Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:55:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Bái  (Đọc 27268 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 09:56:57 pm »


Ngày 26 tháng 8 năm 1928, một đại hội đảng được quyết định cử hành tại chùa làng Song Khê. Tối hôm đó thấy cha tôi sau khi cắt cử một số người phân đi các ngả đón khách đã tự mình hết đi chỗ nọ đến chỗ kia để lo cho đại hội được tiến hành tốt đẹp. Có hơn một trăm đại biểu đến họp ngồi kín cả mấy gian đại sảnh nhà chùa và cả ở ngoài hành lang. Đèn nến sáng trưng, người phát biểu oang oang không cần phải giảm âm thanh vì chùa được lập trên đất bãi xa, lánh hẳn dân làng. Nhà sư nữ trụ trì vốn là người yêu nước nên sẵn sàng dành chùa cho cha tôi tổ chức đại hội nhưng lại sơ ý không dặn bảo các ni cô nên một người trong số này khi thấy đông người đến họp sợ liên lụy đến bản thân nên đã lén lút về làng báo với lý trưởng và nói với dân làng là ông Xứ không biết định làm gì mà kéo rất đông người về chùa hội họp. Lý trưởng vốn là học trò cũ của cha tôi, đồng thời cũng là đảng viên Việt Nam quốc dân đảng đã một mặt làm lơ như không biết gì, mặt khác cho người tới ngay nhà tôi báo tin cho dì tôi biết, đồng thời lập kế hoãn binh chờ đủ lệ bộ trương tuần và tuần phiên được vũ trang đầy đủ mới kéo nhau ra chùa làm biên bản. Được tin lý trưởng báo, dì tôi chạy ngay ra chùa nói với cha tôi. Thế là chỉ trong chốc lát mọi người đã tẩu tán đi mỗi người một phương, còn cha tôi và mấy đồng chí người làng vội vàng dọn sạch dấu vết cuộc họp và đóng lại các cửa chùa như cũ. Do đó, đến khi lý trưởng và đội tuần phiên vũ trang gậy gộc giáo mác đến chùa thì đã không còn ai nữa. Trong khi làm biên bản, nhà sư được cha tôi dặn bảo trước đã khai là vì nhà ông Xứ có giỗ, đông khách quá nên có nhờ cho tiếp khách ở chùa. Xong việc, khách khứa đã về cả rồi. Y lời ông Xứ có mặt cũng nói như vậy. Thế là biên bản không ghi được điểm gì bất lợi. Tuy nhiên trong làng vốn có người làm đội lính lệ của tuần phủ đã đem việc này cáo giác với luận điệu nghi cho ông Xứ họp đảng làm loạn. Cũng vì thế, lý trưởng Song Khê bị mấy lần gọi lên quan xét hỏi nhưng vì không ai đưa được chứng cứ gì khác nên rốt cuộc lý trưởng được vô can. Tuy nhiên năm sau (1929) khi cha tôi bỏ nhà ra đi, vì Lý Tào bị thực dân bắt phải tìm kỳ được ông nhưng đã không đạt được kết quả gì nên cuối cùng bị cách chức.

Việc thoát hiểm nói trên có làm cho cha tôi thêm cảnh giác nên từ đó trừ việc tiếp khách lẻ tẻ không kể còn các cuộc họp đông người thì đều được bố trí ở nơi khác.

Ngày 9 tháng 12 năm 1928, trong kỳ họp tổng bộ mới, tức tổng bộ thứ ba của Việt Nam quốc dân đảng, bộ phận lãnh đạo đảng được quy định chia làm hai ban: Ban Lập pháp, Giám sát và Ban Chấp hành. Trong hai ban trên thì Ban Lập pháp, Giám sát quan trọng hơn vì nó có quyền kiểm tra và quyết định mọi công việc quan trọng của đảng, còn Ban Chấp hành thì thi hành các công việc đó. Điều đặc biệt đáng lưu ý là trong hai kỳ họp tổng bộ trước, Nguyễn Thái Học đều được bầu làm Chủ tịch đảng. Nhưng đến kỳ họp này vì cha tôi được bầu làm Trưởng Ban Lập pháp, Giám sát nên nghiễm nhiên trở thành Chủ tịch đảng, còn Nguyễn Thái Học được bầu làm phó ban nên cũng trở thành Phó Chủ tịch đảng1 và chính trên cương vị Chủ tịch đảng, cha tôi đã đề ra việc chỉnh đốn chương trình và điều lệ đảng, đồng thời hạ quyết tâm thực hiện cho kỳ được chủ trương vũ trang khởi nghĩa được ôm ấp từ khi còn nhỏ tuổi.
_____________________________________
1. Xem "Lam Sơn hiệp sĩ, Yên Bái khởi nghĩa" 4-1946, tr. 2, 3; Đào Trịnh Nhất, "Trung Bắc chủ nhật" số 245, 1945, tr. 14; Cố Nhi Tân, "Tiểu truyện danh nhân", Sài Gòn 1969, tr. 96.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 09:58:37 pm »


Cũng thời kỳ này, một sự kiện quan trọng xảy ra, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của Việt Nam quốc dân đảng:

Nguyên là tối ngày 9 tháng 2 năm 1929 tên Ba-danh chủ mộ phu cho các đồn điên cao su ở Nam Bộ và Tân Thế giới bị các đảng viên Việt Nam quốc dân đảng ám sát. Việc này làm kinh động giới thực dân và nhiều người trong bọn chúng lớn tiếng đòi chính quyền Đông Pháp phải ra tay trừng trị bọn chống đối. Thực ra, từ lâu nhờ có sự bố trí cho mật thám chui vào hàng ngũ đảng, hoặc nhờ có một số đảng viên Việt Nam quốc dân đảng vì sợ sệt muốn bảo toàn tính mạng nên đã khai báo nội tình đảng với thực dân, nên chúng đã biết rõ sự tồn tại và các hoạt động cụ thể của Việt Nam quốc dân đảng. Với chính sách "nuôi cho béo", chúng còn muốn theo dõi một thời gian nữa mới ra tay quét một mẻ cho sạch. Nhưng việc tên Ba-danh, đại diện cho những nhà tư bản lớn ở vùng Đông Nam Á bị bỏ mạng, đã không cho phép chính quyền thực dân trì hoãn được nữa. Không những thế, việc tống tiền bọn nổi tiếng giàu có, có nợ máu với nhân dân do các đảng viên Việt Nam quốc dân đảng tiến hành để gây quỹ đảng càng làm sôi nổi dư luận. Ví dụ: Theo lệnh cha tôi, Đặng Đình Tống, học trò cũ của ông đã cùng với Đoàn Trần Nghiệp, Phó Đức Chính, Nguyễn Mậu Ngọ... đến tống tiền tên Thừa Chương ở phố Tân Ninh, thị xã Bắc Giang ngày mồng 2 Tết Kỷ Tỵ (11-2-1929), hiệu Phúc Hưng ở phố Tiền An, thị xã Bắc Ninh ngày mồng 4 Tết (13-2-1929), Hàn Tắc ở Nam Định ngày mồng 6 Tết (15-2-1929), v.v...

Trước những sự việc được coi như kinh thiên động địa và được báo chí hàng ngày đăng tải nói trên, thực dân Pháp ra tay khủng bố. Nhà tôi ở Song Khê bị tri phủ Lạng Giang (thời kỳ này làng tôi thuộc phủ Lạng Giang chứ không phải thuộc huyện Yên Dũng như bây giờ) đem lính đến khám xét từ 4 giờ sáng ngày mồng 8 Tết (17-2-1929). Có lẽ đoán trước việc này nên sau khi ăn Tết lần cuối cùng với gia đình, cha tôi đã cao chạy xa bay. Còn nhớ hôm đó tôi cũng ở nhà nên đã tỏ ra rất căm tức và có thái độ dứt khoát không sợ sệt, khúm núm. Trước câu hỏi: "Bố mày đi đâu?" của một tên đội, tôi đã vênh váo, thách thức trả lời: "Tôi biết đâu được, đi mà bắt". Hẳn vì tên đội lệ thấy tôi còn bé nên chỉ lừ mắt bỏ đi sục sạo trong nhà. Mẹ tôi tưởng lính đến bắt rượu lậu nên vội giấu một chai rượu còn dở trong buồng cho vào trong chăn ủ kín với em gái tôi và cứ thế thản nhiên ngồi trên giường lễ phép trả lời không biết cha tôi đi đâu. Cuộc lục soát nhà cửa và tra hỏi người trong gia đình kéo dài đến hai tiếng đồng hồ nhưng không đem lại kết quả gì vì trước khi ra đi cha tôi đã sai người cháu họ là Nguyễn Khắc Khỏa, đảng viên đem các tài liệu đi cất giấu cả rồi. Bọn khám xét rút cục chỉ đem đi được một số ảnh chụp cũng như một số tân thư1 của cha tôi.
________________________________
1. Tân thư: Danh từ để chỉ những sách do các nhà có tư tưởng tiến bộ và cách mạng Trung Quốc, đem in công khai như "Trung Quốc hồn", "Ẩm băng thất" của Lương Khải Siêu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 10:02:04 pm »


Đồng thời với việc tìm bắt cha tôi, thực dân đã chăng lưới bắt được hầu hết các yếu nhân trong đảng, đặc biệt là bộ phận trí thức sáng lập ra đảng tại Hà Nội. Bao nhiêu người bị tình nghi đều bị chúng bắt giam tra khảo và chỉ được tự do khi biết chắc người đó sẽ không làm hại gì cho chúng nữa. Các phòng giam của sở mật thám và nhà pha Hỏa Lò đều đầy kín người. Mặt khác, những cơ sở kinh tế của đảng như khách sạn Việt Nam ở phố Hàng Bông, Hà Nội, xưởng dệt của cha tôi thành lập ở thị xã Bắc Giang đều bị đóng cửa, của cải bị tịch thu và những người có liên can bị bắt giữ. Cũng may mà bộ phận kỹ thuật của xưởng, tức nhũng người làng tôi phụ trách dệt trực tiếp ra vải đều không việc gì vì được coi như người làm thuê.

Cha tôi bỏ nhà ra đi, trốn tránh nanh vuốt của thực dân, phải sống một đời nay đây mai đó, không ở lâu tại đâu. Cha tôi cũng luôn luôn thay đổi hình dạng, khi mặc quần áo đồ nho, tổng lý, khăn đóng, áo dài, khi cải trang thành thầu khoán với bộ ka ki vàng, khi thành viên chức nhà nước áo cổ cồn, thắt ca vát, khi thì trang phục như ông lão nông quần nâu áo dài. Và chính việc lưu động liên tục và bất thần ra đi, cũng như việc luôn luôn cải trang nói trên đã làm cho cha tôi nhiều phen thoát hiểm. Nếu mật thám Pháp mấy lần bắt hụt cha tôi tại khách sạn Việt Nam hoặc tại một trạm liên lạc của Việt Nam quốc dân đảng tại phố Quốc Tử Giám thì nhiều phen khác chúng cũng đành bó tay không nhận ra cha tôi trong vai một lão nông vác cuốc thăm đồng tại Võng La hay trong vai một thầu khoán tại phố Gia Lâm...

Có điều là việc khủng bố của thực dân Pháp đã làm cho tổ chức Việt Nam quốc dân đảng bị đứt đoạn lung tung. Nếu việc một bộ phận quan trọng của ban lãnh đạo bị bắt không làm cho cha tôi bối rối lắm vì phần lớn những người này đều có tư tưởng ôn hòa không dám chủ trương bạo động nên ông càng có điều kiện hướng đảng theo đường lối vũ trang khởi nghĩa. Trái lại, việc nhiều đảng viên chủ chốt ở các địa phương bị cầm tù đã làm cho ông phải dốc sức ra nối lại các khâu liên lạc để có thể huy động được tổng lực của đảng trong khi nổi dậy. Tuy ông biết thực dân Pháp đã kết án ông 20 năm cầm cố vắng mặt nhưng ông vẫn quyết tâm củng cố lại đảng để có thể thực hiện kỳ được kế hoạch của mình. Với tâm trạng đó ông đã làm một bài thơ nói rõ tâm sự mình sau vụ Ba-danh:

      Nặng lòng ưu ái khó làm thinh
      Dội máu nam nhi rửa bất bình
      Cướp nước, chẻm cha quân Phú Lãng1
      Cháy thành chết mẹ chú Ba-danh
      Gian nan những xót người trong hội
      Tâm sự nào ai kể với mình
      Hỡi hỡi anh em cùng gắng sức,
      Phen này quét sạch lũ hôi tanh.


Hai câu cuối của bài thơ trên lại một lần nữa cho thấy cha tôi rất tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc vũ trang khởi nghĩa tương lai.

Mặt khác, trong lúc đi trốn tránh tại một khu rừng ở Hòa Bình, ông cũng cảm khái đọc hai câu thơ chữ Hán:

      Giang sơn vô lệ khấp anh hùng
      Đãn hoạn anh hùng vô lệ khấp giang sơn.


Tôi xin tạm dịch là:
      Giang sơn không có nước mắt khóc anh hùng
      Chỉ sợ anh hùng không có nước mắt khóc giang sơn.

Ý của hai câu thơ trên cho thấy cha tôi cũng là người rất đa cảm, đã từng nhiều lần nhỏ lệ khi nghĩ đến đất nước bị quân thù giày xéo, nhất là khi nghĩ đến cái khó nổi dậy của dân tộc trong lúc Việt Nam quốc dân đảng gặp phải không biết bao nhiêu khó khăn này.

Mặc dù thực dân Pháp ra tay khủng bố, nhưng cha tôi và các yếu nhân khác trong đảng, đặc biệt là những người quyết tâm chủ trương vũ trang khởi nghĩa như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Thị Giang, Đoàn Trần Nghiệp, v.v... đều vẫn được thoát lưới. Chúng đã đem tấm ảnh bắt được của cha tôi hôm đến khám xét nhà tôi và những tấm ảnh của những yếu nhân khác in ra nhiều bản phân phát về tận các xã và treo giải thưởng 5.000 đồng2 nếu ai bắt được họ với hy vọng các cấp chính quyền thực dân, đặc biệt là cấp xã sẽ nhanh chóng truy tìm và nộp họ cho Pháp. Có điều chúng không ngờ tới là chính nhiều người trong bộ máy hương lý này đã báo tin cũng như cung cấp những thẻ căn cước giả để họ kịp thời tẩu thoát, hoặc đi lại được dễ dàng hơn. Một điều lý thú đáng nói là chính nhờ có tấm ảnh cha tôi mà một lý trưởng về sau trao lại cho gia đình chúng tôi mới có điều kiện phóng to để treo trong nhà hiện nay.
______________________________________
1. Đầy đủ ra là Phú Lãng xa: phiên âm Hán Việt chữ France (Pháp).
2. 5.000 đồng lúc bấy giờ bằng giá trị khoảng trên dưới 1.000 tạ gạo ngon.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2017, 02:06:26 pm »


Câu hỏi 22: Nguyễn Thị Giang (tục gọi là cô Giang), người đồng chí, người vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học đã kề vai sát cánh cùng ông trong cuộc đấu tranh chống quân thù. Đây là một mối tình đẹp và vô cùng xúc động. Hãy trình bày đôi nét về Nguyễn Thị Giang và mối tình của họ?
Trả lời:


Nguyễn Thị Giang - mọi người quen gọi là cô Giang - em ruột cô Bắc (Nguyễn Thị Bắc), là con một nhà Nho yêu nước Nghệ Tĩnh ra sinh sống ở Bắc Giang, đảng viên Việt Nam quốc dân đảng, vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học.

Nguyễn Thị Giang sinh năm 1906. Sau khi học xong lớp nhất, cô cùng chị là Nguyễn Thị Bắc được Nguyễn Khắc Nhu dìu dắt, đưa vào tổ chức Việt Nam dân quốc. Sau đó tổ chức này sáp nhập vào Việt Nam quốc dân đảng. Tại đây cô Giang có dịp làm quen và cùng cộng tác với Nguyễn Thái Học. Cô Giang là người ăn nói có duyên, đoan trang và lịch thiệp. Ngay buổi gặp gỡ đầu tiên giữa hai người đã nổ ra tiếng sét ái tình. Phàm trai tài gái sắc phải lòng nhau cũng là chuyện thường tình trên đường đời. Vào một buổi chiều từ Phú Thọ về xuôi, Nguyễn Thái Học cùng cô Giang ghé vào đền Hùng để hội đàm cùng Phó Đức Chính, Nguyễn Thế Nghiệp... Sau khi họp xong, hai người đã vào đền thờ Tổ để chiêm bái. Trước nhang khói trang nghiêm, họ cùng thề non hẹn biển, sẽ cưới nhau thành vợ chồng sau khi cách mạng thành công. Đứng trước bàn thờ Tổ vì không muốn người xung quanh nghe được những lời tâm tình riêng với cô Giang, Nguyễn Thái Học nói bằng tiếng Pháp:

- Phải làm cách mạng! Phải làm cách mạng! Để người An Nam hết làm nô lệ, để người Pháp không còn áp chế nữa. Phải làm cách mạng!

Cô Giang như uống lấy từng lời của người chồng tương lai lại là cấp trên của mình, cô cúi đầu nói nhỏ:

- Vâng, chỉ có một con đường duy nhất là làm cách mạng. Nếu anh có vì Tổ quốc mà hy sinh thì em cũng quyết dùng khẩu súng lục của anh trao mà chết theo...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2017, 02:07:20 pm »


Từ giây phút đó, hai trái tim đầy nhiệt tình cách mạng đã đập chung một nhịp. Khẩu súng Nguyễn Thái Học trao cho cô Giang được xem như vật đính hôn giữa hai người. Có thể nói, cô Giang đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp cứu nước của Nguyễn Thái Học. Sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, ngày 17 tháng 6 năm 1930 Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí của mình lên đoạn đầu đài. Lúc 5 giờ sáng tại pháp trường Yên Bái sương mù còn dày đặc, dân chúng kéo đến xem mặt những người anh hùng. Cô Giang cũng bí mật đến tận nơi để gặp mặt người chồng chưa cưới lần cuối. Cô cải trang thành người đàn ông, trùm chiếc khăn che mặt màu đen, đứng núp bên gốc cây. Nước mắt cô chảy dài trên khuôn mặt xinh đẹp. Môi cô tái mét vì lạnh. Cô nhắm mắt đứng yên như pho tượng. Người cuối cùng lên máy chém là Nguyễn Thái Học. Tất cả đám dông như nín thở. Im lặng đến rùng mình. Nguyễn Thái Học vừa đi vừa đọc những câu thơ bằng tiếng Pháp:

      Mourir pour sa patrie
      C’est le sort le plus beau
      Le plus digne... d’envie...


Dịch nghĩa:
      Chết vì Tổ quốc
      Cái chết vinh quang
      Lòng ta sung sướng trí ta nhẹ nhàng

Không thể đứng nhìn giây phút cuối cùng của người chồng chưa cưới, cô Giang rời khỏi đám đông. Trở về phòng trọ, cô nằm vật vã khóc. Chiều hôm đó, cô ngồi dậy viết hai lá thư tuyệt mệnh trên trang giấy khổ hẹp bằng bút chì xanh. Nước mắt ướt đẫm trang giấy. Thư thứ nhất viết cho bố mẹ chồng. Thư thứ hai viết cho chồng: "Anh đã là người yêu nước. Không làm tròn được nghĩa vụ cứu nước, anh đã giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về chiêu binh, rèn kiếm dưới suối vàng”. Ngoài ra, cô còn làm bài thơ để nói lên nguyện vọng của mình - trong đó có những câu thống thiết:

      Thân không giúp ích cho đời
      Thù không trả được cho người tình chung,
      Dẫu rằng đương độ trẻ trung
      Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh...


Viết xong hai lá thư, cô Giang giấu kín trong người, rồi cô ra chợ mua mấy vuông vải trắng để làm khăn tang chồng. Ngay tối hôm đó, cô đón xe lửa sang Vĩnh Yên. Tờ mờ sáng hôm sau cô trở về làng Thổ Tang để báo tin cho bố mẹ chồng. Cúi lạy bố mẹ chồng xong, cô tất tả đi đến ngã ba Bồ Đề - chỗ cây đa rẽ vào làng Thổ Tang. Cô rút súng ra bắn vào thái dương, rồi ngã vật xuống đất, súng văng ra một bên. Đó là buổi chiều 18 tháng 6 năm 1930. Cái chết của cô Giang chấn động dư luận lúc bấy giờ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2017, 02:12:13 pm »


Trước tấm gương của liệt sĩ Nguyễn Thị Giang trong năm 1930, cụ Phan Bội Châu đã làm bài văn tế cô Giang như sau:

                  VĂN TẾ CÔ GIANG1

      Sóng nhân đạo ở hai mươi thế kỷ, bạn má hồng toan cướp gái làm trai.
      Gương nữ hùng treo một khóe trời Nam, lũ da trắng phải ghê dòng nước Việt.
      Trên Quốc sử mực chàm giấy phấn, "ông" cả đoàn nhan nhản bầy nô.
      Dưới Long Thành màu biếc cỏ xanh, gái đến thế rành rành chữ "liệt".
      Trăng thu mờ mịt, trông những buồn tênh, người ngọc xa xôi, nghĩ càng đau tuyệt.
      Nhớ bạn ta xưa:
      Đất nhả tinh hoa, trời trao băng tuyết.
      Vóc quần thoa nhưng chí khí tu mi.
      Thân khuê các mà can trường khí tiết.
      Thuở bé nhờ ơn gia giáo, Hán học vừa thông,
      Tuổi xanh vào học Quốc trường, Pháp văn cũng biết.
      Tang hải gặp hồi xoay cuộc, ngó giang sơn riêng một lòng đau.
      Trần ai tức tối không nguôi: thấy nô lệ dốc đôi tròng nguýt.
      Xót bốn ngàn năm Tổ quốc chôn nhau cắt rốn, nặng nề trăm đoạn tình ly.
      Thương hai lăm triệu đồng bào, nát thịt tan xương, chứa chất một bầu tâm huyết.
      Xem sách Pháp từng nghĩ Lân Đá, La Lan thuở nọ, chị em mình há để ai hơn!
      Giở sử nhà thoạt vỗ tay reo, Bà Trưng, Cô Triệu sau này, non nước ấy có đâu hồn chết?
      Triều Cách mạng đang cơn sùng sục, cát Tinh Vệ ngậm đầy trước miệng, mong thấy bể vùi.
      Vai quốc dân nặng gánh trìu trìu, đá Oa Hoàng rèn sẵn trong tay, nỡ xem trời khuyết.
      Sá chi gia mắt cường quyền, nên phải thi gan trác tuyệt.
      Khi nhập Đảng tuổi vừa đôi tám, cờ nữ binh đóng đội tiên phong.
      Khi tuyên truyền phách động ba quân, lưỡi biện sĩ trổ tài du thuyết.
      Thổi gió phun mưa tầng mây trận, nào Lâm Thao, nào Yên Bái, nữ tham mưu điều khiển đội hùng binh.
      Ra sinh vào tử biết bao phen, kìa thành huyện, kìa đồn binh, quân nương tử xông pha vùng rắn rết.
      Thầy Học2 vẫn tài hùng phách tráng, nhờ có cô mà lông cánh rợp tứ phương.
      Chị Bắc3 đành dạ sắt lòng son, cậy có em mới trong ngoài xưng lưỡng kiệt.
      Tiếc thay! Vận nước đương truân, tai trời chưa hết.
      Việc sắp thành bỗng một phút tan hoang, mưu trung bại bởi mấy thằng gian quyệt.
      Trắc trở buồm xuôi gió ngược, tài anh thư gặp bước gian truân.
      Ngại ngùng nước biếc non xanh, tay chức nữ uổng công thêu dệt.
      Nhưng cô còn: thiết thạch nhất tâm, chu toàn bách chuyết.
      Thời như thế, việc đành như thế, đài cắt đầu mừng được thấy anh linh.
      Sống là không, mà thác cũng là không, đạn kề cổ4 chẳng nhường cho giặc giết.
      Súng lục liên chốc nhát vang lừng một tiếng, núi đổ sông nhào.
      Hồn cửu tử chưa tan chắc chắn trùng lai, thần reo quỷ thét.
      Em Châu nay: Tình nghĩa cảm sâu, duyên xưa tấc thiệt.
      Tầng mấy lúc hồng đi cá lại, ước ao chung gánh ruổi trường đồ.
      Giận bao phen én Bắc nhạn Nam, đau đớn chia tay thành vĩnh biệt.
      Nợ hồ thỉ em chưa trắng sổ, mài nanh giũa vuốt, ước ba sinh chắc có ngày đền.
      Thù nước nhà chị hãy tím gan, nuốt muối ngậm gừng, hồn chín suối chờ xem trời xét.
      Than ôi! Khóc chẳng gì hay. Nói không kể xiết.
      Một nén tâm hương. Mấy lời thống thiết.
      Chị em mình chi thiếu bạn khôn ngoan.
      Đoàn thể lớn xin từ nay cố kết!
      Xúm bạn gái sẽ theo gót chị, thác đã linh mà sống lại càng linh.
      Xoay cuộc đời sẽ xóa bàn cờ, quốc chưa diệt thì chủng không thể diệt!
      Tiếng hạc kêu chắc thấu trời nghe.
      Bức giấy máu xin ghi lời viết.
      Ai tai! Thượng hưởng!

                                                               (1930)

Chị ruột cô Giang là cô Bắc cũng là đảng viên Việt Nam quốc dân đảng, đảm nhiệm công tác tuyên truyền cho đảng, nhất là trong thời gian chuẩn bị cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Bị bắt và đưa ra xét xử trước hội đồng đề hình họp ngày 28 tháng 3 năm 1930 tại Yên Bái, cô Bắc đã tỏ rõ khí phách hiên ngang.

Ngày nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh có các đường phố mang tên cô Bắc, cô Giang.
________________________________________
1. Phan Bội Châu, Toàn tập, tập 8, Nxb Thuận Hóa, 2001, tr. 494 - 495 - 496.
2. Nguyễn Thái Học.
3. Nguyễn Thị Bắc, chị ruột cô Giang.
4. Cô Giang dùng súng lục tự sát.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #86 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2017, 11:11:29 pm »


Câu hỏi 23: Phó Đức Chính là một trong những nhà lãnh đạo Việt Nam quốc dân đảng ngay từ ngày đầu thành lập. Hãy cho biết đôi nét về cuộc đời hoạt động của ông?
Trả lời:


Phó Đức Chính sinh năm 1907, quê ở làng Đa Ngưu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, tốt nghiệp Trường cao đẳng Công chính, sang làm việc ở Lào. Ông là một trong số những nhân vật quan trọng của Việt Nam quốc dân đảng. Trong đại hội thành lập đảng ngày 25 tháng 12 năm 1927 tại Hà Nội, ông được bầu vào Tổng bộ lâm thời, làm Trưởng ban Tổ chức của Việt Nam quốc dân đảng.

Là một người hoạt động rất hăng hái và nhiệt tình cho Quốc dân đảng, ông đã mấy lần bị địch bắt, nhưng đều được miễn nghị vì lý do còn ít tuổi.

Trong cuộc khởi nghĩa tháng 2 năm 1930, theo kế hoạch hành động ông được phân công chỉ huy đánh đồn Thông, một đại bản doanh quân sự của Pháp ở Sơn Tây để phối hợp với các lực lượng từ Yên Bái, Hưng Hóa và Lâm Thao kéo về. Nhưng cuộc khởi nghĩa đêm ngày 9 rạng ngày 10 tháng 2 năm 1930 tại ba nơi trên không thành công nên kế hoạch đánh đồn Thông không thực hiện được. Ít ngày sau, Phó Đức Chính bị giặc Pháp bắt, đưa ra hội đồng đề hình kết án tử hình.

Ngày 17 tháng 6 năm 1930, vào lúc 5 giờ sáng, ông bị đưa lên máy chém tại thị xã Yên Bái cùng Nguyễn Thái Học và 11 đồng chí khác. Cho đến phút cuối cùng, ông vẫn tỏ ra một tinh thần gan dạ, không chịu khuất phục và một thái độ rất bình tĩnh trước cái chết, khiến quân địch phải kính phục. Tương truyền khi bị bắt hành hình, Phó Đức Chính đòi đặt nằm ngửa để xem lưỡi máy chém xuống như thế nào. Ông đã hô đủ bốn tiếng "Việt Nam vạn tuế!" trước khi đầu lìa khỏi xác.

Ngày nay, tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác có đường phố mang tên Phó Đức Chính.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #87 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2017, 11:12:18 pm »


Câu hỏi 24: Đoàn Trần Nghiệp (tức Ký Con), một trong những nhân vât quan trọng của Việt Nam quốc dân đảng. Hãy cho biết đôi nét về cuộc đời hoạt động của ông?
Trả lời:


Đoàn Trần Nghiệp sinh năm 1908, người làng Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Thủ đô Hà Nội). Ông làm thư ký coi kho "Việt Nam khách sạn", và còn nhỏ tuổi nên có tên gọi là Ký Con.

Ông là một nhân vật quan trọng của Việt Nam quốc dân đảng. Ông đã từng giữ chức Trưởng ban Ám sát, chính ông đã trừng trị một số tên mật thám Pháp và bọn phản bội. Có thời gian ông còn được phân công phụ trách việc in nội san "Hồn cách mạng" của đảng.

Trong quá trình hoạt động của Đoàn Trần Nghiệp (Ký Con), điển hình là vụ ông tổ chức ám sát tên phản bội Nguyễn Văn Kính. Sự việc như sau:

Sau vụ ám sát tên trùm mộ phu Ba-danh, thực dân Pháp ra sức truy lùng, bắt bớ những người yêu nước và phá vỡ hàng loạt các cơ sở cách mạng của Việt Nam quốc dân đảng ở Hà Nội và các tỉnh.

Chủ tịch Việt Nam quốc dân đảng Nguyễn Thái Học vẫn đi lại khắp các nơi ở Bắc Kỳ để cùng các đồng chí hoạt động xúc tiến công việc khởi nghĩa là thời kỳ thứ hai đã ấn định trong chương trình hành động.

Sở mật thám biết rõ Nguyễn Thái Học là một nhân vật cực kỳ quan trọng, cần phải lùng bắt kỳ được nên đã in hàng chục vạn tấm ảnh Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu phát khắp mọi nơi cốt để lùng bắt hai ông. Ngoài ra nhà đương cục còn treo giải thưởng và hứa tặng phẩm hàm cho những người nào bắt được hai nhà lãnh tụ ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #88 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2017, 11:13:02 pm »


Để đánh lừa sở mật thám, Nguyễn Thái Học cho người phao tin lên rằng ông đã trốn sang Tàu. Ông liền làm một bức thư giả dùng chữ quốc ngữ mới mà Việt kiều ở Vân Nam thường dùng, đưa đánh máy cẩn thận, rồi ông trao cho Nguyễn Văn Kính đem từ mạn biên giới về. Ông dặn Kính phải làm một việc gì mạo hiểm ở giữa đường để sở mật thám bắt Kính và lục lấy thư ấy. Bức thư ấy đề địa chỉ tại Quảng Châu ngày 25 tháng 4 năm 1929 và toàn là giọng của anh Học ở hải ngoại gửi về cho các đồng chí trong nước.

Mục đích của Nguyễn Thái Học cốt làm ra thế để cho việc theo dõi và lùng bắt mình bớt đi mà dễ bề hành động. Nhưng không ngờ việc xảy ra lại trái với ý định của ông. Quả nhiên khi Kính giắt lá thư ấy trong người đi từ mạn biên giới về, sở mật thám bắt được Kính, khám người thấy bức thư ấy, họ giải Kính về Hà Nội.

Viên cai trị Bờ-rít, chủ tịch hội đồng đề hình dùng mọi cách dọa nạt, rồi lại dỗ dành làm cho Kính không thể giấu hết sự thực, đem nói rõ cả mọi việc ra. Kính còn muốn tâng công thêm, tố giác tất cả những chỗ ông Học thường hay đi lại thành ra làm liên lụy cho bao nhiêu người. Do đó ông Học nhiều lần bị bắt hụt. Ngoài ra các cơ quan bí mật của đảng cũng bị Nguyễn Văn Kính tố giác.

Xét tội trạng của Kính đã mưu phản đảng, nên tòa án cách mạng do ông Nguyễn Khắc Nhu tức Xứ Nhu chủ tọa tuyên án xử tử hình Kính. Việc thi hành bản án ấy trao cho Ký Con tức Đoàn Trần Nghiệp, Trưởng ban Ám sát của đảng.

Tháng 10 năm 1929, Ký Con giao cho Trần Đức Chính dụ dỗ Kính đến một nơi để hạ sát, vì Kính vẫn không ngờ Chính có dự vào Ban Ám sát. Chính giả vờ rủ Kính đi hát rồi đưa nhau vào vườn hoa Bách Thảo ngồi trên chiếc ghế xi măng nói chuyện như để chờ các bạn khác. Ký Con đi tới chĩa súng bắn trúng thái dương Kính, Kính ngã vật xuống đất. Chính cầm dao găm chuôi có lót giấy đâm tiếp một nhát vào ngực tên Kính, con dao vẫn để cắm ngập trong tim, nên không có vết máu bắn ra ngoài.

Khi xảy ra vụ ám sát này, sở mật thám chính trị lùng bắt rất nhiều người. Người bị bắt đầu tiên là Nguyễn Đức Lung trước cũng có làm việc trong Việt Nam khách sạn với Kính. Rồi căn nhà riêng của ông Trúc Khê ở làng Thị Cầm, tổng Canh Diễn, phủ Hoài Đức cũng bị khám xét mấy lần và ông cũng bị đòi hỏi đối chất với Lung. Mãi đến sau này người ta mới biết rõ Ký Con là Trưởng ban Ám sát đã giết Kính. Nhưng hình như sở mật thám không biết rõ mặt Ký Con và có lẽ cũng không có hình ảnh nên việc lùng bắt Ký Con đã làm náo động khắp mọi nơi và để xảy ra nhiều chuyện tức cười.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #89 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2017, 11:13:19 pm »


Hồi 5 giờ sáng ngày 23 tháng 10 năm 1929, chánh tổng, lý trưởng, lính cơ phủ Hoài Đức cùng tuần phiên vác dao quắm, gậy gộc vào vây nhà ông Trúc Khê ở làng Canh để vây bắt Ký Con. Kỳ thực họ chẳng biết mặt Ký Con thế nào. Chỉ một cách mượn cớ quấy nhiễu.

Tại Hà Nội có một người chủ một hiệu ảnh ở Bờ Hồ ngày nào ai qua hiệu ấy cũng thấy rõ ông ta thế mà ông ấy cũng bị bắt vì tình nghi là Ký Con. Thì ra có kẻ tả hình dáng và khổ mặt Ký Con rồi người ta cứ chiếu theo đó mà bắt. May mắn cho ông chủ hiệu ấy có khổ mặt vuông vắn hơi giống Ký Con nhưng chỉ khác ở chỗ không có cái sẹo cổ, nên sau khi nhận diện được tha về. Nhưng tai hại nhất là một người làm việc tại Viêng Chăn - Lào bị bắt, bị trói, bị đánh rồi bị giải từ Lào về Hà Nội khi đối chất không phải là Ký Con nên được thả ra, nhưng không được đưa về nơi làm việc mà ông ta lại không có bà con thân thích gì ở Hà Nội nên phải đi "quyên giáo" lấy tiền trở về Viêng Chăn. Đến nơi ông ta lại bị mất việc vì chủ Tây cho ông ta là một người cách mạng.

Trong kế hoạch khởi nghĩa tháng 2 năm 1930, Đoàn Trần Nghiệp được phân công phụ trách việc điều động đội quân cảm tử tấn công vào một số vị trí quan trọng trong thành phố Hà Nội như: sở mật thám, nhà tù Hỏa Lò, cục cảnh sát, sở hiến binh để gây rối loạn cho địch, khiến quân đội Pháp không thể tập trung lực lượng, không gửi được viện binh đi các nơi để đàn áp.

Cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Đoàn Trần Nghiệp sa vào tay giặc ngày 8 tháng 5 năm 1930 tại Nam Định. Ông bị hội đồng đề hình của Pháp kết án tử hình cùng với 11 chiến sĩ khác của Việt Nam quốc dân đảng. Ngày 9 tháng 3 năm 1931 Đoàn Trần Nghiệp đã bị hành hình tại phố Hỏa Lò, trước cửa đề lao Hà Nội cùng với ba đồng chí khác.

Ngày nay tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác có đường phố mang tên Đoàn Trần Nghiệp (Ký Con).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM