Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:53:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức Sư đoàn 3 Sao Vàng - Tập 3  (Đọc 34020 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #130 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2017, 09:39:36 pm »


        Sáng hôm sau trời rét, lại mưa lất phất. Không nấu cơm được, anh em đành ăn gạo sấy, uống nước lã. Khiêng Nựu qua đỉnh Hòn Giác thì mọi người hầu như kiệt sức. Đến đây đã được nửa đường về hậu cứ và có thể đốt lửa được, chỉ cần cảnh giác máy bay phát hiện khói. Ưu tiên số một lúc này là nước sôi để pha cho Nựu chén sữa. Nói đến sữa, Kiên giật mình vì hộp sữa Ông Thọ cấp cho tổ trinh sát khi đi công tác, anh đã bỏ quên tại nơi rút cuộn băng cá nhân để băng vết thương cho Nựu. Tôi đành bảo anh em lấy gạo sấy cho vào “hăng-gô” để nấu cháo. Cháo không muối, không đường nên lỏng bỏng, đút cho Nựu mà lòng tôi se lại. Đã hai ngày không ăn, vết thương mất nhiều máu, bốc mùi hôi, người Nựu như tàu lá héo, thoi thóp thở. Nhưng cuối cùng, Nựu đã chiến thắng. Chúng tôi đã đưa được anh về tới Tram phẫu của Tiểu đoàn.

        Vết thương bị nhiễm trùng nặng. Các y, bác sĩ đã phải 2 lần tháo khớp cổ chân và đầu gối nhưng vẫn không chặn được tốc độ hoại tử. Thì ra trong thuốc mìn có chất độc nên tại vết thương cứ nổ “lép bép” làm phân hủy cơ xương rất nhanh. Cuối cùng, các đồng chí quân y phải quyết định tháo tới khớp háng mới cứu được Nựu. Đồng chí Trạm trưởng cho biết, nếu để chậm khoảng 20 phút nữa là hết phương cứu chữa. Chúng tôi mừng cho Nựu và cảm phục sức sống kỳ diệu của anh.

        Từ ngày ấy, tôi và Nựu xa nhau. Ba mươi sáu năm trôi qua, tôi đi theo cuộc trường chinh đánh giặc của Đất nước: hết đánh Mỹ, diệt ngụy rồi tình nguyện quân giúp bạn suốt 10 năm trên chiến trường Căm-pu-chia...Trở về với đời thường, có một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc, trong tôi luôn canh cánh nỗi nhớ đồng đội, nhất là những đồng chí đã hy sinh và bị thương, trong đó Trần Xuân Nựu là một trong những người đầu tiên, tôi quyết đi tìm. Không biết bây giờ anh ở đâu, cuộc sống như thế nào...Cũng may, trong chiến tranh, cán bộ các cấp thường hiểu khá kỹ sĩ quan cấp dưới do mình quản lý nên tôi biết Nữu quê ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

        Tháng 11 năm 2006, một mình một xe, tôi thực hiện chuyến “xuyên Việt” đi tìm đồng đội. Về huyện Nghi Xuân, tôi được mọi người cho biết, Trần Xuân Nựu ở xã Xuân Lam.

        Tìm đến nhà anh, đứng trước ngưỡng cửa, tôi ngỡ ngàng, xúc động khi thấy Nựu già trước tuổi phải đến chục năm. Sau giây phút im lặng ngắm tôi, Nữu bỗng thốt lên: “ Anh Hồng đó phải không? Đúng là anh Hồng rồi. Mấy chục năm nay tôi cứ dò tìm tin tức về anh. Anh đã sinh ra tôi lần thứ 2, tôi làm sao quên được!...”

        Hàn huyên với nhau, Nựu cho biết, sau lần bị thương ấy, từ Trạm phẫu Tiểu đoàn, anh được chuyển tới bệnh viện K206 của tỉnh. Các bác sĩ hội chẩn và quyết định giải phẫu ngay. Lúc đó, khoảng 17 giờ. Vì trong mìn có chất độc, nó ăn vào da thịt nổ “lép bép” và đen từng đoạn như than. Bệnh viện thấy tôi khó có thể sống được nên sau khi phẫu thuật đã đưa tôi qua nhà xác. Nhưng rồi tôi không chết, các đồng chí lại đưa tôi trở về cùng điều trị chung với anh em. Cuối năm 1971, tôi được đưa ra Bắc điều dưỡng. Trở về gia đình với chiếc chân giả, anh đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn. Ngày gặp lại vợ, anh bảo “ Tôi như người chết được sống lại”. Vợ anh thực sự là một cái nạng cho chiếc chân còn lại của anh. Ngoài tình thương yêu vợ chồng, họ còn có tình thương của những người cùng chí hướng. Những ngày anh ở chiến trường, chị cũng là “ Thanh niên Ba Sẵn sàng”, cũng là “ Phụ nữ Ba Đảm đang”. Bởi vậy, khi được đoàn tụ, họ thấy mình còn hạnh phúc hơn nhiều so với những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường. Trong cuộc nói chuyện, anh luôn nhắc đi, nhắc lại rằng: “ Nếu không có các đồng chí trinh sát và anh Hồng thì tôi không còn đến hôm nay”. Anh cũng thường nói với các con: “Các bác, các chú trong đơn vị đã cứu sống bố nên bây giờ mới có các con...”.

        Thế là trong chuyến “đi tìm đồng đội” lần này, tôi đã toại nguyện. Tôi tìm được Nựu, người đồng chí, người bạn chiến đấu đã chia ngọt, sẻ bùi ở một chiến trường khốc liệt, đầy gian khổ, hy sinh: Mặt trận Đường Mười Chín.

        Chia tay anh lúc hoàng hôn sắp buông xuống. Bên kia cánh đồng, đối diện nhà anh, từng đàn cò trắng bay về đậu trên những lũy tre xanh ở một vùng quê yên tĩnh. Lòng tôi cảm thấy lâng lâng...

Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2007       
N.V.H                             
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #131 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2017, 09:40:50 pm »


        Nguyễn Đình Thống
        Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.


HÀNH TRÌNH TÌM MỘ LIỆT SỸ SƯ ĐOÀN 3 - SAO VÀNG

        HÀNH TRÌNH ĐẦU TIÊN

        Ngày 24-4-2006, anh Nguyễn Trần Toản, cháu ruột liệt sỹ Nguyễn Văn Dậu đã đến Vũng Tàu đề nghị giúp đỡ tìm phần mộ của thân nhân là liệt sỹ Nguyễn Văn Dậu, sinh năm 1956 tại xã Trấn Khê, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nhập ngũ 1974, đơn vị E2 – F3 có tên trong danh sách do Sư đoàn Sao Vàng cung cấp ghi là anh hy sinh ngày 27-4-1975 tại Bộ Tư lệnh Hải quân (của Ngụy Sài Gòn cũ).

        Qua thân nhân liệt sỹ, chúng tôi liên lạc được với đại tá Bảo (bạn chiến đấu của anh Dậu, hiện ở Học viện Quốc Phòng, Hà Nội), được biết thêm chi tiết: anh Dậu bị thương khi đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy (Cát Lở), có thể là ngày 29 chứ không phải 27, sau đó anh em dùng xe Zeep đưa về bệnh xá rồi hy sinh ở đó, vào khoảng 2 giờ sáng.

        Ngày 24-4-2006, Hội Khoa học Lịch sử Tỉnh đã cùng gia đình tìm kiếm trong danh sách quản lý mộ liệt sỹ tại Sở LĐ TB XH Tỉnh và nghĩa trang liệt sỹ Tỉnh (ở Bà Rịa), không có tên, không thấy mộ.

        Anh Dương Xuân Hòe, trưởng phòng TB XH, Sở LĐ TB XH cung cấp cho chúng tôi bản danh sách kèm theo biên bản bàn giao đề ngày 31-12-1993 của Sư đoàn Sao Vàng do Thiếu tá Trịnh Đình Hoằng, trưởng tiểu ban chính sách Sư đoàn bàn giao cho Sở LĐ TB XH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bên lề bản đánh máy, có một dòng viết tay, ghi: liệt sỹ Nguyễn Văn Dậu chôn tại 95A Lê Lợi.

        Chúng tôi đã gặp một số người phục vụ tại bệnh xá Đại Hàn khi đó (đối diện với trường Thiếu Sinh Quân, số 95A Lê Lợi). Bà Lạc hiện nghỉ hưu tại phường 6 cho biết, khi đó bà là nhân viên phục vụ tại phòng cấp cứu nhà thương Đại Hàn (nhà thương tê liệt). Thời điểm đó có nhiều thương binh được đưa vào nhưng bà không nhớ được tên tuổi.

        Các nhân chứng Đặng Thị Phượng, cán bộ tăng cường, Tần Hạnh Ngươn (Đảng viên bám trụ), Đỗ Quốc Hùng, ủy viên Thành ủy Vũng Tàu cho biết, khi đó Thành ủy có phân công các cơ sở tham gia chăm sóc thương binh, chôn cất liệt sỹ, nhưng không nắm cụ thể.

        Y sỹ Nguyễn Thanh Yếu, phụ trách đội phẫu tiền phương quân y Tỉnh đặt ở Bà Rịa xác nhận, đội phẫu không tiếp nhận các thương binh của Sư đoàn.

        Anh Nguyễn Tấn Quang (Sáu Quang) làm việc tại tổ y tế trực thuộc ban khởi nghĩa phường Thắng Nhì cho biết, tổ y tế có cấp cứu 3 thường dân bị bệnh và bị thương trong ngày 30-4-1975, nhưng không có trường hợp thương binh nào đưa về điều trị. Chị Trương Minh Thủy, khi đó là cán bộ Đoàn Thanh niên Thành phố Vũng Tàu cho biết, trong ngày 30-4-975, có 3 anh hy sinh ở khu vực trường Truyền Tin (ngã tư Giếng Nước), được mai táng ở khu vực nghĩa địa Phước Lâm Tự, sau đã di dời vào nghĩa trang khoảng năm 1977, thời gian này chị đi học nên không biết cụ thể. Khoảng năm 1992- 1993, chị làm Chủ tịch Thành phố Vũng Tàu, có một CCB Sư đoàn Sao Vàng cho biết, có một anh hy sinh khi đánh vào trường Thiếu Sinh Quân (95A Lê Lợi), được chôn tại chỗ, nay là khu vực sân ten-nit của xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro. Chị đã yêu cầu anh cung cấp sơ đồ, hồ sơ liệt sỹ để tìm kiếm, có lẽ còn hồ sơ ở Phòng LĐ TB XH thành phố Vũng Tàu.

        Cuộc tìm kiếm rơi vào bế tắc. Chúng tôi cùng với Ban liên lạc CCB Sư đoàn 3 Sao Vàng tiếp tục tìm kiếm thông tin. Một CCB Sư đoàn Sao Vàng chỉ huy trận đánh cầu Cỏ May cho biết, trong chiến dịch giải phóng Bà Rịa – Vũng Tàu, Sư đoàn Sao Vàng có đến hàng trăm người hy sinh, mấy chục người trúng đạn khi đang vượt sông Cỏ May, mất xác. Vậy mà đến nay, danh sách do Sư đoàn Sao Vàng bàn giao cho tỉnh chỉ có 65 liệt sỹ, sưu tầm  bổ sung được 4 liệt sỹ (tổng cộng có 69 liệt sỹ). Trong số đó, có 3 ngôi mộ có tên được quản lý tại nghĩa trang Thành phố Vũng Tàu và 17 ngôi mộ có tên được quản lý tại nghĩa trang Bà Rịa. Anh Dương Xuân Hòe, Trưởng phòng Thương binh – Liệt sỹ và Người có công của Sở LĐ TB XH cung cấp danh sách 17 liệt sỹ của Sư đoàn Sao Vàng có tên và có mộ được quản lý tại nghĩa trang của tỉnh.

        Điều đáng tiếc là sau ngày giải phóng, Sư đoàn Sao Vàng còn làm nhiệm vụ quân quản tại Bà Rịa, Vũng Tàu hơn hai tháng. Nếu như trong thời gian đó, bộ phận làm công tác chính sách cử người đắp mộ, tạc bia và bàn giao cho địa phương thì đến nay đã không bị thất lạc hài cốt của anh em đồng đội...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #132 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2017, 09:41:39 pm »


        LẦN THEO DẤU VẾT

        Ngày 3-7-2007, anh Đỗ Đình Công từ thị trấn Tiên Lãng, Hải Phòng vào nhờ hỗ trợ tìm mộ anh trai là liệt sỹ Đỗ Đình Đồng. Liệt sỹ Đỗ Đình Đồng có tên trong bản danh sách 65 liệt sỹ (trong danh sách ghi số thứ tự 08, tên là Đỗ Đình Đông, nhưng năm sinh, quê quán, đơn vị đều đúng). Danh sách quản lý mộ trong nghĩa trang liệt sỹ của Tỉnh và Sở LĐ TB XH đều không có tên.

        Điều may mắn là thân nhân có mối quan hệ với anh Phan Quốc Trượng, CCB Sư đoàn Sao Vàng. Phan Quốc Trượng vốn là người cùng làng, cùng đơn vị, cùng khẩu đội và người trực tiếp mai táng liệt sỹ Đỗ Đình Đồng. Năm 1976, được nghỉ phép về thăm quê anh đã đến thăm và báo tin cho gia đình biết trường hợp hy sinh của liệt sỹ Đỗ Đình Đồng. Gia đình rất cảm động, nhưng khi ấy cuộc sống rất khó khăn chưa có điều kiện vào tìm mộ liệt sỹ. Phan Quốc Trượng hiện nay vào sinh sống tại Vũng Tàu, ở số nhà 178 Chu Mạnh Trinh, phường 8.

        Chúng tôi cùng anh Phạm Quang Lập, Ban liên lạc CCB Sư đoàn Sao Vàng và thân nhân liệt sỹ đến gặp Phan Quốc Trượng. Anh Trượng kể: chúng tôi ở đơn vị C16, hỏa lực của Trung đoàn 12. C16 có hai khẩu đội DKZ75, hai khẩu đội cối 82. Trận địa đặt ở bìa rừng, cách chốt điểm địch khoảng 500 mét. Trận địa địch đắp bằng bao cát dày, có tháp canh dựng cao để quan sát. Tôi, anh Triết, anh Đồng cùng khẩu đội bắn 6 trái DKZ vào lô cốt địch. Tụi nó phản pháo, anh Đồng hy sinh. Tôi và một đồng đội đưa thi hài anh Đồng qua con suối, băng qua cánh đồng, chôn anh ở chân đồi, hồi ấy gọi là đồi Ba Vĩnh (đất nhà ông Ba Vĩnh). Tôi vẫn còn nhớ vị trí, địa hình, hy vọng là tìm được.

        Anh Năm Mai đón chúng tôi ở tượng đài chiến thắng Bình Giã. Đây là vị trí Chi khu Đức Thạnh, nơi Trung đoàn 12 đánh trận mở màn chiều 26-4-1975. Anh Năm Mai trước đây là bộ đội huyện Châu Đức, sau giải phóng anh là xã đội trưởng Ngãi Giao, rất rành địa hình, biết rõ những người từng công tác ở đó. Đến đầu dốc Đường Cùng, Năm Mai chỉ cho chúng tôi vị trí chốt tiền tiêu của Chi khu. Phan Quốc Trượng reo lên: “Đúng rồi, tôi nhận ra rồi!”

        Quốc Trượng bỏ xe, lội bộ xuống chân dốc. Anh chỉ ngọn đồi các anh đặt súng, nơi Đỗ Đình Đồng hy sinh và chỉ khu vực anh đã mai táng người đồng đội, ngay dưới chân đồi, cách con suối không xa, một ngọn suối nhỏ bắt nguồn từ Bàu Chinh, đổ về suối Lúc. Khu vực này bây giờ cây cỏ mọc um tùm, có một số mộ của dân.

        Anh Năm Mai đưa chúng tôi vào gặp chị Mai Phương Thành (Bảy Thành). Chị Bảy khi đó là Bí thư chi bộ xã Ngãi Giao, nhưng thời điểm giải phóng huyện Châu Đức, chị đang đi học, không về kịp nhưng chuyện ngôi mộ thì chị biết. Khu vực chân đồi chỉ có một ngôi mộ liệt sỹ, vừa bốc cốt đưa về nghĩa trang năm ngoái. Người phát hiện ngôi mộ là cô Ngà, và chính anh Năm Chiến, chồng chị đề nghị huyện quy tập về nghĩa trang liệt sỹ. Anh Năm Chiến (Võ Minh Chiến) trước đây ở Trung đoàn 4, chiến đấu trên địa bàn này.

        Anh Năm Chiến đưa chúng tôi ra vị trí ngôi mộ đã được bốc cốt. Gạt lớp cỏ lẫn trong đám dây khổ qua rừng, vẫn còn vương một vài mảnh nilon mà chính tay Phan Quốc Trượng đã bọc thi thể đồng đội. Anh Năm Chiến tận tình lấy xe Honda vào xóm chở chị Ngà ra để thân nhân được cảm ơn và hỏi thăm thêm chi tiết.

        Phạm Thị Ngà (Sáu Ngà), sinh năm 1959 hiện ở ấp Tân Hiệp, xã Bầu Chinh, con của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chảng. Chị nhớ, mấy bữa trước đó, tụi lính Sư đoàn 18 ngụy thua trận Long Khánh kéo về rất đông, có toán rút về Bà Rịa, có toán ở lại Đức Thạnh. Bữa đó có nghe súng DKZ, súng AK nổ, biết là anh em mình đánh. Nghe địch phản pháo, má nói chị ra xem anh em đàng mình có bị làm sao không. Sáu Ngà thấy các anh khiêng xác một anh băng qua cánh đồng, vượt con suối nhỏ, vô chân đồi, đào hố chôn. Chị về kể cho má, thấy rõ anh mặc chiếc áo bộ đội màu xanh, đẫm máu, tướng lớn con. Má thường nói với Ngà: Tội nghiệp, chỉ còn mấy bữa là giải phóng mà anh không được trở về, má giục Ngà hôm sau ra đắp lại mộ cho anh. Tết năm ấy, má nhắc Ngà ra thắp nhang cho anh. Rồi má qua đời (1976), Ngà đưa ra chôn má ngay cạnh mộ anh. Năm sau ba cũng qua đời, chôn cạnh mộ má. Lần nào ra thắp nhang cho ba má, Ngà đều thắp cho anh. Mỗi lần thắp nhang, Ngà lại nhớ như in hình ảnh người chiến sỹ ấy.

        Năm 2000, Ngà xây mộ cho má, cho ba. Ngôi mộ người chiến sỹ ấy trở nên lẻ loi, xập xệ. Sáu Ngà đề nghị chính quyền xã cho hốt cốt về nghĩa trang liệt sỹ...

        Trở lại Phòng LĐ TB XH, chị Ngà lục lại hồ sơ, có biên bản bốc cốt, biên bản bàn giao về nghĩa trang. Anh Vân, phụ trách tổ quản trang tiếp nhận hài cốt. Suốt cả hành trình tìm mộ, mọi việc đều suôn sẻ, gặp được những nhân chứng, những người đồng đội, những cơ sở Cách mạng đầy lòng nhân ái, ai cũng xúc động và cảm thấy may mắn như có bậc thần linh phù hộ. Hồ sơ, tư liệu và chỉ dẫn của các nhân chứng đều khớp nhau. Vậy mà vẫn có trục trặc. Một trục trặc nhỏ thôi. Đó là khi trở về nghĩa trang liệt sỹ tỉnh, anh Vân phụ trách tổ quản trang cứ băn khoăn tra sổ rồi đưa đoàn ra thực địa. Ngôi mộ an táng tại lô số 21, trong sổ quản lý đánh số thứ tự là 168, nhưng do bữa cải táng phải đợi Tỉnh tổ chức làm lễ nên có 2 hài cốt khác do thân nhân tự quy tập về an táng trước, vì vậy, trên thực tế, ngôi mộ của Đỗ Đình Đồng nằm ở vị trí 170. Anh Vân đã viết giấy xác nhận cho thân nhân theo vị trí thực tế (lô số 21, mộ 170), nhưng trước đó, trong văn bản đề nghị xây mộ gửi Sở LĐ TB XH anh đã ghi số thứ tự mộ là 168. Vì vậy việc nhận mộ vẫn còn phải chờ xác minh.

        Ngôi mộ vẫn còn đó, không lẫn được vì đợt quy tập này, trong lô, cùng hàng, chỉ có mộ anh là chưa có tên. Trên bia ghi rõ: Liệt sỹ chưa biết tên, quy tập từ ấp Đường Cùng về. Những người biết tên anh, biết mộ anh và thân nhân vẫn còn chờ thủ tục thêm một tuần nữa. Thân nhân của liệt sỹ Đỗ Đình Đồng cảm thấy chuyến đi tìm mộ thật là may mắn. Nhưng chúng tôi biết rằng, đối với những trường hợp khác, hành trình tìm mộ liệt sỹ vẫn còn không ít gian nan.

Vũng Tàu, 2007       
N.Đ.T.               
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #133 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2017, 07:03:45 pm »


        Đại tá Hoàng Hải,
        Nguyên Trưởng phòng Tổ chức Cơ quan Tổng cục Chính trị.


CÓ MỘT THƯƠNG BINH NHƯ THẾ

        “ ...Ra khỏi chiến tranh đã mấy thập niên, lại là một thương binh, vậy mà anh vẫn còn nhớ - Một sức nhớ kỳ diệu, đối với 134 liệt sĩ là những đồng đội của anh đã hy sinh tại chiến trường, không cần một sổ ghi chép nào. Đó chính là thương binh Trần Thanh Hải, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 3-Sao Vàng, đã phục viên”.

        Trần Thanh Hải sinh năm 1950 tại thị xã Hòa Bình, nay là Thành phố Hòa Bình, nơi có Nhà máy Thủy điện khổng lồ của Đất nước từ những năm 80 của thế kỷ 20. Như bao thanh niên trong thời chiến, học xong phổ thông, chưa đủ 18 tuổi, Hải xung phong nhập ngũ (tháng 4 năm 1968). Sau đợt huấn luyện và đào tạo tại trường Hạ sĩ quan của Sư đoàn 320B, tháng 12 năm 1968, trong đội hình tiểu đoàn 496 tỉnh Hà Tây, anh hành quân vào chiến trường Khu 5. Trần Thanh Hải được bổ sung về đại đội 1, tiểu đoàn 18, Sư đoàn 3-Sao Vàng, chiến đấu trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Tháng 5 năm 1970, đại đội trưởng Trần Thanh Hải được điều về chỉ huy đại đội 2, tiểu đoàn 7, thuộc tỉnh đội Quảng Ngãi ( Năm 1970, theo lệnh của Quân khu 5, trung đoàn 22, Sư đoàn 3 - Sao Vàng được giải thể, tiểu đoàn 7 bổ sung về tỉnh Quảng Ngãi, tiểu đoàn 8 bổ sung về tỉnh Bình Định, tiểu đoàn 9 về tỉnh Phú Yên, các đơn vị trực thuộc trung đoàn 22 được bổ sung cho các trung đoàn 2 và 12). Trần Thanh Hải liên tục chiến đấu trên chiến trường Quảng Ngãi cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

        Nhớ lại ngày ấy, Trần Thanh Hải kể: “ Sau đòn choáng váng năm Mậu Thân 1968, Mỹ, ngụy điên cuồng phản công “ tìm diệt và bình định”. Ở Khu 5, tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định là một trọng điểm đánh phá của chúng. Sư đoàn 3 - Sao Vàng là một trong những mục tiêu “tìm diệt ”của Mỹ, ngụy. Gian khổ, ác liệt tưởng như không thể sống nổi. Cơm không có ăn, quần áo không đủ mặc, súng đạn thiếu, quân số thiếu. Bọn địch tuyên truyền “Lính Bắc Việt đã tập kết lần thứ 2.”Có thể nói, hầu như không có nơi nào không có bom đạn và quân địch đánh phá. Từ Bình Khê, Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Bịnh) đến Ba Tơ, Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi)... trên trời, dưới đất, lúc nào cũng có tiếng máy bay, tiếng rung chuyển của bom B52 rải thảm. Pháo trong đất liền, pháo trên các tàu chiến, liên tục bắn phá. Máy bay trực thăng trinh sát loại “cán gáo”, “rọ heo” có trực thăng vũ trang và máy bay phản lực yểm trợ, ra sức tung hoành, mò vào tận các hốc núi, khe suối sục tìm nơi đóng quân của bộ đội. Trực thăng 2 chong chóng (H34) chở máy ủi, dây thép gai, pháo hạng nặng thiết lập trận địa trên các núi cao để chi viện cho bộ binh chúng lùng sục, càn quét sâu vào hậu cứ của ta. Ở vùng giáp ranh và đồng bằng, chúng dùng hàng trăm chiếc xe tăng, xe bọc thép, dàn hàng ngang chà xát từng khu đồi, đồng ruộng, làng xóm, dồn đồng bào ta vào các khu tập trung, tạo nên những vùng trắng ở Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), ở Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi)...Làng xóm, quê hương bị tàn phá thành bình địa, thành vùng trắng. Chúng đang làm cái gọi là “tát nước để bắt cá”. Bộ đội hoạt động trong tình cảnh, đi đánh trận phải đếm từng viên đạn AK. Đánh trận xong trở về, vai khênh thương binh, vừa đánh địch vừa cắt rừng để lấy lối đi. Có lúc thương binh chịu chết vì đói hoặc không có thuốc. Hãn hữu, gặp bộ đội địa phương hoặc đồng bào cho ít gạo nhưng không đủ nấu, đành chia mỗi người một nắm nhai để giữ sức...”. Nghe Hải kể, mọi người vô cùng xúc động. Bản thân anh, anh nhớ rõ, từ ngày nhập ngũ đến 30 tháng 4 năm 1975 là tròn 7 năm, trải qua 2.555 ngày đêm. Anh trưởng thành từ một chiến sĩ đến Đại đội Bậc trưởng. Một Đại Đội trưởng dũng cảm, bám trụ địa bàn, bám dân và hết lòng thương yêu đồng đội. Anh đã lập nhiều thành tích, được tặng danh hiệu “ Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe tăng”, được tặng Huân chương Chiến công Giải Phóng, được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và được cử đi dự Đại hội Liên hoan Anh hùng – Chiến sĩ thi đua Quân giải phóng Miền trung Trung Bộ ( Quân khu 5 ) tổ chức ngày 18 tháng 5 năm 1974 ở Tây Quảng Nam. Do những năm tháng chiến đấu ở địa bàn gian khổ, ác liệt, nhiều lần bị thương, mất 61% sức khỏe nên tháng 4 năm 1978, Trần Thanh Hải được phục viên với quân hàm trung úy. Cũng từ đó, anh chuyên tâm tìm kiếm và cung cấp thông tin về các liệt sĩ là những đồng đội của anh. Tính đến nay, anh đã vẽ được 134 sơ đồ mộ chí cùng với những thông tin cần thiết để thân nhân liệt sĩ có cơ sở đi tìm.

        Chúng tôi nói với nhau: trời phú cho anh trí nhớ đặc biệt hay do anh là một cán bộ luôn sống chết với chiến sĩ? Mọi người đều khẳng định: cả 2 yếu tố ấy đã hòa quyện ở anh. Trong đó, yếu tố: tình thương yêu đồng đội, cùng sát cánh chiến đấu với chiến sĩ, tự tay mình chôn cất chiến sĩ là ấn tượng sâu sắc nhất, khó phai mờ nhất. Bởi như anh nói, mỗi lần nhắc tên một đồng đội hy sinh là hình ảnh liệt sĩ ấy như hiện lên trước mặt, từ tên, tuổi, quê quán, ngày nhập ngũ, đơn vị, trận đánh, trường hợp hy sinh, nơi hy sinh, nơi mai táng. Có liệt sĩ, anh nhớ cả tính cách, đặc điểm riêng khi còn sống. Nếu không thật sự gắn bó, không thật sự yêu thương, không thật sự trách nhiệm... thì làm sao anh có thể nhớ được như vậy!

        Cũng từ tình thương cao cả ấy mà những năm qua, dù hoàn cảnh kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào lương giáo viên của vợ và trợ cấp thương tật của anh, nhưng anh vẫn kiên nhẫn làm việc tình nghĩa ấy mà không đòi hỏi bất kỳ một sự đãi ngộ nào, không cần một sự đánh giá, biểu dương nào. Có lúc, anh dùng cả tiền trợ cấp thương tật của mình, thậm chí cả lương giáo viên ít ỏi của vợ để giúp đỡ thân nhân liệt sĩ ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn đến nhà anh nhờ cung cấp thông tin. Nhiều năm liền, căn nhà bé nhỏ của anh là nơi tá túc của thân nhân liệt sĩ mà mọi chi phí đều do gia đình anh chu cấp. Có trường hợp ( hơn 10 lần), anh trực tiếp cùng gia đình liệt sĩ trở lại chiến trường xưa ở Mộ Đức, Nghĩa Hành..., lặn lội mọi cánh rừng, tìm mộ đồng đội, đưa vào nghĩa trang địa phương hoặc đưa về quê hương.

        Chiến tranh tàn khốc, đau thương và mất mát còn có thời điểm kết thúc. Nhưng hậu quả của chiến tranh thì không biết đến bao giờ mới có hồi kết. Con số 134 sơ đồ mộ liệt sĩ mà anh nhớ, anh lập chỉ là con số rất nhỏ trong số gần một ngàn cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7 và hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3-Sao Vàng, của tỉnh đội Quảng Ngãi đã anh dũng hy sinh. Vì vậy, Trần Thanh Hải luôn tâm niệm rằng: còn sống, anh còn cùng với đồng đội tiếp tục tìm kiếm liệt sĩ và luôn coi đó là món nợ lớn đối với những người đã hy sinh, là cách “đền ơn, đáp nghĩa” mà anh có thể làm được.

        Hiện nay, công việc tìm mộ liệt sĩ của Trần Thanh Hải vẫn tiếp tục, nhưng biết điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh kinh tế gia đình anh, Chi hội Cựu chiến binh Tiểu khu 13 (do anh làm Chi hội trưởng) đã xin đảm nhận phần việc tiếp đón thân nhân, gia đình liệt sĩ và đảm nhận việc chuyển các sơ đồ mộ chí và những thông tin về liệt sĩ do anh cung cấp, đưa lên báo, đài phát thanh và truyền hình.

        Xin hãy đến địa chỉ: Trần Thanh Hải, tổ 13B, phường PL, Thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Điện thoại: 02183895... luôn có người sẵn sàng đón tiếp.

Hà Nội, tháng 10 năm 2009       
H.H.                       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #134 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2017, 07:04:33 pm »


         Lê Thanh Hải,
         Nguyên chiến sĩ Sư đoàn 3- Sao Vàng.


TRỌN NGHĨA VẸN TÌNH VỚI ĐỒNG ĐỘI

        Đoàn cựu chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng đang nghỉ hưu tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã 35 năm nay mới có điều kiện trở lại thăm chiến trường xưa, chủ yếu là địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Tâm nguyện của mọi người là tìm mộ đồng đội, thắp nén hương cho các liệt sĩ của đơn vị đã nằm lại ở chiến trường. Thăm lại các vùng quê, thăm đồng bào, đồng chí đã cùng chia ngọt, sẻ bùi trong những năm tháng gian nan đánh Mỹ, cứu nước.

        Được giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Đảng bộ, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, anh em trong đoàn đã đi viếng hầu hết nghĩa trang các huyện, xã. Đặc biệt là huyện Hoài Ân, nơi Sư đoàn ra đời và gắn bó suốt 10 năm chống Mỹ, nơi đã có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã anh dũng hy sinh. Đến nghĩa trang xã Ân Tín, sau khi thắp hương hết lượt các phần mộ, chúng tôi không thấy mộ 2 liệt sĩ Đỗ Công Phan và Đỗ Văn Bản.

        Tìm hiểu cán bộ địa phương, xem hồ sơ lưu trữ tại cơ quan chính sách huyện cũng không có. Đồng chí Trần Văn Phúc, thành viên trong đoàn kể: “Tháng 11 năm 1974, tôi, đồng chí Phan, đồng chí Bản thuộc Tiểu đội 2, Trung đội 1, Đại đội 15 công binh, Trung đoàn 141, được giao nhiệm vụ giữ chốt ở Cao điểm 174, phía Bắc xã Ân Tín, còn gọi là đồi Vệ Binh. Những đợt chiến đấu không cân sức liên tiếp diễn ra. Địch sử dụng máy bay, xe tăng, pháo binh yểm trợ cho bọn bộ binh tiến công. Chúng tôi bám trụ chiến đấu suốt buổi, sử dụng tất cả các loại vũ khí có trong tay, từ B40, AK, CKC, lựu đạn, nhưng vì lực lượng quá ít, đạn hết, hai đồng chí Phan và Bản đã hy sinh ngay tại chiến hào. Chính bom địch đã vùi xác các đồng chí ấy. Còn tôi may mắn sống sót, mình đầy thương tích bò về được. Địch chiếm Đồi 174. Chắc chắn thi hài các đồng chí ấy vẫn còn trên đó”. Nghe Phúc kể, ai cũng bùi ngùi xúc động. Mọi người hạ quyết tâm đi tìm hài cốt 2 đồng chí Bản và Phan.

        Được hướng đẫn của cán bộ xã Ân Tín, Phúc đẫn đầu vượt suối, băng rừng. Đường đi gai góc mọc đầy. Trời nắng nóng, mồ hôi ướt đẫm nhưng ai cũng âm thầm tiến bước. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi tới Đồi 174. Phúc sung sướng nói to: “ Đây rồi! Dấu vết hầm hào vẫn còn”. Khi xác định chăc chắn có thể tìm được hài cốt, chúng tôi cử Phúc liên lạc với thân nhân Đỗ Công Phan ở Vũ Vinh, Vũ Thư, Thái Bình; thân nhân Đỗ Văn Bản ở An Lão , Hải Phòng. Trước đây, các gia đình đã liên lạc với Phúc nhưng Phúc chưa có điều kiện đi tìm. Khi các gia đình thân nhân vào, chúng tôi tổ chức lên Đồi 174. Ngày đầu tiên, đào bới mãi vẫn không tìm thấy dấu vết gì. Đêm về, Phúc trăn trở suy nghĩ, xác định lại nơi phòng ngự, phán đoán khả năng di chuyển chiến đấu của Phan và Bản. Các gia đình thì thắp hương cầu khấn linh hồn người đã mất, xin phù hộ.

        Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục lên đồi. Phúc dạo quanh, tìm rộng ra theo suy đoán từ ban đêm. Bất ngờ, anh thấy một con rết khá to chạy trước mặt rồi chui vào một cái lỗ, mất hút đúng vào nơi anh nhớ lại đêm qua. Một linh cảm vô hình như mách bảo Phúc, đó là điềm báo nơi bạn anh nằm. Phúc cho mọi người đào ở khu vực ấy. Đào sâu khoảng 1,2 mét thì gặp chiếc bi đông. Tất cả phấn chấn hẳn lên, đào tiếp. Một khẩu súng B40 và 2 băng đạn AK lộ ra. Tiếp đến là chiếc thắt lưng và đôi dép cao su. Những nhát đào nhẹ dần và thận trọng hơn vì ai cũng hiểu, đã gần đến nơi đồng đội nằm. Đúng như vậy, chỉ mấy nhát xẻng tiếp theo, chúng tôi đã thấy hài cốt các anh...Mừng mừng, tủi tủi, tất cả chúng tôi xúm vào, gạt từng nắm đất, lựa nhặt từng mảnh cốt, kiểm tra kỹ lưỡng để không bị sót mảnh nào.

        Đảng bộ, Chính quyền và bà con xã Ân Tín đã long trọng tổ chức buổi tiễn đưa hài cốt liệt sĩ Đỗ Văn Bản và Đỗ Công Phán trở về quê hương trong niềm xúc động và biết ơn sâu nặng. Các đồng chí nguyên là cán bộ huyện Hoài Ân năm xưa, như ông Dũng, Bí thư Huyện Ủy năm 1971-1972, bà Hương, Thường vụ Huyện Ủy năm 1972-1973 cũng có mặt. Các ông, bà là những người đã trực tiếp chứng kiến mọi ác liệt, hy sinh mà cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3- Sao Vàng đã trải qua tại ngọn đồi 174 khói lửa.

        Trở về với người thân ở quê hương miền Bắc, hài cốt 2 liệt sĩ cũng được Đảng bộ, Chính quyền, các cơ quan đoàn thể và nhân dân hai địa phương Vũ Thư (Thái Bình) và An Lão (Hải Phòng) đón nhận, tổ chức lễ an táng trong niềm xúc động, buồn vui lẫn lộn.

        Anh em chúng tôi, nhất là Trần Văn Phúc cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản vì đã làm được một việc nghĩa, đã “ Trọn Nghĩa, Vẹn Tình” với đồng đội. Tuy nhiên, chúng tôi không khỏi bùi ngùi thương nhớ đối với hàng vạn liệt sĩ của Sư đoàn đang nằm ở khắp các chiến trường, trong đó, biết bao đồng chí chưa tìm thấy mộ, chưa được một lần hương khói. Chúng tôi cũng trăn trở với gần 1 vạn anh chị em là thương binh, bệnh binh hoặc bị nhiễm chất độc da cam...mà đời sống đang gặp nhiều khó khăn, vất vả. Chỉ biết nhắc nhau hãy sống tốt hơn, tình nghĩa hơn và nhắc nhở con cháu sống và làm việc xứng đáng với tất cả những gì mà thế hệ ông cha đã đem lại.

Xóm 16, xã Nghi Phú, Nghi Lộc, Nghệ An       
L.T.H.                               
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #135 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2017, 07:05:19 pm »


        Đại tá Lê Anh Sáng,
        Nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 12, Sư đoàn 3-Sao Vàng.


NHỮNG TẤM LÒNG ĐỐI VỚI LIỆT SĨ

        Nhập ngũ tháng 2 năm 1978, kết thúc 3 tháng huấn luyện tân binh, Nguyễn Văn Công được điều về Tiểu ban Quân giới Trung đoàn 12 vì Công có nghề thợ rèn ở quê. Tại đây, anh được bố trí làm thợ cả để sản xuất và sửa chữa cuốc, xẻng phục vụ bộ đội.

        Cuộc Chiến tranh Biên giới Tháng 2 năm 1979, Trung đoàn 12 đã chiến đấu sang ngày thứ 6. Thương binh chuyển về đội phẫu ngày một nhiều, yêu cầu bổ sung cơ sở vật chất và vận chuyển thương binh đặt ra cấp thiết. Lực lượng vận tải của trung đoàn không đáp ứng nổi. Tôi, lúc đó là Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn, quyết định huy động thêm cán bộ, chiến sĩ của cơ quan và các đơn vị trực thuộc Phòng Hậu cần đi làm nhiệm vụ vận tải xuống các tiểu đoàn, đại đội. Bộ phận đi xuống Đại đội 61 do Nguyễn Văn Công phụ trách, có nhiệm vụ chuyển đạn ra và chuyển thương binh, tử sĩ về. Đường đi phải vượt qua những trọng điểm địch bắn pháo, ruộng lầy, ruộng bậc thang mới lên được trận địa phòng ngự.

        Bàn giao xong cơ sở vật chất cho đơn vị xong, Công bố trí cho anh em khênh thương binh và tử sĩ. Ai làm xong trước cứ theo đường cũ trở về trước, cuối cùng còn một mình Công với ca tử sĩ. Anh bàn với mọi người, cứ bó liệt sĩ vào võng chắc chắn để anh cõng đồng đội như cõng người đang sống. Đoạn đường từ trận địa về tới trạm phẫu khoảng 6 cây số, nhưng phải qua ruộng bậc thang, suối đá, ruộng sình lầy. Thỉnh thoảng pháo địch bắn tọa độ hàng năm, sáu phút liền. Công không dám đặt đồng đội xuống mà cố gắng chạy. Hai vai tê dại, hai chân mỏi nhừ, nhiều lúc muốn khuỵu xuống nhưng anh không dám nghỉ. Nghỉ là sẽ không bước được nữa, kinh nghiệm đã cho Công biết như vậy. Cuối cùng, anh đã về tới Trạm phẫu.

        Có tiếng gõ cửa, tôi vặn to ngọn đèn dầu, đồng hồ chỉ 2 giờ sáng. Công bước vào báo cáo đã hoàn thành nhiệm vụ chuyển đạn và đưa được 4 ca thương, 1 ca tử sĩ về an toàn. Tôi hỏi:

        -   Lần đầu tiếp xúc với người chết như vậy, cậu có sợ không? Công trả lời:

        -   Trước đây ở nhà, nói tới người chết, em không dám tới gần. Nhưng ở trận địa, thấy anh em bị thương, hy sinh em chỉ thấy thương và mong được chia sẻ, không hề có cảm giác sợ hãi.

        Tôi thực sự xúc động khi nghe Công kể về việc tự mình cõng tử sĩ với bao tình huống khó khăn. Một chiến sĩ mới 20 tuổi đời, một tuổi quân mà đã giải quyết mọi công việc trôi chảy và đầy tình nghĩa. Sáng hôm sau, trong buổi sinh hoạt cơ quan, tôi đề nghị đồng chí Hồng, Chính trị viên Phòng Hậu cần, biểu dương Công trước toàn đơn vị.

        Mấy ngày sau, địch đánh qua đường 1B. Pháo chúng bắn dày đặc tại Cây Số 3, cách Sở Chỉ huy Trung đoàn khoảng 2 cây số. Tiếp đó là những trận chiến đấu giữa bộ binh ta và địch. Thương binh, tử sĩ đưa về Trạm phẫu dồn dập, chứng tỏ sự ác liệt của cuộc chiến. Để giảm áp lực cho Trạm phẫu, tôi đồng ý với đề xuất của bác sĩ Bùi, Chủ nhiệm Quân y để Trạm phẫu chỉ tiếp nhận thương binh, còn liệt sĩ chuyển thẳng ra khu vực mai táng.

        Khoảng 11 giờ hôm ấy, tôi ra khu khâm liệm, thấy có 6 ca tử sĩ, 2 ca đã khâm liệm xong, số còn lại đang nằm trên cáng. Hai chiến sĩ gái đang lau mặt cho các liệt sĩ, cô nào cũng nước mắt đầm đìa. Tôi hỏi: “ Anh chị en đâu cả rồi?”. Các cô trả lời: “ Báo cáo Chủ nhiệm, anh Công đi lấy vải liệm, mấy chị đi lấy cơm và trứng chưa về”. Nói xong các cô òa lên khóc, vừa khóc vừa kể: “ Đây là anh Thời, Đại đội phó DKZ của Trung đoàn, mấy anh vận tải khênh về đến Trạm phẫu thì tắt thở. Trước khi tắt thở, anh nhìn mọi người như muốn nói điều gì nhưng không nói được”. Vừa dứt lời, các cô lại khóc. Tôi lặng đi vì xúc động trước tình đồng đội quý hóa ấy. Anh Hồng cùng mấy chiến sĩ mang cơm và trứng thắp hương cho các liệt sĩ. Tôi nói với Hồng phải làm chu tất các nghi lễ chôn cất tử sĩ như đã quy định, không được bỏ sót việc nào, kể cả việc bắn súng khi hạ huyệt, mặc dù địch cách đấy không xa...

        Chiến tranh kết thúc. Cơ quan triển khai tổng kết. Trong thành tích chung của Phòng Hậu cần đã đạt được, ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là tình cảm của người lính trong ác liệt, hy sinh. Hầu hết họ là những chiến sĩ mới nhập ngũ, tuổi đời độ mười chín, hai mươi. Đất nước hòa bình mới hơn 3 năm. Tổ quốc lâm nguy, họ xung phong ra trận, sống chết vì nhau và bên nhau như ruột thịt. Thật đáng trân trọng và tự hào. Trong quyền hạn của mình, Đảng ủy và Chỉ huy Phòng Hậu cần đã quyết định khen thưởng và đề nghị trên khen thưởng cho nhiều người. Trong đó, Nguyễn Văn Công được đề nghị tặng Huân chương Chiến công Hạng 3.

        Đã 30 năm trôi qua, bây giờ nghĩ lại, tuy cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ biên giới Tổ quốc không dài và ác liệt như Cuộc Kháng chiến chống Mỹ xâm lược, nhưng nó có đặc thù riêng. Phía trước là ác liệt, hy sinh; phía sau, cách không xa lại là hòa bình, hạnh phúc. Người lính không có bản lĩnh, không có tình yêu thương đồng đội cao cả, chỉ ích kỷ nghĩ cho mình thì không thể có những việc làm như Nguyễn Văn Công, không có những biểu hiện như các chiến sĩ gái đối với những liệt sĩ, những đồng đội của mình. Viết những dòng này, tôi thầm mong, Sư đoàn 3-Sao Vàng của chúng ta hiện vẫn còn nhiều liệt sĩ đang nằm rải rác ở các chiến trường, chưa tìm được hài cốt hoặc chưa xác định được danh tính hài cốt. Nên chăng, chúng ta có thể tìm một hình thức nào đó để tỏ lòng tưởng nhớ đối với họ, tôn vinh họ. Để nói rằng, họ vẫn mãi mãi là những tấm gương của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn.

Hà Nội, tháng 9 năm 2009.         
L.A.S.                     
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #136 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2017, 07:06:09 pm »


        Mạnh Hùng, Phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA TỪ BÀN TAY CHIẾN SỸ.

        Cái tin tốt lành: Trung đoàn 2, Sư đoàn 3- Sao Vàng vừa được xếp hàng đầu cùng 3 Trung đoàn trong toàn quân về xây dựng tổ chức doanh trại “Xanh – Sạch – Đẹp” sau cuộc kiểm tra của Tổng cục Hậu Cần tháng 8 năm 2004 không làm chúng tôi bất ngờ. Từ nhiều năm nay, cái đẹp của kỷ luật tự giác, của tình yêu đơn vị, môi trường văn hóa đã được lớp lớp cán bộ, chiến sỹ trẻ ở đây gây dựng, truyền lại cho nhau và bồi đắp.

        “Không phải nước sông công lính”

        Những ấn tượng ấm áp trong chúng tôi về Trung đoàn 2 lớn dần theo năm tháng. Không thể quên hơn 10 năm về trước, màu xám xỉn của khu doanh trại nhà tranh, nhà cấp 4 cũ kỹ, rệu nát. Tiếp đó là màu đỏ ối của vùng đồi đá ong bị cày xới, san lấp trong những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ 20. Sức máy, sức người cuốn chiếu từng ngày, từng giai đoạn xen những mùa huấn luyện, công tác theo đầu óc quy hoạch và kế hoạch hợp lý để rồi một khu doanh trại khang trang, bề thế và chính quy ra đời – Sắc đỏ, vàng của những tòa nhà nổi bật giữa màu xanh mát rượi của cây xanh, thảm cỏ.

        Doanh trại mà như công viên. Đến khu kho, khu chế biến, chăn nuôi mà không thấy mùi hôi, lại có vườn hoa... Những lời nhận xét, những lời ngợi khen như thế từ những đoàn kiểm tra, những vị khách từ 76 đoàn trong và ngoài Quân đội, và cả khách nước ngoài đến tham quan học tập kinh nghiệm khá nhiều. Và một lần nữa, trong sự quan sát của chúng tôi, những sự ví von khen ngợi ấy quả không quá lời.

        Theo bước chân Phó Trung đoàn trưởng Đàm Bảng đi thăm các tiểu đoàn, đại đội, điều chúng tôi quan tâm trước hết về cảnh quan đơn vị chính là những thảm cỏ. Cứ vuông đất nào không phải là đường, là vườn cây, luống rau là có cỏ mọc. Trời đã chuyển sang tiết đông lạnh, hanh hao mà cỏ vẫn bám dày bên lối đi, kể cả những sườn dốc dựng. Cỏ điểm xuyến bên luống hoa, cỏ phủ kín mặt hai sân bóng đá. Và kia nữa, trên “ngọn đồi tình yêu”, dưới bóng những gốc thông già là thảm cỏ mượt mà... xin chưa nói những tấn rau, tấn thịt lợn, thịt gà cùng những vườn rau xanh, bởi công việc tăng gia sản xuất dẫu sao cũng xuất phát từ nhu cầu có tính thực dụng, bắt buộc. Việc trồng cỏ, trồng hoa, những dãy hàng dâm bụt xanh rì bên lối đi, cả những bể nước-hòn non bộ kia và những bộ bàn ghế đá tự tạo quây quần ấm cúng kia nữa...Đó là những sản phẩm về tình yêu đơn vị của người lính. Chỉ khi người lính có nhu cầu làm đẹp cho nơi ở của mình, nghĩa là vượt cao hơn nhu cầu tất yếu, những sản vật ấy mới được yêu thương, chăm chút chỉn chu đến vậy.

        Trung tá, Chủ nhiệm Hậu cần Nguyễn Thành Nhất kể: Mỗi khi đi rèn luyện hay đi công tác ở nơi có đá, anh em lại chọn mang về để làm hòn non bộ. Cỏ thì thay nhau vào rừng xa hàng chục cây số bứng về... Đó là sáng kiến của anh em Tiểu đoàn 3, sau đó lan ra cả trung đoàn.

        Rặng dâm bụt, giàn hoa bìm bìm, hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền, vườn đu đủ...bên những lối mòn, những luống rau ngót  trồng ven bờ ruộng...những dãy giàn bầu, bí, su su xòa ra hai phía khắp bờ ao...Có thể nói, không một mét vuông nào trong khu doanh trại của Trung đoàn 2 không được tận dụng có lý. Tất cả làm cho mỗi ngôi nhà thêm ấm cúng, gần gũi với hình ảnh quê hương, với tình đồng chí, đồng đội và cho cả những khách thăm như chúng tôi. Ấm cúng và thú vị hơn khi mỗi bước chân chúng tôi đều gặp những lời chào hỏi, giới thiệu, những nụ cười lính trẻ.

        Móng nền của một cơ quan doanh trại khang trang, tươi xanh, đẹp như công viên là công sức chiến sĩ với hơn 3,2 triệu mét khối đất đá được đào đắp, san lấp. Và nữa, khu trường bắn bảo đảm cho việc kiểm tra bắn đạn thật của tất cả các loại hỏa lực bộ binh trong biên chế, hệ thống V-A-C-G- (vườn, ao, chuồng, giàn), hệ thống phun nước cứu hỏa bán tự động lợi dụng độ cao của đồi để tạo áp suất nước...Cũng chính những đôi tay chiến sĩ đã làm ra một khối lượng sản phẩm tăng gia đáng khích lệ: thừa rau ăn, toàn rau sạch, mùa nào rau đó. Lợn, mỗi tiểu đoàn có từ 100 đến 120 con, bình quân 3,7 người có một đầu lợn. Cá, 8,5 kg/ người/năm. Trung đoàn tự bảo đảm 100% định lượng cá, thịt, trứng, đậu. Nếu như năm 1999, từ sản phẩm tăng gia, trung đoàn đưa vào ăn thêm được 250 đồng/người/ngày thì từ năm 2002 đến nay nâng lên 500 đồng...

        Công sức chiến sĩ đã đổ ra để chinh phục, cải biến vùng đồi đá ong được tiến hành không phải theo lối tư duy “nước sông, công lính” mà đều gắn với sự quy hoạch, tính toán khoa học, kinh tế, trọng hiệu quả; gắn với sự hào hứng, năng động của từng chiến sĩ. Xin kể mấy ví dụ nhỏ: Không ngẫu nhiên Tiểu đoàn 2 làm cả hệ thống giàn trồng cây leo lấy quả quanh khu ở của mình, bởi vì, doanh trại ở trên đồi cao, đất đá ong quá cứng, không đất màu, xa nguồn nước, do đó phải chọn cách đào hố, lấy bùn, lót phân xanh, tạo nên những hố đủ dinh dưỡng, tiết kiệm được công sức...Cũng không ngẫu nhiên mà Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 1 chọn cách nuôi vịt giống thay vì mua vịt đẻ giá 50.000 đồng/con. Vịt giống tự nuôi, giá thành rẻ hơn và hơn nữa, tránh được dịch bệnh từ bên ngoài. Lợn giống cũng vậy, anh em nuôi lợn nái giống Móng Cái, chấp nhận tăng trưởng thấp nhưng thịt ngon hơn. Cũng chỉ có chuyện Trung đoàn 2 lát gạch hoa cho chuồng lợn. Bởi vì, như vậy, lợn cọ mình vào thành chuồng sẽ không bị xây xát nhiễm trùng mà lại dễ dàng dọn vệ sinh. Chuồng lợn sạch đẹp cũng làm cho người nuôi nấng, chăm sóc chúng thêm hứng thú. Hệ thống vòi phun tự động tưới nước ở vườn rau tập trung không chỉ đỡ sức người mà còn tạo nét đẹp cho cảnh quan đơn vị...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #137 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2017, 07:07:13 pm »


        TIÊU ĐIỂM: Chiến Sĩ

        Giờ thứ 8 – Giờ hoạt động thể thao và tăng gia trong ngày, cả khu doanh trại Tiểu đoàn 2 vang động tiếng hò reo. Trên sân bóng đá có đến bốn chục cầu thủ quần nhau, các nhóm ngồi ngoài liên tục cổ vũ. Các sân cầu lông, bóng chuyền cũng vậy. Ở các khu tăng gia của tiểu đoàn, đại đội, từng nhóm hai, ba chiến sĩ tưới rau, bắt sâu. Ai cũng có một việc gì đấy. Không có cảnh chiến sĩ ngồi không, tán gẫu. Làm thế nào để người chiến sĩ luôn ở vị thế chủ động, cả trong học tập, huấn luyện; cả trong sinh hoạt bình thường hàng ngày? Đó là tiêu điểm mà cán bộ các cấp ở Trung đoàn 2 luôn hướng tới và dày công xây dựng. Đi một vòng, trở về về thăm nhà ở của Chỉ huy Trung đoàn, chúng tôi mới thấy một điều bất ngờ: Nhà ở của Chỉ huy là ngôi nhà cũ nhất, vẫn là ngôi nhà trung đoàn nhận bàn giao từ đơn vị trước đóng quân tại đây. Trong khi các đại đội có máy thu hình thế hệ mới, màn hình phẳng và siêu phẳng thì chiếc máy ở nhà Chỉ huy vẫn là máy cũ đã hơn 5 năm tuổi. Cũng ít có đơn vị nào như Trung đoàn 2 làm nhà tắm nước nóng cho chiến sĩ. Đó là một khu bếp đun bằng than đá, tính ra chỉ hết 150 đồng một lượt người tắm. Bếp đun nước cấp cho các nhà tắm qua hệ thống vòi hoa sen. Cũng ở Trung đoàn 2, nơi đầu tiên trong Sư đoàn Sao Vàng trang bị bình nước lọc ngoại đến từng trung đội và trang bị đầy đủ tủ bảo quản thực phẩm cho từng bếp ăn; có máy phát điện, bếp Bi-ô-ga, hệ thống biển, bảng, sân cầu lông có đèn tập luyện và thi đấu vào buổi tối...

        Các đồng chí Chỉ huy Trung đoàn trao đổi với chúng tôi rằng, những trang bị trên đều lấy từ tiền tăng gia. Trung đoàn không có nguồn thu riêng nào khác. Tiền tăng gia còn góp vào kinh phí hoạt động văn hóa, thể thao, hỗ trợ đơn vị kết nghĩa. Đặc biệt, còn đủ chi dùng cho các đợt tổ chức bộ đội về Hà Nội viếng Lăng Bác, tham quan các Bảo tàng....

        Một điều rất đáng ghi nhận ở Trung đoàn 2 là sự dân chủ xuyên suốt trong mọi hoạt động. Dân chủ công khai trong kinh tế tạo cho anh em niềm tin vào cấp trên. Dân chủ góp ý với Chỉ huy tạo cho đơn vị không khí thoải mái, ấm cúng. Phòng Chỉ huy luôn rộng mở. Chúng tôi tìm hiểu kỹ các “hòm thư góp ý”gắn ở các khu nhà dịp này vì sao không có thư gửi. Anh em trả lời: Nếu có điều gì thắc mắc, chúng tôi nói thẳng với cán bộ mà không ngại, thành ra “hòm thư góp ý” trở nên đói thư.

        “ Ngoài doanh trại không có bóng chiến sĩ rong chơi, vào cổng gác gặp tư thế nghiêm trang của người lính, trong doanh trại thấy mỗi người mỗi việc, biết ngay là một đơn vị quy củ, nề nếp”. Đó là lời nhận xét của một vị khách quân đội nước bạn khi tới tham quan Trung đoàn 2. Còn một cựu chiến binh về thăm đơn vị, bên cạnh niềm vui chung lại có băn khoăn hỏi, đại ý: Bộ đội sướng quá thế này liệu có chịu được khó khăn, gian khổ khi chiến đấu không? Qua tìm hiểu Trung đoàn 2 từ lịch sử đến hiện tại, chúng tôi xin mạnh dạn thưa rằng: Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã tự tạo nên cuộc sống cho chính mình bằng tất cả tình yêu của người lính. Họ trân trọng những sản phẩm do mình tạo ra và sẽ có trách nhiệm để bảo vệ thành quả đó. Đó là cơ sở hình thành bản lĩnh của người chiến sĩ sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ để bảo vệ Tổ quốc thân yêu của mình. Chúng ta hãy tin ở họ.

Tháng 11 năm 2004.       
M.H.                 

HẾT

Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM