Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:44:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84923 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #140 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2018, 05:43:38 am »


Lịch sử của L...

Đêm cuối cùng tôi ở đấy, L... đưa tôi về trong một ngôi nhà đẹp, vững chắc và yên tĩnh. Người ta tưởng gần như ở tỉnh, ở nước Pháp.

Bà L... đan áo, im lặng, hiều dịu, một đứa con trên đùi. Bà sống ẩn dật - mái tóc vàng nhạt, khuôn mặt xương đeo đôi kính gọng sắt. Một bà tư sản rất nhỏ. Tôi thích bà với sự đoan trang lịch lãm, xa cách cuộc chiến của L..., xa những tàn bạo, những lập luận không thương xót của ông! Làm sao tôi ngờ được đây là một nữ nhân viên Pháp mà tướng Latour đặc biệt chọn cho ông, để giám sát ông một ít.

Bố của L..., trong một bức ảnh, một tộc trưởng nông dân Pháp ở Tourane nhưng đã mòn mỏi chỉ còn bộ râu thưa bạc trắng và khuôn mặt láng bóng. Ông chào tôi với sự lễ phép xưa kia rồi chập chờn ngủ.

- Ông hãy nhìn bố tôi. Vì ông cụ, trước đây ra sao, đã làm những gì, đại diện cho những ai, mà tôi lao vào cuộc đấu này không thương xót. Đấy là cách của tôi để xứng đáng với ông cụ. Cuộc đời của ông trên hòn đảo này, đơn giản và sung sướng. Ông yêu dân chúng ở đây và cũng được yêu. Ông sống như một dân quê, cày ruộng với chiếc cày gỗ do một con trâu kéo. Ông cưới một bà vợ người đảo này, bà mẹ tôi. Bây giờ ông không hiểu những gì xảy ra, không hiểu mối hận thù này. Ông nghĩ một người già như ông ít nhất cũng không ai đụng tới. Ông biết người con trai khác của ông, anh tôi đã bị giết chết thê thảm.

Ngược lại, tôi từ nhỏ đã bị căm thù bao quanh, thích cái chết và tàn phá ẩn sâu trong tâm hồn người Annam. Điều ấy được tôi luyện rắn như thép trong tôi. Khi anh tôi bị ám sát, tôi hiểu phải tích tụ nhiều căm thù hơn. Để khỏi bị giết tôi phải giết. Để dân chúng không chống lại tôi, tôi phải lôi kéo họ về với tôi. Cuộc đời tôi là thường xuyên cảnh giác.

Tôi sống với tiểu liên cầm tay. Chưa đầy hai mươi tuổi, tôi vào rừng rậm Bắc Kỳ chống lại quân Nhật, trong nhiều tháng. Tôi là một trong những người Pháp đơn độc chống cự trong rừng mà không bị bắt hoặc chết vì kiệt sức.

Trở lại Nam Kỳ tôi tập hợp một nắm bạn bè hướng dẫn các đội quân của Leclerc. Một hôm đại tá của Đội quân viễn chinh thông báo với tôi nhiều người trong đội tôi bị bắt. Tôi nói nếu họ không được thả ngay, tôi sẽ tấn công nhà tù. Mọi người cười. Mấy ngày sau thì việc đó làm xong.

Đội quân lê dương giữ đảo An Hoà nhưng đột nhiên chuyển đi hết. Việt Minh sắp vào. Những đám cháy đã nhuộm đỏ chân trời. Hương chức sợ hãi van nài tôi. Tôi cho đánh mõ, phân phối một số vũ khí cho dân chúng. Tôi đi Sài Gòn mua chợ đen những vũ khí nghiêm chỉnh hơn. Tôi đã bắt đầu như thế đấy và bây giờ tôi đi đến cùng.

Cuộc phiêu lưu khác thường của L... sẽ dẫn ông đi đến đâu? Tôi rời An Hoà với một linh cảm chết chóc. Vì L... đã trở thành một người say - say chiến thắng. Và một ngày nào đó, loại lính đánh thuê ấy gặp lúc quá đáng, sẽ hết đời.

Tôi có nhầm một phần L... còn kéo dài ba năm. Ông đã có những tỉnh, trở thành đại tá. Vì lên cao mà ông đã ngã xuống. Dần dần "chế độ" của ông phân thành mảng. Các hương chức phản bội ông, các trung uý chối bỏ ông, quân đội phân tán, Việt Minh đã trở lại.

Sức mạnh chế độ của L... là chính L... Và cũng là điểm yếu. Tất cả dựa vào ông. Ông trở nên điên rồ. Ông là người dành cho An Hoà và đồng ruộng ở đây. Ông bị nghiền nát vì một số mệnh quá lớn.

Ông vẫn sống là người của những ân oán và mánh khoé, những cuộc âm mưu, những liều lĩnh điên rồ, hầu như mê sảng, không còn chút ý nghĩa nào. Và khi Đông Dương hoàn toàn "kết thúc" đối với người Pháp, ông lại chuyển đi với phần lý luận và kỹ thuật còn lại, sang những lục địa khác để đổ máu. Nhưng chỉ còn là một người làm thuê lệ tràn nước mắt, làm việc theo yêu cầu - một chuyên gia tốt không cá tính, về những nhiệm vụ đặc biệt. Ông làm lâu ở Algéria.

Nhưng L... không phải người duy nhất như thế. Tất cả những người khác thường đã có những thành công tương tự, có những vương quốc riêng, đều kết thúc như ông - hoặc tệ hơn là nhận một viên đạn vào đầu. Tôi nghĩ đến Vanderberghe, đến Rusconi và bao nhiêu người khác. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương này kẻ phiêu lưu không đưa lại một giải pháp gì - chỉ có một vai trò phụ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #141 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2018, 05:44:21 am »


Con đường đi Cà Mau

Sài Gòn - Mỹ Tho - Vĩnh Long - Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau. Tôi đọc tất cả những tên xa xôi ấy trên một tấm biển chữ Pháp treo phía trước một trong những chiếc xe ca Trung Hoa to, sơn đỏ, đầy chữ, bò trên đường như con bọ hung chở quá tải. Thế nhưng chiếc xe sẽ vượt hơn bốn trăm cây số đến tận đầu xa nhất, hoang dã nhất xứ Nam Kỳ, mũi Cà Mau đâm ra biển như một chiếc răng hỏng.

Chính qua trạm du khách lăn bánh này tôi được biết con đường đi Cà Mau được mở lại toàn bộ. Vì ở cuối, nơi con đường đi qua bãi sú vẹt hôi thối đã bị Việt Minh cắt đứt. Cả đoạn sau bị bỏ phế. Nghe nói người ta đã để lại Cà Mau, thị xã duy nhất xưa kia mọc lên giữa vùng đầm lầy sốt rét của Viễn Đông, khoảng một trăm lính lê dương để tượng trưng sự hiện diện của Pháp. Đã nhiều tháng họ bị chặn đứng lại, bị bao vây và đói.

Bây giờ Cà Mau đã được giải phóng. Hàng hoá của các nhà buôn Sài Gòn đổ về đấy với sức mạnh đồ sộ của thương mại. Tôi cũng quyết định đến đó.

Đấy là con đường 16. Suốt dọc đường từ Sài Gòn đến Cà Mau, Việt Minh tấn công, quân Pháp đẩy lùi họ. Không có con đường chiến lược nào thiết yếu hơn con đường này, nối liền với cửa sông Mékong và những nước Phương Tây xa xôi; và cũng là con đường lúa gạo, thậm chí là dải băng văn minh. Việt Minh muốn phá hoại nó và người Pháp cứu nó bằng mọi giá.

Các chi đội của Nguyễn Bình ẩn nấp quanh đấy, trong thiên nhiên, người ta không thấy. Nhưng Đội quân viễn chinh dồn đống ngay trên đường với những đồn bốt, tháp canh, các tiểu đoàn, không có chỗ nào quan sát thực trạng hơn ở đây được. Tôi sống tại đó nhiều tuần, đi từ chỗ đại tá này đến đại tá khác, từ đội này đến đội khác. Và như thế tôi nhận thấy không chỉ có một Đội quân viễn chinh mà hàng nghìn.

Bộ máy quân sự không thống nhất, tuyệt đối phân tán, chắp vá. Không có chính quyền và lãnh đạo trung tâm. Tất cả đều do các đơn vị và người, mỗi người làm theo ý mình với điều kiện tuân theo một luật nào đó.

Tôi viết lại những gì đã thấy. Thật khó rút ra kết luận vì tất cả mâu thuẫn nhau. Nhật kí viết về Đội quân viễn chinh của tôi là một loại bi-hài, không ngừng đi từ thái cực này đến thái cực khác, từ cực điểm hài hước và tàn bạo đến những đức tính cao cả của sự quên mình và chủ nghĩa anh hùng. Đôi khi tất cả những cái đó đồng thời, xen lẫn vào nhau không gỡ ra được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #142 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2018, 05:45:25 am »


Cái chết ở Lương Hạ

Hành trình này bắt đầu bằng một cảnh hài hước. Vì gọi thế nào khác được buổi lễ mà một đại tá Pháp nghiêm chỉnh, nhân dịp này đến để tổ chức theo quy chế quân sự? Cảnh sát Lương Hạ - những người còn lại - đứng thành hình vuông. Viên đại tá ấp úng độc lời tuyên dương, gắn huân chương, mồ hôi nhỏ giọt. Ông khen thưởng trung uý Paul, một người Việt Nam ba mươi tuổi, đẹp như một bức ảnh quảng cáo lính bổ sung, ăn mặc rách rưới. Việc tuyên dương vẫn tiếp tục. Bây giờ người ta thưởng những người chết, vẫn những từ ấy. Nhưng anh ngụy binh ấy đã bị giết, như bao nhiêu người khác. Đại tá phân phối huân huy chương cho gia đình những người chết. Đây đến lượt một bà góa trẻ búi tó, rồi một ông bố cao quí, cả hai vô cảm, con họ không bị bóp cổ trước mắt họ mấy giờ trước đây. Chuông nhà thờ khua vang, quân lính sống sót bồng súng chào, đại tá hô to: "Cử nhạc khai mạc, kết thúc buổi lễ." Điệu Marseillaise vang lên.

Buổi lễ này là tất cả những gì người Pháp đưa lại cho những bất hạnh của làng công giáo Lương Hạ. Thế mà chính họ là những người chịu trách nhiệm về bi kịch này. Lương Hạ là một làng Gia-tô giáo phía tây nam Đồng Tháp Mười, cách đường 16 khoảng vài chục cây số. Nhân dân sống yên bình nghe theo Việt Minh - nhưng ở Sài Gòn một ban tham mưu đã chuẩn bị một kế hoạch mở rộng việc bình định. Một hàng quân ập đến Lương Hạ. Người ta tập hợp cha cố và dân quê, tổ chức một đội cảnh sát nông dân, xây dựng cả một bốt và tháp canh xung quanh làng để tự vệ. Rồi cả phái đoàn ra đi, để lại một trung đội do một đại uý Pháp chỉ huy. Hậu quả là việc tàn sát làng Công giáo lúc nửa đêm. Việt Minh chỉ cần một tiếng đồng hồ để tấn công, đốt và giết.

Cả làng bị san bằng trừ nhà thờ. Bình thường với khối lượng lộng lẫy, nhà thờ đã đè bẹp cảnh nghèo nàn, như trong mọi làng Gia-tô giáo Annam. Bây giờ trong không khí buồn bã, ngôi nhà của Chúa có vẻ càng đồ sộ hơn.

Lương Hạ khốn khổ! Những người sống sót, trên đất cháy đen, lượm lặt những tàn dư một cách máy móc, rất kiên trì. Họ sắp xếp lại những mẩu dây thép, những mảnh chum vại vỡ, những hạt thóc gạo cháy sém, tất cả những gì còn lại. Im lặng lan rộng đến trẻ em. Không có tiếng khóc. Những người chết được chôn cất và như bị quên đi. Hoàn cảnh sống quá tối tăm làm những người sống không nghĩ đến họ nữa. Vẻ xinh đẹp duy nhất giữa đám người già nhăn nheo và những đàn bà không có tuổi, là những thiếu nữ tóc dài đến gót, là những Eva Phương Đông chưa sợ hãi lắm. Họ cười vô tư. Nhưng nụ cười của những cô bé ngây thơ này càng làm sự buồn bã của nơi này thêm cay đắng.

Viên đại tá sau khi gắn huân chương vào trong tu viện. Vị linh mục muốn nói chuyện với ông. Một ông già Annam, cao gầy, khổ hạnh - chỉ còn là nỗi sợ hãi đáng thương. Giọng nhỏ nhẹ bề trên, ông khẩn cầu đại tá cho ông một chữ ký để ông có thể lên Sài Gòn; quá mệt mỏi, ông muốn nghỉ ngơi trong một nhà hưu trí.

Nhưng viên đại tá, to khỏe, hoạt bát, vui vẻ nói với linh mục bổn phận của ông này là phải ở lại với con chiên để an ủi họ bằng tấm gương của mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #143 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2018, 05:46:06 am »


Vị linh mục ánh lên vì màu da và chiếc áo dài đen, nhân danh giáo dân Lương Hạ, trình bày với viên đại tá:

- Giáo dân còn có thể hy vọng gì? Không ai cày bừa, làm lại nhà cửa. Tướng Việt Minh, chỉ huy chi đội 308 đã nói với chúng tôi cuộc tấn công vừa rồi chỉ là đòn cảnh cáo: lần sau nếu vẫn theo Pháp, đàn ông sẽ bị bắn chết. Chúng tôi đề nghị người Pháp để lại những lực lượng quan trọng trong làng. Cũng đề nghị gửi gạo và thuốc men cho chúng tôi. Nếu không Việt Minh sẽ tiêu diệt làng hoặc chúng tôi chết vì đói và bệnh tật.

Để trả lời đại tá chỉ đũa cánh tay lên trời. Ông ngoảnh lại phía tôi nói một cách ngây thơ:

- Những người này không thể thỏa mãn được. Tôi không phải Chúa trời. Không thể để quân đội lại khắp nơi, trước hết là tôi không có. Về gạo tôi không có một khoản kinh phí nào. Dù sao tôi cũng báo cáo việc này lên cấp trên.

Viên đại tá có bao nhiêu điều bận tâm, quan trọng hơn nhiều. Sáng nay ông đã sẵn sàng cho tôi biết. Ông không ngớt lặp lại:

- Ông nghĩ, một sáng thức dậy mà tôi không thấy chiếc cầu của tôi!

Đây là chiếc cầu sắt rộng lớn trên đường 16 vượt con sông đổ nước từ Đồng Tháp Mười ra, một loại tháp Eiffel nằm. Nó có tầm quan trọng quyết định, một lực lượng giao thông rất lớn qua lại đây.

Một trong những đêm trước, ông kể lại, một Việt Minh trần truồng, một người nhái thực thụ, theo dòng nước đưa đi không bị phát hiện cho đến cột cầu giữa. Anh ta đặt ở đấy một quả bom hẹn giờ vào tám giờ sáng, giờ một đoàn xe lớn đi qua. Quả bom không nổ.

Chúng tôi lại lên thuyền ra đi, để mặc Lương Hạ với số phận cùng một ki lô huân chương thừa. Trong lúc chúng tôi trôi theo dòng nước, viên đại tá tỏ ra bận rộn, vẫn vì chiếc cầu. Trong lúc chúng tôi hành quân nó có bị phá đổ không? Khi thấy nó nguyên vẹn, ông thở ra nhẹ nhõm! Ông bèn nói nhiều về việc bố trí phòng thủ để tôi thán phục hệ thống đèn chiếu, những phao tiêu, những tấm lưới.

- Dù thế tôi vẫn không yên tâm, ông kết luận với tôi. Những người Việt Minh ấy ranh mãnh lắm.

Viên đại tá này gặp may. Cuối cùng Việt Minh đặt bom làm sập cầu nhưng mãi về sau, khi một sĩ quan cao cấp khác phụ trách khu vực này.

Dù sao, chia tay với viên đại tá Lương Hạ tôi biết vì sao người Pháp sẽ không thắng được cuộc chiến tranh Đông Dương. Vì đối với ông cũng như bao sĩ quan khác, một chiếc cầu quan trọng hơn một làng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #144 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2018, 04:46:49 am »


Cuộc chiến lạ lùng nhất

Những con bọ cánh cứng lớn bị cả đàn kiến tấn công - đấy là hình ảnh của cuộc chiến lạ lùng nhất trên đường 16. Thực vậy, cả "khối" dân quê ra khỏi đồng ruộng và đêm tối, với số lượng người, nhấn chìm những chiếc xe bọc thép Pháp mà quân lính chính quy với mìn và đại liên không tiêu diệt được. Người Pháp đã thắng nhưng kinh hoàng tận cùng.

Việc đó xảy ra quá Mỹ Tho, chỗ con đường 16 đi qua đoạn nhô lên của Đồng Tháp Mười. Con đường hẹp lại, chỉ còn là một dải trông như nổi lên trên nước hôi bẩn. Người ta cảm thấy nguy hiểm, không thấy bóng dân quê. Xe cộ, từ những chiếc "ca Trung Hoa” lớn đến những chiếc Jeep quân sự, chạy hết tốc độ trong sự vắng lặng. Vì con đường không chỉ là giao thông mà còn là mặt trận. Việt Minh trong lau sậy rất đông, rất gần. Cứ từng cây số - trên năm mươi cây số - sừng sững một tháp canh đồ sộ màu hoàng thổ, hình vuông, một loại nhà thờ Hồi giáo. Cảm giác thật lạ lùng! Tôi đang trong đoàn Spahis thứ 3, trong số các đội quân hỗn độn người Maroc.

Trung đoàn những chiến binh quý phái này từ nhiều tuần nay đã đẩy lùi những đám đông không kể xiết của Châu Á. Từng đêm, "khối người" nhận chìm các tháp canh và những xe của trung đoàn như con thoi, đến giải phóng. Muốn thế phải cắt một con đường qua đám đông khốn khổ đang tấn công, đè bẹp họ, giết họ.

Tôi dừng lại ở Cai Lậy, trung tâm chỉ huy, pháo đài chính chỗ để những xe bọc thép. Đêm thù địch sắp xuống trên bốt, trùm lên diện tích bao la đầm lầy bắt đầu từ cách đấy mấy mét, sát ngày bờ rào tre, bao trùm con đường, mảnh băng cần bảo vệ, là chiến trường trong mỗi đêm.

Tôi ngồi trong "phòng ăn chung" cùng các sĩ quan trẻ và "cuồng nhiệt".Trời vừa tối mà trong rừng dừa gần đấy đã nổi lên tiếng trống dọa dẫm. Rồi im lặng; chỉ có tiếng kêu của cóc nhái; chẫu chuộc, nhưng là lúc chờ đợi căng thẳng.

Trong bốt mọi con mắt đăm đăm nhìn vào đêm tối, mọi bàn tay nắm lấy vũ khí, sẵn sàng nhả đạn. Binh lính, sĩ quan như chìm trong sự chú ý cực điểm. Hình như chẳng còn gì tồn tại. Dấu hiệu duy nhất của cuộc sống là tiếng nổ đều đều của chiếc máy phát điện.

Rồi cuộc sống tập trung trong một gian phòng. Tiếng người đối thoại không dứt. Đây là tổ đầu não của toàn bộ sự bố trí. Đài Cai Lậy nói chuyện với các đài khác trên đường 16 - cứ sáu cây số có một điện đài, ở những tháp canh chính. Những tin tức nối tiếp nhau rất lâu, bình thản, cả một nhịp điệu tên, nghe hầu như kỳ cục. Bỗng đến nửa đêm vang lên những từ ngữ chiến tranh: "Đây là Tignasse. P29 được báo có một sự đụng độ nghiêm trọng, địch tấn công bằng súng tự động..." "Đây là Tapir, P29 vừa bắn pháo đỏ đề nghị hỗ trợ..."

Tôi nhớ đến P29; khi tới đây tôi đi qua tháp canh ấy. Mọi vật ở đấy thật nên thơ. Ở chân tháp, một đứa bé câu cá trong lạch. Bây giờ còn gì ở đấy?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #145 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2018, 04:48:08 am »


Có người vỗ vai tôi. Trung uý M... hỏi: "Tôi đi cùng đội tuần tra xe bọc thép đến cứu viện P29. Ông có đi không?" Tôi ngồi cùng ông trong chiếc A.M dẫn đầu, một chiếc tăng chín tấn, dò từng mét đường với con mắt độc nhất - chiếc đèn chiếu gắn ở đỉnh tháp. Trong lúc đi trên con đường hư không này, một hồi tưởng khó chịu nảy ra trong óc tôi: ngay chiều nay khi chiếc xe Jeep tôi đi qua, một chú nhóc kéo sợi dây ở đầu buộc chiếc hộp sắt. Tôi biết Việt Minh cho nổ mìn theo cách này.

Ngay lúc ấy đèn chiếu rọi trên bờ đường có tấm bia một ngôi mộ người Trung Quốc. Trung uý M... nói với tôi:

- Chính phía sau tảng đá này hôm kia một Việt Minh ẩn nấp cho nổ mìn phá huỷ một chiếc xe hướng đạo của một đội tuần tra chúng ta.

Tôi cảm thấy ông theo dõi từng vệt bánh xe, xem ít đất nào bị xáo hoặc đá sỏi lộn xộn. Vì mọi thứ đều là cạm bẫy. Không chỉ có mìn kéo dây đáng sợ. Việt Minh còn đào đường chôn những bánh thuốc nổ có thể lật nhào những chiếc xe A.M như của chúng tôi. Đấy là những thiết bị mạnh không tránh khỏi được. Người ta gọi chúng là "mồ chôn" từ khi một chiếc xe bị đốt cháy vì a xít, bật lên và lật nhào trong một chỗ có quái vật này.

Chúng tôi tiến lên. Phía sau là những chiếc xe hướng đạo đầy lính Sénégal và nguỵ binh. Cách hai trăm mét, một chiếc A.M khác đi tập hậu, bóng nó như một con quái vật. Một cuộc tuần tra ban đêm là như thế. Có vẻ như nó chống chọi được một tiểu đoàn Việt Minh, ít nhất là theo lý thuyết. Vì vừa biến mất một đội, người và của tương tự, gần Sóc Trăng. Không một người nào trở về.

Chúng tôi vẫn đi. Trong đêm tối chỉ có tiếng những chiếc xe lạo xạo, chỉ có ánh đèn pha và đèn chiếu. Bỗng tiếng đạn cối rít trên đầu chúng tôi nhưng nổ phía trước hai, ba cây số: những viên đạn của hai khẩu 88 của Cai Lậy. Ở sở chỉ huy trung tâm người ta bắn bảo vệ P29.

Chúng tôi vẫn không gặp trở ngại gì, qua các bốt P25, P26, P27 có vẻ đang ngủ phía sau hàng rào cũ. Đến P28, một lính nguỵ ra hiệu có nhiều Việt Minh ở phía xa.

Đi thêm mấy trăm mét. Viên trung uý qua ống nói, hét lên với người lái xe A.M "Chậm lại". Một khối bùn khổng lồ cao hơn một mét chắn ngang đường. Không gian hoang vắng nhưng tôi chắc chắn đêm tối lúc nhúc người hơn bao giờ hết. Không một bóng người, không một tiếng động nhưng viên trung uý khẳng định trước đây mấy giây hàng nghìn dân quê hối hả bê những tảng bùn dưới đầm lầy chất lên đường. Đám đông ấy vẫn ở đấy, rất gần, nằm trong lau sậy như người chết.

Chúng tôi dừng lại. Tĩnh lặng tuyệt đối. Người ta cũng chẳng bắn ở P29, chỉ cách rào chắn bùn khoảng trăm mét. Đội tuần tra xe bọc thép bắt đầu phá bỏ trở ngại. Công việc tiến hành chính xác và nhanh gọn. Những chiếc A.M chuyển bùn thả xuống diện tích lau sậy bên cạnh. Lính Sénégal, cũng đen như đêm tối tới những bờ cao bên đường nắm chặt súng máy nằm xuống. Từ trong những chiếc hướng đạo, đám tù binh được mang theo phục vụ, nhảy xuống, những bàn tay trần phá huỷ những việc làm của những bàn tay đúng như thế, có lẽ của bạn bè, bà con họ vì họ cũng là dân quê trong vùng.

Trong thời gian ấy viên trung uý đi lại với vẻ chán nản:

- Đêm nay P29 không thực sự bị đe dọa. Khi làm công việc này ở một tháp canh sắp bị hạ ở phía kia thì khác thường hơn nhiều. Lúc ấy người ta san đất giữa tiếng trống, tiếng hét, những lời nguyền rủa và các loạt đạn. Thỉnh thoảng thấy Việt Minh ném những thanh củi cháy lên đốt tháp canh. Để tranh thủ mấy giây, người ta bắn ca-nông vào rào chắn. Như vậy tạo nên những ngọn lửa pháo vì do tiếng đạn cối nổ, tất cả lựu đạn và những "rác bẩn" Việt Minh đặt bẫy cũng nổ khắp nơi. Đất tung lên như suối phun, dân quê của họ và một số của chúng tôi bị xé nát. Tôi cho lính Sénégal tấn công vào những tàn dư và thịt ấy rồi chúng tôi đi.

Nhưng đêm ấy việc công kích rất bình lặng. Chúng tôi lại đi và vào trong P29, chỉ hơi thiệt hại một ít. Lính nguỵ trên tháp đã bắc thang đưa một người xuống, bị thương rất nặng.

Với điện đài trong chiếc A.M viên trung uý hỏi tất cả các bốt, nhưng các nơi đều cùng trả lời "Không có gì cần báo cáo”.

- Những đêm trước ông không có ở vùng này, trung uý mỗi lúc càng thất vọng nói với tôi. Ông ta thấy hàng nghìn dân quê trên đường; hàng chục rào cản, tất cả các bốt bị tấn công, một số cháy dở. Một cuộc chiến lạ lùng chống lại bùn và "khối lượng người" tỏa ra từ khắp nơi. Đội tuần tra xe bọc thép lao vào những rào cản như một loại bơ, nhưng ngay sau khi họ đi qua, dân chúng ẩn mình trở lại, làm những gì họ đã phá huỷ. Tuy vậy phải đến đúng lúc dùng ca-nông giải phóng những tháp canh đầy kẻ tấn công. Không bao giờ kết thúc được, luôn luôn phải bắt đầu lại từ đầu. Việc đó kéo dài liền bốn đêm vì những đám đông không cạn từ đồng ruộng ra mang bùn lại ào tới. Tuy thế mỗi sáng con đường vẫn được “mở”.

Chúng tôi đã giết bao nhiêu đàn ông, đàn bà và trẻ em? Tôi cũng không biết. Chỉ có sự tàn sát mới cứu được chúng tôi. Việt Minh đã dự kiến cuộc tàn sát ấy. Họ tổ chức đẩy dân chúng ra trận, nghĩ rằng chúng tôi không tiêu diệt được bao nhiêu và sẽ bị thác người đánh bật đi và bị tiêu diệt. Họ đã nhầm nhưng thật kinh hoàng!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #146 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2018, 04:48:49 am »


Một buổi tối, trống nổi liên hồi và các mồi lửa rơm bện phá tan đêm tối - những ngọn lửa, dấu hiệu tấn công. Vai trò của "dân chúng" cuối cùng xuất hiện trước mắt chúng tôi. Việt Minh "thả" họ trên đường nhằm làm chán nản một nhóm người Pháp trước làn sóng người không vũ khí. Đội quân chính quy mai phục phía sau.

Tất cả bắt đầu cùng một lúc. Ở Cai Lậy đài chúng tôi chỉ còn là một hợp âm chói tai những lời gọi thất vọng. "Đây là Tignasse. Tất cả những tháp canh của chúng tôi đều bị tấn công. P21 đang bốc cháy". "Đây là Tapir. Những làn sóng tấn công ào vào P26 và P27". Khắp các nơi đều như vậy. Bốn mươi hai tháp canh lần lượt bị tấn công. Tôi lo lắng tự nhủ: "Bao nhiêu tháp gục ngã?" Nhưng tôi còn lo hơn cho những chiếc cầu.

Với hai khẩu 88 chúng tôi bắt đầu bắn chặn bao lấy những tháp bị đe doạ nhất - tầm bắn đã được tính toán trước. Đêm đỏ rực lên. Tôi có cảm giác đạn cối mất đi vô ích trong khoảng không bao la. Hai đội tuần tra xe bọc thép đã ra đi. Và tôi chỉ huy, buộc phải ở lại vị trí, tự hỏi chúng có vượt qua được rào chắn không. Người ta báo cáo có hàng chục, một số cao đến hơn hai mét. Và rồi bỗng nhiên Cai Lậy bị dội móc-chi-ê. Không quan trọng lắm.

Bây giờ đã có nhiều chi tiết. Từng phút một các đài báo tin. Trên suốt phần đường chúng tôi, Việt Minh tiến hành rất giống nhau. Quân chính quy ngụy trang trong các rừng dừa lân cận, dội vào tất cả các tháp canh bằng móc-chi-ê và đại liên. Khi một tháp bị trúng đạn, dân quê cầm đuốc ùa vào. Họ điên lên, hầu như chỉ có dao dựa, luôn tiến tới vừa cười vừa hô, nhào lên dây thép gai và tre vót nhọn. Trong số đó có cả đàn bà, trẻ em.

Bên trên, lính ngụy bị vây trong những vọng lâu bốc cháy, ném lựu đạn xuống hạ sát từng đám người. Nhưng hầu như vô ích, đám đông phục hồi lại nhanh chóng, bao giờ cũng nhiều và hăng say.

Giữa các tháp canh bị quần chúng bao vây, có những đám quần chúng khác cũng nhiều vô số làm rào cản, cho đến lúc những chiếc tăng A.M tiến lại gần bắn vào họ. Lúc đó họ mới tản ra, mang người chết và bị thương đưa lại các hố. Việc biến mất này như có ma thuật. Nhưng những chiếc xe bọc thép vừa đi qua, đám dân quê trở lại bù đắp lỗ hổng, cũng cố rào cản.

Vượt một rào cản, đội tuần tra đến một tháp canh bị vây hãm, càn quét dân chúng ở đây rồi tiến tới các rào cản và các tháp canh khác.

Cảnh ấy tiếp tục suốt đêm. Những chiếc A.M không ngớt đi, lại trên năm mươi cây số của con đường. Mỗi lần đi qua họ lại thấy những tháp canh ấy bị bao vây, những rào cản ấy được tổ chức lại. Đấy là cuộc chạy đua với thời gian, phải làm nhanh, trở lại đúng lúc, trước khi dân quê hình thành được những rào cản không vượt qua được, chưa chiếm được hoàn toàn các tháp canh. Chỉ một lần xe bọc thép đến chậm, họ thấy tháp bị phá hủy, những người bảo vệ và gia đình bị tàn sát.

Tuy vậy, cuối cùng những chiếc xe A.M đã thắng sau đêm thứ tư chiến đấu. Phải cả thời gian ấy để đánh bật khối người được tập hợp lại. Sắt thép đã chiến thắng. Lần này chúng ta đã thắng được số lượng người Châu Á, thật đáng sợ.

Điều lạ lùng, vào buổi sáng sau mỗi đêm như thế không còn dấu vết nào của những lộn xộn ấy, của đám dân chúng và xác chết. Người ta sửa sang lại con đường. Các nhóm nhân công phá bỏ nốt các rào cản, ngụy binh làm lại hàng rào bao quanh. Đến mười giờ giao thông lại tiếp tục: các "xe Trung Hoa" nối đuôi nhau chạy với những khối hàng lớn. Thương mại tiếp sau chiến tranh. Dân chúng Việt Minh của khu đầm lầy hoàn toàn biến mất làm người ta nghĩ là một giấc mộng xấu. Nhưng hoàng hôn tới, cơn ác mộng vẫn thành sự thực cho đến đêm nay không còn nữa.

Tôi tưởng việc những đám đông quần chúng kết thúc, và bây giờ là hòa bình theo lề thói của chiến tranh du kích thông thường. Nhưng phải chăng người ta sẽ thất vọng? Đông Dương vẫn biến động hơn, vẫn tạo cho ta một hư ảo thường trực.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #147 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2018, 07:52:39 am »


Cuộc hành quân hư không

Xuống phía dưới một trăm cây số nhưng vẫn còn gần với con sông lớn Bassac, cuộc sống trở lại. Đấy là Sóc Trăng, thủ đô lúa gạo. Với danh hiệu này các bên đều để yên thị xã ấy trong hòa bình, với những hoạt động thương mại.

Thay vì cảnh vắng vẻ, tôi đến một thị trấn, một nơi đầy những chủ đại gia tầm thường, hơi suy sụp vì lẫn lộn thành thị thuộc địa, đông đúc Châu Á, rác bẩn, hôi thối và mọi thứ thô thiển.

Sự kiện lớn là cứ hai, ba tháng đoàn tàu thuyền đồ sộ chở vụ thu hoạch lên Sài Gòn. Có hàng cây số thuyền mành do tàu kéo và được bảo vệ bởi những sà lan trang bị vũ khí của Hải quân Pháp. Lượng lớn người, xe cộ ấy hàng nhiều tuần lễ ngược dòng sông Bassac, Mékong và những mương đào lên thủ đô. Đoàn thuyền đầy lúa gạo, trị giá nhiều triệu đồng. Các bên đều tính toán về chỗ đó; đoàn thuyền gạo đại diện cho bao nhiêu cuộc thương lượng, dàn xếp, mua bán bí ẩn! Đôi khi xảy ra sự không thống nhất về tài chính và Việt Minh tấn công. Lúc ấy thật lộn xộn, bê bết những dây cáp và tàu, dân lái thuyền biết bao kinh hãi. Đàn ông thất vọng chèo lái, đàn bà và trẻ em kêu la, trong khoang thuyền, trên những bì gạo giữa những tiếng súng nổ. Dòng nước trôi xuôi phá vỡ khối người và vật ấy. Các sĩ quan hải quân Pháp, luôn mặc đồng phục, ra lệnh vô vọng. Đại liên nhả đạn và các tàu kéo rít lên.

Thực tế ở Sóc Trăng, cuộc chiến chính là giữa tỉnh trưởng trẻ, một người chột lầm lì và đại tá chỉ huy quân khu. Một cuộc tranh chấp lúc nào cũng nặng nề và quyết liệt. Hàng ngày người ta đấu đá nhau, báo cáo gửi lên cấp trên, cao uỷ và tổng chỉ huy để tố cáo lẫn nhau.

Dù thế nào Việt Minh cũng không xa. Để giành lấy vinh quang, nhất là để được chính quyền Sài Gòn tín nhiệm hơn, thỉnh thoảng viên đại tá tổ chức những cuộc hành quân truy quét địch. Tôi đến đúng lúc ông đang chuẩn bị một cuộc như thế - nhưng là một điều rất bí mật.

Cuộc hành quân không có tên. Vì việc các chỉ huy đặt tên cho những cuộc giết người của mình chưa được tung ra thành mốt. Sau này họ lấy tên vợ, con gái mình đặt cho chiến dịch, đi đến cả thuật ngữ của gia đình bất hợp pháp như ở Điện Biên Phủ.

Ở Sóc Trăng năm 1949, chưa đến lúc đó nhưng không quan trọng. Dù cuộc hành quân vô danh, viên đại tá rất chu đáo: ông muốn chiến dịch thật hoàn hảo.

Sự thực đã có một mẫu chuẩn cho loại chiến dịch này. Vấn đề là bố trí xung quanh mấy người Việt Minh định tiêu diệt một thiết bị đồ sộ. Phải tiến hành một cách khoa học, bí mật, không để lộ việc chuyển quân và phương tiện. Sau đó chỉ còn "thu hẹp vòng vây", "xiết gọng kìm" và "bắt mồi trong lưới".

Thông thường người ta chẳng bắt được gì trừ những lời tuyên bố. Vì vậy người ta luôn bắt đầu lại năm này qua năm khác cũng những người ấy, thiết bị ấy, theo cách ấy - bao vây và càn quét. Những cuộc hành quân nặng nề và vô ích như vậy đã có bao nhiêu và sẽ còn có bao nhiêu nữa ở Đông Dương? Hàng trăm, hàng nghìn.

Sau một tuần hoạt động sốt sắng trong các văn phòng ban tham mưu quân khu, ngày N sắp tới. Một tối viên đại tá triệu tập tôi đến. Ông làm một cuộc "hội ý" lớn trước những tấm bản đồ ban tham mưu chiếm hết cả một bức tường. Giọng nói ông giản dị và thỏa mãn. Dĩ nhiên ông tự hào về "chiến lược" của mình trải rộng dưới ánh sáng qua những mũi tên đủ màu sắc.

- Ngày mai tôi đưa ông đi cùng. Chúng tôi sẽ tiêu diệt một chi đội Việt Minh. Căn cứ của họ là một làng trên bờ con kênh lớn nối liền Sóc Trăng và sông Bassac. Chúng ta lên một chiếc LCT lúc hai giờ sáng. Rạng sáng đã trông thấy mục tiêu. Tiểu đoàn lính Maroc ùa sâu vào quét sạch làng. Họ sẽ không tìm thấy Việt Minh, tôi biết, nhưng nhiệm vụ chính của họ là gây sợ hãi, dồn Việt Minh về phía Bassac. Lúc "quân vô lại" tưởng đã chạy trốn được là lúc chúng rơi vào bẫy của tôi. Vì trong lúc đó một chiếc tàu chiến của hải quân Cần Thơ ẩn vào một khúc sông sẽ đổ bộ một đội biệt kích chặn hậu. Việt Minh bị dồn đuổi sẽ đụng phải đội quân này, chỉ còn việc đánh hạ. Mọi việc đã được dự tính. Điều kiện thắng lợi là khi thoát ra chúng không lẩn xuống bờ - như vậy thì phải vượt qua con kênh. Nhưng chiếc LCT của tôi sẽ xô tới không chậm trễ; tôi có cả một máy bay truy tìm và xả đạn vào quân địch nếu chúng láu lỉnh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #148 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2018, 07:53:51 am »


Làm sao tôi không tin vào đại tá được? Bốn mươi lăm tuổi, hồng hào, quý phái và phong thái rất đẹp. Ông thể hiện biết bao quyền lực khi mình trần, đội mũ ca-lô đỏ, tự mình lái chiếc xe jeep khinh thường chạy trên những con đường của thủ đô! Ngồi vào tay lái bao giờ ông cũng có bên cạnh một người Maroc quấn khăn trên đầu và dữ tợn, để nhắc nhở ông là một sĩ quan phụ trách công việc địa phương, một ông chúa cao cấp hơn nhiều những sĩ quan trong quân đội bình thường.

Nhưng tôi vừa ra khỏi văn phòng ông thì viên đại uý tham mưu trưởng níu lấy tôi:

- Ông sẽ không thấy bóng một Việt Minh, tôi có thể cam đoan với ông như vậy; Chính tôi làm kế hoạch, đã sáng tác ra ý tưởng thiên tài của "ông chủ".

Ở Sóc Trăng có những sĩ quan tham mưu không hề giống chỉ huy của họ, ít nhiều họ sinh ra từ tầng lớp dân chúng. Đại tá thì không bao giờ nắm chi tiết những cuộc hành quân; chính thuộc hạ ông chỉ đạo cuộc chiến, nhất là đại uý trưởng ban tham mưu.

Đây là một người thể trạng ốm yếu, ăn mặc lôi thôi, khô cứng lại như tấm da cũ nhưng thực tế khỏe mạnh và ranh mãnh, chịu đựng được mọi thử thách. Nguyên hạ sĩ quan ông đã qua các trận địa, các cuộc chiến tranh, bao giờ cũng ở những bốt tồi tàn nhất, vươn lên được do những công sức đáng khen của cấp dưới, những vết thương và khen thưởng; ngực ông là một mảng ngân hàng huân chương.

Ở Sóc Trăng ông làm việc rất có lương tâm nhưng luôn kêu ca, rên rỉ, khóc lóc. Lạ là con người này, đã thấy đủ màu sắc, ghét cuộc chiến tranh Đông Dương, như quá sợ hãi. Vừa mở miệng là tuôn ra hàng tràng chán nản tinh thần.

Nỗi buồn của viên đại uý thường vào giờ khai vị. Vào giờ này đáng lẽ vui vẻ, ông như chìm đắm vào những suy tư, ông tỉnh ra là để càu nhàu:

- Các ông biết không, anh ấy, một người bạn cũ vừa bị giết trong một trận phục kích; anh kia trúng mìn, mất một chân; anh nọ phát điên; một anh được đưa về nước cách ly, vấn đề lỵ amip, thật may mắn! Tôi thì như một xác chết thối rữa người ta đưa trở về Pháp.

Thế là toàn ban tham mưu vừa nhấm kẹo và uống cô nhắc - sôđa, cũng than vãn theo. Chủ yếu cũng vì lịch sự và bắt chước chứ các sĩ quan khác không phải là những người nhiều tưởng tượng. Nỗi buồn chán chấm dứt ngay khi đại tá xuất hiện - gậy chỉ huy cầm tay, nét mặt nghiêm trang và cao quý, nói năng chậm rãi. Vì ông không bao giờ suy sụp tinh thần. Ngược lại, là chỉ huy, ông biết nói với cấp dưới.

Nhưng mọi người biết ông sẽ không làm gì. Vì quân khu Sóc Trăng sẽ sụp đổ nếu không có đại uý; tất cả những lời than vãn dai dẳng không ngăn cản được ông là người nhẫn tâm nhất trong những con "bò cái", thực sự "vắt được nhiều sữa" vì biết mọi đường dây.

Sự phối hợp giữa hai người tiến triển rất tốt. Vùng xa xôi này của Sóc Trăng gần như được bình định. Lẽ tự nhiên đại tá cho rằng nhờ có ông. Ý của ông là Việt Minh đã rất suy yếu do những cuộc tàn sát ông tiến hành trong khu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #149 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2018, 07:55:39 am »


Thực ra xung quanh Sóc Trăng có một dân tộc ít người, vài trăm nghìn Khmer. Dọc con đường 16 đổ máu, Sóc Trăng như một ốc đảo, nhuốm vẻ thanh bình phật giáo của người Khmer. Dù sao cũng còn khá nhiều Việt Minh để làm hài lòng đại tá và làm đại uý không hài lòng. Vì những làng Khmer có xen lẫn những làng "bất hảo" Annam và một số Khmer đã bị lây nhiễm.

Điều đó cho phép đại tá âm ỉ chuẩn bị những cuộc hành quân như chiến dịch tôi được chứng kiến. Sau đó ông gửi báo cáo thắng lợi lên Sài Gòn, bất kể những lời cay độc của cấp dưới!

Ban đêm khi chúng tôi lên tàu với toán lính Maroc, viên đại uý không vui nhưng đại tá mặt mày rạng rỡ. Thái độ vui vẻ của ông không hề mất đi khi con tàu quá nặng và quá lớn so với con kênh nhỏ khúc khuỷu nên bị sa lầy. Để trục nó lên, đoàn thủy thủ phải mất mười phút chửi rủa và chèo chống. Tôi sợ sự huyên náo ấy báo động Việt Minh. Đại tá thân mật trấn an tôi: "Chúng ta tóm chúng ngay tại sào huyệt".

Mọi việc khó khăn, kéo dài. Trời sáng đã lâu chúng tôi mới cập bến trên bờ bùn lầy và nhảy lên đất liền. Tôi nhận thấy ngôi làng cần đến, một đám đen cuối chân trời. Phải qua một cánh đồng rộng; chúng tôi tiến lên hàng đôi. Tôi lội bì bõm theo đại tá, trong lớp bùn bẩn và hôi thối. Bùn hút lấy chân, bám chặt vào và làm đen chân. Lớp bẩn của đồng ruộng dính vào da. Tôi hiểu vì sao ở Đông Dương, chiến binh nhận ra nhau ở "bàn chân" của họ; chỉ những người "vớ được công việc bở" bàn chân mới sạch sẽ.

Trong lớp bùn lầy đáng sợ này chúng tôi tiến lên chậm chạp đến thất vọng, vừa mệt nhọc. Mọi phía đều có thể thấy chúng tôi, dù ở xa người ta cũng trông rõ đám người nôn nóng và bí mật của đại tá!

Không một tiếng động, một phát súng, một con người. Chúng tôi đơn độc với nhau, những người Pháp, Maroc nặng nề, đang thực hiện hoạt động đã dự kiến, đúng theo mũi tên chính trên tấm bản đồ của đại tá. Nhưng làm sao chúng tôi không bị phát hiện được?

Đến tám giờ rưỡi chúng tôi đang giữa cánh đồng. Mỗi phút viên đại tá lại sửng sốt nhìn đồng hồ. Không chịu nổi nữa, ông hỏi tôi:

- Ông có nghe một tiếng nổ nào không?

- Không, thưa đại tá.

- Có việc gì xảy ra vậy? Vào giờ này chiếc tàu của Hải quân bỏ neo ở Bassac đã phải bắn một phát ca-nông báo cho chúng ta đội quân chặn hậu đã được bố trí.

Đại tá tiếp tục xem đồng hồ; mỗi lần xem lại hỏi tôi cùng câu ấy:

- Ông không nghe thấy gì sao?

Tôi không nhận ra một tiếng động nào. Đến chín giờ mười lăm, đại tá nhăn mặt triết lý; ông đã quen với những bất ngờ của chiến tranh.

- Tôi cảm thấy có "trục trặc" rồi, ông tâm sự với tôi. Một anh lính già như tôi, việc ấy nhận ra ngay. Tôi cam đoan là ở chỗ Hải quân!

Điện đài liên lạc được với Hải quân. Họ rất ngạc nhiên, nghĩ việc chặn hậu dự kiến vào ngày mai. Sai sót thời gian...

Dù sao đại tá cũng không hài lòng. Ông càu nhàu sẽ viết báo cáo lên Sài Gòn đề nghị trừng phạt. Vì, không có quân chặn hậu, cuộc hành quân thành vô nghĩa. Việt Minh thoát đi như họ muốn.

Tuy vậy đại tá lấy lại sự thanh thản để kết luận:

- Vì kế hoạch đã được bố trí, chúng ta cứ tiếp tục. Biết đâu! Cuối cùng, hết khoảng bùn lầy, đồng ruộng, chúng tôi đi hàng một trên một bờ kênh, đến những mái nhà tranh đầu tiên. Làng hoàn toàn vắng vẻ - không một người dân, không một Việt Minh. Mọi người đã ẩn nấp trong bụi bờ, đầm lầy lân cận từ lâu. Chúng tôi tiếp tục tiến lên, không có việc gì khác. Cứ đi bộ như vậy hai, ba cây số vì khu dân cư trên khoảnh đất liền này dài vô tận. Vẫn tuyệt đối hoang vắng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM