Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:55:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84941 lần)
0 Thành viên và 4 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2017, 06:07:14 pm »


Cực điểm ở Nam Kỳ

Đất đai không đáng kể mấy. Trước hết người ta đánh nhau vì những diện tích hạn chế - những nơi đông dân, nhiều của cải, những thành phố, và lúa gạo trở nên rất quý mà người Việt nói mỗi hạt thóc là một giọt máu.

Nhưng cả những nơi đông dân cư ấy - lưu vực sông Hồng, bờ biển Annam, xứ Nam Kỳ, cường độ cuộc chiến thay đổi đáng kinh ngạc.

Hà Nội và châu thổ Bắc Kỳ có vẻ bình ổn, như vĩnh viễn rã rời vì những bi kịch năm 1946. Ở thành phố nhân dân không trở về bao trùm một tình trạng hoà hoãn vắng lặng, ở nông thôn, nông dân trốn tránh xa đường sá. Tất cả đều bỏ ngỏ.

Ở những thành phố bị đập phá, đổ nát hư hỏng trở nên xơ xác hơn. Chỉ thỉnh thoảng có một quán rượu mới, ở đó vang ra tiếng kêu của bà chủ gái điếm, giọng mũi của một chiếc máy hát và tiếng cười của binh lính. Hà Nội trống trải, im lặng như thành phố chết.

Ngoài các đô thị đượm nỗi u ám, chỉ còn nước và đất trống! Hà Nội hoàn toàn vắng lặng. Ở vùng châu thổ đông dân cư này có khi một cây số vuông hàng nghìn người, hầu như không còn dân nữa. Dân quê đi ẩn náu, cố để bị quên lãng, hy vọng không bị tai nạn vì chiến tranh.

Thực ra hầu như không còn đánh nhau. Đất nước bị phân chia như theo một thoả thuận ngầm. Phần người Pháp các thành phố và các trục đường. Việt Minh là các làng xóm và đồng ruộng. Cuộc chiến, đối đầu, tranh đua giảm xuống mức tối thiểu. Đấy là quyền lợi của các đối thủ.

Quân số dự bị của Đội quân viễn chinh được đưa ra trên đường số 4. Không còn quân để chiếm toàn vùng châu thổ. Người Pháp không quan tâm đến phần còn lại: nó nghèo quá! Hơn một triệu người chết đói năm 1946 khi gạo của Nam Kỳ không đưa tới. Việt Minh rút ra từ nạn đói và khổ sở này lợi thế gì?

Vậy là người ta cử đến Bắc Kỳ những viên chức và sĩ quan kém nhất. Trong bộ khung Hà Nội họ sống theo tập tục một nhiệm sở trì trệ và một khu đồn trú không mấy uy nghi. Ủy viên cộng hòa có chiếc trán đồ sộ, xương to, giọng nói như sấm. Viên tướng là một người đẹp trai kiêu ngạo, giàu có. Chính quyền và Quân đội ghét nhau. Trong những ngôi nhà bẩn, sửa chữa tạm thời, các văn phòng áp dụng những quy định cũ như chưa bao giờ xảy ra việc gì.

Việt Minh tránh đánh thức người Pháp dậy, không tấn công Đội quân viễn chinh. Họ khai thác cái không khai thác được vùng châu thổ đất bạc màu, nông dân gầy yếu, nơi quá nhiều người nên không đủ ăn. Và họ thu được kết quả nhờ kỷ luật cộng sản, với phương pháp phân mức, phong trào thi đua, đóng thuế yêu nước. Nhưng để thành công tối đa họ cần yên ổn. Chỉ thị của Đảng là để yên cho Đội quân viễn chinh để mình cũng được yên.

Hai bên đều tự kiềm chế. Không có lựu đạn ném trong làng, không phục kích trên đường nhưng quân lính Pháp đi trên bờ ruộng, không vào làng. Việc vi phạm luật lệ ấy rất hiếm, sẽ bị cảnh cáo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2017, 06:20:22 pm »


Chiến tranh chỉ thực sự bắt đầu ở phía nam, trên bờ biển dài dằng dặc miền Trung. Một chiến trường kỳ lạ. Dãy núi đổ xuống biển nhiệt đới trên những vành cát, đầm phá và đá ngầm. Không có ranh giới giữa nước ruộng đục ngầu và đại dương. Thảng hoặc có một vùng đồng bằng hẹp hoặc một thành phố.

Trong khu vực vừa dưới nước vừa trên cạn ấy kéo dài hơn một nghìn cây số, dưới chân dốc đứng của dãy Trường Sơn, những trận đánh nhau trở nên quyết liệt. Lực lượng tham chiến quan trọng. Nhưng cho đến tháng cuối năm 1954 người ta hầu như chưa bao giờ nói đến những trận đổ máu ấy - không có kết quả quyết định, không thể có vì đất nước bị chia cắt từng mảng một. Chỉ là những trận phục kích ở địa đầu bờ biển, bao giờ cũng thế, lặp lại vô tận. Xứ Annam không có giá trị, không có mục tiêu lớn; người ta bắn giết nhau ở đấy, co cụm lại mà không muốn nói đến.

Cực điểm là ở đầu kia Đông Dương, tại Nam Kỳ. Người ta thấy ở đây tất cả sự quyết liệt của Kháng chiến, tất cả sự cứng rắn của chế độ thuộc địa. Đây là hai lực lượng dữ dội, bám chặt nhau trong một cuộc đấu sống chết. Điều họ giành giật là của cải, là cuộc sống.

Tôi đã biết xứ Nam Kỳ phì nhiêu ấy, đồng ruộng bao la, những đồn điền và con người! Cuộc sống dưới rặng dừa và mặt trời gió mùa thật dồi dào. Dân quê ăn no mà không vất vả - ở đấy sản xuất khá nhiều lúa gạo, xuất cảng gần hai triệu tấn.

Tôi biết như mọi người, bên nào mất địa đàng ấy là hết thời. Năm 1948 chính Nam Kỳ là nơi quyết định. Vật cược là ở đấy, chiến tranh là ở đấy - một cuộc chiến tranh kinh tế vì lúa gạo, cao su và đồng bạc.

Vì vậy người Pháp cố gắng ghê gớm. Họ muốn thanh toán cuộc kháng chiến miền Nam. Không có xứ sở này Hồ Chí Minh sẽ đổ sụp trong “tứ giác” của ông về phía bắc hơn mười lăm nghìn cây số, trần trụi và nghèo đói. Châu thổ Bắc Kỳ cung cấp cho ông tân binh, một ít gạo tiền nhưng tài trợ lớn và trang bị đầy đủ đến từ miền Nam. Thuyền buồm không ngớt chạy dọc bờ biển giữa tàu chiến Hải quân Pháp để đem đến cho ông những hòm tiền và những bao ngũ cốc.

Việt Minh của Nam Kỳ còn quyết liệt hơn. Đối với họ không những không thua mà phải thắng. Họ biết rõ không có Nam Kỳ, người Pháp không kiếm được tiền nữa, không còn quyền lợi kinh tế, sẽ không quan tâm đến Đông Dương và ra đi.

Cuộc chiến này vừa tẻ nhạt vừa kịch tính! Cũng như mọi cuộc chiến tranh không có những trận đánh lớn, không quân đội dàn trận, không những đòn đánh khiếp đảm. Và đồng thời, hơn hẳn cuộc chiến tranh thực sự, đấy là một cuộc phiêu lưu.

Người ta thấy gì ở đấy? Chính quyền thực dân Pháp tiếp tục ở Sài Gòn như không có gì xảy ra. Nhưng Sài Gòn có hai mặt: mặt tốt người ta trông thấy che giấu khắp nơi cái không nêu tên, cái khó thăm dò.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2017, 06:21:04 pm »


Ở đấy tất cả đều có. Có Sài Gòn văn minh, câu lạc bộ thể thao tuyệt vời với bể bơi thường xuyên có những cô gái có giáo dục của các đô đốc hải quân và tướng lĩnh, bơi lội. Có những tên đào ngũ và tín đồ các giáo phái cuồng tín và ngu độn. Có những nhà kinh doanh, đáng kính và sự thịnh vượng, có đồng bạc chúa tể và mọi buôn gian bán lận - mọi người sinh sống thoải mái trong khi cái chết đến bất cứ lúc nào. Khắp nơi có những đám đông tụ tập, đèn huỳnh quang, vui chơi; khắp nơi cũng có Việt Minh ngụy trang, không ngụy trang, những Việt Minh thật, Việt Minh giả, nửa thật nửa giả. Có những viên chức hình thức; có những kẻ giết người của mọi tổ chức - những cán bộ kháng chiến, của mọi phe phái, phòng nhì, cảnh sát, an ninh, của Cao uỷ Pháp, của Chính phủ Việt Nam. Những gia đình giàu đặc biệt có tay chân bảo vệ, các hội thương gia Hoa kiều cũng thế. Khi một nhân vật quan trọng hoặc không quan trọng bị giết người ta không bao giờ biết do ai - và khôn ngoan hơn là không tìm hiểu. Có Đội quân viễn chinh, những ban tham mưu khổng lồ, những tiểu đoàn đồn trú, quân lính được tuyển khắp thế giới, được trả lương hậu và những người chết của họ. Có những chế độ của phong kiến Trung cổ, các khoản thuế đánh vào tất cả mọi người, mọi luật lệ không thay đổi và trái ngược nhau mà dân quê phải gánh chịu.

Có lâu đài Norodom; ngày 14 tháng bảy có những đoàn diễu hành đẹp, khiêu vũ, tiệc rượu, hội chợ tráng lệ ở khách sạn Continental và trên đường Catinat, hòn ngọc “Paris” ở Viễn Đông. Có những người xích lô lo lắng, không biết mệt sẵn sàng làm mọi việc; vũ khí của họ là đôi dép đế gỗ. Có những người ăn mày và gái điếm Việt Nam trong những khu nhà tranh. Có đồng bạc Đông Dương trị giá mười bảy phrăng, nỗi ám ảnh “đổi tiền”, giao dịch ở sở Hối đoái và có giờ khai vị. Có những cuộc mua bán gạo, cao su. Có những bộ trưởng Việt Nam lợi dụng tình hình chơi trò bốn, năm mặt và bao giờ cũng bố trí một bà để thắng to trong mua bán. Có những lễ nghi Phương Đông, những bữa tiệc tưới rượu của người Trung Hoa, những gái gọi nổi tiếng mặc áo dài xẻ sườn, “Thế giới cao sang” và những bệnh nhân hủi không được chữa chạy sống trong nghĩa địa, đào ổ nằm giữa các ngôi mộ. Ngôi nhà thờ lợp ngói luôn sừng sững bên cạnh những ngôi nhà của sở An ninh mà cảnh sát suốt ngày đêm “tra khảo” phạm nhân.

Ở biệt thự Pagode, phòng trà hào hoa, trưởng các văn phòng đặc biệt, một đại tá, mời các nhân vật tên tuổi đến khu vườn có nhiều cây lạ ở biệt thự rất đẹp của ông xem hoa nở lúc nửa đêm - đúng sau những cốc whisky cuối cùng khi đồng hồ đánh mười hai tiếng thì hoa xòa cánh. Việc săn lùng đồng bạc Đông Dương bao giờ cũng cuồng nhiệt, lôi cuốn những vụ bê bối ngột ngạt và những qui luật máu trong tính toán.

Những người đảo Corse đưa từ Marsaille sang những gái đĩ da trắng. Một số đi với các tỷ phú Trung Hoa. Tôi đã nghe một cô trong số đó kêu lên: “Không sao cả. Tay Trung Hoa rất phấn khởi! Hắn làm xong trong một phút và cho năm nghìn đồng bạc Đông Dương.” Theo một quy định mới những quán hút thuốc phiện lấy tên là “trạm xá giải độc”.

Nguyễn Bình, người đứng đầu Việt Minh Nam Bộ, đến Sài Gòn trước râu mọi nhân viên cảnh sát. Bảy Viễn, “thủ lĩnh” băng nhóm Bình Xuyên, chơi hào hiệp với các bà vợ, với những con hổ và trăn trong tổng hành dinh ở cầu chữ Y. “Cũng có “giáo chủ” Phạm Công Tắc bao giờ cũng đội mũ có hình thêu ren quả sồi và “tướng” Sổ một sao. Trong các bệnh viện Việt Nam, người ta xếp ba người trên cùng một tấm ván, y tá bán mọi thứ, cả những cốc nước. Một người bị phẫu thuật chết đói ở đấy vì không có mấy xu mua cơm. Hè đến, vào mùa khô, những đám cháy lớn thiêu trụi có khi toàn bộ khu phố. Những điền chủ giàu có tàn ác cho phóng lửa vào những đợt kết thúc đầu cơ - đuổi những dân quê nghèo khổ tự xây dựng những “phố lau sậy”, khu dân nghèo ở Châu Á. Các bà vợ bộ trưởng và viên chức cao cấp đến phân phát bánh mì, thịt cho những người bị nạn. Đấy là tất cả những gì người ta làm cho họ. Thậm chí những kẻ đốt nhà cũng không bị truy lùng.

Có phần thưởng cho việc tố cáo. Những tên chỉ điểm mua bán, trao đổi thông tin. Hầu như luôn luôn là những tin sai; tin đúng quá nguy hiểm và dẫn đến những phức tạp được trả công bằng dao hoặc tiểu liên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2017, 06:21:50 pm »


Tất cả đều bí hiểm, đều để mua bán. Mỗi quan chức Pháp được tặng thưởng, bảo vệ, không bị nghi ngờ. Quyền doanh thương thiêng liêng. Người ta làm giàu ghê gớm. Nhưng người thương gia trung thực làm sao có thể nghĩ rằng hàng hóa mình bán đi vào vòng xoáy Việt Minh? Chính người Trung Hoa phụ trách tiếp xúc với khách hàng da vàng và họ không bao giờ để lộ ra.

Có Sài Gòn và vùng đất không người ở cửa ngõ Sài Gòn. Cách thành phố mấy cây số ở đồng bằng Tháp Mười ông Nguyễn Bình đáng sợ xây dựng các tiểu đoàn tình nguyện. Trên những con đường thuộc địa rộng đẹp hàng ngày nối đuôi nhau không dứt những chiếc “xe Trung Hoa” đầy ắp hàng hóa và hàng nhân đạo người ta không biết đi đâu. Việc đi lại trong vùng Việt Minh dày đặc trên đường Pháp đặt cách quãng nhau những bốt và tháp canh.

Trong những thành phố nhỏ còn lại vài “quan cai trị” người Pháp. Những người trẻ nhất đam mê giết người Việt. Những người già, ghét cay ghét đắng tất cả sự lộn xộn ấy, luyến tiếc thời xưa. Một trong số họ, trong vùng lửa đạn cả buổi sáng dạo trên những con đường tỉnh lỵ của ông để tin chắc công nhân quét rác đã nhặt hết lá rụng. Ngày càng nhiều tỉnh trưởng người Việt Nam. Phần đông khôn ngoan không bước chân ra khỏi nhiệm sở, ngôi “nhà Pháp” đẹp đẽ được chuyển lại cho họ nhưng thường thường họ biến thành nơi đánh bạc.

Ở các đồn điền người ta tiếp tục “cạo mủ” cao su giữa trận chiến du kích và chống du kích. Tuy nhiên, năm mươi người Pháp, những trợ lý trẻ cũng bị sát thương. Nhưng việc sản xuất vẫn tiến hành và việc mua bán cao su thật béo bở.

Nam Kỳ có tất cả những cái đó - và nhiều cái khác nữa. Người ta giết nhau, tra tấn nhau và sống bên nhau, sống với nhau. Người ta cùng nhau buôn bán và làm mọi cách để hủy diệt nhau. Đấy là sự cân bằng trong tính chất kỳ dị, tàn ác, phản bội, và tất cả những mánh khóe phản bội. Chưa bao giờ biết bao nhiêu trong sạch lại lẫn lộn với biết bao nhiêu vẩn đục như thế!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2017, 06:22:58 pm »


Liên minh các phe phái

Người Pháp tổ chức tấn công. Gần như toàn bộ Đội quân viễn chinh đóng ở Nam Kỳ dành để làm việc ấy. Không phải một cuộc tấn công chính thức mà là lao động công cộng.

Người phát minh ra điều đó là tướng de Latour, một người dân Sahara. Có vẻ như thời gian còn dài, tại sao người ta không kiểm soát các nguồn nước. Ông biết Việt Minh cũng lỏng như nước, ở khắp nơi: đất là một chất xốp.

Người ta không tìm cách bắt Việt Minh, không nắm bắt được họ. Trước hết phải đẩy họ ra xa hơn như dồn nước. Người ta giải phóng đất đai từng mét một, với những phương tiện khổng lồ không tương ứng với số lượng và sức lực của du kích. Người ta chế ngự đất, quy tụ vào một bộ máy.

Công việc bình định xúc tiến với một bề ngoài kỳ lạ, làm nhớ lại thời Trung cổ. Người ta đặt ra trong thiên nhiên đủ thứ như những lâu đài phòng thủ và vọng lâu. Có nhiều đến nỗi chính quân địch ở bên ngoài, giữa không gian, bị ngột ngạt lùi ra xa để sống và thở. Nhưng thật nghịch lý, vượt qua các thế kỷ, vùng chiếm lại được cũng giống như một giếng dầu. Đủ loại siêu kiến trúc sẵn sàng khoan đất chỉ là để bảo vệ: một rừng nhân tạo những đài quan sát và tháp canh.

Việc lấn chiếm làm trong ba thời kỳ. Trong đợt “đẩy lui” những tiểu đoàn Pháp tấn công đuổi quân chính quy và phá huỷ căn cứ của họ. Rồi người ta đặt một bộ “giáp sắt”, xây dựng phía trước, trên biên giới mới, một vành đai những công trình lớn của Pháp - những đồn bốt vĩnh viễn có viên đội và lính ngụy. Cuối cùng bên trong là những công sự nhỏ và cảnh sát người địa phương để tự vệ, nhằm bảo đảm vùng đã giải phóng.

Ở giai đoạn này dân chúng được xem là có khả năng tự bảo vệ mình chống lại những người Việt cuối cùng. Họ phải xây dựng cảnh sát cho mình, về nguyên tắc không còn sự hiện diện của người Âu, thậm chí không còn một ông đội già đã vỡ mộng ban đêm “bắn vào bụi tre”. Từ nay là chế độ những hương chức trịnh trọng và lính của họ, nhỏ nhoi trong bộ soóc, ra dáng với chiếc mũ đội rất thích bồng súng chào.

Cách “chinh phục” xứ Nam Kỳ ấy trả giá một lớp người điên đòi hỏi những đám đông mặc đồng phục. Cách đó tạo ra một lớp dân chúng quân sự hóa bên trên dân thường: với một người dân phải có gần một người lính.

“Hệ thống” ấy vẫn không đủ. Việc đóng vách ngăn đất nước quân đội nghĩ là kín nhưng không. Sau một rạn nứt là rạn nứt khác và quân đỏ vẫn trở lại luôn. Mỗi lần như thế người ta tìm chỗ sai sót, bịt “lỗ” bằng một bốt nữa, thêm lính ngụy, thêm những chi tiêu mới. Cứ mỗi tiến bộ lại phải thêm nhân viên, kinh phí, phương tiện và rồi mọi thứ cạn kiệt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2017, 06:23:29 pm »


Đội quân viễn chinh chỉ là một giọt nước trong biển người Châu Á. Càng ngày nhu cầu dùng người da vàng càng trở thành không tin được. Không bao giờ đủ. Việc bình định Nam Kỳ đã hết mức, đến chỗ ngạt thở. Cách Sài Gòn năm cây số, những rừng dừa hai bên con đường lớn phía Nam bao giờ cũng là Việt Minh.

Trong tình trạng lúng túng ấy, tướng de Latour tìm ra một giải pháp: lôi kéo các phe phái, xúi họ đánh người Việt.

Con người hào hoa được đào tạo từ sa mạc ấy, viên sĩ quan cũ của Maroc ấy từng ít một khám phá ra Châu Á. Nhưng ông giữ lại của Châu Phi bài bản về nhiệm vụ khai hóa. Đấy là một trưởng giả quê mùa cưới một cô gái rất trẻ, con một viên tướng trạc tuổi ông, của thế giới ông. Hầu như mỗi năm ông sinh một đứa con gái, hy vọng sẽ có một đứa con trai thừa kế chức vụ của ông. Sự ngoan cố ấy cũng lớn gần như trong nghề nghiệp. Tóc vàng nhưng da màu nâu sáng, đôi mắt xanh giữa những nếp nhăn rắn rỏi, để ria mép, tóc cắt ngắn đã bạc, cường tráng, nhanh nhẹn nhưng sớm già, ông có vẻ duyên dáng với chiếc “quần ngắn bằng da”. Với nhiều cảm tính và xu hướng tốt, ông có những gợi ý ngắn, đơn giản, thực tế mà ông áp dụng với mưu mẹo nông dân. Những cái đó lẫn lộn đột ngột và khoan dung, với giọng trầm vang và đập tay thân mật là sự lôi cuốn đặc biệt những trưởng giả phục vụ nền Cộng hòa.

Dĩ nhiên ông thuộc về trường phái Lyautey. Vậy là ở Châu Á ông tìm các bộ tộc, các trưởng nhóm, những người thô lỗ và mạnh mẽ, trung thành với những ai họ thán phục - tầng lớp sĩ quan Pháp. Ông ký những bản thỏa thuận với các phe phái: họ cam kết chiến đấu bên cạnh Đội quân viễn chinh sẽ trả tiền và trang bị vũ khí cho họ. Hơn nữa người ta thừa nhận mỗi phe phái có một vùng độc chiếm, một mảnh đất của Nam Kỳ: ngoại ô Sài Gòn - Chợ Lớn cho Bảy Viễn và quân Bình Xuyên của ông ta, tỉnh Tây Ninh cho giáo phái Cao Đài, cửa sông Mékong cho Hòa Hảo.

Quan chức thực dân ở Sài Gòn rất mến tướng de Latour. Phong thái của ông làm họ yên tâm. Nhưng được biết những thương lượng của ông với các phe phái, họ vỡ mộng.

Phần lớn các quan chức của cơ quan thuế quan hầu như đêm nào cũng tụ tập ở sân thượng khách sạn Continental. Khí hậu tác động trái ngược nhau đối với họ, làm khô khốc những người này nhưng vỗ béo những người khác, trang bị cho họ chiếc “bụng thực dân” mang quần ngắn. Họ nói với tôi với sự giận dữ bất lực về kinh nghiệm không ai nghe cho:

- Ông tướng nghĩ điều đình với những bộ tộc trung thực. Nhưng các phe phái là những loại hội kín, những bộ máy thống trị ghê gớm và rất tỉ mỉ theo lối Châu Á, sự bịp bợm, ngu ngốc, khao khát quyền lực của họ không thể tưởng tượng nổi.

Khi các phe phái là Việt Minh nữa thì nỗi sợ hãi lan ra trong những người Pháp đến mức nào! Người ta kể cho tôi những câu chuyện kinh hoàng và đổ máu:

- Năm 1945 chính những người Cao Đài mặc đồng phục tàn sát người Pháp kinh khủng nhất. Những vụ bắn giết ấy được chuẩn bị có phương pháp. Người Nhật đã cung cấp vũ khí, đạn dược cho các “đội bay”, các tiểu đoàn của Giáo trưởng. Bí mật luồn vào thành phố, theo lệnh chỉ huy của các sĩ quan, rất kỷ luật họ giết hết người da trắng, phải tiếp tục cho đến khi không còn một ai sống sót. Vì những người lãnh đạo Cao Đài lạnh lùng tính toán chiến công của vụ tàn sát này sẽ làm toàn bộ Nam Kỳ rơi vào tay họ. Ông không thể tưởng tượng tham vọng của giáo phái này như thế nào và có thể đẩy họ đến mức nào đâu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2017, 06:24:34 pm »


Làm sao chấp nhận được bây giờ Cao Đài ủng hộ Pháp? Họ căm ghét chúng ta. Quân lính Leclere sau khi lấy lại Sài Gòn, đã đuổi theo họ đến Tòa thánh Tây Ninh của họ, xe gắn đại liên phá đổ tường, rồi làm một bãi để xe ở đấy. Sau này giáo phái ấy bắt chúng ta đền tội vì phạm thánh.

Còn lạ lùng hơn nữa là tin vào Bảy Viễn. Chính mùa hè năm 1945 ấy, khi Sài Gòn mất trật tự, ông ta đi đầu đoàn người của ông diễu hành trên các đường phố; đích thân vác một lá cờ xanh lá cây rất rộng thêu mấy chữ “Quân cướp Bình Xuyên”. Sau đó trong thành phố bao la, giữa nền “trật tự” Pháp, ông ta làm người thu thuế được Việt Minh chấp nhận. Ông ta thao túng quyền hành nhờ một hệ thống khác thường về ám sát, những sào huyệt bí mật, các kho vũ khí, các mối quan hệ trung gian, đồng loã, mật khẩu. Ông có mấy nghìn nhân viên - trinh sát, thừa hành, người thu góp. Ông biết hết, có thể làm tất cả, thu thập nhiều tỷ, cho giết những ai ông không vừa lòng. Những việc ấy mất hút, lẫn lộn trong đám đông mênh mông của Châu Á. Người Pháp không bao giờ phá huỷ được tổ chức có nhánh khắp nơi đó. Ký kết chính thức với ông ta thực ra là giao thành phố cho ông ta, để ông ta đốt phá! Thật xấu hổ!

Tuy thế, nhân dân Sài Gòn không hề nói đến Hòa Hảo. Họ không biết rõ lắm - vùng độc chiếm của phe phái này quá xa, bên kia sông Mékong về miền Tây phía Nam Kỳ, một vùng bao la đồng ruộng và đầm lầy chỉ có nước và bùn. Nhưng quân lính ở đấy trở về tả lại thì là một ác mộng cực độ.

- Thật như thú vật. Những người điên nhào đến trước đại liên của chúng tôi - họ ở trần và hét lên, vung mã tấu. Những kẻ điên cuồng ấy chạy ào tới, khinh thường làn đạn. Thánh sống của họ, Huỳnh Phú Sổ nói với họ các chiến binh tử trận thực ra không chết, họ sẽ sống lại và được ban thưởng.

Thế nhưng năm 1948, những phe phái ấy, kẻ địch sống còn của người Pháp với bàn tay tắm máu của họ, mang quần áo và lon của Pháp, chiến đấu bên cạnh người Pháp. Điều đó xảy ra sau những màn bi - hài kịch, những màn “trở về” đổ máu và kỳ cục. Có những dịp cần nắm bắt từng giây. Tướng de Latour đã chộp lấy.

Cao Đài, Bình Xuyên, Hòa Hảo đều ở trong mặt trận Việt Minh: Nhưng Xứ bộ Nam Bộ ngại và khinh thường họ quyết định thanh trừng họ, ra lệnh diệt các thủ lĩnh và sáp nhập những người sống sót vào cộng đồng đỏ. Đội quân viễn chinh nói chung muốn những kẻ địch của họ giết hại lẫn nhau; các đoàn tuần tra bắt gặp trên đường hàng nghìn xác chết thì hài lòng biết mấy! Nhưng Phòng Nhì lập luận: “Nếu họ thanh toán có kết quả, những người đỏ thực sự sẽ được củng cố, mạnh và nguy hiểm hơn thì sao? Vì sao không can thiệp, cứu và sử dụng các phe phái bị dồn đến đường cùng ấy? Thay vì giết chúng ta họ sẽ giúp chúng ta giết người Việt. Bản đồ chiến tranh ở Nam Kỳ sẽ thay đổi”.

Từ đấy các phe phái phục vụ quân sự như người Pháp mong đợi. Điều đó phải là bước đầu một cuộc liên minh kéo dài trong suốt cuộc chiến tranh Đông Dương, nhưng cuộc liên minh ra sao? Với họ, tướng de Latour phối hợp theo cách của Pháp với tầng lớp cơ sở xưa cũ nhất của Châu Á tái hiện trong thời kỳ hiện đại - sự lẫn lộn không giải thích được của một sự chống đối nhau, từ cổ xưa nhất đến tính toán bác học nhất, từ vô chính phủ đến một kỷ luật tàn bạo, từ vô sỉ tuyệt đối đến một chừng mừng nào đó không vụ lợi. Căm ghét tất cả, căm ghét nhau, sẵn sàng làm mọi việc để chiếm đoạt, lợi dụng nhiều hơn, từ nay họ gắn bó với Đội quân viễn chinh Pháp.

Các phe phái mới đây thôi, nhưng liên minh với họ người Pháp liên minh với quá khứ, với những gì người Việt Nam trung thực và hiện đại xấu hổ. Các bên thực hiện một chế độ phong kiến bẩn thỉu, một thế giới mua bán, khổ hình, nghi ngờ và phản bội, với khẩu súng là thành phố cơ bản. Sẽ là một sợi dây không dứt những bi kịch, đòi hỏi và tống tiền. Công cuộc bình định chỉ còn là bề ngoài.

Nam Kỳ trước hết bị chia cắt thành mảng. Giữa những đồn bốt Pháp hầu như bất lực, các đoàn Việt Minh đi lại những vùng của họ không bị đụng chạm gì. Ở những lãnh địa rộng lớn, Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên xây dựng nền chính trị thần quyền vũ trang gần như không đụng đến được.

Vấn đề Nam Kỳ sẽ không giải quyết được nữa. Khi Bảo Đại được đưa trở lại, vấn đề toàn vẹn của Việt Nam sẽ không còn. Việc này cũng sẽ quay về quá khứ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2017, 07:35:02 pm »


Đoàn người quy y

Mấy ngày sau tôi phát hiện ra mặt khác của đạo Cao Đài.

Tôi đi trên chiếc xe jeep với một trung uý Pháp, quận trưởng. Bỗng chân trời bị một vệt xám khu rừng cắt ngang. Người bạn đường bảo tôi:

- Chỗ này không tốt, khu vực của chi đội 6.

Xe chúng tôi đi vào giữa những cây cao su của một đồn điền bỏ phế. Con đường hẹp, những bụi cây bó chặt. Viên sĩ quan đi chậm lại ở đầu một đường vòng:

- Chúng ta tới ngay vùng phục kích. Ít nhất mỗi tuần có một lần. Hôm kia một đoàn tuần tra bị tiêu diệt nơi ấy và tôi đã đi nhặt xác.

Giữa vòm cây thấy một đám đông đáng sợ, tôi giật mình nhưng trung uý nói với tôi:

- Không phải Việt Minh mà là đoàn người Cao Đài. Chúng ta không gặp nguy hiểm gì nữa.

Chúng tôi vượt đoàn người mấy cây số. Đây là một cuộc di cư vừa cổ sơ vừa hiện đại một cách buồn cười. Châu Á truyền thống ở đây, đoàn xe vô tận rít lên theo nhịp đi chậm của những con bò vai u. Trên mỗi xe chất đầy như thường lệ người và đồ vật hư hỏng khốn khổ chấp nhận số phận. Theo lệnh tuyệt đối, trong im lặng nặng nề của đoàn người, người ta cảm thấy tất cả bị khống chế bởi một ý muốn cực mạnh, một sự thống trị không thương xót.

Trên đỉnh hình tháp lung lay chế ngự mỗi chiếc xe, một người đàn bà ngồi im giơ cao lá cờ vàng góc có một bánh xe răng cưa, biểu tượng của giáo phái Cao Đài. Người cầm cờ ngồi trên mớ lộn xộn của sự nghèo nàn - trẻ con, ông già, những bà mẹ cho con bú, những con lợn, chum vại, chiếu, mấy gói quần áo rách.

Viên trung uý thì thầm với tôi:

- Đây là đoàn chiêu hồi. Một “đội bay” trở về bốt khi cuộc hành quân chớp nhoáng kết thúc, với dân chúng bị càn quét đã quy phục hoặc sẽ quy phục; đám dân chúng này từ nay sẽ cấy lúa và nộp thuế cho họ.

Chiến lợi phẩm con người được canh giữ cẩn thận để Việt Minh không chiếm lấy trên đường đi. Quân lính Cao Đài bước đi trong tư thế chiến đấu rất lạ của cuộc chiến tranh da vàng. Tất cả ở họ toát lên sự uyển chuyển và phòng ngừa, hơn hẳn bất cứ đội quân Pháp nào! Đấy là tư thế hành quân chống sự bất ngờ, chỉ hiện đại hóa về vũ khí.

Ngang tầm chiếc xe kéo cuối cùng, hai người đàn ông mặc quần áo lao động màu xanh lơ, đội mũ Pháp thời Thế chiến lần thứ nhất tay đẩy xe đạp - quân “Bảo an” của đoàn. Rồi giữa những khoảng cách đều đặn các xe, các thanh niên mang vũ khí, bước đi linh hoạt của người Annam. Trang phục của họ gần giống như Việt Minh, vải bông nhẹ nhưng màu sắc phong phú hơn, đi từ đen đến hồng; Đây là quân thường trực, lực lượng tấn công. Giữa một toán quân, được bảo vệ bốn phía là một lính “súng cối” và một lính “đạn dược” - người đi trước mang chiếc ống giết người, người thứ hai phía sau đầy một thắt lưng đạn. Những lính chiến đấu ấy, ai cũng trưng trên mũ bê-rê huy hiệu tôn giáo mình: giữa vòng tròn cuộc sống, lưỡi gươm của lòng tin giao nhau với ngọn lửa của sự trong sạch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2017, 07:36:16 pm »


Đoàn người không dứt đi mỗi giờ sáu, bảy cây số. Xung quanh đoàn, hầu như vô hình, những bóng dáng đi lại trong những lùm cây xanh: những lính bộ binh ưu việt bảo vệ sườn. Mỗi người trong bọn họ chỉ có một quả lựu đạn; nhiệm vụ của họ không phải đánh nhau mà trông chừng, thám thính quân địch có thể đang chuẩn bị phục kích. Họ có hàng trăm, trải rộng khoảng nửa cây số, thăm dò từng bụi cây ngọn cỏ. Mạng sống của họ không có giá trị. Họ chỉ là những người hỗ trợ, những Việt Minh cũ mà Cao Đài cho có dịp chuộc lỗi lầm hoặc những nông dân bị bắt buộc đầu quân, nếu sống sót và tỏ ra trung thành, họ sẽ trở thành quân thường trực.

Cuối cùng con đường có vẻ đã thông thoáng. Một phút sau chúng tôi gặp một nhóm dân quê hoàn toàn bình thường, có những người gánh, người xách xô phân bón. Bọn họ, đàn ông, đàn bà, cả trẻ con nữa, nhún nhảy và trò chuyện hết sức tự nhiên. Thế mà đấy là những nhân viên tình báo “dò đường” phía trước cho đoàn người. Ngay người Việt cũng không nhận ra họ được.

Trong suốt thời gian chúng tôi vượt qua đoàn, tôi không nghe một tiếng nói, thậm chí không thấy trên một khuôn mặt, có cảm giác gì. Chỉ là những mặt nạ căng thẳng, những đôi mắt sợ hãi một cách máy móc. Một lần nữa tôi tìm ra sự nghiêm túc của Viễn Đông, ngột ngạt nhất thế giới.

Xa xa nổi lên một đài quan sát rất mảnh khảnh, cao bốn mươi mét. Hàng rào tre hình răng bừa và những cọc nhọn nối tiếp nhau. Ở mỗi hàng rào một người lính canh cúi người kêu lên những tiếng hoang dã: một cử chỉ tôn trọng, lời chào trước kia học của người Nhật. Tôi đang ở trong một bốt của Cao Đài. Các sĩ quan chỉ giữ lại của việc đào tạo Nhật Bản, tiếng chào, và hành động cúi đầu để tự giới thiệu. Trong mấy tuần lễ họ đã trở thành hình ảnh theo kiểu quân đội Pháp: đồng phục màu trắng, quần dài bó, lon, ca-lô rực rỡ. Trong số họ nổi lên chiếc áo dài của một mục sư, uỷ viên chính trị của Đấng Tối cao.

Chỉ huy quân sự, một đại uý khuôn mặt cao nhẵn đón tiếp chúng tôi. Ở đây sạch sẽ và được giữ gìn hơn bốt người Pháp. Người ta ngột ngạt vì mùi thuốc sát trùng. Tường luôn luôn được quét vôi lại, những khẩu hiệu lớn tôn vinh Tổ quốc, Cao Đài và mười điều lệnh quân đội. Cờ rất nhiều. Những bức vẽ chỉ cách đánh răng hợp vệ sinh. Trong phòng ngủ những chiếc màn xếp gọn để đầu giường. Nhà bếp quàng những tấm choàng trắng. Trong mỗi phòng tôi thấy một chiếc bảng đen, phấn, những người đang học vì luôn luôn phải học để nâng cao kiến thức và tiến bộ.

Có một sự ngây thơ trong tìm tòi để cải tiến, trong việc áp dụng kỳ cục đến từng chi tiết nhỏ. Nhưng làm sao không cảm thấy sáng kiến cảm động ấy không đồng thời là căm ghét? Điều ẩn nấp là vết thương cũ nổi lên hơn bao giờ hết với phức hợp thấp kém là lòng tự kiêu và hận thù không lường được. Tôi là kẻ thù cũng như mọi người Pháp không thể giết và phải bắt chước, vượt lên để tiến tới chiến thắng sau này.

Người Cao Đài bắt chước người Pháp thậm chí một cách gàn dở. Họ sao chép phương pháp, kỹ thuật của Pháp. Tuy vậy về căn bản nguyên tắc hành động, điều làm nên sức mạnh của họ là đặc thù Châu Á! Đấy là sự huyền hoặc “quần chúng”, việc khai thác họ làm con người biến mất trong một trật tự tập thể cứng rắn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2017, 07:37:22 pm »


Trong bốt này quả là sự khắc nghiệt của một thế giới khác! Cả những quân lính thường trực của khu đồn trú cũng giữ im lặng và bất động thường xuyên. Họ không làm một cử chỉ không phù hợp với lệnh chỉ huy, giọng khàn khàn của cấp trên. Khi chúng tôi đến gần, mọi khuôn mặt xơ cứng trong mức độ tôn kính cao như chúng tôi là những vị thánh của họ.

Người ta cho chúng tôi xem hết, cả trại giam lợp tranh. Căn nhà sạch sẽ. Hai người đàn ông và một phụ nữ suy nhược trên một tấm ván với thái độ ngơ ngác và thờ ơ người ta đã khuất phục họ không thương xót trong đất nước này. Người ta bảo họ dậy chào chúng tôi. Họ đứng thẳng tuy gần như chết.

Đại uý Cao Đài giọng ngọt ngào nói đấy là các uỷ viên chính trị một chi đội bị bắt trong trận đánh lớn cách đây vài ngày. Cảnh ấy, những lời giải thích ấy nhằm làm chúng tôi hoan hỉ. Nhưng viên trung uý Pháp chỉ hỏi với giọng vô tư:

- Những tù nhân khác của các ông ở đâu? Ông có thông báo cho tôi trong trận thắng lớn tuần trước, các ông bắt được bốn mươi người kia mà?

Viên đại uý lắc đầu vẻ nhục nhã và có lỗi: chỉ bắt được ba kẻ thảm hại này thôi. Trung uý Pháp im lặng và khẽ nói vào tai tôi:

- Tôi không bao giờ biết được sự thật. Những người Cao Đài không muốn cho tôi biết họ đã làm gì những người Việt Minh.

Bốt này là hạt nhân một thế giới nhỏ của Đấng Tối cao, ở đó dân chúng được biến thành nguyên liệu. Mười nghìn dân quê là những con kiến lao động nuôi sống những con kiến quân lính. Người ta dẫn tôi vào làng. Một dạng hình học. Những con đường nhỏ giống nhau, giao nhau tại những góc vuông. Những mái nhà tranh cùng kiểu thành hàng thẳng tắp. Trước mỗi gia đình phấp phới lá cờ Pháp và Cao Đài. Cứ cách mười mét có một người canh gác.

Hai nhân vật gầy gò mặc quần áo complê, đội mũ thuộc địa đón chúng tôi. Đấy là các đại diện dân chúng, mang tới những lời chào mừng của nhân dân cần cù, nói với chúng tôi nước Pháp và Việt Nam là hai dân tộc Cao Đài ưa thích nhất.

Trung uý thì thầm với tôi:

- Đây là hai giáo viên bị bắt cóc ở tỉnh về. Khi bị bắt họ bí mật gửi cho tôi mấy chữ khẩn cầu tôi bảo vệ. Họ muốn tôi nhân danh dân chủ và tự do giải phóng họ! Dĩ nhiên tôi không làm gì được. Tôi nhận thấy ân huệ của Cao Đài đã ban cho họ và làm rạng rỡ họ. Có vẻ họ được tăng tiến nhanh.

Chúng tôi ra về. Đã là hoàng hôn. Lần cuối cùng tôi nhìn thấy quân lính bước theo hàng do các mục sư mặc áo dài dẫn đi lễ buổi chiều; phía sau là đám đông Cao Đài với ban nhạc và hát.

Những hàng rào gỗ lại đóng trên đường. Không còn một người, đoàn người xe đã biến mất hoàn toàn. Trong khung cảnh vắng vẻ đó, trung uý nói với tôi:

- Chỗ những người Cao Đài cắm chốt đây trước kia chỉ là một vùng đầm lầy bệnh tật, hôi hám của Việt Minh. Người Pháp bất lực. Tướng de Latour đề nghị Giáo chủ cho sử dụng một “đội bay”. Đội này đến, trong ba tháng xây dựng bốt, đẩy lùi Việt Minh trong những trận đổ máu, tập trung hết dân quê, cải đạo họ để làm tình báo và nô lệ. Biểu tượng của Cao Đài là con mắt. Vì vậy tất cả tín đồ phải dành con mắt bảo vệ quyền lợi bổn đạo và dùng đôi tay để làm ruộng, cấy trồng để nuôi sống quân lính và mục sư của Đấng Tối cao.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM