Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:50:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Bái  (Đọc 27257 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 09:35:39 pm »


Cái chết oanh liệt của ông đã gây xúc động mạnh trong nhân dân và những sĩ phu yêu nước. Một nhà nho ở Hưng Hóa đã lập bàn thờ riêng thờ ông với đôi câu đối chữ Hán:

- Vị dân quyên sinh, vị quốc quyên sinh, vị đảng quyên sinh, thệ bất câu sinh đi thù tặc;

- Kỳ tâm bất tử, kỳ danh bất tử, kỳ tinh thần bất tử; quyết tương nhất tử khích đồng bào.


Tạm dịch như sau:

- Vì dân quyên sinh, vì nước quyên sinh, vì đảng nghĩa quyên sinh, thề chẳng tham sinh nhìn giặc nước;

- Lòng ông không chết, danh ông không chết, tinh thần ông không chết, quyết đem cái chết giục đồng bào.

Về sau ông đồ vì câu đối này đã bị kẻ hai lòng tố giác với giặc. Ông bị chúng bắt tù đày, nhưng ông đã noi gương liệt sĩ, coi thường tù tội. Câu đối này đã lan rộng trong nhân dân và ít lâu sau, các chiến sĩ cách mạng theo hướng chủ nghĩa quốc tế ở Thái Lan đã dùng câu đối này để khích lệ đồng bào trong một dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Yên Bái.

Phạm Hữu Chỉnh, tự Hiệu Nhiên, một nhà nho ở Yên Mô (Ninh Bình) cũng viếng một câu đối chữ Hán như sau:

- Thanh gia? Bại gia? Thiên cổ sử thư truyền bất tử;
- Lý dã! Thế dã! Nhất trường oanh liệt khởi hư sinh.


Tạm dịch là:

- Thành ư? Bại ư? Nghìn thuở sử thư truyền chẳng chết;
- Lý đó! Thế đó! Một trường oanh liệt sống đâu thừa.

Sau Cách mạng tháng Tám, trong một thời gian khá dài, huyện Hưng Hóa, làng Kinh Kệ ở vùng Lâm Thao đều lấy tên huyện và xã là Xứ Nhu.

Hiện nay, ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thị xã Bắc Giang và một số địa phương khác đều có đường phố mang tên Nguyễn Khắc Nhu, một nhà yêu nước bất khuất với ý chí quật cường, dũng cảm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 09:37:09 pm »


Câu hỏi 20: Hãy cho biết vai trò của Nguyễn Khắc Nhu với việc xác định đường lối hoạt động của Việt Nam quốc dân đảng?
Trả lời:


Do bị chi phối bởi các điều kiện giai cấp và xã hội, Việt Nam quốc dân đảng không đề ra được một đường lối chính trị độc lập, rõ ràng. Trong mấy năm tồn tại, tổ chức này đã nhiều lần thay đổi chính cương và điều lệ. Đường lối hoạt động của Việt Nam quốc dân đảng không phải là định hình ngay từ đầu, mà đã trải qua một quá trình chuyển biến và Nguyễn Khắc Nhu đã có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển biến tiến tới định hình đường lối chính trị đó.

Nghiên cứu về bối cảnh ra đời của Việt Nam quốc dân đảng, ta biết rằng sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, từ năm 1919, thực hiện chính sách tăng cường khai thác thuộc địa phục vụ công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế quốc gia bị kiệt quệ điêu tàn, tư bản Pháp ra sức thi hành chính sách khai thác lần thứ hai ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó cơ cấu kinh tế của Việt Nam biến chuyển sâu sắc hơn, kéo theo luôn sự biến chuyển thuần thục hơn trong cơ cấu xã hội. Đáng chú ý là hai giai cấp tư sản dân tộc và tiểu tư sản thành thị nối tiếp nhau ra đời sau chiến tranh là cơ sở xã hội quan trọng cho khuynh hướng cách mạng dân tộc dân chủ tư sản tồn tại và phát triển trong phong trào dân tộc sau chiến tranh. Tuy nhiên, giai cấp tư sản dân tộc ra đời trong hoàn cảnh một xã hội thuộc địa nên không có điều kiện tự do phát triển, ngay từ đầu nó đã bị tư bản tài chính Pháp chèn ép, ra sức hạn chế trên bước đường mở mang kinh doanh. Vì vậy nó vừa nhỏ bé về kinh tế, lại non yếu về chính trị. Trong khi đó thì giai cấp tiểu tư sản lại đông hơn về số lượng và được tập hợp sớm hơn, nhưng họ cũng bị tư bản tài chính Pháp ra sức chèn ép ngay từ đầu, bị giới hạn ngặt nghèo trong phạm vi tiểu thương tiểu chủ nếu họ đứng ra buôn bán làm ăn, hay bị khinh rẻ, bạc đãi, kìm hãm phát triển tài năng, tước đoạt mọi quyền tự do dân chủ nếu họ là những trí thức, công chức. Chiều hướng chung của họ vì vậy là dễ bị phá sản, rồi rơi vào hàng ngũ những người thất nghiệp và giai cấp vô sản. Chính vào đúng lúc Việt Nam đang có những biến chuyển sâu sắc về cả hai mặt kinh tế và xã hội như vậy thì nhiều luồng tư tưởng cách mạng mới của thế giới cũng dồn dập tràn vào và đã có tác dụng thúc đẩy phong trào cách mạng Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển mới, mang nhiều màu sắc và nội dung khác trước, và ngày càng thể hiện rõ tính chất dân tộc và dân chủ. Cùng với việc chủ nghĩa Mác - Lênin du nhập vào Việt Nam sau chiến tranh thúc đẩy phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ và đi dần vào đấu tranh tự giác, phong trào yêu nước dân chủ công khai của tiểu tư sản và tư sản lớp dưới cũng ngày một lan rộng và dâng cao. Mở đầu là phong trào văn hóa tiến bộ tuyên truyền tư tưởng dân tộc dân chủ đã góp phần kích thích tinh thần yêu nước đang sôi sục trong cả nước. Tại Hà Nội và một số thành phố như Huế, Sài Gòn nối tiếp nhau ra đời các nhà xuất bản tiến bộ chuyên xuất bản một số sách biên soạn hay dịch thuật giới thiệu những tấm gương ái quốc trong nước và trên thế giới, góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng chủ nghĩa dân tộc, đào tạo người quốc dân mới. Báo chí quốc văn xuất bản trong Nam ngoài Bắc - trong số đó đáng chú ý nhất có tờ Thực nghiệp - là những cơ quan tuyên truyền dân chủ tự do, tố cáo chính sách bóc lột áp bức của thực dân Pháp và bè lũ tay sai đã có tiếng vang lớn hồi đó. Trong bối cảnh đặc biệt đó, phong trào đấu tranh chính trị cũng trên đà phát triển mạnh mẽ, mang tính chất một phong trào quần chúng được nhiều tầng lớp tham gia. Sôi nổi nhất và lôi cuốn được đông đảo quần chúng là phong trào đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (11-1925), lễ tang và sau đó là lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh ở nhiều nơi trong cả nước (3-1926), cuộc đón tiếp Bùi Quang Chiêu đi Pháp về cùng với vụ đấu tranh đòi thả Nguyễn An Ninh đều xảy ra trong tháng 3, và lễ tang và truy điệu cụ Lương Văn Can (6-1927).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 09:37:47 pm »


Trong cao trào ái quốc dân chủ công khai của những năm 1925-1928 đã bắt đầu xuất hiện các nhóm chính trị của tiểu tư sản trí thức và tư sản lớp dưới. Để đối phó lại, chính phủ Pháp cũng như bọn thực dân Pháp ở Đông Dương chủ trương áp dụng một đường lối cai trị xảo trá hơn, bề ngoài tỏ vẻ mềm dẻo khôn khéo hơn. Chúng đưa toàn quyền Méc-lanh vừa thoát chết ở vụ ném bom tại tô giới Sa Diện, Quảng Châu (Trung Quốc) ngày 19 tháng 6 năm 1924 về và đưa Va-ren sang thay (11-1925) nhằm lợi dụng cái danh nghĩa Đảng viên đảng Xã hội Pháp của y mà lừa bịp và xoa dịu quần chúng.

Phải thừa nhận rằng thủ đoạn xảo trá của thực dân Pháp không phải không có kết quả. Sự thật thì có một số thanh niên lúc bấy giờ đã hy vọng vào những lời tuyên bố, những điều hứa hẹn của tên toàn quyền mới Va-ren nên có ý chờ đợi hắn giải quyết các yêu cầu đưa ra. Trong số đó phải kể đến nhóm thanh niên tập hợp xung quanh Nguyễn Thái Học, thường lấy Nam Đồng thư xã là một nhà xuất bản tiến bộ ở Hà Nội làm nơi lui tới.

Những người thanh niên trí thức tiểu tư sản này sống trong bối cảnh phong trào yêu nước đang diễn ra sôi động của những năm đầu thập kỷ 20 của thế kỷ XX rất nhiệt tình cách mạng. Họ rung động vì lòng ái quốc của Phan Bội Châu, tin tưởng vào thuyết dân quyền của Phan Chu Trinh. Nhưng họ cũng có phần nông nổi, ngây thơ nên bị mắc lừa và có lòng mong đợi chính sách cải cách của nhà "xã hội" Va-ren! Bản thân Nguyễn Thái Học năm 1925 đã viết bức thư gửi cho Va-ren bày tỏ nỗi bất bình của mình đối với chế độ thực dân, đồng thời đề nghị một chương trình cải cách xã hội. Những lời đề nghị của ông không được giải quyết, năm 1926 ông lại viết bức thư thứ hai gửi cho toàn quyền đề nghị chính phủ bảo hộ che chở bênh vực cho nền công thương nghiệp bản xứ, cũng như ban bố các quyền tự do dân chủ, các quyền tự do mở trường dạy học không lấy tiền cho dân nghèo, quyền mở các thư xã bình dân tại các làng xã và các trung tâm công nghiệp. Bức thư này cũng không được trả lời. Không nản lòng, ông lại gửi tiếp cho Va-ren một dự án giúp cho dân nghèo có điều kiện sống dễ dàng hơn. Năm 1927, Nguyễn Thái Học lại gửi cho thống sứ Bắc Kỳ một bức thư xin phép ra một tờ tuần báo lấy tên là Nam Thanh với mục đích bênh vực và khuyến khích nền công thương nghiệp của người trong nước, nâng cao trình độ hiểu biết của nhân dân. Thống sứ Bắc Kỳ đã từ chối lời đề nghị đó. Cũng trong thời kỳ này, Nguyễn Thái Học đã viết một số bài đề cập tới các vấn đề trên và gửi đi định đăng trên một số tờ báo với hy vọng đem các ước vọng của mình ra để trình bày với "Đồng bào quốc dân", nhưng tất cả các bài báo của ông đều bị sở kiểm duyệt không cho đăng. Như vậy là bọn thực dân đã sớm tự gỡ mặt nạ đạo đức giả, trước sau ngoan cố gạt bỏ tất cả những yêu cầu sửa đổi, cải lương dù là ôn hòa nhất. Ngay cả sách báo của Nam Đồng thư xã cũng luôn luôn bị cấm đoán, tịch thu. Nghị định của toàn quyền bắt phải đưa sách ra kiểm duyệt như báo và cuối cùng Nam Đồng thư xã buộc phải đóng cửa. Mặt khác, thực dân Pháp không ngừng thẳng tay đàn áp những người tham gia phong trào đòi thả Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh, đưa lính đàn áp những người tổ chức đám tang Lương Văn Can, v.v...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 09:38:12 pm »


Thực tế đó đã làm cho nhóm thanh niên yêu nước Nguyễn Thái Học thấy phải từ bỏ con đường ngây thơ mong muốn hợp tác với Pháp để hoạt động công khai hợp pháp. Từ đó họ quyết tâm đi vào con đường bạo động, nhận rằng chỉ có dùng vũ lực đánh đuổi người Pháp ra khỏi đất nước mới mong giúp ích được cho đồng bào. Vì vậy, vào giữa năm 1927, mặc dù sắp thi tốt nghiệp ra trường, Nguyễn Thái Học vẫn cùng một số đồng chí bỏ học lên ở hẳn tại trụ sở Nam Đồng thư xã (số nhà 6 đường 96, phố Trúc Bạch) để cùng nhau mưu tính việc lớn.

Lúc này đã xảy ra một cuộc tranh luận căng thẳng giữa chủ trương "hòa bình cách mạng" của Nhượng Tống (Hoàng Phạm Trân) và Trúc Khê (Ngô Văn Triện) với chủ trương bạo động của Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài. Trong khi tranh luận, có lần Nguyễn Thái Học đã khẳng định: "Thực dân đem sắt và máu đô hộ Việt Nam, chúng ta không thể nào dùng đường lối khoanh tay đối phó với súng đạn được. Xem các gương Đông Kinh nghĩa thục ngày trước thì biết. Một nhóm nhà nho tay không có một tấc sắt mà có vô số những người bị chết chém, bị đầy ra Côn Đảo.

Ngày nay còn chủ trương hòa bình cách mạng là đi vào vết xe cũ rất uổng công vô ích mà thôi".

Để khỏi đi vào "vết xe cũ", Nguyễn Thái Học chủ trương "phải sắt và máu", tức là phải tiến hành cách mạng theo phương thức bạo động khởi nghĩa để giành lại độc lập dân tộc. Sau nhiều cuộc họp bàn của Nam Đồng thư xã, cuối cùng nhóm Nguyễn Thái Học - Phạm Tuấn Tài đã đi tới kết quả thuyết phục được nhóm đối lập, và ngay sau đó công việc tổ chức bí mật được bắt đầu xúc tiến. Nói về vai trò của Nam Đồng thư xã trong việc ra đời của Việt Nam quốc dân đảng, nhà sử học Trần Văn Giàu nhận định: "Nam Đồng thư xã tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc cách mạng, chủ nghĩa Tam dân và nó là hạt nhân đầu tiên của Việt Nam quốc dân đảng".

Thực hiện chủ trương xúc tiến công việc tổ chức bí mật, Nguyễn Thái Học đã cùng các đồng chí của ông tích cực hoạt động, một mặt đi vận động bạn bè quen biết ở Hà Nội, mặt khác liên hệ với các nhóm và cá nhân yêu nước ở các địa phương để đoàn kết thêm lực lượng và tiến tới hội nghị thành lập đảng. Công việc tuyên truyền vận động phát triển lực lượng được tiến hành khá thuận lợi, nên chỉ sau mấy tháng vận động trù bị, Việt Nam quốc dân đảng chính thức ra đời trong cuộc hội nghị vào đêm lễ Chúa giáng sinh (Nô-en) ngày 25 tháng 12 năm 1927, và Nguyễn Thái Học được bầu làm Chủ tịch đảng. Trong công tác bắt mối liên lạc với các nhóm yêu nước ở các địa phương, có thể kể tới các nhóm Nguyễn Thế Nghiệp ở Bắc Ninh, nhóm Hoàng Văn Tùng ở Thanh Hóa, và đặc biệt là nhóm Việt Nam dân quốc của Nguyễn Khắc Nhu ở Phủ Lạng Thương (Bắc Giang).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 09:38:56 pm »


Nói về nhóm Việt Nam dân quốc, cần thấy rằng lãnh tụ của nhóm là Nguyễn Khắc Nhu từ những năm 1925-1926 đã có mối liên hệ với tòa soạn báo Thực nghiệp và nhóm Nam Đồng thư xã ở Hà Nội. Vốn giàu lòng yêu nước và có quyết tâm cách mạng, ông đã từng hăng hái tham gia phong trào đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh và cũng đã từng vận động cải cách hương thôn (phong trào đào giếng, tự dệt khăn mặt cho mỗi người, bỏ các hủ tục đốt vàng mã, giảm chi phí trong ma chay, cưới xin, bỏ lễ tế tơ hồng, v.v...). Ông cũng đã chính thức phát biểu những ý kiến và cải cách xã hội trên các báo Thực nghiệp dân báo, An Nam tạp chí. Cũng trong năm 1926, Nguyễn Khắc Nhu đã bắt liên lạc được với Phan Bội Châu đang bị thực dân Pháp giam lỏng trên bờ sông Hương (Huế) và theo lời khuyên của nhà yêu nước họ Phan, ông đã lập ra hội "Quốc dân dục tài" nhằm giáo dục đào tạo nhân tài cho hòa bình phát triển cách mạng. Nhưng thực dân Pháp đã nhanh tay bóp chết hội "Quốc dân dục tài" ngay từ khi tổ chức đó còn phôi thai. Thực tế quyết liệt đó đã buộc Xứ Nhu phải thay đổi ngay phương thức hoạt động cách mạng, nhanh chóng chuyển từ chủ trương hòa bình cách mạng sang bạo động cách mạng. Việt Nam dân quốc ngay sau khi ra đời vào cuối năm 1927 đã tích cực chuẩn bị một cuộc bạo động được dự định vào ngày 11 tháng 11 năm 1927, nhằm đánh vào các đồn binh Pháp ở Đáp Cầu, Bắc Ninh và Phả Lại. Nhưng cuối cùng cuộc bạo động dự định không thực hiện được vì trong lúc chuẩn bị vũ khí đã sơ suất để bom nổ tại cơ quan chế bom ở làng Chè (Bắc Ninh) làm cho công việc vỡ lở, kéo theo luôn việc đàn áp ác liệt của kẻ thù.

Sau khi việc chuẩn bị bạo động bị lộ, mặc dù việc truy lùng, đàn áp của thực dân Pháp được tăng cường, phái Việt Nam dân quốc của Nguyễn Khắc Nhu vẫn cố gắng duy trì mối liên hệ với nhóm Nam Đồng thư xã ở Hà Nội, tạo cơ sở thuận lợi cho việc thống nhất ít lâu sau đó hai tổ chức Việt Nam dân quốc với Việt Nam quốc dân đảng vào tháng 2 năm 1928. Trong hội nghị thành Việt Nam quốc dân đảng vào cuối năm 1927, chưa có sự tham gia của Nguyễn Khắc Nhu, nhưng rõ ràng là việc chuẩn bị bạo động đánh Pháp của phái Việt Nam dân quốc đã kích thích thêm tinh thần quyết liệt cách mạng của nhóm Nam Đồng thư xã, củng cố thêm một bước quyết tâm của nhóm đó đứng ra thành lập Việt Nam quốc dân đảng - một chính đảng cách mạng đại diện cho quyền lợi tư sản dân tộc và tiểu tư sản lớp trên, chủ trương đánh đuổi đế quốc và đứng hẳn trên lập trường dân chủ tư sản. Với uy tín lớn của mình, Nguyễn Khắc Nhu sau khi gia nhập Việt Nam quốc dân đảng đã nhanh chóng trở thành một người có vai trò chủ chốt trong Đảng. Tại hội nghị bầu tổng bộ lần thứ 3 vào cuối tháng 12 năm 1928, ông đã được bầu làm Chủ tịch ủy ban Lập pháp và Giám sát. Và sau đó khi nổ ra vụ ám sát tên thực dân mộ phu đồn điền Ba-danh, ông đã là người cùng với chủ tịch đảng Nguyễn Thái Học bàn bạc và quyết định khởi nghĩa.

Rõ ràng là do những điều kiện cụ thể của xã hội Việt Nam dưới sự thống trị của đế quốc Pháp mà tư tưởng tư sản cách mạng từ bên ngoài đưa vào lại thông qua bộ phận tiểu tư sản trí thức, ngọn cờ cách mạng tư sản được giương lên trong những năm cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX ở Việt Nam lại do những người tiểu tư sản trí thức tập hợp trong Việt Nam quốc dân đảng đảm trách. Vị trí xứng đáng của giai cấp tiểu tư sản trong cách mạng dân chủ tư sản, đó là một đặc điểm của phong trào cách mạng ở một nước thuộc địa như ở Việt Nam ta dưới thời thuộc Pháp. Với lòng yêu nước nhiệt tình, với chí khí hăng hái cách mạng, các chiến sĩ Việt Nam quốc dân đảng mặc dù thất bại nhanh chóng đã viết thêm vào pho sử vàng của dân tộc những dòng rực sáng chính nghĩa dân tộc và mãi mãi xứng đáng với lòng cảm mến của nhân dân cả nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 09:39:43 pm »


Câu hỏi 21: Hãy trình bày quá trình gia nhập Việt Nam quốc dân đảng của nhóm "Việt Nam dân quốc" do Nguyễn Khắc Nhu lãnh đạo? Nguyễn Khắc Nhu đã có những chủ trương, biện pháp và hành động gì để cùng với Nguyễn Thái Học củng cố và thúc đẩy hoạt động vũ trang khởi nghĩa của Việt Nam quốc dân đảng?
Trả lời:


Với nội dung trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Đạm, con trai thứ ba của ông Nguyễn Khắc Nhu đã viết trong cuốn "Nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu" do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1993 như sau:

Kế hoạch hòa bình cách mạng đào tạo nhân tài rộng rãi của cha tôi bị thực dân Pháp đập tan từ trong trứng. Không nản trước thất bại đầu tiên này, cha tôi đã cùng bộ phận tích cực nhất trong hội "Quốc dân dục tài", cụ thể là cùng với một số đồng chí từ thời Đông Du, một số dư đảng Hoàng Hoa Thám, một số học trò cũ có tâm huyết cũng như cùng với những bạn bè mới, đặc biệt là binh lính có tinh thần quyết liệt chống Pháp lập ra hội "Việt Nam dân quốc" với mục đích đánh Pháp, đem lại độc lập cho nước nhà. Mục tiêu trước mắt của Hội là tổ chức một cuộc vũ trang khởi nghĩa với nội dung cụ thể là một cuộc binh biến do các binh lính người Việt Nam trong quân đội Pháp đóng tại Đáp Cầu, Bắc Ninh, Phả Lại tiến hành với sự hỗ trợ của lực lượng cách mạng bên ngoài.

Nếu cuộc binh biến được thực hiện thành công thì binh lính từ ba nơi đó theo kế hoạch của Hội, sẽ tỏa đi đánh chiếm các mục tiêu quân sự khác cho đến khi giành lại được toàn bộ đất nước. Nhưng lực lượng bên ngoài cũng cần phải có vũ trang thì mới có thể phối hợp hành động có hiệu quả với binh lính được. Do đó hội "Việt Nam dân quốc" đã cho lập nên một số xưởng làm lựu đạn (thời đó gọi là bom) mà những người chế tạo chỉ là một số học sinh yêu nước trường kỹ nghệ thực hành, tức những người chỉ mới có trình độ kỹ thuật công nghiệp trung cấp. Mới chỉ là học sinh thì làm gì đã nắm được đầy đủ kinh nghiệm sản xuất, làm gì đã tuân thủ được trọn vẹn chế độ bảo hiểm trong khi thao tác. Cũng vì thế mà công việc chuẩn bị khởi nghĩa của Hội đang được tiến hành gấp rút thì cơ quan chế bom ở làng Chè hay Do Tự ở huyện Gia Lâm vì vô ý để cho bom nổ, kéo theo sự đàn áp của thực dân. Cũng may người phụ trách chế bom là Đồ Cương và Quản Trạc đều trốn thoát, các yếu nhân trong hội Việt Nam dân quốc vì không lộ mặt nên cũng không ai việc gì và chỉ có một vài binh lính và nhân vật thứ yếu là bị sa lưới mà thôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 09:43:05 pm »


Với tổ chức hội Việt Nam dân quốc nói chung còn nguyên vẹn, cha tôi bèn vận động các hội viên cùng tham gia Việt Nam quốc dân đảng được thành lập ngày 25 tháng 12 năm 1927 tại Hà Nội. Tiền thân đảng này là nhóm Nam Đồng thư xã, chuyên biên soạn và dịch thuật những tài liệu và truyện ký danh nhân có nội dung đề cao lòng yêu nước, giành độc lập. Thấy rõ ý đồ sâu xa của nhóm, thực dân Pháp đã ra tay khủng bố, thu hồi các sách đã xuất bản và bắt đóng cửa thư xã. Do mối giao du sẵn có, trong khi chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa ở đất Bắc1 cha tôi đã có liên hệ mật thiết với Nam Đồng thư xã và yêu cầu nhóm này phối hợp hành động. Theo sự kể lại của Nhượng Tống, một trong những sáng lập viên và cây bút sáng tác của thư xã, thì khi nhận được yêu cầu trên, thư xã đã lập tức bị phân hóa thành hai phe theo hai hướng khác nhau. Phe thứ nhất với Nguyễn Thái Học đứng đầu đã cương quyết ủng hộ và tìm cách giúp đỡ hội Việt Nam dân quốc. Phe thứ hai thì cố ý lảng tránh và tỏ vẻ thờ ơ với chủ trương bạo động, một chủ trương có thể ảnh hưởng trực tiếp tới mạng sống của họ. Nhượng Tống thuộc phe thứ hai. Nhưng trước sự thôi thúc của Nguyễn Thái Học, Nhượng Tống đã miễn cưỡng viết một bài hịch gửi đi. Viết xong, theo lời tự thuật, ông ta đã buông bút nằm chờ chết. Nhưng cuộc bạo động đó cha tôi chủ trương đã không nổ ra.

Việc gia nhập của hội Việt Nam dân quốc vào Việt Nam quốc dân đảng xét ra cũng là tất yếu. Vì trước đó năm 1926 hai phái viên của Phan Bội Châu ra Bắc gặp cha tôi thì ngoài lời khuyên là trước mắt hãy nên chú trọng đào tạo nhân tài còn có lời khuyên trong tương lai nên thành lập một đảng theo kiểu Trung Hoa quốc dân đảng. Vả chăng tôn chỉ của Việt Nam quốc dân đảng với người đứng đầu là Nguyễn Thái Học cũng tương tự như Trung Hoa quốc dân đảng. Hơn nữa trước đó Nguyễn Thái Học cũng là người đã nhiệt liệt ủng hộ chủ trương bạo động của hội Việt Nam dân quốc. Thế thì cần gì phải lập một Việt Nam quốc dân đảng mới mà chỉ cần sáp nhập toàn bộ tổ chức vào Việt Nam quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học là xong.

Dễ hiểu là việc gia nhập toàn bộ hội Việt Nam dân quốc vào Việt Nam quốc dân đảng đầu năm 1928 ngoài việc làm cho đảng đột nhiên được mạnh hẳn lên đã đem đến những thay đổi lớn trong đảng này.
_________________________________________
1. Bắc Giang, Bắc Ninh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 09:48:49 pm »


Trước hết chủ trương vũ trang khởi nghĩa đột nhiên chiếm được đa số, hầu như tuyệt đối. Nên lưu ý là Việt Nam quốc dân đảng với tiền thân là nhóm Nam Đồng thư xã chỉ chủ yếu gồm những nhà trí thức (nhà văn, nhà báo, sinh viên, giáo viên, công chức, tư sản thành thị, v.v...) có khuynh hướng chủ yếu là đấu tranh công khai trên báo chí và trên nghị trường. Như vậy thì cuộc sống của họ sẽ không bị đảo lộn gì mà uy tín của họ lại được dần dần lớn lên trong quốc dân đồng bào. Nay toàn bộ hội Việt Nam dân quốc, mà số lượng họ lại rất đông đảo, đặc biệt là ở hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, đồng thời chủ trương của họ vốn là chủ trương bạo động thì tất nhiên họ phải làm cho cán cân Việt Nam quốc dân đảng lệch hẳn về phía vũ trang khởi nghĩa. Toàn bộ những người đảng viên mới này đều được mọi người trong đảng cũ coi như những bậc anh hùng dám sẵn sàng hy sinh tính mạng để giành lấy độc lập cho nước nhà. Tiếng nói của họ, đặc biệt của người cầm đầu là cha tôi - người đã từng tham gia phong trào Đông Du và chủ trương nổi dậy đánh Pháp ở xứ Bắc, rất có trọng lượng, có tác dụng đánh tan sự lưỡng lự của một số trí thức thành thị trước hai khuynh hướng hòa bình cách mạng và vũ trang cách mạng.

Sau nữa, thành phần Việt Nam quốc dân đảng vốn trước kia chỉ chủ yếu bao gồm những người ở thành thị nay lại có một bộ phận lớn, nếu không nói áp đảo là những người xuất thân từ nông thôn. Đó là các chức dịch tổng lý, các địa chủ yêu nước1, các ông lang, ông đồ, giáo viên, thợ may, thanh niên nông thôn và đặc biệt các binh lính đang đóng tại nhiều đồn binh của Pháp. Số lượng các đảng viên thuộc các thành phần trên lại tăng lên nhanh chóng vì những người thuộc hội Việt Nam dân quốc cũ vì muốn sớm khởi nghĩa nên đã đem hết sức mình ra phát triển tổ chức để sớm đủ lực lượng nổi dậy.

Sau hết, Việt Nam quốc dân đảng vốn trước kia không kết nạp đảng viên là phụ nữ thì nay đột nhiên có nhiều phụ nữ tham gia. Điều này không lấy gì làm lạ vì Hội Việt Nam dân quốc của cha tôi từ lâu đã kết nạp phụ nữ rồi. Những cô Bắc, cô Giang, những cô gái tiết liệt dũng cảm còn để lại được tên mình trên các đường phố hiện nay chính là những người phụ nữ sinh ra ở Bắc Giang và ở trong tổ chức của cha tôi. Còn các cô Nhu, cô Uyển cũng là người Bắc Giang đầu tiên tham gia Việt Nam quốc dân đảng trong đảng bộ của cha tôi và sau đó đã theo anh ruột tham gia Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.
_____________________________________
1. Nên chú ý là trong Việt Nam quốc dân đảng còn có một đại quan lang là Quách Vy, tuần phủ Hòa Bình; một đại địa chủ ở Thái Bình là Đặng Đình Điền cũng tham gia.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 09:51:15 pm »


Từ khi tham gia Việt Nam quốc dân đảng, phạm vi hoạt động của cha tôi được mở rộng hơn trước nhiều. Thôn Song Khê trong năm 1928 đầu năm 1929 trở thành nơi lui tới thường xuyên đông đảo của khách bốn phương. Đó cũng là quê hương của một số đảng viên Việt Nam quốc dân đảng và của nhiều người có cảm tình với đảng gồm những nhà nho bạn thân hay có họ hàng với cha tôi như ông Khóa Khanh, ông Phó Quảng hoặc những học trò cũ của cha tôi như ông Khóa Lượng, ông Lý Tào, ông Nguyễn Khắc Khỏa.

Đặc biệt là ông Đào Hữu Tào, học trò cũ của cha tôi, lại đang là lý trưởng Song Khê thời bấy giờ. Những cuộc kết nạp đảng viên và hội họp khác cũng luôn được tổ chức tại nhà tôi hoặc ở nhà các đảng viên khác dưới sự bao che của Lý Tào đương nhiệm. Để tránh con mắt tò mò của người làng, nhiều cuộc họp bàn đã được ngụy trang bằng các cuộc đánh tổ tôm. Bài được chia sẵn nhưng để nguyên sáu phần, trong khi đó một người nhà được bố trí ở trước cửa để khi có người lạ mặt đến thì báo hiệu và tới lúc đó các phần bài chia mới được cầm lên. Bản thân tôi có mấy lần được ông cụ cho làm chân gác báo động này. Tuy nhiên, công tác bảo mật của cha tôi thực ra còn rất nhiều sơ hở. Thí dụ những buổi kết nạp đảng viên đã được kết nạp công khai trước bàn thờ của gia đình chẳng cần giấu giếm người nhà gì cả. Người được kết nạp đứng trên chiếc chiếu trải trước bàn thờ khói hương nghi ngút sau khi nghiêng mình thì giơ tay đọc to lời tuyên thệ. Tuy tôi còn nhỏ tuổi nhưng còn nhớ đã rùng mình khi nghe đến đoạn nếu phản đảng thì xin chịu tội tử hình. Một sự kiện cho thấy rõ sự sơ hở của cha tôi trong công tác bảo mật nữa là trong đám cưới người anh thứ hai của tôi cũng là đảng viên Việt Nam quốc dân đảng lấy một cô gái có cảm tình với đảng, cha tôi đã cho trưng công khai đôi câu đối chữ Hán như sau trước mắt mọi người hai họ:

      "Chủng tộc giang sơn ngô đảng sự
      Thánh hiền hào kiệt thế gian sư".


Xin tạm dịch là:
      Chủng tộc giang sơn đảng ta toan tính
      Thánh hiền hào kiệt chỉ đường thế gian.

Tuy những người dự đám cưới hôm đó đều là họ hàng bạn bè hay bà con thân thiết của cha tôi nhưng rõ ràng công khai cho mọi người biết cha tôi thuộc một đảng cách mạng chống Pháp là điều tối kỵ. Hẳn liền sau hiểu ra như vậy nên cha tôi đã bóc và đốt đôi câu đối ấy đi để phi tang.

Nhưng nhiều người vẫn còn nhớ đôi câu đối và mấy chục năm sau đọc lại cho tôi nghe.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 09:53:14 pm »


Một việc tôi cũng thấy cha tôi mất cảnh giác là trên tường nhà, bên cạnh ảnh Khổng Tử có cả ảnh Tôn Dật Tiên phóng to. Như thế thì có khác gì cho mọi người biết là mình ở trong Việt Nam quốc dân đảng và tấm ảnh Tôn Dật Tiên này cho đến tận khi ông quyết định đi trốn không về nhà nữa mới được cất đi.

Hơn nữa, một bài hát theo điệu Bình bán không biết có phải do cha tôi sáng tác hay không đã được đem phổ biến rộng rãi trong thanh niên Bắc Giang và nhiều tỉnh khác thời bấy giờ. Bài hát như sau:

      Ta là dân nước Nam
      Giống Lạc Hồng phải bước lầm than
      Làm sao giết lũ tham tàn
      Thì mười năm sau rồi sẽ được an1
      Nghĩ câu nước mất nhà tan
      Sáu mươi năm trong vòng nô lệ
      Cái lũ tham tàn rất tệ
      Bắt dân mình cực khổ xiết bao
      Nào anh em đứng lên đi nào
      Ta đồng lòng nhau giành lại giang sơn.


Bài hát nội dung chống Pháp rõ rệt đến như vậy mà lũ trẻ con chúng tôi cứ ông ổng hát. Cũng may mà thời đó mật thám ở tỉnh lẻ không có nhiều nếu không thì chắc chắn bọn chúng tôi đã bị bắt rồi bị tra khảo đến phải khai ra người dạy hát.

Về mặt hoạt động kinh tế, thời kỳ này cha tôi đã rất chú ý đặt nền móng cho một nền kinh tế tự chủ của Việt Nam mai sau. Ông muốn người Việt Nam sẽ tự dệt lấy vải và tự làm ra các vật dụng khác để dùng. Tư tưởng này hẳn không tránh khỏi ảnh hưởng chủ trương tự cấp, tự túc của "Găng-đi" đề xướng tại Ấn Độ. Có điều là, đảng cách mạng làm gì có nhiều người và nhiều tiền để thực hiện chủ trương này. Đứng trước khó khăn đó, ông không nản lòng và đã căn cứ vào điều kiện cụ thể để hành động. Song Khê quê ông vốn có nghề dệt vải khổ hẹp. Ông bèn cử một số bà con thân thích tin cẩn và thông minh đi Hà Đông học dệt vải tuýt xo và các thứ vải khác bằng khung dệt giật tay khổ to. Năng suất của loại khung dệt này cao hơn khung khổ nhỏ rất nhiều. Sau khi những người được cử đi học đã thành tài, ông bèn lập một xưởng dệt gồm vài chục khung cửi khổ to trên bờ sông Thương phía Bắc thị xã Bắc Giang. Xưởng dệt đã cho ra đời một số sản phẩm tuy chưa thể cạnh tranh được với hàng nước ngoài nhưng cũng khá tốt, được khách hàng trong nước chấp nhận và cũng bắt đầu đóng góp được tiền lời cho quỹ đảng. Chính tôi năm 1928 đã được cha tôi cho may một bộ quần áo theo kiểu Âu bằng vải tuýt xo của xưởng dệt này để đi học và tôi cũng đã tỏ ra rất tự hào.
________________________________
1. Câu này ở Nam Định và Thái Bình hát là "Thế thì rồi đây đời sẽ mới an".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM