Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:44:08 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84897 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2017, 09:53:55 pm »


Tôi không nói về vai trò của Hồ Chí Minh: ai có thể làm điều ấy? Nhưng làm sao không nhận thấy tất cả những sáng kiến của ông đều là kết quả cụ thể tăng thêm mưu kế khổng lồ? Làm sao không nhớ lại đối với một người cộng sản Châu Á như ông, thắng lợi của mục đích đòi hỏi tất cả, cho phép tất cả.

Dù sao, cuộc chiến đấu không thành công mặc dù tác động bất ngờ. Quân lính Pháp bị tấn công bốn phía đã trụ vững nhiều ngày đêm trong một Hà Nội đầy ác mộng. Không thể kể lại những cuộc hỗn chiến khốc liệt ấy, những trận giáp lá cà ấy trong các nhà, trên đường phố, dưới cống ngầm. Thành phố bốc cháy và người Việt chiến đấu điên cuồng.

Cuối cùng quân chi viện từ Hải Phòng tới. Hà Nội được cứu thoát. Tuy vậy những trận đánh còn kéo dài nhiều tuần. Phải chiếm lại từng “căn nhà” Hoa-Việt - mê lộ thương mại ở ngay sau chiếc hồ nhỏ tuyệt đẹp. Các đường phố gọi là đường hàng Đào, hàng Bông, hàng Buồm. Lính tập kích Pháp dựa vào xe tăng tấn công nhưng quân Việt sử dụng những đường hầm xưa, luôn trở lại. Sau rồi cuộc chiến cũng kết thúc.

Hà Nội còn lại người Pháp. Nhưng đấy chỉ là một thành phố chết, ngổn ngang đổ nát và hầu như cư dân bỏ đi hết.

Nhất là “giải pháp tàn sát” - người Việt nhằm loại bỏ vĩnh viễn nước Pháp ra khỏi Đông Dương - đã thất bại. Hồ Chí Minh không đạt được gì dứt khoát do thương lượng, hoà hoãn hoặc do cuộc cố gắng ám sát tập thể này. Người Pháp vẫn luôn bám trụ ở Đông Dương: chỉ có cuộc chiến tranh cho phép loại bỏ họ.

Hồ Chí Minh không ngần ngại. “Đòn đánh Hà Nội” vừa thất bại, ông ra đi - để đánh lạc hướng cuộc rút lui của ông, cảnh sát nhân dân đánh nhau trong khu Hoa - Việt. Ông thoát về phía nam châu thổ, theo đường sông Đáy và vùng núi Chi Nê. Đúng lúc một đội tuần tra Pháp suýt bắt được ông. Thoát được rồi, ông ngược theo sông Hồng vòng qua châu thổ và bố trí ở trên biên giới Trung Quốc trong núi rừng Cao Bằng, Bắc Kạn và Thái Nguyên - vùng đỏ truyền thống trước đây từ đó ông tiến về Hà Nội và bây giờ ông trở lại trong thiếu thốn. Nhưng không phải chỉ để ẩn náu; chủ yếu để từ đây lãnh đạo cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn sẽ bắt đầu.

Từ nay Việt Minh khẳng định cuộc đối đầu bằng vũ khí. Họ muốn nâng cao lòng căm thù không dứt, theo nguyên tắc chỉ có một “cuộc chiến tranh lâu dài” mới đưa lại chiến thắng cho nhân dân. Họ biết sẽ là một cuộc thử thách ghê gớm gần như vượt khỏi sức lực con người. Nhưng vừa tập dượt dân chúng, trong những hy sinh hầu như không tưởng tượng được mà khuất phục được họ, tạo thành một dân tộc Đỏ có khả năng chiến thắng một đoàn quân thật sự. Về lâu dài, sau nhiều năm, lớp bình dân được trau dồi chính trị với tinh thần lăn lộn kinh hoàng và hoan hỉ, sẽ khép lại như một làn sóng triều và nhấn chìm những người Pháp.

Thời kỳ những người có thiện chí đã kết thúc. Sau một lần thử hòa giải cuối cùng do giáo sư Mus dẫn đầu, những người làm như thế nào. Lúc đầu họ mở một đợt tấn công lớn rồi họ để kéo lê thê. Về phía mình, Việt Minh trước tiên thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, phó thác cho ngọn lửa tất cả những nơi họ phải chuyển đi.

Tôi đã tới trong xứ sở Đông Dương ấy, một Đông Dương mà những người Pháp “cũ” và “mới” đều thất bại tuy họ đã hầu như giải hòa với nhau. Với một nghịch lý lạ lùng, từ nay tất cả đều như thỏa mãn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2017, 09:47:32 pm »


Máu trên đường số 4

Đông Dương nhấn sâu vào chiến tranh như trong một sự lãng quên. Trên thế giới người ta không nói đến nữa.

Nhưng với tôi là một cuộc khám phá trong lòng một thế giới bất động đổ máu mà người ta gọi là “cuộc chiến tranh thoải mái”. Dần dần tôi phát hiện ra những yếu tố lạ lùng của sự cân bằng của người Pháp và người Annam. Tháng này qua tháng khác, ngày này qua ngày khác họ sống trong lề thói đã quen của đồng bạc và giết chóc.

Tình trạng trì trệ ấy không xảy ra ngay sau ngày mồng 9 tháng chạp năm 1946. Việt Minh đã không thành công trong cuộc chiến đấu. Đến lượt mình người Pháp thử một cuộc đánh lớn. Họ muốn dùng lực lượng quân sự trong mấy ngày tiêu diệt vĩnh viễn Hồ Chí Minh và quân du kích của ông. Một cuộc hành quân đồ sộ. Việc này cũng thất bại.

Đây phải là một cuộc săn đuổi thắng lợi. Người ta sẽ “tóm gọn” Hồ Chí Minh tại góc ẩn náu, trên biên giới Trung Hoa, nơi ông Hồ chỉ có xung quanh mình vài nghìn người sốt rét và thiếu vũ khí.

Điều này suýt thành công. Để tiêu diệt Việt Minh, bộ chỉ huy Pháp đã có một cố gắng khổng lồ. Họ tập hợp mọi lực lượng tập kích huy động được, mọi khí tài đã đưa ra trong cuộc chiến tranh ở Italia. Đây là một cuộc hành quân phối hợp chuẩn bị theo mọi quy tắc của các ban tham mưu. Quân nhảy dù phải được thả xuống Bắc Kạn, một thị xã nghèo rừng nhiệt đới thưa thớt, là trung tâm chỉ huy của Hồ Chí Minh. Ngay sau đó hai đoàn quân ào tới tiếp nối, đoàn xe bọc thép theo đường số 4, đoàn tàu chiến theo sông Đáy tiến lên.

Quân viễn chinh bắt đầu trong niềm hân hoan, chắc chắn sẽ “chấm dứt với người Việt”, về kỹ thuật nó gần như hoàn hảo. Nhưng tàu chiến không tiến lên được. Đội lính dù thả xuống Bắc Kạn với mệnh lệnh bằng mọi giá tóm lấy Hồ Chí Minh sống hoặc chết, chậm mất gần một tiếng đồng hồ. Vì giờ ấy mà cuộc chiến tranh Đông Dương tiếp tục, dần dần trở thành một bi kịch không tránh được.

Từ đó vấn đề bắt Hồ Chí Minh không được đặt ra. Về sau ông sẽ là một con người bí mật, không bao giờ người Pháp dò tìm được. Ông biến sâu vào rừng núi đến nỗi có những lúc Phòng Nhì tưởng ông đã chết. Việc đảm bảo an toàn cho ông người Pháp không tưởng tượng nổi. Ông di chuyển, thay đổi chỗ ở hàng đêm, có một tiểu đoàn đầy đủ bảo vệ. Ông được bao bọc bởi một bức tường bí mật. Cả những tướng tá, bộ trưởng cũng không biết ông ở đâu.

Hồ Chí Minh thoát, cuộc chiến tranh xoay về chiều hướng xấu. Đội quân viễn chinh cảm nhận sự thật tàn nhẫn của quy luật lớn đầu tiên của cuộc chiến tranh Đông Dương: mọi mưu đồ không hoàn toàn thành công dẫn đến thảm họa.

Đây là một sự phát triển mà bộ chỉ huy Pháp đã không dự kiến và lặp lại trong mọi mặt trận sau này. Một loại quy tắc, bao giờ cũng thế. Người ta tiến đánh, chẳng gặp ai thế nhưng tình hình trở nên không chịu nổi. Chống lại hàng ngũ bộ binh và quân nhảy dù của Pháp, Việt Minh sáng tạo những chiến thuật không làm sao được. Trước hết là vườn không nhà trống, không nắm bắt được và không có gì. Tuần lễ này tiếp theo tuần lễ khác, núi rừng trở thành đồng loã với quân địch, người Pháp không dám mạo hiểm vào. Họ bố trí trên bờ đường, trong các đồn bốt, những chỗ dễ dàng. Sau một, hai tháng, quân lính ma của Hồ Chí Minh tái xuất hiện để tấn công. Những cuộc phục kích các đoàn xe, tấn công đồn bốt trú quân bao giờ cũng liền hơn, giết hại nhiều hơn, tổ chức tốt hơn. Cuộc chiến tranh du kích quy mô.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2017, 09:48:08 pm »


Đấy là điều xảy ra trên đường số 4. Máu của quân Pháp không ngừng chảy nữa ở đấy. Máu chảy càng luôn luôn nhiều hơn cho đến thảm họa đầu tiên của cuộc chiến tranh Đông Dương vào mùa thu năm 1950.

Quân lính hớn hở ra đi để bắt chộp Hồ Chí Minh chỉ cần mấy ngày thậm chí mấy giờ để hiểu việc ào ạt tiến trên đường số 4 là bước đầu của cuộc phiêu lưu tai họa.

Sau này một người trong bọn họ kể lại với tôi những linh cảm của anh:

- Tôi hài lòng được chỉ định tham gia đoàn quân tiến theo đường số 4. Tôi chỉ huy một chiếc xe gắn đại liên, mọi người đều tin tưởng. Làm sao Việt Minh có thể kháng cự với một lượng lớn người và xe cộ như vậy? Chỉ huy chúng tôi là đại tá Beaufre, một niềm hy vọng của quân đội Pháp. Ông có khuôn mặt tái xanh, người gầy, đôi mắt xanh rất nghiêm. Ông cho chuẩn bị một chiếc xe chỉ huy có phòng khách rất đẹp. Việc hành quân của chúng tôi thật lạ, quá dễ dàng, không có một phát súng; thế mà quân địch vô hình có mặt khắp nơi. Họ chỉ làm công tác phá hoại. Chúng tôi tiến lên qua những chiếc cầu sụp đổ, những đống gạch đá ngổn ngang. Chúng tôi đếm được một trăm hai mươi lăm chỗ đào cắt mặt đường, có những chỗ như “phím đàn dương cầm”, có những chỗ như “ổ gà”. Rừng rậm vẫn y nguyên nhưng tất cả các xóm làng bốc cháy. Chúng tôi không trông thấy một kẻ địch, một người dân cũng không.

Cuối cùng chúng tôi đến một Cao Bằng đổ nát đang bốc khói và cháy đen. Đại tá Beaufre ngự trị trên một thị xã chết, thảo ngay một nhật lệnh chiến thắng. Chúng tôi buồn bã bố trí quân trên chỗ đất không người này. Chúng tôi không có gì hết ngoài xăng và một số hộp khẩu phần. Tối đến quân lính đốt cháy giẻ rách tẩm dầu để sưởi ấm. Người bạn thân nhất của tôi, bị giết sau đó, thì thầm với tôi: “Chỗ này thật đáng sợ, may mà mọi việc xảy ra tốt đẹp.” Chúng tôi an ủi nhau để vững tâm. Không tự dối mình được, chúng tôi đã thấy lo lắng. Người nào cũng cảm nhận bị rơi xuống đáy cạm bẫy. Mấy ngày sau cuộc phục kích đầu tiên giết chết những người đầu tiên của con đường số 4. Một năm đã qua. Thậm chí người ta không đếm được số người chết.

Ở Đông Dương năm 1948 hàng nhiêu nghìn người bám vào con đường số 4 ấy. Cuộc chiến tranh của họ là bảo đảm cho những đoàn xe đi giứa những bẫy phục kích khổng lồ. Chiến dịch Tia chớp của đại tá Beaufre trở thành một tình trạng phục dịch ghê gốrm mỗi tháng tiêu tốn hàng tỷ, chữ thập trắng chất đầy các nghĩa trang ở Cao Bằng và Lạng Sơn.

Đường số 4 là một áp-xe mưng máu nhưng ở Sài Gòn, Hà Nội lệnh là quên nó đi. Người ta hoàn toàn quên được. Những người khởi xướng cuộc hành quân (Valluy, Beaufre) đã trở về Pháp.

Đông Dương có một cao uỷ mới và một tổng tư lệnh mới điều hành. Con đường chết chóc mỗi lúc càng là một việc của bên kia thế giới, xa các châu thổ, dân chúng, lợi ích kinh tế chính quyền, xa tất cả. Đấy là trong lòng cuộc chiến tranh Đông Dương không được biết đến, một cuộc chiến tranh riêng, còn không được biết đến hơn. Những toán quân đánh nhau ở đấy chuyên nghiệp hơn cả, để không nói là lính đánh thuê hơn cả của Đội quân viễn chinh: những người lính lê dương có thể chết ít phiền phức nhất.

Tuy vậy luận thuyết đã thay đổi ở cấp cao. Các quan chức không tin có thể đè bẹp Việt Minh bằng vũ lực nữa. Giải pháp mới là bình định. Nhưng - một vấn đề nghiêm trọng và nặng nề về phân giải trách nhiệm trong cuộc chiến tranh Đông Dương - tại sao người ta không rút khỏi đường số 4? Mọi người đều nói về việc đó nhưng không bao giờ làm vì tính chất bảo thủ cố hữu trong quân đội Pháp, họ không có khả năng quyết định. Trong đó cũng có tính tự kiêu quân sự, định kiến chủng tộc, vấn đề uy tín. Mỗi lần nói đến một cuộc rút lui, có ai đó kết luận trong các ban tham mưu:

- Đội quân viễn chinh không thể lùi bước trước những người da vàng khốn khổ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2017, 09:48:43 pm »


Tuy thế người ta biết cuộc chiến tranh trên đường số 4 là một dị thuyết trái với những nguyên tắc sơ đẳng của chiến lược. Đường 4 thậm chí không nối liền với châu thổ Bắc Kỳ. Đây là một loại nhánh nhỏ riêng biệt, phải tiếp tế theo đường biển qua những khối đá tuyệt đẹp của vịnh Hạ Long - Mặc dù vậy nó trở thành một cơ sở, là vùng tác chiến của Bắc Kỳ với ban tham mưu ở Lạng Sơn.

Vùng tác chiến thu gọn lại là một “con đường - án ngữ” là con đường mà thậm chí người ta không làm chủ cả những bờ dốc. Thế nhưng dải băng tạm bợ ấy bằng đất nện sơ sài đi sâu ba trăm cây số vào nội địa Châu Á song song với biên giới Trung Quốc. Đi từ Móng Cái và vũng bùn Tiên Yên, con đường vào sâu trong vùng hoang dã ngổn ngang rừng núi kém khai thác. Chẳng có gì để hỗ trợ cho con đường ấy; như một cuống hoa; có ai đó đã ví nó như một sợi dây của thầy phù thủy lơ lửng trên không.

Con đường ấy, cuống hoa, sợi dây - như người ta muốn thế mà đi vào giữa đất nước địch. Đường số 4 thu nhỏ lại giữa hai khối khổng lồ. Về phía bắc, nước Trung Hoa chưa chính thức đỏ nhưng đã ruỗng nát vì du kích đỏ đến tận biên giới Bắc Kỳ. Phía nam, cái người ta gọi là “tứ giác” Việt Minh - một vùng phún xuất đá vôi mà những lòng chảo dùng làm căn cứ cho quân đội của Hồ Chí Minh. Các toán quân Trung Quốc và những đơn vị Việt đã cùng hành quân tay trong tay. Về nguyên tắc đường 4 chia cắt họ ra: chính họ phải đập nát con đường này.

Để tự biện minh, Bộ chỉ huy dù sao cũng có một lý luận dưới danh nghĩa “bịt lối đi”. Đường số 4 phải dùng “khóa chặt” biên giới, chia cắt Việt Minh với người Trung Hoa. Thực ra đây là chỗ qua lại và chính Việt Minh và người Trung Hoa liên minh đã “khóa chặt” người Pháp.

Mạo hiểm thật lớn và vô ích. Người Pháp không hề bóp ngạt được Hồ Chí Minh, thậm chí không làm ông phiền phức gì. Việt Minh hoàn toàn yên ổn trong “tứ giác” không xâm phạm được của họ vốn được tổ chức có phương pháp. Hồ Chí Minh tự lập cho mình tỉ mỉ, vững vàng một đảng cứng rắn - một Đảng Cộng sản trong sạch - và một quân đội nhân dân tác chiến. Kỹ thuật viên của Mao Trạch Đông đi qua những vùng thuộc Quốc dân đảng sang giúp ông. Cũng từ Trung Hoa đưa sang mọi loại hàng lậu, đặc biệt là vũ khí và đạn dược.

Nhưng chính từ phía nam, từ châu thổ Bắc Kỳ không đến một trăm cây số, những thứ thiết yếu được đưa đến: lúa gạo ở đồng bằng, những đồng bạc thu nhặt trong các thành phố Pháp chiếm đóng và nhất là dân quê đi lính. Hàng hóa và lính nhập ngũ đi dưới sự nguỵ trang tự nhiên của rừng dày, theo những đường mòn vô tận thành từng đoàn người lặng lẽ.

Chẳng bao lâu Hồ Chí Minh có một đội quân chiến đấu mười trung đoàn vững chắc, trang bị vũ khí đầy đủ, cuồng nhiệt. Rừng thưa giấu kín những thủ đô di chuyển, những bộ, những ban tham mưu không cố định. Ở đấy cũng có những doanh trại, trường quân sự, xưởng đúc vũ khí, các xí nghiệp, kho tàng, nhà in. Tất cả những cơ sở ấy tháo rời được, ít nhiều bằng tre. Khu rừng rậm ấy của: “tứ giác” nhìn trên máy bay thì hoang vắng; nhưng bên dưới che giấu bao nhiêu thứ.

Người Pháp được báo tin đầy đủ. Nhưng họ để bi kịch đường 4 tiếp tục, để bão tố Việt Minh dồn đống lại. Những báo cáo của Phòng Nhì mô tả khá kỹ mối nguy cơ của tình hình, dự kiến những gì sẽ đến. Tuy nhiên những nhà quân sự ở các ban tham mưu lớn được thông báo, có biết nhưng không tin những gì được nêu ra. Năng khiếu “không tin” của Bộ chỉ huy đúng là không thể tin được.

Vấn đề di tản sẽ đặt ra trong ba năm. Trong ba năm ấy người Pháp vẫn ở lại trên đường 4. Họ bị đổ máu từng nhóm nhỏ. Và cuối cùng trên biên giới Trung Hoa, trước sự sửng sốt của thế giới sẽ là cuộc tàn sát năm 1950.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2017, 07:40:40 am »


Bình định, chiến tranh du kích và sự tàn bạo

Cuộc chiến trên biên giới Trung Hoa đã có thể thắng lợi nếu, trong năm 1947 người Pháp đã như tổ tiên họ trong cuộc chinh phục thuộc địa, vào trong rừng rậm đánh giáp lá cà với quân địch. Nhưng họ kìm hãm việc làm của họ khi đông cứng lại trên đường, là tù nhân của xe cộ, khí tài.

Người Pháp không có can đảm đối mặt với người Việt trong rừng. Các ban tham mưu thì không dám công nhận cuộc phiêu lưu thất bại. Vậy là cứ tiếp tục - hơn nữa đối với Bộ chỉ huy việc đó không còn quan trọng. Vì con đường số 4 và “tứ giác” Việt Minh là gì so với phần còn lại của một xứ sở Đông Dương rộng lớn hơn nước Pháp và đang trên đà quy phục? Ý tưởng mới là việc bình định.

Người Pháp tiến hành việc đó năm 1948 do không thể dàn hàng ngang đánh Việt Minh. Luận thuyết lớn từ nay là để Hồ Chí Minh trong mảnh rừng rậm của ông và lấy hết phần còn lại, lấy của ông đất nước và người. Khi Việt Minh không còn đất đai phì nhiêu và dân cư đông đúc, họ sẽ bị tan nát hơn vì thất bại quân sự. Họ không thể tồn tại nữa. Quân lính của Hồ Chí Minh lúc đó sẽ chết vì đói và lẻ loi trên biên giới Trung Hoa.

Ở Đông Dương, người Việt, ngoài chốn ẩn náu ở vùng cao Bắc Kỳ chỉ có hai vệt đỏ, hai vùng nội địa dọc bờ biển Annam hoàn toàn thuộc về mình: vùng Vinh và Thanh Hóa, vùng Quảng Ngãi và Qui Nhơn. Nhưng Hồ Chí Minh chỉ có ở đó ba triệu người và nguồn lúa gạo, muối nghèo nàn.

Ván bài vậy là Đông Dương do Pháp chiếm đóng. Trên một diện tích bao la, dưới bóng ngọn cờ tam tài tiến triển cuộc đấu tranh quyết liệt giữa công cuộc Bình định và công cuộc Kháng chiến thứ yếu. Người Pháp đưa ra đủ phương pháp của họ, Việt Minh theo cách của mình, nhằm tác động và nắm lấy dân chúng. Hai nền văn minh xen kẽ, quyện vào nhau được vận dụng trong một trận đánh tổng thể. Người Pháp dựa vào những vật chất cụ thể, xã hội hợp pháp, đã được thiết lập. Người Việt phần lớn ở mặt sau dựa vào những gì ẩn náu. Hai bên kêu gọi lương tri đối ngược nhau của con người, người Pháp đem đến cuộc sống thường ngày, sự thịnh vượng, những lợi thế của Phương Tây, người Việt khêu gợi lòng kiêu hãnh, sự nổi dậy. Những người này tạo thuận lợi cho những người giàu, người có tài sản, những người kia hướng về người nghèo. Bên này bên kia, trong sự chèo kéo hai mươi triệu dân quê người ta cũng dùng khủng bố. Dân chúng bị đè nén giữa hai bộ máy khổng lồ.

Trên đường số 4 người Pháp đánh nhau với cộng sản, những người theo mệnh lệnh đỏ. Vả lại ở Đông Dương với việc bình định, trước hết họ chống một cuộc kháng chiến. Những người kháng chiến ấy có Chúa trời là Hồ Chí Minh; họ tôn sùng ông với một nhiệt tình kỳ lạ. Nhưng họ ca ngợi Bác Hồ theo một ý tưởng của họ; họ không biết rõ ông - ở Đông Dương đường sá xa cách cản trở việc hiểu biết. Đối với họ, Bác Hồ trước hết là người yêu nước, vị anh hùng đánh đuổi Pháp. Bản thân họ cũng không biết rõ lắm mình có là cộng sản không. Họ tránh nêu lên câu hỏi, thích nói mình là “những người yêu nước”, và Hồ Chí Minh cũng là thế.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2017, 07:40:59 am »


Những người kháng chiến ấy không có quân đội thực sự mà là những biệt động đội, những nhóm, những hệ thống tình báo với vô số chi nhánh. Để giết người Pháp họ sống bên cạnh, ăn bám vào người Pháp. Họ vừa săn đuổi và cũng bị săn đuổi. Vì những người Pháp nhờ vào tiền, tuyển mộ những chỉ điểm, quân bảo vệ, binh lính Việt Nam. Những người này rất đông, rất nguy hiểm đối với Việt Minh; cũng phải nhấn chìm họ.

Để giải quyết bao nhiêu quân thù như thế, Việt Minh mặc nhiên phải dùng mưu kế và tàn bạo. Cũng như trong mọi cuộc kháng chiến, có một ham thích giết chóc. Những người kháng chiến không mạnh hơn về sức lực thuần túy. Thậm chí họ không thể tấn công những bốt tre và những đồn cảnh sát Pháp. Giải pháp còn lại là ám sát. Việt Minh chính thức gọi những ban chính trị của họ là “ban ám sát”.

Để thanh toán những kẻ phản bội họ không cần chứng cứ, chỉ nghi ngờ cũng đủ. Một toà án xét xử những người tình nghi và đao phủ hạ sát. Người ta dán trên những xác chết tấm biển “Việt gian” và bản án xét xử có đóng dấu. Thân thể kẻ phản bội bỏ lại trên đường để dân chúng trông thấy và người Pháp tìm được.

Cuộc kháng chiến ấy đổ máu. Những người cộng sản thực thụ - những người của đường số 4 - giết không vì thích thú mà vì cần thiết. Họ phân tích tình hình và kết luận vì lợi ích của đảng đòi hỏi phải ám sát. Nhưng luôn luôn là những kẻ đã xác định rõ. Không có sai sót, tình cờ và nói chung Đảng muốn giáo dục lại các phạm nhân.

Nhưng những người kháng chiến gieo cái chết khá phiêu lưu. Họ làm nổ bom giữa những đám đông người, trong chợ và rạp chiếu bóng. Họ thuê người ném lựu đạn tự làm trong các xưởng, gây ít thiệt hại. Nhưng đôi khi để tấn công, họ sử dụng những lựu đạn khía vuông mua ở Bangkok hoặc Singapore giết cả nhóm người.

Ban đêm là của Việt Minh. Nhưng bình minh lên các đội tuần tra Pháp đi lùng. Họ nhặt được bao nhiêu xác chết! Có những xác găm bảng kết tội nhưng có những xác vô danh trôi theo dòng suối, phình lên như những túi da đựng nước. Đôi khi một con sông đưa những thân người đến; người ta không biết từ đâu, họ là ai và sẽ không bao giờ biết.

Người Pháp cũng tìm thấy xác của người mình. Nhưng có thể gọi đấy là xác người không? Có những lần người Việt dẫn tù nhân của họ, đến cách một đồn bốt Pháp mấy trăm mét: ở đó họ xử tù nhân để đội đồn trú bất lực nghe được tiếng kêu la của nạn nhân.

Chỉ có xác Việt Minh người Pháp không bao giờ phát hiện được. Quân địch luôn mang đi những người chết và bị thương. Mọi dấu vết mất mát của quân đỏ đều bị xóa. Những người Việt Minh chết đưa về các làng xóm trung thành, được tôn vinh kính cẩn: Dân chúng xây mộ cho họ, điểm ngôi sao đỏ. Trong những buổi lễ lớn tiễn đưa, những người sống sót, thoát khỏi những trận đánh hoặc bị giết hụt, thề trả thù.

Cuộc chiến tranh không thương xót. Sự tàn bạo đầy rẫy cả hai phía. Lính da vàng trong Đội quan viễn chinh luôn bị đe dọa vì một cái chết tàn khốc, họ diệt Việt Minh nếu không thỏa thuận được với họ. Cả những người Pháp thường cũng bị tra tấn và giết chết. Người Việt đẩy người Pháp hung dữ quá đà, không biết rằng về mặt tàn bạo, người Pháp vượt hẳn người Việt, vừa có hiệu quả vừa thành thạo hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2017, 07:10:43 am »


Cuộc chiến ở các đồn bốt

Trong quá trình bình định, quân đội đóng chốt tại chỗ. Bố trí lực lượng quân sự ở những điểm mạnh cố làm vết dầu loang ra vùng xung quanh, sông suối và rừng núi Việt Minh. Không có những cuộc chiến lớn nhưng có hàng chục, hàng trăm cuộc chiến nhỏ ở địa phương.

Đội quân viễn chinh chiếm đóng đất nước theo một địa dư “cổ xưa” hơn hiện đại.

Những thành phố lớn tập hợp các ban tham mưu, cơ quan dịch vụ và quản lý. Ở đây người ta không đánh nhau mà làm công tác chính trị và kinh doanh. Hiếm có các đội quân, chỉ là những đơn vị dự phòng. Đấy là hậu phương cho dù nhân viên ám sát người Việt rất nhiều. Trước hết là cảnh sát đấu với họ.

Các tỉnh lỵ, thị trấn trung bình và nhỏ là thủ đô của việc bình định. Ở đấy bao giờ cũng có một đại tá, bốn văn phòng của ông này, một hoặc hai tiểu đoàn can thiệp, một quan chức hành chính dân sự luôn bất đồng với bên quân sự. Viên đại tá là một tiểu vương, chỉ huy cuộc chiến tranh của mình, với các đội quân của mình. Để tiến hành một cuộc hành quân ông cho chuẩn bị bản đồ trang trí những mũi tên màu lớn. Rồi những chiếc xe đưa các đơn vị đi đánh nhau, sau mấy ngày thì trở về. Thông thường nếu lực lượng mạnh người ta không tìm thấy quân địch. Nếu không mạnh người ta rơi vào một cuộc phục kích. Có những người chết nhưng cũng có thăng tiến và khen thưởng.

Cuộc chiến tranh ấy thuộc về cổ điển, gần như theo kiểu Châu Âu. Những lực lượng tham gia chủ yếu là Pháp - nghĩa là quân Bắc Phi, Sénégal, lê dương. Họ chiến đấu theo quy luật, bắn chuẩn bị chiến trường, cố bao vây, tấn công địch. Nhưng kết quả hầu như luôn luôn không có gì. Vì không tiêu diệt được Việt Minh nên cần thiết phải bảo vệ tất cả đối với họ, phải giữ những con đường, dân chúng, mùa màng. Vậy là người ta xây dựng nhiều nghìn đồn bốt. Đây là một cuộc chiến tranh mới.

Tôi như bị ám ảnh về bốt, cái bốt muôn thuở. Bao giờ cũng thấy như vậy. Dù được dựng lên bên bờ một con suối, trên một chỏm núi, lần nào cũng là một không gian khép kín, chế ngự bởi một lá cờ tam tài buộc đầu một cây sào. Người ta lại thấy khoanh rào là những cây gỗ tròn thô thiển, đài quan sát như hình thu nhỏ của tháp Eiffel và ở các góc, những lô cốt bằng đá và bằng tre, những hộp cổ sơ trong đó là súng đại liên. Tất cả đều sơ sài. Người ta không dùng xi măng, dây thép gai; ai đòi hỏi những thứ đó bị xem như người điên. Nguyên vật liệu ấy quá đắt; Người ta thay thế bằng những mảng cây gai, những bẫy tre vót nhọn, tôi trong lửa cho cứng.

Trong mỗi bốt, viên đội hoặc cai Pháp bao giờ cũng giống nhau. Người ta thấy ông ta mình trần giữa những binh lính da đen gớm ghiếc với bộ răng bằng vàng giả, và một chiếc khăn tắm quanh cổ. Ở đấy lúc nhúc vợ con những lính bổ sung tạm thời, là tiếng kêu của con gái người Pháp mang theo vào, cũng là bẩn thỉu, nóng nực; kiệt sức dần, rữa nát tại chỗ, thường thân hình có những đám da mưng mủ. Rồi những chai bia, rượu khai vị, ăn uống tốt. Trưởng bốt chấp nhận mọi sự thiếu tiện nghi trừ thiếu thốn cho “cổ họng”. Ông ta kiên trì biến một dân quê ở đồng ruộng thành một anh bếp có kinh nghiệm. Nhưng còn lại là thời gian vô tận, sự cô đơn vô biên. Đồn bốt nối với bên ngoài chỉ bằng chiếc đài nếu có. Và luôn luôn trong tiềm thức đinh ninh có mối nguy hiểm và sự phản bội.

Mỗi trưởng bốt biết nếu bị bắt mình sẽ bị hành quyết ra sao. Ông ta lao vào một cuộc đấu sống chết với cán bộ chính trị của đội du kích gần đấy. Trên toàn bộ Đông Dương, mỗi bốt kèm với một chi đội đỏ. Đôi khi người chỉ huy Pháp và người chỉ huy Việt Minh biết rõ nhau, có lúc trao đổi thư từ với nhau, thỏa thuận những cuộc gặp mặt, những đợt ngưng chiến ngấm ngầm. Nhưng cuối cùng người này phải bóp cổ người kia. Về nguyên tắc không thể chiếm được bốt vì Việt Minh mới chỉ có rất ít súng máy. Người Việt lượn xung quanh trong bóng tối. Trong cuộc chiến sống còn ấy người chiến thắng là kẻ có nhiều mưu kế hơn. Ai bị bất chợt thì sẽ mất mạng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2017, 07:11:11 am »


Chính người Pháp phải giữ gìn hơn cả. Dù trong bầu trời khép kín của bốt mình, họ sống trong một chiếc lồng bằng kính. Những người Việt biết tất cả về họ, quan sát họ trong nhiều tuần lễ, nắm được các thói quen, tính tình, công việc - họ sống giữa những dấu hiệu quy ước chỉ những gì họ làm đang làm mà họ không biết. Đứa bé ở trần ngồi trên lưng con trâu đầm mình trong bùn ruộng bên cạnh, ông già đáng kính thả cần câu bên suối, hương chức trong làng búi tóc lễ phép lạy chào đều là những tình báo viên. Nếu người Pháp đi tuần tra, ông già câu cá chỉ cần giơ chiếc cần câu theo cách nào đó để chỉ hướng đi của quân Pháp. Tất cả đều tự nhiên. Một trinh sát chuyên nghiệp ngồi trên một cồn đất, trong bóng cây, dùng chiếc ống nhòm cũ theo dõi bên trong bốt.

Người cán bộ chính trị của khu du kích ghi vào sổ từng giờ một chương trình hành động của người Pháp. Sau nhiều tuần khi ông ta biết tất cả về người Pháp, khi đã ghi chép đầy đủ, cũng với sự tỉ mỉ ấy ông ta chuẩn bị giăng bẫy để đánh hạ họ. Việc thực hiện mưu kế, tập dượt kéo dài hàng tháng. Cả một kịch bản phức tạp. Nếu người Pháp không nhận thấy gì, không phát hiện ra một dấu hiệu nhỏ nào, mọi việc bỗng được phát động vào một ngày nào đó, một phút nào đó và họ sẽ đi đời. Bi kịch xảy ra trong mấy giây. Ở Sài Gòn, Bộ chỉ huy lại một lần nữa được tin một trong những bốt của họ bị hạ.

Không ai đơn độc hơn người trưởng bốt, ông ta chỉ có thể tin vào mình. Ông ta biết mình bị án tử hình, chỉ hơi lầm lỗi, sơ suất là phải trả giá mạng sống. Ông không bao giờ được lơi lỏng; mạng sống của ông phụ thuộc vào sự thận trọng. Cuộc chiến ở Đông Dương là một cuộc chơi ghê gớm, có luật lệ cụ thể, gần như, theo số học. Không bao giờ được làm trái, nếu vi phạm là cái chết.

Một số quy tắc thật sơ đẳng. Đi tuần tra trở về hai lần liền, cùng một con đường là một sự mạo hiểm chết người. Có thể, đến một làng nào đó chỉ ba người nhưng là tự sát nếu đến một xóm đúng như thế dưới một trung đội. Phải thuộc lòng mọi vật có vẻ yên ổn nhưng hình thái nguy hiểm luôn thay đổi. Mỗi ngày phải xác định hệ số hiểm họa của từng thước đất, cũng phải lường được sự đe dọa trên mỗi khuôn mặt vô cảm ở những người lính của mình cũng như ở những nông dân, hương chức xung quanh.

Người ta chỉ sống nếu có một linh cảm đặc biệt, vì mọi vật bao giờ nhìn bề ngoài cũng bình thường. Thế mà phải biết đọc những dấu hiệu vô hình. Người nào không hình dung rõ được sẽ bị thất bại trước.

Người Việt tính toán tất cả. Trưởng bốt cũng phải có logic không thương xót ấy. Ông ta cũng phải trở thành một con thú hoang lạnh lùng, thông minh mỗi lần cần một “giải pháp đúng”. Vì trong mỗi tình huống chỉ có một giải pháp và phải tìm cho ra. Khác đi sẽ bị huỷ hoại. Điều đó không có chỗ cho giá trị đạo đức, cho tình cảm. Lòng tốt là hiệu quả của một lập luận, sự tàn bạo cũng thế.

Cuộc chiến các đồn bốt là một ván cờ. Nó đòi hỏi có thần kinh thép, một sự suy nghĩ không bao giờ ngừng, một loại siêu sáng suốt nhưng chỉ làm được nếu người ta thích thú. Những người chơi có thiên bẩm về một thói tàn bạo, đặc biệt, về trí tuệ hơn về thể chất. Cuộc chiến tranh này là sự chiến thắng, sự điên rồ. Đưa cả tinh thần và thể xác vào cuộc đấu không đủ; cách kéo dài cuộc sống duy nhất là khả năng luôn luôn lập luận đúng. Không có gì đáng kể nữa trừ việc giết người để khỏi bị giết. Người ta thậm chí không căm thù nữa. Tất cả như thoát xác nhưng tất cả là nghị lực. Đấy là cuộc chơi với ý nghĩa tổng thể. Đấy là thế giới tính toán toàn vẹn mà luôn luôn phải thắng. Điều đó trở thành một niềm say mê lạnh lùng và ngấu nghiến, một căn bệnh, một sự phát triển quá độ của não phá huỷ hết mọi tính cách bình thường. Người ta không tự vực dậy được dù may mắn không bị hủy hoại thân thể.

Để như vậy phải có thú tính đặc biệt. Trong số những binh lính trẻ từ Pháp sang, một số có, một số không có: những anh này thật khốn khổ và sẽ mau chóng bị giết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2017, 07:12:58 am »


Những ngọn lửa trong đêm

Về phía chân trời đen, một ngọn lửa ánh lên trong đêm. Như vậy có nghĩa là một bốt không tồn tại nữa. Nó bị chiếm và đốt cháy sau một vụ phản bội. Không có tiến công nhưng cổng bờ rào do một đồng loã mở ra, những người Việt nấp xung quanh ào vào bên trong. Chỉ cần mấy phút họ đâm cổ người đội Pháp và những người lính trung thành chiếm lấy vũ khí, đạn dược và rút lui sau khi châm lửa đốt bốt. Nhân công mang vác chiến lợi phẩm của họ. Khi trời sáng, quân tăng cường Pháp đến, họ chỉ còn thấy đất cháy xém và xác người.

Bộ tham mưu không bao giờ nêu lên bao nhiêu đồn bốt bị hạ theo cách ấy.

Đối với những người Pháp đóng chốt trong các bốt phản bội là một nỗi ám ảnh. Họ không ngớt dò xét những khuôn mặt tươi cười hoặc thờ ơ của binh lính họ; và dù không thấy có gì đáng lo ngại họ cũng không ngăn cản được mình điên lên vì nghi ngờ. Một số trong bọn họ trở thành thẫn thờ do dò xét những lính bổ sung của họ không biết gì và không nói tiếng Pháp. Họ tưởng tượng ra những cách phòng vệ không tin nổi, giấu vũ khí trong máng cỏ, tập đi quanh chân đất. Ban đêm là một nhục hình. Đôi khi những người Pháp không ngủ trong nhiều tuần, kiệt sức vì đi lén, giật mình vì một tiếng động nhỏ trong đêm tối nhiệt đới.

Người Việt biết rõ nỗi lo lắng của những người Pháp trong bốt, thậm chí có cả một kỹ thuật làm tăng ám ảnh của họ. Họ bắn tin dọa tiêu diệt, gắn biển vào cây viết những câu giống nhau: “Đầu hàng đi hoặc trong một tháng nữa các anh sẽ chết”. Hàng ngày họ phát loa vận động lính trong bốt tự giải phóng mình bằng cách giết trưởng bốt Pháp. Ông này không hiểu những lời hô hào tiếng Việt ấy nhưng đoán được ý nghĩa. Phiên dịch của ông dịch từng đoạn nhưng ông không chắc người này không dối trá. Đôi khi bài diễn thuyết không dứt từ bên ngoài có những đoạn tiếng Pháp dành cho ông, tả tỉ mỉ cái chết đang chờ ông. Nếu thần kinh không vững vàng ông sẽ suy sụp.

Trường hợp thông dụng nhất là người Việt thu xếp để đưa người của họ vào làm lính trong bốt. Nếu trưởng bốt là người mới, vừa từ Pháp sang thì mọi việc đơn giản. Nhưng thường là người cũ có kinh nghiệm, dễ nghi ngờ và đặt ra những thử thách với người mới tuyển. Ví dụ ông bảo họ công khai giết những tù binh Việt Minh. Bằng cách này ông nghĩ có những người bị lên án tử hình vì không tránh khỏi bị người đỏ trả thù và chỉ còn cách trung thành tuyệt đối với ông để cứu mình. Biện pháp ấy không phải luôn luôn có kết quả. Đôi khi người Việt chỉ thị cho người của mình:

- Nếu viên đội Pháp ra lệnh cho các anh giết các đồng chí của Đảng, các anh cứ làm đừng ngần ngại. Các anh thu xếp mọi cách để chiếm lòng tin của ông ta, hãy sẵn sàng thực hiện những đòi hỏi của ông ta.

Vậy là lính ngụy giả hạ sát Việt Minh, chứng minh đầy đủ mãi đến khi người Pháp hết nghi ngờ. Lúc đó họ báo cho viên chỉ huy chi đội, hẹn ngày hành động. Họ chọn một người trong bọn gác bốt, chỉ giờ, phút, thường là lúc ba giờ sáng.

Lúc đó trưởng bốt quá mệt mỏi đã ngủ thiếp đi. Ông ta sẽ không bao giờ thức dậy nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2017, 07:13:51 am »


Khi không đưa được người của mình vào bốt thì việc làm lâu dài và phức tạp hơn. Thông thường người Việt tạo đồng loã trong lòng bốt, rất kiên trì với những kê sách kéo dài nhiều tháng. Mọi việc chuẩn bị trong bóng tối và im lặng. Mục đích là tha hóa một số lính ngụy.

Nói chung Việt Minh vận động gia đình những người mới bổ sung, trước hết là bố mẹ già của họ. Bà mẹ đến nói với con nếu anh ta không nộp bốt thì bà sẽ chết. Thậm chí bà đưa tới cho con lệnh thực hiện do chủ tịch ủy ban ký.

Đôi khi một cô gái làm việc ấy.

Các cô gái và đàn bà trẻ sử dụng sắc đẹp của mình vì lòng yêu nước chân chính; đấy là vũ khí của họ, một biện pháp giết Tây. Ở ngoại ô thành phố, họ lôi kéo quân lính ra những đường nhỏ hẹp để đồng đội đâm chết. Nhưng đấy là những phụ nữ tao nhã, thường là nữ sinh, làm những nhiệm vụ quan trọng nhất. Đôi khi họ nhận chỉ thị quyến rũ chính trưởng bốt hoặc một sĩ quan cấp cao. Và biết bao lần quân lính Châu Âu, cả những người cứng rắn nhất tỏ ra bất lực trước khoái lạc! Nhiều đồn bốt bị hạ vì điều đó.

Người ta kể nhiều trường hợp khác thường. Trong vùng châu thổ Bắc Kỳ, một “hoa khôi” rất đẹp trở thành tình nhân của một viên thiếu tá ở huyện. Cô thú thật với ông ta mình lao vào buôn bán, sắp phá sản nếu không vận chuyển được hàng hóa. Thiếu tá cho cô mượn những chiếc xe của Đội quân viễn chinh. Suốt nhiều ngày cô chuyển các hòm ở một người Trung Hoa, thương gia chính trong một thị trấn. Nhưng nơi tiếp nhận thực sự là một đơn vị Việt Minh. Khi đơn vị này được trang bị đủ vũ khí của quân đội Pháp, họ tấn công hàng loạt đồn bốt, chiếm được nhiều nơi.

Một lần khác, một cô gái nói với người yêu, một sĩ quan cấp cao, cô phải đi vắng mấy ngày về nhà mẹ. Cô không trở lại. Sau một tuần, người yêu nhận được của cô một thư bảo đảm theo đường bưu điện kèm theo bản sao kế hoạch tác chiến tối mật mà bản thân ông ta khóa kín trong két sắt. Trong lúc đó cuộc hành quân đã bắt đầu và viên sĩ quan hiểu tại sao một trong những tiểu đoàn của ông bị bí mật bao vây và tiêu diệt.

Trong cuộc chiến các đồn bốt, người Việt còn dùng nhiều cách khác nữa. Có vấn đề tiền bạc. Người lính ngụy có tiền còn ít hơn một người làm công. Một người môi giới - có thể là bà mẹ dọa chết, người tình Việt Minh hoặc một ông gặp ngoài đường - hứa với anh của cải, một mảnh ruộng và một con trâu. Làm sao anh ta không thử?

Có cả việc đầu độc. Có khi người trưởng bốt, sau bữa ăn bị đau bụng ghê gớm. Anh bếp đã trộn thuốc độc vào thức ăn của ông ta. Người Pháp chết hoặc hấp hối, một chiếc loa kêu gọi lính ngụy trong bốt ra hàng.

Có trường hợp, những mưu kế thông minh nhất thuộc về một anh con lai. Người bố Pháp bỏ rơi anh trong nghèo khổ với bà mẹ Việt Minh. Những người Âu châu khác không nhận, không yêu thương anh. Anh căm ghét tất cả những người da trắng. Anh lấy tên Việt rồi để trả thù, anh tuyển mộ một băng nhóm từ lâu phá phách trên bờ sông Cửu Long.

Người lai Á Âu ấy hình dung ra đòn những “người cung cấp”. Đây là một mưu kế thiên tài cho phép anh lấy được một bốt lớn không có đồng lõa, không có “tay trong”, chỉ cần táo bạo.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM