Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:36:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84882 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #360 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2019, 08:31:57 pm »


Alessandri khốn khổ! Ông bị chẹt giữa kỷ luật quân sự và điều ông nghĩ là nhiệm vụ cấp trên. Vì sao Charton thu xếp được trong một thời hạn ngắn như thế? Alessandri bèn không tuân theo lệnh tổng chỉ huy và thông báo với Charton những gì sẽ xảy đến. Cuộc nói chuyện thật xúc động, cũng thật thân mật vì hai người là bạn thân, ngưỡng mộ nhau từ lâu. Alessandri không nén được, khóc trong phòng Charton vừa nói:

- Người ta chuẩn bị cho anh một cú bất ngờ. Sẽ rút quân khỏi Cao Bằng qua đường số 4. Anh nghĩ thế nào? Tôi cho rằng không bao giờ anh thành công được.

- Thật điên rồ, Charton trả lời. Ở đây tôi còn chống giữ được. Nhưng nếu phải rút quân thì rất khó khăn, nguy hiểm. Đưa một đoàn quân đi trên đường số 4 trong những điều kiện như thế, trong lúc từ đây đến Thất Khê không còn một đồn bốt và quân Việt ở khắp nơi là có nguy cơ bị tiêu diệt hết.

- Hãy đi thật nhanh. Luồn giữa chân quân Việt.

- Nói thì dễ. Với những con người ấy chơi thế không được. Tốt hơn là làm việc cẩn thận, vững chắc, với mọi phương tiện.

- Chỉ còn rất ít hy vọng. Carpentier khi đi Paris, đã báo trước với Bidault, thủ tướng, rằng ông dự tính bỏ Cao Bằng. Bidault trả lời: "Tôi là giáo sư sử học. Những gì người Pháp học qua sách vở về Đông Dương là Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng. Nếu tôi để rút quân khỏi Cao Bằng như thế, Chính phủ của tôi sẽ đổ. Vậy đồng thời phải có cho tôi một chiến thắng gây ấn tượng mạnh." Lúc ấy người ta nghĩ đến Thái Nguyên, dễ mô tả là thủ đô của Hồ Chí Minh. Bộ phận lớn các đội quân Bắc Kỳ tập trung ở đấy. Dù sao sẽ có một đoàn quân đến với anh trên đường số 4, càng xa càng tốt.

- Đất này tôi biết rõ. Chỉ với quân số của mình tôi không thể phiêu lưu. Tôi đề nghị đoàn quân cứu viện đến chờ tôi ở km 28, tốt hơn nữa là km 22. Trong khoảng cách ấy tôi cố mở đường, đưa người và khí cụ tới; nhưng không quá chỗ ấy.

- Tôi hứa đoàn quân sẽ đợi anh ở km 28.

Về nguyên tắc mọi việc đã rõ. Công việc của Charton là đến cây số 28. Tai họa chính ông sợ là người ta "đặt cho ông một con thỏ" ở đó. Ông không tin cả Lepage và các đội quân của ông này. Trong nhiều ngày ông liên tiếp điện cho Trung tâm Lạng Sơn đề nghị tăng cường cho đoàn quân Lepage, sửa chữa đường giữa Na Sầm và Thất Khê, đưa ca-nông, tiếp tế, người, tất cả những gì cần có cho ông. Có thể lùi " Thérèse" lại mấy ngày, đủ thời gian hội tụ những điều kiện tốt nhất. Vả lại ông, Charton, còn một số công việc phải làm ở Cao Bằng - ví dụ di tản bằng cầu hàng không 180 lính không đi bộ được và 40 người đàn bà, phần lớn mang thai chưa chuyển được. Một cơn bão, làm một, hai ngày không có Junker. Thật sự chẳng có gì thúc bách. Phải chuẩn bị kỹ, tổ chức tốt đảm bảo hơn nhiều.

Nhưng ở Lạng Sơn, đại tá Constans không đồng ý. Carpentier ngại Alessandri phản bội ông nên ngày càng gạt ông ra ngoài. Constans như một máy tự động nhắc lại mãi những chỉ thị của tổng chỉ huy đã trở lại Sài Gòn. Theo ông, thành công của "Thérèse" dựa vào bí mật và nhanh chóng. Về bí mật không nên có sự chuẩn bị gì lộ liễu, không nên phá huỷ một khí cụ nào dù sau đó quân địch có thể sử dụng. Về sự nhanh chóng, trước hết phải ra đi, hành quân thật cấp tốc để quân địch bất ngờ, không tổ chức chiến đấu được. Vậy là không cần mang theo quá nhiều vũ khí đạn dược, vật dụng vì mục đích không phải để đánh nhau mà "chuồn". Dù thế nào xung quanh có quân Việt hay không, thời tiết tốt hay xấu, Thérèse phải bắt đầu chậm nhất vào mồng 3 tháng mười.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #361 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2019, 08:32:37 pm »


Ngày J. vẫn là mồng 3 tháng mười. Sau bao lần cố mánh khóe, mưu mẹo, Charton trở lại là người lính lê dương táo tợn. Thị xã Cao Bằng của ông không để lại như vậy, không suy suyển với vẻ đẹp, của cải của nó cho người Việt. Một sự tàn phá, ít nhất phần lớn thành phố. Charton ở đấy trong xe jeep của mình, ra lệnh: "Phá nát cái này. Đập tan cái kia". Tất cả bùng cháy - xưởng điện chỉ còn là cái vỏ; người ta phá huỷ mọi vật dụng, kho tàng - không tưởng tượng một khu đồn trú có thể tích luỹ một "mớ hàng hóa" như vậy qua nhiều năm! Phải làm cho quân Việt chẳng còn gì: người ta giết cả ba trăm con trâu, nguồn dự trữ thịt sống - những con vật rống lên. Những vụ nổ ghê gớm nhất - vừa như giông tố, động đất, cháy lớn - là một trăm năm mươi tấn đạn dược của thành trì.

Những tàn phá ấy đã "loan báo" cho người Việt biết việc rút quân quá rõ ràng! Không ai nghĩ về mặt này vì thực ra Cao Bằng đã biết từ nhiều ngày nay, Đội viễn chinh lâu nay vốn thiếu kín đáo. "Tin tức" được mang tới Cao Bằng rất sớm do các Junker cầu hàng không, các Junker tiếp vận. Lính lê dương biết, dân chúng được báo tin - quân Việt cũng thế. Đối với họ việc nhận định và báo cáo trinh sát đối chiếu với nhau. Hình như trước hôm rút quân loa phóng thanh của họ chúc quân đồn trú "lên đường mạnh khỏe". Còn đội quân lê dương, họ không hề giấu phải ra đi. Charton lợi dụng sự lộn xộn lúc ra đi để đưa ra một mưu mẹo chiến tranh, ông cố loan tin ngầm đoàn quân sẽ đi qua con đường số 3 và Bắc Cạn.

Charton cũng rất đẹp với dân chúng. Tất cả những người Việt Nam, Trung Hoa ở Cao Bằng, tận tụy và trung thành với quân lê dương - dù chỉ vì nguồn lợi, vì đồng bạc - ông tự mình đặt họ, theo ý nghĩa này hoặc ý nghĩa khác, dưới sự bảo hộ của nước Pháp. Ông tập hợp họ lại, chính thức thông báo việc di tản, nói với họ: "những ai muốn đi theo, chúng tôi đưa họ cùng đi nhưng phải có khả năng đi bộ." Khoảng năm trăm người, hầu hết đàn ông xin đi theo cùng đoàn quân.

Ngày hôm sau, mồng 3 tháng mười là ngày rút quân, cuộc hành quân lớn theo ý nghĩ của chính quân lê dương, chậm chạp, nặng nề, vững chắc, có hệ thống. Đây là công việc tổ chức tốt, dự kiến tất cả để dũng cảm đối đầu, không phải để mau chóng tẩu thoát, vả lại đoàn quân Lepage ra đi với dấu hiệu sợ hãi bao nhiêu thì đoàn Charton càng tin tưởng bấy nhiêu, quá tin tưởng. Lính lê dương tinh thần tốt, vui vẻ. Trong lòng, trên nét mặt thể hiện cảm nghĩ: làm sao những người như họ bị quân Việt đánh bại được, những người từ hơn một năm nay không dám tấn công Cao Bằng đơn độc của họ? Riêng Charton có lo ngại nhưng tỏ ra vững vàng như mọi người và ông cũng không thực sự tin vào thảm họa lớn.

Giờ J vào nửa đêm nhưng đến trưa ngày 3 tháng mười người ta mới chuyển động, cả đêm tiếp tục tàn phá càn quét. Những gì về người và của mang theo được Charton đều làm. Cả buổi sáng để sắp xếp đống người và vật dụng ấy. Phải rút mười lăm bốt ở vành đai Cao Bằng và nhất là tổ chức đoàn quân dài nhiều cây số! Đây là tập hợp người hỗn tạp nhất: lính ta-bo phong thái tự hào, lê dương mặt như đá, ngụy binh - phần lớn nhăn nheo, đã già, rất trung thành nhưng làm bếp nhiều hơn đánh nhau - đoạn đuôi là đám đông dân thường, hầu hết là những "tư sản" da vàng, chủ quán, thương nhân, một số phụ nữ, gái điếm. Và tất cả những người ấy, quân phục hoặc không quân phục đều ngổn ngang, những gì quý nhất: tài sản riêng hoặc lấy được trong thành phố bị bỏ lại. Giữa đoàn người có hai khẩu ca-nông 37 và 105 ly và một dãy xe chất đầy thực phẩm, đạn dược và vật dụng mang theo được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #362 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2019, 08:33:01 pm »


Trách cứ gì được Charton về trọng pháo và ca-nông ấy! Đúng, ông không tuân theo lệnh. Mệnh lệnh là đi bộ, mang theo tối thiểu để "đi nhanh hơn". Nhưng ông già dặn, người cũ của đường số 4 biết rõ con đường chết chóc, đầy mai phục, cạm bẫy. Qua từng cây số, ở những nơi có một ngọn núi, một mô đất, một ngách rừng ông có thể nói: "chỗ này bị chết bao nhiêu người; chỗ kia là cả một vụ tàn sát; nơi ấy mình đã mất người bạn tốt nhất". Thế là ông làm như trước đây, thực hiện việc "mở đường" - cử người lên chiếm mọi góc đáng ngờ xung quanh. Lần này ông càng thận trọng vì đấy không phải chỉ là một đoàn xe quân sự mà đoàn người di tản, dễ làm mồi với đám dân chúng lề mề phía sau. Đây là một con sâu khổng lồ trên đường, rất cồng kềnh, ít những người lính thực sự.

Tất cả những cái đó đi trên đường số 4, dĩ nhiên không tiến nhanh được. Tuy vậy người Việt không phá hoại mặt đường gần Cao Bằng. Không có gì thực sự va chạm, chỉ vài loạt đạn xung quanh cây số 10. Quân Việt đang rình mò nhưng không làm gì được. Đám đông đi vững tin, hài lòng. Có đầy đủ những gì để ăn, uống.

Đoàn người vượt qua một ngọn đèo cũ, không khó khăn gì. Về đêm dừng lại; Charton bố trí chỉ huy sở ở cây số 16. Xung quanh quân lính canh gác tỉnh táo nhưng trên mặt đường suốt nhiều cây số, người dồn đống với nhau nằm ngủ. Giấc ngủ bình yên - vẫn không có gì, không bị tấn công. Khi mặt trời lên, người ta tiếp tục đi nhưng không vội vã. Nhanh làm gì vì Charton biết đoàn quân cứu viện còn xa chỗ hẹn? Mọi việc tốt đẹp cho đến trưa, họ đến km 28, nơi hẹn gặp; Không có người nào. Nhưng điều tệ hại, "khó khăn" ghê gớm là hai bức điện của Constans đến liên tiếp - hai tin điên rồ và thảm họa. Lepage không đi đường Đông Khê. Bị xô xát mạnh ở phía nam Đông Khê mấy cây số, ông ta đi theo đường Quang Liệt để cũng đến được điểm hẹn km 28. Thực tế ông ta bị bao vây, hoàn toàn bị dồn đến đường cùng, không di chuyển được, sắp bị tiêu diệt. Chính Charton lại phải theo đường Quang Liệt đến cứu Lapage. Muốn vậy ông phải bỏ tất cả, vứt đi mọi trọng lượng vô ích, đi suốt ngày đêm - phải đến đó trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ.

Đây là lời kêu cứu. Những giờ sau đó là bối rối. Các sĩ quan, hạ sĩ quan hỏi từng người dân, từng ngụy binh: "Anh có biết đường Quang Liệt không?" Câu trả lời luôn là không. Dù sao cũng phải nhẹ gánh đi. Cả buổi chiều người ta phá huỷ, đốt hai chiếc cam-nhông đầy đồ đạc. Mỗi người rũ bỏ những đồ vật quý của mình, giấu tiền bạc vào túi trong, vào những chỗ kín đáo nhất. Con đường như một buổi chợ hàng hóa đủ loại không có người mua. Quân lính còn tươi tỉnh nhưng phía dân sự khổ sở, có những gương mặt bị tai nạn, họ biết từ đây có nhiều khả năng chết dọc đường.

Đoàn quân bao la tuy vậy vẫn còn tổ chức tốt. Vấn đề cuối cùng đặt ra là tìm con đường Quang Liệt. Sau nhiều lần mò mẫm người ta phát hiện được dấu vết có thể đây là một con đường. Cả đoàn quân đi vào đấy, những cây số người theo hàng một, càng kéo dài thành nhiều cây số người. Nhưng vẫn có trật tự tương đối: ngụy binh đi đầu làm một "vỏ bọc nhẹ", nghĩ rằng biết đường hơn và dễ phát hiện quân địch; tiếp đó là quân lê dương, theo sau là Charton, và dân chúng "của họ"; cuối cùng đội ta-bo chặn hậu. Trong lúc quân bảo vệ phía sau cũng đã chui vào rừng, Việt Minh trên đường số 4 bắn tới tấp. Nhưng không là gì; điều đáng sợ là hàng chục nghìn Việt Minh trong núi rừng. Trời sắp tối lúc đoàn quân Charton vào hết trong rừng, bóng tối chẳng trông thấy gì, không thấy quân Việt, những người trong hàng nối đuôi nhau cách hai mét khó nhìn thấy nhau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #363 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2019, 10:39:19 pm »


Con đường mòn Quang Liệt

Ngày 3 tháng mười, bi kịch đã thắt chặt lại - một đoàn quân bị bao vây, trong tình thế tuyệt vọng và đoàn kia đi vào chỗ thất bại trong rừng rậm bao la. Tôi đang ở Sài Gòn, một Sài Gòn không hề lo ngại, không ai biết gì từ người trong những ban tham mưu luôn giữ bí mật. Tướng Carpentier làm việc trong phòng có điều hòa tin chắc đến nỗi triệu tập đặc biệt viên đại uý đẹp trai phát ngôn viên vừa được ông bổ nhiệm để giải thích, phải công bố như thế nào với báo chí về những "chiến thắng" sắp tới, làm sao để tôn giá trị lên. Ông này không nói gì với các nhà báo nhưng ngày mồng 4, xuất thần ông thông báo "tin lớn". Và như vậy người ta biết được diễn biến "tốt đẹp" của những cuộc hành quân. Lúc đầu ai cũng biết việc chắp nối hai đoàn quân là "dĩ nhiên". Ngày mồng 5 được biết chưa chắp nối được nhưng vẫn dĩ nhiên. Ngày mồng 6 được thông báo đã chắp nối được - toàn bộ đoàn quân Charton đã đến vị trí "tiếp nhận". Tôi nhớ lại lời bình luận của viên đại uý ấy: "Bây giờ có thể nói việc khó khăn nhất đã làm được, việc hành quân táo bạo rút khỏi Cao Bằng đã thành công. Ngay trong lãnh địa núi rừng của họ, người Việt đã không thể cản trở những hoạt động của hai đoàn quân Pháp đơn độc giữa thiên nhiên, rất xa căn cứ." Ngày mồng 7 những bộ phận đầu tiên của hai đoàn quân gắn chặt vào nhau, đã đến cách Thất Khê mấy cây số. Ngày 8 có thông báo toàn bộ các đoàn quân đang dưới sự bảo vệ của ca-nông Thất Khê. Ngày 9 người ta truyền đạt với chúng tôi bộ phận tiền tiêu đã ở Thất Khê và phát ngôn viên nói về "thắng lợi quân sự". Thế nhưng ngay lúc nói như thế nhiều nghìn lính Pháp nằm dài trong rừng, chết hoặc hấp hối. Thảm họa đã đến giai đoạn mà kiến đỏ bâu, đục khoét mắt người chết.

Tệ hại là chắc viên đại uý không "nói dối" hoàn toàn và vẫn tin một phần vào điều mình nói. Tướng Carpentier và ban tham mưu Sài Gòn để nhiều thì giờ "thể hiện" tình hình: họ là nạn nhân của nghệ thuật quân sự "trình bày" sự việc trong những thông báo từ Hà Nội, Lạng Sơn đến. Vả lại ở đây họ cũng không biết rõ lắm về những gì xảy ra. Tướng Alessandri thận trọng bay nhiều ngày không ngớt trên rừng rậm, chỉ thấy tán cây dày đặc, không phát hiện ra đoàn quân Charton. Hơn nữa trong rừng núi, những chiếc đài thu phát nhỏ hoạt động rất kém, nghe không rõ, hiếm hoi lắm mới trao đổi được vài tin tức ngắn, phần lớn quá rời rạc.

Chỉ đến ngày mồng 8 tháng mười những "nơi được thông báo" mới cảm nhận bước đầu về bi kịch. Họ bắt đầu nói đến những trận đánh gay go, thậm chí rất ghê gớm. Tướng Carpentier lên máy bay ra Bắc Kỳ vẻ quan tâm nhưng còn tin chắc vào việc làm của mình. Hôm sau khi trở lại là một người của thất bại, một niềm kiêu hãnh bị sét đánh, ông lẩm bẩm: "Những gì đến đã đến". Không thể moi được một tiếng nữa, không làm ông giải thích thêm được. Chỉ buổi chiều mới biết phát ngôn viên, chính ông này hôm trước rất tin tưởng nói về thắng lợi! - thốt ra những câu về cái chết: "Những đội quân tiên tiến ấy là những đơn vị duy nhất đến được Thất Khê, không có những đơn vị khác đến nữa". Tôi nhớ rất lâu giọng nói thất vọng ấy khi thông báo những đoàn quân Charton và Lepage đã bị các sư đoàn của ông Giáp tiêu diệt.

Thực tế, ngay chiều mồng 4 tháng mười hầu hết đã trong tình trạng thất vọng. Chiều hôm ấy ở Lạng Sơn, đại tá Constans hoảng hốt điện cho Charton: "Đi nhanh. Trong mấy giờ nữa phải đến gặp Lepage, ngay đêm nay." Phải mất ba ngày đoàn quân Charton mới đến được vừa đúng lúc gặp thảm họa như lao vào trận tuyết lở để bị cuốn đi và tiêu diệt.

Trong ba ngày ấy cuộc hành quân thật đáng sợ! "Nhanh hơn, nhanh hơn" thỉnh thoảng điện tín ở Lạng Sơn thúc giục nhưng không có đường, phải tiến lên giữa thiên nhiên, xuống vực hoặc lên núi giữa những tảng đá khổng lồ và những cây to cao năm mươi mét, bị ám ảnh, phục kích giữa rừng rậm quỷ quái này. Cũng có sự lo lắng không bao giờ biết chắc mình ở đâu, có bị lạc chăng giữa vũ trụ tất cả đều giống nhau này. Đoàn quân không dứt và chẳng bao lâu mọi người mệt mỏi, như chính mình là những gánh nặng, phải đẩy lên phía trước - không thì chết. Rồi phần cuối những "người lê thê" ngã xuống, nhất là dân thường, một số tuy thế vẫn gượng dậy đi thêm mấy cây số. Người nào cũng bị ám ảnh. Và càng đi càng cảm thấy sự hiện diện của quân Việt, lúc đầu gần như ảo ảnh của trí tưởng, rồi trở thành sự thật. Chẳng bao lâu người ta đoán ra họ ở khắp nơi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #364 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2019, 10:40:43 pm »


Phải có mặt ở Đông Khê chiều mồng 4 hoặc sáng mồng 5 để cứu "đoàn quân cứu viện". Thật mỉa mai. Hôm ấy đoàn quân Charton đi không tới mười cây số và trong những điều kiện thật khắc nghiệt! Con đường mòn giống như đã tìm thấy bỗng biến mất không dấu vết. Giữa bụi cây um tùm chỉ có một con suối rộng ba mét đầy dây rừng, cành nhánh bó chặt như tường nhà tù. Phải đi vào đấy dọc theo bờ, khấp khểnh, nước đến đầu gối có khi đến bụng, giữa những đám mây muỗi. Quân lính, với hai ngày đạn và ba ngày thực phẩm, bước đi nặng nề; hơn nữa họ phải nâng đỡ những người đau yếu. Cây rừng trở nên dày đặc chiếm hết lòng suối - phải phát hiện từng mét một trong lúc tiến lên. Đoàn quân đi giữa cảnh ấy không thấy gì, kể cả những ngọn núi cao gần đấy, những chỗ có lẽ các trung đoàn Việt đã sẵn sàng tấn công.

Đêm xuống, tối đen, lính lê dương đề nghị dừng lại, họ sợ bị phục kích. Charton nói "đồng ý". Mọi người nằm trên bờ suối, bố trí canh gác bảo vệ. Chỗ này gọi là Quy Sơn. Bốn bề im lặng.

Bình minh vừa lên, ngày 5 tháng mười đoàn quân lại đi. Sau mấy giờ nữa dòng suối cạn hẳn. Cảnh vật hỗn độn, cây cối che khuất địa thế, chỉ đoán được chỗ này chỗ nọ hình khối là những ngọn núi, những tảng đá vôi chìm trong cây cỏ. Vấn đề là trong thế giới không rõ ràng này, là tìm ra ngọn đèo vượt ra thung lũng Quang Liệt về phía bên kia. Thiếu tá Forget đi đầu cùng lính lê dướng cố tìm mãi trong các bản đồ, vừa cử người đi lùng sục.

Cuối cùng sau nhiều khó khăn và dừng lại lâu, họ tìm ra ngọn đèo. Từng đơn vị vượt lên, xuống phía bên kia trong một thung lũng đẹp và rộng - thung lũng Quang Liệt. Chartcn bảo Forget: "Cử một phân đội đi thăm dò quân địch". Đây là tất cả bí mật của cuộc chiến trong rừng; trên những vùng cao ấy, có thể chỉ một nhóm người Việt, nhưng cũng có thể là cả một sư đoàn.

Dù sao quân Việt cũng rất gần, chắc rất đông. Ở lại dưới thung lũng là giam mình vào cuộc tàn sát: Phải trèo lên cao. Charton nhận thấy về phía tây một dãy núi dài, liên tục, vươn mãi đến những núi đá với Đông Khê, chỗ Lepage bị vây hãm. Ông quyết định nhanh: phải đi theo dãy núi cao ấy. Để lính lê dương dưới thấp để "chặn đứng" hàng chục hoặc hàng nghìn quân Việt có thể tấn công phía sau, ông lệnh cho đoàn quân leo lên cao và tiến lên từ chỏm núi này đến chỏm núi khác. Mục đích là tránh cuộc mai phục lớn của quân Việt chắc đã bố trí theo con đường Quang Liệt. Nhưng ở đây đi lên giữa núi cao, vực sâu, trong khu rừng gai xé da thịt, cuộc hành quân còn đáng sợ hơn đi dưới lòng suối hôm qua nhiều. Dần dần hàng người dãn ra thành từng nhóm xa nhau, không nâng đỡ nhau được. Lính Ta-bo, vững vàng nhất, đi đầu. Nhiệm vụ của họ là lên tới và "khống chế" cốt 590, ngọn núi cao nhất - theo bản đồ vì trong thiên nhiên này, mọi đỉnh cao đều rất giống nhau, không xác định được giữa những khối cây xanh và những dốc đứng trắng. Hoàng hôn. Đội ta-bo 3 lên tới đỉnh một ngọn núi, cho biết: "Chúng tôi đã bám vững ở cốt 590." Có một khoảng trống giữa đội ta-bo và phần còn lại của đoàn quân - theo thứ tự tiếp nối là Charton, ban chỉ huy, dân, lính ngụy, lê dương. Họ đã hoàn toàn kiệt sức, loạng choạng giữa thiên nhiên không một con đường nhỏ. Nhiều người không còn gì ăn uống. Binh lính chỉ còn giữ súng đạn. Nhưng tất cả đều cảm thấy có quân ta-bo trên ngọn núi chính bảo vệ, ngủ ngay trên núi đá trong đêm. Charton bố trí ban chỉ huy trên một dãy núi ngang dễ chống giữ, cùng với ông chỉ là những "người dân thường" ông tự dẫn đi như đã buộc vào lời hứa danh dự. Ông lo ngại.

Thực ra có sự sai lầm và trong chiến tranh, những sai lầm kéo theo nhau - là điều sẽ xảy ra. Quân ta-bo bỗng nhận ra không ở trên "cốt" cao nhất - ngọn 590 còn xa hơn nhiều. Lợi dụng ánh sáng không ổn định trước bóng đêm, họ bước đi tới đó. Rồi đêm tối hẳn buộc họ dừng lại cách hai cây số. Nhưng đến đây, phía dưới quá trống trải và mọi người đứng lên, cố tới được ngọn núi phía trên họ. Charton quyết liệt nhất, như điên ông có ý nghĩ đã phạm sai lầm lớn khi đi phía sau. Bằng mọi giá ông muốn lên với quân Ta-bo - chỗ của ông là ở đó, ở phía trước. Phía sau ông, mọi người tiến lên - một chuyến đi không thực, ảo ảnh. Càng bi đát hơn, Charton vừa liên lạc đầu tiên qua điện đài với Lepage tình trạng thất vọng, ngay gần đấy, đang kêu cứu. Thế nhưng đêm tối quá ông cũng buộc phải dừng lại, sợ bị mất mình, mất cả đoàn quân trong bóng đêm và rừng rậm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #365 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2019, 10:42:07 pm »


Như có phép lạ. Tất cả vẫn bình lặng cho đến bình minh. Charton đưa ra mệnh lệnh tuyệt đối: "Bằng mọi phương tiện, mọi cách, bất kể tất cả, hãy đi dọc sườn núi thật nhanh dù phải dốc hết sức còn lại. Phải đến kịp để tiếp nhận đoàn quân Lepage." Mặc dù những trở ngại ghê gớm trên địa hình, lúc đầu mọi việc suôn sẻ. Đoàn người tiến lên. Đội Ta-bo 3 chiếm đỉnh 590, đỉnh núi thật. Đến lúc đó thì định mệnh can thiệp vào, với những việc không đâu nhưng trong tình hình ấy, dẫn đến tai vạ. Trước hết không nên để mất một phút. Và người ta mất hàng giờ, do hai điều ngốc nghếch.

Chỉ đến mười một giờ trưa Charton mới đến cốt 590. Trước ông ba đại đội ngụy binh đi qua thung lũng, đã lên đến vị trí, gần như cùng lúc với quân ta-bo. Chỉ huy của họ là một "thực dân" can đảm, nói với thiếu tá chỉ huy ta-bo: "Tôi muốn là người đầu tiên bắt tay người của Lepage. Chắc chắn họ ở trên những chỏm núi trước mặt chúng ta. Tôi đến đó gặp họ với một trong những đại đội của tôi". Chỉ huy ta-bo trả lời: "Nếu có Charton ở đây, ông ấy sẽ khuyên ông không nên thế". Họ cố liên hệ với Charton qua điện đài. Không được. Người lính thủy đánh bộ đi cùng đội quân của mình đến chỗ quân Việt mà ông nghĩ sẽ gặp quân lính Lepage. Phải đấu tranh lâu để kéo ông ra khỏi cạm bẫy.

Một chậm trễ tai hại. Còn một việc khác, ghê gớm, ngốc nghếch hơn. Nhóm "dân thường" càng ngày càng cứng đầu, khó chỉ huy. Bỗng nhiên không ai biết vì sao, họ tự dừng lại. Hai đại đội lê dương đi sau họ tưởng có lệnh tạm nghỉ, cũng dừng lại. Charton đang ở trên cốt 590 với Forget, chỉ huy quân lê dương, bảo ông này:

- Ông đưa nhanh hai đại đội ông đang nắm lên cốt 515. Đến đấy có ca-nông Thất Khê bảo vệ, sẽ cứu thoát được.

Forget trả lời:

- Tôi không thể bỏ quân lính lại người nào cả. Hai đại đội tôi có đây nhưng phải chờ những đại đội phía sau.

Thật vô lý và bi kịch. Quân Việt ở khắp nơi xung quanh, sẵn sàng tấn công. Đoàn quân Lepage hấp hối cách đấy vài cây số. Thế mà Charton và Forget tranh luận với nhau - họ nói như đang ở trong nhà ăn ở trại lính.

Thậm chí chỉ huy quân lê dương nói:

- Ông không tin tưởng ở tôi. Không sao. Người của tôi rồi sẽ đến kịp.

Họ không đến. Không biết được việc gì xảy ra - điện đài không hoạt động. Forget dũng cảm, quyết định đi xem sao. Ông trở lại đoàn người vô tận, dãn ra trên nhiều cây số,  nhưng khập khễnh, đi khó khăn, mỗi lúc càng nặng nhọc, mất thời gian vô tận, khoảng mười ba, mười bốn giờ. Ở tại chỗ, Charton dẫm chân nóng lòng. Nhiều giờ trôi qua không có tin tức. ởng biết đấy là những giờ quyết định vì có thể "đẩy" ít nhất nửa đoàn quân tới chỗ không còn nguy hiểm nữa, đến tiền tiêu khu đồn trú Thất Khê dựa vào ca-nông và tiểu đoàn dù vừa được tăng cường. Sẽ là việc "tiếp nhận”.

Nhưng tiến lên trước đến chỗ thoát nạn với số người có trong tay thì ông không thể. Phải đợi Forget trở lại với hai đại đội mất tích. Và rồi thay vì đến Thất Khê và "tiếp nhận", ông đang trong tình hình khác thường này: bản thân ông còn nguyên vẹn nhưng bị đe dọa, phải được Lepage "tiếp nhận". Chính sự chờ đợi tiếp nhận lẫn nhau lần lượt đó sẽ gây ra sự tiêu diệt toàn bộ sau này.

Buổi chiều không dứt mà không có gì xảy ra ấy làm Charton cảm thấy bị bó tay! Càng bất lực hơn khi đặt ông dưới mệnh lệnh của Lepage mà người ta chẳng thấy đoàn quân ẩn nấp trong hố sâu, bị bao vây khắp nơi, nhưng hôm nay, mồng 7 tháng mười, cố gắng thoát ra, vươn tới chỗ Charton. Đoàn quân ông này không được di chuyển bất cứ vì lý do gì. Vì thế ông ngăn đội Ta-bo 3 đã đi đến cốt 477 phải dừng lại.

Đến sáu giờ chiều, cuối cùng Forget trở lại, đã tìm thấy hai đại đội của mình và phân đội dân thường. Những người ấy chẳng làm gì trong nhiều giờ, vẫn tưởng trong đợt nghỉ. Khi Forget tìm được, họ lại lên đường nhưng phải chiến đấu gay go vì quân Việt xuất hiện, tấn công hàng loạt. Một số lê dương và nhiều dân thường bị giết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #366 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2019, 10:42:50 pm »


Đêm mồng 6 sáng mồng 7, đoàn quân Charton vẫn trật tự còn đầy đủ. Sau này ông nói: "Nếu tôi tiếp tục đi cả đêm tối đã vượt qua được. Trên núi cao còn một "lỗ" quân Việt không đóng chốt". Một lần nữa Charton cố gắng thoát khỏi định mệnh. Ông điện cho Lepage: "Tôi đề nghị cho phép tiếp tục đi theo sườn núi. Tôi đang còn hầu như nguyên vẹn - chỉ khoảng chục người bị thương và năm hoặc sáu người chết. Đến Thất Khê tôi sẽ trở lại với tất cả lực lượng ở đấy, theo đường số 4 tôi mở đường đến tận chỗ ông ẩn nấp. Ông chỉ có việc chờ tôi." Lepage không đồng tình, từ chối. Làm sao những người thất vọng như thế nhận lời để cho đoàn quân Charton ra đi, như bỏ rơi họ! Từ phía dưới, ở thung lũng hẹp bị bó chặt khốn khổ, họ nhìn vào đoàn quân vững chắc của sáng mồng 6, tiếp xúc lần đầu tiên qua điện đài, khi nghe tiếng nói của đoàn Charton, họ đã kêu lên: "Chúng ta thoát rồi!”. Và trong vui sướng, họ trả lời "rõ ràng": Lepage chỉ còn chờ đợi.

Vì vậy buổi hoàng hôn ngày mồng 6 - đoàn quân của phép lạ đáng lẽ ra đi, bố trí tại chỗ giữa cốt 590 và 477. Quân lê dương giữ đỉnh 590 và những ngọn núi gần đấy. Quân Ta-bo 3 giữ 477 và những dốc xung quanh. Lính ngụy cũng giữ những chỏm ngoài lề - hai đại đội ở Quy Sơn, gần thung lũng Cốc Xá, phần còn lại của đoàn Lepage phải thoát ra; một đại đội đến chỏm Bản Ca, gần Thất Khê. Lính ngụy còn lại xen lẫn vào lê dương và ta-bo. Dân thường có thể ở đâu thì ở. Tóm lại nhìn chung có vẻ vững chắc, dù những người chống cự ít hơn - những nhóm người đối mặt với tất cả những Việt Minh sắp đến tấn công.

Từ sáu giờ cuộc tấn công bắt đầu vào đoàn quân Charton. Với lượng khí cụ đồ sộ, ca-nông, mọi loại súng cối và vũ khí tự động, quân Việt ào lên ngọn 590. Cuộc tấn công kéo dài suốt đêm nhưng họ bị lính lê dương đẩy lùi, tàn sát. Không một vị trí nào của Charton bị phá huỷ. Nhưng Charton mỗi lúc càng lo lắng hơn. Ông biết rõ việc này chỉ mới bắt đầu.

Trước bình minh, toàn khu rừng đầy những ánh sáng lạ. Đấy là đạn pháo của các trung đoàn Việt chạy tới không giấu diếm nữa, như đã chắc chắn chiến thắng.

Charton lo nhất là không biết được việc gì có thể đến với Lepage và quân lính. Lepage đã báo trong đêm, lúc ba giờ sáng, ông sẽ dốc hết sức lực lần cuối - tung quân ra trong một cố gắng vô vọng, cuối cùng. Và lúc ba giờ sáng nghe tiếng ầm ĩ khác thường, những tiếng nổ chói tai từ bên dưới trong thung lũng Cốc Xá. Những tiếng động ấy, với tiếng vọng từ các vách núi đá vôi dội vào nhau, tiếp tục cho đến mờ sáng mà không ai biết, không đoán ra điều gì. Không một người xuất hiện. Tất cả như đấy là sự thất bại hoàn toàn, như cả đoàn quân Lepage đang bị tiêu diệt hết trong quá trình chiến đấu để ra khỏi thung lũng Cốc Xá đáng nguyền rủa.

Rồi lúc sáu giờ sáng, Charton có những phiền phức khác. Lần này là đợt xông tới của quân Việt, những đòn đánh bất ngờ, những lần tấn công ghê gớm. Thế trận của ông vỡ từng mảng. Lính lê dương mất chỏm núi Bản Ca chỉ huy hướng Thất Khê. Nhất là đội quân ta-bo 3 quá sợ hãi, bị dồn đuổi không hề chiến đấu từ chỏm này đến đồi khác. Charton sau đó nói: "Họ tẩu thoát, quân lính bỏ chạy khi quân Việt còn cách xa hàng trăm mét. Tôi được biết một trung uý ta-bo nêu gương chạy thoát thân". Những gì còn thực sự vững vàng, là đội quân lê dương. Charton tung họ ra phản công, lấy lại được một chỏm núi thì mất một chỏm khác. Thiếu tá Forget bị tử thương khi dẫn quân tấn công lần thứ hai. Mười lần ông cố trèo lên thành núi dốc cùng lính lê dương trước khi bị trúng đạn rơi xuống.

Dù sao đoàn quân Charton còn chống cự, còn chiến đấu. Và trước bình minh một ít xuất hiện những người sống sót trong đoàn quân Lepage. Họ lần lượt đến, đầy ảo giác. Không có gì đáng ngạc nhiên hơn lòng can đảm của lính Maroc nhưng cũng không có gì đáng ngạc nhiên hơn nỗi sợ hãi của họ khi lòng can đảm sụp đổ, một lúc, như rơi xuống vực thẳm. Và những người sống sót ấy là những lính Maroc, những kẻ không nghị lực, điên cuồng vì sợ hãi, căm hận, không giấu diếm gì nữa về bản thân và việc mình làm - đúng là những bóng ma râu ria, con mắt lồi ra, loạn trí, chỉ còn bản năng sơ khai là "không bị chết". Muốn thế họ hét lên, chạy lung tung, bắn vào tất cả, bạn bè, kẻ địch, những người Maroc khác, như chỉ có làn đạn làm họ yên tâm.

Là những tấn hoảng loạn tinh thần rơi xuống đoàn quân Charton. Bị lây nhiễm đầu tiên là quân lính ta-bo, rời bỏ những chỏm núi mà cho đến lúc đó họ đã chiến đấu tốt. Giữa những điểm cao, người Việt chiếm được có một khoảng dài gần một cây số; trong rối loạn cuồng nhiệt, người của Lepage lẫn lộn vào người của Charton ở đây, lôi kéo nhau vào tâm trạng kích động. Trên chỏm núi hẹp ấy, một đám đông dồn ép, chất đống mê muội; quân Việt xả đạn vào đấy, đúng là một cuộc tàn sát kinh người. Riêng đội lê dương còn vững vàng, Charton vẫn chỉ huy họ tấn công các chỏm núi tuy quân Việt đã ở khắp nơi trong từng khe núi, từng bờ bụi, từng tảng đá. Và qua mỗi đợt tấn công, đội lê dương mất biết bao nhiêu người nên chẳng mấy chốc hầu như chẳng còn gì nữa.

Trong lúc đó các chỉ huy của đoàn Lepage nhảy đến chỗ Charton và ban tham mưu như nắm lấy chiếc phao cứu nạn. Họ quyết định cố tập hợp lại các đơn vị. Làm thế nào được! Charton để Lepage đến chỗ tệ hại, đám người bỏ trốn đang nhốn nháo không biết chạy đi đâu, làm gì. Ông ta hết sức tổ chức lại hàng ngũ không được. Những chỏm núi cuối cùng của người Pháp sụp đổ. Quân Việt đông không kể xiết lao vào tất cả những gì còn lại - đã là sự kết thúc, cảnh hấp hối chung.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #367 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2019, 10:44:44 pm »


Lỗ hổng Cốc Xá

Thực ra trong năm ngày, từ mồng 2 đến mồng 7 tháng mười - cái người ta gọi là đoàn quân Lepage bị săn đuổi đẩy lùi, cuối cùng bị đập nát dưới một lỗ hổng, thật thảm hại. Nhớ lại vào đầu buổi chiều mồng 2 tháng mười toán quân Lepage không chiếm được Đông Khê, nhận mệnh lệnh quay lại lòng chảo giữa các núi đá vôi, đi đón đoàn quân Charton. Đấy là lệnh hy sinh một cách vô ích. Quân lính hoàn toàn kiệt sức ý thức được điều đó. Đoàn quân Lepage đã bị ông Giáp huỷ hoại tinh thần; trong mười lăm ngày gần Thất Khê, gần Đông Khê, binh lính bị căng thẳng, xói mòn vì sự hiện diện của quân Việt, khắp nơi trong rừng, chưa tấn công mà chỉ theo dõi, chỉ bị giết một ít. Trong mười lăm ngày ấy hầu như không đánh nhau nhưng vô vàn khó khăn, thiếu tiếp vận, không chuyển đi hết thương binh, họ bị cắt liên lạc với Thất Khê. Sự phức tạp của núi rừng dễ dàng làm tan nát người của Lepage. Mỗi ngày trôi qua họ cảm thấy không còn hy vọng ở sự tiếp cứu nữa. Mỗi ngày thêm lên họ biết càng tăng số lượng quân địch trên những con đường từ Trung Quốc sang, vô hình, không dứt với nhiều binh linh gấp gáp chạy sang, hàng chục nghìn dân công luôn mang về càng nhiều vũ khí và đạn dược. Một người của đoàn quân Lepage sau đó thổ lộ: "Không có cách nào thoát khỏi lo lắng về sự chuẩn bị của người Việt." Người Việt dù vô hình cũng đặt ra khốc liệt như một sự thật và rừng rậm cũng là sự thật; cả đoàn quân cảm thấy yếu đuối, cô độc. Trung tá Lepage không phải là người để "khích lệ" người của mình, càng ngày người ta càng thấy rõ ông, một pháo thủ già sức khỏe yếu, đã quá mệt mỏi.

Tuy vậy đoàn quân đã dũng cảm thực hiện nhiệm vụ tấn công Đông Khê. Nhưng chỉ sau thất bại của họ trước thành trì khi họ đi vào vùng núi đá vôi thì quân Việt - từ lâu đã ở xung quanh họ - đột nhiên "tự bộc lộ". Với lá xanh dắt trên mũ, họ xuất hiện hàng nghìn sau từng cây to, từng tảng đá. Quang cảnh chết chóc - đại liên bố trí hàng dãy ở các ngách núi, ca-nông đưa lên đỉnh, súng cối bố trí nhiều ngày trước đó, cách người Pháp mấy trăm mét mà họ không thấy gì. Phần lớn thời gian, người Việt xuống từ những ngọn núi trước mặt gần Trung Quốc, đi qua thung lũng Đông Khê và trèo lên những sườn dốc có người Pháp, làm công việc đồ sộ là biến thiên nhiên ở đây thành cạm bẫy; kiên trì chuẩn bị mà chẳng lộ ra điều gì trong rừng núi mênh mông.

Dĩ nhiên quân Pháp rất nghi ngờ việc bố trí người và vũ khí ấy. Những họ chỉ thực sự nhận ra để bị găm chặt xuống đất, để chết, chỉ để đối mặt với lòng can đảm của họ. Và rồi hầu hết thời gian trời mưa phùn, phủ làn bụi xám xẩm trên núi cản trở việc dùng máy bay. Khi người Pháp cố hành quân họ buộc phải dán mình xuống đất và có ngay khối người Việt, màu của mưa phùn, rừng cây và đất, đến tiếp cận. Đấy là những tiểu đoàn, những tiểu đoàn hoàn toàn im lặng, tiến lên theo tiếng còi, bò hoặc nhảy chồm lên - trong những cuộc tấn công ấy như có một lực lượng không phải người, còn đáng sợ hơn làn sóng người nhiều.

Cảnh người Pháp bị tiêu diệt thật đơn giản! Đoàn quân Lepage ẩn trên chỏm núi như lên cao chạy lụt nhưng nước lụt tràn chỏm núi và có những trận đánh khốc liệt. Những người lính chống lại một "hiện tượng." Những chỏm núi bị chiếm đi chiếm lại và mỗi khi quân Pháp thua thì chỉ còn trốn chạy. Phân tán nhiều nhóm, họ chạy về phía tây, càng nhiều rừng núi - mệnh lệnh là đến đấy với hy vọng nối kết với đoàn quân Charton đã bỏ đường số 4 đi theo con đường mòn. Nhưng đoàn quân của Lepage này có nhiệm vụ "tiếp nhận" chỉ còn hai hoặc ba nghìn người khốn khó, hoàn toàn bị săn đuổi. Ban đêm - đêm trong núi rừng không đi được - họ vẫn đi đến kiệt sức, cố thoát, cố cách xa hơn. Ban ngày họ tiếp tục đi cho đến khi người Việt tìm thấy, đuổi kịp họ. Thế là đoàn quân - thực tế là từng mảng - ẩn vào một hoặc nhiều ngọn núi để chống cự cho đến đêm tiếp theo, có thể chạy trốn xa hơn. Cuối cùng mỗi lần có người Việt - nhiều lần những người bị săn đuổi cũng phải dừng lại để Lepage - ông già không quen mệt mỏi quá đáng như vậy có thể nghỉ ngơi. Cũng đôi khi Lepage, ra lệnh đơn vị nào đấy dừng lại trên vị trí nào đó vì ông đã đọc bản đồ, phù hợp với quân Việt sắp bao vây chặt bộ phận lớn của đoàn quân và bên cạnh không có cao điểm nào để trèo lên, chỉ có một lỗ hổng rộng, một trong những vực sâu thường thấy giữa những ngọn núi. Lepage bèn ra mệnh lệnh xuống đấy. Các đơn vị bị săn đuổi thực hiện lệnh như một người gặp lỗ để qua đêm, qua ngày sau đó và đêm tiếp theo nhưng đến bình minh hôm sau quân Việt đã ở cả trên bờ với vũ khí tự động, chỉ cần bắn từ trên xuống đám người để thành một cuộc thảm sát. Riêng đội quân dù không xuống trong vực thẳm. Nhưng chẳng mấy chốc, trên bờ viền, họ vội vã, bị dồn ép đến nỗi cũng phải lao vào lòng đất. Mũi kìm khép chặt hơn vào những gì còn lại của đoàn quân Lepage chen chúc trong lỗ. Trước mặt, trên một chỏm núi hẹp, đoàn quân đàng hoàng tiến tới. Để ra khỏi vực thẳm, đi tới đoàn Charton đang đi trên núi, phải làm một việc tuyệt đối vô vọng, theo một vách núi ít dốc hơn của lỗ tử thần, đi qua một loại vòm đá vôi, nhất là chui qua một ngách rất sâu và hẹp như một đường hầm. Và để tấn công bất đắc dĩ - một cuộc tấn công sống chết của đám tàn quân của mình - Lepage chỉ còn đội dù BEP, quân số đã hụt nhiều nhưng tinh thần vẫn tốt. Lúc ấy trong đêm tối quân dù lao ra, trèo qua những bờ dốc, dựa vào tay, chân và dựa cả vào người chết. Đại liên quân Việt bắn vào họ như bia ngắm và thân người đổ xuống, vẫn còn một số người trèo được lên bờ vực dùng lựu đạn ném vào trọng pháo địch. Tiểu đoàn bị tiêu diệt gần như hoàn toàn; những ai còn lại từ đoàn quân Lepage có thể chạy thoát một lần nữa qua ngách núi chật hẹp. Những người từ đấy ra là những ta-bo loạn thần kinh, những người lính Maroc đến với đoàn quân Charton, điên rồ, còn huỷ hoại đoàn này hơn cả người Việt. Buổi gặp nhau cuối cùng là như vậy, buổi hẹn gặp của hai đoàn quân trên cốt 470, và sau mấy giờ chẳng còn gì nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #368 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2019, 10:45:52 pm »


Nỗi thống khổ dằng dai của đoàn quân Lepage là thế. Có vẻ đáng ghi nhớ như một huyền thoại, nhưng đúng, như vậy. Từ lúc đó câu chuyện những ngày thảm hại ấy đã rất cụ thể.

Trở lại ngày 2 tháng mười. Để giơ tay ra với Charton, khi đã không chiếm được Đông Khê, Lepage chấp nhận một kế hoạch chiến lược lớn. Ý tưởng chủ đạo là "tập trung cố định" giữ chặt bộ phận lớn quân Việt gần Đông Khê bằng chiếm giữ những khối núi đổ xuống đường số 4 như cốt 615, Nà Keo, bốt cũ Nà Pá. Để lại đây đội dù BEP và hai đội ta-bo, với nhiệm vụ để cho các trung đoàn chủ yếu của ông Giáp bao vây thật lâu, mục đích giam chân họ lại đấy. Trong thời gian ấy, bản thân Lepage cùng đội lê dương RTM và một đội ta-bo xuyên rừng đến với Charton qua chỗ có ít quân Việt.

Thế nhưng chính cũng trong ngày mồng 2 ấy quân Việt tỏ ra ở khắp nơi, đông đúc đầy mọi phía. Kết quả là ngay từ đầu đoàn quân Lepage bị cắt thành hai khúc, cách nhau một ngày đường, không giúp đỡ gì được nhau và sẽ nối đuôi nhau vào thung lũng Cốc Xá để bị tiêu diệt cùng nhau - và cũng cùng đoàn Charton nữa. Thực sự là sự tập hợp để cùng chết.

Buổi chiều mồng 2 tháng mười, như người Pháp luôn luôn thế, là những chuẩn bị nặng nề, lâu, về việc triển khai "kế hoạch Lepage" sẽ bắt đầu vào mồng 3. "Đoàn quân di động", tập hợp gần Nà Pá để ra đi khi bình minh. Bỗng nhiên lúc 17 giờ ba mươi phút một trung đoàn Việt như từ hư vô, bắt gặp đại đội lê dương RTM8, giết chết đại uý chỉ huy và sáu mươi người. Đến 21 giờ, trọng pháo và súng cối dội xuống Nà Keo chỉ có một đội ta-bo. Quân Việt xâm nhập khắp nơi. Lính Maroc thiệt hại ghê gớm, người ta tập hợp lính bị thương được bao nhiêu thì được, lộn xộn, đưa vào bốt cũ Nà Pá. Chỉ huy ta-bo kêu cứu quân dù: "Các anh đến nhanh. Quân địch đã bao vây. Nếu lê dương không cứu thì xong đời”.

Dù vậy ngày hôm sau "đoàn quân di động" vẫn ra đi như dự kiến. Trong lúc đó đội quân dù BEP đến Nà Keo - hàng nghìn quân Việt lại bắt đầu tấn công vào 8 giờ sáng, tiêu diệt một số. Một đại đội dù phản công rồi toàn thể BEP. Súng quân Việt không ngớt xả đạn, những làn sóng người lao tới. Quân dù đẩy lùi ba đợt - dốc núi đầy xác chết. Máy bay Junker tách ra đi trên đường, lao vào những trận đánh lớn. Đêm xuống, vẫn càng nhiều quân Việt. Không khí trở nên nặng nề, thảm họa.

Từ lúc 17 giờ Nà Keo không giữ được nữa, một chỏm núi quá chật không tổ chức chống cự lâu được. Và rồi quả nhiên lính bị thương, hàng trăm, nêm chặt trong bốt của Nà Pá, rên rỉ hấp hối, cần chuyển đi. Nhưng làm thế nào? Quân Việt tăng cường đánh phá. Hai chỉ huy đơn vị, Delcros của đội ta-bo và Secretain đội quân dù, hai trong những người cứng cỏi vốn không quen rút lui, thú nhận với nhau: "Chúng ta sẽ bị nhấn chìm. Phải rời bỏ thôi". Đêm xuống. Phải lựa chọn, đi theo gặp Lepage trong núi, bỏ lại những người bị thương hoặc trở về đường số 4 đến Luông Phai để họ lại đã. Họ quyết định thế.

Dự kiến sẽ đi vào lúc nửa đêm. Đến ba giờ sáng chưa xuất phát. Phải phá huỷ hai ca-nông được thả dù xuống ngày 2 tháng mười, giết những con la và làm băng-ca chở thương binh. Sĩ quan, hạ sĩ quan không tìm thấy quân. Cuối cùng hai đội ta-bo ra đi, quân dù đi đầu chờ mãi, bị nghẽn lại giữa đồi dốc Nà Keo rất nguy hiểm. Đoàn người đi vào một đường hầm tự nhiên đồ sộ phía cuối có đường số 4. Chưa được một cây số đại đội Ta-bo đi đầu mang thương binh rơi vào một cuộc phục kích. Hầu như chẳng còn lại gì, chỉ mấy người lính Maroc chạy trở lại đội quân dù đang bất động. Chỉ huy của họ, Delcros biến mất. Bối rối toàn bộ. Đã có chứng cứ người Việt cảnh báo quân Pháp khắp nơi trong rừng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #369 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2019, 10:46:53 pm »


Đối với đội dù BEP và đội ta-bo còn lại, cơ may duy nhất là chạy thoát, lao vào dãy núi đá vôi mà Lepage đã đi cùng đội lê dương RTM8. Trong phần đêm cuối cùng, gần như chẳng trông thấy gì, đội quân dù tiến lên mỗi giờ không tới hai trăm mét trong rừng đá, không cây cối. Còn những người bị thương cần khiêng đi. Đến mờ sáng đoàn quân vào trong rừng. Xa xa nghe tiếng người Việt hô chiến thắng, họ đã chiếm Nà Pá. Bây giờ họ sẽ đuổi theo. Phải bước nhanh. Không có cả nước uống. Đến hai giờ chiều dừng lại, như bị bệnh thiếu ngủ, họ lăn ra đất ngủ - đã bốn đêm không được nhắm mắt. Đoàn quân như một đoàn vật tê dại, ngủ mê mệt bất chấp nguy hiểm.

Secretain và các sĩ quan biết việc nằm lại này có nghĩa là sẽ bị tiêu diệt, không được kéo dài. Họ xin mệnh lệnh Lepage qua đài và kinh hoàng biết ông này cùng các đội quân đã xuống "lỗ hổng" Cốc Xá, thực ra là hai vũng sụp lở lớn của núi đá vôi ngăn cách nhau bằng một dãy đá xung quanh là những vách thắng đứng. Chiều sâu đến hai hoặc ba trăm mét. Nhưng làm gì khác nếu đội dù không vào đấy với bộ phận lớn của đoàn quân Lepage - để mọi người tụ họp với nhau. Lại đứng dậy tiến lên trên một con đường đáng sợ. Phải trèo qua chỏm núi rất cao, cốt 765. Những bộ phận đi đầu gặp lưới lửa của quân địch nhưng Lepage khẳng định không quan trọng: ông đã để lại trên đỉnh núi một phân đội lớn của đội lê dương cho đến khi đội quân dù đi qua hết. Đành tiếp tục tiến lên. Đi đầu là đội ta-bo không bị tiêu diệt trên đường số 4 và vẫn ở lại với quân dù. Chỉ trong mất phút chẳng còn lại gì; đến lượt họ cũng rơi vào phục kích. Không báo trước với bất cứ ai, đội lê dương bỏ cốt 765, quân Việt thay thế vào chỗ ấy. Một lần nữa trong ngày thảm hại này quân Pháp bị người Việt vượt lên trước.

Trong đêm xuống, đội dù rất cô độc. Dù sao họ cũng cố tìm một lối xuống "lỗ hổng" Cốc Xá, tránh đỉnh 765. Đội dù chỉ còn vài trăm người, lang thang trên địa hình hỗn tạp. Sau nhiều lần tìm lối ra họ theo hướng thiên về phía nam hơn. Bỗng họ dừng hẳn lại, đứng ngay đầu một vách đá dựng đứng, bên dưới hình như có một thung lũng nhỏ dẫn đến thung lũng Cốc Xá. Có lẽ sẽ thoát nạn.

Đội dù cố gắng xuống nhanh theo dốc đứng này nhưng sau nhiều lần không kết quả, họ đành chịu, chờ sáng để tìm lối đi. Những giờ còn lại trong đêm cả tiểu đoàn ở trên bờ vực, mỗi người chỉ có thể dựa vào mình, thức trắng đêm với khẩu súng trong tay, biết rằng quân Việt luôn ở bên cạnh.

Bình minh lên họ vẫn không xuất hiện. Secretain và các sĩ quan tìm ngay một lối xuống. Trung uý Faulke cuối cùng tìm được một con đường nhỏ khó nhận ra, có lẽ do hoang thú đi lại. Ông thăm dò cùng với tiểu đội của mình xuống được đến dưới cùng. Họ đưa ngay hàng trăm thương binh xuống thung lũng, đi như sâu bò, từng tấc đất một.

Kỳ quan trong thung lũng là nước. Mọi người cúi xuống một con suối nhỏ dùng tay vốc nước uống và lấy cho thương binh. Xung quanh rất yên tĩnh. Hy vọng trở lại.

Bây giờ phải đưa bộ phận lớn của đội quân dù xuống hết. Faulke bố trí phòng vệ; mọi việc đã sẵn sàng nhưng không có việc gì xảy ra. Lepage lại một lần nữa thay đổi ý kiến ra lệnh nghiêm ngặt tiểu đoàn phải bố trí trên đó.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM