Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:50:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84871 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #150 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2018, 07:56:15 am »


Tôi đi dọc hàng quân: đội quân đi đầu làm trái ngược hẳn với đội sau, theo đường lối chính trị mềm mỏng; Một sĩ quan ra lệnh triệt để cấm đốt phá. Ông cho thả truyền đơn khuyến khích dân chúng về với sự bảo vệ yên bình của người Pháp - những người này được cơ quan tâm lý chiến Sài Gòn cử tới.

Ngược lại, ở phần đuôi người ta quyết tâm thực hiện thông tư của Văn phòng 3 Đội quân viễn chinh ghi rõ phải diệt cơ sở của quân địch bằng mọi cách. Quân lính cố đốt những mái tranh bằng diêm và bật lửa nhưng nó ẩm ướt quá không bắt lửa. Thế là họ đập vỡ mọi thứ - chum vại lúa, bình, giường chõng, những tài sản nghèo nàn của dân quê. Và rồi đi xa hơn, mang theo lợn gà.

Bỗng tất cả ngừng lại. Giữa hàng quân, đại tá biến mất, Cả một sự lộn xộn. Viên đại uý cử tuần tra đi mọi hướng để tìm. Mười lăm phút trôi qua trong lo lắng, vẫn không thấy đại tá! Đột nhiên ông xuất hiện, chúa tể hơn bao giờ hết từ phía người ta không ngờ tới. Ông kêu lên ngay, giọng chỉ huy:

- Mất trật tự như vậy là thế nào? Vậy là tôi không đi xa được mấy phút mà việc không tồi tệ đi sao?

Chúng tôi lại ra đi, theo con đê, sau nhiều khúc quanh đến được chỗ con kênh tàu LCT chờ chúng tôi. Chiếc máy bay thám thính độc nhất đưa về cho quân khu - chiếc máy bay đại tá đã kể với tôi - cũng ở đấy. Phi hành đoàn có phát hiện ra quân lính Việt Minh người ta định tiêu diệt. Họ chỉ cách chúng tôi hai trăm mét, trước mặt, bên kia con kênh. Mười lăm phút trước đây họ qua kênh trong những con đò, trước mắt chiếc LCT mà người ta chẳng thấy gì.

Con "mồi" rất gần, bây giờ đã phát hiện ra nhưng đuổi theo làm gì? Vì phải vượt qua kênh mà chúng tôi chỉ có chiếc LCT. Thời gian lên tàu từ bờ bên này, đổ bộ ở bờ kia thì còn đâu Việt Minh. Việc đó cũng phải mất hơn một tiếng đồng hồ.

Rất khôn ngoan, đại tá quyết định bỏ rơi chi đội mặc số phận của họ. Và bước ngoặt của những sự kiện cũng cho phép ông tự an ủi một phần về "trục trặc" từ đầu.

- Kết cục, việc Hải quân Cần Thơ nhầm một ngày cũng chẳng quan trọng. Vì dù đội quân "chặn hậu" có mặt tại chỗ cũng không được việc gì, sẽ chẳng thấy ai. Việt Minh không đi theo con đường được dự kiến. Họ rẽ theo hướng khác. Quân súc vật!

Chúng tôi lại lên chiếc LCT, nhưng để đi xuống phía dưới mấy cây số của sông Bassac, chỗ con tàu Hải quân cắm neo. Dù sao đại tá cũng nói thẳng ý nghĩ của mình với số lính thuỷ. Ông cũng muốn "mắng chửi" viên đô đốc có mặt trên tàu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #151 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2018, 07:57:49 am »


Vị trí Cà Mau

Điều ngạc nhiên ở Đội quân viễn chinh là khả năng lột xác, nặng trĩu những yếu kém, những kỳ cục; cuộc chiến chỉ còn là một hài kịch tầm thường đẫm máu. Nhưng đột nhiên, những nhân vật tầm thường - những kẻ khoe khoang, kiêu ngạo, khoác lác, mánh khoé; ngu xuẩn - làm cho người ta khâm phục vì sức dẻo dai và tính không vụ lợi. Đức tính sâu xa của tất cả những lính đánh thuê Pháp, sĩ quan cũng như binh lính, trong hoàn cảnh bắt buộc, tự quên mình, quên những định kiến, vươn tới tầm cao.

Viên đại tá của Sóc Trăng là thế, biến đổi dưới mắt tôi thành một chỉ huy thực sự, điều độ và tỉ mỉ.

Một hôm ông bảo tôi:

- Tôi sẽ đưa ông đến làm vinh dự cho Cà Mau. Đây còn trong khu tôi.

Ông nói với tôi theo kiểu một chủ trại hào hoa đưa khách đến thăm đất đai mình. Một chuyến đi nguy hiểm. Phải gần trăm cây số người ta mới đến vùng cuối Đông Dương, giữa rừng ngập nước, giữa vũ trụ sống dưới nước, trong lãnh địa của lữ đoàn hải ngoại đáng sợ. Con đường là đoạn cuối đường 16 bị cắt đứt nhiều tháng mới sơ bộ sửa chữa lại. Qua con đường người ta đến một nơi đồn trú tưởng đã mất đi và chỉ là một đầu đinh ghim trong khu vực bao la để lại cho sốt rét và Việt Minh.

Ngày ra đi đại tá rất thoải mái, phong cách đẹp hơn bao giờ hết. Tôi ngồi bên cạnh ông trên chiếc xe jeep ông tự lái lấy, dĩ nhiên mình để trần. Người lính Maroc quấn khăn chuyển xuống ghế sau. Một đoàn tùy tùng nhỏ đi theo chúng tôi.

Vừa rời khỏi Sóc Trăng con đường Cà Mau đã thê thảm. Chỉ còn là con đường đất nện đi thẳng, vô tận đến một vùng bằng phẳng dọc theo một con kênh, cảnh đông đúc Châu Á nhường chỗ cho một sự vắng vẻ tuyệt vời; nhịp sống, giao thông chấm dứt. Người ta bước vào cái chết toàn bộ, thiên nhiên cũng bị huỷ hoại. Người Pháp áp dụng đường lối tiêu thổ khắp các vùng chung quanh.

Chỉ ở xa, phía chân trời người ta mới thấy tán cây rừng và màu xanh đồng ruộng. Ở gần hơn là cỏ cây bị đốt cháy, cây bị hạ; trạng thái tự nhiên chỉ còn nước tù hãm hôi thối. Đại tá bỏ một bàn tay mang găng ra khỏi tay lái, khoát rộng chỉ cho tôi khoảng mênh mông chẳng còn gì:

- Chúng tôi phải cấm mọi sự hiện diện của người, cả cây cối trong vòng hơn một cây số bên này và bên kia đường để tránh việc phục kích. Các làng bị dỡ ra, chuyển đi từng nhà một ra khỏi "vùng trắng" của con đường. Tôi ra lệnh cho quân lính bắn vào bất cứ ai, một sinh vật sống nào có mặt ở đấy không cần cảnh báo. Riêng đoàn xe "ca Trung Hoa" cho đi lại - có thể xóa bỏ tất cả trừ thương mại.

Nhưng tôi thấy khoảng không cũng không đưa lại sự an toàn. Dù thiên nhiên đã bị cạo trơ trụi những cuộc phục kích vẫn phát triển. Phải xây dựng những chiến tuyến dọc con đường.

Thực vậy, con đường mang sự hiện diện đều đặn về quân sự, gần giống như một con đường sắt với hệ thống biển báo. Một lần nữa tôi nhận ra những yếu tố chuẩn của cuộc chiến tranh Đông Dương. Với vẻ đơn điệu mệt mỏi, chúng tôi đi qua những đồn bốt to nhỏ, tháp, vọng lâu, trước vô số lô-cốt, dây thép gai, súng máy, cờ và binh lính mọi chủng tộc. Nhưng ở đây, trong cảnh điêu tàn của con đường 16, trong cái hư không tạo ra, việc bố trí trải dài này cho tôi một cảm giác lạ lùng không phải thể hiện sức mạnh mà một vũ trụ tập trung trong đó mỗi người là tù nhân của người vô hình, của miền cực tây, của sự đe doạ thường trực.

Vì quân địch luôn luôn ở đó mặc dù mọi cải tiến về hạ tầng kiến trúc, mọi sáng kiến, tất cả những triệu bạc chi phí, mặc dù tất cả những kho tàng của trí tưởng tượng quân sự. Quân đội phí công tìm một áo giáp nguyên vẹn cho con đường, Việt Minh vẫn không ngừng tiếp cận và tấn công. Họ luôn tìm được những chỗ rạn nứt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #152 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2018, 08:00:34 am »


Chúng tôi lăn bánh trong nhiều giờ. Tôi nhận ra những chỗ phục kích nhờ những cử động đầu của viên đại tá. Khi đến một góc đáng ngại, ông nhìn vội sang phải, sang trái nhiều lần liền, như việc đung đưa người của khán giả cuộc đấu tennis: để tìm xem phía dưới chỗ nào có thể xuất phát cuộc tấn công, vả lại trong các xe hộ tống tất cả những cái đầu đều cùng động tác ấy, thể hiện nỗi sợ hãi một cách máy móc, kỳ lạ.

Vượt qua nhiều cây số không khí mỗi lúc càng nặng nề. Toàn cảnh hoang dã. Xung quanh chúng tôi ngút ngàn một vùng đầm lầy, bùn đen điểm những chấm trắng là vô số chim. Trong các bốt, các sĩ quan báo cáo có ba chi đội tập hợp cho một cuộc tấn công. Giông tố sấm rền, cả tiếng ca-nông nhả đạn. Xa xa ngọn lửa một đám cháy lớn bốc lên. Một làng đang cháy.

Thị xã Bạc Liêu là nơi văn minh cuối cùng, với những đường phố, cửa hàng thực sự, đông dân. Tiếp đó ngột ngạt hơn. Những nơi đồn trú rào kín, đóng chặt hơn. Tuyệt đối trống không. Quang cảnh chỉ lầy lội và năn lắc, nước đỏ ngầu đầy rác bẩn dập dềnh đến vô tận.

Và rồi xung quanh con đường cả những công sự bảo vệ cũng giảm thiểu và biến mất. Đường 16 chỉ còn là một giải đất hoàn toàn đơn độc, hoang vắng, nổi lên trên mặt nước.

Sau hàng chục cây số trống vắng hoàn toàn tôi bỗng thấy một khoảng đất liền - có xây công sự, vuông vắn, xung quanh là tháp và vọng lâu. Nhưng gần như là một ảo ảnh. Vì lại gần chỉ có vài bức tường mỏng manh bằng tre bao quanh mấy căn nhà tranh trên một vạt đất bùn nện. Chỉ là khổ sở và nghèo nàn, cũng buồn và trơ trụi như môi trường xung quanh.

- Đấy là làng lính ngụy của chúng tôi, đại tá giải thích. Người ta đưa họ từ xa tới đây cùng với gia đình vì trong vùng ngập nước hoang vu này không có dân cư, không làm cách nào tuyển mộ được. Chỉ những toán Việt Minh bám trụ lại được - nhưng trong những hoàn cảnh thật đáng sợ!

Bố trí người của chúng tôi ở đây là cả một vấn đề. Không có gì hết, thậm chí không có mấy mét vuông đất cứng. Trước hết, với những chiếc thúng nhỏ, làm một chiếc bánh bùn khổng lồ, san ra, để cho khô - đấy là nền. Sau đó để xây dựng chẳng có đá, gỗ; chỉ lau sậy và một ít tre. Kết quả là một xóm dân nghèo chứ không phải bốt. Trong ổ chuột này không một người Pháp, không có cả một hạ sĩ của thuộc địa. Thế mà quân lính trong đó không phàn nàn, thậm chí tự bảo vệ nữa.

- Tại sao ông không cho làm một bốt Pháp thực sự?

- Sẽ quá nghiêm trọng nếu bị hạ, mà gần như chắc chắn sẽ bị hạ.

Còn đi nhiều cây số trong hoang vắng và chúng tôi vào trong khu rừng lớn ngập nước. Giống như trong đêm tối. Từ mặt nước đen ngòm trồi lên những thân cây chằng chịt dây và rêu. Một mớ rối beng khổng lồ những hình thù vô định, tối tăm, cuộn vào nhau mơ hồ gần như ác mộng. Hầu như không thấy gì, nghe gì. Nhưng chẳng có gì dọa dẫm hơn cảnh tĩnh lặng trong rừng.

Thực vậy, trong im ắng bỗng nổi lên những tiếng cồng. Có những dấu hiệu, những đám khói rất gần. Đại tá tăng tốc nhưng không đi nhanh được vì cây cỏ mọc trên đường. Tiếng trống đuổi theo chúng tôi, hình như sắp bắt kịp.

Rồi trong mấy giây là ban ngày, ánh sáng mặt trời. Đột ngột ra khỏi bóng xanh mờ tối, chúng tôi đi vào một lòng chảo đầy song mây mục nát, nửa dầm trong nước - một trong những vùng trũng thường thấy trong rừng. Chúng tôi đến Cà Mau, nơi tận cùng thế giới.

Không còn nỗi o ép của rừng. Lại là cảnh buồn chán của một không gian trống không, của vùng đất bị cháy. Lần này thì do Việt Minh phá huỷ và đốt. Họ nhấn chìm cả một thành phố, trước đây là một thị xã thuộc địa xinh xắn. Một lớp cỏ và cây bụi không gỡ được đã phủ lên toàn vùng.

Chỉ có một số đổ nát cây cối trùm lên. Sú vẹt thỉnh thoảng bị ngắt quãng vì những đống gạch đá - những gì còn lại của các ngôi nhà. Những cây phượng thẳng hàng còn xác định được ranh giới nhưng con đường đã biến mất. Và cứ nghĩ vì những đổ nát ấy mà tôi đến từ xa như thế!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #153 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2018, 08:01:28 am »


Tuy vậy, sa mạc xanh này chứa đựng bao nhiêu người, nhưng họ ở đây để chém giết lẫn nhau. Đấy là những lính lê dương, chốt chặt trong một loại thành trì. Xung quanh họ là Việt Minh ẩn nấp trong những đống đá vụn và bụi cây. Lô cốt của họ đã sụp đổ nhưng cuộc chiến vẫn tiếp tục.

Lính lê dương rút vào một góc xây cứng cát giữa khoảng bốn cạnh là kênh mương. Họ sống sau những vị trí nổ súng, bắn chặn, trong những lô cốt và công sự, ít bị vây hãm hơn trước đó. Và bây giờ so lại, họ thật sung sướng! Vì nếu đại tá đôi khi "tự đến" theo con đường được mở lại bia rượu cũng đến và cái này bù đắp cho cái kia. Và rồi họ còn sống sau khi cứ nghĩ sẽ chết! Sự thử thách thật ghê gớm.

Những người ở đây kể lại với tôi:

- Chúng tôi suýt bị điên; đến đây đã gần một năm, trong những đổ nát bệnh hoạn này, trong một thành phố bị đốt cháy luôn luôn có những trinh sát và xạ thủ Việt Minh. Người ta từ trên cây cao bắn hạ chúng tôi. Ban đêm những chi đội toàn vẹn dội súng cối vào chúng tôi. Họ ở bên kia con kênh, vẫn múa hát.

Một thời gian vô tận chúng tôi bị cách ly với thế giới bên ngoài; con đường bị cắt. Một hôm việc tiếp tế không đến, người ta báo trước sẽ không có nữa. Chúng tôi là quân lính lê dương bị mất hút ở Cà Mau. Tuy thế chúng tôi sống sót, đánh nhau cả ngày lẫn đêm. Khi không cầm tiểu liên thì nắm lấy bay. Chúng tôi nỗ lực xây dựng lại trong sáu tháng thành trì đã sụp đổ, không tự vệ được. Phải có những đợt hành quân biệt kích để thu nhặt đá ở những đống đổ nát gần nhất. Không có nước uống, phải dùng tay đào lại chiếc giếng sâu bốn mươi mét bị Việt Minh lấp đất và mìn. Thật kinh hoàng khi vét lại chiếc lỗ không đáy này! Bao nhiêu người chúng tôi bị tử nạn khi gỡ đá từng nắm tay một!

Thức ăn chỉ một bát cơm mỗi ngày. Chúng tôi đi mò tìm như mù, kiệt sức trong đầm lầy, sú vẹt, những gì ăn được để sống. Nhưng thiên nhiên trống không, thù địch, bao la. Một hôm chúng tôi dắt về được một con trâu - thật vui mừng, thật thịnh soạn! Nhưng một lần khác trong lúc đi kiếm thức ăn như thế chúng tôi bị cả một tiểu đoàn Việt Minh bao vây. Phải chiến đấu dữ dội để thoát thân và chúng tôi có những người bị giết. Sau lần đó chúng tôi không ra ngoài nữa.

Cơn điên rình mò chúng tôi trong thành trì chết tiệt này, trong mấy mét vuông nhà tù bị nóng nực, sốt rét và đói khát hành hạ. Bị thương, bị bệnh cũng không có thuốc. Chúng tôi u buồn, dễ nổi cáu, bạc nhược gần đi đến chỗ tự sát hoặc nổi loạn. Nhưng chúng tôi vẫn trụ vững, không tưởng được con người có thể chịu đựng được như thế. Việt Minh gọi hàng, chúng tôi trả lời bằng nhả đạn. Nhưng chúng tôi chẳng còn hy vọng gì.

Chúng tôi chỉ còn chờ chết, không thể kéo dài lâu nữa. Chính lúc đó nghe đài biết người ta sẽ đến cứu chúng tôi. Mấy ngày sau các tiểu đoàn hành quân giải phóng xuất hiện. Chúng tôi là những người bị kết án tử hình trở về với cuộc sống. Thật tuyệt vời. Từ đó Cà Mau cũng là một bốt như mọi bốt khác. Chà, nếu ông đến được vào thời kỳ ấy...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #154 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2018, 08:03:31 am »


Cái chết của viên đại uý

Mấy tháng sau tôi gặp một sĩ quan Sóc Trăng ở Sài Gòn.

Chúng tôi cùng uống khai vị ở khách sạn Continental. Trong tiếng ồn của đại lộ Catinat, ông cho tôi những tin tức của quân khu:

- Ông đại tá sắp hết nhiệm kỳ, sẽ trở về Pháp, sắp tới chẳng còn người cũ nào.

- Thế còn ông đại uý phó chỉ huy?

- Thế nào, ông không biết sao? Ông ấy bị giết cùng hầu hết ban tham mưu. Thật ngu ngốc. Ông bị tiêu diệt trong một cuộc phục kích bình thường cách Sóc Trăng vài cây số, đi trên chiếc xe jeep cùng các sĩ quan trong một chuyến thanh tra trở về. Việc đó xảy ra trên con đường lớn, trong vùng được xem là đã bình định, chắc chắn sẽ không có trở ngại gì, vì đã ở ngoại ô thị xã. Một khẩu tiểu liên xả đạn vỗ mặt.

Ông đại uý khốn khổ! Ông chết đúng như ông đã dự kiến. Tôi nhớ rất rõ giọng nói thảm hại của ông khi tuyên bố cuộc chiến tranh này "sẽ diệt" ông như sẽ diệt mọi người và ông sẽ trở về Pháp trong một chiếc quan tài. Điều ấy đã đến.

Ông đã đau đớn nhiều trước khi tắt thở! Một viên đạn bắn trúng chân xoáy trong chân thành vòng quanh xương. Ông chết vì hoại thư ở bệnh viện Sài Gòn.

Cái chết của ông làm các nhà chức trách quân đội bối rối. Họ phát hiện ra ông có hai bà vợ. Vợ chính của ông và các con ở với bà mẹ. Nhưng sau Giải phóng ông cưới một cô gái đẹp ở Strasbourg và cũng đã có con. Và đám cưới hoàn toàn hợp pháp, trước mặt thị trưởng. Tôi không rõ quân đội giải quyết tiền tuất ra sao với các bà góa. Có vẻ hai bà cố gắng dàn xếp tốt nhất để không nhấn chìm thanh danh của ông đại uý.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #155 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2018, 08:04:20 am »


Những chúa tể của cuộc chiến tranh

Cách xa Nam Kỳ chìm đắm trong tàn bạo, xa những đám dân chúng người ta giành giật bằng mọi kỹ thuật, xa sự hoạt động của lớp đông người và đồng bạc, có một cuộc chiến tranh du kích khác.

Điều này xảy ra trên xứ Thái, được gọi thế vì nhân dân chủ yếu ở đây là một nhánh xa của dòng tộc Thái.

Vùng này thiên nhiên hung dữ và bao la, chỉ là những rừng rậm không được biết đến, những rặng núi đáng sợ, những vực thẳm. Gần như không tiếp cận được: trước kia để tới đó phải mất hàng nhiều tháng vì xa xôi và sốt rét!

Vả lại có ai tới đó? Một vùng hoang dã núi rừng cách biệt tất cả, ở phía nam dải sông Hồng, dưới chân cao nguyên bao la Vân Nam. Để lên đấy phải đi xuồng ngược dòng sông Đà tuần lễ này qua tuần lễ khác hoặc đi bộ không dứt theo đường mòn. Hành khách thật hiếm hoi.

Thế nhưng khi đã lên đến xứ Thái, người ta phát hiện ra đấy là địa đàng. Vì trong cảnh vắng lặng ấy, qua nhiều thời đại Châu Á nó vẫn giữ nguyên vẻ đẹp và cổ kính nhất - cuộc sống êm dịu, tình yêu và sắc đẹp, sự tàn bạo ngây thơ. Và những chúa tể của chiến tranh bảo vệ những phong tục tổ tiên ấy.

Đến vùng ấy là đắm mình trong bóng tối thời gian. Những điều ấy vần còn, nhưng được bao lâu?

Vì muốn đến xứ Thái chỉ phải mất hơn hai giờ đi máy bay. Bỗng nhiên vùng này bị cuốn vào guồng máy chiến tranh hiện đại. Cán bộ chính trị và quân lính Việt Minh đã lên đấy. Người Pháp cử các đội quân lên đánh. Các bên lôi kéo vào những rối rắm của họ nhân dân vùng núi và thung lũng vốn hạnh phúc trong sự lười biếng, chỉ lắng nghe lúa mọc và trồng một ít cây thuốc phiện.

Tôi cũng sẽ tới đó, muốn xem sự đụng độ giữa Châu Á cổ kính và Châu Á mới. Thậm chí tôi phải nhanh chân, sợ thiên đường xứ Thái rồi sẽ biến mất, do những lực lượng ghê gớm của thời đại này tàn phá.

Thực tế, người Pháp nắm lấy người Thái, chỉ làm chậm lại sự thất bại thảm hại trong mấy năm. Bản thân họ, để chống sự thâm nhập và tấn công của Việt Minh, ngày càng dấn sâu vào núi rừng xa xôi ấy. Cuối cùng họ hoàn toàn bị nhận chìm: các tiểu đoàn xung kích của họ sẽ bị tiêu diệt trong lòng chảo Điện Biên Phủ do các sư đoàn của ông Giáp vây hãm.

Năm 1948 chỉ là bước đầu một quá trình. Chỉ những phân đội yếu tham chiến. Chủ yếu vì Việt Minh tự lựa chọn vùng rừng núi để đụng độ với người Pháp: ở đây họ chiếm ưu thế. Bi kịch đã bắt đầu nhưng người ta còn chưa biết. Có ai hình dung xứ Thái có thể là mồ chôn Đội quân viễn chinh. Người nào nói trước điều đó sẽ bị cho là điên và bị giam kín.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #156 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2018, 05:37:04 am »


Chọc thủng màn mưa bụi xuống Sơn La

Mưa phùn. Một lớp bông bao trùm châu thổ Bắc Kỳ. Làn mưa bụi không dứt. Trời mây u ám lẫn trong đất ngập u ám. Dù sao vẫn phải tiến hành cuộc chiến trên châu thổ trơ trụi và ướt át này, trong một vũ trụ bể kính, trong bùn, nước bẩn đồng ruộng, trong lầy lội những bờ đê và đường sá.

Tôi sắp bay đến vùng rừng rậm đầy nắng, tới Sơn La, Lai Châu và Lao Cai. Tôi đang ở sân bay quân sự Bạch Mai, Hà Nội. Khoảng vài chục máy bay Junker lụ khụ, xếp hàng bên nhau như bị sương mù nuốt chửng. Những chiếc máy bay khốn khổ này, bị thế giới bỏ quên, là toàn đội không lực Pháp ở Bắc Kỳ. Chúng làm cầu nối tất cả những đồn bốt ở miền cao Bắc Kỳ và Lào, đóng trong rừng rậm như địa ngục rộng lớn bằng một nửa nước Pháp.

Một điều lạ của cuộc chiến tranh Đông Dương là dải rừng rộng lớn này còn thuộc về người Pháp hoàn toàn bị cắt khỏi châu thổ Bắc Kỳ. Nó bị ngăn cách bởi "hành lang" Việt Minh vùng hạ lưu sông Đà nối tứ giác Hồ Chí Minh với Annam đỏ của Vinh và Thanh Hóa. Vậy là những chiếc Junker này chơi trò nhảy cừu trên hành lang ấy đến những bốt trong vùng rừng núi, đảm bảo sức sống cho quân lính giữa nơi cô quạnh.

Ngày này, qua ngày khác, những "tảng thép" sửa chữa qua quít ấy bay đi. Mặc mưa phùn mùa đông, gió mưa mùa hạ với những giông tố bão bùng, mặc núi rừng ngổn ngang, chúng phải thực hiện toàn bộ kế hoạch tiếp tế những khu đồn trú ở địa đầu thế giới. Chúng phải nặng nề quay vòng trên những vùng "bị rơi đột ngột", giữa những chỏm núi, mây mù, thả xuống những hộp quý giá cuối những chiếc dù nhiều màu sắc; đối với những người ở dưới, cuộc sống đến từ trời cao. Vì vậy cầu hàng không chẳng bao giờ ngừng lâu. Junker phải vượt qua mọi thời tiết.

Không có một sự "hướng dẫn" nào từ mặt đất. Các đội bay tự định hướng, thường tan vỡ vì đụng phải một chỏm núi cao xuất hiện bất ngờ. Ngày nay ở Bạch Mai một nhà kho tạm biến thành một nhà nguyện cho người chết. Trang trí bằng mấy mảnh vải dù, vài cánh chong chóng; bàn thờ dựng lên trước một chiếc máy bay bỏ đi. Nhưng xác không ở đó mà nằm tan tác đâu đấy trong rừng biên giới Trung Quốc, ở chỗ nào không biết, không tìm ra, chỗ máy bay bị va đập. Không may, máy bay không chỉ chuyên chở tiếp phẩm mà cả người. Một toán hai mươi quân nhảy dù chết. Đấy là tai họa thứ năm loại này trong một tháng.

Người ta đến tìm tôi để chuẩn bị bay. Tôi đi lại trong sân bay, hình ảnh của thiếu thốn mọi thứ. Khắp nơi là dấu vết những vật dụng quân sự cũ, quang cảnh của một trại lính bỏ bê.

Không có máy bay tiêm kích cũng không có máy bay bỏ bom ở Đông Dương. Cũng không ai đòi hỏi. Phi công giải trí bằng cách ném đạn cối qua cửa Junker xuống Việt Minh họ nhìn thấy. Khi mệt họ bảo thợ máy mắc bom dưới buồng máy bay. Nói chung hệ thống hoạt động nhưng người ta không bao giờ chắc chắn bom rơi. Vả lại cũng chẳng quan trọng, đấy chỉ để giải trí. Việc hạ cánh sẽ thích thú hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #157 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2018, 05:37:38 am »


Hôm ấy, giữa sân bay chết một chiếc Junker ầm ì như một con bọ hung. Đấy là chiếc tôi sẽ lên. Phi hành đoàn báo trước sẽ cất cánh dù không thấy gì, về nguyên tắc phải cấm bay. Người ta vẫn đi vì là một nhiệm vụ ưu tiên tuyệt đối. Phải hạ cánh ở Sơn La để nhặt năm thương binh nặng đang hấp hối chờ mang đi. Phi công lái cuối cùng nói với tôi:

- Dù sao "chọc thủng" sẽ gay go.

Tôi không hiểu điều đó có nghĩa ra sao nhưng không dám hỏi.

Vừa cất cánh gặp ngay trở ngại, không gian gần như đông đặc. Với những đợt dồn lực máy, với tiếng rú mệt nhọc, chiếc Junker lên dần, khó khăn. Rồi trong hai tiếng đồng hồ dai dẳng, máy bay vào trong đêm trắng. Tôi cảm thấy nguy ngập nhưng "những người ném hàng" uống rượu nho và ngồi xổm trên sàn.

Cuối cùng Junker quay vòng tìm kiếm cái gì đó. Bên ngoài bầu trời đục hơn bao giờ hết. Một hành khách khác, một sĩ quan bộ binh co ro trong tấm chăn giải thích cho tôi:

- Chúng ta đang ở khoảng phía trên Sơn La. Để đến đây chúng ta phải theo một hướng định trước. Về nguyên tắc sau một thời gian - hình như hai giờ mười lăm phút chúng ta ở thẳng đứng với Nà Sản, sân bay Sơn La. Bây giờ là lúc "chọc thủng" xuống, không một dấu hiệu nào từ mặt đất mù mịt, tất cả đều do bản năng. Đội bay đang tìm một chỗ sáng hơn trong mây mù để lao vào và hạ cánh gần như an toàn. Nếu không tìm thấy chỉ còn cách nhắm mắt lao xuống, một loại cá cược may rủi. Vì bên dưới địa hình "nhấp nhô” và nhiều khả năng đâm vào một ngọn núi hơn là xuống đúng bãi đáp.

Chiếc Junker bỗng bổ nhào xuống. Qua những đám mây tôi nhận thấy một đám đen lớn lao vào chúng tôi. Đấy là một chỏm núi. Chỉ trong một phần giây, phi công lái lật chiếc máy bay, đúng lúc tránh được cú va chạm. Cuối cùng chúng tôi vào một ánh sáng mờ, bay trong hành lang kỳ lạ ở trong lòng một hình tam giác sáng giữa nền trời mây và hai cánh thẳng đứng một thung lũng hẹp và sâu, chật đến nỗi từng lúc máy bay sắp chạm cánh. Sau mười phút chúng tôi ra khỏi đường hầm; những dãy núi liên tiếp đáng sợ đến mức người ta khó hình dung con người sống được ở đó chứ đừng nói đánh nhau.

Một đường máng mở ra trước mặt chúng tôi, máy bay đậu xuống. Tôi chỉ thấy một đường băng đầy cỏ giữa núi rừng. Thế mà chiến tranh đã ở đấy trên sân bay rẻ mạt này thể hiện trước hết dưới hình thức một chiếc Junker tan thành mảnh trên một bờ thấp gần đấy. Một chiếc xe cứu thương cổ xưa kỳ cục. Từ toa xe trước hết bước ra một đại uý gầy như người chết hoặc vừa thoát chết. Ông tới gần khập khểnh trên đôi nạng. Đấy là một bóng ma gắn lon, với những cử chỉ giật giật và nghiêm túc, chào phi hành đoàn Junker. Viên sĩ quan này trong người còn mảnh đạn đum-đum bị bắn ở chỗ xa, đi mất nhiều ngày đường. Suốt mười lăm ngày ông được người Mèo khiêng cáng qua các đường mòn trong lúc sốt rét và khát.

Sau đó người ta kéo từ xe cứu thương ra bốn chiếc băng ca. Trên mỗi chiếc là một mớ chăn, vải đầy máu trong đó nhô lên một cái đầu, hốc hác và im lìm. Trong số hấp hối đó có một người Pháp, một lê dương, hai ngụy binh. Họ cũng được khiêng vô kỳ hạn qua rừng nhưng quá đau đớn không còn cảm thấy gì, như đã cam chịu. Thậm chí họ cũng chẳng còn hy vọng khi được chuyển lên máy bay; thế nhưng sau mấy tiếng đồng hồ họ sẽ được giải phẫu ở bệnh viện Lanessan, Hà Nội và chắc được cứu sống. Biết bao nhiêu thương binh khác, cũng bất tỉnh, chết trong rừng trước khi tới được đây!

Chiếc Junker lại bay đi. Trong nhiều tuần tôi sống trong vẻ quyến rũ kỳ cục của thời Trung cổ của họ. Trong rừng núi chiến binh, nô lệ, các gái xoè của họ. Trong rừng núi vùng cao Bắc Kỳ này tôi sẽ có rượu và cơm nếp, những buổi lễ hội linh đình, những trang sức loè loẹt của các cô gái và những con ngựa, những đoàn ngựa người đi bộ và những đoàn xuồng vượt thác nước. Tôi đi giữa các dân tộc vùng cao, sẽ thấy những ông, bà phù thủy, những thị thần quấn băng, các chiến binh cầm dao găm, đao phủ vui vẻ, các bà vợ lẽ với đồ trang sức bằng bạc. Tôi không ngớt nghe những điệu nhạc ai oán và tiếng rít của ống điếu thuốc lào truyền từ miệng này sang miệng khác.

Tuy vậy ở một hậu trường bi thảm, thế giới thế kỷ XX sẽ ở đấy với chiến tranh, tiểu liên và mua bán thuốc phiện.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #158 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2018, 05:41:02 am »


Vua Canh trả thù

Người Thái là dân tộc thống trị chiếm những vùng thung lũng, để những chỏm núi cho các dân tộc cổ xưa hơn ít nhiều quy phục. Khắp nơi là chế độ phong kiến. Có ba "vương quốc" chủ yếu do những ông vua thống trị liên kết với nhau - Bạc Canh Quy ở Sơn La, Đèo Văn Long ở Lai Châu, Đèo Văn Ân ở Phong Thổ. Mới đây người Pháp cũng xây dựng với những vương quốc ấy một Liên bang Thái liên minh với nước Pháp.

Những người Thái ấy ở Đông Dương chia thành hai nhánh chính, Thái Đen, và Thái Trắng, được gọi theo màu quần áo của họ.

Sơn La là thủ đô của Thái Đen. Tất cả miệt mài với màu đen và vẻ đẹp của thị xã đối với tôi có vẻ tang tóc. Một nỗi buồn dịu và nghiêm trang thấm vào thiên nhiên và người. Nhưng trong hòa âm man mác ấy như có một sự hưởng thụ. Đấy là một ngôi làng gắn vào một ngọn đồi đơn độc một ụ đất đỏ nổi lên giữa đất sét đỏ của khu đất bằng. Những mái nhà sàn lợp tranh tách ra trên một khu ruộng tứ giác. Cảnh đó trải rộng trên mấy cây số vuông, những ngôi làng, ụ đất, khu đất bằng bị núi vây lại như một bức tường rào hình tròn. Người ta ở trong một bồn chậu có hình những núi đá vôi nát vụn bao quanh, dốc đứng màu trắng nhuốm bẩn vì những dải xanh của cây rừng.

Trong quang cảnh lớn lao ấy, người Thái Sơn La thích vẻ long trọng của vải màu tối, bao giờ cũng viền ánh bạc. Trang sức kim khí rải trên người, những tấm nặng trước ngực, vòng cổ, vòng tay. Đàn bà trong trang phục màu ban đêm, giống như các nữ tu sĩ. Có sự mất cân đối mang trên đầu vì những búi tóc - con gái để sau gáy, các bà vợ ở đỉnh trán.

Người chết luôn hiện diện. Những lều nhỏ bên cạnh những mái nhà tranh dành cho vô số những người đã khuất. Rừng bao giờ cũng gần nhà, được điểm những tấm vải to để tôn vinh người chết. Một thầy địa lý tra cứu những chữ Hán thiêng liêng chọn nơi đặt mộ. Ông chỉ cho ngày và giờ đưa tang - đôi khi phải chờ nhiều tuần để gặp ngày lành tháng tốt. Trong thời gian đó kéo dài nghi lễ. Nhân dân hoan hỉ uống rượu bên cạnh xác chết khô lại hoặc thối ruỗng giữa không gian; và những thầy mo múa hát để người chết được lên "thiên đường".

Nền văn minh Pháp chiếm đỉnh đồi Sơn La, sản sinh một thành trì cho quân lính và một "ngôi nhà Pháp" cho người cai trị. Viên đại tá, quan chức dân sự, ông R... Một nhân vật kỳ lạ!

Ông R... này là con trai một điền chủ lớn, sinh ra ở Đông Dương nhưng dòng máu thuần túy Pháp. Bố ông thực tế có quyền sinh sát hàng nhiều nghìn dân quê. Đất đai bao la của gia đình ở dưới chân Tam Đảo - ngọn núi bao quát châu thổ Bắc Kỳ - bị Việt Minh phá huỷ - Nhưng R... vẫn giàu. Người như tủ gương nhưng đẹp, loại người có khuôn mặt khéo tô điểm, có bộ ria mép cong và đôi mắt xanh. Ông không thích nghĩ ngợi. Những cần thiết của cuộc sống đưa lại cho ông một két Champagne, một chiếc ghế dài và một súng các-bin chính xác. Ông hơi nói lắp nhưng dữ tợn, cũng có kiểu cười to, không tốt. Ông chỉ bằng lòng chịu phiền phức để quyến rũ hoặc đánh một ai đó - và để tham gia cuộc chiến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #159 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2018, 05:44:00 am »


Tôi thấy R... nằm dài trên thềm, đang quạt mát và ngáp. Không một lời, ông tò mò nhìn tôi, muốn thấy một nhà báo là giống vật nào. Ông hét lên và một người bồi máy móc đưa chai Champagne đến. Chúng tôi cùng uống. Những chai khác nối tiếp. Khả năng tiêu thụ của tôi làm ông yên tâm. Dù sao tôi cũng có vẻ một người đàn ông. Cuối cùng ông bảo tôi:

- Ông đến vừa hay. Một trung đoàn Việt Minh đang tập trung cách Sơn La mấy cây số, báo trước sẽ tấn công. Tôi thấy trước cửa văn phòng tôi có tờ rơi cắm đầu một chiếc gậy. Đấy là lời cảnh báo người Pháp rất liều lĩnh khi ở lại đây.

Trước mặt chúng tôi hoàng hôn xuống từ những ngọn núi có Việt Minh, bổ sung vào bóng dọa dẫm của vùng đất bằng Sơn La.

- Ông đi với tôi. Tôi phải đến trấn an ông già Bạc Canh Quy thủ lĩnh Thái Đen. Mỗi lần Việt Minh tới gần Sơn La ông rất sợ.

Chúng tôi đi xe jeep, chạy mấy cây số trong đêm tối. Có ánh sáng nhấp nháy, chúng tôi đến nơi. Những đàn chó dữ, lính gác cầm tiểu liên, những bừa răng tre bảo vệ ngôi lầu kiểu Trung Hoa của ông vua con. Người ta mở khóa liền năm cánh cổng, thong thả rút những cây gỗ chèn từng cửa một. Bên trong những bờ rào ghê gớm ấy, trong một ngôi nhà gạch chỉ có ông già nhỏ người da nhăn. Đấy là Bạc Canh Quy. Hình như ông đang run. R... nói với ông hơn một giờ bằng ngôn ngữ lạ. Rồi chúng tôi trao đổi về chuyện đó.

- Ông ấy còn "sợ hãi" hơn bình thường, R... nói với tôi. Cháu ông, hoàng tử Canh đã cho mang đến một lá thư. Anh ta viết theo những công thức kính trọng nhất rằng tự mình sẽ cắt cổ ông một trong những ngày sắp tới.

R... kể lại với tôi bi kịch vẫn còn làm màn hậu cho cuộc chiến ở Sơn La.

- Trước năm 1940 ở đây có một quan cai trị tên là Saiunt Pulov, một người Nga trắng to lớn. Thời kỳ ấy, Sơn La, ba mươi ngày đi xuồng mới tới Hà Nội, được biết đến như nghĩa trang của người da trắng, chết vì một dạng ghê gớm của bệnh sốt rét. Saint Pulov sống sót vượt lên tất cả, là người tiên phong trong vùng. Chính ông cho làm con đường duy nhất trên xứ Thái, con đường 41. Về hưu ông sống trong một căn nhà như một vua chúa Thái, mỗi ngày uống hết mười hai sừng trâu đầy rượu. Một cô gái Lào xinh đẹp tiêm thuốc phiện cho ông.

Canh, thủ lĩnh trẻ Thái Đen phải lòng cô gái này. Đôi tình nhân quyết định loại bỏ Saint Pulov quái gở và đồ sộ. Cô gái Lào đều đặn cho thạch tín vào rượu của ông. Phải nhiều tháng tích luỹ chất độc ông mới tắt thở trong sự hấp hối đơn độc. Ít lâu sau cô gái chết một cách kỳ lạ. Hoàng tử Canh bị người Pháp bắt và kết án, đày ra Côn Đảo.

Năm 1945 Canh được người Nhật giải phóng. Người Pháp gia ân cho anh cũng vô ích: anh đã theo Việt Minh. Hồ Chí Minh phong anh đại tá. Từ đó anh lôi kéo phần lớn người Thái Đen cùng nổi dậy. Chúng tôi không có kẻ thù nào quyết liệt hơn. Thậm chí anh không vâng lời mẹ. Bà già ở xóm Mai Sơn, một vùng độc chiếm của gia đình do chúng tôi kiểm soát, khẩn cầu anh trở về và quy phục người Pháp nhưng vô ích. Cuối cùng chúng tôi chỉ định chú anh Bạc Canh Quy làm thủ lĩnh Thái Đen. Nhưng đối với dân chúng thì ông này tiếm ngôi và luôn chờ đợi có ngày ông bị băm thành mảnh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM