Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:03:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84862 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2017, 07:38:06 pm »


Cao Đài không hề có tình thương. Con người là một vật dụng. Ý nghĩ của họ thuộc về Cao Đài, cuộc sống, lao động, gia đình của họ cũng thế. Họ không có quyền sở hữu, có tiền. Tất cả thuộc về Đấng Tối cao và Người xét có thể cho gì - đúng ra là để lại gì - cho từng người.

Thế nhưng “chế độ” ấy lại được các nạn nhân chấp nhận. Ở Châu Á mọi người đơn độc khó tồn tại và dù sao giáo phái Cao Đài cũng đưa tới sự bảo vệ. Tôi hiểu điều đó khi một nhà trí thức già đến với Đấng Tối cao, nói với tôi giọng mếu máo: “Thưa trung uý, thời gian vô địch, tương lai mờ mịt. Tôi là một ông già không có chỗ dựa, vợ tôi đã chết, các con tôi biến mất. Tôi ôm ấp lòng tin vào Cao Đài vì tôi tìm thấy ở đấy một sự cứu giúp cho con người gầy gò của tôi. Ông hẳn biết câu ngạn ngữ “Ai thông minh thì vào đúng cửa”.

Trong đất nước này dù sao giáo phái cũng đưa ra một luật lệ. Việc xét xử thật nhanh gọn. Tôi vừa đến, một chức sắc giáo phái xét xử một người lính Cao Đài tống tiền một nữ nông dân trong thị trấn tôi. Nét mặt con người thánh nổi điên lên: anh lính kia tự lấy cho mình, không phải trong một toán thu thuế. Ông hét bảo dẫn kẻ phạm tội đến, lấy dép đế gỗ đánh mạnh vào đầu anh ta. Mệt rồi ông giao cho những người phó lấy gậy đánh cho gãy lưng. Tôi về nhà. Một phái viên đến mời tôi được vinh dự đến dự buổi hành quyết người lính. Thực vậy, tôi thấy anh bị trói vào cọc trước nhà thờ Cao Đài địa phương; anh ta bình thản nói chuyện với đội hành quyết. Một đám đông là ngà say tập hợp đứng xem. Tôi sai lầm đề nghị họ tha thứ và bị phản ứng kịch liệt.

Điều mà tôi, một người phương Tây, một người Pháp không hiểu là giáo phái Cao Đài, tự “tạo ra” được sự cuồng tín thực sự. Hãy xem bất cứ người dân quê nào. Ông ta có quyền không vào đạo Cao Đài nhưng việc chuyển đạo của ông là bắt buộc, thậm chí không một lời bàn cãi. Người ta bắt ông tin, nhiệt thành, hoan hỉ, chịu mọi tận tụy hy sinh. Con người ấy trở thành, một cách máy móc, một tín đồ say mê, hưng phấn, mù quáng làm tất cả những gì được giao. Dân chúng cuồng nhiệt và những “đội bay” đánh nhau hăng hái như các chi đội Việt Minh. Quân lính của Giáo chủ là những người tự sát trước; họ giết và họ chết như cuộc sống không còn quan trọng gì! Đấy là “sự tẩy não” hoàn toàn, cũng toàn vẹn như ở những người cộng sản. Ở Châu Á hình như tất cả đều có thể.

Trên đất này, cái kỳ cục, thô lỗ thường chỉ là những mặt nạ che giấu những cái gì ghê gớm hơn.

Ông có biết ban đầu đạo Cao Đài là gì không? Những người Pháp già ở Sài Gòn biết rõ Lê Văn Trung, “người sáng lập”. Nợ nần chồng chất, từ lâu anh ta dùng nhiều “mánh khoé” để mượn tiền một người Ấn Độ cho vay nặng lãi lớn ở Sài Gòn. Nhưng ông này đuổi anh ta đi khi vừa mở miệng hỏi vay, ít nhất cũng cho đến ngày anh ta đến thốt ra: “Tôi sẵn có nhiều tiền; tôi thành lập một tôn giáo”. Lần này người Ấn Độ đưa anh ta vào phòng trong kéo một tấm màn dày lại. Mấy tuần lễ sau đó những tên chỉ điểm báo cáo với cảnh sát Pháp sự ra đời của đạo Cao Đài. Cảnh sát lúc đầu chẳng lo ngại gì về Lê Văn Trung nổi tiếng là “loại vô lại” không nguy hiểm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2017, 07:38:47 pm »


Vậy mà ông thấy đấy giáo phái Cao Đài đã trở thành như thế nào: một công cụ thống trị chưa bao giờ có. Quân đội, quản trị hành chính, tài chính của họ đã lên đến mức nào; thêm vào quyền lực của Đấng Tối cao. Bên trong tôn giáo của họ tất cả đều đơn giản, đơn giản không lay chuyển được nhưng để tiến lên nữa, chiếm cứ đất đai, dân quê, của cải, nhiều hơn, họ phải làm “chính trị lớn”. Về mặt này họ tiến hành mềm dẻo: mềm dẻo chỉ là một từ ngữ. Bịp bợm, phản bội, xảo trá là những từ đã được né tránh.

- Đấy là sự nghiệp bạo lực có chỉ đạo. Từ chỗ không có gì, do tàn ác, giả đạo đức và khôn khéo, giáo phái Cao Đài đã gần đến đích. Trên bước đường đi lên họ đã sử dụng và phản bội lần lượt người Nhật, Việt Minh, Pháp, cựu hoàng Bảo Đại và những phe phái khác. Lê Văn Trung là một kẻ vô liêm sỉ giả vờ ngây thơ. Sau khi đưa Cao Đài ra anh ta có ý tưởng thứ hai. Thời kỳ thực dân mọi tổ chức chính trị đều bị mật thám săn đuổi. Nhưng họ có thể làm gì được một tôn giáo? Đấng Tối cao vào phái đối lập, đã bắt đầu tuyên bố trong các lời truyền đạt là phải đánh người Pháp. Rồi có ngay tiền và kết quả. Giáo phái Cao Đài tổ chức nhân viên riêng, tay chân, quân đội bí mật. Những ông thầy đầu tiên của họ là người Nhật. Hoàng thân Cường Để, anh em họ của Bảo Đại lẩn trốn ở Vương quốc Mặt trời mọc đã hai mươi năm, được đưa lên làm Hoàng đế hợp pháp. Đầu năm 1945 Cao Đài lộ diện, là cảnh sát phụ của Nhật. Nhưng từ mùa hè họ là một yếu tố tấn công của Việt Minh. Bây giờ họ chính thức mến yêu người Pháp.

Cuối cùng chỉ là một nhóm người lợi dụng tình hình đất nước với một sự vô đạo đức hoàn hảo, với khoa học lừa dối. Nhưng đấy là khoa học “tiểu tư sản”. Không có quan lại, trí thức hoặc những tư sản lớn trong tôn giáo của Đấng Tối cao. Những lãnh tụ của họ nguyên là thư ký, viên chức thuộc “lớp người tầm thường” cổ áo trắng. Đấy là trường hợp của Phạm Công Tắc, của các chức sắc tôn giáo trang sức diêm dúa và cả một số mưu sĩ không ngờ vực được ở Sài Gòn. Tất cả thuộc về tầng lớp xã hội say mê tỉ mỉ nhất, lớp người hình thành ở Châu Âu chủ nghĩa phát xít và na-di.

Đối với phần lớn những người Việt Nam biết điều, đạo Cao Đài là một tổ chức đáng sợ. Nhưng ngay trong sự cứng rắn của họ. Trong khát vọng quyền lực, trong sự tàn bạo và mưu mô gian xảo của họ có một sức mạnh, một niềm tin vào sức mạnh đã lôi kéo nhiều lớp trẻ. Những người này cho rằng Đấng Tối cao là nguồn trong sạch. Một số tự xin cải đạo với lập luận: “Tôi không phải cộng sản. Không có gì khác tồn tại. Tôi gia nhập Cao Đài để có một lòng tin”.

Tôi cũng nghĩ Giáo chủ và các Hồng y giáo chủ không hoàn toàn là những kẻ lừa gạt. Giữa tất cả những trang trí bịp bợm, họ thực sự tin, thậm chí mê tín, vào sự giao liên với người thế giới bên kia và “chiếc giỏ có mỏ”. Tất nhiên những tin truyền đạt của bậc trên thường tối nghĩa phải sử dụng lối cắt bỏ. Lúc đó trong nơi thánh của các thánh xảy ra những tranh cãi lạ lùng. Người tự kết tội nhau đã làm những lời tiên tri sai. Người ta thảo luận trong nhiều ngày, người nào cũng cố làm cho Đấng Tối cao nói lên điều mình muốn. Nhưng nói chung Đấng Tối cao rất cao xa, hoàn toàn xứng đáng với giáo phái. Chính người cho những lời dạy vô liêm sỉ nhất.

Dù sao trong những tháng cuối này Cao Đài không ngớt ca tụng Pháp. Người ta đang trong trạng thái vui vẻ Pháp - Cao Đài. Mỗi lần có một mắt xích trong hệ thống bình định bị rời ra, chỉ cần Ban chỉ huy Pháp đề nghị Giáo chủ thêm một vài quân lính. Ông cung cấp ngay, không ghê tởm gì. Đổi lại ông chỉ xin một ít vũ khí, một ít tiền nữa. Người ta chấp nhận ngay những bổ sung ấy.

Mấy ngày nay Đấng Tối cao ít tử tế hơn. Ban tham mưu Sài Gòn bỗng phát hiện ra nguy cơ: toàn xứ Nam Kỳ có thể bị tràn đầy người Cao Đài. Người Pháp đảo lộn một nửa đường lối chính trị, từ nay tránh dùng những “đội bay”, tỏ ra ít cảm thông, kém độ lượng hơn.

Đây là thời kỳ quyết định. Vì phải chăng Cao Đài không thử buộc Pháp nhường bước? Họ có khả năng làm tất cả bài bản “tinh tế’ Châu Á, những dọa dẫm bê bối nhiều vô cùng! Họ sẽ làm tất cả trừ việc quay về lại với Việt Minh vì như thế sẽ bị huỷ hoại. Người ta vẫn giữ viễn tưởng thân thiện nhưng trong việc mưu sát.

Sau đó tình hình đã bắt đầu. Một số sĩ quan Pháp quá chặt chẽ - những “người gây trở ngại” chống lại khi Cao Đài đánh những quân lính bổ sung của họ, bắt cóc hương chức, lấy thuế trên đường - bị giết chết. Chính thức đưa ra là do Việt Minh nhưng toàn thể dân chúng biết rõ đấy là một “đội bay” thực hiện. Tôi không có quyền nói lên điều đó. Như vậy là bất nhã và đi quá xa. Vì trên những sự cố cá nhân vẫn luôn có đường lối chính trị lớn với những cần thiết của nó.

Vả lại nếu bản thân tôi bị thủ tiêu, có thể là do bất cứ ai, do mọi người, việc ấy xảy ra đối với Việt Minh, Cao Đài hoặc những người khác. Không bao giờ có ai biết tôi đã hết đời như thế nào. Công cuộc bình định là thế đấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2017, 07:40:15 pm »


Câu chuyện về một nhà sư

Sông Mékong chảy cách đấy một cây số. Bốt Cây Vông đóng trên bờ con đường lớn, ngay trước bến đò. Mười một giờ trưa, trưởng bốt trung uý Campadieu, mồ hôi chảy trên tấm thân trần nở nang và đầy lông. Đây là một người cao to, vui tính, bụng mềm vì những nếp mỡ. Ngả người trên một chiếc ghế dài, đôi chân gác lên chiếc bàn ping-pong, ông nốc bia. “Nước đá”, ông hét lên. Một anh bồi mang xô đá lại.

- Chà, bây giờ có thể uống bia lạnh, Campadieu thở phào khoan khoái nói! Từ khi Hòa Hảo liên minh, người ta mang từ Sài Gòn đến mọi sản phẩm văn minh của hãng bia, đá Đông Dương.

Chính ông Campadieu này nhân danh người Pháp sau những thương lượng khác thường đã ký kết hòa bình với quân Hòa Hảo. Với giọng ồ ề trong cổ họng của miền Trung nước Pháp, ông kể với tôi cuộc phiêu lưu của mình:

- Hôm ấy tôi đi tuần tra với một trung đội trong rừng sú vẹt dọc bờ sông. Tôi bỗng nhận thấy lá cờ màu đỏ hơi tím quân Hòa Hảo bao vây chúng tôi, người của họ sau mỗi gốc cây, trong mỗi bụi rậm. Có mấy giây căng thẳng, hai bên ngần ngừ giữa bắn hoặc thương lượng. Người ta nói chuyện. Một người Hòa Hảo ra khỏi gốc cây, ra hiệu cho tôi lại gần. Tôi tiến tới một mình. Lính của tôi và các chiến binh của giáo phái luôn trong tư thế chiến đấu, ngụy trang và ngón tay trên cò súng, sẵn sàng xả đạn vào nhau. Mọi việc tốt đẹp. Chỉ mấy câu, hai bên quyết định ngày mai không có tùy tùng và không vũ khí, tôi đến gặp Năm Lửa, một chỉ huy cao cấp trong trung tâm chỉ huy của họ ở rạch Cái Dâu không thể xâm chiếm được.

Tôi ra đi từ bình minh, vào một rừng dừa dày đến nỗi đến một xóm làng mà lúc đầu không nhận ra. Khoảng một trăm người nét mặt sợ hãi, nghi ngờ bao quanh tôi. Họ mặc rách rưới, tóc bù xù không cắt thả xuống thân hình. Vũ khí từ con dao đến súng tiểu liên. Giữa sân chính có một chiếc ca-nông 20 và hai đại liên, chắc là chiến lợi phẩm của một cuộc phục kích.

Đàn bà, trẻ con từ xa nhìn tôi hằn học như tôi phải bị họ xé nát. Người ta còn dẫn tôi đi mấy trăm mét nữa và nhốt tôi vào một căn nhà tranh có hai Hòa Hảo canh chừng, súng ngắn trước bụng. Nhiều giờ trôi qua. Tôi nghĩ mình bị kết tội, chờ đợi hành quyết, cửa bỗng mở, một cô gái đưa trà đến cho tôi. Thế là thoát nạn vì đó là dấu hiệu yên bình. Năm Lửa chấp nhận điều đình với người Pháp. Suốt thời gian tôi chờ đợi ông ta trầm tư cầu nguyện; ông khẩn cầu thánh sống của Hòa Hảo bị ám sát gợi ý cho ông quyết định đúng đắn.

Trung uý lấy cho tôi xem một bức ảnh. Chân dung một người đàn ông. Khuôn mặt khổ hạnh cổ điển, quá mỏng, quá đều đặn, đẹp với những người có trực giác về tương lai. Nhất là cảm giác tập trung ở đôi mắt “phù thủy” và trong nụ cười có lẽ của người mất trí như của bậc thánh.

- Đấy là Huỳnh Phú Sổ, vị Thánh sống, người sáng lập tôn giáo Hòa Hảo. Nhưng đối với dân chúng, ông ta chỉ biến đi - một Thánh sống không thể chết. Mỗi gia đình để hình ảnh tôn kính của ông trên một bàn thờ nhỏ dựng trước nhà, dâng lễ vật, cơm, hoa bên cạnh mảnh vải màu đỏ tím - màu sắc tượng trưng sự hài hòa các màu.

Và bởi vì Huỳnh Phú Sổ không trở về mà việc thương lượng suýt thất bại và tôi chết hụt. Trước đây ông ta tuyên bố cuộc thánh chiến chống người Pháp - phải kéo dài cho đến lúc ông ra lệnh kết thúc. Ông hãy hình dung Năm Lửa chờ ông ta cho đến lúc cho gọi tôi đến. Không thấy ông ta ra lệnh, Năm Lửa nghĩ tôi xúi dục mình phạm tội và định hiến sinh tôi.

Điều cứu tôi là một câu thơ phát hiện ra trong vô số lời tiên tri của thánh. Trước kia ông ta có tuyên bố với những người tôn thờ mình: “Mong không có gì làm các bạn ngạc nhiên. Sẽ có ngày các bạn là bạn bè của những kẻ thù địch hiện nay”. Hình như chính một nhân viên Phòng Nhì tìm thấy - hoặc làm ra - câu định mệnh ấy và chuyển kịp thời đến cho Năm Lửa. Vậy là ông này yên tâm, có thể chắp nối với người Pháp; Ông chỉ đòi hỏi một điều khoản đặc biệt, dự kiến thỏa thuận dứt khoát sẽ do Huỳnh Phú Sổ cho phép khi ông ta trở về.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2017, 07:40:42 pm »


Với Hòa Hảo, người ta luôn luôn ở trên thiên đường. Bây giờ tôi không còn lạ việc Huỳnh Phú Sổ là bất tử đối với họ. Điều ấy gần như bình thường khi biết rõ cuộc đời của ông ta rất khác thường. Tôi kể cho ông nghe câu chuyện của ông ta, ít nhất cũng là những gì người ta biết.

Và ông Campadieu tốt bụng, biết điều và nôm na kể lại cho tôi nghe chiến tích kỳ diệu nhất giữa sự gia ân và tội ác. Lúc đầu là một huyền thoại vàng như lóe sáng lòng tin cổ xưa xung quanh một người Nhà Trời. Nhưng đức Thánh kêu gọi chiều sâu tăm tối nhất của tâm hồn dân quê, về bản năng tội lỗi và chết chóc của họ.

- Những môn đồ kể lại với tôi cuộc đời của Huỳnh Phú Sổ đẹp biết mấy! Ông ta là con trai một “hương chức” nhỏ trong làng. Bị tật động kinh, sau một cuộc sống sa đọa ông ta đi một mình lên vùng thiêng Bảy Núi gặp một ẩn sĩ. Nhiều năm trôi qua ông dành cho việc cầu kinh, suy nghĩ và sám hối. Hai người sống trong một hang động giữa rừng. Người ẩn sĩ chết, Huỳnh Phú Sổ trở xuống đồng bằng; ông đã khỏi bệnh nhưng gầy đi, gò má nhô cao, tóc dài ngang vai. Ông đi từ làng này đến làng khác, không ăn, giảng về lòng tin trong sạch đã bị các nhà sư làm hư hỏng. Ông bảo dân quê khốn khổ:

- Đừng đưa tiền cho các nhà sư tham lam. Không vào chùa. Hãy ngồi trước Đấng chí tôn mà cầu nguyện. Huỳnh Phú Sổ lúc đầu là tông đồ của Phật giáo cách tân tôn giáo tinh khiết đưa tới đạo lý của niết bàn và nụ cười của phật Sakiamouni. Với đàn ông, ông nói phải tự thoát mình, ngày càng tiến gần tới việc chối bỏ ham muốn, lột xác bản thân mình. Ông cũng thông báo với họ qua những bài thơ đoán tương lai tối nghĩa đã tới gần thời khắc ghê rợn mà chỉ lòng tin thực sự mới cứu vớt được. Ông chữa những người bệnh hấp hối bằng lá cỏ và phù phép, làm những phép lạ. Một đêm ông thổ lộ chính mình là Thánh sống; từ đấy ông ra lệnh cho dân chúng tôn sùng mình. Dân quê quỳ lạy trước mặt và chẳng bao lâu ông có một triệu tín đồ cuồng nhiệt.

Tuy nhiên hồ sơ của Mật thám Pháp đưa ra một hình ảnh rất khác của Huỳnh Phú Sổ. Không còn là một ông thánh có những đức tính đến được chỗ cao siêu mà người ta gọi là một “nhà sư điên”. Đấy là một nghề nghiệp và trước ông ta cũng có nhiều người khác. Nhưng vận may của Huỳnh Phú Sổ là bắt đầu hành nghề vào thời Nhật chiếm đóng Đông Dương. Người Nhật “nhận ra” ông và sử dụng ông.

Chính họ cho ông ký ninh bỏ vào những bùa chú chữa những bệnh nhân sốt rét hấp hối và nói: “Hãy xem pháp thuật của ta”. Tiếng tăm lan rộng nhưng những lời phán bảo của ông vẫn luôn tối nghĩa. Thảm họa rùng rợn sẽ ập xuống trái đất. Phải rời bỏ những thành phố tội lỗi. Ông hô hào: “Những người khôn ngoan ở trong hang động, chỉ những kẻ u mê mới ở nhà cao cửa rộng”. Tuy nhiên ông sẽ đè bẹp cái xấu, ông sẽ là người giải phóng dân chúng. Và Huỳnh Phú Sổ tạo nên những “sư đệ điên” đi gieo rắc khắp nơi sự nổi dậy và tội ác. Ông hứa tín đồ nào giết được mười người Pháp sẽ lên Thiên đường. Ông cũng nói: “Khi các bạn nấu cơm, để một nắm gạo cho ta”. Với số gạo đó ông ta mua ở Sài Gòn những vũ khí đầu tiên cho băng nhóm mình.

Dù sao trong sự lộn xộn cũng có một lôgíc nào đó. Kinh hoàng bắt đầu từ năm 1945, trong những tháng biến động người Nhật đổ sụp xuống. Không còn người da trắng trong những vùng bao la miền tây, chỉ có Hòa Hảo và Việt Minh ký với nhau một thoả hiệp liên minh. Việt Minh giữ các thành phố và Hòa Hảo ở đồng ruộng. Chẳng bao lâu họ đánh nhau. Huỳnh Phú Sổ ra lệnh cho quân lính ào vào Cần Thơ, “hòn ngọc” vùng Mékong, nơi sản xuất lúa gạo chủ yếu. Bại trận. Hàng nghìn Hòa Hảo đứng chật sân vận động, bị một tòa án nhân dân xét xử và hành quyết. Hàng nghìn khác bị trói ném xuống dòng sông. Thánh sống thoát khỏi thật kỳ diệu. Ông ta quyết định tín đồ nào ám sát được mười Việt Minh, sẽ lên Thiên đường cao hơn Thiên đường chỉ mười “thực dân”.

Các đội quân của Leclerc đến vào lúc những người da vàng tiêu diệt nhau mà chẳng hiểu ra sao. Người Pháp lại vào các thành phố, trên đường bị những người Annam chém giết; họ đều giống nhau, cũng mặc quần áo đen nhưng giết lẫn nhau.

Việc đó kéo dài hai năm cho đến khi Huỳnh Phú Sổ “mất tích”. Kẻ chịu trách nhiệm bao nhiêu bi kịch ấy phải chết một cách độc ác, nạn nhân của một sự phản trắc. Thánh sống nhận được một bức thư thân thiện của Ban chấp hành Việt Minh Nam Bộ, đi không có tùy tùng. Người ta bảo ông: “Hãy đến thương lượng với chúng tôi ở tổng hành dinh Đồng Tháp Mười. Chúng ta nên chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ, hãy hòa giải với nhau”. Nhưng Huỳnh Phú Sổ đã không trở về.

Tình hình thật phi lý. Hai triệu tín đồ của Thánh sống không khóc cái chết của ông, không trả thù - vì ông không thể chết được. Những chỉ huy chính của ông rất bối rối: làm gì đây? Họ nghi ngờ có sự phản bội. Và vì thế cuối cùng họ đến với chúng tôi. Họ như những đứa trẻ bí hiểm sợ sệt một cách đơn giản và hoang dã. Chúng tôi cố gắng khai hóa họ. Cũng đạt được một số kết quả nhưng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2017, 10:52:24 pm »


Niềm vui của sự khai hóa

Quang cảnh vui mắt của miền nhiệt đới. Những chiếc cầu trên không bằng tre, không nặng, đung đưa trong gió, bắc qua con rạch bùn lầy đầy sen và thuyền nan. Dọc bờ sông, làng xóm kéo dài những ngôi nhà tranh giữa những cây dừa; dây leo, hoa quả. Giữa thiên nhiên nóng rữa ấy, dân chúng Hoà Hảo sống không gò bó gì, hoàn toàn vui vẻ. Những người già nói đùa, các cô gái thủ thỉ và quân lính cầm tiểu liên, lựu đạn, không hề đề phòng, như là những đồ chơi.

Đâu là sở thích chết chóc mà Campadieu đã nói nhiều với tôi? Tôi ở ngay bốt chỉ huy của Năm Lửa, trong xóm ông ta thấy ghê gớm khi táo bạo đến cuộc hẹn gặp. Việc liên minh chỉ mới mấy tuần mà tất cả toát lên sự yên ổn và thân thiện.

Tôi là khách mời của Năm Lửa đến dự bữa tiệc chào mừng trong gian nhà đổ nát và rất đẹp của một ngôi chùa, giữa những tượng Phật không còn nguyên vẹn và những chiếc kích nghi lễ cũ kỹ; màu sơn đỏ trên những hàng cột lớn ánh lên trong bóng mờ. Bốn mươi thực khách tập họp quanh chiếc bàn đầy chén bát và cũng có mấy khẩu súng ngắn, cả ban tham mưu của giáo phái ở đấy: Những băng trưởng dữ tợn đã biến thành những quân nhân đẹp thân thiện. Hầu hết là những thanh niên mới trưởng thành, lực lưỡng và cân đối, thích thú bận quân phục Pháp mới. Họ hưởng thụ thú vui khai hóa không mặc cảm gì. Nhiều người còn thử dùng thìa, nĩa. Việc ấy có vẻ kỳ cục và họ cười.

Tuy vậy bên cạnh tôi, Năm Lửa - một nhân vật lớn tuổi hơn với khuôn mặt nông dân thô lỗ và tinh quái - ngồi yên lặng. Nhưng ông khôn ngoan vì ông ta sợ không được xem là một vị tướng thực thụ nếu nói năng không đĩnh đạc. Ông nghi ngờ. Người Pháp đã chơi ông một vố. Lúc đầu ông rất sung sướng khi người ta gắn cho ông một ngôi sao nhưng đến Sài Gòn, vào hiệu may, quân phục tốt nhất, ông được biết đáng lẽ ít nhất phải hai sao. Với quyền lực riêng của mình, ông đã thêm một sao nữa. Từ sự việc không may đó, ông rụt rè trong giao tiếp xã hội, biết rõ học vấn của mình còn không đầy đủ.

Làm sao nhận ra ông là một kẻ chuyên chặt đầu người, Năm Lửa cách đây một năm, mặc toàn đồ đen, một người lùn gân guốc, đầu to với đôi mắt nhỏ ánh lên, bẩn thỉu và thô lỗ, vô cùng tàn ác vì không có trí tưởng tượng? Máu đối với ông ta không là gì thậm chí không phải một vấn đề vui thích. Nhưng ông đã xây dựng quyền lực bằng một lời quát ngắn gọn: “Xuyên cọc vào người chúng, lột da chúng ra”, bản thân ông cũng sẵn sàng bắt tay vào những nhục hình ấy. Ông ta cùng tính chất với đồng ruộng, con ngòi, bùn lầy, như bốc ra từ những chỗ đó; vừa hăng say cao độ, mưu mẹo và đần độn, có một sức lực hoang sơ, một sức chịu đựng không ngờ được. Ông can đảm, điên rồ và không phức tạp nhưng không bao giờ bị thương như được phép lạ bảo vệ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2017, 10:53:25 pm »


Năm Lửa từ tầng lớp thấp kém nhất sinh ra, đến mức cảnh sát không có hồ sơ về ông ta. Trong nhiều năm ông làm người dồn khách cho các “xe ca Trung Hoa”. Ở cửa ngõ Sài Gòn, trong đám đông lộn xộn, ông chộp lấy gói đồ đạc của một dân quê bỏ lên xe mình. Người kia chỉ tìm thấy lại hành lý của mình khi cùng lên đấy và lấy vé xe. Năm Lửa cùng làm rất nhiều nghề khác: bán cháo rong, chèo đò, đạp xích lô. Gần năm mươi tuổi thì nghe lời bốc lửa của nhà sư điên. Ông là một trong những người sùng đạo đầu tiên và với những chiến công và lòng trung thành, trở thành người chỉ huy chính, gần gũi nhất với Giáo chủ. Sự tận tụy của ông với Thánh sống thật vô bờ. Nhiều lần ông cứu Giáo chủ khỏi những chiếc bẫy của Việt Minh. Khi Huỳnh Phú Sổ đến Đồng Tháp Mười và bị ám hại mặc dù ông đã can ngăn, ông muốn tự sát để theo chủ lên thế giới trên kia, nhưng ông không làm sợ phạm thánh, vì như vậy là chấp nhận cái chết của con người Bất tử.

Nhưng quá khứ mới ấy bây giờ đã rất xa! Trong bữa ăn này, Năm Lửa thực lòng cố tỏ ra là một qúy ông có giáo dục! Không ai có được một nét mặt đáng kính đôn hậu hơn ông ta - rất tròn, da nhân, cứng rắn và có đôi ria mép rậm đã bạc cong vút lên. Cứ đúng năm phút ông cười với tôi, bảo phiên dịch, một thanh niên ăn mặc lịch sử kiểu thành phố nói rất hân hạnh có mặt tôi ở đây và với đôi đũa mà ông đưa thức ăn vào miệng, ông chọn đưa cho tôi những miếng ngon nhất trong đống thức ăn. Mỗi lần nhiệm vụ ấy làm xong ông lại rơi vào câm lặng, nhai, ầm ừ và nhổ nước bọt.

Đến món ăn thứ ba mươi Năm Lửa nói chuyện với tôi lâu hơn, giọng khàn khàn mà người dịch ăn mặc chải chuốt chuyển thành lời hùng biện giọng mũi và lố bịch:

- Tôi rất hổ thẹn phải tiếp ông khách mời trong một chỗ như thế này và nó hoàn toàn không xứng đáng với ông. Do chiến tranh cho đến nay Hòa Hảo không thể hưởng thụ những thành quả của cuộc sống hiện đại; Tôi đề nghị sau ba tháng mời ông trở lại để tôi được đối xử xứng đáng hơn. Tôi đã ra lệnh làm một ngôi nhà lớn ngay trên bờ sông Mékong này. Tôi muốn ngôi nhà được xây dựng theo thiết kế khoa học nhất, với những gì tốt và đắt nhất. Tôi bảo kiến trúc sư làm thật tốt như ở Pháp đối với những nhân vật quan trọng.

Bữa tiệc kết thúc, bà Lê Thị Ngoan, vợ Năm Lửa xuất hiện. Đây là bà vợ hai, thô lỗ hơn và rõ ràng dâm dật hơn. Cùng tuổi với ông, bà cũng lùn mập và gân guốc như ông, đầu còn to hơn, nhưng nét người rõ rệt hơn. Người đàn bà này, tóc buộc băng, mặc một loại quần áo đồng phục. Vì bà cũng là tướng, tổng chỉ huy Đội nữ binh Hòa Hảo; bà đến mời tôi đi duyệt binh.

Trên khoảng đất nện rộng lớn, khoảng một trăm cô gái mặc quần áo đen, những người hoang dã trẻ đẹp bồng súng chào - giáo, dao bầu, mã tấu, búa, tất cả những dụng cụ dùng để chém giết. Sau những động tác nghi thức ấy, các cô hét, vung vẩy, làm như hạ gục quân địch và cắt đầu chúng.

Bà Lê Thị Ngoan rất hài lòng, giải thích với tôi:

- Các nữ binh của tôi thường chiến đấu luôn; họ đã giết được nhiều Việt Minh. Nhưng dù có chiến công, họ vẫn rất ngoan. Rất trong trắng. Tôi chú trọng đến đạo đức của họ.

Một sĩ quan liên lạc Pháp nghe thế, nghĩ nên nói cụ thể với tôi:

- Các nạn nhân duy nhất của các cô ấy trước đây là những tù binh Pháp mà các cô chém thành khúc vì các cô là đội hành quyết. Nhưng đấy là những chuyện cũ, quên đi thì hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2017, 10:54:29 pm »


Sau cuộc liên minh của Hòa Hảo, bà Lê Thị Ngoan đòi chúng tôi cung cấp tiểu liên cho quân của bà. Người ta cho họ. Việt Minh bị số vũ khí ấy hấp dẫn đêm sau đó tấn công bốt họ được giao bảo vệ. Họ chỉ kịp bỏ chạy theo một cánh cửa bí mật.

Bây giờ đội nữ binh Hòa Hảo sử dụng lại trang bị cũ từng mảnh. Họ dùng để đi diễu binh và cũng đi trừng phạt những bà vợ lẽ của viên tướng. Dưới sự chỉ đạo của bà Lê Thị Ngoan, họ vạch mặt những bà này, treo lên và đốt một ít nhưng không làm trọn vẹn. Năm Lửa không cho làm việc đó.

Tôi được biết ông tướng và bà tướng là một đôi hợp ý nhau. Năm Lửa không chống đối khi bà vợ cho ném lựu đạn hạ sát đại tá tham mưu trưởng của ông - hành động này gây ra một phản ứng kéo theo một loạt giết chóc trong những vùng quân lính Hòa Hảo.

- Trong nhiều tuần, sĩ quan liên lạc nói với tôi, tôi không dám đến văn phòng thứ nhất, hai, ba và bốn mà trong quá trình khai hóa, quân đội Hòa Hảo dựng nên theo kiểu Pháp. Mọi phòng đều có gài bẫy, cả ở đồ đạc nên người ta khi ngồi xuống có nguy cơ bị nổ tung.

Thực tế đại tá tham mưu trưởng không “lương thiện”. Ông ta muốn làm những phi vụ mà không chia phần cho Lê Thị Ngoan, một tội không tha thứ được và phải bị trừng phạt.

Trong những vấn đề quan trọng, Năm Lửa bao giờ cũng theo Lê Thị Ngoan. Chính bà là bộ trưởng tài chính của ông. Sự tham lam và tài xoay xở của bà không tưởng tượng được.

Từ khi Hoà Hảo rời bỏ đầm lầy về bố trí trong các bốt nhân danh những nhân vật được biết đến, họ lao vào làm giàu với sự tàn bạo vui thích của những “kẻ dã man” không bao giờ thỏa mãn. Họ bắt tay làm mọi việc. Nhưng không ai bằng được bà Lê Thị Ngoan. Bà có các khoản thuế -buộc phải trả - không tính đến những sự hùn vốn đặc biệt, những vụ tống tiền và đốt phá của bà. Bà tham gia vào những công ty mua bán ô tô, vào việc vận tải đường thuỷ, khai thác gỗ, thậm chí không cần bỏ vốn vì biết “thuyết phục” một số nhà giàu đầu tư cho bà không nói đến tiền lãi. Nhất là bà độc chiếm lĩnh vực kinh doanh lúa gạo. Vùng hoạt động của chồng bà là vùng sản xuất lúa rộng lớn nhất Đông Dương nên người đàn bà tồi tệ và độc ác này nắm trong tay tất cả vận mệnh cuộc chiến tranh kinh tế chống Việt Minh.

Trong mấy tháng viên tướng và vợ trở nên rất giàu, thành các tỷ phú. Năm Lửa mua những máy lạnh để than và xe hơi Mỹ, nghỉ ngơi thoải mái với vệ sĩ là những vũ khí sống. Bà Lê Thị Ngoan người phủ đầy kim cương.

Thế nhưng việc mua bán hoan hỉ nhất của Hòa Hảo là một chiếc thủy phi cơ nhỏ của một công ty Pháp muốn trút bỏ vì sợ không an toàn. Vậy là Năm Lửa mua với giá bằng vàng và thuê một đội bay phiêu lưu Pháp với những khoản tiền vô cùng lớn. Chiếc máy bay được trịnh trọng khai trương trước toàn thể nhân dân Cần Thơ tập hợp trên bờ sông Mékong. Những sứ giả đặc biệt triệu tập họ. Mỗi người đứng xem vung vẩy một lá cờ màu đỏ hơi tím. Phi công đã cảnh báo “Không quá hai hành khách.” Nhưng Năm Lửa không thể nghiêm chỉnh bỏ lại tay chân thân tín trong một sự kiện vinh quang như thế và chiếc thuyền theo cờ cập đến thuỷ phi cơ cắm neo giữa sông chở năm người, viên tướng và bốn người có chức quyền của Hòa Hảo. Tất cả dồn lên, chiếc máy bay nọ khởi động nhưng không cất cánh được. Chiếc thuyền trở vào bờ mang theo một người. Lần thử thứ hai và một người nữa ra. Lần thứ ba, một người nữa rút lui. Chỉ đến lần thứ tư chiếc thủy phi cơ treo cờ Hòa Hảo, đầy dây hoa mới bay lên giữa niềm say sưa của đám đông. Nhưng trên đấy chỉ còn Năm Lửa và sĩ quan tùy tùng, cả hai nhục nhã mặc dù tầm cỡ lớn của màn kịch, xác định do sự thiếu nhiệt tình của người lái, nghĩ rằng khi trở xuống đất sẽ trừng trị anh này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2017, 10:55:03 pm »


Những ngày tiếp đó đi khắp vùng đất Hòa Hảo, tôi nhận thấy người Pháp chỉ khai hóa bề ngoài. Mặc dù những món nợ giáo phái vay người Pháp - các đồn bốt, lễ tiết nhà binh, việc chào cờ, bệnh viện, nơi quân lính tập dượt không mệt mỏi đánh trống thổi kèn, cái cơ bản vẫn nguyên vẹn. Bên dưới vẫn là chất men vô chính phủ, máu và dâm đãng. Đúng, có một trật tự Hòa Hảo - Việt Minh bị đẩy lùi mấy tháng ra khỏi vùng này. Cũng có một lối xử Hòa Hảo, cha chú nhưng cương quyết. Đao phủ một tay nắm tóc của tội phạm và tay kia phạt một nhát gươm vào cổ. Tội phạm là bất cứ người nào bất bình.

Trật tự và lối xử phạt ấy dù sao cũng rất đặc biệt, làm đảo lộn những quan niệm buôn bán tuy rộng rãi của các thương gia Trung Hoa. Nguyên tắc của bề trên là trả không cau có tất cả những khoản tiền bất cứ một chính quyền vũ trang nào có thể đòi hỏi dù không bù đủ giá thành. Nhưng người Trung Hoa than phiền những đòi hỏi của Hòa Hảo quá lớn đến mức sẽ thủ tiêu thể lệ hiện hành của thương trường vốn tồn tại hàng nghìn năm nay. Còn người Pháp đã từ lâu không thể khôi phục lại nguồn điện: quân lính Hòa Hảo ăn cắp dây khi người ta vừa đặt để rồi hôm sau bán lại cho các kỹ sư chán nản của sở Công chính.

Những người Hòa Hảo mà từ nay người Pháp có, không phải một quân đội. Theo cách nói của người Annam, đấy là “một con rắn không đầu”. Chỉ là những công ty lớn và chủ của họ. Đất đai của Hòa Hảo không thống nhất. Một lẫn lộn vùng và tiểu vùng bên cạnh nhau mà mỗi chỉ huy làm chủ vùng của mình. Một khi rũ bỏ được Việt Minh, quân Hòa Hảo lại lao vào cuộc chiến du kích giữa họ với nhau.

Người Pháp vốn ưa chuộng Năm Lửa, muốn tạo mọi điều kiện cho ông ta và muốn đưa lên thành chủ soái chung. Vì vậy những trưởng băng nhóm khác giận dữ, nổi dậy và tuyên bố ly khai.

Lâm Tấn Nguyên đặc biệt tức tối. Ông ta lai Trung Hoa, cao lớn, bóng bẩy và mạnh không tưởng được, là một kẻ chém đầu không đếm xuể. Uy tín của ông ta vừa bị Việt Minh trói chân tay, buộc đá ném xuống sông Mékong và tái hiện bất tử sau mấy ngày ở lễ tang đồng bọn tổ chức tưởng niệm. Ghê gớm hơn nữa là Ba Cụt, có thể làm tất cả. Tên ông ta có nghĩa “ngón tay bị chặt đứt”. Trước kia đứng trước quân lính mình ông ta dùng búa chặt đứt ngón tay trỏ, thề chặt cổ tất cả những “tên thực dân” như thế.

Trong lúc Năm Lửa thỏa hiệp với người Pháp, có những tiếng đồn lạ lùng trong dân chúng Hòa Hảo. Thánh sống đã xuất hiện trở lại, chờ quân lính thiện chiến của người trong vùng Bảy Núi. Một biệt động Hòa Hảo giết luôn mười bốn thầy dạy người Pháp để chạy nhanh đến chỗ hẹn. Nhưng trong vùng Bảy Núi chỉ có Lâm Tấn Nguyên trước đây có quan hệ với bố Thánh sống, một giáo trưởng đồng tính luyến ái, là sợi dây linh hồn của con trai mình. Người lai Trung Hoa với Giáo trưởng cùng đi, tuyên bố với những người mới đến: “Thánh sống không xuất hiện lại vì các người nhiều tội lỗi. Hãy sám hối đi. Rời bỏ Năm Lửa đã phản bội lòng tin khi liên minh với người Pháp”. Mấy ngày sau Lâm Tấn Nguyên ký một thoả thuận với chính những người Pháp ấy, chấp nhận cho ông ta cấp bậc đại tá và vùng đất Châu Đốc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2017, 10:55:29 pm »


Đến lượt Ba Cụt nổi dậy. Đội quân viễn chinh vừa cho ông ta tiền và vũ khí, vậy là không cần đến họ nữa. Ông phải chấp nhận quân lê dương nắm người của ông. Điều kiện ấy gây phiền phức cho ông. Một hôm sau một đợt cùng nhau đi tấn công trở về, một số lính Pháp mệt mỏi ngủ say trong thuyền: họ bị cắt cổ và không dậy nữa. Vậy là Ba Cụt có mọi thứ trong tay, trở lại cuộc sống tự do. Ông ta có phương tiện và nguồn cung cấp cho phép đánh nhau nhiều tháng - chống lại Năm Lửa và người Pháp, Việt Minh, Cao Đài, vì tất cả đều là thù địch của ông. Sau những chiến thắng và thất bại, nguồn lực cạn kiệt, ông ta lại được cung cấp, tỏ ra hối lỗi. Được chấp nhận ông lại được cung cấp và chuồn. Trong năm năm Ba Cụt quy thuận năm lần và năm lần ly khai liên tiếp, mỗi lần cũng một quy trình ấy, giết một số lính của Đội quân viễn chinh.

Tuy vậy, người Pháp hài lòng về Hòa Hảo. Có và có cho đến cuối cùng, những sự bất hoà. Hòa Hảo ám sát một ít người Pháp, người Pháp tước vũ khí một số Hòa Hảo; Nhưng sau đó họ dàn hòa, dạt dào “tình bạn bất diệt Pháp - Hòa Hảo”. Họ trở thành những người bạn tốt, bạn tốt thực sự. Năm Lửa và đồng bọn, (có lẽ trừ Ba Cụt) thích cuộc sống đầy đủ của liên minh thực dân. Năm Lửa tự tu chính, càng ngày càng ra vẻ một quân nhân hào hoa, bôi sáp bộ ria mép và xuất hiện rất tư thế ở những buổi lễ chính thức ở Sài Gòn. Đấy là một cột trụ của mình, và khi tiếp một tướng hay đại tá Đội quân viễn chinh, chính bà Lê Thị Ngoan tự làm đầu bếp. Năm Lửa ngồi trong chiếc trạm khách đồ sộ, một lâu đài hoàn toàn kỳ cục do ông đặt làm. Một đám đông đầy tớ, chủ hầu, vợ lẽ chen chúc ở tầng trệt. Viên tướng thích thú nhất làm cho khách mời xác nhận mỗi một trong bốn mươi phòng của ông ở tầng hai đều có phòng vệ sinh. Mỗi lần vào đấy đích thân ông không tự ngăn mình được kéo dây và xem trò xả nước. Ông ở đấy hàng giờ, cho là một sự tinh tế tột đỉnh. Qui trình Phương Đông đã kết thúc. Anh dân quê khốn khổ trở thành một chúa tể chiến tranh đàng hoàng. Chính lúc này ông lấy tên gọi cao quý hơn nhiều là tướng Suối.

Dĩ nhiên có một số chi tiết phiền phức. Một lần hai vị chức sắc của giáo phái đi Sài Gòn trên chiếc xe đẹp của họ, rút súng ngắn ra giết hết những người trong một chiếc xe bình thường vì không dẹp chỗ nhanh. Tình cờ một biên bản lên đến những người Pháp đại diện. Hòa Hảo cho việc đó lăng nhục họ và câu chuyện bị xếp lại. Bao nhiêu vụ việc loại ấy! Nói chung các cấp chính quyền không biết gì và cố gắng không biết. Vì Hòa Hảo tự khai hóa là một giáo điều. Thực tế họ “thối rữa”. Điều người ta có thể gọi sự trong trắng của họ - lòng tin cuồng nhiệt - mất đi. Cái tốt và cái xấu quá khích của sự huyền bí thay vì tự thanh lọc, cùng tồn tại lẫn lộn càng ngày càng tư sản hóa hơn, sự lẫn lộn của những kẻ mới giàu hãnh tiến. Hòa Hảo trở thành những người hoang dã rất xa xỉ.

Ngược lại, quan niệm đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu - của những người Thiên Chúa giáo - có một giá trị càng ngày càng tích cực ở những người Annam khác, những người Việt Minh. Đối với họ con người thay vì để mặc theo bản chất và xu hướng, phải tự hoàn thiện mình liên tục qua một cuộc đấu tranh thường xuyên và quyết liệt với bản thân mình. Không phải đến Thiên đường bằng sự gia ân mà phải xứng đáng hơn, có phẩm chất và hiệu quả hơn để phục vụ nhân dân. Mỗi người phải vượt lên chính mình. Chính trong cuộc đấu tranh nội tâm này Nguyễn Bình dẫn dắt thật quyết liệt: ông buộc hàng triệu người phải trở nên hoàn hảo, ông tự buộc mình phải hoàn hảo. Nhưng trong cuộc chiến vượt sức người này, ông đi vào cạm bẫy kiêu ngạo cá nhân mà không biết. Tôi sẽ kể về chiến thắng và về bi kịch của ông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2017, 11:48:57 am »


Người anh hùng của cuộc kháng chiến

Năm 1948 ở Nam Kỳ người Pháp tập trung một sức mạnh rất lớn. Họ có vũ khí, những tiểu đoàn tấn công lùng sục những căn cứ Việt Minh không mệt mỏi. Họ có khối lượng người lớn dựa vào lính nguỵ và các giáo phái mua chuộc được. Họ chiếm đóng đất nước, phu khắp Nam Kỳ những công trình quân sự và đồn bốt. Họ có đồng bạc Đông Dương cho phép mua Cao Đài, Hoà Hảo và dùng làm mồi nhử, cố bẻ gãy những Việt Minh khác. Nhờ vào đồng bạc họ trả lương cho cả một thế giới chỉ điểm, cảnh sát, những kẻ hợp tác, lập các chính quyền, hội đồng và những cơ quan ủng hộ Pháp. Họ bố trí tăng cường vũ khí, thịnh vượng kinh tế, hàng hoá đầy ắp, sinh lợi cho mọi người. Người Pháp có tất cả, các phương tiện vô bờ ấy nhưng hầu như không tiến triển được vì một người không ai biết đến và sau khi làm tất cả cho Việt Minh, qua mấy năm đã bị ám sát.

Con người ấy là Nguyễn Bình. Người ta hầu như không biết gì về cuộc đời ông nhưng rất đơn giản. Đấy là cuộc đời một người cách mạng chuyên nghiệp, một người trưởng thành trong cách mạng. Từ thời trẻ ông đã là một người không chịu phục tùng, người của những âm mưu, của những sổ đen bị mật thám săn đuổi. Ông được đào tạo trong thử thách. Thay vì đấu tranh như bao nhiêu người khác, chịu bó tay, ông trở thành sắt thép, sẵn sàng cho những cơ hội lớn của lịch sử. Ông có mục đích kiên định lạ kỳ.

Dấu vết đầu tiên ông để lại là thấp kém, làm thợ giặt là trên một con tàu hàng hải. Sau đó, lúc hai mươi tuổi ông là người thanh niên bị buộc tội âm mưu lật đổ trước Toà Đại hình Sài Gòn. Xung quanh ông những bóng đen, đỏ của toà án thực dân. Trong năm ấy ông bị đày ở Côn Đảo, hòn đảo trừng phạt ở ngoài khơi Nam Kỳ, nhưng đoàn tù chèo thuyền ấy là nơi gặp gỡ của tất cả những người dân tộc. Nguyễn Bình học ở các đàn anh sự cần thiết phải căm thù, lạnh lùng trong quyết định, tất cả những kỹ thuật phải sử dụng. Điều ở ông mới chỉ là khát vọng trở thành một khuynh hướng vững vàng. Vừa được thả ra năm 1934 ông rời bỏ Đông Dương giữa cuộc đàn áp mạnh trở lại dưới ách hèn nhát và chấp nhận.

Ông đi khắp nơi, đến chỗ có thể học được về một nghề mới khuấy động, lúc đầu đến Trung Quốc, Quảng Đông, trường Hoàng Phố, nơi Quốc dân đảng còn nhiệt tình, đào tạo mọi người nổi dậy ở Châu Á. Nhưng những năm lưu vong kéo dài và chế độ Tưởng Giới Thạch sụp đổ trong thế chiến không dứt. Nguyễn Bình đi tìm những ông thầy mới. Đã đến lúc ông sang Moscow nhưng không gia nhập Đảng.

Năm 1945, với một lời đơn giản của Hồ Chí Minh, một người cử từ Bắc Kỳ vào Nam Kỳ để tổ chức cuộc chiến tranh chống Pháp. Đấy là Nguyễn Bình. Ở miền Nam không ai biết rõ ông. Người ta chỉ biết ông đầy quyền lực và không phải cộng sản.

Tôi đã thấy bức ảnh úa vàng của Nguyễn Bình thời kỳ ấy, nhặt được trong một sở chỉ huy đã rút bỏ. Đấy là một người vẻ ngoài tầm thường, thân hình mập lùn, đầu vuông của những người bình dân. Ông đội một chiếc mũ thực dân.

Những người Annam như vậy có hàng nghìn trên đường phố Sài Gòn. Những chi tiết đặc biệt chỉ là đôi kính đen và một khẩu súng Colt.

Thế nhưng chính Nguyễn Bình ấy, một mình xây dựng cuộc kháng chiến miền Nam, đã sáng tạo cuộc chiến tranh du kích giết người không dập tắt nổi, trên đồng ruộng và trong rừng rậm Nam Kỳ. Những vị tướng khác, bắc đầu từ ông Giáp chỉ là những vòng quay. Nguyễn Bình là Chúa tể, là Chiến binh, nhất là Con người.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM