Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 08:44:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Bái  (Đọc 27505 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2017, 04:16:29 pm »


4. Ngọn lửa khởi nghĩa vừa bùng dậy đã lại dập tắt

Cuộc khởi nghĩa bùng nổ, nhưng nghĩa quân vẫn không làm chủ được tình thế toàn tỉnh lỵ Yên Bái. Trong khi nghĩa quân chiếm đồn dưới, một số nhỏ lính khố đỏ ở cơ thứ 5 và thứ 6 không theo nghĩa quân, chạy lên hợp lực với đồn cao. Trên đồn cao, cơ thứ 7 cũng chỉ có một số theo nghĩa quân, còn toàn cơ thứ 8 và một số lính ở cơ thứ 7 chạy sang, nhất định giữ đồn dưới sự chỉ huy của tên trung tá Ta-công. Bọn này có vài lần định đánh xuống đồn dưới nhưng đều bị nghĩa quân đánh bật lại.

Nghĩa quân cũng bắn lên dữ dội và nhiều lần đánh lên đồn cao nhưng không có hiệu quả.

Trong trại lính khố xanh do tên giám binh La-phay trông coi, có một số đã hứa hưởng ứng với nghĩa quân. Nhưng vì không có người chủ động, không tổ chức, lại nghe tin không hạ thủ được Ta-công, không đánh chiếm được đồn trên, nên đám lính khố xanh không tin vào lực lượng cách mạng, không chịu ngả theo cách mạng. Thế rồi từ chỗ lừng chừng đến chỗ phản động, không những không hưởng ứng, mà còn trả lời bằng súng.

Đến đây thế công của quân khởi nghĩa vừa nổi lên đã bị ngừng lại. Do đó tinh thần yếu đuối của những nghĩa quân tan vỡ một cách không ngờ. Vì không giết được tên chủ tướng Ta-công nên không lôi kéo được bọn lính khố đỏ trên đồn cao và bọn lính khố xanh. Số người điều khiển cuộc khởi nghĩa đâm hoang mang và nghĩa quân ngày càng bị cô độc. Một số thường dân ngoài quân đội, trong đó có cả những người phụ trách chỉ huy như Nguyễn Văn Khôi, Trần Văn Liên, v.v... đều lần lượt rút lui. Những người còn lại trong quân đội khởi nghĩa thiếu người điều khiển; một vài người hăng hái tự động, chỉ còn biết bắn lung tung về phía đồn trên. Những người có mặt trong thời điểm khủng hoảng ấy thuật lại rằng: nghĩa quân không còn ai bảo được ai và không còn biết phải làm gì. Nhiều người lên tiếng kêu gọi ai là người có nhiệm vụ của đảng cách mạng phái đến chỉ huy thì cho mệnh lệnh để thi hành mà cũng không một tiếng trả lời... Ngoài mấy người thoát ra tìm đường trốn đi không kể, ngay những người vừa chiến đấu mãnh liệt như Ngô Hải Hoằng, Nguyễn Văn Thuyết... sau khi làm xong nhiệm vụ rồi, cũng chỉ còn biết nằm đến sáng để chờ giặc đến bắt đi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2017, 04:17:51 pm »


Về phần tên chỉ huy Pháp là Ta-công ở trên đồn cao, trước chưa rõ tình hình về lực lượng nghĩa quân ở đồn dưới thế nào, nên chỉ giữ thế thủ, tới khi thấy thế công của nghĩa quân không tiến nữa, nhất là về gần sáng chỉ còn thỉnh thoảng nghe thấy một vài tiếng súng bắn vu vơ thì đoán biết là nghĩa quân đã tự tan vỡ, y liền bố trí phản công.

Sáng ngày 10 tháng 2 năm 1930, một máy bay trinh sát của bọn chỉ huy Pháp từ Hà Nội lên, lượn nhiều vòng xem xét tình hình. Tiếp đó đồn cao được lệnh phản công.

Bảy giờ sáng, Ta-công tập hợp cơ lính thứ 8 và một phần cơ thứ 7 chạy sang, võ trang lại và chia làm ba đội. Một do quan ba Rốc-cát chỉ huy, một do quan một Va-ren chỉ huy và đội thứ ba do đội trưởng Ô-li-vi-ê chỉ huy. Cả ba đội phản công đồn dưới, bao vây bốn mặt, nhưng không gặp một sức chống cự nào. Chỉ sau 15 phút, giặc chiếm lại được trại lính. Tuy vậy cờ của nghĩa quân vẫn bay trên nóc nhà quản đạo, nhà tri huyện và một vài công sở khác mãi tới mấy giờ sau, khi chúng tin là nghĩa quân đã bỏ thị xã Yên Bái mới dám hạ cờ. Cuộc khởi nghĩa bị dập tắt trong buổi sáng ngày 10 tháng 2 năm 1930.

Kết quả1 nghĩa quân đã giết:

2 sĩ quan, 3 hạ sĩ quan, 6 cai và lính khố đỏ .

Làm bị thương: 2 sĩ quan, 4 hạ sĩ quan, 4 cai và lính khố đỏ.

Thu được: 2 súng liên thanh, 12 súng trường và mang 8 lính khố đỏ trốn theo.

Địch bắt 4 cai và 22 lính khố đỏ tình nghi là cùng nghĩa quân nổi dậy và bắt 25 thường dân hầu hết là người bị thương. Còn một số cai và lính chúng biết rõ là tham gia khởi nghĩa đều bị xử bắn tại chỗ2.
_______________________________________
1. Theo báo cáo của Ta-công.
2. Theo báo cáo của tên trung tá Ta-công thì trong số gần 600 cai và lính khố đỏ có độ 50 người tham gia cuộc khởi nghĩa. Nhưng như ta đã thấy ở trên, gần hết cơ thứ 5 và thứ 6, một phần cơ thứ 7 tham gia, vì vậy quân số tham gia nghĩa quân có thể nhiều hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2017, 09:05:17 am »


Câu hỏi  10: Cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã gây nên chấn động, làm cho chính phủ bảo hộ của Pháp ở Hà Nội vô cùng hoảng hốt và choáng váng. Hãy cho biết một số hành động của họ? Một số sĩ quan Pháp là "người trong cuộc" đã nói gì về diễn biến của cuộc khởi nghĩa?
Trả lời:


Ngày 10 tháng 2 năm 1930 (tức 12-1 năm Canh Ngọ), thành phố Hà Nội có vẻ náo động, nhiều người không hiểu rõ là việc gì; tại các vùng quê có lệnh canh phòng rất cẩn mật. Tối hôm ấy có lệnh giới nghiêm, cấm đi lại từ 8 giờ tối. Đến 9 giờ đêm bỗng có 10 phát súng đại bác nổ ran, một bản thông cáo của chính phủ bảo hộ đưa đăng các báo sau:

Việc biến động mới xảy ra ở Yên Bái và Hưng Hóa.

Hai cơ lính khố đỏ đóng ở Yên Bái gồm có một đội lính vừa mới khởi nghịch hồi 2 giờ sáng ngày 10 tháng 2 năm 1930. Hai viên quan võ bị giết chết. Còn về phần các lính khố đỏ thì số tổn thương bao nhiêu chưa rõ. Nhân dân đều được bình yên. Lính khố xanh vẫn trung thành. Hồi 9 giờ rưỡi sáng hôm nay, quan công sứ Yên Bái có đánh điện tín về nói rằng đã gần dẹp yên được việc khởi nghịch này. Có phái binh lính đi tuần trong tỉnh lỵ, khi mới nhận được tin này thì có mấy chiếc phi cơ từ Hà Nội bay lên ngay. Hiện đã trù liệu mọi cách đề phòng về binh sự. Một toán lính Tây đã lên ngay Yên Bái.

Ở Hưng Hóa thì có một bọn đến đánh đồn khố xanh. Những người chống giữ không thiệt hại gì; bọn đánh đồn ấy chừng 20 người đã qua sông Nhị Hà chạy trốn1.

Bản thông cáo ấy chỉ là tin tức vắn tắt của một phương diện, chúng ta cần phải biết thêm nhiều phương diện nữa mới biết rõ được sự thực về cuộc khởi nghĩa ấy.
_____________________________________
1. Bạch Diện, Nguyễn Thái Học và Việt Nam quốc dân đảng, Nxb Ngày mai, H. 1950, tr. 56 - 57.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2017, 09:05:40 am »


Dưới đây là một đoạn văn của một võ quan Pháp thuật lại những việc xảy ra tại Yên Bái chiều ngày 9 tháng 2 năm 1930.

Một buổi chiều tháng 2 năm 1930.

Bọn sĩ quan và hạ sĩ quan trong đồn Yên Bái mang một nỗi lo lắng trầm trọng. Họ đã nhận thấy những sự khác thường trong tỉnh lỵ. Sự hoạt động trội lên, chuyến xe lửa nào cũng đưa vào tỉnh rất nhiều hành khách. Từng tốp người tụ họp chung quanh nhà ga. Trong những giờ nhất định được phép ra ngoài, lính khố đỏ quây quần đông chung quanh những bàn rượu trong các tửu quán. Và người kiểm vé trong rạp chớp bóng chiều hôm đó không bị bọn lính Tây quen thói trả tiền chỗ ngồi bằng những dọa nạt, bằng những nắm tay, quấy rầy.

Chiều đó khác thường lắm.

Bọn chức trách Pháp cũng nhận thấy thế. Nhưng tại họ có được nghe gì đâu. Họ băn khoăn tự hỏi: "Tại sao lại có sự rộn ràng thế kia?".

Nhưng rồi tự họ, họ đã tìm thấy câu trả lời như thế này: "Hôm nay là ngày đầu tháng âm lịch, có lẽ người Việt Nam đi lễ chùa".

8 giờ. Viên quan ba Gai-ra ở trại về. Đội Vinh chờ sẵn, nói:

- Đại úy không nên ăn bữa chiều nay.

- Tại sao thế?

- Có thuốc độc.

Rồi, Đội Vinh run run nói để viên quan thầy biết: chiều nay, tất cả người Pháp sẽ bị giết, kho súng đạn sẽ bị phá và lá cờ cách mạng sẽ treo lên thành.

Đại úy cho là Đội Vinh say rượu nói nhảm. Nhưng Đội Vinh nhất định cãi không và hắn nói:

- Có một cuộc hội họp quan trọng trong khu rừng sơn dưới chân đồi pháo đài. Mỗi người lính khố đỏ đã nhận được một công tác của quân cách mạng.

Người Pháp liền cho đi do thám khu rừng sơn, nhưng vắng ngắt bóng người. Viên quan ba Gai-ra gắt lên:

- Nói láo! Thôi chúng ta đi ngủ.

Họ về nhà riêng, kẻ vào trại.

Cái đêm nguy hiểm đó bắt đầu bằng sự im lặng nặng nề. Nhưng im lặng để rồi khi quá nửa đêm, náo động lên ở khắp các buồng người Pháp trong trại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2017, 09:06:32 am »


Đây là một trong những khung cảnh khủng khiếp đã xẩy ra do viên chánh đội Bô-li-ê thuật lại:

"Tôi yên dạ đi nằm, mà lại đi nằm rất sớm. Giường tôi kê ngoài hiên. Không có cửa. Đặt mình nằm là tôi ngủ liền, tôi bỗng thức giấc vì có một vật to và nặng rơi lên mình tôi. Lúc ấy có lẽ vào khoảng quá nửa đêm. Tôi ngồi dậy và kêu ầm lên. Những kẻ công kích vô hình đứng ngoài màn đêm tối. Tôi giẫy giụa như một con cá bị mắc lưới không có một ánh sáng, một tiếng nói. Bọn lính khố đỏ đi chân không đến hại tôi không nói lên nửa lời. Tay và mặt tôi đẫm những máu. Tôi biết kẻ địch không mang gậy mà mang gươm hay mang kiếm. Cái cột màn rơi xuống. Tôi nắm lấy nó và đánh trả lại trong đêm tối. Đánh hú họa như thế cho đến lúc tôi ngất đi. Khi tôi mở mắt thì trời đã sáng. Tôi nhận thấy tôi nằm sõng soài trên đất, ngay dưới chân giường. Một cái mặt quen thuộc ghé xuống với tôi. Tôi nhìn rõ đó là người thư ký của tôi. Tôi đã tưởng được hắn đến cứu nên cố ngồi dậy và gọi hắn: "Nam! Nam!".

Hắn đứng lên, lùi lại hai bước rồi chĩa một khẩu súng lục vào tôi. Hắn bắn ba phát liền. Nhưng đều không trúng tôi. Tôi không dám cựa, bụng vẫn tỉnh và tôi không dám mở mắt xem tôi đã được thoát nạn ở lại một mình chưa.

Tôi nghe tiếng súng mãi đến 7 giờ 30 mới dứt. Đến 9 giờ, mấy người bạn mà tôi tưởng đã chết rồi, đến tìm tôi và khiêng vào bệnh viện".


Một võ quan Pháp khác thuật lại đêm khởi nghĩa của Việt quân ở Yên Bái như sau:

Một giờ đêm có hai tốp người Việt Nam mặc thường phục hiện ra, một tốp ở trong đồn và một tốp ở trong trại. Tại hai nơi đó có hai đội lính khố đỏ.

Cùng một lúc các cửa đồn và cửa trại bỗng nhiên cùng mở toang.

Theo sự xếp đặt của những đảng viên cách mạng, một hiệu kèn báo động nổi lên. Viên đội người Pháp coi kho tưởng có động thật, đã làm theo phận sự. Hắn phát súng trường, súng lục, đạn dược cho những kẻ lát nữa sẽ giết hắn.

Nhận được khí giới đủ rồi, mọi người bắt đầu hành động. Trung úy Rô-bớt bị ám sát ngay trên giường. Viên quản Quy-nê-ô chết không kịp kháng cự. Đội Sơ-va-li-ê và Đa-mua cũng bị chết ngay tại nơi họ ngủ.

Viên quản Tô-tua, viên chánh đội Đét-chan-pa, đội Hu-ru-gen và Rây-nắc cùng vợ hắn bị chặn mất lối ra, phải ở trong buồng cầm cự với khẩu súng liên thanh cho tới sáng. Viên quan ba Gióc-đan đứng trong đồn hô quân đội sắp thành hàng ngũ. Một loạt súng nổ trả lời, viên quan Gióc-đan ngã gục xuống. Bên cạnh, viên quan ba Gai-ra bị thương quằn quại.

Thế là đêm ấy lính khố đỏ Yên Bái đã làm chủ tình thế.

Nhưng trời vừa sáng, họ thất vọng khi nhận thấy có nhiều võ quan còn sống và quân tiếp viện tới nơi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2017, 09:07:49 am »


Dưới đây là sự thuật lại vụ Yên Bái của các đảng viên Việt Nam quốc dân đảng:

Hai chị em cô Nguyễn Thị Giang và Nguyễn Thị Bắc là người có công trong việc tuyên truyền lập ra chi bộ ở Yên Bái, chú trọng nhất đến anh em binh sĩ. Người chỉ huy việc đánh Yên Bái là anh cai Ngô Hải Hoàng người Nghệ An, nguyên ở chi bộ Tuyên Quang, khi đổi sang Yên Bái, anh lập một chi bộ nhà binh ở Yên Bái.

Sáng sớm ngày 9 tháng 2 năm 1930, các đồng chí ở các nơi kéo về Yên Bái rất đông, người thì đi bộ, người thì đi xe lửa. Tất cả các đồng chí ấy đều thuộc quyền chỉ huy của anh Đặng Văn Hợp và Bùi Tư Toàn. Các nữ đồng chí giả làm người buôn bán rau cỏ, gà vịt gánh bom vào Yên Bái giấu kín dưới các gánh hàng và đem đến để chung quanh trại con gái (nơi ở riêng của vợ con binh sĩ Việt Nam trong quân đội Pháp), các nữ đồng chí ấy còn may sẵn cả cờ và băng cho anh em đeo.

Khi vào đến Yên Bái mỗi người tìm nơi trọ riêng, tối đến mới họp nhau ở trong rừng sơn dưới chân đồi ngoài tỉnh lỵ. Trong cuộc họp ấy, anh Phó Đức Chính mặc binh phục đứng đọc diễn thuyết rất hùng hồn, khuyến khích mọi người phải nỗ lực; đoạn rồi anh phân phát khí giới cho các đội tiện y. Khí giới ấy phần nhiều là bom xi măng và dao găm.

Không ngờ cuộc hội họp ấy bị một anh lính không rõ có phải là Đội Vinh không đã biết rõ và đi báo với Quy-nê-ô. Viên tư lệnh thân hành đi dò xét lấy, nhòm vào trại con gái thấy vắng tanh không có bóng người nào. Viên này yên trí là binh lính Việt Nam đã họp nhau đánh bạc tại nơi nào đó, vì họ vẫn biết rằng người Việt Nam thường hay có thói đánh bạc vào dịp Tết (hôm ấy là ngày 11 tháng Giêng năm Canh Ngọ).

Một giờ sáng, quân cách mạng và dân quân hiệp lực nhau chiếm trại. Hai cơ binh thứ 5 và thứ 6 hạ thủ các sĩ quan Pháp coi hai đạo quân ấy. Viên đội Đa-mua, thiếu úy Rô-bớt, đại úy Gióc-đan bị đâm chết hoặc bị bắn chết. Các viên đội Sa-va-li-ê, Rơ-nô-dê, Rô-len, Quy-nê-ô, đại úy Gai-ra đều bị thương nặng.

Lập tức lá đảng kỳ nửa vàng nửa đỏ phấp phới trên trại. Lúc này quân cách mạng mới dùng súng tiểu thanh bắn lên trại lính trên đồi. Ở trên, quân Pháp cũng xả súng bắn lại. Năm giờ sáng quân Pháp phản công kịch liệt, quân cách mạng núng thế phải rút lui vào rừng, nhưng vẫn còn cầm cự trong mấy ngày nữa.

Người ta còn nhớ rằng ngày 11 tháng 2 năm 1930, sau khi máy bay đi thám thính vùng Yên Bái tưởng là yên hẳn rồi, về báo cáo với phủ toàn quyền. Ông toàn quyền Pát-ki-ê liền đáp xe lửa riêng lên thăm tỉnh, giữa đường có bom liệng vào xe lửa nhưng không trúng toa xe ông toàn quyền ngồi1.
______________________________
1. Bạch Diện, Nguyễn Thái Học và Việt Nam quốc dân đảng, Nxb Ngày mai, H. 1950, tr. 65.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2017, 09:28:59 pm »


Câu hỏi 11: Hãy trình bày cuộc đánh đồn Hưng Hóa và chiếm phủ Lâm Thao (Phú Thọ) ngày 10 tháng 2 năm 1930 của quân khởi nghĩa?
Trả lời:


Theo kế hoạch ban đầu cuộc khởi nghĩa vũ trang sẽ nổ ra trên hai địa bàn chính ở Bắc Kỳ vào đêm ngày 9 tháng 2 năm 1930. Nguyễn Thái Học sẽ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở miền xuôi, trong khi Nguyễn Khắc Nhu được phân công chỉ huy cuộc nổi dậy ở miền núi. Gần tới ngày nổi dậy, do cơ sở miền xuôi tương đối yếu lại bị đánh phá nặng nề, không chuẩn bị kịp, Nguyễn Thái Học cử người báo cho Nguyễn Khắc Nhu hoãn cuộc nổi dậy tới ngày 15 tháng 2 năm 1930. Tuy nhiên, liên lạc viên bị địch bắt giữa đường nên cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra ở một loạt các địa điểm từ Sơn Tây, Phú Thọ cho tới Yên Bái vào đêm ngày 9, rạng sáng ngày 10 tháng 2 năm 1930. Tuy xảy ra nhiều nơi khác nhau, nhưng sau này các sách lịch sử thường gọi chung là cuộc khởi nghĩa Yên Bái.

Tại Hưng Hóa và Lâm Thao (Phú Thọ) diễn biến của cuộc khởi nghĩa ngày 10 tháng 2 năm 1930 như sau:

1. Kế hoạch quân sự

Dưới quyền điều khiển của tổng chỉ huy Nguyễn Khắc Nhu, đêm ngày 9 tháng 2 năm 1930, cùng với cuộc khởi nghĩa Yên Bái, nghĩa quân sẽ đồng thời nổi dậy ở Hưng Hóa và Lâm Thao (Phú Thọ). Theo dự định ba toán nghĩa quân này sau khi đắc thắng sẽ cùng hội quân ở Hưng Hóa, theo lối Trung Hà vượt qua sông đánh vào đồn Thông (Sơn Tây), hợp với toán quân của Phó Đức Chính ở đây.

Toán quân đánh đồn Hưng Hóa sẽ do ông Nguyễn Khắc Nhu trực tiếp chỉ huy, mang theo những nghĩa quân từ các phủ huyện Thanh Ba, Cẩm Khê, Lâm Thao, Tam Nông... đến đánh.

Toán quân đánh phủ Lâm Thao do ông Phạm Nhận tức Đồ Đúc chỉ huy đem theo một số đảng viên tại mấy làng phụ cận đến đánh.

Khí giới của nghĩa quân không có gì khác hơn là giáo, mác và bom.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2017, 09:30:10 pm »


2. Chiếm phủ Lâm Thao và đánh đồn Hưng Hóa

Theo kế hoạch đã định, nửa đêm về sáng ngày 10 tháng 2 năm 1930, Phạm Nhận chỉ huy nghĩa quân đánh phủ Lâm Thao (Phú Thọ). Tên tri phủ thấy nghĩa quân đến bèn bỏ chạy, còn bọn lính lệ thì rút lên lô cốt cố thủ. Phạm Nhận cho quân chiếm phủ lỵ, đốt các giấy tờ của tri phủ để lại và đốt lửa làm hiệu cho Nguyễn Khắc Nhu ở phía Hưng Hóa biết đã chiếm được phủ Lâm Thao.

Tại Hưng Hóa, như đã định trước, đêm ngày 9 tháng 2 năm 1930, hai toán quân từ mấy phủ huyện kéo đến đánh đồn Hưng Hóa. Trước giờ khởi sự, họ phải tập trung tại một địa điểm gần đồn. Nhưng trong cuộc hành quân một trở ngại xảy ra ngoài dự định. Một trong hai toán quân kể trên muốn đến được địa điểm hội quân và đánh đồn, họ phải qua sông Hồng. Vì không chuẩn bị từ trước, toán quân này đến nơi mới tìm đò qua sông. Không ngờ kẻ được cử đi tìm thuyền lại là một tên hèn nhát, thừa cơ trốn mất. Đến gần sáng, toán quân này vẫn không qua sông được, phải giải tán.

Một toán khác do đích thân ông Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy chờ đến gần sáng vẫn không thấy toán quân kia, liền phát động đánh đồn vào hồi tảng sáng. Số lượng quân đánh đồn chỉ có khoảng một trăm người, người thì mặc quần áo ka ki vàng, người thì áo ka ki quần trắng, người thì vẫn quần áo nâu. Ai nấy đều đeo băng tay màu vàng viết chữ “Việt Nam cách mạng quân". Vũ khí thông thường là bom, mỗi người ba, bốn quả. Ngoài ra một số người còn có thêm súng trường, súng lục, mã tấu. Hai chiếc thuyền đã chờ sẵn ở một địa điểm bờ sông Hồng đối diện với đồn Hưng Hóa để chở quân cách mạng sang sông.

Đồn Hưng Hóa bấy giờ ngoài một tên đồn trưởng người Pháp còn toàn là lính khố xanh. Tại đồn lính khố xanh này vốn từ trước vẫn có một số binh lính theo cách mạng và hẹn sẽ làm nội ứng cho quân khởi nghĩa. Nhưng do sự đề phòng của thực dân, đơn vị lính cũ đã bị đổi đi từ ngày hôm trước nên khi Nguyễn Khắc Nhu dẫn quân đến sát đồn ra mật hiệu thì không thấy động tĩnh gì. Lúc đó vào khoảng 3 giờ sáng và khi thấy hiệu lửa ở Lâm Thao, Nguyễn Khắc Nhu đã được vững tâm và cứ ra lệnh tấn công đồn mặc dù quân số còn thiếu nhiều. Các chiến sĩ nhanh chóng tản ra bao vây đồn và đổ dầu hỏa đốt hàng rào lấy đường vào đồn. Bom ném tới tấp vào đồn nhưng vì chỉ là những bom vỏ xi măng, chỉ có một ít bằng vỏ gang, thuốc nổ lại không tốt nên chẳng gây được tác hại gì cho đồn binh1. Tiếp theo, Đồ Thúy, chỉ huy phó của đoàn quân, đọc bài hịch kêu gọi binh lính ủng hộ cách mạng. Nguyễn Khắc Nhu cũng nhảy lên một bức tường cất tiếng sang sảng kêu gọi binh lính trong đồn quay súng bắn vào thực dân và ra ngoài hợp lực cùng quân cách mạng đánh Pháp. Nhưng trước những lời hô hào thống thiết, binh lính vì không được chuẩn bị trước nên chẳng dám quyết định theo quân khởi nghĩa. Hơn nữa tên giám binh chỉ huy đồn chạy thoát được vào lô cốt cố thủ đã liên tục hô bắn trả. Và trước sự xung phong của quân khởi nghĩa vào đồn không gây được thiệt hại gì, binh lính lúc đầu còn bắn chỉ thiên sau đó bị chỉ huy thúc ép, đã thẳng cánh bắn trả mà bắn lại rất trúng đích. Cuộc tấn công đồn Hưng Hóa của quân cách mạng diễn ra được khoảng 40 phút mà vẫn không giết được một tên địch nào, mà đồn thì vẫn được nguyên vẹn trong khi đó thì số thương vong phía ta mỗi lúc lại tăng lên. Do đó Nguyễn Khắc Nhu đành phải hô quân rút lui bỏ lại chiến trường 17 quả bom, mấy thùng dầu hỏa và lá cờ vàng đỏ để sang sông nhập với cánh quân đã làm chủ được phủ lỵ Lâm Thao.
____________________________________
1. Hồi mới đầu người ta còn chế bom bằng cách nhồi thuốc vào quả bóng đèn. Nhưng sau đó người ta chỉ còn bọc ngoài bằng một lớp vỏ xi măng. Đã thế bom lại bị chôn dưới đất lâu ngày ẩm ướt nên mất cả hiệu lực. Hồi đó, đã có một giai thoại về chuyện bom là: trước hội đồng đề hình của đế quốc Pháp, bọn quan tòa buộc tội những người dự cuộc vũ trang khởi nghĩa là đã dùng bom giết người. Một người trong đám bị cáo đã dõng dạc đáp lại: bom của chúng tôi là "bom nhân đạo". Nó không có mục đích giết người như bom của đế quốc, mà chỉ dùng để uy hiếp tinh thần bên địch. Từ đó cái tên "bom nhân đạo" được dùng quen trong những câu chuyện hài hước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2017, 09:30:51 pm »


Khoảng 8 giờ sáng Nguyễn Khắc Nhu cùng đám tàn quân đánh đồn Hưng Hóa cuốc bộ tới Lâm Thao. Ở đây Phạm Nhận đã làm chủ được phủ lỵ, tầng dưới của lô cốt và đã bắt đầu tuyên truyền dân chúng trong vùng. Thấy quân mới đến tưởng là viện binh, lại nghe thấy quân cách mạng khoe là đã hạ được Yên Bái và Hưng Hóa, bọn lính cơ cố thủ trên gác lô cốt đã hạ súng đầu hàng và một số xin theo quân khởi nghĩa. Tuy có thắng lợi mới này và tuy được dân chúng nhiệt liệt ủng hộ, nhưng thấy địa thế phủ lỵ Lâm Thao trống trải, Nguyễn Khắc Nhu đã có ý định cho quân rút ra ngoài. Phạm Nhận, trái lại muốn cứ ở lại rồi tính sau. Hai người còn đang dùng dằng thì khoảng 10 giờ sáng, tên Sô-vê, phó sứ Phú Thọ, đem mấy ô tô lính khố xanh đến đánh phủ. Hai bên cùng nổ súng bắn nhau. Tên Sô-vê bị một nghĩa quân trước đã từng đi lính khố đỏ nhằm bắn trúng vành mũ suýt chết. Cuộc chiến đấu diễn ra không được bao lâu thì trước uy thế vũ khí áp đảo của địch, quân cách mạng bị thương vong nhiều không còn đánh trả được mạnh nữa nên phải rút lui. Trong cuộc chiến đấu này, một nghĩa quân bị chết, ông Phạm Nhận và 4 chiến sĩ bị bắt. Nguyễn Khắc Nhu bị thương ở đùi không chạy được. Anh em định dìu đi nhưng ông đã từ chối sợ làm chậm trễ cuộc rút chạy và đã đặt hai quả bom xuống đất rút chốt an toàn rồi nằm lên trên cho bom nổ để tự tử. Nhưng uy lực của bom quá yếu nên ông chỉ bị thủng ngực và bụng rồi bị giặc bắt. Chúng băng bó cho ông rồi giải ông sang Hưng Hóa. Qua sông, ông đã từ trên thuyền lao xuống sông tự vẫn lần thứ hai nhưng lại bị giặc vớt lên đem giam trong đồn Hưng Hóa.

Tại đây, khi bị hỏi cung, ông đã liên tục chửi mắng quân Pháp cướp nước và khi bị viên cẩm chính trị Ri-nơ sừng sộ gọi ông là kẻ cướp giết người, ông đã trợn mắt thét lớn:

- Đồ khốn nạn! Giữa tao và chúng bay thì chúng bay là kẻ cướp giết người, chứ còn nói ai?

Đến khi tên phó sứ Phú Thọ Sô-vê hỏi:

- Tại sao ông lại làm loạn?

Ông đã đĩnh đạc trả lời không chút do dự:

- Tôi là người Việt Nam, có bổn phận bảo vệ đất nước, giành lại độc lập, như thế là hợp với lẽ phải và nhân đạo, sao có thể gọi là làm loạn được?

Tên Sô-vê cứng họng không nói được câu nào nữa.

Rồi trong nửa đêm về sáng ngày 11 tháng 2 năm 1930 tức 13 tháng Giêng năm Canh Ngọ, nghĩ rằng trước sau thì mình cũng bị Pháp chém đầu nên tuy chân tay bị xích, Nguyễn Khắc Nhu đã dồn toàn bộ tàn lực đập đầu xuống sàn lim để tự vẫn cho được toàn danh tiết. Như vậy là theo âm lịch ông đã hy sinh vào năm 49 tuổi.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2017, 08:16:22 am »


Câu hỏi 12: Theo kế hoạch đã định, trong ngày 10 tháng 2 năm 1930 cùng với Yên Bái và Phú Thọ, Việt Nam quốc dân đảng còn âm mưu đánh đồn Thông (Sơn Tây), tổ chức đánh bom tại Hà Nội. Hãy trình bày những sự kiện này?
Trả lời:


1. Việc mưu đánh đồn Thông (Sơn Tây)

Kế hoạch quân sự của Việt Nam quốc dân đảng bấy giờ là mong dồn những lực lượng chiến thắng từ các ngả Yên Bái, Hưng Hóa và Lâm Thao để hạ đồn Thông ở Sơn Tây, một căn cứ quân sự yếu điểm của Pháp. Nhưng tại Yên Bái, Hưng Hóa và Lâm Thao, nghĩa quân đều hoàn toàn thất bại. Còn tại Sơn Tây, Quốc dân đảng tuy có một số đồng chí ở trong quân đội Pháp, nhưng lực lượng yếu quá, không đủ sức nổi dậy một mình. Kết quả là kế hoạch đánh Sơn Tây không thực hiện được.

Ít ngày sau, ông Phó Đức Chính, người lĩnh trách nhiệm đánh Sơn Tây, bị giặc Pháp bắt được tại nhà một đồng chí là ông Quản Trang.


2. Đánh bom tại Hà Nội (10-2-1930)

Theo kế hoạch định ra từ trước, một khi nghĩa quân nổi lên ở các nơi thì tại Hà Nội mặc dầu không đủ sức nổi dậy cũng phải tỏ ra hoạt động để kìm chế quân Pháp ở đây không dám phái đi cứu viện những nơi khác. Sau việc phản bội của Nguyễn Thành Dương, chi bộ nhà binh của Việt Nam quốc dân đảng tại Bạch Mai cũng tan vỡ. Dự định đốt phá trường bay không thực hiện được. Do đó các nhà chỉ huy của Việt Nam quốc dân đảng đổi kế hoạch bằng việc ném bom tại thành phố để hư trương thanh thế của mình và uy hiếp tinh thần bên địch.

Sau đêm khởi nghĩa Yên Bái, tối hôm 10 tháng 2 một số đoàn viên của Việt Nam quốc dân đảng, trong đó phần nhiều là học sinh trường kỹ nghệ Hà Nội, được huy động mang bom ném vào nhiều nơi trong thành phố như sở mật thám, bóp cảnh sát Hàng Trống, nhà chánh mật thám Ac-nu, nhà pha Hỏa Lò... Một lính gác ở cầu Long Biên bị một phát đạn xuyên qua đùi. Cuộc ném bom này không gây một thiệt hại thực tế gì cho đế quốc Pháp, nhưng đã có một tiếng vang mạnh mẽ trong tinh thần dân chúng khiến giặc Pháp phải đề phòng ráo riết.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM