Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 04:37:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 85267 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #220 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2018, 09:13:54 pm »


Đến năm 1950 Franchini đạt tới đỉnh cao của quyền lực. Đây là một người to lớn đã đứng tuổi, đường bệ, khuôn mặt hồng hào, sùi đỏ, đôi mắt lồi hơi ngơ ngác, giọng nói vang. Một con người lo ngại luôn luôn suy nghĩ. Để trấn tĩnh mỗi ngày ông hút thuốc phiện sau bữa ăn sáng, vừa phải, trong phòng mình, một nơi ẩn dật đầu hành lang.

Năm giờ rưỡi, hút đã đủ liều, Franchini rời nơi ẩn, trịnh trọng bước vào vương quốc Continental của mình. Đã thành tục lệ. Bỗng chốc ông như trẻ lại, trở thành ông chủ sung sức, hơi già dặn, rất quý phái trong bộ comple và cà vạt.

Bi hài kịch bắt đầu với một nhà báo của Bordeaux tố cáo trên các bào báo "Franchini kẻ buôn lậu". Người trẻ nhất xuất sắc nhất trong các phóng viên Pháp đến Sài Gòn, Armorin muốn đánh một đòn lớn. Ở khách sạn Continental, anh lại gần chiếc bàn Franchini đang bình lặng, ngự giữa triều đình của mình. Không chào hỏi, anh lớn tiếng trước cả Sài Gòn, hỏi Franchini, như ông này là kẻ thiếu thật thà hạng bét, đổi đô-la của anh với tỷ lệ hối đoái bao nhiêu. Franchini tê liệt vì hoảng hồn trước kẻ lạ mặt này, cuối cùng la lên phản bác. Armorin cố nài: "Ông đổi bạc chợ đen, tôi biết". Thế là thong thả, nặng nề, Franchini đứng dậy và từ cả tầm cao của mình, quát một tiếng "ông..." trong cơn thịnh nộ. Tất cả những "người bạn" cùng đứng lên một lần với "Mathieu". Hăng nhất là một người Corse tên đáng sợ, mặt đáng sợ: một nhân viên bưu điện nghỉ ốm, nhỏ người và ho lao giai đoạn cuối, đứng không vững nữa. Nhưng với tình cảm mãnh liệt dành cho Franchini, anh không nén được, tát mạnh vào mặt tên nhà báo "bôi nhọ" Mathieu. Armorin bỏ chạy, nghĩ rằng mình bị những "kẻ giết người" bao vây. Người ta giải thích anh đã nhầm về "những tay ám sát", những cặn bã vô hại của thuộc địa là "băng rượu hồi" của Franchini.

Lẫn lộn tất cả. Armorin sống như một kẻ bị săn đuổi, dưới sự bảo vệ của những lính lê dương anh biết. Anh viết cho tờ báo của anh rằng nếu anh gặp tai họa thì đó là một tội ác của Franchini. Mấy tuần lễ sau anh gặp tai họa thật. Anh đi Calcutta, từ đó đi Paris bằng một chuyến bay của Hàng không Pháp. Chiếc máy bay bị nạn ở Bahrein. Armorin chết. Khi đưa về Paris anh chỉ còn là một xác người, đúng lúc tòa báo nhận được bức thư anh gửi trong đó nói: "Franchini cho người ám sát tôi". Toà báo tin vào bức thư người chết, tố cáo Franchini đã cho tiêu huỷ máy bay để loại bỏ Armorin và những tài liệu anh mang theo.

Bi kịch này xảy ra khi Franchini trở thành một trong ba tên tuổi lớn được ghi nhận trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Sau này có de Lattre chết, có những người lính dù vô danh của Điện Biên Phủ. Nhưng Franchini, qua nhiều năm, vẫn là "kể thô bỉ" ghê gớm và quái đản của cuộc "chiến tranh bẩn thỉu".

Armorin không hoàn toàn nhầm. Con người thực của Franchini không ở tầm cỡ anh nghĩ. Thực tế hàng ngày ông ta có ý nghĩa hơn. Ông Franchini gan dạ, bạn bè gọi là Mathieu, tổng hợp vào mình cả Sài Gòn, tất cả Sài Gòn có thể có trong thời kỳ đồng bạc Đông Dương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #221 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2018, 09:15:36 pm »


Liên minh nhà trời của đồng bạc

Còn hơn liên minh những người Corse, liên minh Hoa kiều ở Sài Gòn rất mạnh. Chính từ xa họ làm những vụ buôn lậu lớn nhất. Không một người da trắng nào biết việc xảy ra thực sự ra sao. Tất cả là phi vật chất, chỉ đơn thuần tính toán, việc đầu cơ không để lại dấu vết.

Trong những năm ấy, những nhà băng lớn Trung Hoa được thiết lập ở Sài Gòn. Không phải những cơ quan chính thức gắn liền với Chính phủ Trung Hoa. Đây là những nhà băng của các "hội kín", của nền tài chính Á Châu, không tổ quốc, không biên giới. Ở Singapore họ chơi với cao su, ở Hồng Kông là buôn lậu, ở Sài Gòn họ đến để lợi dụng đồng bạc Đông Dương. Họ có những phương tiện khổng lồ và tính chuyên môn khác thường. Bên cạnh họ, những tỷ phú "nhà trời" ở địa phương chỉ là những cậu bé.

Người ta không biết gì về những nhà băng ấy, không sờ thấy, không nắm bắt được. Chỉ có tên và là tên giả. Hoạt động của họ bí mật. Mọi mệnh lệnh được truyền từ những đài vô danh. Luật lệ làm bằng những bù đắp, những động tác phức tạp về hàng hóa. Ngân phiếu không ai biết. Thế mà họ hoạt động sôi nổi với những phương pháp Á Châu bí mật, rất phù hợp với những bộ máy tài chính hiện đại nhất, phức tạp nhất của phương Tây.

Nguy hiểm nhất là những nhà băng ấy gối vào những tổ chức rộng hơn, vô danh hơn nữa. Trừ một vài trường hợp rất hiếm hoi, người ta không bao giờ biết những người chỉ huy thực sự là ai. Thế nhưng những "ông chủ" bí mật - hoàn toàn đứng ngoài các chính phủ và luật lệ - là những chủ thực sự của đồng tiền ở Viễn Đông. Người ta cũng không biết những chi nhánh của họ dàn trải đến đâu. Trên toàn Châu Á, họ có những hệ thống bà con, hội viên, chỉ điểm, thông tin, giết người, dồn mồi, dụ dỗ. Mọi phương tiện đều tốt, chỉ cần một quy ước để thủ tiêu một người cách nhiều nghìn cây số. Nhưng những tư sản Trung Hoa, những người vô danh này ở Châu Á, thích tha hóa, thuyết phục hơn giết người. Họ nghĩ thỏa thuận được với nhau sẽ kiếm được nhiều tiền hơn là cắt cổ nhau.

Ở Sài Gòn người ta chỉ biết đấy là "tổ chức của người Ma Cao”, mới nhất và đáng sợ nhất ở Viễn Đông, chuyên nghiệp về cờ bạc và đổi tiền, cơ sở xuất phát từ Ma Cao thuộc địa nhỏ bé của Bồ Đào Nha đầy chuông, tường tu viện và nhà chứa. Ở đây trị vì tối cao nền văn minh Cơ đốc giáo. Từ bốn thế kỷ nay khu vực này dần dần tạo thành một giống nòi đặc biệt, người Ma Cao, lai 5% dòng máu Bồ Đào Nha và 95% máu Trung Hoa - một tỷ lệ rất tốt về tính phiêu lưu và buôn lậu. Xưa kia đây là “địa ngục cờ bạc” phụ thuộc vào một số băng nhóm và trưởng băng nhóm, những băng này của những "kẻ giết người", những băng khác của các chủ nhà băng, các tỷ phú, những đại gia Trung Hoa. Khi địa ngục tự dập tắt, tất cả những ông ấy, vẫn luôn chung sức với nhau, trở thành những ông vua vàng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #222 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2018, 09:16:22 pm »


Từ năm 1945 đến 1950, Ma Cao là bàn xoay thế giới về buôn lậu vàng. Không có sân bay. Những thủy phi cơ đặc biệt mang những thỏi vàng sau đó biến mất trong chiều sâu của nước Trung Hoa bên cạnh đang chiến tranh nội bộ khốc liệt: Nhà băng Đông Dương có một chiếc. Lợi nhuận thật khổng lồ. Việc làm đó có sự đồng loã của các chính quyền, gần như hợp pháp. Một người nhỏ con xấu xí, một người lai, lai hơn những người Ma Cao khác, lẫn lộn mọi dòng máu của Châu Á, một ông Lobo nào đó, sinh tại Timor, nắm các cơ quan kinh tế của Ma Cao, tổ chức một vụ tống tiền đồ sộ. Chính thức, nhân danh viên chức Bồ Đào Nha, ông ta bán giấy phép nhập khẩu vàng với biểu thức không tưởng tượng được. Khi kim loại quý đã vào trăm cây số, con đường của vàng, con đường vua chúa của phi vụ buôn lậu lớn, nối Ma Cao đến Quảng Đông, dưới sự bảo trợ "được trả tiền" của một ông chúa chiến tranh.

Nhưng sau cờ bạc, vàng ở Ma Cao cũng cạn kiệt, vào năm 1948. Những người Ma Cao, vẫn tập hợp trong một tổ chức không lay chuyển, đặt trung tâm chỉ huy ở bên kia, trong thủ đô tiền bạc của Châu Á, ở Hồng Kông. Tại đây, bố trí những thông tín viên trên toàn cầu, họ bắt đầu mai phục những "cơ hội" lớn. Sài Gòn, họ thấy có thể là một.

Những người Ma Cao bắt đầu bằng "tưới tiền" kín đáo, bí mật, không đòi hỏi bù đắp, không phân biệt vào tất cả các chính quyền có thể mua được, tất cả những đội tiểu liên: một sự phân phối chưa bao giờ được biết ở Đông Dương vốn là xứ sở cổ điển về tiền hoa hồng. Sau đó họ kết thân với những người môi giới thống trị tại chỗ. Đặc biệt hợp tác với kẻ môi giới lớn nhất của nhà băng Châu Âu chuyên cho họ sử dụng đội quân dồn mồi và do thám. Trong mấy tuần lễ họ quan hệ với Chính phủ Việt Nam, với các phái viên Việt Nam, đại diện các giáo phái, những tên ma cô Corse, cảnh sát, luật sư, những người Pháp đầy kinh nghiệm từ Thượng Hải đến. Họ liên lạc chặt chẽ với Nhà băng và Sở thuế quan của "đồng bạc lương thiện" cũng như với mọi loại gian giảo và quán bar. Chắc hẳn họ cũng tiếp xúc với Franchini có quyền lợi ở Đại thế giới - không phải trong cờ bạc mà trong vũ trường của ngôi nhà này.

Chiến thắng đầu tiên của những người Ma Cao là việc ký hợp đồng thầu Đại thế giới nhờ lòng khoan dung của thủ tướng Hữu và các quan chức Việt Nam. Đây là một cú quyết định vì nếu Ma Cao không còn là địa ngục cờ bạc thì Sài Gòn đã trở thành như thế.

Đồng thời họ thành lập tuần tự một "đường dây đồng bạc" trên địa cầu. Đấy là cách buôn lậu khoa học, buôn lậu ma. Người ta chỉ biết họ phải có những chuyển đổi ở Paris. Khi trở lại, tất cả biến mất trong vòng quay trừu tượng. Ngoại tệ, vàng không mang theo thực chất. Những đồng phrăng rút ở Pháp đổi liên tiếp ở các quỹ và các chợ lớn trên thế giới, ở Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Singapore với các loại tiền và hàng hóa rất khác nhau. Mọi mệnh lệnh đều được truyền đi bằng điện tín số. Hàng loạt bán, mua, hạn định đổ về Sài Gòn. Việc bù đắp cuối cùng cho ra những đồng bạc. Vòng quay trọn vẹn từ Sài Gòn trở về qua Paris và toàn cầu kéo dài tám ngày. Vòng quay của người Corse phải mất hai tháng và vất vả, nguy hiểm hơn, ít có lãi hơn nhiều. Trong việc buôn bán này, những người Ma Cao không bao giờ lộ mặt. Họ ở trong bóng tối, không ai biết, khó xác định. Hiện tượng cụ thể duy nhất là những người Trung Hoa trẻ, hiện đại, lịch sự, rất Phương Tây, đến tại các điểm chiến lược của vòng quay, bắt đầu từ Paris. Họ đăng ký là sinh viên các trường đại học. Cảnh sát có thể quở trách gì họ?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #223 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2018, 09:16:50 pm »


Không bao giờ có dấu vết. Nhờ những phòng vệ tỉ mỉ, kỹ xảo khác thường, đường dây buôn lậu của những người Ma Cao tiếp tục trong nhiều năm, không một sai sót, tai nạn. "Hệ thống" đã nắm vững đến mức không một bất ngờ nào xảy ra. Các nhà chức trách Pháp, lo lắng về những tinh tế không len vào được ấy và tự hỏi bên dưới đó có bàn tay của Việt Minh hoặc một tổ chức nước ngoài nào không đã giăng bẫy để lột mặt nạ và đuổi ra khỏi nước những "ông chủ” Ma Cao một cách vô ích.

Những gì cảnh sát biết được là ban tham mưu Ma Cao ở Sài Gòn họp mỗi tuần một lần ở khách sạn Lớn ở Chợ Lớn - một trong những ngôi nhà Trung Hoa nổi tiếng vì làm mọi việc, đủ mọi thú vui và mọi phi vụ buôn bán. Nhưng khi "cảnh sát" đến, họ chỉ thấy những người nhà trời đáng kính đang tiệc tùng, nhắm món vây cá mập.

Tuy vậy có một ông chủ Ma Cao người ta có biết một ít. Một ông Trung Hoa kiểu cổ, khoảng năm mươi tuổi, mặc áo dài, người béo tròn, vui như chim thanh tước và chỉ nói tiếng Quảng Đông. Ông tôn thờ phong tục cũ và lễ nghi theo lối xa xưa.

Tôi biết nhân vật già cỗi, bề ngoài lịch thiệp đến thế là một người kinh doanh hiện đại khác thường. Ông cũng rất nghiêm khắc. Đôi khi dừng lại giữa lúc đang chúc mừng một vị khách, ông kêu lên giận dữ, cách nhận xét các trợ lý của ông, những thanh niên Trung Hoa tuấn tú ăn mặc theo mốt mới nhất của Châu Âu và biết hết mọi tinh tế của ngôn ngữ Anh. Nguôi giận, ông già phúc hậu quay lại với các ông da trắng dự tiệc, tiếp tục những lời ca ngợi đúng chỗ ông đã dừng, cũng với sự độ lượng như thế.

Thái độ thân thiện ấy có một ý nghĩa cụ thể, cực kỳ ích kỷ. Bữa tiệc là một thủ tục, lễ nghi, là một hợp đồng về đồng bạc. Những người Trung Hoa không có tình cảm tốt đẹp, chi có quyền lợi. Vì vậy ông Wu sau nhiều nghi lễ nhã nhặn, nói thẳng với khách mời: "Tôi tiếp các ông như thành viên danh dự của tổ chức bí mật thấp kém của chúng tôi. Nhưng từ nay các ông phải theo luật lệ của chúng tôi. Nếu vi phạm là tai họa đấy". Dĩ nhiên không ai dám không vâng lời ông Wu đáng sợ.

Cảnh sát Pháp tìm thấy ông ta trong chiều sâu ở hầu hết các vụ buôn lậu nhưng không bao giờ có bóng một chứng cứ. Vả lại gốc gác của ông ta không rõ ràng. Hơn nữa phải chăng ông ta thực sự là trùm các hệ thống Ma Cao của đồng bạc? Có lẽ chỉ là một vai phụ, "ông chủ" thực ở Sài Gòn hoàn toàn không ai biết và nghi ngờ được. Một thanh tra già, người cũ của Thượng Hải "nhượng địa" Pháp khẳng định với tôi quan tâm đến những chi tiết ấy rất vô ích. Vì tò mò loại ấy nguy hiểm và chắc chắn mất công - công việc tài chính của những người Trung Hoa không thăm dò được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #224 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2018, 10:44:37 pm »


Những thú vui nhà trời ở Chợ Lớn

Những người Ma Cao xảo quyệt và tàn nhẫn đến thế vẫn bị một thất bại ghê gớm. Họ mất khu Đại thế giới. Bình Xuyên đã giành giật của họ sau một cuộc chiến vô danh. Và việc đánh nhau giữa các băng nhóm ấy về sau để lại những hậu quả không tính nổi cho Đông Dương. Vì đấy là chiến thắng của Bảy Viễn, là cơ sở chính thức của băng nhóm bất lương với sự đồng tình của Hoàng đế Bảo Đại. Cuối cùng một tên cướp trở thành cảnh sát trưởng Sài Gòn; băng của hắn sẽ là Sở Cảnh sát.

Chưa đến lúc đó. Năm 1948 còn là cuộc đấu bí mật giữa những người Ma Cao và Bình Xuyên. Chiến trường là Chợ Lớn. Trong Chợ Lớn vật cá cược là khu Đại thế giới nổi tiếng.

Chợ Lớn đúng là thành phố "Nhà trời" với mọi truyền thống cũ. Đây là một câu lạc bộ bao la, đóng kín với 800.000 cư dân sống theo lối khôn khéo theo quan niệm cũ của thế giới người Trung Hoa. Mục đích duy nhất của tồn tại là sự hưởng thụ. Vậy phải kiếm tiền bằng mọi giá để vui chơi và có cuộc sống tuyệt vời. Lý tưởng là dễ dàng có tiền bằng đầu cơ tàn bạo và mọi hình thức bóc lột. Những người thông minh có nhiệm vụ đè bẹp khối dân chúng để lao vào những thú vui tinh tế. Không một thể hiện thương xót. Đồng bạc khoái lạc và nghèo khổ gắn chặt vào nhau. Hàng trăm nghìn người phải làm việc nặng nhọc, bệnh tật và chết để vài nghìn "đại gia" đắm mình vào nền văn mình những trò tế nhị, tiệc tùng liên tiếp, thuốc phiện, cờ bạc, vào mọi dạng có thể có của tính cách khiêu dâm dựa vào những "thức ăn bổ dưỡng".

Phép lạ của nước Trung Hoa là sự tàn ác ấy không làm suy nhược mà tạo ra một sức sống khác thường. Không có những vị trí chực sẵn. Mỗi ngày đối với từng người là cuộc đấu tranh vì cái sống và cái chết. Tất cả là nghị lực để tranh thủ, sống sót, thoát khỏi. Chợ Lớn vậy là một đấu trường, việc gì cũng có thể có. Nhưng cũng là trật tự bên ngoài vì cuộc đấu hàng ngày có những luật lệ cụ thể, cả một hệ quy tắc bí mật.

Ban ngày thành phố như đang ngủ. Chỉ là một cảnh trí nghèo nàn, sử dụng kém, những kho tạm, đất trống, tường lở lói, nhà cửa đóng khóa. Chỉ gạo là sôi động, mỗi ngày đến hàng nghìn tấn trên thuyền, đò, dọc theo kênh rạch. Ở các tỉnh, những Hoa kiều bình thường - những người bà con nghèo, những người dồn hàng, những kẻ cho dân quê vay lãi - chiếm lấy gạo; và như không có chiến tranh, họ đưa về cho những ông chủ, những người "Nhà trời" ở Chợ Lớn.

Chợ Lớn vậy là nhà kho, xưởng máy, túi tiền của lúa gạo. Cả ngày, những tỷ phú, những người chủ của việc buôn bán, gà gật sau những song sắt dày, xây dựng mưu kế về những phi vụ trong đầu óc không mệt mỏi của họ. Ở đầu giường ngọn đèn nhỏ của bàn thuốc phiện không lúc nào tắt. Trong suốt thời gian ấy một đám người vất vả bốc dỡ, xay xát giần sàng. Không có máy móc. Rẻ nhất là con người, bắp thịt, sự tiêu hao của họ.

Vào buổi chiều, thành phố như chết. Nhưng cách xa đó, trên bờ kênh rạch lúc nhúc một đám người khổ sở. Trong khu phố này nước và đất gần như không phân biệt, cả hai đều là bùn cả một số đông người cố sống trong những chiếc thuyền buộc kề nhau giữa những hôi thối và rác bẩn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #225 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2018, 10:46:28 pm »


Thỉnh thoảng một chiếc thuyền đẹp và to chở đầy khoang, ánh lên những buồm và ròng rọc, rẽ khối người và vật vào đậu ở một đầu bến. Lúc ấy những con vật mang vác là người đi lại không dứt. Những người cu-li trần trụi, gầy gò vác lên lưng những bao hàng trăm ki-lô từ mạn thuyền lên. Họ là những người lâu đời của người Trung Hoa, oằn người dưới những khối nặng nhưng vẫn vác. Cả một kỹ thuật. Tất cả đều cùng có một cách bốc hàng loạng choạng đưa lên vai, lao về phía trước với những hầm hè ngắt đoạn để người qua lại tránh đường và đi theo đà. Họ bước nhún nhảy để giữ vững trọng lượng đang muốn đổ lật xuống. Điệu vũ ấy kéo dài mười, mười hai giờ liền. Có cả cu-li đàn bà, trẻ con. Những người cai, một số trang bị súng ngắn, hét lên và đánh đập. Không ai ngã xuống.

Tuy vậy, trong vất vả của ban ngày, lúa gạo tập trung lại ở Chợ Lớn. Gạo đưa lại cuộc sống cho thành phố, mua bán lan rộng, chảy đi bằng hàng nghìn cách, trở thành nguyên liệu cho việc buôn lậu để người ta tìm được tất cả - đồng bạc, ngoại tệ, vũ khí. Gạo sinh ra óc hám lợi khác thường của người Trung Hoa, nghệ thuật kiếm lời tuyệt đối mà họ sẽ mất phẩm giá nếu tự tay mình làm.

Những đại gia Trung Hoa thức dậy vào sáu giờ chiều. Cả ngày họ đã biến người ta thành những cu-li chết sớm luôn được thay thế bằng những người khác. Nhưng nhất vào buổi tối họ mới chiến thắng, khi cả toàn dân chúng phục vụ cho thói dâm đãng của họ, khi toàn bộ Chợ Lớn chỉ còn là đĩ điếm.

Hoàng hôn xuống các đại gia Trung Hoa mới đi ra. Ông ta rời bà vợ số một, những bà vợ lẽ, đàn con cái rất đông, vô số bà con và đầy tớ. Ông để gia đình đông đúc ấy trong một ngôi nhà gần như pháo đài, được bảo vệ ghê gớm chống thế giới bên ngoài và những mối nguy hiểm. Ông ta một mình, với khuôn mặt to béo "nhà trời", gần như ẩn danh, bắt đầu ngày thực sự, cuộc sống thực sự của ông. Ông đi vào chợ thương mại và vui chơi. Cả Chợ Lớn là cái chợ ấy.

Bỗng chốc thành phố thay đổi hẳn bộ mặt, đầy ắp cường độ Trung Hoa - không có gì trên đời sánh được. Đấy là một khoa học kích thích bằng mọi cách, tiếng ồn, ánh sáng, đám đông lúc nhúc. Tất cả đều được định giá, mời chào, mua được, đồng thời vẫn bí ẩn. Một bóng đèn ống chói chang, những chữ Hán khổng lồ phình to qua ánh điện màu làm nổi lên trong đêm, trên những con đường nhỏ, một nhân loại bao la, vừa quyết liệt vừa vô cảm, chảy đi bằng mọi kiểu xe cộ, đi bộ, xích lô, xe con Mỹ, nhưng không bao giờ cạn. Chợ Lớn của ánh sáng chói chang và bóng tối tàn nhẫn và dâm đãng đập vào mặt; tuy thế vẫn bí mật và đáng lo ngại.

Điều người ta thấy, trước hết là đông người. Không phải đám đông bình thường mà là đối tượng bán và mua. Tất cả như những đôi bít tất sặc sỡ quá đáng, những thùng gạo, những chất kích dục từ sừng tê giác đến gan hổ; người ta mua bán những nụ cười, tiếng hát, lễ nghi, danh tiếng, những cậu bé, những trinh tiết, cuộc sống, giết người, bắt cóc. Không có đạo đức và phi đạo đức, không có gì nhắc nhở đến tội lỗi - một khái niệm không có nghĩa. Chỉ là thỏa mãn những cần thiết, dù không bình thường đến mấy, và như vậy thì phải trả, được trả tiền; thương lượng, mặc cả.

Tất cả được dâng hiến, nhưng tất cả được dấu kín. Những gì người ta thấy là cô gái đẹp, son phấn, kiêu kỳ và cứng rắn trong chiếc áo dài lụa, xuống xe xích lô để biến mất sau một cánh cổng. Cô đến với những người khách đáng kính mà cô hạ cố nhận lời mời. Vì luôn luôn, cô quan tâm đến thể diện, sự kiêu hãnh và đẳng cấp của mình. Xã hội mua bán Trung Hoa này thực ra, dù trong say đắm, cũng có những luật lệ phức tạp, cả một mớ lễ nghi và lịch sự, cả một nghệ thuật, tiến tới, một loạt công việc thêm vào sự khoái lạc. Và tất cả được làm giữa những người "am hiểu" nhau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #226 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2018, 10:47:53 pm »


Trên đường phố, người Trung Hoa chỉ phơi bày thói phàm ăn. Cái bụng là vua. Ở Chợ Lớn không có đói kém, ngược lại. Cả thành phố cho đến trên hè đường chỉ bày bán thức ăn với kỹ thuật nấu nướng vô bờ. Xung quanh hàng nghìn người bán cơm cháo, vô số người ngồi xổm dùng đũa đưa cơm cháo vào miệng liên tục. Biểu tượng của thức ăn ngon rẻ là anh hàng thịt nhà trời, vô cùng tươi vui, bụng ba ngấn lòng thòng trên núm rốn khó coi. Anh khoe khoang những mảnh mỡ hồng, thịt vịt thái mỏng như giấy, những con lợn tô màu giống những vật thần thánh hóa man rợ.

Mọi thú vui khác được thưởng thức sau những bức tường có những anh gác cổng dữ tợn bố phòng. Đêm xuống tất cả những người Trung Hoa tai mắt tập họp thành nhóm nhỏ, bạn bè, trong hàng nghìn hội kín tiến hành "cuộc sống vui vẻ". Lúc ấy người ta làm mọi việc, quyết định mọi việc.

Nơi tập trung thường ở "khách sạn Trung Hoa", một cơ sở rộng rãi. Trên một đường phố cách xa và nghèo, người ta chui qua một loại lỗ qua tường, vào một gian phòng bẩn thỉu, trống không chỉ có đèn ống, những tấm gương soi và ông nhổ. Một người Trung Hoa mặc áo may-ô cao đạo xác định giá trị những người đi vào. Đối với những người lạ, thái độ lơ là thể hiện cách từ chối tuyệt đối. Với những người có quyền, anh ta khúm núm, cúi xuống và chỉ chiếc cầu thang gỗ trắng, dẫn lên những tầng trên luôn luôn có những tiếng xầm xì bí mật. Khách sạn là một nhà máy hoạt động hầu như không ngừng, suốt đêm và phần lớn trong ngày, chỉ vài giờ tạm yên vào sáng sớm và đầu buổi chiều. Đây là một chiếc hộp lớn ngăn thành từng xô đặt cạnh nhau hoặc xếp chồng lên nhau. Có một điều lạ: trong từng ô ấy, khách có thể thỏa mãn mọi ý muốn. Không có gì không thể; chỉ cần yêu cầu và không bao giờ có ai đến quấy rầy.

"Việc buôn bán" kéo theo mọi thú vui Nhà trời. Trước hết là người ta ăn hàng nhiều giờ liền. Phải có những thức ăn hiếm, rất ngon, mỗi miếng ăn giá hàng trăm ngày công của cu-li. Và để ăn thêm ngon miệng, lần lượt phải có những cảnh tinh tế thơ ca hoặc ái tình. Với các thú vui, những đại gia "Trung Hoa" có cả một hệ thống người chuyên nghiệp, một đám đông phụ nữ với công việc cụ thể - những người xoa bóp múa hát, bông hoa nhỏ, gái đĩ hạng sang, vũ nữ.

Những "bông hoa nhỏ" phải biết chiều lòng bằng mọi cách. Trước hết làm say mê khách bằng câu chuyện chọn lọc và bác học, đầy lời lẽ văn chương và điển tích. Sự thông minh nâng giá trị các cô gái. Nhưng vừa nói, rủ rỉ, đùa vui vừa phục vụ. Họ tiếp các ông khách no nê, đưa những thức ăn chọn lọc kỹ lên miệng khách. Họ chuẩn bị những liều thuốc phiện cho các ông nằm dài trên ván. Họ im lặng, hiền dịu và chăm chú khi các đại gia lao suốt đêm vào bài bạc. Chính trong cờ bạc người ta có thể thấy đầy đủ lý trí của người Trung Hoa, sự tập trung lạnh lùng, cao độ, không lay chuyển được. Những người chơi bài Âu Châu dễ xúc động, không là gì bên cạnh những người to béo bất động, vô cảm này mà trí óc hoạt động như một cỗ máy điện tử, để chiến thắng những trí óc khác cũng căng thẳng không kém. Trong không khí độc ác ấy các "bông hoa nhỏ" là những người hồ kỳ, bàn tay quý giá của họ thay thế bồ cào, và đếm những tập tiền đồ sộ mà các cô bĩu môi trên cao đạo. Vì "thể diện" đòi hỏi vừa làm rất đẹp nghề nghiệp mình, các cô phải luôn luôn đứng trên tất cả tách rời ra. Thực tế các cô cũng bị cuốn rũ bởi những người đàn ông này, bởi cuộc chiến say mê của họ, bởi những đống giấy bạc ấy. Tiền, cuộc đấu tranh không khoan nhượng vì đồng tiền là điều mọi người phụ nữ Trung Hoa đều hiểu, là điều họ yêu thích thực sự.

Những "bông hoa nhỏ" làm tình nếu đại gia Trung Hoa muốn. Khi những tiếng hát, nhảy múa, những đĩa thức ăn bổ dưỡng đốt lên dục vọng của các ông ấy, điều hợp lý là các cô làm dịu bớt đi: không có gì là không được thỏa mãn. Nhưng những người thực sự đúng mức chỉ đòi hỏi nghệ thuật vui chơi, không phải xác thịt họ. Đến lúc thích khoái lạc, họ đi tìm những cô gái khác, những gái đĩ hạng sang thông thạo mọi kỹ thuật dâm đãng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #227 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2018, 10:50:09 pm »


Cả lớp người ấy, những bông hoa nhỏ, ca sĩ, gái đĩ, đoàn người truyền thống của nước Trung Hoa cũ ấy nói chung không phải sở hữu của "khách sạn Trung Hoa". Họ gọi từ ngoài đến theo yêu cầu. Mỗi cô gái thuộc về một bà già, "mẹ đỡ đầu", "người bảo trợ" mua của bố mẹ cô từ bé, những người cu-li, với khoảng một trăm đồng bạc. Người đàn bà đẫy đà, hách dịch kia chi phí khá nhiều để nuôi dạy cô cẩn thận. Bà lấy lại phần lớn vốn khi cô bé đã mười tuổi, bán trinh tiết cho một ông nhà giàu - giá rất cao, từ mười đến mười lăm nghìn đồng. Đây là một khoản được yêu cầu nhiều vì những người Trung Hoa già tưởng rằng việc phá trinh đưa lại cho mình một tác dụng chữa bệnh, làm trẻ lại và tăng sức lực. Khi cô bé mười ba tuổi, người bảo trợ bảo: "Ta đã tiêu cho con rất nhiều tiền, từ nay con phải làm việc trả lại cho ta". Bông hoa nhỏ phải nhắm mắt thực hiện lệnh của bà, tuân theo những lời chỉ dẫn của một chiến lược kinh tế và khiêu dâm khôn khéo. May mắn được giải thoát duy nhất là có một người giàu có mua lại cô để làm vợ lẽ.

Lối mãi dâm ở Chợ Lớn là thế, một nét văn hóa, một trật tự được thiết lập trong xã hội, một triết học về cuộc sống và vũ trụ. Tất cả là không thay đổi, thành từng nhóm và bí mật. Trước hết có sự cần thiết rất Trung Hoa ấy để tụ họp với nhau, hình thành những câu lạc bộ, ở những người giàu cũng như người nghèo. Những tỷ phú có ngay trong nhà những "câu lạc bộ" còn khép kín và bí mật hơn "khách sạn Trung Hoa". Đủ loại người bảo vệ, tay chân, đầy tớ, khóa và song sắt bảo vệ. Bên trong có vẻ những tinh tế thật kỳ lạ. Ai ở Sài Gòn không nghe nói đến "câu lạc bộ" Trung Hoa, một thiên đường nhân tạo không sánh được trên đời? Có lần một người Pháp được mời, sau hai ngày trở về kiệt sức và điên lên vì khoái lạc.

Nói chung người Âu bị loại trừ ra ngoài những thú vui đó. Thực tế họ bị cấm vào "khách sạn Trung Hoa", họ không đụng đầu với một sự từ chối tàn bạo, chỉ gặp sự lạnh lùng. Khi họ vào một trong những ngôi nhà ấy, họ chẳng thấy gì cả. Phải thương lượng hàng giờ mới có quyền uống một chai bia, tất cả chỉ có thế.

Sự kín mít ấy phổ biến ở cả những nhà chứa dành cho người nghèo. Có hẳn một khu phố cuối Chợ Lớn gần một nhà thờ Cơ đốc giáo. Nhưng những nhà này cũng thế, trong khung cảnh bẩn thỉu, vẫn là những câu lạc bộ vừa gia đình vừa thân mật.

Vào các đường phố nhỏ, bình dị, người ta thấy những căn nhà như hàng trăm nghìn căn nhà ở Sài Gòn. Tất cả thậm chí hợp lý và bình lặng không bình thường. Trong mỗi tiền sảnh, một tấm ngăn dành cho bố mẹ, cho cả gia đình. Một bức ảnh đường bệ của bà chủ nhà, bây giờ là một quả phụ tóc cắt ngắn trước trán, cười với hàm răng sún ngả màu đen, lúc còn trẻ cùng với chồng và đàn con. Khoảng dăm chục bức ảnh khác nhỏ hơn, là con cái của các con bà. Cuối gian phòng là một bàn thờ tổ tiên, đầy đủ với lủng củng những tấm biển nhỏ, tượng phật, kích, xà mâu. Hương cháy dần tỏa khói mùi hăng hắc. Một giấy chứng nhận chủ nhân là một người đàn bà đáng kính, thánh thiện, năm 1927 đã cúng một trăm đồng bạc xây dựng chùa.

Thế mà đấy là những "nhà chứa". Trên hè đường ngồi trên những chiếc ghế nhỏ theo lối cổ điển là những gái điếm Trung Hoa một chân trắng, béo duỗi ra" gợi cảm" khách hàng. Những người này vào trong gian phòng đầy ảnh và tượng Phật. Ở đây bao nhiêu người, đàn ông, gái điếm, bà chủ, ông chồng và con cháu, chuyện vãn đến mười một giờ đêm. Người ta ăn uống, hút thuốc phiện. Đây cũng là một xã hội độc quyền. Để được vào phải quen biết và trả ba mươi lăm đồng bạc.

Quy luật hợp lề thói rất chặt chẽ. Làm tình trước mười một giờ không tiện - là cách của những kẻ dã man, như người Âu. Trước nửa đêm, những kẻ hiếu kỳ đi hết. Chỉ còn lại một số đã quen. Như một nhà trọ gia đình, họ đến giá lấy khăn, sạch bẩn tuỳ lúc - không phải để lau sau khi ăn mà dùng vào việc khác. Làm tình phải trả năm mươi đồng. Mọi khách thực hiện lần lượt trong những phòng nhỏ cửa mở ra hành lang chính. Những căn phòng ấy chỉ ngăn cách nhau bằng tấm ngăn tre, cao bằng đầu người. Đồ đạc chỉ là một chiếc chõng thấp trải chiếu, một bình xách nước và một ống nhỏ. Từ "phòng này" đến phòng kia, xã hội đáng kính ấy vẫn tiếp tục nói chuyện.

Người Pháp hiếm khi đến những nơi này, trừ cảnh sát - người ta tâng bốc họ, khúm núm, đút lót.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #228 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2018, 10:51:48 pm »


Cách đấy không xa, trên những đường phố nhỏ khác, trong những khu khác, có hàng trăm, hàng nghìn quán bar, nhà chứa mà gái đĩ lao ra tấn công dữ dội, chèo kéo, bám khách. Con mồi của họ là người Pháp, những người lính viễn chinh, nhưng tay buôn bạc nhỏ.

Người Trung Hoa giữ gìn ở Chợ Lớn lòng tự hào bao la, sự phân biệt chủng tộc, tính bài ngoại. Họ không chia sẻ những thú vui, giữ lấy bằng mưu mô im lặng, rất lễ phép và tươi cười. Chợ Lớn vẫn luôn là nước Trung Hoa cổ khép kín, nhưng cũng là nước Trung Hoa tranh thủ những người nước ngoài mà không làm van đục mình, tạo ra một nghệ thuật quan hệ đúng tập tục. Phải tiếp xúc nhiều vì những cần thiết của thương trường. Người ta tổ chức những bữa tiệc, buổi lễ, nhưng chỉ là giả tạo, sao chụp lại, tạo hưng phấn cho những khoái lạc "Nhà trời".

Chợ Lớn là nước Trung Hoa cổ điển, phản động, khép kín nhất. Hiện đại chỉ có những "phòng nhảy" với vũ nữ. Đấy là những công trình nhập khẩu từ Thượng Hải, Hồng Kông, những thủ đô hư ảo mà giới tư sản Trung Hoa trong quá trình phát triển cũng đã tha hóa và quốc tế hóa. Những vũ trường ấy là những đền thờ quái đản. Ở đây Nhà trời du nhập của Phương Tây một số chất liệu, sự khiêu dâm và nhạc jazz - nhưng làm cho nó trở nên kinh khủng. Người ta không còn biết ở trong vườn hành hình hay thiên đường. Tinh thần tra tấn cổ của Châu Âu hiện diện hơn bao giờ hết. Người Châu Á được vào nhưng lạc lõng trong những chỗ bí mật, đầy quy ước.

Những "vũ trường" chính của Chợ Lớn là Paradis và Arc-en-Ciel. Tất cả tranh tối tranh sáng. Như một chốn mê hoặc huyền bí. Trên đường, những trang trí kỳ quặc, bóng dáng nghệ thuật vị lai, cây cối lẫn người, gợi lên đại dương, rừng hoặc cảnh quan hệ tình dục rộng rãi. Giữa cảnh trí ấy, những dây nhợ khác, những cô gái hoa, những vũ nữ rất đẹp. Các cô nhảy múa, uốn éo, hoặc cứng đờ, chuyện vãn hoặc khinh khỉnh giả tạo với đôi mắt trống vắng, lướt nhìn những người đàn ông nhìn thẳng. Tất cả mặc áo dài hiện đại khêu gợi một cách kỳ lạ - bó chặt cổ nhưng ở dưới bó sát hở hang, phô bày chân ngà, tạo thân hình thành một dáng người như nét bút vẽ. Và theo một cách nào đó, sự sỗ sàng ấy vừa ranh mãnh vừa đoan trang.

Vì "vũ trường" cũng là một xưởng máy không biết thương xót. Vũ nữ phải quay vòng nhanh, tiếp được càng nhiều khách càng tốt. Mua vé một trăm đồng là có quyền nhảy và trò chuyện trong một giờ. Nhưng hầu như luôn luôn cô gái rút ngắn thời gian ấy. Cao đạo, có vẻ chán, không trả lời, cô bỏ đi sau mấy phút.

Vẻ thẹn thùng kéo theo quyền lợi. Nghệ thuật của "vũ nữ", là đức hạnh. Cô làm ra vẻ bối rối tối đa. Với cách ấy cô loại bỏ những ông ít quan trọng và rút được lời chúc tụng, quà cáp ở những người được chọn. Những việc đó thật phức tạp. Các "vũ trường" - những chợ con gái đồng thời là những ngôi đền giăng bẫy của tư bản Trung Hoa. "Vũ nữ" vừa là ni cô, vừa là những kẻ mồi chài, phiêu lưu và "chuyên nghiệp". Tài năng của họ nhằm tạo "bộ mặt". Những "hoàng hậu" có ba trăm chiếc áo dài và cả một triều đình tỷ phú. Họ nhạy cảm ghê gớm. Không nên thiếu tôn trọng vì sờ soạng thô lỗ, bỏ tay vào phía sau, họ hét lên và sẽ rất bê bối. Nhưng không âu yếm cũng xúc phạm họ. Thái độ lạnh lùng là một lời chửi rủa sắc đẹp của họ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #229 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2018, 10:54:33 pm »


Nghề nghiệp khó khăn. Mỗi "vũ nữ" phải giữ tiếng cho mình. Phải có một đường lối, biết làm cho người ta thích mình bằng sự lẫn lộn tế nhị đồng tình và từ chối, háo hức và vô tâm, hiền dịu và dữ tợn. Cô có thể bỏ rơi những người giàu và có những "tình cảm thoáng qua". Tất cả đều được tính toán.

Trò chơi cao tay của "vũ nũ" là làm dáng và ve vãn. Đối tượng tốt phải tỏ ra rộng lượng, không đòi hỏi ân huệ trước một thời gian nào đó. Thường anh ta nghĩ đã đến lúc thì bị rơi, nếu không có kinh nghiệm. Biết bao người Pháp bị phá sản vì tiền mua vé! Có tối, cuối cùng họ mua cả cuốn sổ vé để có quyền đưa nữ mưu sĩ "ra ngoài". Và khi vừa đi ra, cô bốc hơi mất.

Người Trung Hoa từng trải chờ đến giờ của mình. Ông ta biết cô sẽ trở lại. Những thú vui Nhà trời cũng là những thị trường phức tạp. Bao giờ cũng có yếu tố cần thiết là cuộc đấu tranh, vì những ý muốn. Tinh tế nhất là không nói về tiền. Nhưng tất cả những thái độ cao quý, thờ ơ, độ lượng nhất là những mánh khoé tế nhị đi đến một con số. Cuộc sống và những gì có giá trị trên đời - kinh doanh và cảm xúc - chỉ là một việc như nhau, nghệ thuật điều đình đồng tiền thống lĩnh tất cả. Nhưng để thực sự dễ trông, hoàn toàn thỏa mãn sự kiêu ngạo, việc ấy phải làm có "thể diện", mỗi người biết rõ vai trò của mình, như trên sân khấu.

Các "bông hoa nhỏ" là một tập quán của Trung Hoa cũ, là "thú vui của bố”, trong sự quy thuộc hoàn toàn của cô gái. Đấy là một nô lệ, phải thảo luận gay gắt, bẩn thỉu với mụ tú bà. Với những vũ nữ, thanh niên Trung Hoa lao vào ảo tưởng lãng mạn, càng tuyệt vời vì dù sao kết quả cũng đã biết trước. "Vũ nữ” đúng là độc lập - nhưng cần tiền ghê gớm. Hầu như luôn luôn các cô phải nuôi một bà mẹ già, người chồng ho lao và các con. Thường những cô gái tốt, phải đi làm điếm, dù là gái điếm lịch sự, vì gặp lúc rủi ro. Các cô gái bị mất danh giá ở Sài Gòn phần lớn là từ các gia đình phá sản. Vả lại đây là một đề tài hàng nghìn năm vẫn thấy trong tiểu thuyết và truyền thuyết Trung Hoa.

Có một thực tế rõ ràng. Thanh niên Trung Hoa rất hiểu nếu tỏ ra vội vàng sẽ là người thô lỗ. "Vũ nữ" lên "mặt" kiêu kỳ giả tạo. Nhưng khách hàng cũng lên "mặt" bằng trả nhiều vé, công khai tặng quà. Sự hào hoa ấy của kẻ tán tỉnh chỉ nhằm một mục đích - tỏ rõ quyền lực và của cải. Cuối cùng, vào thời gian thích hợp sẽ đến quy tắc của sự việc, vả lại mỗi cô gái có giá cả trên thị trường như cá khô. Ở Hồng Kông và Manila, người ta đều biết "vũ nữ" nào giá bao nhiêu.

Các "vũ nữ" rất mốt. Khách là những thanh niên, con trai các ông bố ưa chuộng hiện đại. Mỗi buổi tối những người bố mặc quần đùi đến khách sạn hoặc câu lạc bộ. Con trai họ mặc vét-tông, rất diện, đến các "vũ trường".

Thực tế vẫn còn những "ông già" nắm giữ Chợ Lớn. Và họ nắm giữ theo những phương pháp cũ - tranh thủ tất cả và hợp tác với tất cả. Phải ranh mãnh ghê gớm vì trong Chợ Lớn nhà trời của lúa gạo và đồng bạc, có một băng cướp đáng sợ người Việt Nam; Đấy là tổ chức Bình Xuyên, lấy khu Đại thế giới làm thành trì sau khi chiếm đoạt nó.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM