Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 01:52:40 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức sư đoàn  (Đọc 8942 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2017, 11:04:47 pm »

       
        Vậy là lại hành quân. Anh Giang và ban chỉ huy sư đoàn đi trước, tôi đi sau với cơ quan. Một đồng chí cán bộ tác chiến cho biết, chiến dịch đã bắt đầu. Và sở chỉ huy đang dời đến một quả đồi gọi là Hòn Nọc, để chỉ huy cả hai hướng Mỹ Trinh, Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ) và khu thung lũng Hoài Ân. Anh cán bộ giải thích, thời điểm này, chiến trường Bình Định đặc biệt gay cấn. Sư đoàn không vận số một của Mỹ qua hai mùa khô đã rút đi, nhưng chúng lại đưa lữ đoàn xe tăng vào thay thế. Vậy là hết "không vận", ta lại phải đối phó với "thiết xa vận", hết "kỵ binh bay" lại phải đánh "kỵ binh thiết giáp". Đối tượng nào cũng có cái mạnh kinh khủng. Vì vậy sư đoàn Sao Vàng vừa đánh, vừa phải tìm ra cách đánh. Anh cán bộ vừa đi vừa nói một cách bình thản rằng, cũng đã có những trận ta tập kích diệt được hàng chục xe tăng, hàng đại đội lính bộ binh Mỹ. Nhưng xem ra vẫn chưa ổn, ỷ vào số đông, chúng chưa hề chùn bước. Hàng trăm xe tăng, xe bọc thép có phi pháo yểm trợ hàng ngày vẫn chia thành nhiều hướng càn dọc, quét ngang ở vùng giáp ranh hai huyện Phù Mỹ và Hoài Ân. Còn đối với ta ý chí thì dư thừa, nhưng vũ khí chống tăng thì lại quá thiếu. Vậy có đánh được hay không, có hạ được uy danh của "kỵ binh thiết giáp" như hạ uy danh "kỵ binh bay" được hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào cái đầu của những người chỉ huy. Đó là điều nhức nhối nhất, không những chỉ với sư đoàn, mà cả quân khu, cả địa phương đang tập trung giải thoát cho được.

        Vốn làm nghề y, nên khi nghe anh cán bộ tác chiến nói về chiến thuật, về vũ khí và về cách đánh v.v... tôi chỉ hiểu được một phần. Nhưng tôi biết đại thể, tại khu vực giáp ranh này đang diễn ra một cuộc đọ sức hết sức quyết liệt. Một bên là sư đoàn Sao Vàng mà chồng tôi đang làm sư đoàn trưởng và các lực lượng địa phương tỉnh Bình Định. Một bên là hàng trăm xe tăng, hàng ngàn lính Mỹ, chưa kể đến lực lượng quân nguỵ cộng hoà, lính bảo an và phi pháo dày đặc. Tôi đã hiểu phần nào và càng thấy lo cho anh.

        Vừa hành quân, tôi vừa tìm cách dò hỏi về tình cảm cuả chồng tôi đối với người chung quanh, đặc biệt là các cô gái phục vụ, còn rất trẻ. Biết đâu ở chiến trường lâu ngày, xa vợ, xa con lại là người chỉ huy cao nhất... Tôi cố nén cơn ghen tức chợt bùng lên, làm như vô tình hỏi anh cán bộ đi cùng:

        - Này, khi thủ trưởng nghỉ ngơi, các cô y tá, công vụ có phục vụ chu đáo hay không?

        - Có chứ - Anh cán bộ trả lời hồn nhiên.

        - Vậy họ ngủ chung hầm bò hay sao?

        - Không, cái đó không. Thủ trưởng ở hầm riêng, cần cái gì thủ trưởng mới gọi.

        Thế cũng đủ rồi... tôi không hỏi thêm câu nào nữa. Hèn gì anh ấy lạnh nhạt với tôi thế. Cái máu phụ nữ của tôi lại nổi lên như một cơn lốc khiến tôi hết sức đau đớn.

*        

*       *

        Sở chỉ huy tiền phương sư đoàn đóng trên mỏm một quả đồi cây xanh. Ở đây có thể quan sát được cả khu vự đồng bằng và vùng giáp ranh rừng núi. Tôi không thông thao địa hình, nhưng anh Giang nói điểm cao này rất bất ngờ, có thể tránh được bom B52 và thuận tiện cho việc chỉ huy tác chiến.

        Đêm ấy, mồng 3 tháng 5 năm 1968, sư đoàn đã dàn đội hình chuẩn bị nổ súng. Vợ chồng tôi nghỉ ở một căn hầm bò. Các chú vệ binh, công vụ rất khéo tay đã ken những cây rừng thành bàn, ghế và cả chõ nghỉ lưng nom phẳng phiu xinh xắn. Vốn đã sống ở Trường Sơn mấy năm, tôi thấy chỗ nghỉ thế này cũng sang lắm rồi. Dưới ánh đèn dầu nhỏ, tôi nhìn anh, anh nhìn tôi... rồi bỗng dưng anh ôm chầm lấy tôi. Tôi khóc. Bao nhiêu nghi ngờ, phiền muộn như được bù đắp. Anh gầy tọp đi. Tôi xúc động đến ngạt thở, một lát sau mới tỉnh táo trở lại được. tôi cười, tay với ba lô định khoe với anh món quà các con gửi vào cho bố mà tôi đã giữ gần một năm nay. Nhìn nét mặt, tôi thấy anh nghiêm hẳn và trầm lặng. Tôi thầm hiểu anh có điều gì đó băn khoăn chưa tiện nói ra. Im lặng một lúc anh hỏi:

        - Em vào đây làm gì?

        Chao ôi, nghe anh hỏi mà tim tôi se thắt lại... Tôi thầm nghĩ: Ba năm trời xa cách nhau, hôm nay mới gặp mà sao anh lạnh lùng đến thế. Song tôi vẫn giữ vẻ bình thản trả lời:

        - Em đến thăm anh. Nếu có điều kiện em sẽ ở lại công tác và gần gũi chăm sóc anh. Vừa nói tôi vừa trao gói quà các con gửi cho anh.

        Anh cầm gói quà một cách thờ ơ, rồi để ngay xuống góc bàn. Nhìn cử chỉ nét mặt của anh, tôi bỗng choáng váng, nghẹn ngào.

        - Sao lại thế anh Giang? - Tôi như người hụt hơi, nói không ra tiếng, nước mắt trào ra giàn giụa.

        - Anh Giang ơi, chẳng nhẽ mấy năm mới gặp nhau, có biết bao chuyện cần nói, cần bàn... anh không muốn nghe sao? Biết thế em chẳng cần xông pha vào nơi bom đạn, xa xôi này làm gì... hay anh đã thay lòng đổi dạ với mẹ con em. Anh cứ nói đi. Em đủ sức chịu đựng tất cả.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Tư, 2017, 06:33:31 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2017, 06:33:02 am »


        Tôi dằn hắt, hờn dỗi. Anh không nói, chỉ lắc đầu và ôm chặt tôi hơn như sợ tôi tuột khỏi vòng tay. Một lúc sau anh mới nhỏ nhẹ nói:

        - Hãy hiểu cho anh, Trang.

        - Từ trước đến nay em hiểu, nhưng bây giờ thì em không thể hiểu.

        - Em hãy thương anh và hiểu anh một cách đầy đủ.

        - Vậy anh muốn em hiểu thế nào về người chồng không muốn gần vợ?

        - Anh thương yêu em, thương yêu các con hơn bao giờ hết, đặc biệt là lúc này.

        - Thương mà anh lạnh nhạt với mẹ con em như vậy đó. Thương mà không muốn cho em ở gần. Thương mà anh chẳng hỏi han gì đến các con từ khi anh vào chiến trường. Thương mà anh ... - Tôi chì chiết. Anh vẫn ngồi yên. Bất giác tôi nhìn mặt anh. Anh khóc. Đây là lần thứ hai tôi thấy anh khóc. Lần thứ nhất anh khóc trước mẹ tôi.

        - Vào thăm anh thì được, nhưng ở lại thì không được.

        - Vì sao?

        - Chiến tranh mà. Chúng mình còn có các con nhỏ...

        - Em đã thu xếp đâu vào đó cả rồi.

        - Cũng không ổn, ở chơi với anh đêm nay, sáng mai em phải về quân khu ngay. Có vậy anh mới yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà anh sẽ về ở với mẹ con em mãi mãi - Anh thở một hơi dài như lấy sức trước khi làm một công việc nặng nhọc, rồi nói tiếp - Trang ơi, em đừng day dứt anh mà tội nghiệp cho cả hai người. Không lúc nào anh quên em và các con. Khi vào chiến trường anh đã giấu một tấm ảnh em và các con vào gấu áo, để lúc nào anh cũng có em và con bên cạnh.

        Anh nói nhỏ nhẹ, từ tốn, khiến lòng tôi dịu đi. Anh nhắc tới những kỉ niệm khi tôi còn là y tá phục vụ ở Bệnh viện quân y 108, vì thương yêu anh mà tôi bất chấp hoàn cảnh để kết tóc xe tơ cùng anh. Hoàn cảnh anh ngày đó thật éo le. Anh đi Nam tiến năm 1946, vợ ở nhà bị bọn cường hào ức hiếp đến chết. Đứa con gái duy nhất của anh, cháu Lê Trinh côi cút, đói rách, bệnh tật, không nơi nương tựa... Sau khi tập kết ra Bắc năm 1954, anh mới tìm được con gái và gặp tôi. Rồi chúng tôi xây dựng với nhau. Cháu Trinh coi tôi như mẹ đẻ.

        Hồi đó năm 1957, anh là trung đoàn trưởng nhưng chưa có chế độ lương. Mỗi tháng hai mươi nhăm đồng phụ cấp. Tôi làm ở khoa phụ sản trong bệnh viện. Có lần sơ ý để mất tiền của bệnh nhân anh đã phải bỏ số phụ cấp ít ỏi của mình trừ nợ dần cho tôi. Nhưng cái đó không quan trọng, khó khăn nhất là bà mẹ tôi không chịu nhận anh làm con rể, vì anh đã có một đời vợ và có con.

        Mẹ rất thương nó, nhưng mẹ không đồng ý cho con làm vợ lẽ - Mẹ tôi nói.

        Một buổi sáng, tôi đưa anh đến gặp mẹ. Với nét mặt buồn rầu anh nói:

        - Thưa mẹ, chúng con yêu thương nhau thực sự. Trang đã rất hiểu hoàn cảnh của con... Mẹ cho phép chúng con xây dựng với nhau. Con không còn cha, còn mẹ, cháu nhỏ cũng mất mẹ - Nói đến đó anh khóc. Mẹ tôi ngồi yên như pho tượng Phật - Nếu xây dựng với Trang - Anh nói tiếp - Đời con còn có thêm tình thương của người mẹ mà bao năm con đã mất. Nghe nói đến đó, mẹ tôi đứng dậy ra ngoài sân chấm nước mắt. Khi vào trong nhà mắt mẹ còn đỏ hoe. Mẹ cầm lấy tay anh và cầm tay tôi chập lại với nhau rồi nói với giọng xúc động: "Thôi, Giang con đừng nói nữa, mẹ đồng ý cho các con xây dựng với nhau. Các con hãy mãi mãi thương yêu nhau... ".

        Ngọn đèn dầu trong hầm lúc mờ lúc tỏ. Thi thoảng gió lọt vào lay động khiến nó nghiêng ngả, làm cho khuôn mặt anh vốn gầy trở nên hốc hác hơn. Nhìn chồng, tôi như đứt từng khúc ruột. Còn anh, anh vẫn đăm chiêu nhắc lại chuyện cũ. Nhắc lại chuyện đưa cô dâu từ Bắc Giang về làng Giàng, Lục Ngạn hơn hai chục cây số bằng xe trâu của chú em. Cưới nhau rồi, chúng tôi vẫn ở trạm khách 354 (phố Đội Cấn), tài sản chẳng có gì đáng giá. Anh còn đọc bài thơ tôi viết sau ngày cưới, trong đó có câu "Màn không, chăn thiếu, gần nhau ấm rồi..."

        Nói chuyện với tôi trong hầm, nhưng chốc chốc anh phải dừng lại im ắng nghe ngóng. Bên ngoài sở chỉ huy có tiếng lao xao. Tôi đoán chừng các anh trong Ban chỉ huy cũng không ngủ, đang giải quyết công việc khi vắng anh. Biết vậy, nhưng tôi tảng lờ như không có chuyện gì xảy ra, mong giây phút êm ả bên nhau được kéo dài thêm. Khoảng nửa đêm, có tiếng bom B57 và tiếng pháo biển gầm rít, rền rĩ ở dãy núi bên cạnh. Anh choàng dậy đi ra ngoài, nét mặt lộ rõ vẻ lo lắng. Lát sau anh trở vào ngồi xuống, buồn rầu nói với tôi: "Không khéo nó đánh trúng đội hình hành quân của ta...".

        Gần sáng. Không gian lúc đó im lặng thật dễ sợ. Không tiếng súng, không tiếng người, không tiếng côn trùng, không cả những ánh pháo vàng bợt từ phia Phù Mỹ dội sang...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2017, 06:02:22 am »


        - Em còn điều gì băn khoăn nữa không? - Anh hỏi tôi.

        Được dịp thổ lộ rõ ý định của mình. Trước tiên, tôi dở gói quà của các con gửi cho anh. Trong đó có ba lá thư, một cuộn băng cát - sét. Con gái út còn gửi cho bố một con búp bê ngộ nghĩnh nữa. Anh chăm chú lật từng trang thư. Tay anh run run, hình như anh khóc. Tôi không nói gì, cứ để cha con anh tâm sự với nhau. Không khí trong căn hầm bò chật chội lúc này mới dễ chịu làm sao? Khi thấy anh thẫn thò xếp lại những tấm ảnh, tôi mới ngỏ với anh ý định xin ở lại sư đoàn. Vừa nghe, anh đã nhìn thẳng vào mắt tôi, như trách móc, như thương cảm. Anh bảo rằng đời anh có hai việc lớn phải làm. Việc thứ nhất là giải phóng quê hương: Hà Bắc là nơi anh sinh ra, con miền đất Phú Yên - Khánh Hoà là nơi anh trưởng thành. Việc thứ hai là giải phóng hoàn toàn miền Nam. Mặc dù anh góp sức mình đã quá nửa đời người, nhưng cả hai việc lớn đấy vẫn chưa hoàn thành. Nhưng anh sẽ phấn đấu suốt đời để cho đạt được hai mục đích ấy. "Đây cũng là lời nguyền của anh không thể không làm được. Vì vậy, em cần giúp anh...".

        - Thì em có cản trở gì anh đấu. Em chỉ mong được ở gần anh, giúp đỡ anh dù ở cương vị nào cũng được.

        Anh ngồi bần thần ngẫm nghĩ một lúc lâu. Tôi mừng là mình đã thuyết phục được anh. "Nếu ở sư đoàn bộ không tiện em sẽ xuống bệnh xá". Tôi nói thêm. Anh thở dài, không trả lời vào đề nghị của tôi.

        - Em biết không, sư đoàn này đã chiến đấu liên tục ba năm. Ba năm trời đã cướp đi gần một vạn sinh mạng, tương đương với quân số của một sư đoàn. Mới ngày hôm nay thôi, cũng đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thương vong. Nếu cứ cái đà này, sự tổn thất của đơn vị còn đến mức độ nào nữa?... Anh rất thương yêu em và các con, nhưng anh không thể chấp nhận em ở lại - Rồi anh nói về bộ đội - Sau đợt tiến công đầu năm, địch có phần hồi phục, và dồn đẩy sư đoàn đến giai đoạn khó khăn hơn. Ngay bữa cơm của sư đoàn trưởng cũng chỉ được một phần ba là gạo. Bộ đội hy sinh bằng hàng trăm cách khác nhau. Đánh đồn, hy sinh. Đi công tác , hy sinh. Chống càn, hy sinh. Mưa lũ, núi lở cũng hy sinh. Bắn nhầm nhau, hy sinh. Đói quá tự động đi nhổ sắn của đồng bào dân tộc, trúng cạm bẫy cũng hy sinh. trong chiến đấu trực tiếp với địch hy sinh một phần, thì hy sinh ngoài chiến đấu có khi đến hai, ba phần. Rồi anh nói đến công việc của người chỉ huy, mỗi ngày có đến hàng trăm báo cáo điện khẩn của cấp dưới và hàng chục mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên; cái nào cũng phải xem ngay, giái quyết ngay. Anh bảo mỗi khi bước vào chiến dịch anh không còn thời gian để nhớ, để buồn và để làm  bất cứ việc gì riêng tư...

        Nghe anh nói, tôi không nghi ngờ gì tình cảm tốt đẹp và sâu sắc của anh. Nhưng tôi vẫn muốn ở lại sư đoàn với động cơ hoàn toàn khác. Tôi muốn chia sẻ với các chiến sĩ mọi sự gian khổ, ác liệt một cách chân thành. Nghĩa là cùng sống, cùng chết với anh em. Thoạt nghe anh có vẻ dìu dịu, gật đầu. Anh nói với tôi có thể về bệnh xá, và không một ưu tiên nào so với mọi người. Tôi cũng chỉ mong vậy. Tôi thở phào, đinh ninh chuyện đã xuôi. Nhưng vài phút sau, anh bỗng đứng dậy xua xua tay:

        - Không được, không thể được, dù sao anh em ở bệnh xá cũng không nỡ để em khổ sở, vất vả và như vậy sẽ không công bằng. Thôi, anh đề nghị em dừng ngay ý kiến đó lại - Rồi anh nói như ra lệnh: - Đêm nay thăm anh là được rồi. Từ ngày mai, chiến dịch chuyển sang đợt hai, chúng mình không còn điều kiện chuyện trò nữa đâu - Giọng anh bỗng trùng xuống, tha thiết - Nếu còn thương yêu anh, còn tin anh, em hãy nghe anh! Anh không muốn bàn đến chuyện này nữa!

        Một loạt pháo nổ như sấm rền xung quanh sở chỉ huy. Khói, bụi mù mịt tràn vào hầm. Đèn vụt tắt. Hết loạt pháo nổ, khói tan, tôi nhìn ra cửa hầm thì trời đã sáng.

        Bên ngoài, tiếng anh Nam Khánh, anh Huỳnh Hữu Anh và các anh trong cơ quan gọi nhau đi giao ban.

        Anh lặng lẽ đứng dậy phủi bụi đất trên tóc, trên vai tôi. Rồi bất chợt anh ôm ghì chặt tôi vào lòng... anh nói với giọng đượm buồn:

        - Thôi ta chia tay ở đây. Anh không đưa tiễn em được, hãy hiểu cho anh.

        Tôi chưa kịp phản ứng thì anh đã quay ra thật nhanh. Tôi bàng hoàng, sững sờ đứng nhìn cái dáng cao, gầy của anh chui ra khỏi căn hầm. Tôi cũng thu xếp ba lô chuẩn bị lên đường. Cậu Thành, y tá cơ quan lúc ấy đã xách hai cái gói nhỏ, bọc ny lông xanh. Thành nói với tôi:

        - Sư đoàn nghèo lắm, chỉ có vài lạng đường và ít gạo rang tặng chị. Chúng em chúc chị và các cháu mạnh khoẻ. Chị đi đường an toàn.

        Hôm ấy là sáng mùng 4 tháng 5 năm 1968.

        Một đêm ở sư đoàn sao mà ngắn ngủi. Nó ngắn ngủi tới mức tôi tưởng như trong đời không có đêm ấy. Vậy mà nó đã để lại một dấu ấn sâu đậm nhất trong suốt cuộc đời của tôi.

Hà Nội, tháng 12 năm 1994       
Tiến Đích ghi.               
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2017, 09:35:24 am »


CHUYỆN NHỎ KHÓ QUÊN

Hà Văn Công       

        1. THỦ TRƯỞNG ĂN CHÁO, ANH EM ĂN GÌ

        Để chuẩn bị cho chiến dịch Đông Xuân 1966 - 1967 sư đoàn tổ chức một đoàn cán bộ của ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần đi trước. Đoàn do đồng chí Huỳnh Hữu Anh, sư đoàn phó kiêm tham mưu trưởng chỉ huy.

        Từ phía bắc tỉnh Bình Định, chúng tôi xuyên rừng, lội suối đi về phía Tây Nam tỉnh. Thời gian này, vào cuối mùa khô lần thứ nhất (1966), sư đoàn không vận số 1 của Mỹ đang hùng hổ tập trung "tìm diệt" sư đoàn Sao Vàng chúng tôi ở bắc tỉnh Bình Định. Vì vậy, các ngả đường trên núi cũng như dưới đồng bằng, đều bị quân Mỹ và Nguỵ phong toả rất gắt gao. Nhiều tiểu đoàn, đại đội của ta phải tạm thời rút lên núi chờ bổ sung lực lượng. Khó khăn là thế nhưng sư đoàn vẫn hạ quyết tâm mở chiến dịch chủ động tấn công sau lưng đội hình quân Mỹ, làm cho chúng phải bỏ phía trước quay lại đối phó phía sau. Như vậy ta vừa giữ được vùng giải phóng lại vừa tiêu diệt được địch.

        Đoàn chuẩn bị chiến trường ra đi rất gọn nhẹ. Mỗi người chỉ mang tài liệu, một khẩu súng ngắn, võng, áo mưa và một và thứ lặt vặt khác. Gạo, không. Thực phẩm, không. Đồng chí chủ nhiệm hậu cần giải thích một cách hài hước rằng: "Hậu cần tại chỗ, đi đến đâu tuỳ cơ mà ứng biến". Hôm ấy, chúng tôi hành quân đến suối Cát thuộc huyện Vĩnh Thạnh thì trời ngả hẳn sang chiều. Ngay lúc ấy đồng chí phụ trách hậu cần chạy dọc con suối lại ngó nghiêng ra vạt rừng non. Trông nét mặt anh ta ngơ ngác đến thảm hại. Cuối cùng thì anh ta cũng phải nửa khóc nửa cười nói với chúng tôi, tổng số gạo của đoàn còn chừng khoảng hai lon, ngoài ra không còn thứ lương thực nào khác.

        - Trời ơi, hai lon gạo mà chia cho mấy chục người thì ăn uống cái kiểu gì được - Một anh buột miệng kêu lên. Nhưng rồi anh ta lại cười khì - Thôi, có chi ăn nấy, hậu cần tại chỗ mà.

        Chúng tôi nhất trí đem số gạo ít ỏi đó nấu cháo cho các thủ trưởng sư đoàn. Còn anh em tạm thời xụp xoạp cháo loãng với rau tăng cường, cũng xong bữa.

        Thực hiện quyết định ấy, nuôi quân nấu cháo, mang lên cho các thủ trưởng. Lúc ấy các anh ngồi trên một tảng đá lớn, trò chuyện với cán bộ cơ quan. Thấy xoong cháo đặc sánh, "nguyên chất" không pha chút xíu rau nào, anh Quang nhíu mày hỏi đồng chí phụ trách hậu cần:

        - Tối nay ông cho bọn tôi ăn thế này đây hả?

        Anh cán bộ hậu cần tưởng thủ trưởng phê bình vì không có cơm bèn nói khéo:

        - Báo cáo, cả ngày các thủ trưởng hành quân mệt, nấu cháo cho dễ ăn đấy ạ.

        Anh Quang cười hóm hỉnh hỏi lại:

        - Vậy các thủ trưởng ăn cháo "nguyên chất" còn anh em ăn gì?

        - Dạ thưa thủ trưởng anh em cũng ăn thế này cho bụng nó nhẹ nhõm.

        Nghe xong anh Quang bỗng phá lên cười. Nhưng rồi anh bỗng nghiêm nghị nói:

        - Cậu nói dối, hai lon gạo thì làm sao nâu được cháo đặc thế này cho mấy chục người ăn? - Rồi anh quay sang đồng chí nuôi quân dịu dàng - Thôi, cậu mang xoong cháo về, bảo anh em cán bộ trong cơ quan tập hợp tất cả lực lượng môn thục, môn dóc, tàu bay, cua, ốc... cho vào mà nấu. Tất cả chúng ta tối nay liên hoan món xúp "đặc biệt" - Anh quay sang người bên cạnh, hỏi - Ông chủ nhiệm hậu cần, tôi giải quyết như thế có được không?

        Đồng chí chủ nhiệm hậu cần có vẻ chưa thông lắm:

        - Báo cáo, các thủ trươntg cần có sức khoẻ để mà chỉ huy. Còn anh em ăn qua loa thế nào cũng được.

        Mới nghe đến đó anh Quang nghiệm giọng, khuôn mặt hơi đanh lại.

        - Vậy anh em không cần khoẻ ư? Nếu thế thỉ thủ trưởng chỉ huy ai, chỉ huy cái con ... con khỉ à? - Nói xong anh lại cười khà khà cuốn theo tiếng cười của chúng tôi. Tiếp đó, anh với ba lô lấy ra một tay lưới, cậy xuống dòng sông cùng cậu chiến sĩ cảnh vệ. Chừng mười lăm phút sau, anh đã mang cá về, góp vào bữa ăn tối của đoàn.

        Vậy là nồi cháo của chúng tôi trở thành nồi xúp tổng hợp. Nào mùi gạo nương đã dậy mùi mem chua, mùi tanh tanh của cá, nào vị ngứa lăn tăn của rau môn thục, vị chát xít của rau tàu bay... Tất cả mùi vị ấy đều rất hấp dẫn cái dạ dày đang lép kẹp của chúng tôi.

        Tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng, trong cuộc đời, không có mấy người được ăn một bữa ăn đặc biệt ngon lành, thanh thản như bữa tối của chúng tôi hôm ấy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2017, 01:07:59 am »


        2. TỚ KHÔNG THẮC MẮC, CÁC CẬU THẮC MẮC NỖI GÌ

        Một lần khác, vào mùa thu năm 1967, chúng tôi lại được đi chuẩn bị chiến trường với anh Huỳnh Hữu Anh trên địa bàn bắc Bình Định - nam Quảng Ngãi. Qua mấy ngày ăn gạo rang, uống nước suối, leo dốc, xuyên rừng gai... anh nào anh nấy đã mỏi gối, chân chồn, mồ hôi vã ra như bị dội nước. Nhưng đường vẫn còn dài...

        Chiều ngày thứ ba, đoàn gặp con sông lớn (sông Sà Lò). Nếu sang sông đi tiếp thì lỡ cỡ, còn nghỉ lại bên này lại hơi sớm. Chúng tôi thì thầm với nhau, giá được nghỉ sớm ở bên này, tắm táp, xả hơi một chút thì khoái biết mấy. Rất tâm lý, thủ trưởng đoàn đã ra lệnh dừng hành quân chuẩn bị bữa tối, mai đi bù.

        Anh em đặt ba lô, ưỡn ngực, làm vài động tác thể dục cho đỡ mỏi mệt. Gió chiều thoang thoảng lướt nhẹ từ mặt sông lên như xoa bóp từng đường gân, bắp thịt. Ai đã từng lội suối, leo dốc suốt ngày mới cảm thấy cái giây phút này khoan khoái làm sao. Không máy bay, không pháo nổ, không biệt kích chặn đường... Anh em đang im lặng thưởng thức không khí mát lành đó, bỗng có tiếng kêu "ối" khiến mọi người hướng cả về phía anh ta.

        - Cái gì thế?

        - Biệt kích hả? ... - Anh em hỏi dồn dập.

        - Tớ vừa phát hiện ra một kho báu - Anh ta thủng thẳng nói.

        - Kho báu gì thế, súng đạn hay gạo?

        - Các ông biết không - Anh ta trả lời - Tớ phát hiện trong ba lô của thủ trưởng đoàn có một lon sữa, một gói thuốc lá Rubi, một ống muối hầm, một túm mì chính, một tay lưới và ... - mới nghe đến đó anh em trong đoàn reo ầm lên mộc cách thích thú. Thủ trưởng ban tác chiến đề xuất ngay:

        - Hôm nay được nghỉ sớm, trời đẹp lại có sơn thuỷ hữu tình, đề nghị thủ trưởng  mở tiệc liên hoan "nhẹ" chiêu đãi đoàn. Anh em thấy thế nào?

        Không đợi chúng tôi trả lời, trưởng đoàn đã mỉm cười:

        - Các cậu láu cá thật. Thôi được tớ đồng ý.

        Chúng tôi vui vẻ bắt tay vào việc và chỉ một loáng mọi thứ đã đâu vào đấy. Hai ca sữa và gói thuốc thơm để trên một tảng đá bằng, mọi người ngồi xung quanh như hội nghị bàn tròn. Chúng tôi bóc thuốc mời trưởng đoàn làm "phép" trước, rồi cứ hai người một điếu, sữa cũng uống chung. Đang đói, mệt được nhấm nháp tí sữa và kéo dài hơi điếu thuốc thơm, chúng tôi thấy lòng khoan khoái lạ thưởng. Mọi người trò chuyện râm ran như không hề biết đây là chiến trường, giữa khu rừng già nguyên thuỷ hay hậu phương miền Bắc. Chuyện đang rôm rả bỗng một anh lại đề xuất:

        - Tôi đề nghị trong lúc chờ cơm, mỗi anh phải kể một câu chuyện. Mọi người lập tức hưởng ứng ngay:

        - Được đấy, tôi tán thành.

        - Vậy ông kể trước đi - Đoàn trưởng bảo trợ lý tác chiến. Anh trợ lý tác chiến hắng giọng, rồi bắt đầu kể:

        - Năm ngoái, tôi đang làm tiểu đoàn trưởng, nắm trong tay hai, ba trăm quân, đi đâu cũng có vệ sĩ khoác súng đi hộ tống, đến bữa không phải nấu cơm, nói chung là... là được. Nhưng chả biết cấp trên nghiên cứu thế nào, đùng một cái thăng lên sư đoàn, làm trợ lý. Bây giờ thì vừa là thầy, vừa là thợ, đi đâu cũng tự biên tự diễn, chẳng có ai khoác súng đi kèm, thế có khoái không?...

        - Anh ta cười để lộ hàm răng xỉn khói thuốc. Chúng tôi cũng cười theo. Tiếng cười vừa dừng anh ở ban trinh sát lên tiếng ngay:

        - Này nhé, chuyện của tôi mới hay. Toi vào "bê" năm sáu hai, đến nay đã sang năm thứ năm, là cây chủ lực trinh sát của ban trinh sát, thế mà chả thấy cấp trên "nói năng" gì cả?

        - Này, chuyện của ông ăn nhằm gì - Anh trợ lý quân lực cướp lời láu lỉnh - Ở ngoài Bắc, tôi là thiếu uý. Khi vào "bê" phiên ra đại đội bậc phó. Ba bốn năm sau lại được phiên từ đại đội phó thành thiếu uý, các ông thấy thế nào, có "tuyệt" không?

        - Thế cũng chưa là cái môn dóc, môn thục gì đâu nhé. Chuyện của tớ còn "tuyệt" hơn nhiều. Này nhé...

        Cứ như vậy, câu chuyện mỗi lúc một thêm sôi nổi, cùng với những tiếng cười vô tư, hóm hỉnh vang trên mặt sông.

        Từ nãy, nghe anh em góp chuyện trưởng đoàn chỉ tủm tỉm cười. Bỗng nhiên anh khoát tay nói, pha đôi chút hài hước:

        - Chuyện của các cậu đặc sắc thật. Nhưng chuyện của tớ còn đặc sắc hơn. Tớ vào "bê" năm một nghìn chín trăm năm mươi chín, khi ấy giữ chức tổng chỉ huy lực lượng quân sự quân khu. Bỗng trên thăng một phát mình "lên" tham mưu phó quân khu, rồi thăng tiếp một phát nữa "lên" làm sư đoàn phó kiêm tham mưu trưởng sư đoàn. Vậy tớ không thắc mắc thì các cậu thắc mắc cái nỗi gì? - Nói rồi anh nháy mắt cười ranh mãnh. Mọi người lúc đó mới ngớ người ra nhìn nhau. Được dịp anh cán bộ phòng chính trị lên tiếng:

        - Thủ trưởng có xuống là xuống làm dưới của cấp trên, nhưng vẫn làm cấp trên của cấp dưới. Cái đó cũng quan trọng, nhưng theo tôi vấn đề là ở chỗ có hoàn thành chức trách ở mỗi cương vị hay không? Như thủ trưởng đây, khi ở quân khu, lúc xuống sư đoàn, trực tiếp chuẩn bị chiến trường, nắm chắc đơn vị, vì vậy đánh trận nào thắng trận đó. Quân địch vùng này nghe tiếng anh đều phải kiêng nể. Còn tôi với các ông, đánh Mỹ xong, chắc cấp trên sẽ không quên, sẽ phong vượt ba bốn cấp liền, chỉ sợ bọn mình không kịp thở.

        - Được đấy! Cứ chờ xem!

        - Chỉ sợ lúc ấy trưởng đoàn lại quên mất anh em thôi.

        Mọi người ồn lên vui vẻ. Không khí đang sôi nổi, bỗng nhiên trưởng đoàn đứng bật dậy:

        - Chết cha, mấy cha nội mải tranh luận cấp mới chức, lên mới xuống mà quên rải tay lưới, kiếm ít cá nấu canh chua! Lúc này, cái đói mới thực sự quan trọng.

        Mọi người cười rộ rồi theo phân công, trưởng đoàn thả lưới, chúng tôi lội xung quanh khua nước dồn cá về phía lưới.

        Bấy giờ không có sẵn máy ảnh như bây giờ, nếu không chắc chắn chúng tôi đã có những tấm hình rất đặc sắc của đoàn cán bộ tiền trạm sư đoàn, đang đánh trần như nhộng khua cá ầm ĩ, làm xao động cả một khúc sông Sà Lò.

Bình Định, tháng 9 năm 1993       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2017, 09:44:35 pm »


NHẬT KÝ CHIẾN TRƯỜNG

DƯƠNG THẾ HẢI       

        Thật khó có thể nói hết trong cuộc chiến tranh mười năm chống mỹ các chiến sĩ quân giải phóng miền nam đã phải chịu đựng gian khổ , ác liệt một cách dai dẳng như thế nào. Song, họ sống vẫn rất tự tin, tự tin một cách chân thực, đáng trọng.

        Sau đây là một số trang nhật ký của Dương Thế Hài, nguyên trưởng ban quân sự sư đoàn trong những năm tháng đó.

       
*

        Ngày 28 tháng 8 năm 1966

        ... Có bao giờ Mai ơi, có bao giờ Mai nghĩ rằng chiến trường nghĩa là: Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát không? Rồi lại ngắt một đoá hoa rừng, cài lên mũ ta đi không? Đừng vội nghĩ thế nhé, vì chiến trường không thơ mộng vậy đâu. "Dừng ở lưng đèo" có đấy, nhưng không phải để nghe suối hát, mà vì đã leo ba dốc, bốn đèo, chân chồn, gối mỏi nên phải dừng lại để thở. Chao ôi, thở ra đằng mồm, đằng mũi, thở ra cả lỗ tai nữa, còn đâu mà nghe suối hát?

        Còn ngắt hoa sim cài lên mũ ư? Hoa rừng thường nhiều gai, mà mũ quân giải phóng thường hay sờn rách nên hoa tự mắc vào mũ. Thi sĩ thấy hình ảnh đó tưởng là quân giải phóng ngắt hoa cài lên mũ đó thôi. Quân giải phóng có ngắt là ngắt rau rừng giắt vào ba lô để tối đến nấu một bữa canh chua, bù lại sự mất mồ hôi, mất sức ban ngày, để ngày mai lại hành quân tiếp...

        (Dốc Bà Bơi - An Lão)


        28 tháng 1 năm 1968 (30 tết Mậu Thân)

        Theo thường lệ thì Tết là ngày cuối năm cũ, ngày đầu của năm mới. Ngày mà người dân cố cầy cho xong mảnh ruộng cuối cùng, người công nhân làm cho xong sản phẩm cuối cùng, nghĩa là mọi người đã kết thúc công việc trong một năm, để vui chơi, giải trí, sau đó bắt tay vào công việc của một năm mới. Và theo phong tục Việt Nam, ngày Tết là ngày đoàn tụ gia đình. Tết còn là ngày hội lớn của tuổi trẻ, là ngày trăm hoa đua nở để đón Chúa xuân về.

        Nhưng tất cả những hình ảnh trên đây đối với mình đã phải hiểu ngược lại. Tết đến những công việc đâu đã kết thúc. Sáng mùng một vẫn phải lau súng sẵn sàng chiến đấu bởi vì bên kia trận tuyến, súng đại liên địch vẫn nổ từng tràng; bọn mình vẫn phải ngồi kề miệng hầm vì nòng pháo địch đang quay về hướng ta. Tết là ngày đoàn tụ ư? Xung quanh mình đến chiếc lá tre cũng không còn màu xanh. Cỏ cây đều nhuộm màu vàng úa, màu của lựu đạn, màu của thuốc độc hoá học. Giặc Mỹ đã cướp đi tất cả những gì tốt đẹp nhất, êm ấm nhất, cổ truyền nhất của một ngày Tết cổ truyền của cha ông ta để lại, trừ tấm lóng son sắt, thuỷ chung của con người.

        (Tại trạm giao liên xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, Bình Định)


        14 tháng 2 năm 1968

        ... Lại một trận bom nữa. Hai chiếc F105 lồng lộn ném 6 quả bom giữa lúc mình đang tắm giặt, trần truồng như nhộng, vì quần áo chưa kịp khô, (chỉ có nhất bộ, trước khi tắm thì giặt chờ cho khô mới mặc). Thế là cháy trụi mất bộ quần áo vừa được hậu cần cấp bổ sung. Chiếc võng và tấm ni lông được xem như căn nhà cơ động, cũng thành tro bụi. Rất may, ở đây toàn lính đàn ông nên chỉ nhìn nhau cười xoà. Lần này là lần thứ năm mất hết đồ đạc. Tất nhiên còn người là quý lắm rồi. Song, trang bị vật chất cũng rất quan trọng. Rồi sẽ ra sao đây? Đơn vị sẽ cấp phát lại, nhưng đến bao giờ? Thôi muợn tạm quần áo cũ của anh em, vá lại mặc đỡ.

        Đơn vị đang thiếu nhiều thứ đến mức trầm trọng. Súng đạn không đủ bổ sung; thuốc chữa bệnh không đủ cho thương, bệnh binh; dầu hoả không đủ cho bộ đội thắp... quần áo thì chưa kịp cấp phát, là điều dễ thông cảm.

        (15 giờ tại thôn Thanh Mai, xã Nhơn Phong, An Nhơn, Bình Định).


        Ngày 28 tháng 1 năm 1969

        Hôm qua hành quân, một bà mẹ nói với mình: "Các con đi rồi, đến bao giờ các con trở lại? Mẹ đã nấu sẵn khoai lang và bầu, bí để các con ăn. Nhưng chưa kịp ăn thì các con lại đi". Đã bốn năm rồi, hôm nay mới được nghe giọng nói an ủi, vỗ về của một bà mẹ. Bốn năm qua không có ngày nào vắng tiếng bom rơi, đạn nổ, không có lấy một đêm ngủ yên giấc, không được nghe tiếng gà gáy, chó sủa... Ngay cả đến những con chim cu cũng phải bay đi xa vì bom đạn. Cuộc sống 4 năm qua lấy tăng, võng làm nhà; lấy rừng núi, suối khe làm bầu bạn; tiếng rít của máy bay phản lực thay cho tiếng trẻ reo hò, nghịch ngợm; tiếng đại bác rú thay cho tiếng còi tầm nhà máy...

        Ôi, chiến tranh thật là khốc liệt. Thượng Cam Lĩnh của Trung Quốc cũng chẳng ăn thua gì. Vạn Lý Trường chinh ư? Cũng chẳng thấm vào đâu. Bọn mình còn có "Vạn Lý Trường Sơn cộng thêm bê năm hai nữa đấy".

        (15 giờ tại Tịnh Trà, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi)


        Ngày 20 tháng 12 năm 1969

        Phong ơi! Nếu có nhà thơ nào đó viết mô tả miền Nam "20 năm không đêm nào ngủ được", thì chúng mình cũng đã đóng góp đến năm năm không đêm nào ngủ được rồi. Hai tháng rưỡi trời nằm phục kích ở đường 19, ăn củ sắn thay cơm, ăn củ riềng thay muối. Đến khi có lệnh về đồng bằng thì cũng là lúc giáp mặt với sư đoàn "kỵ binh bay", sư đoàn mạnh nhất của Mỹ.

        Thế là:

                                        Phất cờ búa liềm xông ra
                                   Bên kia đạn sắt, bên ta gan vàng.


        Nhưng Phong ơi! Khi mà đạn sắt đã bị quằn lại thì bên gan vàng cũng bị chọc thủng nhiều chỗ. Các bạn chiến hữu của chúng ta lần lượt đi gặp các cụ Các Mác, cụ Lê Nin, gặp Cụ Hồ cả rồi; Lộc (bạn cậu), Trọng, Trường, Dĩnh, Viên, Quý.v.v... và biết bao đồng chí nữa... Riêng Hài cũng đã mấy lần viết lên ngực áo "Thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh". Trong khi kẻ thù đã trang bị đến máy bay siêu âm, thì bên ta hoả lực cao nhất chỉ là cối 82ly. Với lực lượng và trang bị chênh lệch như thế thử hỏi, nếu không có lá gan bằng vàng thì làm sao địch nổi? Phải thế không Phong? Đến nay kẻ thù đã xuống thang, song nhiệm vụ còn nặng nề, Hài cũng xác định một lần nữa "Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh".

        (Thư gửi bạn cùng đi B ở F2 QK5)

HÊT
Logged

Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM