Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:55:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức sư đoàn  (Đọc 8908 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 28 Tháng Ba, 2017, 05:09:46 pm »

 
        - Tên sách: Ký ức sư đoàn
        - NXB: Quân đội nhân dân
        - Năm xuất bản: 1995
        - Số hóa: Baogt.


LỜI GIỚI THIỆU

        Có biết bao chuyện cần biết, cần bàn về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam ta. Và cũng có biết bao nhiêu người thể hiện nó bằng nhiều phương pháp, nhiều thể loại khác nhau. Mặc dù vậy, cuộc chiến tranh giải phóng của quân dân ta vẫn còn là một đề tài hấp dẫn và phong phú... Đặc biệt, đối với người lính từng tham chiến, ai chẳng có những suy nghĩ trăn trở, ai chẳng có những kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên, thậm chí chiến tranh còn kéo theo họ suốt cả cuộc đời.

        Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập sư đoàn Sao Vàng (2/9/1965-2/9/1995) Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho ra mắt bạn đọc cuốn truyện và ký "Ký ức sư đoàn". Cuốn sách do cán bộ, chiến sĩ đã từng sống, chiến đấu trong suốt thời kỳ đánh Mỹ của sư đoàn biên soạn. Không nhiều lắm nhưng cuốn sách cũng nói được phần nào một cách trung thực bản lĩnh chiến đấu của chiến sĩ quân giải phóng, của bộ đôị Cụ Hồ và tấm lòng bao la, nghĩa tình son sắt thủy chung với cách mạng của đồng bào miền Nam.

        Sau những cuốn sách "Sư đoàn Sao Vàng" - ký sự lịch sử và tập truyện ký "Dấu chân sư đoàn", lần này, những trang viết đưa ta trở lại chiến trường cũ, gặp lại những bản làng, những dòng suối, những cánh rừng, những người thân quen hơn cả tình ruột thịt. Họ đã cùng sư đoàn làm nên chiến thắng oanh liệt, và họ cùng đã từng chung nỗi đau da diết, cảnh gian truân cùng cực trong thời kỳ lịch sử có một không hai đó.

        Mong rằng "Ký ức sư đoàn" đáp ứng được phần nào lòng mến mộ của bạn đọc đối với người chiến sĩ nói chung và chiến sĩ sư đoàn Sao Vàng nói riêng.

Hà nội, ngày 1 tháng 3 năm 1995            
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh            
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng,        
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị            
Nguyên Chính ủy sư đoàn Sao Vàng            
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Ba, 2020, 05:23:11 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2017, 05:16:52 am »


KÝ ỨC SƯ ĐOÀN

NGUYỄN TIẾN ĐÍCH       

        Khi những trận đánh cuối cùng của sư đoàn Sao Vàng kết thúc ở thành phố biển Vũng Tàu, lịch sử của sư đoàn lật qua một trang mới. Hàng vạn người lính rời quân ngũ, chuyển ngành trở về với cuộc sống đời thường do thương tật, tuổi tác, hoàn cảnh gia đình. Hàng vạn người lính, thê hệ trưởng thành sau 30 tháng 4 năm 1975 đã thay thế họ. Sư đoàn, như một dòng sông mang trong lòng nó dòng máu trung dũng - kiên cường ào ạt chảy không dứt qua thời gian, không gian và sẽ còn chảy xiết tới những thế kỹ sau.

        Trong mười năm tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ, hàng vạn người chiến sĩ của sư đoàn đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường miền Trung. Những trang sử vẻ vang của sư đoàn đã được viết bằng chiến công, nhưng trước hết nó đã được viết lên bằng máu của những chiến sĩ ấy.

        Chỉ tính riêng trung đoàn 22 của tôi từ huyện Lương Sơn, Hòa Bình hành quân vào chiến trường khu năm tháng 6 năm 1965. Qua mười năm chiến tranh điểm lại cho đến nay chẳng còn được mấy người. Hơn hai nghìn cán bộ chiến sĩ đã hy sinh rải rác trên mảnh đất miền Trung, tính từ Quảng Ngãi đến Phú Yên - một vùng đất đầy ân nghĩa nhưng vô cùng khốc liệt.

        Trước ngày nhập ngũ, tôi là một học sinh nên vốn hiểu biết về chiến tranh cũng chỉ qua sách vở. Khoác ba lô leo dọc Trường Sơn tôi mới lờ mờ thấy bộ mặt thật của chiến tranh. Và giọt nước mắt đồng đội đầu tiên trong đời tôi đã rơi ở đó. Anh Nguyễn Văn Tý, quê Hà Nam, cùng trạm sửa chữa quân giới với tôi bị sốt rét ác tính, chết dọc đường. Tôi, Lê Anh Sáng, An Gia Gôi... đã chôn cất anh trong một cánh rừng già của trạm giao liên huyện Trà My, Quảng Nam.

        Sau gần ba tháng đi bộ, đơn vị mới vào tới khu tập kết cuối cùng. Đó là một con suối lớn nằm trong khu rừng phía tây huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Thành lập sư đoàn (2-9-1965) được bốn năm ngày, tôi lại phải vĩnh biệt đồng đội lần nữa. Anh An Gia Gôi, trạm trưởng quân giới. Hôm ấy anh đi chuẩn bị chiến trường bị máy bay Mỹ bắn chất ở đập Sử Hầu, xã Phổ Nhơn, Quảng Ngãi. Không bất ngờ, nhưng tôi thấy lòng nôn nao trống vằng...

        Sau này, tôi đã vuốt mắt, chôn cất cho nhiều người đồng đội, nhưng sự ra đi đường đột, đơn lẻ của anh Tý, anh Gôi đối với tôi trở thành một kỷ niệm đầu đời không thể nguôi quên.

        Ngày ấy, khi công việc biên chế, tổ chức của trung đoàn vừa tạm ổn định, đơn vị bước ngay vào chiến đấu; nghĩa là không có thời gian tập luyện. Rất nhiều chiến sĩ mới vừa qua một đợt huấn luyện ngắn ngày, đã khoác ba lô vượt Trường Sơn. Bộ quân phục chưa kịp sờn vai đã phải bỏ lại ở trạm Làng Ho, mặc bộ bà ba đen, đội mũ tai bèo Quân Giải phóng và họ chẳng kịp tầng bị đủ tri thức quân sự của người lính chiến. Nhưng chiến tranh đã bắt buộc họ khôn ngoan một cách khẩn trương  nhất. Vì vậy, chẳng mấy chốc chúng tôi đã biết mình cần phải làm gì và làm thế nào để diệt được địch, bảo vệ được mình.

        Căn cứ điểm Thạch Trụ (Mộ Đức, Quảng Ngãi) là trận đánh đầu tiên của sư đoàn. Nghiệt thay, đúng vào cái đêm ta nổ súng tấn công địch thì trời mưa tầm tã, nước tràn ngập đường xá, bộ đội các hướng đi lạc đường. Trận đánh không diệt gọn, anh em thương vong nhiều. Cái đau cuả đơn vị còn ở chỗ không lấy được hết thương binh, tử sỉ trong đồn địch. Từ đó, chiến trường miền Nam trở lên quyết liệt gấp bội. Đầu năm 1966, Mỹ tỏa ra một lực lượng lớn chưa từng có mở cuộc phản công chiến lược mùa khô thứ nhất. Sang năm 1967, mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai, nhằm tiêu diệt chủ lực Quân Giải phóng, bẻ gãy xương sống cách mạng miền Nam. Không còn con đường nào khác để lựa chọn, quân dân miền Bắc, miền Nam lại cắn răng, gồng mình chịu mọi hy sinh, gian khổ, tập trung sức lực, trí tuệ, quyết đánh bại ý chí và hành động xâm lược của Mỹ. Riêng địa bàn bắc Bình Định, nam Quảng Ngãi, sư đoàn Sao Vàng và quân dân địa phương đã bẻ gãy ba trong năm "mũi tên" chủ yếu của quân Mỹ ở chiến trường. Có thể nói, hai mùa khô 1966 và 1967 là một trong những thời kỳ quyết liệt nhất, tàn khốc nhất, một bước ngoặt trên chiến trường miền Trung. Sư đoàn Sao vàng đã vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, đi đến một khẳng định dứt khoát: có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ. Chiến thắng Bồng Sơn, Chợ Cát, Xuân Sơn, Núi Một, Long Giang, Lộc Giang... đã nói lên điều đó. Thế nhưng thắng lợi nào không phải trả giá. Ngay những trận đánh đầu tiên ấy, hàng ngàn cán bộ chiến sĩ, những người con thông minh dũng cảm đã hy sinh. Hàng ngàn người khác mang thương tích suốt đời.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2017, 10:54:14 am »


        Cứ như vậy, đồng đội của tôi hy sinh càng nhiều hơn theo độ gia tăng chiến tranh xâm lược của Mỹ. Ở đơn vị bộ binh thường xuyên xảy ra tình trạng "gạo thiếu, cơm thừa"... Lúc xuất trận thì ồn ào, náo nhiệt, khi trở về, cả đại đội chỉ còn vẻn vẹn dăm bày người ngồi đủ một mâm cơm. Bốn, năm mâm cơm còn lại không có người ăn. Chúng tôi lúc đầu đau xót, than thở, ôm xác đồng đội mà khóc. Nhưng về sau chúng tôi không còn đủ nước mắt và thời gian để vĩnh biệt bạn. Công việc chiến đấu cứ ùn đóng trước mắt, cứ dồn dập diễn đi diễn lại triền miên, gấp gáp. Mỗi năm không chỉ có một chiến dịch, mỗi tháng không chỉ có vài ba lần nổ súng. Có tháng 30 ngày, phải đánh đến hai chục trận lớn nhỏ. Anh em thường nói: "Quanh năm khẩn trương, bốn mùa chiến dịch" là như vậy. Hầu như ngày nào, lúc nào người chiến sĩ trong sư đoàn cũng phải lo đối phó: đối phó với địch, đối phó với đói khát, bệnh tật; đối phó với mưa rừng, núi lở... Khi đồng đội hy sinh ở hậu cứ, còn lo liệu được chu tất, nhưng trong lúc hành quân ở vùng địch hậu, hoặc lúc gặp định giữa đường (tao ngộ) thì không thể... Người sống đành từ tạ người chết, lấy xẻng gạt đất lên người bạn một cách vội vã rồi lau nước mắt hành quân tiếp. Không kịp và không thể có một nén nhang, một bát cơm, quả trứng cho hương hồn bạn...

        Những sự hy sinh như vậy xảy ra thường xuyên như cơm bữa. Nhưng sự đau đớn hơn cả là sự hy sinh đến với những người lính vừa đặt chân đến chiến trường, còn lạ từ lá cây, ngọn cỏ.

        Tôi nhớ vào mùa đông năm 1967, sư đoàn được bổ sung một tiểu đoàn tân binh người Bắc Thái. 11 giờ đêm anh em về đến suối Đá Tượng (Hoài Ân, Bình Định) thì gặp định phục kích. Trận đánh ác liệt xảy ra suốt đêm ấy. Sớm hôm sau, quân bộ binh Mỹ được máy bay lên thẳng bổ xuống ồ ạt bịt chặt các ngả đường, nhằm vây cắt, tiêu diệt quân ta. Tiểu đoàn tân binh, từ cán bộ đến chiến sĩ đánh trả địch quyết liệt. Nhưng do chưa từng đụng độ với địch, đối tượng lại là "Sư đoàn không vận số 1 Mỹ", có lối đánh hiện đại, rầm rộ, áp đảo, anh em không khỏi hoang mang, bối rối. Đội hình bị xé lẻ, thương vong mỗi lúc một tăng. Cả khu rừng già rộng lớn bị những trận mưa bom, mưa pháo, rốc két... tả tơi như chiếc áo rách không còn đường vá víu. Trận đánh kéo dài đến nửa đêm. Phần nhiều chiến sĩ hy sinh tại chỗ. Số còn lại chạy tản mát vào rừng. Gạo không có, muối không có, đường xã, địa hình không quen biết... Cán bộ chiến sĩ đành cầm hơi bằng lá rừng và nước suối. Mười một ngày sau trung đoàn mới tìm được hết số anh em thất lạc. Trước lúc gặp địch tiểu đoàn có 240 quân, sau trận đánh chỉ còn 38 người. Hơn hai trăm người đã hy sinh rải rác trong cánh rừng hai bên bờ suối mà sau này anh em sư đoàn thường gọi là "suối máu" để ghi nhớ mối hận thù với sư đoàn kỵ binh bay Mỹ.

        Cuối tháng 1 năm 1968, tiểu đoàn sáu trung đoàn 12 mở một đợt hoạt đông ở khu vực Đập Đá, cửa ngõ thị xã Quy Nhơn. Không chịu được cái gai cắm ngay sát nách sào huyệt, lập tức địch điều đến một trung đoàn lính Nam Triều Tiên thuôọ sư đoàn "Mãnh Hổ", 32 xe tăng và xe bọc thép, bốn đại đội bảo an cùng nhiều máy bay, đại bác giải tỏa. Trận đánh vô cùng ác liệt kéo dài năm ngày đêm xung quanh khu vực làng Phương Danh Nam. Tiểu đoàn 6 bị địch vây vòng trong, vòng ngoài và bị xe tăng liên tục đột kích. Chiến sĩ ta chỉ còn con đường duy nhất, con đường cuối cùng là "sống anh dũng, chết vẻ vang". Súng hỏng, đạn hết. Địch vẫn ùn ùn xông tới. Những người còn lành lặn và tất cả những anh em bị thương nhẹ, đã bật dậy đánh giáp lá cà với địch bằng lưỡi lê, dao găm, xẻng, cuốc và cả các loại dao thái thịt, dao chẻ củi của anh nuôi. Xác máy bay lên thẳng, xe bọc thép, xác lính Triều Tiên, xác lính ngụy rải rác từ ngoài cánh đồng vào trong ngõ xóm. Nhưng rồi trận đánh cũng phải kết thúc. Quang cảnh chêt chóc, đổ nát của chiến trường thật là thảm khốc. Chưa bao giờ quân địch vùng này lại gặp một đối thủ chống trả quyết liệt đến như vậy. Trung đoàn lính Nam Triều Tiên bị thiệt hại nặng. Còn tiểu đoàn sáu trung đoàn 12 hơn năm trăm cán bộ chiến sĩ, chỉ còn trở về mươi người.

        Sau trận đánh, phần lớn anh em hy sinh được bà con địa phương chôn cất. Một số khác địch bắt đồng bào dồn lai chôn chung vào một hố. Bà con vô cùng thương tiếc các liệt sĩ nên gọi ngôi mộ tập thể đó là "Mộ Tổ". Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, sư đoàn đã kết hợp với địa phương liên tục tìm kiếm suốt 20 năm mới xác định được 148 trường hợp có họ, có tên nằm trong ngôi mộ tập thể đó. Cũng tại nơi đây Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây cất một đài tưởng niệm. Hàng năm, cứ đến những ngày cuối tháng một, đồng bào địa phương lại mang hương hoa ra "Mộ Tổ" cầu mong cho hương hồn những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất quê mình được siêu thoát.

        Và còn biết bao nhiêu trường hợp hy sinh tập thể khác như đại đội đặc công sư đoàn đi lấy gạo bị địch phục kích dọc đường. Một đại đội của trung đoàn 22 nằm hầm bí mật ở bãi cát Hoài Nhơn bị xe tăng dàn hàng ngang rà sập...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2017, 06:23:32 pm »

       
        Từ sau năm 1975, nhà nước, quân đội kết hợp với chính quyền và nhân dân các địa phương đã tích cực tìm kiếm, quy tập anh em về nghĩa trang liệt sĩ. Riêng sư đoàn Sao Vàng, cũng tổ chức hàng chục đoàn trở lại tất cả những địa bàn đã hoạt động để làm công việc đó. Tìm thêm được một liệt sĩ thật là khó, nhưng biết được liệt sĩ đó là ai, quê quán nơi nào còn khó hơn nhiều. Tôi đã đi dọc các tỉnh miền Trung từ Quảng Nam, Quảng Ngãi đến Bình Đinh, Phú Yên... ở nghĩa trang nào tôi cũng gập rất nhiều hàng mộ không có họ, tên, địa chỉ. Trên mỗi tấm bia trang trọng, thể hiện tấm lòng "uống nước nhớ nguồn" của nhân dân, chính quyền địa phương, cũng chỉ vắn tắt một hàng chữ: "Liệt sĩ vô danh".

        Hàng chữ giản dị ấy đã nhói trong lòng chúng tôi một nỗi niềm day dứt không nguôi...

        Bây giờ cuộc chiến tranh vĩ đại nhưng khốc liệt ấy đã lùi lại 20 năm, nhưng hậu quả khôn lường của nó vẫn còn đọng lại, chi phối đến từng số phận, từng cảnh đời những người lính trong sư đoàn còn có cơ hội trở về với cuộc sống đời thường.

        Khi mới vào chiến trường, những người lính trẻ chúng tôi đã phải đối đầu ngay với chất độc hóa học của Mỹ. Những cánh rừng già nguyên thủy, ngút ngàn phía Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh... nối liền với dải Trường Sơn hùng vĩ, chỉ sau một trận mưa hóa học đã rụng lá, trơ lại những thân cành khẳng khiu. Máy bay Mỹ thường dàn hàng ngang phun thuốc trắng xóa như mưa phùn. Nhiều lần đi công tác, đi cõng gạo, chúng tôi đã bị "mưa hóa học" dội ướt từ đầu đến chân, mùi tanh, mùi khét xông lên nồng nặc. Tàn bạo hơn, bọn xâm lược Mỹ còn dùng máy bay thả thuốc bọt hóa học xuống các suối nước, hang đá hoặc những tuyến đường mòn dẫn tới khu rừng căn cứ địa của sư đoàn. Trong các trận đánh chúng đã sử dụng các loại đạn pháo, cối hóa học bắn sang trận địa ta. Tác dụng của thuốc bột kéo dài khá lâu. Năm, bảy tháng sau vẫn làm chảy nước mắt, ngứa ngáy, tức thở, thậm chí ho ra máu. Nhiều khi tình hình quá gay cấn, sư đoàn vẫn phải lấy nước ở cuối nguồn sinh hoạt ăn uống. Khi đó, chúng tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất: "Cần ăn để sống, cần sống để đánh giặc".

        Chúng tôi không ai kịp nghĩ tới cái hậu quả ghê gớm của nó.

        Sau khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi, những người lính sư đoàn lần lượt tìm về với đời sống bình thường nhất của một con người. Nỗi khát khao của chúng tôi là một tổ ấm gia đình. Vậy mà điều đơn giản tưởng như "trời cho" ấy nhiều người cũng không thực hiện được. Đồng chí Nguyễn Văn Thông cán bộ tác chiến trung đoàn 2, sau nhiều lần về phép và còn đưa vợ lên chiêu đãi sở trung đoàn hàng tháng trời, mới có "tin mừng". Nhưng nghiệt ngã thay, vợ anh không sinh ra con mà sinh ra trứng. Không chỉ một lần mà tới hai, ba lần, cho đến khi phải triệt sản. Anh Phương, anh Thiện, anh Thảo và nhiều người nữa, hơn 40 xuân, mới có vợ, có con. Nhưng những đứa con đáng thương kia đã phải mang khuyết tật từ trong bụng mẹ...

        Bây giờ mỗi khi trái nắng trở trời, những người lính cũ của sư đoàn phải vào bệnh viện, đều gặp chung câu hỏi: "Đồng chí ở chiến trường nào? Có sống ở khu vực nhiễm chất độc hóa học không?". Căn bệnh nguy hiểm nhất, nặng nề nhất đối với họ là bệnh: ung thư; ung thư gan, phổi, dạ dày, ung thư da, vòm họng và nhiều thứ bệnh na y khác... Nó có thể trỗi dậy và quật ngã chúng tôi bất kỳ lúc nào. Không ít người vừa thoát khỏi bom đạn chiến tranh, đã lặng lẽ "ra đi" bởi chứng bệnh hiểm nghèo đó. Chất độc hóa học Mỹ tiếp tục truy kích họ trên giường bệnh.

        Không thể kể hết từng trường hợp những người đồng đội của tôi đã "ra đi" như thế nào sau chiến tranh, chỉ xin dẫn một ví dụ nhỏ: Đó là các anh chỉ huy sư đoàn Sao Vàng trong thời đánh Mỹ. Cho đến nay trong số chín sư đoàn trưởng đã có sáu người "ra đi" vì những căn bệnh hiểm nghèo. Đó là các anh: Giáp Văn Cương, Lư Giang, Huỳnh Hữu Anh, Lâm Bá Khuê, Đới Ngọc Cầu, Đoàn Mai Ngữ...

        Các anh là những người đã nhiều năm cùng chịu chung một trận mưa thuốc độc hóa học, uống chun nguồn nước có độc tố da cam...

        Vinh quang đã đến với các anh, nhưng số phận đã quá khắc nghiệt với các anh. Nhân ngày kỷ niệm 30 năm thành lập sư đoàn tôi viết bài ký này đẻ thắp lên ngọn lửa, hy vọng ngọn lửa có thể sưởi ấm những người đồng đội của tôi đã hy sinh ở trên chiến trường và trên giường bệnh. Tôi tin rằng sự hy sinh cao cả của họ sẽ mãi mãi là điểm tựa cho mỗi cuộc đời chúng ta.

Tháng 6 năm 1994           
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2017, 11:29:00 am »


KỶ NIỆM ĐƯỜNG 19

DƯƠNG VĂN MINH       

        Trước đây, khi gia đình gặp khó khăn, nếu vợ con tôi đã đôi lần trách cứ dù rất mơ hồ, tôi thường giải thích, dù sao tôi vẫn còn hạnh phúc hơn hàng vạn người khác. Bởi trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt dài đằng đẵng, tôi vẫn còn nguyên vẹn trở về, rồi có vợ, có con, tạo dựng được cơ ngơi, tuy khiêm tốn nhưng cũng tạm gọi là ổn định. Dần dà vợ tôi cũng hiểu và chia sẻ cùng tôi. Không thỏa mãn với cuộc sống khiêm tốn hiện tại, nhưng tôi bằng lòng với công việc mình đã làm. Tôi thường tự nhủ: Cái mà ta giữ được cho lòng mình tự hào, giữ được chất "Người" ngoài tình cảm gia đình, chính là tình đồng đội. Đó là tình cảm cao cả và thiêng liêng nhất. Và những kỷ niệm vui buồn của một thời chinh chiến thường trở lại trong tôi, nhất là khi trái nắng trở trời.

        Đường 19 tháng 4 năm 1972.

        Trong khi sư đoàn (thiếu trung đoàn 12) nổ súng cùng các lực lượng địa phương giải phóng ba huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn (bắc Bình Định), thì trung đoàn 12 (thiếu một tiểu đoàn) đang được lệnh đóng chốt cắt đường 19, đoạn từ Bình Định đi An Khê, nhằm khống chế dài ngày sự cơ động của địch từ đồng bằng ven biển lên Tây Nguyên. Và ngược lại không cho các lực lượng của chúng từ các tỉnh Tây nguyên xuống đồng bằng ứng cứu.

        Đoạn đường trung đoàn phải chốt giữ dài mười lăm kilômét, đoạn giữa quận lỵ Phú Phong (Bình Định) và căn cứ An Khê (Gia Lai). Khác hẳn với các chiến dịch trước đây, vùng hoạt động của trung đoàn hầu như là một vành đai trắng, không làng mạc, không dân cư, chỉ còn rất ít cán bộ địa phương và đồng bào dân tộc ẩn sâu trong rừng rậm.

        Cụm chốt chính của trung đoàn là hai điểm cao 638, 384 và khu vực cống Hang Dơi nằm trên mặt đường 19. Ba điểm nói trên tạo thành một bức tường thép chắn ngang đường 19. Đại đội 62, tiểu đoàn 6 chúng tôi được giao nhiệm vụ giữ điểm cao 384.

        Đêm 9 tháng 4 năm 1972, trung đội 1 lên chốt đào công sự. Ngoài đại đội trưởng Đồng Văn Soạn, trực tiếp chỉ huy, trung đội gồm: Một trung đội trưởng, hai trung đội phó, một y tá, ba tiểu đội trưởng và bốn chiến sĩ. Tất cả chỉ có vậy, 12 người, kể cả đại đội trưởng. Vũ khí trên chốt có một khẩu B40, một khẩu B41, một trung liên, còn lại toàn tiểu liên và lựu đạn, thủ pháo.

        Không hiểu bị lộ hay có sẵn trong kế hoạch của địch, mà đêm mồng 9 lên chốt thì chiều mùng 10 địch bắt đầu đánh phá. Mở đầu các cuộc oanh tạc là pháo tầm xa ngoài hạm tàu (pháo biển), sau đến pháo trên đất liền và máy bay. Có lúc chúng phối hợp đánh dồn dập, lúc lần lượt thay nhau "giã gạo". Anh em trên chốt chỉ còn biết lấy tay bịt nòng súng, ôm súng vào lòng và chui vào những căn hầm đang đào dở. Ngớt bom, pháo anh em lại động viên nhau tiếp tục đào công sự. Cán bộ chẳng cần nhiều lời, chúng tôi cũng biết lúc này cần phải làm gì, nghĩa là ráng sức làm thật tốt cái "áo giáp" dưới lòng đất.

        Sáng ngày 11. Qua một buổi chiều và một đêm bị bắn phá, trên đỉnh chốt và cả khu vực rộng hàng vạn mét vuông không còn một ngọn cỏ nguyên vẹn. Đất từ màu vàng chuyển sang màu đen. Chỗ nào cũng phả lên mùi khét đắng của thuốc súng. Lần đầu tiên trong đời, cánh lính mới chúng tôi được biết thế nào là "pháo bầy", "pháo chụp", là "bom chùm"... Và cùng lần đầu tiên trong đời được chứng kiến những cựu binh từng trải đã gan dạ và mưu trí thế nào. Chính tư thế vững vàng, bình tĩnh của các anh đã cỗ vũ chúng tôi. Tôi luôn nhận được những lời động viên chân tình, pha chút hài hước: "Cứ bình tĩnh, đâu khắc có đó", hoặc "Việc nó, nó bắn, việc mình, mình làm. Nó bắn chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã chết",.v.v.. Các anh còn kể cho chúng tôi nghe những mẫu chuyện "tiếu lâm". Đầu óc chúng tôi đang rất căng thẳng nhưng cũng phải bật cười. Những tiếng cười hiếm hoi, ngắn ngủi nhưng cũng làm dịu đi phần nào sự mệt mỏi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2017, 07:23:24 am »


        Qua ngày đầu tiên dội bom pháo, trung đội tôi đã hao hụt đi hai người. Bình y tá và Hiển. Ai đã từng trải qua những trận đánh giữ chốt dai dẳng, độc lập, không có lực lượng chi viện trực tiếp, không có hỏa lực khống chế hỏa lực địch từ xa... mới thông cảm được công việc khó khăn, ác liệt của chúng tôi trong suốt mười ngày đêm ấy. Mười ngày đêm trên chốt là khoảng thời gian không có ngày, không có đêm, không có giờ giấc. Đêm đến, anh nuôi phải cõng cơm bươn qua làn đạn pháo mới lên được chốt. Nhiều lần mang được cơm lên nhưng không có nước uống. Các can, bi đông đựng nước đã bị đạn pháo xăm thùng dọc đường. Một vài anh nuôi quân cũng bị thương vong ngay trên đường mang cơm cho chúng tôi. Nghĩa là có rất nhiều lý do để hạn chế ăn uống. Vì vậy, cơm thì có nhưng chẳng ai ăn hết nửa nắm. Mỗi lần ăn, chốt trưởng thường động viện chúng tôi: "Muốn đánh được thì phải ăn, có ăn mới đánh được". Mọi người cũng biết rất rõ, chiến dịch còn dài, không có sức khỏe không trụ được trên chốt.

        Ngày này qua ngày khác, nắng, mưa, bom, pháo bộ binh địch, khát nước, buồn ngủ, mệt mỏi v.v... đã làm chúng tôi yếu dần. Nhưng tuyệt nhiên không ai báo cáo xin lui về phía sau. Đôi lúc anh Soạn, đại đội trưởng và anh Liễu, trung đội trưởng nói vui "không anh nào được chết, chết là vi phạm kỷ luật", rồi tất cả nhìn nhau cười xòa.

        Ác liệt cứ tăng dần lên. Tăng dần về cường độ và quy mô tấn công của địch. Ngày đầu, chúng tổ chức xung phong lên chốt từ một đến hai lần, sau đó tăng lên ba đến bốn lần, có ngày chúng tôi phải chống đỡ liên tục suốt từ sáng đến chiều tối. Địch muốn tổ chức đánh liên miên, dai dẳng hòng gây căng thẳng cho anh em chúng tôi mệt mỏi, không chịu nổi phải bỏ chốt. Nhưng mọi thủ đoạn của chúng đều thất bại. Mỗi lần tấn công lên chốt, là mỗi lần chúng phải kéo xác nhau trở lại với những tiếng hò hét, kêu man dại.

        Điểm cao 384 vẫn đứng vững. Chúng tôi, một tập thể nhỏ bé của trung đoàn 12 đã nổ súng đánh lui quân địch không biết bao nhiêu lần. Một hôm, những tên địch lực lưỡng không tổ chức tấn công như thường lệ mà với vẻ mặt sát khí đằng đằng, miệng gậm dao găm, tay cầm lựu đạn, bò, lết, chia nhỏ, lẻ bám dần lên đỉnh chốt. Nghe nói tiểu đoàn Nam Triều Tiên này mới đổi đến rất giỏi võ Karate, nên chúng muốn đánh theo kiểu đặc công với ta. Rốt cuộc, đội quân "hùng dũng" này cũng bị lựu đạn, B40 và những loạt súng xuyên táo của chúng tôi hất ngược trở xuống.

        Nhớ lại những trận đánh giáp lá cà ác liệt, những hy sinh vô cùng anh dũng của đồng đội trên điểm cao 384, tôi càng thấy lòng se lại vì nhớ, vì thương và vì bao nhiêu nỗi dằn vặt khác... Tôi không thể nhớ cũng không thể kể lại chính xác từng đợt tiến công của địch lên chốt bị  bẻ gây như thế nào. Tuy chỉ có thể kể lại được một phần rất nhỏ, nhưng đối với tôi đó là những kỷ niệm thật sâu đậm.

        Mỗi ngày địch xung phong lên chốt ba, bốn lần. Có ngày chúng hợp đồng với máy bay lên thẳng bắn rốc két và bắn cả đạn giấy ngay trên đầu, rồi đổ quân xuống bên cạnh chốt, hòng trên đánh xuống, dưới đánh lên hất chúng tôi khỏi cao điểm. Cũng có lần chúng dùng các loại súng máy từ điểm cao bên cạnh bắn quét mạnh cho bộ binh áp sát và xung phong lên. Với sự chỉ huy dày dạn của đại đội trưởng Đồng Văn Soạn và trung đội trưởng Nguyễn Tiến Liễu, chúng tôi lần lượt đánh lui quân địch. Hơn lúc nào hết, trung đội chúng tôi được kết thành một khối vững chắc. Tổ này bị uy hiếp, tổ kia chi viện ngay. Cán bộ chỉ cần ra hiệu là chiên sĩ đã biết mình phải làm gì rồi. Khẩu B40 trong tay Kiều Minh Toán đã gây khủng khiếp cho không ít địch.

        Toán và một chiến sĩ nữa được bổ sung lên chốt vào ngày thứ bảy. Nhưng đến nửa đường, chiến sĩ kia quay trở lại. Một mình Kiều Minh Toán vác khẩu B41 lên chốt với chúng tôi. Chúng tôi ôm lấy Toán sung sướng. Vì ai cũng biết rằng trong tình trạng rất gay cấn này, có thêm một người, một cây hỏa lực trên chốt, giá trị biết nhường nào. Cùng ngày Toán lên chốt, trung đội hụt đi 2 người nữa. Đó là Nông Văn Thu và Nguyễn Văn Du. Nông Văn Thu người dân tộc Tày (Bắc Thái), có sức khỏe và nhanh như hổ trong rừng. Lúc bình thường, Thu nhận làm mọi việc nặng nhọc thay đồng đội. Khi nổ súng anh dũng cảm mưu trí lạ thường. Lựu đạn của anh vừa ném hướng này, anh đã lẫn sang bắn quét định ở hướng khác. Nhiều lần phát hiện được Thu, nhưng đại liên và lựu đạn địch không đuổi kịp anh. Anh có một đặc điểm mà cả đại đội ai cũng biết, hễ nổ súng anh hét to: "Giết chết chúng nó đi". Trước khi hy sinh anh nói với tôi: "Đánh nhau phải biết chết vớ". Tôi hiểu ngôn ngữ dân tộc anh có nghĩa: Biết chấp nhận hy sinh để tạo ra lòng dũng cảm. Còn Nguyễn Văn Du, cây xạ thủ trung liên của chốt. Anh phụ trách chặn địch ở một hướng quan trọng. Anh đã làm cho địch đổ nhào, đè lên nhau mà chạy không biết bao nhiêu lần. Nhiêu lúc nhìn anh bắn tôi vô cùng cảm phục. Người Du gày tọp đi, râu tóc bờm xờm dính bết bụi đất và thuốc súng, đôi mắt thâm quầng, trũng sâu vì mất ngủ... Nhưng tất cả mọi khó khăn đã không hề làm giảm độ chính xác đường đạn của anh. Trong lúc trung đội trưởng điều động tôi và Du sang chi viện cho tổ bên cạnh, Du đã trúng một quả lực đạn của địch. Anh hy sinh ngay trên miệng hầm, hai tay còn ôm ghì cây trung liên đã bị gãy nòng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2017, 09:04:59 am »


        Thời gian trên chốt kéo dài đằng đẵng. Sáng thì mong trưa, trưa thì mong chiều, chiều lại mong cho chóng tối. Mỗi ngày trôi qua, chốt chúng tôi lại vắng một, hai người. Lực lượng chi viện của trung đoàn cũng không còn, vì còn phải rải quân tăng cường cho nhiều điểm chốt khác trên chiều dài mười lăm ki-lô-mét.

        Ngày thứ tám, đại đội trưởng có lệnh về họp ở tiểu đoàn. Anh Liễu, trung đội trưởng, tổ trưởng tổ đảng trực tiếp chỉ huy. Với danh nghĩa trung đội nhưng thực tế chỉ còn bốn người.

        Quân số giảm, sức khỏe giảm, hầm hố bị bom, pháo đánh sập gần hết. Trong khi đó khối lượng công việc trên chốt không hề bớt đi. Trước đây, mỗi hướng có hai, ba người thay nay chỉ còn một người đảm nhiệm. Trước đây đánh lui một đợt tiến công của địch đơn giản bao nhiêu thì lúc này khó khăn, phức tạp bấy nhiêu. Chỉ còn một thứ vũ khí lợi hại khiến chúng tôi giữ vững được trân địa đó là "tinh thần". Chính sự hy sinh của đồng đội trước mắt hoặc ngay trên bàn tay mình đã tăng thêm sức mạnh cho chúng tôi. Mỗi lần vuốt mắt cho một người, tôi lại khóc và tự hứa: Nhất định tôi sẽ chiến đấu xứng đáng để trả thù cho các anh.

        Đường 19 vẫn bị trung đoàn chúng tôi khống chế, nhưng một số đoạn địch đã qua lại được. Tuy vậy, nếu địch muốn thông thoát hoàn toàn con đường, nhất thiết phải nhổ bật tất cả các chốt điểm của ta ở phía nam đường, trong đó có trận địa chúng tôi. Vào những lúc yên ắng giữa hai đợt tiến công của địch, chúng tôi nhìn xuống đường 19, nhìn sang chốt cây rui. Bên ấy tiếng súng vẫn còn vang rền không ngớt. Xác xe, xác máy bay lên thẳng cháy trụi vẫn còn nằm chỏng trơ, rải rác trên mặt đường. Chính điều đó đã cổ vũ chúng tôi. Chốt bạn vẫn còn, chúng tôi không đơn đọc.

        Đúng như nhận định của cấp trên: Bị cắt đường 19, địch sẽ phản ứng điên cuồng như con ác thú bị siết mạnh vào yết hầu. Chúng quyết tâm khai thông đường càng nhanh càng tốt. Còn chúng tôi thì được lệnh giữ chốt bằng mọi giá.

        Điểm cao 384 chỉ còn lại bốn người: Liễu, trung đội trưởng, tổ trưởng tổ Đảng,; Toán xạ thủ B41; Thực, chiến sĩ và tôi. Thời gian biểu của chúng tôi là: Địch lên đánh; bom, pháo oanh tạc, vào hầm ngủ. Một người thức cảnh giới cho 3 người ngủ. Anh Liễu thường nói với chúng tôi: "Chắng may trúng đạn thì thôi, còn sống đứa nào phải đánh đến cùng, đánh cho bọn chó đẻ khiếp vía". Với riêng tôi, anh nhận xét: "Cậu đánh khá, không kém cánh lính cũ". Tôi mừng, vì mới trải qua có một tuần lễ mà bản lĩnh chiến đấu của mình đã được anh đánh giá như vậy. Tôi còn nhớ rất rõ trong buổi họp cuối cùng của bốn anh em, anh Liễu nói giọng chắc nịch: Bốn anh em chúng mình đều có chung một mái nhà, đó là điểm cao 384, bằng bất kỳ giá nào cũng phải giữ nó". Anh hạ thấp giọng hơn, như anh dặn dò các em: "Dù hôm nay hay ngày mai, ngày kia anh em mình phải hy sinh, cũng chẳng có gì phải ân hận. Đây là ranh giới giữa vàng và thau..." Lời anh lúc đó sao mạnh mẽ đến thế. Cho tới tận bây giờ, hơn hai mươi năm trôi qua, mỗi lần nhớ lại, lòng tôi vẫn trào lên niềm cảm phục và nhớ thương anh da diết.

        Ngày 18 tháng 4 năm 1972. Sau khi thăm dò, trinh sát bằng cả trên không và trên mặt đất, ba giờ chiều địch tổ chức một đợt tấn công mới, với quy mô lớn hơn và tính chất cũng quyết liệt cũng cao hơn mọi lần. Lúc này Đoàn Văn Thực đã bị thương, trận địa còn ba tay súng. Ba người phải chống chọi với hàng trăm tên địch có đầy đủ hỏa lực chi viện, quả là công việc vô cùng nặng nề với chúng tôi. Địch chia từng tốp xung phong lên chốt theo kiểu sâu đo. Không kịp lắp đạn vào băng, tôi phải khoác trên mình ba khẩu súng. Lúc ấy không hiểu sao lại khỏe như vậy. Nhìn sang bên cạnh, anh Liễu và Toán cũng đang trong tư thế như tôi: Anh nào cũng khệ nệ ba, bốn khẩu súng vừa khoác vai, vừa cầm tay. Ngoài ra còn có những dây lựu đạn treo trên cổ, thắt ngang hông như ngựa thồ. Trận đánh không có thời gian ngừng lại. Bắn hết bằng đạn này, tôi trở đầu bắn sang băng đạn thứ hai. Hết đạn, quẳng súng xuống chân, lấy khẩu súng khác tiếp tục bắn. Tôi học tập các anh cũ, bắn quét mạnh làm cho định nhảy xuống hố bom, rồi chồm lên ném lựu đạn vào đó. Cách này rất hiệu quả nhưng quân địch lại quá đông, lại thay nhau cuốn lên ở cả ba hướng, làm cho chốt có nguy cơ bị mất. Giữa lúc ấy anh Liễu ra hiệu phản xung phong. Tôi hiểu ý anh, tuy chỉ có ba người nhưng nếu biết vận dụng cách đánh, sử dụng vũ khí hiệu quả thì ít cũng thành nhiều, sức mạnh sẽ tăng lên gấp bội, địch không thể biết chính xác được lực lượng của ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2017, 09:20:55 pm »


        Chờ cho một toán địch đến gần, anh Liễu bỗng đứng phắt dậy bắn quét mạnh vào chúng. Tôi và Toán ở hai bên cũng đồng loạt làm như anh. Quân địch bị đánh bất ngờ, vội lăn xuống hố pháo, hố bom, miệng kêu rú thảm thiết. Đúng với ý định của mình, Toán dùng B41 chúc nòng bắn xuống nơi địch đang nằm. Tôi và anh Liễu ném từng quả lựu đạn bồi thêm. Bụi đất, khói đạn, mũ sắt, mảnh quần áo từ các hố bom bay lên tơi tả. Nhưng cũng thời điểm ấy, một khẩu đại liên dưới yên ngựa bắn quét trả lại chúng tôi vô cùng dữ dội. Anh Liễu trúng đạn gục xuống. Tôi và Kiều Minh Toán phải lùi lại công sự.

        Đợt tấn công của địch bị đẩy lùi. Chốt hụt đi một người nữa. Tôi và Toán nhìn nhau im lặng... nhưng đều có chung một ý nghĩ: Hãy yên tâm người còn, chốt còn.

        Trời chưa tối hẳn, tôi bắn súng làm hiệu báo tin chốt vẫn còn, nhưng phải cấp cứu ngay. Nhận được tín hiệu, đại đội trưởng Soạn không kịp đợi trời tối, đang ở tổ thông tin dưới chân đồi, đã vượt qua tầm đạn địch lên chốt ngay. Nhưng chỉ mười lăm phút sau, anh đã hy sinh trong một đợt tấn công của địch lên chốt. Vậy là trên điểm cao 384 vẫn chỉ còn hai người. Tôi và Kiều Minh Toán. Không khí nặng nề, căng thẳng đến tột độ. Toán bặm môi, vằn mắt nhìn tôi và chỉ về phía địch thét: "Phải giết chết bọn chó kia đi". Lúc này không thể nói gì với Toán để anh hiểu lòng tôi. Vì bắn quá nhiều B41, Toán đã bị điếc. Thông thường một xạ thủ B41 chỉ bắn ba quả liên tục đã bị ù tai. Đằng này Toán đã bắn hàng chục quả. Toán vỗ vai tôi: "Bình tĩnh nhá, tao còn, mày còn. Bọn chó đẻ không dễ dàng làm được gì đâu". Tôi chỉ biết gật đầu và mỉm cười, nắm chặt tay anh.

        Mặt trời sắp lặn, dải núi hùng vĩ phía nam đường 19 hừng lên một màu vàng dịu. Gió biển từng đợt thổi lên, tạm thời xua đi nối mệt nhọc, căng thẳng trong suốt một ngày nổ súng. Tôi bỗng mơ ước có một đêm hay một ngày trận địa yên tĩnh để cho lá phổi chứa đầy khói đạn được thở không khí trong lành. Nhưng sự mất mát trời cho ấy thật ngắn ngủi. Địch tiếp tục tấn công. Lúc này Thực tuy bị thương khá nặng, nhưng không chịu nằm trong hầm đã bò ra cầm súng và lựu đạn xin chặn địch ở một hướng.

        Trời chạng vạng tối, quân địch vẫn tiêp tục bò lên. Hàng chục tên bị chúng tôi bắn tỉa, lăn xuống dốc. Nhưng chúng tôi cũng đã quá mệt mỏi. Nhiều lúc đầu óc chếnh choáng, tay chân rã rời muốn quỵ xuống. Bên cạnh tôi, Toán bắn B41 hết quả này đến quả khác. Máu tươi rỉ ra hai bên lỗ tai, nhỏ xuống vai nhưng Toán không để ý. Có lẽ lúc này anh đã bị điếc hoàn toàn. Anh liên tiếp ra lệnh cho tôi: "Minh, bóc liều phóng cho tao", "Minh, đưa đạn đây! nhanh lên". "Minh...". Bắn xong quả đạn ấy Toán nhận trọn một quả lựu đạn của địch vừa tung lên. Anh hy sinh. Còn mình tôi, sau khi bắn hết băng đạn cuối cùng, người bỗng thấy lâng lâng. Tôi thiếp đi lúc nào không biết.

        Khi tôi tỉnh lại thì trời đã tối hắn. Toàn khu vực cao điểm và khu thung lũng dưới đường 19 trở thành một màu đen thẫm. Quân địch đã tràn lên chốt. Điểm cao 384, mái nhà thân yêu của trung đội đã rơi vào tay địch. Đau đơn, uất ức, nhưng tôi biết làm gì khi chỉ còn một mình, dở thương, dở lành, súng đạn không còn, chung quanh là quân địch? Lợi dụng vào những xác chết, tôi bò xuống tổ thông tin. Xuống đến đây tôi mới biết trước đó trung đoàn đã điện xuống cho chúng tôi rút lui. Vậy là chỉ có một mình tôi rời khỏi trận địa. Tám đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại trên điểm cao 384 bên cạnh đường 19.

        Từ đó, tôi đã mang nặng lòng căm thù quân thù và tình yêu thương đồng đội vào các chiến dịch ở Gia Lai, Bình Định và nhều nơi khác trên chiến trường miền Nam. Tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, được thưởng nhiều huân chương nhưng vẫn luôn cảm thấy chưa trả được mối thù cho các anh trong trung đội. Tôi như thấy mình còn mang nợ các anh, một món nợ không thể tính bằng vật chất.

        Qua bài viết này, tôi có một ước muốn, nếu có điều kiện, sư đoàn với địa phương hãy dựng trên điểm cao 384 một bia kỷ niệm ghi tên tuổi tám liệt sĩ vào đó. Như vậy, thế hệ mai sau vẫn còn thấy sự hy sinh anh dũng của các anh. Các anh không cô đơn, lạnh lẽo. Các anh được sống mãi trong lòng đất nước.

        Cho đến hôm nay, được sống hạnh phúc bên vợ, con, bè bạn, tôi vẫn không sao nguôi được kỷ niệm về đồng đội, về chiến tranh, về điểm cao 384. Và có lẽ những kỷ niệm ấy sẽ còn nguyên vẹn trong tôi không phải mười năm, hai chục năm.. mà nó còn theo tôi mãi mãi...

Hà Bắc, tháng 11 năm 1993       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2017, 09:19:51 am »

     
MỘT ĐÊM Ở SỞ CHỈ HUY SƯ ĐOÀN

HÀN DỊU TRANG       

        Hơn 40 năm trong quân ngũ là quãng thời gian quá dài, quá nhiều đối với cuộc đời một phụ nữ như tôi. Vì vậy, có biết bao chuyện vui, buồn xen lẫn trong khoảng thời gian đằng đẵng ấy. Có chuyện dễ dàng phai mờ đi theo năm tháng. Nhưng cũng có những kỷ niệm  tôi càng chôn chặt trong ký ức, lại sáng ngời lên trong đời sống hiện tại.

        Vợ chồng tôi chia tay nhau lần đầu năm 1964. Anh vào chiến trường miền Nam. Tôi ở lại miền Bắc tiếp tục học thêm chuyên môn và chăm sóc ba con nhỏ. Hơn một năm sau, cuối năm 1965 tôi cũng theo bước chồng tôi vào chiến trường, với cương vị quân y sĩ khoa sản. Nhiệm vụ của tôi là chăm sóc sức khỏe trung đoàn nữ thanh niên xung phong trên đường dây 559. Trung đoàn chúng tôi toàn là những cô gái khỏe mạnh từ Thanh Hóa, Quảng Bình, Nam Định, Ninh Bình và một số tỉnh miền Bắc khác, tuyển chọn vào đây. Vậy mà chỉ trong một thời gian, bom đạn, ốm đau, bệnh tật, đói khát và biết bao khó khăn, phức tạp của nữ giới đã làm chúng tôi xuống sức một cách nhanh chóng. Chỉ mới một năm làm việc ở đường Trường Sơn mà các cô gái trẻ đẹp đã mất đi phần lớn vẻ duyên dáng, mượt mà của giới mình.

        Biết được sức khỏe và khó khăn của trung đoàn, cấp trên đã điều động toàn đơn vị trở ra miền Bắc điều dưỡng và công tác ở tuyến ngoài. Tôi được các anh cấp trên cho biết, chính Bác Hồ sau khi nghe báo cáo về cuộc sống của chúng tôi ở Trường Sơn đã chỉ thị đưa trung đoàn chúng tôi ra Bắc.

        Cuối năm 1967, sau khi tốt nghiệp bác sĩ, tôi tiếp tục làm đơn xin vào chiến trường miền Nam một lần nữa. Tôi tâm niệm rằng mình sinh ra trên đất miền Nam thì không lý do gì lại vắng mặt trong cuộc chiến tranh giải phóng chính quê hương mình. Một điều khác cũng không kém lôi cuốn, thôi thúc tôi là sẽ có cơ hội gặp chồng tôi. Thực tế đã có không ít các cặp vợ chồng gặp nhau ở chiến trường. Các anh ở Cục Quân y và Bộ Quốc phòng không muốn cho tôi đi với lý do, chồng tôi đã đi rồi, các con tôi còn nhỏ... Một vài bạn thân cũng khuyên can, nhưng ý tôi đã định, tôi quyết thực hiện cho bằng được. Và thế là tôi trở lại chiến trường lần thứ hai. Lần này tôi được quân khu giao nhiệm vụ làm việc tại khoa Quân y Viện 17 ở trên đất Quảng Nam, quê hương thân thiết của tôi. Chồng tôi, khi đó làm sư đoàn trưởng sư đoàn Sao Vàng đang chiến đấu ở chiến trường Bình Định.

        Sau một thời gian công tác ở Quảng Nam, tôi đề nghị Quân khu cho phép vào Bình Định thăm chồng. Anh Chu Huy Mân, anh Giáp Văn Cương, anh Đặng Hòa và anh Nam Khánh và các anh trong bộ Tư lệnh hồi đó tính toán mãi, cuối cùng mới đồng ý cho tôi đi. Anh Chu Huy Mân còn nói vui: "Nếu sư Ba cần cô Trang cứ ở lại trong đó, chúng tôi không "truy tìm" đâu mà lo".

        Được các anh đồng ý cho đi, tôi mừng đến chảy nước mắt. Tôi vội thu xếp khăn gói lên đường cho kịp với đoàn anh Nam Khánh, anh cũng về sư đoàn.

        Quãng đường từ Quảng Nam vào Bình Định thật khó khăn, cực nhọc. Suốt ngày leo dốc, lội suối đá, tránh bom tọa độ. Càng vào sâu các tỉnh ở miền trong, mức độ ác liệt, khó khăn càng không thể tưởng tượng nổi.

        Dọc đường vào, tôi gặp từng đoàn, từng tốp người ra, vào tấp nập, khiến tôi càng quyết tâm đi cho đến đích. Nhưng sức tôi có hạn. Bệnh sốt rét đã níu chân tôi. Mấy ngày đầu còn theo kịp anh Nam Khánh, sau tôi sợ ảnh hưởng đến kế hoạch của đoàn nên lùi lại đi một mình. Và cứ như vậy, ngày đi, đêm nghỉ. Có ngày đến được trạm giao liên nhưng cũng nhiều lần mới đi được nửa đường thì trời đã tối. Nghe anh em giao liên nói, nếu phải dừng lại giữa đường thì nên ngủ ở một hòn đá giữa suối nước, nếu không sẽ bị hổ ăn thịt. Vậy là hôm nào không tới được trạm, tôi tìm một hòn đá lớn giữa suối, ngồi tựa vào ba lô mà ngủ gà ngủ gật cho hết đêm. tuy vậy, tôi không núng. Gian khổ, nguy hiểm không còn là vấn đề chủ yếu, tôi chỉ nóng lòng mong vào tới Bình Định. Và nếu cần, tôi sẽ ở lại sư đoàn như một chiến sĩ quân y, để có điều kiện chăm sóc, lo cho sức khỏe của chồng tôi.

        Khắc đi, khắc đến, đúng như vậy. Vào một buổi trưa, tôi tới sở chỉ huy sư đoàn Sao Vàng. Một anh cán bộ, hông đeo súng ngắn còn trẻ nhưng đôi mắt trũng sâu, thâm quầng có lẽ vì mất ngủ, xem giấy tờ rồi nói với tôi:

        - Mời chị tạm nghỉ ở nhà khách, họp xong thủ trưởng sẽ ra ngay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2017, 03:25:56 am »


        "Nhà khách" nói cho sang vậy thôi, thực ra chỉ là cái lán lợp lá nón nâp dưới một lùm cây, giống như lán nghỉ của chị em chúng tôi ở đường dây 559. Nhưng không hề gì, tôi đã quen với chiến trường từ lâu.

        - Từ đây đến chỗ anh Giang còn bao xa, đồng chí? - Tôi hỏi:

        - Gần thôi chị ạ, chỉ năm phút đi bộ.

        - Vậy thì cho tôi vào có được không?

        - Dạ, không được, sư trưởng nguyên tắc lắm, chị thông cảm.

        - Chả lẽ nguyên tắc lại áp dụng luôn cả với vợ mình - Tôi vừa nói vừa cười. Anh cán bộ trẻ vui vẻ đáp:

        - Chị cũng là cán bộ, lại là vợ thủ trưởng, chắc chị hiểu tính nguyên tắc của thủ trưởng. Nhất là ở thời điểm này, đơn vị đang triển khai tác chiến. Nghe anh cán bộ nói vậy, tôi thầm nghĩ: Đúng, anh Giang là người sống nguyên tắc. Nguyên tắc với chính mình và những người xung quanh, kể cả vợ con.

        Nghe chừng thuyết phục anh cán bộ bảo vệ không xong, tôi đành vào lán mắc võng nghỉ. Bấy giờ trong đầu óc tôi bâng khuâng một câu hỏi: Tại sao biêt vợ lặn lội vào đây mà anh ấy không ra đón? Trước đó mấy mấy phút, tôi tưởng tượng khi biết vợ đến thăm anh sẽ dừng họp ra đón ngay. Mấy năm rồi còn gì. Lúc đó tôi sẽ sà vào lòng anh mà khóc, mà kể anh nghe hai lần vào chiến trường, chuyện các con gửi quà cho bố. Chuyện bị địch phục kích ở sông E - mơ, bị đạn bắn vỡ hết cả ba lô kính lão, mà người không việc gì. Rồi chuyện ô tô bị đổ ở trạm Buôn Phiên mà anh em gọi đùa là trạm "Buồn Phiền", mình bị gãy xương vai và bàn chân. Chị Tùng, vợ anh bí thư tỉnh uỷ Đắc Lắc chết tại chỗ... còn một chuyện khác cũng rất buồn cười mà tôi cũng muốn kể cho anh. Đó là chuyện khi tôi làm đơn tình nguyện vào chiến trường, lẽ ra phải "Kính gửi đồng chí Phạm Ngọc Mậu", không hiểu thế nào tôi lại viết "Kính gửi đồng chí Hồ Tùng Mậu". Anh Mậu gặp tôi vừa cười vừa nói đùa: "Này cô Trang ơ, tôi là Phạm Ngọc Mậu, còn cụ Hồ Tùng Mậu đã đi thăm các cụ Các Mác lâu lắm rồi, muốn gửi đơn cho cụ ấy cô phải gặp Diêm Vương chớ sao lại đưa cho tôi". Biết mình nhầm lẫn một cách ngớ ngẩn tôi ngượng chín cả người.

        Thế rồi cái câu hỏi "Tại sao anh ấy không ra đón?" lại xuất hiện trong đầu tôi. Tôi bỗng thấy tủi thân. Cổ họng nghẹn đắng, nước mắt trào ra lúc nào không biết. Giận hay ghen, tôi cũng không rõ. Tôi có nghe nói các thủ trưởng thường được các cô y tá, công vụ tuyển chọn từ đồng bằng lên, chăm sóc rất tận tình. Và biết đâu đấy, anh Giang cũng chỉ là người bằng xương bằng thịt... Tôi hết đứng lại ngồi , rồi đung đưa cánh võng nhìn cây rừng, nghe tiếng ve sầu kêu, nghe vượn hú từng hồi, càng thấy lòng bồi hồi, não ruột. Không đói, nhưng tôi vẫn bốc từng nắm sắn trà mà đồng bào dân tộc mới gửi cho, nhai ngấu nghiến để đốt cháy thời gian. Chốc chốc tôi lại hỏi anh cán bộ bảo vệ: "Chú ơi, tôi phải chờ bao lâu nữa?... "

        Mối một phút chờ đợi lúc này sao dài đằng đẵng. Tôi bỗng nghĩ ra cách dỡ toàn bộ ba lô rồi xếp lại, để giết thời gian. Nhưng thực ra, trong ba lô chẳng có gì nhiều. Vài bộ quần áo. Một hộp thuốc quân y. Nhưng khi xếp đến gói quà của các con gừi cho bố thì tôi thấy bủn rủn cả tay chân. Ôi các con bé bỏng đáng thương của mẹ. Hiện các con đang sống ra sao?... Tôi bần thần dỡ ảnh của Trinh (con lớn), của Lê (con thứ hai), của Phương (con gái út) ra xem. Các con tôi đang mỉm cười như kích lệ lòng kiên nhẫn của tôi. Các con còn hát; còn đọc thơ thu vào băng cát - sét gửi cho bố. "Giá bố nó biết, chắc mừng lắm" - Tôi nghĩ thầm như vậy.

        Cho đến chiều, đồng chí liên lạc mới ra trạm, mời tôi vào gặp "thủ trưởng". Tôi vẫn còn bực mình anh ấy quan cách quá, chỉ dăm phút đồng hồ mà không thèm ra đón. Còn mình ... mình đã lặn lội hàng ngàn dặm đường...". Nhưng thôi, trách anh ấy làm gì, lúc này người chỉ huy còn có biết bao nhiêu việc... hãy bỏ qua cho anh ấy. Tôi tự nhủ và thấy thanh thản hơn.

        Đúng như anh cán bộ ở trạm nói, năm phút sau tôi đã tới sở chỉ huy tiền phương sư đoàn. Nhìn thấy anh Giang, tôi định chạy nhào đến ôm chầm lấy anh sau những năm xa cách. Nhưng nhìn ánh mắt không vui, không buồn của anh, tôi sững lại ngay. Tôi cố kìm nén để không bật ra tiếng khóc vì tủi thân. Cũng may, anh Nam Khánh, anh Huỳnh Hữu Anh, anh Sơn Diệp trong ban chỉ huy sư đoàn đều có mặt, chúc mừng buổi hội ngộ đặc biệt của vợ chồng tôi. Mới nói chuyện qua loa được một lúc, anh Giang bỗng đứng dậy nói với mọi người: "Thôi ta hành quân cho kịp".
Logged

Trang: 1 2 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM