Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:16:50 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 85302 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #180 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2018, 05:19:16 am »


Những khẩu đại liên của thị trưởng

Chiến thắng ấy không có ngày mai. Vì lúc tôi đến, Lao Cai đã là một thị xã chết, nhân dân trốn tránh, ẩn mình sau những cọc và tấm ván. Tôi lại thấy nỗi sợ hãi. Viên đại uý cũng giật mình khi nói với tôi.

Trong văn phòng ông, những tấm bản đồ ban tham mưu đầy những mũi tên đổ từ mọi phía chĩa vào Lao Cai.

- Cuộc tấn công đã bất đầu lại. Lần này quân địch muốn kết thúc cho xong. Thậm chí tôi nghĩ những đợt thả lính dù mới cũng không cứu được chúng tôi. Hôm trước lãnh đạo Trung Hoa và Việt đã họp cấp cao tuyệt mật: thay vì kết tội nhau, họ đều phê bình, công nhận có những ẩn ý và nghi ngờ nhau. Từ nay họ sẽ hành động với tình "anh em", tất cả tấn công Lao Cai cùng một lần, cả mọi phía, lao về phía trước không chờ đợi, không trông chừng nhau, không bận bịu về những kế hoạch phức tạp. Chiến thuật duy nhất của họ là nhấn chìm thị xã bằng người.

Tchou Kia Py hứa cho các đội quân đốt phá. Vì vậy mọi loại băng nhóm Trung Hoa bị chiến lợi phẩm hấp dẫn, đang vượt sang Đông Dương, phía bắc cũng như phía nam sông Hồng. Biên giới chỉ còn là một cái vá vớt bột.

Không phải chỉ có thế. Điều tệ hại - nghiêm trọng nhất là Trung Hoa mà Việt đã quyết định trước hết chiếm Hà Khẩu. Hiện tại các tiểu đoàn của Tchou Kia Py và các tiểu đoàn Việt Minh đang tập trung phía sau, Thị trưởng Quốc dân đảng - vốn luôn luôn từ chối chi phí cho cảnh sát - vội vàng tuyển cu-li, ăn mày, phân phối súng cũ cho họ. Đấy là toàn bộ sự chống trả của ông ta, đúng một hài kịch để khỏi mất mặt. Và khi cộng sản ở Hà Khẩu, họ sẽ dội đạn xuống chúng tôi với súng ca-nông của pháo đài cũ khống chế cả vùng lưu vực sông Hồng.

Từ cửa sổ văn phòng tôi thấy Hà Khẩu rất gần, nghiêng nghiêng, còn trong yên tĩnh của hòa bình. Lá cờ Quốc dân đảng vẫn phấp phới đầu cán, trên cao thành trì Trung Hoa.

Nếu quân đỏ từ trên ấy bắn xuống Lao Cai, tôi sẽ ra lệnh dội bom Hà Khẩu. Sẽ tiến hành trả đũa dù có gây nên một khủng hoảng quốc tế. Tôi đã xin Hà Nội một khẩu ca-nông 105. Chốc nữa người ta sẽ chở tới.

Trong ngày đại uý không chỉ nhận được khẩu ca-nông mà hàng trăm cu-li kéo, đẩy lên một hòn núi cao trước mặt Hà Khẩu. Ông cũng nhận được một bức thư của thị trưởng mong mỏi ngay chiều nay trưởng khu đồn trú Pháp đầy quyền lực chiếu cố đến thăm ông.

Chúng tôi đi ngay. Chiếc cầu quốc tế chỉ còn là một đống sắt cong queo; chúng tôi đi đò qua thác nước dùng làm biên giới, rời chỗ trống không đến chỗ đông người. Hà Khẩu không trong cảnh lo sợ như Lao Cai, dân cư đông đúc lúc nhúc trên những con đường lát đá và hôi hám. Họ nhìn chằm chằm vào chúng tôi nhưng không nói gì, hoàn toàn thờ ơ. Những người ấy thậm chí không cần ẩn náu. Họ biết sẽ không đánh nhau ở Hà Khẩu, tất cả xảy ra theo thông lệ. Vào một giờ nào đó trong một ngày nào đó, thị trưởng sẽ khăn gói ra đi. Mấy phút sau các đội cộng sản chiến thắng sẽ xuất hiện, sẽ thổi kèn, diễu hành. Mọi người dân treo cờ cộng sản mà họ chuẩn bị từ lâu. Và họ đi dự một cuộc "mít tinh" lớn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #181 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2018, 05:20:05 am »


Chúng tôi trèo lên lâu đài của thị trưởng trên đỉnh núi, bên cạnh lô-cốt. Dĩ nhiên mọi việc đã được thu xếp. Không có quân lính; chỉ vài ma-cà-bông cầm súng mút-cơ-tông còn lại từ thế kỷ trước. Thị trưởng vừa thành công hoạt động tài chính cuối cùng. Ông ra lệnh tổng động viên nhưng mọi người đàn ông đều mua giấy miễn nhập ngũ ở ông. Chỉ một số khổ sở ở lại phục vụ.

Lâu đài đang chuyển đồ đạc. Chúng tôi đi qua các cửa, sâu khắp nơi có hàng trăm chiếc hòm; đầy tớ đang sắp xếp, một đám cu-li chờ để mang đi. Trong cảnh sôi động ấy một viên thư ký đến thì thầm với chúng tôi, thị trưởng đang ốm. Tuy nằm liệt giường, ông cố gắng tiếp ông đại uý trong phòng - chỉ một mình ông đại uý thôi.

Sau nửa giờ, ông này trở ra, khó nhịn cười cho đến khi chúng tôi đã khá xa:

- Không tưởng tượng được. Tôi thấy thị trưởng nằm nghiêng trên giường, một ông già quạt đầu cho ông. Sau những lời lịch sự dài dòng ông trịnh trọng tuyên bố gửi nhờ tôi một kho quý. Tôi nghĩ đến những vật thông thường, một kho của nhỏ, thuốc phiện, có lẽ các vợ ông cũng nên. Nhưng quái lạ hơn nhiều. Đó là mười hai khẩu đại liên, những khẩu súng rất đẹp, còn mới và vẫn để trong hòm, ông ta nói cụ thể với tôi như thế. Ông đề nghị tôi lấy danh dự cam đoan trả lại cho ông khi quân đỏ đe dọa thị trấn sẽ bị đập tan. Do khôn ngoan tôi nói lên ý muốn xem những vật quý đó và tôi nhận ra mười hai khẩu đại liên mà quân đội Lư Hán cướp của tiểu đoàn tôi ngay tại Lao Cai năm 1945. Tôi liền nhận ngay. Tối nay chúng tôi sẽ có thêm mười hai đại liên dù việc xảy ra như thế nào, viên thị trưởng cũng không bao giờ thấy lại chúng nữa.

Chúng tôi thắng lợi trở về Lao Cai. Đến sáu giờ tối một đoàn cu-li đưa các hòm vũ khí đến. Việc chuyển giao không ngờ ấy có nghĩa Hà Khẩu rõ ràng sẽ mất, chắc chắn ngay trong đêm đó; Tuy vậy sáng hôm sau, lá cờ Quốc dân đảng vẫn treo trên pháo đài. Cả ngày trôi qua mà cộng sản không vào thị trấn Trung Quốc đã sẵn sàng tiếp nhận họ như thế. Ngày tiếp theo cũng vậy. Đại uý băn khăn vì không hiểu, cả Se Co Tinh cũng không biết gì.

Hoàn toàn bí ẩn. Sự chờ đợi trở thành quá mức. Trong nhà ăn, các sĩ quan khu đồn trú, những nhân vật nhỏ nhen và tiết kiệm đến bốt Lao Cai để khỏi hoang phí, ngẩng mặt lên khỏi đĩa ăn tự hỏi: "Vì sao Tchou Kia Py không lấy Hà Khẩu?" Riêng những hạ sĩ vẫn thanh thản. Họ có khoảng mười người, những "ông già" thuộc địa, đã mười, mười lăm năm ở thuộc địa, sống như đế vương trong một ngôi nhà cách biệt. Họ đã thu lượm được mọi kinh nghiệm, mọi khôn ngoan trên đời. Những biến động của Lao Cai không làm họ bối rối, đã có quá nhiều triết lý đối với những sự việc bất ngờ ấy.

Khi tôi hỏi cần phải làm gì khi gặp tình trạng nguy kịch, có người nhìn tôi ngạc nhiên:

- Ông nghĩ có thể thoát khỏi đây bằng con đường hàng không ư? Trong tình trạng như ở Lao Cai, không bao giờ có chuyến máy bay cuối cùng, hoặc người ta bị lỡ dịp. Ông phải "làm" con đường mòn Lào, đi hàng trăm cây số.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #182 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2018, 05:21:44 am »


Cả một tuần lễ không xảy ra việc gì. Vào ngày thứ tám chờ đợi, một đoàn lính kéo vào Hà Khẩu. Nhưng trên mũ thay vì ngôi sao đỏ là mặt trời của chính quyền ánh lên; đây là một trung đoàn quốc gia. Dân chúng Hà Khẩu hoan nghênh nhiệt liệt Tưởng Giới Thạch thay vì Mao Trạch Đông và bỏ vào hòm những lá cờ Trung Quốc nhân dân, treo những lá cờ Quốc dân đảng vẫn khôn ngoan giữ lại.

Ngay lúc ấy một phái viên đặc biệt của thị trưởng mang bức thư chính thức thông báo giải thoát Hà Khẩu. Thị trưởng văn vẻ viết: "Ý đồ kiêu căng của quân địch đã bị trừng phạt. Đoàn quân kiên cường của chúng tôi, sau khi tiêu diệt bọn cướp thô bỉ muốn cản đường, vừa thắng lợi vào thị trấn chúng tôi giữa sự hân hoan của dân chúng. Mọi nguy hiểm đã bị đẩy lùi". Để kết luận, thị trưởng mong ông đại uý hoàn lại, tốt nhất là ngay trong ngày, mười hai khẩu đại liên gửi nhờ ông giữ.

Đấy là một sự việc: Hà Khẩu đã được cứu và do đó Lao Cai cũng thế. Nhưng vẫn hoàn toàn bí ẩn. Trung đoàn quốc gia ấy có thể từ đâu xuất hiện vốn không ai ngờ có mặt trong vùng?

Se Co Tinh cuối cùng giải đáp bí ẩn một cách đơn giản, hơp lý và hoàn toàn Trung Hoa. Trung đoàn quốc gia do đại tá danh tiếng Ly chỉ huy không bắn một phát súng. Họ đến từ rất xa. Vũ khí trên vai, đi qua cả vùng cộng sản từ Mong Tseu đến Hà Khẩu. Wan Pao Pang, nhân vật đỏ cao nhất của Vân Nam sau Tchou Kia Py đã cấp cho họ một giấy thông hành.

- Wan Pao Pang ấy, đại uý nói với tôi, là một tướng của Tưởng Giới Thạch cho là mình không được bù đắp xứng đáng về công sức phục vụ. Bất bình ông ta rút về những đất đai bao la của mình ở Pin Ping - Vân Nam, là tên độc tài khét tiếng, chúa tể chiến tranh lớn nhất trong vùng. Ông xây dựng một trung đoàn riêng từ những nô lệ của mình để đánh nhau với Lư Hán và quân Quốc dân. Cuối cùng ông về trung thành với Mao Trạch Đông, được cử lãnh đạo các đội quân nhân dân cả tỉnh. Nhờ sự giúp đỡ của ông mà Tchou Kia Py - cộng sản thực sự, phái viên chính trị mới đến trong vùng - đã có thể chiếm được Mong Tseu.

Nhưng sau đó, Wan Pao Pang, người phong kiến đỏ bỗng lo ngại. Tiến bộ của Tchou Kia Py quá lớn: bao vây vùng lãnh địa của ông, kiểm soát quân đội ông. Wan Pao Pang đã sử dụng cộng sản chống Lư Hán, từ nay ông sử dụng Lư Hán để chống lại cộng sản. Vì vậy chỉ huy các đội quân nhân dân ra lệnh cho tất cả băng nhóm và du kích đỏ trong vùng không tấn công đoàn quân của đại tá quốc gia Ly. Điều đó lập lại sự cân bằng trong tỉnh.

Đối với một chúa chiến tranh như Wan Pao Pang, không một phe nào quá mạnh và quá thắng lợi. Đấy là điều kiện để ông thịnh vượng, thậm chí sống sót.

Tôi sắp rời Lao Cai, thành luỹ vững chắc, được cứu thoát lạ lùng vì những tính toán Trung Hoa của một chúa chiến tranh nào đó. Nhưng Wan Pao Pang ấy, tên phong kiến cải hối nửa vời luôn có trò chơi hai mặt, còn kéo dài thân phận mình bao lâu nữa? Ông ta đã bị lịch sử lên án.

Tuy vậy nhờ ông mà Lao Cai được nghỉ một giai đoạn. Mùa mưa bắt đầu lũ dìm hết mọi khả năng tấn công của quân đỏ. Nhưng sẽ như thế nào, khi cộng sản tấn công trở lại?

Những lời nói cuối cùng của đại uý là:

- Chúng tôi có thể giữ Lao Cai khi mà Trung Quốc cũ còn ở vùng biên giới. Than ôi, nó đang hấp hối. Khi những sư đoàn của Mao Trạch Đông chiếm Vân Nam thì chúng ta không còn lâu nữa, ít nhất là ở Lao Cai này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #183 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2018, 10:17:56 pm »


Sai lầm của phi công

Tôi chờ một chiếc máy bay đã nhiều ngày để ra đi. Mưa phùn còn dày, trải trên đầu chúng tôi như một chiếc khăn ướt. Đường băng lầy lội. Ở Lao Cai hoàn toàn cấm hạ cánh và cất cánh.

Người ta nhận được một thông báo của đội quân dù; có hai lính dù bị thương nặng được cáng đến Lao Cai vào ngày mai. Hai người bị thương nhất định phải đưa về Hà Nội để mổ.

Đại uý xin một máy bay Morane cứu thương vào ngày kia - một máy bay rất nhỏ chở được hai chiếc cáng. Ông đòi hỏi ưu tiên số một nhưng mưa phùn vẫn như bông vải và e ngại ngay chiếc Morane cũng không đỗ xuống được. Thế nhưng hai người bị thương sống chết nhờ vào sự may rủi ấy, ít hay nhiều sương mù hơn trong vài giờ trên châu thổ sông Hồng.

Ngày hôm sau, đoàn quân dù đến Lao Cai vào buổi trưa. Họ đi lảo đảo, nhìn không ra người, còn đáng sợ hơn lần đầu từ núi rừng trở về. Trong một tháng họ đi bộ hơn một nghìn cây số trên những đường mòn. Còn một số người chết họ đã chôn trong rừng, chỉ mang về hai tấm cáng treo dưới các đoạn tre trên đó nằm dài hai thân người đầy máu.

Không có Morane. Một điện báo máy bay phải quay trở lại vì thời tiết xấu, nó sẽ cố gắng đến vào buổi chiều. Hai người đã được đưa ra sân bay phải đưa về lại bệnh xá. Họ hoàn toàn bất tỉnh. Một người bị thủng bụng vì đạn; người kia vỡ sọ. Thầy thuốc buộc đầy băng cho họ. Hoàng hôn lẫn với mưa mù. Đêm tối, không một chiếc máy bay đến.

Ngày hôm sau ánh mặt trời le lói, người bị thương ở bụng chết lúc vừa sáng. Đến mười giờ một chấm đen xuyên bầu trời. Người ta dành chỗ người chết cho tôi. Vả lại tôi có thể có ích trong việc giữ người sống sót đang kéo băng để gãi vào sọ.

Chúng tôi cất cánh. Thời tiết tốt. Người hấp hối bình tĩnh. Phi công lái, một người tóc vàng hai mươi tuổi kêu lên với tôi sau nửa giờ bay:

- Bực quá. Đi dọc vùng châu thổ này như đi trong tàu điện ngầm. Tôi chuyển theo một con đường tắt. Đồng ý chứ?

Anh lao vào một khe hở, có đủ chỗ cho đôi cánh. Phải lượn qua những tảng núi đá. Phía dưới mấy mét một thác nước sủi bọt.

- Lạy Chúa, phi công kêu lên, tôi nhìn lầm khe hở rồi.

Chúng tôi bay vào một ngõ cụt. Phía cuối, không đến một cây số là một dãy tường thành. Thung lũng quá hẹp không quay trở lại được. Hy vọng duy nhất là bốc lên cao để cố vượt qua những bờ núi bó chặt chúng tôi và chuyển theo sông Hồng. Nhưng không biết chiếc Morane có leo được không.

Anh phi công dùng hết sức kéo cần lái. Tôi có cảm giác anh sẽ đâm máy bay vào núi dựng đứng trước mặt chúng tôi nhưng không thấy va chạm. Chúng tôi đã vượt qua dãy đầu tiên nhưng dốc tiếp tục lên và phải lên theo dốc. Chiếc máy bay đụng nhẹ vào đá và cây cối. Đỉnh núi còn hơn một trăm mét; chúng tôi cố lên cao từng mét. Tôi thấy hình như sẽ có sự va chạm tai hại.

Người bị thương cho đến khi đó hôn mê, chỉ khẽ rên. Đúng lúc này anh giật mình điên loạn. Với sức mạnh không ngà anh tìm cách dựt băng, cho tay vào chiếc sọ làm anh đau đớn. Tôi phải giữ chặt anh, sợ anh chết trong cuộc đấu này.

Máy bay lên gần ngọn. Mưa mù dội xuống như một tấm màn đen. Chúng tôi không thấy gì nữa, cũng không thấy quả núi đang lên cao như chúng tôi. Anh phi công cong người trên cần lái, như mù. Tôi vẫn cố giữ chặt người bị thương vùng vẫy, thở hổn hển.

Tôi có cảm giác gặp tai nạn. Qua mấy giây cực điểm rồi phi công hét lên: - Vượt đỉnh núi gần một mét. Chúng ta thoát rồi.

Lại vệt sông Hồng khổng lồ. Chúng tôi lao theo đó. Vẫn mưa to gió lớn, xung quanh tối sầm. Chiếc Morane bay đúng phía trên dòng sông, dựa vào ánh mặt nước, đúng như hôm tôi đi Lao Cai. Người bị thương lại rơi vào sự đờ đẫn im lìm.

Chúng tôi hạ cánh ở Hà Nội. Một xe cứu thương đang chờ. Họ đưa người bị thương lên, bất động, trông như ở những phút chót hấp hối. Anh phi công nói riêng với tôi:

- Nếu anh ấy chết thì tôi buồn lắm: tôi không muốn vất vả mà chẳng ích gì.

Chỉ về sau lâu tôi mới biết người sắp chết ấy đã khỏi bệnh. Theo các bác sĩ đó là một phép lạ.

Ở Ban tham mưu Bắc Kỳ người ta đón tôi như vừa đi dạo chơi về. Ở Hà Nội các nhân vật quân và dân sự luôn luôn cho Lao Cai là một biến cố bình thường của chiến tranh, không quan trọng. Thậm chí họ đánh giá viên đại uý trước mặt tôi là bi quan; tôi sợ sự nghiệp của ông sẽ xuống dốc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #184 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2018, 10:20:05 pm »


Cuộc chiến tranh đỏ thực sự đã xẩy ra

Ở Đông Dương thời kỳ quân lính hai bên thực sự bắn giết nhau nhiều chỉ trên đường số 4. Con đường ấy đã là một đài tưởng niệm của Đội quân viễn chinh.

Khắp các nơi khác là cuộc chiến du kích tàn bạo, giết nhau từng ít một. Thế nhưng ở Lao Cai tôi thấy cuộc chiến du kích dưới dạng hé mở của mặt trận: đáng sợ những vụng về và phối hợp kém. Quân chính quy của ông Hồ từ "tứ giác" xâm nhập vào đến đây quá xa căn cứ. Trên đường 4 họ hoàn toàn ở nhà mình. Và đấy là bước đầu của cuộc chiến tranh đỏ thực sự, kéo dài nhiều năm, tiến dần từ chiến trường này đến chiến trường khác, mấy năm sau kết thúc ở hàng nghìn cây số dưới thấp, trong lòng chảo Điện Biên Phủ.

Trên hầu hết diện tích của Đông Dương, người Việt dùng "chiến tranh nhân dân" là cuộc chiến giữa lòng dân, cuộc chiến mà mỗi con người từ em bé đến cụ già là một chiến sĩ. Vai trò của quần chúng "được tổ chức" là kéo dài hầu hết Đội quân viễn chinh dính vào một cuộc đấu vô tận, dưới mọi hình thức trừ cuộc đánh lớn.

Người Việt không tiến hành cuộc chiến này trên đường số 4, không có dân chúng - gần như không có. Ở đây quân chính quy đánh đồng minh của họ không phải người mà là thiên nhiên ghê gớm, là rừng rậm. Ở đồng bằng họ làm chủ về số lượng. Trên biên giới Trung Quốc là không gian mênh mông. Trong địa ngục xanh họ bắt đầu từ nắm chắc việc kiểm soát những con đường mòn, chỏm núi, hốc đá, cây cối và toàn vùng. Và trong trường hợp nào họ cũng bao chặt lấy người Pháp.

Đây thực ra là một sự vây hãm nhưng là loại đặc biệt. Những người bị vây hãm không trông thấy những người vây họ. Thế nhưng những người này, Việt Minh, dính kết xung quanh họ, bám lấy họ, lẫn lộn trong núi rừng, vừa là chòm xóm thân mật, kẻ địch kiên cường, ký sinh trùng chết người của họ. Chiến thuật của Việt Minh là bóp ngạt.

Không thể "nắm giữ" thiên nhiên, người Pháp tập trung trên một địa điểm tự tạo. Thời kỳ ấy là con đường số 4; họ sống trên đó, xung quanh đó, gần kề đó, trong các bốt, các khu đồn trú như Lạng Sơn và Cao Bằng. Người Việt ở xa hơn mấy mét. Người Pháp hoàn toàn phụ thuộc vào con đường. Người Việt độc lập với con đường. Dân công đi theo đường mòn mang gạo và đạn dược đến cho họ. Chiến thuật của họ lúc ấy là cắt đứt đường số 4. Để làm việc ấy họ có những trung đoàn đầy đủ, sau đó có những sư đoàn. Việc phục kích trở thành một trận đánh quy củ, giao tranh với những điều kiện đáng sợ của Pháp.

Vấn đề đối với Đội quân viễn chinh là đi qua. Những đoàn xe phải vượt qua để con đường sống. Mồi tuần lễ càng đổ máu, khó khăn hơn. Một vấn đề ghê gớm, không giải quyết được.

Người ta đi đến chỗ bịt kín con đường số 4. Trong cuộc chiến tranh núi rừng ở Đông Dương, những cầu hàng không thay thế những con đường, máy bay thay thế xe ô tô. Người Pháp đóng kín trong những lòng chảo gọi là căn cứ hàng không - mặt đất. Người Việt tấn công. Họ bị đẩy lùi ở Na Sầm, không bị đẩy lùi ở Điện Biên Phủ. Nhưng trong năm 1949 chưa tới lúc đó. Tôi đã đi trên đoàn xe của đường số 4 và có thể nói - một cuộc đi ngựa không chịu được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #185 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2018, 10:22:10 pm »


Đoàn xe đi lên

Con đường số 4 chỉ là một vết cắt nhỏ trong dãy đá vôi bao la. Một con sông xoáy nước dưới vực sâu, bên kia là vách bờ thẳng đứng, phẳng lì vô tận. Những chiếc xe ngựa kéo cổ điển đã biến mất. Một đoàn dài và nặng nề những đại liên, xe hướng đạo, GMC, xe Jeep đang rít lên, hì hục, thở dốc. Cũng có hàng chục hàng trăm chiếc cam-nhông của thương gia Trung Hoa và Việt Nam mái tranh và những chữ to trông rời rạc giữa những con quái vật sắt. Dù sao cũng tạo nên những cây số xe ngược lên Cao Bằng.

Đoàn xe đối với tôi như những con vật đang bò, một con sâu bộ lông kim khí là những đại liên cặp đôi, những súng đại liên, đủ loại ống dùng giết người. Những vật ấy dữ dội, căng thẳng quá mức. Quân lính đều ở dạng quá cường độ và cam chịu, dấu hiệu quen thuộc của sự mệt nhọc và chiến đấu. Họ có tất cả mọi cấp bậc và nòi giống. Họ chỉ phân biệt nhau ở cách đội mũ, từ phớt rộng vành kiểu Châu Úc đến chiếc kê-pi trắng của quân lê dương.

Tôi ở trong một chiếc xe thu phát tin, đi giữa đoàn. Cần ăng-ten chĩa ra ngoài đôi khi đụng vào vách đá hoặc cây rừng nhô ra. Hệ thống đài có lẫn lộn tiếng ồn ào và tiếng rít. Đôi khi có giọng nói vang ra. Đây là những mệnh lệnh. "Chú ý, chú ý. Có dấu hiệu khả nghi phía trước đoàn xe. Tất cả các xe đảm bảo cự ly. Đi cách nhau ra". Ngồi cạnh tôi viên đội điện đài, sau khi phát ra từng tiếng đều đặn rõ ràng hét vào ống nói: "Hiểu rồi". Rồi ông ngoảnh lại phía tôi nhún vai:

- Chỗ này không thực sự nguy hiểm. Chúng ta đang leo lên đèo Dứa. Nhìn như cắt cổ thế nhưng đoạn này yên tĩnh. Ông hiểu chứ, những vách phía trên con đường quá dốc đứng kể cả đối với người Việt. Họ không thể tấn công được. Còn trên chỏm núi họ không nhắm được vào chúng ta. Mỗi lần ném lựu đạn tung ra ngoài và rơi xuống vực. Việc họ có thể làm là "bắn" chúng ta trước mặt, từ chỏm núi bên kia vực, nhưng quá xa sẽ không có hiệu quả.

Viên đội chỉ vào phía bên kia vực sâu những ngọn đồi đầy cây:

- Một lần Việt Minh ở chỗ kín dội súng cối vào đoàn xe. Nhưng bây giờ quân lê dương đã bố trí bốt ở đấy.

Viên đội, một người gầy và buồn với đôi mắt đầy ghèn, cười gằn nói thêm:

- Sau Thất Khê mới có những chuyện đụng độ.

Ông châm một điếu thuốc hút, tiếp tục giọng đều đều:

- Chúng ta sẽ chết ở đây hết. Trên đoạn đường ấy người Việt bắn vào chúng ta như bắn thỏ. Tôi đã bị sáu cuộc phục kích lớn, hai chiếc xe cháy sém. Ông xem tay tôi còn bỏng nặng đây.

Ngày hôm ấy tôi rời Lạng Sơn từ bình minh với đoàn xe. Người ta bảo nếu mọi việc tốt đẹp, ngay chiều hôm đó tôi sẽ đến Cao Bằng. Người ta cũng nói, trên một trăm bốn mươi cây số của cuộc hành trình, cứ hai đoàn xe thì một bị tấn công. Trong chuyến đi trước, khoảng hai chục xe bị cháy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #186 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2018, 10:25:42 pm »


Chúng tôi đến phía trên đèo Dứa. Một bốt lớn cắm trên chỏm cỏ một quả núi. Lá cờ tam tài phấp phới. Lính lê dương. Những người Đức tóc vàng gần như trần truồng vừa cười vừa dội những xô nước lên người. Họ dừng lại để đưa tay vẫy chúng tôi. Tất cả yên tĩnh và đẹp, có vẻ một nền hoà bình vĩnh viễn. Thực tế là hoà bình đang rình cái chết.

Đường số 4 đi xuống lại giữa vô số những chỏm núi trắng có hàng tràm hàng nghìn, một loại phun trào của núi lửa giữa thảm rừng. Đây là một vùng nứt nẻ, hang động, lĩnh vực của cái đói khát. Vùng hoang vu này làm nản lòng cả người Việt, người Pháp thì sợ.

Cuối cùng ở phía dưới, tôi thấy một lòng chảo, một khu ruộng vuông cạnh, những nông dân Thổ - họ mặc quần áo vải xanh, bình thản kéo những con trâu khó bảo. Đoàn xe dừng lại ở trung tâm vùng trũng, thị trấn Thất Khê. Đợt nghỉ một tiếng đồng hồ. An toàn, thậm chí văn minh. Những máy móc rên rỉ, gây một phức cảm về chiến tranh và kim khí đã im tiếng. Bình yên tuyệt vời. Những khuôn mặt nhăn nheo lúc nãy trở lại là những khuôn mặt lính.

Tôi tới thành trì Thất Khê. Đây là một trại lính mà mọi người đang ngủ. Ở nhà ăn sĩ quan, một chỉ huy lê dương ngồi một mình uống khai vị. Đấy là trưởng khu đồng trú. Ông có vẻ lo lắng, nói với tôi, Việt Minh đã tập hợp hai nghìn người trên những chỏm núi xung quanh lòng chảo; họ cảnh báo sẽ tấn công Thất Khê trong hai ngày nữa.

- Điều phiền phức, viên chỉ huy giải thích với tôi, là đôi khi họ làm. Còn tôi chỉ có hai trăm lính lê dương.

Tôi trở về đoàn xe. Chúng tôi lại ra đi. Cả đoàn mênh mông đã lấy lại cuộc sống chiến tranh. Những khuôn mặt như mặt nạ. Quân lính ngồi trong xe nghiêm trang khác thường, im lặng, suy nghĩ. Tôi cảm thấy đoàn xe không phải vật vô tri mà có một tâm hồn tập thể, cả một triết lý cảm xúc. Dĩ nhiên mỗi người tự co mình lại, lo âu trong lòng và mỗi đại liên sẵn sàng nhả đạn.

Riêng những hành khách Trung Hoa, không nao núng, có vẻ không cùng chia sẻ giờ nghiêm trọng này. Đấy là những lái xe dân sự chở đầy mọi loại hàng hóa, từ những thẻ hương đến các hòm rượu cô-nhắc. Họ mạo hiểm với cái chết trên đường số 4 vì mọi thứ chở lên đến Cao Bằng đáng giá một tài sản. Trong lúc này những "vị con Trời" mặc quần áo thợ máy, đeo kính đen chống nắng đang buộc hàng hóa linh tinh của mình.

- Đồ súc vật, những tên ấy, viên đội tôi vừa gặp lại nói với tôi. Chúng chẳng lo gì. Xe của chúng không bao giờ cháy; chúng trả tiền cho người Việt.

Chúng tôi lại lăn bánh. Không còn phong cảnh nữa. Rừng rậm đến mức như một tấm màn mây mù xanh, che cả hình dáng những quả núi. Con đường là một đường hầm dưới cây cối.

Trong cảnh tranh tối tranh sáng ấy, tiếng đài phát bên tôi:

- Tình hình không ngớt trầm trọng thêm. Đã ba tháng nay hầu như không một đoàn xe nào đến Cao Bằng mà không có người chết và bị thương. Mỗi lần thu nhặt thiệt hại sau vụ đụng độ, người ta chất đầy hai, ba xe cam-nhông. Làm thế nào được, một đoàn xe dù nhét đầy ô tô đại liên và xe bọc thép, cũng là miếng mồi, không tự bảo vệ được. Vậy là phải "định cư" trên đường, bố trí cả một hệ thống đồn bốt và đội tuần tra. Nhưng người ta đã chiếm đóng những điểm nguy hiểm, đưa mọi lực lượng có thể có vào rừng để bảo vệ, cũng gần như chẳng được việc gì. Việt Minh tấn công cả những đoàn xe không dứt với nhiều nghìn người. Chỉ huy trưởng đã cố dùng mọi hình thức ngăn chặn khác, những cách tiếp cận và tấn công khác. Chỉ trong vài tuần, ngón khôn khéo của người Pháp bị lật tẩy, và quân chính quy của Việt Minh vẫn đạt được, mục đích, đến sát những chiếc xe, giết người và nhặt chiến lợi phẩm.

Viên đội giải thích cho tôi sự bất lực khi bảo vệ một đoàn xe tuy người ta đã thử và làm mọi cách.

Việc bảo vệ ấy bắt đầu rất đơn giản. Quân đội xây dựng bốt ngay chỗ phục kích. Phải xây dựng nhiều vì người ta vừa bố trí một bốt thì việc phục kích tiếp đó tiến hành ngay bên cạnh, cách mấy trăm mét, lại xây một pháo đài mới. Chẳng bao lâu thiếu tiền để làm những công trình khác, thiếu lính để bổ sung: người ta bèn bắt đầu thực hiện "mở đường”. Những ngày có đoàn xe, mỗi bốt cử một toán tuần tra đến tận bốt kế cận để thăm dò đường, đuổi quân Việt và lấp những đoạn bị đào cắt. Đoàn xe chỉ ra đi khi từ suốt con đường số 4 có tin báo "đường thông". Thường thường không được thế. Người Việt ẩn nấp ở các gò đồi, những bức tường cây xanh hai bên đường và đoàn xe vẫn bị tiêu huỷ; cùng thường thường việc "mở đường" bị nhấn chìm ngay từ đầu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #187 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2018, 10:29:12 pm »


Công việc lại phức tạp thêm. Người ta "mở" cả rừng, phát quang hàng trăm mét mỗi bên đường. Mỗi tuần hai lần quân lính phải leo từng chỏm núi khống chế con đường số 4 khi đoàn xe đi và về. Có hàng trăm chỏm núi; phải chiếm giữ tất cả suốt thời gian đoàn xe đi qua. Phải leo trèo nhiều giờ, thường kèm theo dao phạt cây để tiến lên. Phải nhìn vào từng hang động, khám phá những đường mòn quân Việt có thể đi tới. Một cuộc thăm dò không tưởng được, sử dụng cả những tiểu đoàn vẫn phải đòi hỏi thêm nhiều. Làm việc này cũng không đủ quân số.

Chỉ để cho một đoàn xe bình thường đi qua, từ nay buộc phải dùng tất cả mọi lực lượng của vùng biên giới. Mỗi lần như vậy phải bố trí đầy đủ, từng chi tiết phải đúng khớp, tất cả đều được nghiên cứu tỉ mỉ. Người Việt vẫn có lợi thế. Thật khôi hài khi nghĩ rằng có thể như "chải lược dày" cả khu rừng rậm, cả những ngọn núi rải khắp như thế. Việc làm đó không ngăn cản được quân chính quy Việt luồn vào hàng nghìn khi họ muốn, như họ muốn qua hệ thống đề phòng của Pháp và tập hợp bên bờ con đường: cũng như trước đây họ nấp sau bờ dốc cho đến khi đoàn xe đến để họ tiêu diệt toàn bộ hoặc từng phần. Và rồi nhiều khi người Việt "làm đổ máu" những người đi mở đường, đánh nhau trong rừng như mù.

Tuy vậy chúng tôi đi hai mươi cây số mỗi giờ trên đường số 4; nó chỉ còn là một vệt đất dài sửa chữa, chắp vá, đen; một loại đường hầm vặn vẹo trong dáng hùng vĩ ngột ngạt của khu rừng lớn.

Trong bóng đêm cây cối này tôi thậm chí không thấy những quân lính phải bảo vệ chúng tôi. Tôi hỏi người đội phụ trách điện đài "vỏ bọc" - từ chuyên môn - có được bố trí cẩn thận không. Có đấy. Từ bình minh người của các bốt đã đi, "leo chỏm núi" hàng giờ, đến những nơi nguy hiểm nhất. Có lẽ trong quá trình bố trí trong thiên nhiên ấy có những mất mát - tôi không biết, không bao giờ biết, đấy là thủ tục thông thường. Dù thế nào thì những người lính lê dương, lính thuỷ đánh bộ, biệt kích Châu Phi, ngụy binh da vàng, tất cả những bộ phận của Đội quân viễn chinh đã chờ chúng tôi, đang mang vũ khí bảo vệ chúng tôi. Và khi chúng tôi đã đi qua, họ "rút về", còn đi không dứt, sẽ ẩn mình trong các bốt. Có thể họ không bắn một phát súng, cũng có thể họ phải chiến đấu để cứu sống mình hoặc đoàn xe. Họ là những nhân viên giao thông hư ảo nhất trên đời.

Và công việc ấy họ bắt đầu lại vô tận, không thể làm gì khác; họ cũng là tù nhân của con đường số 4.

Tôi cố nhìn, vẫn không thấy gì về hệ thống bảo vệ chúng tôi, trừ thỉnh thoảng một bốt bên đường. Chẳng thấy gì trong rừng, bạn và thù đều không trông thấy.

- Ông cầm lấy khẩu súng ngắn này, viên đội nói với tôi, có thể giúp ích cho ông đấy. Chúng ta đang vào trong vùng thực sự nguy hiểm.

Ông cho tôi những lời khuyên, giải thích khi gặp phục kích phải xử trí ra sao.

- Dù đạn quét trên đường, đập vào xe cũng không nên nhảy xuống đất, ít nhất khi có thể lăn người. Phải lao lên, càng nhanh, càng lâu càng tốt, không chống cự. Lái xe của chúng ta đã quen thế, phải thật dũng cảm để lao xe giữa những loạt đạn súng máy vô hình. Trong những cuộc phục kích lớn, có hàng chục khẩu nhắm vào giữa đường. Tai họa là khi có xe cháy ở phía trước. Tê liệt cả đoàn.

Nhưng nếu chúng ta bị chặn lại, phải ngược lại, nhào ra khỏi xe trước khi quân Việt tấn công chúng. Trong xe không tự vệ được, sẽ bị cắt cổ ngay. Trước tiên phải tập hợp lại trên mặt đất, tổ chức những nhóm nhỏ chống trả khối quân Việt. Thật không tả nổi. Người ta đánh nhau xáp lá cà hàng trăm mét, đôi khi hàng cây số, ngay trên đường hoặc bờ dốc. Cuộc chiến lộn xộn, phân tán. Người Việt đông vô kể. Tuy vậy hầu như luôn luôn có những phần của đoàn xe chống lại, thậm chí phản công. Những nơi khác bị quân Việt hét lên, nhào đến tiêu diệt.

Giải pháp vô vọng là chạy vào rừng, cố ẩn nấp. Nhưng nhất là nếu chạy trốn phải thật xa, không dừng lại bên dưới đường trong các bụi cây. Vì quân Việt dùng dao phát "dọn sạch" cẩn thận lắm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #188 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2018, 10:32:13 pm »


Chúng tôi lên đến đèo Luông Phai, "góc" đổ máu nhất trong toàn Đông Dương. Con đường leo theo sườn dốc đứng một quả núi, một bậc thang vòng theo những đoạn cong chóng mặt. Không một đường cong nào không dùng cho một cuộc phục kích, không là cảnh hỗn độn khốc liệt. Viên đội kể lể dài dòng với tôi:

- Ở đây mười người bị giết. Ở đây một thiếu tá, một đại uý bị thương. Ở đây hai chiếc ô tô đại liên và hai mươi cam nhông cháy. Chỗ này có một cuộc phục kích lớn. Chúng tôi mất năm mươi người...

Cuộc kể lể không dứt. Câu chuyện của sợ hãi. Tôi cảm thấy sự lo lắng của đoàn xe qua những động tác đầu một cách máy móc. Rất xa chỗ này, ở Nam Kỳ trên con đường đi Cà Mau tôi đã thấy những người, tất cả, cùng một giây, nhìn, dò xét lúc bên phải lúc bên trái. Nhưng chỉ có mấy chục người. Trên đường 4 chúng tôi hàng trăm, có lẽ hàng nghìn người cùng quay đầu qua lại, cùng một phản ứng tương tự. Một "hiện tượng" hài - và bi đến mức nào! Và vũ khí chĩa vào khắp nơi theo động tác đầu, đôi mắt tìm tòi mối đe dọa.

Xe vòng theo sườn cây xanh của quả núi. Quân lính của đoàn xe thuộc lòng con đường. Theo bản năng họ nhìn xoi mói những chỗ nguy hiểm, cả những chỗ chưa bị tấn công nhưng có thể có một cuộc phục kích đang chờ. Tôi cũng làm như họ, nhìn vào chỗ họ nhìn. Trong lúc tiến dần đến một trong những địa điểm không hay ấy tôi cũng tự nhủ như từng người ở đó, trong lúc này, hàng nghìn quân Việt chuẩn bị nhảy xổ vào chúng tôi. Tôi cũng nghĩ quân chính quy của họ ẩn trong hang động của những ngọn núi nứt nẻ này, đang chỉnh đại liên vào những chiếc xe chậm chạp, chậm chạp đến thất vọng, quá to và nặng nề.

Đoạn đường đi lên kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ. Chúng tôi gần tới đỉnh đèo. Một quả núi dốc đứng phía trên chúng tôi. Sườn núi bị xói lở thành một lỗ khổng lồ, một loại hố núi đen ngòm. Người Thổ khẳng định lỗ ấy mang tai họa đến; họ nói là "lỗ rống lên".

Viên đội cũng tin hố ấy là công trình của ma quỷ.

Chúng tôi vượt đèo. Một vệt nứt qua đỉnh núi nhọn. Một đầu rắn hổ mang bằng đá phun ra dòng nước. Đấy là cái giếng.

- Trong vùng đất hôi thối này, đây là nguồn nước sạch duy nhất không lẫn lộn lòng ruột người. Người ta cho những người bị thương trên đường số 4 uống nước này, làm giảm nỗi khát ghê gớm của cơn sốt.

Chúng tôi đi xuống lòng chảo Đông Khê, phiên bản chính xác của Thất Khê. Ở đây cũng có một khoảng đất bằng tròn, những nông dân Thổ bình tĩnh, gái điếm, lính lê dương, một thành trì. Chúng tôi cũng nghỉ lại một giờ. Rồi lại ra đi trong mớ chằng chịt như trước những rừng núi, chỏm, ngách núi, đèo. Trong thiên nhiên bao la này không một con người. Thỉnh thoảng có một bốt. Chỉ thấy một thôi chúng tôi đã thấy có luồng gió nóng, một ít nhẹ nhõm trong lòng. Rồi cuộc hành trình trong sợ hãi tiếp tục.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #189 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2018, 10:35:03 pm »


Viên đội lại kể lể về những cuộc phục kích:

- Ở đây, đường ngách núi là "đại lộ" của đại đội công binh phụ trách bảo dưỡng đoạn đường này, suốt thời gian làm lại những chiếc cầu đều đặn Việt Minh phá hỏng.

Tháng hai chỗ này xảy ra cuộc phục kích lớn, kỹ thuật hoàn hảo nhất, khoa học, chính xác. Tôi có mặt ở đấy.

Trước hết Việt Minh làm tê liệt đoàn xe. Mìn nổ ngay phía sau những ô tô đại liên đi đầu, tách chúng khỏi xe cam-nhông. Ngay sau đó hàng chục đại liên đặt trên cao vách núi đá vôi xả đạn dọc suốt đoàn xe. Rồi một trận mưa lựu đạn. Quân chính quy ẩn trên bờ dốc khống chế con đường tung ra chính xác, mỗi xe khoảng một chục quả. Một trận hỏa hoạn lớn. Xe cam-nhông cháy hầu như khắp nơi làm tắc nghẽn hẳn lối đi. Tất cả diễn biến không đầy một phút. Nghe có tiếng hô to: tấn công. Hàng nghìn người cởi trần xuất hiện rất gần, từ dưới bờ đường ào tới đoàn xe. Chúng tôi đang ở bên trong nhưng kịp nhảy xuống đất trước khi làn sóng người tràn đến. Mục đích là trèo lên bờ dốc tập hợp lại trên đó những nhóm nhỏ hơn. Bên dưới những nhóm người Việt quyết liệt chém giết những người không đến được chỗ chúng tôi. Chỉ trong mấy giây họ mất hút.

Việt Minh tiến hành rất có phương pháp. Quân chính quy đến từ xe này đến xe khác lấy vũ khí và hàng hóa bỏ lại, rồi họ châm lửa đốt xe. Những quân chính quy khác tấn công những người Pháp còn chiến đấu trên bờ dốc. Dân công dùng dao phát hạ nốt những người bị thương trên đường. Khắp nơi là cuộc đấu xáp lá cà; có hàng trăm cuộc chiến đấu riêng, hàng trăm cuộc tiêu diệt lẫn nhau. Trong cảnh hỗn độn ấy, các uỷ viên chính trị, rất bình tĩnh, theo dõi trận đánh, ra lệnh cho quân chính quy và dân công.

Phần giữa đoàn xe bị nhấn chìm. Những chiếc ô tô đại liên phía sau bắt đầu xả đạn liên hồi vào những chiếc xe rơi vào tay người Việt. Những sĩ quan đỏ đi lại giữa trận đánh kêu lên bằng tiếng Pháp: "Đại tá đâu? Đại tá đâu?" Đấy là hỏi về đại tá Simon, chỉ huy đội quân nước ngoài thứ Ba, người đang có viên đạn trong đầu đã nhiều năm nay, bị thương trước cuộc chiến tranh Đông Dương. Ông Giáp có chỉ thị bắt sống ông ấy.

Tôi ở trong đoàn xe bị tiêu diệt, lên chỗ bờ dốc cùng một số lê dương. Chúng tôi chống trả dữ dội trong nửa tiếng đồng hồ rồi bị đập tan. Tôi chạy vào rừng, trốn vào một bụi rậm.

Tôi không biết cơn ác mộng ấy kết thúc ra sao. Hình như đại tá Simon tập hợp được khoảng một trăm người đẩy lùi nhiều đợt sóng người Việt và lựu đạn. Sau ba giờ quân tiếp viện đến, những xe bọc thép hạng nặng. Mấy phút trước khi nghe rõ tiếng xích sắt, quân Việt Minh rút lui. Từ đầu, để tấn công họ đã thổi một hồi kèn; ra lệnh rút lui, họ lại thổi một hồi kèn. Họ biến vào rừng theo một trật tự hoàn hảo, đơn vị này tiếp theo đơn vị khác. Có những đội dân công đặc biệt mang đi những người chết và bị thương cùng mọi chiến lợi phẩm.

Chúng tôi bảo vệ trận địa. Con đường là một nghĩa trang, chất đầy xác chết. Từ đoàn xe chỉ còn lại một đống lộn xộn những xác người thủng bụng và những chiếc máy cháy đen. Đã có mùi hôi thối. Những người sống sót tập hợp lại, thông đường, nhặt người chết và bị thương. Và đoàn xe, số còn lại ra đi.

Sau đó một anh bạn kể với tôi anh thoát chết vì giả làm người chết. Anh nằm dài bên cạnh một người chết, vỡ cả đầu, lấy máu bôi đầy mặt rồi kéo người chết lên thân mình, làm như anh ngã xuồng trước người ấy. Quân Việt đốt phá xe cộ xung quanh, lại gần; anh nín thở như một xác chết. Họ lại đi xa hơn, lục lọi, tìm kiếm. Anh bạn khẳng định có những người da trắng trong số họ.

Trong lúc viên đội nói, chúng tôi leo lên một đèo khác - đèo Hầm. Con đường thay vì trèo lên ngọn, xuyên qua một cái hang khoảng một trăm mét.

- Sau một loạt bị ba, bốn lần phục kích ngay tại đây, người ta xây dựng một bốt trên đỉnh núi dốc đứng, chồm phía trên lỗ hầm. Những bậc đá chữ chi lên tới đó. Nhưng không có nước, hàng ngày nhóm trực phải xuống lấy ở con suối phía dưới cách mấy trăm mét. Thường quân Việt bắn vào họ; vì vậy ngoài nước, họ còn mang về một người chết hoặc bị thương.

Chúng tôi còn đi qua một số đèo không tên. Vẫn là những điểm chết chóc. Đoàn xe vẫn đi. Đến năm giờ chiều vào đến Cao Bằng, không bị tấn công.

Buổi tối cả đoàn uống rượu say. Một tập quán, được chỉ huy quân sự cho phép. Lần này thì không có gì. Những khi có những người chết và bị thương, những người sống sót uống cho quên đi, cho đến lúc mất hết những nhận thức và kỷ niệm.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM