Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:12:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung đoàn 96 - Trận tiêu diệt binh đoàn cơ động 100 của Pháp  (Đọc 19320 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 19 Tháng Tư, 2017, 03:42:23 pm »

Tên sách: Trung đoàn 96-Trận tiêu diệt binh đoàn cơ động 100 của Pháp
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 1995
Số hoá: ptlinh, chuongxedap



NHÀ XUẤT BẢN MONG BẠN ĐỌC GÓP Ý KIẾN, PHÊ BÌNH

Chỉ đạo nội dung:
ĐẢNG ỦY VÀ TƯ LỆNH QUÂN ĐOÀN 4
Thượng tướng NGUYỄN MINH CHÂU, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96.
Thiếu tướng VÕ QUANG HỒ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống Cựu chiến binh Trung đoàn 96.

Người viết:
Thượng tướng NGUYỄN MINH CHÂU,
Trung tướng KHIẾU ANH LÂN,
Thiếu tướng VÕ QUANG HỒ,
Thiếu tướng PHAN HÀM,
Đại tá NGUYỄN VĂN LUYỆN,
Đại tá PHẠM ĐƯỢU,
Đại tá LÊ KÍCH,
Đại tá bác sĩ NGUYỄN CÔNG NGHIÊM,
Trung tá DUY MINH, PHẠM HỒNG, ĐOÀN VĂN NGHỆ, TẠ XUÂN LINH.

Hoàn chỉnh bản thảo:
TẠ XUÂN LINH - nhà báo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2017, 03:59:03 pm »


LỜI GIỚI THIỆU

Trong chiến dịch Đông Xuân 1953 -1954, quân và dân Liên khu V chấp hành triệt để và sáng tạo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phối hợp với chiến trường chính, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.

Một là, đã chủ động và táo bạo khắc phục mọi khó khăn về tư tưởng và hậu cần đưa chủ lực tấn công Bắc Tây Nguyên, giải phóng Công Tum và một địa bàn rộng, gây bất ngờ lớn cho địch, buộc chúng phân tán lực lượng cơ động để bảo vệ Plây Cu và đường 19 - An Khê.

Hai là, trong khi Na-va ngày 12 tháng 3 năm 1954 ra nhật lệnh: "đà tiến công của Việt Minh đang tàn lụi" và cho quân đổ bộ lên Quy Nhơn tiếp tục cuộc hành quân Át-lăng đánh vào vùng tự do Liên khu V thì ngay ngày hôm sau 13 tháng 3 năm 1954 quân ta nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Quân và dân Liên khu V, trên đà chiến thắng, lợi dụng ngay tình thế bị động của địch, nhanh chóng phản công làm phá sản hoàn toàn kế hoạch Át-lăng.

Ba là, trong suốt Đông Xuân 1953 -1954, quân và dân Liên khu V đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội tình nguyện của ta và quân dân hai nước bạn mở ra vùng giải phóng rộng lớn từ Hạ Lào đến các tỉnh Stung Treng, Krốchiê và Kông Pông Thom, tạo nên một địa bàn quan trọng và những đường giao thông thuận lợi để tiếp tục tiến về phía Nam.

Bốn là, sau thắng lợi vang dội ở Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo của Liên khu ủy và sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Liên khu, trung đoàn 96, nhân lúc địch hoang mang rút chạy khỏi An Khê, đã kịp thời đón đánh và tiêu diệt gọn Binh đoàn Cơ động 100 thuộc loại mạnh nhất của lực lượng viễn chinh Pháp ở Triều Tiên mới về. Đây là một trận vận động phục kích lớn, dũng cảm và linh hoạt, tận dụng được yếu tố bất ngờ, sử dụng lực lượng với hiệu quả cao, đánh trúng vào chỗ yếu của địch, bồi thêm cho chúng một đòn thất bại nặng nề.

Chúng ta tự hào với chiến thắng đã giành được lại càng thương tiếc các anh hùng liệt sĩ, càng biết ơn sự hy sinh đóng góp của đồng bào để có được ngày nay. Chúng ta đặc biệt tưởng nhớ tới đồng chí Nguyền Chánh, Bí thư Liên khu ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu, một cán bộ chỉ huy giỏi, một người đồng chí chân thành, một cán bộ rất mực thương yêu chiến sĩ và riêng đối với tôi là một người bạn chí thiết.

Với tinh thần nói trên, tôi hoan nghênh việc xuất bản tập sách "Từ Điện Biên Phủ đến Bắc Tây Nguyên. Trận Trung đoàn 96 tiêu diệt Binh đoàn 100 của quân đội viễn chinh Pháp". Là một công trình ghi chép của nhiều đồng chí đã trực tiếp tham gia, cuốn sách sẽ mang lại cho bạn đọc nhiều tư liệu bổ ích; tuy không tránh khỏi những thiếu sót nhưng nó sẽ giúp ích cho việc nghiên cứu và phát huy truyền thống của các lực lượng vũ trang nhân dân ta.

Tôi tin rằng cuốn sách sẽ được hoan nghênh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2017, 04:02:08 pm »


THƯ CỦA HỒ CHỦ TỊCH GỬI CÁN BỘ, CHIẾN SĨ LIÊN KHU 5
SAU CHIẾN THẮNG ĐAKPƠ TIÊU DIỆT HOÀN TOÀN BINH ĐOÀN CƠ ĐỘNG 100 CỦA PHÁP


Gửi cán bộ và chiến sĩ Liên khu 5.

Các chú hoạt động có thành tích khá. Bác vui lòng thay mặt Chính phủ khen ngợi các chú và thưởng đoàn vừa thắng khá ở An Khê huân chương Kháng chiến hạng nhất.

Bác khuyên toàn thể cán bộ, chiến sĩ cần nắm vững tình hình địch, thi đua giết giặc lập công, phải ra sức dân vận và ngụy vận.

Chớ vì thắng mà kiêu và chủ quan khinh địch, ra sức tranh thủ lấy thành tích to hơn nữa.

Bác chờ nhiều tin thắng lợi của các chú và thân ái hỏi thăm đồng bào trong đó.


Chào thân ái và quyết thắng.
Bác
HỒ CHÍ MINH
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2017, 04:05:25 pm »


NHÌN TỪ ĐIỆN BIÊN PHỦ ĐẾN BẮC TÂY NGUYÊN

Thượng tướng NGUYỄN MINH CHÂU
Nguyên Trung đoàn trường Trung Đoàn 96 -
Chủ lực Liên khu 5

Kỷ niệm 40 năm chiến dịch giải phóng Bắc Tây Nguyên và tiêu diệt binh đoàn cơ động 100 của thực dân Pháp, càng thấy rõ sự vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ và các chiến thắng trên toàn chiến trường Đông Dương năm 1953 - 1954. Nó có ý nghĩa cực kỳ to lớn trong sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta, cũng như góp phần trong cuộc đấu tranh làm sụp đổ chế độ thực dân cũ trên thế giới. Chúng ta càng nhận rõ hơn sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Trung ương Đảng, của Hồ Chủ tịch và Bộ Tổng Tư lệnh; nhận rõ hơn sức mạnh to lớn, sức mạnh vô địch của các dân tộc Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ cùng với các chiến thắng khác trong cả nước đã cổ vũ chúng ta quyết đánh và quyết thắng, đã tạo ra bối cảnh thuận lợi cho chúng ta tiêu diệt binh đoàn cơ động 100 của Pháp ở Bắc Tây Nguyên và đánh bại chiến dịch Át-lăng của tướng Na-va. Chính Điện Biên Phủ và hoạt động trên khắp cả nước, trên các nước bạn Lào, Cam-pu-chia đã thu hút khá nhiều lực lượng cơ động của Pháp, không cho chúng tập trung lực lượng đối phó với ta ở Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên.

Sau đây là những điều rút ra được từ chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954 ở Liên khu 5, nhất là ở chiến trường Bắc Tây Nguyên.

1. Việc đưa các đơn vị chủ lực của Liên khu tiến lên giành địa bàn chiến lược Tây Nguyên, trước hết là Bắc Tây Nguyên, là thực hiện phương hướng chiến lược mà Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh đã chủ trương từ Hội nghị Trung ương lần thứ tư (1/1953) và Hội nghị Bộ Chính trị (9/1953). Theo phương hướng chiến lược này chủ lực của Bộ đã tiến lên giải phóng vùng Tây Bắc và Thượng Lào, buộc quân Pháp phải nhảy dù xuống Điện Biên Phủ để rồi sau đó bị tiêu diệt. Trong Đông xuân 1953 -1954, chấp hành nghiêm chỉnh phương hướng chiến lược đó, chúng ta đã tập trung chủ lực tiến lên Bắc Tây Nguyên phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ và Thượng Lào. Khi phát hiện địch thi hành kế hoạch Na-va tiến công đường bộ, đổ bộ đường biển chiếm đóng tỉnh Phú Yên, ta vẫn nắm vững quyền chủ động tập trung chủ lực tiến công vào Bắc Tây Nguyên, kết hợp chặt chẽ với các hoạt động tích cực ở vùng sau lưng địch, đồng thời đánh trả quyết liệt những cánh quân lấn chiếm vùng tự do.

Chiến dịch Bắc Tây Nguyên còn phối hợp nhịp nhàng với cuộc chiến đấu của bạn Lào giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven (Hạ Lào) và vùng Đông Bắc Campuchia. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ vùng tự do Liên khu 5, một nhiệm vụ quan trọng được giao cho lực lượng địa phương và nhân dân các tỉnh đồng bằng ven biển. Nhờ vậy ta giành được thế chủ động tiến công, phân tán lực lượng địch, chọn chỗ sơ hở của chúng mà đánh, đẩy chúng lâm vào thế bị động chiến lược và chiến dịch, đi đến thất bại thảm hại. Thực tế cho thấy phương châm chiến lược của Trung ương, Hồ Chủ tịch và Bộ Tổng Tư lệnh đề ra là hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt. Cho nên không thể nói chiến dịch Bắc Tây Nguyên được mở ra là bị động đối phó với kế hoạch Na-va trong đó có âm mưu đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5. Việc tập trung chủ lực tiến lên giành địa bàn chiến lược Tây Nguyên là chủ động tích cực.

2. Về mặt chỉ đạo chiến dịch và chiến thuật, Bộ chỉ huy Liên khu 5 và Bộ chỉ huy chiến dịch Bắc Tây Nguyên, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Chánh đã nắm vững phương hướng chiến lược của Trung ương đề ra, rất chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong quyết tâm đánh địch và thắng địch. Không những ở chiến trường rừng núi mà cả ở đồng bằng ven biển, không những ở chính diện mà cả ở vùng sau lưng địch.

Bấy giờ ở Liên khu, ta vẫn còn khó khăn về mặt kinh tế, cung cấp cho chiến trường. Địch luôn luôn đánh phá ta ở vùng tạm chiếm cũng như vùng tự do. Lực lượng quân sự của chúng còn khá mạnh, còn ưu thế so với ta, nhất là về vũ khí trang bị, phi pháo, khả năng cơ động. Nhưng bộ chỉ huy chiến dịch đã phân tích và đánh giá đúng so sánh lực lượng ta và địch, đã chọn đúng hướng chiến trường Bắc Tây Nguyên, tập trung đại bộ phận lực lượng chủ lực kết hợp với lực lượng địa phương, nhằm vào sơ hở của địch mà đánh. Chúng ta cũng đã chọn đánh mục tiêu là cụm cứ điểm Đông Bắc Công Tum để nhanh chóng tiêu diệt, rồi phát triển lên phía tây, tập kích thị xã Công Tum làm cho địch hoảng hốt bỏ chạy. Khi địch đưa chủ lực lên lập phòng tuyến phòng ngự từ An Khê lên Plây Cu và Trà Khê, thì chủ lực ta tập trung đánh mạnh vào tuyến đường chiến lược 19, đồng thời chọn đúng mục tiêu Đắc Đoa để tiêu diệt, rồi nhanh chóng phát triển vào phía Nam đường 19, buộc địch phải bung ra đối phó. Chúng ta đã tạo thế, khoét sâu sơ hở của địch để tiêu hao chúng ở Plê-ring, rồi tiêu diệt chúng ở Đak Pơ. Trong lúc chủ lực ta chưa tập trung đến cỡ sư đoàn, nhưng sự phối hợp chặt chẽ giữa các trung đoàn, dưới sự chỉ huy thống nhất của Bộ chỉ huy chiến dịch, chúng ta đã tạo ưu thế hơn địch. Bộ chỉ huy đã nắm vững thời cơ cho phát triển lực lượng kịp thời ngay trong chiến đấu, ngay tại chiến trường như Trung đoàn 96 đơn vị chủ lực thứ 3 của Liên khu, và các tiểu đoàn tập trung khác của địa phương. Vào cuối chiến dịch ta đã có ba trung đoàn đầy đủ, để tiến về Nam Tây Nguyên. Chiến đấu trên một chiến trường xa, với một lực lượng chưa từng có, nhưng công tác hậu cần vẫn bảo đảm cho cuộc chiến đấu kéo dài từ Đông - Xuân sang Hè.

Chủ lực của ta vận dụng tương đối thuần thục các chiến thuật công đồn kết hợp diệt viện, đánh giao thông liên tục, bao vây chia cắt địch, và tập kích các trung tâm co cụm của địch như Công Tum, Plây Cu, vừa tập trung đập nát đầu cầu bàn đạp tiến công của chúng, làm cho địch bị động lúng túng, cụm lại không yên, duỗi ra không được. Nghệ thuật quân sự được sử dụng sáng tạo linh hoạt, nhằm sơ hở của địch, luôn luôn tạo ra sơ hở cho chúng để mà đánh, nhất là đánh địch trong lúc rút lui, như ở An Khê, ở đèo Chư Dré. Nhờ biết dựa vào sự che chở của nhân dân, sự giúp đỡ của lực lượng vũ trang địa phương và với một nghệ thuật nghi binh khéo léo, chúng ta đã giữ bí mật tuyệt đối với địch. Chúng không phát hiện được Trung đoàn 96 đã ra đời ngay trên đường 19 và đã đánh chúng đòn trời giáng mà chỉ nghĩ đó là Trung đoàn 803 lúc bấy giờ đã tiến xuống Nam đường 19. Nhờ vậy ta đạt hiệu quả cao, với lực lượng sử dụng ít.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2017, 04:06:19 pm »


3. Trước khi bị tiêu diệt, binh đoàn cơ động 100 đã bị điều đi nơi này nơi khác, đã bị các trung đoàn bạn đánh những đòn đau ở Đak Đoa, Plây Ring, trên đường 19, ở Biển Hồ v.v... nó đã bị cú sốc tâm lý sau khi Điện Biên Phủ bị tiêu diệt. Tất cả nhũng điều đó đã tạo nên yếu tố khách quan để kết liễu số phận của binh đoàn thiện chiến này, binh đoàn cơ động 100 thuộc loại mạnh nhất của quân đội Pháp, được trang bị rất tối tân so với lúc bấy giờ, quân số còn rất đông có sự phối hợp của phi pháo, của hệ thống cứ điểm trên đường 19 và có binh đoàn cơ động 42 ở Plây Cu tiến xuống đón nó. Nhưng trung đoàn 96 quyết tâm tiêu diệt nó không phải là một bộ phận, chặt đầu hay cắt đuôi, mà là tiêu diệt toàn bộ quân địch gồm sáu tiểu đoàn, đánh không hết trong ngày đầu, thì tiếp tục truy kích, tiêu diệt trong những ngày sau. Đây là quyết tâm táo bạo, chính xác, dám đánh và dám thắng. Chúng ta nghiêm chỉnh chấp hành lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch: "Nếu không tiêu diệt binh đoàn cơ động 100 ngay lúc ấy, thì sau này cũng phải đánh nó. Để cho nó cụm lại ở Plây Cu, hay liên lạc được binh đoàn cơ động 42 thì cũng phải đánh, nhưng đánh rất khó, phải đổ xương máu nhiều". Nếu lúc đó không phải binh đoàn cơ động 100, mà là đơn vị nào khác của quân Pháp thì ta cũng phải tiêu diệt toàn bộ. Nếu Bộ Tư lệnh không giao cho Trung đoàn 96, mà giao cho đơn vị bạn nào khác thì đơn vị đó cũng phải thi hành và thi hành thắng lợi nhiệm vụ lịch sử này. Có khác nhau chăng là ở chỗ ta thắng nhiều hay ít, chịu sự hy sinh ít hay nhiều mà thôi.

Ở đây không có sự phiêu lưu mạo hiểm. Lực lượng ta tuy ít nhưng rất tinh nhuệ, trang bị tương đối tốt, cán bộ dày dạn kinh nghiệm, trong khi chúng ta đã tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ, tạo yếu tố bất ngờ để tiêu diệt nó. Địa điểm phục kích rất tốt. Hỏa lực ta đánh rất tập trung, lực lượng xung lực ta ít, nhưng đánh rất trúng. Trong lúc Đảng ủy của Trung đoàn 96 đang có nhiều ý kiến cân nhắc khi tình thế rất khẩn truơng, địch đang đi vào trận địa phục kích, đồng chí Nguyễn Chánh đã chỉ thị: "phải đánh theo ý kiến của người chỉ huy (tức trung đoàn trưởng)”. Lệnh này củng cố quyết tâm cho trung đoàn trưởng kiên quyết tiêu diệt binh đoàn cơ động 100. Từ quyết tâm của Trung đoàn trưởng, trở thành quyết tâm của toàn đơn vị. Điều đó tạo ra sự thống nhất trên dưới, tạo ra sức mạnh quyết định.

4. Vai trò của hậu phương trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên nói chung, trong trận tiêu diệt binh đoàn cơ động 100 nói riêng rất quan trọng. Có thể nói cả Liên khu đã được huy động sức người, sức của cho một chiến trường rộng lớn, không những cho Bắc Tây Nguyên mà cả Nam Tây Nguyên, cho Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Nam Hạ Lào... Hàng chục vạn dân công, xếp lại việc quê hương mình sắp bị giặc chiếm đóng, liên tục kéo ra tiền tuyến phục vụ bộ đội, tải lương, tiếp tế đạn dược vũ khí, vận chuyển thương binh v.v... Hàng vạn thanh niên xung phong ưu tú đã theo sát bộ đội phục vụ chiến đấu và khi cần thiết đã nhập ngũ ngay tại chiến trường. Chính đồng bào các dân tộc đã đóng góp rất lớn trực tiếp vào việc tiêu diệt binh đoàn cơ động 100.

5. Do diều kiện đặc biệt của những năm 1954 -1955, ngay sau trận đánh thắng lợi ở Bắc Tây Nguyên, bộ đội Quân khu 5, trong đó có Trung đoàn 96, đã phải nhanh chóng rút quân về, tập kết ra Bắc theo đúng tinh thần của Hiệp định Gionevơ. Chúng ta lại phải gấp rút khẩn trương xây dựng quân đội và làm nhiệm vụ quan trọng khác nên chưa có thời gian để kiểm điểm, tổng kết đầy đủ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho một số vấn đề còn tồn tại.

Việc khen thưởng cho cán bộ chiến sĩ tham gia trận đánh có ý nghĩa lớn này, xây dựng một tượng đài trên đường 19, trong phạm vi Liên khu hay từng địa phương, nên tổ chức kỷ niệm chiến thắng này như thế nào... nhất là trong những năm chẵn kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhưng điều quan trọng nhất đối với chúng ta - những người từng đứng trong đội hình Trung đoàn 96 là học tập, phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, của lực lượng vũ trang Liên khu 5, của Trung đoàn 96 nói riêng.

Nhiều cán bộ và chiến sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Đông - Xuân - Hè 1953 -1954 trên các chiến trường của Liên khu 5, trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Nhiều đồng chí đã chỉ huy chiến đấu ở Bắc Tây Nguyên bây giờ không còn nữa. Chúng ta vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Chánh người anh cả kính mến, các đồng chí Nguyễn Bá Phát, Lư Giang, Giáp Văn Cương, Huỳnh Hữu Anh... những vị tướng lĩnh, những cán bộ chỉ huy xuất sắc của Liên khu 5, trong đó có những đồng chí là cán bộ chỉ huy của Trung đoàn 96. Bây giờ các đồng chí không còn nữa nhưng tên tuổi của các đồng chí sẽ sống mãi với chiến dịch Bắc Tây Nguyên, với trận tiêu diệt binh đoàn cơ động 100 của thực dân Pháp.

N.M.C
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2017, 04:54:21 pm »


TRUNG ĐOÀN 96 - TRẬN TIÊU DIỆT BINH ĐOÀN CƠ ĐỘNG 100 CỦA PHÁP

Trung tướng KHIẾU ANH LÂN
Phó giáo sư Giám đốc Học viện Lục quân (Đà Lạt)

Một ngày tháng 6 năm 1954, trước ngày ngừng bắn theo Hiệp định Gionevơ (20-7-1954) 28 ngày, bộ đội Liên khu 5 đã đánh một trận phục kích vào loại nhất nhì của lịch sử kháng chiến chống Pháp.

Sau trận này, các quan 5, quan 6 của Pháp như Barrou, Sockel đều có suy nghĩ và băn khoăn, có người đã xin gặp chỉ huy ta để trao đổi và tìm hiểu.

Thời gian đã trôi đi nhanh, đoạn đường An Khê - Đak Pơ - Plây Cu (đường 19) nay đã trở thành một con đường tốt vào loại nhất của Tây Nguyên. Nhớ đến trận đánh này, là nhớ đến một chiến công oanh liệt của Liên khu 5, nhớ đến những cán bộ, chiến sĩ quân đội, nhớ đến đồng bào thời đó đã góp công sức và xương máu cho trận thắng oanh liệt mà ngày nay mỗi lần nhắc đến cứ như một huyền thoại.

I - HÌNH THÁI CHIẾN TRƯỜNG LIÊN KHU 5 CHIẾN DỊCH ÁT-LĂNG -1954, CUỘC PHẢN CÔNG LÊN TÂY NGUYÊN

1. Hình thái chiến trường Liên khu 5 năm 1953.

Sau các chiến thắng liên tiếp Xuân-Hè, chiến tranh du kích vùng sau lưng địch của chiến trường phát triển cao. Nhiều vùng bị chiếm ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, trở thành vùng du kích. Căn cứ du kích Tây Nguyên mở rộng đến đường 14, nối liền các căn cứ kháng chiến của nước bạn, đến Hạ Lào, đến Đông Bắc Cam-pu-chia; ở khu vực Nam Tây Nguyên, một bàn đạp của chủ lực Liên khu đã vượt qua sông Ba áp sát đường 14.

- Tháng 1 năm 1953, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ IV quyết định đẩy mạnh các hoạt động quân sự, chính trị thành cao trào, đưa cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta lên một giai đoạn mới.

- Tháng 3 năm 1953 Na-va, đại tướng nổi tiếng nhất của Pháp lúc đó được cử sang Đông Dương làm tổng chỉ huy quân Pháp. Sau đó kế hoạch Na-va ra đời. Ở Nam Trung Bộ (Liên khu 5) kế hoạch hành quân chiến dịch Át-lăng cũng hình thành.

Ý đồ của bộ tổng tham mưu quân Pháp là bằng mọi cách, tập trung một lực lượng cơ động lớn, tổ chức thành những binh đoàn cơ động mạnh (Groupement - Mobile: GM) thực hiện tiến công chiến lược ở phía Nam, chiếm đóng hết các vùng tự do còn lại như Nam, Ngãi, Bình, Phú ở Liên khu V1. Sau đó mới quay ra phía Bắc, cùng với khối chủ lực cơ động đã được thử thách, quyết chiến chiến lược với chủ lực Việt Nam, giành thắng lợi quyết định.
________________________________
1. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên của Trung Bộ -Vùng Hậu Giang của Nam Bộ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2017, 04:55:17 pm »


2. Chiến dịch Át-lăng.

Chiến dịch Át-lăng, bộ tổng tham mưu Pháp chia thành ba bước:

Bước 1:

Tập trung 22 tiểu đoàn đánh chiếm thị xã Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên bằng đổ bộ đường biển vào, Khánh Hòa đánh ra, Tây Nguyên (Đắc Lắc) đánh xuống.

Bước 2:

Đánh chiếm Qui Nhơn và toàn tỉnh Bình Định cũng bằng ba hướng: từ Phú Yên đánh ra, Tây Nguyên (An Khê) xuống và đổ bộ đường biển vào.

Bước 3:

Là bước quyết định, đánh chiếm thị xã Quảng Ngãi, thủ đô kháng chiến của Liên khu, mục tiêu then chốt nhất, bằng bốn cánh quân: từ Bình Định đánh ra, Quảng Nam đánh vào, Tây Nguyên (Công Tum) đánh xuống và đổ bộ đường biển lên.

Quân và dân Liên khu phát hiện sớm ý đồ tham vọng này của địch. Các cuộc hội thảo, hội nghị quân chính các cấp, Trung đoàn, tỉnh, Liên khu đều nổi bật quyết tâm chung là kiên quyết chặn đánh địch, không để chúng chiếm đóng vùng tự do.

Quyết tâm là vậy, nhưng chặn đánh địch thế nào?

- Tung các đơn vị chủ lực của Liên khu ra các tỉnh đồng bằng vừa phối hợp vừa làm hạt nhân ở các địa phương chặn đánh địch, giữ vùng tự do?

- Hay là giao việc bảo vệ vùng tự do cho các địa phương, do từng tỉnh tổ chức chỉ huy, chỉ đạo. Còn khối chủ lực là các Trung đoàn, tiểu đoàn đã dạn dày thử thách, thì tấn công lên Tây Nguyên, đánh ngay vào khu vực bàn đạp của địch, phá ngay một mắt xích quan trọng trong thế trận của chúng, tiêu diệt nhiều sinh lực buộc chúng phải quay về giữ vùng cao nguyên chiến lược này? Làm như vậy ta vẫn bảo vệ được vùng tự do, lại mở rộng được vùng du kích, vùng giải phóng Tây Nguyên, mà vẫn tiêu diệt được sinh lực địch.

Quân và dân Liên khu chấp nhận phương án tác chiến thứ hai và bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị, thiết bị chiến trường, tổ chức thêm các đơn vị mới.

Bốn tỉnh tự do của Liên khu gần như bật dậy, náo nức chuẩn bị, người sẵn sàng chờ đón địch, người rèn luyện, sẵn sàng cho cuộc vượt sông, băng rừng lên hướng Tây Nguyên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2017, 04:55:56 pm »


3. Cuộc đánh trả ban đầu.

Ngày 20 tháng giêng năm 1954, địch tiến công Phú Yên bằng 22 tiểu đoàn quân Pháp, gồm bốn binh đoàn cơ động số 10, 100, 41, 42 và hai tiểu đoàn dù ngụy. Chúng gặp ngay sự đánh trả quyết liệt của các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắc. Và ngay ngày 26 tháng giêng, theo kế hoạch định sẵn một cách chủ động trên hướng Tây Nguyên, chủ lực Liên khu đã nổ súng trên hai hướng, hướng chính Công Tum và hướng diện đường 19 - An Khê. Trong vòng chưa đầy 15 ngày (đến ngày 7/2/1954) ta đã giải phóng toàn tỉnh Công Tum bao gồm cả thị xã, rộng trên 140.000 ki-lô-mét vuông với trên 200.000 dân. Thắng lợi này cùng với những đồn mạnh và hiểm ở Nam Tây Nguyên, quân và dân Liên khu đã bắt địch phải tính lại về kế hoạch chiến dịch Át-lăng ở bước 1, bước 2. Ta đã dồn chúng từ thế chủ động tiến công sang thế bị động quay lại đối phó, chống đỡ ở Tây Nguyên. Các binh đoàn cơ động địch dành cho tiến công nay buộc phải kéo về hướng Tây Nguyên:

- Chín tiểu đoàn (trong đó có GM -100) bố trí ở Plây Cu và xung quanh.

- Chín tiểu đoàn (trong đó có GM 11 và 21) bố trí trên đường 19 An Khê.

- Hai binh đoàn 41 và 42 phòng thủ Nam Tây Nguyên.

Thắng lợi ban đầu của ta buộc địch kéo lực lượng về Tây Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân vùng tự do Phú Yên đánh trả địch. So sánh lực lượng trên từng hướng, địch vẫn còn ưu thế. Bộ Tư lệnh Liên khu 5 vừa huy động thêm lực lượng để bổ sung cho các đơn vị, vừa rút quân ở địa phương lên bổ sung cho chủ lực, vừa tách nhiều tiểu đoàn từ các Trung đoàn chủ lực thiện chiến ra xây dựng các đơn vị mới. Trong vòng 30 ngày, ta đã có Trung đoàn 96, một tiểu đoàn bộ binh (tiểu đoàn 375) và một số đại đội địa phương khác.

- Ngày 12 tháng 3 năm 1954, địch thực hiện bước hai chiến dịch Át-lăng đánh lên Qui Nhơn. Chúng gặp ngay giai đoạn mở đầu của chiến dịch Điện Biên Phủ trên chiến trường chính và sự chống trả có tổ chức ở ngay tỉnh Bình Định. Chỉ mới năm ngày, Na-va lại rơi vào tình thế bất lợi mới, buộc phải co kéo lực lượng về chiến trường chính Bắc Bộ. Ngày 16 tháng 3 năm 1954, binh đoàn cơ động dù ở An Khê vội vã bay ra hướng Bắc. Cuộc co kéo lực lượng của Pháp ngày càng khẩn trương, cùng với sự phối hợp chiến trường Bắc - Nam rất chặt chẽ và đầy hiệu lực của ta, đang dẫn đến, đang tạo ra bước suy sụp lớn của quân đội Pháp ở Tây Nguyên, đang dẫn chúng đến một thảm họa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2017, 04:56:32 pm »


II - ĐƯỜNG 19, TIỂU KHƯ AN KHÊ - TRUNG ĐOÀN 96 VÀ QUYẾT TÂM TÁO BẠO

Chiến dịch Điện Biên Phủ và các chiến trường Trung Bộ, Nam Bộ đang chiến thắng. Hướng Bắc Tây Nguyên ở Liên khu 5 và cả chiến trường Đông Dương của Pháp đang ở vào một tình thế nguy hiểm. Đông Dương có nguy cơ bị cắt đôi và chính từ những bàn đạp này, bộ đội Việt Nam có đầy đủ các điều kiện để phát triển vào hướng Nam Tây Nguyên (Cheo Reo, Buôn Ma Thuột, Quảng Đức), vào đông bắc Cam-pu-chia (Stưng Treng - Lom Phát) mở đường tiến về hướng Nam Bộ. Na-va đã phải ra lệnh cho quân khu Tây Nguyên (tướng Debeaufort) bỏ Công Tum, đua quân về phòng thủ Plây Cu, tạm dừng cuộc hành quân Át-lăng, chuyển các lực lượng đang tiến công Phú Yên lên tăng cường tuyến đường 19 và nam Tây Nguyên. Mâu thuẫn giữa tiến công ra vùng tự do và kéo quân về bảo vệ Tây Nguyên càng phát triển gay gắt, đặt quân Pháp vào thế bị động, lúng túng hơn.

1. Đường 19, Tiểu khu An Khê.

Đường 19, một trục đường ngang từ vùng tự do Bình Định (Quy Nhơn) lên Tây Nguyên, qua An Khê lên Plây Cu và kéo thẳng đến biên giới Cam-pu-chia - Việt Nam đến tận Stung Treng trên bờ sông Mê Công thành đường 19 kéo dài. Đây là con đường huyết mạch của chiến trường Tây Nguyên. Án ngữ đường 19, đoạn Plây Cu - An Khê vừa bảo đảm chặn được những đợt tiến công của bộ đội Việt Nam từ hướng Công Tum xuống, lại vừa bảo đảm việc tiếp tế cho tiểu khu An Khê, một bàn đạp của quân đội Pháp khi muốn tiến công xuống vùng tự do Bình Định. Đây là con đường ta và địch đang tranh chấp quyết liệt. Bộ đội ta luôn bám đánh, phá hoại, địch liên tục cơ động, vận chuyển nhưng lại không có thời gian củng cố bảo quản. Đường 19 là loại đường xấu, hẹp nhưng địch vẫn phải cơ động.

Từ những ngày tháng 4 năm 1954, bộ phận chủ lực của Liên khu gồm Trung đoàn 108, Trung đoàn 96 cùng các đơn vị địa phương đã bám đường 19, bám quanh thị xã Plây Cu, đánh nhỏ bằng phục kích, tập kích, uy hiếp địch từ nhiều phía, căng chúng ra các hướng. Ta đánh theo cách đánh của ta, khoét sâu mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán, giữa phòng thủ và tiến công, buộc địch phải đi vào cái bẫy của ta.

* Ngày 4 tháng 4 năm 1954 ta diệt chín xe địch trên đoạn Hà Tam từ An Khê đi Plây Cu.

* Ngày 9 tháng 4 năm 1954, 20 xe địch từ hướng Plây Cu về An Khê lại bị đánh ở chân đèo Măng Giang.

Từ 12 tháng 4 đến 28 tháng 4 năm 1954 sáu đoàn xe khác bị diệt trên đoạn đông và tây cầu A Dung.

Những cuộc tiến công nhỏ nhưng đầy hiệu quả đó đã làm cho lực lượng quân Pháp bối rối, đã phải tạm dừng chiến dịch Át-lăng điều quân về Tây Nguyên bảo vệ lực lượng ở các tiền đồn; ở ngay tiểu khu An Khê, cố tránh nguy cơ bị tiêu diệt lớn; GM.100 đã được điều động đến An Khê trong tình thế đó.

Tiểu khu An Khê gồm hàng loạt các cứ điểm ngoại vi và các vùng phụ cận phía đông (cứ điểm Thượng An, Cửu An, Tú Thủy) là bàn đạp, đầu cầu tiến công xuống vùng tự do ven biển, là bình phong án ngữ đầu cực đông của đường 19. Từ chiến thắng Đông - Xuân 1952 - 1953, ta đã lần lượt giải phóng các vùng phụ cận bắc, đông-bắc, tây-bắc và đông-nam An Khê. Địch chỉ còn chiếm đóng chính thị trấn An Khê và một số đồn bót nhỏ ngay trên trục đường 19 như Cà Tung, Xà Huống, Hà Tam, Măng Giang kéo lên đến thị xã Plây Cu. Chung quanh An Khê là các buôn rẫy của đồng bào Ba Na, dân tộc ít người của Anh hùng Núp. Đã từ lâu nhân dân Tây Nguyên chạy vào rừng, thành lập các đội du kích phối hợp với bộ đội đánh địch. Địch ở tiểu khu An Khê cuộn tròn trong một thị trấn nhỏ, không có dân, không có tai mắt. Chúng đã bị bao vây, bị cô lập hoàn toàn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2017, 05:00:43 pm »


2. Trung đoàn 96.

Trung đoàn 96 được thành lập từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở Đà Nẵng nằm trong biên chế Đại đoàn 31 (Trung đoàn 68, 69, 93, 96). Lúc đó, Trung đoàn 96 là một Trung đoàn mạnh gồm các tiểu đoàn 17, 18, 19 đã đánh quân Pháp nhiều trận thiệt hại nặng ở Đà Nẵng. Sau nhiều lần biên chế tổ chức lại, Trung đoàn 96 không còn... và đến đầu năm 1954 được phục hồi lại với biên chế ba tiểu đoàn bộ binh (tiểu đoàn 79, 40, 30 + 2 đại đội hỏa lực...) do đồng chí Nguyễn Minh Châu nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 108 về phụ trách cùng đồng chí Nguyễn Hữu Thành là chính ủy. Dàn cán bộ tiểu đoàn cũng là những cán bộ dạn dày trận mạc. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 79 là Đỗ Hữu Đào (nguyên là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 19). Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 40 là Huỳnh Hữu Anh (tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn độc lập của quân khu). Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 30 là Đoàn Phong (tiểu đoàn độc lập của Quân khu)1 và hàng loạt cán bộ cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, các phân đội hỏa lực đều thuộc các Trung đoàn chủ lực chuyển về. Toàn Trung đoàn chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ và hân hoan sau những chiến thắng trên đường 19. Cán bộ và chiến sĩ mừng vui vì được giao một nhiệm vụ đánh địch trên đường 19, sẵn sàng đánh phá tiểu khu An Khê, tiêu diệt địch rút chạy, nhưng cũng có nhiều băn khoăn về lực lượng của mình quá mỏng. Mang tiếng là một Trung đoàn nhưng chỉ có năm đại đội bộ binh (Tiểu đoàn 79 chỉ có hai đại đội). Tuy được phối thuộc một đại đội địa phương của Trung đoàn 120, nhưng phạm vi hoạt động lại quá rộng. Cán bộ ở các phân đội đa số mới được bổ nhiệm và có nhiều vị trí còn bỏ trống. Trung đoàn phó có tên nhưng chưa về đơn vị, tham mưu trưởng chưa có, cơ quan tham mưu mới lắp ghép. Số đông chiến sĩ lại mới vừa được bổ sung từ các đơn vị địa phương, hoặc từ các đội dân quân tuyển vào. Trong không khí chiến thắng chung, tất cả mừng vui, nhưng trong thâm tâm cán bộ, nhất là những cán bộ chủ trì, không phải không có những lo lắng, suy nghĩ trước thời cơ mới, thế trận mới đầy thuận lợi của chiến trường, nhưng lực lượng của Trung đoàn thì quá mỏng.

3. Quyết tâm táo bạo.

Trung đoàn đã liên tục hoạt động từ ngày được thành lập lại, ngay trên đường 19 đã lập chiến công ở Hà Tam, ở đông Măng Giang. Để chuẩn bị cho nhiệm vụ tiến công tiểu khu An Khê và đánh địch rút chạy, Trung đoàn đã quan sát nhiều lần đoạn đường 19 Măng Giang - An Khê, và đã tổ chức nhiều trận đánh trên đoạn đường này.

Đoạn đường cầu Đak Pơ hiểm trở nằm giữa hai cứ điểm cách nhau chưa đầy 15 ki-lô-mét (Cà Tung, Mũi Nhung) là đoạn đường đã bị bộ đội ta phục kích nhiều lần. Bọn Pháp cũng biết vậy, nhưng chưa có cách gì khắc phục.

Nắn lại hoặc mở rộng cho bớt gấp khúc quanh co chưa được vì phía bắc đường là những đồi núi đất đá xen kẽ, có những vách đứng, những "ta-luy" cao 2 -3 mét, về phía nam lại có các hố sâu kéo dài đến tận thung lũng sông Ba. Quân Pháp lúc đó không có thời gian và cũng không có cả tiền của để làm việc này. Chúng chỉ còn cách tăng cường trinh sát bằng không quân, bằng biệt kích, thám báo để nắm hành động của bộ đội ta. Khi cần vận chuyển thì có lực lượng đi trước, chiếm lĩnh các điểm cao, các khu vực nguy hiểm, tổ chức lực lượng tiễn đưa và lực lượng chờ đón. Phần ta tuy làm chủ cả đoạn đường, nhưng cũng đang muốn kéo địch ra để phục kích, đánh vận động, nên cũng không có kế hoạch phá hoại thêm con đường.

Đoạn đường cầu Đak Pơ trở thành một địa danh lẫy lừng vì đây là một khúc "cua" tai ác. Phía Cà Tung đi lên vừa hết dốc đã tụt xuống ngay một cầu nhỏ, bắc qua con suối hẹp gấp khúc (chữ chi), rồi lại bắt đầu lên dốc nối tiếp ngay vào một đoạn đường có nhiều mõm đá nhô ra, bám sát đường rất thuận tiện cho cả việc chặn đầu và khóa đuôi của một trận phục kích. Phía bắc đoạn đường là những đồi đá xen kẽ, không rộng lắm, nhưng trải dài ra phía bắc hình thành một khu vục tập kết quân thuận tiện và một bàn đạp để xung phong ra mặt đường tuyệt vời. Ta từ thế trên cao đánh xuống, mọi loại hỏa lục, xung lục đều phát huy được hết. Từ đây ta đánh hất địch xuống phía nam. Lọt vào đoạn này địch chỉ còn đối phó tại chỗ. Cơ giới đã không cơ động được, mà ngay xung lực cũng khó khăn, phía bắc là đối phương, phía nam là những hố sâu chỉ tiện cho việc tránh né, lẩn trốn, rút chạy.

Với địa hình đó Trung đoàn 96 đã chọn đoạn suối Đak Pơ (về phía đông) là đoạn phục kích chủ yếu do tiểu đoàn 79 phụ trách (khoảng 800m). Đoạn từ suối Đak Pơ lên phía tây do tiểu đoàn 40 phụ trách (khoảng 400m). Cả hai tiểu đoàn đều có bộ phận đối diện. Hỏa lực của Trung đoàn là đại đội cối 81 bố trí ở vị trí dễ quan sát, phát huy được hỏa lực ở cả hai hướng đông và tây, bắn vào trận địa. Trung đoàn giữ một đại đội bộ binh của tiểu đoàn 40 làm lực lượng dự bị. Đại đội địa phương 120 đánh địch trên đoạn An Khê - Cà Tung để ngăn chặn, phá cầu, cống kìm chế bớt sức cơ động của địch.

Để nắm địch, ở hai đầu trận địa, Trung đoàn bố trí các đài quan sát, phát hiện địch từ xa, nhất là hướng An Khê lên. Các đài quan sát này đã phát huy rất hiệu quả. Trung đoàn vẫn chuẩn bị kế hoạch đánh địch cả từ hai phía. An Khê lên và Plây Cu xuống, vấn đề thông tin liên lạc cũng được giải quyết chu đáo. Trung đoàn liên lạc với Bộ Tư lệnh Liên khu bằng vô tuyến điện, liên lạc với các tiểu đoàn, các đài quan sát, cả với mũi đối diện cũng bằng điện thoại. Công tác chuẩn bị đã được toàn Trung đoàn thực hiện tốt. Mọi người, chiến sĩ cũng như cán bộ đều thấy sẽ có một sự kiện quan trọng sắp xảy ra, lúc này đã là cuối tháng 6 năm 1954.
___________________________________
1. Lúc thành lập Trung đoàn 96, tiểu đoàn 30, như một tiểu đoàn dộc lập thuộc Liên khu 5, vẫn đang làm nhiệm vụ đánh địch ở Qui Nhơn khi chúng đổ bộ ở đây.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM