Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:16:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84869 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #350 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2019, 10:49:04 pm »


Thực ra Carpentier không tìm kiếm cuộc chiến mà né tránh. Việc rút quân Cao Bằng đúng như ba tiếng gõ mở màn - dưới mắt ông không là một bi kịch mà hài kịch sân khấu. Về bước đầu tổng tấn công quân Việt đường số 4 Carpentier trả lời bằng một ngón bịp đôi - bịp đối với quân Việt bằng làm ra vẻ tăng cường đường số 4 để quyết chiến đấu đến cùng trong lúc ông chỉ muốn trốn chạy. Và bịp đối với nước Pháp bằng tổ chức một cuộc hành quân lớn dễ dàng đánh chiếm Thái Nguyên, “thủ đô” của Hồ Chí Minh rất gần vùng châu thổ. "Chiến thắng" ấy được tuyên bố rùm beng làm quên đi việc rút quân ở rừng sau này.

Màn kịch chủ yếu chỉ đạo ngón bịp đôi ấy là mệnh lệnh số 46 ngày 16 tháng chín năm 1950 trong đó ông viết:

"Tôi quyết định chiếm đóng Thái Nguyên vào một ngày càng gần ngày mồng 1 tháng mười càng tốt."

"Tôi quyết định rút khỏi Cao Bằng, sẽ tiến hành khi nắm được vùng Thái Nguyên."

Trong tất cả việc đó, người ta không nghĩ đến bi kịch có thể có nhưng lo việc trình diễn tốt. Một khi đã có quyết định rút khỏi Cao Bằng, theo Carpentier, việc thứ nhất cần làm là phải che đậy trước sự thất bại có thể rơi vào ông, người luôn lặp đi lặp lại phải ở lại Cao Bằng. Muốn thế cần thiết có một chiến thắng: vì phải "cho" người Việt một thành phố rời bỏ, nhưng phải bù lại bằng chiếm lấy một thành phố khác quan trọng hơn.

Hoạt động của Carpentier là thế, nói chung điềm tĩnh ra khỏi phòng mình, khỏi lâu đài Norodom, Sài Gòn, lên máy bay tổng chỉ huy của mình đi Hà Nội và Lạng Sơn. Lần này ông cũng có nhiều ý kiến trong đầu nhưng không ở tầm chiến lược lớn như Alessandri mà là mưu kế nông dân. Ông nghĩ mình khá ranh mãnh đánh lừa được những người Việt, ông Giáp và ba mươi tiểu đoàn của ông. Điều cần thiết - "mưu kế" - ông giữ bí mật tuyệt đối, hoàn toàn, phía sau khuôn mặt khéo ngụy trang, sau những nếp nhăn của ông. Không ai, trong ban tham mưu cũng như những người thực hiện được biết hoặc đoán ra được. Việc phải làm là tạo cảm giác sức mạnh, nổi giận, đánh mọi phía. Carpentier cho chuẩn bị tuyên truyền tối đa công trình lớn cuộc thập tự chinh Thái Nguyên. Nhất là từ Lạng Sơn người ta cho một đoàn quân ra đi theo con đường số 4 đáng nguyền rủa, như muốn tăng cường Thất Khê bị đe dọa, thậm chí như muốn lấy lại Đông Khê. Và những gì có thể chấp nhận ở Cao Bằng, với một cuộc chiến dứt khoát, toàn bộ, không thương xót, người ta cử người chỉ huy đi đến cùng, Charton, "chúa trời" của quân lê dương người không sợ gì, dù loại đạo đức hoặc vô đạo đức. Người ta đưa ông này đi vì dưới con mắt người Việt và mọi người, ông là biểu tượng của cuộc chiến quyết liệt, và cũng có điều - người ta giấu diếm cẩn thận - rảnh nợ vì ông là phó của Constans vốn xem Constans là một kẻ yếu hèn. Thực sự người ta làm tất cả để lừa bịp ông Giáp, làm cho ông tưởng sẽ gặp một sự chống cự không lay chuyển được. Những ngày bầu trồi u ám đã sáng sủa một ít, qua cầu hàng không với những chiếc Junker yếu sức, người ta chuyển đi những gì vô ích cồng kềnh, trở ngại cho cuộc chiến, những người ốm đau, tất cả những người ở bệnh viện và cả những gái đĩ, chủ quán, mọi đàn ông đàn bà Việt Nam vẫn phục vụ những cần thiết và tăng cường cho các đội quân. Và người ta đưa tới những chiến binh, những lính ta-bo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #351 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2019, 10:49:41 pm »


Khi ông Giáp đã hoàn toàn lạc hướng, hoàn toàn sai lầm, Carpentier sẽ hạ bài: khu đồn trú Cao Bằng, hết sức kín đáo, không đánh động vì trò phá huỷ, "chuồn theo lối Anh" theo đường số 4 trước khi quân Việt hiểu ra và hành động. Tất cả ở chỗ di chuyển nhanh và đến Đông Khê họ sẽ tiếp nhận đoàn quân đi từ Lạng Sơn đã mười lăm ngày không ai biết rõ để làm gì kể cả viên chỉ huy, đại tá Lepage. Kín đáo, kín đáo, tất cả của tướng Carpentier là điều ấy. Thực ra mà nói vị tổng chỉ huy không sáng tạo gì về hệ thống kèn trống, sự im lặng và mưu mẹo; ông chỉ lấy lại kế hoạch cũ nằm trong hồ sơ ban tham mưu từ thời Revers khi người ta đã bắt đầu hình dung việc di tản Cao Bằng. Nhưng vào thời gian ấy chưa có quân đội ông Giáp với vô số những tiểu đoàn Việt trên đường số 4. "Không sao, Carpentier nói. Chúng ta làm họ bất ngờ." Và ở Sài Gòn, trong bí mật êm thấm của Phòng Ba Bộ Tổng tham mưu, người ta chỉ đưa ra một số phần rút ra từ chương trình đáng kính cũ.

Với Carpentier, chính là Constans, con người trung thành chỉ huy toàn bộ từ trung tâm chỉ huy đẹp đẽ của ông ta ở Lạng Sơn. Nhưng bỗng nổ ra giông tố một cách bất ngờ. Tất cả được đặt lại vấn đề do viên tướng nhỏ Alessandri mà để chắn chắn hơn, nước Pháp đã cử trở lại Đông Dương ở vị trí tướng chỉ huy Bắc Kỳ, với những ý định tốt nhất trên đời nhưng không chỉ thị gì, không báo trước những gì đang chờ đợi ông. Alessandri hình dung sang đây với tư cách người thắng cuộc, sẽ áp đặt những quan điểm của mình. Chỉ mấy phút sau ông thấy mình bị thừa và còn bị kéo vào "sự đê hèn". Nhưng trước khi chấp nhận những trận đánh "thất bại" Carpentier muốn có trong rừng và trên đồng ruộng, ông đưa cuộc đấu của đời mình vào các ban tham mưu, phủ Cao uỷ và các chức quyền. Nhưng đã là quá chậm và ông bỗng phát hiện ra mình đơn độc, rất đơn độc và bất lực.

Khi đến Sài Gòn, nhảy lên một chiếc Dakota bay ra Hà Nội có Carpentier và Pignon, Alessandri đứng trước một sự thật thảm hại: tất cả đã sẵn sàng. Việc rút khỏi Cao Bằng trong vài ngày nữa sẽ bắt đầu. Mọi thể thức hành quân đã được tham mưu trưởng của Carpentier, đại tá Lennuyeux bố trí. Những người thực hiện chính chỉ được biết trước lúc mở màn hai mươi bốn giờ - do bí mật, con bài bí mật của Carpentier. Trong lúc đó những gì một người thất vọng, quyết liệt, điên lên vì tức giận có thể làm, Alessandri đều làm. Vô ích, tuy ông đã cố gắng! Ông đụng phải cả một "hệ thống".

Cuộc chiến kéo dài mười ngày. Trước hết là sự đối mặt, như hồi tháng sáu, giữa tướng tổng chỉ huy và tướng chỉ huy ở Bắc Kỳ. Lúc đầu chỉ là những địch thủ bất đắc dĩ, còn có lễ nghi. Bây giờ là những địch thủ thực sự, chính thức, quyết liệt, mọi đòn đánh đều được sử dụng.

Cuộc tranh cãi vô ích. Những lập luận giữa hai viên tướng căm ghét nhau, ai cũng chắc chắn về chiến lược chống chọi nhau của họ thật vô ích. Đối kháng toàn bộ, và không có gì chuộc lại được sự kình địch giữa những viên tướng. Alessandri đề nghị đi Paris để Chính phủ giải quyết những quan điểm trái ngược nhau của họ. Nhưng Carpentier từ chối: "Tôi là tổng chỉ huy. Ông chỉ việc vâng lời, thực hiện những mệnh lệnh của tôi."

Alessandri không chịu thua. Ông cầu cứu Pignon làm trọng tài - Carpentier khó từ chối ông ấy. Luôn luôn vẫn thế, cao uỷ rất bối rối, hơn nữa hai tướng lại đặt ông trước những tối hậu thực sự; Carpentier với lối hùng hồn quyết liệt, Alessandri nói những câu ngắn gãy gọn. Pignon để Alessandri trình bày rất lâu kế hoạch của mình, càng làm Carpentier bực tức, nhưng cuối cùng sau khi cân nhắc ông nghiêng về phía Carpentier. Alessandri cảm thấy mặt đất sụp đổ dưới chân mình, khẩn cầu Pignon đi Paris "để Chính phủ có trách nhiệm khi biết rõ sự tình". Cao uỷ chán nản và mệt mỏi nói: "Không thể được, nhưng tôi hứa sẽ trình bày lên thủ tướng cuộc nói chuyện của chúng ta bằng điện tín ghi số”. Có gửi đi không? Chẳng ai biết.

Alessandri còn một nguồn lực - cuộc họp của Hội đồng Phòng thủ mà ông sẽ thuộc phía đa số vì có đô đốc Hải quân Ortoli và tướng Không quân Hartman. Ông nhận được sự đồng ý về nguyên tắc nhưng người ta lùi triệu tập hết tuần này đến tuần khác để không bao giờ có. Mọi cuộc chơi đã đưa ra cả. Pignon trở lại Sài Gòn. Alessandri gửi cho ông một bức thư, kêu cứu thất vọng. Cao uỷ trả lời: "Tôi nghĩ hoàn toàn như ông nhưng rất khó chuyển về Paris những xác tín của chúng ta".

Alessandri không làm gì được nữa. Carpentier là người thắng trên bàn thảm xanh. Thế nhưng tất cả đều mập mờ. Carpentier làm mọi loại hài kịch mà người ta không biết để lừa bịp Alessandri hay người Việt. Có hàng loạt mệnh lệnh đa nghĩa mà mọi người lẫn lộn. Theo thứ bậc Alessandri là chỉ huy của Constans, thế nhưng Constans - không bao giờ rời khỏi Lạng Sơn - là người Carpentier tin tưởng. Carpentier kết tội Alessandri làm cản trở mệnh lệnh của ông. Alessandri kết tội Carpentier vượt qua mình. Những việc đó có phần đúng.

Về cơ bản, đáng lẽ con người Corse phải từ chức hơn là trở thành dụng cụ của một chiến lược ông tiên đoán gặp tai họa: ông không có can đảm. Và rồi Pignon nói như vậy là một sự đào ngũ. Thế là ông ở lại. Ông chờ một phép lạ - than ôi! Ông chỉ dựa vào thời tiết xấu có thể lui lại cuộc hành quân Thérèse, nghĩa là rút khỏi Cao Bằng. Tướng Carpentier thì nóng lòng và đầu tháng mười, chẳng còn gì làm hơn là thực hiện - thực thi "Thérèse".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #352 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2019, 06:17:35 pm »


Điểm hẹn của cái chết

Lúc đầu chỉ là những thông báo về chiến thắng. Ngày mồng 1 tháng mười, lúc năm giờ chiều, các toán quân Pháp đầu tiên vào Thái Nguyên, thủ đô của Hồ Chí Minh cách Hà Nội tám mươi cây số: đấy là cuộc hành quân "Phoque" dùng làm quên lãng cuộc hành quân "Thérèse". Hệ thống thuật ngữ quân sự thật lạ chinh phục cũng như rút lui! Nhưng sau một cuộc chinh phục vinh quang như "Phoque", còn ai nghĩ đến "Thérèse” và cuộc rút khỏi Cao Bằng?

Có lẽ cái tên "Phoque" được chọn vì thời tiết. Hai ngày trước ngày J. là bão, mưa như dội nước, ngập lụt, giông tố, rét lạnh. Chưa bao giờ vùng châu thổ thê thảm như vậy. Việc bố trí hành quân tiến hành trong những điều kiện đáng sợ. Ở Đáp Cầu, cảng sông tỉnh Bắc Ninh, người ta chất dưới trời mưa dữ dội những tiểu đoàn, trọng pháo, lừa, những dự trữ thức ăn đạn dược và vũ khí. Những chiếc tàu LCT chuyên chở những thứ đó ra mặt trận phải lướt đi trong những con lạch. Bộ binh do cam-nhông chở đi ban đêm về căn cứ Phù Lỗ đèn pha bật sáng vì trời tối và thời tiết xấu. Mọi tác dụng bất ngờ hoàn toàn bị loại trừ.

Mặc dù thế cuộc hành quân triển khai ngày 29 tháng chín. Giông tố đã tan nhưng đợt mưa phùn lạnh thấu xương. Ban đêm trời tối om. Lực lượng quân Pháp đồ sộ và do viên đại tá kỳ lạ nhất Đội viễn chinh - Gambiez - chỉ huy, một chú lùn dị dạng, mặt to người nhỏ bé với giọng nói quí phái, phong cách dịu dàng. Như người bố, ông dạy cho quân xung kích thực hiện một cách có hiệu quả nhất, bằng mọi phương tiện, đôi tay, dao găm và dao lớn, dây, súng ngắn, súng tiểu liên. Ông nhẹ nhàng chiều chuộng những kẻ thô bạo bẩm sinh như những đứa "con yêu”. Dĩ nhiên ông rất sùng đạo. Và cũng dĩ nhiên, tuy đôi chân ngắn rất buồn cười, ông nhảy lúp xúp rất nhanh, đi trước binh lính chạy hết sức đến mười mét - và như vậy mỗi lần nhả đạn.

Một cuộc viễn chinh với gần mười nghìn người và gần hàu hết vũ khí hạng nặng của Đội quân viễn chinh đi từ châu thổ để chiếm đóng Thái Nguyên vẫn còn trong châu thổ về đâu phía bắc và là vùng biên miền trung du. Có ba đoàn quân. Bên phải, một "dinazo" (sư đoàn hải quân xung kích) ngược con sông Cầu bùn lầy. Bên trái đoàn lính ta-bo lùng sục những đường mòn dưới chân núi Tam Đảo. Ở giữa là nơi tập trung cuộc chiến - đoàn quân theo con đường số 43 với những thiết giáp, ca-nông, bộ binh trên các xe cam-nhông và những tiểu đoàn khác đi bộ không dứt phía sau.

Nhưng dù lực lượng phương tiện mạnh, việc tiến quân rất chậm. Không phải vì quân địch hầu như không có mà do sa lầy khắp nơi - tàu, vũ khí các loại cũng như người. Phải hàng nghìn cu-li để đẩy ca-nông 155 ly, và FMC. Người ta thu nhặt dân quê nhưng được rất ít vì họ đã được lệnh biến đi. Bước tiến chậm đến nỗi ngày 1 tháng mười, đại tá Gambiez đi Hà Nội xin ban tham mưu có quyết định thả dù một tiểu đoàn xuống Thái Nguyên - quyết định chậm, vô ích nhưng có hiệu quả rất đẹp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #353 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2019, 06:18:31 pm »


Thực tế, khi bộ phận lớn các đội quân chỉ còn cách Thái Nguyên vài cây số, như đã đến kết thúc thì có đợt thả quân dù. Những chùm lớn lính dù rơi xuống thành phố, xe tăng xông lên tiếp nối và sau mấy loạt đạn, thành phố thuộc về người Pháp. Đấy là một Thái Nguyên hoang vắng không một người dân như sau mọi cuộc di tản của người Việt, nhưng không "đốt phá" vì người Việt nghĩ nó vô ích, vùng này chẳng bao lâu sẽ trở thành của họ.

Như vậy, Thái Nguyên từ lâu trong tầm tay, cuối cùng Carpentier đã "nhặt" được. Điều lạ là việc đó quá dễ dàng. Quân Việt thậm chí không chống giữ thành phố linh thiêng của họ - chỉ đánh nhau sơ sơ. Có sáu người Pháp chết, năm mươi tám người Việt mà bốn mươi sáu là địa phương quân. Thực tế không có đội quân nào ở Thái Nguyên, chỉ là mấy cảnh sát viên. Theo một hiệu lệnh, tất cả những cơ quan, tổng bộ và các uỷ ban đơn giản biến vào núi rừng cách vài cây số. Mọi việc xảy ra như người Việt đã biết từ lâu người Pháp muốn chiếm Thái Nguyên và họ quyết định không đánh nhau mà chỉ di tản. Quân đội họ giữ cho chỗ khác - cho đường số 4 nơi họ chờ những đoàn quân của Charton và Lepage.

Vậy thì - đây là trách nhiệm lớn của Carpentier, tại sao dồn lực lượng như thế trong khi mấy tiểu đoàn cũng đủ và nhất là khi quân lính Cao Bằng lên đường theo cuộc phiêu lưu chết người? Trong lúc mấy ngày sau đó biên giới bắt đầu tan vỡ người ta cầu cứu, cần chi viện rất nhiều thì không có quân cử đi? Tất cả những gì có thể dùng cứu các đoàn quân trên đường số 4 đều ở Thái Nguyên, xung quanh Thái Nguyên để "bình định", mở rộng vùng chiếm đóng. Người ta không có thì giờ lấy những lực lượng ấy đưa tới cuộc chiến "thực sự" cách đấy hai trăm cây số qua vùng núi Mậu Sơn bao la. Khi quân đội ông Giáp đang nhấn chìm mấy tiểu đoàn của Charton và Lepage, ở Thái Nguyên người ta có mười nghìn người không đánh nhau, không dùng làm gì hết. Và thậm chí họ không biết họ vô tích sự! Tướng Carpentier, viên tướng của "câm lặng triệt để", cũng không báo trước Gambiez rằng trong lúc ông vinh quang chinh phục Thái Nguyên, người ta rút êm Cao Bằng. Ngày 10 tháng mười, khi trên đường số 4 đã là thảm họa ghê gớm, đại tá Gambiez vẫn không biết, đang bận hoàn thiện việc chiếm đóng theo những kế hoạch đã chuẩn bị cẩn thận. Sau này ông xác định "Tôi chẳng biết gì cả". Hôm ấy ông có một trục trặc nhỏ, ông xin Hà Nội một máy bay trinh sát bổ sung. Kinh ngạc xiết bao khi ông nghe trả lời: "Không thể cho ông được vì những lý do nghiêm trọng, về những gì đang xảy ra trên đường số 4". Bằng cách ấy mà Gambiez hiểu! Ít lâu sau ông được lệnh rời bỏ tất cả những gì ông đã chiếm đóng, Thái Nguyên và toàn vùng.

Thực tế, khi quân ông Giáp chiến thắng trên biên giới, mười nghìn người của Gambiez không dùng làm gì, phải rút khỏi Thái Nguyên, hơn bao giờ hết sẽ là thành phố đỏ lớn: Họ rút vội vã để chuẩn bị phòng thủ vô vọng vùng châu thổ, phòng thủ Hà Nội mà quân đội ông Giáp sẽ ào tới. Rút cuộc người ta chiếm Thái Nguyên và thông báo là "chiến thắng"- trong hai tuần.

Cuộc hành quân ấy sẽ có một ý nghĩa nếu Đội quân viễn chinh ở lại Thái Nguyên để giơ tay giúp Charton rút khỏi Cao Bằng - một Charton đáng lẽ đi về bướng Nam qua đường núi Mậu Sơn ra đến đấy. Nhưng cũng không phải trường hợp ấy vì ông ta theo một hướng khác hẳn, theo đường số 4 xuống Thất Khê và Lạng Sơn. Vậy là ở Thái Nguyên người ta hoàn toàn ngoài cuộc. Chỉ làm vui lòng Chính phủ, để họ chiếm được đa số trong Nghị viện.

Trong thời điểm ấy, trong lúc "chiến thắng”, việc rút lui Cao Bằng đã bắt đầu. Người ta biết rõ sẽ dễ dàng hơn nếu trước đó mấy tháng, khi quân đội ông Giáp chưa được "tổ chức" lại, khi họ vẫn còn trong các trại. Bây giờ theo cấp cao, điều ấy có vẻ mạo hiểm - nhưng chỉ mạo hiểm thôi. Chưa ai nghĩ - tuy có "ngạc nhiên" một quân đội Việt mạnh đến thế - quân đội ấy có thể dàn trận chiến thắng hàng chục tiểu đoàn Pháp trên biên giới. Carpentier không hề nghi ngờ điều đó. Cả nhân vật thông minh nhất, cảnh giác nhất về Đông Dương, cao uỷ Pignon, con người dân sự không tin vào khả năng của quân đội cũng nói: "Nào, nếu người Việt muốn "đụng" vào chúng ta thì cứ đụng vào. Điều ấy sẽ chữa cho họ ý muốn bắt đầu lại".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #354 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2019, 06:19:03 pm »


Cả ban tham mưu đã nghiên cứu lâu về vấn đề di tản. Có thể có ba giải pháp. Trước hết di tản bằng máy bay, theo một cầu hàng không ngắn về Lạng Sơn. Điều ấy rất có thể vì tỉnh trưởng A... trước khi rút đi cách đây một năm, đã hoàn thành một sân bay đẹp cho Junker và Dakota. Đấy là vùng dễ bảo vệ và chống đỡ; hơn nữa bộ phận lớn quân Việt không gần Cao Bằng mà vẫn ở Đông Khê, cách sáu mươi cây số. Chỉ cần chờ thời tiết tốt và sẽ làm quân Việt bất ngờ về việc "chuyển quân". Việc ấy có lẽ rất nhanh. Trong hai, ba ngày khoảng ba chục chiếc máy bay lui tới liên tục có thể đưa đi những gì là người sống ở Cao Bằng - một số dân sự còn lại và toàn bộ khu đồn trú, tất cả lính lê dương và ta-bo. Nhưng Carpentier từ chối vì như thế không "cao thượng". Những đoàn quân cuối cùng - dù chỉ một hoặc hai đại đội - phải hy sinh: họ đẩy lùi quân Việt trong lúc "thu nhặt" bộ phận lớn khu đồn trú.

Giải pháp thứ hai là cuộc "hành quân đường dài" - cuộc viễn du khó khăn và vô tận, nhiều ngày đêm, về phía nam qua dãy núi Bắc Sơn, xuyên rừng núi tệ hại. Thuận lợi là có con đường rất tốt, đường số 3 đi từ Cao Bằng đến Bắc Kạn và Thái Nguyên. Đúng là con đường mười nghìn người của đại tá đi đầu kia để chiếm Thái Nguyên: họ có thể đi ngược lên một ít để giơ tay giúp đỡ chăng? Nhất là trên con đường này không có "đại quân quân Việt ", chỉ mấy đại đội địa phương - các Sư đoàn ông Giáp vẫn ở trên đường số 4 về phía Đông Khê, cũng không gần Cao Bằng. Khi ra đi nếu ông Giáp được báo cáo và tổ chức quân đuổi theo thì khu đồn trú đã vượt quá năm mươi cây số. Nhưng dù sao cũng có nguy cơ quân Việt đi nhanh hơn và trong cả đoạn đường dài như vậy họ có thể "đuổi kịp".

Chính giải pháp đường số 4, vượt qua "lỗ" một trăm cây số giữa Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê mà người ta luôn giữ. Có một kế hoạch cũ chuẩn bị trước đây một năm đề phòng “tình huống bất ngờ". Dự kiến sẽ có một đoàn quân cứu viện đi từ Thất Khê sẽ gặp đoàn quân rút lui - điểm hẹn xác định ở Đông Khê. Kế hoạch ấy làm lúc quân Việt còn yếu và Đông Khê nằm trong tay người Pháp. Thế nhưng người ta rút nó trong hồ sơ ra và áp dụng. Việc điều chỉnh duy nhất là đoàn quân cứu viện được đẩy xa hơn trên đường số 4. Điểm hẹn gặp sẽ là ngôi làng nhỏ Nậm Nang, cách Cao Bằng ba mươi cây số. Khi toàn thể đã tập trung tại đó, họ sẽ dùng lực lượng mạnh cùng rút lui về Thất Khê.

Điểm hẹn ấy ấn định trên đường số 4, đâu đó giữa Đông Khê và Nậm Nang, đúng là của cái chết. Vì mấy tiểu đoàn quân Pháp ấy gặp nhau ở ngay chỗ tất cả các sư đoàn ông Giáp mai phục, nơi ông Giáp chờ mồi. Chưa bao giờ khái niệm "lao vào miệng sói" chính xác đến thế. Carpentier cũng ý thức được điều đó. Vì vậy, trước hết ông cố lừa quân Việt, làm trò rút lui ảo thuật. Tất cả dựa vào "sợi dây lớn" này - làm cho họ tưởng người ta bảo vệ Cao Bằng hơn bao giờ hết, lợi dụng kế đó để nghênh ngang chuồn theo đường số 4. Carpentier chuốc lấy nguy cơ lớn này, lừa ông Giáp nhưng bị thảm họa. Ngay từ đầu ông Giáp đã biết quân Pháp sẽ rút khỏi Cao Bằng theo đường số 4. Tất cả chứng tỏ điều đó, bắt đầu từ những mưu kế khốn khổ của Carpentier. Sau này ông khăng khăng nói tai họa đến vì mệnh lệnh của ông được thực hiện không đúng. Chẳng phải. Tai họa đến vì những mệnh lệnh không đúng; ông Giáp chỉ việc chờ.

Đúng ra Alessandri cố "thuyết phục" Carpentier, cảnh báo ông này về cạm bẫy chết người ông Giáp chuẩn bị trên đường số 4. Ông đã dám nói: "Là tướng tổng chỉ huy ông có quyền quyết định rút khỏi Cao Bằng; nhưng là tướng chỉ huy Bắc Kỳ, những thể thức thuộc về tôi, chính tôi chỉ đạo cuộc hành quân. Thế nhưng ông muốn áp đặt cho tôi giải pháp xấu nhất mà tôi không tán thành, tôi sợ. Thật điên rồ khi rút lui trên đường số 4, bên cạnh biên giới Trung Quốc, giữa đám đông quân lính Việt. Thật điên rồ đưa hai đoàn quân yếu đến chỗ tướng Giáp đang chờ mà không có gì bảo vệ, không dựa vào trọng pháo trong lúc thời tiết xấu làm tê liệt máy bay. Ông hãy để tôi làm. Tôi sẽ không mất một người." Và con người Corse lại nêu lên những khả năng tránh được, trước hết là về hàng không: "Tôi cam đoan với ông, danh dự quân đội không bị đụng chạm, sẽ không có những người hy sinh. Lính ngụy Thổ của tôi bảo vệ sân bay cho đến lúc chiếc máy bay Pháp cuối cùng đưa đi hết những người lính Pháp cuối cùng. Đối với những người Thổ, ông đừng ngại gì. Là chỉ thị, tôi chỉ nói "Lạng Sơn". Và họ sẽ từng nhóm nhỏ, băng rừng, đến đấy hết, tôi đảm bảo với ông đấy". Nhưng Carpentier nói không. Alessandri thử một cố gắng cuối cùng: "Nếu phải rút lui trên đường bộ, ông hãy lấy con đường số 3 chứ không phải số 4, tôi khẩn cầu ông. Vì sẽ ít nguy hiểm hơn hàng nghìn lần."

Nhưng Alessandri chỉ là một người khốn khổ, bóng của bản thân mình từ khi thất bại trong cuộc đấu thực sự của mình - người ta huỷ bỏ chiến dịch lớn đánh vào rừng và hy sinh Cao Bằng của ông. Ông chỉ còn đau khổ, chìm sâu trong thất vọng. Ông khinh bỉ Carpentier! Và Carpentier hai lần dìm ông vào hư không. Từ nay ông sợ chỉ nói với ông ta theo lương tâm mình, những chống đối nhỏ kết thúc bằng lẳng lặng phục tùng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #355 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2019, 06:29:19 pm »


Bí mật bị tiết lộ

Làm sao bí mật không bị tiết lộ ngay từ khi người ta nói loanh quanh, "bắt bẻ nhau từng li" trong các ban tham mưu ở Sài Gòn, Hà Nội, Lạng Sơn về việc di tản Cao Bằng qua con đường số 4? Dĩ nhiên chỉ những "đầu óc suy nghĩ" lớn biết và người ta khẳng định mạnh mẽ ngược lại với Đội quân viễn chinh, với toàn Việt Nam. Nhưng trong những trường hợp ấy mọi người "biết". Bao giờ cũng có chạy ra ngoài - chuyện nhảm hoặc phản bội thì kết quả vẫn là một. Dù thế nào ông Giáp cũng đã biết tin và với tất cả các sư đoàn, ông ở lại Đông Khê, chờ rơi vào tay mình ít nhất bảy đến tám tiểu đoàn. Và ông chắc chắn sẽ tiêu diệt chúng vì ông cũng được báo bộ phận lớn của đội viễn chinh - 16 tiểu đoàn, 2 đội tăng, bốn đội trọng pháp, 800 xe và hầu hết máy bay - bận vào đánh chiếm Thái Nguyên, quá xa không can thiệp được. Ở đấy quân Pháp bắn mười tám nghìn phát ca-nông 105 trong ba ngày đầu vào khoảng không. Trên đường số 4 thì họ không có ca-nông.

Ở Đông Khê ông Giáp chẳng làm gì cả; không vị trí mai phục nào tốt hơn ở đây và từng ngày ông thấy con mồi tiến lại gần. Trước hết là đoàn quân Lepage đi từ Lạng Sơn đến Thất Khê, Đông Khê - đoàn này yếu nhưng ông không vội vã tiêu diệt. Ông kiên nhẫn, hy vọng đánh đòn đôi, muốn nhấn chìm cả đoàn quân Charton chắc chắn sẽ rời Cao Bằng đến điểm hẹn của cái chết.

Tù trận thất bại lần thứ hai của Đông Khê, đoàn quân Lepage ra đi, không có chỉ thị cụ thể theo con đường đường số 4 chết chóc. Chỉ toàn lính Bắc Phi, đội lính ta-bo và đội RTM1 thứ 8 - tập hợp lộn xộn những người mệt mỏi, chẳng muốn gì nữa, thiếu tổ chức. Đoàn quân kém tinh thần và hình như người chỉ huy cũng thế. Ông ta là một nhà pháo thủ ít được biết đến, không quyền lực, chưa bao giờ hành quân ở rừng núi. Không biết vì sao ông được bổ nhiệm.

Đoàn quân đi đến nơi lạ với bao nỗi sợ hãi. Ngay từ đầu sau Na Sầm, đã có những đoạn đường bị cắt, những va chạm mất mát. Xa hơn, con đường bị phá hoại. Khắp nơi có những hố sâu, những đống đất đá, cầu bị phá, không có cách gì đưa ca-nông, vũ khí hạng nặng, cam-nhông qua được, phải trả lại về Lạng Sơn. Phải tiếp tục đi bộ, không dứt, qua những chỗ giết người, nhưng không có đại quân Việt. Cuối cùng ngày 19 tháng chín, sau bốn đêm hành quân nặng nhọc, quân lính mệt nhoài, tưởng đã thoát nạn: xa xa họ thấy thành trì vẫn nguyên vẹn dưới lòng chảo Thất Khê và nhất là tiểu đoàn có tiếng của Đội viễn chinh, đội quân dù BEP thứ nhất vừa nhảy xuống hai đợt hôm trước.

Tình hình lạ lùng. Thất Khê bị quân Việt áp sát chặt nhưng không bị tấn công. Một trong những đội ta-bo được trả về phía sau - đội quân dù thay thế. Những sĩ quan trẻ này, những người sắt thép không biết về Lepage, thấy ông quá mềm yếu. Vả lại quân dù hầu hết người Đức không tin vào lính ta-bo. Việc tập hợp chắp vá ấy có lẽ là "Bayard", vẫn không có kỷ luật. Mỗi người tự hỏi: "Tại sao mình lại ở đây?" Chẳng ai biết, kể cả Lepage. Trong tám ngày, như đã có công việc, người ta tiến hành những cuộc hành quân nhỏ gần Thất Khê. Một lần có kết quả. Sau một cuộc đi đêm dài, quân dù đi đầu hàng quân xuất hiện lúc mờ sáng, trong sương mù, trước một đoàn nhân công đang chuyển súng cối. Họ tàn sát đoàn người nhưng quân chính quy Việt phản công phía sau và lính ta-bo tan tác hết. Vụ này được giới thiệu là một "chiến thắng" nhưng tác động tâm lý thật thảm hại. Càng ngày quân dù càng tự thấy đơn độc, không tin vào Lepage chỉ huy tồi, không tin vào lính Ả Rập họ thấy không vững chắc.
___________________________________
1. Tiểu đoàn lính Maroc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #356 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2019, 06:31:19 pm »


Sau một tuần lễ có vẻ Bộ chỉ huy đã có ý đồ. Rõ ràng người ta chuẩn bị làm một "việc gì đó". Sân bay Thất Khê. một mẩu đất mà Junker cũng không đỗ được, được sửa chữa; có những đợt thả dù thực phẩm, đạn dược, cả những giày săng đan - quân lính thấy mình không biết sẽ có việc gì.

Hôm sau, ngày 30 tháng chín thì ông biết. Một điện tín số đến Lạng Sơn, bằng mật mã, do Constans ký. Mệnh lệnh giao cho đoàn quân Bayard đánh chiếm Đông Khê ngày 9 tháng mười, vào buổi trưa, tại sao? Đối với Lepage như một mệnh lệnh tự sát. Thất vọng ông điện về Lạng Sơn, nêu lên những mối nguy hiểm trong nhiệm vụ, viên đại tá quá kỷ luật không nói đây là sự điên rồ. Với không đến hai nghìn người ông phải xông vào rừng lạ để chiếm Đông Khê mà người ta không biết gì ngoài một đống đổ nát. Vả lại tất cả mù tịt nếu không chỉ biết trong thiên nhiên có vẻ trống rỗng quân Việt tập trung rất đông, trang bị trọng pháo. Người Pháp không có ca-nông. Chỉ có mấy chiếc trong thành Thất Khê nhưng không thể đưa đi xa trên đường số 4, qua cầu Bascou đã bị phá hỏng. Trên đường số 4 tất cả bị phá hoại hơn bao giờ hết. Những người đi trước chỉ biết dựa vào chính mình và những gì mang theo, rất khó tiếp tế, cứu viện. Chỉ máy bay có thể giúp họ nhưng mưa phùn, bầu trời hoàn toàn mù mịt.

Lạng Sơn trả lời: dứt khoát phải bắt đầu ngay. Một sự trỗi dậy cuối cùng, Lepage đề nghị lùi lại hai mươi bốn tiếng đồng hồ hy vọng bầu trời sáng sủa thêm. Từ chối.

Chiều ngày 30 tháng chín có cuộc hội nghị trang trọng các chỉ huy đơn vị của đoàn quân Bayard. Xung quanh Lepage là thiếu tá Scretain của đội quân dù BEP1 thứ nhất; thiếu tá Arnaud của đội RTM thứ 8, thiếu tá Delcos của đội Ta-bo 11, đại uý Faugas của đội Ta-bo thứ nhất. Thật sầu thảm. Sau khi phổ biến chỉ thị của Lạng Sơn, Lepage nói thêm: "Hy vọng duy nhất của tôi là quân Việt không chiếm đóng Đông Khê. Không thế thì tôi chẳng biết làm như thế nào để chiếm được". Các chỉ huy đi ra, lệnh cho các đội quân. Các sĩ quan trẻ và binh lính dù đùa cợt như lối khiêu khích quen thuộc. Lính dù có những khuôn mặt định mệnh, nhưng trong lòng có bị huỷ hoại không? Trong binh lính người ta kể với nhau đáng lẽ Lepage phải nói: "Người ta không bao giờ trở lại nữa". Đáng ra ông ta phải khóc rồi đi sám hối.

Ngay tôi hôm ấy đoàn quân đi vào đêm tối, vào sự khốc liệt của núi rừng - bốn tiểu đoàn chống lại ba mươi tiểu đoàn. Đây là chiến thuật nối tiếp nhau vượt lên, các đơn vị tiếp nhau đi đầu. Phần lớn thời gian quân dù đi trên đường, quân ta-bo "soi sáng" cạnh sườn. Lại một lần nữa quân Pháp trèo lên ngọn đèo máu, đèo Luông Phai. Và quân địch không cố gắng chống cự, không sử dụng rừng, chỏm núi, hang động để ngăn chặn bước tiến của đoàn quân. Binh lính lo lắng bảo: "Thật quá dễ dàng". Trời sáng đã lâu khi đoàn người đi qua dãy núi đá vôi chính, lên đến đỉnh đèo. Bước đi chậm, quân dù vẫn ở đầu hàng quân. Đây là cảnh hàng trăm chỏm núi - không một người Việt. Qua đường, quân Pháp chiếm chiếc bốt cũ ở Nà Pá, trống rỗng thê thảm. Chính lúc đó, qua một khối đá khống chế con đường, tiểu đội học viên đã mang lon của đội dù, do trung uý Faulke chỉ huy, gặp một toán tuần tra địch, họ hạ sát ba người Việt nhưng hai người chạy được, về báo động ở Đông Khê.

Đại uý Jeanpierre nói với Faulke:

- Tiểu đội anh liều chết lao tới đi. Đây còn là cơ may cuối cùng để chiếm Đông Khê bất ngờ, nếu ở đấy không có quân Việt.

Tiểu đội ào lên, theo sau là một đại đội quân dù. Khoảng một trăm người chạy nhiều cây số. Bỗng rất sâu phía dưới, họ thấy lòng chảo cùng đồng ruộng ở giữa, thay vì bốt là những vật bị cháy còn lại. Quân địch có ẩn náu đông đúc trong "lỗ" ấy không hay chẳng có người? Faulke và tiểu đội nhảy xuống vùng ấy qua đường số 4 - không một bóng người, một con vật, chẳng có gì cả. Và chẳng ai biết cảnh trống không lạ lùng ấy là tốt hay xấu. Nhóm lính dù cách Đông Khê tám trăm mét, không có thể hiện gì. Đã khoảng mười bảy giờ, phải vượt một con suối qua chiếc cầu nhỏ dưới chân núi. Ở chỗ này, quân dù bị chặn đứng lại với vật dụng trên người do những loạt đạn rất chính xác của tiểu liên và móc-chi-ê, từ những đổ nát của chiếc bốt cũ và một ngôi chùa nhỏ trước đây quân đồn trú đã biến thành lô cốt. Xa hơn, đại đội đi theo bố trí súng để phản pháo những vũ khí tự động của quân Việt nhưng vô ích - không vượt được làn đạn bắn chặn. Đại uý Jeanpierre lại nói với Faulke: "Chắc chắn không có nhiều quân Việt trong lòng chảo Đông Khê. Nếu Lepage vận động chiến, tung cả đoàn quân vào tấn công tất sẽ chiếm được". Nhưng không, tất cả dừng lại. Đại tá thấy không còn "bất ngờ" được nữa, quyết định phải tổ chức, một cuộc "hành quân lớn", lùi lại ngày mai vì phải có máy bay, trọng pháo. Ông điện về Lạng Sơn đề nghị thả dù xuống cho hai súng ca-nông.
____________________________________
1.Tiểu đoàn lính Lê dương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #357 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2019, 06:33:13 pm »

Ban đêm tình hình thật lạ. Lòng chảo Đông Khê có vẻ hoang vắng. Chiều hôm ấy như là bên nào cũng sợ bị đập tan ở đáy chậu này. Quân Pháp không dám đi xuống cả đoàn, ở lại trên cao, bố trí giữa các chỏm núi. Về phía họ, năm tiểu đoàn Việt chiếm Đông Khê mười lăm ngày trước đây cũng hầu như rút ngay và cũng bố trí trên những núi đá vôi rất gần, không ở lối ra đường số 4 mà ở con đường tiếp vận của họ với Trung Quốc. Và đằng sau năm tiểu đoàn ấy có nhiều tiểu đoàn khác gần như cả quân đội ông Giáp dự trữ ở đấy. Và tất cả lực lượng ấy chỉ cách mấy giờ đoàn quân Lepage đóng trên đỉnh 615, Na Chiang, Nà Keo, Ngaum, bốt cũ Nà Pá, những chỏm núi cuối cùng ôm chặt đường số 4 đoạn con đường này đi vào Đông Khê.

Tuy vậy trong lòng chảo trống không còn tiểu đội dù đại đội đi theo đã thoát ra được. Những học viên mang lon bị bất động, ẩn sâu vào các hố xung quanh con đường, hầu như lộ ra hết. Họ bị bắn như những con thỏ. Những người bị lộ nằm dài như xác chết - mưu mẹo lừa quân Việt. Lúc ấy Jeanpierre đứng dậy giữa làn đạn nói với Faulke: "Chúng ta đi thăm dò lên phía bắc một ít: có lẽ có một góc chết nào đó có thể lại gần Đông Khê", Mấy người đứng dậy đi theo họ, một trong bọn họ ngã xuống ngay. Jeanpierre và Faulke tiếp lên mấy trăm mét lại gần thành trì bị phá huỷ. Một anh dùng điện đài nhỏ mang theo xin mệnh lệnh của Lepage: "Có lẽ tôi gặp cơ may cuối cùng đây". Trả lời không làm gì cả: có dịp thì trở lên chỏm núi. Trời tôi, lợi dụng bóng đêm cả tiểu đội leo núi dốc lên đến trung tâm chỉ huy của quân dù. Jean Pierre và Faulke càu nhàu: Nếu để chúng ta làm, với một trăm người chúng ta đã lừa được quân Việt.

Hôm sau, ngày 2 tháng mười, là cuộc tấn công của quân Pháp. Ý của Lepage là nắm lòng chảo Đông Khê theo gọng kìm, một mũi từ phía đông và một phía tây, bỏ đường số 4 và đội dù lính ta-bo, đội RTM thứ 8 đi dọc theo các chóp núi đổ xuống đồng bằng, cả một vùng rừng núi - một mớ lẫn lộn ngọn núi, hang động đồi dốc. Trong dãy liên tiếp khoáng chất và cây cối ấy, cách hai mét không trông thấy nhau đấy, vẫn nhiều, quá nhiều lẫn lộn với rừng cây không lay chuyển nổi.

Một cuộc chiến kỳ lạ. Nhiệm vụ đội quân dù là luồn vào khối núi đá đồ sộ phía đông đường số 4, kết thúc ở dốc đứng cách Đông Khê mấy trăm mét. Đại đội 1 đi. Lúc đầu không có gì, cho đến lúc một viên quản khát, đi múc một bi-đông nước dưới suối, thấy một người Việt cũng đang uống nước. Hai người đều bất ngờ, bắn vào nhau và bỏ chạy. Viên quản đến báo với đại uý của mình: "Có quân Việt bên cạnh." Cây cối rậm rạp đến nỗi không có chỗ đặt súng để sử dụng. Quân Pháp tiến lên từng mét một. Bỗng đội tuần tra thấy ở bìa rừng mấy người Việt ngồi trên cỏ, cúi xuống bản đồ tranh luận. Người bắn súng FM ngắm cẩn thận và nổ súng: một người chết. Nhưng xung quanh đầy quân địch và họ bắn trả ghê gớm. Quân dù chỉ một đại đội nhưng cả một trung đoàn Việt ngay cạnh, ẩn náu, phục kích. Lính dù bị bắn từ nhiều phía, "bị tưới như chuột". Việc tự bảo vệ duy nhất là "nấp" vào cây cối. Họ không thấy quân Việt nhưng có lẽ quân Việt cũng không thấy rõ họ, lưới lửa chết người hình như không nhằm đúng địch. Dù sao cũng phải lùi lại vài chục mét. Quân dù trở lại bìa rừng, có thể nhận ra nhau, nhưng quá hẹp cho cả mọi người. Đại uý tổ chức phòng vệ, năm xạ thủ dàn thành hàng ngang trên hai mươi mét, súng tiểu liên cầm tay, còn lại ở phía sau, lẩn trong rừng. Việc xô xát kéo dài hơn một giờ. Sau một đợt dội súng cối, quân Việt tấn công hai lần nhưng bị đẩy lùi. Chỉ hai lính dù bị giết. Quân Việt rút đi, sát ngay cạnh, rất đông, chờ cơ hội. Không tiến lên được. Quân tiếp viện không được việc vì không triển khai được. Cuối cùng quân dù cũng rút lui về trung tâm chỉ huy. Một đợt thất bại.

Đội RTM8 và ta-bo cũng thất bại; Mặc dù những khó khăn không tưởng được, lúc đầu họ đã tiến khá xa, một lính ta-bo đã tới gần địa giới sân bay Đông Khê. Họ bị phản công và lùi lại. Càng đáng lo ngại hơn vì máy bay - trời đẹp hơn và máy bay tiêm kích đã lên được - báo hiệu các bên đều có những đoàn lớn quân Việt xông tới. Không còn vấn đề chiếm Đông Khê bằng sức mạnh nữa, dù hai ca-nông và xạ thủ đã được thả dù xuống theo yêu cầu.

Đây là lúc quyết định. Bộ chỉ huy Pháp còn có thể từ bỏ việc di tản Cao Bằng theo đường số 4 vì điều kiện tiên quyết - việc đoàn quân Lepage chiếm Đông Khê không làm được. Hình như lúc đó Alessandri điện cho Carpentier: "Huỷ bỏ đi. Nếu cố bám ông sẽ mắc một trọng tội." Nhưng Carpentier ngoan cố. Lepage không chiếm được Đông Khê, phải quay về phía tây vào sâu trong rừng núi hoàn toàn hoang dã. Ở đấy có một con đường vừa vạch ra, chưa được biết lắm nhưng đi về Cao Bằng, ra đúng đường số 4 gần Nậm Nang - ở đây đoàn quân Charton phải đi tới, chỉ cách ba mươi cây số trên đường. Dự kiến hai đoàn quân gặp nhau ngày 3 tháng mười.

Lúc 14 giờ ba mươi phút ngày 2 tháng mười nhận được lệnh ấy qua một chỉ thị đến Trung tâm Chỉ huy hành quân của ông. Cuối cùng Charton biết trong mười lăm ngày đoàn quân của ông phải làm gì - đưa tay ra với khu đồn trú Cao Bằng. Nhưng ông biết điều đó trong những hoàn cảnh bi đát nhất, sau thất bại của ông ở Đông Khê, khi người ta ra lệnh cho ông đi sâu vào núi rừng đáng sợ mà quân Việt đã rất nhiều sẽ còn đáng sợ hơn, là một cuộc tàn sát.

Vào trong khu ngổn ngang núi đá phía nam Đông Khê thường con người không chịu đựng được, phải mang theo tất cả, thậm chí nước cũng không có trong núi rừng khô nẻ ấy. Quân lính Pháp sẽ đi vào một vùng đáng sợ, một mê lộ của thiên nhiên không có người hướng dẫn, không được tiếp tế, không có gì. Ngược lại, Việt Minh ở đó như ở nhà, thường là một trong những nơi ẩn náu của họ. Có hàng nghìn nhân công mang những thứ cần thiết cho binh lính, những vò nước và những gùi đạn. Đạn dược từ nước Trung Hoa ngay cạnh, chỉ cách vài chục cây số.

Đây là giờ hành động của Giáp. Ông đã đoán trúng, cố  nén lại khi vấn đề chưa thật rõ ràng. Ông ngờ đoàn quân Lepage dù Lepage cũng không biết, không có mục đích thực sự chiếm lại Đông Khê và bố trí lâu dài - mà chỉ là một cuộc đi về. Ông để họ kéo dài thời gian xung quanh đường số 4 không tấn công, biết rằng họ ở đây chỉ để chờ đợi, để "đón" đoàn quân đồn trú Cao Bằng rút lui. Lúc ấy sẽ tiêu diệt tất cả. Dĩ nhiên không chắc chắn tuyệt đối vì ở Cao Bằng đang hoạt động mạnh như để tăng cường sức chống cự, xây dựng lâu dài. Nhưng phải chăng là một sự dàn cảnh cho cuộc rút lui sắp tới? Dù sao, để "xem rõ", tốt nhất là ở lại gần Đông Khê - và cả quân đội ông Giáp yên tĩnh ở trong những ngọn núi đá vôi ấy, để Lepage và quân lính Pháp đi tới.

Rồi mọi việc đã chắc chắn. Sau việc móc mồi là rúc tù và báo hiệu, là lúc đánh. Hai ngày đầu tháng mười, ông Giáp còn hạn chế trong chống đỡ, cản trở Lepage chiếm Đông Khê. Nhưng ngày 2 tháng mười ông cũng có thông tin chủ yếu - quân đồn trú Cao Bằng chuẩn bị lên đường. Đoàn quân lặng lẽ đi đến Nậm Nang, không thấy Lepage, không có quân cứu viện. Tiếp tục đi, họ mất hai, ba ngày để tới vùng phụ cận Đông Khê. Công việc phải tiến hành trong thời hạn ấy, phải tấn công đoàn quân Lepage đang lang thang giữa núi rừng, đuổi theo, bao vây, đập tan. Khi đoàn quân Charton, kiệt sức vì cuộc di tản, không thấy quân Pháp đón mình mà hàng nghìn, hàng chục nghìn quân Việt tấn công, đến lượt mình, sẽ dễ dàng bị tiêu diệt nốt.

Kế hoạch của ông Giáp gần như được thực hiện toàn bộ. Vì một phép màu, một số tiểu đoàn quân Pháp có thể cầm cự lâu hơn nhiều dự kiến của ông. Nhưng kết quả như ông đã chờ đợi - thảm họa gần như hoàn toàn của quân Pháp, sự tháo chạy trong những hoàn cảnh thê thảm nhất. Không đến vài trăm người trốn thoát. Lần đầu tiên ở Đông Dương những người da vàng đập tan người da trắng và lần đầu tiên luận thuyết biện chứng đỏ chiến thắng chiến lược của trường chiến tranh. Như các thánh thần sụp đổ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #358 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2019, 08:29:32 pm »


Một ông thánh của đội quân Lê dương

Ở Cao Bằng, mọi việc tốt đẹp từ khi Charton, không hòa hợp tính khí với Constans mà ông là phó mấy tháng ở Lạng Sơn, trở về làm "ông chủ". Ông cũng như lính lê dương của ông, với sức mạnh của thiên nhiên, thích thô bạo, nhưng biết chiến đấu. Ở Cao Bằng ông không hề bị phiền phức, người của ông cũng thế. Một thiên đường hơn bao giờ hết. Không còn dây dưa với đường số 4 và những đoàn xe từ khi là một "con nhím". Máy bay càng tốt hơn nhiều. Chỉ nửa tiếng đồng hồ người ta đã ở Hà Nội và trở về hoàn toàn "êm thấm". Có gì máy bay không đưa lên như "hàng hóa" cho đến rau tươi, dâu tây! Và những người dân sự di tản trước đây một năm như thành phố bị bao vây, thu xếp để trở lại. Lại có ít nhất đến ba nghìn, tất cả những gì cần phải có như gái đĩ, các bà bán điểm tâm, chủ khách sạn, quản lý, chủ quán. Đầy nhung nhúc. Chẳng có gì không thấy! Lại các nhà chứa, rạp chiếu phim, quán rượu. Có tất cả những gì quân lê dương thích - tình, rượu, chiến tranh và cả sự bình lặng với ý nghĩa không một "người có ảnh hưởng" nào của Sài Gòn, Hà Nội đến đây. Vậy là không rắc rối. Đội lê dương như ở nhà mình, sống theo ý thích. Đạo đức xuống cấp ghê gớm, không chỉ ở binh lính da trắng hay da vàng mà cả nhân dân ở đây cũng để thỏa mãn mọi yêu cầu cần thiết.

Bất kể những loa phóng thanh Việt hầu như mỗi đêm đều hét lên: "Các anh hàng đi. Trong ít ngày nữa chúng tôi sẽ tấn công Cao Bằng. Và tai họa cho lính đánh thuê và phản động!" Không ai tin. Họ nghĩ thành phố không thể chiếm được. Đây là một bán đảo, giữa hai con sông sâu không lội qua được. Giữa những dòng nước bảo vệ ấy, Cao Bằng được xây dựng trên một ngọn đồi dốc đứng, để chống giữ. Trên đỉnh thành trì xưa kia bị người Trung Hoa phá hoại - chẳng có gì chắc chắn hơn những đổ nát từng mảng trong việc tránh bom đạn, lại có những đường hầm sâu bốn mét. Cuối cùng, bên ngoài người ta tăng thêm nhiều hàng phòng ngự và lô cốt. Quân Việt khó lại gần vì xung quanh là "đồi núi thả bò", không đá vôi, không có rừng, máy bay dễ phát hiện những chỗ tập trung và trọng pháo dội vào đấy.

Vì vậy Charton chắc chắn có thể giữ được ít nhất hai năm: để chiếm Cao Bằng, ít nhất ông Giáp phải hy sinh 15.000 đến 20.000 quân chính quy, điều ông không thể cho phép mình làm vì đấy là nòng cốt của quân đội mới của ông. Đã nhiều tháng nay Charton không ngớt nhắc lại với Sài Gòn và Hà Nội: "Các ông đừng lo cho chúng tôi. Không bao giờ quân Việt tấn công chúng tôi, họ có những mồi dễ dàng hơn như Đông Khê và Thất Khê. Nếu muốn các ông di tản những chỗ ấy, không để làm gì, không khống chế con đường nào từ phương bắc xuống cả. Vả lại tinh thần quân đồn trú ở đấy không tốt lắm. Không như ở đây. Cứ để chúng tôi ở Cao Bằng kiểm soát con đường lớn, đường huyết mạch từ Trung Quốc sang Bắc Kỳ. Chúng tôi tất cả đều hài lòng ở đây. Nếu các ông muốn làm những việc lớn, hãy gửi cho chúng tôi bốn khẩu ca-nông 155 ly và hai khẩu 105 ly nhưng loại hiện đại - đấy là những gì tôi thiếu. Trọng pháo của tôi hơi yếu."

Thực ra tinh thần ở Cao Bằng không cao lắm trước khi Charton đến - nhất là đội RTM thứ 8 có tiếng xấu (đấy là một trung đoàn bây giờ có một phần trong đoàn quân Lepage). Viên đại tá đã nhanh chóng vực dậy tình hình. Charton với những phương pháp riêng, bắt đầu "giáo dục" quân lính. Để nâng cao tinh thần chiến đấu, ông tăng cường những cuộc hành quân xung quanh Cao Bằng, mỗi đêm tổ chức khoảng mười lăm cuộc phục kích. Kết quả là cuộc chiến tiến hành tốt và việc buôn bán cũng vậy. Quân Việt không dám lại gần Cao Bằng nữa; trong thị xã chưa bao giờ đồng tiền quay nhanh đến thế.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #359 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2019, 08:30:38 pm »


Charton cũng có cách làm đối với dân chúng, những người Việt Nam đáng kính và những Trung Hoa trong vùng. Một hôm ông tập hợp tất cả những trưởng khu, chủ công ty, chỉ huy ngụy binh. Và ông giảng giải như sau:

- Các ông đã lựa chọn sống với người Pháp, tôi muốn nói với quân đội lê dương. Có những người đã đến đây năm năm nay. Có thể có ai đó trong các ông đã nghĩ khác, hối hận chăng. Nếu có người đến nói với tôi: "Tôi đã lầm, bây giờ lòng tôi hướng về Việt Minh", sẽ không ai làm hại gì họ cả. Đơn giản chỉ là chào tạm biệt và cám ơn - tôi sẽ cho dẫn họ ra cách Cao Bằng năm cây số để họ muốn đi đâu thì đi. Các ông có mười lăm ngày để suy nghĩ, lựa chọn. Nhưng sau đó nếu tôi biết bất cứ ai có một tí tiếp xúc, trực tiếp hoặc gián tiếp với quân địch, tôi bắn ngay lập tức".

Hình như sau bài diễn văn ngắn gọn ấy không có một đề nghị nào cho đi theo Việt Minh, không có một phản bội nào. Ngược lại toàn dân chúng hứa hẹn trung thành. Cao Bằng - một đầu đinh ghim giữa đất Việt Minh - là hạnh phúc vừa quân sự và tư bản. Và những cái đó nhờ vào Charton, ông thánh của đội lê dương.

Nhưng vào cuối tháng chín đã thể hiện những điềm báo tai họa. Không phải do quân Việt mà bộ phận lớn đang ở khá xa (chỉ những trinh sát và hai, ba tiểu đoàn của ông Giáp "bám"), mà do những nhân vật khá lớn vốn không có thói quen khinh suất, đến Cao Bằng, thường đến bất chợt và liên tục. Một hôm máy bay có giường nằm của tổng chỉ huy, tướng Carpentier hạ cánh. Ông vui vẻ, thân mật, thậm chí như người bố của quân lính. Với các đội quân ông làm một bài "diễn văn" yêu nước, rất hùng hồn: "Sẽ không có việc di tản. Các anh chống giữ Cao Bằng cho đến cùng, cho đến người cuối nếu cần. Nhưng các anh hãy tin tưởng; Chỉ huy các anh đã có Charton. Ông ấy có vận đỏ. Với ông, các anh không có gì rủi ro”. Với bản thân Charton, ông nói: "Ông có nhiệm vụ giữ vững Cao Bằng cho nước Pháp. Ngay ngày mai, tôi cho một cầu hàng không đưa tới cho ông một đội quân ta-bo và chuyển hết đàn bà trẻ em đi. Như vậy ông có những điều kiện tốt nhất để chiến đấu và đẩy lùi những cuộc tấn công hàng trung đoàn tôi biết có mục tiêu sắp tới là Cao Bằng."

Như vậy Cao Bằng được công khai trụ lại để chiến đấu đến cùng. Hàng ngày máy bay Junker đưa tới những đợt lính Maroc quân số đầy đủ của đội Ta-bo thứ 3. Đổi lại mỗi máy bay chở đi những chuyến phụ nữ Việt Nam và Trung Hoa đầy đủ trẻ con và gồng gánh. Tóm lại cầu hàng không liên tục đưa lực lượng tới - quân lính - và chuyển những yếu kém đi, những miệng ăn vô ích.

Nhưng giữa hành trang chiến đấu ấy, dấu hiệu báo động đầu tiên đã đưa tới cho Charton. Một chiếc máy bay đầy sao khác - chỉ có một hoặc hai chiếc - cũng hạ cánh ở Cao Bằng. Đấy là tướng Alessandri, con người vẫn luôn suy sụp. Không chỉ ông đau yếu về tinh thần mà cả thân xác: sức yếu, sốt, bệnh lỵ. Nhưng nỗi đau gặm nhấm ông là phải chỉ đạo cuộc hành quân " Thérèse" - việc di tản Cao Bằng mà ông đã đấu tranh chống lại, mà ông ghê tởm. Ông đến tại chỗ để "xem xét" để chuẩn bị. Hơn nữa ông có những chỉ thị nghiêm ngặt phải chơi màn hài kịch như Carpentier, không được nói gì về việc thực sự chuẩn bị, kể cả với Charton: mệnh lệnh rút quân chỉ đưa ra trước hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Trong lúc chờ đợi ông phải lừa bịp Charton.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM