Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:57:20 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 85289 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #280 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2019, 05:40:02 pm »


Cuộc chiến của Sài Gòn

Tôi trở lại Nam Kỳ. Mọi việc xảy ra như viên đại uý Móng Cái đã dự liệu. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vừa yên ổn thiết lập bên cạnh Bắc Kỳ thì bắt đầu cuộc chiến của Sài Gòn, khủng bố, tra tấn và ám sát. Không thiếu thứ gì.

Những công dân Pháp của nhà băng, sở thuế quan và chính quyền không hiểu được. Làm sao họ có thể ngờ rằng mọi việc nối liền với nhau với logic sâu sắc, rằng đây là hậu quả trực tiếp của sự kiện đã xảy ra cách đấy 1.500 cây số, việc những người Trung Hoa đến sát biên giới? Không ai chú ý, không ai nghĩ đến điều đó.

Sài Gòn là thành phố đồng bạc không che chở được nữa. Không còn chỉ là lựu đạn mà cái chết đủ các dạng, là sự chém giết. Đầu năm 1950 mọi việc xấu đi, như trở thành hóa lỏng. Không có gì lạc quan trong một thành phố bị tiêu tan, chỉ còn nỗi sợ hãi khi mà cảnh sát bị giải giáp, những "mật thám" Pháp của cơ quan này được lệnh không lộ diện.

Nói đúng ra sẽ không thể tan rã như vậy nếu không có nền độc lập Việt Nam "nền độc lập của Pignon". Bảo Đại sau khi làm mình làm mẩy trên đồi núi, chính thức về Sài Gòn. Từ sân bay vào đến thành phố, đoàn xe chạy suốt năm cây số giữa cảnh sát trang bị vũ khí tối đa đứng cách nhau năm mét mỗi bên đường lát đá dăm và chỉ quay lưng lại - họ quay mặt ra ngoài, nhìn vào chân trời đất trống và nhà tranh, nơi có thể phát sinh nguy hiểm. Một buổi lễ rất tẻ nhạt được tiến hành ở khách sạn cố hữu của thành phố, với những nhân vật cố hữu Việt Minh và Pháp. Ngoài đường phố mặc dù có lệnh treo cờ, không có một lá cờ. Cũng không một bóng người, chỉ trống không và lặng lẽ thể hiện sự khinh bỉ. Tuy vậy xe ô tô chở đi một số người "nhiệt tình" - năm đồng bạc một đầu người. Các giáo phái cũng muốn tỏ rõ thiện ý - Một số chiến binh Hòa Hảo diễu binh, một chiếc mũ lớn màu xanh hình ông bố trên trán. Cao Đài có "tín đồ" đại diện, đàn ông, đàn bà bước đều theo hàng, vung vẩy mẩu bánh mì vừa nhận được. Xe ô tô thu thập lại mọi lớp người ấy. Bảo Đại sau khi giải sầu, lại đi Đà Lạt.

Tuy vậy Hoàng đế cũng phải có một thủ tướng. Ngài đã mệt mỏi với Xuân, ông tướng lãnh đạo chính phủ lâm thời. Xuân ân cần, nịnh bợ, cũng được việc giúp Hoàng đế che giấu một số việc tế nhị nhưng đồng thời cũng mưu mô chống lại khắp nơi kể cả với những bộ trưởng Pháp. Thế là Bảo Đại dùng một người khác đứng đầu chính phủ thực sự của nền độc lập. Ông chọn Nguyễn Phan Long.

Ông này là tín đồ giao lưu linh hồn, hơi Cao Đài, tham gia những tranh cãi ghê gớm xung quanh "giỏ có mỏ", dụng cụ của giáo phái Cao Đài dùng nhận thông tin của thế giới bên kia - và đã nhận những thông tin linh thiêng bằng thơ của Victor Huygo mà người ta vẫn cho là tự ông ta làm lấy. Đây là một nhân vật kỳ lạ, một nhà báo chuyên cần, hiểu biết, hầu như có tài, viết tiếng Pháp, bắt chước rất giỏi - Trong ba mươi năm, ông ta đã qua đủ loại vỏ bọc, cũng đủ loại tệ nạn nhưng hòa nhã - vừa nghiện hút, nghiện rượu, cờ bạc chuyên nghiệp, trác táng, quá nhiều vợ và con cái. Chúa tể theo cách của mình, xấu đến nỗi làm người ta sợ, khuôn mặt kỳ cục vì vết thương cũ, cáu kỉnh vì những nỗi khổ sở trước kia, vì những sỉ nhục đã chịu đựng, ông ta cao thượng vì quá vô sỉ. Người ta kể lại năm 1945, ông xin làm việc với Pháp nhưng họ chê bai vì giá quá đắt. Để trả thù, từ đấy ông là "ngòi bút" của chủ nghĩa quốc gia nửa tư sản và rất chạy theo lợi nhuận, "màu sắc" thực của Sài Gòn. Nhiều năm ròng ông công kích "thực dân" trên tờ báo của mình, không phải vì thực sự ghét họ - ông hoàn toàn là người Việt Nam, và hoàn toàn là người Pháp, tạo cho ông một tính cách nước đôi, phức tạp. Nhưng ông trả thù họ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #281 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2019, 05:41:08 pm »


Một người bị khinh rẻ như ông mà nắm quyền lực, thích thú biết mấy! Không ngần ngại, ông ra tay. Đầu tiên ông tự nắm lấy bốn bộ "quan trọng", những bộ có mật quỹ lớn. Một buổi tối một nhà báo Pháp bắt gặp ông trong văn phòng, một mình. Ông đang ngồi xổm trước một két sắt mở rộng, đầu chui vào trong đó. Ông mân mê sờ mó những tập giấy bạc lớn với thái độ ngỡ ngàng, đầy khoái cảm. Con người đã khúm núm cầu xin ấy bây giờ là người phân phát!

Nhưng phải thực hiện nền độc lập. Và những người Pháp phải chuyển giao công việc, cả những công việc quý như Sở An ninh và Cảnh sát cho chính Nguyễn Phan Long mà họ đã làm nhục (Họ vẫn giữ một Sở An ninh thứ hai do ông Perrier điều khiển để "bảo vệ" Đội quân viễn chinh). Ngôi nhà của Sở An ninh - phía trên đường Catinat, cách nhà thờ lớn mấy mét - được chuyển cho người Việt Nam. Ngôi nhà ấy là biểu tượng của toàn Việt Nam về sự "áp bức" Pháp, số đông là những "người quốc gia" trong quá khứ xa xôi và mới đây được dẫn tới đó giữa những bàn tay "mật thám" Pháp. Và Nguyễn Phan Long, thủ tướng chính phủ tuyên bố thời đại hữu nghị. Ông nói chính "thực dân” chia rẽ dân tộc Việt Nam, bây giờ tất cả những người Việt Nam phải nhớ là cũng một dòng máu. Nguyễn Phan Long thực hiện "đưa bàn tay ra" theo nguyên tắc Việt Minh, trước hết là những người quốc gia và chắc chắn thỏa thuận được với họ. Theo lệnh ông mọi niềm nở tiếp theo sự tàn bạo. Vì vậy ông chỉ định đứng đầu an ninh Việt Nam là một luật sư nhân đạo có thái độ nhẹ nhàng, cử chỉ đầu tiên của con người này là cho thả hết những bị can, những người tình nghi, làm trống các nhà tù. Ông ta cấm những cuộc "thẩm vấn" và mọi biện pháp tra tấn. Sự năng nổ của cảnh sát là không còn biết gì, không bắt giữ một ai và điều họ làm sợ cho tính mạng của mình - không được mang vũ khí nữa, họ thuyết phục thay thế súng ngắn và tiểu liên.

Nguyễn Phan Long khốn khổ! Ông ta, con người thủ đoạn già dặn, xảo quyệt, không ảo tưởng, con người "không ai lừa bịp được" lại ngây thơ đến vậy. Vì ông có vẻ thật thà, như các nhà tư sản lớn ở Nam Kỳ. Những người cơ hội da vàng ấy tin chắc Nguyễn Bình, Kháng chiến, Việt Minh Nam Bộ, Hồ Chí Minh và ông Giáp, Tổng bộ Việt Minh sẽ rơi vào vòng tay họ! Các ông ấy cũng phải biết rõ Việt Minh và tính kiên định của họ. Nhưng đấy là định mệnh của giới tư bản tài chính Việt Nam - cũng như ở những nơi khác - là không thấy sự thật trước mắt, ở ngay cửa ngõ, đụng chạm đến họ, hàng ngày. Cũng có một nỗi vui "được rửa hận" ở tất cả những "người hợp tác" với Pháp vì mọi sự hợp tác đều có gai, làm tổn thương và đẫm máu. Họ tin chắc xoay chuyển được tình thế, nghìn lần hơn Cao uỷ và Đội quân viễn chinh: trong mấy ngày họ sẽ giải quyết hết các vấn đề, sẽ kết thúc cuộc chiến tranh với sự hòa giải chung. Làm sao tiếng nói của họ không được hưởng ứng vì những tài sản, đặc ân, vị thế của họ - vì họ chắc chắn giữ được những cái ấy. Một bộ trưởng, một ông chủ đã nhiều năm không dám đặt chân tới đất đai của mình, nói với tôi:

- Mọi việc sẽ kết thúc và tôi sẽ lấy lại ruộng đất, dân quê và những trang trại của tôi.

Thế nhưng cảm giác sảng khoái về nền độc lập ấy bị đập tan trong những ngày đầu của năm 1950, khi Nguyễn Phan Long cho đưa tới Nguyễn Bình những đề nghị hòa bình. Câu trả lời như sét đánh. Mấy ngày sau đó, "Tiếng nói Nam Bộ" - đài phát thanh của Nguyễn Bình - vang lên rằng nền độc lập ấy là một sự phản bội hơn bao giờ hết. Thời kỳ kết thúc đã đến - tất cả các bộ trưởng, viên chức, những kẻ lợi dụng chế độ sẽ được thấy và trả giá. Việc đó sẽ được giải quyết gần đây, trong cuộc chiến đưa Sài Gòn vào trong tay Việt Minh.

Đây là giờ cao điểm của Nguyễn Bình. Thực tế Sài Gòn như đã đưa lại cho Việt Minh và Nguyễn Bình cơ hội. Ông hành động theo mệnh lệnh của Hồ Chí Minh những cũng là giấc mơ của ông, công việc của đời ông. Niềm đam mê bốc ông lên. Ông dốc toàn lực vào tất cả. Cuối cùng một năm sau ông trả giá cuộc thất bại bằng cuộc đời ông vì không thành công, vì muốn quá nhiều, đi quá xa.

Nhưng chưa đến lúc ấy. Tháng giêng năm 1950 gần như ông trên đường thắng lợi. chiến thắng đã ở trong tầm tay. Ông biết "làm việc" trong mấy tuần, lợi dụng ảo tưởng của Nguyễn Phan Long để làm mục ruỗng tất cả, bí mật bố trí người vào khắp nơi! Ông này bỗng nhận ra mình chẳng còn cảnh sát, chính quyền, chẳng còn gì nữa. Người ta vẫn ở tại chỗ, là những viên chức mẫn cán nhưng thay vì vâng lời ông họ vâng lời Nguyễn Bình. Ông bị tước hết khí giới, tự trói tay chân mình. Trong mấy ngày như mọi tư sản, ông chuyến từ lạc quan tếu sang sợ hãi ti tiện.

Cuộc chiến của Sài Gòn bắt đầu như vậy. Không phải quân lính đánh nhau. Cũng không phải quân đội nổi dậy, trường hợp đó xe tăng các đội quân Pháp sẽ đập nát. Chỉ làm thế nào cho Đội quân viễn chinh không có lý do can thiệp, mục đích là làm cho người Pháp đứng trước một việc đã rồi, một việc mà họ không cản trở được - một Sài Gòn luôn thiên về Việt Minh, một Sài Gòn hoàn toàn Việt Minh và cuối cùng một Sài Gòn chính thức Việt Minh.

Có một chiến thuật cho mục đích ấy: cuộc đấu tranh cách mạng toàn bộ, tăng cường quấy rối cho đến lúc Sài Gòn của đồng bạc rơi xuống như một quả chín. Mỗi ngày, mỗi giờ thành phố phải đỏ hơn, có một trạng thái đỏ hơn. Người ta lún sâu vào sự chi phối của Việt Minh như vào đống cát di động. Không cưỡng lại được. Một mặt phải phá vỡ tất cả, mặt khác phải tổ chức tất cả. Cuối cùng, kháng chiến, hoạt động bí mật ngày càng nổi lên cho đến lúc trở thành những người chủ duy nhất.

Đấy là kế hoạch, việc nắm giữ hay là cuộc giải phóng hai, ba triệu người như người ta muốn.

Tháng giêng, hai và ba là thời gian bố trí, sau đó thì hành động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #282 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2019, 05:42:49 pm »


Sài Gòn Việt Minh

Ngày 18 tháng 4 năm 1950 tôi bình thản đi trên đường Catinat lúc tám giờ sáng, lại ăn điểm tâm ở nhà hàng Pagode. Ở góc đường tôi gặp các nhân viên an ninh Pháp. Một người trong bọn họ kêu lên với tôi: "Có máu đấy". Vừa hay tôi suýt bước vào vũng máu đang khô dần. Viên cảnh sát lại nói:

- Bazin đấy, đưa vào bệnh viện rồi. Bị đạn xuyên thủng người, ông ấy đang hấp hối.

Một cuộc mưu sát hoàn hảo, của những kẻ giết người đã được tập dượt. Một người Annam mặc comple, cặp da xách tay, đi bách bộ trước ngôi nhà của Bazin lúc bảy giờ hai mươi phút. Như mọi ngày, Bazin ra khỏi nhà lúc bảy giờ rưỡi để đến văn phòng. Ông cách chiếc xe của mình mấy bước. Thấy ông, kẻ giết người ẩn vào một góc cửa, lấy khẩu colt trong cặp da. Khi Bazin cách anh ta một mét, anh bình tĩnh bóp cò; trong lúc Bazin ngã xuống anh hạ súng tiếp tục bắn. Ba hoặc bốn người Việt Nam khác cầm colt bảo vệ cách đấy hai mươi mét. Cả đám đông bỏ chạy. Bắn xong nhóm người chui vào một chiếc ô tô phóng đi.

Bazin là trưởng cơ quan an ninh xung kích Pháp. Chính ông ta đấu nhau với an ninh xung kích Việt Minh ở Sài Gòn.

Một tuần lễ trước tôi đã đến văn phòng ông. Ông nói với tôi:

- Tôi đánh nhau vì mạng sống của mình. Hàng ngày đài Việt Minh nhắc đi nhắc lại: "Bazin anh sẽ chết". Tôi đứng ở đầu sổ đen những người phải hạ sát. Những kẻ thực hiện đã vào Sài Gòn. Tôi chỉ có mấy ngày để thanh toán chúng, nếu không...

Đấy là một người nhỏ thó, vai hẹp, khuôn mặt chồn. Nghề của ông là đàn áp và ông thực hiện xuất sắc. Ông là một "mật thám" quá năng nổ, không còn tàn bạo và thương xót nữa mà chỉ là làm tốt phận sự. Ông là viên chức hoàn toàn vô cảm, trung thành và có trí nhớ tuyệt vời. Hàng nghìn khuôn mặt da vàng của những tay chân Sài Gòn bí mật ông biết rõ hết. Một phần cuộc đời ông để xây dựng những hồ sơ hoàn hảo, một phần khác để "thẩm vấn", thu thập thông tin. Thì giờ còn lại là "khai thác". Điều đó diễn ra trong những phát súng ngắn, lựu đạn trong các tầng lớp hạ tầng của xã hội giữa những con lạch, trong khung cảnh của Sài Gòn băng nhóm.

Bazin luôn trầm tĩnh, nhạo báng, với thần kinh thép. Môi trường của ông bi thảm và đẫm máu. Ông chết và cái chết phải là của ông. Thuộc hạ khóc thương - những người Việt Nam ông đào tạo cho những công việc tệ hại. Họ thề báo thù cho ông.

Khi tôi gặp Bazin ông biết mình sẽ thua:

- Người ta trói tay chân tôi trao cho người Việt. Trói tôi lại lúc họ sắp chiếm lấy Sài Gòn.

Thành phố hoàn toàn có người "cài vào". Việt Minh khắp nơi, cho ám sát những ai họ muốn, bắt mọi người nộp thuế. Không đâu không có phái viên của Nguyễn Bình: Khắp nơi có một chính quyền bí mật bên cạnh chính quyền chính thức, được bố trí trong chính phủ, các bộ, ở mỗi khu, mỗi đường phố, mỗi nhà. Hàng nghìn người lấy đưa mật lệnh hàng ngày, điều khiển gần như công khai việc tuyên truyền, thám thính, thu thập tin. Ông biết tất cả những điều đó.

Cái mới là Ủy ban Nam bộ đã thảo cho Sài Gòn một mệnh lệnh chiến đấu không dứt với hàng trăm trang và chương mục. Tất cả đều được dự kiến - tài liệu ấy có hướng chỉ đạo mọi hệ thống - các ban chính trị, kinh tế, các ban phụ trách tạo "nhiệt tình phấn khởi", các đội bảo vệ tấn công. Từ nay họ không còn khai thác thành phố nữa mà nắm lấy bằng một "chiến dịch nhân dân".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #283 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2019, 05:44:56 pm »


Việc ám sát trước đây chỉ là một biện pháp thuyết phục. Mấy trăm ban ám sát đủ để quần chúng sợ và kính phục. Bây giờ Nguyễn Bình đưa chiến tranh vào Sài Gòn để chiến thắng.

Chính Nguyễn Bình đưa ra mệnh lệnh tối cao. Nhưng để nắm tại chỗ chiến dịch yêu nước ấy, ông xây dựng một tổ chức đặc biệt ở cách Sài Gòn chỉ tám cây số. Trung tâm chỉ huy ở làng Tân Nhứt với người lãnh đạo là Trần Văn Trà. Để tiến hành cuộc chiến ám sát trong thành phố rộng lớn, người Việt xây dựng tiểu đoàn 905 - quân lính là những người tình nguyện quyết tử. Công việc của họ là theo dõi, trinh thám cài người, tống tiền, những vụ ám sát loại hai, thôi thúc thuế, những lựu đạn, đình công, biểu tình - họ sống trong cộng đồng dựa vào các cơ sở, đường dây của họ và hội họp, nhận mật lệnh. Đấy là những yếu tố cơ bản của “hoạt động cách mạng"; của chiến đấu; họ là "trọng lượng" Việt Minh trong cả thành phố.

Tiểu đoàn 905 thực hiện nhiệm vụ ám sát; Đối với những nhiệm vụ chính xác, họ dùng súng colt hạ sát những kẻ bị kết tội tử hình, những "kẻ thù điển hình" của nhân dân được Nguyễn Bình và Ủy ban Nam Bộ xác định, có tên trong sổ đen, do những ám sát viên thành thạo thực hiện. Công cụ thanh toán quan trọng là Đội biệt động Việt Minh, do Lê Văn Linh chỉ huy. Quân số mấy trăm người được lựa chọn cẩn thận, họ tổ chức một cách khoa học trong một trại đặc biệt ở Đồng Tháp Mười, do lính đào ngũ Đức thực hiện.

Đội biệt động có căn cứ ở ngoài Sài Gòn, cử người vào thành phố với những nhiệm vụ chính xác. Họ bình thản, từng người một, đi bộ hoặc "xe ca Trung Hoa”, ăn mặc như dân quê hoặc viên chức nhỏ. Họ không mang theo gì trên người, không vũ khí, không giấy tờ; nếu tình cờ bị hỏi dọc đường họ xưng một tên họ nào đó. Làm sao xác minh được?

Mỗi ám sát viên chỉ biết địa chỉ phải đến. Có thể bất cứ đâu, một mái nhà tranh, ngôi nhà đàng hoàng của một tư sản hoặc một văn phòng. Ở đấy anh ta gặp người lãnh đạo các ban, nhận chỉ thị, súng colt và tiểu liên. Vũ khí và đạn dược được các môi giới chuyển vào Sài Gòn - không thể theo dõi được đám đông vào ra thành phố, lớp tiện dân gồm các ông già, phụ nữ, trẻ con, những người cu-li các loại liên tục đi lại lúc nhúc. Lựu đạn, súng ngắn đưa vào cũng được giấu kín trong thuyền, trong xe, giữa những đống rau hay bì gạo. Thấy sao được?

Những ám sát viên ở lại Sài Gòn càng ít thời gian càng tốt. Công việc của họ đã được chuẩn bị sẵn, người ta đưa cho họ hồ sơ và kế hoạch chi tiết. Các "mục tiêu" - những tên phản động cần hạ sát - đã được "lực lượng dân chúng" rình rập nhiều ngày, nhiều tuần. Chương trình hoạt động đã được xây dựng từng giờ, bản vẽ địa điểm đã có sẵn. Đồng loã được chọn trong số đầy tớ và người làm công của người bị kết tội. Vào giờ cuối một chiếc xe bị lấy cắp, sơn và đối biển số. Quân biệt động đến chỉ còn hoàn tất, hạ sát.

Trước hết là tập dượt rồi thực hiện. Toán ám sát thường gồm bốn, năm người. Công việc tiến hành ngay ở đường phố hoặc trong nhà nạn nhân. Một phút là đủ. Sau sự việc ám sát viên ẩn lại mấy ngay trong những nơi đặc biệt bí mật. Rồi họ ra khỏi Sài Gòn như đã đến.

Tổ chức ấy đôi khi bị tiêu diệt một phần nhưng chỉ thế thôi. Và lại được củng cố ngay: Vì tổ chức ấy đã đạt đến mức hoàn hảo từng chi tiết. Việc phân công và phối hợp đạt mức tối cao. Vì vậy khi "bắt" một vụ cũng không đi xa, không "khai thác" được. Thẩm vấn chẳng được việc gì, người bị bắt biết rất ít! Cả điều anh ta nói ra cũng vô ích. Vì người ấy vừa bị bắt thì người ta đã cắt cơ sở móc nối, đường dây. Nhóm hành động, hệ thống của anh ta đã bị giải thể. Mấy ngày sau đó tất cả được xây dựng lại trên những cơ sở mới không thăm dò được. Người bị bắt cũng thay thế bằng người mới, hoàn toàn không biết được. Tổ chức bao la ấy không gián đoạn bao giờ - những mắt xích bị phá bao giờ cũng được nối lại ngay.

- Chúng tôi tiến hành một cuộc chiến không thương xót. Nhưng làm sao có thể đi đến kết quả vì xung quanh chúng tôi mà mục ruỗng, bất lực, hèn nhát, đồng lõa và phản bội?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #284 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2019, 05:46:27 pm »


Mọi việc xảy ra với Bazin như ông ta đã dự kiến. Đúng trong những hoàn cảnh ông đã tả cho tôi. Tôi tự nhủ chưa bao giờ một người biết được đến thế điều gì sẽ xảy ra, thực sự xảy ra cho mình. Bazin biết tất cả, thế mà con người ghê gớm ấy không thể làm gì được.

Sau cái chết của ông ta, trong Sài Gòn là luật lệ của Nguyễn Bình. Luật lệ ấy kéo dài hai tháng.

Lớp tư sản da vàng da trắng ẩn náu. Họ nhận thấy không an tâm được với cảnh sát, với những viên chức chỉ còn là những cái bóng, với chính quyền Pháp tham gia vào bi kịch mà không thể làm gì - từ khi độc lập, họ bị cấm can thiệp vào Sài Gòn. Và trong lúc bộ máy chính phủ suy sụp, tất cả Việt Minh bí mật hiện diện khắp nơi, rất nhiều và muốn làm gì cũng được.

Đến lúc ấy, những đám đông cầm cờ đỏ tràn lan trong lòng thành phố. Quần chúng hô lớn: "Hồ Chí Minh muôn năm!" Các diễn giả trèo lên mui xe nói chuyện với dân chúng, kích thích họ hành động. Một hôm đám đông đốt chợ trung tâm. Lửa thiêu các lều, các quầy hàng chỉ còn là lốp vỏ cháy đen. Không ai dám làm bất cứ điều gì. Hình như đã đến lúc kết thúc.

Bằng mọi biện pháp, Nguyễn Bình còn làm nỗi lo sợ lan rộng hơn. Những cuộc biểu tinh nối tiếp nhau, dưới danh nghĩa những "ngày cách mạng", được thông báo trước chuẩn bị tỉ mỉ. Mỗi cuộc biểu tình có một tên gọi. Đấy là "ngày thứ mười lăm Rửa hận", ngày "Hoan nghênh chế độ Dân chủ nhân dân", ngày "Hồ Chí Minh". Mỗi lần như thế đài Việt Minh đưa ra những chỉ thị bốc lửa và đe doạ, vận động tổng đình công. Cán bộ ở các tổ đến từng nhà từng quán hàng kêu gọi đóng cửa, nhân dân xuống đường.

Đến ngày đã định, cả thành phố như chết. Những cửa hàng người Annam khóa cửa; người Pháp tránh ra ngoài. Đường phố trống vắng, vài chỗ có vài "mật thám" không mang vũ khí, sợ sệt. Có những nhóm thanh niên trai gái cầm xe đạp: họ đứng phân tán, thường dọc theo hè phố, hiền lành chờ đợi. Đó là những thành viên các toán xung kích tập hợp quần chúng. Đúng giờ khởi sự bọn họ đồng thời tập trung lại một chỗ vắng, bắt đầu cuộc bạo động. Không khí trong thành phố thật khác thường. Trong mấy phút cả một làn sóng, người, nỗi căm hờn đỏ - khắp nơi bí mật xuất hiện đám đông vô bờ. Cuộc biểu tình - cờ, la hét và diễn giải - rầm rộ trong lúc chính quyền vẫn còn chưa biết. Trong thời gian ấy cả phần còn lại của thành phố sửng sốt lo sợ.

Mỗi lần như vậy có vẻ quần chúng sẽ mang đi tất cả. Nhưng nếu thế thì không phải là "giải pháp đúng". Cũng nhanh như khi tập hợp, cũng theo cách ấy, theo hiệu lệnh những người ấy quần chúng giải tán. Ngay tối hôm đó cả thành phố, toàn dân chúng tự kiểm điểm. Cán bộ các tổ phê bình những người không tuân theo triệt để, tìm cách mưu mẹo - ví dụ những người buôn bán không đóng hẳn cửa mà hé mở một cánh để khách có thể lén lút vào.

Trong việc lấn chiếm Sài Gòn ngày càng tăng không lay chuyển ấy khắp nơi là bạo lực. Lựu đạn nổ ở mọi chỗ. Mỗi đêm các bốt ngoại vi bắn pháo sáng và người ta ngủ trong tiếng đạn cối. Đài "Tiếng nói Nam Bộ" thông báo cảnh lộn xộn càng nghiêm trọng hơn. Họ nói việc cung cấp cho Sài Gòn sẽ cắt trong sáu tháng; mỗi người phải dự trữ bốn mươi cân gạo và một cân muối. Loa phóng thanh cũng báo tin việc trừng phạt bọn phản động và đao phủ đã bắt đầu: các toán thi hành luật pháp đã vào thành phố và bắt tay vào việc. Sau đó là danh sách những kẻ bị kết tội và thường sau một tên họ có ghi chú thêm: "Đã kết liễu". Việt Minh cũng đặt giá: đầu của Bảo Đại là mười nghìn đồng, người ta chỉ đặt ông ta với giá rẻ.

Mỗi ngày mọi người lại sợ hơn, nhất là những nhân vật quan trọng. Vì tuần lễ này sang tuần lễ khác nhân viên ám sát súng colt thi hành nhiệm vụ liên tục. Bao giờ cũng tỉ mỉ như thế - "kẻ thù của nhân dân" bị theo dõi bắn hạ ngay trong nhà, trong xe, trên đường, ở sân ten-nít. Đấy là cái chết không vô tình, trong phút chốc, được chọn lọc do Đội biệt động thực hiện.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #285 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2019, 05:47:39 pm »


Tôi nhớ tới Perrier, phụ trách tất cả các sở mật thám cũ, hiện vẫn là trưởng một bộ phận mật thám Pháp, có tên trong danh sách "phản động" của Việt Minh. Trong "mỗi vụ" ông ta đến tại chỗ trên chiếc xe jeep có an-ten dài cùng hai phụ tá trang bị vũ khí siêu hạng, lựu đạn và tiểu liên cầm tay. Hơn bao giờ hết ông ăn mặc đẹp, tinh thần còn trẻ nhưng hơi già vì mệt mỏi, cái nhìn sắc sảo, giọng nói mạnh mẽ, phong thái phóng túng gượng gạo. Mỗi lần gặp tôi ông nói:

- Lại một người nữa bị giết, sắp đến lượt tôi rồi. Với những kẻ giết người ấy không thể làm gì được, hoàn toàn không. Họ muốn giết tôi lúc nào cũng được.

Nhưng người ta không làm gì Perrier. Có lẽ Nguyễn Bình cho là ông ta không nguy hiểm. Thế mà ông không trừ ai, tấn công cả các nhà tư sản - cho thanh toán hai nhà công nghiệp vừa là vua thuốc lá, và chủ xưởng lớn. Trời vừa tối, giữa Sài Gòn và Chợ Lớn, một tiếng còi dừng xe họ lại và các nhân viên ám sát cải trang cảnh sát bắn vào họ. Chắc Việt Minh quyết định những cuộc mưu hại ấy để thỏa mãn công nhân đã than phiền về họ.

Nhất là các ngài cao cấp Việt Minh như không sống nữa: Phần lớn không ra ngoài, xung quanh là quân bảo vệ. Những người buộc phải ra ngoài thì cho bọc thép xe hộ tống.

Trong tình hình như thế người ta bỗng được tin như sét đánh là Nguyễn Bình mở cuộc tấn công lớn vào toàn Nam Kỳ, một cuộc tấn công "quân sự". Hàng chục đồn bốt bị bao vây; các thành phố như Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ bị đe dọa. Nguyễn Bình đã tập hợp được tám nghìn quân chính quy, được tung ra đánh các lực lượng Pháp rải rác cắm chốt ở cửa sông Mékong trong trận quyết định ở phía Nam.

Nam Kỳ sôi sục chiến tranh, Sài Gòn hỗn độn. Vũ khí sắc bén của ông Pignon, sự thịnh vượng cho mọi người cũng lạc điệu. Trong mấy ngày giá cả tăng lên gấp đôi. Nếu cứ tiếp tục như thế thì mua bán đồng bạc để làm gì?

Sài Gòn vô chính phủ đến mức trẻ con các trường nổi dậy, chỉ còn thiếu chưa chiếm lấy thành phố. Tất cả nam nữ, học sinh trung học tuyên bố: "Chúng tôi cũng là những chiến sĩ Việt Minh". Các trường học là những thành trì đỏ, các giáo viên không dám lên lớp nữa và học sinh tổ chức mít tinh, tự kiểm điểm, khơi dậy lòng nhiệt tình. Một hôm cả đoàn học sinh, thanh niên diễu hành trước lâu đài Chính phủ Việt Nam. Ngài Hữu bây giờ là bộ trưởng Bộ Nội vụ. Béo tốt, trịnh trọng và vẻ cha chú, ông đến trước đoàn người một mình, không có bảo vệ: những chàng trai cô gái này chẳng phải cũng là con cái các gia đình tư sản tốt nhất đó sao? Ông dùng lý lẽ Khổng Mạnh khuyên họ vâng lời và khôn ngoan nhưng nhận được gạch đá và tiếng hô đả đảo; tuy phì nộn ông cũng cố sức chạy càng nhanh càng tốt. Đoàn trai trẻ la ó. Không có cảnh sát dẹp trật tự. Những đứa trẻ trai gái mười lăm tuổi làm chủ tình hình.

Lần này thật quá đáng. Vì mọi nguyên tắc đạo đức truyền thống bị nhạo báng. Qua cá nhân ông Hữu, người bề trên đáng kính, mọi bố mẹ đều bị chửi rủa. Nếu con cái không nghe lời bố mẹ nữa thì toàn xã hội Việt Nam bị tiêu diệt. Đã đến lúc phải bảo vệ trật tự cũ.

Những tư sản Sài Gòn, những tư sản ấy trong chính phủ đã đưa tay cho Nguyễn Bình, nhận thấy tính mạng, của cải của mình bị đe dọa, trở nên dữ tợn. Không còn "mềm mỏng", không còn vấn đề "dân tộc" với Việt Minh nữa. Đấy là sự tàn sát trong máu và tra tấn, một trăm lần độc ác hơn người Pháp trước kia.

Mọi việc qua rất nhanh. Nguyễn Phan Long - con người lắt léo tỏ ra khờ khạo trong chính phủ đến thế - được "bố Hữu" già dặn thay thế. Và xâm nhập vào quyền lực với Hữu là đồng tiền, tầng lớp địa chủ, sự liên minh của những người giàu. Và không ở đâu những chủ sở hữu, khi sợ cho tài sản của mình, lại tàn nhẫn đến thế.

Hữu tổ chức các cuộc họp báo. Đôi mắt ông lõm sâu vào thịt người ta không thấy; ông vỗ những bàn tay mũm mĩm vào nhau để nhấn mạnh những câu quan trọng. Sau những phút im lặng trầm ngâm, ông cười khẽ, ngắc ngứ: đấy là một quan lại thời tư bản chủ nghĩa.

Và sau một loạt thể hiện vui vẻ tinh ranh ông thông báo tin mới khác thường: ông vừa giao phó cơ quan an ninh Việt Nam cho đốc phủ Tâm, con người trước đây bị cả Sài Gòn tư sản phỉ nhổ là "con hổ Cai Lậy", là tay "đao phủ".

Chính ông Tâm này chỉ trong mấy tuần lễ chiến thắng ở Sài Gòn tương đối dễ dàng. Ông ta diệt hết mọi đường dây của Nguyễn Bình và người Pháp dốc sức trong bao năm không có hiệu quả - và công việc làm rất tốt đến nỗi Việt Minh không bao giờ cắm lại thực sự ở Sài Gòn.

Để làm được như vậy Tâm dùng những biện pháp kinh hoàng khó tả.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #286 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2019, 10:09:20 pm »


Con Hổ Cai Lậy

Mấy ngày sau tôi đến Sở An ninh trên đường Catinat, trong văn phòng bao la của Tâm. Một con người khô khan và lục cục, khuất phía sau chiếc bàn của người chỉ huy - chiếc ghế không nâng ông lên đủ chiều cao. Ông có vẻ vừa xởi lởi vừa vụng về với đôi kính cổ xưa trên mũi, nhiều nếp nhăn, đôi tay dài bỏ thõng bên một thân hình rất bé! Ông mỉm cười với tôi - nét nhăn mặt phúc hậu của một dân quê thô lỗ.

Thực ra chúng tôi là những quen biết cũ. Tôi biết nụ cười của ông là cả cuộc đời ông - nụ cười vui vẻ, đập nát người ta nhân danh trật tự. Tâm trước hết là một công cụ để chế ngự. Ông đàn áp một cách cha chú, bằng mọi cách, với sức mạnh và mưu kế tệ hại, sự táo tợn chết người và niềm vui. Ông dốc hết sức mình vào công cuộc thanh lọc và rất có ý thức về điều đó.

Vì thế ông trở thành "con hổ Cai Lậy", một thị trấn nhỏ ở đầu vùng Đồng Tháp Mười. Năm 1940 khi chỉ là một đại diện bình thường, ông tiêu diệt ở đây những nhóm khởi nghĩa nông dân đỏ đầu tiên.

Trước kia đã nhiều lần ông kể với tôi về chiến công của mình:

- Tôi chỉ có hai mươi quân tư vệ. Nhiều nghìn dân quê nổi dậy tiến về Cai Lậy với dao quắm và hận thù. Tôi cùng người của tôi đến trước mặt họ; Thấy toán quân họ nổi giận la ó. Tôi bảo quân giải tán, một mình đến nói tử tế với họ, chuyện trò với người này người khác. Rồi tôi đề nghị "Chúng ta cùng chơi cho vui". Tôi rút máy ảnh trong túi ra, chụp mấy kiểu như cùng chơi. Sau đó tôi dễ dàng xác định những kẻ cầm đầu, cho bắt và trừng phạt.

Hình như tự tay Tâm bắn chết những kẻ nổi loạn chính. Loại nhẹ tội hơn ông ta áp dụng lối tra tấn của Pháp thời Trung cổ. Dụng cụ là một khung gỗ đóng phía trên, guồng nước lớn mà tội phạm bị treo cánh tay vào khung gỗ, chân thõng xuống đạp bánh xe quay, để một thời gian lâu giữa nắng. Tâm đến, cho lấy roi quất vào người đang bước trên những gàu nước, vừa hào hiệp giải thích phải sửa lỗi lầm vì lợi ích của anh ta và làm cho anh ta hiểu rõ sai sót của mình.

Không lay chuyển đối với người khác, ông thấy quân thù không thương xót gì ông cũng là lẽ tự nhiên. Ông hài lòng kể lại với tôi mật thám Nhật đã tra tấn ông năm 1945 như thế nào. Tát nước ngột ngạt, đánh gậy vào gan bàn chân. Cảnh sát Nhật buộc ông ta vào quạt gió và dùng thắt lưng đánh làm quay cả người và quạt. Sau mười vòng ông bất tỉnh - chúng dội nước vào mặt rồi lại tiếp tục. Tâm nói:

- Tuy vậy người Nhật có thể có những cử chỉ cao thượng, hiểu được cái lớn lao: Một lần tôi nói với họ: "Các ông tôn thờ tình bạn. Tôi chịu ơn người Pháp, tại sao các ông trừng phạt tôi về lòng trung thành đối với họ?" Sau đó họ không bao giờ tra tấn tôi nữa.

Sau đó Tâm bị Việt Minh cầm tù ở khám lớn Sài Gòn vào những tháng đầu năm 1945 trước khi người Pháp chiếm lại thành phố. Tất cả những tư sản bị bắt đều tuân theo người bảo vệ trừ Tâm tuyên bố: "Tôi nằm trong quyền lực của những kẻ thù tệ hại nhưng không hạ thấp mình." Người ta chặt một ngón tay ông, giết hai đứa con trai. Tâm kể lại chuyền này như một việc bình thường, không liên quan gì đến ông tuy ông rất yêu con mình.

Trong Chính phủ Nam Kỳ, thời kỳ d'Argenlieu rồi Bollaert, Tâm là bộ trưởng. Những quan chức khác thả tù Việt Minh đều có những buổi lễ cảm động. Tâm thì chửi họ và hét lên:

- Tôi biết các anh là đồ rác rưởi, các anh sẽ lại theo cộng sản nhưng tôi chẳng cần để ý. Tôi thả các anh ra chính vì tôi khinh ghét và không sợ các anh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #287 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2019, 10:11:10 pm »


Ông Tâm mà tôi gặp ở sở An ninh đường Catinat có dáng một viên chức nhỏ, thoải mái và hưởng thụ. Ngay từ những lời đầu tiên tôi cảm thấy đối với ông mọi việc rất đơn giản, biết mình phải làm gì. Tất cả tài năng của ông nằm trong một số ý tưởng sơ sài, rất logic; logic ông đang vận dụng vào Sài Gòn đỏ.

- Tình hình đã rõ ràng. Chống lại tôi có nền an ninh xung kích đỏ với mười bảy khu phố, chi nhánh khắp nơi, đang tích cực hoạt động. Tôi chỉ có văn phòng này, sở An ninh của tôi mục ruỗng và các chỉ điểm im lặng vì sợ. Từ nhiều năm nay người Pháp để nhân viên của họ tự huỷ hoại mình mà không nhận thấy, họ bị phản bội ngay trong sở này.

Tôi đơn độc nhưng chẳng sao. Tôi thấy ngay trong ngôi nhà này khắp nơi đều có người được cài vào. Tôi bèn làm những gì cần thiết đối với cảnh sát và mật thám của tôi - chỉ có thế mới thay đổi hoàn cảnh ở Sài Gòn. Vì khi tôi đã có những công cụ làm việc thực sự với sở An ninh được thanh lọc, những chỉ điểm tin cậy có những "đường dây" chắc chắn, hãy tin vào sự khai thác của tôi. Trong ba tháng tôi tiêu diệt hết Việt Minh ở Sài Gòn. Người Pháp không làm gì được vì bị lừa. Tôi làm dễ thôi vì không còn bị lừa bịp nữa.

Tâm nói với tôi về những phương pháp của ông. Trước hết phải xây dựng một nhóm an ninh chắc chắn trong lòng Sở An ninh rộng lớn đã bị lây nhiễm. Muốn thế ông phải dựa vào những người của Bazin bị ám sát, nhất là vào Mai Hữu Xuân. Không ai có thể làm ông Xuân này run sợ: ông ta có một cái đầu cứng rắn, vừa trơn tru vừa ương ngạnh, không hề thể hiện gì và quá lễ độ. Ông ta thông minh và độc ác, sự độc ác lạnh lùng, vô cảm, có kỹ thuật. Tâm còn nhân đạo bên cạnh Xuân. Mọi người Việt Nam, Việt Minh hay không, đều phát điên nếu rơi vào tay Xuân. Nhưng đấy cũng là một cảnh sát xung kích do Bazin đưa lên từ lớp thấp kém, được Bazin yêu thương đào tạo, cộng thêm những bản năng Châu Á vào "kỹ thuật" Pháp.

Mai Hữu Xuân được giao trách nhiệm xem xét kỹ lưỡng lại mọi nhân viên sở An ninh, nói với Tâm rằng thư ký của ông là một Việt Minh nên những mệnh lệnh bí mật nhất chỉ mấy giờ sau là Ủy ban Nam Bộ đã biết rõ. Tâm gọi người ấy lên - trong những trường hợp ấy ông rất sợ - đứng bám vào anh ta, hét: "Anh là cộng sản, tôi có đủ chứng cứ, thú nhận đi". Anh thư ký nói: "Vâng". Một cuộc khám xét trong căn nhà tranh anh ở phát hiện ra từng tập bản sao mật lệnh của Sở An ninh. Từ nhiều năm nay anh đưa tin hàng ngày cho Nguyễn Bình. Anh bị xử tử sau khi đã nói những gì mình biết.

- Sở An ninh đã được thanh lọc kỹ, Tâm tâm sự với tôi một tuần lễ sau đó. Bây giờ người ta sợ tôi - tôi còn làm họ sợ hơn Việt Minh. Mọi chỉ điểm chuyên nghiệp đã làm việc cho Việt Minh nên tôi chẳng biết điều gì. Nhưng nếu họ cho tôi là kẻ nguy hiểm nhất, rồi tôi sẽ biết tất cả, họ sẽ nói với tôi tất cả. Tôi sẽ "ra tay".

Chẳng bao lâu sau đó người ta thấy nhiều xác chết trên đường phố. Họ bị đâm bằng dao găm và trên lưng có biển đề lý do bị xử. Một cảnh bình thường Việt Minh thanh trừng "phản động" - nhưng câu viết thật không bình thường: "Đây là một nhân viên ám sát của cộng sản, bị xử tử vì có nhiều tội ác". Đây là cái chết của một trong những người tình nguyện của tiểu đoàn 905 bị sở An ninh của Tâm bắt ít lâu trước đó. Tâm bảo tôi:

- Bây giờ tốt hơn rồi. Các chỉ điểm bắt đầu hoạt động trở lại.

Tôi nói với Tâm, ông không đề phòng chu đáo cho mình. Bất cứ kẻ nào qua khỏi cửa cũng có thế bắn hạ ông trên ghế ngồi sau chiếc bàn đầy giấy tờ; Gật gù đầu, ông trả lời nhẹ nhàng với tôi: một khẩu súng ngắn đang chĩa vào ông. Nó đấy, trước mặt tôi, gắn dưới bàn, bao giờ cũng lên đạn sẵn. Tôi chỉ làm một động tác nhỏ là viên đạn xuyên qua ghế ông ngồi. Mọi việc đã được điều chỉnh chính xác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #288 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2019, 10:12:44 pm »


Một hôm, Tâm rõ ràng đang vội. Câu chuyện vừa kết thúc, ông đứng dậy, theo thói quen xoa tay:

- Xin ông tha lỗi. Người của tôi đang tham vấn bên cạnh đây. Một Việt Minh vừa bắt được hôm qua, không chịu khai báo gì. Tôi phải đến xem sao.

Tôi thường quay lại chỗ Tâm. Ông vẫn nhã nhặn trò chuyện với tôi. Đôi khi một nhân viên cao cấp sở An ninh làm ngắt quãng rỉ tai Tâm mấy câu tiếng Việt. Nếu là tin xấu, ông gầm lên. Nhưng thường thường Tâm có những cử chỉ có ý nghĩa cụ thể: bỏ tù, đưa thẩm vấn, hành quyết, cả một loại ngôn ngữ riêng.

Và trong tháng bảy, đúng ba tháng sau thắng lợi của Tâm, người đồng chức Việt Minh, người cộng sản tương đương với ông, Lê Văn Linh, trưởng ban an ninh đỏ, cũng như ông là trưởng sở An ninh trắng, bị bắt vào tay ông. Và hệ thống tổ chức của ông ta bị phá vỡ.

Một người đàn ông đến tìm Tâm nói:

- Tôi xin sáu mươi nghìn đồng bạc. Đổi lại, tôi cung cấp cho ông địa chỉ ngôi biệt thự hiện Lê Văn Linh đang ở.

Tâm trả lời:

- Tôi sẽ cho anh vào tù cho đến khi biết anh nói có thật không. Anh đưa ngay địa chỉ đây. Nếu đúng anh sẽ có số tiền, nếu không đúng anh sẽ chết.

Người kia không nao núng:

- Tôi không nói dối đâu. Ngôi biệt thự ở đường Anh em Louis. Nhưng hãy chờ tối mới hành động. Thường Lê Văn Linh đi vắng cả ngày.

Buổi chiều Tâm vay trưởng An ninh Pháp - Perrier, số tiền ấy. Ông không đủ tiền vì theo thủ tục, Thủ tướng vừa là bộ trưởng Nội vụ giữ mọi tiền quỹ bí mật. Perrier rất ngập ngừng, cho rằng quá đắt với một vụ không chắc chắn. Nhưng Tâm nhận trách nhiệm: "Việc nghiêm túc đấy. Tôi cảm thấy và biết rõ điều ấy". Perrier xiêu lòng, đưa số tiền cho ông.

Ngay tối hôm đó biệt thự bị bao vây và tấn công. Hoàn toàn bất ngờ, không chống cự. Lê Văn Linh đang ngủ, bị bắt cùng ba nhân viên ám sát. Chỗ này nguỵ trang rất khéo. Một tủ sách che kín góc làm kho, ở đấy có những súng colt và tiểu liên dùng trong những vụ giết người vừa qua. Một gian phòng khác chứa đầy hồ sơ những người sẽ thanh toán, có chương trình thực hiện từng giờ. Hồ sơ nổi cộm là của chính bản thân Tâm: chuyên gia giỏi nhất, chủ bài ám sát sẽ đến từ Đồng Tháp Mười một ngày gần đây để ra tay. Cảnh sát cũng tìm thấy dưới hầm ngầm một tư sản Trung Hoa bị bắt cóc. Người Việt đòi một triệu đồng bạc tiền chuộc. Người "Nhà trời" chi ngay một trăm nghìn đồng cho những người cảnh sát giải phóng mình, thế là giải quyết được vấn đề tiền thưởng cho kẻ tố cáo.

Ngày hôm sau Mai Hữu Xuân bắt hàng loạt, "thu nhặt" được bốn mươi kẻ giết người. Mười ngày sau, cả ban tài chính bị bắt ở một biệt thự khác, đại lộ Luro. Người chỉ huy - Văn San - một nhân viên ám sát cũ được giao trách nhiệm kiếm tiền bằng mọi cách, thân hình xăm đầy người với dòng chữ đại loai: "Trong cuộc sống tình yêu chẳng là gì cả. Chỉ có đấu tranh mới xứng đáng với một người đàn ông". Lần này nữa một trăm Việt Minh xung kích bị bắt.

Từ đó là làn sóng "mật thám" trong Sài Gòn. Cùng với “nhân viên đặc biệt" là cả một chương trình - khắp nơi tiểu liên và mũ mềm. Nhưng làn triều chỉ điểm còn rộng lớn hơn. Một phần năm dân số "đưa tin" để nhận tiền. Như vậy có đến bốn trăm nghìn thông tin viên đủ mọi lứa tuổi, giới tính và tôn giáo. Sở An ninh của Tâm "nhặt" những nhân viên ám sát mới Ủy ban Nam Bộ tiếp tục cử vào một thời gian, gần như một trò chơi cho đến lúc họ thôi không cử nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #289 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2019, 10:14:30 pm »


Băng nhóm của cảnh sát

Việt Minh thất bại trong cuộc chiến ở Sài Gòn. Ủy ban Nam Bộ ở đâu đó trong Đồng Tháp Mười tự kiểm điểm nhận thấy có sai lầm. Họ lên án việc khủng bố đơn thuần, tuyệt đối, là một giải pháp "không đúng" và lạc hướng. Vì không thể chiếm một thành phố hơn hai triệu dân chỉ bằng những vụ mưu sát. Phải để cho Tâm và cảnh sát hưởng vinh quang chiến thắng và thật bí mật "khai thác lại lợi ích" của một Sài Gòn kinh tế thịnh vượng. Vậy là không còn giết người, lựu đạn. Quan trọng là xây dựng lại các đường dây kinh tế đỏ cùng những hệ thống thông tin và trinh thám, quân sự. Người ta gửi những cán bộ tốt nhất sang Trung Quốc của Mao Trạch Đông vào những trường chuyên đào tạo các nhà "khoa học".

Việt Minh không biến mất khỏi Sài Gòn nhưng họ bắt đầu "lặn". Bài học được vận dụng đến mức, ngay trong các thành phố dễ hoạt động, ở Hà Nội, Huế chẳng hạn, họ cùng nằm im. Từ nay trong tất cả các thị trấn, thị tứ phẳng lặng cho đến cuối cuộc chiến tranh Đông Dương - người Việt tiến hành một công việc kín đáo, thật có ích mà không ra mặt.

Tuy vậy Sài Gòn đỏ bao la trở thành một Sài Gòn cảnh sát nhanh chóng kỳ lạ (trừ Chợ Lớn vẫn thuộc về Bảy Viễn và Bình Xuyên). Điều ấy không thể có nếu trong lòng nhân dân thành phố là Việt Minh. Dân chúng không có những tình cảm sâu sắc, họ chỉ tuân theo sức mạnh. Tâm đã "đánh gãy" tổ chức Việt Minh lãnh đạo và lẽ tự nhiên dân chúng theo băng nhóm chiến thắng mới - băng nhóm cảnh sát.

Trong lúc người Việt từ bỏ "chinh phục" Sài Gòn, một nhà nước mới được hình thành trong nhà nước chung - cảnh sát. Ngay Tâm cũng bị qua mặt. Đúng ra là ông ta đi theo một con đường khác, con đường bên ngoài có vẻ to lớn, chính thức, được thừa nhận, ông trở thành bộ trưởng Bộ Nội vụ, thủ hiến Bắc Kỳ, thủ tướng Chính phủ. Nhưng ở những vị trí chính trị cao ấy, ông không còn đáng giá như trước đây chỉ là một nhân viên "mật thám" - Tâm biến mất trong những vinh dự, Sở Cảnh sát Việt Nam chuyển thành một tổ chức thống trị mạnh, trở thành băng nhóm Mai Hữu Xuân.

Một trong những người chủ của Sài Gòn là Bảy Viễn. Từ nay có một người khác nữa là Mai Hữu Xuân, điên cuồng kiêu ngạo, đàn bà và tiền bạc nhưng vẫn luôn lạnh lùng, can đảm. Việt Minh đã không hoạt động gì trong thành phố, từ nay sẽ là cuộc chiến giữa các băng nhóm, giữa kẻ vô lại cũ bây giờ là người thân tín của Bảo Đại và nhân vật cũ được Bazin tạo dựng bây giờ là vua các nhân viên mật thám. Ngấm ngầm trong nhiều năm cuộc chiến sau này tắm trong máu đến khi Diệm lên nắm quyền.

Nhưng trong ba, bốn năm, Sài Gòn có bộ mặt hòa bình. Bảy Viễn trị vì trong Đại thế giới. Mai Hữu Xuân ngồi yên ở Sở An ninh, Việt Minh tự kiểm điểm trong vùng Đồng Tháp Mười khôi phục lại sự cân bằng của đồng bạc, thuận lợi cho "việc mua bán" và mọi nguồn thịnh vượng. Vì vậy có sự thỏa mãn chung trong lòng nhân dân thành thị.

Nhìn bề ngoài là sự hài hòa. Hầu như khắp nơi đều có hệ thống cùng thống trị, cùng tồn tại - một tổ chức liên kết ba bên. Trong mỗi xóm nhà tranh trên mỗi đường phố nhỏ, người ta thấy mấy tên chỉ điểm của Mai Hữu Xuân, vài chỉ điểm Bình Xuyên, ít nhất một chỉ điểm Việt Minh, chưa kể những người làm cho Pháp, dĩ nhiên đôi khi người ta cũng thấy những xác chết bị đâm chém, nhất là ở những khu phố xa. Nhưng điều này trở thành hiếm hơn. Nói chung những "kẻ bình thường" làm nghề báo tin thỏa thuận với nhau, thậm chí bàn bạc để làm vừa lòng cao nhất những ông chủ của mình. Việc bán "nguồn tin" trở thành một kinh doanh béo bở và tổ chức tốt - thường người Pháp mua lại khá đắt những cái mà các "tổ chức" khác không cần.

Riêng tổ chức cảnh sát Pháp dè dặt: họ tự ái vì Tâm và những người cuồng tín của ông ta thành công trong việc họ đã thất bại thảm hại. Mật thám Pháp giải thích nhiều với tôi ngành cảnh sát là một nghệ thuật tinh tế và phân tích, mỗi "vụ việc" phải gỡ ra rất thận trọng như gỡ một tổ kén, tiến hành tỉ mỉ và khôn khéo để đạt kết quả tối đa.

- Người của Tâm, họ nói với tôi thế, không phải những cảnh sát thực sự. Chúng không biết "khai thác" những gì một người có thể khai báo. Cách duy nhất của họ là bắt hàng loạt và đánh cho đến chết. Chúng làm hỏng hết và không nhân đạo.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM