Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:24:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Bái  (Đọc 27278 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 05:55:26 pm »


Ít ngày sau tên phản bội Nguyễn Thành Dương tức Đội Dương bị Đoàn Trần Nghiệp tức Ký Con bắn thủng bụng đứt ruột trong khi nó từ sở mật thám Hà Nội đi ra1. Và trước đó bố Đội Dương là Giáo Du cũng bị Nguyễn Văn Nho2 trong Ban Ám sát của Việt Nam quốc dân đảng bắn chết tại ngõ Hồng Phúc, Hà Nội.

Làng Võng La, một làng đã ủng hộ cách mạng cũng bị đế quốc Pháp khủng bố dữ dội. Nhiều người bị bắt. Làng bị triệt hạ3.

Về sự kiện này, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Đạm (con trai thứ ba của ông Nguyễn Khắc Nhu) đã viết ở phần "kể chuyện Nguyễn Khắc Nhu" trong cuốn sách "Nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu", Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, xuất bản năm 1993 như sau:

"Võng La làm địa điểm hội nghị vì làng này có nhiều đảng viên và người cảm tình với đảng, đồng thời lại ở xa trung tâm Hà Nội và có đường thủy, bộ đi các nơi rất thuận tiện. Hội nghị bố trí cho người canh gác để có thể phát hiện địch từ xa. Hội nghị mới bắt đầu chưa được bao lâu thì trạm gác báo tin có mấy xe ô tô địch qua phà Trung Hà hướng về phía Võng La. Cha tôi chưa kịp xử trí thì một sự kiện không ai ngờ tới được là Đội Dương, ủy viên quân sự của đảng đứng lên rút súng lục bắn vào chủ tịch hội nghị. Nhanh mắt, lại đang cảnh giác vì mới được tin có địch, cha tôi đã ngồi thụp ngay xuống lăn ra ngoài. Nghe tiếng súng các vệ sĩ của đảng cũng bắn trả và trong cuộc hỗn chiến này chỉ có Phó Đức Chính bị trúng đạn còn các yếu nhân khác thì nhờ có nhân dân ủng hộ, đều kịp thời chạy thoát. Hai ô tô mật thám cũng vừa tới nơi nổ súng, bọn mật thám ùa ra truy bắt các yếu nhân Việt Nam quốc dân đảng. Nhưng chúng chẳng bắt được yếu nhân nào kể cả Phó Đức Chính bị trúng đạn, mà kết cục chỉ bắt được mấy người dân làng đã bị chúng ghi sổ đen từ trước. Sau đó trong hai ngày 25 và 26 tháng 12 năm 1929 chúng nổi lửa đốt nhà và bắt dân phải chặt hết tre ngoài lũy rồi đuổi dân đi. Sau đó nhân dân phải kiên trì đấu tranh hết đợt nọ đến đợt kia mới được trở về làng cũ.

Riêng về cha tôi, sau khi thoát hiểm đã được bà con cho mượn ngay một chiếc cuốc với chiếc nón lá giả làm một lão nông đi thăm đồng. Một tên mật thám bắt gặp không những không nhận ra ông mà còn xuýt xoa khen ông có bộ râu đẹp nên ông vẫn đàng hoàng đi tiếp.

Không bắt được yếu nhân Việt Nam quốc dân đảng nào trong dịp chúng bố trí hết sức công phu này, thực dân Pháp càng ra tay lùng sục. Các cuộc kiểm soát dọc đường trở nên vô cùng gắt gao và để thích ứng với hoàn cảnh, người ta kể rằng, một hôm cha tôi và Nguyễn Thái Học, một người đóng vai lý trưởng, một người đóng vai đầy tớ theo hầu đến nhà một cô đầu dự một chầu hát. Lý trưởng là cha tôi thì ở trên nhà nghe hát còn Nguyễn Thái Học đóng vai đầy tớ thì vác khăn gói xuống nhà bếp ngủ. Sáng hôm sau cha tôi dậy sớm nhờ cô đầu hát cạo cho bộ râu lấy lý do là bà lý ở nhà không thích ông đeo râu. Sau đó ông và Nguyễn Thái Học ra đi cùng nhau cười nói về chuyện cạo râu và Nguyễn Thái Học đã tỏ ra vô cùng thích thú nghe ông ứng tác bốn câu "Tiễn râu" như sau:

      Mấy chục năm trường bạn sắt son
      Đến nay tống biệt dạ bồn chồn
      Trăm đường cũng tại thằng Tây cả,
      Râu hết, đường đi dễ lọt trơn.


Việc bọn phản đảng vẫn ở trong đảng để làm hại đảng như Đội Dương không phải đến bây giờ mới xảy ra. Trước đó đoàn ám sát của đảng đã phải ra tay trừng trị mấy tên rồi. Như tháng 8 năm 1929 với cương vị Trưởng ban Lập pháp, Giám sát kiêm Chủ tịch Tòa án cách mạng và trực tiếp chỉ đạo đoàn ám sát, cha tôi đã cử hai người đi ám sát Bùi Tiến Mai làm thừa phái vì hắn đã khai ra nội tình đảng khiến cho rất nhiều đảng viên ở Thái Bình bị sa vào tay giặc. Nhưng vì một người dùng súng không thạo, khi thử súng đã vô ý để tự mình bị thương nên bị lộ và tên Mai đã thoát chết4; 7 giờ tối ngày 5 tháng 10 năm 1929 đoàn ám sát đứng đầu là Đoàn Trần Nghiệp tức Ký Con cũng đã giết chết tên Nguyễn Văn Kính can tội phản đảng ở vườn Bách Thảo, Hà Nội. Kính vốn được Nguyễn Thái Học trao cho một lá thư trong đó Nguyễn Thái Học coi như ở ngoài nước viết về cho các đồng chí để đánh lừa thực dân Pháp. Kính nhận được nhiệm vụ là cố ý để cho thực dân Pháp bắt. Nhưng khi bị bắt, không chịu nổi đòn tra tấn của chúng, Kính không những đã khai hết sự thật mà còn khai ra nhiều người khiến họ lần lượt bị bắt giam. Cũng vì thế mà hắn đã bị đền tội.

Việc Đội Dương vỡ lở đã khiến cho cha tôi càng quan tâm đến việc diệt trừ nội phản. Do đó đêm mồng 9 rạng ngày 10 tháng 1 năm 1930, hai tên phản đảng là Vương Trọng Phước và Nguyễn Văn Ke đã phải đền tội ở Xuân Dương (Phú Thọ). Ngày 12 tháng 1 năm 1930, hai tên phản phúc khác cũng bị trừ khử. Người ta lại còn điều tra ra tên Giáo Du, bố Đội Dương là tên phản đảng đã lâu và chính hắn, trước sự khủng bố của thực dân sau vụ Ba-danh đã khuyên Dương nên thực tâm theo Pháp. Vì thế, ngày 22 tháng 1 năm 1930 Giáo Du đã bị em Nguyễn Thái Học là Nguyễn Văn Nho hạ sát tại ngõ Hồng Phúc, cạnh chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Còn Đội Dương thì sau khi lộ mặt ở Võng La đã được cử làm thanh tra mật thám nên đã hết sức đề phòng và được thực dân Pháp quan tâm bảo vệ. Cũng vì thế phải rình rập mãi đến tận ngày 22 tháng 4 năm 1930 hắn mới bị bắn trọng thương lòi ruột tại phố Cửa Đông, Hà Nội. Sau đó Dương được đưa sang Pháp, một Việt kiều yêu nước đã ám sát hắn tại Pa-ri nhưng hắn vẫn may mắn được thoát chết.

Đồng thời với việc diệt nội phản, công việc chuẩn bị khởi nghĩa vẫn được tích cực tiến hành. Lúc này đảng rất cần tiền để có được vũ khí bù cho số đã bị thực dân Pháp phát hiện lấy đi. Vì thế, ngoài việc quyên tiền, ngày 24 tháng 1 năm 1930, Ký Con đã được cha tôi giao cho nhiệm vụ tổ chức cướp ô tô Mỹ Lâm trên có mấy đại thương Hoa kiều tại cây số 6+700 trên đường Hà Nội - Sơn Tây".
___________________________________
1. Tên phản bội vẫn chưa chết. Nó được thực dân Pháp cứu chữa và gửi sang Pháp điều trị. Sau đó Dương làm thanh tra mật thám. Đời sống của tên chó săn này bị kết liễu trước cuộc Cách mạng tháng Tám.
2. Em Nguyễn Thái Học.
3. Chúng triệt hạ làng này bằng cách đem mìn và chất nổ đến phá những nhà lớn và những lũy tre xung quanh làng.
4. Bùi Tiến Mai sau được Pháp thăng chức cho làm tri phủ. Ngày 17-6-1945 sau khi Nhật lật đổ Pháp, nhân kỷ niệm lần thứ 15 ngày mất của Nguyễn Thái Học và của các liệt sĩ Việt Nam quốc dân đảng tại nhà Thông tin, Đoàn Thanh niên Thái Bình đã bắt Mai đến nghe kể tội và lạy ba lạy trước di tượng Nguyễn Thái Học.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 05:56:49 pm »


Sau sự việc xảy ra ở Võng La, thực dân Pháp càng ráo riết lùng bắt các đảng viên quốc dân đảng. Với các lãnh tụ bạo động như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính đã như cái "đinh" trước mắt chúng. Một ngày nào mấy người này chưa bị bắt thì chúng còn chưa được yên ổn và cuộc bạo động vẫn không tránh được. Dân chúng bên ngoài cũng theo dõi những biến thiên một cách hồi hộp, vì cuộc khởi nghĩa sẽ nổ ra hay không tùy theo vận mạng của mấy vị lãnh tụ kia.

Về phần các lãnh tụ bạo động bấy giờ, sở dĩ không sa vào lưới giặc và vẫn hoạt động được là vì họ đã bám vào một số dân chúng ở thôn quê, nhất là những kỳ hào đương làm việc cho Pháp nhưng vẫn ủng hộ cách mạng. Nhờ có đám người này, những nhà cách mạng đã có được thẻ thuế thân, những giấy chứng chỉ đi đường và dò biết những chỉ thị của giặc qua các công văn bí mật của chúng. Tuy vậy nếu cuộc bạo động càng chậm lại thì lực lượng bạo động có thể càng bị giảm đi vì những đảng viên cách mạng vẫn lác đác bị bắt, những cơ quan cách mạng thỉnh thoảng lại bị khám phá. Một điều mà chúng ta cũng không quên là: mấy vai chủ động như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu bấy giờ đã lấy bạo động làm một "lối thoát" hơn là tin tưởng ở kết quả thành công của nó.

Dẫu sao cuộc bạo động vẫn cứ xảy ra. Theo phân công phụ trách bấy giờ, ông Nguyễn Thái Học lĩnh trách nhiệm chỉ huy những cuộc khởi nghĩa tại mấy tỉnh miền xuôi như Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Phả Lại, v.v... Còn ông Nguyễn Khắc Nhu lĩnh trách nhiệm chỉ huy những cuộc khởi nghĩa tại mấy tỉnh miền trên như Yên Bái, Phú Thọ, Sơn Tây, Bắc Giang,... Riêng ông Phó Đức Chính phụ trách đánh vào đồn Thông, một đại bản doanh quân sự của Pháp ở Sơn Tây.

Cả hai đạo quân sau khi chiến thắng sẽ tập trung đánh Hà Nội.

Ngày 26 tháng 1 năm 1930, Nguyễn Thái Học lại triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tại làng Mỹ Xá (Nam Sách, Hải Dương) để khẳng định lại chủ trương khởi nghĩa, đồng thời kiểm tra và thúc đẩy tiến độ thực hiện các công việc chuẩn bị khởi nghĩa. Trên cơ sở phân tích tình hình của đảng, Nguyễn Thái Học nhận xét: "Đảng của chúng ta (tức Việt Nam quốc dân đảng) có thể tiêu ma hết lực lượng. Một khi lòng sợ sệt đã chen vào đầu óc quần chúng khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn, rồi người của đảng cũng sẽ liên tiếp bị bắt dần, vô tình đã xô đẩy anh em vào cái chết lạnh lùng mòn mỏi ở các phòng ngục trại giam. Âu là chết đi để thành cái gương phấn đấu cho người sau nối bước. Không thành công thì cũng thành nhân” 1.
_____________________________
1. GS Đinh Xuân Lâm (Chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập II, Nxb Giáo dục, H. 2007, tr. 287.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2017, 08:50:38 am »


Câu hỏi 8: Hãy cho biết đôi nét về địa lý, lịch sử, văn hóa của thị xã và tỉnh Yên Bái, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa do Việt Nam quốc dân đảng lãnh đạo?
Trả lời:


Yên Bái ở vùng Tây Bắc tiếp giáp với Đông Bắc Việt Nam. Phía Đông Bắc giáp hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Tây Nam giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai.

Yên Bái là một điểm sinh tụ của người Việt cổ, có nền văn hóa nhân bản, thể hiện ở những di vật, di chỉ khảo cổ học được phát hiện như công cụ bằng đá, thạp đồng, trống đồng, đền, tháp, khu di tích lịch sử. Thời các vua Hùng Yên Bái thuộc bộ Tân Hưng, thời Lý thuộc châu Đăng, thời Trần trong lộ Quy Hóa, thời Lê đến Nguyễn nằm trong phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa.

Thời kỳ Pháp xâm lược nước ta, thời gian "bình định" chúng đặt Yên Bái thuộc các Đạo quan binh (1891-1900), Ngày 11 tháng 4 năm 1900, Pháp thành lập tỉnh Yên Bái gồm có phủ Trấn Yên, 2 châu Văn Chấn, Văn Bàn và thị xã tỉnh lỵ đặt tại làng Yên Bái. Năm 1910 và 1920, Pháp chuyển châu Lục Yên (tỉnh Tuyên Quang) và châu Than Uyên (tỉnh Lai Châu) vào tỉnh Yên Bái.

Địa hình Yên Bái phức tạp, có độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh bởi núi cao, sông, ngòi, khe, suối. Ngoài hai con sông lớn là sông Hồng và sông Chảy, còn có khoảng 200 ngòi, suối lớn nhỏ và hồ, đầm. Hướng cao dần từ đông sang tây, từ nam lên bắc, độ cao trung bình so với mặt biển là 600 mét. Vùng cao có hai dãy núi lớn: Pú Luông ở phía tây và Con Voi ở phía đông bắc, trong đó có đỉnh Pú Luông cao 2.985 mét. Vùng thấp tập trung ở ven sông Hồng, sông Chảy và cánh đồng Mường Lò, có nơi chỉ cao hơn mặt biển 26 mét (xã Minh Quân, huyện Trấn Yên). Do địa hình như vậy, giao lưu mọi mặt giữa các vùng gặp nhiều trở ngại, việc xây dựng hệ thống giao thông vận tải gặp rất nhiều khó khăn.

Yên Bái có truyền thống văn hóa lâu đời: Các phát hiện di cốt người có niên đại 8-14 vạn năm ở hang Hùm (Lục Yên), thạp đồng Đào Thịnh1, thạp đồng Hợp Minh (Trấn Yên), trống đồng Phù Nham (Văn Chấn), Mông Sơn (Yên Bình), Khai Xuân (Lục Yên) và nhiều công cụ bằng đá, bằng đồng khẳng định mảnh đất Yên Bái là địa bàn sinh tụ của người Việt cổ, có nền văn hóa phát triển liên tục và khá rực rỡ.
_______________________________
1. Thạp đồng Đào Thịnh cùng thời với trống đồng Ngọc Lũ, là chiếc thạp còn nguyên vẹn và lớn nhất còn tìm thấy ở Việt Nam (cao 97,7cm, đường kính miệng 64cm, nặng 76kg) được chế tạo vào thời đại đồng thau. Nắp thạp trang trí 4 đôi nam, nữ đang giao hoan, biểu hiện sự sinh sôi, nảy nở của con người, là tác phẩm nghệ thuật quý giá.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2017, 08:56:32 am »


Yên Bái cũng là vùng có nhiều dân tộc sinh sống lâu đời (đến nay có 30 dân tộc anh em cùng chung sống), hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1258 nhân dân các vùng Văn Chấn, Trấn Yên đã tham gia đội quân của tù trưởng Hà Bổng, trại chủ Quy Hóa chiến đấu chống giặc Nguyên - Mông khi chúng sang xâm lược nước ta lần thứ nhất. Năm 1285 nhân dân châu Thu Vật (Yên Bình) và các vùng xung quanh đã ủng hộ, giúp đỡ đạo quân của tướng Trần Nhật Duật chặn đánh quân Nguyên - Mông quyết liệt, làm chậm bước tiến của chúng về kinh thành Thăng Long.

Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX nhân dân các dân tộc Yên Bái đã góp phần không nhỏ bảo vệ triều Lê, chống họ Mạc cát cứ và sự cướp bóc của "giặc giã"1.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn nhu nhược, đầu hàng. Đầu năm 1886 quân Pháp đánh chiếm Yên Bái2. Tổng đốc Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích3, Bố chánh Nguyễn Văn Giáp phối hợp cùng các lãnh bị địa phương như Vương Văn Doãn, Đặng Đình Tế, Phạm Thọ, Đặng Tiến Lộc, Đổng Phúc Thịnh tổ chức đánh chặn địch quyết liệt; xây dựng căn cứ chiến đấu ở Tú Lệ (Văn Chấn), làng Vân (Trấn Yên)4, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Ngày 19 tháng 10 năm 1889 nghĩa quân đánh tan cả đoàn thuyền địch gồm 13 chiếc trên sông Hồng, đoạn giữa Trái Hút và Bảo Hà.

Từ năm 1886 đến năm 1893 các hoạt động bất hợp tác với giặc, nhiều cuộc khởi nghĩa nhỏ liên tục nổ ra khắp các vùng Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình. Nó gây cho thực dân Pháp nhiều khó khăn trong việc thiết lập bộ máy thống trị và kiểm soát các tổng, xã.

Hai năm 1913-1914 cuộc khởi nghĩa do Triệu Tài Lộc, Triệu Kiến Tiên và một số thủ lĩnh khác tổ chức được đông đảo người Dao, Tày, Kinh tham gia, ủng hộ. Từ cơ sở đầu tiên ở tổng Trúc Lâu, phong trào lan rộng khắp châu Lục Yên, phủ Trấn Yên, phủ Yên Bình với quân số tới 1.414 người. Nghĩa quân đã tiến công đồn Trái Hút (19-10-1914), đồn Bảo Hà (21-10-1914), đồn Lục Yên (22-10-1914)5. Nhưng do tổ chức, phối hợp thiếu chặt chẽ, trang bị vũ khí lạc hậu, thiếu thốn, cho nên các cuộc tiến công không giành được thắng lợi. Thực dân Pháp đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa, bắt hàng trăm người, trong đó có rất nhiều phụ nữ, xử tử 67 người (39 người ở nghĩa địa Tây Yên Bái, 28 người ở Phú Thọ). Đây là sự kiện tiêu biểu khẳng định lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết quật khởi của nhân dân các dân tộc Yên Bái6.
_____________________________
1. Vũ Văn Mật - trấn thủ Tuyên Quang và Hưng Hóa (đóng ở Đại Đồng, Yên Bình) có công bảo vệ nhà Lê, diệt Mạc, được vua Lê Trang Tông (tên thật Lê Duy Ninh, hiệu Nguyên Hòa) phong làm "Gia quốc công". Sau này nhân dân lập đền thờ ông để ghi nhớ công ơn ông đã cứu nước, giúp dân. (Theo Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Viện Sử học, số 5-1983, số 1-1985).
2. Thực dân Pháp huy động khoảng 1.000 quân, chia làm 4 toán từ Việt Trì, Phú Thọ đánh Yên Bái. Mục tiêu và nơi hội quân là Tuần Quán. Toán do đại úy Gô-đanh chỉ huy tiến theo hữu ngạn sông Hồng đến Đức Quân (Trấn Yên) ngày 5-5-1886; toán do đại úy Mi-bi-en chỉ huy đánh phủ Yên Bình rồi tiến đến Tuần Quán ngày 4-2-1886; toán do đại tá Mốt-si-ông chỉ huy theo tả ngạn sông Hồng đến Tuần Quán ngày 5-2-1886; toán cuối cùng do đại úy Bê-răng-giê chỉ huy đi giữa toán của Gô-đanh và Môt-si-ông đến Tuần Quán ngày 11-2-1886.
    Về quân ta:
    - Đề Kiều trấn giữ khu vực Hiền Lương.
    - Trần Đình Thành trấn giữ khu vực Vân Hội.
    - Hiệp Triệu trấn giữ khu vực Tuần Quán.
Các cánh quân này do Nguyễn Quang Bích chỉ huy chung.

3. Ông Nguyễn Quang Bích là Tổng đốc tỉnh Hưng Hóa. Hưng Hóa thời ấy bao gồm địa dư 5 tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu.
4. Lãnh binh Đổng Phúc Thịnh, người Dao xây dựng căn cứ từ Văn Chấn, chạy theo phía hữu ngạn sông Hồng đến Trái Hút; lãnh binh Đặng Tiến Lộc xây dựng căn cứ ở Tú Lệ.
5. Triệu Kiến Tiên chỉ huy tiến công đồn Lục Yên do lính khố đỏ đóng giữ, dưới sự chỉ huy của sĩ quan Pháp.
    - Lý Anh Chu chỉ huy đánh đồn Bảo Hà.
    - Lý Văn Minh chỉ huy đánh đồn Trái Hút và ga Ngòi Hóp.

6. Tên sĩ quan Pháp Mu-ranh, sau khi đi thị sát châu Lục Yên đã nói với công sứ Lào Cai Tua-rét: "Những người nhà quê ở địa phương vùng này đã không ngừng che chở cho nghĩa quân bằng sự im lặng của họ hay họ cung cấp cho ta những thông tin dối trá”. (Tài liệu lưu trữ tại Phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo tỉnh Yên Bái).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2017, 08:59:43 am »


Khi thực dân Pháp tiến hành khai thác, cướp bóc thuộc địa, đặc biệt là việc chúng cướp ruộng đất, lập đồn điền, nông dân các xã Mông Sơn, Ẩm Phước (phủ Yên Bình), Nga Quán, Cổ Phúc (phủ Trấn Yên) và ở nhiều nơi khác đã liên tiếp đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, cướp ruộng đất, làm cho thực dân Pháp rất lúng túng, lo sợ và bất ổn định.

Để thấy rõ hơn sự thống trị, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và tay sai đối với nhân dân các dân tộc Yên Bái, chúng ta nghiên cứu một số sự kiện sau đây:

Năm 1886, thực dân Pháp đánh chiếm Yên Bái, đến năm 1888, thành lập quân khu Yên Bái. Ngày 20 tháng 8 năm 1891, chúng thành lập các Đạo quan binh ở Bắc Kỳ. Đạo quan binh 3 Yên Bái gồm có ba tiểu quân khu: tiểu quân khu Yên Bái, tiểu quân khu Lào Cai và tiểu quân khu Tuyên Quang. Dưới tiểu quân khu có các đồn binh kiểm soát các khu vực trọng yếu. Năm 1896 Đạo quan binh 3 Yên Bái chuyển thành Đạo quan binh 4 Lào Cai, chỉ còn hai tiểu quân khu: tiểu quân khu Lào Cai và tiểu quân khu Yên Bái. Tư lệnh Đạo quan binh là sĩ quan quân sự nắm cả quân sự và dân sự; về quân sự chịu sự chỉ đạo trực tiếp của tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương; về dân sự quyền ngang thống sứ Bắc Kỳ1, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của toàn quyền Đông Dương (từ năm 1897 quyền của tư lệnh Đạo quan binh chỉ còn ngang quyền của công sứ, chịu sự chỉ đạo của thống sứ Bắc Kỳ).

Đứng đầu tỉnh Yên Bái là viên tuần phủ, nhưng thực quyền định đoạt mọi việc là tên công sứ Pháp. Công sứ nắm, kiểm soát bên dưới thông qua bọn quan lại tay sai, tầng lớp trên của xã hội là thổ hào phong kiến, phìa tạo, bằng cách nhả cho bọn này một số quyền lợi và dựa vào bọn mật thám, bọn đội lốt tôn giáo cùng với bọn võ quan Pháp là chủ các đồn điền. Hệ thống kiểm soát này rất phức tạp, thiên về đàn áp, những kẻ trong hệ thống có đặc quyền, đặc lợi rất lớn. Còn đối tượng của hệ thống là nhân dân không có chút quyền dân chủ nào.
___________________________________
1. Ngày 9-5-1889 thực dân Pháp lập ra chức thống sứ Bắc Kỳ, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của toàn quyền Đông Dương, có các quyền cai trị, quân sự, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, lập pháp, tư pháp và thông qua công sứ nắm các tỉnh.
    Cơ quan cai trị cấp tỉnh là Tòa sứ, do viên công sứ người Pháp đứng đầu. Về quan lại người Việt thì tỉnh lớn do tổng đốc đứng đầu, tỉnh nhỏ do tuần phủ đứng đầu, quan án sát coi việc hình (tư pháp), quan bố chính coi việc thuế, quan lãnh binh (tỉnh nhỏ) hoặc đề đốc (tỉnh lớn) coi việc binh.
    - Các phủ, huyện, châu do tri phủ (huyện, châu) đúng đầu dưới sự chỉ đạo trực tiếp của công sứ.
    Bộ máy hành chính cơ sở là xã; chánh, phó tổng là những viên chức trung gian trông coi, đôn đốc một vài xã; xã có hội đồng kỳ hào với một số chức dịch thừa hành, đứng đầu là lý trưởng.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2017, 09:01:15 am »


Chính sách cai trị của thực dân Pháp là chia để trị, giữa lương và giáo, nội bộ từng dân tộc với nhau, giữa người Kinh với các dân tộc anh em khác. Sau khởi nghĩa Giáp Dần (1913-1914) bọn chúng bắt người Tày đi đàn áp người Dao và xuyên tạc rằng người Dao nổi dậy giết người Tày lấy lúa, giết người Kinh lấy muối. Âm mưu của giặc là chia rẽ lực lượng, phá vỡ khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc để chúng dễ bề đàn áp, thống trị.

"Bình định" xong, thực dân Pháp chuyển sang khai thác thuộc địa theo chương trình của Pôn Đu-me và An-be Xa-rô. Ở Yên Bái, chúng thực hiện chính sách phản động, một mặt duy trì kinh tế phong kiến (sở hữu phong kiến, bóc lột địa tô, "cuông", "nguột"); mặt khác chúng vơ vét tài nguyên, sản phẩm, bóc lột nhân công rẻ mạt để phục vụ cho công nghiệp chính quốc và biến Yên Bái thành nơi tiêu thụ hàng hóa cho Pháp. Năm 1928, Tòa sứ Yên Bái nhận 193 đơn xin khai thác mỏ, 285 đơn xin khai thác lâm sản, gần 100 nhà tư sản, võ quan, địa chủ Pháp xin mở đồn điền.

Để phục vụ chương trình khai thác thuộc địa, thực dân Pháp thực hiện chính sách thuế khóa hết sức nặng nề, dã man. Thuế đinh (hay thuế thân), trước khi Pháp xâm lược, nhà Nguyễn thu mỗi suất đinh 1,4 hào, thì ngay khi Pháp chiếm Yên Bái đã nâng lên 5 hào. Ở vùng dân tộc ít người, chúng dùng cách đánh thuế "kiếm ốc" tính theo số nóc nhà, mỗi nhà phải nộp từ 2 - 3,5 đồng (mức thuế năm 1943-1944). Dã man hơn, chúng còn bắt cả người tàn tật, mất trí cũng phải nộp mỗi suất 1,3 đồng (2,5 đồng bằng một tạ gạo ngon). Ngoài ra, còn hàng trăm khoản phụ thu, lạm bổ đánh vào người lao động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2017, 09:02:34 am »


Kinh tế Yên Bái vốn lạc hậu, tự cấp, tự túc, vùng cao hoàn toàn du canh du cư. Từ khi thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa, chúng hướng vào vơ vét, bóc lột cho chính quốc, về công nghiệp, thực dân Pháp chỉ chú trọng khai thác những khoáng sản (than, chì) và lâm sản (gỗ, chè, quế). Một số mỏ lớn mà thực dân Pháp khai thác như các mỏ than Minh Tiên, Quy Mông, mỏ phân Minh Bảo, mỏ bạc Tú Lệ, kỹ thuật khai thác rất thô sơ, lạc hậu, chủ yếu dựa vào sức người. Ở thị xã Yên Bái chúng làm trạm phát điện vào năm 1925, phục vụ bọn Pháp và chính quyền tay sai. Về nông nghiệp, sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), thực dân Pháp bắt đầu thi hành chính sách di dân doanh điền. Chủ đồn điền ngoài bọn Pháp, còn có bọn mật thám, một số quan lại, tư sản người Việt và địa chủ Nhà Chung. Tình cảnh người nông dân Yên Bái bị mất đất, một số phải đi làm thuê rất cực khổ. Mấy chục năm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nông nghiệp Yên Bái không có thay đổi gì đáng kể, phương pháp canh tác rất lạc hậu, năng suất thấp, độc canh cây lúa. Về thương nghiệp, Pháp nắm độc quyền ngoại thương và một phần nội thương, thu mua nông, lâm sản với giá rẻ mạt, độc quyền phân phối muối, bán ép rượu. Ở các trung tâm buôn bán như thị xã Yên Bái, chợ Ngọc (phủ Yên Bình), chợ Vân Hội hình thành tầng lớp tiểu thương khá đông đảo, nhưng chủ yếu chuyển sang làm trung gian mua bán cho các chủ Pháp. Về văn hóa, xã hội, thực dân Pháp ra sức thực hiện chính sách ngu dân; duy trì, khuyến khích các phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, nhất là ở vùng các dân tộc thiểu số. Cả tỉnh chỉ có vài trường tiểu học (cao nhất là lớp 3). Các trường này không phải dành cho con em nhân dân lao động mà nhằm đào tạo đội ngũ tay sai Pháp, vì thế đa số học sinh là con em quan lại, địa chủ, thổ hào. Chúng ra sức đầu độc thanh thiếu niên bằng sách báo phản động, lãng mạn, bằng các tệ nạn xã hội (cờ bạc, rượu) hòng làm cho tuổi trẻ trụy lạc quên Tổ quốc. Thực dân Pháp không hề chú ý đến tình hình sức khỏe nhân dân. Cả tỉnh chỉ có một nhà thương ở thị xã với vài y sĩ, hộ lý, trang bị và thuốc nghèo nàn. Bệnh sốt rét, nạn dịch tả, bệnh đậu mùa diễn ra thường xuyên; nạn hữu sinh vô dưỡng khá phổ biến, tuổi thọ người dân thấp, một số dân tộc ít người không phát triển được. Trưởng động Dao Sơn Tử viết cho chánh tổng Lương Sơn (châu Lục Yên): "Dân Mán chúng con bẩm thầy chánh là dân chúng con chết đậu gần hết rồi. Nhà nào còn người sống bỏ chạy đi nơi khác cả... Thuế năm nay thầy chánh đừng bổ nữa"1.

*
*   *

Về thị xã Yên Bái (hiện nay là thành phố Yên Bái thuộc tỉnh Yên Bái), cùng với việc thành lập tỉnh Yên Bái, thị xã Yên Bái cũng được hình thành vào năm 1900 tại chân đồn cao (khu vực quân sự của bọn thực dân Pháp) với diện tích chưa đầy 2 kilômét vuông. Thị xã lúc đầu chỉ là một phố của phủ Trấn Yên, rồi dần dần lập thành 4 khu phố nhỏ: Hội Bình, Yên Lạc, Yên Thái, Yên Hòa (thuộc phường Hồng Hà ngày nay).

Cuối thời kỳ nhà Nguyễn, thị xã Yên Bái là một làng, thường gọi là làng Yên Bái, thuộc tổng Bách Lẫm, phủ Quy Hóa (về sau là phủ Trấn Yên) tỉnh Hưng Hóa.

Sau khi chiếm được Yên Bái, quân Pháp đã tiến hành xây dựng khu vực quân sự đồn Cao (còn gọi là đồn Gióp: do tên quan ba công binh Gióp-phơ chỉ huy xây dựng) rồi mới chuyển quân tới đồn Cao khi đã hoàn thành. Những năm chiếm đóng, giặc Pháp phải liên tiếp đối phó với các cuộc chiến tranh yêu nước của quân dân ta trên dải đất nóng bỏng này và các vùng lân cận. Đó là các cuộc khởi nghĩa của Tổng đốc Nguyễn Quang Bích và Bố chánh Nguyễn Văn Giáp (1885-1888), cuộc chiến đấu của đồng bào Dao, Tày ở các châu phủ trong phong trào năm Giáp Dần (1913-1914) dưới sự chỉ huy của các thủ lĩnh Triệu Tài Lộc, Triệu Kiến Tiên. Tiếp sau đó là một sự kiện chấn động cả nước và làm cho bọn thống trị Pháp phải hoảng hốt, lo sợ là sự bùng nổ cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam quốc dân đảng năm 1930.
______________________________
1. Tài liệu lưu trữ tại Phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Ba, 2017, 11:27:25 am gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2017, 04:12:58 pm »


Câu hỏi 9: Hãy trình bày diễn biến cuộc khởi nghĩa tại Yên Bái vào đêm ngày 9 rạng ngày 10 tháng 2 năm 1930?
Trả lời:


Để nắm được diễn biến cuộc khởi nghĩa của Việt Nam quốc dân đảng tại Yên Bái, trước hết chúng ta hãy tìm hiểu đôi nét về vị trí quân sự của Pháp tại đây và lực lượng của quân khởi nghĩa.

Vào thời kỳ này, Yên Bái là một trong những vị trí quân sự quan trọng của quân Pháp, tuy lực lượng của chúng ở đây không được hùng hậu như ở Sơn Tây và Phả Lại. Ngoài lính khố xanh ra, Pháp có hai cơ lính khố đỏ thứ 5 và thứ 6 đóng ở đồn dưới và hai cơ thứ 7, thứ 8 đóng ở đồn Cao1. Tất cả có khoảng gần 600 lính và một số sĩ quan Pháp do tên trung tá Pháp là Ta-công chỉ huy.

Sau cuộc thao diễn của quân Pháp tại Sơn Tây, một số binh lính người Việt tại Yên Bái dự cuộc thao diễn này đã chịu ảnh hưởng tuyên truyền của những đảng viên Việt Nam quốc dân đảng trong quân đội Pháp ở Sơn Tây. Sau đó quốc dân đảng đã đặc phái một cán bộ phụ nữ là chị Nguyễn Thị Bắc2 đến công tác và lập được một chi bộ do ông Quản Cầm làm đại biểu và mấy người hăng hái trong quân đội như các ông Đội Trinh, Cai Hoàng, Cai Thuyết... tham gia. Chị Nguyễn Thị Bắc đóng giả làm vợ hai của Cai Thuyết đến thăm chồng ở trại con gái (khu nhà ở của vợ con lính khố đỏ), lọt được vào đồn binh, bắt liên lạc với cơ sở đảng ở cơ thứ 5 và 6, thống nhất kế hoạch khởi nghĩa. Tuy vậy số người trong chi bộ cũng không có bao nhiêu. Ngoài một số người trong lính khố đỏ ra, đảng cách mạng không phát triển được sang đám lính khố xanh trong tỉnh. Có chăng chỉ được một lời hứa hẹn không đảm bảo là: bao giờ bên khố đỏ nổi dậy, khố xanh sẽ hưởng ứng theo.

Tại miền lân cận tỉnh lỵ Yên Bái bấy giờ, Việt Nam quốc dân đảng cũng không có một tổ chức nào trong dân chúng. Vì vậy theo dự định khi nào khởi sự, chi bộ làng Xuân Lũng (Phú Thọ) sẽ phải hợp sức với chi bộ nhà binh tại Yên Bái.
______________________________
1. Đồn đóng trên đồi cao, mé sông Hồng.
2. Nguyễn Thị Bắc là chị gái Nguyễn Thị Giang, vợ chưa cưới (có tài liệu nói là vừa đính hôn) của ông Nguyễn Thái Học, hai chị em Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị Giang đến hoạt động trong tổ chức Việt Nam quốc dân đảng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2017, 04:14:02 pm »


1. Nhật kỳ khởi nghĩa:

Như kế hoạch tổng công kích đã định, nhật kỳ khởi nghĩa tại các nơi phải được nhất trí. Tuy vậy hai khu vực do ông Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu phụ trách, công cuộc chuẩn bị không đều nhau, lại thêm những trở ngại xảy đến bất thường, vì vậy nhật kỳ khởi nghĩa phải hoãn đi hoãn lại mấy lần, mà mỗi ngày hoãn lại thì những khó khăn mới lại xảy ra. Sau cùng, ngày ước hẹn là ngày 9 tháng 2 năm 1930. Nhưng gần tới ngày khởi nghĩa đã định, ông Nguyễn Thái Học lại đưa giấy lên ông Nguyễn Khắc Nhu để xin hoãn lại một lần nữa là ngày 15 tháng 2 năm 1930. Nhưng người cầm giấy bị bắt nửa đường nên nhật kỳ khởi nghĩa đôi bên đã sai khác. Về phần ông Nguyễn Khắc Nhu, vì không nhận được tin hoãn của ông Nguyễn Thái Học cứ theo ước cũ, hạ lệnh cho mấy tỉnh miền trên khởi sự vào ngày 9 tháng 2 năm 1930.


2. Hội đền Tuần Quán với phương tiện khởi nghĩa

Trước ngày khởi nghĩa, tại Yên Bái xảy ra một việc bất thường: ông Quản Cầm, người lĩnh trách nhiệm đánh Yên Bái bị thổ huyết phải đem về điều trị tại bệnh viện Hà Nội1. Liền đó ông Nguyễn Khắc Nhu cử hai người không ở trong hàng ngũ nhà binh là ông Trần Văn Liên và Nguyễn Văn Khôi tức Thanh Giang phụ trách chỉ huy cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Hai người này không hiểu gì về quân sự cũng không phải cán bộ binh vận, nên không có hiệu quả.

Tết Nguyên đán năm ấy, sắp đến ngày khởi nghĩa, đền Tuần Quán gần tỉnh lỵ Yên Bái đã mở hội linh đình. Những người ở các miền lân cận đến lễ bái, xem hội khá đông. Chiều hôm ngày 9 tháng 2, nghĩa là trước giờ khởi sự, trên các chuyến xe lửa Phú Thọ - Yên Bái người ta thấy đổ xuống sân ga Yên Bái tấp nập những người trẩy hội. Trong đó một số đông là những đảng viên Việt Nam quốc dân đảng từ Xuân Lũng tới do Bùi Tư Toàn lãnh đạo. Họ mang theo những khí giới giấu trong hành lý và những gánh bom trên phủ những quà bánh. Do đó họ đã "bịt" được những con mắt rình mò của bọn mật thám Pháp. Tại đền Tuần Quán, những binh lính trong giờ nghỉ ra coi hội cũng đông và do đó tiếp họp dễ dàng với những đảng viên bí mật để mưu tính công việc.

Về phần thực dân Pháp ở đây cũng như ở các nơi khác, đã nhận được chỉ thị là phải đề phòng rất ngặt một cuộc bạo động có thể xảy ra, nhất là sau khi nhật kỳ khởi nghĩa của Việt Nam quốc dân đảng bị tiết lộ, chúng càng đề phòng một cuộc bạo động sẽ nổ ra trong dịp Tết âm lịch. Những trại lính Yên Bái bao phủ một bầu không khí nghiêm trọng. Tên trung tá Ta-công luôn luôn đi tuần. Chiều hôm ấy, y thấy mấy người nói chuyện với nhau đã sinh nghi và bắn súng thị oai. Tuy vậy việc phải xảy đến cứ đến.
_______________________________
1. Có người nói ông Quản Cầm ốm thực. Có người nói ông giả ốm đế trốn trách nhiệm. Chỉ biết rằng: sau khi nghe tin cuộc khởi nghĩa thất bại, ông Cầm đã uất ức thổ huyết mà chết tại nhà thương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2017, 04:16:02 pm »


3. Hội nghị đồi Sơn với kế hoạch khởi nghĩa

Chiều tối ngày 9 tháng 2, trước giờ khởi sự có một cuộc hội nghị tại đồi Sơn1 bên tỉnh lỵ Yên Bái. Người đến dự hội nghị khoảng 40 người gồm có binh lính và thường dân. Một người có mặt trong cuộc hội nghị này thuật chuyện lại rằng: không khí hội nghị lúc đó cũng không có gì phấn khởi lắm. Có người đã đề ra việc hoãn ngày khởi nghĩa. Tức thì một người khác rút súng lục ra bắn chỉ thiên và cảnh cáo: ai giật lùi sẽ bị giết ngay. Sau một hồi thảo luận, hội nghị đã đi đến chỗ đồng ý về kế hoạch khởi sự.

Điều cần phải làm rất nhanh chóng và gấp rút bấy giờ là lập kế hoạch giết cho được bọn sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp ở mỗi nhà riêng rồi sẽ chiếm trại lính, tuyên bố khởi nghĩa.

Đêm hôm đó một số nghĩa quân đã lọt vào trại lính từ khi có hiệu kèn tắt đèn, anh em lính khố đỏ tham gia nghĩa quân bảo vệ chu đáo.

Giờ khởi sự vào khoảng một giờ đêm, nghĩa quân chia làm ba toán. Toán thứ nhất phối hợp với số lính khố đỏ chiếm trại lính lớn ở đồn dưới có hai cơ lính thứ 5 và thứ 6 đóng. Toán này có nhiệm vụ giết bọn sĩ quan tại buồng riêng của chúng và chiếm kho vũ khí.

Toán thứ hai cũng gồm nghĩa quân và một số lính khố đỏ đánh lên đồn cao có hai cơ lính thứ 7 và thứ 8 đóng. Toán này cũng tiến hành giết sĩ quan Pháp trước rồi sau chiếm trại.

Toán thứ ba đánh thẳng vào một số nhà của bọn sĩ quan ở giữa hai trại lính.

Những nghĩa quân có trách nhiệm đi giết bọn sĩ quan mang theo dao găm, súng lục và bom tìm đến nhà mỗi sĩ quan và hạ sĩ quan. Trong khi chúng đang ngủ, nghĩa quân đến gõ cửa nói là có mật lệnh của trung tá Ta-công, rồi thừa lúc bất ngờ hạ thủ liền tại chỗ. Sau vài phút vật lộn ở khu nhà sĩ quan giữa hai trại lính, tên quan ba Gióc-đan, tên quan một Rô-bớt chết ngay tại chỗ. Tên quan ba Gai-ra và quan một Rơn bị thương nặng.

Ở đồn cao, nghĩa quân giết ngay tên quản Quy-nê-ô và bóp cổ chết tên đội Sơ-va-li-ê.

Ở đồn dưới, tên sĩ quan Đa-mua bị giết, tên Bu-hi-ê bị 14 nhát dao đâm và 4 phát đạn chết ngay. Còn hai tên Rơ-nô-dê và Rô-lăng bị thương nặng. Đồng thời 6 lính khố đỏ chống cự lại cũng bị giết. Duy có một hạ sĩ quan da đen, trong cuộc vật lộn dữ dội đã lần lượt giết chết cả hai nghĩa quân và thoát chết.

Nhưng thất vọng lớn là quân khởi nghĩa chưa giết được tên trung tá Ta-công. Người được ủy thác giết tên này là một người lính hàng ngày vẫn làm bồi cho nó. Hôm ấy Ta-công ở trên đồn cao thấy tiếng súng nổ liền nạp đạn vào súng rồi thủ thế trong một chiếc hầm trú ẩn để nghe ngóng tình hình. Người nghĩa quân phụ trách trở về đồn mấy lần kiếm cớ để lại gần tên này đều không được. Sau cùng phải rút lui.

Ở đồn dưới, sau khi giết hết bọn sĩ quan Pháp, đại biểu Việt Nam quốc dân đảng đọc bài hịch khởi nghĩa, tận cùng bằng mấy khẩu hiệu:

      "Đuổi giặc Pháp về nước Pháp!
      Đem nước Nam trả người Nam!
      Cho trăm họ khỏi lầm than
      Được thêm phần hạnh phúc!".


Đồng thời nghĩa quân đi chiếm đóng nhà ga, các cơ quan trong tỉnh và diễn thuyết cho nhân dân hàng phố hưởng ứng cuộc khởi nghĩa. Lá cờ nửa đỏ, nửa vàng đã được treo cao trên một vài dinh thự ở Yên Bái.
_________________________________
1. Đồi trồng cây sơn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM