trốn chạy có tổ chức, không bắn một phát súng, không phá đổ bất cứ thứ gì. Và việc làm đó chỉ với ý nghĩ duy nhất là các sư đoàn Giáp ở đấy, đang bao vây thị xã và sẽ tấn công. Thế là ban chỉ huy bị ám ảnh: phải đi nhanh, nhanh hơn nữa, không chiến đấu, bỏ lại tất cả, để không bị mắc vào "lưới". Nhưng, bây giờ người ta có chứng cứ, quân Việt còn ở gần Na Sầm, cách xa năm mươi cây số. Người ta đủ thì giờ chuẩn bị chống cự hoặc nếu những người chức quyền quyết định không đánh nhau ở Lạng Sơn có thể chuẩn bị một cuộc di tản đầy đủ, có hệ thống và xứng đáng, chỉ để lại cho ông Giáp một vỏ bọc thị xã.

Nỗi lo sợ quá đáng! Sau việc rút khỏi Lạng Sơn, phải còn nhiều tuần lễ nữa các sư đoàn ông Giáp mới vào đấy. Trong những ngày đầu cũng có vài bộ phận nhẹ len lỏi vào. Một trung uý kỵ binh trẻ kể lại:

- Một buổi chiều người ta bảo chúng tôi: "Tối nay mọi người ra đi". Tôi chỉ huy một tiểu đội xe đại liên. Mọi việc xảy ra nhanh đến nỗi chúng tôi không kịp nhận thực phẩm vừa hết. Tôi đi cuối đoàn cùng người của mình. Cách Lạng Sơn sáu mươi cây số tôi được lệnh ở lại đấy trông chừng. Trong hai ngày chúng tôi nhịn đói. Tôi bèn cử hai xe trở lại Lạng Sơn lấy một số thực phẩm trong các kho bao la bỏ lại. Người của tôi vào một thị xã ma, chẳng có gì xảy ra, không một bóng người, không một quân Việt. Giữa chỗ hoang vắng ấy họ chỉ lấy trong các kho hàng nghìn tấn khẩu phần ướp lạnh và trở lại không gặp người nào. Họ nói: "Chúng tôi không hiểu sao lại thế". Các bạn sĩ quan và tôi cũng không hiểu. Buồn cười nhất là hậu cần lại lấy đi những khẩu phần mà chúng tôi cử người đi tìm kiếm giữa tất cả những gì để lại cho quân Việt.

Lạng Sơn vậy là rút bỏ quá sớm. Nhưng vì sao có sự vội vã bỏ chạy và không phá huỷ gì. Tất cả do suy luận ở Cao Bằng, Charton và Lepage đã báo động quân Việt vì phá huỷ và sự ồn ào khi ra đi - được xem là lý do của thảm bại. Vậy là để thành công. Lạng Sơn phải áp dụng nguyên tắc ngược lại, phải là một sự biến mất, bốc hơi. Mệnh lệnh đưa ra nghiêm ngặt và đại tá Constans theo dõi việc áp dụng lệnh nghiêm ngặt ấy, phải làm sao để quân địch không đoán được cuộc hành quân, phải tuyệt đối không phá huỷ gì. Như vậy các sư đoàn ông Giáp sau đó tìm được ở Lạng Sơn những gì để ăn, mặc, chữa bệnh trong nhiều năm. Nghiêm trọng hơn rất nhiều là vấn đề đạn dược và vũ khí. Gần như tất cả những gì sau đó người Việt dùng bắn vào người Pháp là những gì người Pháp bỏ lại Lạng Sơn trong ám ảnh đe dọa lúc họ không bị đe dọa. Người Việt thu nhặt như quà tặng tuyệt vời 11.000 tấn đạn dược trong đó 10.000 tấn đạn cối 75 đúng lúc họ có súng ca-nông 85 mà đạn cối 105 và 155 ít có tác dụng hơn vì không có trọng pháo cỡ ấy - họ dùng để đặt mìn trên đường. Quân Việt cũng tìm được 4.000 súng tiểu liên mới, 600.000 lít xăng, tóm lại là những kho của khác thường của chiến tranh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #383 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2019, 09:22:26 pm »


Sự thật, những áo quần, thực phẩm, thuốc men, đạn dược, vũ khí ấy phải phá huỷ do một "bộc phá nổ chậm" ngay sau khi đơn vị cuối cùng rút đi. Tất cả đã được chuẩn bị cẩn thận. Nhưng rồi không có gì bị phá hủy, không rõ vì sao. Hình như người ta để lại Lạng Sơn một tiểu đội công binh chịu trách nhiệm châm ngòi nổ theo lệnh do một sĩ quan tham mưu của Constans đưa tới. Lệnh ấy không tới, những người của công binh chờ mãi không dám tự động phá huỷ và cuối cùng bỏ đi, để lại nguyên vẹn.

Thế rồi những gì hàng không Pháp có ở Đông Dương, bao nhiêu máy bay đều dội bom xuống Lạng Sơn trong nhiều ngày, nhiều tuần. Những máy lạnh trong nhà Constans còn đầy champage và những giấy tờ mật của Phòng Nhì, Phòng Ba tan tác trong cống rãnh. Người ta muốn phá huỷ các kho dự trữ bỏ lại nhưng vô ích. Vì tất cả đã được đưa vào các hầm ngầm xây dựng công phu - có mười lăm mét cát và đất sét phủ trên đạn dược, trên những bình xăng, trên mọi thứ. Máy bay liên tục thả những tràng bom mà không có gì nổ hoặc cháy.

Sau khi mọi việc lộ ra tất cả thật thảm hại, những nỗi nhục nhã và hậu quả của việc rút quân, vấn đề được đặt ra không chối cãi được: ai là những người chịu trách nhiệm? Người ta nhận ra nỗi sợ hãi lan rộng trong Đội quân viễn chinh, gặm nhấm họ mãi, đến từ trên; nảy sinh từ cấp tướng.

Thực tế, để gỡ rối những sai phạm trong việc thê thảm này, phải trở lại trước đây mấy ngày, sau thất bại ở vùng núi đá vôi Đông Khê; người ta vẫn chưa biết sẽ làm gì với Lạng Sơn. Lúc ấy các tướng hốt hoảng làm hốt hoảng Chính phủ Paris, phủ Cao uỷ Sài Gòn và cả các đội quân, các sĩ quan và binh lính của họ. Trước hết chính Bộ chỉ huy "mất tinh thần" và đã làm tất cả "mất tinh thần".

Câu chuyện lạ lùng về sự bất lực ở tất cả các cấp, các bậc, khắp nơi! Trong những ngày nguy nan này phải xem lại và nghĩ lại tất cả, về nguyên tắc, do Paris giải quyết dứt điểm. Nhưng ở Paris không ai ngờ, không hiểu gì về những tai họa không dự kiến, không giải thích được, và những báo cáo của các ban tham mưu ngày càng đáng lo hơn. Từ khi các đoàn quân Charton, Lepage, tổng thống Cộng hòa, thủ tướng Bộ Chiến tranh, khắp nơi: "Phải di tản Lạng Sơn". Thế là không biết gì, sợ hãi, không chắc chắn về tất cả, Chính phủ ngần ngừ, thoái thác, trả lời lúc thì "cứ di tản" lúc thì "không di tản". Chính phủ khốn khổ! Trước hết họ không muốn mất thêm một tiểu đoàn nữa, ra lệnh cho Carpentier, con người khôn ngoan, thậm chí của chủ nghĩa thất bại, không nên mạo hiểm, không đưa ra một lực lượng mới nào, rút lui hơn là xung đột. Nhưng đồng thời các bộ trưởng đều bối rối, xấu hổ về những tai họa khó giải thích được với hội đồng bầu cử - và rồi đặt vấn đè không tiến hành những chi phí mới nhưng vẫn rất muốn Đội quân viễn chinh trả thù, mang lại một chiến thắng đẹp.

Trong mớ khó hiểu, mâu thuẫn ấy, cách giải quyết của Paris là cử sang tại chỗ hai "vị cấp cao" Juin và Letourneau để có những quyết định. Máy bay đến chậm nhưng vài giờ sẽ đến và chính họ lựa chọn cho Lạng Sơn - chiến đấu hoặc rút lui ít nhất cũng là dự kiến như thế. Nhưng điều đáng ngạc nhiên, tuyệt đối khác thường là trong tình trạng suy đồi Bộ chỉ huy còn sợ quân Việt hơn cả hai phái viên cao quý của Paris: trong đêm hoặc ngày phải chờ đợi họ là sự tàn sát Lạng Sơn, thanh toán đội quân thường trú, giết chết nhiều nghìn người Pháp; họ bèn tự ra lệnh tuỳ nghi di tản hay đúng hơn là di tản theo cách nào đó - rút lui cả đoàn xe tổ chức rất đúng kỹ thuật - tự bắt đầu theo lệnh mà không biết ai đã ra lệnh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #384 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2019, 09:24:06 pm »


Đêm trước khi chiếc máy bay bốn động cơ của các "vị cấp cao" hạ cánh xuống Sài Gòn, có một chiếc Dakota đỗ xuống sân bay: tướng Alessandri bước xuống mà không ai chờ đợi. Và là một tướng Alessandri trong giờ thất bại, suy sụp hoàn toàn. Con người Corse nhỏ bé cứng rắn, chói sáng đã rất tin chắc chiến thắng quân Việt, khống chế họ bỗng trở thành một người không còn nghị lực gì, là cái gì đó run rẩy trước ông Giáp và các sư đoàn Việt. Chính ông ở Hà Nội đã nhảy lên máy bay ra lệnh cho phi hành đoàn: "Đi Sài Gòn nhanh, hết sức nhanh". Vì ông vào đấy đúng lúc để kêu gào: "Đừng chậm thêm một giờ nào nữa ở Lạng Sơn không thì hỏng hết". Vừa đặt chân xuống Tân Sơn Nhất, Alessandri, đúng hơn là những gì còn lại ở ông, chiếc bóng, chạy vào lâu đài Norodom, chỗ Pignon - cuống cuồng báo tin, sợ hãi. Trong chốc lát người ta tập hợp những nhân vật dân sự và quân sự của Đông Dương, chèo kéo họ từ những nơi họ ăn uống, chơi bài, hút thuốc phiện hoặc làm bất cứ việc gì - họp Hội đồng Phòng thủ. Những người ấy đến nhà Carpentier đánh thức ông này dậy vì ông đã bình thản ngủ lúc chín giờ tối. Và rồi, trong đêm, bắt đầu một cuộc tranh cãi kịch tính. Alessandri nói: "Phải di tản Lạng Sơn ngay". Pignon và các nhà cai trị muốn lùi lại bốn mươi tám tiếng đồng hồ chờ Juin, để ông này có lời quyết định. Nhưng rồi những bức điện của Constans đến, hoàn toàn mê sảng, nói ông ta không chịu trách nhiệm gì nữa nếu để chậm lại dù một ít, thông báo những tai biến tệ hại, nếu không di tản ngay trong đêm sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Cách đấy 1400 cây số Constans sụp đổ tinh thần - nhưng ở cuộc hội nghị Sài Gòn, tất cả những cấp cao quân sự xa mối hiểm nguy, cũng xuống thấp như ông. Những người phía dân sự còn cố chống cự, vẫn nói phải chờ Juin. Hình như một sĩ quan cao cấp, hét lên với họ: "Trong bốn mươi tám giờ các ông đòi hỏi, các đội quân ở Lạng Sơn đã bị tiêu diệt hết. Các ông sẽ chịu trách nhiệm nếu có máu trên tay... ". Nhưng Pignon không lùi bước. Và còn có Carpentier, vị trí không rõ ràng, rất bối rối - cũng lo lắng như Alessandri và Constans nhưng có thói quen không làm việc gì nếu không có ý kiến Juin. Tất cả kết thúc hết sức mập mờ. Những cuộc họp, bàn bạc rối mù ấy đưa lại kết quả là người ta không làm gì dứt khoát ở Lạng Sơn trước khi Juin tới nhưng tiến hành mọi biện pháp chuẩn bị. Alessandri trở lại Bắc Kỳ ngay.

Nhưng khi các ông lớn Paris đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì Lạng Sơn đã là một việc đã rồi. Ai ra lệnh bỏ chạy, Carpentier, Alessandri hay Constans? Không biết rõ được, tình hình quá bê bối - cả ba đều rất muốn, đã chuẩn bị tùy nghi di tản nên sự việc khởi động như một bộ máy, một cách tự động.

Juin tỏ ra thất vọng. Rất tự chủ khi người ta đưa ông vào phòng tham mưu, nghe Carpentier kể lại tất cả và kết thúc bằng "Thế đấy", Juin chỉ hất hàm nói: "Thật ngốc". Ông còn có thể ra lệnh cho các đội quân trở lại Lạng Sơn. Ông không làm như sợ mình bị mắc vào vòng quay cuộc chiến tranh Đông Dương, như việc ấy không liên quan đến ông, như sợ làm mờ uy tín lớn của mình trong một "vụ việc xấu". Thế nhưng Đội quân viễn chinh sẵn sàng liều mình vì ông hơn bất cứ người nào khác, còn hơn cả de Lattre.

Sự nhập nhằng của Juin thật lạ lùng! Gần như sự phóng túng. Ông chỉ thị những việc làm tạm thời, chỉ là điều cần thiết, những việc cần làm mà Carpentier đã bỏ sót. Trước hết ông ra lệnh làm cho xong việc di tản không dứt đã trở thành một cuộc chạy tán loạn tự phát có nguy cơ đưa Đội quân viễn chinh tới con số không. Và khu đồn trú Đình Lập, đã xuống đến vùng châu thổ phải trở về lại: tám ngày sau họ chiếm lại bốt mà quân Việt chưa vào đấy, họ còn rất xa!

Juin làm để làm gì - như một giáo sư đứng trước bảng đen những chứng minh chiến lược trên bản đồ, càu nhàu, sơ lược, có vẻ u mê nhưng với ngón tay vững tin chỉ vị trí cần giữ, cuộc hành quân phải làm! Điều các sĩ quan và quân lính Đội viễn chinh chờ ở ông là những lời nói hy vọng - ông không nói. Điều họ cũng muốn là ông nổi giận ghê gớm đối với những chỉ huy bất lực, cũng không. Có vẻ ông cũng rất giận Carpentier, nhưng là trao đổi bí mật, dưới dạng người thầy "quở mắng" môn đồ có lỗi nhưng giữa người với người, không chính thức.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #385 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2019, 09:25:07 pm »


Và rồi chẳng có gì giống một hình phạt, một phản bác công khai trước mọi người, Juin "bao che" Carpentier, nguyên tổng tham mưu trưởng, một người bạn của ông. Vì vậy hơn bao giờ hết căn bệnh tinh thần tiếp tục trong các đoàn quân vì sự bận bịu của Juin trong đợt đi kiểm tra là "cưng chiều" Carpentier. Lối thiên vị ấy đi xa đến nỗi từ nỗi xấu hổ người ta rơi vào sự bất công, vào bùn đen. Trước hết thậm chí Juin từ chối tiếp Alessandri khốn khổ.

Vì trong số những người thất bại là sự lộn xộn, cuộc đấu tranh để có thể nói: "Không phải lỗi của tôi; đấy là lỗi của những người khác". Và việc đó xảy ra dưới những ngôi sao quang vinh của Juin, vốn lừa bịp tất cả, thiên vị người mình bảo trợ, chấp nhận tất cả của ông này. Carpentier, người khổng lồ yếu và lo lắng, luôn dãn những nếp nhăn, như chiếc bóng mờ của tướng Juin, tươi cười, đồ sộ, vững tin ở mình, vui vẻ, tàn ác. Cứ thế, trước một cuộc họp báo, với các nhà báo trên toàn thế giới, Carpentier tướng tổng chỉ huy đổ hết tội lỗi lên những người thừa hành - nhận định của ông rất tốt, thậm chí hoàn hảo, nhưng Charton quá chậm, Lepage quá do dự, Alessandri...

Alessandri như người bị đào thải, chống trả hết sức mình bướng bỉnh khác thường, với khả năng của một nạn nhân. Bị Juin và Carpentier gạt ra, ông quay lại phía dân sự, được ông bộ trưởng Letouneau tiếp, có mặt cao uỷ Pignon. Ông "thả hết nỗi uất ức" của mình, như ông nói. Letourneau mặt trắng bệch, quay lại Pignon: "Lời trình bày của tướng Alessandri có đúng không?" Pignon tuyên bố: "Tôi buộc phải công nhận những gì tướng Alessandri nói là sự thật". Do đó cuối cùng Alessandri gặp được Juin, kể lại câu chuyện của mình. Theo Alessandri, Juin càu nhàu với ông: "Đáng lẽ ông phải không tuân lệnh." Nhưng theo một ý kiến khác, Juin chỉ càu nhàu: "Anh chàng Carpentier của tôi không thể làm như ông nói".

Thực ra Juin thể hiện sự thờ ơ diễu cợt, ích kỷ ấy với một tính chất hoàn toàn sáng suốt. Cuộc chiến tranh Đông Dương này ông đánh giá rất rõ. Ông không thể, không muốn làm gì cho nó, nếu không là cho một số lời khuyên trước khi ra đi thật nhanh. Những lời khuyên không được thực hiện, ông biết thế, nhưng chẳng cần. Phần của ông ở nơi khác, ở Maroc, ở Bắc Phi. Ông chẳng quan tâm đến Châu Á.

Trước khi đi, ông nói sự thật, ông trình bày trong một hội nghị lớn về chiến tranh ở Hà Nội, ông viết một báo cáo cho Chính phủ Pháp và cho cả các nhà báo biết. Đúng ra là ông nói những sự thật đã trở thành hiển nhiên nhưng ông là người đầu tiên nói rõ ra nó tuy "trước đây" hình như không thể chấp nhận được. Ông nói tất cả phải làm lại hết. Phải thay đổi hoàn toàn cơ cấu Đội quân viễn chinh vốn dĩ là một sự phân tán vô số bốt, có ích cho việc bình định nhưng bất lực trong cuộc chiến; phải nhanh chóng "tạo ra" bằng mọi cách những đội cơ động mạnh có khả năng hành quân và xung kích ở vùng nông thôn. Phải có một "khối lượng lớn máy bay" vì đấy là yếu tố quyết định chống người Việt, cho phép đánh thẳng vào "hậu cần", vào nơi tập trung của họ. Nhưng phải có nhiều trăm, nhiều nghìn máy bay để đánh vào số đông mặc dù ngụy trang, dù có tấm màn rừng rậm. Juin nói: Để tấn công quân Việt phải tập trung. Lúc ấy có thể đập nát họ bằng những cuộc dội bom cả vùng, không nhắm vào mục tiêu, không chi tiết mà đổ chất nổ vào một chu vi nhất định cho đến lúc không còn gì trong đó nữa. Nhưng một Đội quân viễn chinh mạnh, từng khối máy bay chưa đủ, trước hết phải xây dựng quân đội quốc gia Việt Nam. Juin là người đầu tiên tuyên bố: "Tôi nghĩ chìa khóa của cuộc chiến tranh Đông Dương là trong sức mạnh và lòng tin của một quân đội Việt Nam. Thời gian đầu chúng ta chuyển cho họ dần dần và có chừng mực những khu vực bình định, chúng ta tập trung những người Pháp đánh nhau với các sư đoàn chính quy của Hồ Chí Minh. Trong thời kỳ thứ hai họ cũng phải đối mặt, hàng nhiều nghìn quân chính quy da vàng chống lại những nghìn chính quy da vàng khác, tất cả cùng làm theo cách đó."

Chưa hết. Trước mắt không nên "chịu đựng". Phải chấm dứt những cuộc rút lui, chuyển sang "chống cự và phản công". Đối mặt với người Việt nghĩ mình là những người chiến thắng phải vận động chiến như họ. Có những chỗ còn có thể bỏ nhưng có những chỗ khác phải lấy lại, như Lạng Sơn. Đơn thuần chống cự sẽ dẫn đến sự thất bại hoàn toàn, rút lui này đến rút lui khác và tinh thần Đội viễn chinh cuối cùng suy sụp. Vậy phải có tấn công, trước hết là chiến lược, sau đó là phương pháp chữa bệnh về thể xác và tinh thần cho sĩ quan, binh lính còn nhục nhã vì con đường số 4, còn vương vấn về bại trận: phải đưa lại niềm tự hào cho họ.

Đấy là lối chẩn đoán của Juin, những phương thuốc trên lưng ngựa. Để áp dụng, cả toàn nước Pháp phải có một nỗ lực lớn, tự mình lao vào cuộc chiến thay vì để cho những quân lính đánh thuê của một Đội viễn chinh. Như vậy nước Pháp phải hy sinh hơn, hy sinh vô cùng nhiều hơn, về người và tiền của như vì quyền lợi sống còn của đất nước. Nhưng có như thế được không? Juin nêu lên câu hỏi trong báo cáo. Ông không trả lời nhưng viết nếu không thực sự làm điều cần thiết để chiến đấu tốt thì phải dựa vào những giải pháp khác hoặc điều đình với Hồ Chí Minh rồi ra đi hoặc quốc tế hóa việc tranh chấp. Và Juin kết luận: "Đấy là điều nước Pháp phải lựa chọn".

Như vậy Juin đặt rõ ràng vấn đề. Ông không tin nước Pháp tiến hành tốt cuộc chiến tranh, cũng không tin nước mình sẽ thương lượng với người Việt hoặc đi đến kéo người Mỹ và Liên hiệp quốc cùng đánh nhau ở Đông Dương. Ông nghĩ nước Pháp chẳng làm gì hoặc gần như chẳng làm gì và cuộc chiến tranh Đông Dương sẽ kéo dài, năm này sang năm khác cho đến lúc kết thúc tồi tệ.

Những vị tướng khác cứ việc "vỡ đầu". Ông Juin đã tuyên bố những sự thật lớn, nhanh chóng trở về nước Pháp sau khi kích thích Đội quân viễn chinh một ít. Thực ra ông bỏ rơi họ cho số phận. Và điều đó mọi chiến binh đều cảm thấy, đều hiểu: Juin không thích họ, không muốn cùng với họ. Vì vậy khi ông đã rời Đông Dương. Đội quân viễn chinh trở lại với căn bệnh của mình, suy sụp, trong trạng thái vật chất và tinh thần tệ hại hơn trước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #386 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2019, 09:32:08 pm »


Nỗi chán nản tột cùng

Nhìn bề ngoài Đội viễn chinh đã bình tĩnh trở lại. Nhưng bên dưới sự huỷ hoại lan rộng, nặng thêm. Vì chẳng có gì thay đổi. Giá những người chết đã được trả, rất ít thôi, do một mình đại tá Constans. Đấy là sự sa sút của ông ta. Trong mấy ngày ông trở thành người bị ruồng bỏ. Lúc đầu ông vùng vẫy chống lại làn sóng khinh bỉ, vẫn ăn mặc đẹp, vẫn kiêu hãnh, tự cao. Ban tham mưu Lạng Sơn trung thành với ông. Như một thách thức ông tổ chức chiêu đãi ở khách sạn Metropole, dưới những cái nhìn của cả Hà Nội. Xung quanh bàn ăn thịnh soạn, khách ăn mặc quân phục, vừa tươi cười vừa cứng nhắc, đầy huân chương. Nhân viên khách sạn kính cẩn mang những thức ăn nhiều món. Cuối cùng rượu champagne và chúc mừng - các sĩ quan uống chúc sức khỏe Constans, Constans chúc sức khỏe họ. Xem ra ông rất thoải mái, đeo đầy người tất cả vinh dự của quân đội. Tuy vậy bữa ăn ấy chẳng có tác dụng gì, Constans ngày càng bị dồn vào đường cùng: ông cho mời các nhà báo người này rồi người khác vào trong chỗ ông ở khách sạn Metropole, với từng người ông "giải thích" vô tận. Ông cũng đã giải thích với tôi. Bề ngoài ông vẫn có phong thái quí phái toát ra như khi ông tiếp tôi ở Lạng Sơn, nhưng có ích gì? Tôi chỉ còn cảm thấy trước mặt tôi một người bị săn đuổi! Điều ông nói trở thành non nớt, cuồng tín. Ông thề với tôi đã cứu các đội quân vì biết lợi dụng một cơn bão. Ông nói với tôi, với cả quyền lực của mình:

- Điểm khủng hoảng, chỗ sống còn của việc di tản là chiếc cầu cách Lạng Sơn vài chục cây số. Từ phía biên giới Trung Quốc một sư đoàn quân Việt tiến rất nhanh đến đấy nếu họ chiếm chiếc cầu thì chúng tôi bị tiêu diệt. Nhưng trong đêm có một cơn bão và tôi được tin sư đoàn ấy bị chậm lại, không qua được một con sông ngập lũ. Tôi bèn quyết định phải lợi dụng hoàn cảnh này. Chúng tôi ra đi trong mưa bão, đến cầu trước quân địch, vượt cầu trước khi mắc vào cạm bẫy.

Constans khốn khổ cố chống chọi đủ cách! Cuối cùng khi đã thực sự hy vọng, ông có một cử chỉ cao cả. Bản thân đã mất hết, ở cửa khách sạn ông nắm lấy một phóng viên rất trẻ kéo vào quầy bar, khẩn khoản nhẫn nhục: "Anh nhất thiết phải đến gặp bác sĩ Huard, nói rằng tôi sắp ra đi và không thể chịu đựng ý nghĩ khắc nghiệt quân lính của tôi sẽ ở trong tay người Việt, những người bị thương chết mòn mỏi trong một khoảng rừng thưa nào đấy chỉ được chăm sóc bằng bôi thuốc đỏ. Để lương tâm tôi được thanh thản, nhờ ông ta đề nghị với ông Giáp thả họ ra bằng bất cứ giá nào trước khi tôi xuống tàu về Pháp". Cuộc vận động lạ lùng ông Huard, một người đáng ngại. Ông ta có hành động vì lòng tốt, tính toán lý tưởng, người ta không biết, nhưng tuy nhiều chức tước, tài năng, ông vẫn rất bị mật thám nghi ngờ, bị mọi loại nhân viên theo dõi. Vì vậy, nhà báo trẻ hỏi Constans: "Nhưng tại sao ông không tự mình đến đấy?" Ông này chỉ trả lời: "Tôi sẽ bị Quân cảnh bắt giữ".

Ít lâu sau đó Constans biến mất, rất may cho ông vì các sĩ quan đội lê dương muốn "lột da" ông. Từ đó người ta gần như không nghe nói về ông nữa nếu không chỉ biết tin ông được thăng cấp tướng những năm sau đó, và về hưu. Tôi không biết có phải ông là người có tội nhất không; ít nhất thì cũng là nạn nhân chính.

Nhưng ngoài ra vẫn có Carpentier, vẫn có Alessandri, Đội quân viễn chinh không chỉ còn xấu hổ về Lạng Sơn, về quá khứ: càng ngày họ càng sợ hơn. Vì với hai người ấy - những kẻ bại trận - chắc chắn sẽ đi tới những thất bại mới, mất hết Bắc Kỳ và Đông Dương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #387 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2019, 09:40:27 pm »


Có bốn mươi ngày kinh hoàng, bốn mươi ngày sa sút liên tục, ngột ngạt, choáng vánh. Nhưng chẳng làm được gì và thảm họa cuối cùng có vẻ đã rất gần. Một sĩ quan tham mưu nói: "Chỉ trong hai tháng tới số phận vùng châu thổ sẽ được định đoạt. Từ nay đến đó, tùy theo Sài Gòn và Paris hiểu hay không hiểu người ta sẽ biết Hà Nội còn cứu vãn được hoặc sẽ bị giam hãm".

Những cảm giác thật mập mờ. Dĩ nhiên các sĩ quan và binh lính muốn hành động. Nhưng như thế phải có người nói và ra lệnh nhưng chẳng ai làm. Ngược lại ở Bộ chỉ huy tối cao như có sự chấp nhận ngầm rằng quân Việt mạnh hơn nên phải chịu đựng, phải lùi bước.

Cả một bi kịch về sự bất lực. Người ta chờ đợi, không làm gì hết. Quân đội thấy những chỉ huy cao cấp tạm ngừng quyết định, chỉ huy, hành động, như đặt hy vọng vào những quyết định sáng tạo của những người kế nhiệm, nhưng vẫn không có kế nhiệm. Chỉ có Carpentier, Alessandri.

Carpentier là người đầu tiên nhiễm nặng sự thất bại. Một hôm ông tiếp tôi, chỉ trên bản đồ rộng lớn của Đông Dương và nói với tôi:

- Các văn phòng của tôi đã làm việc. Từ nay chúng tôi có thể liên tục thu hẹp lại, không thể giữ cả Bắc Kỳ trước các sư đoàn ông Giáp dựa vào lực lượng Trung Hoa. Tôi dự kiến bảy đường dồn quân: đường cuối nằm giữa Trung Kỳ, trong vùng bó hẹp của Đông Dương gần vĩ tuyến hai mươi. Ở đây chúng tôi có thể xây dựng một mặt trận thực sự chặn bước tiến quân Việt. Chỉ còn phải bảo vệ hơn một trăm cây số và Nam Kỳ giàu có vẫn thuộc về chúng tôi.

Nhưng chiến lược hoàn toàn phòng thủ ấy, vị tổng chỉ huy không dám thực hiện công khai. Hơn nữa, Letourneau, ở lại Đông Dương sau khi Juin bay về, quá bực tức về tất cả những quân nhân suy sụp ấy. Cảm thấy "sự thối rữa", ông từ Sài Gòn ra Hà Nội, mặt bự đỏ như của người nông dân, có thái độ đầy nghị lực cộng hòa thực hay giả - mà những nhà chính trị biết cáng đáng trong những dịp quan trọng. Ngày 20 tháng mười, ông họp Hội đồng Phòng thủ, với những nhân vật tám ngày trước đây khi có Juin. Nhưng một bộ trưởng có thể làm gì trước lập luận của các tướng? Nhân danh kỹ thuật, họ vinh quang đổ ra hàng tấn bại hoại tinh thần và đạo lý. Tất cả Letourneau có thể làm là cãi bướng. Dũng cảm, ông kêu lên: "Cách mấy ngày các ông nói với tôi quân Việt có 60 tiểu đoàn, bây giờ là 103 tiểu đoàn. Làm sao có thể thế được?!" Tuy vậy Carpentier, giọng nhẹ nhàng của những người có trách nhiệm lớn, nói chưa có nguy hiểm gì trước mắt, không phải rút lui mà phải dự kiến tất cả. Nhiệm vụ của ông là chuẩn bị một sự phòng thủ co dãn, một cơ sở cuối cùng ở Hải Phòng. Phải hình dung đưa về nước những gia đình Pháp, riêng ở Hà Nội đã có 1.200 đàn ông, 1.200 đàn bà, 2.000 trẻ em. Nhưng việc này chắc phải chờ một tháng nữa.

Đấy là thông báo việc chấm dứt tồn tại. Letourneau kêu lên: "Tôi không hiểu. Phải chăng chúng ta đã dứt khoát bị đánh bại?" Người ta làm cho ông an tâm, nhưng vị bộ trưởng không giấu nổi thất vọng. "Cách đây một tuần các ông nói mọi việc tốt đẹp. Chắc vì có tướng Juin ở đấy và các ông sợ ông ấy. Bây giờ các ông không có gì làm phiền phức nữa. Những gì các ông nói ra không tưởng tượng được. Tình hình không thể xấu đi đến thế trong một thời gian rất ngắn. Người ta không thể thay đổi nhận định trong tám ngày. Tôi lệnh cho các ông bảo vệ Bắc Kỳ trên những vị trí dự kiến, theo cách dự kiến."
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #388 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2019, 09:40:58 pm »


Nhưng sau cuộc cãi vã ấy Letourneau trở về Pháp, bên cạnh những cử tri của mình. Carpentier rảnh tay. Dĩ nhiên để làm vừa lòng Chính phủ Paris, ông dùng mánh khóe, có những báo cáo trong đó còn có vấn đề lấy lại Lạng Sơn. Nhưng chủ yếu là những hàng phòng thủ lùi dần, đường A là 400 cây số, đường B chỉ 300 và rồi có đường còn mấy cây số. Xứ Bắc Kỳ co dần như da lừa.

Chỉ thị chính thức vẫn là chiến đấu nhưng những ý kiến không chính thức thiên dần về sự khôn ngoan. Tất cả là mâu thuẫn, không chắc chắn, lúng túng. Càng khó hiểu khi Alessandri người cứng đầu hiền lành này bỗng lại nhảy lên con ngựa của mình tấn công lớn. Carpentier nói: "Chúng ta sắp ra đi", nhưng Alessandri tâm sự với những người thân tín: "Chúng ta để qua cơn giông tố rồi sẽ lao vào quân Việt trong rừng".

Nhiều tuần lễ liền không ai biết làm thế nào, không ai tin tưởng. Tôi thấy sự hoàn toàn rời rạc ấy ở Móng Cái, điểm cuối cùng nhìn sang Trung Quốc, ngay đầu bờ biển, chỗ trước kia tôi đến chứng kiến các đoàn quân Mao Trạch Đông đến biên giới. Tôi trở lại đó vì muốn ở đấy một lần nữa trước khi có quyết định di tản. Nhưng tôi vừa đến thì một mệnh lệnh ngược lại đưa tới - người ta ở lại.

Ở Móng Cái là cảnh hòa bình kỳ cục, đúng hơn là cảnh chiến tranh kỳ cục. Về nguyên tắc là hòa bình giữa Móng Cái của Pháp và Đông Hưng của Trung Hoa; đám đông người Châu Á tiếp tục đi về trên chiếc cầu quốc tế. Nhưng không còn sự "hiền hòa" nữa vì 3.000 Việt Minh và 2.000 Trung Hoa tập trung xung quanh. Đông Hưng cắm đầy đại liên và ca-nông, thường bắn từng loạt trên biên giới. Ở Móng Cái mọi người sống lo ngại. Chỉ có một đại đội lê dương, biết không thể tự bảo vệ được. Các sĩ quan nói: "Có đáng bị giết chết tại chỗ trong lúc mấy tuần nữa thì Bộ chỉ huy bỏ tất cả không? Thay vì chờ cuộc tấn công, chúng ta nên thoát bằng thuyền ra biển". Nhưng thâm tâm họ vẫn áy náy, họ không biết bổn phận của mình là sống hay chết. Đúng lúc đó một chiếc máy bay hạ cánh ở sân bay và bước xuống một Carpentier vui vẻ, như không có vấn đề gì. Đại uý chỉ huy đại đội đứng nghiêm chào, kính cẩn, quyết tâm xin mệnh lệnh của vị tướng. Ông hỏi: "Thưa đại tướng, xin cho chúng tôi chỉ thị. Nếu quân địch tấn công, chúng tôi có phải chiến đấu đến chết hoặc rút theo con đường vịnh Hạ Long? Và tôi có bắn vào người Trung Hoa không nếu họ tiếp tay cho quân Việt?" Tôi nhớ mãi sự ngơ ngác của Carpentier và cử chỉ của ông - ông giơ tay lên trời và cuối cùng nói: "Tôi biết sao được?" Ông lại ra đi không nói thêm một lời.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #389 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2019, 10:02:13 pm »


Việc rút khỏi Lao Cai

Đối mặt với Việt Minh rất đông, Đội quân viễn chinh quá yếu: không thể ở đâu cũng giữ được. Vậy là phải tập trung, dồn quần về một số điểm, sẽ mạnh hơn, có thể phòng thủ. Mỗi ngày "đường phòng ngự" của Carpentier càng lùi dần. Thậm chí ông thỏa mãn về việc rút lui ấy: "Lần này nữa tôi đã tránh được một cạm bẫy".

Người ta ở lại Móng Cái nhưng những nơi khác người ta co cụm lại - danh từ che đậy sự rút lui: trong quân đội người ta không bao giờ gọi việc làm theo tên thật. Nhưng có ai không cảm thấy loại từ đạo đức giả ấy chỉ việc suy thoái có tính toán, được chấp nhận, dù không nói ra?

Việc ấy bắt đầu từ Thái Nguyên mà việc chiếm đóng không phải đánh nhau được tổ chức như một chiến thắng của quân Pháp cách đấy vài tuần. Ngay khi có những trận tiêu diệt trên đường số 4 ba đoàn quân chiếm đóng vô ích thành phố mang súng trên vai trở về Hà Nội còn nhanh hơn lúc đi. Thái Nguyên chỉ vào tay quân Pháp khoảng mười ngày và cho đến chiến tranh kết thúc họ không bao giờ trở lại đấy nữa, đó bao giờ cũng là "thủ đô của Hồ Chí Minh" vùng đất thiêng của Việt Minh bên cạnh Hà Nội.

Sau đó là việc bỏ rơi Hòa Bình - một việc từ bỏ lớn hơn nhiều. Vì từ đây quân Pháp đe dọa con "đường huyết mạch" của Việt Minh, nối "tứ giác rừng núi" của Tổng bộ và các sư đoàn ông Giáp với kho người và gạo từ vùng đỏ lớn Bắc Trung Kỳ.

Ở Hoà Bình là bóp họng quân Việt, ngăn chặn họ. Bỏ rơi vùng này là trả lại tự do hoàn toàn cho họ hoạt động: từ nay không chỉ bảo đảm "hậu cần" mà họ còn có thể hành quân các sư đoàn xung quanh vùng châu thổ. Người Pháp đóng kín trong vùng châu thổ này như trong một vỏ sò và quân Việt khắp xung quanh muốn làm gì thì làm.

Sau cuộc di tản Lạng Sơn và cửa ngõ lớn sang Trung Quốc là việc rút khỏi Lao Cai, cửa ngõ nhỏ ở sườn kia của Bắc Kỳ nhìn sang Vân Nam. Từ nay mọi trục xâm nhập ở trong tay người Việt. Lao Cai mất, lưu vực sông Hồng, mảng đất rộng xuyên thẳng núi rừng cũng vào tay họ. Như vậy tạo những khả năng mới, rộng lớn - cơ hội đồng thời hoặc xen kẽ tiến hành hai cuộc chiến, một trong rừng và một ở đồng bằng; như vậy là thừa một đối với người Pháp.

Lạng Sơn sụp đổ cho người Việt chìa khóa xuống vùng, châu thổ, từ đây các sư đoàn Giáp có thể ào tới Hà Nội, tràn núi rừng đường số 4 tấn công trực diện vào vùng đồng ruộng mở rộng đối với họ. Không có gì ngăn cản được họ vượt qua núi rừng, sau nhiều trăm, nhiều nghìn cây số dẫn đến tận trung tâm chiến lược của Châu Á.

Đấy là vấn đề mấu chốt: Việt Minh tiến hành hai cuộc chiến, trên đồng ruộng vùng châu thổ và trong rừng rậm, các đội quân tiến mãi xa hơn, người Pháp không có cách nào chặn lại được. Lúc đầu ông Giáp thực hiện khi cuộc chiến này khi cuộc chiến kia; nhưng lúc ông đã khá mạnh để thực hiện cả hai cuộc chiến đồng thời thì giờ bại trận của quân Pháp sẽ điểm.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM