Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:19:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Bái  (Đọc 27255 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2017, 09:11:22 am »


Trong quá trình hoạt động, nhiều đảng viên của Việt Nam quốc dân đảng đã bị ảnh hưởng của tư tưởng anh hùng cá nhân, phiêu lưu, mạo hiểm. Ngày 9 tháng 2 năm 1930, nhóm đảng viên Việt Nam quốc dân đảng ở Hà Nội đã tổ chức ám sát trùm mộ phu điền Ba-danh làm chấn động dư luận Pháp, khiến cho chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương hoang mang. Để đối phó, thực dân Pháp đã mở một chiến dịch đàn áp, truy quét gắt gao các chiến sĩ yêu nước và cách mạng. Do tổ chức khá lỏng lẻo, cơ sở tổ chức của Việt Nam quốc dân đảng bị đánh phá nghiêm trọng, hàng trăm đảng viên bị bắt hoặc bị giết. Riêng đối với Nguyễn Thái Học, linh hồn của Việt Nam quốc dân đảng, thực dân Pháp treo giải thưởng 5.000 đồng bạc Đông Dương cho ai bắt hoặc giết được ông.

Trong tình hình khẩn trương như vậy, tại Hội nghị lãnh đạo Việt Nam quốc dân đảng ngày 1 tháng 7 năm 1929, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính đã quyết định không thể ngồi chờ thực dân Pháp lùng bắt, giết hại, phá tan đảng, mà phải gấp rút chuẩn bị và tiến hành một cuộc "tổng khởi nghĩa vũ trang" để một mặt đẩy mạnh công cuộc tuyên truyền, cổ vũ lòng yêu nước trong dân chúng, củng cố uy tín của đảng và nếu có thất bại thì "Không thành công cũng thành nhân".

Với tinh thần quyết tử, Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí, trong đó có bà Nguyễn Thị Giang, người vợ vừa đính hôn của ông, dồn tâm sức chuẩn bị cho một cuộc vùng lên quyết liệt. Các cơ sở Việt Nam quốc dân đảng ra sức chuẩn bị vũ khí, đúc bom tự tạo, mua súng, tiến hành binh vận. Trong khi đó, thực dân Pháp cũng tung hết lực lượng mật thám ra truy lùng, cài gián điệp vào các cơ sở của đảng, quyết tâm bắt hoặc giết bằng được Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và bộ chỉ huy đầu não của Việt Nam quốc dân đảng, hòng dập tắt cuộc bạo động từ trong trứng nước.

Được tin Việt Nam quốc dân đảng đang nỗ lực chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang trong điều kiện khách quan chưa chín muồi, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi đó đang hoạt động ở Bắc Xiêm (Thái Lan) lập tức lên đường đi về Nam Trung Quốc để tìm cách bắt liên lạc, bàn với Nguyễn Thái Học và các lãnh tụ Việt Nam quốc dân đảng hoãn cuộc bạo động lại, nhưng không kịp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2017, 09:11:55 am »


Theo kế hoạch ban đầu cuộc khởi nghĩa vũ trang sẽ nổ ra trên hai địa bàn chính ở Bắc Kỳ vào đêm ngày 9 tháng 2 năm 1930. Nguyễn Thái Học sẽ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở miền xuôi, trong khi Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính được phân công chỉ huy cuộc nổi dậy ở miền núi. Gần tới ngày nổi dậy, do cơ sở ở miền xuôi tương đối yếu lại bị đánh phá nặng nề nên không chuẩn bị kịp, Nguyễn Thái Học cử người báo cho Nguyễn Khắc Nhu hoãn cuộc nổi dậy tới ngày 15 tháng 2. Tuy nhiên, liên lạc viên lại bị địch bắt giữa đường. Vì vậy, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra ở một loạt các địa điểm từ Sơn Tây, Phú Thọ cho tới Yên Bái vào đêm ngày 9, rạng sáng ngày 10 tháng 2 năm 1930. Quyết liệt nhất là cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái, quân nổi dậy đã chiếm được một phần đồn binh Pháp và làm chủ tỉnh lỵ Yên Bái trong gần hai ngày.

Do không có sự phối hợp với các cuộc nổi dậy ở địa phương khác, cuộc khởi nghĩa của Việt Nam quốc dân đảng đã nhanh chóng bị thực dân Pháp đàn áp và dập tắt.

Tuy vậy, ngày 15 tháng 2 năm 1930, mặc dù cuộc khởi nghĩa ở miền núi đã thất bại, Nguyễn Thái Học và cơ sở Việt Nam quốc dân đảng vẫn quyết định khởi nghĩa ở miền xuôi như kế hoạch cũ. Cuộc vùng lên quyết liệt nhất là ở Phụ Dực (Thái Bình) và Vĩnh Bảo (lúc đó thuộc Hải Dương).

Thực dân Pháp quyết định dùng vũ lực tối đa để đàn áp cuộc khởi nghĩa của Việt Nam quốc dân đảng và khủng bố tinh thần yêu nước của dân chúng. Chúng tung toàn bộ lực lượng mật thám, quân đội, bảo an ra lùng sục, càn quét, hòng bắt giam và giết hại các chiến sĩ Việt Nam quốc dân đảng. Chúng còn cho 5 chiếc máy bay đến ném bom triệt hạ làng Cổ Am, căn cứ của Việt Nam quốc dân đảng trong cuộc khởi nghĩa ở Vĩnh Bảo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chính quyền thực dân của một cường quốc phương Tây phải sử dụng tới máy bay chiến đấu để đàn áp một cuộc nổi dậy của dân chúng bản xứ.

Được sự che chở của quần chúng yêu nước, Nguyễn Thái Học vẫn thoát khỏi sự truy lùng ráo riết của thực dân Pháp. Cùng với một số yếu nhân còn lại của Việt Nam quốc dân đảng, ông bàn bạc và dự định cải tổ lại đảng và thay đổi phương hướng chiến lược của đảng. Chính vào lúc công việc này mới được khởi động thì ngày 20 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt (Chí Linh, Hải Dương). Ông bị hội đồng đề hình thực dân kết án tử hình ngày 23 tháng 3 năm 1930. Ngày 17 tháng 6 năm 1930, thực dân Pháp đã hành quyết Nguyễn Thái Học và 12 chiến sĩ khác của Việt Nam quốc dân đảng tại Yên Bái bằng máy chém. Trước khi hy sinh, Nguyễn Thái Học còn cố hô to "Việt Nam vạn tuế!".

Cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam quốc dân đảng tuy thất bại nhưng thực sự là một dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Với tư cách là người sáng lập và lãnh đạo Việt Nam quốc dân đảng, Nguyễn Thái Học thực sự là một trong những người tiêu biểu nhất thuộc lớp trí thức Tây học sớm dấn thân, xả thân cứu nước trong nửa đầu thế kỷ XX. Tấm gương hy sinh dũng cảm của ông trở thành nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ các thế hệ thanh niên trí thức yêu nước sau này trong cuộc đấu tranh gian khổ, ác liệt lâu dài vì độc lập và tự do của Tổ quốc. Nguyễn Thái Học "không thành công" nhưng đã thực sự "thành nhân". Ông được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận là liệt sĩ (24-2- 1976) và tên của ông được đặt cho một trong những con phố lớn tại Hà Nội và tại thành phố Yên Bái. Nhiều địa danh, nhiều công trình văn hóa trong cả nước được mang tên ông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 12:20:58 pm »


Câu hỏi 17: Khi còn đi học ở Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Thái Học đã nhiều lần công khai phản đối thái độ và hành vi phân biệt và miệt thị người bản xứ của một số giám thị, giáo viên người Pháp. Hãy cho biết những chuyển kể về ông trong thời gian này?
Trả lời:


Theo lời các đồng chí cũ của ông Nguyễn Thái Học thì đảng trưởng "Việt Nam quốc dân đảng" lúc còn là một cậu học trò, có để lại một vài câu chuyện lý thú.

Trong cuộc đời học sinh, Nguyễn Thái Học đã tỏ rõ tinh thần cách mạng, chống thực dân Pháp từ khi ông học ở Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội.

Nguyễn Thái Học không khá về Pháp văn. Ông không có khiếu về môn này mà cũng không thích học chữ nước người. Ác thay, theo chương trình thì phải học tất cả các môn bằng tiếng Pháp, từ Sử, Địa đến Toán, Lý, Hóa; Việt sử cũng phải học trong cuốn "Histoire d'Annam" của May-bơn.

Mỗi tuần được học một, hai giờ học Việt văn là cả một sự thích thú, hân hoan đối với cậu học trò bướng bỉnh của năm thứ nhất Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội.

Khi cậu phải làm luận Pháp văn thì là cả một cực hình. Cậu gãi đầu, bứt tóc, miệng càu nhàu: "Càng giỏi tiếng Pháp cho lắm, càng phải nghe Tây nó chửi nhiều. Dốt lại ít hiểu, nó chửi nó nghe".

Muốn luyện cho học trò Việt nghe quen giọng Pháp, mỗi lớp được học một hai giờ với giáo sư Pháp mỗi tuần; giờ chính là giờ chính tả và có khi được học thêm một giờ thứ nhì nữa là giờ luận Pháp văn. Ở năm thứ nhất Trường cao đẳng Sư phạm, Nguyễn Thái Học gặp phải một cô giáo Pháp rất khó tính, mà giọng nói lại khó nghe. Cô mà đọc chính tả cho học sinh Việt Nam viết, thì câu nào cũng đầy lỗi; giỏi nhất lớp cũng phải đến 4 hay 5 lỗi.

Học trò gọi giễu cợt cô là "Sâu Róm". Một hôm cô vừa ăn bánh mì nhồm nhoàm, vừa đọc chính tả. Học trò lắng tai lắm mới nghe câu được câu không.

Nguyễn Thái Học không viết bỏ bút xuống, nhìn lên trần nhà mỉm cười. Cô "Sâu Róm" kêu Học đứng lên, hỏi:

- Thằng "nhà quê"! Tại sao mày cười?

- Ta cười vì ta không khóc.

- A thằng hỗn xược! Mày là người tỉnh nào?

- Người Việt Nam.

Câu trả lời đượm màu tư tưởng quốc gia này làm cho cô "Sâu Róm" khó chịu, bực tức. Cô hỏi tiếp:

- Ba má mày tên gì?

- Song thân ta tên "Việt Nam".

Cô giáo nắm cánh tay Học toan kéo lên ông Đốc để trình về ngôn ngữ của Học, song cô bị Học hất mạnh tay ra. Cô biết cô gặp phải một học sinh không phải tay vừa, rồi không hiểu nghĩ sao, cô không lôi cậu học trò ngỗ nghịch ấy lên văn phòng hiệu trưởng nữa mà chỉ dọa một câu:

- Rồi mày sẽ biết.

Sau giờ chính tả ấy, các bạn đều lo Học sẽ bị đuổi. Nhưng chờ ngày này qua ngày khác, cậu học trò bướng bỉnh vẫn còn ngồi trong lớp. Có lẽ cô giáo Pháp kia không muốn gây ác cảm, nên bỏ qua những tư tưởng quốc gia mà cô nhận thấy ở Nguyễn Thái Học.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 12:21:23 pm »


Khi lên năm thứ nhì, thầy giáo Pháp luyện giọng Tây cho học trò là giáo sư Thô-mát đã có xung đột với học trò trường Chasseloup - Laubat ở Sài Gòn, vì khó tính và hay phạt. Bị mất mặt vì cuộc xung đột ấy, ông phải đổi ra Hà Nội dạy tại Trường cao đẳng Sư phạm.

Cha cậu học trò đã cầm đầu cuộc xung đột với ông ở Sài Gòn là một người Việt "có thế lực lắm" cậu mới được học trường Pháp. Vì thế khi ra Hà Nội, ông Thô-mát ghét học sinh Việt Nam lắm. Trời run rủi sao ông lại phải dạy ở trường học sinh Việt Nam.

Đến kỳ thi lên lớp, ông đọc chính tả cho học trò viết, và cố ý "trát" học trò, chỉ đọc mỗi câu có một lần. Nhiều cậu không nghe kịp phải để từng đoạn trống trong bài thi. Cố nhiên Nguyễn Thái Học bực tức nhất vì cậu không giỏi Pháp ngữ.

Cậu không viết nữa và nửa chừng đứng lên xé giấy thi, bỏ ra ngoài. Nhưng cậu mới bước tới cửa lớp, đã bị thầy giáo ngăn lại:

- Mày đi đâu? Mày không thấy xấu hổ với anh em sao? Trong khi ai cũng viết kịp thì mày bỏ dở bài thi.

- Còn ông, ông không xấu hổ với các thầy giáo khác sao, các thầy ấy đều được học trò mến phục, còn ông thì trái lại...

- Tại sao vậy? Mày cắt nghĩa tao nghe.

Nguyễn Thái Học tuy dở tiếng Pháp nhưng cũng có thể nói chuyện với giáo sư bằng thứ tiếng Tây "ba rọi" trật lất văn phạm và từ ngữ. Tuy nhiên giáo sư Thô-mát cũng hiểu rằng Học nói cho ông biết: ông oán ghét học trò Việt Nam vì ông không được dạy trường Albert Saraut (Trường trung học Pháp ở Hà Nội) chớ gì? Ông suy nghĩ một phút rồi dịu giọng:

- Chắc các trò oán ghét tôi vì tôi đọc chính tả có một lần, nghe không kịp. Có vậy, đi thi mới chắc đậu.

Rồi giáo sư còn nói thêm cho cả lớp hiểu rằng ông không có ác ý đâu. Kế đó ông đọc lại bài chính tả từ đầu mà mỗi câu đều đọc 2 lần chậm rãi.

Từ hôm ấy ông bớt gắt gao. Có lẽ ông thấy Nguyễn Thái Học bướng bỉnh, ông lo ngại sẽ xảy ra cuộc xung đột như ở Sài Gòn, thì ông không còn đất sống ở Việt Nam nữa, đến phải sang Phi châu mà dạy học hay phải về Pháp không chừng. Chống với vị giáo sư khó tính mà Nguyễn Thái Học giúp cho cả lớp không còn bị ông làm khó dễ nữa.

Khi đi thi bằng Thành chung có bài luận Pháp văn mà đề bài như sau:

"Các trò hãy nói về sự nghiệp của Ru-lơ Phơ-ry.

Nguyễn Thái Học viết có đúng một câu:

"Người Việt Nam không hề biết tên người này".

Ai cũng cho là Học để ý phản đối Ru-lơ Phơ-ry, một tay thực dân hạng nặng đã chủ trương chính sách đi chiếm thuộc địa.

Cố nhiên bài luận ấy đem cho Học một "trứng ngỗng" và sau đó một cái "vỏ chuối".

Hồi đó người Pháp muốn bưng bít dư luận bên nước họ, lúc nào cũng cho chính phủ Pa-ri có cảm nghĩ là dân "A na mít" trung thành với "mẫu quốc" lắm; có lẽ vì thế mà họ không muốn làm to chuyện về khối óc bướng bỉnh, chống thực dân của một cậu học trò.

Họ có ngờ đâu cậu học trò mà họ không thèm lưu ý ấy sau này thành đảng trưởng Việt Nam quốc dân đảng, làm cho thực dân "con cháu Ru-lơ Phơ-ry" phải toát mồ hôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 12:22:33 pm »


Câu hỏi 18: Cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Nguyễn Thái Học cùng một số đồng chí của ông bị bắt. Có người định tổ chức cho ông vượt ngục, nhưng ông đã từ chối. Chuyện này xảy ra như thế nào?
Trả lời:


Ngày 28 tháng 3 năm 1930, tại phòng giam tử tội của khám đường Yên Bái, nhà cách mạng Nguyễn Thái Học trải qua một cơn bão tố trong lòng.

Trong bốn bức tường của "xà lim", đảng trưởng Việt Nam quốc dân đảng một mình đối bóng phải cân nhắc để giải quyết một vấn đề lương tâm: nên vượt ngục để tránh cái án tử hình mà hội đồng đề hình vừa tuyên xử buổi sáng hôm ấy hay là cúi đầu trước số phận, chịu đem máu đào tưới nơi pháp trường dưới lưỡi dao sáng quắc của cái máy chém, để kết liễu bổn phận thiêng liêng của một đấng tu mi ái quốc.

- Sống hay chết? Và muốn sống liệu có sống được không?

Nguyễn Thái Học phân vân, bóp đầu bóp trán với những câu hỏi ấy.

Một thượng sĩ gốc gác người xứ An-giê-ri, có trách nhiệm canh gác khu giam tử tội, đã đề nghị với Nguyễn Thái Học một cuộc vượt ngục; anh ta vui lòng giúp cho nhà lãnh tụ cùng 12 đồng chí của ông hoàn thành việc ấy nếu ông ưng thuận. Tên của 12 bạn đồng chí cách mạng vơ vẩn trong óc nhà thủ lĩnh như tên của 12 anh em cùng chung một bà mẹ "Việt Nam" sinh ra:

- Phó Đức Chính,
- Bùi Tư Toàn,
- Bùi Văn Chuẩn,
- Nguyễn Văn An,
- Đào Văn Nhít,
- Ngô Văn Du,
- Nguyễn Văn Tiềm,
- Nguyễn Như Liên tức Ngọc Tỉnh,
- Bùi Văn Cửu,
- Đỗ Văn Tư,
- Nguyễn Văn Thịnh,
- Hà Văn Lao.

Nguyễn Thái Học nhớ cả từng nét mặt, thói hay tật xấu của vài người đã vào sinh ra tử cùng ông trong khi còn bay nhảy bên ngoài, đánh phá thực dân bằng những đòn chớp nhoáng.

Ông không thể quên được nét mặt non nớt, hồn nhiên của Ngọc Tỉnh ngây thơ với cái tuổi 20 song lòng yêu nước thì sôi sùng sục ít người sánh được.

Với tất cả 12 sinh mạng treo trên sợi chỉ mành ấy, chỉ một cái gật đầu của Nguyễn Thái Học là họ được tháo cũi xổ lồng, rồi chỉ một sớm một chiều là tất cả hay một trong số 12 nhà cách mạng Việt Nam sẽ có mặt trên đất Trung Hoa, theo đuổi ước vọng ôm ấp bấy lâu nay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 12:22:55 pm »


Anh gác khám tử tội đã tiếp xúc với Nguyễn Thái Học từ sáng hôm 27 khi tất cả 87 nhà cách mạng sắp bị đưa ra xử tại hội đồng đề hình. Đây là đợt thứ nhì sau đợt thứ nhất đã bị xử tại Hà Nội. Đợt thứ nhì bị bắt sau, gồm những người có dính líu trực tiếp hay gián tiếp vào vụ khởi nghĩa Yên Bái, bị chuyển từ Hà Nội lên Yên Bái để xử án.

Lúc chưa ra tòa, viên thượng sĩ Bắc Phi đã lân la đến cửa "xà lim" Nguyễn Thái Học mà trò chuyện. Anh ta là một thanh niên mặt mày sáng sủa, chắc là có văn hóa ít nhiều, anh nói chuyện với đảng trưởng Việt Nam quốc dân đảng bằng tiếng Tây lưu loát.

Anh cho ông Học biết rằng anh đọc báo, rất phục hành động của Việt Nam quốc dân đảng và các nhà cách mạng Việt Nam đã mưu toan giải phóng quốc gia; còn xứ An-giê-ri của anh không biết bao giờ ngóc lên được, anh lo sẽ bị đồng hóa với Pháp mất.

Vì cảm tình với dân tộc Việt Nam mà anh thượng sĩ da đen ấy muốn tổ chức cho Nguyễn Thái Học một cuộc vượt ngục theo kế hoạch như sau:

Anh sẽ chờ đúng giờ chuyến xe lửa Hà Nội - Lào Cai ghé ga Yên Bái là mở cửa khám tử tội ra, cho Nguyễn Thái Học kéo hết đồng chí ra ga, uy hiếp viên sếp ga rồi nhảy hết lên xe lửa, bắt người tài xế phải mở máy cho xe chạy tới Lào Cai, không còn xa mấy. Tới đây là giáp biên giới Trung Hoa, họ sẽ vượt biên giới và thoát sang lãnh thổ nước láng giềng.

Dù người Pháp ở Hà Nội có hay tin mà can thiệp cũng trễ rồi. Huống chi, kế hoạch còn dự bị cho một số đồng chí ở lại chiếm nhà Bưu điện, không cho đánh dây thép về Hà Nội. Chờ xe lửa đi xa rồi, những đồng chí còn ở lại mới băng rừng mà thoát thân sau. Anh thượng sĩ xứ An-giê-ri sẽ cùng trốn một lượt với Nguyễn Thái Học.

Kế hoạch trên đây, Nguyễn Thái Học nghe ra hợp lý và có thể thi hành được. Thời gian và không gian không phải là trở lực đáng kể. Lãnh tụ Việt Nam quốc dân đảng suy nghĩ và chưa tiện trả lời chấp thuận đề nghị hay không. Ông bảo người bạn da đen để cho ông suy nghĩ kỹ đã. Ông cũng khêu gợi ba điều bốn chuyện để dò xét thâm tâm người đối thoại, nhận thấy anh ta không có điều gì khả nghi, gian xảo hết. Anh cũng có vẻ là một thanh niên nhiệt huyết, cùng một tâm trạng với những người có tư tưởng quốc gia sống dưới ách thực dân da trắng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 12:23:27 pm »


Nhưng Nguyễn Thái Học còn thận trọng vì ông đã rút được một bài học kinh nghiệm lần trước, khi ông bị bắt hồi tháng 2 và bị giam ở Hỏa Lò, Hà Nội. Hồi ấy có lần một viên đội lê dương (người Đức) gác khám cũng lân la nói chuyện với ông. Anh này cũng tỏ lời khâm phục và hỏi Nguyễn Thái Học có muốn viết thơ hay nhắn tin ra ngoài anh sẵn lòng giúp.

Muốn thử thách lòng anh, ông Học bằng lòng nhờ anh giúp. Bắt đầu ông đưa cho anh này hai bức thư bỏ phong bì, một gửi cho thủ tướng Pháp, một gửi cho toàn quyền Đông Dương, kể hết tệ đoạn trong giới quan lại Việt - Pháp. Không biết số phận hai bức thư này ra sao?

Lần thứ hai, Nguyễn Thái Học gởi hai bài báo để đăng báo Hồng Kông: một bài gửi cho tờ báo Hoa ngữ, một cho tờ báo Anh ngữ (Sau này những nhân vật Việt Nam quốc dân đảng ở ngoài kiểm soát lại thì thấy không tờ báo nào trong hai tờ ấy nhận được bài của Nguyễn Thái Học cả).

Lần thứ ba, viên đội lê dương nhận một sứ mạng quan trọng hơn, một sấp thư bốn cái gửi cho bốn đồng chí của ông khuyên họ kiên tâm vì cơ hội sắp đến. Chỉ vài hôm sau, cả bốn người đều vô khám hết. Nhưng Nguyễn Thái Học đâu có khờ khạo đến làm hại cho đồng chí: thật ra bốn "đồng chí" ấy là bốn tên phản đảng lợi hại trong những giờ đầu. Bốn tên ấy đã phải làm vật hy sinh cho cuộc thử lòng dạ viên đội lê dương.

Thấy bốn "đồng chí" trong khám ông biết chắc là viên đội kia đã đưa bốn bức thư của ông cho sở mật thám.

Đến lúc bị giam ở Yên Bái, gặp được viên gác khám người An-giê-ri tỏ ý muốn giúp ông thì ông hết sức phân vân.

Không biết anh chàng này có giống anh đội lê dương ở Hà Nội không? Chẳng khác nào con chim một lần bị bắn, cứ thấy cành cây cong là sợ, nên Nguyễn Thái Học hết sức thận trọng, đề phòng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 12:23:45 pm »


Sáng hôm hội đồng đề hình xử vụ đảng viên cách mạng Việt Nam quốc dân đảng tức ngày 27 tháng 3 năm 1930 - và chiều hôm sau nữa, chàng thanh niên da đen gác khám lại đến hỏi quyết định của Nguyễn Thái Học nhưng ông Học vẫn còn hẹn sẽ trả lời sau.

Viên gác khám thở dài nói:

- Còn suy nghĩ đến bao giờ nữa. Hiện giờ đề lao Yên Bái không được canh gác cẩn mật, chỉ nay mai xử xong các ông, họ sẽ đưa các ông về Hà Nội là lỡ cơ hội.

Thật thế, nhóm 13 tử tội sau khi bị tuyên án đã bị đưa về Hà Nội, chờ bộ tư pháp ở Pa-ri xét lại hồ sơ rồi sẽ thi hành án lệnh.

Nguyễn Thái Học cũng hiểu rõ thủ tục và biết rằng thì giờ không còn chờ đợi ai. Nhưng ông phân vân không quyết định. Biết đâu đây chẳng phải là một mưu kế của thực dân bày ra để có cơ hội thanh toán cả 13 tử tội mà thực dân e ngại chính phủ Pa-ri bị áp lực của dư luận báo chí sẽ cho giảm án. Nguyễn Thái Học không thể nào thoát án tử hình, điều ấy dĩ nhiên rồi. Dầu ông chết dưới máy chém của Cai Công hay dưới những viên đạn súng của lính thực dân đuổi theo khi ông vượt ngục thì cũng chỉ là một cái chết. Nhưng còn 12 đồng chí của ông cùng án tử hình, nhưng có người tội nhẹ hơn, có thể giảm án xuống chung thân khổ sai. Nếu mà họ đều chết hết dưới viên đạn súng của thực dân thì ông Học sẽ mang trách nhiệm với lương tâm.

Nguyễn Thái Học suy luận như vậy nên đã không chấp nhận đề nghị của viên gác khám Yên Bái.

Suy đi thì như thế song nghĩ lại thì sao? Nếu như người gác khám thực tâm muốn cứu mà mình từ chối thì có khác nào mình tự giết mình và giết luôn cả 12 người nữa; mình bỏ lỡ cơ hội thoát chết. Sinh mạng 12 người phó thác vào một cái gật đầu của Nguyễn Thái Học.

Sau này về Hà Nội bị giam ở Hỏa Lò, Nguyễn Thái Học lặng thinh cả tuần lễ không nói chuyện với các đồng chí bị giam cùng một dãy "xà lim". Ông bị lương tâm cắn rứt vì thái độ của ông ở Yên Bái chăng? Và một hôm ông kể lại câu chuyện bỏ lỡ dịp vượt ngục cho vài bạn nghe như muốn chờ anh em xét xử. Ai cũng tiếc rằng ông quá nặng về đạo đức và không phải là người giàu thủ đoạn, có thể nói là thiếu thủ đoạn của con người cách mạng.

Nếu như hôm ấy Nguyễn Thái Học gật đầu một cái, mà cuộc vượt ngục được thành công một phần nào thì các yếu nhân Việt Nam quốc dân đảng cùng đảng trưởng đã hoạt động trên đất Trung Hoa, biết đâu cục diện Việt Nam hồi ấy cũng có phần thay đổi, không thì ít ra ngọn lửa chống Pháp cũng còn duy trì được lâu hơn nữa và gây cho thực dân những trận điên đầu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 09:34:35 pm »


Câu hỏi 19: Nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu, một lãnh tụ Việt Nam quốc dân đảng chân chính. Hãy cho biết đôi nét về thân thế và quá trình hoạt động của ông?
Trả lời:


Nguyễn Khắc Nhu sinh năm Nhâm Ngọ (1882) trong một gia đình Nho học ở làng Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, mồ côi cha từ năm 12 tuổi. Nguyễn Khắc Nhu ham học, nhưng nhà nghèo nên phải đi ở, chăn trâu cắt cỏ cho cụ tú trong làng để tự nuôi sống, lại vừa có thầy dạy thêm chữ Nho. Nguyễn Khắc Nhu cũng từng theo một phường chèo, đóng vai hề đồng và các vai nữ, lang bạt đó đây, mấy lần được nghĩa quân Đề Thám đón lên biểu diễn ở đồn Phồn Xương. Sau khoảng 2 năm, lại về ở với sư cụ chùa Lạc Gián, vừa làm vừa học. Năm 18 tuổi thi đỗ khóa sinh, sư cụ cho Nhu đi học tiếp ở trường cụ Cử Đường - một nhà Nho yêu nước, không chịu ra làm quan, ở nhà dạy học thường liên hệ với Nguyễn Thượng Hiền, Ngô Đức Kế, Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu. Năm 1903, Nhu được thầy học giao việc đưa cụ Phan Bội Châu đi gặp Hoàng Hoa Thám. Cũng năm 1903, Nguyễn Khắc Nhu thi khảo hạch, đỗ đầu xứ, vì thế người ta thường gọi ông là Xứ Nhu. Nhưng khi xuống Nam Định thi hương, cả 2 khóa 1903 và 1906 đều trượt, ông bèn cùng 17 người bạn sang Trung Quốc với ý định liên lạc với Phan Bội Châu để làm cách mạng. Nhưng mới sang tới nơi đã bị tổng đốc Quảng Tây bắt giữ, đuổi về.

Sau đấy, ông theo học một lớp sư phạm, được bổ làm tổng sư ở trường làng Thịnh Liệt thuộc huyện Yên Thế. Năm 1922, bất đồng ý kiến với viên thanh tra học chính người Pháp, ông xin từ chức, về dạy trường tư và nối nghề cha bốc thuốc chữa bệnh. Ông quan tâm đến việc cải cách xã hội, vận động nhân dân đào giếng gia đình, dệt khăn mặt cho từng người dùng riêng, giảm bớt hủ tục trong ma chay, cưới xin... Ông còn viết bài về vấn đề này đăng trên các báo: Thực nghiệp, An Nam tạp chí với bút danh Song Khê.

Năm 1926, Xứ Nhu liên lạc được với Phan Bội Châu đang bị giam lỏng ở Huế. Theo lời khuyên của Phan, ông định tổ chức một hội công khai lấy tên là "Quốc dân dục tài" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài như kiểu Đông Kinh nghĩa thục. Không được Pháp chấp nhận, ông thay đổi kế hoạch hành động, lập hội kín "Việt Nam dân quốc" gồm những người tích cực nhất của hội "Quốc dân dục tài", một số học trò cũ, bạn nhà nho thân thiết và một số tay chân cũ của Đề Thám. Ông chủ trương đẩy mạnh việc tuyên truyền giác ngộ binh sĩ người Việt Nam trong quân đội Pháp, thậm chí kết nạp cả đối tượng này vào hội. Nhiều cơ sở chế bom, rèn vũ khí được thành lập. Mục tiêu đánh chiếm đầu tiên của phái ''Việt Nam dân quốc" là Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại, việc tiếp xúc với các nhóm cách mạng khác như nhóm Nam Đồng thư xã để phối hợp hành động cũng được xúc tiến. Nhưng công việc đang được tiến hành thì cơ sở chế bom ở làng Chè (chợ Keo) thuộc huyện Gia Lâm bị lộ. Pháp khủng bố, một số binh lính yêu nước ở Bắc Ninh bị bắt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2017, 09:34:58 pm »


Khi chính đảng cách mạng Việt Nam quốc dân đảng thành lập (25-12-1927), Nguyễn Khắc Nhu đem toàn bộ tổ chức của mình gia nhập. Sự gia nhập của phái Nguyễn Khắc Nhu vào Việt Nam quốc dân đảng đã làm cho tổ chức này mạnh hẳn lên về số lượng và chất lượng. Ông đã nhanh chóng được đa số tín nhiệm. Trong kỳ họp bầu tổng bộ lần thứ ba vào ngày 9 tháng 12 năm 1928, Nguyễn Khắc Nhu được bầu làm Trưởng ban Lập pháp và Giám sát, tức Chủ tịch đảng (Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính làm Phó Chủ tịch).

Với cương vị trên, ông cùng với Nguyễn Thái Học tích cực khôi phục lại đảng vì sau vụ ám sát tên trùm mộ phu Ba-danh hầu hết những yếu nhân của đảng bị bắt vào tù, nhiều cơ sở bị vỡ. Đồng thời việc vũ trang khởi nghĩa cũng được ráo riết chuẩn bị, xuất phát từ quan điểm cho rằng: cứ ngồi yên để cho giặc bắt đưa vào tù hoặc lên máy chém kết liễu một đời hoạt động, thì chi bằng thừa lúc còn được tự do ở ngoài, dốc lực lượng đánh một đòn cuối cùng: "Không thành công thì thành nhân".

Cuối tháng 9 năm 1929, Nguyễn Khắc Nhu chủ trì cuộc họp các ủy viên quân sự của Việt Nam quốc dân đảng ở làng Võng La (Phú Thọ) để xúc tiến gấp việc khởi nghĩa. Lúc đầu ngày khởi nghĩa định vào dịp Tết Canh Ngọ (đầu tháng 2-1930), Nguyễn Khắc Nhu chịu trách nhiệm chỉ huy khởi nghĩa ở các tỉnh miền trên là Yên Bái, Phú Thọ, Sơn Tây.

Đêm ngày 9 rạng ngày 10 tháng 2 năm 1930, quân khởi nghĩa tấn công thị xã Yên Bái, đánh chiếm được đồn dưới, giết và làm bị thương trên mười binh sĩ địch, làm chủ được một số khu vực trong thị xã, treo cờ trên các công sở và phát truyền đơn hô hào quần chúng nổi dậy. Sáng hôm sau, quân Pháp tấn công, quân khởi nghĩa bị thất bại. Cùng đêm, Nguyễn Khắc Nhu trực tiếp chỉ huy cánh đông Hưng Hóa, nhưng không đạt kết quả, phải rút lui. Một toán nghĩa quân khác đánh chiếm được phủ lỵ Lâm Thao, rồi hợp với quân của Nguyễn Khắc Nhu từ Hưng Hóa đến, tước vũ khí của lính giữ phủ, đốt phá doanh trại, treo cờ cách mạng trên cổng phủ. Quân Pháp từ thị xã Phú Thọ kéo tới phản công. Nguyễn Khắc Nhu cầm quân chống cự quyết liệt, xông lên phía trước nhằm bắn vào tên phó sứ Phú Thọ đang chỉ huy toán lính Pháp đánh nhau với nghĩa quân. Nguyễn Khắc Nhu bị thương, lệnh cho anh em rút lui, còn ông thì ôm bom tự sát, nhưng chỉ bị thủng bụng. Bị địch bắt, dọc đường khi qua sông, ông nhảy xuống sông tự tử, nhưng lại bị vớt lên. Ở nhà giam Hưng Hóa, ông đập đầu vào tường chết trong đêm 11 tháng 2 năm 1930 để khỏi phải đội trời chung với giặc.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM