Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:51:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84872 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 19 Tháng Tư, 2017, 07:30:24 pm »

Tên sách: Cuộc chiến tranh Đông Dương
Tác giả: Lucien Bodard
Người dịch: Đoàn Doãn
Nhà xuất bản: Công an Nhân dân
Năm xuất bản: 2004
Số hoá: ptlinh, chuongxedap


Cùng một dịch giả
SỰ LỪA DỐI HÀO NHOÁNG
NEIL SHEEHAN



Dịch từ bản tiếng Pháp:
LA GUERRE D’INDOCHINE



TỰA

Ba mươi lăm năm đã qua đi kể từ khi tôi viết lịch sử cuộc chiến tranh của người Pháp ở Đông Dương. Là nhà báo, tôi đã theo dõi cuộc chiến, kể lại, phân tích hàng ngày; như vậy không đủ đối với tôi. Tôi còn cố tìm hiểu làm sao có thể dẫn đến thảm họa của Đội quân viễn chinh ở Điện Biên Phủ. Tôi đã muốn tháo gỡ những tình huống chằng chịt, làm sáng tỏ mớ rắc rối những sai lầm, cẩu thả, hợm hĩnh, những tính toán hớ hênh, lăn lộn, nhập nhằng, những sự phản bội và ô nhục, có thể nói tình trạng mất phẩm giá dẫn đến thảm họa không tránh được. Kỹ thuật chiến tranh lúc đó cũng hấp dẫn tôi. Phương Đông như một cơn ma túy; cuộc đấu tay đôi lôi cuốn tất cả: vũ khí và tâm hồn, sức mạnh vật chất và bản năng, đất nước, bùn lầy, đêm tối, cây xanh, thể xác và mọi góc cạnh của trí óc, việc sử dụng tiền bạc, đạo đức, hành động xấu xa, lễ nghi và tàn bạo, khủng bố và thuyết phục. Cuối cùng Đông Dương đối với tôi như mang mầm mống những thất vọng ê chề sau này ở Algeria và Châu Phi, phải thử phân tích những việc làm ở đó và bằng cách nào để giải thích lịch sử mới đây nhất của chúng ta. Xứ sở Đông Dương định mệnh, Đông Dương làm khuôn đúc cho tất cả...

Như trong cơn sốt tôi viết hàng nghìn trang. Ba cuốn sách tập hợp vào đây, những cuốn khác tôi chưa hoàn thành.

Có một thời gian tôi quan tâm đến tai họa của Mỹ nảy sinh ở Việt Nam trong sự đổ nát của tai họa Pháp, điều đó lôi kéo tôi vào những chuyến đi mới và một bản viết khác định trình bày ở Pháp, những “Hồ sơ của Lầu Năm góc" đã bị lãng quên. Mối diễm tình và những lực lượng tăm tối bám chặt vào tôi tuy cuối cùng tôi mệt mỏi. Đúng ra lòng ham thích rồi sự táo bạo đã đưa tôi đến với tiểu thuyết. Bạn tôi, nhà xuất bản Jean-Clacede Fasquelle thúc đẩy tôi. Ông nói: "Bộ ba tác phẩm về Đông Dương đã báo trước một tiểu thuyết gia”. Được tâng bốc, tôi chấp thuận.

Nhiều năm qua đi và ngày nay là tác phẩm đồ sộ này trong đó tôi thấy lại tuổi trẻ của tôi và của bao nhiêu người... Tôi đọc lại những gì đã viết và tất cả tái hiện, de Lattre mà người ta vẫn gọi là “vua Jean”, Bảo Đại, nhân vật Hamlet da vàng vừa biến mất, Hồ Chí Minh với đôi mắt sáng, tính cách một vĩ nhân, các thống chế, những kẻ bất lương, các vai phụ, những xáo động và những hành vi phức tạp của Sài Gòn. Hà Nội trầm lặng đến thế, những nhà thờ và các phe phái, sự vững tin tầm thường của những người da trắng... Tôi đọc và hình dung lại tất cả: tính lãng mạn, anh hùng ca, bi kịch, sự nổi dậy của một dân tộc bị chà đạp, cuộc chiến tranh không cảm nhận được, kéo dài vì đẫm máu, nỗi mê hoặc và ghê tởm của tôi.

Tôi biết rõ Đông Dương. Từ bé, lớn lên ở miền Nam Trung Quốc, tôi đã đến Hà Nội cùng bố mẹ tôi. Ở đây tất cả thể hiện sống động. Những hồi ức về quân Cờ đen, trung sĩ Bobillot Pavie, kẻ chinh phục hòa bình, đất nước được cứu vớt trở thành viên ngọc của hệ thống thuộc địa Pháp. Nền tài chính, lúa gạo và cao su, công việc kinh doanh và Hội đoàn, các bà và những chuyện ngồi lê đôi mách, vẻ đẹp các thành phố, trật tự xã hội, sự huỷ hoại vô ý thức. Rồi đến cuộc chiến tranh, hiệp định Genevè, sự chia cắt... Tôi ở đấy tám năm cho đến lúc Diệm, tên độc tài được người Mỹ hỗ trợ, đuổi tôi ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Đấy là vào năm 1955. Tiếp đó người ta biết tính kiêu ngạo và ngây ngô của người Mỹ. Thực tế của Washington, thực tế của những người chăn dắt và con cái những người chăn dắt, thực tế của các quan chức dựa vào kỹ thuật với tính logic không hiểu nổi. Tính hãnh diện, sự hãnh diện muôn đời của phương Tây. Và rồi những ảo tưởng bị nghiền nát. Từ Kinh Thánh đến mưa bom, quyết liệt. Cuối cùng đội quân Hoa Kỳ tan rã, nước Mỹ tan rã vì đối tượng không là gì đối với họ, một nước rất nhỏ bé, một đường viền của Trung Quốc, mà họ muốn tiến hành cuộc Thập tự chinh.

Sống lâu, người ta thậm chí có thể chứng kiến điều không tưởng tượng được. Tôi cũng đã thấy người Pháp và người Mỹ trở lại Việt Nam, thấy đâm chồi và nảy nở những luyến tiếc vô cùng. Một số cũng đáng ngờ nhưng không quan trọng, thời gian sẽ sàng lọc.

Còn lại là những kỷ niệm, những thập kỷ, là hàng chục năm chiến tranh ngoại lai và lẫn lộn, sự giết chóc như một nạn dịch đen tối trên đất Việt Nam. Và lịch sử sự đam mê của Pháp bất chấp tất cả, luôn sống dai dẳng. Một câu chuyện về tình thương và căm hận rối rắm cuộn vào nhau mà những cuốn sách này kể lại trong chốc lát.

Tôi tuyệt đối không thay đổi gì hết: tôi nói trong chốc lát nhưng tôi nghĩ đó là thời điểm cơ bản.


Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2017, 09:06:56 am »


SỰ SA LẦY



LỜI NÓI ĐẦU

Tôi nhớ mãi năm đen tối 1954! Ngày tháng năm ấy ở Hà Nội phải có một cuộc diễu hành chiến thắng kỷ niệm mười năm Đức Quốc xã đầu hàng. Những người thợ Annam đã xây dựng khán đài bằng gỗ; đang mắc những chùm cờ Pháp và Việt Nam lên cây dọc đại lộ chính của thành phố, trước mặt đài liệt sĩ, thì người ta được tin Điện Biên Phủ tan vỡ. Nhưng các tướng của Bộ Tổng tham mưu, do kiêu căng hoặc khắc kỷ, quyết định vẫn tiến hành thao diễn.

Phải ổn định tổ chức thật lâu. Người ta sắp xếp các nhân vật dân sự và quân sự vào vị trí danh dự tùy theo ngôi thứ. Xa xa đội quân nhạc đang chơi một hành khúc ảm đạm. Tướng Cogny, người phốp pháp, đôi mắt rất xanh, nặng nề dựa vào chiếc can, bước chậm rãi đến đài liệt sĩ. Ông đặt một vòng hoa cho những người Pháp bị tử trận trong những cuộc chiến tranh trước kia, một vòng khác cho những người Việt Nam. Khuôn mặt đồ sộ của ông ngang tầm với bi kịch.

Buổi lễ tiến hành theo nghi thức quân sự. Tuy nhiên, khắp nơi là sự bại trận, trên những nét mặt, trong cử chỉ và trong lòng người. Viên tướng gắn huy chương cho những người có vẻ vừa thoát nạn. Các sĩ quan tùy tùng đưa lại những giải băng trên một chiếc khay. Ông găm chúng lên những tấm ngực, ôm hôn; công việc kết thúc, ông giơ tay và cuộc diễu hành bắt đầu.

Đây là cuộc thao diễn những chiếc bóng, những người sống sót, tất cả những người lính mà tình cờ không tới Điện Biên Phủ. Họ đi qua, làm những động tác quá cứng nhắc, hầu như gượng gạo. Họ thuộc vào những lực lượng dự trữ cuối cùng của Bắc Kỳ: một tiểu đoàn quân nhảy dù nhiều "da vàng", một số lính lê dương, những chiếc tăng. Phần lớn các sĩ quan dù, quần áo dã chiến, kéo lê chân vì những vết thương cũ. Chỉ khoảng một chục người; cách đấy vài trăm cây số, tất cả những người khác vừa đầu hàng.

Đây là khoảng một trăm lính lê dương, chân bước nặng nề và vô cảm. Họ thuộc về trung đoàn tử vì đạo của Đông Dương, trung đoàn lính đánh thuê thứ 3 ấy bị đánh bật ra khỏi Cao Bằng năm 1950. Những người tham gia diễu hành thuộc về tiểu đoàn không bị đưa lên Điện Biên Phủ nhưng mấy ngày trước đó rơi vào một cuộc phục kích khủng khiếp trên con đường Hà Nội - Hải Phòng. Cả trung đoàn chỉ còn lại họ.

Dân chúng Hà Nội, kể cả những người Pháp, không bận tâm về buổi lễ. Chỉ là những tàn dư đi qua và các nhà chức trách đứng nhìn. Trên khán đài, bên cạnh tôi, một đại tá bật khóc. Ông nói:

- Tôi không bao giờ nghĩ Việt Minh trong một đêm có thể tiêu diệt mười hai nghìn chiến binh Đông Dương giỏi nhất của chúng ta.

Nỗi đau càng lớn hơn khi hy vọng âm ỉ trong lòng. Người ta khẳng định sẽ cứu vớt được nếu còn cố thủ ít lâu. Những ảo tưởng ấy đã lan vào các ban tham mưu, bắt đầu tin vào sự tiêu hao của Việt Minh. Đêm trước xảy ra bi kịch, viên chỉ huy còn cho thả một tiểu đoàn lính dù. De Castries vốn đã yêu cầu từ nhiều tuần nay, lúc đầu người ta từ chối để không tăng thêm số người hy sinh. Rồi có quyết định, ngay trước thảm họa, như bỗng tăng thêm lòng tin.

Bây giờ trong âm thanh kèn đồng và những tiếng hô, có ai không nghĩ đến những hàng tù binh vô tận đi lên phía bắc? Ở Điện Biên Phủ mọi việc đang rộn ràng. Những chiếc xe Molotova chạy khắp vùng lòng chảo còn bốc khói để thu thập chiến lợi phẩm. Mặt đất cháy sém loang lổ với hàng nghìn chiếc dù đủ màu. Nhân công chôn vùi người chết không đếm xuể của cả hai phía. Những chỉ huy thua trận, de Castries, Bigeard, Langlais trải qua nhiều cuộc thẩm vấn có năm hoặc sáu nhân viên tốc ký ghi. Đối với họ đấy cũng là sự hạ thấp mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2017, 09:09:47 am »


Ở Hà Nội người Pháp không biết Việt Minh có chăm sóc cho binh lính Pháp bị thương không, người ta quyết định thả thực phẩm và thuốc men xuống cho họ, mong rằng không bị tịch thu.

Người ta vẫn không hiểu vì sao Điện Biên Phủ thất thủ. Có thể quân cố thủ Pháp trong núi rừng tan vỡ như một con tim bệnh hoạn. Cuối buổi diễu hành, người bên cạnh tôi, viên đại tá sụt sùi đưa ra quan điểm:

- Một trong những bí ẩn của chiến tranh là sự tan vỡ. Người ta không bao giờ dự kiến được lúc nào một đoàn quân hoặc một đội quân đồn trú kiệt quệ đến kết thúc. Điều đó đột nhiên đổ sụp xuống.

Tang tóc và cay đắng đè nặng lên Đội quân viễn chinh. Vì đối với mọi chiến binh ở Bắc Kỳ và Đông Dương, Điện Biên Phủ là cả cuộc sống. Vào đầu trận đánh một trung sĩ già của quân thuộc địa khẩn nài tôi:

- Không nên nói tình hình trên đó xấu, sẽ là một sai lầm chết người...

Khắp Đông Dương, những người đầu bếp, làm công vặt, thư ký, tình nguyện nhảy vào lò lửa. Có những người, mười ngày nữa về nước cũng xin được nhảy dù. Khi người ta báo với họ là sẽ đi vào chỗ chết hoặc bị bắt, họ trả lời:

- Không quan trọng.

Một người lính bị thương ở mắt vào đầu trận đánh ở Điện Biên Phủ, được một trong những máy bay cứu thương cuối cùng đưa về Hà Nội, thoát khỏi địa ngục. Một tuần lễ trước thảm họa, trong lúc chưa lành bệnh, đề nghị cho nhảy xuống vùng lòng chảo bị bao vây.

- Anh tôi đang ở đó, tôi muốn đến với anh ấy.

Ở Hà Nội sau thất trận, lính dù uống rượu một cách đáng sợ. Họ là lính của một đại đội dự phòng không ra mặt trận. Xấu hổ vì còn sống và tự do, họ van xin người ta "đánh" họ xuống núi rừng Điện Biên Phủ; họ muốn từ trên trời rơi xuống để giải phóng các bạn.

Ngoài ra, trong thành phố, quân lính mặt mày khắc khổ, im lặng. Thậm chí họ cảm thấy ghê tởm phải nói, phải thú nhận nỗi khổ tâm của mình. Bên dân sự, dốt nát còn là một hạnh phúc cuối cùng. Buổi sáng tôi thấy một phụ nữ Pháp trẻ, tóc hung và gầy đi xe đạp trên đường. Để mái tóc bay theo gió, chị giữ đứa con ngồi trên khung xe. Đấy là vợ người phát thanh đài Điện Biên Phủ vừa đưa tin của Bộ Chỉ huy de Castries; trong máy anh nói đơn giản với anh bạn ở đài Hà Nội:

- Quân Việt ở cách đây hai mươi mét: vĩnh biệt cậu!

Người đàn bà còn hớn hở ấy tên là Melien. Chị đang mang thai một đứa bé khác. Không bao giờ chị biết, nhưng rồi sẽ biết...

Tin tức lan dần trong thành phố rộng. Các ông bố bà mẹ thử bắt đài Việt Nam đang thông báo danh sách tù binh. Họ xấu hổ phải nghe làn sóng Việt Minh nhưng ham muốn quá mạnh, vả lại tin tức nghèo nàn ấy rồi cạn kiệt, người Pháp làm rối loạn làn sóng địch. Qua đài người ta chỉ còn nghe tiếng rít của kim khí.

Tuy vậy, với dân chúng bình thường, cuộc sống vẫn tiếp tục. Thương nhân buôn bán, vừa trao đổi những phán xét nghiêm khắc về cuộc chiến. Sau bữa ăn tối những rạp chiếu phim và vũ trường tràn ngập đám người ngoại kiều rất vui vẻ. Dạ hội đặc biệt náo nhiệt ở Ritz, vũ trường Trung Hoa ngoài trời, trên trần nhà cao nhất Hà Nội. Người ta giãy giụa trong tiếng nhạc của một ban nhạc Philippines. Gái nhảy mặc áo dài sẻ lườn đẹp và rất nhiều. Bỗng nhiên một loạt súng mạnh, gần và kéo dài hơn bình thường vang lên. Nỗi lo sợ bóp ngạt cử tọa, tất cả im bặt: ai cũng biết ông Giáp nói sẽ tiến vế Hà Nội trong mấy ngày tới. Rồi người nhảy, đã quen với những tình huống ngẫu nhiên ấy, bình tâm lại. Cuộc vui tiếp tục.

Trong thành phố, người Việt Nam chứng tỏ nỗi thờ ơ đặc trưng của Châu Á: không một cử chỉ khiêu khích đối với người Pháp; cũng không một nụ cười hay một lời nói. Có thể nghĩ họ mù tịt về các sự kiện nhưng họ biết rõ. Sự vô cảm của Phương Đông chưa bao giờ thể hiện cao và độc ác đến thế.

Những người Pháp dân sự dần dần lo lắng. Sau nhiều năm tin tưởng tính ưu việt của người da trắng, họ phát hiện ra Việt Minh có thể thắng. Thịnh vượng của họ bị đe dọa sau chiến tranh; họ nói với nhau:

- De Lattre sẽ không làm chúng ta như thế.

Họ quên mình vốn ghét de Lattre: viên tướng này coi khinh giới lắm tiền.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2017, 07:06:41 pm »


Đêm cuối cùng của chiến tranh

Hoà bình sắp đến: hoà bình trong nhục nhã.

Một lá cờ đỏ, giữa là ngôi sao Cộng sản, phất phới trên một con sào dài. Lá cờ chỉ đường một đoàn xe nhà báo đến Trung Giã; tại đây tiến hành một hội nghị hòa bình sóng đôi với hội nghị Genève.

Về nguyên tắc, cuộc gặp quy định ở một vùng không có người. Nhưng lá cờ Việt Minh, lần đầu tôi thấy, chứng tỏ chúng tôi đi vào vùng chiếm đóng: người Pháp thương lượng với tư cách những kẻ bại trận trong vùng những người chiến thắng.

Dưới lá cờ, nửa tá chiến binh của cụ Hồ, nhỏ bé, trong những bộ quần áo quá rộng, có vẻ như không thấy chúng tôi. Thân hình họ kín trong những đồng phục xanh lá cây rất mới không một phù hiệu. Những khuôn mặt khuất hẳn dưới những chiếc mũ tre đan còn phủ lá cây để nguỵ trang. Ở những người này tôi chỉ nhận ra những mẫu khuôn mặt không thể hiện điều gì, không xúc cảm; họ có thái độ của những người tình nguyện đi đến cái chết.

Bỗng nhiên họ chĩa tiểu liên vào chúng tôi, xem kỹ giấy thông hành. Không một lời hay một cử chỉ. Không thể hiện khinh khi, đắc thắng. Cuối cùng họ nâng một thanh barie cản đường để chúng tôi đi qua.

Mấy mét xa hơn, những hiến binh Pháp đặc biệt mạnh khỏe, phô những khuôn mặt phương phi, cả một trang bị bằng da. Các nhà báo khó chịu tự hỏi làm sao những con người cao lớn da trắng và được nuôi dưỡng tốt như thế có thể bị những người mảnh khảnh da vàng nghèo khổ, đánh bại. Trên con đường nứt vỡ vì hố bom, hố mìn, những hiến binh này là biểu tượng sự bất lực mới của nước Pháp.

Tuy vậy vẫn còn đánh nhau. Chiến tranh tiếp tục, cả sau Điện Biên Phủ, cả sau khung cảnh quốc tế được dựng lên ở Genève để đàm phán hòa bình. Những sư đoàn Việt Minh ra khỏi núi rừng tràn xuống vùng châu thổ. Quân lính Pháp di tản, co cụm lại xung quanh con đường Hà Nội - Hải Phòng. Tướng Cogny chỉ trên tấm bản đồ rộng lớn của Ban tham mưu đất đai còn lại của người Pháp, nói: "Nó giống như một bộ phận sinh dục bị bệnh giang mai". Những trận đánh giận dữ và đen tối luôn luôn xảy ra. Phó của ông, tướng Vanuxem tung các đội cơ động, xe tăng, những tiểu đoàn cuối cùng ra chống trả mãnh liệt. Cũng có vài trận chiến thắng. Họ bám trụ nhưng lực lượng địch vô tận, xâm nhập khắp nơi.

Người Pháp chiến đấu dũng cảm, dù đã mất lòng tin. Đối với toàn Đội quân viễn chinh, Điện Biên Phủ là một biểu tượng cao cả nhất: phải có một bước ngoặt để tiến lên chiến thắng. Nhưng sau tai họa không thể tin được đó, quân lính cảm thấy chán ngấy cả chính mình. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, toàn đội trở thành buồn tẻ. Dưới nắng nóng của mùa hè Bắc Kỳ các sĩ quan và quân lính còn làm những động tác cần thiết để giữ chân quân địch đang tràn tới. Nhưng chỉ vì kỷ luật. Tám năm ròng cái chết đã là kiểu cách trịch thượng cao nhất của Đội quân viễn chinh - họ lớn tiếng một cách khinh khi và khiếm nhã. Bỗng nhiên cái chết làm họ sợ. Lẽ phải đã thắng; ai cũng muốn sống, họ tính ngày giờ trước hòa bình sắp tới. Tôi đã nghe những câu tầm thường, trước đây là cả một sự sỉ nhục: "Bây giờ mà làm thủng da mình thì quá ngu đần".

Những người Pháp ở thời vinh quang nhận lấy cái chết vô ích nhất vào buổi kết thúc khốn khổ này của cuộc chiến tranh Đông Dương, không còn muốn nữa. Tuy nhiên họ nhục nhã vì khuây khỏa trước hòa bình.

Người Việt không đặt ra những vấn đề ấy. Ngay trước tuần lễ cuối cùng họ bị chết hàng loạt. Thi thể họ chất thành chùm trên dây thép gai các đồn bốt. Những người tình nguyện hy sinh ôm bom mìn nhảy vào các lô cốt, tuy mọi việc đã được thu xếp ở Genève.

Cuối cùng đến ngày kết thúc chiến tranh: 26 tháng bảy năm 1954. Đình chiến bắt đầu vào ngày hôm sau lúc tám giờ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2017, 07:08:08 pm »


Tôi lái chiếc xe jeep đi trên con đường bất khả xâm phạm của Bắc Kỳ, con đường lớn từ Hà Nội đi Hải Phòng. Đây là con đường thất trận. Lề đường đầy đổ nát, xe chạy giữa dấu vết nhiều vô số và đáng ngờ do những trận phục kích để lại giữa nền đất cháy sém. Đá dăm lấp đầy những đường hầm đào cắt ngang đường hoặc lỗ đánh mìn. Đủ loại phế thải, thùng xe tải, đầu máy xe lửa bị lật đổ trên đường sắt bên cạnh, được đẩy xuống phía dưới, trong đống nhà đổ nát. Xa xa là làng xóm, có những mảng đang bốc cháy trên nước ruộng.

Dân chúng biến mất, dấu hiệu Việt Minh đã rất gần. Người ta chỉ thấy sự dàn trải vô vọng của binh lực Pháp. Những lô cốt bê tông, các đội pháo đang nhả đạn, xe tăng trực chiến nối nhau từ cây số này đến cây số khác. Những việc triển khai lực lượng ấy không chắc chắn gì vì nét mặt quân lính nhuốm vẻ sợ hãi. Ở Đông Dương tôi biết được quá nhiều mọi thể hiện lo lắng. Và dưới vành mũ, những nét nhăn, những đôi mắt đăm đắm ấy có nghĩa là quân địch ở ngay bên cạnh, rất đông, giấu mình trong những gì còn lại trong xóm, sau những bụi tre, trong bùn ruộng, có lẽ chỉ cách mấy mét.

Tôi muốn tìm một người nói với tôi là không phải đã mất tất cả và cần tiếp tục cuộc chiến, tôi nghĩ đến con người cứng rắn Vanuxem, viên tướng phụ trách việc chống trả cuối cùng. Đó nguyên là một giáo sư triết học, chiếc đầu tròn của loại ăn thịt đồng loại xứ Flandre. Ông có một vành râu hung, đôi mắt xanh màu men sứ và bộ răng nhô ra khi cười. Trước đây đã bao lần ông lặp đi lặp lại với tôi người ta sẽ thất bại ở Đông Dương vì không dám làm điều cần thiết! Tôi đến Bộ chỉ huy của ông ở gần Kẻ Sặt, nhưng ông không có ở đấy, ông đang tung một đội cơ động trong cuộc tấn công cuối cùng. Tôi nghe tiếng súng ca-nông của ông, hình dung ông tinh quái, tranh thủ thời cơ một lần nữa. Sau đó tôi hỏi, ông suy nghĩ và thân mật nói với tôi: “Chúng ta có thể trụ vững thêm mấy tuần lễ nữa”. Mấy xe thiết giáp nổi lên trên đoạn đường vòng, bắn vào một làng. Viên chỉ huy, đứng, nhìn thẳng về phía trước với đôi mắt trống rỗng như chẳng còn gì quan trọng. Đấy là một viên thiếu tá kỵ binh có tên tuổi, thân hình gầy gò khổ hạnh. Đội quân viễn chinh đầy những nhà quý tộc như ông ta, sùng đạo và kiêu ngạo. Họ là những sĩ quan thuộc tầng lớp đặc quyền và đối với họ, nhiệm vụ là không phải chịu đựng gì.

Ông nhìn tôi với đôi mắt nhợt nhạt, không cảm giác. Như vậy ông tỏ ra không thích gặp tôi, chắc linh cảm được câu hỏi tôi sẽ nêu ra. Ông không muốn phải cúi đầu, cố gắng lắm để nói với tôi, giọng lạnh lùng:

- Trong chiến tranh tôi khinh ghét sự khôn ngoan. Than ôi, đấy là giải pháp duy nhất còn lại cho chúng ta. Ông đã bao giờ thấy con bọ hung bị kéo vào tổ kiến chưa? Chúng ta đang trong tình trạng ấy. Chúng ta buộc phải chấm dứt cuộc chiến tranh này. Chào ông.

Tối đến tôi được một bốt thu nhận, một công trình bằng bê tông trên có những tháp nhỏ như người ta làm thời tướng de Lattre. Bốt được một đội quân đồn trú lính thủy đánh bộ bảo vệ. Đã đến giờ ăn và các sĩ quan dũng cảm của bộ binh thuộc địa ăn không nề hà. Bàn ăn là một chiếc thùng to và những hộp nhỏ làm ghế ngồi. Lính Sénegal mang những cà-mèn thức ăn tới. Thực khách mình trần, ngực nở đầy mồ hôi và lông lá, ăn uống nhồm nhoàm. Không có quạt máy, một cậu bồi người Annam kéo dây chiếc quạt tự tạo. Trong nhóm người này tôi không tìm thấy tính chất lãng mạn nào là lương tri của con người.

Một đại uý già, cựu binh của những cuộc chiến tranh thuộc địa, miệng đầy thức ăn giải thích cho tôi quan điểm của các sĩ quan chỉ huy đồn bốt; họ đã chán ngấy, họ vui mừng đón hòa bình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2017, 07:08:43 pm »


Trong vùng châu thổ, các đồn bốt bị vây hãm thường xuyên. Đây là những Điện Biên Phủ nhỏ. Không đêm nào Việt Minh không hạ một, hai bốt. Hoàng hôn xuống là cuộc xổ số bắt đầu, mỗi đơn vị đồn trú tự hỏi: "Đến lượt chúng ta chăng?" Người ta xấu hổ vì vui mừng thấy công trình bên cạnh bị tấn công. Chỉ còn việc theo dõi qua đài bi kịch diễn ra sát bên mình cho đến khi nó im lặng vì cái chết.

"Chúng tôi tất cả bị ám ảnh bởi những cuộc tấn công liên miên ấy. Vì đêm sau hoặc một đêm khác sẽ là hình ảnh kết thúc của bản thân chúng tôi. Chúng tôi biết trước sẽ chống cự được và không người nào đến cứu. Chỉ đến sáng ra một đội gọi là giải thoát sẽ đi khảo sát những gì còn lại. Đấy là kỳ hạn bị cưỡng chế; vì vậy thần kinh chúng tôi căng thẳng và những bột phát tâm thần tăng lên nhiều."

Tôi trải qua đêm cuối cùng của chiến tranh ở bốt này, giữa đội quân đồn trú chen chúc trong khối bê tông. Mọi quân lính ở Bắc Kỳ cũng như tôi, bó mình trong các bốt, các trại, các thành phố. Khắp nơi người ta chen chúc thành nhóm nhỏ để tự bảo vệ trong đêm tối đầy người Việt. Nhưng cả trong những chỗ ẩn họ cũng không cảm thấy an toàn; bị kích động bất thường với toàn bộ vũ khí chống lại hiểm nguy thực sự hoặc tưởng tượng khắp trong không gian và thiên nhiên. Những người Pháp chiến đấu với đêm tối, đồng minh của Việt Minh. Bầu trời sáng lên vì hỏa tiễn của họ. Một số như những áo dài có đuôi, số khác lơ lửng như khối thủy tinh mờ, vài hỏa tiễn lao lên như những mũi tên màu. Không trung là một trận hỏa pháo, mặt đất bên dưới là các loạt đạn đại bác. Súng Pháp bắn khắp nơi. Đêm cuối cùng này là một cơn thác đổ đạn và ánh sáng. Giữa những tiếng rít và tiếng nổ, hầu như từng phút những tia chớp xua tan bóng tối bao trùm mặt ruộng: đạn cối đang dội vào đất cày.

Không phải một trận đánh lớn, chỉ là một ảo giác do sợ hãi. Chỉ có những mục tiêu thứ yếu nhưng người ta tô vẽ lên và ưu tiên dội bom đạn vào: người ta không "đánh dùi cui" vào những người Việt thực mà vào những người Việt giả thuyết có thể tấn công. Người ta làm đảo lộn ban đêm. Mỗi bốt "bọc kín" những bốt bên cạnh để bảo vệ họ; tất cả các bốt dựng lên quanh những bốt khác thành một bức màn bằng thép. Vùng châu thổ Bắc Kỳ là một hình đa giác bốn cạnh đầy trọng pháo đạn dược bắt đầu từ Việt Trì và kết thúc ở Hải Phòng.

Chỗ của tôi không bị tấn công. Viên đại uý chỉ huy chỉ cho bắn đạn cối vào một điểm chốt tối tăm có vẻ đáng ngờ. Bình minh lên trên một quang cảnh không thay đổi. Còn một số vụ nổ, vài loạt tiểu liên lẻ loi. Tất cả ngừng lại lúc tám giờ. Kèn đình chiến vang lên, và rồi sau tám năm chiến tranh, tôi thấy cảnh yên lặng của hòa bình.

Sau mấy phút một dân quê già chậm rãi tiến lại. Ông lấy trong tay áo ra một lá cờ đỏ bằng giấy, bình thản treo lá cờ lên một cây to cách tháp canh mấy mét rồi ông đi.

Đại uý chỉ huy bốt cũng thấy cảnh ấy. Đầy ân hận, ông nói với tôi:

- Chính để đi đến chỗ ấy mà bao nhiêu người Pháp chết! Nhưng xấu hổ hơn bại trận là sự phản bội của chúng ta sắp tới. Chúng ta đã trụ vững lâu ở vùng châu thổ này vì hai trăm nghìn người Việt Nam là lính của chúng ta và một triệu đàn ông, đàn bà đã giúp đỡ chúng ta. Người ta sẽ phó mặc. Tôi tự hỏi phải chăng định mệnh trút xuống nước Pháp, buộc phải bỏ rơi người của mình để họ đi vào chỗ chết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2017, 07:09:05 pm »


Trong buổi sáng một số người câm lặng đến bốt. Họ có những khuôn mặt kín đáo thể hiện sự đau khổ của Châu Á. Đấy là những vệ binh của một làng Thiên Chúa giáo chống cự hai năm với Việt Minh. Bao nhiêu lần họ ẩn náu trong nhà thờ bằng đá của họ như một đồn lũy cuối cùng! Cha cố làm lễ ban thánh thể cho những người chiến đấu và đàn bà cầu Chúa. Bây giờ họ đến trả lại vũ khí vô dụng cho người Pháp đã trang bị cho họ.

Cha cố nói thay họ. Ông cám ơn người Pháp. Tôi chỉ thấy ở ông một khuôn mặt vàng, tóc cắt ngắn với khăn choàng cổ màu đen. Viên đại uý trả lời, mời ông ở lại bốt cùng quân lính: người ta sẽ đưa họ đi. Cha cố lắc đầu bảo không. Ông trở về làng với đoàn người của ông sau khi trả những khẩu súng không một lời phàn nàn: nhưng vẻ lễ phép câm lặng ấy là một thái độ trách cứ đến mức nào!

Những khối chuông đồ sộ vang lên quanh vùng, khắp đồng ruộng. Tôn giáo ở đây như thời Trung cổ. Nhà thờ đè nát xóm làng khốn khổ, cha cố có quyền lực tối cao. Ở mỗi bàn thờ một linh mục giảng đạo. Ông ta khuyên nhủ con chiên giữ vững tinh thần trước sự truy bức và hành hạ sắp xảy đến: ông cầu xin Chúa thương xót họ. Ông nói người Pháp bỏ rơi họ nhưng Chúa sẽ bảo vệ họ.

Đội quân khốn khổ Việt Nam cũng trong một tình trạng thảm hại. Viên đại uý Pháp quyết định đến một trong những tiểu đoàn cách bốt một cây số. Tôi đi theo ông ta. Tất cả đều bình lặng. Một số đàn ông tắm trong một con ngòi. Xa hơn một ít, đàn bà mình trần, đang gội rửa. Họ thật đẹp với thân hình trơn tru và mảnh khảnh, mái tóc đen dài quấn xuống đến chân! Đây là những người lính cuối cùng của đơn vị và vợ họ. Mọi người khác đã đào ngũ, để lại vũ khí và lời xin lỗi.

Khi chúng tôi đến gần, đàn ông mặc lại xi líp, tới hỏi: "Chúng tôi sẽ ra sao đây?" Sĩ quan của họ đã biến mất. Bản thân họ thậm chí không biết có còn một chính phủ Việt Nam không. Đàn bà, đã quần áo nghiêm chỉnh, đến nghe chúng tôi nói chuyện. Trẻ con trần truồng, bụng to, đi đi lại lại thật buồn cười. Viên đại uý hứa người Pháp sẽ đưa họ vào Nam Kỳ. Nhưng một hạ sĩ quan già da vàng vỗ vào cánh tay đại uý:

- Chốc nữa khi quân Việt Minh đến, chúng tôi sẽ làm gì? Viên đại uý Pháp nhún vai tỏ ý bất lực. Lúc ra về ông ta nói với tôi:

- Tôi không nhận được lệnh, tôi chẳng biết làm thế nào. Về đến bốt chúng tôi thấy mỗi cây to xung quanh đã phấp phới một lá cờ đỏ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2017, 10:53:10 pm »


Làn sóng đỏ

Làn sóng đỏ tràn lên vùng châu thổ, chỉ còn là một rừng cờ. Trong các làng, nông dân xây dựng các vòm chiến thắng, trên cùng là ảnh cụ Hồ. Các "Ủy ban hành pháp" ngồi thường trực trên các bệ. Cái mà người Pháp gọi là "rửa nát" trồi lên mặt, trở thành quyền lực hợp pháp mới giữa những tiếng hát và điệu nhảy. Tôi đi đến đâu, những đám đông đều tỏ rõ thân thiện tiếp đón tôi vừa hô lớn: "Nước Pháp muôn năm!" Vì đã có những chỉ thị cụ thể đưa xuống tận cơ sở, đến từng người lính, người dân. Hôm trước các uỷ viên chính trị đòi hỏi phải căm thù người Pháp, phải hy sinh để giết thêm mấy người. Họ ra lệnh cho quân du kích đặt mìn trên đường đi ngay trong đêm cuối cùng và kéo dây lật đổ những chiếc xe Pháp cuối cùng đi qua.

Nhưng đến tám giờ đúng, tất cả chỉ còn là tình thương và thân thiện. Không nói đến cuộc chiến tranh liên miên nữa. Những sự tàn bạo đối với nhau, những giết chóc không kể hết, những dòng thác căm hờn phải được quên đi. Điều quan trọng nhất là thỏa thuận Genève và việc thực thi "toàn vẹn", tay trong tay với người Pháp. Toàn dân, kể cả các bà già không biết chữ và những em bé sáu tuổi, học thuộc lòng các điều khoản của hiệp định. Các uỷ viên chính trị Việt Minh soạn thành sách dưới dạng câu hỏi và trả lời, bình luận những gì đúng, sai.

Quân đội của ông Giáp đêm trước còn vây hãm các đồn bốt Pháp và cắt con đường Hà Nội - Hải Phòng, đã biến mất như bốc hơi. Chỉ còn lại một số sĩ quan quân phục tề chỉnh; họ đến các ban tham mưu của Đội quân viễn chinh chào hỏi đúng điều lệnh và đề nghị tiến hành công việc với thứ tiếng Pháp rất chuẩn. Họ chỉ những chỗ đặt mìn trên đường, cắm những lá cờ nhỏ lên đấy làm dấu hiệu. Và họ ra đi sau những nghi thức quân sự lịch sự, vừa hô lớn: "Hòa bình muôn năm!"

Thay thế đội quân chính quy là phụ nữ, trẻ em và người già. Trong chốc lát làn sóng đỏ hân hoan biến thành một đợt triều dâng. Dân quê được huy động đấu tranh với những người khốn khổ khác, những người đàn ông đàn bà thất vọng muốn trốn vào Nam. Cuộc chiến chống những kẻ này kéo dài tám mươi ngày, từ lúc ngừng bắn đến lúc quân Pháp rút khỏi Hà Nội.

Đám đông bao vây tất cả, những đồn bốt nhỏ của quân Bảo an hoặc mấy người lính Việt Nam. Giờ đây quân vây hãm là thành viên Hội Phụ nữ Dân chủ, Đoàn Thanh niên mới, Hội Mẹ chiến sĩ, Phụ lão cứu quốc, Nông dân cứu quốc.

Ngày đêm dân chúng bao vây mọi tổ chức của chính quyền Bảo Đại bằng các chiến thuật khác nhau.

Các uỷ viên chính trị cầm loa kêu gọi với lời lẽ đầy vị tha. Nhưng các bà già đã rụng hết răng móm mém nói những lời đe dọa, bảo sẽ chém chết những kẻ ngoan cố. Người ta cử vợ con những kẻ bị vây hãm đến van nài họ đầu hàng. Nếu không họ sẽ làm nhân dân nổi giận và bị bao vây giữa những vòng người cầm gậy, tay không, gạch đá, chửi mắng. Đám đông có vẻ sẵn sàng xông lên, phá toang tất cả, nhưng không bao giờ xảy ra tấn công. Vì trong cuộc chiến nhân dân này không được đổ máu, mà phải "thuyết phục".

Nhiều đám đông dồn lại xung quanh những người lầm đường, thân mến và giận hờn thuyết phục cho đến lúc họ không còn chống cự: "Chúng tôi đã hiểu ra lẽ phải. Chúng tôi hối hận về quá khứ tồi tệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!" Lúc ấy nhiều người tung hoa hoan nghênh và công kênh họ.

Đội quân viễn chinh cố cứu những người Việt Nam ủng hộ họ. Ban tham mưu của Hà Nội ra lệnh cho các trưởng bốt, các đơn vị giải thoát cho binh lính Bảo Đại bị bao vây. Đây là cuộc chiến lạ nhất trong cuộc chiến tranh lạ lùng ở Đông Dương. Các sĩ quan không đánh nhau với cái chết nữa mà với những lời hoan hô. Họ không có khí giới, đối đầu với những bức tường người gồm hàng nghìn dân quê hô vang: "Xin chào Quân đội Pháp". Họ phải qua những đám đông ấy đi đến binh lính Bảo Đại đang bị vây. Thật đáng sợ. Một trung uý nói với tôi: "Tôi sợ việc này còn hơn trong một trận đánh thật sự".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2017, 10:53:55 pm »


Thực vậy, những tiếng hô thân thiện, những nụ cười, mọi thể hiện thân mật đều không thật. Nỗi căm hờn sẵn sàng bùng lên. Để khỏi bị tan xác, những người Pháp thực hiện việc cứu binh lính Bảo Đại chỉ có thể dựa vào kỷ luật của Việt Minh. Nhưng may mắn, kỷ luật ấy là triệt để.

Sĩ quan Pháp thường đến chậm. Đám đông dẫn lại cho họ những binh lính Bảo Đại mang đầy hoa, phất cờ đỏ và tuyên bố rất hạnh phúc được trở về với nhân dân. Có những lần khác những kẻ bị vây hãm vẫn trụ lại nhưng thật điên rồ. Họ chống cự vì lo sợ, thậm chí đầu hàng cũng sợ, đến mức không dám rời chỗ bị vây để đi theo người Pháp qua đám đông luôn hiện diện, nhiều hơn bao giờ hết, mắng mỏ và kích động. Đôi khi những người ấy phải tranh cãi nhau hàng giờ để quyết định trong lúc bên ngoài vẫn gào thét. Cuối cùng những sĩ quan Pháp trở ra, mặc quân phục giữ nguyên lon và vạch. Binh lính Bảo Đại bám theo họ như những kẻ dở sống dở chết, được dìu đỡ. Hàng nghìn dân quê xiết chặt quanh những toán người lạ lùng ấy trong tiếng chửi rủa lẫn tiếng hô "Nước Pháp muôn năm”. Nhưng một cán bộ - ủy viên chính trị - ra lệnh và người ta để họ đi qua.

Việt Minh vẫn không bỏ cuộc. Người Pháp xếp những kẻ bỏ trốn lên xe nhưng đàn bà, trẻ em trong đám đông lấy thân mình làm rào chắn, nằm chặn ngang đường. Dân chúng ào lên xe quân đội Pháp: binh lính Bảo Đại không một cử chỉ chống cự và bị lôi đi. Một tiểu đoàn bị lột hết quần áo trong cơn thịnh nộ của dân chúng. Người Pháp dùng thiết giáp hộ tống xe những người chạy trốn; các "nữ anh hùng", chạy tới trước bánh xích để ngăn cản.

Tuy thế người Pháp cũng thắng lợi trong cuộc chiến này. Trong vùng châu thổ họ đưa được về Hà Nội hàng trăm nghìn con người bị dồn đi, giáo dân, quân lính, bảo an, thân hào, các điền chủ, thương gia. Nhiều người trong số họ lúc đầu quyết định ở lại dưới chế độ Việt Minh. Nhưng rồi họ chạy trốn vì sợ bị trả thù.

Đối mặt với "niềm vui" Việt Minh, vô số đàn ông và đàn bà rời bỏ xóm làng sống lâu đời, bàn thờ tổ tiên, mọi tài sản ít ỏi để di cư vào Nam Kỳ xa xôi.

Giai đoạn tha hương đầu tiên là Hà Nội và những hè phố, tuy khung cảnh đẹp của thành phố này không nhằm để trưng bày cảnh khổ sở!

Ra khỏi một khách sạn Pháp sang trọng, tôi bước vào một con đường đông đúc. Lúc này không có ai nhưng một đoàn người bỏ trốn vừa tới đây. Tôi thấy những người dân quê này suy sụp đến mức nào về tâm lý. Xung quanh tôi chỉ là những người da nhăn nheo quá gầy hoặc bị phù thũng thường là mưng mủ. Một phụ nữ đang cho con bú. Đám người này ngồi xổm để chờ, lắc lư vô định. Tôi nhận ra những người lính bảo an qua tàn tích đồng phục Pháp nhưng đa phần là người Cơ đốc giáo đeo thánh giá ở cổ. Những bà già răng đen mang ảnh Chúa và Đức mẹ đồng trinh. Giọng chói tai, họ cám ơn Chúa đã kéo họ ra khỏi tay những người nghịch đạo. Một cha xứ chúc phúc cho giáo dân xung quanh: ông ta lôi kéo toàn bộ tu viện di dân vì lòng tin. Ông hỏi tôi:

- Chúng tôi đói rồi. Bao giờ người ta cho chúng tôi ăn? Cuộc di dân được tổ chức dần dần. Quan chức Việt Nam của tổng thống Diệm không làm gì hết; người Pháp vất vả vô cùng với những người trốn đi này, như vì hối hận đối với họ. Họ tổ chức một cầu hàng không kéo dài một năm để đưa vào Nam Kỳ những nạn nhân Châu Á của thảm bại Bắc Kỳ. Nước Pháp có một nỗ lực từ thiện rất lớn để chuyên chở hơn một triệu đàn ông, đàn bà đi hơn một nghìn cây số. Sau này Diệm tuyên bố cuộc di dân này vừa là công trình to lớn của ông ta vừa là một phép màu của Chúa. Thật là một định mệnh lạ lùng, trong sự kết thúc chiến tranh Đông Dương này mọi việc người Pháp làm quay ra chống lại họ. Vì khối lượng lớn những người trốn chạy này là công cụ Diệm dùng làm người Pháp thất bại lần sau ở Sài Gòn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2017, 09:14:49 pm »


Một trăm ngày ở Hà Nội

Đội quân viễn chinh có một trăm ngày để rút khỏi Hà Nội. Trong ba tháng, thành phố chỉ là một đảo nhỏ người Pháp giữa làn triều đỏ bao trùm châu thổ.

Hà Nội chuẩn bị kết thúc. Đây là một công việc tỉ mỉ và có phương pháp, không tình cảm, không lộ rõ buồn vui. Lệnh đưa ra triệt để. Xe Pháp tuần tra liên tục. Việt Minh không lộ diện, thậm chí họ không treo một lá cờ trong thành phố. Tổng bộ, hội đồng tối cao đã quyết định như thế.

Cho đến hạn định, mọi việc xảy ra như dự kiến. Không phải nỗi thất vọng mà là sự uể oải. Tuần lễ này qua tuần lễ khác, các khu phố tư sản vợi hẳn, cửa chỉ còn rào dậu. Mọi đồ đạc của thành phố đưa ra bán ở chợ đồ cũ nhưng không ai mua. Ở châu Á những biến cố thường kéo theo nạn đầu cơ lạ lùng nhất. Đây không thế. Hà Nội biến dần vào hư vô.

Những khuôn mặt vẫn vô cảm tuy mỗi người dân thành phố đang trải qua một bi kịch nội tâm. Đấy là giờ lựa chọn không tránh khỏi, chấp nhận ở lại hay ra đi. Thời gian trung thực đã đến. Bao nhiêu tư sản Việt Nam sống trong chiến tranh giữa sự thịnh vượng Pháp, tự dối mình, dối những người khác cho rằng Việt Minh không phải cộng sản! Từ nay mọi sai lầm sẽ tai hại. Không còn ai có quyền lầm lẫn về vai trò thực sự của mình.

Ở Hà Nội mỗi người Việt Nam lo lắng tự hỏi: "Thực sự Việt Minh xếp mình vào giai tầng nào? Họ chuẩn bị cho mình số phận nào?" Khốn nạn cho người nào chọn lựa sai trong những ngày cuối cùng này vì sẽ trả giá rất đắt.

Những người Pháp dân sự đỡ khở sở hơn. Đối với họ chỉ là sự thanh toán một công việc kinh doanh béo bở. Họ không vội ra đi vì khi mà Đội quân viễn chinh còn đó thì họ còn kiếm ra tiền. Các vũ trường, khách sạn, quán rượu tồn tại cho đến ngày cuối cùng. Trong thành phố hấp hối, người ta nhảy, ăn, uống, những két nhận tiền loảng xoảng.

Nhà triệu phú M.G... tổ chức một bữa tiệc chia tay ở biệt thự đầy cột và hiên của ông ta. Giọng nói thân mật của ông át cả tiếng mở nút champagne. Ông ngồi chủ trì, người béo tốt, da rất nâu, vẫn tự phụ và rất vui. Các tướng lĩnh, quan chức cao cấp đến bắt tay ông như đối với một người bạn cũ. Họ giao du với những kẻ tái phạm tội, những kẻ trục lợi, các nữ chiêu đãi viên. Một dàn nhạc giúp vui và những người phục vụ, điệu bộ kiểu cách đi lại giữa những tủ thức ăn linh đình. Các bà bận áo dài nhiều lớp. Bà G... một nghệ sĩ lai Âu Á vừa mới cưới, tóc búi tó, phân phát quanh mình những nụ cười bí hiểm và cao đạo. Nhưng cô em gái bà gây bê bối. G... quở trách cô. Mọi người mỗi lúc càng vui vẻ, hầu như sau. G... lại kể một lần nữa thành công của mình.

- Tôi ở đất nước này đã ba mươi năm. Tôi quen biết cả, những người cấp cao và người thấp kém, tôi quan tâm nhất việc buôn bán. Nhưng năm 1950, khi biên giới Trung Quốc bị phá vỡ sau thất trận ở Cao Bằng, toàn thành phố có gì bán nấy. Tôi tự nhủ chưa thể là tai họa thực sự: nước Pháp sẽ hành động, cố sức tiêu tiền. Tôi mượn những đồng Đông Dương, mua nhà cửa, khách sạn gần như không mất gì. Và tôi đúng vì de Lattre đã sang.

- Lần này ông có đầu cơ như thế nữa không?

G... phá lên cười:

- Không! Tôi đã bán đi từ lâu, đưa tiền ra ngoài. Tôi biết cà-rôt được nấu chín rồi.

Kết thúc một nền văn minh chỉ là thế: ông G... tài ba, vua các thú vui của Hà Nội, chiêu đãi dạ tiệc linh đình này giữa sự lộn xộn, lẫn lộn các sĩ quan và những kẻ phiêu lưu, như không còn gì có giá trị.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM