Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:15:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84905 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #190 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2018, 10:38:24 pm »


Lương của tôi là cái chết

A... nói với tôi:

- Trên biên giới, cuộc sống chẳng là gì cả. Với những người ở Cao Bằng, đã bị kết án, chỉ còn tự hào coi khinh cái chết. Bao nhiêu lần, buổi tối trong các quán rượu tôi nghe lính lê dương người Đức hát theo ngôn ngữ họ: "Tôi đã có một người bạn". Ngay sau đó tôi biết những người kia sáng hôm ấy đã ra nghĩa địa, ăn mặc chỉnh tề, với cầu vai - tiễn biệt người bạn ấy. Họ chôn anh, bồng súng chào, bắn một loạt, cắm chữ thập trắng trên nấm mồ, thêm vào những chữ thập trắng cắm theo hàng câu đối, của những người đã chết ở Cao Bằng. Buổi lễ kết thúc, ngày qua đi, lại có bài hát ấy - lời tiễn biệt, ý nghĩ cuối cùng. Ở Cao Bằng người ta không khóc, không tiếc nuối gì. Ở đấy người ta vượt lên trên số phận; điều cho phép sống.

A... là người cai quản Cao Bằng. Một người Israel - người Do Thái, cao lớn, đầy bắp thịt màu nâu đôi mắt mượt như nhung, to đầu. Ông biết rõ mọi sâu kín của sự tàn bạo, mọi bản năng cơ bản của cái sống và cái chết. Theo cách của mình ông là chuyên gia về sự độc ác, về những điều không thể hiện được, về những gì trong con người vượt ra ngoài tính chất nhân đạo. Ông đã ở trong những trại chết chóc của Đức, ông không chết vì như có thiện cảm của "môi trường", có trí thông minh của "trò chơi" tiêu diệt, vì ông hiểu cái có thể tồn tại quyết liệt, cổ xưa nhất. Ông bắt đầu cuộc đời như một trí thức của kinh hoàng, như một người phân tích có thể da diết rút ra những hậu quả thực tiễn cho việc sống sót. Ông đã sống sót.

- Nhưng bây giờ, ở Cao Bằng, ông có chấp nhận mình là một người bị kết án, một người chết đang sống giữa bao nhiêu người khác?

- Tôi muốn sống. Tôi cũng muốn sống vô cùng như khi tôi ở trại tập trung Mauthausen. Ở đấy đàn ông, đàn bà, tất cả những người bị lưu đày là những nạn nhân cam chịu, chấp nhận trước mọi máy móc huỷ hoại họ. Những người ấy là những người văn minh bất lực trước sự dã man. Tôi đã muốn họ chết trong một cuộc nổi dậy thay vì theo tuần tự của suy sụp và thanh toán.

Đối với tôi việc chống lại thực sự là chiến thắng cái chết. Tôi không muốn chết vì đấy là điều người ta chờ đợi ở tôi. Người ta đặt tôi vào trong những điều kiện tinh thần và thể chất tạo ra để tôi kết thúc cuộc sống trong vài tuần hoặc vài tháng - hoặc tôi tự chết vì kiệt sức hoặc người ta thiêu hoặc treo tôi lên vì không có khả năng làm việc hoặc vì một sự "cứng đầu" nào đó. Nhưng chống lại khoa học tiêu diệt, tôi tạo cho mình một khoa học sống sót. Không phải bằng "do thám" vì càng hèn hạ và đánh mất mình hơn. Trong trò chơi cái chết mà không chết, tôi chỉ có cơ may thành công một phần trăm. Không được phạm một sai lầm, một suy sụp; dù hấp hối cũng không để lộ ra. Ngày này qua ngày khác, ngay khi chỉ cân nặng ba mươi ki-lô, tôi ý thức được việc mình làm, tôi giữ vững lòng quyết tâm, tính toán từng cử chỉ, từng miếng ăn, từng hơi thở. Tôi tiết kiệm sức lực còn lại như một con vật. Tôi tồn tại vì tôi đã đứng vững; thế nhưng tôi không tả được với ông tôi đã chịu đựng và làm như thế nào.

Đúng là A... không chết được. Tôi cảm thấy ở Cao Bằng, ông cũng sẽ không chết, tuy đã gặp hai mươi cuộc phục kích. Bây giờ ông đi trên đường một mình, tự lái chiếc xe jeep, súng tiểu liên trong tầm tay. Một trong những lý luận của ông là Việt Minh nhắm vào cả đoàn xe, không bỏ công đánh một chiếc jeep đơn lẻ. Họ phục kích không để lộ diện vì một chiếc xe.

- Tại sao sau khi đã ở Mauthausen, ông đến Cao Bằng, giữa những mối nguy hiểm này?

- Tôi lên biên giới theo lời đề nghị vì tôi muốn thế. Đây cũng là một địa điểm của cái chết và tôi quan tâm đến cái đó. Vị trí của tôi đặc biệt, không phải một người bị kết án trước như một lính lê dương. Ở đây cũng có một vũ trụ hư ảo tôi phải chơi: ở đây tôi cũng phải tính toán tất cả. Đội quân lê dương như có một mật lệnh mà mọi người lính dũng cảm đi đến chỗ hoàn toàn quên mình. Châm ngôn của quân lính dù "Chết là nghề nghiệp của chúng tôi"; của lê dương có thể "Chết là lương của chúng tôi". Tính lãng mạn của họ là vâng lời đến lúc kết thúc không tránh khỏi, không phân biệt hèn kém hoặc anh hùng. Tai họa cho ai tỏ ra yếu đuối. Vì thế tôi phải mạnh.

Ông nên biết Cao Bằng có hai trung đoàn được khen thưởng nhiều nhất của nước Pháp - trung đoàn người nước ngoài thứ Ba và trung đoàn RICM. Ông nhìn những khuôn mặt lính và sĩ quan vô cảm, bướng bỉnh, không một dấu hiệu tưởng tượng. Ông cũng sẽ thấy họ lao tới như những con vật chỉ biết đánh nhau và nhà chứa. Lúc ấy ông sẽ hiểu Cao Bằng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #191 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2018, 10:39:27 pm »


Để khai tâm cho tôi nhiều hơn, A... dẫn tôi đến một cuộc duyệt binh giữa quảng trường chính của thị xã. Lính lê dương quân phục ngày lễ xếp hàng trên khoảng mấy mét vuông san bằng trong những đổ nát. Đại tá Simon gắn huy chương cho những quân nhân bảo vệ phủ Tổng Hóa. Đây là bốt đầu tiên bị tấn công mạnh bởi những đơn vị ông Giáp trên đường 4. Tôi đã biết tất cả kinh hoàng của một bốt bị nhận chìm.

Viên đại tá đọc một bài tuyên dương. Từ đôi môi ông toát ra những lời cần mẫn theo lối quân sự. Nhưng qua những từ bình thường ấy xuất hiện sự thật, một sự thật mới và gây cấn. Cuộc chiến tranh đỏ đã bắt đầu, của những sư đoàn quân chính quy, những binh lính đông như kiến, những phản xạ có điều kiện, với vũ khí hạng nặng vác trên lưng người. Đấy là cuộc chiến tranh vượt xa chiến tranh du kích, một nghệ thuật quân sự mới mà người ta không tìm ra cách chống đỡ.

Đại tá đọc thận trọng, như một câu chuyện chiến đấu. Nhưng hơn thế nhiều. Dù từ ngữ nghèo nàn nhưng là sự mô tả một dạng chưa biết về tấn công, đụng độ, đôi mắt. Những quân lính bình thường - vì lê dương là những người lính như vậy, dù ở một hình thức rất cao - đối mặt với những quân lính trước đấy chưa từng có, những người đỏ, những chiến binh đủ điều kiện của chủ nghĩa cộng sản Châu Á.

Không tưởng tượng được. Việt Minh để ra nhiều tháng để bố trí kỹ thuật tấn công Tổng Hóa. Họ xây dựng mô hình bốt này theo độ lớn tự nhiên. Rồi hàng nghìn quân chính quy tập đi tập lại vai trò của mình, cho đến lúc mỗi người biết làm một số động tác họ sẽ phải làm như một người mộng du. Đấy không chỉ là làn sóng người - có cả một sư đoàn công việc giữa đám xông tới ấy. Và đến ngày tấn công bốt Tổng Hóa thật, làn triều người xông lên theo động tác máy đồng hồ. Một vở ba-lê vừa đáng sợ vừa chính xác mà những người tấn công hình như không còn cảm giác về cuộc sống, về sự tồn tại của họ. Đấy là những dụng cụ của cái chết.

Tôi lắng nghe ông đại tá - không biết đang nghe ông kể hay những câu chuyện tương tự hàng chục, hàng trăm lần ở Đông Dương. Đấy sẽ là bài viết hầu như hàng ngày về cuộc chiến tranh. Và luôn luôn bài viết chiến thắng thông thường ấy ẩn dấu vô số sự đau đớn, cái chết và sau này là sự thất bại.

Có một thời kỳ các tiểu đoàn của ông Giáp chiếm những bốt mạnh nhất như ý họ muốn chỉ trong vài giờ. Họ đập tan chúng dưới hàng trăm hàng nghìn đạn cối và ba-dô-ka rồi tấn công không chống lại nổi. Bí mật dồn người và vũ khí trước một bốt, đơn độc, người Việt hành động chắc chắn, với thắng lợi được tính toán.

Năm 1948, Việt Minh chiếm hầu hết các bốt nhưng không hoàn toàn và khu đồn trú với nhiều nỗ lực gần như luôn luôn đẩy lùi được họ, ngay cả lúc tất cả có vẻ đã mất hết. Đấy là việc đã xảy ra ở Tổng Hóa. Do đó đại tá Simon làm lễ chiến thắng khốc liệt và vinh quang của quân đội lê dương của mình. Ông cho mọi chi tiết và tôi viết lại.

Bốt Tổng Hóa án ngữ trên một chỏm núi xa xôi, do đại đội hai của tiểu đoàn lính nước ngoài bảo vệ. Cả một sư đoàn Việt tập trung xung quanh nó trong ngày, nhưng không bị phát hiện. Bỗng nhiên lúc hoàng hôn xuống, súng cối và đại liên quân địch dội bão lửa vào những lô cốt bằng đất và tre bốc cháy và sụp đổ. Trưởng bốt, đại uý Cardinal bị tử thương do mảnh đạn, ông nằm trên cáng tiếp tục chỉ huy chống trả cho đến khi tắt thở. Trung uý Charlotton nắm quyền chỉ huy bị giết sau mấy phút. Tiếng tù và vang lên: dấu hiệu tấn công. Việt Minh lao vào dùng chất nổ phá hàng rào và dùng dao phát mở rộng những chỗ hổng. Rồi từ đó những làn sóng người tràn lên. Một nửa bốt bị hạ. Thiếu uý Bevalet, sĩ quan lành mạnh duy nhất, hướng dẫn ba đợt phản công. Cuối cùng quân lính dồn vào một góc tung lựu đạn không ngớt. Trong bóng tối đỏ rực vì đám cháy Việt Minh bước lên xác người tiến lên. Một lựu đạn Việt giết chết người sử dụng điện đài; những lê dương khác thay thế ngay. Trong đổ nát của Tổng Hóa Việt Minh và lê dương hỗn loạn trong trận xáp lá cà không gỡ ra nổi. Cuộc chống cự được tổ chức lại dần dần. Lính lê dương từng nhóm nhỏ cùng nhau chống trả. Đến nửa đêm cuộc tấn công bị bẻ gãy. Người Việt rút lui, mang theo phần lớn những người chết và bị thương.

Bình minh ngày 26 tháng bảy, sân bốt đầy xác người. 22 lê dương và 62 Việt Minh chết nằm lẫn lộn: một mắt xích của cái chết qua chân tay co quắp bấu chặt họ với nhau. Người ta nhặt được 33 lê dương bị thương. Trong ngày 28, Tổng Hóa vẫn đơn độc, lại bị tấn công. Đoàn quân tiếp viện đến vào buổi chiều, 30 người còn chiến đấu được hoan nghênh nhiệt liệt. Trong khoảnh sân quét sạch, một tiểu đội mười lính lê dương mặc quân phục ngày lễ - mũ kê-pi, lon, cầu vai và thắt lưng xanh - nghiêm chỉnh bồng súng chào người chỉ huy đoàn quân đến cứu.

- Anh hùng như thế để làm gì, A... nói với tôi sau buổi lễ, lính lê dương sẽ đổ máu hơn bao giờ hết, và rất vô ích. Cao Bằng đã là một công trình vô vọng. Từ đầu đã thất bại; người ta không "bịt" được biên giới Trung Quốc dù đã đặt bốt ở các "lỗ hổng" ở Bắc Kạn, Nguyên Bình, Trà Lĩnh và xa hơn nữa. Việt Minh vẫn đi qua bên cạnh. Bây giờ người ta phải trả giá vì sự thất bại ấy. Vì lực lượng quân Việt tăng lên ghê gớm và còn phát triển nữa - chúng ta thì vẫn ở tại chỗ. Sắp tới lực lượng ông Giáp sẽ chiếm lợi thế trên vùng biên giới này. Đến một lúc nào đó, Việt Minh sau khi phá huỷ các bốt phụ sẽ bao vây ngay Cao Bằng. Mọi hệ thống bố trí của người Pháp sẽ tan tành. Mấy nghìn lính viễn chinh mất hút trong khu rừng không tiến lên nổi phó mặc cho quân địch. Ngay từ bây giờ phải giải thoát khỏi con đường 4, nếu không sẽ lâm vào tai họa.

- Nếu ông không tin vào vai trò của Cao Bằng, tại sao ông vẫn ở lại đấy?

- Vì tôi muốn trông thấy. Tôi đã thấy những trại tử thần. Tôi đang "thấy" con đường số 4. Tôi là người chứng kiến điều con người có thể làm và có thể chịu đựng, và thật quái lạ. Rồi ở đây tôi có thể làm điều mà không ở chỗ nào khác tôi làm được, tôi ở giữa một cuộc thí nghiệm thần kỳ. Tôi tạo dựng một thế giới, tạo cuộc sống ở đây. Vì bên cạnh cái chết luôn luôn có cuộc sống. Điều đó cho tôi một cảm giác khoan khoái, cho dù công trình của tôi ngắn ngủi và kết thúc trong đổ nát và trong máu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #192 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2018, 10:41:28 pm »


Cuộc chiến tranh bẩn thỉu

Tôi đã thấy một hình thức của cuộc chiến tranh du kích và chống du kích. Và đã bao nhiêu lần tôi những muốn hỏi một sĩ quan Pháp, với tư cách đàn ông với nhau: "Ông có cảm thấy mình có quyền làm những gì ông đã làm không? Ông có thể bảo vệ nền văn minh khi để mình bị lôi kéo vào những gì ngược lại với văn minh không - vào cả tinh thần bạo lực, sự tính toán khốc liệt và tra tấn dằn vặt? Thậm chí nếu ông nghĩ mọi biện pháp đều tốt nhằm chống lại cái xấu - dù nếu ông sẵn sàng sa sút về đạo đức, ông có chắc cuối cùng không làm trò chơi của Việt Minh đưa ông đến thất bại dứt khoát?”

Nhưng trong nhiều tháng, trong cả năm tôi không tìm được một đối tượng. Các sĩ quan không bao giờ nói về những vấn đề thực của mình, không thèm giải thích, thanh minh. Họ không thể giải mã được, không có tính nhạy cảm của loài người, tách rời tất cả đề ẩn mình kỹ hơn trong lý tưởng chiến binh, trong một đạo lý hiệp sĩ khốc liệt.

Tuy nhiên trung uý, đại uý của Đội quân viễn chinh biết mình không được lòng dân chúng, gần như bị căm ghét ở Pháp. Họ im lặng chịu đựng sự lên án đau khổ ấy. Nhiều người rút ra một chút tự hào gần như thích thú cảm thấy cô độc và không ai hiểu: họ tiếp tục cuộc "chiến tranh bẩn thỉu" của họ càng kiên cường và kiêu hãnh hơn.

Dĩ nhiên các sĩ quan, nhất là những người cấp bậc cao, có những điểm yếu - Bên cạnh chủ nghĩa anh hùng đơn thuần của "lớp trẻ" có chủ nghĩa anh hùng khoác lác - cả một nghệ thuật gây tai hoạ ở một số lớn những người "kỳ cựu".

Người ta cũng gặp được giữa số đông mang lon, một vài sĩ quan thông minh, trong thâm tâm nghi ngờ "có cái gì đó không ổn ở Đông Dương". Họ có những ý tưởng riêng nhưng cẩn thận dấu kín để tránh nguy hại. Ban chỉ huy rất rộng lượng với sự bất tài, kỳ quặc thậm chí với những thói xấu vì không đụng tới "tinh thần quân đội". Họ không thương xót đối với sự thông minh và tính độc lập. Người sĩ quan tốt tin chắc chắn vào lý thuyết của tổng chỉ huy vì ông này luôn luôn có những lập luận chính xác và rất lạc quan.

Rốt cuộc tôi là người chứng kiến cuộc chiến tranh và khó biết được nó tiến hành ra sao. Vì xung quanh tôi tất cả là bảo thủ và ngột ngạt. Tất cả do tướng Carpentier đưa ra. Ông thực hiện những sợi dây cũ từ Thế chiến thứ nhất: miệng bị khâu lại và sự tin tưởng bắt buộc. Còn lại là tự do hành động, với điều kiện những công việc của chiến tranh nằm trong khuôn khổ những học thuyết hợp lề thói được Bộ tổng tham mưu phổ biến rộng rãi.

Chỉ thị là "không sinh chuyện". Mỗi sĩ quan, hạ sĩ quan tự xoay xở trong khu vực mình. Không có mệnh lệnh cụ thể, không có thông báo. Điều cần thiết là tránh "phiền phức", điều cuối cùng biến thành chính thức; không có gì được đăng lên báo, lên tới Chính phủ ở Paris.

Không ai biết rõ sự thực. Điều xảy ra phải là một bí mật. Người ta không tìm thấy dấu vết những sự việc ở đâu cả, nhất là trong hồ sơ quân đội, trong giấy tờ của Ban tham mưu, trong vô số báo cáo chuyển từ cấp này đến cấp khác. Có ý thức hoặc không ý thức, tất cả đều lừa bịp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #193 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2018, 10:43:11 pm »


Một điều lệ tuyệt đối: “không bao giờ đặt những câu hỏi thiếu kín đáo" dù với một sĩ quan quen biết hoặc với một người lính thường; Trong tôi không phải là tra tấn mà thăm dò những cách tra tấn của người Pháp. Vừa là sự giáo dục rất sai vừa là phản bội. Mới sơ bộ ám chỉ, các bộ mặt đã rắn lại, những giọng nói trở nên không có thiện cảm. Câu trả lời bao giờ cũng đe doạ: "Chúng tôi không vi phạm quá đáng. Nếu ông nghi ngờ, ông không phải một người yêu nước, là kẻ địch, làm trò chơi của những người cộng sản." Phóng viên chiến tranh quá tò mò không được gặng hỏi, nếu không sẽ bị trục xuất, kiện cáo, mọi điều sét đánh, mọi giận dữ. Trường hợp ấy không có thương tiếc gì.

Đấy là cả một âm mưu im lặng bao la. Nếu nó hoàn hảo, rộng khắp và không suy suyển như vậy, không phải chỉ do ban chỉ huy. Bởi vì trong mỗi chiến binh của Đội quân viễn chinh, đâu đó trong tâm hồn có một vùng tối. Mỗi người lính có bí mật của mình. Anh ta phải làm những việc không nói lên được - và anh đã làm. Sẽ không tha thứ được nếu anh không giữ những điều ấy xa anh, xa lương tâm anh, xa cả sự hiếu biết của những người khác. Trước tất cả, không nên cho những điều ấy một cái tên, một sự tồn tại, không ghi chúng vào danh mục. Những nỗi kinh hoàng ấy thuộc về thế giới không có nguồn gốc và không tránh được này.

Thế nhưng làm sao bao nhiêu binh lính Pháp có thể vô tâm chịu đựng sự dối trá này như vậy? Hầu hết họ là những người trung thực. Có những người Kháng chiến Pháp, những quân du kích ở Auvergne hay núi Alpes những người nguyên là cộng sản nhưng họ đánh những du kích, những người kháng chiến Đông Dương không ân hận. Có những giáo dân vào cầu nguyện và chịu rửa tội trong các nhà thờ với thái độ vô cùng nhiệt tâm - nhưng lòng sùng đạo là của những thần chiến tranh dâng lưỡi gươm cho Chúa. Cũng có những cha tuyên uý mặc quần áo sĩ quan cổ đeo thánh giá - nhưng họ làm phúc cho những tiểu đoàn biệt kích. Cuối cùng có rất nhiều những ông bố gia đình mang lon, những tiểu tư sản của quân đội, nhưng họ bình thản ăn uống trong nhà ăn tập thể.

Đôi khi tôi tự nhủ những người ấy không phải đạo đức giả. Họ có lương tâm. Luật lệ của cuộc chơi là nín lặng, đỡ phức tạp hơn. Vì họ "tin" cuộc chiến tranh Đông Dương nêu lên những vấn đề, phải nghiên cứu, phải giải quyết. Và việc đó có thể thay đổi những dữ kiện nói chung đã "thoả mãn". Ở Đông Dương mọi người bị trói buộc vào sự hài lòng.

Và làm thế nào nghi ngờ được "điều xảy ra" - sự tra tấn, những khốc liệt, tất cả những gì người ta phạm phải trên diện tích câm lặng của đồng ruộng và rừng núi?

Ở Sài Gòn, Việt Minh cho tôi xem những hình ảnh thê thảm, hàng ki-lô những bức ảnh hành quyết, những nông dân bị bắn hạ trong khi chạy khỏi làng đang cháy, những người đàn bà trần truồng bị mổ bụng, tre nhọn đâm vào cửa mình, những đứa trẻ chân tay tan tác. Việt Minh cũng cho tôi xem báo cáo về một sĩ quan Pháp, mỗi lần bắt được tù binh, hắn trói vào cây to, dùng dao cắt họng hứng máu vào đầy cốc, vừa uống vừa nói "Chúc sức khỏe mày".

Dĩ nhiên về phía mình, người Pháp cũng trưng bày những bức ảnh tương tự. Ở đấy người ta cũng thấy những nhếch mép nhăn nhó của những người bị hành hình, hàng tấn xác chết bị chặt tay chân. Người Pháp nêu những kinh hoàng ấy do Việt Minh với những chi tiết có vẻ không chối cãi được - ngày, tên, họ, hoàn cảnh. Điều đó chứng tỏ Việt Minh phạm vô số tội ác. Than ôi, điều đó không chứng minh Đội quân viễn chinh không phạm tội.

Khắp nơi đều có không khí như thế, như có một môi trường chung về tàn bạo, đưa đến cùng những việc làm như nhau.

Bản thân tôi chưa chính mắt mình thấy những tàn khốc của người Pháp nhưng tôi đã thấy những hành động đốt phá và ăn cắp vặt. Biết bao nhiêu lần các đội tuần tra ra khỏi những làng họ lùng sục, mang theo những sinh vật sống duy nhất còn lại - gà vịt, lợn, trâu bò. Mỗi người lính, tay cầm tiểu liên, oằn người dưới sức nặng của gà vịt, buộc thành dây đeo vào cổ hoặc nhét đầy các túi áo quần. Một cảnh tượng lạ lùng, những người lính bước lảo đảo vì mang cả vũ khí và sản phẩm chăn nuôi Việt Nam. Còn trâu bò, họ cho lên xe chở đi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #194 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2018, 10:44:27 pm »


Một hôm, cách Sài Gòn vài chục cây số tôi vào một ngôi chùa trống tìm một ban tham mưu. Chỉ có một ông già ở đấy. Ngay khi thấy tôi, ông có cử chỉ đáng ngạc nhiên là tuột quần đùi, dơ đít ra cho tôi. Sau đó tôi được biết một tiểu đoàn Bắc Phi vừa đóng ở đấy.

Cũng có lúc tôi nghe các "hương chức" một làng than phiền.

- Chúng tôi biết chiến tranh là như thế nào. Chúng tôi phải bằng lòng khi lính các ông chiếm lấy gia súc, đồ trang sức, những tượng Phật của chúng tôi. Chúng tôi không tán thành việc họ cưỡng hiếp đàn bà, con gái của chúng tôi nhưng chúng tôi đành chịu. Nhưng chúng tôi chống đối khi họ cũng làm như thế đối với con trai và cả bản thân chúng tôi, những người già, những người có tư cách.

Dù thế nào thì hầu như bao giờ dân quê cũng sợ các tiểu đoàn Pháp đến gần mình. Họ ẩn nấp trong ruộng, trong đầm lầy, lặn sâu vào bùn và nước trước khi quân Pháp đến.

Một số biện pháp đề phòng còn lạ hơn. Ở vùng châu thổ Bắc Kỳ có hai làng thù địch nhau vì truyền thống, căm ghét từ nhiều thế kỷ sau. Vì vậy một làng theo Việt Minh, một theo Pháp. Tuy thế mỗi lần một phân đội quân viễn chinh đến làng đồng minh, dân chúng ở đấy chạy đến cộng đồng đỏ để gửi ở đây những vật quý giá - đàn bà con gái, lợn gà, gạo.

Tất cả những điều đó đã thành thường lệ. Vì cũng có sự khủng bố, tàn bạo. Một cuộc chiến ám sát, ngay giữa dân cư, giữa những người ở nông thôn. Trong tất cả những người da vàng ấy, không người nào biết những ai là Việt Minh, những ai không phải hoặc chỉ một nửa, những ai căm thù Việt Minh, lẫn lộn hết. Tất cả rối mù khi lính Pháp xuất hiện giữa đám đông - đôi khi là lòng trắc ẩn, đôi khi là bản năng người ta gọi là "sự thích thú của chiến binh", đôi khi là phản xạ trả thù mù quáng nếu có bạn mất tích hoặc bị tra tấn đau đớn, thường là sự thờ ơ của người lính cứng rắn không có thì giờ phân tích tình hình, phân biệt đối xử và cứ đánh trống ào tới. Kết quả là giết người và đốt nhà mặc sức, vô ích, không công bằng bởi những toán quân vô trật tự.

Vì cũng có những cuộc tàn sát do ban chỉ huy ra lệnh. Đôi khi vì một hành động "chống đối Pháp" không tìm ra thủ phạm người ta trừng phạt cả một cộng đồng, thường là cả một làng. Việc trừng phạt từ phạt tiền, lao động đến việc tiêu diệt cả làng, đốt cháy cả đất đai. Tôi không rõ người ta bắt và bắn con tin có theo lệnh trên không nhưng việc các làng bị cháy, tiêu diệt bằng thuốc nổ, xảy ra thường xuyên.

Những lý do chiến lược cũng có. Nhiều khi người ta làm những vành đai trống, những vùng trắng xung quanh các con đường, các bốt nào đó, trù tính vùng đất không người bảo vệ được tốt hơn.

Và rồi công tác tình báo, khai thác tin tức. Phần lớn các sĩ quan Phòng Nhì có dụng cụ chuẩn - một máy phát điện, một loa, v.v... để tra hỏi. Phần nhiều họ không tự tay làm mà có những người giúp việc Việt Nam. Nói chung đấy là một công việc không cầu kỳ, hoàn toàn thực dụng. Người ta làm đúng, "theo cần thiết", nêu câu hỏi, dùng dụng cụ tra tấn cho đến lúc có được câu trả lời.

Người ta kể trường hợp một tên "mật thám" đưa người bị tình nghi lên máy bay. Hắn đẩy ba người trong số đó xuống không trung rồi nói với những người khác: "Bây giờ các anh nói đi; nếu không sẽ chung số phận như thế".

Đấy, tất cả những gì tôi có thể biết, có thể đoán ra; nó là một cảnh ghê rợn. Đúng là vấn đề tàn khốc xảy ra ghê gớm ở Đông Dương. Hoàn toàn không như người ta nghĩ ở Pháp, ở các trí thức cánh hữu và những người cấp tiến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #195 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2018, 10:41:19 pm »


NỖI NHỤC NHÃ


Chương I
SÀI GÒN - ĐỘNG CƠ CỦA CUỘC CHIẾN TRANH

Cuộc "chiến tranh thoải mái" gồm những trận đánh du kích và những tra tấn tiếp tục ngày này qua ngày khác không mệt mỏi. Con đường số 4 đổ máu, Đội quân viễn chinh cố định trong ý niệm anh hùng của mình, người Việt "trụ vững" trong lúc chờ quân đội Mao Trạch Đông xuống sát biên giới, ông Pignon mơ về một "đường lối chính trị ở Việt Nam", Hoàng đế Bảo Đại trở về trên đất đai của tổ tiên. Đấy là diễn biến thời sự ở Đông Dương những năm 1948 và 1949 này.

Nhưng một động cơ lớn đang quay không ngừng, đều đặn, có hiệu quả đối với mọi người. Động cơ ấy là Sài Gòn cung cấp đồng bạc mà không có nó sẽ không có lịch sử, sự kiện, cuộc chiến tranh Đông Dương. Chính dân cư thành phố này, hai triệu người miệt mài vào đồng bạc, nuôi sống cuộc chiến tranh và bù lại từ đó rút ra một sự thịnh vượng tuyệt vời. Vì Sài Gòn với khu ngoại ô Trung Hoa của nó, là thành phố giàu nhất thế giới nhờ vào đồng bạc có hối đoái mười bảy phrăng Pháp.

Tôi cố gắng làm sáng tỏ động cơ này.

Trước hết phải biết có nhiều Sài Gòn. Phần chủ yếu - Sài Gòn của những tỷ phú, chỉ lớn bằng một chiếc khăn tay. Sài Gòn văn minh này, giống như một đô thị tư sản, bề ngoài rất trật tự và có lương tâm, nhìn vào tất cả bình thường đến nỗi tôi nghe một bà già Pháp trong thành phố kêu lên: "Nhưng những Việt Minh mà người ta nói nhiều đến thế trong nhiều năm là cái gì?" Và đấy là vợ một viên chức cao cấp.

Một thành phố bằng phẳng, xưa kia được xây dựng trên đầm lầy. Thời tiết nóng nực, bầu trời không bao giờ xanh, luôn luôn u ám vì ẩm ướt. Và trong cái lò ngột ngạt ấy chẳng có gì khác thường. Không phải một Thượng Hải hay Hồng Kông. Không kiêu hãnh, không vô sỉ, cũng không ham mê vô độ. Sài Gòn không có các tập đoàn công nghiệp, ngân hàng, không có giao dịch chứng khoán. Không một nhà chọc trời nào. Cảng sông tởm lợm và đơn sơ. Đường phố Catinat nổi tiếng chỉ là một con đường tầm thường mà các cửa hàng sang trọng, chậm mấy năm về mốt so với Paris. Những ngôi nhà chính còn là những gian nhà tôn và gỗ từ buổi đầu. Người Pháp ở trong những biệt thự cũ từ thời “thực dân" sau cuộc chiến tranh trước. Điều hòa nhiệt độ chưa được biết đến. Điện hoạt động không tốt vì công ty điện lực không muốn đầu tư. Điện thoại còn kém hơn. Trong hoàn cảnh thiếu tiện nghi ấy, người ta khát và hoạt động của nhà máy "Bia và nước đá Đông Dương” tăng giá trị lên gấp đôi. Ô-tô buýt thật thảm hại và những chiếc taxi hiếm hoi không có đồng hồ. Xe con khá nhiều nhưng phù hợp với mức độ tương đối cao trong hệ thống xã hội nên những người "da trắng bình thường" đi xích lô.

Tất cả mang dấu vết cung cách tỉnh nhỏ ở Pháp. Phô trương ở Sài Gòn không phù hợp lắm. Xã hội chia thành khung bậc, có nhãn hiệu, thích thú quanh quẩn cuộc sống trong nhà theo một luật lệ tỉ mỉ. Những nguyên tắc - tôi muốn nói một số nguyên tắc nào đó - có tầm quan trọng lớn.

Vì vẫn phi đạo đức về bản chất. Chỉ tiền là đáng kể. Người Pháp ở Sài Gòn để hoạt động tiền bạc và tất cả mọi biện pháp đều tốt. Nhưng đồng tiền là thực chất. Vẫn có những nhà doanh thương rất bẩn buôn bán dưới dấu ấn nghiêm khắc của những ông hội đồng quản trị nhất thiết bám vào danh dự. Những nhà này đòi hỏi nhân viên phải có phẩm chất trung thực và tư cách, tóm lại là tinh thần tốt.

Sài Gòn những tỷ phú ấy nắm giữ ảnh hưởng ở Paris, có "hành lang" ở Paris, đến Phủ Cao uỷ ở Sài Gòn gần như về nhà mình. Chính Sài Gòn này "nắm" Chính phủ Việt Nam hơn cả Cao uỷ Pháp. Những quan chức chế độ, trong quá khứ ít nhiều là viên chức và bây giờ vẫn là bù nhìn của hệ thống Sài Gòn ấy. Chánh văn phòng hoàng gia, ngài Nguyễn Đệ là một người môi giới cũ của Nhà băng Đông Dương. Còn thủ tướng Hữu nguyên là thanh tra tín dụng địa ốc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #196 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2018, 10:42:58 pm »


Sức mạnh của người biết suy nghĩ là đưa những hình thức hợp pháp vào việc buôn bán, tạo ra một phương pháp khoa học. Nhưng bên dưới chủ nghĩa tư bản lớn ấy, có một vũ trụ quá mức nấp bóng - những người môi giới, thương lượng phiêu lưu, nghèo túng. Qua nhóm người thường xuyên này người ta thấy lại không khí của Paris giấy bạc. Đồng bạc, trước hết là một bệnh tâm thần. Tài chính trở thành một bí ẩn, một kích thích cao độ kéo theo mọi khao khát, nhất là mọi sự tưởng tượng.

Những người da trắng của "đồng bạc cao cấp", những người thấp hơn và những đại gia đóng kín trong một khu và quanh vùng. Bên cạnh Sài Gòn chặt chẽ về nguyên tắc và điên rồ về bộ máy đồng bạc, có Sài Gòn da vàng của những người vô tận, dân cư tăng gấp bốn lần trong mấy năm. Những người ấy của Sài Gòn cũng bị lây nhiễm. Người Việt Nam và Trung Hoa đông như kiến bị giày vò vì đồng bạc của người nghèo, tờ giấy bẩn thỉu giấu trong quần áo rách rưới.

Đấy là một Sài Gòn không được biết rõ, một mảnh đất không trong sạch, nguy hiểm, xa xôi gần như ở địa đầu thế giới. Người Châu Âu chỉ biết ở đấy xảy ra những việc khó chịu, phù hợp với quân đội và dân quê. Trước hết đối với họ - và phần còn lại ở Đông Dương - đây là cái chợ người ta cung cấp và người ta không đến đó.

Sài Gòn này là điều bí mật. Đây là hố sâu xã hội, nhưng có những bậc đi xuống của sự không thăm dò được ấy.

Trên cao nhất là những "tỷ phú" da vàng ngọt ngào và luôn luôn tươi cười. Nhiều người môi giới Trung Hoa - mỗi nhà băng hoặc hãng quan trọng đều có. Hơn viên chức, họ là các mưu sĩ về đồng bạc. Chính họ điều chỉnh chủ nghĩa tư bản Pháp vào tư bản Trung Hoa, phụ trách khai thác Đông Dương ở mức dưới, mức những "người bản xứ". Hai chủ nghĩa tư bản liên minh và chính những người môi giới tạo dựng sự liên minh ấy. Họ là linh hồn của thị trường, của những vụ đầu cơ, đổi chác, buôn lậu. Mỗi người trong bọn họ có tài sản riêng, thường hàng nhiều chục triệu đồng. Mỗi người có tổ chức riêng. Những bù nhìn, dồn khách cho đến những kẻ "giết người". Gia đình họ là cả một bộ tộc. Thường họ có bà con với những dòng họ lớn Trung Hoa ở Hồng Kông và Singapore nắm giữ bộ phận lớn nhất những hoạt động tài chính trên thế giới để đầu cơ tiền bạc và nguyên liệu.

Hoạt động của một môi giới của bất cứ tỷ phú nào là vô cùng. Nhưng tất cả những gì anh ta làm là bí mật, với vẻ ngoài luôn luôn lương thiện, vẻ ngoài đáng kính ấy tỏ ra trong những bữa tiệc linh đình. Người ta nâng cốc uống cạn, đọc diễn văn và vui đùa đúng mức. Bà vợ tỷ phú, già nhất, khô cứng và nhăn nheo, ngồi đấy không một lời, hết sức tôn kính.

Người ta không biết gì về hoạt động vô vàn của những môi giới và tỷ phú. Trước hết những ông chủ của họ hoặc các hội viên Pháp không muốn biết gì. Dù những tay ấy làm thế nào họ cũng vừa có lương tâm trong sạch vừa có những khoản lãi khổng lồ, và việc đó không bao giờ gây ra bê bối, thậm chí không bị nghi ngờ. Hơn nữa các môi giới không bao giờ nói gì. Cơ sở của việc buôn bán ở Châu Á, rất bí mật. Một lời nói thừa có thể chết người - có biết bao nhiêu điều tế nhị! Hơn nữa, Việt Minh, những băng nhóm và cảnh sát mà họ quan hệ, trong một số trường hợp đã có xu hướng nói với họ: "Khoản tiền của anh quá lớn. Hãy cho chúng tôi một ít". Tài giao thiệp tinh tế giữa tống tiền và chống tống tiền thật vô tận, với những vụ bắt cóc, tiền chuộc, giết người. Nói chung, các "đại gia Trung Hoa" dàn xếp, trả tiền và lại làm những phi vụ mới có lợi cùng những kẻ tra tấn của họ.

Đồng bọn của nhà tỷ phú da vàng có mặt khắp nơi, làm việc khắp nơi nhưng ẩn danh. Đấy là đồng tiền lạ, không ai biết người sở hữu nó. Người ta không thể đi ngược về nguồn gốc, quá phức tạp không lần ra được trừ phi chộp lấy nhân vật ấy và nói: "Nếu anh không "nhả ra", chúng tôi sẽ chặt anh từng khúc". Bọn trộm cướp có thể làm thế nhưng sở thuế thì không. Vả lại các đại gia Trung Hoa biết những bọn trộm cưóp khác những nhà chính trị, những người có vũ trang khác có thể cầu cứu; ông ta cũng có vũ khí của mình, có những đe dọa trả đũa về thương mại và tài chính. Thương mại, buôn lậu, tài chính, bắt cóc, tất cả cùng tiến hành. Người ta bàn cãi luôn luôn nhưng không bao giờ có gì thể hiện lên bề mặt. Thế nhưng đấy là Sài Gòn, thực chất nhất, quan trọng nhất, và cũng kín mít nhất. Nếu người ta biết được việc gì xảy ra người ta sẽ hiểu nhiều bí mật của Đông Dương, nhưng không thể biết được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #197 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2018, 10:44:07 pm »


Bên dưới "khôi tiền lớn" quá vô hình ấy, vượt khỏi hư không và nghèo khổ "Sài Gòn những căn nhà ngăn ô” còn mang dấu ấn giàu có Pháp là vòng đầu tiên vây quanh Sài Gòn các tỷ phú Pháp - dân nghèo hợp lệ, "dân bản xứ" khá giả tranh thủ được một ít và sống trong "các ngăn". Một ngăn là một hành lang dưới mái, dài mười mét, rộng hai mét. "Đường hầm" nhưng là dạng nhà tư sản Châu Á: thẳng góc với đường phố, chia làm một quán hàng mở rộng trên hè phố, một gian phòng để làm mọi việc, một sân người ta xây dựng "vững chắc" những căn nhà ngăn ấy với hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn mà các công ty bất động sản thuê rất đắt.

Những căn nhà ấy nối tiếp nhau vô tận trên đường phố này đến đường phố khác hàng nhiều cây số. Tất cả luôn giống hệt nhau, những khoang như nhau, cùng bố trí một cách.

Khắp nơi người ta thấy từng dãy quán rồi các phòng, các sân trong bố trí số học. Khắp nơi cũng những hàng hóa, những nghề lặt vặt ấy, cũng dân quán hàng và thợ thủ công ấy. Thật yên tĩnh, vui vẻ, đông người, hơi hôi hám, nhìn bề ngoài là cảnh lương thiện của những người "làm ăn nhỏ", cả gia đình vất vả suốt ngày từ mờ sáng đến đêm khuya. Ở đây, những người thợ may mình trần ngồi xổm cắt những bộ quần áo đẹp trong hai mươi bốn giờ. Những gì buôn bán, lao động có thể làm, người ta làm cả.

Những khu phố này có vẻ chẳng có gì bí mật. Đường còn vạch, có đèn và cảnh sát mặc đồng phục. Dân cư có tên họ, lý lịch, phương tiện sinh sống có xác nhận. Thực tế tính cách gian lận đã bao trùm rất rộng.

Phải chăng những ngăn nhà ấy không che giấu gì? Mỗi gia đình có vẻ sống công khai trước mắt mọi người, bố, mẹ, các ông bà, con cái; thư ký và thợ chen chúc trong cửa hàng hoặc xưởng thủ công trống trải nhìn ra hè phố không có tấm ngăn hoặc cửa kính tách biệt. Nhưng cũng có những gì ở phòng trong hoặc sân sau. Tất cả đều gian dối.

Khu phố lúc nhúc tiệm hút, những nhà chứa nhỏ, phòng xoa bóp, những cơ sở phá thai, cảnh sát nhắm mắt lấy tiền thù lao và cũng vì không biết cái gì hợp pháp, không hợp pháp theo tục lệ và vệ sinh. Khu phố cũng đầy những ban ám sát, những phòng thu thuế của Việt Minh, trung tâm chỉ huy các băng nhóm, các kho vũ khí. Lẫn lộn với những người "da trắng bình thường" trong cảnh khốn khó có những viên chức cổ cồn trắng của Chính phủ, những chỉ điểm của người Pháp, những người hợp tác, "kẻ phản bội", có cả một thế giới những kẻ giết người, bọn khủng bố có vũ khí, kẻ ném lựu đạn, nhân viên thu thuế bất hợp pháp. Nhưng cảnh sát chẳng làm gì được.

Việc đề phòng tốt nhất là tình trạng kỳ lạ giữa người và vật - của hàng trăm nghìn người giống hệt nhau, của hàng chục nghìn căn nhà như nhau. Kẻ giết người ăn mặc như một viên chức bàn giấy, quần áo comple tồi nhưng là ủi cẩn thận. Cũng khuôn mặt như thế. Làm sao phân biệt được giữa những đầu người da vàng, giữa những người Annam, tất cả đều đứng đắn, cẩn thận và sạch sẽ như vậy? Dĩ nhiên tất cả, công dân tốt cũng như kẻ giết người đều có những giấy tờ người Pháp cấp rất hợp lệ.

Và rồi còn việc bố trí chỗ ở. Các căn nhà biến thành một mê lộ duy nhất. Khắp nơi, từ nhà này sang nhà khác, người ta khoét lỗ ở vách ngăn và ngụy trang lại. Phía sau, sân nhà kế tiếp nhau vô tận thành một con đường nhỏ bí mật giao nhau với những đường khác loại ấy. Vì vậy khi một người cảm thấy bị cảnh sát hoặc một đội tuần tra đe dọa chỉ cần chui qua lỗ ở vách ngăn để ra đường, mất hút trong đám đông, biến vào căn nhà bên cạnh rồi trong khu phố vô số căn nhà. Vả lại con đường bí mật ấy có những người gác, những hệ thống báo động. Do đó việc tìm kiếm, lục lọi hiếm khi có kết quả.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #198 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2018, 10:46:02 pm »


Sài Gòn những căn nhà ngăn ô là Sài Gòn của Việt Minh nghiêm túc. Những đường dây bố trí tốt, che đậy kỹ, tranh thủ mọi lợi thế của quy hoạch đô thị và sự văn minh, có thể tha hồ "làm việc", cách Sài Gòn những tỷ phú người Âu rất gần, ở đầu đường phố, đôi khi sự chuyển tiếp không cảm thấy rõ. Nói chung họ để Sài Gòn của những người da trắng yên bình để "bơm" đồng bạc tốt hơn, đôi khi Nguyễn Bình cũng đòi những liều lượng nào đó bằng ám sát.

Cách xa những căn nhà ngăn ô là những mái nhà tranh mê cung tuyệt đối, một "thành phố lau sậy" gần hai triệu người không tên. Ở đây những gì là Sài Gòn, những gì cấu tạo nên thành phố gần như đã biến mất. Không có đường phố, hàng quán, luật lệ. Người dân tự làm nhà ở ngay trên đất trần hôi hám, trên đầm lầy, giữa những con lạch - những con lạch cũng đầy người, những xóm thuyền trôi nổi, những gia đình đầy đủ, các thế hệ sống vĩnh viễn trên những tấm ván của chiếc thuyền cũ nát. Biết bao lần một con lạch hiện lên trước mắt tôi như một rừng ván rỗ mang hàng nghìn người từ lúc sinh đến lúc chết, trên dòng nước đặc ngầu.

Cả đám dân cư các "thành phố lau sậy" là những người "mất gốc", không có công việc thường xuyên, không nguồn thu lương thiện. Để sống qua ngày, những người dân quê cũ làm cu-li, đạp xích lô, bán rao vặt. Cũng có những thầy bói toán, lừa gạt, những kẻ ngoài pháp luật, một số thợ, viên chức lương còm cõi. Có một số đông hành khất, tàn tật, những người gần như thây ma, bị bỏ rơi, bị những căn bệnh ghê tởm hành hạ. Có cả trộm cắp. Ban ngày những người ấy ra khỏi ổ chuột của mình rải khắp Sài Gòn và Chợ Lớn đi tìm kiếm đồng bạc - đến tối trở về đổ sụp xuống chỗ nằm. Đấy là khổ cực, huỷ hoại. Một người đạp xích lô, to lớn vui vẻ mình trần trong ba năm trở thành người bệnh lao. Phi đạo đức đã thành bản chất nên nó tự nhiên, ngây thơ. Một người có thể làm những gì vì mấy đồng bạc? Và dĩ nhiên đối với con gái không còn vấn đề đức hạnh.

Nỗi khổ vô bờ, nhưng chưa phải là mức cuối của sự khổ cực. Không ai, hoặc gần như không ai chết đói, ngược lại với nhiều thành phố Viễn Đông khác. Điều đó dựa chủ yếu vào những nguồn lợi nhỏ của chiến tranh. Sự thịnh vượng của đồng bạc đến tận những thành phố lau sậy, đến cả những người nghèo khổ tệ hại, cho họ bát cơm hàng ngày cũng như những ảo ảnh sung sướng về thuốc phiện, mại dâm, đánh bạc.

Cũng không hề buồn. Rất vui. Để hiểu cường độ sống, phải thấy sự háo hức của những người cu-li ngồi xổm vòng tròn và cơm vào mồm. Để hiểu niềm say mê, phải thấy những người hành khất chơi suốt đêm dưới ánh sáng một ngọn nến, đánh bài đến cùng với của bố thí ban ngày. Thường có những xác chết bỏ rơi nhưng chẳng bận bịu gì đến ai. Những bà lắm mồm, hách dịch, những mụ tú bà huyên thuyên từ sáng đến tối. Nhiều khi các bà nắm tóc nhau, cào cấu nhau rách nát trong những cuộc cãi lộn điên tiết, những người bên cạnh nhìn cười. Và có gì đẹp hơn lúc hoàng hôn cảnh bên giếng nước? Những cô gái tết tóc, mặc áo quần đen láng bóng mang xô tới đó đùa dỡn nhiều giờ với những chàng trai bên cạnh.

Tuy vậy chiều sâu của Sài Gòn thành phố lau sậy này không bao giờ dấy lên một làn sóng căn bản - một đà nhảy, một lý tưởng vươn tới - hoàn toàn là tính ích kỷ, mỗi người đấu đá cho mình, không hề thương xót. Con người có thể làm tất cả vì một đồng bạc, nhưng đồng bạc ấy những quyền lực trên không ngừng tìm cách giật lấy. Chống lại những sức mạnh, những tổ chức đáng sợ ấy, con người dưới đáy xã hội quá đơn độc, để tự bảo vệ chỉ có vâng lời, mưu mẹo và phản bội khi có thể. Tầng lớp dưới của Sài Gòn là như vậy, dân chúng tìm cách để không bị tước đi hết. Có một cách đặc biệt dễ dàng vươn lên. Đấy là cờ bạc, cờ bạc trong khu nhà Đại thế giới, nơi toàn thành phố đến để tự phá sản.

Hơn nữa, ba tổ chức chính dồn ép quần chúng bằng sức mạnh: Việt Minh, Bình Xuyên, cảnh sát. Họ đấu với nhau trong một cuộc chiến tranh tay ba để nắm độc quyền "tống tiền" trong thành phố. Những thù địch bí mật này đầy những giai đoạn bi hài với nhiều xác chết và cũng nhiều tay hào hoa dễ chịu.

Năm 1949 cuộc đấu của họ đặc biệt quyết liệt. Các "tổ chức" đánh nhau để kiểm soát Đại thế giới - "phi vụ" thần kỳ nhất của Sài Gòn. Chính lúc đó Hoàng đế Bảo Đại tham gia cuộc đấu và can thiệp với trọng lượng quyết định lợi thế cho những người bạn Bình Xuyên của ông. Đấy là sự thông đồng chính thức, thậm chí là sự liên kết giữa Nhà nước, Chính phủ và băng nhóm bất lương.

Tất cả những cái đó là Sài Gòn. Chúng ta hãy phân tích chi tiết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #199 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2018, 11:27:20 am »


Những tù nhân của đồng bạc

Hơn ba phần tư người Pháp ở Đông Dương, những người dân sự, tập hợp trong Sài Gòn đồng bạc ở một đầu của thành phố bao la. Đấy là những tù nhân của sự tráng lệ. Nhưng họ không cảm thấy bị cầm tù, thậm chí rất sung sướng. Hạnh phúc của họ là săn lùng tiền.

Sài Gòn của những "kẻ săn đồng bạc" được bố trí tốt. Có tất cả những gì cần thiết. Trước hết, dĩ nhiên có một góc để "giao dịch về đồng bạc", gồm cảng và khu tài chính bẩn thỉu, vừa chính thức vừa bí mật ở sau bến tàu. Ở đây bên cạnh sở Hối đoái có những hãng buôn bán lâu năm, Nhà băng Đông Dương và những cơ quan đáng kính nhất, những gì cần thiết để "sinh lợi". Chỗ này, tập trung những quán bar đảo Corse mà các "thủy thủ" đến tiếp nhiên liệu mang theo vàng lậu. Ở đây những nhà băng Trung Hoa mạnh chuyên tài trợ cho những vụ việc bất hợp pháp ẩn dưới vẻ ngoài những nhà thuốc hôi hám. Chỗ này, trên con đường nhỏ Lefèvere, mỗi sáng có chợ đầu cơ ngoài trời, trong nắng nóng và lúc nhúc người.

Cũng có những góc ăn ở - trước hết để ngủ: trên "Đồi" - một vùng đất ít bùn lầy hơn, cao mấy mét khống chế phần thành phố còn lại. Dọc những đại lộ cây xanh nối tiếp những biệt thự nặng nề của những người Pháp "có tư cách", những viên chức cấp cao và nhân viên điều hành nhà băng và sở Hối đoái. Cứ tám giờ sáng, những chiếc xe con với lái xe đưa các ông đến văn phòng. Các bà đi bên cạnh, đến "Câu lạc bộ thể thao" mà người Việt Nam và Trung Hoa không được nhận làm thành viên, dù không còn lệnh cấm chính thức.

Có góc quản lý hành chính vùng rìa Đồi. Ở đây tập hợp tất cả những dinh thự cần thiết cho việc điều hành xã hội - lâu đài Cao uỷ đặt trong công viên riêng, lâu đài Chính phủ Việt Nam kém đẹp hơn, Nhà thờ lợp ngói đỏ, nhà tù có vọng lâu bên cạnh lâu đài Chính phủ, ngôi nhà dài của ngành an ninh lô nhô hàng rào sắt cách nhà thờ mấy mét, lâu đài tòa án xa hơn một ít.

Đường phố Catinat là rốn của Sài Gòn, nối các "góc" chủ yếu. Bắt đầu cao sang từ viền Đồi, những dinh thự đẹp và lâu đài kéo dài một cây số và kết thúc thô thiển ở cảng. Đoạn cuối là lãnh địa "trung tâm" đảo Corse. Ở đây người ta thấy những khuôn mặt nâu và đáng ngờ của những "chàng trai không tốt" đến từ hòn đảo của sắc đẹp. Sở chỉ huy của họ là những cửa hàng bia hào nhoáng, nic-ken và đèn ống, bình lọc cà phê, điệu nhạc dịu, cái nhìn lâu và im lặng, những tấm gương lớn phản ánh lên tất cả, cách chào của chủ cửa hàng, phong vũ biểu đích thực của thế giới này; và rồi nhìn qua cô thủ quỹ đẫy đà, khuôn mặt đẹp thường xuyên theo dõi phía sau những cánh cửa không bao giờ người ta bước vào là tất cả những bí mật của "việc trao đổi".

Phần giữa của con đường Catinat là con tim Sài Gòn. Khi không suy tư và không ngủ, thường người ta đi dạo ở đấy. Có Sài Gòn của tiền bạc, của cao uỷ, ban tham mưu và cũng của những người Pháp trung bình, của những kẻ phiêu lưu, những "kẻ đần", tất cả những cái Sài Gòn có thể có, lẫn lộn. Trên mấy trăm mét dành riêng, ba mươi nghìn người Pháp trong thành phố đi qua lại ngày này rồi ngày khác, luôn là những gương mặt ấy. Vòng tròn của những tù nhân không biết mình bị cầm tù.

Đây là nơi gặp mặt chung. Người đàn bà thời thượng gặp cô gái đĩ Marseille. Viên tướng đụng phải anh lính lê dương. Thanh tra cảnh sát nhìn theo "khách hàng" vừa ra khỏi khách sạn. Mọi người đều ở đấy và mọi người biết rõ nhau. Mỗi người qua đường biết rõ những chuyện bẩn thỉu, những bí mật sâu kín của mọi người qua đường khác. Nhưng họ không hỏi chuyện nhau, cẩn thận như không biết nhau. Luât lệ thật phức tạp. Phải cùng tầng lớp mới chào nhau, bắt tay nhau.

Cuộc dạo chơi muôn thuở ấy có những giai đoạn, những điểm ngừng bắt buộc. Vì ở đây có những nơi cao sang của Sài Gòn - khách sạn Continental, phòng trà Pagode, nhà hàng Bodega nơi các chủ tài chính ăn tối, nhà hàng La Paix lãnh địa những người cũ, cửa hàng của "phòng trưng bày Eden" mà phụ nữ lịch sự đến mua tác phẩm nghệ thuật, hiệu sách Portail các trí thức vào mua "những tờ báo Pháp" ở các bà bán quá màu mè, thường là vợ góa sĩ quan.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM