Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:50:00 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 85300 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #170 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2018, 04:55:33 pm »


Giờ của loài người đã qua. Bây giờ bốc lên không khí cõi âm của những phù thủy nam nữ. Bọc người trong những tấm thêu lớn hình rồng ở địa ngục, kéo theo những viên ngọc khổng lồ, họ hành lễ rất lâu. Điệu múa của họ là việc dầm chân liên hồi kèm theo những câu thần chú rên rỉ dai dẳng. Những động tác thô lỗ ấy, lời đọc đều đều những công thức ma thuật ấy tạo ra như một sự mê hoặc huyền bí. Buổi lễ kỳ lạ kéo dài bao nhiêu phút, bao nhiêu giờ tôi không biết. Cuối cùng tôi như tỉnh dậy. Một bà đẫy đà, hách dịch vẫn vừa giãy giụa trên đôi chân vòng kiềng vừa lẩm bẩm trong cái miệng đã sún răng, đốt những nén hương và loại cỏ đáng sợ. Qua những trang sức rườm rà tôi nhận thấy khuôn mặt thảm hại của bà, như chiếc mặt nạ, khuôn mặt của tử thần.

Những người phù thủy ấy có quyền lực ghê gớm. Người ta nói đấy là những kẻ buôn bán cái chết. Trong vùng núi này ai muốn rũ bỏ một người, đến định giá với họ. Thỏa thuận xong họ cầu khấn "ác thẩn" xuống tay sát hại; họ cũng gây ra được cảnh hấp hối êm dịu hoặc đau đớn theo yêu cầu của khách hàng.

Đèo Văn Ân hài lòng về những điệu vũ và những phù thủy của ông. Trong niềm hân hoan ông vỗ mạnh vào đít các vũ nữ, nhưng đây là kiểu hoan nghênh của địa phương. Đầy tớ đưa lên những mâm đầy các tảng thịt còn chảy máu và các vò rượu. Đấy là lễ hội, là "bun". Thật giản dị! Ngựa hí trong đêm, trống vang. Người người ăn thịt, uống rượu, ợ, lăn ra nôn. Vũ nữ bón thức ăn vào họng các nhân vật tên tuổi đã quá no nê không nuốt nổi nữa.

Đèo Văn Ân có mười ba vợ và khoảng năm chục đứa con. Khi thầy bói Trung Hoa nói không có ngày lành tháng tốt trước ba tháng để chôn bà vợ thứ năm vừa chết, ông bảo: "Ông nghĩ kỹ xem, nếu không tôi quá tốn kém". Thực thế, theo phong tục, lễ hội phải kéo dài không ngớt từ lúc người chết đến lúc chôn cất xong. Người thầy bói bị khiển trách và sợ rơi đầu, ấn định một ngày hợp lý hơn, hai tuần sau khi chết có thể an táng. Như vậy cũng rất tốt, dân chúng được ăn uống thoải mái mà không làm cạn hầm rượu và của cải của Đèo Văn Ân. Thật say sưa! Ngày đưa tang là một hoan hỉ chung, phải thấy ông chúa già cưỡi ngựa, dưới cây lọng, giữa rừng cờ. Trong dịp này ông cũng trưng diện bộ quần áo hiện đại, gắn đầy lon. Điều ấy cũng không ngăn cản ông lảo đảo trên lưng ngựa vì ông say. Khi ông đi qua, đám đông thét vang tình thương mến, lòng biết ơn, sự trung thành đối với ông. Thị trấn là một rừng cờ, một việc thần thánh hóa.

Ông vua tốt bụng bao giờ cũng vui vẻ và hào hiệp, ngay cả khi trừng phạt. Ông cũng biết làm rơi đầu, làm dân chúng phấn khởi. Việc ấy trở thành một trò hề lố lăng.

Một lần ông mời hàng trăm thuộc hạ đến dự tiệc. Giữa cuộc chè chén, ông đứng dậy giơ ngón tay chỉ vào một thực khách kêu lên: "Anh đã dẫn đường bọn cướp Trung Hoa, anh phải chết". Theo cách ấy ông chỉ hàng chục người. Lập tức việc hành hình thực hiện tại chỗ. Đèo Văn Ân ra lệnh cho những người bị xử tử chặt đầu lẫn nhau - người ta phân phối gươm cho họ và cắt cổ nhau. Đầu được cắm vào những cây cọc trước chỗ chém giết. Buổi tối có những cuộc vui chơi cho dân chúng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #171 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2018, 04:57:18 pm »


Thiên đường mất đi

Phong Thổ, lẩn khuất trên biên giới, bao giờ cũng có kẻ cướp Trung Hoa qua lại. Chỉ cách đây mấy tháng, một toán hai nghìn người bao vây thị xã trong nhiều tuần - chính là những đồng lõa Thái của những người bị Đèo Văn Ân vui vẻ hạ sát. Cuộc chiến tranh nhỏ này cũng thật vui nhộn. Khi ấy có một đội quân đồn trú nhỏ của Pháp đóng trên một ngọn núi cao. Từ chỗ ấy họ hàng ngày dội bom đạn vào người Trung Hoa tập hợp bên dưới quanh lâu đài họ bao vây. Có lúc một quả đạn cối rơi xuống lâu đài giết chết người con cả của Đèo Văn Ân - Ông chúa phúc hậu có vẻ không buồn phiền lắm. Thời gian thường trôi qua chủ yếu bằng đấu miệng giữa hai bên. Người Trung Hoa kêu gọi những ngụy binh của Ân hơi bị đói: "Đến với chúng ta, các anh sẽ có gạo". Những người này cao đạo trả lời: "Chúng tôi không thèm. Chúng tôi đã có rượu". Và súng nổ - bum, bum! Và ca-nông người Pháp nã đạn - còn bum, bum nhiều hơn.

Than ôi, tôi cảm thấy mảnh đất Châu Á này rồi sẽ biến mất. Tất cả thay đổi xung quanh nó. Những toán người Trung Hoa đã do những người cộng sản nắm; các giáo viên từ phía bắc tới, cán bộ chính trị cải huấn họ. Việt Minh cũng phối hợp với họ. Và đối với lực lượng mới này, Phong Thổ, ông già Đèo Văn Ân không thể làm gì được với mấy chục nguỵ binh. Đồn trú Pháp cũng rút đi, Bộ chỉ huy thấy họ trống quá.

Đèo Văn Ân biết rõ sự bất lực của mình. Một buổi chiều ông chỉ cho tôi một hẻm núi - đường mòn từ Trung Hoa đi qua đó, chỉ khoảng ba mươi cây số. Toán người Trung Hoa có thể theo đường ấy, chỉ cần nửa ngày là ùa vào Phong Thổ. Ân rên rỉ với tôi: "Tôi làm gì được? Tôi làm gì được?" Thậm chí ông hy vọng đủ thì giờ chạy trốn lên ngọn núi cao gần đấy, chỗ quân đồn trú Pháp đóng. Ở đấy chắc ông cùng ngụy binh có thể chống cự mấy ngày chờ quân nhảy dù.

Công việc lớn của Đèo Văn Ân là chọn người và vật mang theo mình lên núi cao. Của cải đã đóng gói hết: một số chức sắc đã được chỉ định. Còn lại đành để mặc; trong số còn lại này có tất cả các bà vợ, vợ lẽ. Ông bảo đến tuổi ông có thể bỏ qua các bà rồi.

Một nhân vật khác cũng bị ám ảnh vì ngọn núi cao đó, cũng lựa lọc những gì có thể mang theo. Đấy là viên đại diện Pháp trẻ. Ông luôn lặp lại với tôi:

- Miễn là tôi lên đấy kịp thời! Vấn đề là phải trèo khá nhanh để thoát khỏi người Trung Hoa và Việt Minh. Tôi đã bấm tính thời gian đi lên. Phải mấy nửa tiếng đồng hồ. Tôi đang tập dượt để rút xuống hai mươi phút.

Viên đại diện đã có dự phòng để khỏi bị chết trên đó. Ông cho mang lên núi một lượng dự trữ thức ăn khô, đồ hộp, cả những két champagne và cognac.

Ở Phong Thổ kỳ lạ này điều kỳ lạ nhất có lẽ là viên đại diện. Con trai một đô đốc, ba mươi tuổi, có vẻ đẹp yếu ớt, nhiều nét thon thả, đôi mắt mơ màng, da trắng màu sữa. Hàng ngày ông nằm dài trên giường trong bóng mờ tối cho đến năm giờ chiều - có vẻ bệnh sốt rét làm yếu sức ông. Ông đã có lệnh cấm bất cứ ai, bất cứ vì lý do gì đến quấy rầy ông trước hoàng hôn.

Đêm xuống tôi tới gặp viên đại uý năng động, cũng rất niềm nở, ngây thơ tuyên bố với tôi:

- Người Thái tưởng tôi hơi yếu tinh thần nên họ thương tôi lắm. Ông cho tôi biết tin tức về Lao Cai: Thị xã bị bao vây. Việt Minh ở khắp lưu vực sông Hồng. Ở Trung Quốc, phía bên kia biên giới, quân du kích đỏ dồn quân lại rất nguy hiểm, như muốn đánh úp bốt đồn trú Pháp.

- À, tôi quên, ông ngọt ngào nói. Ba đồng nghiệp tôi, người phụ trách Sa Pa đã di tản rồi.

Tôi không còn đi Lao Cai theo đường thẳng được nữa vì con đường này qua đúng Sa Pa, trạm miền núi của "thực dân", cách đây ba mươi cây số ở phía nam sông Hồng. Bây giờ Việt Minh nghỉ ngơi thoải mái trong các nhà một tầng của người Pháp.

Tôi được biết có một con đường mòn khác ngay trên biên giới Trung Quốc, trèo qua dãy núi Phansiphăng. Phải lên đến đèo Mây cao hơn ba nghìn mét theo một con đường lát gạch xưa của Trung Hoa luôn có nước thác chảy qua. Tôi quyết định đi theo con đòng ấy. Đèo Văn Ân tổ chức cho tôi một đoàn người ngựa, cho tôi một đội tuỳ tùng những người có vũ khí.

Trước hôm ra đi tôi nhận được một công điện. Tuyệt đối cấm đi theo con đường đèo Mây, nó đã bị một toán người Trung Hoa xâm nhập vào Đông Dương cắt đứt. Vậy là tôi ở Phong Thổ trong một ngõ cụt, chỉ còn đi trở lại ngược với cuộc hành trình trên xứ Thái. Tôi phải trở về Hà Nội qua Lai Châu, Sơn La. Có lẽ tôi sẽ tìm được một chiếc máy bay đưa tôi đến Lao Cai, thị xã lớn đầu tiên bị đe dọa từ khi Đội quân viễn chinh sang đánh nhau ở Đông Dương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #172 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2018, 04:58:01 pm »


Ngọn gió bại trận

Chính ở Lao Cai tôi có sự tiết lộ đau đớn này: khả năng bại trận trong cuộc chiến ở Đông Dương.

Cho tới lúc đó tôi đã sống trong ảo tưởng. Như tất cả những người Pháp, tôi công nhận Việt Minh có ưu thế của chiến tranh du kích, sự né tránh tấn công và đẫm máu. Nhưng tôi tin vào các nhà quân sự của Đội quân viễn chinh khi họ nói: "Chà, nếu Việt Minh dàn trận đối mặt với chúng tôi, chúng tôi sẽ đập nát họ!" Từ nay tôi không còn chắc chắn điều đó đúng nữa.

Vì ở Lao Cai tôi thấy các trung đoàn của ông Giáp dùng lực lượng mạnh tấn công Đội quân viễn chinh. Lần đầu tiên quân chính quy Việt Minh luồn ra khỏi "tứ giác" của họ, tổ chức một cuộc tấn công thực sự. Và trước sự tấn công đó, chỉ qua mấy ngày, mấy giờ, các sĩ quan Pháp từ tự phụ sang lo sợ, từ phức cảm ưu thế sang phức cảm yếu thế. Họ thể hiện một sự dũng cảm đáng khen và đồng thời gần như những người bại trận tương lai.

Tôi, người chứng kiến những sự kiện kỳ lạ ấy, tôi đã hiểu sức mạnh những yếu tố chống lại Đội quân viễn chinh, vừa là những lực lượng thiên nhiên bí ẩn của chủ nghĩa Cộng sản và trọng lượng to lớn của Trung Quốc. Tôi đã cảm thấy sự yếu kém của người Pháp đứng trước sự tập hợp người và sự kiện ấy.

Năm ấy Lao Cai đã chống giữ và Bộ tổng tham mưu đã nói đến chiến thắng. Nhưng tôi có cảm giác thời gian chưa chín muồi - Việt Minh chưa hoàn toàn sẵn sàng. Mao Trạch Đông chưa chính thức bố trí ở biên giới. Vào mùa xuân năm 1949 này trong núi rừng Bắc Kỳ chỉ là những trận đánh chuyển tiếp: Châu Á cũ chưa hoàn toàn biến mất trước Châu Á mới gay gắt, thực chất và không thương xót. Trong vài tháng nữa tình hình sẽ như thế. Lúc đó việc gì sẽ xảy ra?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #173 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2018, 05:05:50 am »


Lính dù rơi từ trên trời xuống

Ở Hà Nội, mưa phùn là một tấm khăn liệm người chết. Bầu trời quá thấp rỉ rả xuống mặt đất. Nhưng mặt trời lạc quan ánh lên trên "thành trì" - Tổng hành dinh của Ban tham mưu Bắc Kỳ. Một đại tá nói với tôi:

- Ông có thể đi Lao Cai. Chúng tôi đã có những biện pháp để đẩy lùi Việt Minh. Ông sẽ thấy chúng tôi hoàn toàn làm chủ tình hình.

Than ôi, bầu trời vẫn nhớp nháp. Không một chiếc Junker nào cất cánh được. Giải pháp duy nhất là bay trên châu thổ sông Hồng, dưới trần mây với một chiếc máy bay nhỏ gần như một đồ chơi. Một buổi sáng tôi đi trên một chiếc Nord-1000 bay trong tranh tối tranh sáng qua một vùng bấp bênh mà tầng mây bên dưới bám vào rừng. Để hướng dẫn phi công chỉ có dải sông Hồng khó phân định rõ; phải xuống cách năm mươi mét để bay theo ánh nước thoáng qua của dòng sông. Khắp xung quanh có những ngọn núi dốc đứng, khó đoán được chân núi. Một đám mây một lúc nào đó che khuất sợi dây nước chỉ đường là hầu như chắc chắn tan xác. Và cứ thế kéo dài ba trăm cây số.

Lao Cai thật tang thương, chỉ những đổ nát với nỗi lo sợ chờn vờn đâu đó. Tất cả các loại quân đội gây nên những đổ nát ấy - binh lính của Thiên hoàng, những "người giải phóng" Mỹ, quân đói khát của Tưởng Giới Thạch, Việt Minh khi họ chiếm thị xã năm 1945, người Pháp khi họ chiếm lại. Vì hầu hết những quân đội trong tình trạng chiến tranh đều đi qua Lao Cai, cửa ngõ qua lại Trung Quốc.

Những tàn tích ấy đã cũ, gần sụp đổ, có sửa chữa lại một phần. Dân chúng khổ sở sống trong cảnh hoang tàn ấy. Nhưng ngày nay họ ẩn nấp, sống trong hầm hố - Lao Cai như không có người ở.

Đường phố duy nhất của thị xã như chết. Không một con người, một tiếng động, chỉ toàn rác rưởi, cửa ngõ có cọc chắn, phía trước nhà đóng ván kín. Chốc chốc là một lính gác qua lại.

Khi một thành phố bị đe dọa, nhân dân làm vườn không nhà trống là tục lệ ở Châu Á. Đấy là phản ứng tự vệ. Dân cư chờ đợi, ẩn nấp như biến mất, mặc số phận đưa lại một người chiến thắng. Lúc ấy họ lại ra mặt để hoan nghênh, thân thiện.

Chỉ dựa vào cảnh không người ấy, dạng lo sợ ấy, tôi hiểu Lao Cai có thể bị hạ. Cho đến lúc ấy tôi không tin một vị trí quan trọng nào được Đội quân viễn chinh bảo vệ có thể bị chiếm. Bây giờ tôi cảm thấy ngọn gió bại trận.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #174 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2018, 05:07:43 am »


Tôi cũng sợ. Hình như ở đâu cũng sợ hãi, ngay cả trong văn phòng của đại uý C... trưởng đồn. Nơi chỉ huy của ông chỉ là một phòng tồi tàn, trơ trụi: một chiếc bàn gỗ trắng, những bản đồ của bam tham mưu trên tường và một máy điện thoại dã chiến. Viên đại uý là hiện thân của sự vững chãi, một quân nhân đồ sộ, nhưng tôi cảm thấy ông rùng mình khi nói với tôi:

- Nếu Việt Minh xuất hiện trong thị xã, những cộng sản Trung Hoa sẽ đột nhập vào và thế là hết.

Tôi biết thị xã này hầu như không thể bảo vệ được. Đây chỉ là một con đường dài ở dưới thấp, trong lưu vực sông Hồng, xung quanh rừng, phía trên là Trung Quốc, cả ba phía rừng núi ở trong tay Việt Minh. Phía kia, cách mấy trăm mét, thị trấn Trung Quốc Hà Khẩu khống chế Lao Cai từ trên đồi cao. Bất cứ lúc nào, ca-nông của thành trì này có thể đè bẹp Lao Cai, khu đồn trú Quốc dân đảng ở đây có thể đầu hàng quân du kích Mao Trạch Đông cùng vũ khí và thiết bị.

- Nhưng sự đe dọa trước mắt là trung đoàn Việt Minh ở khu tứ giác Hồ Chí Minh đã xuất phát được một tháng với mục tiêu là Lao Cai. Chắc bây giờ đoàn quân ấy rất gần, nguỵ trang trong thiên nhiên mà không bao giờ người ta phát hiện ra. Cuộc tấn công chưa biết sẽ xảy ra một đêm nào đó trong lúc ở Lao Cai chỉ có đại đội chỉ huy của tôi.

Viên đại uý đến bên cửa sổ, chỉ bầu trời nặng như chì:

- Hy vọng cuối cùng của tôi là ở đó, trông vào một đợt lính nhảy dù. Tôi đã yêu cầu và vừa yêu cầu lại. Hà Nội cho biết tiểu đoàn dù đã sẵn sàng. Máy bay Junker cũng thế nhưng phải quang đãng một ít đã. Suốt ngày tôi chờ không thấy. Đêm nay thị xã như để phó mặc.

Hoàng hôn xuống. Khu rừng rất gần thật yên tĩnh khi đêm tối bao phủ! Thế nhưng Việt Minh có lẽ chỉ cách một, hai cây số, sẵn sàng xông vào.

Ngày trở lại, có tiếng máy bay ầm ĩ. Trên bầu trời sáng đục người ta không trông thấy được những chiếc máy bay quay vòng đi lại rất lâu. Chúng cũng mù - không nhìn thấy mặt đất, phải tìm kiếm qua mây. Bỗng tiếng máy bay tăng lên. Trên bầu trời xám xịt bung ra một chuỗi chấm đen, chao đảo. Lính dù đã được thả, họ xuống dần.

Có một đại đội, được tập hợp lại sau một giờ. Quân dù theo hàng dài bước tới khu rừng bắt đầu từ cuối con đường. Họ biến mất vào bí mật, tôi không biết họ đi đâu - một bí mật tuyệt đối. Chính đại uý C... giao nhiệm vụ cho họ; ông bố trí người hướng dẫn, cu-li, ngựa thồ. Dù bằng cách nào, nơi đến của họ là đòn "đánh mạnh”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #175 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2018, 05:08:18 am »


Đây là lần đầu tiên tôi thấy lính dù hành động ở Đông Dương. Cho đến lúc đó người ta ít sử dụng họ. Làm sao dự kiến được cuộc chiến tranh từ nay chủ yếu là của họ? Vì trong những hỗn độn lớn trong tương lai, họ sẽ là những chuyên gia bám địch: Chính họ là những người cầm chân các sư đoàn Việt Minh. Họ trở thành những chiến binh vô vọng mà máy bay ném xuống vì những nhiệm vụ cụ thể, không tranh cãi được.

Trong buổi sáng ở Lao Cai này, quân lính dù tôi thấy hình như khác với những quân lính khác! Đấy là những vô lại siêu nhân, ngược hẳn lê dương: những người này, lính hoàn hảo chuyên nghiệp của thế giới hiện đại, tự hào về việc tuân theo mệnh lệnh và âm thầm: họ đánh nhau theo đội hình vững chắc, được trả công để chết khốn khổ - người ta nắm họ trong kỷ luật của cái chết tương lai. Lính dù trước hết là người theo chủ nghĩa cá nhân, một nghệ sĩ, đấu sĩ. Mỗi trận đánh là một cuộc đấu tay đôi mà anh ta phải thắng. Cuộc đời của anh ta là sự thách đố thường xuyên, những trận đánh liên tiếp - những cuộc đấu tay đôi mà anh luôn phải thoát do "giá trị" của mình, sức mạnh của tính cách mình. Cuộc "chơi" là trải qua mọi mạo hiểm và với tính cách ưu việt, phải chiến thắng thậm chí phải giết. Đấy là vinh dự. Bị giết hầu như là sự hổ thẹn. Tôi có nghe nói đến một sĩ quan dù bỏ tù những người bị thương vì như vậy là thấp kém.

Kẻ thù của lính dù là cái chết, luôn luôn có mặt nhưng bất lực. Lính dù không sợ hãi. Sống sót không phải bản năng của sự hèn nhát mà là chiến thắng của nghị lực. Lính dù có một triết lý. Điều đó đưa họ lên trên tất cả, cả những khái niệm thông thường của cái tốt và cái xấu. Lĩnh vực của họ là sự khốc liệt tự nguyện chọn lựa nhưng được họ thăng hoa vì sự trong sạch, không vụ lợi.

Thực tế, lính dù thán phục Việt Minh dù chưa có ý thức. Đấy là những kẻ thù xứng đáng với Việt Minh. Trên mọi cuộc đấu tay đôi đặc biệt, có cuộc đấu lớn giữa những tiểu đoàn dù chống các sư đoàn của ông Giáp. Việc này kết thúc bi thảm ở Điện Biên Phủ. Ở Lao Cai tôi chứng kiến một trong những giai đoạn đầu của cuộc đấu khổng lồ này.

Sau khi đoàn lính dù đi, tôi chờ đợi trong văn phòng đại uý C... Sự chờ đợi cũng là cuộc chiến đối với ông. Ông chờ tin tức của trận đánh không biết rõ ở đâu đó trong thiên nhiên. Vì ông không bảo vệ Lao Cai tại Lao Cai mà trong một khu rừng lớn như cả toàn vùng với hàng nghìn đường mòn, núi cao với cây cối um tùm khắp nơi. Trong mênh mông đó một số phân đội địch thủ mất hút trong thiên nhiên. Thế nhưng những nhóm người ấy tìm nhau, tránh hoặc bám vào nhau - Việt Minh, để đi qua và lính dù, để ngăn cản họ đi qua.

Viên đại uý ngồi trong phòng hướng dẫn trận đánh, trừu tượng nhất trong các trận đánh. Dụng cụ của đại uý là máy điện thoại và điện đài. Với ông, tôi thấy một bi kịch ở trạng thái thực chất, không trang trí, chỉ với những tiếng chuông điện thoại và điện tín. Mỗi lúc có thể là tin báo một sự kết thúc, một sự phản bội, một bốt bị hạ, một cuộc phục kích. Cũng có thể là hy vọng. Trong suốt thời gian ấy, trong gian phòng tầm thường này, dựa vào những thông tin nghèo nàn hoặc suy đoán, đại uý có những quyết định qua đài sẽ đến một bốt hoặc một đoàn quân. Và tuỳ theo ông có nhầm lẫn hay không trong văn phòng ông ở Lao Cai, sẽ là chết hoặc sống của bao nhiêu người.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #176 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2018, 05:09:24 am »


Bốn mươi tám tiếng đồng hồ chậm rãi trôi qua, viên đại uý bí mật điều khiển các đơn vị của ông trên bàn cờ rừng rậm. Sáng ngày thứ ba có chứng cứ ông ta tính toán đúng, ông chiến thắng. Tin báo đêm trước bốt Bản Phiệt đập tan một đại đội Việt Minh. Sáng ra những đống xác chất cao bằng hàng rào. Một cuộc tàn sát dã man. Trưởng bốt ra lệnh bắn như dội đạn vào quân chính quy khi chỉ cách năm mét.

- Tôi biết việc gì sẽ đến, đại uý nói với tôi. Việt Minh sẽ tấn công Bản Phiệt bằng mọi giá, lợi thế của tôi là họ không biết tôi có đại đội lính dù đó; lính dù đã tàn sát họ.

Và đại uý kể cho tôi nghe một câu chuyện về rừng và Châu Á độc ác và lạ lùng như bao câu chuyện khác. Đấy là việc đi tìm một số xác chết đã cứu Lao Cai. Năm Việt Minh đi hàng một trên con đường mòn trong rừng bị tan xác vì một quả lựu đạn cài sẵn. Nguỵ binh đi chôn xác tìm thấy trên người họ một cuốn sổ giấy úa vàng, đầy dấu và chữ. Đấy là toàn bộ kế hoạch tấn công Lao Cai, hai mươi trang viết tỉ mỉ. Năm đại đội Việt Minh đã tập trung trước mặt thị xã. Để tấn công, họ phải chờ sự ráp nối với quân lính cộng sản Trung Quốc. Cần có một đại đội thứ sáu chiếm Bản Phiệt, bốt chỉ huy con đường dễ đi nhất qua núi rừng biên giới. Nhiệm vụ có vẻ chẳng khó khăn gì vì khu đồn trú Bản Phiệt bình thường rất yếu...

Chúng tôi đã không bị thiệt hại gì, ít nhất là trong mấy ngày, thời gian họ phê bình kiểm điểm và lên kế hoạch mới. Những lý do thực sự là những đại đội trước mặt chưa "chín muồi". Để chắc thắng, Việt Minh đề nghị những người cộng sản Trung Quốc đánh chiếm Lao Cai từ phía sau. Những người này chỉ muốn tham gia với một lời hứa. Vậy là Việt Minh phải cố gắng để liên hệ với họ; như vậy thì phải làm bật nút Bản Phiệt.

Giữa quân đỏ, việc mặc cả rất phức tạp, rất Phương Đông. Và như vậy là xảy ra sự cố tai hại. Cuốn sổ tìm thấy đủ để làm hỏng cả một công trình vì nó cho tôi tìm ra giải pháp. Tôi cho quân dù đến bốt hết sức bí mật, dẫn họ đi lắt léo trong rừng. Và quân địch vốn biết hết, lần này mù tịt.

Viên đại uý giải thích cách làm của ông đúng như anh hùng trong cuốn truyện trinh thám, khi sắp đặt hoàn chỉnh mưu kế của mình.

Một giờ sau, thị xã đã hoàn toàn thay đổi. Đường phố đông người, các quán hàng mở cửa trở lại, chất đầy hàng ít có giá trị; bên trong các nhà đã có tiếng chơi cờ. Dân chúng Lao Cai biết cơn nguy hiểm đã qua, ít nhất là tạm thời.

Quân lính dù vẫn theo hàng ngũ, trở lại và ra đi. Những nét mặt mệt nhọc. Họ tiến bước im lặng, nặng nề, một cách máy móc vì nghị lực. Vào từ một đầu phố, họ đưa một số bị thương vào bệnh viện rồi tiếp tục đi. Sau khi đi qua thị xã, họ lại mất hút trong rừng, trong chiến tranh.

Những tuần lễ tiếp đó, đoàn quân dù lại xuất hiện nhiều lần ở Lao Cai, chỉ để đưa tới những người bị thương và người chết. Trong số những xác ấy có một người tự sát. Một lính tình nguyện trẻ từ Pháp sang mấy tuần trước, nghĩ rằng mình đã không dũng cảm, đã tự bắn vào đầu. Anh ta cho mình làm mất danh dự. Tuy vậy sĩ quan đã xử sự tốt. Chắc rằng như thế chưa đủ...

Thực ra ở những người lính dù, những người quá căng thẳng ấy, người ta chết vì quá nhạy cảm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #177 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2018, 05:13:12 am »


Ngón khéo léo của Châu Quán Lồ

- Cả tuyến biên giới... đi đời...

Đấy là câu viên đại uý tiếp đón tôi trong buổi sáng tôi vào văn phòng ông.

- Tuyến biên giới vỡ ở Hoàng Su Phì, bốt xa nhất của chúng tôi phía trên sông Đáy. Nếu trên ấy tan tành thì rồi ở ngay đây, Hà Khẩu, Lao Cai cũng sẽ sụp đổ; họa Việt Minh vừa lu mờ thì đến mối nguy Trung Quốc.

Đại uý đưa cho tôi một bức điện. Sĩ quan chỉ huy ở Hoàng Su Phì báo tin Tchou Kia Py - uỷ viên chính trị của Mao Trạch Đông - đã cho Việt Minh mượn một tiểu đoàn trong một tháng, thời gian đủ để lấy bốt.

Bi kịch Hoàng Su Phì kéo dài nhiều tuần, diễn ra trong những núi đá vôi thể hiện trên bản đồ bằng một vệt trắng. Đấy là bi kịch một bốt ngày này qua ngày khác đã chống cự với những trăm, nghìn Việt Minh, lộn xộn kinh khủng. Lúc đầu chỉ có năm người Pháp và ngụy binh. Họ đã tưởng bị mất thì lính dù nhảy xuống góc cuối này. Lính dù lấy lại từng đỉnh núi cao khống chế bốt. Việt Minh đưa từng làn sóng người phản công nhưng thất bại và bây giờ xuất hiện quân Trung Hoa cộng sản.

Trung Quốc của Mao chính thức còn cách hàng nghìn cây số nhưng du kích đỏ đã bố trí sát cạnh Đông Dương. Người tổ chức các toán này là Tchou Kia Py, một trí thức gầy và dữ tợn, trực thuộc Ban tham mưu của Mao Trạch Đông, từ vùng giải phóng phía bắc Trung Quốc xa xôi đến Vân Nam chỉ với một số tùy tùng. Trong mấy tháng ông ta đã thành lập các đội ngũ với quân hiệu ngôi sao đỏ.

- Đất Vân Nam này, đại uý nói, là nước Trung Quốc suy thoái tột độ. Những sân bay rộng lớn do người Mỹ xây dựng trong chiến tranh đã trở lại với rừng. Vũ khí US đưa qua theo đường Miến Điện được bán khắp nơi: người ta có thể mua ở chợ Côn Minh. Nhưng tình trạng vô chính phủ bắt đầu từ năm 1946; khi tướng Lư Hán từ chối chia sẻ khối chiến lợi phẩm thu được ở Bắc Kỳ khi sang giải giáp quân đội Nhật. Ông ta giữ tất cả cho mình. Những tướng, tá của ông thất vọng và giận dữ, nổi dậy trở thành giặc cướp. Họ hoan nghênh những đề nghị của Tchou Kia Py, nghĩ rằng mình sẽ có lợi hơn.

Sự huỷ hoại càng nhanh vì Lư Hán mất mặt. Tưởng Giới Thạch chơi ông thảm hại, lợi dụng lúc cử Lư Hán sang Bắc Kỳ để chiếm lãnh địa của ông, đặt những khu đồn trú của mình ở những thị trấn chính của Vân Nam. Sau đó những người cộng sản đã có thể "lũng đoạn" tất cả nhờ vào sự bất bình chung.

Trong tình trạng sa sút ấy chỉ với mấy trăm du kích, năm ngoái Tchou Kia Py chiếm Mong Tseu, thị trấn thứ hai của tỉnh, vùng giàu thép, cách Lao Cai không đến một trăm cây số. Không có chống cự. Sau đó cả một nửa Vân Nam bao bọc phía trên Đông Dương chuyển sang phe đỏ; cả vùng biên giới chỉ còn lại với Quốc dân đảng một khối, khu Hà Khẩu khống chế chúng tôi. Nhưng thị trấn này đơn độc, hoàn toàn bị du kích thiết chặt. Một ngày nào đó quân lính ở đây gia nhập với Tchou Kia Py và sẽ là tai họa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #178 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2018, 05:15:41 am »


Từ nay, hơn cả Việt Minh, Tchou Kia Py là kẻ thù thực sự của tôi, đáng sợ nhất. Ông ta liên minh với Việt Minh, tung du kích tấn công các bốt của tôi, đe dọa tôi tận Lao Cai. Tôi phải đọ sức với chính ông ta. Không phải bằng vũ khí mà theo "cách của Châu Á". Tchou Kia Py đã dụ dỗ các ông chúa chiến tranh; tôi sẽ rủ rê, lung lạc họ về với mình.

- Trước đây, đặc ủy tâm sự với tôi, tình bạn với các thủ lĩnh băng nhóm, với những vị làm giàu vì buôn vũ khí đã rất quý giá đối với tôi. Không có tình bạn ấy tôi không bao giờ lấy lại được Lao Cai với người của tôi cách đây bốn năm. Và chắc người Pháp sẽ không có mặt ở đây.

Chính nhờ sự tận tụy của Nùng mà tôi chiếm lại được thị xã này. Anh ấy chỉ là một lính biệt kích người Thổ. Nhưng câu chuyện của anh rất đẹp, tôi kể cho ông nghe.

Thời kỳ Nhật chiếm đóng tôi chỉ huy một đại đội dân bản xứ ở Lao Cai. Trong cuộc đảo chính tháng ba năm 1945 tôi vượt qua Cầu quốc tế với người của tôi sang tìm chỗ lánh nạn ở Trung Quốc. Khi đế quốc Mặt trời mọc đầu hàng, tôi được lệnh trở lại Lao Cai. Nhưng Việt Minh đã chiếm đóng thị xã và toán quân của tôi đã kiệt sức không đuổi họ được. Lòng hiếu khách của Trung Quốc chỉ là một dạng trại tập trung.

Thay vì trở lại cầu với đại đội mình, tôi chỉ thị cho Nùng quay về Lao Cai một mình, nói là đào ngũ, xin gia nhập Việt Minh và tự xoay xở lấy. Mấy tuần lễ sau đó anh báo tin cho tôi, anh được chỉ định chỉ huy trưởng và tôi có thể trở về, tất cả đã sẵn sàng.

Đến ngày đã định chúng tôi về thị xã, nghi ngờ, dưới đội hình chiến đấu. Chúng tôi thấy một Lao Cai hoan hỉ kéo nhiều cờ tam tài. Trên quảng trường chính hai trăm người cưỡi ngựa giơ cao súng chào chúng tôi. Trang bị của họ, từ những kho Mỹ theo những đường bí mật cung cấp, tương phản khác thường với quần áo rách rưới của chúng tôi. Tôi nhận ra Nùng tuốt gươm chào chúng tôi. Những kỵ sĩ ấy của anh trong đại đội Việt Minh: đấy là những người miền núi, tin cậy, bà con mà anh tự tuyển mộ với sự khuyến khích của những cán bộ chính trị. Xa hơn một ít là những tù binh, lính của một đại đội Việt Minh khác, người Annam thuần túy. Nùng đã bất ngờ giữ họ.

Bây giờ Nùng đã chết trong chiến đấu. Nhưng bạn thân, tôi có rất nhiều người khác! Tôi có Se Co Tinh. Tôi có Châu Quán Lồ. Và để giữ Lao Cai đối với Tchou Kia Py, trước hết tôi dựa vào họ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #179 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2018, 05:16:30 am »


Ngày hôm sau tôi làm quen với Se Co Tinh. Một người Lao Cai khoảng ba mươi tuổi, giống một người học trò mẫu mực của các cha. Nhỏ nhẹ, nụ cười e thẹn, anh giữ được nét đẹp của tuổi trưởng thành. Nhìn bề ngoài anh hoàn toàn Phương Tây hóa, nói tiếng Pháp, mặc bộ quần áo comple là kỹ và cho xây dựng một biệt thự như ở ngoại ô Paris. Nội thất kiểu hiện đại trang trí những dây hoa giả và tranh ảnh tiệc tùng. Những chiếc xô-pha, bàn, giường, đàn dương cầm được máy bay chở đến từ những cửa hàng sang nhất ở Sài Gòn và Paris. Ở châu thổ sông Hồng như thế là quá sang trọng.

Se Co Tinh sống một cuộc đời yên ấm ở gia đình; anh có một người vợ đẹp im lặng và những đứa con hay la hét. Nghề của anh là sở hữu năm trăm khẩu súng - được hàng nghìn người sử dụng trên bờ tây sông Hồng, không quan tâm quá đáng đến biên giới. Nhưng anh không phải một trưởng băng nhóm thô lỗ, đấy là một người kinh doanh. Hầu như anh không bao giờ bám sát vốn của mình, nghĩa là súng và người của anh. Anh chỉ đạo việc "buôn bán" từ Lao Cai, cụ thể hơn là từ biệt thự của mình nhờ một đài thu phát.

Se Co Tinh không có một luật lệ nào, kể cả luật lệ trưởng băng nhóm. Anh làm việc cho mình nhưng với sự che chở của người Pháp mà anh là người đưa tin tốt nhất.

Ngược lại tôi không có vinh dự tiếp cận với Châu Quán Lồ. Ông ta quá bận bịu trên những ngọn núi Mường La, đánh nhau và trao đổi mua bán với đủ loại người Trung Quốc như một chiếc răng, sát Hoàng Su Phì, cách Lao Cai khoảng một trăm cây số về phía đông bắc.

Châu Quán Lồ là một chúa Mán ở lưng chừng núi, ngay dưới người Mèo. Những bước khởi đầu của ông không rõ, rất có thể là một tên cướp, về già ông lãnh đạo dân tộc mình một cách đàng hoàng và tư cách. Đi đâu ông cũng ngồi trên lưng một con ngựa yên cương thật đẹp phía sau đoàn tuỳ tùng chức sắc - người cầm cờ hiệu, quân hầu rượu luôn cầm vò rượu, quân mang ống điếu, mấy vệ sĩ luôn để ngón tay vào cò súng tiểu liên, vài chư hầu và cuối cùng là ông che tán tránh nắng cho khuôn mặt vương giả. Thế nhưng khuôn mặt ông thật đáng sợ, sẹo khắp nơi, khâu vá khắp nơi, một con mắt chột mí mắt to lớn khép kín, con mắt kia sưng húp đầy ghèn.

- Ông ấy trung thành triệt để với người Pháp, viên đại uý nói với tôi. Ngay cả khi đã mất hết trong cuộc đảo chính Nhật năm 1945, giữa rừng núi của mình hàng ngày Châu Quán Lồ vẫn chủ trì lễ chào cờ tam tài. Trên toàn Đông Dương lúc ấy chỉ trên lãnh địa ông còn phấp phới lá cờ Pháp. Bao giờ ông cũng tận tâm như vậy; bây giờ ông giết tất cả những người cộng sản, không phân biệt Việt Minh hoặc Trung Hoa. Bao nhiêu đầu bị chặt! Ông muốn đều đặn gửi cho tôi một thúng và hơi phật lòng khi tôi từ chối món quà đó.

Hai, ba ngày sau viên đại uý thông báo cho tôi:

- Xong rồi. Châu Quán Lồ làm thất bại cuộc tấn công của Tchou Kia Py vào Hoàng Su Phì rồi: ông đập tan cuộc tấn công không một phát súng, với mấy nghìn đồng bạc.

Một tướng cướp Trung Hoa tên Chung đến gia nhập theo quân Tchou Kia Py cách đấy ba tháng; đêm trước anh ta nổi dậy chống lại. Lâu nay anh ta cay đắng than phiền không nhận được tiền cứu trợ cộng sản đã hứa; họ làm anh không kiếm được nhiều vì phải chuyển sang sống lương thiện. Biết được những lời kêu ca đó, Châu Quán Lồ đề nghị sẽ cung cấp số tiền đó nếu anh ta quay lại chống quân đỏ. Thế là chiều hôm qua Chung cướp hết mọi tiếp viện thực phẩm của tiểu đoàn quân Tchou Kia Py đang tiến đến Hoàng Su Phì - đoàn quân đói đành phải trở về.

Không kể việc Chung ngày nay bị một băng nhóm cạnh tranh do cộng sản chi phối đánh tập hậu một sự lộn xộn không gỡ nổi giữa những người Trung Hoa đủ loại trên biên giới. Nhưng Tchou Kia Py không chiếm Hoàng Su Phì sớm được.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM