Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:16:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84881 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #320 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2019, 08:56:14 pm »


Sức tưởng tượng của Giáo được trau chuốt đến mức người ta không biết được ông ta điên hay có tài, vì bản thân ông cũng có tài. Cách ông loại trừ những "Việt Minh có tầm cỡ" của Huế là một điều kỳ diệu. Ông kể lại: "Tôi không cần giết họ. Khi nghi ngờ người nào là Việt Minh, tôi bỏ tù anh ta vì một vi phạm luật pháp nào đó, rồi tôi thả ra không lý do gì. Từ đó anh bị Đảng nghi ngờ. Tôi thu xếp chuyển những thông tin giả, anh ta sẽ đưa cho tổ chức, họ thanh toán anh ta rồi mới biết là sai lầm. Nếu người ấy có giá trị, tôi triệu tập đến, chứng minh cho thấy nếu ở với họ anh ta sẽ "chết cháy" suốt đời và tôi nhận anh vào làm việc để cứu anh ta. Bằng cách ấy tôi tuyển dụng được những viên chức tốt nhất".

Giáo nói thêm, chỉ cho tôi một ông già có râu, mặc theo lỗi cũ, bước vào phòng cúi gập người vì tôn kính. "Đấy là nhân viên tài chính của tôi. Ông biết cách tìm những phương pháp hái ra tiền không ai bằng. Ông không thể biết được đâu... Ông ta lại thuộc lòng thơ tường tận, một trong những người hiếm hoi nắm được những bí mật đáng tôn kính của nghệ thuật tướng số. Nhưng đồng thời cũng là một uỷ viên chính trị. Vì thế thay vì cho giết đi, tôi đã thu nhận ông. Ông ta hiểu và rất trung thành".

Đôi khi Giáo cũng thực sự điên rồ. Trong lúc suy sụp hoặc quá giận dữ, ông ta đến gặp Bảo Đại. Hoàng đế bảo: "Tại sao anh quấy rầy tôi và hành hạ mình như thế? Tại sao anh làm cho cả hai chúng ta khổ sở?". Nếu cơn khủng hoảng kéo dài quá, Bảo Đại "tống cổ", ông ta. Qua một thời gian, Giáo đau khổ quá nên Bảo Đại lại cử ông ta làm thủ hiến. Vả lại bà mẫu hậu can thiệp với con trai cho ông. Đây là một bà già Annam ghê gớm, hoàn toàn theo lề thói cũ, ở một lâu đài nhỏ tại Huế. Ở đấy có những bàn cờ bạc và bà gia ân cho những người thua - Giáo thua bạc nhiều. Sau này ông xoay xở với bà mệnh phụ đẹp đẽ và dữ tợn - nhưng việc đó không quan trọng vì Bảo Đại bao giờ cũng có một điểm yếu đối với Giáo. Không người nào ở Việt Nam biết làm cho Hoàng đế vui chơi, có những "khám phá sở thích ông." Trong lúc Bảo Đại "bực tức" đến cùng với thủ tướng Hữu bị kết tội dùng con bài Pháp, Giáo cho chụp ảnh mình gập mình, cúi đầu tận đất, gửi cho Hoàng đế với câu nói huyền thoại: "Tôi phải là thủ tướng. Tôi là người dẻo nhất."

Cuối cùng, vấn đề tiền bạc kết nối Bảo Đại và Giáo. Giáo chẹt của Trung Kỳ vì lợi lộc của Hoàng đế - ông đưa cho nhà vua những số tiền khổng lồ đến mức bà Giáo, một người đàn bà tinh tế sống đầy đủ ở Paris viết thư cho chồng: "Anh dốc sạch đến mức hầu như chúng ta chẳng còn gì. Anh nên nghĩ việc đó không kéo dài mãi được." Nhưng Giáo, theo một cách nào đó, khá vô tư. Đây là chư hầu trung thành làm tiền mọi mặt cho chủ. Vả lại khi ông nói: "Tôi kính yêu Bảo Đại", là thật - trong triều đình, ông là người duy nhất thật thà. Ông trả cho tất cả. Chỉ cần một bức thư của Nguyễn Đệ ra lệnh đưa số tiền bao nhiêu cho một người nào đó hoặc nộp vào két nào đó. Với lời trách móc giận dữ của vợ. Giáo trả lời: "Hoàng đế nắm quyền mãi mãi; dù ngài có phải rời bỏ thì cũng không để cho chúng ta rơi". Lo lắng, bà Giáo về thăm Huế để khuyên nhủ Giáo phải khôn hơn nhưng chẳng có kết quả gì.

"Chế độ Bảo Đại" lúc ở đỉnh cao có một nhóm người xung quanh Hoàng đế tính tình phức tạp. Đấy là Nguyễn Đệ con người bé nhỏ thủ đoạn của Văn phòng nhà vua. Là Bảy Viễn, tên du côn khai thác Đại thế giới ở Sài Gòn kiếm lãi cho mình và cho Bảo Đại, cuối cùng là trưởng cảnh sát và an ninh. Sau này là tướng Nguyễn Văn Hinh, một "người lập dị" khác về sau xây dựng một quân đội Việt Nam hơi quá theo hình ảnh của Bảo Đại. Và suốt cả thời gian là Giáo, con người gần nhất của nhà vua. Ông ta thậm chí đạt tới những tham vọng quân sự của mình. Vì mấy năm sau đó ông sẽ là chỉ huy "cuộc hành quân Atlanta", kế hoạch lớn cuối cùng của tướng Navarre trong lúc mọi cơ đồ sắp đổ vỡ ở Điện Biên Phủ. Ông được giao - điều ông đã từng mong muốn thiết tha - chiếm lấy Trung Kỳ đỏ, với rất nhiều phương tiện. Cơ may cuối cùng của Đông Dương sẽ đặt vào tay Giáo và ông ta làm hỏng việc. Người ta thấy quá chậm, ông ta là một tên hề hơn một người tài năng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #321 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2019, 08:57:33 pm »


Vinh quang đế vương

Với "thể chế" của mình Bảo Đại cuối cùng thành công trong việc thuyết phục ông là người cần thiết. Dân tộc ông vứt bỏ ông nhưng toàn thế giới bắt đầu "tin" ở ông. Bảo Đại là tiền đề của đường lối chính trị Pháp, Bộ Ngoại giao Mỹ sử dụng ông và Cao uỷ Anh ở Malaysia, con người hoạt bát Malcolm Mac Donald ca ngợi ông.

Việc đó xảy ra bao giờ cũng theo một cách. Người nào mới đến Đông Dương cũng bị nhà vua mê hoặc, bị phong cách lịch lãm, trí thông minh của Bảo Đại quyến rũ. Bộ trưởng, tướng tá, viên chức cao cấp, nghị viên, không ai thoát khỏi Bảo Đại. Ông bèn lợi dụng để tăng thêm lợi thế của mình. Ông tạo dựng những vẻ mặt ngoài của vương quốc, càng ngày ông càng là vị Hoàng đế và mọi chỉ trích đều không có tác dụng. Chính phủ bị Văn phòng nhà vua đập tan vĩnh viễn. Khi có một quân đội Việt Nam, Bảo Đại sẽ "ra tay". Trước hết ông phình to đội vệ binh và trung đoàn ngự lâm quân đẹp đẽ. Ông tự cấp cho riêng mình một "Địa phận của Nhà vua" bao la gồm cả vùng cao Bắc Kỳ và vùng cao nguyên rộng lớn ông đang tiếp tục sống, uể oải, hưởng lạc và cảnh giác. Ông hạ kẻ thù từng người một. Tài sản đã dồi dào. Ông có các đồn điền, một đội bay màu cờ hoàng gia, (nổi tiếng vì buôn lậu, sắc đẹp của các nữ chiêu đãi viên, sự liều lĩnh của phi công, những chàng trai vận chuyển bất cứ gì, các cô gái, thuốc phiện ngoại tệ, những loại Hoàng đế thích và họ thích) và những tỷ bạc gửi ở khắp thế giới. Bảy Viễn và Giáo vẫn làm tiền cho ông nhiều hơn. Người Pháp tiếp tục "tác động ông" bằng những vụ đổi tiền, giấy phép xuất khẩu, những "trợ cấp". Địa phận nhà vua - với quỹ đen - có lợi nhuận rất lớn. Nhưng ngân sách của Chính phủ cũng gian lận vì lợi ích của Bảo Đại; thêm vào bản chi tiêu chính thức ghi đủ loại chi tiêu khống, thực tế để giấu những bội chi của Bảo Đại. Ví dụ trong mục công trình công cộng dự kiến làm bốn chiếc cầu thì chỉ xây dựng ba, chiếc thứ tư trở thành tiền bỏ túi của Bảo Đại. Chính phủ mới nào cũng cam kết "không đụng chạm" đến Bảy Viễn và Giáo. Không làm trở ngại bất cứ hình thức nào đến các khoản tài chính của Bảo Đại. Ảnh hưởng của Hoàng đế bao giờ cũng được trả giá đắt hơn. Và khi viện trợ Mỹ đổ thêm vào những tỷ của Pháp cung cấp, một phần cũng rót cho Bảo Đại bằng những con đường không trông thấy được. Về việc giữ và quản lý tiền bạc, Bảo Đại được những chuyên gia giỏi nhất từ Franchini đến nhà băng Đông Dương chỉ dẫn. Vì nếu đôi khi Hoàng đế bất bình với các đại diện chính trị của Pháp, ông vẫn luôn quan hệ thân mật nhất với những nhà kinh doanh lớn và những ông cấp cao tài chính: sự thông cảm lẫn nhau và thường xuyên.

Nhưng việc tăng cường ấy không được việc gì vì Bảo Đại ngày càng cắt đứt với dân chúng và thực tại; "Thể chế Bảo Đại" dẫn đến hư không vì đứng đầu chỉ có Bảo Đại - một Bảo Đại từ chối hành động. Một người thân cận của ông giải thích cho tôi: "Để hiểu Hoàng đế, phải thấy ngài chơi trong sòng bạc. Ngài xem rất lâu không tham gia, tìm người chơi thua vì đặt liên tục vào một số và thua nhiều nên phải bỏ. Khi ông ta đi, Bảo Đại đặt số tiền lớn vào số ấy và thắng." Đúng, đấy là thực thể của Bảo Đại - tin vào một sự tinh tế cho phép "người thông minh" đánh một cú. Nhưng điều đó dẫn Bảo Đại đi đến đâu ở Việt Nam vì cú này rồi cú khác ông bao giờ cũng chỉ là một người đánh bạc, không thể là một con người khác?

Có ai không biết tất cả sự "vinh quang" đế vương ấy là mỏng manh? Mỗi thắng lợi đưa Bảo Đại tới chỗ càng cô độc, càng khép kín trong thuyết hư vô của ông? Ông đắc thắng nhưng xung quanh trống không, chẳng có gì để dựa. Điều ông muốn, ông cho rằng chiến thuật của ông tài tình, nhiều ngày khác ông cảm thấy sẽ rất nguy hại đối với ông. Nhưng ông không làm sao được, không thay đổi, bị một sự cần thiết bên trong thúc đẩy không cưỡng lại được.

Khi Bảo Đại được tất cả là ông huỷ hoại tất cả. Ở nước Việt Nam vương triều, giữa những đổ nát của mọi đường lối chính trị và tư tưởng cuối cùng chỉ còn một "thể chế" giả tạo và như thế không đủ. Mỗi cú thắng của Bảo Đại đưa ông lại gần cái mất và sự thất bại.

Và Bảo Đại càng lôi kéo người Pháp đi với mình nhiều hơn. Biết bao người cố gắng thúc đẩy ông hành động - lúc đầu nhẹ nhàng sau đó ép buộc. Nhưng luôn luôn thất bại vì Hoàng đế là một đồng bọn đáng sợ. Tình trạng đó kéo dài cho đến Điện Biên Phủ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #322 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2019, 08:58:07 pm »


Bảo Đại làm với các cao uỷ và tướng lĩnh Pháp như với các thủ tướng Chính phủ của mình - sử dụng họ. Cũng đường cong ấy. Khi người Pháp ở lâu đài Norodom đã hao mòn, ông ta ra đi. Với người kế nhiệm, lúc đầu là "tuần trăng mật". Hoàng đế rất thông cảm, thiện chí và người mới đến hứa hẹn những điều thật tốt đẹp: Ông tự nhủ trước đây người ta đối xử không tốt với Bảo Đại và mình sẽ là người dẫn dắt ông ấy. Ngay lập tức ông giải quyết thỏa mãn một số yêu cầu (vì Bảo Đại bao giờ cũng đòi hỏi). Hoàng đế bỏ túi nhưng chẳng có gì thay đổi. Thời kỳ hòa hợp nhanh chóng kết thúc. Người mới tới, không còn mới lắm nữa, cho phép mình đưa ra vài lời khuyên. Khi chuyển sang đả kích, nhận xét thì trở thành bất hòa: người Pháp giận dữ từ chối một số lợi ích Hoàng đế muốn nắm giữ và Bảo Đại biến vào rừng đi săn. Ngài đình công đòi tăng công và cả "thể chế Bảo Đại" đứng ở điểm chết. Người Pháp bèn làm dữ, tố cáo Bảo Đại ở Paris. Nhưng đúng lúc Hoàng đế mật báo trước với Paris : "ông sẽ không trả lời gì nữa nếu không thay thế người Pháp này".

Ở Paris, nhà vua có "nhóm thế lực" của mình. Ông phân phát tiền bạc cần thiết – tiền "của ông" trước hết là của Đông Dương và vào trong quỹ nhà vua. Hoàng đế gửi trở lại một phần sang Pháp để "thuyết phục" một số nhân vật có ảnh hưởng. Cuối cùng Bảo Đại rũ bỏ được "kẻ trở ngại" và cả chu kỳ bắt đầu lại với người thay thế. Lại một "tuần trăng mật" và người kế vị cho ngay Bảo Đại một số ân huệ như người tiền nhiệm, cuối cùng cũng nổi giận và bắt đầu từ chối. Ở Paris lời bình luận duy nhất là: "Bảo Đại không hoàn hảo. Nhưng làm gì đây? Không có người để đặt vào vị trí ông ta".

Cứ như vậy người Pháp đi xuống vực vì Bảo Đại.

Càng kịch tính hơn khi thường thường ông ta "thấy" rõ hơn họ - ông thậm chí có tài nhìn nhận thực sự. Thường thường ông hiểu tình hình hơn người Pháp nhiều - biết rõ sức mạnh của Trung Hoa đỏ, sự mục ruỗng nội bộ Việt Nam, những ngập ngừng của Mỹ, những ảo tưởng, sự bất lực, thiếu quyết đoán của người Pháp. Cũng rất thường có những tháng, những năm, trước mọi người, ông đưa ra những giải pháp tốt. Rồi ông nhún vai: "Việc đó chẳng đi đến đâu", ông nói. Và nêu việc ấy cứ làm, ông làm hư hỏng tất cả. Sau này khi có quân đội quốc gia, ông phong tướng, tá cho những kẻ xu nịnh hèn hạ. Tất cả sẽ rất đẹp nhưng bên trong Bảo Đại để sự thấp hèn thống trị, ông yêu thích nó hơn là nhận thấy điều gì lớn hơn.

"Thể chế" Bảo Đại còn kéo dài nhiều năm. Nhưng từ mùa xuân năm 1950, khi Bảo Đại tinh quái, cũng hơi sợ, hỏi Pignon: "Ông nghĩ sao về sự có mặt của những Trung Hoa đỏ ở biên giới?" Viên cao uỷ biết mình sẽ một mình đối mặt với nguy hiểm. Bảo Đại tuy có cơ may, nhưng không thể giúp đỡ được nữa, chỉ có thể trở nên nguy hiểm.

Với Pignon, con người dân sự, một viên chức tốt, một giáo dân hơi đạo đức giả, người da trắng hơi Á châu hóa, chuyên gia về chính trị và cảnh sát, chẳng còn gì - trừ những lính đánh thuê của tướng Carpentier. Từ nay ông bị bỏ qua, là khán giả của cuộc chiến giữa Đội quân viễn chinh và một quân đội nhân dân, theo hình ảnh những đội quân của Mao, từ quần chúng mà ra nhưng thắng lợi trước quân Nhật và Quốc dân đảng.

Pignon cảm thấy bất lực: ông nghĩ đến việc từ chức. Sự nghi ngờ gặm nhấm ông. Bộ chỉ huy Pháp còn lạc quan nhưng biên giới đã đổ vỡ. Phải chẳng tướng Revers cũng đã nói đúng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #323 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2019, 05:22:58 pm »


"Con nhím'' Cao Bằng

Trong thời gian ấy bi kịch vùng biên giới bắt đầu. Ngay trước khi sức mạnh của Trung Hoa đỏ lộ rõ, trước khi quân đội Mao bố trí hẳn ở biên giới, trước khi lực lượng xung kích của ông Giáp sẵn sàng, Bộ chỉ huy Pháp cuối cùng quyết định áp dụng kế hoạch Revers mà người ta đã vứt vào sọt rác. Nhưng họ làm việc đó chậm mất nhiều tháng và làm từng phần - làm nửa vời và càng tăng thêm rối ren. Người ta tiến hành bí mật, một cách xấu hổ, nói về một cuộc "bố trí co cụm lại".

Người ta di tản con đường số 4 nhưng chỉ một đầu, rút tất cả những gì xa Cao Bằng, những vị trí tuyệt đối không làm chủ được, quá xa xôi, mất hút giữa thiên nhiên như Trà Lĩnh, Nguyên Bình, Bắc Kạn, An Lãi, bỏ giải băng mỏng manh của đường số 4, trên bốn mươi cây số giữa Thất Khê và Cao Bằng. Nhưng giữa khu rừng núi để cho người Việt ấy, người ta giữ lại hai "con nhím hai pháo đài hoàn toàn cô lập trên bộ, nối với bên ngoài độc nhất bằng đường hàng không với những sân bay và cầu hàng không, cả chính Cao Bằng và Đông Khê. Họ ở lại đó càng lâu càng tốt. Ở Cao Bằng, viên đại tá Simon nói: "Tôi không muốn rút một người bỏ một mét đất nào". Đấy là tay đại tá cứng cởi, còn một viên đạn trong đầu. Nhưng sự bướng bỉnh ghê gớm của ông làm bản thân và người của ông phải chịu đựng vô ích. Ông đã phải cuốn cờ Pháp, bỏ các bốt, đưa về phía sau những khu đồn bị bao vây, thiếu đói, bất lực. Họ không giữ được nữa và đi đến chỗ "rắn tự cắn đuôi", rút bớt các bốt để bảo vệ các đoàn xe tiếp tế cho các bốt. Tất cả binh lính kiệt sức bởi những nhiệm vụ ấy - những đoàn xe, những bốt ấy. Không còn quân số để hành quân, để đẩy lùi quân địch. Người Việt muốn làm gì thì làm. Và ngày càng không thể tiếp tế cho Cao Bằng bằng đường bộ.

Cuối cùng tình hình xấu đến nỗi Sài Gòn được thông báo. Người ta cử đến Lạng Sơn một siêu đại tá, một nhà chiến lược họ tên R... nhằm giúp đỡ đại tá cục cằn Vicaire vẫn chỉ huy bình thường vùng biên giới.

R... nói với Vicaire: - Tôi sẽ chỉ cho ông xây dựng một hệ thống hậu cần hợp lý qua rừng rậm như thế nào, sau đó ông không phải lo gì nữa.

Siêu đại tá tổ chức một đoàn xe, triển khai rầm rộ các đội quân và máy móc, chiến cụ; mọi "hoạt động" được bấm nút gần như từng giây. Đoàn quân bao la tiến lên tuần tự, có phương pháp và khoa học, đến Cao Bằng nguyên vẹn không một người bị thương.

Trong lúc cơn mưa khen thưởng sắp đổ xuống các anh hùng của chiến công, Vicaire chân chất hỏi R...:

- Vậy mục đích của một cuộc hành quân tiếp tế là gì?

- Để tiếp tế chứ sao!

- Nếu vậy vụ này hỏng rồi. Đoàn xe của ông nặng nề chậm chạp đến mức dọc đường ngốn hết những gì cần đem tới. Như vậy thay vì mang xăng tới, đoàn xe phải lấy xăng ở những dự trữ ít ỏi của Cao Bằng mới về được Lạng Sơn.

Cuối cùng ở Cao Bằng khu đồn trú thấy đoàn xe đến thì kinh hoàng: sau khi cạn kiệt thực phẩm qua chuyến đi, họ "vay mượn" khẩu phẩn của lính lê dương. Cuối cùng đành "co cụm" lại... A... tỉnh trưởng Cao Bằng cho tôi biết thế. Ông kể:

- Tôi cũng di tản, như phụ nữ, trẻ con và người già ở Cao Bằng. Có lệnh của nhà chức trách quân sự tất cả những nhân viên dân sự không cần thiết đều đưa về Lạng Sơn. Tôi được xét không cần thiết. Chỉ được phép ở lại mấy trăm thương nhân và mấy chục gái đĩ. Và tôi đi đoàn xe cuối cùng của Cao Bằng.

Trong thành phố, ngoài một số quán xá còn lại, chỉ có một nghìn lính ta-bo và lê dương. Tôi đi rồi họ tổ chức như một chỗ bị vây hãm thường xuyên, đào hầm hào, dỡ nhà đặt mìn và hàng rào dây thép gai khắp nơi. Cảnh phá hoại của Cao Bằng khốn khổ, thành phố tôi đã xảy dựng đẹp đẽ đến thế. Những quân lính có vẻ thích thú trong sự bố trí mới, có vẻ hoàn toàn sung sướng. Thế mà họ đã là những người sắp chết sau những đại liên, sẽ bị xua tan khi ông Giáp ra lệnh tấn công, khi hàng chục nghìn quân chính quy xông tới. Tôi thương hại sự vô lo của họ, cũng thán phục họ vì họ chẳng hy vọng gì chỉ với một sân bay tồi nối liền họ với phần thế giới bên ngoài.

Tôi biết khi ra đi tôi cứu được mạng sống của mình. Suốt năm 1949 đã là cảnh hấp hối của con đường số 4. Mỗi đoàn xe trở thành một trận đánh bao giờ cũng khốc liệt hơn, lâu hơn. Không chỉ những cuộc phục kích, bây giờ Việt Minh dàn mặt, chặn đường. Đối với mỗi đoàn xe phải huy động toàn lực lượng biên giới trong một cuộc chiến thực sự. Phải nhiều tuần lễ - chiếm lần lượt lại từng chỏm núi, từng mét đường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #324 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2019, 05:24:40 pm »


Đến một hôm thì không đi qua được nữa. Tôi cũng ở đó, trong một chiếc jeep. Nhiều nghìn quân Việt bám chặt vào mặt đất ở đèo Luông Phai, giữa Đông Khê và Thất Khê. Sau một tuần tấn công không ngớt để đẩy lùi họ, với những tiểu đoàn trọn vẹn đại tá Vicaire nói với tôi: "Không thể đánh bật đi được. Tôi đã cố bằng mọi cách, quân Việt vẫn bám vào hang ổ của họ". Bên dưới đèo đoàn xe chờ đợi vô ích. Để dù sao cũng phải đưa qua, người ta thử một kế sách ít hy vọng. Cũng có thể được vì quân địch không chiếm con đường có thể dội bom: họ ở trong các hang động, kiểm soát con đường bằng hàng chục đại liên. Người ta quyết định mỗi chiếc xe thử vận may - một mình lao lên con đường số 4 không có bảo vệ, cho đến quá bên kia đèo. Và chỉ khi nào nó đến phía ấy thì chiếc xe tiếp theo đến lượt mình lao lên; cứ như thế cho đến chiếc cuối cùng.

Rồi đến tôi, với chiếc jeep. Thật đáng sợ. Trên năm cây số ngược dốc ngoằn ngoèo, tôi lái như một người điên. Có những làn đạn đại liên - phải vượt qua lưới đạn bắn vào mặt đường. Lúc nào tôi cũng nghĩ nếu trúng đạn thì chẳng còn hy vọng nào. Thế mà không bị trúng đạn. Hôm ấy quân Việt ngạc nhiên; từng chiếc một xe qua được hết.

Một tháng sau người ta bắt đầu lại. Tám mươi lăm chiếc cam-nhông trong tổng số một trăm mười bị phá hủy. Lửa cháy khắp nơi. Từ đó con đường số 4 bị cắt đứt ở Luông Phai.

Đến lúc ấy bộ chỉ huy quyết định bỏ đường số 4 gần Thất Khê. Nhưng tại sao để lại những đội quân ở Cao Bằng? Quan chức tối cao ở Đông Dương có hỏi tôi có thể bảo vệ một "Cao Bằng - con nhím" không. Tôi đã trả lời "không" trong một báo cáo dài. Nhưng họ vẫn quyết định giữ lại ở đó một đội quân đồn trú, vì danh dự, để bảo vệ những người chết, không thể để Việt Minh chiếm lấy những người bị giết và những chữ thập trắng của chúng tôi. Bộ tổng tham mưu vẫn tin tưởng - họ nghĩ đơn giản có những phiền phức trên đường số 4 nhưng không nghiêm trọng đến thế. Họ chắc chắn những "con nhím" của chúng tôi khá mạnh để chống cự. Báo cáo của tôi bị bỏ qua.

Và A... cau có, chia tay với tôi để đi lấy vé máy bay về Pháp - ông có quyền nghỉ phép một đợt.

Như vậy không phải do một sự phân tích - ví dụ do các sư đoàn Mao áp sát biên giới - mà bộ chỉ huy hành động như thế. Họ chỉ vì quá cấp thiết, không thể đi trên đường số 4 nữa. Thực tế họ vẫn kiên trì khi còn có thể - chỉ từ bỏ hệ thống "đường" số 4 để áp dụng một hệ thống "con nhím", nguy hiểm hơn. Người ta đã chuốc lấy những nguy cơ lớn hơn chẳng phục vụ được bất cứ mục đích gì: đang trấn giữ biên giới, dù nắm con đường số 4 vẫn không làm được thì làm sao có thể làm được với hai "con nhím", hai điểm mất hút trong bao la? Thực ra tất cả bị chi phối bởi cảm tính của ban tham mưu - có những ngôi mộ quân lính ở Cao Bằng, có tướng Carpentier vừa nắm quyền chỉ huy không muốn "rút lui" hoặc lùi ít nhất, tướng Alessandri quyết định đánh nhau với Việt Minh dù ở trong rừng khi đã sẵn sàng. Cũng có sự cân nhắc về chính trị; Ông Pignon nghĩ về hậu quả xấu nếu lùi trong lúc người ta nói với người Việt Nam "Hãy đến với chúng tôi, chúng tôi là những người mạnh nhất". Chính phủ Paris nổi giận về việc đó vì những tỷ phrăng.

Tóm lại người ta "bẻ gãy" tướng Revers rồi làm theo những khuyến cáo của ông nhưng làm nửa vời và vụng về đến nỗi dấn thân vào nguy hiểm hơn trên vùng biên giới đối mặt với người Việt, với người Trung Hoa, vì không thể để mất những "con nhím" ấy. Nhưng bảo vệ như thế nào? Như thường lệ, người ta yên tâm về một lập luận lôgic và sai do Phòng Nhì và Phòng Ba tạo ra để làm vui lòng. Rất đơn giản. Người ta công nhận quân Việt biết ẩn náu, bám trụ, có thể tổ chức những cuộc phục kích và thậm chí "cấm" con đường số 4. Điều họ không thể là tấn công các "pháo đài" vì hành quân tồi và không có sức mạnh hỏa lực cần thiết. Như vậy Carpentier ở Đông Dương cho đến Navarre - trừ de Lattre. Đây là "đánh gia thấp" người Việt. Vì sự đánh giá thấp ấy, Carpentier làm "con nhím" Cao Bằng cũng như Navarre sẽ làm Điện Biên Phủ và sẽ là thảm họa vì cũng như lý do như nhau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #325 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2019, 05:28:02 pm »


Quân đội mới của ông Giáp

Trái với những dự kiến của Bộ chỉ huy tối cao là những trung đoàn, thậm chí những sư đoàn Việt Minh được tập luyện và trang bị hoàn hảo, đáng sợ bởi năng lực hành quân và sức mạnh tấn công. Quân đội chính quy của ông Giáp, như người ta biết rõ từ lâu, tốt nhưng còn gần với du kích chiến sơ đẳng. Chỉ cần mấy tháng với người Trung Hoa để xây dựng thành "một quân đội nhân dân" theo bước tiến của quân đội Mao Trạch Đông.

Mọi việc xảy ra đúng như người ta đã nói với tôi ở Móng Cái khi tôi chứng kiến các đội quân của Lâm Bưu đến biên giới. Người Trung Hoa không tấn công Đông Dương, trừ một lần, không có sự cố gì đối với quân lính họ. Trong lúc này họ đang chuẩn bị tung vô số sư đoàn lên miền Bắc xa xôi chống quân Mỹ. Đấy đã là một cuộc phiêu lưu, ghê gớm và các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh không muốn có một mặt trận thứ hai ở miền Nam. Họ biết rõ nếu có một can thiệp nhỏ nào vào Bắc Kỳ, thủy quân và những máy bay ném bom của Chú Sam cũng sẽ nhảy vào. Nước Trung Hoa sẽ bị bao vây bởi lực lượng USA - và sẽ là cuộc chiến tranh toàn bộ. Mao không muốn điều đó. Bằng mọi giá, ông cần các tỉnh miền Nam yên ổn trong lúc ông tình nguyện vào Triều Tiên, nơi cần giữ với mọi sức người, hy sinh và máu.

Nhưng điều đó không ngăn cản hành động gián tiếp. Vì chẳng có nguy cơ gì khi tiến hành chiến tranh với người Pháp đế quốc, đồng minh của Mỹ, qua trung gian Việt Minh bằng tạo khả năng cho họ. Thế là nước Trung Hoa "hoàn hảo" của Mao công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh trong rừng. Hồ Chí Minh tuyên bố tổng động viên và việc "tạo dựng" bắt đầu. Việc làm theo lối cộng sản với sự vận dụng tỉ mỉ và dữ dội của những người thông minh - một mục đích được xác định, một kế hoạch được thiết lập, mọi phương pháp được áp dụng, và tất cả những cái đó chính xác tuyệt đối như không có sự bất lực của loài người.

Công việc tiến hành trong một khu trung lập, bên này và bên kia biên giới, một vùng đặc biệt kế tiếp nhau theo mọi kế hoạch. Đầu tiên là hạ tầng, phải có những con đường từ Trung Hoa sang chỗ Hồ Chí Minh qua các tỉnh lạc hậu Quảng Đông, Quảng Tây, những "trục giao thông". Người ta tập hợp một "khối" người hơn một trăm nghìn tù binh Quốc dân đảng và nhân công Bắc Kỳ, lao động bằng tay và "thúng mủng". Trong mấy tháng làm xong bốn con đường xuyên vào các bản lề vùng biên giới đến Lao Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn và Móng Cái. Đấy là những con đường làm cho xe cam-nhông và súng ca-nông.

Sau đường là con người. Người ta giáo dục lại ở Trung Quốc, trong các trại lớn như ở Nam Kinh, Trùng Khánh, Montseu, bắt đầu bằng "giáo dục chính trị". Theo ông Giáp, đây là "nâng cao lập trường tư tưởng của quân đội, gắn liền cuộc Cách mạng quốc gia với Cách mạng quốc tế đang phát triến mạnh trên toàn thế giới". Nói một cách khác, quân đội của ông Giáp, không gọi là cộng sản, trở thành một quân đội đỏ như một quân đội khác. Chủ nghĩa dân tộc được "quần chúng hóa" - từ nay là men đặc thù của quần chúng nhưng "chủ nghĩa dân tộc tư sản" bị loại bỏ. Muốn vậy có sự "thanh lọc" lớn trong quân đội. Những người "không trong sạch" cho đến nay được dùng vì khả năng kỹ thuật, được thay thế bằng những người "trong sạch" được đào tạo hàng loạt ở các trại. Việc "chính trị hóa" làm toàn diện, uỷ viên chính trị đặt trên sĩ quan quân sự. Ban chính trị quân đội, do Nguyễn Chí Thanh lãnh đạo có đặc quyền trên Bộ tổng tham mưu của tướng Giáp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #326 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2019, 05:31:34 pm »


Nhưng việc "giáo dục lại về quân sự" cũng tăng cường mãnh liệt, Việt Minh được huấn luyện chính trị cũng học sử dụng vũ khí hiện đại, học chiến thuật "Trung Hoa". Đối với họ từ nay chiến tranh không phải hét lên lao vào tấn công nữa mà là hành quân không ngừng giữa thiên nhiên, im lặng, sử dụng tối đa địa hình, không bao giờ mệt mỏi, nản chí. Đấy là lúc xây dựng năm sư đoàn chủ công - 304, 308, 312, 316 vào 320 sẽ theo cuộc chiến tranh Đông Dương đến cùng.

Phương pháp giáo dục là "tự động hóa" mỗi người với một số cử chỉ, một số phản ứng cần thiết, thấm nhuần đến mức thực hiện một cách tự nhiên. Đấy là đào tạo hàng loạt quân lính đơn giản và hoàn hảo, chỉ biết việc mình phải làm dù đi đến thiệt hại tính mạng. Khi một người được nâng cấp, người ta sẽ dạy thêm một số cử chỉ, phản xạ bổ sung được xác định chặt chẽ, phù hợp với cấp bậc mới. Cứ như vậy người ta đào tạo "cán bộ" hết sức đơn giản, cũng hết sức hiệu quả.

Đấy là hệ thống nâng cấp không ngừng đối với những người còn sống. Mỗi chiến binh "tốt" sau trận đánh được qua một lớp giáo dục lại về chính trị và quân sự - cần thiết để bổ sung lên hàng ngũ cao hơn. Bằng cách ấy, những quân lính tiếp tục "tiến bộ", dù là những người bình thường nhất cũng lên đến vị trí cao. Vì vậy có những đại tá Việt Minh xuất sắc cũng chỉ mới biết đọc biết viết.

Trong quy trình ấy không một sự yếu đuối nào được chấp nhận, cảm giác sợ hãi bị loại trừ, dập tắt; kỷ luật và tinh thần hăng hái được đẩy lên mức tuyệt đối. Từ một "mặt trận" trở về, trong mỗi đơn vị quân lính buộc phải tự phê bình. Họ học tập để chiến đấu tốt hơn và những người không thể tiến bộ bị phạt, được giáo dục bằng mọi phương pháp.

Quá trình những người sống sót được thăng tiến, những người hy sinh bị loại bỏ về chính trị - được bổ sung bằng những quân du kích, những tân binh các làng xóm gửi vào các đơn vị, trở thành quân lính chính quy. Từ "quần chúng" lại rút đi những dân quê thay thế họ, trở thành du kích, tự vệ và những người này đến lượt được bổ sung vào các đơn vị chính quy.

Trong cuộc chiến tranh Đông Dương, người Pháp giết hàng trăm nghìn người Việt, không chỉ quân không thường trực mà cũng nhiều quân lính chính quy. Nhưng luôn luôn đối mặt với họ cũng đủ quân số như thế do chế độ đào tạo quân lính thay thế như vậy.

Quá trình quân đội ông Giáp được huấn luyện dưới sự chỉ đạo của các cố vấn Trung Hoa, họ nhận được vũ khí và đạn dược của Trung Quốc. Hai trăm xe cam-nhông "Molotova" chạy không ngớt qua miền Nam Trung Quốc, từ Quảng Châu trên những con đường đang hoàn thiện, cung ứng cho những kho rộng lớn cách biên giới mấy trăm mét, phục vụ những trung tâm phân phối cho các đơn vị Việt Nam tập huấn xong trở về Đông Dương để hành động.

Người Việt từ nay được trang bị đầy đủ, sẽ thay đổi bộ mặt cuộc chiến tranh. Cho đến lúc đó họ buộc phải tự mình cung cấp cho mình. Sự nỗ lực của họ khó tưởng tượng nổi. Họ có hàng trăm "cơ xưởng" - những hang động trong rừng - không có loại thép đặc biệt, hầu như không dụng cụ, sản xuất những súng móc-chi-ê, thậm chí những ba-dô-ka, mà họ gọi là DKZ, cả những "bom bay". Tuy vậy những khí cụ thô sơ ấy làm Đội quân viễn chinh kinh ngạc, đã rất đáng sợ.

Dù sao cũng chỉ là "đồ vặt vãnh", góp nhặt. Bỗng nhiên quân đội khốn khổ của ông Giáp cũng có hỏa lực như các đội quân Pháp - một tiểu đoàn Việt cũng trang bị bấy nhiêu tiểu liên, móc-chi-ê, ba-dô-ka, ca-nông không giật, đại liên như một tiểu đoàn của Đội quân viễn chinh. Và đều là những vũ khí hiện đại. Cũng với "ống dẫn" ấy với việc cung ứng từ Trung Quốc sang, việc thiếu thốn ghê gớm về đạn dược được giải quyết lâu dài. Bây giờ những chiếc xe Molotova mang đến tận biên giới hàng tấn băng đạn, mìn, lựu đạn, dạng súng cối có cánh, đạn ba-dô-ka. Trước đây quân lính Việt chỉ có thể bắn với sự tính toán chi li, thật chắc chắn. Từ nay họ cũng tung ra một hỏa lực địa ngục.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #327 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2019, 05:34:12 pm »


Người Trung Hoa cung cấp cho người Việt theo mức họ có thể tiêu thụ, không hạn chế. Người Pháp chỉ còn ưu thế về vũ khí hạng nặng. Người Việt chỉ có một số ca-nông. Trước hết vì họ không thuận tiện trong sử dụng - phải một trăm người để dùng một chiếc 75 ly. Và rồi vì họ không muốn trong lúc này: chiến thuật của họ là không ổn định trong "tấn công", bằng cách người xuất hiện và nổ súng. Điều ấy bù lại thừa thãi những ca nông, máy bay, xe tăng của những người Pháp nô lệ vào khí cụ - những khí cụ chỉ ghê gớm bề ngoài không đè nát được thiên nhiên nhiệt đới và quân Việt hành quân trong đó.

Vào mùa hè 1950, các sư đoàn ông Giáp đã hầu như sẵn sàng - người Pháp biết điều đó. Điều họ không biết là ai thực sự chỉ huy họ, đưa họ vào cuộc chiến và như thế nào. Các Phòng Nhì của họ nói nhiều rằng các kế hoạch do các tướng Trung Quốc và Nga xây dựng. Bên cạnh Bộ chỉ huy Việt có một Phái đoàn quân sự Trung Hoa ba trăm người, gồm những "cố vấn" quan trọng. Cũng có một số chuyên gia Nga. Nhưng ai là người quyết định cuối cùng người ta không biết.

Có lẽ "chủ nhân" của cuộc chiến chỉ là ông Giáp, thời trẻ ở Hà Nội đã say mê những trận đánh của Napoléon? Dù thế nào, trong bộ đồng phục không gắn phù hiệu, từ hang động dùng làm trụ sở Bộ tổng tham mưu, ông xuất hiện trước toàn quốc Việt Nam là người sẽ đánh và sẽ thắng. Không phải một lời hứa hẹn mà là chắc chắn. Theo cách của mình, ông Giáp cũng khiêm nhường. Vì những gì sắp xảy ra, không thuộc về tài năng của ông mà do biện chứng pháp vững chắc và dẫn đến "giải pháp đúng đắn" này: Nhân dân sẽ thắng. Điều ấy ông chứng minh trong một bản báo cáo một trăm trang phân tích hết mọi mặt. Tác phẩm lôgic này là tài liệu cốt lõi của cuộc chiến tranh Đông Dương.

Lập luận rất đơn giản. Người Pháp chạy tốc độ về bình định, người Việt chạy tốc độ về tấn công. Đội quân viễn chinh rải khắp Việt Nam - nhưng quân đội nhân dân khi đã sẵn sàng sẽ ồ ạt tấn công. Quyết định sẽ mang lại khi mùa mưa kết thúc, vào mùa thu, trước năm 1951. Vì không bao giờ có điều kiện thuận lợi như năm 1950: thực tế việc viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam vượt nhiều viện trợ Mỹ cho người Pháp. Quân đội nhân dân được xây dựng thành một lực lượng chiến đấu hiện đại mạnh trong lúc Đội quân viễn chinh vẫn yếu vừa mới bắt đầu củng cố và nhận khí cụ đầu tiên của Mỹ. Ông Giáp viết rất đúng: "Lực lượng Pháp ít phát triển trong lúc lực lượng chúng ta tăng trưởng hàng ngày. Nhưng phải làm nhanh vì nếu chúng ta để quân địch có thì giờ trang bị vũ khí và tổ chức lại, khó khăn của chúng ta sẽ vô cùng lớn". Và ông Giáp nói tiếp: "Chúng ta sẽ bắt đầu giai đoạn ba của cuộc chiến tranh. Lúc đầu là cuộc chiến du kích tự phát rồi du kích có tổ chức. Bây giờ chúng ta sẽ chuyển từ phòng ngự qua tấn công bằng vận động chiến. Trong cuộc phản công sắp tới, quân đội ta sẽ bao vây đối phương và tiêu diệt chúng đến những trung tâm thiết yếu. Trong mấy tháng phải thanh toán vĩnh viễn những căn cứ cuối cùng của lực lượng chống đỡ thực dân".

Đúng là dốc tất cả để chiến thắng vì viện trợ Trung Hoa không giải quyết việc thiếu gạo. Ngược lại miền Nam Trung Quốc đói đến nỗi chính người Việt thiếu đói phải cung cấp gạo cho người Trung Hoa còn thiếu đói hơn. Và Ông Giáp biết những vùng châu thổ ngày càng tuột khỏi tay mình.

Nhưng ông Giáp tin tưởng. Ông tiến hành rất có phương pháp. Ngay khi các đội quân được "tập huấn" ở các trang trại xong ông đưa đi hành quân ở vùng cao Bắc Kỳ. Đấy đã là những "đòn" đánh vào tinh thần người Pháp. Nhưng nhất là để tập dượt, thực hành vận dụng những bài đã học trên thực địa, tổng diễn tập những gì sẽ làm quy mô sắp tới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #328 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2019, 05:37:02 pm »


Những đòn cảnh cáo

Suốt cả mùa xuân định mệnh những đòn cảnh cáo gia tăng.

Phải có nhiều như thế để thức tỉnh Bộ chỉ huy Pháp. Tướng Carpentier ngày 21 tháng 3 năm 1950 viết trong một chỉ thị riêng và bí mật: "Tình hình Bắc Kỳ rõ ràng đã sáng sủa trong nhiều tháng nay." Ông phấn khởi cả việc các lực lượng Mao chiếm Hải Nam - trong lúc chờ đợi lấy Đài Loan. Thanh toán những nơi lẩn tránh cuối cùng của quân Quốc dân đảng đối với ông là sự củng cố một nước Trung Hoa cộng sản vững chắc. Khi đã ổn định, thỏa mãn, họ có thể dành cho những nhiệm vụ to lớn xây dựng lại nội bộ, sẽ muốn khắp nơi được hoà bình.

Việc chinh phục Hải Nam quá dễ dàng. Những người cộng sản ít lộ diện bỗng xuất hiện ở các vùng bờ biển Quảng Đông: thuyền chở tới mấy nghìn quân đỏ và hàng chục nghìn Quốc dân đảng đầu hàng không chiến đấu.

Đối với Sài Gòn đấy là một tin tốt lành. Thế nhưng nhìn vào bản đồ: Hải Nam khống chế toàn vịnh Bắc Kỳ, phía cuối là vùng châu thổ đông người, các thành phố lớn, rừng và núi, chỗ người Pháp đang đánh nhau. Một mối đe dọa ghê gớm. Từ nay các lực lượng Pháp ở Bắc Kỳ hẳn bị cầm tù như nằm trong một cái bẫy. Nếu quân đội cộng sản đánh vào đường số 4 và xuất hiện trước Hà Nội, Đội quân viễn chinh không thể di tản theo đường biển vào Sài Gòn nữa - Hải Nam sẽ dùng làm cái chốt.

Nhưng ý nghĩ thường xuyên của các ban tham mưu Pháp là Mao luôn luôn thiện chí. Vì thế Carpentier kinh ngạc khi ông ta "công nhận" Hồ Chí Minh và nước "Dân chủ Cộng hòa Việt Nam". Lúc ấy vị tổng chỉ huy chậm hiểu bắt đầu cũng lo ngại.

Về phía những người Trung Hoa, mọi việc tốt đẹp: sau khi chiếm Hải Nam quân đội Mao không động đậy nữa. Vùng biên giới yên tĩnh một cách bất thường. Nhưng chính lúc ấy người ta phát hiện ra quân đội ông Giáp, xa hơn, ở phía Tây Bắc, gần Lao Cai và lưu vực sông Hồng- cả vùng rộng lớn họ đến tập dượt trước khi trở lại đánh vào đường số 4. Và người ta cũng phát hiện ra sự bất lực của Đội quân viễn chinh không đối chọi được với họ trong rừng; nhưng việc phát hiện ấy mất hút trong những tổng hợp dành cho các ban tham mưu.

Đấy là bước ngoặt thật sự của cuộc chiến tranh, hoàn toàn không ai biết. Bốt Phố Lu trong lưu vực sông Hồng sụp đổ theo cách xảy ra, báo hiệu những gì sẽ lặp lại vô biên trong những năm tiếp theo. Đất là sự chứng minh người ta không làm được gì nhiều để chống lại.

Phố Lu là nơi có thể hình dung lẻ loi, xa xôi, bị quên lãng, tan tành và ngoại lai nhất - chiếc bốt xây dựng bằng những khúc gỗ tròn trên bờ thẳm nước bao la, không có gì khác ngoài rừng vô tận hàng trăm cây số. Chẳng có gì, chỉ là cảnh quạnh hiu, rừng rậm bao la không vào được và con sông Hồng dữ dội chảy trong lưu vực đáng nguyền rủa, đầy sốt rét, hầu như không có người. Tất cả im lặng trong không gian bao la. Nhưng ở đây một hôm ông Giáp tung ra đợt tấn công đầu tiên đông quân và tỉ mỉ với hàng chục tiểu đoàn, với một sư đoàn đầy đủ đột ngột xuất hiện trong rừng. Sư đoàn 308, thiện chiến, ghê gớm nhất. Lần đầu tiến hành động nhưng sư đoàn này trở thành cơn ác mộng của Đội quân viễn chinh ở yếu tố xung kích trong các trận đánh lớn tương lai - nó đưa tới đòn kết thúc ở Điện Biên Phủ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #329 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2019, 05:40:37 pm »


Ở Phố Lu là cuộc chiến tranh mới của ông Giáp, cuộc chiến mạnh và khoa học. Như trước đây, người Việt ở khắp nơi nhưng đây là những đơn vị mạnh tấn công và hành quân rất khoa học. Lúc đầu trong mười ngày liên tục, các tiểu đoàn ông Giáp tấn công các chỏm núi chồm xuống lòng chảo Phố Lu. Sau đó là cuộc "nã pháo", ba-dô-ka, móc-chi-ê, ca-nông không giật, loại vũ khí người ta nghĩ họ không thể có, đập nát bốt Phố Lu ở đáy lòng chảo. Cách tổ chức thật hoàn hảo. Trước khi bắt đầu dội pháo, quân Việt đã đào hệ thống trú ẩn súng đạn trên các chỏm núi: vũ khí được ngụy trang, không phá huỷ được, máy bay không phát hiện ra. Và suốt thời gian trận đánh, "hậu cần" đỏ là những đoàn dân công đi lại từ các kho dự trữ ở biên giới như nhịp điệu vận động của đồng hồ. Cũng có những đoàn thuyền trên sông Hồng được điều chỉnh như máy.

Đối mặt với cả một sư đoàn, Phố Lu được một đại đội chống giữ rất tốt. Bộ chỉ huy cố sức cứu bốt như thường lệ. Từ Lao Cai phái đi một đội tiếp cứu nhưng không đến nơi vì bị lạc trong núi. Và cảnh cuối cùng là bốt bốc cháy - bị quân Việt chiếm thiêu trụi rồi bỏ đi.

Nhưng bi kịch thực sự là Bộ Chỉ huy không hiểu. Tất cả đều không giải thích được. Những gì họ làm là kết tội "lính dù" hèn nhát - không chỉ họ không cứu được bốt mà để tự cứu mình, họ bỏ lại những người chết. Đấy là một trọng tội không tha thứ được dưới con mắt của tướng Carpentier.

Trưởng đội quân dù trung uý Planey giải thích cho tôi điều ông buộc phải làm, là nỗi xấu hổ theo đuổi ông trong nhiều tháng.

- Người ta không thả chúng tôi vào bốt mà vào rừng, cách khoảng ba mươi cây số, ở bờ bên kia sông Hồng. Chúng tôi có tất cả một trăm năm mươi người, đi nhiều giờ trên đường mòn cho đến bờ sông, trước mặt Phố Lu vẫn đang chống giữ - nhưng chúng tôi rơi vào trận địa Việt Minh, một trận địa ghê gớm. Mười lăm tiểu đoàn tấn công Phố Lu nhưng hai tiểu đoàn được để lại trên bờ sông, chỗ chúng tôi. Họ bao vây ngay, vừa chạy, vừa bắn vào chúng tôi. Không chống cự nổi chúng tôi trốn qua một "lỗ hỏng", phá hỏng trang bị điện đài để chạy thật nhanh. Vô số quân Việt bên kia sông tràn sang, lội nước đến cổ, giơ súng lên cao. Tôi bèn quyết định bỏ lại những xác chết trên bờ đường, phủ cành cây lên và chạy nhanh hơn được một ít nhưng phải đỡ những người bị thương. Từng tiểu đoàn Việt khép chặt vòng vây từ mọi phía. Điều đã cứu chúng tôi là sáu chiếc máy bay tiêm kích nhận thấy những tấm biển trắng tôi cho dăng ra; xuống thấp hơn thả bom. Ngay lúc đó trời vừa tối, chúng tôi leo lên một ngọn núi và "thoát khỏi" quân địch, đi đến tận Lao Cai. "Chiến dịch" còn kéo dài ba tháng, tôi đã cứu được người của tôi nhưng bị xét xử là làm mất danh dự. Cấp trên bảo tinh thần chúng tôi hèn kém. Hãy nhìn xem việc gì đã đến với Nha-đo.

Đúng là Nha-đo, một bốt rất giống Phố Lu, cũng bị cả sư đoàn 308 tấn công, được cứu thoát. Người ta thả lính dù trực tiếp xuống cả một tiểu đoàn và một đại đội của tiểu đoàn tôi. Quân Việt sợ khối lượng dù ấy, tôi không hiểu vì sao, vì họ có thể đập tan toàn bộ nếu họ muốn. Mấy ngày sau cả khu đồn trú được lệnh di tản khỏi vị trí không thể giữ được ấy - việc rút lui vì chiến lược chứ không phải do sức ép của địch. Vì vậy không vi phạm danh dự mà được đánh giá tốt.

- Lúc đầu các ông chủ đội quân dù cũng không tin. Nhưng rồi cũng phải thấy sự thật dù chỉ một ít. Bắt đầu từ đại uý tiểu đoàn 3 của tôi, Cazeaux, bị đánh "tơi tả" cùng hai đại đội đến Lao Cai, sau khi giải phóng một bốt: thật vì phép lạ mà thoát được. Ông cũng bị rơi vào các tiểu đoàn đầy đủ của quân Việt. Ông nói với tôi rất đơn giản. "Planey, anh nói đúng. Tôi đã không đánh giá đúng những người Việt ấy." Sau đó là một đại tá tên là Dabayal. Ông này chẳng hiểu gì về tình hình. Đây là một sĩ quan của Sài Gòn, hàng ngày nhận được những tin tức rất lạ: các tiểu đoàn Việt khắp nơi, hầu hết đồn bốt vùng sông Hồng bị bỏ chạy, các đơn vị rút về miền núi Pa Kha, đảm bảo an toàn với nhiều nghìn ngụy binh Mèo, Mán. Viên đại tá tự nhủ: "Quân dù sợ Việt Minh rồi. Mình phải đến khiển trách nặng mới được". Nói là làm: ông nhảy xuống Pa Kha diễn giải ghê gớm và muốn trở về Sài Gòn - qua sân bay gần Lao Cai. Người ta lưu ý ông: "Không được. Dọc đường có năm tiểu đoàn Việt án ngữ, không thể vượt qua". Đại tá nổi giận rồi nhận ra tình hình nghiêm trọng. Cuối cùng người ta san bằng một vùng đất nhỏ để một chiếc Morane đến đưa ông đi.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM