Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 10:30:08 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 85254 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #200 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2018, 11:29:49 am »


Đáng kể là những nền thềm cà phê lúc khai vị. Buổi trưa và bảy giờ tối, tất cả những người Pháp Sài Gòn, coi thường lựu đạn nguy hiểm ngồi chật ních dồn ép nhau xung quanh những chiếc bàn nhỏ. Và từng nhóm bí mật thì thầm với nhau. Lúc ấy tất cả Sài Gòn nói về những diễn biến lớn trong ngày. Theo thứ tự quan trọng tăng lên là "việc ăn nằm với nhau", thuốc phiện, nhận hối lộ, những vụ tống tiền bị dìm đi, nhất là đồng bạc, đồng bạc ám ảnh. Trong nhiều giờ người ta bàn luận về những vụ lớn, luôn luôn là những mánh khóe trong đổi chác và đầu cơ. Các bà than thở. Đối với họ sức mạnh nam tính bao gồm cả lối tưởng tượng về tài chính.

Cuộc huyên thuyên của tất cả Sài Gòn về tất cả Sài Gòn ấy, việc xem xét chung mỗi ngày hai lần ấy, là cái người ta gọi "Đài Catinat".

Nhưng không ở đâu ở một hội nào người ta nói về chiến tranh, một đề tài không ai quan tâm. Báo chí tiếng Pháp ở Sài Gòn cung cấp tin tức chất lượng tốt về những cuộc hành quân, những hành động thù địch làm Sài Gòn sinh sống mà Sài Gòn chẳng bận lòng. Tuy vậy đôi khi thoảng qua một làn gió lo ngại, nhưng các nhà chức trách nhanh chóng xoa dịu tình hình. Dân cư Pháp rút ra kết luận "điều đó” còn kéo dài và người ta lại lao vào các phi vụ.

Thế nhưng chiến tranh ở ngay bên cạnh. Người ta nghe thấy nó. Đôi khi ban đêm những người ăn tối hoặc chơi bài và nghe tiếng súng canông hay đại liên. Bao giờ cũng có một ông già Sài Gòn chẩn đoán: "Tối nay việc ấy xảy ra ở phía Gia Định. Chắc một bốt trong vành đai bị tấn công". Rồi chẳng ai chú ý đến những tiếng quen thuộc ấy nữa. Người ta vui chơi, sống thoải mái trong lúc bên cạnh những người khác đánh nhau và chết. Người Sài Gòn chẳng hề phiền phức gì. Tự nhiên thôi.

Thậm chí đôi khi người ta trông thấy chiến thắng. Chỗ nhìn tốt nhất là khách sạn Majestic.

Từ năm 1950, khách sạn Majestic sừng sững trên bờ sông Sài Gòn, trên cảng. Đấy là khách sạn sang trọng mới, Franchini cho xây dựng để "lấy đô-la", khách là người Mỹ và người nước ngoài. Khối nhà đập vào mắt và vô giá. Tầng sáu là một phòng bar bao la với dàn nhạc jazz. Ở đây tập họp những người chạy theo thời trang ở Sài Gòn và những người Mỹ vui vẻ, nổi lên vì áo sơ mi bay bướm in hình. Ở đây Whisky đánh bật rượu truyền thống và cognac sô-đa "thực dân".

Phòng bar này nhô thẳng ra sông Sài Gòn đầy tàu thả neo và người lúc nhúc. Từ bên bờ kia cũng nhô ra, một quang cảnh bùn và đầm lầy là đất Việt Nam, ngay trước mặt, cách mấy trăm mét. Buổi tối là sự đối nghịch hoàn toàn: người ta thấy hai thế giới bên cạnh nhau. Trước mặt mảng sáng bao la của Sài Gòn là mảng tối không một ánh đèn. Có những ngọn lửa ở các tàu đậu, rồi chẳng còn gì - đêm tối bao phủ hết. Khoảng đen nước và cỏ ấy, chỗ này chỗ kia có một làng, là chiến trường của cuộc "chiến tranh bẩn thỉu".

Một lần trước nửa đêm một ít, những người uống thấy nhưng đám cháy phía dưới, gần như bên cạnh mình, thực ra cách đấy bốn, năm cây số. Đã là thường lệ, chẳng ai lo lắng gì. Tuy thế một làng Việt đang cháy, bốn mươi dân quê bị giết. Và do những lính thủy Pháp, tân binh, đốt nhà và gieo rắc cái chết. Mấy ngày trước đó họ từ nước Pháp đến không hận thù. Bây giờ họ bung ra, chỉ nghĩ trả thù cho mấy người bạn, một buổi tối vui, "đi chơi lông bông" trong xóm nhìn bên ngoài yên ổn, đã bị chặt thành khúc.

Như vậy "miền đất lạ" của người Việt, của Châu Á, của chiến tranh, bao vây những người Pháp Sài Gòn khắp nơi, gò bó trong một cuộc sống tự tạo trên một diện tích mấy cây số vuông tự tạo. Ở "góc" này, khôn ngoan là đừng cử động và phần lớn người Pháp sống bình lặng. Tất cả những gì họ làm là đi giải trí ở một số "câu lạc bộ" của Sài Gòn văn minh, những địa điểm phụ không nguy hiểm đặt ở những khu hiểm. Có thể trong những chỗ an toàn nhỏ ấy, một sân golf được dây thép gai bảo vệ. Cũng có một trường đua ngựa mà thói thường là việc lừa bịp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #201 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2018, 11:31:32 am »


Vệ tinh chính là Chợ Lớn, cách năm cây số, ở đầu con đường vắng vẻ Gallieni. Thực ra đây là một thành phố sinh đôi, một trung tâm văn minh thứ hai. Đấy là Trung Hoa cũ, liên minh với tư bản da trắng. Người Âu không ở đây nhưng thường đến đây vì những thú vui tinh tế, các món ăn nổi tiếng của khách sạn Palais de Gade và Arc-en-Ciel, nghệ thuật về thuốc phiện, vì tình cảm của những vũ nữ kiêu căng. Đôi khi một nhà tài chính da trắng thì thầm với một tỷ phú da vàng trong nhà hàng, có thể đang nhờ cậy người Trung Hoa môi giới cho một nữ hoàng vũ trường. Nhưng thường là một điều đình rất kín đáo về tài chính.

Cũng có những thanh niên da trắng bình thường đi tìm thú vui ở khu nhà ngăn ô. Nguy hiểm hơn nhưng giá rẻ hơn. Và rồi tùy theo sự chọn lựa! Nhiều kẻ chơi bài thích gái điếm Việt Nam hơn Trung Hoa. Những cô gái Annam nhỏ nhắn, rất đơn giản, và cả những cô phấn son, tự phát hơn nhiều! Và cũng làm tình tốt hơn. Một người lịch lãm nói với tôi:

- Nhiều kinh nghiệm, dễ thương nhất là những cô đã là các xơ rồi phục vụ trong Lục quân thuộc địa. Các nữ tu sĩ thu nhặt những cô bé trần truồng, bị bỏ rơi, tạo thành những thiếu nữ Cơ đốc giáo, cầu kinh và thêu thùa. Trưởng thành, họ tìm việc cho - làm người hầu trong các gia đình khá giả. Mấy tháng sau các cô đã là người tình của các ông hạ sĩ, tiếp tục được nuôi dạy.

Những lớp trẻ Sài Gòn đi lông bông, không xa các khu người Âu lắm, trong những quán bar bình thường, những vũ trường khả nghi, những tiệm hút - nhà chứa. Ở đây cả một dân chúng gái điếm, chủ quán, mật thám, chỉ điểm, một "xã hội hư ảo" khác thường. Đôi khi cũng có người bị giết.

Mặc dù có những nơi để khuây khỏa như thế, một số người da trắng ở mãi trong Sài Gòn "của họ", ám ảnh bị giam cầm, chán cảnh đơn điệu. Vậy là họ đi trên đường, không dự kiến gì, không trả thuế giao thông cho người Việt. Cứ như thế họ đi vào cuộc chiến tranh. Và biết bao lần hậu quả là những bi kịch vì những người ấy không tuân theo luật lệ chặt chẽ của hiểu biết.

Tôi từ Mỹ Tho trở về bị hỏng xe cách Sài Gòn năm cây số, thấy một khu ngoại ô xa xa. Đã sáu giờ kém mười lăm phút buổi chiều. Tôi không lo lắng gì, xe cộ còn đi lại nhiều. Chỉ mấy phút sau khi tôi dừng lại không còn gì qua lại nữa. Đêm tới gần. Tôi bỗng thấy con đường bị kẹp giữa hai rừng dừa đã tối. Trước mặt tôi hai trăm mét, lính ngụy trong một vọng lâu giơ tay vẫy, tôi đẩy xe lại phía họ, đang hết sức cố gắng thì họ bắt đầu bắn. Đạn rít lên. Tôi đến chỗ vọng lâu, trèo thang lên; thang được rút ngay. Lính ngụy cười, bảo tôi chỉ mấy giây nữa là bị bắt. Họ bắn vào một toán người Việt đang bò lại phía tôi.

Người chỉ huy lính ngụy giải thích cho tôi "người Pháp cấm đường lúc sáu giờ rưỡi nhưng Việt Minh cấm đường lúc năm giờ rưỡi. Vì vậy sau năm giờ rưỡi không còn ai đi trên đường; người Việt tấn công những gì đi lại".

Tuy hiểu biết người ta cũng có nguy cơ bị chết trên đường. Vì vậy những người thực sự khôn ngoan chỉ đi máy bay: sân bay Tân Sơn Nhất cho phép an toàn thoát khỏi nhà tù Sài Gòn; nối Sài Gòn với phần còn lại của Đông Dương, của thế giới. Trước đây sơ sài, nhuốm cảnh buồn bã thuộc địa, bây giờ sân bay này trở thành một thành phố với kho hàng, tháp, lều trại tạm, cả một khối quần thể được bảo vệ bằng dây thép gai, đèn chiếu, lính và đại liên. Đấy là lá phổi thép của Đông Dương, thậm chí là một trong những nơi hội tụ lớn của bầu trời, các chuyến bay gần với Orly, với những sân bay lớn thế giới. Trong ngày cứ gần một phút có một máy bay đi, về, tiếng động rất nhẹ. Tân Sơn Nhất đóng cửa về đêm.

Nhờ Tân Sơn Nhất người Sài Gòn có thể đi khắp Đông Dương. Qua cửa hông họ nhận thấy quang cảnh yên bình của rừng rậm và đồng ruộng - đất đai chết người của Việt Minh. Và khi họ đến một thành phố, họ lại rơi vào một Sài Gòn thu nhỏ, một "nhà tù" bé hơn với một số người Âu. Đúng như ở thủ đô, mỗi thị xã bị bao kín trong "đất lạ" - nhưng cũng là một trung tâm bình định với những gì cần có. Vậy là có việc buôn bán trao đổi, những đồng bạc thu nhặt.

Tân Sơn Nhất cũng đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc sống thời thượng của người Sài Gòn. Để kiếm đồng bạc hàng ngày những người Pháp ở Sài Gòn đến đón hoặc tiễn những người tới hoặc ra đi. Một ý nghĩa tượng trưng, khuyến khích vào "nhà tù", hoan nghênh việc phóng thích. Một thủ tục không lay chuyển. Nhân viên, thuộc hạ không đi đón tiếp một ông chủ sẽ bị thất sủng, có thể bị đuổi, nên họ không thiếu mặt. Vậy là sân bay thường xuyên đông người với nhiều trăm xe, vô số người đi tiễn biệt hoặc gặp lại. Tầm quan trọng của hành khách gần như dựa vào số lượng người bận bịu tôn vinh họ.

Đây cũng là trung tâm, cuộc sống chính trị và quân sự dựa vào những lễ nghi tổ chức tỉ mỉ theo thứ bậc. Mỗi lần một nhân vật lớn lên hoặc xuống máy bay, viên chức, quân lính, các ngài quan chức Việt Nam bận những bộ đồng phục đẹp nhất và kính cẩn đứng thành hàng. Nếu đón Bảo Đại, Cao uỷ hoặc một tướng nhiều sao, có đội kèn, duyệt binh, diễn văn. Con đường cách sân bay với thành phố được quân đội bảo vệ, mười mét một người lính, quay lưng về phía đường, về phía đoàn, để theo rõi kỹ hơn những đầm lầy, những ngoại ô có thể Việt Minh sẽ xuất hiện. Và việc đó mỗi tháng tiến hành nhiều lần.

Dù sao cũng có những ngày người Sài Gòn không đến Tân Sơn Nhất. Họ quay tròn ở Sài Gòn như những con sư tử trong lồng, những con sư tử hòa nhập với đồng bạc và quen lệ thuộc vào nó. Ít nhất khi họ ở trong Sài Gòn những tỷ phú, sự an toàn gần như thỏa mãn. Phải thật không may mới ở trong vùng có lựu đạn nổ. Vì cũng có lựu đạn và những người Pháp bị giết chết trên nền thềm cà phê hoặc khi đi ra khỏi những rạp chiếu phim. Tệ hại hơn thỉnh thoảng cũng có những vụ giết người ghê tởm. Đôi khi người ta nghe tin một cậu bé ở trường ra bị bắt cóc; xác cậu được tìm thấy đẫm máu. Những tai nạn ấy là giá của đồng bạc - một trong hàng nghìn nguy cơ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #202 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2018, 04:24:02 pm »


Đồng bạc của những người giàu

Ở Sài Gòn năm mươi người khống chế đồng bạc. Người ta gọi họ là những "Ông lớn". Trong chiến tranh chỉ một lần tôi thấy họ tập họp với nhau, ở khách sạn Continental trong một bữa tiệc chiêu đãi giới tài chính do giám đốc Viện Phát hành - cơ quan Nhà nước và bốn bên, vừa xây dựng để in những đồng bạc của Đông Dương độc lập.

Trước một bàn ăn bình thường là những nhà tỷ phú Sài Gòn dưới dạng những ông đã có tuổi, được khen thưởng nhiều và lịch sự, rất tự chủ. Đấy không phải những ông chủ - những người này ở Paris. Đây là những viên chức cao cấp đến đây vì công việc và hạnh kiểm tốt. Công chúng không biết tên. Họ hầu như vô danh mặc dù nhiều quyền lực biến sau những lý do xã hội thần kỳ của các công ty mình.

Tất cả giới nhà băng đều có mặt - Nhà băng Đông Dương, Pháp Hoa, BNCI của tài chính, Nhà băng Chartered; Tất cả các hãng lớn ở đó - Denis Frères, Descours và Cabaud, Diethelm... Có đồn điền lớn... cũng có những trụ cột của thương mại và công nghiệp, hàng không dân dụng.

Đây là một cuộc họp kín. Các đại diện của những công ty khổng lồ ấy tập hợp thành ba hay bốn theo những hoạt động tương tự và các chi nhánh là cơ sở tấm màn bí mật của Đông Dương. Đứng, ăn mặc khiêm tốn, bắt tay nhau thân mật, các nhóm họp với nhau hoặc tản ra theo những lý do bí mật nhưng đầy ý nghĩa. Ví dụ các ông nhà băng Đông Dương trao đổi với nhau lâu, bề ngoài không một căm hận, với chủ bữa tiệc, nhân viên quan trọng, hơi còng lưng và lịch sự, vừa từ Pháp sang để lãnh đạo Viện Phát hành Pháp - Việt Nam - Lào - Khmer, xóa bỏ ân huệ phát hành giấy bạc Đông Dương. Ân huệ ấy chắc chẳng quan trọng nữa.

Ông Franchini đi từ nhóm này đến nhóm khác, nhiệt tình, vẻ hiểu biết, thân mật. Thực tế ông không chỉ là "chủ khách sạn" mà còn là thành viên của giới siêu đẳng, ít hay nhiều cũng là tỷ phú. Cũng có một áo thầy tu bẩn và đẫy đà qua lại rất thoải mái trong hội đồng của đồng bạc ấy. Đấy là cha Moreau, thủ quỹ của những phái đoàn nước ngoài ở Đông Dương, có nét mặt tinh ranh trơn bóng và bụng to, một nhân vật tài chính rất lớn. Các phái viên nghèo nhưng những phái đoàn rất giàu. Và cha Moreau biết làm cho vốn của họ sinh lợi: ông có vẻ là một trong những người kinh doanh có khả năng nhất ở Viễn Đông.

Bên cạnh những "ông lớn" có một số vai phụ. Đặc biệt một ông rõ ràng không đúng chỗ trong xã hội này. Ông thô thiển, không có huân huy chương và quần áo vải thường. Nhìn ông không là gì. Từ chỗ không có gì trong mấy tuần hoặc mấy tháng ông lại rơi vào chỗ không có gì ấy. Tuy vậy mỗi người đều gia ân cho ông. Vì chữ ký của ông này đáng giá vàng, cả đối với những "ông lớn" ở Sài Gòn. Đấy là giám đốc Sở Hối đoái, nơi đổi chác.

Có những vai phụ khác, người Việt Nam và Trung Hoa. Những vai phụ Việt Nam là các bộ trưởng. Những vai phụ Trung Hoa là môi giới.

Đến một lúc có tiếng ồn ào. Tiếng còi, tiếng mô-tô, còi dài. Các ngài quan chức Việt Nam đến. Quảng trường Nhà hát trước khách sạn Continental đầy cảnh sát. Giao thông trên đường Catinat bị gián đoạn. Rồi vài chục người đi mô-tô, yếm che ngực, trang bị vũ khí, đến trước khách sạn. Khoảng một chục chiếc xe Mỹ rất đẹp, cờ hiệu Việt Nam tiếp đến. Từ xe bước xuống Thủ tướng Hữu to béo và Tâm gầy gò. Vừa vào đến phòng tiệc họ cảm thấy như về nhà. Tinh thần dân tộc của họ thể hiện trong đường lối chính trị, trong kinh tế ít hơn nhiều. Nhất là Hữu chủ yếu là tình bạn bè. Quan niệm của ông ta trước hết là tài chính - đúng ông được đào tạo bởi chính các nhà tài chính. Tâm có xu hướng tư bản ít hơn. Ông là sản phẩm của nền hành chính Pháp, gắn bó với nền hành chính này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #203 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2018, 04:25:37 pm »


Mọi người phiền phức nhiều với Hữu. Ông thường cứng đầu với cao uỷ. Nhưng ông không bao giờ tăng thuế, cũng không nói về dân tộc hóa. Không gây phiền phức cho các công ty Pháp mà ngược lại. Vậy là hoàn toàn thân thiện, yên tâm vì lợi ích của người Pháp. Rõ ràng năm mươi "ông lớn" tập hợp dưới nụ cười của ông Franchini, điều khiển người Việt Nam nhân danh đồng bạc dễ hơn ông Pignon nhân danh nước Pháp nhiều.

Thực khách sốt ruột chờ một "bạn thân" khác, ngài Nguyễn Đệ, đổng lý Văn phòng nhà vua, mưu sĩ dưới bóng Bảo Đại. Ông này cũng am hiểu về tài chính, lúc trẻ ông là môi giới của Nhà băng Đông Dương. Bây giờ ở đỉnh cao vinh dự và quyền lực, ông điều hành những khoản tiền đồ sộ hơn trước kia, cho ông hoặc cho Hoàng đế. Thầy ông và ông, để mang lại đồng bạc và đặt đúng chỗ, cần những "ông lớn" Sài Gòn giúp kín đáo; đổi lại họ có thể dựa vào hai người ấy.

Người ta được tin ngài Nguyễn Đệ xin cáo lỗi, vì ông không tới được.

Ngoài các ngài của chế độ, có những ông Châu Á khác, nếu có thể càng dễ mến hơn: hai hoặc ba nhà môi giới lớn nhất của thành phố, những tỷ phú Trung Hoa. Trong số họ một người còn trẻ, phương Tây hóa, Huy Bon Hoa. Tổ tiên làm giàu bởi lòng sùng đạo và cho vay nặng lãi. Hậu duệ đông vô số, có giấy thông hành Pháp, những câu lạc bộ riêng, ô tô thể thao và những ổ con gái đẹp, nhất là họ thống trị việc buôn bán lúa gạo ở đồng bằng Nam Kỳ.

Đến tám giờ bữa tiệc kết thúc. Các ngài Việt Nam ra đi giữa tiếng đưa tiễn long trọng; các nhà môi giới biến mất trong những chiếc li-mu-din lớn nhất mua ở Hoa Kỳ. Những "ông lớn" bước thong thả, từng người một, rất hài lòng, vững tin vào tương lai của đồng bạc. Một số chậm lại để trao đổi về những bí mật tài chính không nói được giữa đám đông.

Như vậy là chủ nghĩa thực dân chết dần dần nhưng chủ nghĩa tư bản vững chắc hơn bao giờ hết ở Sài Gòn. Tuy thế trong số những nhân vật tư sản lớn ấy tôi không giữ lại kỷ niệm của một "khuôn mặt" nào. Chỉ là những kỹ thuật gia về tiền bạc, gần như thoát xác do sống trên đỉnh tài chính và thương mại. Họ đã đạt đến lĩnh vực lợi ích tính toán đơn thuần, tiền lãi chắc chắn. Nghề của họ là khai thác sự hợp pháp, vắt nó như một quả chanh, cả một khoa học có nhiều đức tính, tài năng.

Những "ông già" thuộc địa, những người đi chinh phục, đang trong quá trình bị loại bỏ, kể cả "bố Ganay", thực tế chỉ một mình ông trong hơn hai mươi năm ở Nhà băng Đông Dương, ở Sài Gòn. Một nhân vật đáng gờm! Người ta nói ông bắt đầu trong tối tăm, là thủ quỹ nhỏ ngồi sau cánh cửa - nhưng đã đánh bại tất cả. Chưa bao giờ có một người tàn tệ như vậy đối với mình và những người khác. Biết bao người phá sản, trong suy thoái những năm 1930 trong lúc ông vơ hầu hết của cải của Đông Dương vào nhà băng của ông! Ông nổi tiếng với cách cười gằn khi một con nợ đến đề nghị ông gia hạn: "Tay này chắc yêu mẹ lắm đây, xử anh ta đi thôi!"
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #204 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2018, 04:26:27 pm »


Ông Ganay bị đẩy đi ấy đã là một người "kiến lập" Đông Dương thuộc Pháp. Ông vốn chẳng yêu gì cả, và đã yêu Đông Dương: ông bao phủ xứ này bằng những đồn điền, hầm mỏ, đồng ruộng, cầu đường, thành phố như những vật trang sức. Và ông, một người bị căm ghét, vui thích làm đao phủ đôi khi hiếm hoi cũng biết gia ân. Thay vì đánh hạ con mồi theo như thói quen, đôi khi ông chiếu cố cho ông ta vì nhận thấy cũng say mê, khắt khe như ông.

Ganay không bao giờ lầm. Có những lúc ông tinh quái phê phán người ta cho vui. Ông biết rõ mọi "mánh khoé" của Viễn Đông, cả những "thủ đoạn" kỹ càng nhất của những người Trung Hoa cỡ lớn. Lục địa vàng của chủ nghĩa thực dân, lừa đảo, đầu cơ, của mọi thèm khát là thế giới của ông. Không một khả năng nào thoát khỏi ông. Ông mạo hiểm, chơi lớn và mỗi lần thắng, luôn thịnh vượng hơn giữa những nạn nhân của ông.

Nhưng rất lạ, giữa Đông Dương béo bở như thế với đồng bạc trị giá mười bảy phrăng, ông không hoàn toàn trong cuộc. Với kinh nghiệm, ông còn có ích trong việc điều phối - nhưng một yếu tố chủ yếu của tình hình tuột khỏi tay ông. Ông không hiểu chủ nghĩa cộng sản là như thế nào, ông không hiểu sự không vụ lợi cơ bản của Việt Minh là như thế nào.

Bây giờ ông Ganay này là ông già "khó chịu", nửa lẩm cẩm nửa huyền thoại, đơn độc, càng đơn độc hơn. Ông không có gia đình. Bây giờ ông chỉ bạn bè với những "bồi" của ông, những con mèo và những bộ sưu tập nghệ thuật Phương Đông rất đẹp. Mọi sự có mặt của phụ nữ làm ông ghê sợ. Ông ở trên cao tít ngôi nhà băng Đông Dương, một tủ két bằng cẩm thạch và đá, nặng nề đặt trên bờ sông Sài Gòn. Ngôi nhà chỉ là một biểu tượng. Đấy là hình ảnh tượng trưng của sự thống trị, của quyền lực giày xéo mà Ganay đã là người thợ xây dựng.

Vô cùng giàu, Ganay sống trên đó trong một căn hộ rất đẹp, khách quan, lạnh lùng. Mỗi buổi sáng ông chậm rãi bước xuống theo bậc thang đồ sộ, đầu thẳng, đôi chân run thô thiển lộ ra khỏi chiếc quần soóc. Người ta nghe tiếng ông lanh lảnh, cái cười bao giờ cũng làm mọi người sợ. Nhưng tính cách gàn dở của ông đầy sáng suốt đáng ngạc nhiên, đầy tinh quái diễu cợt. Không có gì làm ông phiền phức nữa. Trong nhiều tháng ông bí mật thương lượng với Việt Minh tìm lại những gì ông quí nhất: một đầu bếp thân tín và một tượng Thần Tài cũng thân tín, cả hai bị lấy mất.

Ông già quái gở vừa cảm động vừa ghê tởm. Tôi gần như thương hại khi lần cuối cùng thấy ông ở văn phòng nhà băng. Rất nhiệt tình ông dẫn tôi lại một tấm bản đồ Đông Dương trên tường, nói với tôi: "Thưa ông, xứ Đông Dương này là một tổng thể rất đẹp, xây dựng rất hài hòa. Một nền kinh tế hoàn chỉnh. Không nên tự chia cắt, sụp đổ, không nên..." Trong lúc ấy một chàng trai rất trẻ, tóc vàng, mắt xanh, tóc cắt kiểu bàn chải, vào nói: "Thưa ông Ganay, một trong những hòm vàng của chúng ta bị phá hỏng ở sân bay Tân Sơn Nhất!” Ganay run run với giọng nói của kẻ hà tiện: "Người ta có lấy cắp đi không? Tôi phải đến xem, tôi đi đây". Và ông nhảy đôi chân bé nhỏ ra phía cửa.

Ganay chết sau đó mấy năm. Một người cháu lạ mặt tới nhận thừa kế.

Thực ra từ năm 1950 Ganay đã là một người hết thời, một xác chết sống, đúng hơn là một người sống sót. Ngay trước khi ông chết, Đông Dương của ông - của lá cờ tam tài, của sự khai thác trực tiếp - đã chết rồi. Ở Paris, kíp mới của Nhà băng Đông Dương, mà nhiều người trẻ xuất sắc từ cơ quan Tài chính, mềm dẻo và thầm kín chuẩn bị "cải tổ" ngôi nhà có tiếng trước thời đại mới. Trước tất cả mọi người, giữa cuộc chiến tranh Đông Dương, trong lúc Trung Hoa đỏ đang là kẻ thù, tổng giám đốc bí mật đến chỗ Mao khai thác những khả năng hợp tác và sinh lợi với những chế độ cộng sản ở Viễn Đông. Những kết luận rất khôn ngoan. Không nên quá lao vào. Điều cần làm là "lợi dụng" tối đa nguồn béo bở trước mắt của chiến tranh, của đồng bạc. Và với tiền lãi, người ta đầu tư lớn ngoài xứ Đông Dương, ngoài Châu Á, đề phòng tương lai không vững chắc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #205 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2018, 04:27:04 pm »


Như vậy Nhà băng Đông Dương có một vụ kinh doanh rất lớn nhờ Đông Dương, sẽ chẳng là gì nữa vào thời kỳ chiến tranh kết thúc. Ngược lại nó sẽ có mặt ở hầu hết mọi nơi khác trên thế giới. Nhiều công ty theo gương nó với những kế hoạch khiêm tốn hơn. Nhà máy Bia và Nước đá ở Algéria, mua lại phần lớn những hoạt động của hãng Vichy. Tư bản Đông Dương nhờ những nguồn lợi của chiến tranh, sẽ rời Đông Dương để trở thành toàn thế giới. Ít nhất cũng là thử vận may vì cũng sẽ có nhiều thất bại.

Công thức mới là "những người suy nghĩ" ở Paris và những người thực hiện tốt ở Sài Gòn. Nhất định với "những người mới" tôi đã thấy trong bữa tiệc, lợi ích của nhà băng và thương mại được bảo vệ kỹ. Những ông ấy tỏ ra có đạo đức và yêu nước. Quá quan trọng, cũng quá thông minh để không được thế. Họ là một thế hệ mới đến với yêu cầu, hiện đại và kỹ thuật cầm quyền, thành công trong việc xây dựng vòng quay hoàn toàn hợp pháp của đồng bạc tự động.

Đấy là đồng bạc lương thiện, không để ai nói về mình, mang lại nhiều lãi nhất. Để có quyền lương thiện phải là một "khối" mạnh về vốn và bảo trợ.

Hệ thống dựa vào đầu óc con buôn: trong quá trình bình định, Đông Dương phải thịnh vượng, ngập tràn sản phẩm. Những nhà buôn lớn đảm nhận việc nhập khẩu cần thiết. Để làm phi vụ ấy họ đòi hỏi thường xuyên "luân chuyển" để việc "kinh doanh" tiến hành thuận lợi - không bao giờ bị từ chối nếu có danh tiếng. Vậy là các hãng chính được đặc ân chuyển đổi đồng bạc sang phrăng, mỗi đồng bạc mười bảy phrăng để mua hàng hóa ở Pháp cho xứ Đông Dương. Khi đã chuyển tới và bán đi, hàng hóa tất nhiên lại sản xuất ra đồng bạc, thế là những chuyển đổi mới, mua mới ở Pháp, bán mới ở Đông Dương. Vòng quay thường xuyên, không để ứ đọng vốn. Mỗi lần đi về dôi ra những đồng lợi nhuận không dùng vào việc mua hàng, cũng cần chuyển đổi, nhưng không trở lại. Công việc lớn là cho dầu vào bánh xe dựa vào pháp luật và vai trò ảnh hưởng. Đây là một cuộc chiến nhỏ, thường xuyên, vừa bảo vệ vừa tiến công mà các hãng luôn luôn có lãi.

Nhưng ngoài sự hợp pháp khôn khéo, có chăng nhiều sự bất hợp pháp được che đậy? Đường Catinat đầy tiếng đồn thổi bê bối về mỗi nhà băng, mỗi công ty thương mại. Người ta nói những thiệt hại vì chiến tranh (do quân đội Nhật, và những nhân vật chức quyền ở Đông Dương đã đòi bồi thường nhiều tỷ) chỉ được trả cho những hãng lớn vẫn không hạ được tham vọng và con số của họ. Không người nào khác được nhận. Những đồn điền cao su chỉ trừ ở Lộc Ninh, từ chối tổ chức tự bảo vệ. Họ buộc quân đội phải đảm bảo an ninh cho họ, làm cho Đội quân viễn chinh bị lệ thuộc rất nhiều. Một trong những chủ đồn điền nói với tôi: "Chúng tôi không muốn đánh nhau. Chúng tôi là thương gia, không phải là lính". Nhưng làm sao không nghĩ việc "trung lập" ấy làm mếch lòng Việt Minh có thể là những người chủ sau này? Người ta bảo tàu Hải quân thường phát hiện những xà lan buôn bán thả neo bí mật trong những khúc sông, lạch nguy hiểm nhiều Việt Minh, như để giao hàng lén lút. Một đại đội hàng không bị nghi ngờ thả dù cho người Việt. Những máy bay ấy mỗi lần bay trên vùng đỏ thường chậm mười lăm phút, nửa giờ so với lịch trình. Không ai bắt được tại chỗ. Nhưng nếu có thật thì những vụ buôn lậu, việc buôn bán với quân địch ấy được tổ chức rất tốt, do những hãng rất mạnh, không bị nghi ngờ gì nên khó có thể tố cáo và dẹp bỏ.

Người ta nói việc buôn bán đồng bạc ở Đông Dương thực sự nằm trong sổ sách vô bờ và hoàn hảo của các nhà băng và hãng buôn. Việc ấy không sờ tới được, che giấu dưới chữ viết, trong phức hợp hoạt động buôn bán, bởi tầm quan trọng của các nhân vật, trong kinh tế tư bản cũng như trong bí mật quốc gia. Ở một tầm mức nào đó, tất cả đều không ai biết được.

Ở Đông Dương không có gì làm mờ, làm bẩn đồng bạc của những người giàu. Vì đạo đức của họ là sức mạnh của họ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #206 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2018, 09:52:26 pm »


Đồng bạc của những người nghèo

Bên dưới chủ nghĩa tư bản ấy, trong bóng của nó, ít nhiều phụ thuộc vào nó, có một thế giới bực tức về đồng bạc. Ba mươi nghìn người Pháp hàng ngày đổ xô vào đồng bạc.

Thực tế, việc buôn lậu mà người ta cho là không xứng đáng ở Pháp, là việc "quen thuộc" - được làm do lớp vô sản da trắng, những lớp trung lưu, do "môi trường". Chắc chắn, trong dân chúng Sài Gòn, nhiều nghìn người lấy việc buôn lậu làm hoạt động chính nhưng nhiều nghìn người khác xem là nghề phụ, chỉ đồng loã. Nhìn chung đấy cũng là nghề thủ công. Nó không lớn, không đồ sộ, không quyết định đối với Đông Dương.

Người ta gọi là "đồng bạc của những người nghèo", đối chiếu với "đồng bạc của những người giàu", đồng bạc của nhà băng, xuất cảng, môi giới và Bảo Đại.

Cũng như của những người giàu, đồng bạc của những người nghèo có hệ thống cấp bậc của nó, thậm chí phức tạp hơn nhiều. Đấy là một túi du lịch có những băng nhóm, những ông gần như lương thiện, cả một môi trường trung gian hành nghề không đủ tư cách, một thế giới những người hưởng phần trăm, một lớp người điên, trộm cắp, phiêu lưu, thủ đoạn.

Mọi người Pháp ở Sài Gòn đều ít nhiều nhúng tay vào việc buôn lậu. Bao nhiêu người trong bọn họ khá đạo đức để không bị cám dỗ? Không nhiều. Trên cùng có đồng bạc của các băng nhóm; Đấy là những "tổ chức" được các cơ quan dành riêng, đúng như các nhà băng và hội thương nghiệp - nhưng bí mật. Người ta chỉ hơi biết nhưng không chiếm lĩnh được, thoát thai từ hai nhóm xã hội mạnh và có kỷ luật, từ lâu đã tạo ra những lãnh địa kín ở Đông Dương. Đó là "tổ chức" những người đảo Crose, những người chủ của thế giới cặn bã da trắng. Đó là "tổ chức" những kẻ đầu cơ Trung Hoa, vừa của việc đổi chác chợ đen. Cả hai là những nhóm đe dọa, tống tiền hoàn toàn sẵn sàng, không thương xót. Chính thức, các băng nhóm ấy bị tất cả chống lại. Chúng có thể có lúc bị "đánh mạnh" nhưng không bao giờ bị tiêu diệt thậm chí không thiệt hại nặng. Năm này qua năm khác chúng cứ tiếp tục khai thác, với những nguồn lãi 100%.

Sài Gòn của những người Corse đi từ ông Franchini lương thiện đến các chủ quán rượu, những thủy thủ đi qua và những tên ma cô đưa từ Marseille sang những gái điếm da trắng. Các cô dễ dàng kiếm một nghìn đồng bạc mỗi lần qua đêm với một người Trung Hoa, nhưng "quan hệ" gần như vụng trộm để không "giảm giá" người đàn bà; Trong thế giới khép kín này, hoàn toàn da trắng, thậm chí hoàn toàn người Corse - những người Pháp khác chỉ có thể là "khách hàng mà người ta buôn bán" một cách thô bạo, chuyên chở hàng hóa giấu diếm, lậu thuế, với mật hiệu, súng ngắn, luật lệ thanh toán.

Nhóm Trung Hoa còn bí mật hơn, cũng tế nhị hơn không dấu vết, qua việc bù đắp trên đường. Để thực hiện ở Đông Dương phần lớn đang là thuộc địa, cần phải có một số trợ giúp của người Âu, chọn lọc, phù hợp với phong tục phương Đông. Một trong những người này nói với tôi: "Người ta có thể làm tất cả với những “con trời". Họ hiểu hết ít nói. Việc giữ gìn lời nói là sự trung thực duy nhất trong sự không trung thực. Nhiều người Pháp nhẹ dạ, ngu ngốc bịp bợm họ, bị "cháy" ngay. Tôi gây cho họ lòng tin cậy, có một hay hai tỷ phú da vàng trong tay nên yên tâm làm giàu."
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #207 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2018, 09:53:10 pm »


Bên dưới các băng nhóm là đồng bạc của sự thêm bớt trộn lẫn, của những kẻ gian dối, nửa gian dối, một phần tư gian dối trong mua bán. Ở Sài Gòn các hiệp sĩ tài chính nở rộ khắp nơi. Phần lớn chuyên nghiệp một cách lạ kỳ, làm việc ở một mức độ xác định mưu mô và gian xảo. Có những người cho công việc đều đặn, công việc tế nhị, công việc đáng ngờ, công việc nguy hiểm, vả lại đấy cũng là sự phân phối công việc với các luật sư và thầy thuốc.

Như vậy là có một tầng lớp xã hội con buôn và nửa con buôn, được tôn kính, thường được khen thưởng, thu lãi chắc chắn. Những người này dễ dàng làm được nhiều triệu mỗi tháng. Những người đứng đắn nhất có bằng cấp, có thư ký, hồ sơ, phòng làm việc đàng hoàng. Thấp hơn thì ở cánh cửa có tấm biển một nhà xuất nhập khẩu giả, thường có tên họ người ấy. Dưới nữa chỉ có một gian phòng trần trụi, bẩn thỉu, với một máy điện thoại.

Vốn của các ông ấy là trí thông minh. Những người được vì nể nhất "phục vụ" các "ông lớn", nhà băng, nhà buôn và cả các băng nhóm. Trong thực tế ở Sài Gòn tất cả hơi lẫn lộn với nhau. Dù sao những "ông lớn" tư bản cũng như những tay "cứng cựa" của các băng nhóm, có những lúc như cần những người bù nhìn chắc chắn, không bao giờ lộ mình và biết rõ mọi người. Họ là những người đưa đề nghị đến những thư ký bất lương nhất của sở Hối đoái, đến những bà vợ hợp pháp và các bà vợ lẽ các bộ trưởng Việt Nam, những cảnh sát và nhân viên thuế quan dễ thông cảm nhất, thầy thuốc châm cứu và những người tình cuối cùng của hoàng đế Bảo Đại, Bảy Viễn và những sát thủ tin cậy của hắn, ông Franchini, toà Giám mục, những "người dễ thương" của giáo chủ Cao Đài, những tỷ phú Trung Hoa chỉ mười lăm ngày người ta mới thấy mặt, những ông ăn mặc đứng đắn đại diện Việt Nam, và bao nhiêu nhân vật có tiếng, bao nhiêu nhân vật đáng ngờ khác. Và hầu như luôn luôn họ hoàn thành nhiệm vụ giao phó.

Bên dưới cùng của thế giới hỗn tạp là những người khổ sở, bèo bọt, lê dép vô vọng bám vào những vụ điều phối kỳ lạ. Thường họ sống vì những "lâu đài xây trên cát", ốm đau, điên dại, ám ảnh, được một cô gái bảo trợ cho đến lúc chỉ ăn phở và mọi cái đổ sụp. Những người cùng khổ về đồng bạc ấy bê tha vất vưởng, thỉnh thoảng biến mất trong bệnh viện hoặc nhà tù vì đối với họ chỉ ăn cắp vặt cũng bị đưa vào trại giam.

Cũng có đồng bạc của hối lộ. Một sự tha hóa lì lợm gán cho viên chức nhỏ, nhân viên thuế quan, đội trưởng cảnh sát, thư ký bàn giấy. Đồng lương có hạn, được kích thích về quyền lực, họ không cưỡng lại những người Pháp, Việt Nam đến với họ với một tập giấy bạc để làm họ nguôi giận và gia ân. Lớp viên chức trung bình và cao cấp thường tỏ ra liêm khiết, thường nói về việc đút lót và cho mình là thánh.

Nhưng ngay trong nhân viên cao cấp của chính quyền, có một số ngoại lệ và một số trường hợp không xác định được. Thật dễ dàng trở thành kẻ nhận hối lộ ngoài ý muốn, không biết đến! Những người Trung Hoa biết đứa viên chức xuống dốc nguy hiểm. Từ những món quà nhỏ không từ chối được vì lịch sự việc biếu xén quan trọng dần và đến một lúc nào đó, nếu không biết nói "không" thì đã mắc vào khớp bánh xe, buộc phải hạ bút ký theo yêu cầu của họ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #208 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2018, 09:54:26 pm »


Đồng bạc được "tạo ra" thường thường ở ngay Sài Gòn, không nguy hiểm. Ở Đông Dương cũng có đồng bạc anh hùng, người ta đặt mạng sống của mình vào đó. Đấy là đồng bạc của những phi công, lái xe. Phần lớn là những người của Đội quân viễn chinh giải ngũ. Họ tập hợp nhau ở những quán bar nhỏ, tìm cách làm tiền. Với một chiếc GMC cũ, họ đi chuyên chở trên đường rừng, qua hàng trăm, hàng nghìn cây số, đến tận Lào, qua những vùng người Việt.

Cả một bản anh hùng ca! Vì tất cả là kẻ địch - người, thiên nhiên, sự vắng lặng, nóng bức, bệnh tật, sự đơn điệu. Họ chạy xe trên đường, đơn độc, qua những toán Việt Minh, những cuộc phục kích và mìn. Phải vượt những chiếc cầu hỏng, sông suối, đầm lầy, đồi núi. Họ luôn ở trong rừng không dứt, thường trên những đường đi đã bỏ phế, sụt lở. Có nhiều ngày không thấy một người nào. Máy xe hỏng họ sửa chữa lấy; người mệt mỏi, họ ngồi lại ở tay lái.

Những "người chuyên chở" ấy ra đi khoác đầy vũ khí. Ở những chỗ nguy hiểm đôi khi họ bắn trước vào những người qua lại, vì cả những công nhân sửa đường đang quét dọn cũng có thể là Việt Minh. Dừng lại giữa rừng, ngủ một chốc lác cũng có nguy cơ bị "thủ tiêu". Nhất là việc chạy đua trong buôn bán, "bạn thân" là kình địch. Sau khi mua "hàng", từ Sài Gòn ra đi là phải đến trước một thị trấn vắng, cắt đứt với tất cả, để bán "loại hàng hóa xấu" giá như vàng. Những kẻ đến chậm thì chẳng béo bở gì nữa.

Dần dần việc buôn đường dài ấy được tổ chức hẳn hoi. Ở những trị trấn buồn tẻ Hạ Lào đã có những người gom hàng, chỉ điểm, có cả những quán rượu, khách sạn! Trên cao nguyên Boloven, người chủ trì là một giáo trưởng râu bạc, đông con. Ông nói với con chiên: "Hãy uỷ thác tiền bạc, trang sức, những gì quý giá của các con cho cha. Nhờ Chúa, cha sẽ giữ chúng trong kho đồ thánh, bảo vệ chúng cho các con”. Tiền của thu thập lại, ông đưa sang Lào, mang theo cả chiếc chuông bạc của nhà thờ. Từ đó ông sống những ngày sung sướng, với các bà vợ và đàn con.

Cách đấy không xa, "bà chủ" một khách sạn luống tuổi, đẫy đà và gan dạ, một người đẹp xưa của Thượng Hải, những ngày nóng nực, đưa cho những người đi đường ở trần, lăn lóc vì bia rượu, xem những di tích thời huy hoàng: hai chiếc áo khoác cổ lông, bà nói là lông chồn.

Than ôi, thời kỳ những "người chuyên chở" lạ lùng ấy kết thúc vào năm 1950. Khi an ninh được phục hồi một ít, họ không còn những chiếc "xe ca Trung Hoa" lan tràn trên đường như nước thủy triều vừa lợi dụng những đoàn xe quân sự Pháp vừa sử dụng giấy thông hành Việt.

Những anh hùng vận chuyển khốn khổ! Họ có nhiều đồng bạc, hàng trăm nghìn, hàng triệu nhưng không biết tổ chức đưa nó vào trong vòng quay của việc kiếm lãi đều đặn. Tiền tiêu hết, họ trở thành suy sụp, sống lang thang nghèo khổ, dự vào mưu mô và tòa án. Trong xứ Đông Dương đầy giết người và khốc liệt này không có chỗ cho những người nghèo.

Trong những anh hùng của đồng bạc cũng còn có những đầy tớ tối tăm của chủ nghĩa tư bản, những kẻ vì đạo không được trả công đúng mức - các trợ lý đồn điền. Họ chết vì một khoản lương ít ỏi với mười hai giờ làm việc mỗi ngày, cuộc sống hết sức đơn điệu. Trên nhiều nghìn hec-ta cao su là mệnh lệnh tuyệt đối về vật dụng cũng như công việc của con người. Ngày nào giờ giấc, động tác cũng lặp đi lặp lại. Buổi sáng lúc bốn giờ, mỗi người Âu đến khu vực được phân công cùng toán cu-li của mình. Ở đây anh ta theo dõi việc chăm sóc cây, cạo mủ, thu gom nhựa. Không có gì nhạt nhẽo bằng, không gì nguy hiểm hơn. Vì trật tự trong đồn điền thật sinh tử - người trợ lý không được bảo vệ, người ta ám sát anh ta giữa những cây cao su, trong xe jeep hoặc nhà ở, bất cứ đâu khi Việt Minh muốn giết. Cu-li cũng là Việt Minh, chỉ cần một cán bộ chính trị ra lệnh là xong. Xung quanh cũng có quân chính quy đỏ. Tiểu liên, súng ngắn mang theo người và không bao giờ rời ra cũng chẳng được việc gì nhiều. Vì mỗi lần như thế là sự bất ngờ, loạt đạn từ một bụi cây tới hoặc bóp cổ trong đêm.

Và sau mỗi vụ giết người, những người Âu sống sót sáng sáng lúc bốn giờ lại ra đi với cây cối, cu li của mình. Vì đã có nhiều tỷ đầu tư - không gì ngăn cản được đồn điền sản xuất, bán cao su để các cổ đông chia tiền lãi. Nhất là trợ lý không được phàn nàn, cấp trên nhận xét; anh lệ thuộc vào trật tự tinh thần của đồng bạc. Và như thế với mấy nghìn đồng bạc mỗi tháng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #209 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2018, 09:55:07 pm »


Nhưng quyết liệt "lao vào đồng bạc" dù do băng nhóm bất lương, do thêm bớt trộn lẫn, hối lộ hoặc anh hùng - bị một quyết liệt khác vượt rất xa: việc chuyển đổi. Đấy là từ chủ của Đông Dương, có khắp nơi, trong tất cả những con tim, những ý nghĩ, những cuộc trò chuyện. Đấy là ý tưởng cố định. Người ta vừa chào nhau vừa hỏi: "Có chuyển đổi được không?" Mọi trí thông minh cùng theo một hướng duy nhất ấy. Kết quả là một sự méo mó kỳ cục, một tư duy như của tên lừa đảo căng thẳng do thành công của vụ lừa đảo mình đang làm. Người Sài Gòn căng thẳng, hướng về kết quả của việc chuyển đổi. Mỗi người đang có một vụ. Điều ấy là của mọi người, một căn bệnh tập thể.

Cái xấu của sự chuyển đổi là tuỳ tiện võ đoán. Về nguyên tắc đấy là một việc làm được hoan nghênh, nhằm thưởng công cho những hoạt động hợp pháp. Nói một cách khác, chỉ đồng bạc "yêu nước" có thể chuyển đổi. Đồng bạc ám muội của đầu cơ và hủy hoại thanh danh bị loại trừ. Nhưng trong mỗi trường hợp, chính quyền là người quyết định thế nào là đồng bạc tốt, xấu. Chính quyền không làm được. Chính do sự bất lực ấy mà người ta phát triển đồng bạc - vượt xa nền công nghiệp loại nhất của Sài Gòn.

Về việc này tất cả đều bất thường. Không chỉ lừa bịp chính quyền để có đồng bạc. Người ta cũng dùng đồng bạc tốt, mua chuộc để chuyển đổi đồng bạc đã bị từ chối theo tỷ lệ phần trăm. Nghĩa là người ta mua sự trung thực. Như vậy, thực tế ở Sài Gòn chẳng còn người nào trong sáng.

Kỹ thuật là dùng những người trung thực hoặc cho là trung thực có quyền chuyển đổi. Có những nhân vật không bị nghi ngờ, những quân nhân, viên chức. Có những người "kinh tế lớn", những người ít nhất cũng chứng minh được thu nhập, đều đặn và hợp pháp, như những thương gia có lãi nhiều, những chủ quán rượu, chủ khách sạn, những nhân viên và giám đốc các hãng có tiếng.

Những người đạo đức nhất cũng chấp nhận. Tôi đã thấy một nhân viên cao cấp vô cùng liêm khiết, hãnh diện về bàn tay và lương tâm trong sạch, không bao giờ nhận một đồng bạc hối lộ hoặc gia ân, cuối cùng đã làm việc đó. Ông không có tiền tiết kiệm và có một cô con gái sắp cưới. Và rồi ở Đông Dương, cả những người không bị tha hóa cũng thấy không có gì xấu khi sử dụng sự trung thực của mình để nhận hoa hồng cho việc đổi tiền ở sở Hối đoái. Kỹ thuật gian lận, sự dễ dàng, thông thường, cuối cùng tạo cho họ một tính cách vô tội.

Như vậy là có những ông "tốt" có quyền chuyển đổi nhưng không có tiền để chuyển đổi. Có những người "không tốt" có tiền để chuyền đổi nhưng không có quyền chuyển đổi. Rút cuộc đều thu xếp được.

Tuy vậy những mánh khóe, những biến đổi, công việc tài chính làm cho những đồng bạc không có giá trị lớn thành những đồng phrăng và những vật dụng quý hơn nữa phải qua hai cơ quan, hai bộ máy bổ sung cho nhau, sở giao dịch bí mật ở đường Lefèvre và sở Hối đoái.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM