Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:51:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84880 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #530 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2021, 12:00:40 pm »


Sau Mạo Khê, de Lattre hân hoan, rạng rỡ nhưng nặng nề trong lòng, cảm thấy chính những người thân tín của mình phê phán, kết tội. Cũng như mọi lần, họ tâm sự với nhau: “Không còn là một con người nữa”. Phải chăng đã xuống dốc? Vì với những điều người ta nhắc lại với ông, ông không tìm cách trả lời. Lắng nghe, cãi bướng nhưng có cái gì đó làm ông bối rối, không biết là cái gì. Ông đắm mình trong im lặng, cau có, hờn dỗi vừa tỏ rõ khuôn mặt của người chiến thắng đối với khách bên ngoài, với các đội quân ông sẽ đi chúc mừng. Ông không bị thuyết phục nhưng sắp lui bước trước ý kiến thống nhất: giải tỏa con đường 18, “tăng cường” Chu, từ đây tung các đội cơ động, trọng pháo và mọi lực lượng vào rừng về phía bắc Đông Triều. Lúc ấy, như ta đã thấy, ông bỗng nảy ra ý kiến: với lý do vui vẻ kiểm tra người của Sizaire, ông đi để tự nhìn xem ông Giáp và các sư đoàn của ông còn ở đấy trong thời gian cần thiết để rồi lại tràn vào Mạo Khê, Đông Triều, Bảy Chùa, Hải Dương để rồi đánh xuống Hải Phòng, lá phổi của Đội quân viễn chinh.

Không nhận thấy gì, de Lattre trở về Hà Nội, cau có tự nhủ lần này phải nghe theo luận thuyết, chiến lược của Buossary và đồng bọn. Bỗng nhiên “tầm nhìn” thứ hai lần đầu là Mạo Khê được nhắm tới trên bản đồ trong phòng ngủ ban đêm. Ông nhìn thấy điều ông đã không thấy: Quân Việt đông không kể xiết ở trong các dãy núi ngang cuối cùng của Đông Triều, những khối người và vũ khí lẩn khuất trong rừng và địa hình. Thế là bùng lên, ông hét với de Rover: “Những người trong đám thân cận thật tồi, ngu dốt. Các sư đoàn ông Giáp vẫn ở tại chỗ. Chỉ khác là họ được lệnh ban ngày không lộ ra và ban đêm tắt hết ánh sáng. Tôi sẽ cấm không được rút đi một người lính của con đường tỉnh lộ 18. Ông Giáp sẽ còn tấn công đấy...”

Tuy vậy vua Jean chưa thật chắc chắn. “Tầm nhìn” ông vẫn giữ kín. Nhưng từ đó ông đã thay đổi, không còn nghi ngờ, phân vân gì. Không còn vấn đề Chu, không “đụng đến” trận địa nữa. Mỗi ngày ông đi kiểm tra và cho tăng cường.

Công việc diễn ra như sau. Thức dậy, đọc các bản đồ tham mưu ngay trên giường. Làm vệ sinh và triệu tập người đến văn phòng, và những mệnh lệnh quyết đoán cụ thể. Đến mức những người thân cận. các "tướng tá” tự nhủ: “Không xoay chuyển gì được nữa. Ông đã có quan điểm dứt khoát'’. Từ một đến ba giờ chiều ăn uống vui vẻ, “ông chủ” dồn dập những lời trí tuệ, không nói đến công việc hoặc nghề nghiệp mà về câu chuyện của con người hào hoa biết rõ xã hội ưu tú trong quan hệ quốc tế. Tóm lại ông có lối phóng túng cao cả, diễu cợt thậm chí châm biếm của một quý ông tin chắc vào mình, có một cử tọa buộc phải nghe mình. Bữa ăn kết thúc: giọng nói, sắc thái, hoạt động thay đổi. Bây giờ là sự quyết liệt của “ông chủ” về cuộc chiến. Ông lên chiếc Morane kiểm tra các bốt, các tiểu đoàn và tối trở về, máy bay lướt trong mưa phùn chỉ cao hơn ngọn những cây chuối. Ông đi khắp nơi, quan sát thẩm tra, như một bà nội trợ đi chợ. Thể hiện sự chuyên chế, tỉ mỉ không ngờ với một Linares đi sau như một cậu bé thúc bố. Vua Jean theo dõi chặt chẽ tất cả trước hết là “trận địa” từ đầu đến cuối, không chỉ sĩ quan và binh lính mà cả hệ thống phòng thủ bê-tông. Với những quân Việt này... Cuối cùng ông xuất hiện như bậc thầy ở Hải Phòng để quảng cáo. Ông đến đấy với tư cách người chỉ huy lớn, như người anh hùng đã cứu và sẽ cứu hải cảng.

Cả tuần lễ chờ đợi. Cuộc tạm nghỉ dài qua đi, de Lattre sẽ xem mình có đúng, khi cá cược bộ phận lớn quân Việt đang ở vùng núi Đông Triều. Những đội cơ động vẫn ở nguyên tại chỗ, sẵn sàng đẩy lui quân địch nhưng cấm đánh trước. Chỉ máy bay, thám thính và ném bom hạng nhẹ sẽ “quấy rầy” quân Việt tập trung ở bìa rừng. Ở Hà Nội, từ sân bay Bạch Mai mọi loại máy bay cất cánh, thao diễn đầy vùng trời Bắc Kỳ. Những chiếc “Hellcat” mang dưới cánh hai chiếc lọ to màu vàng, nhìn qua vô hại nhưng đầy na-pan! Cũng có những máy bay đã lỗi thời nhưng dùng trong những nhiệm vụ đặc biệt. Như những chiếc Junker trước thời đại Hồng thủy, trong lúc bay dùng bộ bánh xe hạ cánh cắt đứt những dây điện thoại quân Việt mắc trên sào.

Một buổi chiều, tôi muốn xem cuộc tấn công bằng máy bay ấy, lần đầu tiên có hệ thống, được tổ chức ở Đông Dương. Để bắt đầu tôi thấy mình ở phía trên cảnh vật lạ lùng xảy ra những trận đánh ghê gớm vào tháng giêng trước: vùng Vĩnh Yên. Tôi lại thấy một cuộc tấn công mới bằng na-pan: một trong những đám cây cối bùng lên ngọn lửa đỏ, liếm đốt tất cả trước khi tàn dần với những làn khói đen. Rồi những đám khác vào sâu trong rừng lần lượt bắt lửa, thiêu trụi. Máy bay trinh sát làm việc theo phương pháp, liên tục nối tiếp nhau thả những chất cháy lỏng vào những điểm Phòng Nhì đánh dấu. Thực vậy trên những ngọn đồi tiền tiêu của rừng rậm núi cao, có mấy làng là chỗ tập trung cả một sư đoàn quân Việt, mười lăm hoặc hai mươi nghìn người. Tôi thấy rõ một ngôi nhà giàu, sân trong lát gạch, trang trí ao sen và non bộ, dùng làm chỗ ngủ cho bộ đội. Ba lô, chăn màn của họ được xếp ngăn nắp ở đấy nhưng không có người. Chắc chắn họ đang ngay gần đấy ngồi trong các hố cá nhân được đào dưới những lùm cây. Trong vô số nơi ẩn nấp, họ được bảo vệ chống với bom đạn và lửa cháy, chỉ chờ mấy cuộc ném bom kết thúc. Đâu còn là thời kỳ trước, cả những trung đoàn Việt làm bia cho ca-nông và na-pan của Đội quân viễn chinh, lộ liễu tấn công hàng loạt ban ngày để rồi chết hàng loạt? Điều ấy đã cho phép vua Jean trở thành một người chiến thắng thực thụ. Từ nay ông, những đội cơ động, phi công của ông không giết, thanh toán, tiêu diệt được nữa. Quân Việt vẫn chỉ cách mấy trăm mét, cả những sư đoàn của ông Giáp ở đấy nhưng không đụng chạm tới được, dùng những chiến thuật kỳ lạ để đến những nơi họ tới, làm những gì họ muốn.

Vậy sức mạnh là ở đâu? Nhìn bề ngoài có vẻ về phía quân Pháp. Sức mạnh bùng ra khắp nơi. Từ trên cao tôi thấy thành trì Vĩnh Yên uy nghi, đã là sở chỉ huy đưa lại chiến thắng vinh quang của de Lattre lúc vừa sang Đông Dương. Nơi này được tăng cường nhiều, khắp nơi đầy những chỏm đồi trọc của chiến trường cũ, bao nhiêu là khẩu ca-nông, ô-tô, mọi thứ. Cảnh trưng bày thật đẹp.

Tuy vậy, sức mạnh dồi dào ấy đáng giá gì trước chiến thuật nguỵ trang của quân Việt, trước cuộc “chiến tranh nhân dân", trước những phương pháp mỗi ngày một càng khó hiểu? Và suốt cả mặt trận những khối quân Pháp và Việt Minh đối mặt nhau, vẫn là tình hình, vẫn hình ảnh ấy. Một bên, một quân đội đẹp thấy rõ ràng, khí cụ hạng nặng, những đoàn xe, trại lính hoạt động rất đều đặn, có kỷ luật. Bên kia chẳng thấy gì. Chỉ là những quả núi, những khu rừng, không biết chính xác ở đâu nhưng người ta cho rằng số lượng người vô kể ẩn nấp để xông tới những làn sóng người, với những phương tiện thô sơ nhưng vô cùng hiệu quả vào con mồi: Đội quân viễn chinh nhìn ra sự thật to lớn. Sức mạnh thực sự phải chăng về phía ông Giáp và quân lính của ông trong rừng núi, trên đồng ruộng và bùn lầy?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #531 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2021, 12:02:06 pm »



Dù sao Bắc Kỳ lại trong một đêm quyết định lên cơn sốt. Quân Việt lại bắt đầu hoạt động hầu như khắp nơi. Phía nam Bắc Ninh trong những ngọn đồi thông gần Chu và Lục Nam, phía Vĩnh Yên và xa hơn: chiến tranh tâm lý trước cuộc phản công thực sự. Ở chỗ de Lattre và các văn phòng, điều người ta chắc chắn là có những tập trung quân Việt trong núi Ba Vì, Tam Đảo hai bên sông Hồng, rìa vùng châu thổ. Ở đây một hoặc hai sư đoàn ra mặt đê gây trọng lượng về sự hiện diện của họ. Ban ngày không có gì. Nhưng đêm nào cũng có những vụ tấn công bốt, những đột kích hàng loạt, những công phá đường, các làng, thậm chí các đô thị. Phải có một cuộc hành quân hạng nặng để giải phóng thị xã Sơn Tây, dưới chân Ba Vì; về phía Pháp cũng tập trung các đội cơ động, trọng pháo, máy bay. Quân chính quy ở đây cũng như khắp nơi trở vào rừng rất gần trước bình minh, những đợt tiêu diệt từng phần cũng không làm họ thiệt hại nhiều. Dù vậy trong thông báo của Hà Nội, người ta nói đến "những cú trúng đích”.

Trên đường 18, đường vòng phía nam vùng núi Đông Triều gần Hải Phòng cũng “xáo động lại”. Những toán quân nhỏ xuất hiện trong vùng đất vịnh Hạ Long, giữa mê lộ núi đá vôi. Ban ngày họ ẩn trong hang hốc thiên nhiên và sau trận đánh ban đêm họ lại đi thuyền bè vượt qua cửa sông và đầm lầy. Hình như có vài chiếc B26 đã có thể ném bom năm trăm li-vơ vào một toán bốn trăm người bất ngờ vào lúc hoàng hôn khi họ từ chỗ ẩn nấp đi ra.

Ở Ban tham mưu lớn Hà Nội, trong những Phòng Nhì, Phòng Ba là sự sửng sốt, cuống cuồng, lập luận. Người ta phân tích “bí mật” ấy. Có một điều không biết cần làm sáng tỏ. Phải chăng việc xáo động ấy có nghĩa ba sư đoàn Mạo Khê vẫn ở đấy, lại chuẩn bị phản công? Những nhà chiến lược nói “không”. Đối với họ đấy chỉ là một chiến lược “bao che” cuộc “hành quân lớn” của năm mươi nghìn người biến mất đang đi trong rừng để xuất hiện chỗ khác, đánh chỗ khác. Những người này cho là ở vùng than Hòn Gai, chiếc bụng mềm của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân, một biểu tượng hàng trăm nghìn tỷ đồng chỉ cách năm mươi cây số, bảo vệ kém, không giữ được. Đối với những người khác là Lục Nam, Chu, đường 13, con đường xâm nhập từ biên giới Trung Quốc vào châu thổ. Đấy là giả thuyết cũ người ta đã căn cứ vào đó trước khi xoá bỏ “hệ thống” giữ Mạo Khê và phòng vệ trực tiếp Hải Phòng. Cuối cùng theo một số người thì đây là một cuộc chuyển quân nhiều nơi, lớn lao, gây ngạc nhiên hơn nhiều. Các sư đoàn ở Đông Triều mỗi đêm đi ba, bốn mươi cây số giữa rừng núi một cuộc viễn du vòng quanh châu thổ, để tập hợp với những sư đoàn đã có mặt ở Tam Đảo, Ba Vì. Lúc ấy toàn quân đội ông Giáp sẽ hội tụ ở đầu biên kia Bắc Kỳ, làm quân Pháp không ý thức được, cả khối lượng ấy, với tác dụng bất ngờ lên nhiều, với sự dữ dội và sức mạnh tăng vô biên, sẽ bắt đầu lại cuộc chiến Vĩnh Yên.

Chẳng ai biết gì. Toàn là giả thuyết. Cuối cùng vua Jean quyết định một cuộc họp lớn. Cuộc “hội ý” tối cao với cả giới quân sự, tất cả những người của ông có thể tập được, đám thân cận, các “tướng tá”. Để thảo luận một số sĩ quan đặc biệt được triệu tập; họ phải vội vàng bỏ sở chỉ huy, các trung đoàn, quân lính của mình để kịp có mặt. Cuộc họp tiến hành ở Hà Nội, trong phòng lớn của Ban tham mưu. Ở hàng đầu, bên phải, trái của de Lattre, các tướng có mỗi người một ghế. Phía sau, ba bốn mươi đại tá hiện diện chỉ được ngồi nửa ghế.

Nghi thức lớn. “Ông chủ” không nói gì. Boussary đọc một bản tường trình dài, đầy thông tin nóng sốt và kết luận quyết đoán. Ông kết thúc chắc chắn:

- Tất cả cho thấy quân địch tiến lên phía bắc, đến Chu hoặc cả Tam Đảo.

Vua Jean suy tư. Việc chứng minh của nhà bách khoa có vẻ không thuyết phục lắm.

- Nhưng Boussary, anh có chắc chắn như thế không?

- Có, thưa đại tướng.

Trong lúc đó có tiếng gõ cửa. Boussary ra mở. Một bàn tay đưa một tờ giấy vàng dùng cho những bức điện giải mật mã. Trưởng Phòng Nhì đọc và tái mặt. Đại tướng giật lấy xem và quát to:

- Sao? Đây là lệnh tấn công vào nửa đêm nay của ông Giáp! Trên toàn tuyến Đông Triều. Vào những công trình bê tông chưa hoàn thành đầu Hải Phòng. Vào chốt bản lề của tôi ở Hải Dương...

De Lattre dịu lại. Thâm tâm ông hài lòng: đây là bằng chứng ông đã đoán đúng. Nhưng ông muốn biết vì sao Boussary có thể lầm đến như vậy. Ông hỏi với giọng khoan dung nguy hiểm: gọi những lời thú nhận.

- Boussary, điều gì làm anh khẳng định các sư đoàn ông Giáp đi lên phía bắc? Không bao giờ anh thu thập được một dấu hiệu ngược lại sao?

- Ở Lục Nam, chúng tôi “bắt được” một nông dân vừa ở vùng Chu tới, nói có thấy những lực lượng tăng cường Việt đi về phía nam.

- Thế anh làm gì với người ấy và những lời nói ấy?

- Tôi cho rằng anh ta đưa ra những thông tin tâm lý. Cử toạ thở ra. Mọi người như ngạt thở. De Lattre quát lên.

- Và mệnh lệnh này của ông Giáp, anh thấy thế nào? Anh cũng cho rằng Giáp cũng tung thông tin tâm lý chứ?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #532 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2021, 01:05:01 pm »


Sau đó gần như là quan điểm của Boussary: một hiện tượng tự tin. Ông ta mất tinh thần nhưng không chịu thua. Với đôi môi mỏng, đôi mắt sáng lên, ông cãi bướng mười phút, lập luận này đến lập luận khác, theo cách người ta tán những kéo sắt, cho đến lúc “ông chủ” kết thúc.

- Người đưa thông tin tâm lý chính là anh, Boussary. Và quên rằng chính mình triệu tập các tướng tá, vua Jean quay lại phía họ quát:

- Sao? Các ông còn ở đấy không về chỉ huy các đội cơ động vào cuộc chiến đêm nay ư?

Nụ cười ranh mãnh của Boussary trước việc ra về của mọi người sau câu nói của de Lattre. Các tướng tá và đồng bọn phóng xe jeep nhanh về các sở chỉ huy, các đơn vị. Boussary ở lại trong gian phòng vắng. Không điều kỳ cục nào tác động được tới ông với logic của mình. Thần kinh bằng thép. Và như vậy, ông vẫn giữ được lòng ưu ái của “ông chủ”: “Anh xem, Boussary, nêu tôi không có ở đây...” Ông nghiêng mình bí hiểm, rất nhũn nhặn nhưng ẩn nét ương bướng và tự hào, thốt ra: “Tôi vững vàng nhưng ông còn vũng vàng hơn. Điều ấy không làm vua Jean mất lòng. Và rồi điều đáng kể nhất, đây cùng là một bạn đồng hành dễ chịu, tế nhị, thậm chí chắc là người thông minh nhất trong đám thân cận cùng với Cogny.

Mưu kế và phản mưu kế. Người Việt muốn “lừa được” de Lattre. Họ tự nhủ: “Làm ra vẻ rút khỏi Đông Triều, chúng ta làm cho Đội quân viễn chinh chuyển quân và chúng ta sẽ tấn công”. Trò chơi đối với người Pháp bây giờ được thông báo, là làm ra vẻ bị mắc mưu. Đối với những hoạt động giả của những đoàn bộ đội đi bộ, đại tướng đối lại bằng những đi lại giả của những đoàn xe. Các loại GMC khởi động, đi theo đường 18, đúng như ban chỉ huy Pháp rút hết người và khí tài. Như một cuộc di cư. Những chiếc xe hoàn toàn trống rỗng. Ngược lại lúc hoàng hôn trận địa được bố trí đầy đủ, tăng cường bằng mọi cách. Quân chính quy nghỉ vào chỗ “mềm yếu” sẽ rời vào chỗ “cứng rắn”. Người đi bị lừa.

Nhưng việc này cũng thế, có chắc chắn không? Không bao giờ được quên quy luật tối cao này của cuộc chiến tranh Đông Dương: tất cả những gì người Pháp làm, người ta biết cả. Có những đôi mắt nhìn họ và hành động của họ, những đôi mắt Việt Minh. Làm sao lầm tưởng được dân quê không báo cáo những đội cơ động, các tiểu đoàn, trọng pháp, xe tăng đã triển khai chờ đợi tiêu diệt các sư đoàn quân ông Giáp? Làm sao không hình dung được các bà bán quà vặt đến những chỗ xe cộ dừng không nhận thấy xe không có quân lính? Sao có thể nghĩ người Việt không biết quân Pháp đang tập trung lực lượng trên con đường 18? Cuộc phản công nửa đêm sẽ tiến hành như dự kiến, vào những chỗ đã định, ngay trong đêm mồng 5 tháng tư. Nhưng không phải hàng loạt, nghiêm chỉnh, “trận đánh lớn". Chỉ là những hỗn độn đáng sợ, rối rắm, dữ dội khác thường, nhưng cuối cùng chỉ là những trận nhỏ, mức độ khiêm tốn. Như để xác định ý thức, đúng hơn để gây rối Đội quân viễn chinh, để thấy họ ở đâu. Và cũng chứng minh cho de Lattre dù trong những điều kiện tốt nhất của ông ta, ông không dễ dàng làm lại một Vĩnh Yên mới mà phải đối mặt với một cuộc chiến tranh lâu dài, bước đầu cuộc chiến huỷ diệt đổ máu và ghê gớm mà tài năng của ông không đủ.

Nửa đêm. Ba cuộc tấn công chết chóc vào vùng biên Đông Triều. Như thường lệ, từ bóng tối và rừng rậm xông ra những người ôm bộc phá, bắn ba-dô-ka, những làn sóng quân chính quy la hét và ào tới như những người lính chì. Cả khối người bò lên, chạy, trèo vào, những người mặc quần áo đen và bộ đội đồng phục màu xanh lá cây. Rồi những cuộc giáp lá cà, xác người chết, biển lửa, tiếng tường đổ sụp, ca-nông gầm, kèn đồng thúc, tiếng thét “Hàng đi!” bằng tiếng Pháp, mệnh lệnh của các chính uỷ đứng chỉ huy. Một lần nữa kinh hoàng ghê gớm và kéo dài. Vì luôn luôn có những đoàn xung kích mới xuất hiện từ những hố đào gần đấy, nhảy qua dây thép gai tiến lên và gục ngã. Luôn luôn trong những công sự bị tấn công, những người bảo vệ còn sống sót bên cạnh đồng đội bị giết, nằm sau đại liên tàn sát như trong lò mổ. Đôi khi trong đó chỉ còn một nhóm người, bị dồn vào một góc ném lựu đạn liên tục, tai vang lên những tiếng nổ, những rên rỉ, hấp hối, những tiếng thét gọi hàng. Đôi khi dù sao cũng có sự im lặng kết thúc. Nhưng đêm ấy tất cả cố chống cự. Bình minh thì quân Việt rút lui, rõ ràng được lệnh bỏ trận địa lúc trời vừa sáng, theo hàng ngũ mẫu mực, rất trật tự, bất kể thắng thua, xem như kết quả mà de Lattre cho là họ bại trận, đối với họ chẳng quan trọng gì.

Tuy vậy trong đêm mồng 5, sáng mồng 6, các trung đoàn ông Giáp không chỉ đánh quân lính trong bốt hoặc các tiểu đoàn bị phục kích như những lần trước. Họ còn tấn công vào xi-măng phòng thủ, ở Bài Thơ giữa Lục Nam và Bảy Chùa. Đúng ra đây không phải một thành trì đã hoàn thành mà là một công trường lính lê dương và nguỵ binh trộn xi-măng xây các công sự, các điểm tựa. Giữa những đống sắt thép, những khối bê-tông, máy cán đá, máy xúc, những bao xi-măng Hải Phòng, giàn đá, cả một lộn xộn dụng cụ xây dựng mênh mông, người ta bắn giết nhau hàng nhiều giờ mà không trông thấy nhau, kết thúc vào lúc năm giờ quân Việt ra đi. Một cuộc ra đi, không phải trốn chạy hoặc rút lui.

Quân chính quy của ông Giáp cũng tấn công vào sắt thép. Hàng trăm, hàng nghìn đổ xô vào xe bọc thép đại liên, xe tăng và bộ binh, gần Bến Tắm một lối ra từ rừng núi giữa Bảy Chùa và thị xã Đông Triều. Một đêm đen như mực Tàu và ướt át vì mưa phùn. Nhìn qua như một cuộc phục kích nhưng chưa bao giờ quân Việt dám tấn công như thế. Chống lại xe tăng, tháp pháo, ca-nông và trang bị. Chống lại thép tôi, những mảng bọc kim loại khí, bằng ba-dô-ka và các khối thuốc nổ.

Phải chăng đúng là một cuộc phục kích và không chỉ là biện pháp loại bỏ những khí cụ quá cồng kềnh trong vài giờ, thời gian cần thiết để tiến tới mục tiêu: bốt Bến Tắm? Đây là một thành quách cổ tường cao dày bao bọc một tháp cao. Số lượng nhiều xe cộ sắp xếp theo trật tự chiến đấu trong sân. Bỗng nhiên cách đấy mấy cây số hai khẩu 75 ly Việt Minh phát hoả, dội liên hồi vào tháp canh Hoàng Xá trên bờ đường 18. Ở đây chỉ có mấy nguỵ binh bảo vệ, có bỏ công đi cứu không? Đại tá chỉ huy phân đội bọc thép nói: “Những chỗ phụ thêm ấy cũng chiến đấu cho nước Pháp, không thể bỏ rơi họ...” Những chiếc xe chuyển động và qua cánh cổng mở hé, trong tiếng ầm ì của bánh xích, từ bóng tối bên ngoài, quân địch tràn vào. Quân Việt khắp nơi, hàng đống, hàng khối, gần xe tăng, bên trên, bên dưới. Những bàn tay giơ lên, cố nhét những gói thuốc nổ vào nòng súng ca-nông, khe bánh xích. Cũng có những cánh tay cầm tiểu liên, lựu đạn vươn lên những khe tháp pháo. Chiếc tăng đi đầu bị chặn trên một chiếc cầu hẹp và phía sau cả đoàn tăng các loại dừng lại. Cuộc chém giết nổ ra; mỗi tổ xe trong vỏ bọc quét lửa đạn vào những ai trèo, nhảy lên. Không có xe nào không mang những người chết kẻ sống bám đầy. Phía trong xe, nhìn khó khăn, nhắm bắn sai lệch, các kỵ binh trụ vững trước nạn lụt người trong nhiều giờ trong đêm tối, ở góc đường này. Trong lúc đó ở Bến Tắm...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #533 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2021, 01:05:58 pm »


Cuộc tấn công hạng nặng vào bốt, thành trì cổ. Súng ba-dô-ka không có tác dụng đối với thép xe tăng có làm đổ được những tường thành đá to, dày một mét không? Có rất nhiều trên các đồi xung quanh bắn vào bức rào đồ sộ một cách vô ích. Bỗng một tháp lớn đổ xuống. Trong đó đội đồn trú cất giữ một kho đạn cối 105 ly. Cuộc đại biến chôn vùi cả người tấn công và người bị tấn công, vẫn từng làn sóng quân Việt theo những lỗ hổng xông lên cho đến khi xác người bịt hết lỗ hổng. Xa hơn, những người tấn công ném lên những bức tường đứng các loại dây, thang, lưới. Quân chính quy trèo lên hàng trăm bằng tay, chân, ngồi, trườn như những con khỉ nhanh nhẹn để rồi bị bắn, đôi khi đã ở trên cao, gần đến đích lại rơi xuống như những hình nhân.

Bình minh lên, Bến Tắm và vùng xung quanh đã trụ vững. Thành trì cổ ngổn ngang xác người. Toán xe bọc thép ngoài vỏ đầy dầu và máu. Ngay tháp Hoàng Xá khốn khổ cũng khoảng một chục lính bổ sung còn sống sót trong đổ nát.

Quân Việt còn tấn công chỗ khác ngoài Đông Triều, nơi cũng nhận được hàng trăm quả đạn súng cối. Đấy là vùng đầu châu thổ Bắc Kỳ, chỗ người ta gọi là vịnh Hạ Long trên đất liền. Một bốt rất bình thường chống cự suốt đêm với cả một trung đoàn; rạng sáng có bảy mươi xác chết mắc vào dây thép gai.

Ánh rạng đông của chiến thắng thứ hai của đại tướng de Lattre de Tassiguy ở Đông Dương. Vĩnh Yên trong tháng giêng và bây giờ Đông Triều. Và lại cuộc diễu binh chiến thắng. Ngay trên chiến trường, đẹp hơn tổ chức trong đại giáo đường, trọng đại, rạng rỡ hơn nhiều. Cuộc dàn cảnh đầy đủ. Cảnh vật tuyệt vời, siêu thực. Mấy ruộng trơ trụi lác đác vài dãy cây cối với những xác chết âm u. Không có nước. Bên dưới là rừng bao la, kéo dài đến mãi chân trời, leo lên đến những dốc lớn, những ngọn núi cao thực sự trở nên trơ trụi về phía Lạng Sơn và Trung Quốc.

Vẻ đẹp của thiên nhiên và sự thờ ơ của thiên nhiên. Cảnh buồn chán hôi thối của tháp canh Hoàng Xá. Chỉ còn một số khối gạch lớn. Xa hơn là những tàn dư của cuộc chém giết. Một lính Việt còn đấy, trên cọc nhọn xuyên qua người. Những thi thể chưa chôn cất; một số nằm trong những mộ kỳ lạ. Cách khoảng trăm mét, những hố cá nhân quân Việt đào được khoét vội vàng thành hầm mộ trong đó có những thân người đắp đất còn hở. Một sọ người trần trụi, xa mọi đầu người và những mảnh quần áo các loại. Những thang dây tự xoắn vào nhau. Thật nao lòng! Chỉ có quạ, một số ở đấy, đang rỉa thịt. Xa hơn, cách hai, ba cây số chúng tập hợp từng bầy trên xác người.

Lính lê dương duyệt binh. Và de Lattre, cũng đứng, giơ bàn tay mang găng chào bức tường người tiến bước trước mặt. Chào họ, ông tự chào mình, ông chủ của họ, người đưa vinh quang này cho họ.

Lễ mừng chiến thắng tại chỗ. Không thiếu gì, kể cả thái độ cam chịu của một số tù binh và những con mắt nhìn bất động của một số nông dân. Nhưng cái chết, sự thất bại một ngày nào đó cũng sẽ đổ xuống đầu những lê dương ngạo nghễ ấy chăng?

Diễu binh ở Đông Triều, đấy là lời thề chiến thắng, lời hứa cao cả của de Lattre với các đoàn quân vừa khó khăn giữ được vị trí. Phải tán dương tất cả.

- Royer, các nhà báo có đấy không?

- Có, thưa đại tướng.

- Thế họ phải viết, viết đi...

Và rồi: “Cogny, đã điện cho hoàng đế Bảo Đại chưa?”

- Rồi, thưa đại tướng.

Sau đó: “Còn anh, Goussault, anh viết một lịch sử đẹp nhấn mạnh tính cách anh hùng của các quân đội, tầm cao những quyết định của tôi và sự thiệt hại của quân địch. Không còn các sư đoàn Việt...” Không ai mỉm cười tuy mỗi người đều biết sự khẳng định ấy ra ngoài ranh giới sự thật.

- Dannaud, anh đã viết một bài văn thật hay chưa, sau này sẽ đưa vào sách giáo khoa để rồi trẻ em Pháp học, biết được cuộc chiến đã như thế nào.

- Rồi, thưa đại tướng.

Khắp chỗ là “Vâng”, về các mặt theo con mắt của vua Jean vốn không muốn ý kiến gì khác.

Thế nhưng bản thân đại tướng thật bối rối! Thực chất chẳng có gì thay đổi. Không tới một nghìn quân chính quy Việt ngã xuống. Về phía người Pháp cũng khoảng chừng ấy chết và bị thương. Tất cả phải làm lại nhưng làm như thế nào?

Đôi khi ông nói, với de Royer, ngôi mộ những bí mật của ông:

- Tôi đã lao vào việc thật kinh khủng. Anh biết đấy, thực sự tôi không biết ra sao... Quân địch chưa hết mà ngược lại. Nếu tôi tổ chức, tăng cường lực lượng, họ cũng làm và làm hơn. Và họ dùng những chiến thuật phức tạp, lạ lùng mà tôi không hiểu, tấn công dữ dội nhưng rải rác ban đêm nhưng không kéo dài, cũng tập trung bí mật, tránh né, đi lại không tưởng được, hoạt động như kiến. Tại sao vậy? Và trận đánh Đông Triều tôi vừa thắng có nghĩa như thế nào? Thật vô lý, anh biết không...

Đúng là người ta vẫn không biết người Việt muốn làm gì. Chắc chắn họ giăng bẫy như thế nào? Linares vẫn giữ lý luận của mình, cho rằng ông Giáp muốn dồn lực lượng cơ động của Pháp vào ngõ cụt để tiêu diệt. Vậy là không nên chuyển động và ông ta thực hiện tốt chiến thuật bất động. De Lattre nghĩ các sư đoàn đỏ muốn chọc thủng hai lần, đầu tiên Mạo Khê sau đó Bến Tắm để tràn ra vùng châu thổ. Nhưng luận thuyết này cũng không tin được. Vì khi quân Việt ra đồng bằng những trung đoàn, Đội viễn chinh trong lúc đó sẽ đánh mạnh hơn. Trước hết họ phải chuẩn bị cả một công việc lớn về bố trí, huỷ hoại - điều đó họ cũng sẽ làm nhưng dần dần, tuần tự.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #534 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2021, 01:09:34 pm »


Nếu tất cả không giải thích được thì cũng không lay chuyển được và tất cả rất nguy hiểm. Nỗi ám ảnh bí mật của vua Jean là cảm giác đau đớn không dẫn dắt trò chơi được. Và ông tâm sự với tuỳ tùng:

- Tôi lê lết sau quân Việt. Và tôi đến để chiếm lại Lạng Sơn. Thay vì điều đó, trong vụ Đông Triều tôi không dám phản công vào rừng, ngập ngừng nhiều ngày rồi không dám quyết định. Tôi ở lại đây để thăm dò, bố trí, xây dựng. Nay người ta nói thế nào về tôi? Họ nghĩ tôi làm đúng hay sai?

Thật khó khăn để luôn là “người tuyệt vời” đối với một người đơn độc như thế trong ý đồ, những mắc mớ, sợ hãi! Đôi khi tính khí của ông kỳ cục hơn tính toán. Có những ngày ông nhăn nhó, dằn vặt vì lo âu khi thấy nhiệm vụ mình quá lớn. Thế là bùng lên, hậu quả ghê gớm đối với những người xung quanh, không còn là cơn giận có chi phối mà những cơn khủng hoảng thật sự. Tính tình của ông trở thành không chịu nổi. Có những lúc hơi lạ lùng. Ở Hà Nội một hôm ông nói với de Royer: “Tôi có thông tin. Người ta muốn giết tôi ngay tại đây, trong “ngôi nhà Pháp” của tôi. Gọi Perrier cho tôi”. Trưởng An ninh sau này chết vì bệnh tim do quá căng thẳng lo về một vụ ám sát vua Jean. Trong lúc này ông để một viên thanh tra cảnh sát thường trực ở tầng hai, trước phòng ngủ của đại tướng. Một số ngày trôi qua. Bỗng đại tướng hỏi người tuỳ tùng: “Người kia là ai?

- Tôi không biết.

- Anh để người lạ lượn quanh đây. Anh muốn để ám sát tôi à?

- Thám tử của tôi đấy”. Perrier chạy tới nói. De Lattre đùa. Có lẽ ông chỉ muốn làm de Royer bối rối, làm như bắt gặp ông này có lỗi chỉ do ông ta không bao giờ mắc lỗi.

Sự lo lắng của vua Jean kéo dài không bao lâu. Mặc dù Đông Triều không thực sự là một trận chiến chỉ gồm những bí ẩn, hành quân, cách nhìn và chỉ là vài đụng độ - có thể thế giới cũng tin vào “chiến thắng” của de Lattre. Và ông tin. Đối với vua Jean là “thắng trận”. Đột ngột, nhưng sảng khoái, rỉ rả hài lòng biết mấy. Gần như chuyện trẻ con.

Đông Triều là điểm ngoặt của đỉnh cao de Lattre. Ông không biết, chẳng ai biết điều đó. Thế nhưng trên bờ rìa vùng những gì vua Jean xác định, tưởng tượng, tạo dựng, tỏ ra không vững chắc gì đối với quân địch. Quân ông Giáp thực tế không đánh hạ được. Ngược lại chính hệ thống quân Pháp dần dần bị gặm nhấm. Từ phiêu lưu người ta sẽ chuyển qua bị giam hãm.

Cuộc phiêu lưu tôi tả trong cuốn sách này chỉ kéo dài bốn tháng. Đỉnh cao của con người kỳ dị, đối với riêng mình, đi từ Paris đến một thế giới xa lạ, cứu vớt một quân đội, một cuộc chiến tranh, cứu Đông Dương. Cuộc phiêu lưu của tính cách một con người chống lại tất cả, chống một lục địa ghê gớm. Những giờ đẹp để khi đến chịu trách nhiệm về những kẻ thất bại, biến họ thành những người lính cứng rắn, những anh hùng. Những giờ mê hồn của trận chiến Vĩnh Yên, thắng số phận chỉ bằng quyết tâm. Những giờ cần cù sau đó, với hoạt động điên cuồng, căng thẳng, bất thường, làm lại tất cả. Ông tạo dựng lại người của mình, từ lính trơn lên tướng tá và triều thần thân cận. Ông cải tạo cả một hạ tầng cơ sở quân đội, cả một chiến lược, nhào nặn những người da vàng, cho đến Bảo Đại; một công việc nặng nhọc. Ông lấy thế giới làm chứng, thực hiện, tiên đoán. Ông làm những việc đó mặc dù Paris thiếu trách nhiệm, thế giới thờ ơ, bản thân cô độc, bước đầu có bệnh, những lo toan riêng tư. Những việc đó đối mặt với một Châu Á ông hiểu sai nhưng dần dần đoán ra, ông không hề yêu thích và làm cho người ta sợ hãi. Dù sao cũng là một cuộc phiêu lưu đẹp, một trong những cuộc phiêu lưu lớn của thời hiện đại.

Tất nhiên sẽ còn một số tuần lễ rất đẹp. Tột đỉnh của cuộc chiến tranh Đông Dương. Gần như Đội quân viễn chinh quay cuồng từ những cuộc hành quân rất đẹp này tới những cuộc hành quân rất đẹp khác, riêng trong vùng châu thổ. Cuộc trình diễn chiến binh cuối cùng, đẹp nhất trên thế giới. Vua Jean như một người lớn lao với những kẻ lang thang, những tiểu đoàn, triều đình của mình. Thật là thời đại lớn nếu cứ kéo dài. Những vị khách bắt đầu từ Malcolm MacDonalod, loá mắt. Các nhà báo ca ngợi...

Chỉ trong mấy tuần. Mấy tuần lễ ảo tưởng. Vì ở bên dưới tất cả không ai biết, đã là mầm mống của thất bại. Từ khi trên đường 18, quân Việt ở Mạo Khê, Bến Tắm bắt đầu cuộc chiến tranh huỷ diệt lớn của họ. Ở đấy mới chỉ là thử nghiệm, mò mẫm, triển khai bước đầu nhưng nối tiếp sau đó thật đáng sợ.

Việc giam hãm. Không chỉ một trận đánh. Không có những trận đánh liên tiếp nhau mỗi ngày càng khốc liệt. Việc giam hãm không phải trận thua đến một lần. Đấy là sự huỷ diệt, từ nay là chìa khoá của cuộc chiến tranh Đông Dương. Sẽ kéo theo tất cả, sự suy sụp trong đau đớn, trong tính anh hùng và thất bại.

Đấy là cái chết của Bernard trong tháng năm, sẽ là sự bộc lộ. Đây không hề là một sự cố, một tai nạn, một bi kịch tự thân, riêng lẻ. Đấy là hiệu quả của chiến thuật mới, sức mạnh mới của quân Việt bỗng loé ra như sét đánh, bất kể de Lattre, công trình, chiến thắng của ông. Không, ông Giáp không bị vượt qua, vì cuối mùa xuân ông tung toàn quân đội ra chỗ người ta tuyệt đối không chờ đợi, chỗ đứa con vua Jean hành quân. Trên sông Đáy, phía cực nam vùng châu thổ, trong “lỗ hổng” của trận địa Pháp. Như vậy quân chính quy đi vòng nhiều tuần lễ quanh vùng đồng bằng và xuất hiện phía bên kia xứ Trung Kỳ đỏ tràn vào vùng trống không. Chỉ một số biệt kích, vài đơn vị nhỏ chống cự trong vùng, trong đó có đơn vị Bernard. Phần lớn bị tiêu diệt, anh trúng nhiều đạn. Bộ phận lớn của Đội quân viễn chinh sau đó tới, chiến đấu gần một tháng, khó khăn lắm mới cầm chân được làn triều đỏ này. Với giá bao nhiêu sức lực!

Chiến lược huỷ diệt! De Lattre bỗng như một ông già, một người tàn tật, kiệt lực, trong lúc ông đang rất cần sức lực về thể xác và tâm hồn. Người rã rời. Sau ánh đuốc cuối cùng về sức sống ở Mỹ mà ông muốn chinh phục và chinh phục được. Nhưng đã quá chậm... Tuy thế, ông vốn rất khôn ngoan, đôi khi rất lo về thời gian trọn vẹn của mình, vùng vẫy, giật nẩy mình trong sự diệt vong lâu dài. Bao nhiêu bất lực và bỗng bao giận dữ! Không gì kiềm chế được ông, kể cả sự đau đớn. Ông đứng lên tuy rất nặng nhọc. Trước đây coi thường, xem quân Việt chỉ là những kẻ địch để bắn giết, ông bắt đầu căm ghét họ sâu sắc theo lối tín ngưỡng, phản động. Ông tin vào cuộc thập tự chinh. Với một loại nóng giận điên cuồng, ông còn muốn thắng, kịp thời thắng ông Giáp và chủ nghĩa cộng sản. Ông tung Đội quân viễn chinh vào vùng rừng rậm sông Đà vì tất cả: những đòi hỏi của Paris và Washington. Nhất là vì ông, từ nay là quan toà, quan toà lớn sắp chết.

Huỷ diệt! Sẽ là những trận đánh ở sông Đà, gần như không tả nổi. Ở đây Đội quân viễn chinh lần đầu tiên đổ máu, hơn trên đường số 4 nhiều. Không phải trong những trận thua mà tệ hại hơn, trong những cuộc bắn giết mù quáng và không dứt không có nghĩa. Ở đây, quân đội Pháp ở Đông Dương, đẹp như thế thời kỳ huy hoàng của de Lattre, trang phục tốt, chiến đấu hăng, dần dần tan rã. Vì ghê tởm, mệt mỏi, những mất mát, đau đớn, tối tăm. Những gì không tốt lắm trở nên xấu, bất lực trước quân Việt. Những người thuần tuý, cứng rắn thăng hoa trong đau khổ và cái chết. Chỉ còn mấy nghìn lính dù, lê dương “trụ lại” với những quân chính quy Việt trong rừng, chịu đựng những cuộc tấn công dữ dội. Lúc ấy trong sự dũng cảm kỳ diệu sản sinh “câu chuyện huyền hoặc về lính dù”. Cũng phải có một huyền thoại để chấp nhận một số phận đáng sợ; để có thể đánh nhau trong rừng với cả những sư đoàn ông Giáp. Việc ấy kéo dài nhiều năm cho đến sự huỷ diệt cuối cùng: Điện Biên Phủ, de Lattre yên nghỉ từ lâu ở Mouilleron - en - Pareds.

Hết!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM