Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:04:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84930 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #370 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2019, 10:48:28 pm »


Ngày dài vô tận. Chỉ huy đoàn dù lên xuống thung lũng nhiều lần nhưng không làm gì được. Có một lúc từ một góc núi người ta thấy xuất hiện như một tốp ma - ba mươi hoặc bốn mươi lính Maroc trốn thoát cuộc phục kích trên đường số 4 lang thang trong rừng cho đến bây giờ. Trong số họ có thiếu tá Delcros. Về sau một toán khác chui ra, có trật tự, họ đi từ "lỗ hổng" Cốc Xá sang thung lũng này. Đấy là toán "liên lạc" Lepage cử tới tiếp tế thực phẩm và mang thương binh đi. Trung uý Lefebure chỉ huy. Họ cho biết vòng vây bắt đầu xiết chặt quanh "vực thẳm" Cốc Xá. Quân Việt xâm nhập rất đông trên các điểm cao xung quanh. Máy bay cố thả đạn dược xuống cho người Pháp ở dưới thấp nhưng phần lớn rơi quá xa, vào chỗ quân Việt. Và những chiếc Junker lại là những bia ngắm của rất nhiều súng tự động. Tiêm kích đến bỏ bom, san bằng các chỏm núi có quân Việt nhưng sự can thiệp ấy không mấy hiệu quả, quân Việt "nấp kín" trong lỗ và các hầm hào. Không có tin tức gì về Charton. Cuối buổi chiều có chỉ thị mới của Lepage cho Secretain: "Đi xuống thung lũng và trèo lên những ngọn núi trước mặt. Charton sẽ từ đó tới." Nhưng đã quá chậm - đêm xuống và cả người Việt nữa. Lúc ấy, trong bóng tối diễn ra giai đoạn đi xuống thần kỳ theo con đường nhỏ dọc bờ dốc đứng phát hiện ra trong buổi sáng. Đoàn người nắm tay nhau bước đi không trông thấy gì, mò mẫm trên một ít đất không phải vực. Cuối cùng đại đội thứ nhất xuống đến phía dưới. Bỗng có tiếng huyên náo đáng sợ trên chỏm núi trước mặt thung lũng lúc sáng Faulke bố trí một phân đội "bảo vệ" cuộc hành quân. Sau hai phút chẳng còn gì nữa rồi tiếng kèn chiến thắng của quân Việt, cả phân đội bị tiêu diệt. Đại đội vừa xuống đến thung lũng lao lên phản công trên ngọn núi trước mặt. Một cuộc bắn giết nhau trong đêm tối.

Tuy vậy bộ phận lớn của đội quân dù vẫn đang lần xuống theo con đường nhỏ. Quân Việt bám được vào thành vực, nổ súng tấn công. Hoàn toàn hỗn loạn. Con đường bị quân Việt cắt đứt, phần cuối đoàn quân bị cô lập. Lính lê dương không biết mình đang ở đâu nữa. Đủ loại tai nạn, người rơi xuống khoảng không; lẫn lộn không tưởng tượng nổi! Một bàn tay giơ ra - tay người Việt - giật khẩu đại liên của người mang. Không còn cách nào tiến lên nổi. Phải ở nguyên tại chỗ, mỗi người trên mấy phân đất, dán chặt chân giữ cho người khỏi rơi xuống vực. Xung quanh quân Việt lùng sục tìm mồi. Một trung đội đi lạc, đến một vùng đất cao trên vực. Một người bị gãy xương sống, người bên cạnh bịt miệng lại khỏi rên la - không được để người Việt nghe tiếng, sẽ đến tàn sát hết. Bao nhiêu mong đợi trời sáng! Bình minh vừa lên, lính lê dương lại bắt đầu đi xuống. Cuối cùng cả đội dù ở trong thung lũng, nhưng mất đi một trăm người, chắc đã bị giết.

Đội dù hết đạn, chỉ còn đến tập trung với bộ phận lớn của đoàn quân trong "lỗ hổng" Cốc Xá.

Trong vực thẳm đã lan tràn nỗi lo lắng. Phần lớn những chỏm núi xung quanh ở ngoài tầm súng quân Pháp và dần dần bị quân Việt chiếm giữ. Người Việt luồn xuống dưới, đến những lòng chảo, thâm nhập vào lòng chảo bên dưới, đến mãi "đầu nguồn". Đây là lối đi đoàn quân Lepage có thể "ra" khỏi vực thẳm đáng sợ để lao tới đoàn Charton. Vì người ta thấy đoàn quân này đến từ xa, ngay ở ngọn núi trước mặt, rất trật tự. Thế nhưng trong Cốc Xá suốt ngày không ai làm gì, cũng không chú ý canh giữ lối ra chính là sự sống.

Đấy là đêm mồng 6 sáng mồng 7 tháng mười. Chỉ còn khoảng một chục đạn cối, một số lựu đạn. Không còn điện đài, liên lạc phải đi bộ, trong những điều kiện như thế và phải bò. Không còn gì ăn. Quân Việt càng tấn công hầu khắp, quyết liệt hơn. Ở chỉ huy tiểu đoàn, Secretain, Jeanpierre, Faulke cùng nhau bàn luận: Sẽ chết hết nếu không ra khỏi vòm này và dĩ nhiên đội quân dù của họ phải xông ra trước. Nhưng họ cũng không biết lối ra, chỗ "đầu nguồn" do ai nắm giữ. Lúc hoàng hôn đích thân Jeanpierre đi thăm dò. Ông nhận thấy các bờ đầu nguồn đều có quân Việt bố trí, ông báo tin cho Lepage vốn không biết rõ.

Như vậy có nghĩa chỉ ra khỏi vòm bằng cách đánh nhau một trận lớn giữa mấy trăm người lộ liễu chống lại nhiều nghìn người Việt phục kích đang chờ họ.

Nửa đêm. Sĩ quan và binh lính mệt mỏi, ngủ trong các hốc đá. Bỗng Jeanpierre đánh thức Faulke: Lepage ra lệnh đi bây giờ. "Đi thôi". Phải truyền mệnh lệnh tìm kiếm, đánh thức dậy, tập hợp quân. Rất lâu vì đi bộ, trong đêm tối không được có ánh đèn, không tiếng động. Cuộc chuyển quân bắt đầu lúc ba giờ sáng, luồn nhanh qua lòng chảo phía dưới, theo hai đường mòn. Phải đi theo con đường phía nam, nằm hoàn toàn dưới chiều thẳng đứng của các vách núi đá vôi, lợi dụng được một góc chết. Nhưng phần lớn họ nhầm lẫn, đi theo con đường phía bắc - con đường tử địa.

Tuy vậy mọi việc tiến triển tốt cho đến khi cách "đầu nguồn" mấy trăm mét. Ở đây, sau mỗi lùm cây, tảng đá, quân Việt bắn vào những ai tiến lên. Cuộc chiến trở thành khốc liệt ngay. Đội dù tiến lên được mấy chục mét, từng mét một, "quét sạch" những ai sau mỗi cây, mỗi tảng đá. Lưới lửa thật ghê gớm. Người ta xả đạn thực sự không thấy gì mà chỉ đoán chừng, dựa vào ánh sáng những loạt trước. Một cuộc giáp lá cà mò mẫm, gần như mù. Người đổ xuống. Đội quân dù ra đi 450 người, chẳng mấy chốc chỉ còn lại hơn 120, xác lính lê dương chết hoặc bị thương rải từng mét, theo bước tiến. Hầu hết các sĩ quan ngã xuống. Trung uý Faulke tử thương. Có một ngôi làng khốn khổ với mấy mái nhà tranh người ta nhào vào đấy. Rồi đội dù hầu như chẳng còn lại gì không bước lên được nữa. Những người sống sót ngồi trên đất, co quắp, còn số đứng lên để tiến. Nhưng đạn bắn vào lưng họ - chẳng biết quân Việt hoặc lính Maroc.

Phía sau quân dù sắp bị tiêu diệt hết lẫn lộn những lính Maroc điên loạn - căng thẳng đến mức họ bắn vào lính lê dương trước mặt - những người này quay lại chống cự và cảnh ấy chỗ nào cũng có giữa quân Việt. Không thể tưởng tượng sự tắc nghẽn cuồng điên hơn - sự tắc nghẽn của cái chết.

Thế nhưng chính những người lính Maroc mở được lối ra. Còn một đại đội của đội lê dương RTM8, đại uý Faugas tung vào chỏm núi khống chế lối đi. Quân lính xông lên theo hàng xiết chặt, vai kề vai, hát một bài trong Kinh thánh. Họ cũng ngã xuống hầu hết nhưng chiếm được điểm cao, mở được đường.

Than ôi! Để sử dụng, chẳng còn người nào hoặc gần như thế. Từ một đại đội dù chỉ còn một người, từ toàn đội dù BEP còn vài chục người, đặc biệt có hai sĩ quan, thiếu tá Secretain và đại uý Jeanpierre. Những ai chạy trốn về phía trước chỉ là đám người điên, số người vốn đi tập hậu. Những người thác loạn ấy leo trèo bằng chân, tay, gần như cả bằng răng, lên khỏi một bờ vực bốn mươi đến năm mươi mét - gặp được đoàn quân Charton, không phải để cứu mà để phá huỷ họ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #371 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2019, 10:50:01 pm »


Sự kết thúc của hai đoàn quân

Quân Charton nhìn vào quần áo, vào đôi mắt ngơ ngác của những người trốn thoát từ đoàn quân Lepage, hiểu ngay mức độ của thảm họa. Nhưng Charton đã rời bỏ Lepage và các sĩ quan của ông này đang "quấy rầy" mình, đi lên phía trước, bỏ qua đám hỗn độn những kẻ thất bại để chơi ván bài cuối cùng. Chính tiểu đoàn lê dương REI ông mang theo từ Cao Bằng còn là lực lượng có tổ chức trong mớ bòng bong này. Với tiểu đoàn này ông cố gắng "chọc thủng" dọc các mỏm núi đến với vị trí đội tiếp nhận của Thất Khê ém quán chỉ cách đấy mấy cây số. Từ sáng, đội lê dương bắn liên tục để chiếm lại những ngọn núi đã mất là những chướng ngại vật. Charton ra lệnh tấn công, rồi ông cũng tấn công - và cũng xảy đến như đội quân dù BEP lúc bình minh - không còn người nữa. Charton bèn điện gấp cho Lạng Sơn đề nghị thả dù một tiểu đoàn sẵn sàng chiến đấu và ông sẽ vượt được. Ban chỉ huy trước hết nghĩ phải hạn chế thiệt hại, họ phải báo cáo số người chết cho Paris sau này. Họ thả một tiểu đoàn, đội BCCP3, nhưng không thả xuống chỗ hỗn độn ấy mà ở Thất Khê, không xa, sẽ tiến đến hỗ trợ mà không mạo hiểm. Điều ấy cũng không tránh được tiểu đoàn này bị tiêu diệt mấy ngày sau đó. Charton đề nghị cho đội bay nhưng họ không đến hoặc gần như không. Bị bỏ rơi rồi.

Lúc 16 giờ 30 phút Charton được tin ngọn 477, chỏm núi quyết định, cho phép ông hy vọng, đến lượt bị mất. Điều ông không biết là hai đại đội ngụy binh - những ngụy binh người ta khinh thường, chiếm lại được nó. Trong lúc đó, nghĩ đã mất hết, Charton bước đi, một mình chui vào rừng, tới những chỏm đồi, ngọn suối ông tưởng theo hướng Thất Khê. Trước khi đi, ông quay lại, hô lớn: "Mọi người đi theo tôi!" Quân lính nhìn ông và bước theo sau. Chỉ ba, bốn lê dương tiến lên cùng Charton theo tư thế chiến đấu. Phía sau, không tả nổi. Lepage không có đấy, số lính dù còn lại cũng không, chỉ là lính Maroc. Charton hét lên với đám lộn xộn ấy: "Ai chỉ huy ở đấy?" Không ai trả lời. Hình như các sĩ quan trong đám đông ấy đã bỏ lon ra.

Đoàn người đi như vậy hai cây số không bị phiền phức gì. Charton làm mũi dẫn đường, đi theo địa bàn. Ông bị một mảnh đạn - lần thứ hai trong ngày - nhưng không dừng lại. Họ đi qua phía dưới một ngọn núi; quân Việt bắn như dội đạn. Trong rừng Charton nghe có tiếng nói. Ông bảo: "Dừng lại xem sao". Nhưng phía sau có tiếng hô trong đám đông khốn khổ: "Quân Việt, quân Việt đấy". Trong một lát cả đoàn tan rã, đám đông đi theo Charton biến mất. Chỉ còn lại với ông mấy người lính Lê dương và kỵ binh. Đúng đấy là quân Việt; họ bắn - Charton còn bị hai phát, một làm vỡ mũi, một xuyên bụng. Ông bắn hạ một người Việt. Nhưng mỗi lúc càng nhiều quân Việt xung quanh nhóm người, bao vây họ, tấn công bằng lưỡi lê, lựu đạn. Cận vệ của Charton đứng lên phía trước bảo vệ ông, anh ta bị giết ngay. Bên cạnh ông viên đội nhất Schlumberger ngã xuống, thân bị cắt làm hai. Charton bị bắn, trúng đạn khắp người, đổ sụp xuống. Một người Việt chạy tới đâm nhưng cán bộ chính trị ngăn lại: "Đây là một đại tá Pháp. Phải bắt sống để thẩm vấn". Vậy là Charton, con người không khoan nhượng, ông "thánh của đội lê dương" luôn chiến thắng, bắt đầu bị bắt trong một thời gian dài. Và như vậy ông đã kể lại sự thất bại của mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #372 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2019, 10:50:52 pm »


Về cơ bản trong những thảm họa lớn không có sự thật. Tất cả rời rạc như một thế giới bỗng mất hết lôgic, rơi vào địa ngục bất lực, mâu thuẫn, quá sơ lược và khó gỡ nổi. Những gì người ta có thể dựng lên sau này chỉ là một số sự việc, còn lại tất cả đều khác đi. Vì vậy về sự kết thúc của đoàn quân Charton, tôi kể lại một bằng chứng khác của một trong các trung uý mà mọi việc đều giống nhau và mọi việc trái ngược nhau.

- Trong mấy giây, trước những gì xảy ra với đoàn quân Lepage, tôi cảm thấy chúng ta đã thua trận - quân Việt mạnh hơn. Những con người bại trận đến đây rất sợ hãi, gieo nỗi sợ hãi vào hàng ngũ chúng tôi. Chẳng mấy chốc chúng tôi trở thành một đội quân sợ hãi và im lặng. Mỗi người nghĩ xung quanh mình quân Việt dồn đến, vô hình, bố trí cuộc mai phục vô cùng lớn. Người của Lepage vẫn ở đó trong nhiều giờ, lẫn lộn trong chúng tôi nhưng quá kiệt sức không nói được gì, chỉ bập bẹ được mấy tiếng. Lepage chạy tới ôm lấy Charton vừa nói: "Thế mà tôi đã nghĩ trong năm nay tôi được đầy đủ các ngôi sao". Đến bốn giờ chúng tôi vẫn ở đấy trên cốt 470 mà không hiểu vì sao người ta không đi, tự nhủ mình đang tạo cho quân Việt một thời gian quý giá. Sau bốn giờ một số chúng tôi bắt đầu bước đi, đến Thất Khê cách một ngọn đồi nhỏ, không phải núi lớn như gần Đông Khê. Đoàn quân rất dài, phía cuối còn có những người "dân thường" Cao Bằng! Charton bị thương vì mảnh lựu đạn từ một bụi cây. Khi đoàn quân đến gần một ngọn đèo, cuộc phục kích triển khai - tất cả kết thúc rất chóng. Hàng chục nghìn quân Việt ào tới, tấn công đột ngột không đề phòng, không hành quân, để kết thúc, thanh toán hết. Đoàn quân quyết liệt chống cự trong mấy phút chuyển thành hàng nghìn nhóm giáp lá cà giữa vô vàn cây cỏ đá núi; những con người đánh nhau gần như không trông thấy nhau, đại liên hầu như không bắn từ mặt đất. Quân Việt quá nhiều, những người ngã xuống người chúng tôi, phải sống trong những giây phút kịch tính, là những vật bị đánh hạ. Và điều đó còn lẫn lộn ở một số người với ý nghĩ người da trắng không thể bị người da vàng nhấn chìm. Nhưng đã là cảnh hấp hối của nhiều nghìn người giữa vô số quân địch đang phá huỷ tất cả, đang hoàn thành công việc của mình. Người ta bị sát hại bằng những gì có thể giết người, còn nhận đạn cối nhưng dần dần trực tiếp hơn, lựu đạn và dao; nhất là có bao nhiêu quân Việt lao vào chúng tôi - từ rừng ra, nhỏ và nhanh nhẹn, cành lá dắt trên mũ. Tuy vậy vẫn còn thì giờ cho một số thể hiện thất vọng lớn. Tôi thấy bên cạnh mình một đại uý đổ sụp xuống khóc, xa hơn một ít là một viên đội đi lang thang, vô cảm với viên đạn bắn hạ. Nhiều sĩ quan tự sát trong tay người của mình. Những người lính Maroc bị vây chặt, vừa bắn vừa hát những lời buồn cho đến khi bị giết hết. Cũng còn những lời chào nhau, tạm biệt và vĩnh biệt giữa bạn bè; rồi tất cả chấm dứt.

Vây bủa đoàn quân bị tiêu diệt là im lặng, tử khí và mùi. Ông biết đấy, cảnh im lặng với những tiếng rên và mùi bốc ra từ xác chết trên chiến trường, những thực tế đầu tiên về bại trận. Rồi có một thực tế khác lạ hơn nhiều - trật tự Việt Minh. Người ta chờ đợi sự dã man nhưng điều được lập lại sau làn đạn cuối cùng mấy giây là việc làm vô cùng tỉ mỉ. Các sĩ quan Việt đi khắp chiến địa nhưng không hề với tư cách chiến thắng, đơn giản như một nhiệm vụ đã hoàn thành và một nhiệm vụ mới bắt đầu. Tôi không nhận ra ở họ một nét kiêu hãnh, chiến thắng nào. Họ quan sát, ghi chép, ra lệnh cho quân lính. Những y tá Việt, bịt mảnh bông trên miệng, xếp gọn những người chết và bị thương nằm từng đám, theo lớp xen kẽ ngay trên đường mòn và xung quanh ở những vùng không có cây cối. Người chết dồn thành đống; người bị thương được buộc vào các mảng tre để nhân công khiêng đi. Bên ngoài những người lính cầm tiểu liên tập hợp tù binh, sắp xếp họ thành toán dẫn đi. Tất cả những việc ấy không hung bạo, không tàn ác, cũng không thương xót, như những gì là nhân đạo và vô nhân đạo không đáng kể, như người ta đang trong một vũ trụ của những giá trị mới.

Tôi đã đứng trước đạo lý của trật tự đỏ, cái gì đó tuyệt đối, nghìn lần vượt qua điều chúng ta gọi là kỷ luật. Thay vì tàn sát, người Việt chăm sóc thương binh, "giáo dục lại tù binh". Người Việt phải có chất liệu "có giá trị" cho việc cải tạo giáo dục đó. Vì vậy họ "khai thác" rất có phương pháp chiến trường này. Đêm xuống khu rừng đầy những bó đuốc của người chiến thắng. Và tôi nghĩ đến một số quân lính chúng ta chạy thoát được vào rừng, đang ẩn nấp, luồn lách để tới được Thất Khê. Than ôi, trong số những người lẩn trốn đó hầu hết bị bắt từng người một."
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #373 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2019, 10:51:42 pm »


Thực tế, suốt ngày đêm có những người cố luồn lách như những chiếc bóng trong rừng để đến Thất Khê. Trong số họ khoảng một trăm người còn lại của đội quân dù. Sau việc chắp nối của hai đoàn quân sáng mồng 7 tháng mười, họ ở ngọn núi phía sau với Lepage, bỗng thấy Charton biến mất, thực ra ông lên phía trước đánh nhau và thất bại trận cuối cùng. Họ đơn độc, bại trận khắp nơi và Lepage nói: "Không còn cách gì chiến đấu được nữa. Tôi để cho mỗi sĩ quan tự do hành quân với người của mình để tới Thất Khê." Có nghĩa là phải thoát từng nhóm người một, len lỏi trong rừng đầy người Việt. Và dù như vậy, với giải pháp "nhục nhã" ấy, vận may cũng thật ít ỏi.

Đấy là đỉnh cuối cùng của quân dù - còn có những người chết, những tù binh nhưng hai mươi ba người "qua được". Trong số những người "trở về" ấy có đại uý Jeanpierre.

Trong quân đội lê dương, cả một "cuộc trốn chạy" cũng được tổ chức tốt. Ra đi trong cuộc phiêu lưu cuối cùng, những người còn lại ở đội quân dù quá lớn. Người ta chia nhỏ thành năm phân đội, mỗi đội hai mươi người, một sĩ quan có bản đồ và địa bàn chỉ huy. Đoàn quân theo con đường dọc một thác nước. Đi mở đầu là viên cai Hallert, viên cai Constans, viên cai Hai, ba người chiến đấu rất giỏi. Đến năm giờ họ phát hiện một xác chết trên bãi sông, vậy là có quân Việt gần đấy. Mệnh lệnh là đi giữa dòng nước, sâu và chảy xiết, nhưng ít nhất tiếng thác át tiếng động của người. Tuy họ cố gắng để không gây tiếng động, ở những người "cứng rắn" ấy như có một nỗi sợ hãi bị thấy, bị nghe, và do đó bị giết.

Đêm đến, họ nằm ngủ trên bờ. Bỗng trong tối tăm có tiếng kêu gọi - loạt đạn đại liên đầu tiên quét vào thác nước và trên bờ, một loạt thứ hai lâu hơn rồi những loạt súng các loại. Quân lê dương "tóe ra" khắp rừng và đêm tối. Sercetain mệt quá, đứng nguyên tại chỗ trong một góc bờ, bảo những người khác chạy đi: "Mỗi người thử tìm lấy vận may." Ông nhắc lại lệnh ấy với viên cai Constans không muốn bỏ ông. Ông ở lại một mình, bị thương nặng ở bụng. Sau đó quân Việt biết tin, đến tìm ông ở đấy, hấp hối và đơn độc. Họ cáng ông đến Đông Khê. Ông chết ở đấy và được chôn cất như một người lính.

Cuối cùng trong rừng chỉ còn lại những người đơn độc hoặc từng nhóm ba, bốn người. Họ bò, đúng hơn là bước đi, những con vật bị săn đuổi, chỉ tiến lên mỗi lần mấy trăm mét rồi ẩn nấp lâu dài trước một dấu hiệu khả nghi. Một số đến Thất Khê đúng lúc. Nhưng rồi biết bao nhiêu người, sau những cuộc viễn du như thế, đến tận những ngôi nhà đầu tiên của Thất Khê, điên lên vì mừng. Trước mắt, họ thấy thành trì: đối với họ là nơi đầy ân huệ, một sự giải thoát tuyệt vời. Nhưng vào bên trong, thay vì lính đồn trú Pháp, họ thấy những người Việt Minh - lính đồn trú đã di tản. Thật mỉa mai! Những người ấy cố gắng ngoài sức chịu đựng của mọi thân xác và tâm hồn để đến tự nộp mình, bị bắt ngay trong tổ! Họ được dẫn đến một văn phòng nhỏ, ngay trước một Việt Minh không tên, không phù hiệu cấp bậc, chẳng có gì cả nhưng hỏi họ rất nghiêm chỉnh, bằng ngôn ngữ Pháp tuyệt vời:

- Các ông nghĩ như thế nào về cuộc chiến tranh các ông tiến hành ở Việt Nam? Các ông có thấy đấy là một cuộc chiến tranh bất công không? Một cuộc chiến tranh thật bất công. Vì sao các ông không muốn nhận ra điều ấy?

Một người Pháp bị bắt bỏ trốn. Anh ta bị bắt lại.

Những ngày lạ lùng cùng với Việt Minh ở Thất Khê! Thị trấn đầy ắp dự trữ người Pháp bỏ lại. Có những kho lớn quần áo và thực phẩm. Quân lính Việt Minh, những chiếc cặp trên tay, họ ghi lại tất cả. Và mỗi ngày quân lính và sĩ quan Pháp, riêng lẻ hoặc từng nhóm, được quân lính Việt Minh dẫn đến. Khi đã khá đủ, người ta tổ chức họ thành hai hàng dài, đi mười ngày trong rừng đến những trại, làm tất cả để thay đổi đầu óc họ. Họ phải tham gia một trận chiến đấu còn ghê gớm hơn trận chiến trong thiên nhiên, cuộc đấu tranh của lý luận biện chứng, khoa học phức tạp và không cạn kiệt chống cả tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Và luôn luôn họ tự hỏi: "Có nên từ chối và chết để vẫn hoàn toàn là những sĩ quan Pháp? Nhưng bốn phận phải chăng là mưu mẹo, làm ra vẻ, để sống sót và sau này phục vụ Tổ quốc? Nhưng giả vờ như thế nào để khỏi bị cuốn vào vòng quay, không vô tình phản bội, không xứng đáng? Thật tiến thoái lưỡng nan và cuối cùng kể cả những người cương quyết nhất cũng không còn biết họ làm gì, họ ở đâu, thực tế họ nghĩ như thế nào! Những người ấy sẽ được ghi nhận vĩnh viễn.

Thực tế chỉ có mấy trăm lính ta-bo thoát khỏi thảm họa của hai đoàn quân - những người của thiếu tá Chargé, tìm được "lỗ hổng" đến Thất Khê trước lúc rút đi. Nhưng những người lính Maroc ấy, khi tràn ra vùng đồng bằng đã mang dấu tích trong mình. Chính họ, khi kể lại những gì đã chịu đựng và thấy, lan nhiễm dần mọi lực lượng Bắc Phi trong Đội quân viễn chinh mà năm này qua năm khác người ta dựa vào ít đi và sau này trở về nước, phục vụ cách mạng. Chính trên biên giới Trung Quốc, tiếp xúc với Việt Minh, theo gương họ nảy nở những ý nghĩ, những chiến thuật sẽ đưa lại nền độc lập cho Tunisia, Maroc và Algéria.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #374 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2019, 04:03:16 pm »


Việc rút khỏi Thất Khê

Sau khi các đoàn quân Charton và Lepage bị tiêu diệt trong núi rừng Đông Khê, quân Pháp chỉ còn phản xạ - rút quân. Người ta di tản tất cả. Trước hết là Thất Khê, ngày 10 tháng mười trong những điều kiện thảm hại, một cuộc "chạy tán loạn" thực sự. Tuy vội vã thế người ta vẫn mất một tiểu đoàn.

Chỉ huy quá bất lực vẫn đặt ra một vấn đề khó nghĩ: có nên ném những tiểu đoàn mới vào lò lửa để cứu tàn quân Lepage và Charton đang lê lết trong rừng? Nhưng phải chăng như thế là để cuốn vào guồng quay, thiệt hại thêm nhiều người và làm tăng chiến thắng của Việt Minh? Người ta đành thả lỏng cho cuộc chém giết, sợ bị chém giết nhiều hơn. Động tác duy nhất là thả dù xuống Thất Khê một tiểu đoàn, tiểu đoàn BCCP số 3, với mệnh lệnh không đánh nhau mà chỉ "nhặt" những người trốn chạy. Họ thu nhặt được mấy trăm. Ngày 10 tháng mười người ta rút khỏi Thất Khê, bỏ rơi những người trốn chạy còn có thể có cho số phận, núi rừng và người Việt. Và việc rút lui ấy cũng còn quá chậm vì tiểu đoàn BCCP số 3 vẫn ở lại đó.

Chính trang nhục nhã bắt đầu ở Thất Khê và chỉ kết thúc với de Lattre.

Trong những ngày 8, 9 và 10 tháng mười, Thất Khê đầy áp cảnh bại trận của những người trốn thoát trong tình trạng kiệt sức và thương tật không tả nổi. Bốt chỉ là một chỗ trú, một bệnh viện. Các thầy thuốc làm việc từng hàng. Những chiếc máy bay Morane nhỏ đậu xuống mảnh đất chật hẹp để mang đi những trường hợp nặng nhất. Vả lại Thất Khê chỉ đầy những gì còn lại của các đoàn quân. Trong hàng rào bao bọc bốt lẩn trốn cả lớp người sợ hãi bên ngoài, gái đĩ, những người buôn bán của thị trấn, hàng trăm người Annam với con cái hoặc những túi vải vác trên lưng, cả tài sản của họ. Cũng có những cha cố, các bà xơ. Tất cả dồn đống lại.

Nhưng người ta đã được tin bộ phận lớn quân đội Việt đã tiến lên cấp tốc, vượt Thất Khê, hàng nghìn dân công phá huỷ con đường đi Lạng Sơn, những bốt phụ đã bị "sờ đến". Quân Việt đã khép chặt chúng tôi lại, phải ra đi ngay kẻo quá chậm. Chúng tôi yếu quá không chống cự nổi, dù có cả đội BCCP số 3 vừa được thả dù xuống. Một trường hợp lương tâm cắn rứt. Những người trốn thoát vẫn còn chạy đến: họ điên lên vì mừng khi gặp chúng tôi, nói về nỗi sợ ghê gớm đã chạy khỏi. Và tất nhiên còn những người khác len lỏi trong rừng cùng với nỗi ám ảnh ấy và người ta hình dung họ sẽ tìm được một bốt bỏ lại, quân Việt ở trong đó, một cái bẫy chuột thay vì được cứu. Nhưng người ta cũng tự nhủ ở lại Thất Khê thêm một giờ nào, có lẽ đi vào chỗ chết không riêng quân lính đồn trú mà cả những ai đã vào đấy, vừa nghĩ là mình thoát nạn. Họ không nên đi quá chậm vì đoàn quân ra đi không thể tự bảo vệ - sẽ nặng nề, chậm, không dứt, gồm tất cả những cặn bã của cuộc bại trận, những người bị thương, đau yếu, những người không chiến đấu vẫn đến ngày càng nhiều.

Những bốt phụ xung quanh đến họp nhau với Thất Khê cùng mọi người làm việc và khí cụ. Trong đêm được lệnh ra đi. Đám đông hỗn hợp này khó có sức vượt nổi sáu mươi cây số khoảng cách. Có đến mấy nghìn người; những người chiến đấu được chỉ có đội lê dương Thất Khê và lính dù của đội BCCP số 3 vừa trở về. Đội lê dương Thất Khê làm nòng cốt của đoàn quân; đội lính dù tập hậu. Mọi việc đã bắt đầu không tốt từ khi ra khỏi Thất Khê cách thị trấn một cây số. Quân Việt đã đánh đổ chiếc cầu trên sông Kỳ Cùng; phải mất suốt đêm để qua sông bằng đò, thoát được vừa đúng lúc. Quân Việt kéo đến rất đông, lính dù phải tự hy sinh để "cầm chân" quân địch. Qua điện đài họ đề nghị đoàn quân trở lại giải thoát cho mình nhưng không thể mà phải tiến, đẩy đoàn người nhanh hơn. Quân dù bị tiêu diệt trong trận này, nhưng đoàn quân thoát được. Mọi người đi trong nỗi thống khổ vì mệt mỏi, với ý nghĩ duy nhất phải cách xa quân Việt, đến chỗ không có họ vì đấy là vận may cuối cùng. Khi con đường đường số 4 có vẻ nguy hiểm, họ theo đường mòn trên núi hoặc giữa rừng. Mệt mỏi ghê gớm! Qua một ngọn núi là một ngọn núi khác, vô tận, phải leo trèo như những con vật, tay chân rách nát vì cạnh sắc của đá núi. Cũng có những bi kịch, khát và đói, chẳng có gì ăn, chẳng có gì uống. Cứ như vậy trong hai ngày hai đêm. Dân thường chịu đựng tốt hơn chúng tôi, họ quyết liệt để sống. Và thực ra trong mười ngày đi không ngớt chúng tôi, thám hiểm khu rừng lớn quanh Thất Khê để tìm những người sống sót. Vì vậy trong đoàn người khốn khó, chúng tôi còn rách nát hơn những người chúng tôi bảo vệ. Khi tới Đồng Đăng có hàng đoàn cam-nhông đang chờ, chúng tôi sẽ đổ lăn ra nếu phải đi thêm mấy mét nữa. Đám đông này tới Đông Dương thật quái dị, được chất lên xe GMC rồi lên máy bay đi xa, được tắm rửa, tẩy uế, băng bó, giấu diếm như không được lộ ra. Mọi dấu vết về câu chuyện của họ bị xóa sạch. Chỉ có chúng tôi, những người lính chiến đấu, được giữ lại ở Lạng Sơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #375 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2019, 04:03:54 pm »


Đám đông thảm hại ấy, nhặt nhạnh từ cuộc bại trận, những người chạy trốn, bị thương, những kẻ điên khùng và cả những kẻ lợi dụng đồng bạc chỉ nghĩ đến cứu mạng sống - buôn bán, gái đĩ, những người Châu Á cần cho sự chiếm đóng của Đội quân viễn chinh - chỉ thoát được nhờ vào sự huỷ diệt gần như tự sát của tiểu đoàn "đẹp" trên con đường số 4. Việc thanh toán này - kết quả của quá nhiều dũng cảm và độ lượng - một trong những sĩ quan đội lính dù BCCP số 3 sau này mô tả:

- Tiểu đoàn đóng quân đã nhiều tháng trong rừng vùng Sầm Nưa sát Lào, rất xa đường số 4 và biên giới. Ở đấy cũng rất khó khăn: chỉ còn lại hơn một nửa, 280 người đã rất mệt mỏi. Sau khi hết hạn và kiệt sức vì những chuyến đi ở Đông Dương, giữa rừng núi và quân Việt, chúng tôi chỉ chờ một mệnh lệnh: lên tàu ở Hải Phòng. Thay vào đó chúng tôi nhận một lệnh khác - hành quân nhanh trở lại Na Sầm và Hà Nội. Ở đây chúng tôi biết sẽ được thả dù xuống Thất Khê. Dĩ nhiên chúng tôi tự hào đi cứu bạn, những đồng đội bị săn đuổi trên đường số 4 nhưng chúng tôi cũng tự hỏi: tại sao người ta chọn đi làm nhiệm vụ khó khăn như thế một tiểu đoàn thiếu thốn, kiệt lực như chúng tôi? Hơn nữa ở Hà Nội chẳng có gì sẵn sàng, thậm chí không có dù tốt. Cuối cùng người ta cũng tìm ra dù nhưng thật bi đát: ẩm ướt, bẩn, cả không xếp gọn nữa phải xếp lại vội vàng. Kết quả là lúc được "thả xuống" vào năm giờ chiều, có hai dù rơi thẳng - dấu hiệu xấu ngay từ đầu. Chúng tôi chôn ngay hai xác người bị nạn.

Ở Thất Khê, không khí ghê rợn. Trưởng khu đồn trú viết chúc thư và tìm một phi công Morane để uỷ thác. Khắp nơi dấy lên nỗi "lo sợ", không có tin gì về các đoàn quân Lepage và Charton, chỉ biết là "hỏng hết rồi". Người ta không chậm lại ở lòng chảo Thất Khê đầy tàn tích đủ loại thất bại. Chúng tôi leo lên một ngọn núi theo hướng Đông Khê, cắm lại để tiếp nhận những người trốn thoát, cả ngày không có gì. Trong đêm chúng tôi được lệnh "rút quân" rồi bố trí trên con đường số 4, phía trước Thất Khê mấy cây số, ở đây bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Những người đầu tiên chạy khỏi các đoàn Charton và Lepage đến với chúng tôi, Jeanpierre và khoảng ba chục lê dương, mấy trăm lính Maroc.

Tất cả những người "tìm được" ấy được đưa dần xuống Thất Khê. Ở đây, người ta chuẩn bị di tản. Constans từ Lạng Sơn ra chỉ thị: "Phá hủy ít nhất để không tạo cảm giác rút lui, không báo động đến người Việt như trường hợp Cao Bằng". Ở Thất Khê nỗi lo lắng bao trùm khắp nơi. Việc đầu tiên là phải bố trí đoàn quân rút chạy như thế nào, thứ tự sắp xếp các đơn vị ra sao. Các sĩ quan cao cấp tranh cãi trong nhiều giờ.

Bi kịch là trước hết phải vượt qua sông Kỳ Cùng, cầu đã bị phá sập, chỉ còn dựa vào mấy con thuyền có mái chèo để đưa hết đám đông hỗn tạp quân lính và dân thường này. Sau nhiều tranh cãi người ta bố trí ưu tiên qua sông: đội quân Lê dương đi "mở đầu", chỉ huy, đội lính dù BCCP số 3, bảy trăm xạ thủ và ta-bo của các đoàn quân Charton và Lepage rồi các đại đội ngụy binh của Thất Khê; giữa các đội quân lính xen kẽ dân thường. Tóm lại, phía sau là những người yếu.

Cuộc hành quân bắt đầu lúc sáu giờ chiều và kéo dài suốt đêm. Hãy tưởng tượng cả khối lượng người như thế dồn lại trước con sông rộng khó nhìn trong đêm tối, những con thuyền qua lại rất chậm, chỉ nhận ra qua tiếng mái chèo. Những người lên thuyền mừng rỡ và những người còn phải chờ vô cùng lo lắng, tính từng giờ, phút cho đến lượt mình. Lúc đầu mọi việc suôn sẻ dù nó rất chậm so với dự kiến trong kế hoạch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #376 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2019, 04:04:37 pm »


Đội lính dù BCCP số 3 vẫn giữ lòng chảo Thất Khê, một lần nữa phải "rút đi" và đến bến sông rất muộn. Đội ta-bo phải chờ họ và để cho họ đi trước nhưng đã nhảy xuống thuyền, chẳng bận tâm đến ai, chỉ mong ra xa. Đội dù đến nơi thấy đã bị cướp đi lượt của mình. Trên bờ một trung uý kỵ binh cùng quân lính của mình, đang cố phá hủy những chiếc ôtô đại liên mà không đốt cháy. Cuộc chờ đợi kéo dài, nửa đêm, ba giờ sáng rồi năm giờ sáng. Mỗi chuyến qua sông càng kéo dài. Đến một lúc tất cả phải dừng lại. Trong sáu chiếc thuyền chỉ còn một chiếc hoạt động. Và khi đưa những lính ta-bo cuối cùng sang bên kia nó cũng hỏng nốt. Không còn thuyền cho lính dù.

Một số lính dù bơi qua sông, đưa về sáu chiếc thuyền lính Maroc bỏ lại. Sau một tiếng đồng hồ cố gắng chèo, toàn tiểu đoàn an toàn ở bờ bên kia. Vừa đúng lúc vì quân Việt bắt đầu bắn như tưới đạn.

Ban ngày đoàn quân bao la và khốn khổ bước đi, theo hướng Na Sầm và Lạng Sơn. Một cuộc chạy đua tốc độ - chúng tôi trên đường, quân Việt trên núi. Vượt lên trước, chúng tôi biết chỗ nguy hiểm là một khoảng đất bằng phía cuối là ngách núi. Vào đấy thấy có một số ta-bo, những người của trung đội cuối cùng. Họ nói:

"Đoàn quân vừa bị cắt làm hai. Chúng tôi đang ở giữa thung lũng thì bỗng từ trên núi đại liên xả đạn xuống đường thành một tấm màn lửa. Những người phía bên kia, bộ phận lớn của đoàn, hàng nghìn người, chạy thoát được. Chúng tôi bị kẹt lại."

Đội dù BCCP số 3 nói ngay: "Chỉ có một giải pháp. Chúng ta gần bốn trăm người, cả tiểu đoàn cần lao tới, phá vỡ điểm chốt quân Việt."

Chín giờ sáng, tiểu đoàn đi vào ngách núi. Thật ấn tượng - một bên là vực sâu của sông Kỳ Cùng, bên kia là thành núi dốc. Đại đội thứ nhất vừa tiến lên vài trăm mét thì lưới đạn chụp xuống. Mọi người nhảy vội xuống các hố, không làm sao "lao tới" được. Trên cao có hai bốt Pháp, số 41 Đông và 41 Tây khống chế con đường. Đội quân đồn trú đã bỏ chạy, quân Việt xông vào, đặt đại liên ở đấy, họ chỉ cần lẫy cò súng là làm cho con đường số 4 trở thành một địa ngục. Đội dù BCCP số 3 rút về khoảng đất bằng với những người bị thương. Không có vấn đề tấn công để vượt qua, trên các điểm cao ít nhất có hai tiểu đoàn Việt với vũ khí hạng nặng. Phải cử một phân đội đi trong núi tìm một con đường mòn.

Năm giờ chiều, quân Việt tiến lại gần. Đội dù băng bó cho những người bị thương, đặt họ nằm cẩn thận trên bờ đường - bỏ họ lại cho người Việt rồi đi sâu vào rừng.

Chuyến đi trong đêm không người hướng dẫn, không bản đồ, đoàn quân đi vòng quanh một rừng tre nứa. Mờ sáng họ tìm một con đường mòn khác, đi cho đến chiều, đến một vòm núi đá không lối ra. Tuy vậy gần đấy có một bốt. Đài bắt được một mệnh lệnh cho bốt ấy: "Các ông chờ đội dù BCCP số 3 cho đến nửa đêm; nếu lúc đó họ không đến thì các ông cứ đi". Nửa đêm, họ nghe tiếng xe nổ máy ra đi.

Suốt đêm cả tiểu đoàn ở trên sườn núi, lính ngủ từng nhóm chỗ này chỗ kia. Hôm sau đến mười một giờ sáng họ mới tìm được một lối ra khỏi vực sâu. Lúc đó một chiếc máy bay trên đầu họ, ra hiệu và thả một gói những bức không ảnh và lời nhắn tin: "Các ông theo con đường ấy và đêm nay có mặt ở Na Sầm trước ba giờ sáng".
Mọi người lấy lại can đảm, theo đường núi, bị một thung lũng và một con đường cắt ngang. Trong thung lũng, con đường, loại đường nhỏ đi về hướng bắc, hướng Trung Quốc, qua một con suối bằng chiếc cầu; Đoàn quân khôn khéo tới ẩn mình dưới vòm cầu. Tiếu đội đi đầu vừa vào tới thì quân Việt xuất hiện mọi phía. Trong mấy phút tiểu đoàn tan tác, bị cắt thành phân đội mà quân Việt lần lượt tiêu diệt hết. Một số người vượt qua đường bị đuổi theo giết chết. Một bộ phận của tiểu đoàn bỏ con đường lao vào rừng; một toán đi suốt đêm nhưng lần nào cũng gặp lại con đường, trước những người Việt dàn ba, bốn hoặc năm trung đoàn dọc theo đường. Cả đội dù BCCP số 3 còn lại bốn mươi người trong tư thế chiến đấu rồi hai mươi, rồi chẳng gì nữa - đúng còn mấy người đơn độc.

Một người trốn thoát đi về Đồng Đăng. Dân chúng xuất hiện vung mã tấu. Một người nhảy lên lưng anh ta đánh đập. Một lính dù khác gặp một đứa trẻ chỉ cho anh con đường dẫn đến một toán quân Việt. Một số lính dù đến được Na Sầm, gặp quân Việt trên một chiếc cầu bèn bắn chết. Họ đi tới cổng thành - nhưng ở đây cũng quân Việt và lần này họ không thể bắn chết mà phải hàng. Thế nhưng mấy người lính dù vượt quá Na Sầm, gần đến đích. Mưa to, họ bị kẹt trước một ngọn thác - quân Việt đến nhặt họ. Cuối cùng trong toàn đội quân dù BCCP số 3 chỉ năm người đến được Lạng Sơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #377 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2019, 09:01:45 pm »


Trọng lượng cao cả của Lạng Sơn

Về những thảm bại ấy Đông Dương không biết gì. Họ được tin thái độ sửng sốt, và sau đó chuyển sang hốt hoảng. Từ sửng sốt đến hốt hoảng chỉ trong mấy tiếng đồng hồ. Bị tác động nhiều nhất là Đội quân viễn chinh và trong đó, tất cả những người cao cấp nhất, toàn Bộ chỉ huy. Ở những người lính như một luật lệ, tin tưởng quá nhiều rồi bị dồn dập vì biến cố, thái quá trong những thái quá trái ngược nhau, trong sợ hãi, hèn nhát. Lúc ấy lộ ra, như một căn bệnh của Đội quân viễn chinh - tư tưởng buông xuôi. Từ đấy trong nhiều tuần lễ là một cuộc trốn chạy, với lời các tướng: "Hãy ra đi trước khi đã quá chậm". Và khắp nơi người ta cũng nghe dự báo đúng hoặc sai: "Quân Việt tiến đến gần". Điều đó trong các thông tư gọi là "di tản" hoặc "thu hẹp lại".

Tình hình đúng là nghiêm trọng. Ngày 9 tháng mười, sau những trận tiêu diệt trên đường số 4, biên giới mở và Hà Nội sẽ bị đe dọa trong mấy tuần tới. Chống lại quân đội ông Giáp, từ Trung Quốc và từ rừng ra, người Pháp thậm chí không có những đoàn quân chiến đấu; một ít bộ phận xung kích đã có vừa bị tiêu diệt và tất cả phần còn lại không dùng được vào "trận đánh lớn" rải rác hầu khắp Đông Dương trong vô số đồn bốt.

Điều tệ hại là sự thất bại về tâm lý. Lúc đầu người ta bắt đầu trốn chạy hợp lý như ở Thất Khê. Nhưng việc bỏ chạy có thành một việc tự có, không dừng lại, một cách tự động không?

Trước tiên, trong những ngày đen tối trên đường 4 mà sự thất bại không tưởng tượng được đặt ra như một sự thật, có một quyết định. Bộ chỉ huy phải dứt khoát: chống đỡ hoặc rút khỏi Lạng Sơn, cột trụ của biên giới và là cửa ngõ xuống đồng bằng, vốn đã rất tai hại trong lịch sử quân sự Pháp ở Đông Dương? Nếu muốn chiến đấu vì Lạng Sơn, phải có một cố gắng rất lớn vì ở đây chỉ có sáu tiểu đoàn thử nghiệm và phục vụ. Phải mạo hiểm ghê gớm, rút từ vùng châu thổ những lực lượng bổ sung lớn; nhưng ở vùng châu thổ người ta cũng sợ, đang sử dụng những gì hiện có để đối phó với việc tấn công Hà Nội.

Thật khó khăn nguy hiểm. Bỏ Lạng Sơn là mất mặt, một thảm họa cả về quân sự, chiến lược, chính trị và tinh thần. Nhưng giữ Lạng Sơn có được không, có đi vào một thảm họa toàn diện hơn không? Dù sao Bộ chỉ huy vẫn câm lặng- Tướng Carpentier không đưa ra một lời tuyên bố nào cho các đội quân, thậm chí không đi gặp những người bị thảm bại. Trong văn phòng ở Sài Gòn, ông điện về Paris để "thanh minh" - trình bày như không có gì quy cho ông được.

Bảo vệ hoặc rút khỏi Lạng Sơn? Để biết, phải đến đấy "xem sao" và không ngờ tôi được phép. Ngày 14 tháng mười, một chiếc Dakota đưa tôi đến. Từ chiếc máy bay đang hạ cánh tôi nhận ra cảnh đẹp hùng vĩ! Mặt trời chiếu lên những dãy núi đá trọc bao bọc thị xã trong một lòng chảo rộng. Những đồn bốt cắm trên những điểm cao ấy, đơn giản và sạch sẽ, bình lặng như những đồ chơi - bảo vệ Lạng Sơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #378 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2019, 09:02:57 pm »


Máy bay đỗ xuống. Từ không trung tôi chỉ nhận thấy toàn cảnh bình lặng. Bây giờ vẫn yên tĩnh, còn hơn thế tuy chiến tranh đã tới gần cổ họng. Tất cả ngưng đọng như chết, ngừng lại hoàn toàn. Các chiến binh tổ chức trong trống vắng, không có dân cư, những người không theo không chống, ẩn mình chờ đợi một bên thắng. Sự hiện diện duy nhất là những người "hợp tác", quá gắn bó với người Pháp, rất sợ phía bên kia. Và có mặt để tổ chức cuộc di tản từ thị xã nguyên vẹn như là một việc chảy máu nhỏ.

Đấy là đám đông đi ra sân bay, có một cầu hàng không cho dân chúng Lạng Sơn muốn di tản. Nhàm chán và đáng thương. Những người thường gặp, các phụ nữ mang thai, các bà mẹ trẻ tập trung đám con cái ở trường, các bà nhai trầu khạc nhổ, những cô bé cười cợt và gần như khiêu khích. Cũng có các ông mực thước vốn là những người hầu và những ông già đạo mạo nguyên phiên dịch hoặc chỉ điểm. Giữa đám đông da vàng có những giáo sĩ râu dài, già như mọi người, trong đó có cha Bardol bốn mươi năm bỏ đạo ở trong những vùng Thất Khê và Đông Khê. Tất cả những ai đã ăn nằm với nước Pháp, phục vụ nước Pháp đều ở đấy, chờ đến lượt chuyển đi. Một hàng lính lê dương bao giữ lớp người này: mỗi lần có máy bay đỗ xuống, hoàn toàn thờ ơ, họ đưa món hàng người tiến lại, món hàng cũng hình như thờ ơ.

Cách đấy một khoảng, một người nhỏ thó bận quân phục đúng một mình, đơn độc: tướng Alessandri. Ông vừa đến truyền mệnh lệnh cho đại tá Constans - lại sắp ra đi. Ông nhìn tôi mà như không thấy. Viên tướng khóc từ đôi mắt khô và đôi môi mỏng không lộ ra. Đôi mắt hơi đỏ. Ông khóc vì Bắc Kỳ và những người lính của ông. Con người này có lẽ quá tự phụ nhưng không chịu trách nhiệm về sự thất bại, thật căng thẳng. Ông cố chịu đựng nhưng như bị sét đánh. Tôi chưa bao giờ thấy một hình ảnh chiến bại như thế.

Một chiếc jeep đưa tôi vào thị xã, một hoang mạc. Chỉ còn là một cảnh trang trí, những căn nhà đều đặn, những tòa nhà đẹp, đường phố rộng, trật tự của chủ nghĩa thực dân. Trống vắng hoàn toàn. Người ta chỉ nghe tiếng máy bay trên bầu trời, những chiếc Dakota của cầu hàng không và máy bay "thám thính" nhỏ lượn trên rừng rậm.

Trong những khu vực dân địa phương không chỉ tất cả đóng kín mà hàng cây số những cọc, phiến gỗ, thanh chắn tăng cường cho hàng rào chung. Những gì tồn tại, đang sống nấp sau càng nhiều gỗ càng tốt, chuẩn bị đóng gói trước những sự kiện không tránh khỏi. Phía trong tất cả những cái đó, đóng kín, là dân chúng những người ở lại, sẵn sàng theo Việt Minh. Xe tôi tiếp tục lăn bánh rất lâu. Không có quân lính; đôi khi vài chiếc tăng nổi lên ở các ngã tư đường, mấy người lính lê dương xây ụ chắn, mấy lính Maroc nấu ăn dưới vải bạt. Tôi hình dung các toán quân được bố trí trên những ngọn núi quanh vùng. Thực ra không có gì cụ thể chỉ rõ có chiến tranh, Người ta không nghe tiếng đánh nhau, tuy đang xẩy ra cách đấy vài chục cây số, ở Đồng Đăng cửa ngõ Trung Quốc. Thế nhưng việc thiếu vắng tất cả ấy có lẽ là cường độ tối đa. Tôi đến một trung tâm chỉ huy của quân lê dương. Ở đây những sĩ quan nhẵn nhụi gân guốc, đẹp đẽ người ta gọi là "những người đàn ông". Họ từ Thất Khê đến và tôi nhận ra dấu vết để lại của cái không đo lường, nói lên được không chỉ là sự bại trận. Những lính lê dương này sợ tất cả, như đứng trước một điều bí mật đáng sợ. Họ nói về người Việt họ với giọng nói của những người bị ám ảnh: "Họ sẽ tấn công. Họ đang đứng trước Lạng Sơn. Vào một giờ nào đấy, cuộc tấn công có thể bắt đầu, họ đến rất nhanh, rất đông, như không có gì ngăn họ lại được". Và tuy không muốn, lẫn trong nỗi sợ hãi ấy có sự thán phục. Những sĩ quan lê dương khốn khổ! Họ không chỉ bị người Việt săn đuổi mà bị cả chính họ săn đuổi. Họ nhục nhã vì nỗi lo sợ và sự thán phục ấy. Đại uý của họ nói với tôi: "Thà để bị giết còn hơn rút lui nữa. Làm sao tôi tha thứ cho mình được vì đã lùi trước quân Việt và trông thấy quân Pháp rút lui?" Đối với những người bình thường và không hiểu, chỉ có một giải pháp hy sinh. Và viên đại uý lại nói: "Chúng tôi chỉ còn việc làm bổn phận theo truyền thống quân đội Pháp, chiến đấu trong danh dự cho đến người cuối cùng. Tôi muốn một thất bại mới hơn một cuộc rút lui mới".

Chúng tôi nói chuyện lâu và tôi luôn thấy ở họ sự ám ảnh của Việt Minh. Họ như bị đập nát bởi những gì Việt Minh có thể làm để đạt mục đích, bởi sự quyết liệt của tổ chức.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #379 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2019, 09:03:33 pm »


Cuối cùng tôi chia tay với những người lê dương này với những gì họ trình bày về quyết định thất vọng, nghi ngờ những vấn đề họ không biết trả lời. Thành phố chết chìm trong cái chết của ban đêm. Một ụ súng Pháp bắn mấy quả đạn cối vào đỉnh núi xa; trong bầu trời tối đen người ta còn phân biệt được bóng một chiếc Morane phía chân trời. Bốn bề im lặng. Nhưng đến nửa đêm, trên chiếc cầu sắt lớn bắc qua sông Kỳ Cùng đèn pha một đoàn xe chọc thủng bóng tối, cứ mười mét có một mảng sáng trên nhiều cây số. Những đoàn GMC ấy từ Tiên Yên đến theo đường số 4 như đã ở đấy chuyên chở khí cụ. Đấy là dấu hiệu duy nhất tôi cảm nhận được những ý định của Bộ chỉ huy về Lạng Sơn, một dấu hiệu bỏ rơi mong manh.

Hôm sau tôi được đại tá Constans tiếp. Ông có khuôn mặt một người lính đối mặt với bi kịch. Nỗi buồn về những binh sĩ chết được cách giải quyết của người chỉ huy bù vào: kết quả là một tình trạng nghiêm trọng cao cả, hơi bị che đậy, hơi buồn, rất thấm đượm vẻ đẹp hiện đại của người anh hùng trong chiến tranh, rất "nhân đạo". Vừa xót xa vừa với ngọn lửa của chủ nghĩa anh hùng, đại tá Constans tâm sự ông sẽ bảo vệ Lạng Sơn. Ông nêu những lý lẽ, những lời giải thích rõ ràng và cụ thể. Ông cũng nói về kỹ thuật: tất cả những đỉnh núi xung quanh đều trơ trụi, không có rừng nên quân Việt tấn công bị trống trải. "Khi các sư đoàn ông Giáp xông tới, tôi sẽ đập tan họ bằng trọng pháo và máy bay tiêm kích. Dù mọi liên lạc với Bắc Kỳ bị cắt đứt, tôi sẽ giữ nhờ cầu hàng không. Tôi có những khối lượng lớn về thực phẩm và đạn dược, có thể tiến hành chiến tranh ở đây trong nhiều tháng nhiều năm."

Tôi ở chỗ đại tá ra, khi vào trong thị xã không trông thấy dân cư, tôi nghe như có một bản nhạc ma, đẹp và hùng tráng. Trên quảng trường đội kèn chơi một hòa tấu ngày chủ nhật. Lính lê dương mặc lễ phục mũ kê-pi, cầu vai và thắt lưng rộng, chơi như thường lệ hoàn toàn coi thường những việc đột xuất; khán giả chỉ mấy chú bé không biết từ đâu ra. Nhạc trưởng tung cao chiếc gậy điều khiển. Buổi tấu nhạc ngày chủ nhật này kéo dài đến giữa trưa. Chuông nhà thờ ngân vang, lính lê dương bước đi, theo nhịp chân và điệu nhạc, vẫn luôn trong lễ tiết lớn.

Tôi rời Lạng Sơn. cảnh trí sẵn sàng cho bi kịch lớn. Viên đại tá và buổi tấu nhạc hầu như làm tôi tin chắc thị xã sẽ được bảo vệ cho đến người cuối cùng. Ở sân bay vẫn là cuộc di tản và sự khổ cực. Một phụ nữ trẻ Việt Nam ôm trên tay một em bé rất trắng, đấy là vợ một sĩ quan Pháp vừa bị giết. Một người đàn bà có bốn đứa con lai bám theo và một ông bếp già giữ trong tay chiếc mũ lính thuộc địa. Tôi lên chiếc Dakota cùng với họ.

Chiếc máy bay cất cánh. Tôi ngắm nhìn thị xã nguyên vẹn ấy chẳng bao lâu chắc sẽ còn là lửa và đổ nát. Chúng tôi bay trên những ngọn núi và một thung lũng rất ấn tượng mà phi công đã gọi là thung lũng Việt Minh - bên dưới Việt Minh bắn đại liên vào máy bay. Cuối cùng trở lại Hà Nội. Tôi sẽ phát hiện ở Hà Nội những gì đây?
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM