Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:03:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84874 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #330 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2019, 05:43:32 pm »


Dù sao chúng tôi cũng có gần hai tiểu đoàn dù bị sư đoàn 308 bao vây trong vùng Pa Kha. Tình thế ấy làm Bộ chỉ huy bực tức. Họ ra lệnh chúng tôi phải dùng lực lượng mạnh vượt qua quân Việt đến Lao Cai. Muốn thế phải lội qua sông đến Bảo Nai. Chúng tôi thử lần đầu, bị đánh tan tác. Thử lần thứ hai với lực lượng đông hơn, lại bị đánh tan tác hơn, phải trở về Pa Kha. May thay sư đoàn 308 ra đi trong tháng tư, ngược lên đường số 4, sau thời kỳ thử sức cho những nhiệm vụ mới quan trọng hơn. Nhưng đối với Bộ chỉ huy đấy là dấu hiệu quân địch thất bại, bất lực. Mọi việc vậy là rất tốt, tất cả "phù hợp" trừ sự "sa sút" kỳ lạ của quân lính dù.

Như vậy, trong nhiều tháng các tiểu đoàn của ông Giáp đã đánh chiếm các bốt, không nhờ vào hy sinh và mưu mẹo nữa mà bằng những đòn cảnh cáo chậm, chắc thắng buộc những người chống giữ bất lực, ngăn cản viện trợ đến từ bên ngoài, đưa tới chiến thắng đỏ thật chắc chắn. Các tiểu đoàn ông Giáp hoàn toàn khống chế trên những đường mòn và các chỏm núi rừng những đội quân Pháp yếu đuối trong thiên nhiên, buộc họ chạy nhục nhã để tránh bị tiêu diệt. Và những việc đó tiến hành trên những diện tích đáng kể, hàng nhiều trăm cây số, trên những vùng bao la, không chỉ sông Hồng mà đến tận sông Đà, cách Hà Nội khoảng một trăm cây số, trong vùng Hòa Bình rất gần châu thổ.

Ở đây cũng thế, các bốt lẻ loi, phân tán, êm thấm với rượu và con gái cũng rơi rụng. Còn hơn Lao Cai, ở Hoà Bình tình hình càng vô vọng - nhưng đây là lãnh địa của quân đội lê dương, lao vào cuộc sống yên ổn thậm chí không quan tâm đến những tai họa của mình. Điều cứu vớt Hoà Bình là ở đây bắt đầu định mệnh ngoại hạng của "ông thầy" Vanuxem, chuyển từ chống quân phiệt sang hoàn toàn quân phiệt tuyệt đối và lôgic - cũng là một triết lý mà con người bị chi phối bởi bản năng chủ yếu, kế thừa là chiến tranh chứ không phải hoà bình. Vanuxem lao vào chiến tranh với sự nghiêm túc của học thuyết của mình, sự khát khao của con người sống sót, thái độ vô sỉ của tướng lĩnh đánh thuê. Đối với ông ta chiến tranh phải triệt để - dĩ nhiên không thương xót nhưng nhất là tiến hành vừa thông minh vừa cương quyết, kéo theo cả niềm vui về công việc. Ông chống lại sự ngốc nghếch bóng bẩy của các ban tham mưu, cũng như chống sự kích thích tự tạo của quân dù, lối anh hùng quá chủ động của lính lê dương. Trước hết ông là ông. Ông lấy một cô y tá sinh ra mười đứa con; rồi ông dựng lên với người Mường ở vùng núi địa phương hai tiểu đoàn nổi tiếng. Ông là vua, trả giá bằng những cuộc vui chơi. Ông Vanuxem không sợ các tiểu đoàn của ông Giáp nhưng biết rõ sức lực ghê gớm của họ. Ông nói với một niềm vui độc ác: "Thế mới là công việc".

Nhưng đối với phần lớn các đơn vị hành quân trong rừng chống lại sư đoàn 308, từ nay sẽ là một nỗi sợ hãi không thú nhận, sự bất chấp vô vọng - người ta phải dũng cảm hơn vừa đấu tranh với mình, với thần kinh, với những tưởng tượng của mình. Điều này có cả ở quân dù: từ nay họ biết trong rừng quân Việt là những người mạnh nhất.

Bộ chỉ huy không hề có một chút cảm giác về sự bất lực của mình. Đối với họ tất cả những gì xảy ra trong những vùng xa xôi, không quan trọng lắm ở sông Hồng và sông Đà chỉ là những "trận đánh nhỏ". Hết sức trung thực, họ giữ lòng thanh thản và tin tưởng.

Nghiêm trọng đến mức khi một người hành nghề khôn ngoan cố can đảm báo trước với họ. Đây là một viên chức một người quản lý công việc hành chính Lao Cai - thân hình cũng thấp nhỏ như một người lùn, hơi dị dạng nhưng thông minh, tính toán, tham vọng, bao giờ cũng biết nên làm gì, nói gì. Một hôm ông ta lên máy bay đi Hà Nội và dám nói với tướng Alessandri đúng đắn - cố gắng báo động với ông. Ngay từ những lời đầu tiên, viên tướng cũng rất nhỏ người, sa sầm mặt, thái độ căng thẳng, khó chịu, sốt ruột. Ông ta biết, phải làm cho kẻ thiếu khôn ngoan im miệng, đập ông viên chức bằng mấy câu khô khan, quyết đoán qua đôi môi mỏng và khinh miệt: "Ông hoảng hốt quá rồi. Tình hình không nghiêm trọng, thậm chí không đáng quan tâm. Gặp thời cơ tôi sẽ sử dụng những biện pháp cần thiết, và ông sẽ thấy".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #331 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2019, 05:45:05 pm »


Trong lúc ấy sư đoàn 308 biến mất sau "chiến dịch" xa xôi đánh Lao Cai và những vùng Tây Bắc. Không một tín hiệu, một dấu viết. Thực ra hàng chục nghìn quân lính và dân công của họ ngược lại theo dọc những đường mòn tiến lên "tứ giác" Hồ Chí Minh, Trung Hoa và những "căn cứ" lớn. Sau mấy ngày nghỉ ngơi, vào cuối tháng năm đúng đầu mùa khô sư đoàn xuất hiện trên đường số 4. Một bi kịch nhanh gọn và dữ dội, đấy là sự tan vỡ trong bốn mươi tám giờ "con nhím" Đông Khê - pháo đài được tiếp tế bằng đường hàng không giữa mảng lớn Cao Bằng và đoạn đường cuối Thất Khê.

Lần này đối với Bộ chỉ huy Pháp là một sự kiện không ngờ. khẳng định những gì họ chối - hiện diện của một quân đội đỏ rất mạnh. Vì Đông Khê là thần tượng về trang bị vật chất, một pháo đài trong lòng khu vực bố trí của Pháp, một công trình đồ sộ, địa danh toàn Đội quân viễn chinh biết rõ bao nhiêu đoàn xe dừng lại dưới bóng lá cờ Pháp. Đông Khê là vật không thể rơi vỡ được.

Điều đáng sợ nhất là cách quân Việt đánh chiếm có tính toán, rất dễ dàng. Một phần sư đoàn 308 chốt chặt xung quanh, bốn tiểu đoàn nhẹ và một tiểu đoàn vũ khí hạng nặng xuất hiện trên những chỏm núi khống chế vùng lòng chảo, đập tan công trình với những chục móc-chi-ê và ca-nông, nghiền nát những lô cốt, công sự của khu đồn trú, phá huỷ đội pháo. Sau một đợt nã pháo hai ngày hai đêm họ mới xung phong từng khối qua những kẽ hở. Đêm 27 sáng 28 tháng năm, mọi kháng cự kết thúc vào lúc ba giờ sáng.

Không làm gì được mặc dù có những lời kêu gọi thất vọng và chết chóc của điện đài Đông Khê. Không thể làm gì trừ việc các ban tham mưu bất lực chứng kiến sự hấp hối từ xa, trong những văn phòng đầy bản đồ, vừa đọc những tin tức dồn dập đánh tới. Vì không thể có cứu viện nào được, không một đội quân giải vây nào đến kịp. Mây mù bao phủ khắp núi rừng, bầu trời hoàn toàn âm u. Quân Việt đã chọn những ngày thời tiết xấu, mưa phùn dày đặc máy bay không làm gì được. Trên các sân bay Lạng Sơn và Hà Nội, máy bay tiêm kích chờ có một đợt quang mây để cất cánh và thay vì dội sấm sét vào quân Việt, các phi công chơi bài hoặc uống trong các bar, ngắm nhìn chân trời không bao giờ sáng sủa.

Đối với Bộ chỉ huy Pháp việc đó như một điều bộc lộ - cuộc chiến đã thay đổi tính chất và họ phải tự củng cố lại. Đến lượt quân đội ông Giáp kiểm điểm, xác nhận những sai lầm. Những người chống cự, không đến một trăm cuối cùng thất vọng ra khỏi đồn bốt bốc cháv, thoát được. Nhất là người Việt chiến thắng, làm chủ vị trí chỉ trong nửa ngày. Đông Khê mà họ chiếm được lại bị mất ngay.

Vì cuối cùng bầu trời quang đãng, hơn ba chục máy bay Junker cũ thả cả một tiểu đoàn quân dù số 3 họ tập hợp lại trước Đông Khê, lao vào vị trí và lấy lại Đông Khê sau một giờ rưõi đánh giáp lá cà trên những đống đổ nát. Cuộc phản công ấy bất ngờ, trong lúc kẻ địch đang thu lượm chiến lợi phẩm. Việc đó vô cùng mạo hiểm - mỗi chiếc Junker trong lúc thả quân, nặng nề quay vòng trên vùng lòng chảo, đều trúng đạn phòng không quân Việt bố trí trên các mỏm đồi. Nhưng quân Pháp đã hoạt động tốt. Các đội cứu viện từ Thất Khê chiếm lại các độ cao, chiếm lại đèo Luông Phai và nối được với quân dù bố trí vững chãi ở Đông Khê bị tàn phá. Quân Việt tưởng lầm đã chiến thắng, bỏ chạy để lại ba trăm xác chết và một khối lượng vũ khí lớn. Họ bốc hơi, biến mất trong rừng, rất xa không biết ở đâu. Người ta xây dựng lại Đông Khê vững chắc hơn nhiều, để lại một đội quân đồn trú mạnh hơn và bắt đầu chờ đợi.

Cứ như vậy những cảnh báo của định mệnh không được hiểu rõ ràng tuy đã được viết ra giấy. Trên người một uỷ viên chính trị bị giết ở Đông Khê người ta tìm thấy một cuốn sổ tay ghi rõ: "Đến ngày 20 tháng chín chúng ta tấn công. Chúng ta sẽ mạnh hơn nhiều - ngoài sư đoàn 308 còn có hai hoặc ba sư đoàn khác đã sẵn sàng. Chúng ta chiếm Thất Khê, Cao Bằng hoàn toàn bị cô lập rồi dùng tổng lực tấn công Lạng Sơn. Công việc sẽ dễ dàng, viên tướng Đội quân viễn chinh bị dao động thực sự vì những chiến thắng đầu của chúng ta."

Nhưng viên tướng Pháp không biết như thế nào là phép biện chứng - nghệ thuật phân tích mà sau thất bại hoặc thành công, người ta kiểm điểm lại tất cả, tự phê bình, tìm những "sai sót", thay thế những "giải pháp đúng" cả bằng những “giải pháp đúng" mới, được cải tiến đế làm tốt hơn. Thay vì hân hoan về "chiến thắng" Đông Khê, nếu biết rõ những người cộng sản, các tướng Pháp phải lo sợ. Vì sau một kế hoạch thất bại, bao giờ quân đỏ cũng bắt đầu lại. Và trong những điều kiện như thế đã được chuẩn bị, lần sau họ hành động chắc chắn, gần như buộc phải thành công.

Từ thất bại rồi chiếm lại Đông Khê, các ban tham mưu Pháp rút ra một kết luận lạc quan. Người ta công nhận quân Việt có khả năng chiến đấu mạnh nhưng cũng có cơ may họ lộ diện, làm cho Đội quân viễn chinh có dịp phản công, đối mặt, tiêu diệt họ.

Cuối cùng người ta không làm, không quyết định gì cả, bỏ rơi thời cơ duy nhất. Vì sau việc chiếm lại Đông Khê đã có thể di tản "những con nhím” không gặp nguy hiểm - quân đội ông Giáp chưa có khả năng chống lại. Nhưng người ta để nhiều tuần lễ, nhiều tháng trôi qua, khi buộc phải làm thì đã quá chậm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #332 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2019, 10:23:19 pm »


Chương III

NHỮNG NÚI ĐÁ VÔI ĐÔNG KHÊ


Như cả một guồng máy thất bại. Từ những sai lầm ban đầu, thất bại tăng theo cấp số nhân tiến tới thảm họa. Đấy là điều đã xảy đến trong những núi đá vôi Đông Khê, "sự bất hạnh" do định mệnh.

Mấy nghìn người chết trong rừng, giữa núi đá. Những người này di tản từ Cao Bằng tới, những người khác đến với họ, gặp nhau để cùng bị tiêu diệt mà người ta không làm gì được cho họ, không cứu được. Họ bị dìm xuống sau năm ngày chiến đấu, cho đến lúc bị huỷ diệt hết hoặc bị bắt.

Làm sao kể hết được? Người ta đều biết rõ sức mạnh và ý đồ của quân Việt mà vẫn rơi vào cạm bẫy chết người. Đối với Đội quân viễn chinh tai họa là bất ngờ về chiến lược, chiến thuật cũng như về chính trị. Hầu hết hoàn toàn không ý thức, tuy vẫn biết nhiều vấn đề nhưng đã không tin.

Tất nhiên kể từ năm 1950, có thể làm bất cứ điều gì, điều động cả lớp thanh niên Pháp cho cuộc chiến tranh Đông Dương cũng không thoát ra được. Người ta đụng đầu với cái gì đó mạnh hơn mình. Nhưng cuối cùng nếu chấp nhận hoặc nhường bước sẽ không buộc phải chịu trước hết là những tai họa như Đông Khê và sau này là Điện Biên Phủ. Đã có thể bại không với nhiều nhục nhã, đau đớn, nhiều nạn nhân đến thế; đã có thể "giữ được" cho đến lúc hiểu và rút ra hậu quả. Nhưng trên con đường số 4, người ta đã đi tới chỗ hy sinh, bước vào tai họa.

Vụ việc càng kỳ lạ hơn vì từ xuất xứ đã có như một phản ứng khôn ngoan. Nhưng sự khôn ngoan ấy lẫn lộn với một sự điên rồ, mơ hồ đến mức trở thành khiêu khích.

Nguyên nhân không phải vì lực lượng quân Việt vừa hình thành: họ còn chưa chắc chắn và vụng về. Nhưng người ta tạo dịp cho họ chiến thắng trước khi tin vào ưu thế của mình. Họ chỉ lợi dụng được tình trạng rối ren về chính trị, quân sự của người Pháp.

Đông Khê là bi kịch của sự rời rạc tuyệt đối. Quân lính chết nhưng những người có trách nhiệm ở đâu đó, xa về thời gian và không gian. Trước đó là cả một quá trình rệu rã, mâu thuẫn, ngần ngại và không biết gì, cả một rối beng về lập luận lẫn lộn từ nhiều tháng, nhiều năm ở Lạng Sơn, Hà Nội, Sài Gòn, Paris ở trong các ban tham mưu, các bộ, trong Chính phủ. Tất cả đều sai lạc, đấy là hình phạt của mọi ngu dốt và đạo đức giả.

Tất cả đều mơ hồ. Ở Paris, Chính phủ luôn luôn khoan khoái chờ chiến thắng. Ngoài ra họ không quan tâm đến Đông Dương, họ tin tưởng vào các tướng. Hai tướng chủ yếu ghét nhau. Trong mùa khô, khi quân Việt đã sẵn sàng, hai người lần lượt công bố ở Pháp. Một người nói: "Mọi việc tiến triển tốt nhưng tôi muốn đánh quân Việt ở vùng biên châu thổ; có lẽ trước hết di tản Cao Bằng thì tốt hơn". Người kia nói: "Mọi việc tiến triển tốt nhưng tôi muốn đập tan quân Việt tại các căn cứ. Bằng mọi giá phải giữ Cao Bằng". Chính phủ không có quan điểm. Cao uỷ Pignon người duy nhất thực sự sáng suốt, thất vọng. Ông cũng làm một vòng ở chính quốc nhưng không dám trình bày quá rõ những lo sợ của mình. Chính phủ cho Carpentier là có lý vì ông ta là tổng chỉ huy nhưng nói với Alessandri đang đi vận động các bộ ở Paris: "Ông trở lại Đông Dương đi; ở đó rõ hơn".

Người ta chẳng làm gì. Và khi quân Việt tấn công chiếm thành trì Đông Khê lần thứ hai, chưa có gì sẵn sàng. Carpentier nghĩ về vinh quang của mình, ông bố trí một cuộc hành quân tuyệt đẹp với nhiều tiểu đoàn để chiếm trong tầm tay bên cạnh vùng châu thổ một "thủ đô” Việt Minh mà không có Việt Minh, tên là Thái Nguyên. Việc đó nhằm đánh lạc hướng dư luận thế giới về việc rút khỏi Cao Bằng vào thời gian ấy - ông quyết định vì sợ một điều "phiền phức" mười lần tệ hại hơn sự tan vỡ của "con nhím". Alessandri nghĩ về vinh quang của mình, chỉ giận dữ và cay đắng, ngày này qua ngày khác kháng cáo, thất vọng, làm mọi cách để chống lệnh thủ trưởng; ông không huỷ bỏ được mà ngược lại chính ông phải chỉ huy cuộc rút lui. Người ta áp dụng một kế hoạch cũ đã hai năm, hai đội quân Pháp phải cụm lại với nhau ở Đông Khê đã mất hai lần và quân đội ông Giáp đã tập hợp tại đấy. Và chính bên cạnh pháo đài định mệnh, trong khung cảnh lớn lao và đáng sợ của những ngọn núi đá vôi, các đội quân Pháp của đường số 4 bị tấn công khắp nơi, bị thảm họa đầu tiên của cuộc chiến tranh Đông Dương, là tiếng chuông báo tử. Không làm gì được để giúp những tiểu đoàn ấy chìm ngập dưới những khối người Việt, vì bộ phận lớn những tiểu đoàn Pháp ở cách đấy mấy trăm cây số, ở vùng biên châu thổ, đang chiến thắng một Thái Nguyên trống rỗng và rồi phải rút đi.

Tất cả thật vô lý, đến cặn bã, đến máu. Còn vô lý hơn nhiều nữa ở Điện Biên Phủ sau này. Năm 1950, ra mặt trận được chờ đợi chống lại ông Giáp là một Đội quân viễn chinh không có chỉ huy, hãnh diện lẫn dễ dãi và lo sợ, nhưng người ta không để tâm tính toán, phân tích, dự kiến. Và biết bao chi tiết không tưởng tượng được! Hai chỉ huy trưởng hai đoàn quân phải tập hợp với nhau trên đường số 4 căm ghét nhau - một người, đại tá Charton, một "chúa trời" của quân lê dương không sợ gì, nhất là người Việt. Người kia, đại tá Lepage, một sĩ quan pháo binh bạc nhược, chắc chắn sẽ đi vào chỗ chết và cầu nguyện Chúa. Carpentier ở Sài Gòn, trong phòng điều hòa nhiệt độ. Alessandri bay trên các đoàn quân nhưng không bao giờ thấy họ, không liên lạc điện đài được với họ. Còn chỉ huy trưởng vùng biên giới, đại tá Constans, một người thời thượng có nhiều quan hệ, không muốn phiền phức, không thích đi máy bay. Vậy là ông ở Lạng Sơn sống như chúa tể giữa đội bảo vệ lính lê dương chọn theo cỡ người và viên quản lý vốn là một thứ trưởng ngoại giao Chính phủ Vichy cũ. Đây là sân khấu kịch, một nghi thức không tin được về sự lớn mạnh quân sự giả tạo chủ yếu để "khoa trương", vả lại ông Constans này chỉ là đạo diễn, không vâng lệnh của chỉ huy trực tiếp là con người Corse bé nhỏ Alessandri mà tuân theo viên tướng nhiều sao Carpentier đã đưa ông từ Paris sang vì những mối quan hệ. Cuối cùng cũng không nên quên tướng Marchand, một người xuất sắc đã sáng tác những bài hát ngắn và khi được tin tạm quyền Alessandri trong mùa hè dài chờ đợi, đã kêu lên: "Chúa ơi, Chúa ơi, thật tai họa bất ngờ!"

Trách nhiệm thuộc về sự bất lực dần dần lan khắp các guồng máy của Đội quân viễn chinh, hoàn toàn đóng cáu lại - một sự bất lực toàn diện tuy đầy mưu mô và ranh mãnh, sự bất lực làm de Lattre gầm lên tức giận và xấu hổ khi ông đến Đông Dương quá chậm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #333 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2019, 10:25:31 pm »


Sự chờ đợi lâu dài

Suốt mùa hè, từ tháng bảy đến tháng chín là mùa mưa cuộc chiến tranh Đông Dương ngừng lại trong nước như một đợt ngưng chiến.

Không có gì xảy ra. Những trận tấn công hàng loạt dừng lại hẳn. Chỉ có một số Việt Minh không xông xáo lắm nhưng luôn cảnh giác canh phòng. Trên toàn tuyến biên giới, quân lính chờ đợi - vì họ biết những việc sẽ xảy ra. Đời sống chẳng có gì thay đổi nhưng không ai không biết trên núi rừng người Việt đang chuẩn bị, họ ở trong các trại, học tập, tăng gấp đôi, gấp ba số lượng tiểu đoàn cho "chiến dịch" tới sẽ diễn ra vào cuối tháng chín, chậm lắm là tháng mười khi hết mùa mưa.

Tôi nghĩ đến các đồn bốt vùng biên giới, những căn nhà trát bùn và bằng gỗ cùng đám cư dân lẫn lộn những ngụy binh, con gái, lính Maroc rậm râu, lính lê dương đội mũ kê-pi, lính Sénégal luôn cười cợt. Vẫn không có dây thép gai và mìn! Trong một bốt rách nát, viên cai bắn pháo hiệu khi người Việt đến quấy rối quá đông. Ca-nông ở Lạng Sơn bắn những loạt đạn đã tính toán, cày xới sườn núi chỗ họ đóng quân. Và đấy là một bốt may mắn, dưới tầm bảo vệ của trọng pháo. Biết bao nhiêu bốt không được như thế!

Tuy đơn độc, những nhóm người cách ly với bên ngoài trên các chỏm núi hoặc ở đáy lòng chảo, được tiếp phẩm bằng thả dù hoặc rất hiếm các đội quân tới, giữa tĩnh lặng khó chịu của mùa hè, biết rõ những dấu hiệu báo nguy hiểm. Khắp nơi có những điềm xấu. Ở Cao Bằng gọng kìm khép lại. Lính lê dương chỉ cần nhìn qua ống nhòm để nhận thấy quân lính Việt Minh mặc đồng phục đen đứng gác. Loa phát thanh Việt thường vang lên: "Các anh đã bị bao vây: chỉ mấy tuần lễ nữa các anh sẽ ở trong tay chúng tôi." Thời hạn đến gần, những lính lê dương không đứng gác xây dựng những lô cốt mới với xi măng, gạch đất, những gì chịu đựng được đạn cối. Trong thành phố bị bao vây hầu như người ta không ngủ nữa tuy tinh thần vẫn tốt.

Suốt mùa hè quân đỏ tiếp tục chuẩn bị dữ dội. Nhiều nền đất bao la ở Trung Quốc cũng như ở Bắc Kỳ. Ở Trung Quốc những sân bay ở Côn Minh, Quế Lâm, Hải Nam, trước đây người Mỹ làm tạm giúp Tưởng Giới Thạch chống Nhật đã thành rừng cây nay trở thành những bãi xi-măng. Người ta cũng biến đường rải đá sỏi của đường sắt Vân Nam, công trình cũ của thực dân Pháp ở Trung Quốc, thành một con đường chiến lược, từ những núi đá vôi, những cao nguyên Vân Nam xuống đến lưu vực sông Hồng. Ở Bắc Kỳ người Việt cố sức kéo dài những con đường Trung Quốc ấy đến trước các "mục tiêu" Thất Khê, Đông Khê và Cao Bằng, tất cả ở đầu đường số 4. Trong các trại đóng quân ở Trung Quốc, ông Giáp cho tạo mô hình thật đúng - Đông Khê được xây dựng lại kích thước như thật, các công sự thật chính xác và việc bố trí quân toàn Cao Bằng cũng thế. Rồi các đội quân xung kích Việt Minh học đánh chiếm hàng ngày, diễn tập không dứt. Sau những việc chuẩn bị ấy, họ bố trí tại chỗ để hành động. Các sư đoàn Việt Minh ra khỏi các trại, tập trung trên các "đường trục tấn công", vẫn ẩn náu trong rừng nhưng đã sẵn sàng lao vào các mục tiêu.

Các đội quân Trung Hoa ở phía sau, còn đông hơn nhiều, ít nhất là hai trăm nghìn người. Về nguyên tắc những đội quân này không can thiệp nhưng họ vẫn tấn công Đông Dương nếu tình hình xấu đi, nếu cuộc chiến tranh Triều Tiên vừa mới bắt đầu trở thành cuộc đại biến ở Châu Á, có lẽ của cả thế giới. Điều đó cần ít thôi, tùy theo quyết định của một người! Chỉ cần người buôn cà-vạt trước kia, tổng thống Truman, con người dân sự, bị McArthur tác động, nghe theo lời khuyên nguy hiểm của ông này. Vì McArthur muốn tiêu diệt chính nước Trung Hoa nhân dân. Và sẽ là phản ứng dây chuyền nêu máy bay ném bom Mỹ tàn phá Mãn Châu Lý công nghiệp, nếu Hạm đội 7 bắn phá các cảng và bờ biển nước Cộng hòa Mao và thậm chí nếu quân đội Tưởng Giới Thạch khôi phục lại ở Đài Loan đổ bộ lên lục địa kêu gọi dân chúng nổi dậy. Đối với những người cộng sản Trung Hoa lúc ấy là những tuần lễ lo sợ; để đề phòng ngăn cản mọi cuộc nổi dậy, trong ba "chiến dịch quần chúng" lớn, họ lạnh lùng, có phương pháp, xử lý từ hai mươi đến ba mươi triệu "tư sản" và "kẻ thù của nhân dân". Mặc dù vậy, nếu điều tệ hại xảy ra, nếu nước Mỹ lao vào cuộc chơi lớn, nước Trung Hoa chẳng còn gì để mất, tung các đội quân, các đội quần chúng bao la trong cuộc chiến tranh nhân dân vào tất cả những người thực dân, tư bản gần với các nước đế quốc, bắt đầu từ cái gọi là Đông Dương thuộc Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #334 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2019, 10:26:20 pm »


Về phía người Pháp chỉ có mấy nghìn người ở vùng biên giới. Không có mệnh lệnh nào, không một chỉ thị đặc biệt nào, họ như bị bỏ rơi mặc số phận. Người ta không tăng cường mà tước mất của họ, rút đi của Bắc Kỳ sáu tiểu đoàn đưa sang Lào, Căm-bốt mà các nhà vua than phiền có sự thâm nhập; phải làm cho họ vui lòng vì những lý do chính trị.

Trong không khí nóng bỏng, tất cả là mối nhập nhằng và mánh khóe. Những người trên đường số 4 biết: họ buộc phải chiến thắng nếu không muốn bị thiêu cháy trong các bốt hoặc bị tiêu diệt trong rừng. Nhưng làm sao không bị nhấn chìm trước những gì sắp tràn tới? Làn sóng triều không như một năm trước đây, chỉ là giả thuyết: nay là sự chắc chắn.

Nhưng trên biên giới, mặc dù lo lắng, mọi người im lặng không một tiếng nói cảnh báo, dự kiến. Bộ phận ưu việt, lính lê dương, quân dù, lính ta-bo biết tỏ ra khinh thường nguy hiểm. Trong các ban tham mưu, không phải vì tự hào mà vì quyền lợi và tham vọng mà người ta im lặng. Bị kết tội "thất bại chủ nghĩa" là thất sủng, là kết thúc sự nghiệp. Phải tỏ ra ân cần với các tướng không muốn biết sự thât và dù cách nào cũng không tin vào sự thật.

Trong tình hình ấy, giờ của ông Giáp đã điểm. Mùa mưa chưa kết thúc. Đột nhiên, theo cách của cộng sản, cuộc tấn công dữ dội xảy ra sau phút không ngờ. Ngày 18 tháng chín Đông Khê biến mất như một con tàu chìm trong biển cả, không để lại một dấu vết, không nhặt được một người. Cuộc "tập dượt" tháng năm, việc tự kiểm điểm đã phát huy tác dụng: Lần này không một sai lầm - người ta nghĩ không người nào trốn thoát và không có vấn đề "chống cự".

Cả một tai họa. Bốt bị tiêu diệt vươn dậy, được củng cố, bảo vệ với những gì lính lê dương có tốt nhất, kéo dài trong sáu mươi tiếng đồng hồ. Người ta chỉ biết cảnh hấp hối qua vài tin tức điện đài và rồi sự im lặng của kết thúc. Vì cuộc chiến tranh Đông Dương là thế, những người chiến đấu chết đơn độc và Bộ chỉ huy thậm chí không biết họ chết như thế nào. Nhận được chỉ là giọng lạ lùng của lối quân sự thông thường, quá xa với cảnh hấp hối thực sự, với cái chết thực xẩy ra đâu đó ở xa, rất xa. Trưa một ngày thứ bảy, bức điện đầu tiên từ Đông Khê báo cáo ông Giáp đã mở màn các "sự kiện", bắt đầu cuộc "tổng phản công". Cũng như đợt tháng năm với các tiểu đoàn Việt trên núi cao bắn xuống, nhưng hỏa lực mạnh hơn nhiều, ở Đông Khê cũng vậy. Đấy là cuộc đọ pháo tay đôi đầu tiên, cũng như sau này rất nhiều, quân Việt từ trên cao với những trọng pháo đặt phân tán, quân Pháp bắn từ dưới lên với những trọng pháo tập trung. Ở Đông Khê quân Việt thắng trong cuộc đọ súng, cũng như trong cuộc đọ súng lớn hơn nhiều họ sẽ thắng sau này ở Điện Biên Phủ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #335 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2019, 10:26:56 pm »


Tuy vậy trong ngày đầu kết quả chưa rõ ràng. Tin tức của Đông Khê cho biết thiệt hại không đáng kể và thậm chí trọng pháo của khu đồn trú đã làm câm họng hai ca-nông Việt. Nhưng ngày thứ hai, một ngày chủ nhật dài, tin điện càng hiếm và ngắn gọn hơn, với mọi công thức "thiệt hại": đến buổi hoàng hôn ngày chủ nhật ấy hơn một nửa lính lê dương chết hoặc bị thương. Tin cuối cùng không hoàn toàn thất vọng nên ban đêm đã im lặng hẳn - Đông Khê không trả lời nữa. Sáng thứ hai trong sự im lặng ấy, bầu trời thấp đến nỗi vùng cao Bắc Kỳ chỉ là một tấm màn xám, núi mây lẫn lộn. Tuy thế một máy bay Junker được lệnh đi "xem" Đông Khê - như một chuyến bay không thể thực hiện giữa những chỏm núi và gió mùa. Phải qua đèo Luông Phai đầy mây trong bầu trời mờ đục chui mãi đến "lỗ" Đông Khê. Cuối cùng khi chiếc Junker đã đâm thủng mây mù, quay vòng trong lòng chảo như ở đáy chiếc bát, biết được tình hình. Trên cột cờ danh dự bị gãy, lá cờ Pháp đã biến mất, những đám lửa lớn tỏa khói đen, bốt chỉ là đổ nát và điêu tàn. Người Việt còn ở đấy vì khắp nơi những nòng súng phòng không theo dõi chiếc máy bay cũ và chậm chạp trong đó phi hành đoàn đang quan sát thảm họa. Lần này người Việt không lộ mình, ngụy trang trong thiên nhiên theo luật chiến trường để tiêu diệt quân dù được thả xuống hoặc một đội cứu viện từ đường số 4 tới. Chắc chắn họ hy vọng một món mồi bổ sung.

Lần này Bộ chỉ huy chẳng làm gì cả. Họ không dám dùng quân dù chiếm lại Đông Khê như lần đầu, sợ mắc bẫy. Mùa xuân năm 1950 ấy - tuy chỉ mới mấy tháng trước đây - đã ra rồi, lúc người ta sửa chữa thất bại bằng những trận táo bạo và khinh thường, như người Việt còn là những đối thủ kém xa mình!

Ông Giáp không thể tăng người ngay cho vị trí chiếm được vì sự bất động khôn ngoan của Pháp, thông báo thắng lợi trên đài phát thanh, đã bắt chín mươi tám tù binh. Không phải một con số quá lớn nhưng than ôi! Đây là thông báo đầu tiên của những thông báo trong những tháng, năm tiếp đó mà người Việt công bố đã nhặt được hàng nhiều trăm, nhiều nghìn quân lính của Đội quân viễn chinh.

Vào thời điểm đó người ta tưởng số còn lại của khu đồn trú đã chết hết. Chỉ mấy tuần lễ sau, giữa thảm họa của vùng biên giới, một toán quân nhỏ và sắp chết từ rừng "chui ra", một sĩ quan và mấy người lính của Đông Khê và những gì mấy người sống sót này kể lại càng khẳng định hơn quân lính Việt là những người người như thế nào và sức mạnh không giải thích được của họ. Họ đập tan bốt này bằng những khẩu ca-nông vô hình. Và việc làm đó theo mọi phương pháp. Trước hết là triệt hạ bốn lô-cốt liên tiếp theo nhau, đạn cối dội vào làm vỡ tung bê tông, giết những người canh phòng tại chỗ. Trong đổ nát của vành đai, những người bị thương bắn vào người Việt không xác định được rõ cho đến khi họ tràn tới. Những người chạy được hoặc còn khỏe, ít bị trúng đạn, trốn vào góc trung tâm. Ở đây tất cả lại bắt đầu, những vụ nổ, đổ vỡ, số lượng đông người Việt hét lên, ra lệnh bắn trong đêm, ào ạt tiến công. Đến những phút chót, đạn thiếu, điện đài không hoạt động, chỉ còn vài chục người chiến đấu được lao vào cuộc giáp lá cà cuối cùng. Một nhóm trong bọn họ cố "thoát ra", chạy vào bóng tối và rừng trong lúc quân Việt "bao trùm" thành trì vừa la hét chiến thắng.

Việc thất thủ Đông Khê lần thứ hai này không chỉ mất "những con nhím"; đây là chứng cứ toàn tuyến biên giới đổ vỡ, chứng minh quân đội ông Giáp là một thực tế đe doạ. Người ta đi chiến đấu chống lại họ lẫn lộn những mặc cảm thua kém và mạnh hơn, đã ra những chỉ thị không rõ rệt tung quân vào những hoàn cảnh thác loạn. Cuối cùng buộc phải thực hiện những mệnh lệnh ngu ngốc, lòng can đảm của sĩ quan và binh lính trên chiến trường càng dẫn họ đến một thất bại tàn khốc hơn.

Nhưng sự ngu ngốc về quân sự không đơn giản như người ta tưởng. Không có gì phức tạp, tinh tế, đầy đủ lý do hơn. Từ những mưu mô xấu xa lẫn lộn mánh khóe và ngây thơ dưới uy lực những sự cần thiết và cạnh tranh, người ta xây dựng những luận thuyết hoàn toàn sai sẽ được áp dụng. Năm 1950, thảm họa trên biên giới Trung Quốc chỉ giải thích được bằng các "trò chơi của các tướng", tất cả những ngón của họ trong các tháng trước ở mọi lĩnh vực có thể tưởng tượng được. Nguy hiểm nhất là với những động cơ ích kỷ, người nào cũng chắc chắn có lý, hành động vì lợi ích lớn của nước Pháp và Đội quân viễn chinh trong lúc có khả năng làm bất cứ việc gì, sau đó họ hoàn toàn "bỏ mặc".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #336 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2019, 10:28:15 pm »


Sự từ chối của tướng Carpentier

Trong mấy tháng cách nhau giữa thất bại Đông Khê lần thứ hai và thảm họa lớn trên đường số 4 xảy ra một "mánh khóe mờ ám" giữa các tướng. Trước hết, tướng tổng chỉ huy chống lại thuộc hạ Alessandri, con người hiền, rất ngoan cố. Và đến lượt Alessandri nổi dậy chống cấp trên.

Cuộc xích mích kỳ lạ này là nguyên nhân sâu xa của các thảm họa nối tiếp nhau. Nhưng phải lùi về trước, nắm lấy từ đầu, trong các ban tham mưu và các bộ, bên cạnh những người quan trọng xử sự như trẻ con. Và tất cả việc đó xẩy ra giữa bộ máy trịnh trọng của quyền lực.

Đã nhiều tuần, "con người chăm lo công việc" Alessandri xây dựng "công trình lớn", đề án chủ đạo của ông. Đang là tháng 5 năm 1950. Hơn bao giờ hết, mặc dù có những chức danh và phẩm cách chính thức, ông là nguyên mẫu của "người thực dân ưu tú" cứng rắn, chặt chẽ về nguyên tắc, có một lòng tốt nào đó trong thái độ dứt khoát. Thức dậy lúc năm giờ sáng, buổi trưa nhấm nháp mấy quả nho, buổi tối không ăn vì không có thì giờ. Không mệt mỏi, ông làm việc một ngày từ mười sáu đến mười tám giờ trong văn phòng. Chăm chú khác thường, tự ông làm mọi việc, bên cạnh chỉ vài sĩ quan loại "làm việc không nghỉ", mang đến những hồ sơ dày mà họ thuộc lòng, có thể trả lời ngay bất cứ câu hỏi nào.

Viên tướng nhỏ người nhìn lên những tấm bản đồ rộng lớn tra cứu những con số khổng lồ và hàng nhiều giờ liền ông suy nghĩ, đắm mình trong ý tưởng, xung quanh tất cả là im lặng và chờ đợi. Đôi khi ông đột ngột hỏi một chi tiết và hầu như bao giờ cũng nổi giận nói: "Không phải thế; không đúng". Rồi đến thời điểm thư giãn, ông nói: "Đấy là cuộc hành quân chúng ta sẽ tiến hành". Tất cả rất cụ thể, được tính toán tỉ mỉ. Không có ai bố trí, sắp xếp các tiểu đoàn như ông.

Việc đó dẫn đến một kế hoạch đồ sộ. Điều tướng Alessandri muốn làm là tự mình đưa cuộc chiến vào miền Trung và vùng cao Bắc Kỳ, ngay trong rừng, trong "tứ giác" Hồ Chí Minh.

Đấy là dốc tất cả cho tất cả. Việc chinh phục vùng châu thổ hoàn thành. Người Việt đói trong những căn cứ của họ, chuẩn bị vô vọng cho những trận đánh lớn "phản công" nhưng chưa sẵn sàng. Là lúc đánh trận quyết định, đuổi theo họ về căn cứ, các trại để tiêu diệt, phá huỷ những cơ sở bố trí kho tàng của họ, ngăn cản việc chuyên chở khí cụ Trung Hoa.

Chỉ có ông, Alessandri, mới có thể chỉ đạo một cuộc chiến như thế. Những gì đã làm trước đó không đáng kể. Những thất vọng não nề trước đây không quan trọng - nhất định phải không tránh khỏi, hậu quả của quan điểm chiến lược mơ hồ. Thực vậy còn gì vô lý hơn khi bám vào chỉ một con đường, chiến trường chỉ là đường số 4? Người ta làm như vậy vì sợ, dễ làm và đã trả giá đắt. Đưa mình ra hứng chịu đòn địch. Vì tất cả những đồn bốt, những đoàn xe trên đường số 4, đều làm mồi cho Việt Minh rình mò, khi họ ở khắp nơi, muốn làm gì thì làm. Hệ thống ấy đã được các tướng nổi tiếng, những Valluy, Salan thừa nhận. Nhưng ông, Alessandri khiêm tốn, sẽ làm việc họ không dám làm: tung quân vào thiên nhiên, đưa quân theo những con đường mòn, những mỏm núi, sẽ hành quân, chỉ đạo các tiểu đoàn của ông chiến đấu với người Việt theo cách người Việt, ông sẽ chiếm cả vùng rừng núi, quét sạch địa bàn, và sẽ là sự kết thúc Hồ Chí Minh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #337 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2019, 10:29:06 pm »


Tất cả đã sẵn sàng. Ông có một đoàn quân chiến đấu gồm năm mươi tiểu đoàn, sẽ tung ra đồng loạt chống quân đội ông Giáp. Trong thời kỳ đầu họ chiếm những vị trí gần và các đường tiến; thời kỳ thứ hai họ trải rộng trong núi rừng với từng nhóm, năm, sáu tiểu đoàn. Sáu cuộc hành quân hủy diệt được tiến hành đồng thời, đi từ Yên Bái, Việt Trì, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn để đi sâu vào trung tâm núi rừng quân địch. Sẽ cùng một lần đánh khắp nơi nếu không người Việt luồn qua ngón tay như thủy ngân.

Tất cả đã rà soát kỹ. Phòng Nhì đã để nhiều tháng khám phá, xác định vị trí các "mục tiêu", những gì người Việt đã ngụy trang rất cẩn thận, các kho tàng, doanh trại, xưởng máy. Phòng Ba đã nghiền ngẫm không dứt các kế hoạch hành quân sẽ tiến theo các đường mòn, không ngừng, vào trong những chiến địa thực sự mà các toán quân, các tiểu đoàn sẽ phân tán rồi tập hợp lại với nhau để càn quét tất cả, bao vây tất cả; người ta chuẩn bị mặt bằng khắp nơi để đổ bộ quân dù.

Sẽ tổ chức săn lùng nhưng không dùng trọng pháo, quân lính phải nhẹ người, động tác nhanh, tất cả làm hết cỡ. Sẽ là cuộc chiến đấu tuyệt đối, thực thụ giữa người với người theo hệ thống "dàn quân" thực dân cũ. Phòng Bốn chất đống thực phẩm và đạn dược ở tất cả các điểm chốt, chuẩn bị cho nhiều tuần lễ của cuộc chiến săn đuổi này.

Tất cả được ấn định trước như một bộ máy đồng hồ. Chỉ đạo mọi hoạt động sẽ là đích thân Alessandri. Có ai biết rõ hơn ông vùng cao Bắc Kỳ, núi rừng, các dân tộc và các trưởng bản? Trước kia phải chăng ông đã đi bộ suốt các đường mòn? Vả lại đã không bỏ qua việc gì, kể cả chuẩn bị về mặt tâm lý. Tự nhiên là người bạn cũ, tham dự những buổi lễ lạ lùng, Alessandri tặng quà và hứa hẹn nhiều với người Mán, Mèo, Nùng, những người xa lạ và đáng sợ của miền núi, ông cho mua thuốc phiện của họ với giá gần gấp đôi. Ông tuyển mộ những người miền núi vào đủ loại ngụy binh, dùng làm người dẫn đường và cả một toán du kích chống Việt Minh làm chỗ dựa cho các cuộc hành quân của Đội quân viễn chinh. Ông cũng cử Bigeard và một đại đội lính dù đến với tên độc tài Đèo Văn Long để huấn luyện "quân đội" của hắn, Bigeard nhanh chóng bất hòa với chúa chiến tranh của Lai Châu; Đèo Văn Long gửi tối hậu thư cho Alessandri: "Ông ta hoặc tôi, một trong hai người phải ra đi." Nhưng cũng chẳng sao. Bigeard bị thuyên chuyển xuống châu thổ; ở đây với những phương pháp riêng ông biến một tiểu đoàn Việt Nam kém cỏi thành một tiểu đoàn dù xung kích da vàng.

Người ta làm cả một cuộc tập dượt. Một toán quân gồm bốn tiểu đoàn, chỉ huy trưởng là đại tá Carbonel, một thực dân cũ gân guốc và dày dạn kinh nghiệm, xông vào rừng rậm cho đến Tuyên Quang, rất xa trên vùng Việt Minh. Trong mười lăm ngày đoàn quân đi các hướng khác nhau theo điện đài hướng dẫn, dựa vào các nguồn tin về các kho tàng Việt Minh. Theo cách ấy, ngoằn ngoèo tiến lên họ phá được một cơ sở vật liệu khá lớn của người Việt, nhưng trên đường trở về họ cũng suýt bị tan vỡ. Tuy vậy Alessandri thỏa mãn, xác định kinh nghiệm rất thành công.

Chương trình kỳ diệu ấy Alessandri soạn thảo rất công phu trong bí mật tuyệt đối, chỉ với đầu óc mình và mấy sĩ quan chắc chắn, cũng câm lặng như ông. Không có điều gì được thoát hơi ra ngoài. Tổng chỉ huy không biết, cao uỷ cũng không, ít nhất ông nghĩ thế. Viên tướng nhỏ người dành cho họ sự ngạc nhiên và niềm vui, ông chỉ không có ý nghĩ người ta có thể nói "không" với ông. Chẳng phải ông đưa lại chiến thắng trên một vùng cao, những gì ông đòi hỏi là gửi cho ông mấy tiểu đoàn bổ sung. Thế mà mấy ngày sau, ngày mồng 1 tháng sáu năm 1950, là phản bác của Carpentier. Câu trả lời là một lời chú thích rất ngắn, tệ hại nhất, cao điệu và dứt khoát: mọi cuộc tấn công đều bị cấm. Và Carpentier nói thêm ông có sự đồng ý của ông Pignon đã lên án những dự án này quá phiêu lưu. Đây là sự xúc phạm cao độ, thực sự là lưỡi dao đâm vào lưng vì lúc nào Pignon cũng là người bạn, người bảo vệ, người cùng nhóm với Alessandri.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #338 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2019, 10:30:24 pm »


Không thể hình dung sự giận dữ, nỗi thất vọng của Alessandri. Con người khô khan và ngẫu hứng tưởng tượng mình là nạn nhân của một âm mưu ghê tởm với những tính toán thấp hèn nhất. Đối với ông, Carpentier không biết gì về Đông Dương, không thích ông ra mặt, để cho ông làm, cho phép ông đưa lại chiến thắng, chinh phục vùng châu thổ khi có lợi cho ông ta, khi việc đó lóe sáng trên ông ta. Nhưng khi đã nắm chắc được ngôi sao thứ năm, ông chỉ còn một nỗi lo sợ. Alessandri làm lu mờ ông, vượt trên ông bởi chiến thắng lớn là tiêu diệt vĩnh viễn quân Việt. Vì thế ông ta trói tay Alessandri, ngăn cản tung vào rừng cuộc tấn công quyết định. Chắc chắc chắn Carpeentier nói với người xung quanh: "Ông ấy hãy để chúng ta yên".

Một điều chắc chắn: hai người không thích nhau. Người ta biết Alessandri được dự tính cử làm tổng chỉ huy và Carpentier đã vượt lên. Dù sao lúc đầu đã có "một sự thỏa thuận cao thượng" giữa hai viên tướng. Dần dần những mối quan hệ giữa Hà Nội và Sài Gòn xấu đi. Tất cả đều mập mờ. Alessandri hành động như không có Carpentier, chỉ dựa và Pignon. Carpentier đã có thể nhân danh tổng chỉ huy đưa thuộc hạ của mình vào kỷ luật và tuân lệnh. Nhưng ông không muốn nổ ra va chạm hay những hành động quyết liệt: không có trong truyền thống quân đội. Bằng cách mò mẫm và tỉ mỉ, ông chỉ hạn chế trong việc gây phiền phức, lo lắng cho cấp dưới nhưng không làm gì đến cùng. Giữa hai viên tướng là cuộc chiến với những "đòn nhẹ nhàng".

Carpentier cũng để một thời gian "vượt lên" trên Alessandri. Ông đến Châu Á không khỏi có chút lo ngại. Trong thâm tâm ông không muốn đi, sợ mất tiếng tăm trong một cuộc phiêu lưu ở Cận Đông. Vì cho đến lúc đó ông là một "ông hạnh phúc", dưới bóng thuận lợi của thống chế Juin ông đã thành công không "tì vết", không "đổ vỡ", thậm chí hơn mong ước của mình. Kỷ niệm nặng nề duy nhất về quá khứ là được ông chủ cho de Lattre mượn ông làm tổng tham mưu trưởng trong mặt trận Đức. De Lattre đã nhanh chóng trả ông lại cho Juin vì bất lực. Nhưng sự cố ấy được quên đi từ lâu rồi.

Khi Carpentier được Chính phủ chọn làm tổng chỉ huy ở Đông Dương, Juin khuyến cáo ông nhận; ông chỉ còn vâng lời. Nhưng ông bối rối. Sau này Carpentier kể lại: "Khi được bổ nhiệm, việc đầu tiên là tôi mua một tấm bản đồ Đông Dương vì không biết nó được hình thành như thế nào". Ít lâu sau ở Sài Gòn ông tiếp hai nhà báo Pháp rất trẻ, bốn mươi năm trước, ở Tours, ông là bạn nhảy hấp dẫn của mẹ một người trong bọn họ. Ông tâm sự với hai người. "Tôi không thích Đông Dương". Họ hỏi ông: "Thế vì sao ông ở lại đây?" Tuy họ xấc láo như vậy, viên tướng vẫn cho họ mượn chiếc xe tổng chỉ huy đầy sao. Lái xe quên giấu những ngôi sao đi khi các bạn trẻ dùng xe đến khu nhà chứa bao la cho binh lính ở đường Gallieni. Ngày hôm sau cả Sài Gòn biết Carpentier đã đi "nhà thổ" - khốn khổ cho Carpentier!

Tổng chỉ huy giam mình lâu trong văn phòng ở Sài Gòn, tóc bàn chải và một chiếc hòm sĩ quan lồ lộ ở một góc phòng. Dần dần không hài lòng là một "chiếc bóng" của Juin nữa ông xác định mình là một "chỉ huy". Tuy vậy ông vẫn chẳng làm gì. Khi đi trên đường hoặc đi kiểm tra, ông chẳng thấy gì nhưng trở về bàn giấy ông bực tức nhận thấy lọ mực không còn mực.

Carpentier khá phức tạp trong cách đơn giản của mình, đầy tin tưởng cục mịch và rất sợ "phiền phức". Ông khiêm tốn và kiêu ngạo, anh hùng rơm và không có nhuệ khí. Phô trương chức danh, ông có một cách chỉ huy lạ lùng. Đối với ông một tổng chỉ huy không phải để chỉ huy. Ông chuyển quyền lực cho các tướng chỉ huy các khu vực - họ đánh như thế nào theo ý họ, ông không xen vào. Điều quan trọng là họ đến gặp ông, biết nói với ông và tâng bốc ông như những quân nhân tốt phải làm. Ông nghe khắp mọi người miễn họ nói mọi việc tiến triển tốt. Khôn khéo nhất là tuyên bố: "Tôi đã làm sạch sẽ vùng tôi nhưng ông đừng rút đi những phương tiện của tôi". Carpentier không hề có một ý tưởng chung về cuộc chiến tranh Đông Dương, về cách dẫn dắt nó. Ông đã gần như nói việc đó cho người biết làm ông hài lòng - và chờ kết quả. Theo ông vai trò của mình là làm Paris "sáng tỏ" có nghĩa là làm Paris yên tâm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #339 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2019, 10:32:33 pm »


Thế nhưng Carpentier sau bao nhiêu tháng thanh thản bị kéo ra khỏi sự bình lặng. Việc ấy do đại tá Domergue, một người cao lêu nghêu, gầy, dữ tợn và thô lỗ, một nhân vật ông chọn làm tổng tham mưu trưởng Đội quân viễn chinh. Ông có mũi to, gãy, giọng nói khàn, đôi mắt hơi đỏ và lờ đờ. Thực sự ông uống nhiều, rất nhạy cảm với rượu. Hơn nữa ông tàn bạo và độc ác theo tính cách một người đau khổ vì không được khen thưởng đúng mức. Nhưng Domergue có một sức làm việc đồ sộ và thái độ luôn cau có ấy, theo nhận định chung, là quân nhân thông minh nhất, có nghị lực nhất Đông Dương. Con người thô bạo sáng suốt ấy không tôn trọng truyền thống. Ông muốn cắt gọt, tổ chức lại toàn bộ - bằng sắt thép và lửa - Đội quân viễn chinh vốn chỉ là một tập đoàn phong kiến lớn. Nhất là ông đã nói với Carpentier: "Ông hãy tự chỉ huy lấy. Phải dựa vào sáng kiến thay vì áp dụng những chương trình làm việc người ta giao cho ông."

Tóm lại Domergue muốn biến Carpentier, viên tướng ít chiến đấu, quen nhận mệnh lệnh thành một người chỉ huy thực sự của cuộc chiến tranh. Ông đã thành công trong một chừng mực nào đó khi kích thích lòng kiêu căng của viên tướng chống Alessandri. Đối với Carpentier, Alessandri là một ám ảnh, chỉ chờ dịp để nổ ra chống lại. Chỉ cần Alessandri có một ý kiến kiên định thì Carpentier có một ý kiến kiên định ngược lại.

Trong tâm trí Carpentier, tất cả liên kết lại để chống viên tướng dưới quyền. Từ nay ông có thể lên án ông kia ngay về kế hoạch cuộc chiến. Domergne đã nói với ông: "Alessandri có lý khi khẳng định số phận của Đông Dương phụ thuộc vào những tháng tới ở Bắc Kỳ. Tai hại vì ông ta điên rồ. Sẽ là thảm cảnh nếu ông ta lôi kéo các tiểu đoàn của Đội quân viễn chinh vào núi rừng vùng cao Bắc Kỳ chống người Việt: đoàn quân sẽ bị đánh tan tành hoặc thất bại nặng." Carpentier đã chịu khó cho xây dựng bản án về những kế hoạch lớn lao của Alessandri. Thật hài hước! Alessandri bí mật chuẩn bị những kế hoạch trong văn phòng mình ở Hà Nội. Không hề ngờ các văn phòng trong ban tham mưu Sài Gòn cũng làm những kế hoạch để đi đến những kết luận hoàn toàn ngược lại. Ở Phòng Nhì một chuyên viên kỹ thuật gầy gò, mắt rực lửa, tên là Boussary, có thể chứng minh tất cả và tin vào những chứng minh của mình. Ông ta đã làm một tác phẩm, tài liệu cụ thể và chính xác về quân đội ông Giáp, điểm tên tất cả các đơn vị và trang bị vũ khí. Phòng Ba nghiên cứu mọi giả thuyết chiến lược tấn công ở vùng cao như Alessandri mong muốn để phản bác ông có hiệu quả hơn, ghi rõ những gì cần thiết về quân số, khí cụ, các loại phương tiện, và người ta đã kết luận: "Điều đó không thể được".

Carpentier cũng có nỗi căm hận. Dù sao ông cũng là tướng tổng chỉ huy, nhất thiết cần có những biểu hiện kính trọng. Và ông cảm thấy rõ Alessandri không kính trọng ông, thậm chí khinh ông. Ông chỉ là một kẻ "ngu ngổc" đối với viên tướng nhỏ người vốn tự cho mình là một thiên tài. Carpentier vẫn để cho ông ta làm. Alessandri kiêu hãnh một cách đơn độc, không nghi ngờ gì, bị lôi cuốn vào mọi cuộc hành quân, khôn khéo, lừa bịp Carpentier. Sài Gòn chờ đợi ông ở bước ngoặt. Địa bàn đã chuẩn bị tốt, đã đặt mìn - người ta đã xúi bẩy cả Pignon.

Thế là đến ngày mồng 1 tháng sáu năm 1950, ngày Caroentier ra khỏi trạng thái bất động, làm cuộc đảo chính - ông đặt lại Alessandri, chúa tể chiến tranh, chuyên gia về Đông Dương vào hàng ngũ của mình. Ông kết tội ông ta không làm gì, không là gì ngay lúc ông ta thông báo: "Tôi đưa lại cho ông giải pháp; tôi đưa lại chiến thắng".

Sau viên tướng nhỏ không còn ai - kể cả de Lattre - nghĩ đến việc đưa Đội quân viễn chinh tổng tấn công vào núi rừng chống người Việt. Người ta chỉ tiến hành một cuộc phòng thủ ngày càng khó khăn, ngày càng vô vọng. Theo lý lẽ Alessandri đã đúng khi nói: "Phải ở lại vùng biên giới Trung Quốc. Nhưng người ta chỉ giữ được khi chiếm lấy toàn bộ vùng cao. Mục đích của tôi là như vậy: phải giữ cho quân Việt càng xa càng tốt. Cuộc tấn công của tôi là cơ may cuối cùng - nếu không Cao Bằng, Lạng Sơn sẽ đổ vỡ hết. Lúc ấy sẽ thật nguy hại vì các đội quân Giáp và các đoàn xe Molotova bao giờ cũng đi xa hơn. Vô cùng ảo tưởng nghĩ rằng có thể tiêu diệt quân Việt khi họ xuống trước vùng châu thổ! Họ sẽ làm tan rã vùng châu thổ, tan rã cả nước và Đội quân viễn chinh bị dồn đến đường cùng, đi từ thất bại này đến thất bại khác cho đến thảm họa cuối cùng. Bây giờ là lúc còn có thể đưa cuộc chiến đến đấy, có thể còn đập nát quân đội Hồ Chí Minh, trong khu tứ giác của họ". Alessandri nhìn vấn đề đúng như một nhà lý thuyết, một tiên tri - tương lai sẽ chứng minh điều đó. Thế nhưng việc ông đề nghị, việc chiếm lĩnh núi rừng với số lượng lớn người và xe cộ của Đội quân viễn chinh, chiến dịch lớn, vinh quang của ông phải chăng đã là một giấc mơ, một ảo tưởng? Chắc chắn trong thực tế là một điều không thể - người Việt đã quá mạnh và điều đó sẽ kết thúc xấu.

Dù sao chống lại sự lãng mạn của Alessandri, Carpentier tung ra trọng lượng của lý trí. Nhưng là lý trí mơ hồ, chỉ cần mấy tuần lễ để kết thúc rất tồi tệ. Vì Alessandri chống lại, không chấp nhận, và những gì tiếp theo thực sự bẩn thỉu, chỉ rõ việc tranh cãi viển vông trong quân đội có thể đi tới đâu. Đúng là khó phân biệt được trong những cuộc xô xát ấy giữa các tướng nặng nề và ti tiện đến thế, đâu là lợi ích cá nhân, tính ích kỷ, kiêu căng, lòng hận thù, tham vọng đâu là lòng trung thực, sự tin chắc hóa thân vào giả thuyết chiến lược đúng. Chắc lẫn lộn cả hai như giữa những người khác nhưng ở các quân nhân những xích mích ấy được đưa lên đến mức độ quyết liệt, cả những thảo luận nghiêm túc nhất cũng trở thành những việc cá nhân khó tin, hoàn toàn sỗ sàng - thế nhưng liên quan đến nước Pháp, thất bại hoặc chiến thắng, đến mạng sống nhiều nghìn và nhiều nghìn binh lính.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM