Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:29:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84933 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #240 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2018, 09:19:53 am »


Trong trại cầu chữ Y của mình, Bảy Viễn không chỉ củng cố đặc quyền về thói xấu ở Chợ Lớn. Ông ta khôi phục lại mọi hành vi chiếm đoạt cũ, trong đó có cả bắt cóc và thuế, bảo kê. Ông ta đặt ra mọi sự đóng góp, thuế yêu nước, khống chế việc buôn bán. Không một bao gạo nào vào Chợ Lớn mà không trả phí giao thông cho Bình Xuyên - Bảy Viễn đặt trạm thu thuế ở tất cả các cầu đường và kênh mương. Một sự khai thác cao độ.

Cố vấn tài chính chủ yếu của Bảy Viễn là một chú lùn dị dạng Trung Hoa, có trí tưởng tượng ma quái. Hắn không từ một sáng kiến nào để rút bạc. Hắn bị những "nhà trời" giàu có ở Chợ Lớn căm ghét - nhưng họ chỉ thể hiện bằng vái lạy. Chính chú lùn này khác Bảy Viễn quyết định chế độ sòng phẳng giữa chủ nợ và con nợ. Bảy Viễn mua lại với quyền lực và giá rẻ mạt tất cả những món nợ khó đòi. Sau đó những tên giết người Bình Xuyên đi đòi con nợ tiền vốn và toàn bộ tiền lãi.

Tên lùn này cũng thuyết phục Bảy Viễn tham gia vào sự yên bình xã hội. Quân Bình Xuyên đến gặp những người chủ và nói: “Nếu các ông không muốn có đình công thì phải trả từng này. Chúng tôi sẽ bảo đảm trật tự trong công nhân của các ông". Như vậy là có những "nghiệp đoàn" Bình Xuyên cầm súng ngắn theo dõi để công nhân làm việc tùy theo ý thích của những người chủ.

Chú lùn dị dạng ít ra mắt, hắn có một loạt tên họ. Anh ta hợp tác với Bảy Viễn đã hai mươi năm. Lúc đầu là một thương gia Trung Hoa giàu có thịnh vượng, thuê Bảy Viễn làm lái xe. Hai người cùng gặp hoạn nạn, gặp lại nhau ở nhà tù Côn Đảo. Khi họ ra khỏi đó tình thế thay đổi ngược lại. Bảy Viễn trở thành chỉ huy.

Chưa bao giờ hai người bạn cũ, Bảy Viễn can trường và chú lùn tinh tế, làm việc có hiệu quả như năm 1948. Nhờ nghệ thuật trấn lột, Bảy Viễn có hàng trăm triệu đồng cần thiết để xây dựng đội quân của mình, của cải của Chợ Lớn cho phép ông ta nhanh chóng có những toán quân ấy, ông ta có thể càng bóp nặn Chợ Lớn nhiều hơn.

Tất cả tiến hành nhẹ nhàng, người ta không nghe nói đến. Ai dám không quy phục luật lệ bất thành văn của Bình Xuyên? Và rồi dù đồng bạc đem lại thịnh vượng đến mấy, Bảy Viễn cũng không làm cạn kiệt được Chợ Lớn. Những thương gia Trung Hoa giàu có thoải mái nịnh hót và tặng quà. Băng nhóm bất lương cuối cùng chỉ thêm vào một chất men kinh tế nữa.

Ngược lại, thời kỳ này Bảy Viễn bắt đầu trở thành một nhân vật "được tôn kính". Người ta hỏi ý kiến ông ta về những cuộc khủng hoảng chính phủ. Quân đội Pháp đánh giá cao ông ta. Những nhà băng Pháp, sở Thuế quan, ông Franchini coi ông là một khách hàng nghiêm túc. Các giáo phái khác ghen tỵ với ông. Vô số con trai tầng lớp chính trị và tài chính cao đổ xô về trại cầu chữ Y.

Đối mặt với bao nhiêu việc như thế, Bảy Viễn xây dựng một "bộ não tin cậy" nhỏ. Ông thu thập quanh mình một bọn vô lại đủ mọi chủng tộc và dòng máu, có khả năng làm tất cả, mỗi tên có chuyên môn riêng. Ngoài người Việt Nam, Trung Hoa, trong số nhân viên ấy có những kẻ phiêu lưu người lai, thậm chí một số người Pháp.

Hai anh em Thái và San, những người Việt Nam mặt cáo, bị gia đình tư sản của họ chối bỏ từ lâu, chịu trách nhiệm những vấn đề lớn về chính trị và quân sự. Thái, chính trị viên, người bạc nhược, mềm mỏng, ba hoa về lớp sơn học vấn. San, con người quân sự, lực lưỡng và ít nói hơn. cả hai là cố vấn "thân tín" của Bảy Viễn là tai mắt của ông ta. Họ quan trọng ở chỗ Bảy Viễn luôn rụt rè kỳ lạ, cảm thấy bối rối trước "xã hội lịch sự". Đôi khi ông ta cũng đến đó, trịnh trọng và đàng hoàng như một ông chúa nhưng không nói câu nào. Ông thích ở trong trại cầu chữ Y của mình, giữa vô số vợ lẽ, những con thú và binh lính. Ở đó ông sống luộm thuộm, tự quyết định những việc lớn nhưng Thái và San đi ra ngoài để nắm tin tức hoặc thương lượng.

Còn có năm, sáu thân thuộc chính. Vinh, một con vật to béo, trong những tổng chỉ huy, được đoàn quân tôn thờ. Đấy là một trong những đồng bọn đầu tiên của Bảy Viễn. Luôn đi bốt, thắt đai, đội mũ, anh ta đóng vai người lính thô lỗ, cục cằn và trung thành.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #241 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2018, 09:23:49 am »


Những vụ trấn lột, cướp bóc và cảnh sát hạ đẳng - được giao phó cho Maurice Thiện và Sanmarcelli, người lai. Đây là hai chuyên gia giỏi nhưng có xu hướng xấu muốn ám sát lẫn nhau. Maurice Thiện kết thúc tồi, bị một phát đạn vào đầu trong lúc đang cắt tóc. Đó là viên đạn của Bình Xuyên.

Những biến cố trong xã hội thượng lưu do chiếc lò xo của Jacques Long, tùy tùng của Bảy Viễn, người thân tín yêu thích của ông ta.

Trong băng từng người cố sức làm việc, biết rằng Bảy Viễn không bao giờ bỏ rơi họ. Ông ta làm bất cứ điều gì để cứu họ. Khi người ta đụng đến Bình Xuyên ông lồng lên như một con sư tử. Đổi lại ông đòi hỏi phải hoàn toàn trung thành. Ông trừng phạt không thương xót bất cứ kẻ nào không bình thường, làm vụng trộm cho riêng mình. Ông tha thứ một sai lầm - nhưng không bao giờ tha thứ một hành vi không trung thành, ích kỷ. Thậm chí ông không nương tay với Jacques Long tuy rất yêu mến anh ta! Jacques đã ăn cắp những khoản tiền rồi nói dối. Anh ta bị nhốt vào ngục tối rất lâu.

Bảy Viễn yêu mến người của mình, và muốn được họ yêu mến. Nhưng tình cảm ấy không bao giờ làm ông tê liệt sự nghi ngờ thú vật, ông biết lúc nào mình cũng có thể bị phản bội. Người ta luôn thấy ông bình thản, tươi cười lắng nghe những thân tính báo cáo. Tuy thế đầu óc ông luôn rình rập để khám phá một dấu hiệu khả nghi nhỏ. Nếu nghi ngờ, ông bùng lên giận dữ, ra những mệnh lệnh điên khùng, dã man.

Một lần người ta dẫn vào hai trong số các sĩ quan của ông tiếp xúc với Việt Minh. Ông bắt đầu than thở: "Thế nào, anh, anh, hai người bạn cũ của tôi...” Và vì thất vọng, đau đớn, ông ra lệnh hành tội đặc biệt tinh tế.

Bảy Viễn kỳ lạ! Ông ta còn có thể có những cử chỉ đẹp, không vụ lợi, độ lượng. Đồng thời càng giàu ông càng tham lam, càng ham muốn không cạn. Ông có một nhạy cảm bệnh hoạn. Trước kia ông từng ngây ngô nói: “Tôi là một tên cướp". Từ nay ông bị ám ảnh bởi một vị trí xã hội, ông cần được sự kính trọng. Trước hết phải nói với ông, ông là "người lương thiện". Tuy được mọi nịnh bợ, ông không bao giờ yên tâm. Ông rình rập từng lời, từng chữ, sẵn sàng nghĩ mình bị nhục mạ, sẵn sàng trả thù.

Và rồi là sự nhìn nhận khác thường - ân sủng đột nhiên, tình bạn nhiệt tình của Bảo Đại. Điều đó nổ ra như tiếng sét ở Đà Lạt, nơi tất cả các bộ trưởng, các chúa tể chiến tranh được Hoàng đế triệu tập để bổ nhiệm một tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam vốn chưa có. Tên Bảy Viễn được Văn phòng Quốc trưởng đưa ra. Bất ngờ đến nỗi kết quả là một sự khinh bỉ ghê gớm.

Giáo - người của Bảo Đại ở Huế - không biết những ý đồ mới của Hoàng đế. Hung hăng, ông ta tuyên bố với một ông lạ mặt ăn mặc rất lịch sự, ở gian chính khách sạn lớn Langbian: "Thật xấu hổ khi giữa chúng ta có mặt Bảy Viễn, tên tù khổ sai, tên cướp!". Không may người lạ mặt là đại diện của Bình Xuyên. Được báo Bảy Viễn chạy tới, giận sôi lên, với một khẩu colt to tướng. Ông ta hét lên, vung khẩu súng ngắn: "Tên chó Giáo ấy đâu, tôi sẽ tự mình bắn nó?" Giáo chỉ kịp chạy trốn vào biệt thự hoàng gia, ở kín đấy mấy ngày - cho đến khi Bảo Đại thu xếp một cuộc hòa giải giữa hai người, nhân danh lợi ích quốc gia.

Sự nghiệp khác thường của tên tướng cướp da vàng ấy là như thế. Dù sao Bảo Đại cũng không dám cử Bảy Viễn làm tổng tham mưu trưởng năm 1949; Cao uỷ Pháp cũng không thích. Quốc trưởng bèn tác động cho ông ta làm chủ Đại thế giới. Từ đấy là sự giàu có đáng kính, vinh dự công khai. Ông ta trở thành không ai đụng tới được, đứng trên pháp luật. Thay vì là một tên cướp được tha tội, ông ta là một trong những cột trụ của Việt Nam "quốc gia". Mỗi lần Bảo Đại cử một chính phủ mới ông đều đặt điều kiện là không làm gì chống Bảy Viễn, vả lại cũng không còn Bảy Viễn nữa - tên tù khổ sai cũ lấy tên được tôn trọng là tướng Lê Văn Viễn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #242 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2018, 09:25:55 am »


Năm năm sau tên tướng cướp hoàn thiện giấc mơ của mình, được trả thù hoàn toàn ngoài khả năng có thể tưởng tượng cho một tên vô lại. Vẫn nhờ Bảo Đại, Bảy Viễn chính thức trở thành chỉ huy tất cả cảnh sát và an ninh của Quốc gia Việt Nam. Quân Bình Xuyên trước kia bị cảnh sát săn đuổi, trở thành những siêu cảnh sát viên. Ý muốn của băng là luật, là sự hợp pháp không chỉ ở Chợ Lớn mà cả ở Sài Gòn bao la. Băng chiếm những ngôi nhà của an ninh đường Catinat, tất cả các sở cảnh sát - những tên cướp trở thành cảnh sát viên. Và chúng truyền bá nền văn minh của thói xấu, trật tự xã hội của thói xấu. Một trong những hành động đầu tiên của Bảy Viễn - Cảnh sát trưởng, là xây dựng một lâu đài mãi dâm, cả một đội quân con gái, được quân đội Bình Xuyên bảo vệ, được coi như một lực lượng chính thức của trật tự. Khách làm tình giữa những tấm gương và súng tiểu liên, được chính quyền tán thành.

Đạt tới đỉnh cao - và rồi vực thẳm. Việc ông ta sụp đổ thậm chí sẽ có những hậu quả không lường được - Bảo Đại sụp đổ, kết thúc sự hiện diện của người Pháp ở Sài Gòn, việc xây dựng chế độ thân Mỹ của Ngô Đình Diệm. Thật mỉa mai! Sau bao nhiêu hy sinh, người Pháp chỉ có quán quân cuối cùng, một quán quân thất bại, tướng Lê Văn Viễn, tức Bảy Viễn. Có cái gì đó đúng chất vô lại xưa kia. Bảy Viễn cũ cướp bóc bằng mọi cách. Nhưng tướng Lê Văn Viễn ở phía những người hữu sản, những kẻ tư bản, giàu có. Ông ta không bao giờ là người anh hùng của dân chúng. Và đấy là lý do làm ông thất bại, vào giờ vinh quang nhất, khi tên cướp trở thành cảnh sát trưởng.

Chưa đến năm 1950. Bao nhiêu bi kịch lớn và đẫm máu xảy ra ở Đông Dương trước sự kết thúc đen tối và khốn khổ! Bảy Viễn chỉ là nhân vật cuối cùng, người anh hùng kỳ cục của cuộc chiến tranh thất bại.

Năm 1950 Bảy Viễn còn ở Đại thế giới, sở hữu, khai thác hợp pháp Chợ Lớn. Giai đoạn dài, hưởng thụ sung sướng lãnh địa của mình nhờ tình bạn của Bảo Đại. Quân Bình Xuyên chuyển từ cướp bóc anh hùng sang cướp bóc văn minh. Họ không làm một số hành động quá lộ liễu như bắt cóc, tấn công có vũ khí nữa. Nhưng họ không tha thứ cho một vụ chính trị hoặc thương mại nào không điều đình với họ. Thay vì chỉ là quân cướp, họ trở thành những cổ đông.

Đấy cũng là thời gian mềm yếu, nội bộ mục ruỗng dần dần. Bảy Viễn sống như một ông tổng trấn, trước đây chưa bao giờ đi quá Côn Đảo, ông ta kín đáo sang Paris, ở đó những người bạn Corse mới khuyên nên để những tỷ tiền thừa vào đâu. Các tướng chỉ huy của ông còn phô bày một lối sang trọng trâng tráo hơn. Thái, cố vấn chính trị, cho làm một lâu đài với những màu đèn ống khắp nơi, sáng liên tục, kể cả ban ngày. Bốn chiếc xe Mỹ thường trực chờ anh ta trước cổng.

Nhưng trong thời kỳ Đại thế giới, Bảy Viễn vẫn không thỏa mãn. Một chúa tể chiến tranh như ông ta không bao giờ thấy quá đủ. Điều ông ta muốn là làm chủ Sài Gòn, Nam Kỳ, Việt Nam. Ông ta sẽ rơi vào tai họa vì điều ấy. Năm 1950, ông ta còn phải chờ thời, kiên nhẫn lâu dài, vô tận.

Vậy là tạm nghỉ. Bảy Viễn ẩn mình, vừa làm giàu vừa tăng cường lực lượng. Ông ta để mặt trước sân khấu cho những người chủ chốt khác. Ông để lại cho Việt Minh và cảnh sát bắt đầu đánh nhau sinh tử trong Sài Gòn.

Năm 1948, trong cơn giận dữ, Bảy Viễn ra lệnh cho quân mình tàn sát Việt Minh. Từ đó ông yên tâm, hài lòng thực hiện chặt chẽ những ký kết với quân đội Pháp - và làm việc của mình. Vì vậy những nơi nào không có Bình Xuyên, Việt Minh tự khôi phục lại trong khu dân cư bao la. Và bỗng nhiên những người Việt ấy vốn tiến hành hợp tác với "thực dân" và "tư sản" lao vào một cuộc tấn công khủng bố dữ dội. Họ đánh vào Sài Gòn và đối phương là cảnh sát.

Từ Đại thế giới và trại cầu chữ Y, Bảy Viễn bình thản theo dõi cuộc chiến tiêu diệt giữa Việt Minh và cảnh sát. Ông ta để cho họ giết lẫn nhau tùy thích, biết có ngày mình phải nắm lấy họng và thanh toán kẻ chiến thắng. Việt Minh và cảnh sát, kẻ địch không đội trời chung của nhau cũng là kẻ địch không đội trời chung của ông trong tương lai.

Vậy là năm 1950 Bảy Viễn rửa tay trong lúc lựu đạn rơi như mưa xuống Sài Gòn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #243 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2018, 08:42:57 am »


Thời của lựu đạn

Từ lâu dân Sài Gòn đã quen với sự bất lực của cảnh sát và với lựu đạn. Mùa hè năm 1949 những vụ nổ tăng lên nhiều. Mặc dù thế sự thịnh vượng và cuộc sống thoải mái vẫn tiếp tục. Hàng quán chật ních, đường phố đầy người, việc chuyển đổi phát triển. Cơn sốt đồng bạc không cho phép nhiều tình cảm uỷ mị - mặc cho các nạn nhân, cuối cùng cũng chỉ mấy chục người Pháp, không kể quân nhân.

Người ta tiếp tục nghi Việt Minh không tìm cách tiêu diệt những người Pháp của đồng bạc. Lựu đạn chất lượng kém, nhiều khi không nổ. Những "người ném " được tuyển dụng bất kỳ, không phải những Việt Minh thực thụ. Có thể nói "việc ném lựu đạn" ấy trước hết là một loại trình diễn - những người Pháp ở đường Catinat không thấy vì lý do gì và cũng không tự hỏi về điều ấy.

Những người Pháp rán chịu, nhất là thực ra thì người Việt Nam chết nhiều.

Việc ném lựu đạn cho đến năm 1949 không phải là một cuộc chiến tranh. Đấy chỉ là chiến tranh tâm lý. Những quả lựu đạn là cách giữ vững tinh thần dân chúng, cũng là những tờ giấy thuế. Chúng phù hợp với tình hình, cần thiết với mức độ thích hợp về chính trị trong thủ đô, là một phần của sự cân bằng ở Sài Gòn. Dân chúng hiểu sự cần thiết ấy một cách vô thức. Vì vậy họ khiếm nhã, chịu đựng sự bất lực của cảnh sát.

Sự cân bằng ấy tồn tại lâu nhưng mùa thu 1949 lựu đạn tăng lên thực sự quá nhiều. Những người Pháp của đồng bạc bỗng thấy quyền miễn trừ của mình đã hết, họ phát hiện ra từ nay mình là mục tiêu. Tất cả những nơi tập hợp xã hội giàu sang: những quán ăn ngon, vũ trường đẹp, rạp chiếu phim. Hộp đêm là những ổ lựu đạn. Đường Catinat ở Sài Gòn, đường Thủy Thủ ở Chợ Lớn là những đường phố chính của lựu đạn. Mỗi đêm tiếng nổ liên tiếp thành dây, vang cả thành phố. Mỗi vụ nổ chỉ trong mấy giây. Mỗi quả lựu đạn là một tiếng bùng đanh gọn, vài tiếng kêu của nạn nhân, một hay hai bóng đen chạy đi và nhiều phút sau tiếng còi xe cứu thương hoặc xe cảnh sát. Và không bao giờ, kể cả ở những khu người Âu, người ném lựu đạn bị bắt.

Lúc đó Sài Gòn đúng cảnh một nhà tù, bao bọc lưới sắt - hàng ăn, quán rượu, vũ trường nhốt mình trong những tấm màn thép. Ngồi chỗ được che chắn người Pháp đang ăn uống lắng nghe tiếng nổ. Có những đêm họ đếm được hàng trăm. Giờ nguy hiểm nhất là lúc đêm xuống, tranh sáng tranh tối.

Việc che chắn như thế ở Chợ Lớn bắt đầu trên đường Thủy Thủ trong một tiệm ăn tồi tàn, chủ tiệm rán bít tết cho những "người da trắng bình thường". Đến quả lựu đạn thứ mười, chủ nhà đáng kính cân nhắc thiệt hơn, quyết định những chi phí đặc biệt. Càng đáng khen là đồng thời ông ta thách thức Việt Minh. Ông đóng kín tiệm mình trong một màng lưới thép dày. Và một người gác bụng to đứng trước cổng chỉ mở cửa cho những khách hàng chắc chắn. Người ta ăn tối trong yên ổn - và trong lồng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #244 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2018, 08:45:14 am »


Cả Sài Gòn tự nhốt mình sau những song sắt. Nhưng Sài Gòn ấy xấu hổ vì sự khôn ngoan. Vì vậy người ta cũng tranh thủ chút vinh dự, như không có gì xảy ra, lui tới những thềm khai vị. Ở đây không có lưới sắt. Đông đúc hơn bao giờ hết. Chủ và khách tự cho là mất danh dự nếu có biện pháp đề phòng ở những nơi dành cho người Pháp này. Giới siêu việt tiếp tục nhấm nháp quanh những chiếc bàn nhỏ trên hè phố như không có gì nguy hiểm. Trước hết không nên có vẻ nhìn những cậu bé đánh giày hoặc bán kẹo bất cứ lúc nào cũng có thể ném chất nổ. Coi như không có chúng ở đấy. Việc khinh khi những trường hợp đột xuất ấy không ngăn cản được những quả lựu đạn.

Rất lạ là ít xảy ra điều đó trên thềm khách sạn Continental của ông Franchini, nhưng đặc biệt nhiều ở phòng trà Pagode có lưới sắt - thường người ta không kéo lại. Khách ăn đã quen với tình hình. Nghe mỗi tiếng nổ mọi người - chủ nhân trẻ hơi mập, cô thủ quỹ, các bà đứng đắn uống trà và những ông Annam thích sôcôla, những anh bồi xấc xược và chậm - tất cả cùng một lúc nằm xuống sàn nhà. Sau vụ nổ người ta lại đứng dậy. Những người vẫn nằm lại là bị thương hoặc chết. Rồi cảnh sát đến, xe cứu thương mang đi những người chết và hấp hối. Bồi lấy giẻ chùi những vũng máu, sắp xếp lại bàn ghế. Một giờ sau những người khách mới đến ngồi vào chỗ các nạn nhân đã nằm. Và các bà Sài Gòn lại ngồi vào bàn, trước chén nước và thìa bắt đầu nói về điều thực sự quan trọng - vũ hội sắp tới của Câu lạc bộ thể thao.

Tuy vậy về lâu dài phải thấy rõ người Việt không chơi trò đánh bạc nữa, không kính trọng đồng bạc nữa. Điều họ làm là một cuộc tấn công hẳn hoi vào đồng bạc trị giá mười bảy phrăng và những gì kèm theo nó - việc chuyển đổi, các vòng quay, các khoản lãi béo bở. Về điều đó những người Pháp ở Sài Gòn không tha thứ cho họ được. Đúng là một sự phản bội.

Dân chúng Pháp, bị thương tổn và đe dọa cũng căm ghét Việt Minh. Họ không có điều kiện trả thù. Người Việt muốn làm gì thì làm. Từ thỏa thuận ngầm, đồng lõa bí mật, họ bất ngờ chuyển sang tắm máu khi quyết định, cả đám đông da vàng chủ động hoặc bị động đứng về phía họ, bảo đảm cho họ khỏi bị trừng phạt. Thất vọng, các ông các bà ở Sài Gòn kêu lên: "Chà, nếu bắt được một trong những "kẻ ném lựu đạn ấy".

Cuối cùng, một hôm các ông bà ấy nắm được không phải một mà hai. Việc bắt giữ ấy xảy ra trước cửa hàng cà phê - ăn uống La Paix, nơi tụ họp của những ông thuộc địa "cũ" không phải những ông "lớn" của Sài Gòn mà những nhân vật trung bình của đồng bạc. Đấy là những ông già còn mạnh khỏe nhưng đã ngả màu tím và thô thiển. Họ đến đây hoàn toàn thoải mái với cái bụng và củ tỏi. Chủ nhân là một thùng tô-nô, tròn ngắn cũn cỡn. Tất cả đều thân tình nhưng các bà cũng có những vật trang điểm kim cương.

Một buổi tối những người đang ăn thấy hai người Annam đi qua đường cùng ngồi trên một chiếc xe đạp. Hai đứa trẻ gầy đét, một đạp xe, đứa kia tung một quả lựu đạn. Có mấy người bị thương nhẹ. Cả nhà hàng hét lên: "Bắt lấy chúng, bắt lấy chúng!". Những ông thanh thoát nhất chạy đuổi theo những "kẻ ném lựu đạn" chỉ cách phía trước năm mươi mét. Hai đứa hoảng sợ. Đứa đạp xe đứng lên đạp mạnh hơn, đứa ném lựu đạn ngồi sát vào. Đường phố đầy tiếng kêu, tất cả những người Pháp trong khu đổ xô ra. Chỉ qua hai trăm mét những "kẻ khủng bố đi ngoằn ngoèo, yếu sức và bị đuổi kịp, lật nhào gần Bodega - một cửa hàng ăn khác rất sang trọng. Khách hàng, đầy huân chương, ra tham gia cùng đám đông. Hai đứa trẻ Annam khuất trong khối người đấm đá chúng. Các bà kích thích cao độ, la eo éo: "Phải đánh chết chúng ngay. Chắc chắn hơn vì cảnh sát đáng nguyền rủa có thể thả chúng đấy". Nhưng "cảnh sát" xuất hiện, kéo dưới những mét khối người Pháp ra hai kẻ "giết người". Tôi nhận thấy hai cậu bé chưa đầy mười lăm tuổi. Sau đó chúng kể lại với cảnh sát có một ông gặp chúng ở cảng bảo: "Các em ném quả lựu đạn này vào nhà hàng La Paix". Ông ấy chỉ cho chúng cách rút chốt lựu đạn, cho chúng hai mươi đồng bạc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #245 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2018, 08:47:00 am »


Người ta còn bắt được một số "tên khủng bố” khác. Điều đó không thay đổi được gì, lựu đạn rơi khắp nơi. Trong một rạp chiếu phim hầu như mỗi tuần nổ một quả trong phòng chiếu. Người ta lục soát người đi xem trước cửa rạp nhưng vô ích. Cuối cùng phát hiện ra chính người quay máy thỉnh thoảng thả một quả qua rãnh phòng chiếu.

Đấy là thời gian ở Sài Gòn các bà chủ nhà Pháp phát hiện ra "bồi” của họ là trưởng một ban ám sát. Phía sau lò nấu ăn, anh "bếp", một viên chức cao cấp chỉ huy một đường dây. Người ta không tin chắc vào gì nữa, kể cả đầy tớ trong nhà. Tất cả những người Việt Nam im lặng.

Mỗi tuần lễ tình hình càng trầm trọng thêm. Vào mùa thu Nguyễn Bình cử vào Sài Gòn những "kẻ giết người" thực thụ. Và những người này làm việc khoa học, với những quả lựu đạn khía vuông.

Những cuộc chém giết ngay bên cạnh đường phố Catinat, nhất là trong những phòng khiêu vũ của con người và binh lính. Ở Paprika một loa phóng thanh tuôn ra một điệu nhạc Java trong đêm cản trở nghe tiếng nổ. Người ta bất chợt thấy gái đĩ và lính ngã xuống nằm dài trên đất. Lựu đạn khía vuông "quét sạch" phòng nhảy. Không có xe cứu thương. Các lái xe mang những người bị thương đi. Tôi nhận vào xe một cô gái điếm và hai lính thủy hấp hối. Những bóng khí từ phổi một thủy thủ phun ra. Cô gái son phấn, béo chảy một dòng máu đen xuống đệm. Bệnh viện quân đội từ chối nhưng tôi đã thuyết phục để họ nhận cho.

Một buổi tối ở Đa Kao, ngại ô các thú vui của binh lính, tôi ăn phở trong một quán rượu. Một quả lựu đạn nổ phía xa trong sự thờ ơ chung. Mấy phút sau, một viên cai vỗ vai tôi bảo: "Ông trả tiền cho tôi một cốc chứ? Vì những hồi hộp của tôi!". Ông ta đầy huân chương, uống và nói:

- Chúng tôi không thấy quả lựu đạn. Tôi không xây xước gì nhưng bạn gái tôi tuôn máu ra trên lề đường. Xung quanh chúng tôi dân quê cười gằn. Những chiếc xe chở đầy tư sản da vàng chạy đi. Không thấy bóng một cảnh sát. Tôi chặn một chiếc taxi. Người lái đòi ba mươi đồng để đưa chúng tôi đến bệnh viện, bảo máu sẽ làm bẩn đệm xe. Ở bệnh viện, bác sĩ tỏ ra dễ mến, giải thích cô gái sẽ khỏi - có những lỗ to, không phải lỗ nguy hiểm. Rồi ông ta bảo tôi đi đi trong lúc người ta đưa cô bạn lên bàn. Nhưng tôi cứng rắn và chỉ thấy khát.

Chúng tôi từ Tourane đến để về Pháp trên cùng một chuyến tàu. Đi trên đoàn năm, sáu chiếc tàu nối đuôi nhau. Để tiến lên, phải làm lại đường sắt dần dần; qua mỗi chiếc cầu, chúng tôi tự hỏi có bị lao xuống vực không. Mìn nổ ngay dưới đầu máy. Việt Minh tấn công hai lần. Chúng tôi ở trong những toa bọc thép và bắn trả quyết liệt. Phải mất mười ngày. Chúng tôi chỉ ở Sài Gòn trong mấy tiếng đồng hồ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #246 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2018, 08:48:57 am »


Ở Sài Gòn chỉ có chạy trốn. Người ta không bảo vệ người lính. Ông xem, người ta lấy súng ngắn của tôi, trước khi để đi dạo phố. Ở miền Trung tốt hơn. Có Việt Minh khắp nơi, họ giả dân làng, chức sắc nhưng cuộc sống vững vàng. Tôi có một người nắm được tình hình, dân quê không qua mắt ông được. Ông khuyên họ đừng đụng đến một sợi tóc người của ông. Ông nói khi dân quê đã ám sát thì họ không ngừng lại nữa. Nếu để họ làm, họ sẽ làm liên tục, chặt chúng ta thành từng khúc. Nhưng với ông ấy, họ không mạo hiểm...

Nói đúng ra, ở Đa Kao, biên giới văn minh ngay gần đấy. Cách một trăm mét, ở chiếc cầu rất đẹp bằng xi măng bắc qua một con lạch. Lạ lùng là điểm tận cùng của nền văn minh ấy, trên bờ nước bẩn, là một quán rượu mà giới thượng lưu Sài Gòn thường đến ăn uống. Ở đầu khuất vắng của Sài Gòn này vào các bữa ăn người ta thấy những ông bà lịch sự ra khỏi những chiếc xe nhãn hiệu có tiếng và chui vào một ngôi nhà hư nát. Người đầu bếp giỏi nhất thành phố mở quán ở đây. Nhiều buổi sáng ông bắt đầu ngày làm việc của mình bằng đếm những xác chết đêm trước dạt vào bờ, không xa tủ lạnh của ông.

Qua chỗ ấy là hư ảo của sự giết chóc và "trò đùa". Sự tồn tại của con người tuyệt đối không đáng kể; cái sống và cái chết chỉ là những trò đùa. Trước hết là một đầm lầy cây cối xanh tươi, con đường lớn đi qua, rộng và tráng nhựa. Vượt hai cây số là Gia Định, một ngoại ô thuộc địa đẹp đầy vườn và những khu đất nở hoa. Đấy vừa là địa ngục vừa là thiên đường. Ở đây tập trung lẫn lộn những lính dù, lê dương, Việt Minh, nhà chứa, cảnh sát. Không bao giờ ngừng đánh nhau ở giữa Gia Định. Những biệt thự đẹp dùng làm nơi đóng quân của các đội xung kích. Nhưng bên ngoài, nhất là từ hoàng hôn, con đường thuộc về Việt Minh, quân chính quy, những nhân viên ám sát của họ. Điều ấy không ngăn cản lính đến những chỗ vui chơi. Ở đấy họ có mọi thứ để tự bảo vệ. Ban đêm họ vào quán rượu, vào nhà các bà mẹ bán quà vặt khắp nơi. Những nhà nhiều người lui tới nhất do bạn bè gắn bó với các cô gái Việt Minh quản lý. Người ta uống sau những cánh cửa đóng kín, khóa chặt. Việt Minh ở bên ngoài đến bắn vài tràng đạn hú họa qua cửa sổ, qua tường. Người Pháp cũng rống lên tiếng kêu thảm thiết. Cô gái chủ nhà hàng trúng đạn.

Gia Định là chỗ nghỉ ngơi của những đội dự phòng. Vậy là cuộc sống đàng hoàng. Một trong các đại tá "đỡ đầu" cho một mụ tú bà. Trong nhà ăn lính dù, các hạ sĩ sau khi uống vội những lít rượu nho, so sánh một cách ly kỳ chiến công của họ trong nhiều giờ; “Tôi nói với anh những gì anh đã làm là số không bên cạnh tôi..." Trong một bữa ăn, những người lính nóng nảy gọi người "bồi" Việt Nam lại để bạt tai, sau đó cho anh ta tờ giấy năm đồng. Đầu tháng những người đạp xích lô chạy vội đến để chở những mũ nồi đỏ, nối tiếng hào phóng. Nhưng cuối tháng họ chạy trốn như có bệnh dịch, vì để trả công, những người này đá vào đít họ hoặc lật đổ xe. Tối thứ bảy thật phóng đãng. Để tiêu khiển với những người Việt không đủ. Hầu như khắp các quán rượu đều có đánh nhau giữa lính dù và lê dương. Theo truyền thống cũ, lính thuỷ bao giờ cũng đứng về phía lê dương.

Gia Định hiền lành! Cảnh sát Việt Nam làm nhiệm vụ, nói với các sĩ quan Pháp: "Khi chúng tôi thẩm vấn đến mức thứ ba các ông đừng nhìn. Các ông, người Âu quá nặng về tình cảm".

Đại tá quận trưởng là một gương mặt. Một buổi chiều chiếc xe jeep chở phi công từ Sài Gòn tới. Họ nói: "Việt Minh đang bắn chúng ta ở nhánh sông cụt". Đại tá kêu lên: "Tiến lên", và lao đi. Người bảo vệ chạy thoát về báo động. Hoảng hốt, một toán quân chạy đi cứu đại tá, chẳng hy vọng gì - chắc chắn ông đã bị chặt thành khúc. Người ta thấy ông bình thản ngủ trong hố, bên cạnh chiếc xe nát vụn sau khi uống hết rượu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #247 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2018, 08:51:06 am »


Một câu chuyện khác. Một đoàn xe Pháp bị tiêu diệt trong khu vực đại tá. Ban tổng tham mưu ra mệnh lệnh: "Đem hết các toán quân của ông đuổi bắt Việt Minh phục kích và tiêu diệt hết”. Đại tá hành quân. Bốn giờ chiều ông dừng lại trong một đồn điền kiên cố và mến khách. Người ta mời ông uống rượu. Đến bốn giờ sáng ông vẫn còn đấy, đang uống. Sáng hôm sau ông có một quyết định lớn, cho thả một đại đội lính dù giữa rừng dày đến nỗi họ lạc nhau. Không quân phải tìm họ và hướng dẫn ra khỏi mê lộ cây cối. May mắn không có Việt Minh ở đấy.

Người Việt căm ghét viên đại tá ấy, đặt giá đầu ông 100.000 đồng. Họ muốn giết ông, không ngừng, bằng mọi cách; ông luôn thoát khỏi. Họ rải mìn, đạn cối lên thềm nhà, đường đi trong vườn nhưng ông không bao giờ dẫm phải. Một lần thức dậy ông thấy bên giường mình một chùm mười bảy quả lựu đạn nhưng dây giật bị hỏng. Quân chính quy trèo lên cây trong vườn bắn qua cửa sổ vào nhà lúc ông ăn, ngủ hoặc làm việc nhưng không trúng. Đại tá sống sót trở về Pháp.

Chính con trai ông, sĩ quan trẻ ở Đông Dương bị giết khi ông bố đang chỉ huy ở Gia Định. Đám tang ở nhà thờ Sài Gòn rất trọng thể. Tất cả những nhân vật cao cấp trong quân đội tham dự. Bốn trung uý mặc lễ phục trắng vác xác anh trên vai. Trong buổi lễ họ cảm thấy xác đã thối rữa qua chiếc quan tài không kín chảy xuống đồng phục của họ.

Trong cuộc chiến tranh Đông Dương này hài kịch luôn luôn đi với bi kịch. Phòng Nhì chắc chắn quân Việt sẽ tấn công lực lượng lớn vào Gia Định và Sài Gòn. Có báo động quan trọng. Đội thiết giáp Gia Định được bổ sung lính Sénégal: họ vừa lên tàu chưa đến hai giờ! Người ta vẫn sử dụng. Đêm hôm sau đi tuần tra một trong bọn họ biến mất. Tìm kiếm không thấy. Làm sao phát hiện ra một người da đen trong đêm tối. Sáng hôm sau người ta thấy lại anh vô cùng bối rối - anh rơi xuống đáy một cái giếng.

Trong số trưởng ban ám sát, người nổi tiếng nhất là một người bị liệt hai chân. Người Pháp chỉ biết anh là một người tàn tật bán quán. Họ không nghi ngờ gì anh một thời gian lâu. Làm sao họ nghĩ chính anh lãnh đạo tại chỗ những cuộc phục kích và giết người? Một người to lớn bế anh như một đứa bé. Công việc xong, khi cần ẩn nấp để tránh quân tuần tra Pháp lùng sục khắp nơi, lực sĩ nhấn đầu vùi anh xuống bùn lút cả người, sau đó moi lên.

Người to lớn bị bắt, khai ông chủ bị liệt. Sau đó nói với viên sĩ quan Pháp đã bắt anh ta:

- Đáng lẽ tôi đã giết chết ông cách đây một tháng. Sau vụ ném lựu đạn, ông một mình đuổi theo chúng tôi. Khi dìm chỉ huy tôi xuống bùn lầy và nấp sau bụi cây tôi đã ngắm ông ở đầu súng. Tôi sắp bấm cò thì ông kích thích trí tò mò của tôi. Ông dừng lại, lật áo sơ mi gãi lưng. Trong lúc tôi tự hỏi ông đang làm gì thì người của ông theo kịp. Thế là chậm mất rồi.

Viên sĩ quan chỉ phủi kiến đỏ ở lưng và gãi vì ngứa không chịu được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #248 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2018, 08:52:06 am »


Tất cả đều có thể. Ở Gia Định và Đa Kao, một người có thể giết rất nhiều - hoàn toàn thờ ơ - và là một chàng trai xuất sắc với tấm lòng vàng. Như anh lính lê dương người như chiếc tủ gương, đôi bàn tay rất to, chăm sóc như một người mẹ các bạn ít dày dạn hơn. Đã biết bao lần anh đi tìm dưới lửa đạn những anh bạn bị thương vác trên lưng đưa về! Và đồng thời anh không quan tâm đến mạng sống những người khác cũng như của anh.

Một buổi tối anh buồn, hối hận, tâm sự với bạn:

- Tôi xấu hổ đã giết một người vì một ít tiền. Mạng sống phải đáng giá hơn mấy đồng bạc.

Sau một bữa tiệc ở Gia Định anh đi bộ về Đa Kao lúc khoảng nửa đêm. Đang đi trên đường vắng và tối giữa cánh đồng lầy thì nghe tiếng một chiếc xe "tac tac" do lừa kéo, loại taxi của người nghèo, cũng gọi là "hộp diêm". Anh lê dương mặc cả giá với người đánh xe - một ông già hiền lành ngồi xổm phía trước cầm dây cương. Anh ta ngồi trên chiếc ghế dài ngay sau ông lão chỉ thấy lưng. Anh chồm lên bóp cổ nhưng chỉ tìm thấy hai mươi đồng bạc trên xác chết.

Và hôm sau anh không ngớt nhắc đi nhắc lại, giọng Đức:

- Nếu biết ông dân quê chỉ có từng ấy tiền, chắc chắn mình không bóp cổ ông ta.

Đấy là một trung uý SS cũ. Trong chiến trường Nga anh lo ngại nhận thấy tinh thần toán quân sụt hẳn: người của anh mệt mỏi vì giết Do Thái. Một công việc quá đơn điệu, không một chút gì khác lạ.

- Tôi phải tìm thú tiêu khiển. Một hôm tôi được lệnh thanh toán một cộng đồng Do Thái và phải phá huỷ làng. Tôi nảy ra một ý, đưa ô tô đến, cho trói những người Do Thái sau tường nhà họ và đầu dây kia buộc vào ô tô. Xe chạy, những người Do Thái bị siết chết và làm đổ nhà cả làng; Việc ấy có vẻ kỳ lạ đối với lính của tôi, và họ cảm thấy can đảm hơn một ít.

Lạ hơn cả, hai anh bạn mà anh lê dương kể lại việc làm cao cả ấy, một là Do Thái, người kia là một trí thức vừa rời Sở chỉ huy Pháp. Nhưng không người nào cảm thấy bị đụng chạm. Họ hiểu rất rõ chỉ là một vấn đề chỉ huy, thuần túy kỹ thuật.

Ba người sống như anh em dưới bậc tam cấp một sân vận động quân đội mà anh lê dương là người bảo vệ. Họ sinh sống bằng dạy võ Jiudo. Với dây và những tấm ván, họ dựng lên một gian phòng, những "tay táo tợn" đến tập luyện. Là công việc nghiêm túc với mọi kỹ thuật về xiết cổ, bóp ngạt, làm tê liệt, ngừng tim, bẻ gãy xương sườn và chân tay. Một môi trường rắn rỏi.

Ba người có phòng ngủ. Một trong những trò vui là làm rơi một chiếc chuông chùa nặng mười ki-lô xuống đầu anh bạn đang ngủ. Nhưng nếu một trong bọn họ đau yếu, hai người kia chăm sóc ngày đêm, đun thuốc lá, lau trán, nói với người bệnh những từ nhỏ nhẹ cảm động.

Thời của những quả lựu đạn ở Sài Gòn là thế. Và mỗi tuần lễ tình hình trầm trọng thêm. Có những vụ giết người, kế hoạch hoàn chỉnh về một cuộc nổi dậy và sẽ là cuộc chiến ở Sài Gòn.

Đối với lính lê dương có gì thay đổi? Chỉ thêm một tí "trò đùa". Nhưng những người Pháp của đồng bạc, mỗi ngày càng gặp tai họa, họ không ngừng tự hỏi: "Vậy Nguyễn Bình muốn gì? Việt Minh muốn gì? Họ chẳng tôn trọng gì nữa sao?"

Để trả lời câu hỏi ấy phải nhìn ra ngoài Sài Gòn. Vào đầu năm 1950, cuộc chiến tranh Đông Dương đã tới một giai đoạn quyết định mà người ta không hình dung tới. Mỗi bên sẽ dùng những gì mình có, tối đa, trong cuộc đối đầu toàn diện. Trong thời kỳ này, tất cả có thể tiến hành nhanh chóng, được quyết định đầy đủ với hướng này, hoặc hướng khác.

Vì thế Việt Minh từ bỏ lợi ích tài chính của Sài Gòn tư bản một thời gian. Họ thử chinh phục thành phố này. Chỉ sau đó khi thấy cuộc chiến tranh Đông Dương phải kéo dài mấy năm nữa họ mới buông lỏng, trả lại cho Sài Gòn vai trò độc quyền về đồng bạc có lợi cho tất cả mọi người. Và lần này kéo dài vẫn có đồng bạc giá trị mười bảy phrăng, cho đến gần thời kỳ Điện Biên Phủ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #249 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2018, 07:22:18 am »


Những con người quá khích của Sài Gòn

Ở Đông Dương có những người làm thuê của chiến tranh và những người làm thuê của đồng bạc. Người ta ở đấy vì họ thích đánh nhau; những người khác vì họ thích đồng bạc. Điều lạ lùng của tình hình là những người đổ máu, những người vì đồng bạc ấy bị Châu Á mà họ khai thác chinh phục. Theo cách của mình, họ bị đánh dấu, không thoát ra được nữa. Tim họ đã bị chiếm đoạt. Và đấy là nét cao quý của cuộc chiến tranh tàn khốc và vô tận này, tính cách độc nhất của nó. Trong những ô nhục tệ hại người ta vẫn có chút không vụ lợi; trong những ghê tởm xấu xa nhất vẫn có chút lòng tốt. Và luôn luôn về các mặt có không khí như say sưa, một sự vui vẻ thường trực. Về căn bản tất cả là sự hưởng thụ. Châu Á là thế giới bí mật của sự phản trắc, tàn bạo và căm hờn. Thế nhưng - giải thích ra sao được? - không phải là một thế giới xa xôi, riêng lẻ. Người ta không đứng trước chân tường như ở những người Hồi giáo. Ngược lại Châu Á đổ bùa mê tha hóa những con tim và tâm hồn; có thể làm điên tiết mọi khả năng con người, đẩy lên cực điểm một cách nguy hiểm, đau thương. Người ta sống hoàn toàn vì nó, chết vì nó. Nhưng trước mắt, mặc dù mọi khoa học về tra tấn và lo âu, nó là một thiên đường, vương quốc của thú vui.

Có thành phố nào vui vẻ hơn Sài Gòn, của chém giết và buôn lậu? Và không phải một niềm vui giả tạo là niềm vui ấm cúng thực, quyến rũ; Đấy là thực chất của Sài Gòn, cái bẩn thỉu, quái đản nhất của tất cả các thành phố. Đấy là điều chuộc lại tội lỗi cho thành phố này cũng như nó chuộc lại toàn cuộc chiến tranh Đông Dương.

Cả những người ngu ngốc và tàn ác nhất cũng có điểm yếu của một bông hoa xanh dù là bông hoa của tội ác. Vì nó nảy nở trên những tình cảm thực, lẫn lộn sự dịu hiền của con người, những khoái lạc và những điên rồ. Trong xứ Đông Dương mà tất cả là nguy hiểm, người ta có thể nói con người không hoàn toàn thuộc về mình nữa. Và người ta tìm thấy ngay trong phép biện chứng, máu và tiền bạc những con người thực sự quá khích.

Ông bạn tôi nguyên là người Phòng Nhì đã làm được bao nhiêu triệu đồng nhờ vào những vụ buôn lậu khôn ngoan và tài tình mà mọi cái đều được tính toán, tinh tế và lương thiện trong cái không lương thiện? Tôi không bao giờ biết được. Ông chết đi còn hơn là tự thú với tôi.

Châu Á làm ông say đắm, đốt cháy đầu óc và các giác quan ông. Với mấy người bạn, ông ở trong một ngôi nhà to trên cao nguyên - một chỗ trú ngụ đầy hộp thực phẩm, chai rượu uống dở, những ống điếu thuốc phiện, ruồi muỗi và những con người càu nhàu bằng tiếng Quảng Đông. Ông đắm mình dưới một chiếc quạt, nhăn nhó vì đau bụng. Ông là một nhân viên được đánh giá cao ở sở thuế quan, về nhà lúc sáu giờ. Nhưng cuộc sống của ông bắt đầu từ đêm, khi ông biến mất ở Chợ Lớn đến các nhà tỷ phú Trung Hoa cũng như các cô gái điếm khổ sở.

Ông tự hào vì chiếm được lòng tin của các "đại gia", đấy cũng là nguồn gốc tài sản của ông. Ông để nhiều năm tán tỉnh họ, được cùng chè chén, tham dự những buổi thảo luận của họ - tiến hành sau hệ thống tường và lưới sắt được đoàn quân đầy tớ và tay chân bảo vệ.

Ông không chỉ thích thú tiền bạc. Đấy là ý tưởng nhà trời về tiền bạc, tinh thần tuyệt đối về cờ bạc, lý luận vững chắc, khó hiểu đối với người Âu. Nhưng ông hiểu.

Việc vui chơi cũng như thế với các cô gái điếm bình thường. Đấy là vấn đề trí não, cũng là "cuộc đấu tranh những ý nghĩ". Ông biết rõ ông không thể được yêu với thể chất của mình. Ông chi tiền; nhưng ở Châu Á tiền là cuộc chiến mưu mẹo, và hơn hẳn ở Châu Âu! Đó là vấn đề làm ông say mê.

Nói chung ông không chỉ hài lòng về những cuộc thoáng qua. Để có một đối tượng xứng đáng với mình, ông đưa một gái đĩ về nhà, đối xử như bà hoàng. Nhưng thường thường ông bị thất bại.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM