Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:47:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84866 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #270 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2019, 08:36:51 am »


Một "chiến thắng” của quân Pháp

Mấy nhà báo chúng tôi trên xe jeep, chạy hết tốc lực trên Móng Cái đường số 4 bắt đầu từ Móng Cái. Chỉ qua Tiên Yên con đường mới trở thành đẫm máu, đi về phía Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn.

Buổi trưa chúng tôi dừng lại ở bốt Đầm Hà. Một công trình kiên cố phía trên vùng đồi rộng bao la. Tất cả chắc chắn đồ sộ không ngờ. Bờ bao là những tường thành dốc đứng, bên trong sân là một tháp bê-tông tường dày hơn một mét làm chỗ ẩn với ca-nông bảo vệ. Chính một trung uý bình thường không có lệnh và trái lệnh, không phương tiện và kinh phí, tự cho xây dựng những công sự này. Viên trung uý khốn khổ! Sau đó anh không bao giờ trả được xi-măng cho kỹ sư. Anh có một báo cáo điều tra, một hình phạt vì tiêu lạm công quỹ. Thế mà gần một năm sau bốt Đầm Hà, thành trì anh xây dựng, đã có tác dụng xuất sắc.

Vào cuối năm 1949 trường hợp của anh càng nặng khi không khí lạc quan lại dấy lên trong các ban tham mưu. Buổi chiều hôm ấy tôi vào Tiên Yên đầy niềm vui, người ta đang chúc tụng lẫn nhau. Tất cả chỉ huy quân sự ở Đông Dương trao đổi điện mừng. Họ cũng khen ngợi các đội quân của họ như vừa đưa lại một chiến thắng lớn.

Ngay trước khi tôi ra khỏi xe jeep, một đại tá thấy tôi, hét lên:

- Ông đến quá chậm; mọi việc xong rồi. Chúng tôi chờ đoàn tù binh thứ nhất trong một tiếng đồng hồ. Gần Lạng Sơn chúng tôi đã "nhặt" khoảng ba mươi nghìn Quốc dân đảng. Tôi vẫn luôn nói với ông - những người da vàng vẫn còn sợ chúng ta, mỗi lần chúng ta nổi nóng lên là họ nhượng bộ.

Trong lúc đó một chiếc xe ca hướng đạo từ con đường số 4 trong đám mây bụi đến từ Lạng Sơn, trước một đoàn rất đông Trung Hoa đi bộ, những quân lính bị tập trung. Chồm người trên tay lái, một trung uý quần áo dã chiến kể lại cho tôi nghe việc bắt quân địch. Một tiếng chuông khác:

- Người ta vui mừng. Nhưng không trở thành thảm họa là một phép lạ. Chỉ cần một việc không ra gì là đủ. Đông đúc không ngờ được. Và những người Trung Hoa ấy, những người Quốc dân, những người cộng sản, tất cả đều có vũ khí, đều dữ tợn.

Báo động vào ngày 9 tháng chạp. Khu đồn trú Chima, một đồn nhỏ mất hút trên biên giới, báo cáo một đám đông người tập trung trước mặt đồn, trên đất Trung Hoa cách mấy trăm mét. Lúc đầu người ta cũng không biết là Quốc dân đảng hay Cộng sản. Đám đông ấy bất động, không trông thấy được, ẩn dưới lòng suối và trong một số nhà tranh một làng vùng rừng. Rồi nghe tiếng súng, những tràng đạn đại liên và mọi tiếng ồn ào của một trận đánh gần. Những người ở đấy là đoàn quân Quốc dân mà Cộng sản đang tấn công phía sau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #271 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2019, 08:38:48 am »


Sáng ngày 11 người ta thấy quân lính đông đúc ấy giương lên những lá cờ trắng - mọi loại vải cũ mà người Trung Hoa vùng vẫy không ngớt đầu những con sào dài. Một lúc sau toán người tiến về Chima là các tướng tá Quốc dân đảng, quân phục rách rưới nhưng bản thân họ còn có vẻ nhà xác hơn. Người ta tiếp nhận họ.

Suốt cả ngày bên trong công sự đơn sơ và im lặng cuộc thẩm vấn là một bi kịch. Nhiều lần gần như bị đổ vỡ. Thỉnh thoảng người Trung Hoa khẩn cầu và khóc. Nhưng thường họ đe dọa, giọng lạnh băng. Đôi khi một người nổi nóng, bắt đầu ra điệu bộ, hét lên như điên. Họ không muốn vào Bắc Kỳ với vũ khí, như những người đồng minh. Người ta bảo nếu vậy thì phải đánh nhau. Người ta không hiểu rõ nhau, dùng ngôn ngữ Anh không thông thạo và phải qua phiên dịch. Sau này người ta biết người đại diện chính của Trung Hoa, tướng Ho Chan-pen tuy thế nói tiếng Pháp rất chuẩn.

Tình hình mỗi lúc càng tồi tệ. Bên Trung Hoa không còn cảnh lúc nhúc của một đoàn quân tháo chạy mà những toán Quốc dân đảng bây giờ là một khối vững chắc, dồn lại ngay trên biên giới. Phía sau là cuộc chiến ác liệt. Những người cộng sản dồn ép họ, như một khối, mưng mủ sắp vỡ. Và đối đầu, về phía người Pháp chỉ có một số lính của bốt Chima: họ rút vào sau những hàng rào tre, tranh luận trong nhà ăn tập thể.

Trời tối dần. Lúc ấy người thương lượng Pháp bỗng nói: "Các ông không thể tràn qua nữa nếu chúng tôi không muốn. Ngay trong lúc này các tiểu đoàn xung kích của chúng tôi đang chiếm giữ những đỉnh núi khống chế biên giới".

Người Trung Hoa bèn chấp nhận. Họ ký một văn bản đầu hàng. Họ quá mệt mỏi.

Mờ sáng, quả thực những chỏm núi phía trên Chima đã có lính lê dương và ta-bo chiếm giữ. Họ nằm trên đất. Ca-nông và ô-tô đại liên đã ở vị trí, về phía sau một cây số. Có thể nói là một cảnh chờ nổ súng.

Gần như thế. Từng lúc một có gì có thể xảy ra? Tất cả tuỳ thuộc vào một biến cố nhỏ nhất. Phía Pháp chỉ có mấy trăm người trước một biên giới mơ hồ có nhiều nghìn Quốc dân đảng Trung Hoa; cộng sản Trung Hoa, Việt Minh. Để tránh lẫn lộn tai hại, mỗi phân đội Pháp được dương lên một lá cờ. Nhưng ngay trước mắt, bên Trung Hoa, cảnh lẫn lộn hình như tăng lên. Không chỉ nghe tiếng súng mà những tiếng khác nữa, những đợt kèn. Phải chăng Quốc dân đảng tập hợp để tràn qua hay những người cộng sản ra hiệu tấn công?

Tuy vậy công việc tiến hành tốt. Quân Pháp đã chuẩn bị một hành lang, nơi quân Quốc dân đảng phải trình diện từng toán năm trăm người. Sau một lúc lâu chờ đợi, đến chín giờ sáng những người đầu tiên xuất hiện - các tướng cùng các ban tham mưu của họ. Quân lính tiếp theo mang những vật gói trong quần áo cũ. Đấy là súng, họ để từng khẩu vào một đống với cử chỉ từ bỏ. Người ta nhận thấy nhiều người giấu dưới quân phục dày những súng ngắn và dao găm nhưng không có thì giờ lục soát.

Việc ấy trôi qua nhanh chóng. Cứ mười lăm phút một bước tới một toán người. Bên cạnh những sĩ quan có tư cách và buồn có bao nhiêu kẻ cướp biển khuôn mặt hèn hạ, bao nhiêu kẻ khốn nạn bị thương kinh tởm! Trong đó có cả dấu vết những cuộc di cư với những người già, trẻ con và đàn bà. Những đống vũ khí trở nên đồ sộ. Khi đã trút hết vũ khí, từng toán nhỏ dẫn những người Trung Hoa, lưỡi lê dí vào lưng, đi ra phía sau, đến một bãi bằng cách một cây số. Họ bước đi, những khuôn mặt vô cảm, chập choạng trên đất ướt như một đàn kiến cần mẫn. Đến đấy, họ dồn đống lại, nằm xuống chờ số phận.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #272 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2019, 08:41:13 am »


Về cơ bản là buồn. Mọi thất bại đều bi thảm. Tệ hơn nữa là thời tiết đáng sợ, mưa phùn, nước đẫm da thịt, gió rét thấu xương và mây che khuất cảnh vật.

Nhưng từ mười giờ không thể kiểm soát nổi những người Trung Hoa nữa. Họ tới từ khắp nơi, từ mọi con đường, mọi sườn núi. Tất cả vừa chạy vừa hét: "Làm nhanh lên: cộng sản đến đấy". Trong đám đông bây giờ có cả những nông dân quang gánh cồng kềnh.

Làn sóng người ấy trào lên không ngừng. Tôi lo ngại - sự sợ hãi tràn lên cả mọi người Pháp. Nếu quân đỏ đến giữa cảnh này thì người ta có thể làm gì được? Và họ vẫn càng gần hơn, không đến mấy trăm mét. Cuộc chiến lại gần chúng tôi. Một số quân lính bị thương trước đây một, hai giờ, lê đến chỗ chúng tôi. Sắp đến lúc kết thúc. Quân chặn hậu Quốc dân đảng cố đánh trận cuối cùng để đại bộ phận trốn chạy đủ thì giờ sang Đông Dương, đã không kháng cự nổi nữa, cũng sắp "vượt” biên giới.

Đứng trưa giữa những người chạy trốn xuất hiện một toán hoàn hảo, có kỷ luật, đồng phục màu xanh, vũ trang đến tận răng. Đấy là trung đoàn riêng của ông chúa chiến tranh của Kouang-si. Người ta muốn tiến hành giải giáp. Ông ta từ chối không cho làm: "Tôi chẳng ký một thỏa thuận nào, không có một sự bắt buộc nào cả. Vả lại cộng sản đang sau chân chúng tôi. Các ông lo đối phó với họ thì tốt hơn". Người ta tranh cãi. Sau một lúc giận dữ, im lặng hằn học, ông ta chịu hàng. Vũ khí đoàn quân của ông làm một đống mới.

Đã đến lúc. Những tràng đạn đại liên rít lên quanh chúng tôi. Những người cộng sản bắn sang. Trong mưa bụi người ta không thấy họ nhưng họ chiếm toàn tuyến biên giới, thậm chí tràn sang cả Đông Dương. Những người di tản mạnh ai nấy chạy. Đàn bà hét lên. Phải đấm đá để duy trì trật tự. Súng quân đỏ vẫn bắn - một hạ sĩ lê dương ngã xuống, một lính Quốc dân đảng chết, ba người khác bị thương. Quân Pháp được lệnh chống lại. Ca-nông, xe bọc thép, súng tự động bắn hết cỡ. Những người cộng sản lùi lại.

Hôm sau tình hình yên tĩnh. Một nhân viên cho biết quân đỏ đã rút khỏi làng Ái Điểm. Lính Quốc dân đảng, nhất là những người bị thương vẫn còn ra trình diện. Nhưng ngày 15 tháng mười có báo động mới.

Ba giờ chiều nghe có tiếng hét lạ từ Ái Điểm, xóm làng như đã chết. Khoảng ba chục người từ đấy chạy lại phía bên này như những người điên rồi bỗng quay trở lại. Người ta thấy những người khác chĩa đại liên về phía này; quân Pháp cũng chĩa súng sang bên ấy. Người ta nghĩ đấy là quân Quốc dân đảng đã vượt Trung Hoa đến tận Ái Điểm nhưng không dám đến tận quân Pháp. Chỉ huy toán quân quyết định đi về phía họ ra hiệu cho họ lại gần.

Đấy là đại tá Charton, nhỏ người và quyết đoán, một con người của chiến tranh, vững chắc, nóng nảy, đợi lâu trong toán lê dương, đã bỏ đi với người phiên dịch Việt Nam và ba bốn lính lê dương thân tín. Cách biên giới năm mươi mét, ông bị khoảng năm chục kẻ hung hăng hét lên bao vây, tiểu liên lên đạn, lựu đạn tháo chốt cầm tay. Khoa chân múa tay họ vây chặt toán mấy người Pháp. Lao vào người phiên dịch, họ lột hết mũ áo. Anh này chạy hốt hoảng về đồn Chima kêu lên: "Cộng sản!... Cộng sản!..." Thực tế đúng họ.

Chỉ huy, một người cao lớn của miền Bắc Trung Hoa, càng đồ sộ với bộ đồng phục dày, giận dữ, nắm chặt tay rống lên. Đột nhiên ông ta nắm lấy cánh tay đại tá Charton muốn kéo về Ái Điểm và về trong đất Trung Hoa. Lính lê dương giữ ông này lại, gỡ ra khỏi tay người kia. Thời điểm căng thẳng hơn bao giờ hết. Hai bên đều để tay vào cò súng; nếu một người bắn thì sẽ là cuộc đánh nhau chung. Lúc này quyết định chiến tranh hoặc hòa bình với nước Trung Hoa của Mao.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #273 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2019, 08:42:47 am »


Người ta vẫn nắm chặt những khẩu súng đã lên đạn nhưng không ai bắn. Người khổng lồ bắt đầu diễn giải. Không ai hiểu ông nói gì. Charton lo ngại nhất là các đội quân Pháp không trông thấy mình: bị một mô đất che khuất. Vì vậy trong lúc người cộng sản khổng lồ hăng hái tiếp tục nói ông kín đáo tiến từng mét một đến gần biên giới. Người Trung Hoa say sưa thuyết giảng hùng hồn, bước dần theo ông mà không nhận thấy. Rồi bỗng ông ta và người của ông ở vào giữa mạng lưới của ca-nông và thiết giáp đội quân Pháp chĩa vào; các tiểu đoàn của Charton trên các chỏm núi chỉ còn chờ ông này giơ tay - dấu hiệu đánh trả.

Trước tình thế ấy, quân đỏ hơi dịu đi. Charton thoải mái hơn, bắt đầu lại cuộc thương lượng. Phải tìm các phiên dịch: từ tiếng Pháp sang tiếng Quảng Đông, từ tiếng Quảng Đông sang tiếng Bắc Kinh và từ tiếng Bắc Kinh sang ngôn ngữ miền Bắc Trung Hoa. Người khổng lồ lại bắt đầu xì xồ, đòi phải giao lại tất cả những quân lính Quốc dân đảng đã vượt biên giới - họ đuổi theo chúng đã lâu, sẽ bắn tất cả bọn chúng. Charton giọng rất vô tư chỉ trả lời: "Đây là nước Pháp. Chúng tôi không tiếp nhận lệnh của một người nước ngoài”. Người khổng lồ lại dẫm chân bực tức, đưa súng lên vai như để bắn thủng ngực ông. Nhưng xung quanh lính lê dương tập hợp từng nhóm. Họ cũng trở nên giận dữ, muốn bắn hạ người điên kia và đoàn tùy tùng. Dễ thôi, chỉ cần có lệnh bằng một tiếng nước ngoài mà những người cộng sản không hiểu, thế là xong đời trước khi họ thấy cái chết đến.

Charton kêu lên với người mình: "Hãy tự chủ!". Nhưng quân lính lê dương tiếp tục cáu kỉnh một cách đe dọa. Người khổng lồ như hiểu ra bỗng rất lễ phép. Ông ta hỏi Charton. "Ít nhất ông cũng cho biết quý danh?” - Charton. Người Trung Hoa cố lặp lại nhưng không được. Charton bèn cho ông ta bức ảnh cũ của mình đứng với tướng Monclar, người "Bố của đội quân lê dương". Đôi mắt người cộng sản ngời sáng vui mừng, ông ta có tài liệu để giải thích với cấp trên vì sao không tiêu diệt hết quân Quốc dân đảng. Ông ta cám ơn, bắt tay và quay trở về Trung Hoa. Trong lúc trao đổi thân mật như vậy, lính lê dương giơ cao nắm tay và hô lớn: "Giết bò đi thôi".

Những ngày tiếp theo thật yên tĩnh. Sĩ quan và binh lính cảm thấy buồn. Dân làng Ái Điểm nói những người cộng sản đã ra đi hết. Họ quyết định sang thăm Trung Hoa, dĩ nhiên không báo cáo với Ban chỉ huy.

Người ta đi từng nhóm nhỏ, không mang theo vũ khí, chỉ vài súng ngắn giấu trong túi một số người. Dân làng Ái Điểm đã trở về. Trong xóm làng bẩn thỉu người ta cũng thấy gà, trâu thả tự do - dấu hiệu chắc chắn không còn quân lính Trung Hoa trong vùng. Một đám đông tò mò đến vây quanh những người mới sang. Sự đón tiếp không nhiệt tình. Một số người cười ngượng nghịu, số khác nhìn họ căm thù. Rõ ràng họ có vũ khí dưới lớp áo bông. Không la cà chậm trễ là hơn. Họ vỗ má mấy đứa trẻ bẩn để đỡ lúng túng và rút lui. Một người cai chỉ huy, đái lên đất Trung Hoa trước khi bước qua cột mốc biên giới. Ông nói: "Thêm một chuyện để sau này kể lại với mấy đứa con tôi".

“Chúng tôi đã có nguyện vọng trẻ con là sang đất nước Trung Hoa. Thế là đạt rồi. Chúng tôi muốn tỏ cho những người cộng sản biết chúng tôi không sợ. Nhưng về căn bản chúng tôi đã thách thức họ vì có lẽ chúng tôi sợ họ mà không muốn thú nhận. Dù sao chúng tôi cũng đã chiến thắng! Đối với những người Quốc dân đảng tôi đã nhận được lệnh dẫn họ đi. Tôi đưa ông tới xem họ. Chỉ cách đây mấy cây số thôi".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #274 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2019, 08:46:51 am »


Tất cả những việc ấy xảy ra một, hai ngày trước và bây giờ ở Tiên Yên tôi chỉ xem những "người bại trận" trên đường đến các trại tập trung. Trước hết là những xe cứu thương - một xe là một thế giới thờ ơ. Tôi mở cửa một trong những chiếc xe ấy. Mùi hôi thối thật ghê tởm. Màu sắc thịt nát còn tươi, tất cả mưng mủ qua những lớp băng từ bùn và cỏ. Họ vẫn trong tình trạng như lúc đi đường thất trận, không được chữa chạy vì không có y tá. Bây giờ cũng chẳng người nào rên rỉ chỉ biết chịu đựng - họ nằm trong tay số phận. Mọi người im lặng như một đàn gia súc dễ bảo. Mọi người im lặng như vậy: thậm chí có hai người chết trong xe mà không ai nhận thấy.

Người ta ra hiệu có đoàn đi bộ đầu tiên và tôi lại thấy một đợt tạm nghỉ trong làng. Tôi lại thấy vẻ thờ ơ có lẽ còn hơn cả sự thơ ơ bình thường. Người ta chưa cho những người Trung Hoa ăn nên họ moi cả những đồng bạc lớn ra mua bánh rán ở những người bán hàng rong. Những việc làm ấy không cãi cọ, không vui, không gì cả; Rồi một tiếng còi, đoàn người lại tập hợp, lại đi, bước tới vô tận như họ đã đi hàng nghìn, hàng nghìn cây số trong những tháng, những tuần, những ngày trước đó.

Sau đoàn người đầu tiên này, những đoàn khác tiếp theo, không hết. Vâng theo và ra lệnh đã thuộc về "quân tập trung". Tôi nhận ra kỷ luật buồn tẻ của những người tù và lối kiêu hãnh của quân lính Đội viễn chinh đi, lại theo các hàng, súng tiểu liên nghênh ngang và tiếng hô khàn giọng. Say sưa chiến thắng khắp nơi, nhất là trong các nhà ăn và các ban tham mưu có lon. Tôi được biết những chi tiết nặng nề. Hình như trong một bốt lớn dùng làm nơi chọn lọc, quan đồn trú đã tàn sát người Trung Hoa, dọa dẫm, lục soát, lấy đi tất cả những gì họ có trong người, tiền bạc, vật trang sức, bất cứ thứ gì. Trưởng bốt để lại riêng cho mình những vũ khí đặc biệt hiếm và quý. Và từ khắp Bắc Kỳ, khắp Đông Dương, ông ta nhận được những bức điện của bạn bè hoặc cấp trên nói: "Tôi sẽ đến, sẽ chọn một vật kỷ niệm trong những vật anh thu thập. Anh có khẩu các-bin đẹp nào không?"

Làm như Đội quân viễn chinh lần đầu cảm thấy hưởng thụ của những người "bại trận" vô tội vạ. Có vẻ chính những người Quốc dân đảng ấy là kẻ thù của quân Pháp - không hề là những người cộng sản của Mao Trạch Đông.

Tuy vậy những người Trung Hoa bị cầm tù ấy đi qua Tiên Yên. Đoàn người đến chỗ tập trung đầu tiên trên nền một mỏ than đã bỏ không khai thác, trên khu vực bờ vịnh Hạ Long. Người ta chuẩn bị một cổng vào có trang trí; ngoài ra chỉ là đất trống và đen. Các cấp chính quyền nghĩ như thế là đủ với những người Trung Hoa đã hạ vũ khí và không còn gì đáng sợ. Vả lại người ta cũng khá nhanh chóng đối xử với họ tốt hơn - chăm sóc bệnh, cho ăn mặc, cung cấp thực phẩm. Tất cả tốt đẹp. Lương tâm không cắn rứt gì, còn lâu!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #275 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2019, 11:00:53 am »


Trung Hoa "mềm mỏng"

Vào tháng chạp, hai tháng sau, cả vùng biên giới rộng lớn của Đông Dương, từ Mường Sinh ở Lào đến Móng Cái trên vịnh Bắc Bộ do Trung Hoa đỏ chiếm giữ. Và đấy là Trung Hoa của sự "mềm mỏng".

Trước đó còn biết bao tuần lễ nguy hiểm, biết bao mạo hiểm! Thậm chí phải chiến đấu thực sự với bảy đến tám nghìn quân Quốc dân đảng ở Na Sầm, giữa Lạng Sơn và Cao Bằng, nơi con đường số 4 đã là con đường máu với những cuộc phục kích lớn của Việt Minh, cả một khu "tứ giác" Việt, xung quanh là những trung đoàn của ông Giáp! Thủ lĩnh của những người Trung Hoa Quốc dân đảng ấy là Vũ Hồng Khanh, một người Việt Nam theo Quốc dân đảng. Khi khu đồn trú Na Sầm muốn giải giáp người của ông ta, ông kêu lên: "Vũ khí của chúng tôi, cứ đến mà lấy!" Và ông ta cùng người của mình biến mất vào thiên nhiên. Ở Lạng Sơn, trong Ban chỉ huy vùng biên giới là sự hốt hoảng. Thành phố sơ tán và có vẻ Vũ Hồng Khanh sắp tấn công vào. Người ta cấp tốc điều từ Chima về đoàn quân thiện chiến, đại tá Charton và đội lê dương xung kích, bố trí ở cửa ngõ thành phố. Charton chuẩn bị trên đường số 4 một cuộc phục kích, bố trí đầy đủ kéo dài ba cây số để tiếp đón người Trung Hoa nhưng chỉ có một nghìn đến và đầu hàng.

Vũ Hồng Khanh và sáu nghìn người trung thành lẩn vào rừng rậm, trong những núi đá vôi đồ sộ và đáng sợ trải rộng từ đường số 4 đến vùng châu thổ. Mục đích của họ là ra vùng đồng bằng gần Hà Nội. Mệnh lệnh giao cho Charton tìm kiếm và tiêu diệt họ bằng mọi giá. Cùng lính lê dương và lính ta-bo, ông đi sâu vào vùng quân Pháp chưa bao giờ tới này. Đoàn quân tìm nhiều ngay trong rừng xanh mênh mông. Máy bay trinh sát bay sát ngọn cây và đỉnh núi không thấy gì. Các đội tuần tra sục liên tục không phát hiện được gì. Nhân viên, mật thám các loại cũng chẳng biết.

Đang thất vọng thì một buổi chiều vào lúc năm giờ một người Trung Hoa từ bụi cây đứng lên cách một trung uý Pháp mấy mét - chắc một người gác ngủ thiếp đi giật mình tỉnh dậy. Viên sĩ quan người Anh, điềm tĩnh nói với người Nhà trời: "Anh thấy đấy, các đội quân Pháp đã vào đến đây. Anh đi tìm các bạn và bảo họ khôn ngoan ra hàng đi". OK, người lính trả lời. Năm phút sau liên tục những tràng móc-chi-ê và đại liên. Người Trung Hoa lùi vào trong một lòng chảo, nã hàng loạt đạn vào quân lê dương rải trên đường mòn. Tình hình xấu đi, một trận đánh gian khố. May mắn Charton có mang theo súng ca-nông và những quả pháo 105 ly nổ vào những chỗ người ta nghĩ có người của Vũ Hồng Khanh. Chắc đã bắn trúng đích vì từ vùng ấy có tiếng kêu của những người bị thương và tiếng rên của những người hấp hối. Nhưng đã gần tối. Người Pháp cảm thấy không đủ đông để ở lại đối chọi. Họ đề nghị cho bắn chặn và dưới sự bảo vệ của đạn rốc-két, rút lui không thiệt hại gì.

Ngày 31 tháng chạp. Nửa đêm, đội quân lê dương tiệc mừng năm mới. Từ đỉnh núi bố trí, họ lại bắn đạn 105 vào người Trung Hoa. Mờ sáng hôm sau một phân đội đi đến những chỗ đã bắn. Không còn người nào nhưng xác chết rải rác và những hố chôn tập thể được đào, lấp vội vàng. Hương còn bốc khói. Hơn một trăm Quốc dân đảng bị giết.

Những ngày hôm sau còn có những đợt dội pháo và bom; những người Nhà trời nữa bị trọng pháo và máy bay thanh toán. Ngày 6 tháng giêng một lính ta-bo kêu cứu - trước mặt anh ta có sáu người của Vũ Hồng Khanh. Đoàn quân này xin ra hàng; lính lê dương không đủ đông để tước khí giới. Việc đầu hàng tiến hành gần Lục Nam, ở cửa rừng, bắt đầu vùng châu thổ - người Trung Hoa cũng đã đến được tận đấy.

Sau này một trong những người Trung Hoa kể lại với tôi:

- Chúng tôi không thể kháng cự nữa. Chẳng có gì ăn đã nhiều ngày, mọi người kiệt sức. Từ khi vào Đông Dương chúng tôi có hơn hai nghìn người chết và bị thương. Và nếu chỉ có người Pháp, dù với ca-nông và máy bay thám thính, cũng không bao giờ bắt được chúng tôi; chúng tôi sẽ chiếm được một lãnh địa tốt nào đấy ở Bắc Kỳ. Nhưng người Việt ở khắp nơi, trên mọi con đường, tấn công, săn đuổi chúng tôi, bắn giết, làm chúng tôi phát điên. Chúng tôi hy vọng họ cũng đánh nhau với quân lê dương nhưng họ không bắn một phát súng vào quân Pháp. Một sự khôn khéo tai hại. Người Việt tổ chức để lính lê dương không trông thấy họ, ngụy trang khi quân lính này đến gần, làm sao để người ta không nghi ngờ họ có mặt. Đồng thời họ dồn đuổi chúng tôi về phía ấy, cho hứng chịu làn đạn của lê dương. Cứ như thế mà chúng tôi bị tiêu diệt - người Việt sử dụng người Pháp tuy người Pháp không biết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #276 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2019, 11:03:38 am »


Đỉnh cao của Vũ Hồng Khanh và những người Trung Hoa của ông ta là một trong những bí mật được giữ kín nhất của cuộc chiến tranh Đông Dương. Trong lúc đó không có gì lọt ra ngoài. Tất cả do mệnh lệnh nghiêm khắc của Cao uỷ. "Vụ việc ấy" không được cho biết, sẽ bộc lộ sự mỏng manh của tuyến biên giới. Vì cuối cùng mấy nghìn người "Nhà trời" trốn chạy đã phá hỏng cả sự bố trí trên đường số 4 trong gần hai tuần lễ. Việc đó kết thúc tốt đẹp chỉ vì người Việt đã muốn như thế; vì trong phân tích tình hình ông Giáp và ông Hồ đã xây dựng một trật tự thanh toán: Quốc dân đảng trước, sau đó là Đội quân viễn chinh.

Thời gian ấy cả hai phe thù địch cùng có một kẻ thù. Mối nguy hiểm chưa phải đã qua. Vì nếu đoàn quân nhỏ của Vũ Hồng Khanh trụ vững ở Bắc Kỳ thì những sư đoàn đầy đủ có gì mà chẳng có thể làm? Bây giờ người ta sợ Lư Hán, ông chúa chiến tranh ghê gớm của Vân Nam. Người ta nghĩ đã kết thúc với Quốc dân đảng nhưng mỗi lần lại nhận thấy chưa kết thúc được. Một nước Trung Hoa sụp đổ, dù như một khối đất sét rơi xuống nhưng nó quá rộng lớn.

Thiên nhiên đã làm cho Vân Nam như một pháo đài. Đối với quân đỏ, ở đấy còn xa hơn Bắc Kỳ; phía sau là một góc hoang dã của Châu Á dưới chân dãy Himalaya. Và có bao nhiêu khó khăn để tới đó! Vì đấy là một cao nguyên đồ sộ, cao hai đến bốn nghìn mét, bờ dốc đứng, hang động mênh mông. Khắp nơi chỉ là rừng, sốt rét, các dân tộc không phục tùng, xa lạ và thế mà vùng đất này vẫn có sự hấp dẫn kỳ lạ do truyền thuyết rất giàu của cải. Biết bao nhiêu kẻ phiêu lưu mơ về thuốc phiện và khoáng sản quý của nó! Cuối cùng Vân Nam, cả khối trên cao, khống chế Châu Á vùng đồng bằng. Dưới thấp là những con sông rộng làm giàu cho dân chúng da vàng. Vì vậy tầm quan trọng chiến lược của nó thật quyết định. Trong thế chiến trước ở đây đổ về con đường huyền thoại Miến Điện xây dựng trên sườn những ngọn núi cao nhất thế giới, do hàng chục, hàng trăm nghìn cu-li làm mà nhiều người chết ở đấy. Ở đây người Mỹ đã xây dựng những sân bay mênh mông, từ đó những pháo đài bay của họ đi đổ bom xuống những căn cứ, những đường sá và thành phố của Nhật.

Nếu muốn, trong căn cứ của mình Lư Hán còn có thể chống cự nhiều tuần, nhiều tháng trong cuộc chiến biên giới Đông Dương, vô cùng nguy hiểm. Và hình như ông ta muốn, theo lời ông nói với tôi.

Tôi đi Côn Minh, thủ phủ Vân Nam nhờ "cầu hàng không" thép. Một thuận lợi của Phương Đông là việc buôn bán cố sức xen vào tình hình nguy kịch. Ý nghĩ duy nhất của các xí nghiệp lớn Đông Dương, của nhà băng và những người môi giới, là "đưa ra" đúng lúc khỏi Vân Nam trước những sự kiện sắp xẩy ra, càng nhiều càng tốt loại thép thuận lợi này, rất đắt, rất bán được. Tiền lãi đủ để các công ty lớn thuê những máy bay rảnh. Tất cả những phi đoàn phiêu lưu đều sẵn sàng. Thế là con thoi đi về không dứt, người ta đi trống rỗng và trở về với mấy thanh kim khí và có lẽ cũng, bí mật - khoản lãi của phi hành đoàn - mấy ki-lô thuốc phiện.

Cuộc hội kiến với Lư Hán kéo dài nhiều giờ trong lâu đài của ông ta. Khắp nơi là những quân lính vũ trang bảo vệ ông. Ông tiếp tôi trong một phòng khách rộng, vương giả, dưới những bức ảnh đàn bà trần truồng. Ông có đôi mắt buồn giữa khuôn mặt quá nhẵn như tạc trong một cây gỗ cứng ở rừng, vẻ vô cảm của một ông chúa chiến tranh thực sự, có thể ra lệnh làm mọi việc mà không bao giờ chuyển biến. Giọng nói ông không màu sắc và uể oải, không uyển chuyển. Nhưng quyết định của ông đưa ra có vẻ không thay đổi được. Ông nói với tôi về sự trung thành tuyệt đối với Tưởng Giới Thạch, về nỗi căm thù quân đỏ. Với những lời trịnh trọng ông tuyên bố không chỉ kháng cự - ông sẽ làm cho Vân Nam trở thành một pháo đài và từ đó chinh phục lại đất nước.

Nhưng tin thế nào đây? Dưới những lời nói ấy ông chuẩn bị làm gì? Sự lựa chọn thật kinh khủng: giữa lòng căm thù và nỗi sợ hãi. Ông ghê tởm, ghét Tưởng Giới Thạch với sự quyết liệt của bản chất vốn có của lòng tự cao bị tổn thương thảm hại. Điều ấy không xê dịch được. Viên tổng tư lệnh đã phản trắc không ngờ, triệt ông xuống chỉ còn là một bù nhìn, cầm tù ông. Quân lính đi lại xung quanh chúng tôi là những người trung thành với Lư Hán, những người bảo vệ riêng của ông: đó là những gì ông còn lại. Nhưng trong Côn Minh có hai sư đoàn Quốc dân đảng đã ở đây nhiều năm nay để giám sát ông, hãm ông vào thế bất lực, đánh bại ông nếu cần. Những sư đoàn ấy, vào đây năm 1945, khi Lư Hán điên rồ đưa quân sang Bắc Kỳ bắn giết ghê gớm. Từ đấy hai sư đoàn này ở lại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #277 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2019, 11:05:45 am »


Lòng căm thù phải nén lại, làm gì được với nỗi sợ hãi đáng ghét, nỗi lo âu của ông về quân cộng sản đang đến gần? Ông đã là đao phủ hung dữ nhất của quân đỏ, đã giết hàng nghìn, hàng chục nghìn trong những phương pháp hành hình sáng tạo nhất. Đầu của ông đã được đặt giá, nhất là ông có tên trong sổ đen của Mao Trạch Đông, trong danh sách những "tội phạm" không thể tha thứ. Do vậy, dù bất đắc dĩ, Lư Hán có vẻ buộc phải chơi con bài của Tưởng Giới Thạch.

Đấy ít nhất là cảm tưởng của tôi khi ra đi. Vì căn bản mặc cảm nổi bật của thế giới da vàng là lòng căm thù - lấn át cả mọi sợ hãi. Lư Hán, ông chúa chiến tranh, kẻ phong kiến tỷ phú, bóc lột, "kẻ thù điển hình" của quần chúng, một hôm điện cho Mao: "Tôi thật lòng hối cải. Hãy có lòng nhân hâu tiếp nhận sự quy phục của tôi". Hôm sau nhận được câu trả lời của Mao: "Tôi tin vào sự hối hận của ông. Tôi chấp nhận việc ông đầu hàng". Vì đối với những người cộng sản, quyền lợi của nhân dân, những gì người ta gọi là "giải pháp đúng đắn" được đặt lên trên hết. Và trước mặt việc liên minh của Lư Hán rất có ích.

Từ đó mọi việc xoay chuyển nhanh chóng. Lư Hán được cử làm tỉnh trưởng Vân Nam nhân danh Chính phủ Cộng hòa lần này hài lòng trả thù. Ông phát động quần chúng nổi dậy đẩy họ tấn công hai sư đoàn Quốc dân đảng vốn là công cụ làm ông nhục nhã. Quốc dân đảng trốn chạy và ông chiến thắng, chỉ còn tiếp nhận những đội quân đỏ yên bình bước vào.

Lư Hán khốn khổ! Về sau này, khi cuộc chiến tranh Đông Dương đã kết thúc, tôi gặp lại ông ở Bắc Kinh. Người ta bảo tôi đấy là một nhân vật quan trọng, một thứ trưởng Bộ Thể thao. Thực tế là trò cười. Người ta chỉ cho tôi một ông già hốt hoảng, một cái bóng, một kẻ khổ sở nói như đọc bài với tôi và không dám nhớ đã gặp tôi bao giờ chưa. Không còn gì là một ông chúa chiến tranh mà chỉ là một người khốn khổ run rẩy, vô vọng. Làm sao ông trở thành như vậy? Ông như bị huỷ hoại từ bên trong vĩnh viễn không còn gì. Ông chỉ còn lại nỗi sợ hãi.

Thế nhưng vào cuối năm 1950 và đầu năm 1951 ông đã phục vụ được nhiều cho những người cộng sản! Vì chính ông, những đam mê của ông - lòng căm hận và trả thù - đã làm cho quân đội đỏ chiến thắng trong một thời hạn vô giá, ít nhất là nhiều tháng. Không có ông, không có sự liên minh khác thường của ông, họ không bao giờ bố trí, được nhanh, vững chắc, hoàn toàn như vậy trên cả tuyến biên giới Đông Dương. Và thời gian tiết kiệm ấy nhờ ông thật quý báu đối với họ! Nó cho phép nước Trung Hoa của Mao không chậm trễ một ngày, bắt tay ngay vào mục tiêu mới - "xây dựng" đội quân Việt. Kết quả không đầy một năm sau sẽ là cái chết của biết bao nhiêu người Pháp trên con đường số 4.

Nhưng đầu năm 1950 ban chỉ huy Pháp hân hoan biết mấy về việc thanh toán Quốc dân đảng! Cuối cùng cũng đã kết thúc được. Người ta hài lòng thu nhặt thêm mấy nghìn quân Quốc dân, những kẻ chậm chân ra trình diện ở vùng biên giới, chỗ này chỗ kia từng toán nhỏ không quá khó khăn, nhất là ở Lai Châu. Nhưng làm thế nào đưa họ qua hành lang Việt Minh cắt đôi Bắc Kỳ? Người ta không tổ chức hành quân - để họ tự đi, hướng dẫn họ qua vùng nguy hiểm bằng những máy bay nhỏ. Người Việt không tấn công như đã có lệnh: "Đừng làm chuyện gì với quân Quốc dân đảng Trung Hoa". Điều họ quan tâm là vĩnh viễn loại bỏ đám quân này. Và biết sẽ như thế, họ dựa vào người Pháp để rút quân số này về lâu dài ra khỏi chiến trường.

Việc xảy đến đã như vậy. Nỗi bận tâm của Chính phủ là đưa những kẻ "trốn chạy", khoảng ba mươi, bốn mươi nghìn người Trung Hoa đi càng xa càng tốt. Riêng các tướng Quốc dân đảng được hưởng chế độ ưu đãi - họ biết cuộc sống nhẹ nhõm ở các thành phố, nhất là Sài Gòn mà họ tham gia vào việc buôn lậu. Còn số đông, người ta mang họ ra khỏi Nam Kỳ, đưa đến đảo Phú Quốc trong vịnh Thái Lan. Phải có hàng chục tỷ để nuôi sống cả số lượng người này (vì như vẫn thế, quân đội Pháp cuối cùng vẫn làm việc cần thiết theo cách của mình, vừa bủn xỉn vừa tốn kém). Phải gần một tiểu đoàn bảo vệ những người ấy. Người Trung Hoa ở chung trên đảo với người Việt, tự xây dựng lại về chính trị, quân sự, tập thể dục với súng gỗ nhưng cất giấu những vũ khí thật. Rốt cuộc đội quân bảo vệ Pháp như tù nhân của những tù nhân của họ - không ra khỏi bờ rào quanh đồn. Tình trạng ấy kéo dài nhiêu năm giữa những phức tạp tệ hại.

Chỉ việc chuyển những người ấy cho Đài Loan bực tức đòi họ và họ rất muốn đi. Nhưng trước hết người ta không muốn làm mất lòng Mao Trạch Đông. Sau đó khi không còn đánh giá mơ hồ về Trung Hoa đỏ, người ta sợ họ, lo ngại về phản ứng của họ. Chỉ ít lâu trước khi cuộc chiến tranh Đông Dương kết thúc, người ta giải quyết chuyển lại những "tù nhân" ấy cho Tưởng Giới Thạch: những người cộng sản Trung Hoa và Việt không bỏ công phản kháng nghiêm chỉnh! Như vậy người ta run rẩy trong nhiều năm ngược đãi tù nhân, chồng chất chi tiêu vì một việc không ra gì.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #278 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2019, 11:09:40 am »


Nhưng năm 1950 người ta ít nghĩ về số phận những người Quốc dân đảng ấy. Bộ chỉ huy còn những bận tâm cao hơn nhiều! Trước hết họ vui mừng, cũng nhẹ nhõm nữa, vì dù sao họ cũng hơi "run" về những người cộng sản Trung Hoa. Sự đúng mức của họ cho phép hy vọng. Điều cần làm là tán tỉnh họ cho được, kết bạn với họ. Có cả một kế hoạch lớn - thương lượng với Mao Trạch Đông để ông bỏ rơi người Việt, để cho Đội quân viễn chinh đập tan họ. Lẽ tự nhiên là có cho có trả. Nhưng tướng Alessandri đã nói và không ngừng lặp lại: "Có nên thu xếp điều đình với người Trung Hoa?"

Trong cảm giác sảng khoái, Carpentier và Alessandri gửi báo cáo về Paris hứa hẹn sẽ có cuộc chiến thắng quyết định. Chính phủ Pháp rất hài lòng. Việc bầu cử sắp tới làm họ bận tâm: có thể đưa về nước một phân đội đầu tiên của Đội quân viễn chinh được không, để cho cử tri biết cuộc chiến tranh Đông Dương đã kết thúc và thậm chí thắng lợi? Các tướng ở Hà Nội và Sài Gòn trả lời: "Đồng ý. Nhưng chờ một ít nữa thì tốt hơn".

Tôi trở lại Móng Cái, muốn xem tại chỗ nước Trung Hoa "mềm mỏng" ấy là như thế nào mà người ta tin tưởng đến thế.

Tôi lại lên ngọn đồi nhìn sang nước Trung Hoa trong số phận mới. Trước mắt tôi là niềm "vui" của dân chúng. Dưới rừng cờ Đông Hưng chỉ còn làm một bó hoa đỏ. Pháo nổ suốt ngày đêm, loa phát thanh vang lên không dứt những bài nói nồng nhiệt.

Cũng như lần trước, bên cạnh tôi là đại uý G... Ông tàn tạ, nhăn nheo hơn bao giờ hết nhưng vẫn vui đùa như thế. Nhưng chẳng phải đùa cợt ông chỉ cho tôi một số người rời bỏ những hân hoan "yêu nước" trần truồng ào xuống nước con sông quốc tế. Ông bảo tôi:

- Đấy là mấy người du kích. Họ luôn ra tắm ở đấy. Cách đây mười lăm ngày, người ta báo với tôi có những người lạ mặt bình thản tắm ở ngọn thác biên giới này. Tôi cho tìm hiểu, thì ra là những người cộng sản! Nhờ cách ấy người ta mới biết họ đã tới vì không thấy họ hành quân vào Đông Hưng.

Việc chiếm đóng kín đáo đến nỗi người ta không nhận thấy ít nhất cho đến lúc lá cờ đỏ đầu tiên giương ra. Đấy là một công trình theo cách Trung Hoa thực hiện ba bước. Trước hết quân lính Quốc dân đảng các loại ở Đông Hưng, từ bảo vệ của đại tá trưởng khu đồn trú cho đến lính cảnh sát ăn mặc xộc xệch, ban đêm chạy trốn bằng thuyền. Những công dân tai mắt nhất của thị trấn lúc đó báo cho quân du kích ở vùng một trăm nghìn ngọn núi có thể đàng hoàng vào thị trấn không có đụng độ nguy hiểm gì. Theo lời khuyên ấy quân du kích chiến thắng kéo vào - tính hợp pháp giữa hai chế độ chỉ đứt đoạn trong mười lăm phút. Những đội quân chính quy của Lâm Bưu còn cách mấy ngày đường. Khi đến lượt họ vào chiếm lĩnh Đông Hưng, lễ hội còn tuyệt vời hơn, bước chiến thắng thực sự.

Ít lâu sau chính quyền đỏ cho đưa tới một bức thư mong xây dựng quan hệ hữu nghị với người Pháp. Lòng thỏa mãn của tôi bị sự xấu hổ làm mờ đi. Vì theo như lệnh nhận được, tôi đã đóng cửa cầu Quốc tế, đuổi trở lại một toán Quốc dân đảng không biết từ đâu xuất hiện. Họ khẩn cầu tôi, muốn cố vượt qua cầu cũng không được. Những người khốn khổ ấy bám vào hàng rào sắt kêu gào cho đến lúc những người cộng sản đến lôi họ trở lại. Hình như rồi họ bị bắn chết.

Tóm lại, đối với viên đại uý G... mọi việc trôi chảy, cả việc buôn bán mà ông thu một tỷ lệ cho quỹ đen cũng đã trở lại. Những hàng hóa Pháp của ông Chong, nhà tỷ phú Móng Cái lại vào Trung Hoa. Đúng là không được đều đặn. Có những ngày không biết vì sao chính quyền đỏ đóng cửa cầu Quốc tế, phải điều đình mãi họ mới cho mở lại. Những hôm sau lại có "phiền phức" khác, người Móng Cái có thể sang Đông Hưng nhưng người Đông Hưng không sang Móng Cái được.

- Ông lưu ý cho, đại uý G... lại nói, đấy là việc của tôi. Những người cộng sản không cấp giấy thông hành cho người Đông Hưng thì tôi cho họ, đúng hơn là tôi bán cho họ mỗi tờ từ mười đến năm mươi đồng bạc. Tôi giao từng tập giấy có chữ ký của tôi cho phòng thương mại Đông Hưng, cơ quan cũ của những nhà giàu và những kẻ buôn lậu mà cán bộ chính trị vẫn để cho tồn tại. Phòng này sẽ phân phối cho dân, dĩ nhiên với những khoản hoa hồng lớn. Mọi người ai cũng muốn có. Ở bên ấy khổ sở, không còn gì. Người ta chỉ có ý nghĩ sang bên này mua thực phẩm, trở về mang theo gạo, dầu đốt, vải, bất cứ thứ gì. Những người cộng sản để cho dân làm. Chỉ có nguyên tắc là những người Trung Hoa khách hàng, có giấy phép của tôi, không đi qua cầu Quốc tế, sẽ bị la mắng đuổi trở lại mà lội sông ở phía trên hoặc phía dưới mấy trăm mét. Không ai bắn vào họ. Người ta gọi đấy là có sự "thỏa thuận của những người đàng hoàng".

Tóm lại, trong những tuần lễ đầu những người cộng sản của Mao tỏ ra không hề ghê gớm gì. Ở Đông Hưng không có hành quyết tư sản hay phản động nào, không có sự thanh lọc. Những người chủ đỏ để cho các "Nhà trời" trong thị trấn sống như trước, theo tục lệ tổ tiên - chỉ cần họ tham dự các buổi mít tinh và hoan hô. Thậm chí, chính quyền cảm thông khi dân chúng thiếu những nơi giải trí quen thuộc; những lò chơi đều ở nhà Vòng A Sáng bên Móng Cái, khi muốn chơi không dễ dàng đi sang được. Nhưng nhờ lòng tốt của chính quyền nhân dân, người ta tìm ra được một thỏa thuận.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #279 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2019, 11:10:54 am »


Sau nhiều lần thương lượng giữa những người Pháp với cộng sản, người ta xây dựng ở đầu cầu Quốc tế một khoảnh đất trung lập bốn trăm mét vuông. Ở giữa là một căn nhà mới làm sòng bạc. Cả một đám người hỗn độn. Cả Đông Hưng đổ xô vào đấy. Nhưng Vòng A Sáng dĩ nhiên là chủ, than thở: để đặt cược người Trung Hoa chỉ có tiền cộng sản không có giá trị gì. Mới đây tôi đã có dịp. Ông Chong báo với tôi ông bán cho Trung Hoa một số lượng xăng rất lớn, nhiều nghìn tấn. Điều này chỉ có nghĩa quân đội đỏ chuẩn bị xâm chiếm Hải Nam đang bị Quốc dân đảng nắm giữ. Hòn đảo đồ sộ này khống chế đường vào vịnh Bắc Kỳ và đe dọa mọi giao thông trên biển giữa Sài Gòn và Hà Nội. Hải Nam trong tay những người cộng sản là một mối đe dọa lớn đối với Đội quân viễn chinh ở Bắc Kỳ sẽ ở vào đáy ngõ cụt và có nguy cơ bị cắt đứt với tất cả.

Tôi suy nghĩ. Bán xăng cho cộng sản là hợp tác vào việc chiếm đảo Hải Nam, là một trọng tội. Nhưng ngăn chặn lại là hút mất khoản tiền đáng kể cho quỹ đen của tôi, cần được chất đầy hơn bao giờ hết, sẽ là một sai lầm. Cuối cùng sau khi đã nghiền ngẫm, tôi bảo ông Chong: "Là thương gia đứng đầu, ông phải thực hiện việc đặt hàng thôi."

Thế là bờ bên Trung Hoa của con sông quốc tế chất đầy thùng phuy hai trăm lít. Cạnh đấy ba, bốn trăm thuyền máy neo ở bờ một lượng người và phương tiện. Đoàn hàng sắp chuyển đi thì bỗng xảy ra tai họa. Một đám cháy lớn ngốn hết các thùng xăng; một cuộn khói đen bùng lên. Người kêu lên và chạy thoát, nhiều người bị chết cháy. Ngọn lửa lan tới những con thuyền nhưng các đoàn thủy thủ không lái đi được vì đạn pháo, lựu đạn chất đầy khắp nơi nổ tung. Người ta nghĩ là một trận máy bay oanh tạc. Cuối cùng phần lớn thuyền bè đi xa được nhưng thị trấn bị đe dọa.

Dĩ nhiên chính tôi cho giấu mấy ngòi nổ định giờ vào hàng hóa của ông Chong. Nhưng tôi đã không biết là đạn được xếp lẫn giữa những thùng xăng. Tóm lại cú ấy quá thành công.

Các nhà bắt đầu bén lửa. Những người cộng sản không có bơm. Tôi đề nghị sử dụng máy bơm của tôi, họ nhận. Đông Hưng cứu được nhờ sự can thiệp của người Pháp. Trong mấy ngày các cán bộ chính trị cười luôn với tôi. Tôi nghĩ họ không bao giờ nghi ngờ vai trò thực của tôi.

Tóm lại ở Móng Cái cuộc sống vẫn thoải mái. Đại uý G..., Vòng A Sáng, ông Chong và "Milady" vẫn luôn trung thành với người Pháp, trước mặt những lá cờ đỏ cách không đến một trăm mét. Không có gì thay đổi. Tin tức mới, quan trọng hơn nhiều cuộc chiến tranh hoặc đường lối chính trị, là "Milady" vừa tuyển dụng trong các dân tộc miền núi hai cô gái đẹp mười lăm tuổi.

Sau mấy ngày đại uý G... bảo tôi:

- Ông có thể đi được rồi. Ở đây sẽ yên tĩnh trong nhiều tháng. Những người bên kia sông còn quá bận không khuấy động gì. Nhân viên của tôi đã xác định: người Trung Hoa đang bắt tay vào "xây dựng" người Việt. Kế hoạch giúp Hồ Chí Minh bắt đầu khởi sự. Có những trại rộng lớn ở đó các đội quân của ông Giáp, dưới sự hướng dẫn của hàng nghìn sĩ quan, hạ sĩ quan Trung Hoa, được biến thành những đơn vị chiến đấu thực sự. Từ đấy sẽ đi ra các tiểu đoàn, trung đoàn, có lẽ cả sư đoàn, được huấn luyện và trang bị cơ bản, sẵn sàng chiến đấu. Vũ khí không thành vấn đề - chỉ cần chuyển cho người Việt súng trường, tiểu liên, móc-chi-ê lấy của quân Quốc dân đảng - toàn vào loại tốt nhất, hầu hết là có từ Mỹ. Chưa hết. Đã có những cu-li mang trên lưng những gói lớn để xây dựng các kho đạn dược, thực phẩm ở những chỗ bí mật, ngụy trang, được bảo vệ, vẫn trên đất Trung Hoa nhưng rất gần đường số 4. Vả lại trong những dãy núi ở Quảng Đông và Quảng Tây, nhiều toán đàn ông, đàn bà, trẻ em đào đất làm đường ra những vị trí chiến lược trên biên giới. Sự cố gắng tối đa. Làm thế phải mất bao nhiêu thời gian? Tôi nghĩ cũng mất mấy tháng.

Cả Đông Dương trong mù quáng do sự "khôn ngoan" của những người Trung Hoa ấy dừng lại ở biên giới. Đấy chỉ là một "giải pháp đúng đắn". Bắc Kinh đã đi tới một kết luận, đuổi người Pháp ra khỏi Đông Dương. Chiến thuật cũng đã được xác định. Quân đội Mao không cần tiến sang, sẽ là điều vụng về. Người Việt đã thừa đủ, với điều kiện xây dựng, trang bị, thúc đẩy họ.

Tôi nói với ông, số phận quyết định. Người Trung Hoa thực hiện hoàn hảo những gì họ đã quyết định, cho đến cùng - sự thất bại của chúng ta, đuổi được chúng ta đi.

Từ nay cuộc chiến tranh Đông Dương phần lớn là cuộc chiến tranh của nước Trung Hoa. Nhưng ở Sài Gòn người ta không muốn biết điều ấy. Vì nếu biết, phải không làm gì, chuẩn bị làm gì? Phải bắt đầu suy nghĩ lại tất cả.

Ông nên trở về Sài Gòn nhanh. Vì trong lúc Bắc Kỳ sẽ đắm mình vào một giấc ngủ giả vờ, Nam Kỳ sẽ "cựa quậy". Quân địch cần giữ chân Đội quân viễn chinh ở đây để có thể yên ổn chuẩn bị ở đấy.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM