Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 05:02:10 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 85218 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2017, 07:15:50 am »


Đấy là một bốt ở Nam Kỳ, cũng như bao bốt khác, được dựng lên bên bờ một con sông nhỏ. Dòng sông là lối giao thông duy nhất, khu đồn trú xây dựng một cầu bên trên bờ, phía trong hàng rào. Dân quê đi xuồng đến bán cho quân lính rau quả vùng nhiệt đới. Người đội Pháp cấm họ cập bến, phải ở ngoài vài trăm mét cách ngoại vi cầu bến. Những người nhà bếp sẽ ra mua bán với họ. Sau ít ngày những người nhà bếp và dân quê trở thành thân thiết với nhau. Khi họ tranh cãi giá cả, nghe giống như một trận đánh nhau nhưng là việc bình thường. Nông dân có thói quen mang theo người trong gia đình; vì vậy những xuồng nhỏ của họ như đoàn thuyền đầy phụ nữ, trẻ em, lợn, gà vịt.

Những người nhà bếp lười, mỗi ngày lùi dần một ít. Do đó dân quê mỗi ngày tới gần thêm, từng thước. Ít lâu sau họ đến sát bờ rào, ở đấy lâu không tiến lên nữa. Đội canh gác quen dần với họ, không nghi ngờ nữa, cuối cùng để họ đến sát cầu bến, trước cây cột phất phới lá cờ tam tài. Lúc đầu một người lính gác theo dõi họ, không có gì xảy ra. Chợ họp giữa bốt trở thành một chỗ dành riêng. Một ngày thứ bảy, hai ba tháng sau việc đặt mối quan hệ mua bán ấy, dân quê như thường lệ đến với những thúng đầy dứa và bí. Lúa ấy vào giờ nghỉ trưa, trong bốt mọi người ngủ gà ngủ gật, tất cả ngủ. Trong chốc lát, những người nông dân ngây ngô lấy tiểu liên, lựu đạn và dao rựa giấu dưới xuồng ào lên bờ, tấn công bốt giết hết mọi người. Nỗi kinh ngạc lớn đến mức không ai làm một cử chỉ tự vệ. Những người dân quê ấy thực ra là quân thường trực của chi đội bên cạnh, đơn vị của người con lai.

Anh này còn sáng tạo ra chiến lược “lính lê dương đào ngũ”.

Các sĩ quan Pháp trong đội lê dương đi xe jeep đến một bốt để kiểm tra. Trang bị gậy cầm tay, mũ ca-lô đẹp, dáng kiêu ngạo, họ tự tôn nhau lên “thưa đại tá”, “thưa thiếu tá”. Họ đeo đầy lon, có mệnh lệnh của phái đoàn tam tài. Làm sao nghi ngờ được?

Viên trưởng bốt hốt hoảng: những vị khách quan trọng mặt mày nhăn nhó nhận xét về tất cả. Ví như lính ngụy nhìn tiều tụy quá, người mảnh khảnh, chắc chắn không tập thể thao nhiều. Viên “đại tá” ra lệnh làm thử một buổi tập thể dục ngay trước mặt ông. Mọi người phải có mặt đầy đủ. Viên “thiếu tá” hướng dẫn các động tác. Toàn bộ quân đồn trú, mặc quần đùi, cẩn thận lặp lại. Viên “đại tá”, “thiếu tá” mở cặp da để lấy tài liệu hướng dẫn theo phương pháp Thụy Điển. Họ rút tiểu liên ở đấy ra: vài loạt đạn bắn xối xả kết thúc buổi tập cũng như mạng sống mọi người trong bốt.

Viên “đại tá”, “thiếu tá” đúng là lính trong đội lê dương, không phải sĩ quan mà là binh nhì đã sang hàng quân Việt.

Nhưng những mưu kế cạn dần, người Việt phải luôn luôn tìm những kế mới. Cuối cùng hầu như bị lộ hết và một sự cân bằng thiết lập.

Nếu hàng chục bốt bị hạ thì hàng nghìn bốt khác trụ vững. Nếu người trưởng bốt “tốt” hầu như bao giờ cũng được lính ngụy báo trước, nói thẳng hoặc mật hiệu về âm mưu ngầm. Cũng lạ những việc phản bội không xảy ra liền hơn trong những bốt ấy, chỗ một hai người da trắng sống chung với người da vàng rất khác họ. Và cứ như vậy mặc dù sức mạnh của người Việt và phương pháp của họ được cải tiến.

Tuy nhiên tránh việc phản bội không đủ. Biết chơi, tế nhị và khôn khéo chưa đủ, còn phải có “vận may”!

Thực thế, người Pháp không thể ở lỳ trong bốt; ông ta cũng phải “ra ngoài” thiên nhiên.

Tôi được biết nhiều trưởng bốt đã vượt qua hàng chục cuộc phục kích. Người Việt là bậc thầy về ẩn nấp trong lòng suối, trong bùn ruộng hoặc vào sâu trong rừng dừa. Họ hóa trang rất giống cây cối hay bùn không thể phân biệt được.

Khi họ bắn một loạt đạn, người ta tưởng là nước hoặc bùn bắn ra.

Ngày này qua ngày khác người Việt tính toán đội tuần tra Pháp phải đi qua vào giờ nào, chỗ nào và tỉ mỉ chuẩn bị phục kích. Nếu không thành họ bắt đầu lại vào hôm sau, hôm sau nữa, không dứt, cũng tại đó cho đến khi bắt gặp. Vì vậy biết bao nhiêu đội tuần tra không trở về! Người trưởng bốt nói về “sự may mắn” của mình, đã bao lần thoát chết, cuối cùng cũng bị giết. Đấy là số mệnh.

Cuộc chiến là vô cùng. Dù bằng cách nào thì người trưởng bốt cũng đã bị lên án nếu ông ta chỉ có bốt của mình, nếu ông và binh lính của ông là những tù nhân sau khung hàng rào có người Việt xung quanh. Một đồn bốt chỉ là một đầu kim găm giữa cánh đồng Việt Minh đã bị án treo. Về lâu dài dưới sức ép của người Việt, trong hệ thống bảo vệ có một rạn nứt vì một sự bất chính hoặc không may nào đấy. Chỉ cần một quả lựu đạn găm trên đường mòn người Pháp phiêu lưu đi qua. Để sống sót ông ta phải liên kết với toàn dân chúng da vàng xung quanh. Chỉ có dân chúng mới bảo vệ được ông. Nhưng muốn thế thì phải chiếm lòng dân bằng một cuộc chiến tranh khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2017, 10:37:48 pm »


Chinh phục dân quê

Cứu cánh của một trưởng bốt là chinh phục “quần chúng” Á châu xung quanh mình, mười nghìn hoặc một trăm nghìn dân quê đang vất vả trên đồng ruộng. Chính họ, với thân thể mình làm bức tường thành duy nhất có giá trị bao bọc đồn bốt. Nhưng muốn thế phải giành giật họ với Việt Minh.

Đối với người Việt dân chúng là cuộc sống vừa là tai mắt, tiền bạc, nhân lực của họ. Dân chúng thoát khỏi tầm tay họ sẽ phải lùi ra, đi xa hơn. Đồn bốt thay vì bị thám thính và bao vây, từ đó sống trong vầng hào quang an toàn.

Dân chúng là yếu tố quyết định của cuộc chiến giữa trưởng bốt và chỉ huy chi đội Việt Minh. Ở Đông Dương tất cả tuỳ thuộc vào những người cần giành giật. Người chiến thắng là người biết nắm dân chúng.

Đây là một cuộc đấu khó khăn.Có trường hợp các đội quân Pháp của thành phố lân cận tiến hành một cuộc hành quân lớn để nâng đỡ tinh thần một bốt. Nhưng đấy chỉ là một cuộc đột kích, một chuyến đi về không đáng kể thường có hại vì các đơn vị Pháp có xu hướng “đánh lớn”, chọn những mục tiêu để tiêu diệt. Rồi dân quê chịu thiệt hại vì những cuộc hành quân, quay trở lại với Việt Minh.

Người trưởng bốt vậy là đơn độc cùng lính nguỵ trong cuộc chiến. Con người bình thường này phải làm một việc không thể làm trong không khí quen thuộc là phản trắc và bạo lực. Người Việt xét thấy ông ta nguy hiểm sẵn sàng làm tất cả chống lại ông. Hơn bao giờ hết họ cố ám sát ông và bẻ gãy những phụ tá của ông. Để tự vệ ông phải chống lại, ra tay, có cả những việc hành quyết.

Trong hoàn cảnh ấy ông ta phải tranh thủ lòng nhân ái của xóm làng, đồng ruộng. Ông phải thuyết phục dân quê hợp tác với mình mà như vậy khi người Việt nghi ngờ phản bội thì họ dễ chết lắm.

Thường người ta ít suy nghĩ về điều kiện chiến tranh ở Đông Dương. Quan chức chính quyền hay than phiền dân chúng tạo thuận lợi cho Việt Minh hay ít nhất cũng chơi hai mặt. Điều tôi thấy khác thường, ngược lại, là nhiều nông dân và hương chức dựa vào lực lượng Pháp. Thực ra họ phiêu lưu mạng sống của mình. Vì chúng ta, hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn người bị rơi đầu. Dù vậy cho đến ngày cuối cùng của chiến tranh, thậm chí khi chiến thắng đỏ đã chắc chắn, có những làng, những vùng còn ủng hộ Pháp. Chính điều đó đã cho phép Đội quân viễn chinh trụ vững bấy nhiêu năm; Chính điều đó có lẽ đã đảm bảo thắng lợi cho họ nếu họ biết bảo vệ dân chúng. Nhưng đã nhiều lần thường vì lý do không đâu, một mệnh lệnh ngu ngốc của một ban tham mưu, họ bỏ rơi dân chúng!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2017, 10:38:40 pm »


Một lần tôi chứng kiến công việc làm của một trưởng bốt. Tôi thấy người cai đi chiêu phục một làng được xếp là ủng hộ Việt Minh.

Chúng tôi ra đi từ sáng sớm. Xóm chúng tôi đến gần đấy, cách khoảng hai cây số - những cây dừa che khuất mái nhà tranh. Một toán lính nguỵ đi tháp tùng trong trường hợp gặp phải quân thường trực đỏ tuy chúng tôi nghĩ không có một “cuộc bám theo”.

Khi đi trên bờ đê, người Pháp giải thích với tôi:

- Một nhân viên tình báo cho tôi biết chi đội đóng ở đấy đã rút đi cách mấy cây số. Tôi phải lợi dụng cơ hội. Chúng ta sẽ đến một làng yên ổn, có hai uỷ ban lần lượt hoạt động, ban ám sát của Việt Minh và hội đồng hương chức truyền thống.

Quyền lực thực sự thuộc về ban ám sát gồm nửa tá đảng viên cộng sản trong làng, những người nghèo và thanh niên. Họ để cho hội đồng hương chức tồn tại, ít nhất cũng sau khi thanh toán một nửa người trong hội đồng. Vì phải có những người ủng hộ Pháp để đón tiếp khi quân Pháp đến.

Vậy là chúng ta sẽ được đón tiếp, theo phong tục xã giao bởi các hương chức địa phương còn sống sót. Tôi biết những người này dùng để bao che cho Việt Minh và chỉ là công cụ của họ. Điều tôi muốn giữ kín là “xoay” tấm kịch này lại có ích cho tôi, làm thế nào để đánh lừa Việt Minh chứ không phải tôi. Tôi sẽ tổ chức một cuộc đảo chính.

Để đề phòng, lính nguỵ được bố trí đội hình chiến đấu. Nhưng vô ích. Chúng tôi được trân trọng đón vào một ngôi đền cổ, ở đó trong bóng tối có một bàn thờ trưng bài vị thần hoàng và con rùa biểu tượng của sự trường thọ. Không có cờ đỏ, cũng không có ảnh Hồ Chí Minh; chắc họ đã cất đi khi chúng tôi đến gần.

Các hương chức, tóc búi tó mặc áo dài đen, trịnh trọng một cách lạ lùng. Xấu người, im lặng, nghiêm trang, tất cả cúi đầu trước mặt chúng tôi. Đấy là những ông già với những bộ râu cổ điển và da nhăn nheo. Họ mời nước chè và thuốc lá. Khuôn mặt họ tầm thường, như chết. Hai người có tuổi nhất, với đôi môi mỏng lên giọng triết lý nói về sự cần thiết giữ gìn trật tự, tôn trọng luật pháp và thờ kính trời phật. Làm sao tin được như thế giữa một cuộc chiến tranh đỏ.

Tuy vậy một người trong bọn họ, trẻ hơn, mặc quần áo Âu, nói tiếng Pháp rất giỏi. Anh này không cúi mình mà bắt tay chúng tôi. Anh làm phiên dịch, trong một tiếng đồng hồ, dịch những nguyện vọng và lời chúc mừng của hai bên. Anh không thay đổi giọng khi chuyển cho các ông già câu nói chờ đợi qua đó người trưởng bốt bắt đầu vào những vấn đề nghiêm túc.

- Tôi biết các ông phục vụ Việt Minh. Tôi sẽ triệt phá làng các ông.

Những khuôn mặt vẫn không thể hiện gì trong lúc người Pháp tiếp tục nói to, nắm tay đấm xuống chiếc bàn chạm gỗ mun:

- Tôi biết trong làng các ông, những người tử tế và giàu có trong làng này vốn căm ghét Việt Minh. Tôi đề nghị thế này. Tôi cung cấp súng cho các ông, các ông trang bị cho bà con và đầy tớ, giết Việt Minh trong ban ám sát và xây dựng một đội cảnh sát bảo vệ làng. Các ông là những người chỉ huy, lập những bốt nhỏ và tháp quan sát. Tôi và quân đội Pháp sẽ bảo vệ các ông.

Chỉ im lặng. Một trưởng lão trả lời giọng run run:

- Con dao của kẻ nổi loạn bao giờ cũng gần hơn khẩu súng của người bảo vệ. Chúng tôi mạo hiểm thế nào được trong khi người Pháp còn bấp bênh? Không bao giờ biết họ muốn gì. Năm 1945 em tôi tổ chức mừng quân đội các ông tới. Lính các ông ra đi bất thần, không báo trước với chúng tôi. Việt Minh hạ sát em tôi. Nếu một lần nữa chúng tôi tin tưởng vào các ông, tôi có sẽ bị giết, tất cả chúng tôi có sẽ bị giết? Ai đảm bảo các ông lại không ra đi lần thứ hai nữa?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2017, 10:39:32 pm »


Không ai nói thêm một lời. Sau những chào hỏi cuối cùng chúng tôi trở về bốt. Viên cai nhăn mặt, sau đó giải thích với tôi:

- Ngay trong lúc này mọi việc đang được quyết định, uỷ ban Việt Minh sẽ xuất hiện trở lại. Họ hỏi các hương chức. Nếu họ nói dối, không lặp lại những gì tôi nói thì tôi đã thắng. Vì họ không lùi được nữa, phải giết Việt Minh nếu không có ngày họ sẽ bị nghi ngờ và thanh toán. Nhưng nếu họ giấu lời tôi nói, họ chắc sẽ tham gia. Trường hợp ấy tôi có thể dự kiến những sự kiện tiếp theo. Một đêm nào đấy một kẻ đưa tin đến bốt. Sẽ là một người không đoán trước được, một mụ ăn mày xấu xí hoặc một đứa trẻ không quen. Kẻ ấy nói với tôi cách các hương chức chuẩn bị vụ ám sát, một mưu kế phản bội hoàn hảo. Tôi cũng được thông báo về vai trò của tôi, về việc tôi cần hỗ trợ.

Một sự nghi ngờ đến với tôi:

- Ông không sợ bị phản bội ư? Các hương chức có lẽ đã thống nhất với Việt Minh. Họ có thể vờ chấp nhận kế hoạch của ông để nhận súng rồi đưa lại cho ban ám sát để giết ông.

- Tôi không nghĩ thế. Vì người Pháp sẽ san bằng làng xóm họ. Và các hương chức sợ mất tài sản còn hơn bản thân mình bị tiêu diệt.

Hôm sau khi tôi rời bốt, chưa có tin gì về quyết định của các hương chức, chưa có ai được cử đến báo.

Sau này tôi được biết sự việc xảy ra. Các hương chức chấp nhận kế hoạch. Một người đàn bà đi xe buýt từ Sài Gòn đến mang tới sự thỏa thuận. Hai quả lựu đạn nổ trong cuộc họp ban ám sát, giết hết các thành viên. Làng ấy được bình định, cả vùng xung quanh cũng thế. Hương chức lập một đội quân nhỏ nhưng kính cẩn đến nhận mệnh lệnh của “Ông cai”.

Chính lúc đó ông này mới rơi vào một cuộc phục kích tầm thường nhất, trên con đường lớn đi Sài Gòn, ngực trúng hai viên đạn, chết trong bệnh viện, cả công trình của ông bị phá huỷ trong vài tuần. Các uỷ ban của Việt Minh lại về trong các làng.

Việc xảy ra thường xuyên ấy thậm chí là quy trình của cuộc chiến tranh Đông Dương. Bao nhiêu lần tôi thấy những vụ tiêu diệt người Việt. Tôi biết ở một thị trấn người ta loại trừ liến tiếp bảy ban ám sát. Rồi có một ban thứ tám; tất cả luôn luôn được hình thành lại.

Về phía chúng ta hàng trăm người thành công. Nhưng hễ thành công là người đó chết hoặc ra đi. Những người Việt, họ chịu hy sinh. Điều thiết yếu là chế độ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2017, 07:51:48 am »


Lính ngụy khốn khổ và những nhân viên ám sát đắc lực

Chống lại “chế độ” Việt Minh, người Pháp tiến hành “chiếm đóng” đất nước một cách có hệ thống. Đấy là một sự cai trị của người da vàng bởi người da vàng vì họ không đủ đông. Một cuộc chiếm đóng có dáng vẻ Trung cổ, đường sá, đồng ruộng, rừng núi mọc lên những công trình kiên cố và tháp canh.

Trong không gian cắm chốt bao la ấy, đội quân viễn chinh một trăm hai mươi nghìn người chỉ là bộ giáp sắt. Họ cần có một lực lượng bổ sung địa phương khổng lồ, cả một lớp người bình định. Người ta đã có thể tổ chức một quân đội quốc gia Việt Nam. Nhưng Bộ chỉ huy và các quan chức chống lại việc ấy vì tính toán và đa nghi. Điều người ta làm là tuyển dụng một thế giới hư ảo lính ngụy, lính đánh thuê, những nhân viên ám sát, những kẻ mạo hiểm, tôn thờ những nhóm huyền bí, tất cả được gọi chung là “quân bổ sung”.

Họ có đến hàng vạn nhưng nhiều loại khác nhau đến mức không bao giờ thống kê được.

Trên thực tế mỗi người có quyền lực tập hợp người của mình, thu xếp để được trả lương và tiến hành cuộc chiến tranh của mình với họ.

Những quân bổ sung ấy có tên trong sổ sách chưa đến một nửa. Những người khác không ai biết, vô danh, nằm trong các quỹ đen. Đội quân viễn chinh tăng lên gấp ba, gấp bốn nhờ có họ. Mỗi tiểu đoàn, đại đội tự tuyển dụng và phình lên. Nhưng quân đội không có những đội quân nhỏ. Mỗi quan chức chính quyền tổ chức một đội bảo vệ riêng để đảm bảo an toàn và làm chính trị. Những tỉnh trưởng Pháp tổ chức những toán hàng trăm người để tiến hành chiến tranh với Việt Minh theo phương pháp Việt Minh - họ cho rằng những người lính thực sự không có khả năng. Các hội và công ty tư bản chi tiền cho các nhóm riêng để bảo vệ những đồn điền, những vùng cao su và hầm mỏ của họ. Không chỉ người da trắng biến thành những chúa tể chiến tranh. Người da vàng ủng hộ Pháp cũng như thế. Tất cả những người cai trị, những vua con, những người lãnh đạo lớn bé đều có tay chân. Làng xóm củng cố và thành lập cảnh sát. Tôn giáo tự vũ trang và nhân danh Phật hoặc Đức Chúa xây dựng những vùng độc chiếm rộng lớn bằng bắn giết và trấn lột. Ở thành phố, kẻ cướp lấy tên các hội bảo vệ, tự cho là duy trì trật tự.

Người Pháp luôn phải trả tiến. Tiền ấy cho phép những người hưởng quyền lợi tập hợp quanh mình những người cuồng tín có vũ trang đặt các khoản thuế cho mọi người và tất cả. Toàn bộ Đông Dương sống và thịnh vượng lên với súng liên thanh trong tay.

Nhưng nhờ có đông đảo lính đánh thuê ấy mà nước Pháp giữ được đất nước này. Và trong chế độ phong kiến Trung cổ ấy sản sinh những loại người kỳ lạ - người lính ngụy nghèo khổ và kẻ ám sát đắc lực.

Người lính ngụy nghèo khổ thì không có vấn đề gì. Đấy là một dân quê đăng lính vì một số lương tệ mạt và nhất là một khẩu súng - một dụng cụ để được tăng lương.

Những lính ngụy trong các bốt thực sự, dưới sự chỉ huy của một hay hai người Pháp có đặc quyền đặc lợi. Họ có thể tự bạo vệ và sống sót. Nhưng phần đông được bố trí đơn độc, gần như không có vũ khí và phương tiện chống cự trong các tháp canh.

Đấy là những tháp canh nhỏ bằng gạch dựng lên từng chặng dọc đường, mỗi tháp không chi phí quá một trăm nghìn phrăng. Chỗ ra vào là một lỗ cách mặt đất ba, bốn mét. Ban đêm lính ngụy cất thang, chen chúc nhau trong gian phòng độc nhất cùng vợ con. Nằm dài phía sau lỗ châu mai, họ chờ sáng.

Luật lệ nhà binh Pháp cấm cung cấp cho họ tiểu liên hoặc những súng tự động khác vì họ có thể bán cho Việt Minh hoặc Việt Minh tấn công để chiếm lấy. Lính ngụy ở tháp canh chỉ có súng đã quá cổ, đạn mà thường không nạp vào được và mấy quả lựu đạn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2017, 07:52:54 am »


Hầu như hàng ngày Bộ chỉ huy đều thông báo nhiều tháp canh bị hạ. Điều ấy không quan trọng; người ta xây dựng lại những cái khác, tuyển những dân quê khác. Vì bao giờ cũng tìm được. Có thể nói số phận, việc sống còn của họ thật vô tư nếu có một ít gạo và cá khô. Dân quê nghèo khổ quá, mạng sống họ cũng xem không giá trị gì mấy.

Những người ấy không có vẻ bất hạnh. Đôi khi họ cố thoát khỏi số phận mình, chấp nhận những đề nghị của Việt Minh. Ví dụ một chi đội giao ước sẽ để họ yên ổn nếu họ im tiếng: không báo với người Pháp những hoạt động của Việt Minh nhất là khi có đoàn người đi qua con đường họ theo dõi. Nhưng qua một thời gian việc cứ thường xuyên “không có gì cần báo cáo” tự nó là một thú nhận đồng loã. Sĩ quan Pháp cảnh cáo lính ngụy sẽ bắn ca-nông phá tháp canh nếu họ tiếp tục hợp tác với quân địch. Nói chung mọi việc trở lại đi vào trật tự. Nhưng chi đội đỏ tấn công, để lại đổ nát và xác chết.

Thông thường lính ngụy giữ tháp canh làm nhiệm vụ, chống cự khá anh dũng. Người ta kể họ có những cuộc chạm súng khác thường.

Trong vùng Sóc Trăng một tháp canh bị tấn công vào hai giờ sáng. Lính ngụy bắn trong đêm qua lỗ châu mai; vợ họ ngồi bên cạnh nạp đạn; các con đã quen tình hình ấy, vẫn ngủ. Một người trúng đạn vào trán tử vong. Vợ anh dịch xác chết ra, thay chồng cầm lấy súng bắn nhau với địch cho đến sáng. Sáng hôm sau chị dẫn đầu lễ tang: mọi người khóc lóc và ăn uống no nê.

Trên thực tế những người lính ngụy ấy không có quan điểm rõ ràng. Họ vâng lời. Nếu ở nhà họ cũng phục vụ tốt Việt Minh. Ở Châu Á cá nhân không là đáng kể, họ không có những ý tưởng riêng mà chỉ là một chi tiết trong bộ máy thống trị như chế độ thực dân, cộng sản, Nho giáo, vua quan, các chúa tể chiến tranh, những cán bộ chính trị. Con người không bao giờ được giải phóng. Nếu chính quyền thống trị hiện hành đổ, họ mặc nhiên rơi vào sự kiểm soát của chế độ tiếp đó.

Trong nề nếp thụ động khổng lồ ấy nhân viên ám sát đắc lực là ngoại lệ. Họ có lựa chọn. Đây là một kẻ chuyên nghiệp, chạy từ bên này sang bên khác vì lợi ích của mình. Vì vậy họ chắc chắn bị lên án hơn lính ngụy: mạng sống của họ là vấn đề tính hàng tuần hay hàng tháng.

Một kể giết người xứng đáng được mệnh danh là “đắc lực” nếu hết lòng phục vụ người Pháp. Gần như luôn luôn họ được người Việt đào tạo, thay vì giữ kỷ luật đỏ, họ chống lại, phản bội.

Kẻ giết người làm việc với Pháp đặc biệt cay cú với đồng bọn cũ. Cơ may kéo dài cuộc sống là giết nhiều. Phải loại bỏ họ để không bị họ loại bỏ. Những bạn bè làm việc cũ, những nhân viên ban ám sát được tách ra chống lại, bám sát theo rõi loại nhân viên này. Đây là một cuộc tàn sát giữa những người chuyên nghiệp. Mặc dù có những chiến tích, “nhân viên ám sát đắc lực” một ngày nào đó được tìm thấy bị đâm chết hoặc hành quyết. Người ta không bao giờ làm sáng tỏ được những cái chết này. Đôi khi cũng là một sự phiền phức đối với người Pháp.

Cũng như đối với lính ngụy, việc tuyển dụng nhân viên ám sát không hề cạn. Nhìn qua người ta biết ai là kẻ giết người chuyên nghiệp, qua thân hình và cách ăn mặc đặc biệt.

Bao giờ cũng là một người trầm ngâm, đôi mắt lạnh lùng và những nét đông cứng. Mặc toàn màu đen, đội một chiếc mũ phớt chật trên mớ tóc bù xù, đeo trên ngón tay những chiếc nhẫn rất to. Người ta thấy hắn ngồi hút thuốc giả vờ vô cảm nhưng giật mình ngay khi có một tiếng động nhỏ.

Người Pháp thường để kẻ giết người loại này làm việc riêng theo cách của hắn, được việc thì thưởng. Chỉ huy hắn rất nguy hiểm với những phản ứng không lường trước được; anh ta như điên rồ vì kiêu căng, tàn ác, nóng nảy. Như một con thú hoang.

Một số sĩ quan, hạ sĩ quan cũng tập hợp một số toán biệt kích. Đây là sự nghiệp kiêu hùng bởi mạo hiểm, máu và cái chết. Hãy tưởng tượng điều gì có thể đến với cuộc phiêu lưu của người Pháp, tập hợp quanh mình là những nhân viên ám sát cũ của Việt Minh để đi ám sát những ban ám sát giữa lòng đất nước đỏ.

Hơn cả những người Pháp, người Việt có những người lính nghèo khổ và những nhân viên ám sát đắc lực của mình. Hơn nữa họ xây dựng những đội quân thường trực để chống lại với Đội quân viễn chinh. Cuộc chiến thật vô tận trên toàn lãnh thổ Đông Dương. Tuy vậy có những mức độ tùy theo vùng, có bao nhiêu hình thức khác nhau trong chiến đấu, hình thức đặc biệt nhất là triển khai trong rừng rậm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2017, 07:54:38 am »


Rừng rậm trung lập

Từ hai vùng đông dân cư là châu thổ Bắc Kỳ và Nam Kỳ, trừ viền dân cư ven bờ biển Annam, Đông Dương là một khu rừng rậm gần như không người ở.

Trên một diện tích rộng gần bằng nước Pháp, người ta đánh nhau trong bóng tối, không trông thấy nhau. Những nhóm người mất hút trong bao la, tìm cách bắt chợt nhau để giết nhau trong đêm và cây cối.

Không chỉ người Pháp và người Việt theo đuổi, tàn sát nhau. Họ lôi kéo vào cuộc chém giết ba vương quốc của Đông Dương với hàng trăm dân tộc khác nhau. Rừng rậm trở thành một hận thù lộn xộn mà người ta thanh toán nhau trong nền văn minh đi từ thời kỳ đồ đá đến sự tinh tế tột đỉnh của Phật giáo. Tất cả những tranh chấp xưa kia của các phe phái và các dân tộc được khai thác và nổ ra chém giết. Hàng nghìn cuộc chiến lẫn lộn với cuộc chiến lớn giữa những kẻ thực dân và những người cộng sản.

Sự lộn xộn thật khó gỡ. Người ta đánh nhau theo mọi cách. Vũ khí trang bị từ ống xì đồng, lao, thần chú đến tiểu liên và súng cối. Cũng có những cuộc chiến kinh tế vì muối, thực phẩm sống còn ở vùng rừng núi, nhất là vì thuốc phiện. Người Việt, người Pháp mua thuốc phiện, nâng cao giá để gắn bó với những ông vua miền núi đáng sợ. Không có một dân tộc nào không bị chia rẽ. Chính phủ hoàng gia Căm-bốt ủng hộ Pháp, Chính phủ hoàng gia Lào cũng thế. Nhưng ở Căm-bốt người Khmer liên minh với người Việt có thánh địa Angkor. Ở Lào, ông vua già ở Luang Prabang sùng đạo và trung thành. Trong tình thân thiện với Pháp, con trai ông, hoàng tử Savang muốn biến đất nước triệu voi thành một siêu Monaco ở núi rừng Châu Á. Nhưng các hoàng thân nhánh thứ vận động cuộc nổi dậy đỏ của Pathet Lào. Cả những người hoang dã cũng được lôi kéo vào cuộc chiến từ các dân tộc phù thủy săn voi ở biên giới Miến Điện đến những người thiểu số ở trần của cao nguyên Annam. Người Pháp phân phối súng tiểu liên cho một số chiến binh nhưng những người khác thì dẫn đường cho các phân đội đỏ. Đấy là một cuộc chiến tranh từ mỏm núi này đến mỏm núi khác.

Ở những dân tộc lạc hậu nhất, cuộc tranh chấp chủ yếu cũng vì lý tưởng. Những ý nghĩ chống đối nhau lan đến cả những bộ lạc ăn đất trong những vùng hoang vu để trắng trên bản đồ.

Khắp nơi người Pháp tiếp xúc với những nhà độc tài nhỏ, giải thích cho dân bản địa kẻ thù của họ là người Việt Nam, Việt Minh. Áp dụng đường lối đối với dân tộc thiểu số những người đi chinh phục lập ra các vương quốc, liên bang, quốc gia tự trị. Mỗi mảng trên bàn cờ rừng núi ấy có cờ, quốc huy, quân đội riêng và nhất là tiền. Ở Bắc Kỳ trên bờ vịnh Hạ Long, tướng cướp Vòng A Sáng hình thành những tiểu đoàn lính Nùng với huy hiệu mỏ dù. Gần sông Hồng, Đèo Văn Long, con trai của tướng Cờ Đen cách đây nửa thế kỷ là chúa tể thuốc phiện nhờ sự bảo vệ của Pháp. Người ta cứ xây dựng như thế trong những thung lũng và rừng thưa không thăm dò được rất nhiều vương quốc nhỏ khác.

Lúc đầu mọi việc tốt đẹp. Đội quân viễn chinh cắm bốt trên các chóp núi cao phía trên những khu vực đầy yên tĩnh, những rừng cây và sỏi đá. Máy bay cho phép làm được tất cả, chiến thắng mọi khoảng cách, đồi núi, cây cối. Những máy bay Junker già cỗi không ngừng đem thả xuống thực phẩm và đạn dược cho những chỗ đồn trú ở địa đầu thế giới cách thị trấn văn minh gần nhất nhiều tuần hoặc nhiều tháng đi bộ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2017, 07:55:25 am »


Trong các bốt heo hút ấy bao giờ cũng có một hạ sĩ quan xứ thuộc địa, hơi say và sốt rét. Nhưng ông ta biết trả muối và vàng cho các ông vua nhỏ; biến những người ở trần, cổ đầy vòng bạc thành những người lính, có mũ, thắt lưng và súng tiểu liên - nhưng theo kinh nghiệm, ông ta không cung cấp giày theo điều lệnh cho những người miền núi Mèo, Mán vốn quen đi chân đất, những người đi bộ giỏi nhất thế giới. Ông chủ rừng xanh ấy làm tất cả mọi việc. Có khi ông ta sáng tác quốc ca hoặc vẽ cờ hiệu vương quốc. Nhất là ông không ngớt lặp đi lặp lại: “Tôi không bao giờ bỏ rơi các anh”.

Việt Minh mà ông ta nói, trưởng bốt người Pháp nghĩ họ ở xa. Họ ở ngay đấy. Sự hiện diện của họ được biết rõ khi đã quá chậm, do một trận phục kích, do những người chết. Sự tồn tại yên ổn chấm dứt.

Thực vậy, rừng rậm cũng chẳng phải ghê gớm, khắp nơi có hàng nghìn đường mòn bí mật. Cán bộ và quân lính của Hồ Chí Minh đi xuyên rừng núi vô tận, đi như không có thời gian. Đôi khi một cán bộ chính trị dừng lại ở một khoảng rừng thưa, tổ chức chỉ huy sở trong một căn nhà lá khốn khổ. Ít lâu sau xung quanh là một vùng cộng sản.

Những gì của Pháp - máy bay, bãi nhảy dù, đồn bốt - đáng sợ nhưng trông thấy được. Ai cũng biết đấy là cái gì. Nhưng những việc đi lại ấy, những tổ chức ấy không phân biệt được, thật ghê gớm, không có gì nắm bắt được.

Vũ khí chủ yếu của người Việt là đưa cuộc chiến tranh tư tưởng đến những bộ lạc cổ sơ nhất.

Người Pháp hứa hẹn với những người hoang dã giải phóng họ khỏi người Việt Nam. Nhưng khắp nơi Việt Minh đã hứa với họ một sự giải phóng khác, rũ bỏ người Pháp cho họ. Họ đưa cuộc kháng chiến vào rừng xanh, nơi mà Đội quân viễn chinh giải quyết công việc với những kẻ độc quyền. Phái viên của Hồ Chí Minh làm việc ngay với dân chúng.

Cuối cùng khi dân chúng trên rừng núi đã được cảm hóa tương đối, người Việt bắt đầu cuộc chiến tranh đường mòn chống Pháp. Cuộc chiến này có luật lệ riêng, còn dẻo dai, quyết liệt hơn cuộc chiến ở ruộng đồng.

Người ta chỉ có thể tiến lên theo những đường mòn. Đường hẹp đến nỗi hai hàng quân đụng nhau không triển khai, không đánh nhau được và chỉ những người đi đầu có thể bắn. Hậu quả là bất lực và dồn tắc. Vậy phải làm cách khác, không đụng vào quân địch, mà vượt lên và tấn công vào sườn. Chiến thuật là biến đi, như không có, để chỉ xuất hiện vào giây cuối cùng, lúc nhào vào con mồi.

Đối thủ vừa ngụy trang vừa tìm kiếm, đuổi theo trong hệ thống rối ren những đường mòn luôn luôn thay đổi, bất định. Đây là một cuộc trốn - tìm kịch tính giữa những người mù trong bóng tối rừng rậm. Tất cả bao la và mất sức lực, như một câu đố khó khăn. Chiến thắng là kẻ nắm bắt đúng, trong mạng lưới vô số đường mòn tìm được đoạn đường kẻ mình săn đuổi đi qua. Người ta nấp bên lề đường; hóa thân vào vỏ bọc cây xanh và chờ đợi. Nếu tính toán đúng, kẻ thù không nghi ngờ gì, xuất hiện theo hàng một. Đây là lúc phải tuyệt đối kiên trì, để quân thù đi sâu vào lưới; phải hạ tất cả một lúc, bằng một làn đạn của mọi loại súng như của đội hành quyết. Vì nếu bạn sớm quá, nếu để lộ ra không đúng lúc, nạn nhân sẽ thoát chạy vào rừng sâu và không trông thấy nữa. Ngược lại, quân phục kích có thể bị rơi vào bẫy tương tự như mình đã giăng và hỏng việc.

Cuộc săn đuổi ấy thường kéo dài hàng tháng. Phải đi bộ ngày đêm, phải mạnh về thể lực và tinh thần. Đấy là cuộc chơi tổng thể trong đó con người sử dụng mọi khả năng ở mức cao nhất trong không gian khắc nghiệt của địa ngục xanh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2017, 07:58:00 am »


Tôi đã được chứng kiến cuộc chiến hư ảo ấy ở chân dãy núi Trường Sơn. Phía dưới thấp, bốt Đaktô dựng lên những hàng cọc bao la và tháp canh bằng đất đỏ. Những người thiểu số ngồi xổm, chỉ mặc khố, gùi trên lưng, chờ đợi. Phụ nữ mình trần, hút một loại ống điếu to. Sẽ là hội mừng trăng. Một con trâu buộc vào chiếc cọc; theo phong tục chốc nữa các chiến binh sẽ dùng lao giết nó. Người già không phân biệt rõ giới tính, tóc cắt ngắn, đào các chum rượu người ta sẽ uống. Những người khác bận quần áo lính Pháp, đứng canh gác.

Viên đội Belleau trưởng bốt, mặt đỏ, nặng một trăm kilô ngạc nhiên nhìn thế giới mà ông là Trời ở đây. Và rất tự nhiên, với triết lý hiến binh, ông mô tả với tôi “công việc” của ông - cuộc chiến tranh ông đang tiến hành:

- Trước hết phải hiểu rừng rậm vốn trung lập, không giúp đỡ ai. Người mạnh hơn sẽ thắng. Kẻ bị thương chịu tội, người ta không đảm đương, không mang đi được. Hầu như luôn luôn họ bị bỏ rơi.

Chỉ dần dần mới biết rõ, mới hiểu rừng rậm ghê gớm đến mức nào. Người ta chết đói giữa hoa lá, chết khát mặc dù thác lũ gió mưa ngập nước các khe đá. Tất cả thối rữa, bắt đầu là thịt. Người ta làm mồi cho sốt rét, những cơn ác tính; chỉ hơi xây xát là gây mưng mủ không chữa được. Tuy vậy vẫn phải tiến về phía trước qua những dãy núi luôn giống nhau, như răng cưa. Không thể dừng lại, bị quân địch săn đuổi và phải săn đuổi quân địch. Phải đi nhanh hơn để nắm được dấu vết địch trước khi địch nắm được dấu vết mình. Trong những trường hợp vô vọng người ta đào cắt đường đi của mình, mỗi ngày chỉ đi được hai cây số.

Người Việt là một đối thủ kiên cường, có thể đi một trăm cây số một đêm. Cái chết không là gì đối với họ. Trong phục kích họ biết chờ nhiều ngày, lẫn vào thiên nhiên, không một cử chỉ, một tiếng động, tiếng ho. Họ có kỷ luật khác thường, ẩn náu không lộ mình, ngón tay để trên cò súng cho đến khi hàng ngũ địch vào vị trí thích hợp và người chỉ huy hô “Bắn".

Chúng tôi phải ngang bằng với họ. Tôi cho quân lính tôi bỏ mọi trang bị quân sự cho nhẹ người: phải xông vào rừng gần như trần truồng, không mang vác gì, chỉ dùng sức. Tôi đi chỉ với súng và đạn. Mỗi người của tôi cũng có một đoạn tre như tủ đựng thức ăn, đựng cơm, một ít cá khô, muối, ký ninh, mấy viên côđêin để ngăn hắt hơi khi phục kích. Thức ăn nấu sẵn, không đỏ lửa. Khi ăn, ngồi xổm ngốn ngấu mấy miếng và nhất là chôn hết những gì còn lại. Người ta luôn xóa dấu vết của bữa ăn, của bước chân; dựng lại cỏ bị xéo; dấu viết ít nhất trông thấy được có thể gây tai họa.

Tôi có đồng minh là người Sêđăng, những người cao lớn ở trần rất đẹp, vẻ lòe loẹt và xăm đầy bùa. Da họ màu đồng đỏ. Họ trở thành điên loạn khi làm lễ hiến sinh trâu, chặt ngang đùi và uống máu, ăn ruột gan trâu. Đấy là những chiến binh, đánh nhau với bộ tộc bên cạnh, người Kàtu quy thuận Việt Minh.

Như tôi làm đối với người Sêđăng, Việt Minh tuyển dụng người Kàtu. Cuộc chiến rất gay go vì ở đây rất gần cơ sở xuất phát của quân đỏ - địa phận Việt Minh ở Quảng Ngãi và Quy Nhơn trên bờ biển Annam. Phía bên kia dãy Trường Sơn là biển, bờ biển với đồng ruộng, thành phố, đông dân cư, và văn minh. Các tiểu đoàn đỏ chỉ cách khoảng trăm cây số.

Tôi chống cự được nhờ người Sêđăng. Họ vững vàng và trung thành khi mà tôi chưa vi phạm một trong những điều cấm kỵ của họ. Những điều này nhiều đến mức hàng ngày tôi có nguy cơ vô tình xúc phạm. Tôi rất chú ý, không bao giờ tiến hành một cuộc hành quân chớp nhoáng nếu có con hươu tác bên phải hàng quân; Không có điềm xấu nào bằng và nếu tôi không kể đến, những người Sêđăng sẽ bỏ tôi.

Không có những người hoang dã ấy tôi sẽ như một đứa trẻ lạc lối. Họ dẫn tôi đi đúng như những người Kàtu dẫn người Việt. Nhất là tôi không thấy điều gì - họ là con mắt tôi. Họ nhận ra một cách không giải thích nổi những cạm bẫy không trông thấy mà người Kàtu bố trí trong rừng và trên đường đi, từ những chiếc bẫy sập trên cọc đến những mũi tên nhỏ găm ở mặt đất, có những cái mười phân xuyên bàn chân, ba mươi phân xuyên mắt cá và tám mươi phân đâm thủng ruột. Những mũi tên ấy đều tẩm thuốc độc. Người ta có nguy cơ bị xiên qua người ở từng bụi cây. Kho vũ khí của những người cổ xưa bao gồm những cạm bẫy ghê rợn khác nữa. Một cành cây một dây leo to tướng đập xuống đè nát người, hoặc một cây cong làm hai bật lên phóng mũi tên vào ngực anh. Những vũ khí lợi hại nhất là cây nỏ, hạ một người cách năm mươi mét với độ chính xác tuyệt đối.

“Những người Sêđăng của tôi” phát bỏ giúp tôi mọi cạm bẫy ấy. Họ cũng chữa khỏi bệnh cho tôi bằng những phương thuốc kỳ diệu. Một lần tôi toạc cả chân vì một mũi tên nhỏ, họ dán cho tôi một loại thuốc cao chế biến từ cỏ và tôi bước đi được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2017, 07:58:41 am »


Tôi yêu mến những người Sêđăng của tôi, họ cũng có một sự thương cảm nào đó mặc dù không ổn định. Người Việt cố gắng mua chuộc họ và phải trả giá bằng mạng sống. Những việc đó trong rừng cách đây khoảng hai tháng.

Một buổi tối năm Việt Minh vào trong một xóm Sêđăng, mang theo Quà và đề nghị hòa hoãn. Các cụ già tập họp nhau lại, hứa hẹn sẽ giao nộp tôi. Nhưng trong lúc chiêng trống vang lên trong buổi tiệc, họ cử một phái viên đến nộp đầu các vị khách cho tôi. Người ta chỉ con đường Việt Minh sẽ ra đi và tôi chỉ việc giết. Tuy vậy họ đề nghị một điều kiện. Sau đó phải di chuyển làng đến một chỗ khác, mất một ngày đường, để quân đỏ đi trừng phạt không tìm ra họ. Vận chuyển hoặc làm lại những căn nhà tranh không là gì nhưng sẽ không thu hoạch rẫy được. Tôi có chấp nhận bù lại số gạo tương đương không? Tôi đồng ý và việc mặc cả kết thúc.

Cuộc phục kích thất bại. Một lính ngụy bắn quá sớm, Việt Minh nhào vào rừng nhưng họ bị phân tán. Và một người đơn độc trong rừng là gặp rủi ro rồi, chỉ cần theo dấu vết cho đến khi họ kiệt sức ngã xuống. Trong tĩnh lặng có vẻ tuyệt đối có tiếng trống nổi lên, lại người thứ hai và những người khác nữa. Đấy là trống mời đến nhận phần con mồi. Người Sêđăng săn đuổi quân Việt nhưng chờ họ mất hết sức lực cuối cùng rồi tấn công và đâm họng họ.

Bốn trong những người Việt bỏ xác trong rừng. Người ta đem đến cho tôi người thứ năm làm quà chiến thắng. Đây là một đại uý, anh ta còn lại bộ xương, lở loét khắp nơi. Tôi cho chữa chạy, anh ta đâm thủng bụng mình bằng một đoạn tre nhọn. Người ta chữa cho một lần nữa rồi thấy cử chỉ anh thật dũng cảm, tôi cho thả ra.

Điều lạ lùng nhất là mặc dù tận tình làm việc tốt, luôn luôn tìm “giải pháp đúng đắn” nhất, đôi khi người Việt sa vào những sai lầm rất lớn. Điều này xảy ra khi họ nghĩ đã thắng lợi. Họ tỏ ra là những kẻ thống trị nhẫn tâm. Vì thế đã xảy ra cuộc nổi dậy của người H’rê từ lâu quy thuận Việt Minh ở Quảng Ngãi. Bây giờ tôi có một đội quân H’rê; với họ tôi xâm nhập đến ngoại ô Quảng Ngãi.

Thế đấy, trong rừng cuộc đấu thật vô biên. Người Việt có những thắng lợi, những thất bại nhưng họ tiến lên phía trước - dù những tiến bộ của họ rất chậm. Đấy là công việc của đàn mối để thực hiện bộ máy tâm lý - chính trị đỏ. Tai họa lan rộng dần. Sau hành trình của những cán bộ nói giỏi tiếp đến những phân đội mấy người lính rồi nhưng đơn vị quân sự nhỏ. Một khó khăn bất ngờ hạn chế quy trình - phải phân tích tình hình, tìm ra “sai sót”, lỗi lầm, tự sửa chữa, làm tốt hơn, cải tiến chiến thuật. Bao nhiêu lần ngã xuống và bắt đầu lại! Nhưng phong trào không lay chuyển được. Sau nhiều năm chuẩn bị, các sư đoàn đỏ chỉ còn đến đích. Cuối cùng sẽ là Điện Biên Phủ.

Ở Sài Gòn, Hà Nội, người Pháp không thấy mối nguy.

Họ tưởng rừng rậm là của họ, thế nhưng về sau khi người Việt thực sự chuyển sang hành động, tất cả đều đổ vỡ. Và sẽ là thất bại.

Đúng là cần có thời gian. Mục đích trước mắt của việc bình định không phải là rừng xanh, sự lẻ loi và những người cổ xưa của nó. Đấy là quần chúng da vàng, hai mươi triệu người dân quê.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM