Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:20:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84913 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2017, 02:14:43 pm »


Sài Gòn đã đặt ra nguyên tắc “sử dụng đồng bạc”. Đấy là một hoạt động yêu nước: Kết quả là phát triển nền công nghiệp Pháp, tạo việc làm cho công nhân chính quốc, đưa các khoản thuế vào quỹ quốc gia. Từ định đề ấy, tất cả đều được phép làm giàu - với điều kiện tuân thủ những thoả thuận với bên ngoài.

Đấy là tính của việc đổ xô theo vàng với những cách khôn khéo đạo đức giả. Tất cả đều được tha thứ trừ thái độ vô sỉ ý thức được việc mình làm nhất là nói ra việc đó. Một số người tốt đã dại dột thực sự có lòng trung thực.

Đó là trường hợp một dược sĩ già mà cửa hàng không được rộn rịp. Một hôm có người thô lỗ nói với ông: “Việt Minh biết ông nghiêm túc và có lương tâm nghề nghiệp, thích mua nhiều ở cửa hàng ông”. Ông không muốn công nhận, người ta nêu chứng cứ. Cuối cùng con người trung thực này kêu lên: “Tôi không bao giờ nghĩ thế. Nhưng làm sao được? Khách hàng đến với đơn thuốc hợp lệ, tôi phải phục vụ họ. Họ không mang trên mặt dấu hiệu cộng sản. Chính cảnh sát phải biết và báo trước với tôi. Ai làm nghề nấy”. Bình tâm về lập luận ấy người kia tiếp tục cung cấp nhiều theo yêu cầu và để tránh lúng túng anh ta không bao giờ hỏi nữa, thậm chí không hỏi thăm sức khỏe.

Ở Sài Gòn, những người thực sự phong lưu - đồng thời là những người “tranh thủ” được nhiều nhất - không rêu rao về tài sản của họ. Phơi bày hết những đồng bạc thu nhặt được cũng chẳng hay. Nguồn lợi lớn chảy trong một không khí tư sản đoan trang, ngăn nắp, thậm chí tiết kiệm. Thành phố thịnh vượng nhất thế giới nhìn bề ngoài bình thường. Không có sự xa hoa hối hả, những thú vui kỳ lạ, vừa đúng sự cần thiết. Sự khiêm tốn này rõ nhất ở những người Pháp. Vì khi một chiếc xe lớn chất đầy đường, người ta có thể chắc chắn là của một bộ trưởng Việt Nam. Khi một bà lấp lánh những viên kim cương đẹp, chỉ có thể đấy là vợ một vị cao cấp da vàng.

Sự hòa hợp ấy của Đông Dương không chỉ do quân đội, nhà băng, Sở Thuế quan; nó bao gồm cả mọi người Việt Nam trực tiếp hoặc gián tiếp được người Pháp trả tiền ở nông thôn, đấy là tất cả ngụy binh và giáo phái. Ở thành phố là mọi tư sản hợp tác hoặc chờ thời.

Vị trí tốt nhất là những người của Chính phủ - thủ tướng, các bộ trưởng, viên chức cao cấp, viên chức thường. Họ chỉ có quyền lực trong các thành phố lớn. Quỹ quốc gia không có, được thay thế bằng một cuốn sổ tay nhỏ thủ tướng giữ trong túi áo. Việc nhận hối lộ rất phổ biến. Những bộ trưởng được coi trọng nhất là những vị có nhiều quỹ đen. Thông thường thủ tướng có dự trữ nhiều nên ông cũng là bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Kinh tế quốc gia và Bộ Chiến tranh. Phải trả tiền để được bổ nhiệm vào một vị trí. Giá cả định theo số tiền được cung cấp của từng vị trí, mỗi người trong bọn họ đáng giá theo đó; biểu giá của họ được xác định theo lợi lộc, những gì họ thu lại sau đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2017, 02:15:14 pm »


Tất cả đổ vào những tiệc rượu, điện tín, lời chúc mừng, diễn văn phô trương và duyệt binh. Không có đảng phái chính trị, nghị viện, bầu cử, trách nhiệm của các bộ, dư luận quần chúng. Không ai quan tâm đến nhân dân. Tất cả những gì tồn tại là các “nhân vật quan trọng”.

Đấy là những tư sản lớn béo tốt, khoan thai, giàu sụ lên nhờ khai thác những vùng đất bao la và hàng nghìn dân quê. Bị Việt Minh tịch thu hết ruộng đất, họ gỡ lại ở Sài Gòn bằng làm chính trị và mở các xí nghiệp phụ.

Việc thay đổi nghề nghiệp ấy tiến hành hai giai đoạn. Trước hết họ nhớ lại chính người Pháp thưởng công cho tổ tiên họ - những người hợp tác thời kỳ ấy - vô số héc-ta đất ruộng. Nhưng khi người Pháp tung ra nền độc lập, lớp tư sản Nam Kỳ hiểu đây là việc bù lại nguồn lợi lớn mới vô hy vọng đối với họ. Họ bám vào đấy và mau chóng nhận ra phải mở rộng nó để thực sự có lợi, được tự do hoạt động. Là những con người rơm, họ biến mình thành những nhà quốc gia giấu mặt, khao khát quyền lực, thu nhập, ngày càng thích làm tay đòn chỉ huy. Hiện tại cũng như quá khứ, tất cả phụ thuộc vào người Pháp, họ bắt đầu chua cay than phiền không ngừng tính mưu kế để rút được nhiều hơn.

Quan chức Chính phủ để thì giờ tạo những sự cân bằng phức tạp, đấy là mối bận tâm duy nhất của họ. Bao nhiêu trò nhào lộn! Không hề có một bộ trưởng hay viên chức cao cấp nào không có đường dây riêng với Việt Minh. Trước hết vì khôn ngoan, mỗi vị đều biết chỉ cần một “ám sát viên” do Nguyễn Bình cử tới là đủ chấm dứt cuộc đời. Thế là có một sự bảo đảm an toàn, còn hơn cả tính toán. Mỗi bộ trưởng tự nhủ: “Mình sẽ có quyền lực gì nếu người Pháp không nhượng bộ để cứu vãn tình thế? Họ chỉ nhượng bộ khi bị sức ép của Việt Nam. Vậy Việt Minh vẫn nên đủ mạnh để người Pháp nhượng bộ nữa. Tuy nhiên họ không trở nên quá mạnh vì họ sẽ thanh toán không chỉ người Pháp mà cả chính phủ mình, bản thân và toàn bộ hệ thống của mình.”

Cuối cùng chẳng bao giờ rút ra được gì cho người Pháp hay chống người Pháp. Đấy là bùn (sau này de Lattre dùng một từ mạnh hơn nhiều). Lý tưởng duy nhất của họ là đứng giữa sự cân bằng người Pháp và Việt Minh và nhất là kiếm được nhiều đồng bạc trị giá mười bảy phrăng. Thực vậy, họ cứ kéo dài, làm giàu, nghĩ mình rất “mạnh”. Tôi nghe một viên chức cao cấp nói: “Chúng tôi láu lỉnh lắm, ông thấy đấy, chúng tôi giật dây”.

Chẳng có ích gì khi cảnh báo người Việt Nam, có lẽ một ngày nào đó nước Pháp sẽ chán nước Việt Nam của họ! Họ nhún vai trả lời: “Đất nước chúng tôi rất đẹp, rất giàu. Nước Pháp sẽ không bao giờ tự nhả xứ Đông Dương ra đâu. Vì vậy chúng tôi tự gây phiền phức cho mình làm gì?”

Năm 1948 không còn giải pháp chính trị trong chiến tranh hoặc trong kinh doanh. Đấy là ngõ cụt; thực tế cả Việt Minh cũng tham gia vào việc liên minh với đồng bạc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2017, 02:50:54 pm »


Con sâu trong quả ngọt

Một cựu binh trong lữ đoàn 2.DB đến Đông Dương với lữ đoàn mình. Trước kia ông là một anh hùng mảnh dẻ và nóng tính, đã trở nên to lớn, béo phệ, cả một khối ngăm đen, người miền Bắc nước Pháp, luôn luôn suy sụp. Ông là một trong số chiến binh chuyển sang dân sự đã thành đạt vững vàng. Ông xây dựng được một tài sản chắc chắn vất vả bằng đầu cơ, buôn lậu. Tất cả đối với ông có vẻ là “chuyện tầm phào” trừ những triệu đồng bạc và những thú vui. Đảo đôi mắt lồi, trong nội bộ ông dám tuyên bố niềm xác tín của mình như thế này:

- Mọi người đều buôn bán với kẻ địch. Làm sao khác được vì người ta sống với Việt Minh? Người ta ăn, người ta ngủ với họ. Nhà bếp của anh, các cô gái của anh chắc là Việt Minh cả - điều đó không ngăn cản họ nấu nướng cho anh, làm tình với anh. Trong việc buôn bán sự có mặt của họ càng chắc chắn hơn. Nếu nhìn sâu vào bất cứ vụ nào người ta cũng sẽ trông thấy họ. Người ta tránh biết đến điều đó và người ta đúng vì sự thật làm cho tất cả thành không thể. Thực tế mọi người Pháp đều đồng loã với việc cùng tồn tại bí mật và được chấp nhận ấy để đi săn đồng bạc.

Trước kia tôi ngây thơ tự chuốc lấy thương tích cho việc không đâu. Bây giờ tôi trở nên khôn ngoan. Mỗi ngày tôi phản bội một ít nhưng hòa thuận với mọi người. Và rồi tôi bất kể. Ở Đông Dương phải chọn lựa: hoặc tan xác hoặc tranh thủ. Tôi đã hiểu đúng lúc. Thay vì chiếc quan tài tôi có một tài khoản ở nhà băng.

Hơn ai hết tôi có thể nói Việt Minh len lỏi trong tất cả nền kinh tế Pháp ở Đông Dương như một con sâu trong quả ngọt.

Thực ra tất cả thật đơn giản. Thời kỳ ấy Việt Minh rất quan tâm đến những tỷ bạc của Đội quân viễn chinh, đến dòng chảy đều đặn của nó. Họ cũng ở trong hệ thống của đồng bạc trị giá mười bảy phrăng. Không thế thì họ làm sao chi phí cho cuộc chiến tranh? Họ đã cố gắng vô vọng tạo ra một đồng bạc nhân dân đối kháng lại đồng bạc thực dân do nhà băng Đông Dương phát hành. Nhưng “đồng bạc Cụ Hồ” không ngừng sụt giá và hầu như chẳng còn giá trị.

Vậy là Việt Minh móc nối với nền tư bản tam tài. Cách làm của họ tinh tế một cách thiên tài; họ trích các khoản thuế của thương gia và rồi mua những sản phẩm cần thiết trên thương trường.

Nhân viên thu thuế là ông mặc complê, đi đi lại lại với chiếc cặp da trong tay, có vẻ là viên chức nhà nước. Việc làm rất đều đặn. Mỗi chủ gia đình được báo số thuế phải nộp - ít nhất cũng cao bằng thuế của Chính phủ. Khi nộp tiền người ta đưa cho một tờ biên lai của Chính phủ Cộng hòa Đỏ.

Chỉ riêng ở Sài Gòn số tiền thu được lên đến những triệu đồng mỗi tháng. Tất cả những người Việt Nam và Trung Hoa đều nộp thuế, một số người Pháp cũng vậy. Ai dám từ chối? Tờ giấy cảnh cáo được gài lại; sau đó là cái chết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2017, 02:52:00 pm »


Việc mua hàng cũng kín đáo như khi góp tiền. Việt Minh không bao giờ mua gì nhân danh mình, họ không ra mặt. Lẽ dĩ nhiên các nhà hàng Pháp không cung cấp cho Việt Minh. Nhưng có biết bao nhiêu trung gian! Chính bộ phận người Trung Hoa trong các hãng bán cho ông “tỷ phú” không nghi ngờ gì được hoặc ông bộ trưởng nào đó, ông này bán lại cho một thương gia không kém đáng kính nào đó, ông này lại bán cho một nhà buôn rất đúng đắn, và sau hàng chục những người da vàng, hàng hóa đi thẳng vào các nhà kho Việt Minh.

Chính từ các nhà tư bản Sài Gòn và Hà Nội, mà các đơn vị của Nguyễn Bình và ông Giáp có được những vật dụng cần thiết cho cuộc chiến tranh nhân dân của họ - vải, kháng sinh, và những loại thuốc khác, dụng cụ, máy phát điện, đài. Việt Minh ở Đồng Tháp Mười chỉ cần mấy tiếng đồng hồ để có một đồ vật phức tạp nhất ở đường Catinat - mà quân đội Pháp phải nhiều tuần mới có được vì những quy định!

Mỗi lần Đội quân viễn chinh bắt được một vật liệu có giá trị, vật liệu ấy của Pháp, mua ở Sài Gòn. Bao nhiêu lần họ tìm thấy máy tiện, máy dập rất mới, những hóa đơn của các hãng nhập khẩu có tiếng! Dĩ nhiên các hãng ấy vô tội, chưa bao giờ có khách hàng là đại uý hoặc chính uỷ một chi đội nào đó nhưng là “người Trung Hoa” ở thị trấn gần đấy.

Đôi khi những vụ mua bán đặc biệt cho phép Phòng Nhì Pháp có những xác minh quan trọng. Họ dự kiến một cuộc tấn công của Nguyễn Bình vì giá sữa hộp trong các thành phố tăng lên rất nhanh. Sau khi điều tra người ta phát hiện ra chính Việt Minh đã vét hết các kho dự trữ và biết Việt Minh có thói quen phân phối sữa cho quân lính giúp họ thêm can đảm.

Tuy vậy Kháng chiến không hạn chế trong việc thu thuế để chi tiêu. Họ luồn vào những vòng xoáy phức tạp của chủ nghĩa tư bản do những nhân viên tài chính được cử làm phát triển những nguồn vốn của họ. Không ai biết những nhân vật này - người ta thì thầm tên của họ nhưng không có chứng cứ.

Trong cuộc chiến tranh Đông Dương chỗ này có một mảng bóng tối và bí mật. Không có gì chắc chắn nhưng rất nhiều điều dễ đoán, thậm chí rõ ràng! Người ta ở những chỗ sâu kín mà trong thương trường lẫn lộn những mục đích chính trị, những tính toán về công việc đặc biệt, những chỉ thị từ Paris tới - đấy là rắc rối không gỡ được của quyền lợi quốc gia và của tất cả những đồi trụy.

Có vẻ như người ta để Việt Minh sử dụng Sài Gòn - những nhà băng, những vòng xoay xuất nhập khẩu - để thực hiện việc buôn bán quốc tế. Vì họ có những sản phẩm bán ra nước ngoài; có gạo, muối, thuốc phiện, nhất là cao su. Và mọi cái đó một phần được những người Pháp tiêu thụ, có hoặc không ý thức.

Trong những việc buôn bán mờ ám ấy, mờ ám nhất là cao su. Người ta đã biết Việt Minh có những diện tích quan trọng về cao su - họ tự khai thác những đồn điền nhỏ và nhất là năm 1945 họ nắm hết việc sản xuất. Một hôm người ta biết được những khối dự trữ của quân đỏ được bán nửa công khai ở Sài Gòn và được các hãng tại chỗ xuất sang Singapore và thị trường thế giới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2017, 02:53:14 pm »


Việt Minh chắc chắn xâm nhập cả vào nền tài chính chung; họ bỏ vốn vào một phần lớn hoạt động mua bán đồng bạc Đông Dương. Mỗi vòng xoay - lần đi, về qua nước Pháp - tăng gấp đôi số tiền bỏ ra; và nhờ tiền lãi, Nguyễn Bình có vàng và ngoại tệ cần thiết để đặt vũ khí ở Manila và Bangkok ở những người bán hàng Hoa Kỳ dôi ra. Thời kỳ ấy Châu Á đầy máy móc giết người nhãn hiệu USA giá không đáng bao nhiêu, bán ra mua lại một lần, mười lần và cuối cùng tới Đồng Tháp Mười.

Phần của Việt Minh trong khối lượng buôn lậu này có đến hàng chục tỷ hay bao nhiêu? Không thể xác định được. Vì những người có tiền không chính chủ. Người ta bao giờ cũng chỉ biết những người da vàng “cấp dưới”, những viên thư ký được lệnh tự xưng là chủ. Nhưng phía sau họ có hàng loạt những người khác càng không biết rõ, vô danh, lẩn khuất dưới những tên họ giả và lý lịch thay đổi. Hơn nữa không có gì được hạch toán rõ ràng; bàn tính của Châu Á dưới những ngón tay thành thạo không để lại dấu vết gì. Cuối cùng tiền bạc thường đưa vào những nhà băng “Trung Hoa”, bề ngoài có vẻ là những cơ quan nhỏ, bẩn thỉu nhưng mạnh hơn những lâu đài Âu Châu của Bò Vàng đầy máy tính. Tất cả quyền lực ấy đến bí mật, hầu như không ghi chép gì và những gì được vào sổ sách là giả mạo.

Trong hoạt động phức tạp ấy, mỗi "phi vụ" gắn vào một dây xích khó gỡ về bù đắp, mua và bán, những "cú" nâng hoặc hạ giá, những thu gom, thủ đoạn, đổi tiền. Mệnh lệnh được đưa tới mọi chỗ trên thế giới bằng mật mã hay quy ước. Trong mỗi hoạt động có buôn bán hợp pháp, không hợp pháp, buôn bán, buôn lậu, đủ loại xảo thuật về đổi chác, vận chuyển hàng hóa thực hoặc ảo - không kể đến việc do thám, nhận hối lộ, chém giết. Một chuyến xuất cảng tôm khô có thể kết thúc bằng việc bốc dõ ở bờ biển Đông Dương những hòm súng đại liên - sau bao nhiêu giao dịch trung gian người ta không rõ.

Mối rối rắm về tiền bạc ấy không phải tất cả cho Việt Minh, còn lâu, nhưng tất cả ít nhiều đều có lợi cho họ. Những khoản vốn lớn của Trung Hoa, cả của những thực dân đều lẫn lộn với vốn của họ. Hơn nữa một số người Pháp bằng xương bằng thịt, để rút một số giấy phép của chính quyền trình bày với cấp thẩm quyền phần bình thường, hợp pháp của từng phi vụ và che đậy, mọi phần còn lại. Bản thân những người này không biết sự đồng lõa của mình đi đến đâu, chỉ biết điều cần thiết tối thiểu. Điều chủ yếu mù mịt trong bí ẩn bao la của Châu Á. Nhưng như vậy cuộc chiến tranh có thể tiếp tục.

Dưới sắc thái Sài Gòn tô vẽ lòe loẹt theo lối Phương Tây, những lợi ích móc nối vào nhau như dây leo trong rừng rậm. Việt và Pháp không có nhau, không cùng tồn tại thì không sinh sống được. Họ phải tiếp tục con đường đi của họ với nhau. Thế mà mục đích cuối cùng của họ là tiêu diệt nhau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2017, 02:54:47 pm »


Chủ nghĩa tư bản cần thiết cho Việt Minh đến nỗi họ chú ý không nhấn chìm nó. Vì họ có thể dễ dàng đánh những cú nặng hơn nhiều! Ai cấm họ đốt cháy tất cả những xe lớn trên đường, hạ người Pháp nhiều hơn trong Sài Gòn, đặt khắp nơi mìn hoặc thuốc nổ? Họ dễ dàng làm tê liệt cuộc sống kinh tế nhưng họ không làm. Thậm chí họ phê bình "giải pháp không đúng" về phá huỷ nói chung.

Một ví dụ: Năm 1945, trong tình trạng lộn xộn bước đầu có những toán Việt ào vào các đồn điền, những xí nghiệp khổng lồ của rừng rậm, thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Họ đốt cháy hoặc chặt phá cao su. Mấy tuần lễ sau có lệnh cấm nghiêm ngặt: Không được huỷ hoại gì nữa, nếu còn xảy ra sẽ bị phạt nặng.

Họ đặt ra việc bảo vệ những tài sản to lớn ấy sớm hay muộn, sau chiến thắng tài sản ấy sẽ thuộc về nền Cộng hòa nhân dân Việt Nam. Trong lúc chờ đợi, đấy là nguồn tài trợ, theo nguyên tắc chung mọi hoạt động của người Pháp phải mang lại lợi ích cho Việt Minh, ít ra là gián tiếp. Cho rằng các chủ đồn điền, các giám đốc, nhân viên của họ không bỏ tiền ra nhưng lương, thực phẩm hàng tháng trả cho công nhân cũng là những khoản trợ cấp dễ chịu.

Việt Minh rút bạc từ các đồn điền bằng mọi cách. Thay vì tiến hành chiến tranh như thường lệ, họ gây sức ép liên tục bằng sự khủng bố có mức độ - không nhẹ hay nặng quá; Để làm hài lòng hoặc tác động công nhân, thỉnh thoảng họ ám sát một trợ lý người Âu; nói chung đấy là một người khắt khe mà nhân viên da vàng kêu ca. Theo cách ấy trong cuộc chiến tranh Đông Dương, các đồn điền nói chung lãi to, Việt Minh cũng tranh thủ được nhưng khoảng dăm chục nhà sản xuất trẻ bị giết.

Ngay tại Sài Gòn, một Việt Minh giải thích cho tôi "con đường hợp tác" (thực ra thậm chí trên đường Catinat người ta thấy nhiều Việt Minh tự do nhưng công khai không phải Việt Minh). Người ấy nói với tôi:

- Mục đích của chúng tôi là giết binh lính các ông và giáo dục nhân dân chúng tôi; Hiện tại chúng tôi chưa đụng tới chủ nghĩa tư bản; không có nó, chúng tôi không thể trang bị quân đội chúng tôi và nuôi sống dân chúng. Thậm chí sự nghèo khổ có thể làm dân chúng chống lại chúng tôi.

Chúng tôi còn cần đến chế độ thực dân Pháp. Chúng tôi không ngăn cản đồng bào tranh thủ nó với điều kiện tuân theo chúng tôi nghiêm ngặt. Mối nguy duy nhất của chế độ tư bản là sự tha hóa. Chúng tôi dè chừng điều này. Chúng tôi chấp nhận rất nhiều việc với điều kiện về cơ bản dân chúng thuộc về chúng tôi. Bọn phản động không phải là những người Việt Nam hợp tác với người Pháp mà là những kẻ chúng tôi không tin tưởng được nữa. Chúng tôi thanh toán họ. Chúng tôi cũng có những hành động hỗ trợ - hoạt động bảo vệ để quần chúng biết rõ mặc dù cuộc sống Sài Gòn có những biểu hiện tư bản, chúng tôi vẫn là những người chủ thực sự.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #86 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2017, 02:55:32 pm »


Điều lạ lùng là các quan chức Pháp chưa quy định chặt chẽ cuộc "chiến tranh kinh tế” này - việc hợp tác - rất có ích cho kẻ địch. Giải pháp hiển nhiên là hạn chế nhập khẩu những sản phẩm đặc biệt quý đối với Việt Minh. Điều đó thậm chí không được làm thử. Vì sẽ trái không chỉ với lợi ích thương mại mà còn với lý luận chính thức của công cuộc bình định về sự phồn vinh.

Cũng như người Việt, người Pháp có một lập luận về "sự hợp tác". Ít ra thì lập luận ấy được một viên chức cấp cao rất trẻ trình bày với tôi. Đấy là một chuyên viên kỹ thuật; thông minh đến khô khan, tự kiêu đến hoàn toàn trung thực. Ông ta nói:

- Ông đừng tưởng tôi mù. Tôi biết hết những gì xảy ra nhưng tôi dụng ý để cho làm vì tôi nghĩ đấy là lợi ích của nước Pháp. Trong thế giới hiện nay quan niệm đơn giản về buôn bán với kẻ địch đã qua rồi vì tất cả đều trụ vững và phải biết sử dụng hết. Tôi trước hết vì hoạt động kinh tế do đó vì mọi sự giao dịch, buôn bán, thoả hiệp, vì những gì lúc nhúc trên đồng bạc trị giá mười bảy phrăng.

Tôi phải có sự suy xét thực tiễn, có lợi, đó là điều không được lơ là. Chủ nghĩa thực dân đã chết nhưng vẫn còn những cuộc chiến tranh thực dân; trước kia người ta làm để chinh phục, bây giờ là để bao trùm lên sự rời bỏ chinh phục. Điều đó ít quan trọng; đấy luôn luôn là những phi vụ tuyệt vời.

Cuộc chiến tranh Đông Dương trước hết là một quả bóng dưỡng khí cho nền kinh tế Pháp vốn vực dậy rất khó khăn đang cần những yếu tố kích thích. Mà có liều thuốc nào hơn cuộc viễn chinh cách mười hai nghìn cây số, ở đó tuy cách xa mọi việc đều làm theo quỹ đạo Pháp, ở đó thậm chí những đối thủ của chúng ta cũng là khách hàng? Nhà nước phải chi mỗi ngày một tỷ nhưng nó đem lại nhiều hơn vô cùng cho người Pháp, không riêng cho những người ở đây mà còn nhiều hơn cho những người bên chính quốc. Thậm chí không mất đi, chẳng có gì thất thoát ở nước ngoài; ngược lại tất cả - tiền, hàng hóa, trang bị - vẫn ở lại trong vòng xoay Pháp - Đông Dương. Cả những khoản tiền lãi cuối cùng trở về Pháp ngon lành, nơi đã đầu tư. Tất cả những cái đó là một dạng lạm phát may mắn.

Còn một điều khác. Cứ cho rằng cuộc chiến tranh này có một mục tiêu cao cả hơn, đường lối chính trị lớn như là cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản Châu Á. Vũ khí của họ là sự trong sạch, không bỏ rơi đạo đức đỏ để hòa nhập với sự thịnh vượng thực dân. Đấy là một thắng lợi lớn của chúng ta. Chúng ta dần dần tiến tới tha hóa và chia rẽ người Việt. Ngược lại với bề ngoài, chính chúng ta có lợi trong cuộc chiến tranh làm mục ruỗng.

Nhưng điều đó có đúng không? Năm 1948 không ai nói trước được bên nào đang lừa bịp bên nào trong việc "hợp tác giữa những kẻ địch" một dạng hiện đại của cuộc chiến tranh tổng thể. Sự mục ruỗng là một hiện tượng quá chậm, phức tạp khác thường đến nỗi không thể nhìn rõ, không phân biệt thất bại và thành công.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #87 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2017, 03:29:19 pm »


Thực tế người Pháp đã bị đánh bại trong cuộc chiến đồng bạc nhưng họ không biết. Họ không nhận thấy Việt Minh chỉ đạo một cách khoa học sự thỏa hiệp của mình còn người Pháp không đạt được. Tất cả do luật cùng cần điều khiển. Dù sao cũng có một sự mâu thuẫn nào đó giữa lợi ích thương mại Pháp và lợi ích của nước Pháp.

Có lẽ người Pháp tha hóa được một ít người Việt ở Nam Kỳ (sau này Hồ Chí Minh đưa trở lại vào nền nếp). Nhưng nhất là họ tự huỷ hoại mình đến tột cùng. Cuộc chiến tranh Đông Dương anh hùng nhưng còn bẩn thỉu hơn. Cả những quân lính của Đội quân viễn chinh cũng không tránh khỏi lây nhiễm. Tệ hại hơn cả là những người Việt chống Việt Minh. Năm này qua năm khác họ càng nhụt chí. Không bao giờ người ta có thể nhận ở họ một sự cố gắng nghiêm chỉnh; họ bất lực đối mặt với Hồ Chí Minh.

Đến một hôm người ta sẽ nhận ra đối mặt với đồng bạc của chúng ta là "con người Việt Minh " một con người mới, một con người mà người ta tưởng là thuộc giống nòi khác về hình thức và tinh thần. Một trường hợp đột biến. Chỉ lúc đó người ta mới hiểu sự thịnh vượng quay lại chống chúng ta. Người ta phá giá đồng bạc Đông Dương nhưng đã quá chậm; người ta sẽ là những kẻ bại trận mục ruỗng trước khi vĩnh viễn bị đánh bại trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Trong lúc chờ đợi, con lợn là biểu tượng tốt nhất của sự cân bằng trong mục ruỗng. Đây là nói về con lợn thật, con vật ưa thích của nhà bếp Phương Đông. Để tới được Sài Gòn nó đã trả tiền cho mọi người, thuế của Chính phủ, tiền trả định kỳ cho Việt Minh, cho các giáo phái, cảnh sát, đôi khi cho các bốt Pháp. Nó phải trả tiền cho tất cả những người mang vũ khí gặp trên đường. Cuối cùng một con lợn giá rất đắt, nhưng nhờ vào sự giàu có chung, người tiêu thụ không thiếu. Toàn dân chúng hoặc hầu hết Sài Gòn ăn thịt lợn.

Lợn có khắp nơi trong thành phố. Người ta chở nó, trong những xe lớn, trên máy bay. Con gái một cảnh sát trưởng Pháp chuyên chở lợn trên máy bay. Chúng cũng đến khiêm tốn hơn, do những người nông dân, buộc gánh trên đòn tre. Người ta đổ chúng xuống mọi đường phố, giết thịt treo từng mảng lớn ở các quầy, thái từng lát mỏng dần trong chảo những người bán cháo rong; những người giàu cắt thành khối thịt nhỏ nấu với nước cốt dừa tẩm đường.

Riêng Việt Minh không tiêu thụ. Họ đánh thuế vào gia súc đưa vào Sài Gòn. Theo cách đó con vật trở thành công cụ của chiến thắng đỏ.

Bài học về con lợn là những người sung sướng ăn nó không bao giờ đánh nhau vì nó, dù cần thiết để tiếp tục ăn. Ngược lại Việt Minh không ăn, họ đánh nhau rất hăng. Đơn giản, vấn đề con lợn họ không coi trọng trừ việc là một cách để có kinh phí. Việt Minh không đặt vấn đề gì ngoài phép biện chứng và chiến thắng.

Tóm lại, sự phồn thịnh không tạo được đà, chỉ là hưởng thụ. Và Việt Minh biết tranh thủ trong chừng mực phù hợp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #88 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2017, 01:57:54 pm »


Lâu đài Norodom

Quyền lực Pháp tập trung ở lâu đài Norodom tại Sài Gòn. Đây là chỗ làm việc của hai "ông chủ" lớn của Đông Dương, tướng tổng chỉ huy Carpentier và cao ủy Pignon.

Norodom là một nhà vua Căm-bốt thời Bảo hộ. Đây là một nhân vật theo kiểu cũ: sống dưới cây lọng bảy tầng, xà rông quấn ngang chân, sùng đạo và quy phục. Người Pháp rất hài lòng về ông, lấy họ ông đặt tên toà nhà Toàn quyền Pháp ở Sài Gòn.

Mặc dù mọi biến cố, lâu đài Norodom không suy suyển. Nó luôn trên thảm cỏ như một chiếc vỏ hàu lớn, một loại tiết chất màu vàng. Đây là kiến trúc của thời thực dân huy hoàng với vẻ đẹp rườm rà, và của Đông Dương thuộc Pháp: những cầu thang đồ sộ, những bậc thềm đá hoa cương, nhiều đường viền và tượng hoa mỹ. Khắp nơi người ta thấy nó từ xa, sừng sững giữa lòng thành phố, giữa những đường phố lớn đầy hàng rào sắt phức tạp, Ban ngày, một lá cờ tam tài rất rộng bay phấp phới trước mặt tiền, trên cao chiếc cột mười mét, chỉ rõ uy quyền nước Pháp.

Ngôi nhà này, khống chế cả Sài Gòn, là biểu tượng của chủ quyền: những người ở đây là chủ nhân thực sự của đất nước. Chính phủ Việt Nam đã vô vọng đòi lại cho mình, thật tích cực nhưng không được. Người Pháp cho họ lâu đài La Grandierè cách đấy hai trăm mét, cũng đẹp gần như thế nhưng không có ý nghĩa, không biểu tượng. Người Pháp ở lại Norodom để khẳng định sự có mặt của họ còn khống chế nền độc lập, được đặt ở một mức cao hơn.

Quyền bá chủ Pháp thực hiện ở đây trong sự tĩnh lặng tuyệt đối. Tất cả ngủ gà ngủ gật giữa sự im ắng nhẹ nhàng. Người ta sẽ nghĩ ra những dằng xé của xứ Đông Dương biết bao! Đôi khi một cánh cổng mở, một chiếc xe con cắm cờ xiết bánh trên cát bằng phẳng của lối đi, lính lê dương bồng súng chào, những người tùy tùng vội vã. Sau mấy phút hoạt động ấy lu mờ đi, tan vào không khí những gian phòng rộng bao la và trống vắng. Quá lắm, thỉnh thoảng ở hành lang đi lại một nhân vật quan trọng, bí mật, cầm giấy tờ trên tay. Đầy tớ người Annam khăn đóng áo dài tỉnh dậy cúi chào. Cũng có lúc người ta nghe tiếng máy chữ, chuông điện thoại, một giọng nói to.

Trong cao trào bình định, vào cuối năm 1949, tất cả những gì được làm, tất cả những gì xảy ra ở Đông Dương tùy thuộc vào lâu đài này, vào công việc người ta làm ở đây. Mỗi "vụ việc" lên đây, từ đây trở ra, theo hệ thống chỉ đạo. Đây là toàn bộ máy móc bao la về chiến tranh, nơi "lãnh đạo mọi việc". Sự thật bi đát đến đây dưới dạng nhàm chán, những hồ sơ chuẩn bị công phu, sắp xếp gọn gàng. Những người giúp việc đóng dấu "mật" vào đây, những mưu sĩ ở các phòng xem xét rồi Carpentier và Pignon có những quyết định dội ra khắp nước lay động hàng triệu người để đi đến những hậu quả không ai dự kiến.

Nhưng đống giấy tờ ấy cũng bao phủ bi kịch của những người lãnh đạo. Carpentier là một người lo ngại ngay giữa lúc thỏa mãn. Pignon không tin tưởng nữa vào quân đội, vô vọng tìm một "giải pháp chính trị". Hai người cách biệt nhau, mỗi người trong cánh lâu đài của mình, vừa là đồng minh vừa là kẻ thù.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #89 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2017, 01:58:59 pm »


Sức khỏe không tốt, tướng Carpentier khép mình trong mấy gian phòng, không muốn bị ai quấy rầy. Một thiếu tá, to lớn lưng còng khuôn mặt tư lự, làm người gác tiền sảnh,bảo vệ ông tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Chính ông kiểm tra tất cả, những người khách và tin tức.

Carpentier trước đây là trưởng ban tham mưu của tướng Juin, người bảo trợ, bạn của ông. Nghe ông được cử làm tổng chỉ huy ở Đông Dương, Đội quân viễn chinh chờ đợi một người có kinh nghiệm về chiến tranh. Họ thất vọng ngay. Ông hiện diện như một người đóng thế, một người đầy tớ hăng hái nhưng không có khả năng chỉ huy. Đấy chỉ là một viên quản gắn lon.

Tôi nhớ không rõ về ông, ít quan tâm về con người này. Về hình thức ông là một loại nông dân tiến bộ nhưng đã mòn mỏi, chậm chạp. Ông có khuôn mặt dài xương xấu, thân hình vụng về của một người đồng đất, phong thái nông dân, lời nói mộc mạc vụng về. Ở ông chỉ còn lại bộ xương nhưng thịt và trí óc đã rỗng hết. Tuy vậy con người mệt mỏi này cố gắng gây ảo tưởng bằng một số tàn bạo khù khờ và hóm hỉnh của người chiến binh dũng cảm. Ông xoay theo cách của mình, giấu giếm theo lối "thật thà" của người lính, những gàn dở, những khéo léo, một chủ nghĩa bất động ích kỷ, cả một nỗi ám ảnh về bản thân.

Một số ngày ông trở nên hoạt bát, vui vẻ thô lỗ. Lúc ấy ông lên giọng cáu kỉnh vô cớ, thông báo với một bộ trưởng Việt Nam ông sẽ "vứt" cả ông và chính phủ của ông ta. Nhưng khi cuộc cãi nhau ấy được biết đến, đưa lên báo chí Sài Gòn, ông chối.

Thường ông cũng sợ. Trường hợp ấy khuôn mặt ông nhuốm một màu sắc rất đặc biệt, lẫn lộn cảnh giác thô thiển và mưu mẹo táo bạo. Bao nhiêu lần tôi thấy ông đứng thẳng trước bàn làm việc rãn những nếp nhăn và nheo mắt kêu lên với giọng nói nửa khóc nửa khoe khoang: "Tôi, người ta không đốt cháy được tôi đâu. Tôi có những bạn thân ở Paris, tôi viết thư nói sự thật với họ". Thực ra vào từng lúc, ông “mở ô dù" - nghĩa là ông nhờ che chắn - gửi một báo cáo cho Juin.

Điều đó vẫn chưa làm ông an tâm. Ông bèn khôn ngoan không bao giờ quyết định. Khi dù sao cũng không tránh được trách nhiệm, ông bắt đầu thanh minh trước, không dứt, bằng miệng, bằng viết như trong cơn mê sảng.

Tướng Carpentier bị những ý tưởng cố định săn đuổi nhưng tự bảo vệ mình. Ông không ngớt lặp lại: "Có lẽ tôi không có vẻ thế nhưng tôi thấy rõ, bao giờ tôi cũng biết cần làm thế nào". Mọi câu chuyện với ông sau mấy phút đều đi đến nói đi nói lại chán ngắt về ông, về sự nghiệp của ông, những mưu mô có thể làm hỏng sự nghiệp ấy. Nỗi ám ảnh đó gặm nhấm ông, làm khô người, tạo những nếp nhăn, khiến ông không tìm ra từ. Cũng không nên nghĩ ông có những tham vọng ngông cuồng; ông không mong có những khen thưởng về thiên tài vốn dành cho Juin. Ông chỉ đòi hỏi khoản lương đúng mức. Điều ông muốn là giữ vững điều mình có, nhận được hơn một ít, một ngôi sao nữa, một vị trí, sau này có mức lương hưu cao hơn, có lẽ một ghế trong Viện Hàn lâm Pháp (vì ông đã viết những nghiên cứu về sử dụng bộ binh trong chiến tranh 1914-1918).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM