Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 08:45:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 85274 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #340 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2019, 10:33:50 pm »


Những trò chơi nhỏ của các viên tướng lớn

Ra tay rồi Carpentier rất khôn ngoan: phải lấy phong cách tổng chỉ huy, dĩ nhiên thẳng thắn để chứng tỏ quyền lực, hơi than phiền như là nạn nhân của một sự hiểu lầm nhưng cũng hơi hiền lành như sẵn sàng lắng nghe. Ông phải mưu mẹo. Vì Alessandri có những đồng minh mạnh tại chỗ, đặc biệt đô đốc Ortoli, chỉ huy lực lượng hải quân Pháp ở Viễn Đông, cũng là người đảo Corse nhưng trăm lần ghê gớm hơn; ông ta không sợ gì và vốn rất trong sạch nên rất đáng sợ. Một người như Carpentier ngại làm trái ý ông ta, sợ vì tính tình và nhân cách, và vì ông ta là người bạn rất gần gũi của tướng de Gaulle.

Alessandri cũng có thể dựa ở mức độ kém hơn, vào tướng chỉ huy không quân Hartman, vừa mới đến, một người khỏe mạnh khô khan và đen, loại "chủ bài" cũ hơi õng ẹo, hơi cằn cỗi nhưng rất biết việc của mình. Ông thấy ở Đông Dương đầy "chuyện tầm phào" và phải nghiêm túc chấn chỉnh. Nhất là về không quân, sẽ làm lại tất cả và sau đó người Việt sẽ hiểu.

Cũng có cả Pignon, Pignon trung thực đã mất vui trong cuộc sống, đau khổ, đắm mình trong ý thức của mình. Ông không phải nhà quân sự, muốn có một giải pháp chính trị nhưng hỏng việc, và các nhà quân sự bao vây ông. Thâm tâm ông đồng tình với Alessandri người đồng chí cũ, cũng trung thực, thật thà; và ông biết cơ may duy nhất là tấn công, phá vỡ tứ giác Hồ Chí Minh, chiếm hết vùng rừng núi biên giới Trung Quốc. Nhưng Carpentier đã chứng minh với ông, dựa vào chứng cứ, số liệu, hồ sơ trên tay, là không thể được. Thế là ông đứng về phía ông này nhưng bất đắc dĩ, lương tâm không thanh thản. Không thể tham khảo ý kiến ở Paris, ở Chính phủ; ở đấy chẳng có người nào hiểu rõ tình hình. Pignon cảm thấy cô độc, thất vọng. Ông ngần ngừ. Những người xung quanh Carpentier tự hỏi, Pignon phân vân, dè dặt như vậy rồi có thay đổi quan điểm, đứng về phía Carpentier không.

Carpentier lo ngại trước hết là Hội đồng phòng vệ. Đây là uỷ ban tối cao "chịu trách nhiệm về những cuộc hành quân ở Đông Dương" - một cuộc họp gồm tổng chỉ huy, cao uỷ, chỉ huy trưởng Lục quân, chỉ huy trưởng Hải quân, chỉ huy trưởng Không quân. Nếu nhóm họp Carpentier sẽ là thiểu số với Pignon lưng chừng, Alessandri, Ortoli và Hartman vốn tích cực chống lại. Hội đồng này đã chính thức được bãi bỏ nhưng thường vẫn có một thời gian quá độ còn mập mờ nên những người chống đối có thể vẫn đòi hỏi triệu tập.

Đối với Carpentier tấm ván cứu nạn là Paris. Ông phải về nước để nói với những ai có quyền, với Juin, với bộ Chiến tranh, các nhân vật cao cấp quan trọng có thế lực. Ông phải về trước Alessandri, vì ông người Corse câm lặng khinh thường báo chí và các hình thức truyền thống, quyết định về ngồi ở nền Đệ tứ Cộng hòa, thuyết phục mọi người để cứu vớt kế hoạch của mình, cứu Đông Dương, và do không thể ra đi chính thức, ông nói về việc từ chức, đòi trả ông về chính quốc.

Để giữ ông lại một ít, Carpentier điện cho Alessandri ở Hà Nội: "Nhiệm vụ gọi tôi về Pháp mấy tuần lễ. Ông hãy vào Sài Gòn thay tôi lãnh đạo cho đến khi tôi trở lại". Ông buộc phải chờ Alessandri. Và ở lâu đài Norodom là sự đối mặt giữa người ra đi trước và người đi sau. Trả lời những trách móc của một Alessandri tái người, thiếu não, nhăn nhó vì cay đắng, Carpentier nói: "Tôi đã để ông làm phó vương Bắc Kỳ, ông lạm dụng quá nhiều. Việc ấy không tiếp tục được nữa". Alessandri chỉ còn than phiền với Pignon: "Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn thống nhất về quan điểm. Tôi rất tiếc ông đã không thừa nhận việc tôi làm." Pignon cố khẳng định thiện ý của mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #341 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2019, 10:35:30 pm »


Ở Paris Carpentier làm ra vẻ một tướng tổng chỉ huy dũng cảm, có lẽ không xuất sắc lắm nhưng chắc chắn, ông trình bày những sự việc rất đúng mức. Nhờ ông không có gì đáng lo ngại. Ông có mọi thứ cần thiết, không cần phải tăng cường gì thêm. Tình hình tốt, rất tốt, chắc chắn chiến thắng, nhưng có lẽ phải hành quân. Ông đảm nhiệm việc ấy. Ông đã nghiên cứu mọi tình huống bất ngờ, đã ngăn chặn hết. Có lẽ phải di tản Cao Bằng mất hút trong rừng núi - để chờ quân Việt ở chiến trường tốt hơn, đập tan họ ở rìa vùng châu thổ. Người ta có thể tin tưởng ở ông. Chắc hẳn sẽ có mấy tuần lễ hơi khó khăn nhưng với một người lính kỳ cựu như ông, việc đó không hề gì. Ở Đông Dương có những viên tướng kiêu căng, vô kỷ luật dễ rơi vào cạm bẫy quân Việt - ông, ông sẽ để thời gian cần thiết nhưng sẽ "tóm được" quân địch một cách khoa học. Vả lại trong mấy tháng nữa, mọi việc tốt hơn nhiều - và cuối cùng ông có thể đưa về Pháp những tiểu đoàn của Đội quân lê dương mà ông hoãn chậm lại vì khôn khéo.

Carpentier trở lại Sài Gòn rất phấn khởi với những lời tán thành, khen ngợi của Chính phủ. Về cơ bản Alessandri sẽ đỡ gây rối ở Pháp hơn ở Đông Dương - dù ông ta tổ chức chiến dịch vận động ở đấy. Vì ông, Carpentier có nguy cơ gì khi luôn luôn có chỗ dựa không lay chuyển được là ông chủ Juin? Ngược lại, ở Paris Alessandri sẽ bị gãy răng.

"Con người Corse" ra đi trong tình thế ấy, không ai biết có đi hẳn không, đi phép, từ chức hay bị thải hồi. Người ta nói mơ hồ về một viên tướng khác thay thế ông - nhưng không có gì thay đổi, Pignon cũng không biết.

Riêng Alessandri biết được thực sự ông muốn gì: Carpentier để ông trở về vị trí. của mình. Và như vậy ông nhận trách nhiệm rất lớn khi đi Pháp vào đầu "thời gian chờ đợi lớn", lúc quân đội ông Giáp tập hợp ở biên giới chuẩn bị tràn ra. Ông tưởng vẫn còn thì giờ. Đối với ông điều cần thiết là có lợi thế ở Paris, giành giật quyền lực, loại bỏ Carpentier hoặc đưa vào thế bất lực. Trở lại ông sẽ trong khí thế đánh thắng người Việt.

Alessandri đi máy bay. Và điều thần kỳ là ông gần như thành công ở Pháp. Viên tướng nhỏ người ấy, không được nâng đỡ, không quan hệ, thuyết phục được những người đối thoại. Trong hai tháng ngày này qua ngày khác ông gặp các quan chức của chế độ từng người một, kiên trì, lâu dài. Ông "bán kế hoạch của mình" cho tổng thống Cộng hòa, thủ tướng, các bộ trưởng, các chính trị gia, các nhà tài chính lớn. Ông nói chung vốn trầm tư ít nói bỗng trở nên lắm lời và quyết đoán, đưa ra những lập luận, lý lẽ, ví dụ nhằm chiếm lòng tin. Trước tiên và thường xuyên ông nhắc lại mình là "người biết rõ Châu Á" thực sự biết những người Annam, Trung Hoa, các loại người da vàng bí hiểm ấy như thế nào. Và ông nói những điều ấy rõ ràng, tin chắc tuyệt đối! Ngay trong cuộc vận động chèo kéo, trong nghệ thuật thuyết minh ấy, tất cả nổi lên không phải vì ích kỷ mà vì tình yêu nước Pháp.

Điều ông hứa hẹn quyến rũ hơn nhiều những gì con người nặng nề Carpentier đã nói! Nếu người ta để ông làm, chỉ trong mấy tuần, quá lắm là mấy tháng ông sẽ giải quyết vấn đề khó gỡ của cuộc chiến tranh Đông Dương. Nếu người ta để ông tấn công, bổ sung cho một số phương tiện thì không đầy một năm ông sẽ thanh toán Hồ Chí Minh và ông Giáp, sẽ đưa trở về nước toàn bộ Đội quân viễn chinh.

Carpentier đã lạc quan. Nhưng những điều Alessandri nói là mật ong rót vào tai các nhà lãnh đạo nền Đệ tứ Cộng hòa. Bộ trưởng mới bộ Pháp quốc hải ngoại Letourneau bị tác động, càng mạnh khi ông ta chẳng biết gì về Châu Á, như một toàn quyền cũ xây dựng sự nghiệp ở Châu Phi và chỉ nói về người da đen. Và ông nghĩ viên tướng này nắm vững công việc của mình - cần sử dụng.

Người thích thú, hoan hỉ, sung sướng nhất là chính bản thân Vincent Auriol. Mùa hè ấy, như mọi người, như Pignon, Bảo Đại, tôi cũng có mặt ở Paris. Tôi được vinh dự có một cuộc tiếp kiến với tổng thống Cộng hòa. Ông tiếp tôi trong văn phòng lớn của ông. Ông không dễ mến, vẻ quan trọng và lạnh lùng tuy giọng nói miền Nam. Ông nhìn tôi với đôi mắt trong vắt rồi hỏi tôi tình hình bên Đông Dương ra sao. Tôi trả lời kết quả công cuộc bình định rất to lớn nhất là ở đồng bằng Nam Kỳ và Bắc Kỳ. Ông ngắt lời tôi: "Thế là sắp thắng chứ?" Chiến thắng là ám ảnh của ông vừa vì đất nước vừa vì bầu cử. Tôi sơ ý nói rằng theo ý tôi có một sự đe dọa nghiêm trọng đè nặng lên biên giới Trung Quốc. Vincent Auriol quát ngay: "Tôi không có những thông tin như ông, hoàn toàn không như ông nói. Chào ông". Thực ra Alessandri đã đến đây báo cáo với ông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #342 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2019, 10:36:05 pm »


Viên tướng nhỏ thắng lợi trên sân khấu Paris đến nỗi ở Sài Gòn Carpentier lo lắng. Lại dùng mưu mẹo, ngày 25 tháng tám 1950, ông viết thư cho Alessandri: "Tôi thực ngạc nhiên khi thấy ông được ông Vincent Auriol tiếp. Mấy ngày sau tôi được biết ông Jules Moch rồi ông Pleven cũng tiếp ông. Tôi tự nhủ đối với một đợt "đi phép" đấy là một thủ tục kỳ cục". Một lần nữa Carpentier thay đổi nhận định. Rút cuộc Alessandri ở Đông Dương ít nguy hiểm hơn ở Pháp. Vậy là ông viết thêm trong thư: "Về việc trả phép, tôi nghĩ có sự hiểu lầm. Ông nói với tôi vắng mặt từ một tháng rưỡi đến hai tháng. Và bây giờ ông báo sẽ trở lại sau đợt nghỉ phép hai tháng rưỡi như đã thỏa thuận. Tôi tuyệt đối không chấp nhận việc kéo dài thời hạn ấy".

"Viên tướng nhỏ" không hề vội vã trở về. Vì dù có những vinh quang nhờ tuyên truyền, không có gì thể hiện ra cụ thể: những lời nói tốt đẹp, hứa hẹn, chúc mừng nhưng không có một kết quả nào. Bộ máy cộng hòa và chính phủ tỏ ra nặng nề đáng sợ; có cái gì đó bám chắc không thể lay chuyển, cả khối bất động, thế giới hư không, vả lại vì Alessandri tô hồng tất cả, việc gì phải vội, phải có những quyết định? Trong các hội nghị bộ trưởng người ta không bao giờ nói về Đông Dương. Nhưng ông không từ bỏ, tiếp tục thăm viếng, vận động, chứng minh táo bạo hơn. Không có gì làm ông nản lòng. Ông chắc chắn cuối cùng mình sẽ được thỏa mãn, sẽ chiến thắng trở lại Sài Gòn như người chủ. Người ta trao đổi về những ảo tưởng của ông. Vincent Auriol, Jules Moch, Max Lejeune đều nói với ông: "Tướng Carpentier đang bị bệnh. Chờ khi tình trạng ông ấy trầm trọng đã. Lúc đó ông sẽ là người kế nhiệm."

Sau mọi cố gắng ấy Alessandri đi nghỉ ở Cannes. Một hôm ông nhận được điện thoại của Bảo Đại, cũng đang ở Bờ biển Xanh:

- Ông hãy đến gặp tôi, ông Letourneau và ông Pignon muốn nói chuyện với ông.

Ông Letourneau với khuôn mặt trang trọng nhất:

- Đại tướng, ông đã có một ấn tượng mạnh đối với tổng thống Cộng hòa. Ngài đề nghị ông trở lại Đông Dương ngay. Ở đấy người ta tuyệt đối cần có kinh nghiệm của ông. Ông là người của thực tại. Chỉ có ông mới có thể chỉ đạo những cuộc hành quân đã dự kiến.

Alessandri thăm dò về đường lối quân sự phải theo - có phải là của ông không. Nếu ông được giao áp dụng một đường lối ngược lại, ông muốn ở lại Pháp, nơi ông đã bắt đầu điều trị bệnh. Letourneau thoái thác. Tuy vậy "viên tướng nhỏ" yếu thế, hỏi:

- Tôi có phải hiểu ý muốn của tổng thống Cộng hòa là một mệnh lệnh không?

- Một mệnh lệnh đấy.

Alessandri chỉ còn phải vâng theo. Thực tế ông kiêu hãnh tin chắc rằng tại chỗ, ông sẽ áp dụng những nhận thức của mình. Ông bay sang Sài Gòn ngày 17 tháng chín, đầy hy vọng. Tuy vậy một người bạn, đại tá R... cảnh báo ông: người ta chờ ông để chơi một vố xấu, biến ông thành kẻ hiến sinh.

Sự thực Chính phủ không có ý đồ xấu. Người ta giữ Carpentier vì ông ta có chỗ dựa và thấy ông khôn ngoan. Về nguyên tắc người ta cho ông có lý: không tấn công lớn vào rừng. Nhưng trong thực hiện người ta không tin tưởng ở ông. Tốt hơn nên có Alessandri, chuyên gia về thực địa. Trong ý nghĩ của Chính phủ, con người thủ cựu quá khôn và kẻ kích động trẻ quá mạo hiểm bổ sung cho nhau làm một cặp tốt, vào tầm trung cần thiết giữ sự lẩm cẩm và sự thiếu khôn ngoan. Người ta chỉ quên mất sự căm hận ghê gớm giữa họ, sự chống đối nhau mọi mặt, chắc chắn sẽ làm tất cả để chống nhau.

Thực ra mà nói, Carpentier cay độc hơn. Alessandri đến sau cuộc thất bại Đông Khê lần hai để làm những việc to tát. Carpentier nói ngay ông chẳng có việc gì làm hoặc gần như thế: chính ông ta, tướng tổng chỉ huy đã xây dựng những kế hoạch hành quân và đã có người để thực hiện. Carpentier từ lâu đã là tướng bàn giấy, không hề rời văn phòng mình. Nhưng dù sao ông cũng đã biến mình thành lính chiến - tai họa, cuộc chiến tranh của ông là ngu dốt.

Alessandri khốn khổ! Ông thật sai lầm khi vắng mặt cả mùa hè! Carpentier đã nắm lấy tất cả. Và khi con người Corse trở lại, ông hoàn toàn bất lực, bị tước vũ khí; giận dữ cũng chẳng làm được gì. Ông hợp tác, thậm chí đồng loã với một chiến lược ông ghê tởm, thấy trước thảm họa. Do kiêu căng, tự phụ, tính tình yếu đuối, cuối cùng ông bị bó tay. Ông đi đến những tai họa thực sự không quy tội cho ông được, nhưng đối với ông là đáng trách, thật đau đớn, nó suốt đời dằn vặt ông. Về cơ bản trong cuộc chơi lớn, chính Carpentier với dáng thô thiển nặng nề ấy là người tinh ranh nhất. Ông ta là người chịu trách nhiệm lớn nhất nhưng lại trả giá ít nhất, thậm chí tiếp tục sự nghiệp lớn, đơn giản vì những quan hệ của mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #343 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2019, 10:42:13 pm »


Số không to tướng

Trong những tuần lễ Đội quân viễn chinh đợi đòn tấn công trên biên giới, Carpentier và Alessandri đều không cảm nhận được gì, lao vào cãi vã nhau. Người nào cũng muốn tự mình đảm bảo chiến thắng trong tương lai. Giữa những tranh giành bẩn thỉu ấy, tổ chức lộn xộn đến mức có thể nói thực tế không có sự chỉ huy. Carpentier kết tội Alessandri làm đảo lộn trật tự của mình còn Alessandri kết tội Carpentier cản trở mình. Từ lâu đã có một trục Hà Nội - Sài Gòn, đúng ra là Alessandri - Pignon. Cũng có một trục Lạng Sơn - Sài Gòn, đúng ra là Constans - Carpentier, vì ở Lạng Sơn, con đường số 4 và toàn vùng biên giới, về nguyên tắc phụ thuộc trước hết về Alessandri. Carpentier đã bổ nhiệm một người của mình, đại tá Constans trực tiếp báo cáo và nhận mệnh lệnh của ông. Theo cách đó công việc ra sao cũng được.

Nhưng mùa hè năm 1950, Sài Gòn muốn chỉ huy toàn bộ. Đúng ra thì Sài Gòn và Carpentier nắm lực lượng cách nào cũng chỉ chỉ huy chỗ trống, con số không. Đội quân viễn chinh không chỉ ở vào sự chờ đợi lớn nữa mà là một giấc ngủ lớn.

Đối với Carpentier, đây là cơ hội của mình, không còn bóng người nào cản trở, Alessandri đang ở Pháp. Ngay ở Sài Gòn chỗ dựa của ông, viên tham mưu trưởng có tài vì nát rượu của Đội quân viễn chinh, đại tá Domergue cũng biến mất vì thất sủng hoặc bị bệnh. Vị trí của ông được giao cho những người vô cùng lịch sự và bình thường, rất đáng kính nhưng hoàn toàn không có khả năng giúp tổng chỉ huy nên ông ta chỉ còn tin vào mình.

Trong văn phòng của mình ở lâu đài Norodom, Carpentier là ông vua. Ông trị vì trên mấy mét vuông sàn, những gì trải ra giữa cánh cửa canh gác cẩn thận việc ra vào và chiếc hòm cũ của ông đặt ở góc; đối với ông đấy là Đông Dương. Sức khỏe ông tốt hơn. Những nét nhăn mờ nhạt nói chung mang dấu vết khoan dung vui vẻ, nhưng đôi lúc có nếp biểu hiện của sự kết tội không nói ra. Thực ra lòng khoan dung của ông càng ngày càng chuyển sang độc đoán. Tai vạ cho kẻ làm ông mất lòng!

Bản chất sâu xa của ông không đổi. Đấy là bản năng cũ về tính anh hùng rơm và phản xạ cũ về sợ hãi Paris. Ông luôn dựa vào vinh quang của quân đội Pháp, của Đội quân viễn chinh và của chính mình, luôn chiều theo ý những người lớn và những người quyền lực. Nhưng trong sâu kín của mình, từ nay ông có một sợ hãi mơ hồ - như một người nông dân lo trời sập. Đấy là ông bắt đầu có cái nhìn nghiêm túc đối với người Việt và người Trung Hoa - ít nhất nếu ông không làm ra vẻ nhìn họ nghiêm túc.

Biết sao được? Carpentier, với bề ngoài ngây thơ giả hay thật, về căn bản rất ranh mãnh. Từ nay ông thu xếp để không chỉ trở thành Carpentier dũng cảm mà còn là Carpentier người biết điều. Tất cả là ở thái độ, biết xen lẫn vào nhiều lạc quan một ít bi quan. Ông luôn nói: "Ông Giáp cứ đụng vào chúng ta, sẽ bị đập tan ngay". Lần khác ông nói thêm, tâm sự như bộc lộ một bí mật lớn: "Các ông thấy những đòn liên tiếp người Mỹ nhận ở Triều Tiên đấy. Dù sao những người da vàng ấy cũng là những chiến binh". Ông cũng muốn tin vào "cuộc tổng phản công của người Việt" sắp tới trên biên giới đông bắc Bắc Kỳ. Nhưng có ông ở đấy, sẽ dùng các biện pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #344 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2019, 10:43:00 pm »


Carpentier rất thoả mãn vừa biết thỉnh thoảng thể hiện lo lắng. Tuy không giải quyết được gì nhưng ông tăng nhiều chỉ thị, lẫn lộn trái ngược nhau. Như ở ông có hai người - ông già Carpentier đánh nắm đấm xuống bàn và một Carpentier mới sợ "phiền phức" không riêng về chính trị vốn ám ảnh ông mà cả phiền phức trong chiến tranh, vẫn còn là ông già Carpentier chiếm ưu thế nhưng đôi khi thể hiện rõ một Carpentier mới sợ hãi, ít nhất sẵn sàng sợ hãi và trong trường hợp có dịp, có thể sợ hãi thực sự - không thẹn thùng xấu hổ dưới danh nghĩa lương tri vĩnh cửu của ông.

Kết quả lạ lùng là Carpentier chuẩn bị cả một chiến lược "khôn ngoan" nhưng với những chiến thuật điên rồ, bất chấp, thiếu khôn ngoan, thách đố, rời rạc, cũng đầy những nhận định không liên quan đến nghệ thuật chiến tranh làm để vừa lòng hoặc không mất lòng những ai ông cần.

Tổng hợp tất cả những cái đó là một tài liệu được biết như "chỉ thị riêng và mật về việc phòng thủ biên giới Trung Hoa - Bắc Kỳ" đề ngày 18 tháng tám năm 1950. Người ta vẫn phòng thủ con đường số 4 những chốt công sự Cao Bằng, Thất Khê, Lạng Sơn, Đồng Đăng, làm "lưỡi dao chắn" cuộc tấn công của địch. Cao Bằng và Lạng Sơn được phòng thủ không có hy vọng quay trở lại. Những bốt thứ yếu có thể rút, nhưng những đội quân Việt vượt qua đường số 4 sẽ bị tấn công trên đường tiến trong rừng bởi các "yếu tố tập hậu". Cuối cùng là cuộc chiến quyết định ở rìa vùng châu thổ với những "biện pháp tối đa".

Tài liệu được soạn thảo như dùng trong trường học chiến tranh, giáo điều, khoa học với từ ngữ thích đáng và lý thuyết kiểu Napoléon. Người ta không kể đến rừng là gì, quân địch là ai - muốn không biết gì về cuộc "chiến tranh nhân dân". Tất cả là điên rồ. Carpentier ghê tởm phải di tản đường số 4 vì sẽ có tác động xấu đến Paris: thay vì bỏ hoàn toàn hoặc củng cố thật vững chắc - hai cách làm dĩ nhiên - ông bỏ rơi mấy nghìn quân lính, tạo một trận thua tan tác, làm quân địch xuất hiện ghê gớm hơn bình thường nhiều, "bẻ gãy" lòng can đảm và tinh thần của Đội quân viễn chinh. Và trong thất bại hầu như chắc chắn, việc rút quân ở những bốt nhỏ sẽ là việc tùy nghi di tản hoặc đầu hàng thảm hại. Còn những "yếu tố tập hậu" có trách nhiệm làm chậm bước tiến của quân Việt không hề tồn tại, quá lắm là chỉ mấy đại đội chìm ngập trong lực lượng đông đảo của quân địch. Không phải đã hết. Sau thảm họa thấy trước của biên giới, tinh thần của bộ phận lớn Đội viễn chinh không còn là tình trạng chống cự trước vùng châu thổ vì quá ngạc nhiên, kinh hoàng, mệt mỏi. Họ cũng không chống đỡ được về vật chất, vì Carpentier vô ý thức, vừa thông báo những trận đánh lớn ở Bắc Kỳ, đáng lẽ gửi các đội quân tới đó lại rút bớt đi: nhiều tiểu đoàn lên tàu ở Hải Phòng để vào Trung Kỳ hoặc những vùng khác xa xôi nơi các tướng chỉ huy đòi quân bổ sung. Ông gửi quân đến vì ở đấy là những người bạn và vì ở Bắc Kỳ đã đủ quân số để cho ông Giáp một bài học.

Nhưng biện pháp thực sự duy nhất của Carpentier là truyền tin chiến công của ông ra toàn thế giới, thông báo đầy đủ những chiến thắng sắp tới của quân Pháp. Vị tổng chỉ huy không hề hài lòng về các nhà báo chuyên nghiệp ông cho là đưa tin sai, không đúng lúc hoặc với dụng ý xấu. Ông bèn hình dung tự mình phải phổ biến tin tức. Từ chỗ chẳng có gì ông bỗng tạo ra một Cơ quan Thông tấn quân đội khổng lồ - một cuộc hành quân thực sự bằng cây bút. Biên chế lên đến khoảng năm mươi sĩ quan và hạ sĩ quan, tất cả được biết có tư duy tốt. Lãnh đạo là một tập hợp kỳ lạ các đại tá, thiếu tá bên dưới một số trung uý trẻ nổi tiếng về "ngọn bút": sau khi tham gia các cuộc hành quân, họ viết những "phóng sự" cân nhắc kỹ, sửa chữa, bổ sung, được hệ thống chức quyền trong quân đội và bản thân Carpentier phê chuẩn rồi được tặng miễn phí cho báo chí toàn thế giới. Trong lúc làm công việc "sửa chữa báo" ấy, biết bao tranh luận giữa những người có lon! Và người ta đứng nghiêm chào nhau theo lối quân sự và những người cấp dưới tỏ thái độ tôn kính đối với cấp trên!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #345 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2019, 10:44:27 pm »


Carpentier với tính nông nổi của mình, hình dung những bài báo "xuất sắc" như thế, biếu không, sẽ được hối hả in ra trên thế giới. Ý nghĩ sâu xa là thuyết phục những cơ quan báo chí Pháp và quốc tế không gửi phóng viên, những người dân sự, sang Đông Dương nữa; tốt hơn là dựa vào các "sĩ quan trí thức” của cơ quan Thông tin quân đội, những người ở tầng lớp cao nhất đồng thời là những “người lính" vì danh dự và kỷ luật. Thực tế dù bấy nhiêu cố gắng, những triệu đồng, những phương tiện, chỉ một trong các bản ấy của quân đội được in ở Pháp, chỉ một lần trong một tờ báo nhỏ ở tỉnh lẻ và vì tác giả, một trung uý, có người thân ở đấy.

Không loại bỏ được các nhà báo chuyên nghiệp ở Đông Dương, Carpentier bèn có sáng kiến vuốt ve họ. Trong lúc tất cả được giữ bí mật tuyệt đối, ông cho soạn thảo những thông báo chính thức dành cho các nhà báo. Ông chỉ định cả một "phát ngôn viên", vai trò này - của một người tin cậy có nhiệm vụ quyến rũ và thuyết phục những người đáng ngờ và hơi đáng khinh - ông chọn trong các đại uý, người đẹp nhất, nhiều huân chương nhất, một chàng trai mắt xanh, phong thái quý phái thân mật, bắt tay thật chặt, với lòng tin nồng nhiệt: anh đàng hoàng đến nỗi có vẻ không thể nói dối, thế mà đấy là nhiệm vụ của anh. Chính anh sẽ truyền cảm lòng tin, ngọn lửa của anh cho các phóng viên chán chường nhất; chính anh, trong một niềm hân hoan, rắn rỏi và thận trọng, thông báo những chiến thắng trong chiến dịch mùa thu sắp tới.

Cứ thế ở Sài Gòn người ta hoạt động, chuẩn bị tất cả, ít nhất là xung quanh tướng Carpentier, trong các văn phòng của những người trung thành với ý tưởng của ông. Nhưng ở nơi phải đánh nhau, ở Bắc Kỳ, là sự bất động tuyệt đối. Không người nào lo việc gì cả. Ở Hà Nội, trong các ban tham mưu của Alessandri người ta chẳng làm gì hết - tự hỏi ông ấy có về không vừa sợ cơn giận của "ông chủ" nếu ông chiến thắng ở Paris và xuất hiện trở lại. Chính thức, trách nhiệm thuộc về tướng Marchand, phó của Alessandri, chỉ hai sao. Ông ta không mong muốn thế! Ông là người đầu tiên kêu lên không thể đảm nhiệm dù chỉ vài tuần lễ, sự chỉ huy quan trọng, nguy hiểm như thế. Ông không ngừng van lên đủ giọng, trước mọi người: "Tôi chỉ muốn hạ cánh an toàn! Chúa ơi, thật nguy hiểm! Việc gì sẽ xảy ra với tôi đây?" Trước khi đi Alessandri có giao một số mệnh lệnh rất cụ thể. Nhưng rồi một đại tá của Carpentier ra Hà Nội với bản "chỉ thị riêng và mật ngày 18 tháng tám" hỏi ông: "Ông tán thành chứ?" Ông Marchand khốn khổ buộc phải đồng ý nhưng có cảm tưởng mình là một kẻ phản bội lại Alessandri.

Nếu ở Hà Nội tất cả như chết thì tất cả là vinh quang ở Lạng Sơn, thủ đô đẹp của vùng biên giới. Nhưng một vinh quang như trên sân khấu, những kẻ điên chơi trò hiệp sĩ thời Trung cổ trước khi đổ nhào xuống máu và sự kỳ quặc.

Ở đây đại tá Constans là đại diện thường trực, ông là người anh hùng, toàn thành phố là cảnh trang trí và lính lê dương được sử dụng làm diễn viên. Bề ngoài viên đại tá này hứa hẹn một tương lai tuyệt đẹp, là tướng, thống chế, người lãnh đạo nước Pháp. Ông là một người hoàn hảo về mọi mặt, vừa là người lính đẹp đầy tháo vát, người diễn viên có tuổi, ông chúa lớn khinh khi và tốt bụng, con người thời thượng mà mỗi tiếng nói, mỗi nụ cười cho thấy ông biết rõ những ông lớn, những người quyền lực, những người giàu trên khắp thế giới. Và đúng thế. Tư sản của một gia đình giàu có, ông có một quá khứ thần kỳ vì những quan hệ và những giải trí của ông. Ông nói rất giỏi và quyến rũ còn giỏi hơn. Đã quá tứ tuần, ông chỉ còn thiếu – để leo lên cao - sự thành công của một chỉ huy lớn. Vì có chứng chỉ ban tham mưu, sĩ quan lê dương, ông chưa bao giờ thực sự tham gia cuộc chiến. Vậy là ông đến tham gia ở chỗ nguy hiểm nhất, chỗ sẽ làm ông nổi danh hơn, ở Lạng Sơn, chỉ huy trưởng vùng biên giới.

Ông được bổ nhiệm bất kể Alessandri. Nhưng về tiềm lực ảnh hưởng, ông hơn hẳn viên tướng nhỏ người Corse thực dân quá nóng nảy! Ngược lại, Carpentier có chỗ dựa là Juin, cảm thấy cùng Constans cả Paris đứng sau mình, sẽ hóa thân cả Paris vào rừng rậm. Carpentier và Constans, hai đồng minh - viên tướng bốn sao và viên đại tá năm vạch lon - vậy là cùng nhau làm chiến tranh, sóng đôi bạn bè, như Alessandri không tồn tại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #346 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2019, 10:45:19 pm »


Nhưng lạ lùng là Constans ở Lạng Sơn cũng bất động, còn hơn cả Carpentier ở Sài Gòn. Ông rất ít di chuyển, họa hoằn mới đi xem các đội quân, các bốt trên đường số 4. Duy nhất một lần ông đến Cao Bằng sau khi ông sang. Ông không trở lại đấy nữa vì không thích đi máy bay - một số người nói do ông yếu tim, một số khác cho là do thầy bói dự báo ông sẽ gặp tai nạn. Ông ghét hàng không đến mức lúc đầu hơi khác với Carpentier. Ông này đã chọn ông, mất nhiều công sức rút được ông sang từ Bộ Chiến tranh, nóng ruột chờ ông ở Sài Gòn. Nhiều ngày qua đi chẳng thấy gì. Vì từ Pháp sang, đáng lẽ theo đường không, Constans đi trên một chiếc tàu thuỷ sang trọng. Khi đến trình diện, Carpentier giận dữ ra lệnh: "Ông quay lại ngay sân bay Tân Sơn Nhất. Một chiếc Dakota quân đội sẽ đưa ông tới vị trí chỉ huy của ông ở Lạng Sơn”.

Lẽ tự nhiên cơn giận không kéo dài. Ngược lại Constans là "cục cưng" của Carpentier. Đổi lại, đại tá hết sức tâng bốc tổng chỉ huy. Một lần ông cho làm một bức chân dung của Carpentier thêu theo lối Trung Hoa đưa tặng thủ trưởng. Và Carpentier lẩm bẩm: "Tay Constans này thật tế nhị!" Hơn nữa, Constans khôn khéo khẳng định với Carpentier rằng trong những thư gửi về Paris, ông không ngừng khoe công tích, nói mọi điều tốt đẹp ông nghĩ về tổng chỉ huy.

Nhưng đặc biệt Constans huy hoàng không hiểu gì về cuộc chiến, còn kém hơn con người cần mẫn Carpentier. Ông không thảo được một mệnh lệnh hành quân, phải là Charton con người "cứng rắn" người ta để làm phó cho ông, làm việc ấy. Xung quanh ông cách vài cây số tất cả là bi kịch nhưng ông biết rất lơ mơ. Ông muốn làm cho Lạng Sơn thành Versailles của ông, lãnh địa tuyệt vời về tầm quân sự, vẻ đẹp thời thượng và cả sự tế nhị chính trị.

Và giữa cảnh ấy biết bao sang trọng tinh tế! Trên đời, không có hình tượng nào đẹp hơn quân lê dương. Mọi lễ tiết, phong tục cũ được khai thác triệt để nhằm phục vụ từ những công việc khiêm tốn nhất trong nhà, những buổi thao diễn hùng tráng; những con người đẹp, những bức tượng sống tuyệt vời. Và từ sáng đến chiều vang lên những nhịp điệu rộn rã của quân nhạc. Như vậy chưa đủ đối với đại tá. Ông xây dựng đội "Hoàng gia”, phân đội bảo vệ riêng cho sáu mươi người, từng người một, ít nhất cao một mét chín mươi, chỉ luôn luôn đi lại quanh ông, là những gia nhân lãng mạn. Con người cứng rắn Charton, để khỏi lạc hậu, xây dựng một đội phát xít nhỏ lính lê dương cũng đẹp, cao lớn nhưng trước hết là những "người thích chiến đấu". Ông ta sử dụng như đội tác chiến, ban đêm làm những đợt hỗ trợ gần Lạng Sơn trong lúc Constans tổ chức chiêu đãi.

Mọi việc được tính đến hiệu quả. Khi Constans tiếp một vị khách tầm cỡ ở Lạng Sơn, ví dụ một tướng Mỹ đến tìm hiểu, ông điện thoại cho các bộ phận: "Hãy chuẩn bị trò chơi lớn". Làm sao chống lại, không tin ông được khi trong phòng những bản đồ, tất cả những sĩ quan đứng nghiêm trong một không khí nghiêm túc kỳ lạ, ông tả mọi bố trí "của ông" trên biên giới với thái độ rất thanh thản, với sự giản dị mê hoặc? Và những gì ông nói, ông chứng minh bằng những việc làm, những con số, những chi tiết cụ thể không tưởng được mà những nhà quân sự Mỹ đến đầy lòng nghi ngờ ấy rất thích. Ông trả lời những câu hỏi, dù thâm ý nhất, cũng rất dễ dàng! Ông thuyết phục, chinh phục họ không cưỡng lại được. Đối với họ, ông là người luôn tích cực hoạt động, nghiên cứu tất cả, hăng say tìm những chiến lược có hiệu lực hơn, theo dõi việc thực hiện như một con mèo rừng. Một màn kịch tuyệt vời, vì Constans chẳng biết gì hết.

Sau đó, làm việc xong là vui chơi. Những bữa ăn với một nghệ thuật lớn. Quanh chiếc bàn đẹp bố trí lần lượt các chiến binh, rất thượng võ, rất thời thượng, những hình nhân tuyệt đẹp về các loại quân phục, các loại huân chương của Quân đội Pháp. Họ được xếp ngồi vào bàn theo biển thứ tự chặt chẽ. Những món ăn ngon nhất nối tiếp được những người khổng lồ vô cảm của đội "Hoàng gia" mang ra. Constans chỉ đạo buổi nói chuyện như một bà chủ nhà, tất cả có định lượng, những đề tài quan trọng, những câu đùa, những tiếng cười. Constans, từ một cử chỉ không là gì, một phút im lặng, một bóng mờ không bằng lòng hay tán thưởng, làm cho những người này nói những người kia im lặng. Và khi ông nói người ta cảm thấy thể hiện cả sự duyên dáng, như chất lỏng tuôn trào. Suốt thời gian ấy âm vang tiếng hát trầm, những bài hát Đức tuyệt diệu. Giờ điểm tâm cũng có hoạt cảnh, ban nhạc thính phòng, những nghệ sĩ kịch câm, có cả vũ công hóa trang. Đội lê dương cung cấp tất cả những tiết mục ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #347 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2019, 10:46:41 pm »


Nhân vật kỳ lạ nhất là Burgens, người quản gia. Trước kia tôi đã thấy ông ở Cao Bằng, phụ trách tài chính của A... tỉnh trưởng. Ông A... nói với tôi vẻ thán phục: "Ông ta có thể làm tiền trong mọi việc, lừa được cả người Trung Hoa". Người ta tìm được ông đang làm đội ở Thất Khê, gặp một số phiền phức. Pháp luật dân sự muốn nhận lại ông nhưng đội lê dương che giấu, giữ ông lại. Rất đĩnh đạc, Burgens giải thích: "Tôi đã năm mươi tám tuổi. Thời kỳ giải phóng chẳng có gì buộc tôi phải đăng lính nếu không phải là lương tâm. Với tài sản tôi có, ông nghĩ tôi có thể là một ông già phóng đãng ở Thụy Sĩ chứ?"

Ở Lạng Sơn ông là người chủ các lễ hội, có trọng lượng khác thường đối với Constans. Ông suy nghĩ đến nỗi đôi khi lầm lẫn: Khách mời cúi chào ông, nghĩ ông là đại tá tuy ông này đứng ngay bên cạnh. Nhưng đại tá không mất lòng, nói về ông: ”Một hòn ngọc đấy". Burgens được phép làm mọi việc. Khi có một tiệc đứng hoặc bữa ăn nguội, ông nói trước cử tọa như một nhân vật lớn. Ông diễn giải lâu về Đông Dương, Pétain và De Gaulle, về Staline, bom nguyên tử, nền tài chính Pháp. Và điều ông nói thông minh, thú vị đến nỗi không ai nghĩ đến việc ngắt lời ông, cả những sĩ quan cao cấp cũng quên đấy chỉ là một viên đội.

Tuy vậy nếu ở Sài Gòn Carpentier bắt đầu "nghĩ" về người Việt thì Constans cho rằng họ không tồn tại. Một hôm Carpentier sốt sắng giới thiệu hai nhà báo đến, người ta tổ chức chiêu đãi. Các chàng trai nêu câu hỏi: "Ông nghĩ có thể chống lại được cuộc tấn công sắp tới của ông Giáp?" Nụ cười ngạo mạn của Constans được tán thưởng - thực ra họ chỉ là những sĩ quan tham mưu của ông: "Những quân lính Việt dữ tợn, các sư đoàn ông Giáp là sáng tác của đồng nghiệp các ông, các vị trong giới báo chí. Chỉ là trò bịp. vẫn là quân du kích mà chúng tôi sẽ giải quyết với họ. Các ông đừng sợ cho chúng tôi mà nên sợ cho họ". Tối hôm sau, hai anh bạn nhà báo đến các bar và những nơi ám muội. Họ làm quen với một de Fontange, đại uý phi công. Khi họ hỏi, anh này trả lời giọng vỡ ra:

- Không có quân Việt ư? Vớ vẩn! Ngày mai tôi sẽ chỉ và các anh sẽ thấy họ đang nhung nhúc.

Anh Fontange ấy là con thứ một gia đình quý phái. Bố là nghị viên, anh là thanh tra tài chính. Nhưng anh ta bất kể gia đình. Một kẻ hư hỏng. Thân hình cao lớn õng ẹo, khuôn mặt dài xương xương, bao giờ cũng khinh mạn, bất kể tất cả. Anh chẳng làm gì hết nhưng khi người ta đề nghị có một người tình nguyện cho nhiệm vụ nguy hiểm, giữa những hàng ngũ im lặng, người ta thấy anh bước lên, vẫn khinh miệt vô tư, nói với giọng lè nhè: "Tôi đi". Và với những gì không thể, anh thực hiện cùng thứ yêu thích cũ của mình, một chiếc Junker đáng vứt đi, thậm chí người ta không đoán được anh say rượu hay không.

Ít lâu hai chàng trai cầm một mệnh lệnh công tác, bay lên Cao Bằng cùng Fontange. Anh này cẩn thận bổ nhào trên đất Trung Hoa, vượt một quả núi, bay trên một khoảng rừng thưa và họ trông thấy người Việt, nhiều trăm, nhiều nghìn đang tập luyện, vẫn bay trên Trung Quốc, anh lại vượt một quả núi khác, bay trên một khoảnh rừng thưa khác, vẫn nhiều nghìn người Việt đang tập luyện. Cứ như thế cho đến lúc cuối cùng, anh chuyển hướng bay về Cao Bằng, nơi mọi việc có vẻ êm đẹp.

Mấy ngày sau hai nhà báo trở lại Lạng Sơn. Lại một buổi chiêu đãi. Constans kiêu ngạo hỏi: "Thế nào, các ông có thấy quân Việt không? "Các chàng trai trả lời:" Có, thưa đại tá rất nhiều, hàng chục nghìn, khi bay ngoặt lại một ít trên đất Trung Quốc". Giật mình. Im lặng hoàn toàn. Nét mặt tái vì sợ hãi của Constans. Người ta chỉ nghe tiếng nĩa các sĩ quan tham mưu hoảng hốt bỏ rơi xuống đĩa.

Sự thực mọi người biết tình hình trên biên giới, chắc chắn Constans cũng biết, những bữa tiệc vui vẻ ở Lạng Sơn đã là những lễ hội tang tóc. Không ai không biết tình hình nghiêm trọng. Con sông Kỳ Cùng - dòng nước đục ngầu bao quanh thành phố. Những ngày qua đi, tin tức vẫn luôn đáng lo ngại hơn, hội hè vẫn tiếp tục.

Một trung uý trẻ từ Pháp sang, trình diện ở ban tham mưu Hà Nội. Một đại tá hỏi: "Anh có vợ chưa? - Chưa - Thế thì tôi buộc phải chỉ định anh lên Lạng Sơn. Trên đó người ta chỉ còn cử tới những người độc thân, những người có thể chết mà không quá nhiều chuyện về gia đình".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #348 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2019, 10:47:21 pm »


Ở Lạng Sơn trung uý ấy gặp những người trầm tư, lo lắng. Và ở đây anh tham gia vào việc anh gọi là "vòng quay Nga". Đội biệt kích I có một tiểu đội ở Thất Khê. Người chỉ huy ốm nặng phải có người thay thế. Thế là ba sĩ quan xe bọc thép ở Lạng Sơn rút thăm người phải đi: trung uý Pascal. Ba người bạn uống rượu suốt đêm, Pascal, người bị kết án và hai người khác có một ít may mắn hơn được sống sót.

Không ai ra lệnh, không ai nhận lệnh. Ở Lạng Sơn giữa cuộc sống xả láng, các chỉ huy nhìn nhau: làm sao khác được vì lực lượng dự trữ chỉ còn hai trung đội can thiệp? Thậm chí người ta không dám cử đi các đoàn xe tiếp tế trên đường số 4 trừ đoạn đầu đến Na Sầm. Không chỉ còn Cao Bằng và Đông Khê là những "con nhím" mà cả Thất Khê và nhiều bốt khác. Tất cả như đã bỏ mặc cho người Việt.

Không ai biết điều gì sẽ xảy ra. Việc quân Việt tấn công là tất nhiên rồi. Nhưng Bộ chỉ huy Pháp vẫn câm lặng, như không tồn tại.

Ngày 8 tháng chín, sửng sốt, Constans ra lệnh tổ chức một đoàn xe đi Đông Khê. Chính thức là để đưa lính ta-bo ở đấy về nước. Nhưng người ta nghĩ đúng ra là để di tản Cao Bằng.

Dù sao những chiếc cam-nhông đi không, thành hàng dài trên con đường số 4 mà người ta không dám phiêu lưu nhiều tháng nay. Một cuộc hành quân tự sát. Chỉ có một toán "mở đường" và một toán bảo vệ gần. Quân Việt có thể tàn sát hết nếu họ muốn. Ở mỗi chỗ ngoặt, những người Pháp tự nhủ: "Đây rồi; sắp nổ bùng này". Không có gì xảy ra: thật may mắn đến được Thất Khê nguyên vẹn.

Nhưng người ta còn ít biết Bộ chỉ huy muốn gì. Có một tiểu đoàn lê dương ở Thất Khê. Phải đưa một nửa đến Đông Khê, nơi rút lính ta-bo khi trở lại Lạng Sơn. Tóm lại với việc điều quân lạ lùng ấy, thay vì có hai khu đồn trú mạnh ở Thất Khê, Đông Khê, sẽ có hai khu đồn trú yếu. Đoàn xe hoàn thành nhiệm vụ, trở về với những người lính Maroc cười nói thảnh thơi. Điều bí hiểm là lần trở về cũng không gặp "rắc rối" hơn lúc đi.

Những lê dương được đưa về Đông Khê biết sự cố gì chờ đợi họ nhưng họ chẳng cần. Trên biên giới sắp tan vỡ này, dù sao cũng có những táo bạo kỳ cục. Ví dụ tay trưởng bốt đã biến "con bồ câu" đi máy bay đến, một bạn lính khá ngây thơ mà ba người liên kết vặt hết lông anh ta trong những ván bài pô-khơ một trò khác của nhân vật này là bắn vào lính của mình. Phải cử một đại tá đến để hạn chế những cuộc hành quyết. Mẫu người khác là một trung uý lê dương gốc Hà Lan. Chuyên môn của anh là tổ chức nướng người Việt. Khi anh thăm dò được họ trong một góc rừng, anh thực hiện như sau: "Tôi phân phát rượu cho lính để họ thêm hăng hái, phân phát những chai xăng và bảo ném vào chỗ nào. Cuối cùng phân phát lựu đạn để họ ném vào cùng chỗ ấy, để đốt cháy ngôi nhà tranh tẩm xăng và người Việt ẩn nấp trong đó." Nhưng một lần có đội tuần tra hành quân, anh ta đang uống rượu và cho lính uống. Mọi người đùa cợt thoải mái.

Con số không khổng lồ của Bộ chỉ huy Pháp trong mùa hè 1950 là như vậy - kết thúc vào lần thất bại thứ hai của Đông Khê ngày 18 tháng chín. Lúc ấy Carpentier mới chuyển từ thụ động sang hoạt động mạnh khác thường. Nói một cách khác, trong mấy tuần lễ, người ta sẽ chuyển từ con số không sang thảm họa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #349 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2019, 10:48:32 pm »


Ngón bịp lớn

Suốt mùa hè tướng Carpentier đã không muốn có một quyết định nào, không triển khai một "vụ việc" nào. Ở các trận địa, các sĩ quan mệt mỏi vì "sự chờ đợi", Bộ chỉ huy lo thu nhỏ mối nguy và dẹp yên dư luận. Làm sao quên được khuôn mặt của những người thua trận đầu tiên như còn in dấu của bóng ma thất bại. Nhất là ở những người thoát nạn trở về có dáng điệu ngơ ngác của người đã thấy điều không nói lên được - có cái gì đó kinh hoàng trước những thảm họa sẽ lớn hơn nhiều. Tất cả các sĩ quan trên biên giới chỉ còn cảm thấy một trách nhiệm cuối cùng và tối cao đối với quân lính họ. Có nên để họ chết, chắc hẳn chẳng vì gì cả hoặc để họ thoát đi một cách nhục nhã? Và trong đơn độc họ tìm kiếm vô vọng một giúp đỡ vật chất, một chỗ dựa tinh thần ở cấp trên. Nhưng Bộ chỉ huy chẳng làm gì cả!

Chính người Việt vào lúc họ lựa chọn đã mở màn "việc lớn" với lần tan vỡ thứ hai của Đông Khê. Tiếp theo đó là bốn mươi ngày đêm giông tô, của một thất bại liên tiếp choáng váng, ngột ngạt. Sự sụp đổ đến nỗi cả "hệ thống" quân đội Pháp hình như không có nguồn lực, không có khả năng phản ứng gì. Không còn "ông chủ" loại nào nữa, chỉ hoàn toàn rối loạn tinh thần. Đông Dương và Bắc Kỳ sẽ chìm ngập trong giông tố đến từ biên giới Trung Quốc, còn có thể cứu vãn được không?

Sự đe dọa rất cụ thể nên từ sau Đông Khê tan vỡ, Bộ chỉ huy nhận ra sai lầm: "Quân đội ông Giáp là một thực tế. Sự phát hiện chính thức những sư đoàn chính quy ấy là không với tới được, khó xác định vị trí và xuất hiện với một sức mạnh khác thường để tiến đánh cũng thật đột ngột. Hiện có hai nơi tập trung quân đội Giáp - một trên đường số 4 mà các bộ phận tiền tiêu đã chiếm Đông Khê và một đang bao vây Lao Cai và tướng Carpentier hầu như chẳng có dự kiến nào, nói theo cách của ông rằng "các vị trí tỉnh phải rút bỏ, dựa vào một cuộc phòng thủ cơ động cùng việc chiếm đóng các chỏm núi". Vì người ta dễ bị đánh trong lỗ, mệnh lệnh là rút các bốt ở lòng chảo và trèo lên các chỏm núi. Đấy là việc diễn ra xung quanh Lao Cai. Nhưng người ta có khả năng đánh nhau giữa thiên nhiên, ngay trong rừng hơn chống cự trong các bốt không?

Thời kỳ ấy Carpentier làm một loại điếu văn về cái bây giờ người ta gọi là những "cần an-ten trong rừng". Ông nói đấy là tự nguyện, có cơ sở để ông mạo hiểm giữ những con nhím như Cao Bằng và thậm chí Lao Cai. "Bằng cách ấy chúng tôi có thể làm quân địch bối rối, nhưng những vị trí ấy không hề là chủ yếu đối với chúng tôi. Chỗ ấy chỉ ở đoạn đầu hệ thống chúng tôi - Lao Cai cách cơ sở cung cấp gần nhất 250 cây số. Quân Việt ở xung quanh, hoàn toàn trên vùng đất của họ, trong "tứ giác" của họ cách Trung Quốc mấy cây số như vậy quân Việt có thể đạt được một số kết quả gây ấn tượng đối với những cần an-ten tiền tiêu - những con nhím - bằng tập trung người và cố gắng tối đa vào những điểm được chọn ấy. Nhưng đối với chúng tôi đấy là cuộc chiến ngoài lề. Tôi khẳng định quân Việt không thể đối mặt với "tứ giác" Pháp, cùng châu thổ Bắc Kỳ và đoạn kéo dài lên vùng cao. Như vậy, thay vì giữ như trước đây, sự nguyên vẹn của hệ thống Pháp, Carpentier công nhận có một "tứ giác" Việt, đối kháng là một "tứ giác" Pháp mà ông công bố rõ ràng. Nhưng điều đó có thông báo sẽ bỏ những gì ở ngoài phạm vi ấy không? Điều đó có báo trước sẽ rút Cao Bằng không? Carpentier cải chính gần như mãnh liệt. Tuy vậy, đã có quyết định rồi.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM