Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:01:19 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84889 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #100 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2018, 05:47:42 pm »


Trong số những "người quốc gia" phần lớn thù địch với Việt Minh. Không may họ đều bất lực; nhu nhược và không lương thiện, họ tạo thành một hỗn độn vô trật tự, một mớ bòng bong không bao giờ ra được gì. Những người ấy tê liệt vì sợ hãi, thiếu lương tâm, bóng của Hồ Chí Minh còn lởn vỏn trong trí họ.

Mùa hè năm 1948 là sự trống rỗng của người Việt Nam xung quanh Pignon. Trước hết phải có đồng minh. Nhưng ai? Bảo Đại vẫn ở nước ngoài trong các khách sạn, mánh khoé, còn ngần ngừ. Cơ quan Việt Nam xây dựng được là Chính phủ miền Nam Việt Nam với những yêu sách quá đáng từ khi trở thành chính phủ dân tộc. Nhưng gần như chẳng là gì cả.

Bên ngoài Chính phủ này đã có một ít "vẻ mặt" ở Sài Gòn, từng nấc một sau cái chết thảm hại của bác sĩ Thinh. Người Pháp cho họ lâu đài La Grandiere. Thủ tướng bây giờ là Trần Văn Hữu, một tư sản to béo với đôi mắt nhỏ tí, nguyên thanh tra của tín dụng nông nghiệp, rất giàu và rất được nhà băng Đông Dương coi trọng. Một lớp chính trị gia khoảng vài chục nhân vật, những bộ trưởng liên tục hoặc có thể trở thành bộ trưởng được tung ra: từ nay rất được người Pháp vỗ béo. Ngoài Hữu có Tâm được gọi là "Con hổ Cai Lậy", Hoạch một thầy thuốc đáng ngờ, hợp tác với Cao Đài, tướng Xuân, người bách khoa da vàng đầu tiên, khuôn mặt rất tròn và hợm hĩnh ngây thơ. Họ đều là những người giàu có, viên chức cũ của Pháp hoặc của tư sản. Họ hoàn toàn bị cắt đứt với dân chúng nhưng thậm chí không nhận thấy điều đó.

Mỗi vị không ngớt nói với người Pháp: "Cứ để tôi làm. Tôi là người quốc gia. Tôi sẽ chắp nối với những người quốc gia trong Việt Minh." Nhưng chính những người du kích và chờ thời cho Pignon biết họ không bao giờ muốn những kẻ "mục ruỗng" ấy: điều kiện đầu tiên đế xáp gần với người Pháp là loại bỏ họ.

Điều đó không sao. Đấy là tình trạng sa lầy. Những người cũ "hợp tác" với Chính phủ Nam Kỳ vừa được ân sủng đầy vinh dự và tiền bạc, đi đến chỗ phản bác những biện pháp có vẻ "chống yêu nước”. Họ tuyên bố với cao ủy: "Chúng tôi trung lập. Làm sau chúng tôi có thể đánh nhau với Việt Minh dù họ là những người lầm lạc? Đó là những người quốc gia như chúng tôi. Trước tiên người Pháp phải tỏ rõ thực tâm của mình." Thực tế người ta lấy được nhiều chữ ký nhưng với những cuộc bàn cãi dài dòng và những đồng bạc.

Pignon hiểu phải tìm một nhân vật chính trị tốt hơn. Ông đi vào - cùng lớp thân cận, nhất là người lai - móc nối với những môi trường Việt Nam để phát hiện ra những người có trình độ hơn, trong sạch hơn. Sức mạnh của ông là biết rõ mọi gia đình quan chức đáng kính trong nước.

Hầu như mỗi gia đình, giữa sự lộn xộn chung luôn đi đến một sự cân bằng có tổ chức. Họ chia thành ba bộ phận: đầu tiên đại diện với ông bố già, được thưởng Bắc đẩu bội tinh, làm việc trong Chính phủ Sài Gòn; bộ phận khác chờ thời; thứ ba đi theo Việt Minh. Trong một số trường hợp có một phần thứ tư sống ở Pháp, tại Sorbonne. Tất cả những lớp người này đều giàu, trừ những thành viên gia đình đi với Hồ Chí Minh. Nhưng những người này là anh hùng.

Tiếp cận những người trên, Pignon dùng một lập luận tấn công: "Công cuộc kháng chiến của các ông bị xé nát vì những bi kịch nội bộ. Những người cộng sản đang chi phối nó; họ chinh phục nội bộ bằng thanh toán các nhà tư sản ủng hộ Việt Minh, bắt đầu bằng những người trong khu du kích. Các ông để cho họ thanh lọc đến người cuối cùng mà không hành động, không làm gì hay sao?"

Những lời ấy hiếm có tiếng vang. Ngược lại những "người chờ thời" ở Sài Gòn càng cay độc hơn khi đả kích "chế độ thực dân". Hầu hết họ là những trí thức có nhiều bằng cấp ở Pháp - những luật sư, bác sĩ, dược sĩ. Họ bắt đầu từ tuyên bố họ rất yêu nước Pháp, nhưng là nước Pháp Cách mạng, không phải nước Pháp của chinh phục hoặc đế quốc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #101 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2018, 05:48:12 pm »


Dĩ nhiên sau những tuần bàn cãi dài dòng, những "người chờ thời" thú nhận một ít. Nhưng như một điều luật, những người chờ thời càng thất vọng và lo sợ, họ càng chờ đợi thay vì thoát ra. Đối với một số trong bọn họ, đấy là loại tự sát vinh dự. Nhưng phần lớn bị lôi kéo vì những phản xạ mù quáng sợ hãi lẫn tính toán tư lợi. Mọi người thậm chí thú thật với tôi: "Tôi không muốn làm hại mình. Tôi có một bà vợ và chín đứa con. Là bác sĩ mỗi tháng tôi kiếm được một trăm nghìn đồng; ở Chính phủ những vị trí tốt đã bị chiếm hết, tôi không kiếm được đến thế.”

Những trí thức không chê được ấy, nói và ăn mặc tốt, ngớ ngẩn một cách đáng sợ. Họ say mê lợi lộc. Vì vậy họ khai thác cặp giấy tờ của họ. Ví dụ các thầy thuốc chuẩn bị trước đơn thuốc, rất nhiều bản cho thuốc phiện, cho các loại thuốc quý để sau đó bán lại nhiều lần.

Cứ như thế, không bao giờ kết thúc được với những nhà quốc gia trưởng giả ở Sài Gòn. Lúc ấy Pignon cho phép thực hiện "kế hoạch lớn": quan hệ với bản thân Nguyễn Bình, làm ông "chao đảo”. Mong kế hoạch này thành công và toàn bộ cuộc kháng chiến Nam Kỳ sẽ chuyển biến, quay lại chống đỏ, xây dựng ở Sài Gòn một chính phủ hoàn toàn mới, cứng rắn và trong sạch. Không khí ở Đông Dương sẽ được sạch sẽ hơn. Đối với người Pháp đó không còn là "cuộc chiến tranh bẩn thỉu" nữa.

Việc tiếp xúc với khu du kích kéo dài hai năm. Đây là một trong những bí mật chính của cuộc chiến tranh Đông Dương và chắc là bí mật chủ yếu. Không có gì lộ ra nhưng chắc chắn những phái viên Pháp đều đặn đến gặp Việt Minh Nam Kỳ; họ mang những đề nghị, trao đổi ý kiến. Đấy là các sĩ quan Phòng Nhì đặc biệt, rất chuyên nghiệp, do một đại tá F... nào đó chỉ huy - một người nhỏ thó rất Châu Á với nụ cười hiền gần như bụt, chỉ làm tan im lặng bằng những lời nói như nở hoa. Ông văn minh một cách đáng ngại nhưng trong công việc ông nổi tiếng vì tính kiên định sắt thép, tính chính xác, một sự thông minh quá sắc sảo.

Tôi biết nhân viên của viên đại tá ấy đi lại thường xuyên nhưng không thể thăm dò những cuộc nói chuyện của họ đã đi đến đâu - không biết họ có gặp được Nguyễn Bình không. Dù sao những cố gắng đó đã đến chỗ thấm máu.

Một đêm những sát thủ Việt Nam vào trong một biệt thự ven đường Tân Sơn Nhất, sân bay Sài Gòn. Mọi người trong nhà đang ngủ. Những kẻ giết người, thực hiện kế hoạch chuẩn bị trước, lẻn vào phòng ngủ một đôi người Âu nằm trong giường. Họ bắn một phát giết chết người đàn ông rồi bỏ đi không lấy tiền bạc giấy tờ gì, để người vợ hét lên bên cạnh xác chồng.

Đấy là "vụ Abadie" mà cảnh sát không bao giờ làm sáng tỏ được. Việc điều tra nhanh chóng bị bãi bỏ như sợ nêu lên những bí mật quá nguy hiểm.

Người bị giết, Abadie đã trải qua một sự nghiệp phiêu lưu ở Trung Đông rồi Viễn Đông. Ông đã là đại tá trong quân đội của Quốc vương Iran, sau đó là giám mục Cao Đài ở Nam Kỳ. Gia nhập Đội quân viễn chinh với chức vụ đại uý, ông là "chủ bài" của những nhiệm vụ đặc biệt. Đôi khi ông biến đi nhiều tuần lễ: cải trang thành dân quê, đi hẹn gặp với những người du kích. Trong tất cả những người Pháp ông là người duy nhất được kháng chiến tin, chắc là người duy nhất có thể thành công; điều đó làm ông bị sát hại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #102 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2018, 05:48:58 pm »


Nhiều tin đồn trái ngược chạy khắp Sài Gòn nhưng không ai biết người cử những kẻ đi ám sát. Bao nhiêu người có lợi trong việc thủ tiêu Abadie! Trước hết là những người cộng sản, để ngăn chặn ông ta tha hóa những người quốc gia trong Việt Minh. Cũng có thể là Nguyễn Bình; đối với một số người là để chuộc lỗi vì ông cảm thấy bị phái viên ngoài Bắc vào phát hiện thấy; với một số khác ông vẫn là người anh hùng của cuộc kháng chiến, vẫn trung thành với Hồ Chí Minh, phải cho hạ sát ngay tại Sài Gòn phái viên nguy hiểm của Pháp khi đã luồn vào khu du kích. Nhưng cũng có những giả thuyết khác hẳn. Người ta đổ tội cho Bảo Đại và phe nhóm vì Hoàng đế sẽ mất hết giá trị nếu người Pháp điều đình với kháng chiến. Họ đặt ra những công việc đặc biệt chống lại việc làm của đại tá F.... và thậm chí cả cao ủy.

Chắc chắn là Phái đoàn dân sự, trong chừng mực họ để tiến hành cho những thương lượng với kháng chiến nhưng thực tâm không mong kết quả. Họ tin là không thể. Đối với họ đấy chỉ là những quả bóng thử nghiệm, những mưu mô mập mờ trong hàng ngũ Việt Minh. Nhất là sau thất bại mà họ chờ đợi, họ muốn có thể nói: "Các ông thấy không, chúng ta chỉ còn Bảo Đại".

Tôi nhớ đến một cuộc nói chuyện với Bonfils trong văn phòng khốn khổ của ông. Để thuyết phục tôi, ông rời khỏi ghế ngồi, đi lại trong phòng mà không trông thấy gì - một viên chức nhỏ nhen bị sức mạnh niềm say mê và lập luận không nhầm lẫn được chi phối.

- Người ta chỉ nói về việc thỏa thuận với kháng chiến. Tôi thấy không làm sao đạt được. Theo lôgic là không thể.

Khi mà những người trong khu du kích - những người quốc gia không hiểu cộng sản dành cho họ số phận ra sao sẽ không làm gì với họ được; họ căm ghét chúng ta cuồng nhiệt, họ đặt ra những điều kiện không chịu nổi. Chỉ khi bị thanh lọc hoặc thanh toán thì họ mới nghĩ đến chúng ta như một tấm ván cứu nạn, nhưng lúc ấy thì họ không ích lợi gì nữa, họ không đại diện cho ai nữa.

Tóm lại khi chúng ta thương lượng với quân du kích, hầu như bao giờ cũng quá sớm hoặc quá muộn. Phải tiếp xúc họ trong thời gian ngắn khi mà họ phát hiện ra mối nguy hiểm nhưng chưa bị nhấn chìm. Ngay vì một sự tình cờ chúng ta nắm được họ cũng không đi đến đâu do những nghi ngờ, ngập ngừng của họ. Không bao giờ họ quyết định đúng lúc.

Nếu chúng ta biết rõ những mặt trái của tấm màn bí mật cốt lõi vô cùng biến động và phức tạp của đối phương và những bi kịch của họ, có lẽ chúng ta có thể tranh thủ một số "trường hợp". Nhưng chúng ta có những thông tin sai, quá ít. Cũng quá chậm nữa. Lúc ấy chúng ta mày mò trong bóng tối. Vì chúng ta có nhiệm vụ nghi ngờ. Những người của Việt Minh tự xưng là "quốc gia" có thể chỉ là những bù nhìn của Hồ Chí Minh hành động theo mệnh lệnh. Ký với họ, thay vì cứu Đông Dương thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản, chúng ta lại giao nó cho họ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #103 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2018, 05:49:25 pm »


Thật ảo tưởng cho rằng có thể liên minh với kháng chiến. Tốt lắm chỉ thu hái được vài cặn bã, khốn khổ hoặc độc hại. Và với giá nào! Phải cho tất cả, chối bỏ mọi quyền hành của nước Pháp ở Đông Dương. Thế thì tại sao chúng ta chi những tỷ phrăng, hy sinh cuộc sống của bao nhiêu binh lính như vậy? Vì chúng ta thậm chí không thể rút ra, vẫn buộc phải trả tiền và đánh nhau chẳng để làm gì cả.

Cuối cùng Phái đoàn dân sự không muốn làm như người Anh ở Ấn Độ: tất cả dựa vào lòng tin và hy vọng. Chủ nghĩa thực dụng Anh cho rằng việc bỏ cuộc là cách làm hay nhất, kinh tế và chắc là có lợi nhất. Nhưng Pignon và những nhà cai trị của ông nói đường lối có tính toán ấy không thực hiện được ở Đông Dương: những điều kiện khác do Hồ Chí Minh và sức mạnh của những người cộng sản.

Nhất là vấn đề tâm lý. Phái đoàn dân sự, tất cả những người Pháp ở Đông Dương cũng vậy, biết quá rõ Châu Á, khả năng ăn mòn của nó. Họ tin chắc sự có mặt của lá cờ tam tài chẳng bao lâu sẽ bị tiêu hóa, triệt hạ, nhận chìm theo lối Phương Đông trong lòng một nền độc lập toàn vẹn. Phải luôn bảo vệ nó bằng những cam kết, đề phòng và kiểm soát những đòn bẩy chỉ huy. Mục đích là trong một Việt Nam thống nhất và độc lập, nước Pháp còn ở khắp nơi hơi bí mật và gần như còn mạnh. Tóm lại bề ngoài đất nước này sẽ thuộc về người Việt Nam, nhưng thực tế thuộc về người Pháp. Như vậy độc lập thực ra chỉ là một xứ bảo hộ.

Nhưng ai có thể chấp nhận nền độc lập ấy của Pignon? Những người kháng chiến không, những người tự cho là kháng chiến cũng không.

Từ đấy chỉ có Bảo Đại là có thể. Bản thân ông này cũng nhăn nhó nhưng người ta biết rõ cuối cùng ông sẽ nhận vì nếu không sẽ chỉ là một kẻ mất hút trong biển người.

Việc Bảo Đại trở về đã tới gần. Trước hết phải chuẩn bị những văn bản mà người Pháp quan tâm: người ta viết hàng nghìn trang thỏa thuận. Tất cả đều được dự kiến, quy định, khẳng định. Người ta cân nhắc từng chữ; một số lập luận tế nhị kéo dài hàng tuần. Đây là một trong những soạn thảo lớn nhất thế giới.

Pignon và ê-kíp của ông, những người bảo trợ ông ở Pháp gần đạt mục đích. Nhưng không khí vẫn xáo động. Ở Paris những kẻ thù của "lá bài Bảo Đại" giật mình. Trong lúc mọi việc tưởng như đã quyết định, một mưu đồ ngầm xảy ra. Do vậy tướng Revers chuẩn bị sang Đông Dương lúc Hoàng đế sắp về. Ông đến để phá hỏng việc đó, lấy lại giải pháp phe hữu với các tư sản Nam Kỳ, những người chờ thời, những người kháng chiến, các nhà quốc gia của những khu du kích, với Việt Minh và có lẽ cả với Hồ Chí Minh và những người cộng sản.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #104 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2018, 04:38:57 pm »


Vị Hoàng đế bí hiểm

Pignon đã đâm lao. Từ nay ông gắn số phận mình vào số phận Bảo Đại. Nhưng Hoàng đế bí hiểm ấy là ai?

Người ta nói những người của Phái đoàn dân sự tự kỷ ám thị để có lòng tin vào Hoàng đế. Bảo Đại làm họ bối rối vì những mặc cả ở Hồng Kông, trên bờ biển Xanh, ở khắp nơi. Hình như để gây sức ép với ông mà Pignon cho phép tiếp xúc với Nguyễn Bình. Nhưng Bảo Đại cũng có chăng những tiếp xúc ấy?

Bề ngoài Pignon có vẻ thắng thế vì Bảo Đại sẽ trở về. Nhưng để chắc chắn thắng lợi, phải biết con người ông đặt tất cả hy vọng là như thế nào. Tôi hỏi một nhà cai trị cũ điều này, ông nhún vai nói không biết.

- Cuộc sống của ông ta lạ lùng, nhân cách thật phức tạp đến mức người ta có thể nói ra sao cũng được. Nói chung người ta cho rằng có hai Bảo Đại - hoặc đúng hơn, hai thể hiện của Bảo Đại. Ông ta là Hoàng đế của hộp đêm, của con người không tin vào gì nữa, con người đáng ngờ đối với mọi người vì ông lần lượt phản bội tất cả. Đối với người Pháp ông là người bạn không thực, đã bỏ rơi họ hai lần, đối với người Nhật rồi sau đó đối với Việt Minh. Phải chăng ngày mai ông sẽ đào ngũ đi với người Mỹ? Người Việt Nam xem ông là một đầy tớ ngoan ngoãn, làm công cụ cho chủ nghĩa thực dân Pháp rất lâu. Cả Việt Minh cũng cho ông là kẻ phản bội vì, là cố vấn tối cao của Hồ Chí Minh, ông trốn đi trên một chiếc máy bay Mỹ.

Mặt thể hiện khác dựa trên sự bắt buộc, cần thiết, về mặt này Bảo Đại là con người trong mỗi lần phải "tỏ ra mềm mỏng", phải "hợp tác" để cứu mạng sống của mình. Ở trong một vòng xoáy đáng sợ, để sống sót ông chỉ còn sự thông minh và ông khá thông minh để tỏ ra đạo đức, trung thành, mọi phẩm chất sẽ hành hạ ông vì ông ở trong tay những kẻ thù.

Một trong những anh em họ của Bảo Đại đã kể lại với tôi câu chuyện của ông này. Đây là lời kể, gần như trong tiểu thuyết đen:

- Ông biết khi Bảo Đại còn rất trẻ, được người Pháp nuôi dạy ở Paris theo uỷ thác như thế nào. Người con trong những Con Trời bắt đầu sống theo "kiểu hiện đại": Câu lạc bộ Racing, Riviera, Tout-Paris, những chốn lịch sự, giàu và quý phái. Mười tám tuổi, ông thấy có vẻ kỳ cục khi trở về Huế làm ông vua thần quyền, là thần tượng của quần thần, mặc chiếc áo dài dệt đầy rồng để giao lưu với Trời. Ông tưởng tượng chàng thanh niên "hiện đại" trong triều đình cổ xưa ấy với các quan lại, các thầy bói, những lăng tẩm tổ tiên, giữa một nhãn hiệu hàng ngàn năm! Thật ngạc nhiên phát hiện ra mẹ mình trong người đàn bà Annam cổ lỗ đần độn, bài bạc, ăn trầu, ghê gớm đến nỗi được mệnh danh là "Hổ cái". Bảo Đại những muốn cách tân toàn khung cảnh lỗi thời ấy và tự mình cai trị nhưng các công sứ Pháp kịch liệt phản đối. Ông đã thấy Hoàng đế Annam chỉ là đầy tớ của một viên chức Pháp nào đấy. Làm sao tôi không nhớ khi ông uể oải dùng cùi tay che những tài liệu chuẩn bị sẵn mà người Pháp đem tới cho ông ký tắt? Ông nói: "Tôi không đọc những gì tôi phải ký; tôi đã học được là phải mù, điếc và câm". Đấy là lúc ông bắt đầu suy nhược thần kinh; đi săn một mình liên tục. Những người quốc gia thời ấy không hiểu sự bất lực của ông, đã kết tội ông phản bội. Là Hoàng đế thậm chí ông không thể thanh minh.

Rồi xảy các sự kiện, trước hết là cuộc đảo chính Nhật tháng ba năm 1945. Tất cả tiến hành như chớp. Người Pháp bị săn đuổi, nhấn chìm. Bảo Đại chưa biết gì hết. Ông đi săn voi hoang rất sâu trong rừng, trở về đúng lúc một lữ đoàn Nhật bao xung quanh ông. Một viên tướng của Thiên Hoàng đưa cho ông một tập giấy da, ra lệnh ký nếu muốn sống. Vậy là Bảo Đại đóng ấn nhà vua lên chứng thư nói người Pháp mất quyền hạn và tuyên bố nước nhà độc lập. Làm sao ông có thể làm khác được? Cần tranh thủ thời gian cho đến khi Nhật thất bại mà ông biết không tránh khỏi được và sắp tới gần.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #105 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2018, 04:40:03 pm »


Điều xảy ra trong lúc đế quốc Mặt trời mọc sụp đổ còn tệ hại hơn. Bảo Đại lại phải ký và lần này là sự mất quyền của chính ông. Mùa hè năm 1945 một phái viên của Hồ Chí Minh chiến thắng vào Huế buộc Hoàng đế thoái vị, không nể nang quá đáng. Bảo Đại thực hiện để cứu mạng sống của mình. Ông nghĩ hậu duệ của bao nhiêu đời vua Annam có thỏa mãn về chức danh cố vấn tối cao của Hồ Chí Minh mà người ta bổ nhiệm ông để đánh đổi không?

Thế là bao nhiêu thử thách! Người ta tách ông khỏi vợ và các con, giữ như làm con tin ở Annam. Ông phải ra Hà Nội bên cạnh Hồ Chí Minh, tham dự bên cạnh Chủ tịch nước những cuộc mít tinh cách mạng với tên người công dân Vĩnh Thụy. Cố vấn tối cao đã biết lấy giọng chấp nhận nền dân chủ, tỏ rõ ân hận, ra mặt nhiệt tình và Bác Hồ ôm hôn ông thắm thiết trước công chúng.

Bảo Đại vẫn sống ngày này qua ngày khác vì tuy thời trẻ ở Paris, ông tìm lại được mưu mẹo của tổ tiên, khả năng che dấu mình của Châu Á. Nhưng trò chơi thật chặt chẽ! Ông không bao giờ được phản lại mình dù chỉ là một lời nói, một giọng nói, một cử chỉ. "Giải pháp đúng đắn" tai hại của Hồ Chí Minh và ông Giáp vừa sử dụng là làm mất tín nhiệm Bảo Đại biến ông trở thành Vĩnh Thụy. Việc tuyên truyền nào hay hơn chỉ rõ ông vua "tình nguyện" xuống khỏi ngai vàng để liên minh với quyền lợi nhân dân! Nhưng các uỷ viên chính trị đã nói với dân chúng ông ta chỉ là một kẻ phản bội, người ta phải rũ bỏ ông và cả đống mê tín về ông.

Vào mùa xuân 1946 đầu của Bảo Đại vẫn luôn không đắt giá. Giữ nó trên vai là những đội quân của Lư Hán, ông chúa chiến tranh ghê gớm của Vân Nam chiếm đóng Hà Nội, dựa trên một thoả thuận quốc tế và nhân danh Tưởng Giới Thạch. Hồ Chí Minh và ông Giáp biết nếu đụng vào cựu hoàng là tạo cớ cho đội quân thù địch ấy thảm sát quân đỏ và nhấn chìm chế độ nhân dân trong biển máu. Nhưng với sự bảo vệ ấy Bảo Đại trở thành một đối thủ ghê gớm. Bất cứ ngày nào đó, người Trung Hoa cũng có thể nắm lấy ông ta dựng lại làm vua trong lúc họ tự mình chém giết Việt Minh.

Suýt xảy ra bi kịch khi một nhóm người tập hợp nhau dưới sự bảo vệ của quân lính Lư Hán và hô lên: "Bảo Đại muôn năm". Tổng bộ Việt Minh bèn quyết định đưa ông này đến một làng xa. Sau một tháng, chính Hồ Chí Minh bất ngờ đến thăm rất nhẹ nhàng và bao dung. Hôm ấy Bảo Đại làm yên lòng được Việt Minh; họ cho phép ông trở về Hà Nội. Ở đây Hồ Chí Minh và ông Giáp luôn bị đội quân Trung Hoa thô bạo đe dọa, đòi hỏi những khoản tiền, thậm chí họ cử ông đi thương lượng với Lư Hán. Ông lợi dụng lúc ấy điều đình với ông chúa chiến tranh đưa ông đi trên một chiếc máy bay Mỹ.   

Nhiều năm đã trôi qua. Khắp nơi người ta kể rằng Bảo Đại trở về Việt Nam chỉ vì đồng tiền của Pháp. Nhưng nếu ông là một người chỉ mua bằng tiền năm 1946 ông đã nhận lời chào mời của tướng Marshall, đại sứ đặc biệt của Hoa Kỳ bên cạnh Tưởng Giới Thạch. Ngay khi chạy trốn khỏi Hà Nội trên chiếc máy bay vừa hạ cánh ở Nam Kinh, viên tướng đã mời ông đến trụ sở của mình nói chuyện; đề nghị ông phục vụ ý đồ của Mỹ với số tiền công rất lớn. Người Mỹ có nói thêm "Ông đừng quá tham vọng. Việt Nam chỉ là một đất nước nhất thời. Dù sao xứ Bắc Kỳ là một tỉnh phía Nam của Trung Quốc, rồi phải trở về với Trung Quốc". Hoa Kỳ còn tin vào sức mạnh của Trung Hoa Quốc dân đảng, muốn thỏa mãn tất cả những tham vọng của Tưởng Giới Thạch! Họ muốn "mua" Bảo Đại để dễ dàng chia cắt đất nước ông! Về phần mình Hoàng đế trước mắt không có gì nhất là chẳng một hy vọng nào ở người Pháp đang cố gắng điều đình với Việt Minh. Thế nhưng ông trả lời với Marshall "Không" và chọn con đường sống lưu vong ở Hồng Kông, bị mọi người bỏ rơi trong cảnh khốn cùng.

Lời bào chữa này những người theo Bảo Đại nói với tôi nhiều lần. Đúng là Bảo Đại biết giữ đầu của mình; ông đã nhiều lần tỏ ra có khả năng ấy khi mạng sống bị đe dọa. Nhưng như vậy không có nghĩa khi bản thân không còn bị đe dọa, ông đã tỉnh ngộ và không mục ruỗng. Dù thế nào, có những bóng đen quá khứ chứng tỏ ông phụ thuộc vào một loại chủ nghĩa hư vô cơ bản, không có gì đáng làm. Tất cả những gì ông biết làm là phá hoại.

Ngay trước khi trở về Bảo Đại đã có giá rất đắt. Nếu năm 1946 ông từ chối đô-la Mỹ, chắc vì kiêu căng, người ta dành cho ông một vị trí quá nhỏ. Nhưng ông sẵn sàng lấy tiền của người Pháp. Những người này không vì lợi ích của họ sao?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #106 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2018, 08:17:06 am »


Hai tòng phạm của cao ủy Pháp

Để chơi "lá bài Bảo Đại", Pignon bố trí hai người, Faugère và Cousseau. Thường lệ người ta không thấy họ cùng nhau, họ làm việc riêng rẽ. Vai trò của họ không hoàn toàn giống nhau: Faugère chuẩn bị đất nước cho nhà vua, Cousseau khắc sâu vào trí óc Bảo Đại những bổn phận của ông ta.

Cứ chín giờ sáng, Faugère thong thả nhấm nháp một tách cà phê ở Pagode, phòng trà trên đường Catinat. Ông ngồi một mình trên bàn và với một ngón tay gần như bất động, ra hiệu cho tôi đến với ông. Đấy là một người lai, cứng nhắc và to lớn, một khối tư cách. Hầu hết người lai Âu Á chọn Châu Âu, nhưng Faugère chọn Châu Á, thậm chí theo phong cách cổ nhất. Mọi thái độ của ông là sự nghiêm trang quan lại. Ông nói theo những quy tắc cổ xưa của sự khôn ngoan, thong thả như mỗi chữ là một biểu tượng. Ông thừa nhận đạo Khổng tuy ai cũng biết, là Chánh mật thám Bắc Kỳ, trước đây ông đàn áp ghê gớm. Đúng là có ngày ông tâm sự với tôi tôn giáo cho phép tàn ác, thậm chí áp đặt để giữ vững những luật đạo đức. Faugère tin vào những quy tắc hàng nghìn năm của Châu Á và trật tự không xê dịch của xã hội.

Trong thế giới tuyền thống ấy Faugère biết mọi điều, biết rõ tất cả các trí thức, chức sắc, quan lại. Trí nhớ của ông tuyệt vời; đấy là tập tin sống của Pignon. Khi người ta nêu lên một cái tên Annam, bất kỳ tên nào trong nhiều nghìn, ông nhắm mắt lại như đang ngủ rồi bắt đầu kể lể vô tận những thông tin. Không bao giờ ông nhầm trong nhung nhúc những người, các phả hệ, bà con, những sự việc gay cấn; mỗi lời đều đúng và dứt khoát.

Trong mấy tuần lễ, Faugère bận cho thông báo với các ông búi tó áo dài Việt Nam, Bảo Đại sẽ trở về. Phải hoạt động, họ và gia đình, cho Hoàng đế của họ.

Đôi khi tôi hỏi Faugère:

- Ông nghĩ các ông già Việt Nam ấy thực tâm trong việc đòi hỏi Bảo Đại trở về?

- Họ thực tâm đấy. Một vấn đề sống còn đối với họ. Ông sẽ hiểu điều ấy nếu ông biết rõ làng xóm vùng châu thổ Bắc Kỳ. Không người Pháp nào biết. Tôi đã được nuôi dạy ở đấy, là đứa bé ở truồng ngồi trên lưng trâu. Đó là sức mạnh của tôi. Ở Bắc Kỳ giữa vùng đồng ruộng trống trải thường nổi lên một vệt cây xanh. Đấy là một làng giống như hàng nghìn làng khác. Nó được bảo vệ chống những kẻ làm hại từ bên ngoài bằng một bức tường thành, một hàng rào tre không đi qua được. Hàng bao nhiêu nghìn năm nay không có gì thay đổi. Mỗi làng là một cộng đồng. Lãnh đạo là những "hương chức" được bầu, bảo đảm sự tồn tại của mọi người theo quy tắc đạo đức và tôn trọng thứ bậc. Mỗi người tuân theo tổ tiên, người già, Trời mà Hoàng đế là người can thiệp giúp với thần thánh. Mọi khiếm khuyết đều bị trừng phạt nghiêm khắc vì nó xúc phạm thần linh. Hoàng đế là gốc, là con Trời mang lại nguyên tắc sống. Vì hàng năm ông vạch đường cày đầu tiên trong hoàng cung Huế để rồi mùa màng phát triển trong vương quốc. Hoàng đế được tôn kính đến mức người ta không dám nhìn vào ông. Ông sống trong cung điện cách ly; nếu ai nhìn vào ông sẽ bị xử tử. Rất họa hoằn vua mới ra khỏi cung điện, dân chúng quỳ, mặt úp xuống bụi đường nhưng được nắm trong tay một chiếc gương con để có thể thấy hình ảnh của vua và Trời của mình.

Khi tôi còn bé những phong tục ấy đã hơi lỏng lẻo. Nhưng Việt Minh đã nhấn chìm tất cả những cái đó. Hồ Chí Minh khi cử Bảo Đại làm cố vấn tối cao đã buộc một ông Trời từ bỏ sự linh thiêng của mình. Và do không có Trời tất cả đổ nhào. Trở thành người công dân Vĩnh Thụy, Bảo Đại không chỉ rời bỏ ngai vàng mà cả toàn dân tộc, trật tự linh thiêng, nền nếp hàng nghìn năm của Annam.

- Trong trường hợp đó bây giờ Bảo Đại có thể làm gì?

- Ông ta có thể làm nhiều. Bánh xe đã quay, ông đã thoát ra và Việt Minh đã quá xa. Trong hoạn nạn, dân chúng đồng ruộng nhớ đến Hoàng đế của mình.

Cũng như tôi, năm 1945 tôi tưởng đã mất hết. Những ngày đầu của Cách mạng đỏ, dân quê lo sợ bị Trời trừng phạt. Nhưng không có gì xảy ra và cán bộ chính trị nói: "Bà con thấy đấy, không có thần thánh gì mà chỉ là những ảo tưởng mà thôi". Trời đã mất mặt, những người tin tưởng bỏ rơi Trời. Những ngày lo sợ qua đi, một thời đại vui sướng nổ ra cuối cùng vượt khỏi ách truyền thống tai hại. Các xóm làng tiếp thu được tinh thần tự do; ảnh hưởng của thời đại mới thấm sâu vào lòng mọi người.

Nhưng Việt Minh không chỉ giải phóng con người khỏi gánh nặng của Annam. Họ bắt đầu cuộc đấu tranh giai cấp trong làng xóm. Hương chức, nhà giàu bị lên án; tầng lớp thấp nhất trong nhân dân là đao phủ của họ.

Nhiều người trong số người giàu có, hương chức sống sót nhưng thụ động, sợ hãi, chờ đợi. Họ ở trong làng với đồng ruộng, ẩn náu, không có cách nào thể hiện. Họ không làm gì vì không tin vào quân đội Pháp, bị cho là bất lực. Nhưng họ kiên trì chuẩn bị trả thù. Họ thiết tha theo Bảo Đại, tận tụy cho đến chết với ông nếu ông trở về lãnh đạo cuộc thập tự chinh, một cuộc thánh chiến bằng dao.

Nếu Bảo Đại nắm lấy những thành viên ấy của mình, những người giản dị và hơi kỳ cục, nhất là ở Annam Bắc Kỳ, ông ta còn có thể huy động quần chúng chống lại Việt Minh. Nhưng trước hết, ngay khi trở về ông phải tỏ ra quyết tâm chiến đấu. Nếu ngần ngừ ông sẽ mất hết, nếu muốn ông còn có thể.

- Nhưng Bảo Đại có muốn không?

Faugère đấm nắm tay xuống bàn nói:

- Cousseau và tôi, chúng tôi biết cách buộc ông phải muốn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #107 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2018, 08:17:51 am »


Cousseau, mưu sĩ khác của Pignon là người Tours chính gốc, da mềm, trắng, đôi mắt mơ màng và luôn vội vã. Ông đã hoàn toàn Á châu hóa. Nếu ông nói tiếng Việt sau một cánh cửa, những người da vàng không được báo trước lầm tưởng ông là người trong bọn họ. Ông có vẻ mặt thờ ơ hào hiệp phù hợp với một chúa tể chiến tranh, tiếp nhận được từ thời trẻ sau thế chiến 1914-1918 khi thương thuyết với các tướng và quân vô lại vùng biên giới Trung Hoa về mua bán thuốc phiện và vũ khí. Bây giờ với sức lực tuổi tác, người rất đẫy đà, ông là nhân viên những nhiệm vụ bí mật. Chính ông chỉ đạo những cuộc thương lượng mật. Là một người tính toán bẩm sinh tuy rất trung thực, ông có một nghị lực sắt, có khả năng làm tất cả.

Người Pháp vội vàng phái ông đến Hồng Kông gặp Bảo Đại năm 1947. Ông được lệnh dỗ dành nhanh chóng Hoàng đế; ông bỏ vào việc ấy hơn hai năm. Ông nói với tôi:

"Tôi đã nghĩ sẽ thành công ngay. Bảo Đại cần tiền đến thế! Đấy là một ông vua tầm thường bị hạ bệ, không một xu và chẳng hy vọng gì. Ông ta sống nửa nghèo khổ, phải tìm kiếm đô-la hàng ngày. Nhà băng Đông Dương giúp ông sinh sống với những đợt cho vay nhỏ và để ông làm một số đầu cơ.

Nhưng thực tế là một công việc nặng nề. Tôi đã tới với nhiều triệu nhưng không đủ. Chỉ việc tôi đến - tuy tôi đã cố giấu kín - Bảo Đại lấy lại một giá trị kinh khủng. Một triều đình hình thành xung quanh Hoàng đế, đủ loại người Việt chạy đến làm đầy tớ trung thành. Những mưu mô quốc tế bắt đầu.

Tôi phát hiện ra người Anh đặt trong phòng tôi ở khách sạn một máy ghi âm, loại hiện đại nhất.

Bảo Đại trở lại "cuộc sống xa hoa” và cứ để kéo dài. Tôi đến để nói với ông ta: “Ông phải nắm lấy hoặc không”. Chính ông từ đấy tống tiền tôi. Ông biết người ta càng gắn bó với ông, ông càng cần thiết. Ông nói điều ấy với tôi, giọng đều đều, vừa hút thuốc vừa phác một nụ cười. Tôi nổi giận, ông phớt tỉnh với những suy nghĩ đại loại: “Tại sao tôi không đòi những gì tôi có thể? Toàn bộ công trình của Pignon gắn liền với bản thân tôi”.

Bảo Đại không chỉ tăng thêm những đòi hỏi về tài chính. Ông còn đặt những điều kiện chính trị. Nhiều tháng trôi. Tôi như con thoi giữa Hồng Kông và Sài Gòn đi xin chỉ thị, trở lại với những đề nghị mới, và với tiền, nhiều tiền. Không có kết thúc. Bảo Đại có một sức ỳ đáng sợ. Người ta luôn bảo tôi: “Hoàng đế đang chạy theo cái cô gái. Ngày mai, ngày kia mời ông trở lại.” Tuy vậy khi đã đến bước đường cùng Bảo Đại chấp nhận một số điểm. Nhưng lúc sắp ký thoả thuận ông ta đặt lại vấn đề.

Đã đến lúc khủng hoảng. Ngô Đình Diệm khô khan, một quan lại lớn của Annam vừa Thiên Chúa giáo vừa Khổng giáo đến làm trợ lý cho Bảo Đại. Ông này không khoan dung như những người Việt Nam khác mà là một người xét nét, quyền uy. Ông nhắc nhở Bảo Đại về nhiệm vụ. Ở Hồng Kông ông như một chỉ huy. Bảo Đại ghét nhưng sợ ông, hứa hẹn lần này sẽ theo lời khuyên của ông.

Tôi rất lo lắng. Ông Diệm này chống người Pháp sâu sắc. Mỗi buổi sáng ông đến lãnh sự quán Hoa Kỳ. Người Mỹ đang hăng hái “chống thực dân”, nói với ông ngăn cản Hoàng đế trở về nước. Diệm quở trách Bảo Đại: “Ngài đừng chấp nhận những đề nghị của họ. Ngài sẽ vĩnh viễn bị mất danh dự. Ngài chỉ trở về khi có được nền độc lập thật sự. Không nên làm đầy tớ cho một nền độc lập giả tạo”.

Đã đến lúc rõ sự thật. Tôi nói với Bảo Đại: “Bây giờ ông phải tỏ rõ ông ở về phía nước Pháp hay chống lại”. Tôi đưa cho ông một tối hậu thư. Bảo Đại xiêu lòng. Ông không tín nhiệm Diệm - cuộc gặp mặt cuối cùng giữa hai người thật ghê gớm - rồi ông đi Paris thực hiện “những cam kết” với nước Pháp. Cuối cùng tôi cũng thành công. Tôi đã đưa ông tới chỗ cam kết. Bây giờ ông sẽ “trở về” Việt Nam thực sự của mình.”

- Nhưng ông có chắc Bảo Đại giữ vững những cam kết không?

- Tôi chẳng biết. Nhưng tôi không vất vả ở Hồng Kông để ông ta làm bậy ở đây. Tôi đã biết bắt buộc ông ta. Nếu cần tôi sẽ làm nữa.

Như vậy là đôi Faugère - Cousseau đã sẵn sàng. Hai “khỉ đột” chính trị của ông Pignon đã dự kiến tất cả chuẩn bị hết để buộc Hoàng đế dễ bảo, dù vui lòng hay không. Nhưng người ta nói Bảo Đại cũng đầy căm hận. Ông sẽ trở về với những điều kiện không được hài lòng. Thậm chí ông tuyên bố: “Tôi sẽ bắt người Pháp trả giá đắt”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #108 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2018, 08:33:40 am »


Bảo Đại trở về nước

Đầu năm 1949 những người của Phái đoàn dân sự gia tăng hoạt động, phải giải quyết mọi việc, đến từng chi tiết, để Hoàng đế người ta chờ đợi không có lý do rút lui, không lùi hơn nữa cuộc trở về. Đây là một cuộc chạy đua với thời gian, một cuộc chiến, một hành động mãnh liệt, ép buộc.

Cousseau, những phái viên khác cũng vậy, quấy rối Bảo Đại ở Cannes, trong các sòng bạc, khắp những nơi ông tới. Trong thời gian đó ở Sài Gòn, Pignon, Bonfils và những cộng sự càng kéo dài giờ làm việc; xanh xao và kiệt sức, họ thảo ra, bỏ đi, sữa chữa, thay đổi các văn bản vô tâm. Bảo Đại chỉ muốn trở về khi thống nhất và độc lập đã viết rõ trên giấy. Đối với ông chỉ mấy chữ cũng đủ, mấy chữ hoàn toàn nhận biết được. Nhưng đối với người Pháp phải hàng nghìn trang quy định, phòng ngừa, giảm nhẹ.

Ngay từ đầu là sự không thống nhất, về khái niệm độc lập. Những người Việt Nam muốn rõ ràng, thực chất, nhưng họ buộc phải chấp nhận bao bọc bởi hàng chục, hàng trăm quy định. Họ nói đây là một cái hộp rỗng người ta cho chúng tôi; bên trong chiếc hộp chẳng có gì cả.

Dù sao cũng có nguyên tắc của nền độc lập. Vì vậy dựa vào sự linh động, những người đàm phán của Bảo Đại và Sài Gòn đành phải chấp nhận những trở ngại người Pháp đặt ra: họ nghĩ sẽ nhanh chóng xóa bỏ sau đó. Một người trong bọn họ tâm sự với tôi: “Nếu người Pháp thông minh hơn, họ không ép buộc chúng tôi nhận những gì chúng tôi không muốn. Vì như vậy sẽ không giữ được. Trong thế giới hiện đại, không có gì mong manh hơn những “cam kết” bó buộc. Khôn ngoan là nên hỏi chúng tôi sẵn lòng cho lại những gì.”

Cuộc chiến từ ngữ kéo dài nhiều tuần. Việc biên tập văn bản - người Pháp và Việt Nam tập hợp lại - dài, chậm và gai góc. Hầu như ở mỗi đoạn đều có sự tách biệt xem ra không bỏ đi được. Dù sao cũng phải kết thúc, nhờ vào ngôn từ lạ lùng về pháp lý - chính trị cho phép che giấu đi mọi lời mâu thuẫn nhau.

Kết quả dù sao cũng là “chiến thắng” trước mắt của Pignon. Vả lại ông không chỉ thắng lợi ở Sài Gòn mà cả ở Pnôm Pênh và Viên Chăn. Ông không chỉ hài lòng về “Bảo Đại hóa” Việt Nam mà lợi dụng cơ hội để xây dựng lại thực thể Đông Dương theo một kiến trúc mới. Tất cả những cái đó giữ vững, bổ sung, chống đỡ nhau. Một nhà báo Annam ở Sài Gòn viết: “Người Pháp lẫn vào bao nhiêu tầng pháp lý như một ngôi chùa Châu Á có bấy nhiêu mái.” Thực tế người ta dựa vào ba “mức độ phòng ngừa” chính - những thỏa thuận hai bên với Việt Nam, Căm-bốt, Lào và thỏa thuận bốn bên với Liên hiệp Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #109 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2018, 08:36:28 am »


Về cơ bản, nước Pháp ký quy ước tay đôi với mỗi trong ba nước Đông Dương. Những văn bản giống nhau, không thay đổi; chỉ tiêu đề và chữ ký khác nhau. Trong thực tiễn, chế độ dự kiến cho Việt Nam của Bảo Đại được mở ra với Căm-bôt của Sihanouk và Lào của Si Savang Vông.

Cụ thể đấy là “chế độ quy phục” - cho dù từ ấy không được nói ra. Trung Quốc láng giềng - còn là của Tưởng Giới Thạch - vừa bãi bỏ nó sau một thế kỷ đấu tranh quyết liệt chống cái họ gọi là những “hiệp ước bất bình đẳng”. Điều đó không cản trở người ta áp đặt nó ở Việt Nam, Căm-bôt và Lào trong lúc cho họ độc lập.

Trong mỗi nước này người ta tổ chức việc xét xử hỗn hợp cả một hệ thống toà án đặc biệt. Một nửa thẩm phán người da trắng, chỉ một nửa người Da vàng. Đấy là để xét xử công bằng người Pháp và cả người Trung Hoa: Người ta giữ một Sở mật thám đặc biệt của Pháp bên cạnh sở cảnh sát quốc gia chuyển cho Nhà nước độc lập. Người ta nắm sở Hối đoái khống chế hoàn toàn đời sống kinh tế, nắm toàn bộ việc chỉ huy quân sự, Đội quân viễn chinh cùng những hội đồng chiến tranh và việc trưng tập, trưng dụng, để lại một bộ phận cho Nhà nước. Quyền đại diện quốc tế bị hạn chế; ngay cả Việt Nam cũng chỉ có ba phái đoàn ngoại giao trên thế giới và phải hoạt động “nhịp nhàng” với đoàn ngoại giao Pháp. Sự câu nệ pháp lý đi xa đến mức nước Pháp và Việt Nam giữ một quy ước toàn phần ở Viện Hải dương học Nha Trang - một cơ sở chỉ khoảng vài chục hộc cá.

Như vậy là mỗi quốc gia “phối hợp” riêng rẽ với Pháp trong sự cần thiết về công việc của mình. Điều đó không đủ, trong một số lĩnh vực Pignon cũng muốn gắn kết ba quốc gia thành một khối với chính quốc trong tổ chức “bốn bên”.

Vấn đề là cứu vớt quan niệm về xứ Đông Dương, do chính nước Pháp tạo ra trong việc chinh phục, bố trí cùng nhau trên bản đồ với màu hồng thuộc địa của mình, ba vương quốc khinh ghét nhau: Việt Nam lúc ấy gọi là Annam, Căm-bôt và Lào. Đây là một sự đồng hóa quá đáng trái tự nhiên, dùng sức mạnh tập hợp các dân tộc đối nghịch nhau về nòi giống cũng như về tôn giáo và văn hóa - Việt Nam từ truyền thống Trung Hoa, Căm-bốt và Lào từ vũ trụ Hindou. Tuy vậy xứ Đông Dương thuộc Pháp do hệ thống các toàn quyền lãnh đạo, đã có một thành công đáng kể, ít nhất về những giá trị và về khai thác kinh tế. Thậm chí đây là “thuộc địa kiểu mẫu”.

Nhưng đến năm 1948 khi sự thống trị của Pháp chính thức biến mất, xứ Đông Dương tan vỡ. Mỗi nước thành viên chỉ nghĩ đến chia tay, trở lại một quốc gia riêng rẽ, toàn vẹn với nền tự chủ của mình. Phái đoàn dân sự không muốn việc tách rời hoàn toàn ấy. Một hôm người phó của Pignon thống thiết chỉ cho tôi trên bản đồ khối Đông Dương vừa nói: “Nếu khối hợp nhất này tự tách ra, sẽ là thụt lùi đến hai thế kỷ, sự kết thúc công trình của chúng tôi, cảnh lộn xộn. Đây là một thân thể sống được tưới bằng những luồng hàng hóa và tiền bạc chúng tôi tạo ra. Lúa gạo Nam Kỳ đưa cứu trợ Bắc Kỳ. Những trợ cấp của Ngân khố chung cho phép nước Lào quá nghèo tồn tại. Đồng bạc Nhà băng Đông Dương điều hòa guồng máy tuyệt vời này. Về mặt chính trị chúng tôi buộc phải chấp nhận sự chia cắt. Nhưng về kinh tế dù hoàn cảnh nào chúng tôi cũng phải giữ vững sự thống nhất. Trong nội bộ Đông Dương không nên có nhiều đồng tiền quốc gia, những hàng rào thuế quan, đủ loại tấm ngăn cản trở sự đi lại tự do của người, vốn và sản phẩm. Nước Pháp sẽ hợp nhất với Annam, Căm-bôt và Lào để bảo vệ một sự thịnh vượng chung.”
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM