Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 03:48:14 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung đoàn 96 - Trận tiêu diệt binh đoàn cơ động 100 của Pháp  (Đọc 19444 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2017, 03:48:46 pm »


Từ Tổng hành dinh ở Mường Phăng, Đại tướng Tổng Tư lệnh luôn theo dõi chỉ đạo sát mặt trận Bắc Tây Nguyên, quan tâm nhiều đến việc củng cố giải phóng, lưu ý Liên khu phối hợp chiến trường Nam Lào, đông - bắc Miên. Phải đánh mạnh vào các quốc lộ 19, 14 tiếp tục phát triển chiến tranh du kích ở Nam Tây Nguyên, hướng Tuy Hòa vẫn là phụ.

Đầu tháng 3, Tổng Tư lệnh lại báo động cho Liên khu âm mưu chiếm Qui Nhơn của địch, phải gấp rút đưa lực lượng vào Cheo Reo, vào phía Nam Plây Cu...

Tiếp thu sự chỉ đạo ấy, đồng chí Chánh đã kiên quyết tranh thủ thời gian cho Trung đoàn 803 đánh vào Đak Đoa và thị xã Plây Cu trên tuyến phòng ngự mới mà địch đã tập trung đến 18 tiểu đoàn (có binh đoàn cơ động 100), không kể hai binh đoàn cơ động 41 và 42 ở Trà Khê, tây thị xã. Tại Đak Đoa, một cứ điểm mạnh của binh đoàn cơ động 100, bộ đội bị thương vong nhiều chưa giải quyết dứt điểm. Chính ủy Trung đoàn đề nghị rút lui. Đồng chí Chánh bác bỏ ý kiến đó, ra lệnh cho Trung đoàn trưởng tiếp tục chiến đấu đến thắng lợi. Người lãnh đạo dao động đã bị thi hành kỷ luật chiến trường, dù đó là một Liên khu ủy viên, có tác dụng lớn trong việc củng cố tinh thần chiến đấu của bộ đội, khi chiến dịch bước vào thời kỳ quyết định.

Vẫn kiên trì với phương châm chọn chỗ yếu và sơ hở của địch mà đánh, Bộ Tư lệnh chiến dịch lại ra lệnh cho Trung đoàn 803 nhanh chóng vượt qua tuyến lửa đường 19 để đánh vào sau lưng địch. Trung đoàn gặp khó khăn vì chưa điều kịp lương thực. Đồng chí Tư lệnh đã thúc giục đơn vị nhanh chóng triển khai mệnh lệnh bằng dồn gạo hiện có cho một đơn vị đi trước. Đơn vị còn lại cử một bộ phận về trung châu gùi gạo lên. Khi Trung đoàn 803 xuất hiện ở phía nam đường 19, bộ chỉ huy Pháp điều binh đoàn cơ động 100 càn quét khu du kích của ta. Không tìm thấy đối phương, khi về trú quân dã ngoại ở Plây Ring, đã bị chính Trung đoàn 803 bất ngờ tiến công gây thiệt hại lớn về người, về phương tiện, phải rút về Plây Cu củng cố.

Trong khi đó, một tiểu đoàn chủ lực khác cùng với một tiểu đoàn tập trung của Phú Yên được lệnh thọc sâu vào sau lưng địch ở Phú Yên nhằm làm ruỗng nát vùng mới chiếm đóng của Pháp. Đồng chí Tư lệnh đã theo sát đơn vị này; cổ vũ những trận thắng, đồng thời phê phán cán bộ chỉ huy chậm chạp, ham ăn to đánh lớn, chưa nắm vững tư tưởng chỉ đạo: nhằm chỗ yếu, tránh chỗ mạnh, đánh địch chắc thắng, nên chưa buộc địch quay lại đối phó, không rảnh tay tiếp tục kế hoạch chiếm tỉnh Bình Định.

Bộ Chỉ huy chiến dịch rất quan tâm chỉ đạo các đơn vị kiên quyết đánh địch trên đường 19, nhất là đập nát căn cứ đầu cầu Thượng An của địch, tiến về phía nam tỉnh Bình Định. Chính đồng chí đã thông báo cho Trung đoàn 108 về sự hoang mang dao động của tiểu đoàn ngụy đóng ở cứ điểm này, do tên tiểu đoàn trưởng bị mất tích trong trận phục kích của ta ngày hôm trước và ra lệnh cho một tiểu đoàn của ta không kịp chuẩn bị, vẫn có thể đột kích bất ngờ và đã thắng lợi. Tiếp theo trung đoàn chủ lực này lại liên tục phục kích trên đường 19 cản trở việc vận chuyển, tiến tới cắt đứt mạch máu giao thông yết hầu này của địch.

Từ ngày 10 tháng 3, những tưởng bộ đội ta đã đánh dài ngày phải chấm dứt chiến dịch, địch bắt đầu tiến từ Phú Yên ra Nam Bình Định và đổ bộ lên Qui Nhơn, bị lực lượng địa phương đánh mãnh liệt. Ngày 13 tháng 3, đại quân ta bắt đầu cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Địch phải điều một bộ phận chủ lực ra Bắc. Chiến dịch Át-lăng sa lầy hẳn, quyền chủ động chiến trường đã thực sự do ta nắm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2017, 03:49:28 pm »


Từ đầu tháng 5, quốc lộ 19 bị cắt đứt, trong khi chủ lực ta hoạt động mạnh ở vùng Cheo Reo, áp sát đường 14. Số phận của tiểu khu An Khê đã được định đoạt. Binh đoàn cơ động 100 và các lượng khác cố thủ ở đây, thế tất phải rút chạy, đó là thời cơ tốt nhất để ta tiêu diệt. Nhận định sắc sảo đó đã đưa đến quyết tâm của chỉ huy trưởng chiến dịch: tiêu diệt bất cứ binh đoàn cơ động nào, 100 hay 42 nếu chúng rời các cứ điểm cố thủ An Khê hay Plây Cu. Hai trung đoàn 108 và 96 (mới được thành lập) đã chực sẵn bên đường 19, để làm nhiệm vụ bẻ gãy xương sống của địch.

Sở chỉ huy chiến dịch của ta đã kịp thời thông báo cuộc rút quân của binh đoàn cơ động 100 khỏi An Khê cho Trung đoàn 96 và việc ứng cứu của GM 42 từ Plây Cu xuống cho Trung đoàn 108, với một mệnh lệnh cương quyết: tiêu diệt hoàn toàn quân cơ động của địch, dù lực lượng ta ít hơn hẳn so với địch. Nhưng đây là thời cơ có một không hai, sau khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt, chủ lực của ta và bạn từ Trung Lào đã tiến xuống đông - bắc Miên. Khi trong ban chỉ huy Trung đoàn 96 tranh luận về việc thi hành mệnh lệnh, nên chặn đầu hay chặn giữa, chặn đuôi, để đánh địch, đồng chí Chánh đã có chỉ thị: phải đánh theo ý đồ của người trung đoàn trưởng, nghĩa là chặn đầu tiêu diệt toàn bộ quân địch. Sau đó đồng chí lại có lệnh: liên tục tiến công, đánh không hết ngày đầu thì tiếp tục đánh ngày sau, truy kích đến cùng. Người Tư lệnh đã theo dõi cuộc chiến đấu suốt ngày đêm không nghỉ, chỉ đạo kịp thời từng động tĩnh của chiến dịch. Sau khi tiêu diệt binh đoàn cơ động 100 và đánh thiệt hại nặng binh đoàn cơ động 42 xuống ứng cứu, địch đã co hẳn về Plây Cu. Trong khi ba Trung đoàn chủ lực ta vừa củng cố đội ngũ, vừa tiến mạnh xuống phía nam, chuẩn bị tiến công Cheo Reo và phục kích tiêu diệt một bộ phận các binh đoàn cơ động ở Plây Cu đang dọn đường về Buôn Ma Thuột.

Từ ngày 10 tháng 3, chỉ huy sở của chiến dịch đã rời về Rừng Dầu, Phù Cát để có thể chỉ huy đánh địch trên cả hai mặt trận Tây Nguyên và đồng bằng, liên tục đánh giặc, đánh dài ngày, phá tan âm mưu địch. Kế hoạch Na-va bị phá sản hoàn toàn và quân đội viễn chinh chỉ còn hy vọng ở kết quả của Hội nghị Giơ-ne-vơ để cứu chúng khỏi sự sụp đổ hoàn toàn. Còn quân và dân Liên khu 5 đang trên đà sung sức tiến về Nam Tây Nguyên, đồng thời đánh mạnh vào vùng sau lưng địch ở đồng bằng. Bộ đội ta có thể tiến xa và sâu hơn nữa.

Nhiều cán bộ quân, dân, chính, đảng thường nói về đồng chí Nguyễn Chánh như một huyền thoại: Mỗi lần đồng chí ra Trung ương trở về, có một sự tiến bộ vượt bậc, con người đồng chí hầu như thay đổi hẳn về tài năng, về đức độ. Đúng là Đảng đã đào tạo, bồi dưỡng đồng chí từ trong nhà tù đế quốc, trên đường công tác cách mạng và trên các chiến trường nóng bỏng ở quê hương miền Nam Trung Bộ.

Trong buổi lễ mừng hòa bình lập lại trong cả nước, liên hoan chia tay giữa nhân dân và quân đội Liên khu 5 cũng là ngày thành lập Đại đoàn 305, đại đoàn chủ lực đầu tiên của Liên khu 5, trả lời thắc mắc của mọi người về việc bọn phản động phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, chia cắt lâu dài đất nước, đồng chí Nguyễn Chánh tuyên bố: "Chúng ta sẽ vác cờ hòa bình, độc lập và thống nhất vượt Trường Sơn về giải phóng quê hương".

Tại hội nghị tổng kết chiến dịch Đông Xuân 1953 -1954 và cũng để chia tay đồng đội về Trung ương nhận công tác mới, đồng chí Nguyễn Chánh đã tâm tình và dặn dò: Hãy sống với tâm hồn và trái tim trong sáng. Tất cả vì lợi ích của nhân dân không lướng vướng cá nhân chủ nghĩa. Hãy thương yêu và đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Không ai ngờ đó là lời dặn dò cuối cùng của đồng chí Bí thư Liên khu ủy, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2017, 03:51:54 pm »


MỞ ĐẦU VÀ KẾT THÚC CHIẾN DỊCH LỊCH SỬ
Đại tá PHẠM ĐƯỢU
Nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 19 trung đoàn 108


Mở toang cửa vào Bắc Tây Nguyên

Mở màn chiến dịch Đông Xuân 1953 -1954, việc tiêu diệt, đánh chiếm tiểu khu Mang Đen có ý nghĩa lớn. Tiểu khu có công sự vững chắc, là căn cứ chủ yếu để bảo vệ Công Tum về phía đông - bắc, và chỗ dựa để đưa quân ra phản kích tiến công xuống miền tây Quảng Ngãi. Mất Mang Đen địch mất một chỗ dựa phòng ngự có giá trị lớn và ta có điều kiện phát triển tiến công nhanh chóng. Do vậy mà cuộc chiến đấu, đã diễn ra hết sức ác liệt. Bộ đội ta quyết chiến thắng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ ta đã ngã xuống ở đột phá khẩu, quân địch chống trả điên cuồng. Mũi đột phá chính của tiểu đoàn đã không mở được cửa. Mũi đột phá thứ hai dũng cảm tiến công chiếm được đầu cầu, nhưng không phát triển được. Địch vẫn bám lô cốt mẹ và các hầm ngầm để chống đỡ. Tiểu đoàn phải tung cả đại đội dự bị vào chiến đấu, cũng bị chặn lại. Tuy vậy vẫn không nao núng, đã có gần 150 người bị thương vong, ta vẫn tổ chức chiến đấu, giữ vững đầu cầu, tiếp tục dùng hỏa lục chế áp địch. Cho đến khi tiểu đoàn 79 đánh vào sau lưng, chúng phải đưa cờ trắng đầu hàng. Các đơn vị của tiểu đoàn 19 giữ vững trận địa đã chiếm, bắt sống được 240 tên địch.

Ta đã tiến công mạnh mẽ vào cứ điểm phòng thủ đông bắc Công Tum một cách đồng loạt: Mang Đen (do Tiểu đoàn 19), Công Brai (do Tiểu đoàn 59 của Trung đoàn 803), và Mang Bút (do Tiểu đoàn 89 miền Tây Quảng Ngãi và đặc công của Liên khu) bị tiêu diệt ngay trong một đêm, sau khi có tin địch đổ bộ lên Tuy Hòa. Trung đoàn 108 nhanh chóng phát triển lên phía tây quét sạch địch từ Đắc Tô đến Đắc Lây ở phía Bắc Công Tum, nhịp nhàng phối hợp với hướng A-tô-pơ của Hạ Lào, buộc địch phải rút chạy khỏi vùng rộng lớn của tỉnh Công Tum và sau đó rút bỏ thị xã Công Tum.

Nhận thức được ý nghĩa cực kỳ quan trọng của trận đánh trong toàn bộ chiến dịch Bắc Tây Nguyên, Trung đoàn 108 đã có những cố gắng cao nhất. Trong khi đánh công sự vững chắc của địch, đánh chiếm đến đâu phải củng cố đến đó, tiếp tục đưa lực lượng vào phát triển. Dù gặp khó khăn đến mấy cũng cố tổ chức giữ vững trận địa giành thắng lợi cuối cùng. Ở Mang Đen cuộc chiến đấu giằng co đến sáng, đã có lệnh cho tiểu đoàn 19 rút ra tổ chức, củng cố lại lực lượng, để tối mai tiếp tục tấn công. Nhưng với kinh nghiệm xương máu đã thu được ở các trận Công Plong (8/1951), Tà Mực (12/1951). Ở đó bị địch chặn lại, phản kích quyết liệt, nhưng nhờ chiếm giữ đến cùng, cho nên cuối cùng đã tiêu diệt được địch giành thắng lợi hoàn toàn. Ở Mang Đen cũng đã làm như vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2017, 03:52:45 pm »


Trận tập kích đập nát đầu đèo Thượng An.

Cứ điểm đầu đèo Thượng An, thuộc tiểu khu An Khê, nằm trên đường 19, về phía đông của tiểu khu quan trọng này. Nó là đầu cầu, là bàn đạp để quân Pháp tiến công xuống tỉnh Bình Định, một tỉnh tự do giàu có của Liên khu 5, trong bước 2 của kế hoạch Na-va. Khi quân Pháp đổ bộ lên Qui Nhơn ở phía đông của tỉnh, thì chúng cũng bắt đầu tập kết quân ở vị trí chiến lược này.

Cho nên để bảo vệ tỉnh Bình Định về phía Tây, phải tiêu diệt cứ điểm đầu đèo Thượng An do Tiểu đoàn 17 quân ngụy đóng giữ. Ban chỉ huy Trung đoàn 108 lúc này, vẫn do đồng chí Nguyễn Minh Châu làm Trung đoàn trưởng, đã giao nhiệm vụ quan trọng này cho tiểu đoàn 19.

Ban đầu cả hai tiểu đoàn 19 và 79 cùng được giao nhiệm vụ phục kích trên đường 19, từ An Khê đến Mang Giang. Tiểu đoàn 19 chỉ để lại đại đội 211 bảo vệ căn cứ ở đỉnh rừng già, cách đầu đèo 500m; lực lượng còn lại đã xuống cùng đơn vị bạn bám đường.

Trong ngày 29 tháng 3 năm 1954, một số xe tiếp tế của địch từ An Khê xuống đầu đèo đã bị ta đánh. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 17 quân ngụy ở đầu đèo đã đích thân chỉ huy một đại đội tiếp viện. Tiểu đoàn 79 được lệnh xuất kích tấn công bọn này. Trong khi tiểu đoàn 19 được lệnh đón lõng, bắt được một số tên. Khai thác ngay bọn này, phát hiện tên tiểu đoàn trưởng ngụy đã bị chết hay đã chạy thoát, không trở về đồn. Như vậy rắn đã mất đầu. Ban chỉ huy tiểu đoàn 19 nhận định: địch đang hoang mang giao động, đây là thời cơ để tiêu diệt đồn Thượng An, cho nên đã đề nghị Ban chỉ huy Trung đoàn cho tập kích ngay cứ điểm này.

Đêm 29 tháng 3 năm 1954, Ban chỉ huy Trung đoàn 108 họp bàn kế hoạch tác chiến, vẫn giao cho tiểu đoàn 19 tiếp tục phục kích đánh địch trên đường 19 đoạn gần Hòn Nhẹn. Ban chỉ huy tiểu đoàn 19 đang triển khai thực hiện nhiệm vụ nói trên, thì được đồng chí Nguyễn Minh Châu, trực tiếp ra lệnh qua điện thoại: Tiểu đoàn 19 hủy nhiệm vụ phục kích, để bôn tập đánh đầu đèo Thượng An trước khi trời sáng.

Ban chỉ huy tiểu đoàn chỉ kịp phân công mỗi người trực tiếp xuống nắm một đại đội, kéo quân ra đường 19 tổ chức chiến đấu cho kịp. Tình hình vô cùng khẩn trương, lúc này đã hơn 3 giờ sáng. Khi Tiểu đoàn trưởng dẫn bộ đội lên gặp bộ phận trinh sát do tiểu đoàn phó chỉ huy bám đồn, thì trời gần sáng. Đồn địch đã hiện lên trên nền trời. Tiểu đoàn trưởng quyết định: Dùng hỏa lực tập kích, chủ yếu là tập trung tất cả các khẩu phóng lựu của tiểu đoàn (mỗi đại đội có chín khẩu), bố trí thành một cụm để bắn đồng loạt cùng với các khẩu cối 60 ly. Còn đại đội 212 chia thành hai mũi đột kích, tiến hành bí mật, đến khi nào bị lộ mới nổ súng đánh luôn. Trời sáng dần, bộ đội tiếp tục tiến sát đồn. Tên lính gác lên tiếng hỏi: ai đó? Trung liên ta nổ đồng loạt cùng với súng phóng lựu. Hai mũi xung kích của đại đội 212 đột kích vào chỉ huy sở và trận địa pháo của địch. Địch bị đánh bất ngờ không đối phó, chỉ 10 phút sau xin đầu hàng toàn bộ.

Khi Tiểu đoàn 19 chiếm xong Thượng An thì trời sáng hẳn. Máy bay địch lượn vòng trên không. Tất cả tiểu đoàn bỏ mũ ngụy trang xuống, lấy mũ của quân ngụy đội để đánh lừa quân địch. Đại đội 212 - 213 phát triển đánh sang đỉnh cao nhất của cứ điểm Thượng An, bị hỏa lực địch chặn lại. Xung kích ta mấy lần xông lên đều bị đánh bật. Giữa lúc đó, phía sau đồn địch, vang lên tiếng thét xung phong. Số là đại đội 211 được bố trí ở lại giữ căn cứ của tiểu đoàn, tuy không nhận được lệnh, nhưng khi biết tiểu đoàn đang vận động đánh địch ở Thượng An, đã chủ động chạy xuống tiến công địch từ phía sau lưng, cho nên địch đã nhanh chóng đầu hàng.

Tiêu diệt đầu đèo Thượng An, ta bắt dược 600 quân, bao gồm tiểu đoàn ngụy số 17, một đại đội công binh, một đại đội pháo 105 ly gồm bốn khẩu và một đại đội thông tin. Ta đã đập nát hoàn toàn đầu cầu của quân Pháp nhằm tiến công xuống Bình Định về phía tây, góp phần quan trọng làm phá sản bước 2 của chiến dịch At-lăng, vĩnh viễn không cho quân Pháp tiến xuống, không cho liên lạc với đồng bọn của chúng ở Qui Nhơn theo đường 19.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2017, 03:53:19 pm »


Cắt đứt đường 19.

Đồn Thượng An bị tiêu diệt làm thất bại chiến thuật co cụm phòng ngự bằng tiểu đoàn tăng cường của tổng hành dinh Pháp ở Tây Nguyên. Cụm cứ điểm An Khê do các đơn vị quân ngụy đóng giữ bị đe dọa thực sự.

Ngay từ đầu chiến dịch Đông - Xuân, các con đường chiến lược như đường số 14, đường số 7, nhất là đường số 19 đã trở thành mục tiêu đánh phá của ta trước hết là của các lực lượng vũ trang địa phương. Ngày 8 tháng 2, bộ đội địa phưcmg nam An Khê tiến công tiêu diệt đồn Đak-pớt, diệt và bắt sống toàn bộ lính địch, phá tan khu dồn dân ở đó. Ngày 9 tháng 2, lực lượng địa phương lại đột nhập thị trấn Cheo Reo, tiêu diệt một số địch, phá hủy nhiều cơ quan ngụy quyền. Vùng du kích mở rộng đến ven đường số 7. Trong khi tiến công các đồn bót, du kích và bộ đội địa phương đã làm nhiều vật chướng ngại trên đường, tổ chức những cuộc phục kích, bắn tỉa bằng cả vũ khí thô sơ của đồng bào miền núi thường dùng, gây không ít trở ngại cho việc vận chuyển của địch, nhiều lúc chông thò, hay tên có tẩm thuốc độc cũng gây khủng khiếp cho chúng.

Từ tháng 3, sau khi đầu cầu tiến công xuống phía đông của Pháp ở Thượng An bị lực lượng vũ trang đập nát, tổng hành dinh của tướng Đờ Bô-pho đã phải dùng các binh đoàn cơ động để giữ vững các căn cứ chiến lược: GM 100 phòng thủ An Khê, GM 42, giữ Plây Cu, quốc lộ 19 nối liền hai căn cứ này đã được tăng cường sự kiểm soát để giữ vững mạch máu tiếp tế chủ yếu, để ngăn chặn chủ lực của ta tiến xuống phía nam. Vì vậy con đường chiến lược này đã trở thành mặt trận nóng bỏng của hai lực lượng chủ lực giữa ta và địch.

Trong tháng 4, Trung đoàn 108 và tiểu đoàn 40 độc lập đã không ngừng tiến hành những trận phục kích đẫm máu binh đoàn cơ động 100. Ngày 4 tháng 4, một đoàn xe từ An Khê đi Plây Cu bị tiêu diệt ở Hà Tam. Ngày 9 tháng 4, 20 chiếc xe từ Plây Cu đi An Khê bị tiến công và phá hủy ở đèo Mang Giang. Từ 12 đến 28 tháng 4, liên tiếp sáu đoàn xe khác bị tiêu diệt trên đoạn 20km phía đông và tây cầu Ayung. Trong phần lớn những trận đó, binh đoàn cơ động 100 đều tung quân ra ứng cứu, nhưng lần nào cũng bị thiệt hại không nhỏ, bị tiêu hao cả người và phương tiện. Đường 19 đã trở thành con đường chết và mạch máu giao thông của quân viễn chinh đã bị cắt đứt. Từ giữa tháng 5, chủ lực của ta đã làm chủ con đường, quân Pháp chỉ được tiếp tế bằng máy bay. Chúng không có con đường nào khác phải rút bỏ An Khê để tránh thảm họa bị tiêu diệt, nhưng thảm họa khác lại lớn hơn rơi ngay vào ổ phục kích của Trung đoàn 96 (mới được thành lập ngay trên mặt trận đường 19 ngày 24 tháng 6 năm 1954) cả binh đoàn cơ động 100 đã bị loại ra khỏi vòng chiến đấu ở cầu Đak Pơ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2017, 03:54:01 pm »


Trận đánh cuối cùng.

Bước qua tháng 7, đến lượt Plây Cu bị bao vây cô lập, con đường quốc lộ 14 đã trở thành con đường sống còn cuối cùng chạy về Buôn Ma Thuột. Chiến tuyến đường 19 của Pháp bị đập nát, các Trung đoàn chủ lực của Liên khu 5 mạnh mẽ tiến về phía nam. Trung đoàn 803 tiến về phía đông đập nát hệ thống cứ điểm của địch trên và ven đường số 7 ở giáp ranh hai tỉnh Đắc Lắc và Phú Yên, diệt một tiểu đoàn và ba đại đội, bắt sống 600 tù binh. Trung đoàn này lại thọc sâu vào khu Tuy Hòa, trung tâm co cụm của quân Pháp trong chiến dịch Át-lăng đang bị sụp đổ và cắt đứt quốc lộ 21 tại khu Ma-đơ-rắc, đồng thời mở đường vòng về phía Nam Buôn Ma Thuột.

Trung đoàn 96 tiến thẳng về Cheo Reo, chuẩn bị tiêu diệt thị trấn quan trọng có ý nghĩa chiến lược này. Còn Trung đoàn 108 thì tiến thẳng lên đường quốc lộ 14 ở đoạn đèo Chư Đrek ngăn cách hai tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc.

Tiến sâu vào sau lưng địch. Chủ lực của ta gặp không ít khó khăn, nhất là việc tiếp tế lương thực và đạn được. Mặc dù lúc bây giờ cả Liên khu đã được động viên thêm sức người và sức của để chiến đấu và chiến thắng. Lúc này cuộc thương lượng ở Giơ-ne-vơ đang đi vào giai đoạn cuối cùng, nhưng công tác tư tưởng càng được đặc biệt coi trọng không để bộ đội rơi vào ảo tưởng hòa bình.

Đầu tháng 7 Trung đoàn 108, mà nòng cốt vẫn là tiểu đoàn 19 đã tiếp cận đường 14 và một trận phục kích đã được chuẩn bị khá chu đáo để tiêu diệt quân địch tháo chạy khỏi Plây Cu ngay trên đèo Chư Đrek. Quân Pháp cũng đã thấy nguy cơ khi thấy xuất hiện đơn vị chủ lực thiện chiến của ta ở đây. Chúng phải tiến hành một cuộc giải tỏa bằng cả các tiểu đoàn dã chiến của binh đoàn cơ động 42 và số quân của trung đoàn Triều Tiên còn sống sót. Được sự hỗ trợ của pháo binh, thiết giáp, sự chi viện của không quân từ Nha Trang, chúng xuất quân từ ngày 14 tháng 7, đến ngày 16 tháng 7 mới đến đồn Eo Hleo ở chân đèo Chư Đrek. Cuộc hành binh hết sức dè dặt, vừa thăm dò từng bước một. Bộ đội ta lúc bấy giờ bắt đầu bị thiếu gạo, ăn thiếu rồi nhịn đói, nhưng vẫn nêu cao tinh thần kỷ luật trong chiến đấu, giữ bí mật cho cuộc phục kích và sẵn sàng tiến công binh đoàn thiện chiến của địch.

12 giờ 00 ngày 17 tháng 7, cả binh đoàn của địch gồm bốn tiểu đoàn đi vào trận địa phục kích. Quân ta chặn đánh đầu đoàn quân và tiến hành xung phong như vũ bão. Xe tăng thiết giáp của địch phản kích ác liệt, nhưng không thể nào ngăn chặn được. Những chiếc máy bay B26 từ Nha Trang lên cũng bất lực. Sau hai giờ chiến đấu quyết liệt ta phá hủy 62 xe cơ giới của địch (kể cả xe tăng và thiết giáp), diệt tại trận khoảng 300 tên và bắt sống hơn 200 tên.

Khai thác tù binh ta biết rõ hơn trong đám quân bị tiêu diệt có cả những tên của binh đoàn cơ động 100 còn sống sót, chúng mới tổ chức lại để tiếp tục cuộc đối đầu với chủ lực ta. Nhưng đến đây thì trung đoàn Triều Tiên đã bị xóa sổ hoàn toàn. Trung đoàn 108 đã giành được thắng lợi to lớn ngay trước ngày đình chiến 20 tháng 7 năm 1954. Trận chiến thắng có ý nghĩa nhất vào cuối chiến dịch giải phóng Bắc Tây Nguyên.

P.Đ
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2017, 09:19:51 am »


NHỮNG TRẬN ĐỐI ĐẦU QUYẾT LIỆT VỚI CHỦ LỰC ĐỊCH
Thiếu tướng PHAN HÀM
Nguyên trung đoàn trưởng Trung đoàn 803, chủ lực Liên khu 5

Vào giữa tháng 12 măm 1953, đồng chí Nguyễn Chánh ra Trung ương nhận nhiệm vụ năm 1954 về, đã triệu tập hội nghị cán bộ của Liên khu. Tham dự có các đồng chí trong Bộ Tư lệnh, đồng chí Nguyễn Chánh, Nguyễn Đôn và đồng chí Nguyễn Bá Phát, Tham mưu phó, các Ban chỉ huy các Trung đoàn chủ lực, Trung đoàn 108 có các đồng chí Nguyễn Minh Châu, đồng chí Đoàn Khuê, Trung đoàn 803 có các đồng chí Phan Hàm, đồng chí Nguyễn Thái, đồng chí Chánh phổ biến: Trung ương giao nhiệm vụ cho Liên khu phải mở chiến dịch Tây Nguyên. Đồng chí Chánh cũng cho biết có khả năng quân Pháp mở chiến dịch lớn ở Liên khu 5, nhằm chiếm đóng vùng tự do: Nam, Ngãi, Bình, Phú. Chiến dịch mang tên Át-lăng, có sự tham gia của nhiều binh đoàn cơ động, trong đó có binh đoàn cơ động 100 mới tham chiến ở Triều Tiên về. Đó là một binh đoàn rất mạnh, gồm toàn lính Âu da trắng. Khi Ban chỉ huy Trung đoàn về phổ biến nhiệm vụ tập trung chủ lực tiến đánh giành lại vùng Bắc Tây Nguyên, còn vùng tự do do lực lượng địa phương và nhân dân phòng giữ, thì trong cán bộ chiến sĩ, nổi lên thắc mắc: Tại sao không để chủ lực giữ vùng tự do ở đồng bằng, nơi giàu có, nhiều lúa gạo, đông dân, lại lên giải phóng Tây Nguyên. Làm như vậy có khác gì bỏ bồ lúa đi giành lấy chòi bắp. Ngay cán bộ chỉ huy các cấp, tuy có suy nghĩ sâu hơn, nhưng vẫn băn khoăn khi phải tập trung chủ lực tiến lên Tây Nguyên. Trong chỉnh quân chính trị nhiều người đã kiểm điểm, phê phán quan điểm chỉ nặng về đánh giặc mà xem nhẹ việc giữ gìn bồi dưỡng sức dân, giữ vùng tự do ở đồng bằng. Tình hình tư tưởng như vậy, nhưng Ban chỉ huy Trung đoàn vẫn nhấn mạnh đến việc nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, giữ vững kỹ luật quân đội và kiên quyết thi hành nhiệm vụ cấp trên giao.

Ngày mở màn chiến dịch Bắc Tây Nguyên, Trung đoàn 108 được giao nhiệm vụ chủ công tiêu diệt Mang Đen. Tiểu đoàn 365 của Trung đoàn 803 được giao làm nhiệm vụ dự bị cho Liên khu. Đồng chí Hà Vi Tùng trực tiếp chỉ huy một đại đội của tiểu đoàn 59 đánh đồn Công Brai. Mang Đen ở gần, nổ súng trước, Công Brai ở xa hơn, địch đã kịp thời đối phó, ra ngoài đồn phục, đánh lại ta. Bộ đội ta phải bám sát địch chờ đến mờ sáng, khi chúng chưa kịp rút hết vào đồn thì nổ súng. Bị đánh bất ngờ, quân địch nằm ngoài đồn, lớp chết lớp bị thương, bọn còn lại chạy tản vào rừng. Số đã vào trong đồn thì chống cự quyết liệt. Trung đội phó Trần Xừng, tuy bị thương nặng, vẫn lao người đè lên bờ rào dây thép gai, lấy thân làm cầu cho xung kích tiến vào đồn. 6 giờ 35 phút ngày 28 tháng 1 đồn Công Brai đã bị ta chiếm, lần lượt Mang Đen rồi Mang Bút cũng bị các đơn vị bạn tiêu diệt. Cụm cứ điểm phòng thủ ở phía Bắc Công Tum bị đập tan. Cánh cửa vào Bắc Tây Nguyên đã mở. Hàng ngũ địch bị chấn động mạnh.

Trung đoàn 108 phát triển lên phía tây, bọn địch từ Đắc Tô đến Đắc Lây bỏ chạy.

Trung đoàn 803 đánh xong cứ điểm Công Brai, đủ ba tiểu đoàn, áp sát thị xã Công Tum. Đã đánh tiêu diệt một bộ phận của một đơn vị địch mới xuất hiện, trú quân ở Công Som Lư nằm giữa Công Tum và Công Brai. Trung đoàn phái một tổ đặc công vào điều tra trong thị xã Công Tum, phát hiện có một đơn vị của Pháp gồm nhiều lính Âu Phi, do một quan năm chỉ huy, đã có mặt ở thị xã. Sau này ta đã xác định đó là binh đoàn cơ động 100 từ Phú Yên mới chạy lên. Lập tức Trung đoàn 803 lệnh cho hai đại đội của tiểu đoàn 59 vượt qua sông Đak Bla, bố trí trên đường 14 giữa Công Tum và Plây Cu, bằng cách đi vòng phía tây đường 14, sau khi phát hiện có bộ đội ta phục sẵn ở đó. Cho nên toán quân của địch thoát khỏi bị tiêu diệt. Toàn tỉnh Công Tum đã được giải phóng ngày 07 tháng 2 năm 1954.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2017, 09:20:20 am »


Lúc này ở nước bạn, quân Giải phóng Lao phối hợp với Quân tình nguyện Việt Nam từ Trung Lào tiến xuống giải phóng thị xã A-tô-pơ và thừa thắng làm chủ cả cao nguyên Bô-lô-ven. Như vậy thế trận phòng thủ của quân Pháp từ Bắc Tây Nguyên sang Hạ Lào bị phá vỡ.

Chiến trường Đông Đương có nguy cơ bị cắt đôi. Từ đây ta có điều kiện phát triển vào Nam Tây Nguyên, sang Đông Bắc Cam-pu-chia, thậm chí có thể mở đường tiến về Sài Gòn.

Trước tình thế đó quân Pháp phải dồn lực lượng phòng thủ theo ba tuyến:

- Chín tiểu đoàn, trong đó có binh đoàn cơ động 100, bố trí thành hình cánh cung từ đồn điền Đắc Đoa vòng lên đồn điền Biển Hồ ở phía bắc, sang tận phía tây, hình thành tuyến phòng thủ thị xã Plây Cu.

- Chín tiểu đoàn trên đường 19 An Khê, chặn không cho ta tiến xuống cao nguyên Đắc Lắc.

- Hai binh đoàn cơ động 41 và 42 ở cao nguyên Trà Khê, giữ cửa ngõ đi vào Nam Tây Nguyên, vừa làm lực lượng cơ động.

Trung đoàn 803 được lệnh đánh vào Đắc Đoa, tiến công vào tuyến phòng thủ Plây Cu và đường 19. Đắc Đoa là một cứ điểm mạnh do hai đại đội của binh đoàn cơ động 100 chiếm giữ, có công sự vững chắc, được một trận địa pháo tám khẩu 105 ly bố trí thành cụm ở Tiên Sơn yểm trợ. Trận đánh diễn vào đêm trăng sáng, vì phải tranh thủ thời gian kịp phối hợp với chiến trường chính, do đó rất gay go và ác liệt. Nhiều cán bộ và chiến sĩ kể cả đại đội trưởng chủ công Lê Công Khai và tiểu đoàn trưởng Phạm Đình Dư đã bị thương hay hy sinh. Lớp này ngã xuống lớp kia xông lên, quyết tâm tiêu diệt cho được cứ điểm. Đến 5 giờ sáng hôm sau, sau tám giờ chiến đấu quyết liệt, đồn giặc bị ta đánh chiếm. Hơn 200 tên địch bị diệt và bị thương. Trong khi đó đặc công của Liên khu đã tập kích vào nhiều cơ sở hậu cần, cơ quan chỉ huy của địch ở Plây Cu, diệt và làm bị thương hàng trăm tên. Để giải tỏa áp lực mạnh của ta, địch phải tập trung các binh đoàn cơ động 11, 21 và 100 bám giữ từ Plây Cu đến đèo Mang Giang 19. Chúng càn quét gây tai họa khủng khiếp cho đồng bào ta.

Cuối tháng 2 năm 1954, đúng vào lúc ở chiến trường Bắc Bộ, chủ lực ta đang tích cực chuẩn bị tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Trung đoàn 803 được lệnh của Liên khu:

- Đưa đại bộ phận Trung đoàn (trừ tiểu đoàn 365) vượt qua đường 19 tiến vào khu tam giác Plây Cu, Cheo Reo, An Khê, đánh mạnh vào sau lưng địch, tiêu diệt các đồn bót trên đường số 14 và đường số 7 buộc chúng phải đưa quân đối phó không cho chúng rút khỏi chiến trường Nam Tây Nguyên.

- Tiểu đoàn 365 của Trung đoàn 803 và Tiểu đoàn 375, đơn vị tập trung ở địa phương tiến vào Phú Yên uy hiếp mạnh phía sau lưng địch.

Cuộc tiến quân sâu vào vùng địch, sau mấy tháng đánh liên tục không nghỉ, được thực hiện nghiêm chỉnh nhưng rất khó khăn, nhất là về lương thực, đạn dược. Trung đoàn phải tự giải quyết lấy cái ăn cho 3.000 người trong đó có 1.000 dân công. Trung đoàn 803 phải vòng phía đông đèo Mang Giang để đánh địch, rồi theo con đường bố phòng của du kích vào làng XítTơ và sau đó đi vòng lên khu du kích Đắc Bớt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2017, 09:20:59 am »


Phát hiện thấy chủ lực ta ở đây, bộ chỉ huy quân Pháp ở Tây Nguyên đã ra lệnh cho binh đoàn cơ động 100 càn quét khu du kích Đắc Bớt, tối về bọn chúng trú quân trên một dải đất trước đồn Plây Ring, pháo vẫn móc chặt vào xe không sẵn sàng chiến đấu. Trung đoàn 803 đã có kế hoạch tiêu diệt cứ điểm Plây Ring vào tối 20 tháng 3. Khi các mũi bắt đầu triển khai, thì phát hiện thấy địch tăng quân đột ngột, xe pháo ngổn ngang quanh đồn. Ban chỉ Trung đoàn 803 vẫn giữ vững ý đồ đánh Plây Ring, nhưng có điều chỉnh lại kế hoạch: một đơn vị tiến công vào cứ điểm, nhưng đó là cánh phụ. Còn đơn vị đánh quân nằm ngoài đồn được xem là cánh chính, được tăng cường hỏa lực kết hợp với các mũi xung kích chia cắt địch để tiêu diệt. Ta phải đánh cả hai cánh quân trong đồn và ngoài đồn, vì chúng có liên hệ mật thiết với nhau. Quân Pháp đã bị thiệt hại lớn, nhiều xe Pháp bị phá hủy. Hôm sau bằng nguồn tin kỹ thuật, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã báo cho Bộ Tư lệnh Liên khu 5 biết là trận Plây Ring đã diễn ra có 936 tên bị giết và bị thương, gần một nửa số quân tinh nhuệ của binh đoàn.

Sau trận Đắc Đoa, binh đoàn cơ động 100 lại bị thiệt hại nặng ở Plây Ring. Bộ chỉ huy quân Pháp phải điều nó về An Khê để củng cố, cho đến ngày nó rút chạy khỏi tiểu khu này và nhận lại số phận bi thảm, bị tiêu diệt ở suối Đắk Pơ.

Trong lúc các Trung đoàn chủ lực của Liên khu 5 tập trung đánh mạnh vào các tuyến phòng thủ của địch từ An Khê lên đến PlâyCu, thì ngày 12 tháng 3 năm 1954, bộ chỉ huy Pháp vẫn thực hiện bước 2 của kế hoạch Na-va đổ bộ lên Quy Nhơn, bắt đầu từ nhiều mặt, đánh chiếm tỉnh Bình Định. Nhưng ngày 13 tháng 3 quân chủ lực của ta ở Bắc Bộ bắt đầu tiến công vào Điện Biên Phủ, Na-va lại hoảng hốt điều một phần lực lượng cơ động quay ra Bắc để đối phó. Tham vọng chiếm tỉnh Bình Định của y không thực hiện được, quân Pháp phải co lại giữ thị xã Quy Nhơn và rút Binh đoàn cơ động 41 vào giữ Phú Yên.

Cùng một lúc với Plây Ring, sau khi trở về Phú Yên để hỗ trợ cho địa phương đánh địch, tiểu đoàn 365 và Tiểu đoàn 375 địa phương đã đánh nhiều trận có hiệu qủa. Trong 45 phút Tiểu đoàn 365 đã diệt tiểu đoàn ngự lâm ở Suối Cối (21-3). Tiểu đoàn 375 tập kích quân địch ở Quán Cau (10-4). Tiểu đoàn ta phối hợp bí mật vượt sông Đà Rằng tiêu diệt một tiểu đoàn quân ngụy tại Bàn Nham rồi đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn khác ở Bàn Trạch (24-4)

Bây giờ ở trên đường 19, liên tiếp diễn ra nhiều trận đánh. Các Trung đoàn chủ lực 108 và 96 (vừa mới thành lập ngay tại chiến trường) đã căng lực lượng Pháp ra mà đánh. Trung đoàn 108 diệt cứ điểm đầu cầu Thượng An, đánh sụp bàn đạp tiến công về phía đông theo đường 19 của quân Pháp, liên tiếp phục kích tiêu diệt 8 đoàn xe trên đường 19 từ 4 tháng 4 đến 28 tháng 4. Đến giữa tháng 5 năm 1954 bộ đội ta làm chủ hoàn toàn đường 19, địch phải tiếp tế cho tiểu khu An Khê và các đồn lẻ bằng máy bay.

Sau khi đánh Plây Ring, Trung đoàn 803 lại được lệnh nhanh chóng chuyển về phía đông Cheo Reo phá vỡ phòng tuyến trên đường số 7, từ Cheo Reo di Ai Nu. Trong mười hai ngày Trung đoàn 803 (thiếu tiểu đoàn 365) đã liên tiếp đánh bốn trận, cắt đứt đường số 7 diệt cả tiểu đoàn RTA thuộc trung đoàn xung kích An-giê-ri. Phong trào du kích chiến tranh phát triển mạnh ở các huyện khác ở Đắc Lắc và quanh thị xã Buôn Ma Thuột. Địa bàn chiến lược Nam Tây Nguyên bị ta uy hiếp mạnh, bộ chỉ huy chiến dịch Át-lăng của Pháp phải điều binh đoàn cơ động 42 từ Bình Định lên để đương đầu với ta.

Thất bại tại Điện Biên Phủ, Ely - Tổng chỉ huy mới của quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, thực hiện kế hoạch co cụm lại để bảo toàn và tập trung lực lượng. Các trung đoàn chủ lực ta vẫn tiếp tục tiến công. Từ đầu tháng 6 Trung đoàn 803 diệt cụm cứ điểm Tuy Bình, buôn Ai-Riêng, buôn Thô, giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Đắc Lắc. Đến 21 tháng 6 Trung đoàn 803, được tăng cường tiểu đoàn 375 và đặc công của Liên khu, đã đồng loạt tiến công các cứ điểm xung quanh và giữa thị xã Tuy Hòa, diệt và đánh thiệt hại nặng bốn tiểu đoàn ngụy, phá hủy trên 200 xe cơ giới ở núi Sầm, đốt phá nhiều kho hậu cần của địch. Ngày 25 tháng 6, Trung đoàn 803 lại tiếp tục kéo lên đường 21 chuẩn bị và đề nghị Bộ Tư lệnh Liên khu 5 cho đánh Buôn Ma Thuột. Đề nghị không được chấp nhận, vì hiệp định Giơ-ne-vơ sắp được ký kết cần tránh thương vong vô ích.

Sau 7-8 tháng liên tục chiến đấu không nghỉ, Trung đoàn 803 đã làm một cuộc hành quân dài từ đông bắc Công Tum đến Plây Cu qua Đắc Lắc xuống Phú Yên vào tận Đèo Cả, vượt đường 21 lên đèo Phuợng Hoàng, đã diệt được hơn 3.000 quân địch, hơn cả quân số của Trung đoàn.

Bằng sự phối hợp chiến dịch nhịp nhàng tuyệt đẹp Trung đoàn 803 đã cùng với hai Trung đoàn chủ lực bạn, 108 và 96, cùng các lực lượng địa phương đã đánh cho binh đoàn cơ động 100 những đòn đau, để Trung đoàn 96 xóa sổ nó ở Đắk Pơ trong một trận phục kích tuyệt vời.

P.H

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2017, 09:57:32 pm »


HẠ LÀO XUÂN - HÈ 1954
(Chiến trường phối hợp)
Đại tá LÊ KÍCH
Tình nguyện quân tại Hạ Lào 1948 - 1954 (e phó 101 /f325)


Hạ Lào, đông bắc Cam-pu-chia là chiến trường phối hợp trực tiếp với chiến trường Tây Nguyên, do Liên Khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 chỉ đạo thống nhất, thông qua Ban cán sự đảng bộ Hạ Lào. Đồng chí Nguyễn Chính Cầu là Bí thư, là chuyên gia giúp bạn Lào trong cuộc vận động cách mạng ở Hạ Lào cùng một lực lượng cán bộ dân vận nắm vững đường lối, chính sách. Lực lượng quân tình nguyện và lực lượng vũ trang của bạn, đặt dưới sự chỉ huy chung của Khu Hạ Lào do đồng chí Đoàn Huyên trực tiếp cùng bạn Lào - thống nhất việc sử dụng chỉ huy.

I - TÌNH HÌNH TA, ĐỊCH Ở HẠ LÀO:

1. Về ta:

Hạ Lào gồm ba tỉnh: Xa-ra-van, Chăm-pát-xắc, Át-tô-pơ, sau có Tà-ven-oọc (gồm phần phía đông hai tỉnh Xa-ra-van và Át-tô-pơ tách ra). Hạ Lào có biên giới chung với tỉnh Công Tum, Quảng Nam, một phần phía nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, núi rừng chiếm hơn bốn phần năm diện tích, khí hậu hai mùa mưa nắng rất gay gắt có hai cao nguyên lớn: Cao nguyên Bô-lô-ven độ cao tù 1.200 – 1.500m, với diện tích trên 6.000 km2, có vị trí chiến lược ở chiến trường Nam Đông Dương. Cao nguyên Miền Đông sát biên giới Việt Nam, có núi cao, rừng sâu, nối liền với cao nguyên Bắc Tây Nguyên, có địa hình rất có lợi cho ta.

Hạ Lào có 500.000 dân, 30 dân tộc (theo số liệu thống kê tháng 12-1954 của Pháp: Chăm-pát-xắc 220.000, Xa-ra-van 180.000, Át-tơ-pơ 90.000). Tộc dân có truyền thống chống Pháp quyết liệt nhất là tộc người La-vên, khoảng 5.000 người sống tại trung tâm cao nguyên Bô-lô-ven, lãnh tụ là ông Com-ma-đăm. Khi ông qua đời thì người con trai là Xi-thôn Com-ma-đăm kế tục sự nghiệp.

Bị sự cai trị dã man của thực dân, phong kiến đè nặng lên cuộc sống các mặt của nhân dân, nên khi tiếng chuông thức tỉnh của cách mạng vang lên, nhân dân đã vùng dậy, đứng lên làm cách mạng, thay đổi cuộc đời.

Lực lượng vũ trang được xây dựng đúng hướng, gồm ba thứ quân, được huấn luyện tốt về chính trị, quân sự, công tác vận động cách mạng. Mỗi bản, làng tùy theo số dân, đều tổ chức từ hai đến ba tiểu đội hoặc một trung đội du kích. Bộ đội địa phương ở huyện có từ hai đến ba trung đội, tỉnh có một đại đội. Quân tình nguyện Việt Nam có hai đại đội chủ lực tập trung, trang bị mạnh ở quân khu, ở tỉnh chưa có đại đội địa phương thì có đại đội độc lập của Quân tình nguyện. Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang của bạn Lào hoạt động theo hướng chính trị, quân sự đi đôi, lấy chính trị làm chủ yếu, dân vận làm cơ sở, phương thức hoạt động xuyên suốt là tiểu đội xung phong công tác, trung đội vũ trang tuyên truyền đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung. Từ Xuân - Hè 1954 trên chiến trường, lấy hoạt động quân sự làm chính, quân sự phải kết hợp chặt chẽ với chính trị nhằm bảo đảm thắng lợi toàn diện. Bên cạnh lực lượng bạn Pha-thét Lào đến cuối năm 1953, Xuân - Hè 1954, lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam đã có một trung đoàn gồm tiểu đoàn 200, tiểu đoàn 49, đại đội 44 và một số trung đội vũ trang công tác. Tháng 1 năm 1954 tiểu đoàn 436 chủ công của trung đoàn 101 thuộc sư đoàn 325 được tăng cường thêm một đại đội đặc công.

2. Về địch.

Ở Hạ Lào địch tổ chức thành một phân khu (Secteur-bas-Laos), và một số tiểu khu như Xa-ra-van, Át-tô-pơ, Chăm-pát-xắc, Pắc-xong, chỉ huy phân khu đóng ở Pắc-xế. Xuân - Hè 1954 ngụy ở Lào có 12 tiểu đoàn, trong đó có sáu tiểu đoàn cơ động, một tiểu đoàn pháo và cối 106,7, hai đại đội xe bọc thép.

GM 50 là binh đoàn cơ động chung cho Trung Lào và Hạ Lào, cơ quan chỉ huy đóng ở Sé-nô. GM 51 là binh đoàn cơ động chung cho Hạ Lào và đông bắc Cam-pu-chia, cơ quan chỉ huy ở Stung Treng.

Các tiểu đoàn cơ động và binh chủng của ngụy Lào đều có sĩ quan Pháp điều khiển.

Đến cuối tháng 3 năm 1954 ở đông bắc Cam-pu-chia, địch đã tổ chức tiểu khu Xiêm Pạng, do một tiểu đoàn của GM 51 và lực lượng binh chủng chiếm đóng, nhằm ngăn chặn quân chủ lực Việt Nam (Trung đoàn 101 sư 325) tiến xuống Ven Sai, Stung Treng, Kra Chê.

Từ giữa năm 1953 đến 1 năm 1954 địch mở nhiều cuộc càn quét quy mô từ hai đến ba tiểu đoàn vào vùng tự do của Hạ Lào như vùng tam giác ba huyện Xa-nam-xay, U-đôm-xỉn, Chăn-tha-u-đôm, vùng giải phóng của Xa-ra-van, Chăm-pát-xắc. Ở Át-tô-pơ chúng tổ chức được lực lượng phỉ ở hai huyện Phu-vông Nứa, Phu-vông Tạy do Nai-con Tanh người tộc Lave đứng đầu, nhằm ngăn chặn lực lượng ta thọc xuống Đông Bắc Cam-pu-chia. Ngoài ra địch còn thực hiện chính sách chia rẽ và vũ trang toàn bộ cư dân khu Nha Hớn (phía đông nam cao nguyên Bô-lô-ven) biến thành một Goum lớn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM