Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:37:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Bái  (Đọc 27276 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2017, 06:35:30 pm »


Về quan hệ với các đảng phái khác, giữa năm 1928, Việt Nam quốc dân đảng phái đại biểu là Hồ Văn Mịch, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Văn Tiềm tìm đến mấy đảng phái để đề nghị thống nhất. Đoàn đại biểu đã vào Nam Kỳ tiếp xúc với nhóm Nguyễn An Ninh1, với ông Nguyễn Đình Kiên - lãnh tụ Đảng Tân Việt ở đây và sang Xiêm định gặp các lãnh tụ trung ương Đảng Việt Nam Thanh niên cách mạng. Chuyến đi này không có kết quả cụ thể, vì những người phụ trách các đảng phái kể trên mới hứa hẹn chuyển lời đề nghị lên thượng cấp quyết định. Sau đó, đề nghị này cũng không thấy được chính thức đem thảo luận giữa các đảng phái bấy giờ.

Đối với những nhóm hay những nhà cách mạng Việt Nam còn sót lại ở Trung Quốc sau khi cụ Phan Bội Châu bị bắt về nước, Việt Nam quốc dân đảng cũng không có liên lạc gì. Có chăng, đại biểu Việt Nam quốc dân đảng chỉ giao thiệp được với mấy thổ phỉ Phi Long, Phi Hổ ở biên giới, họ cũng hứa hẹn giúp cho cách mạng Việt Nam.

Đến cuối năm 1928, vì thấy bản chương trình điều lệ đầu tiên còn sơ sài quá và theo đề nghị "chính đảng cương, minh đảng nghĩa"2 của ông Nguyễn Khắc Nhu, Tổng bộ Việt Nam quốc dân đảng đã dự thảo một bản chương trình điều lệ thứ hai. Bản này dài và kỹ hơn trước nhiều, trong đó có vạch ra chương trình kiến thiết quốc gia sau khi độc lập, nói rõ là theo chế độ "dân chủ trực tiếp" như nước Thụy Sĩ. Và chủ nghĩa của đảng gọi là chủ nghĩa xã hội dân chủ3.

Bản chương trình điều lệ này mới được trung ương thông qua còn phải gửi đi thảo luận tại các chi bộ để có một quyết định cuối cùng thì cuộc khủng bố lần thứ nhất xảy ra, nó phải xếp lại và không được đả động tới nữa.
_________________________________
1. Nhóm này không thành một chính đảng rõ rệt, lãnh tụ của nó là Nguyễn An Ninh. Sau khi ở tù ra, năm 1927, ông có ý làm một bản thỉnh nguyện gửi cho chính phủ Pháp quốc, trong đó có lấy nhiều chữ ký của nhân dân, đòi chính phủ Pháp thi hành những tự do dân chủ ở Việt Nam. Bản thỉnh nguyện này mới ở trong khuôn khổ cải lương và việc lấy chữ ký còn đang tiến hành. Giữa lúc ấy phong trào tổ chức bí mật tràn đến Nam Kỳ, ông liền tìm cách đưa dẫn những người ký tên trong bản thỉnh nguyện kia vào một tổ chức bí mật. Phạm vi tổ chức mới ở trong địa hạt Gia Định nhất là mấy làng Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hòa, Bà Quẹo, Quán Tre, Trung Chánh, v.v... là quê hương của ông. Những người gia nhập cũng phần nhiều là hội viên Thiên địa hội từ trước. Nhóm Nguyễn An Ninh không giống với tác phong những chính đảng cùng thời như Tân Việt, Thanh niên cách mạng hay Việt Nam quốc dân đảng. Có người gọi nó là đảng "Cao vọng", nhưng không đúng, vì "Thanh niên cao vọng" là tên một quyển sách của Nguyễn An Ninh xuất bản hồi ấy, chứ không phải tên đảng. Vì muốn giữ được bí mật tuyệt đối, Nguyễn An Ninh không muốn có một tên gọi cụ thể, sợ dễ bị tiết lộ, nên người ngoài chỉ quen gọi là "đảng ông Ninh". Trong khi tổ chức này đương thành lập thì Nguyễn An Ninh bị bắt rồi nhóm này cũng tan.
2. Theo nguyên văn: Nghĩa là làm chính đảng cương lại và làm rõ đảng nghĩa ra.
3. Sau mấy chữ "chủ nghĩa xã hội dân chủ" còn chứa thêm chữ Pháp "sociale démocratie" và nói rõ là không phải chủ nghĩa xã hội dân chủ của Đảng Xã hội Đức.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2017, 06:37:37 pm »


Một cái "đinh" của Việt Nam quốc dân đảng đã làm cho nhiều người phải chú ý bấy giờ là nhà hàng Việt Nam tại phố Hàng Bông, Hà Nội. Nhà hàng này vừa là cơ quan sinh lời, vừa là cơ quan liên lạc và hội họp của đảng. Hàng ngày, một lá cờ vàng1 được treo ở cửa. Trong nhà hàng lúc nào cũng tấp nập những khách bốn phương cùng những thanh niên, sinh viên, nhà văn, nhà báo mà bọn chó săn Pháp đã quen mặt. Như vậy từ bề ngoài nhìn vào, nó đã tự quảng cáo là một cơ quan công khai của một đảng cách mạng mặc dầu bí mật. Và người ta không lấy làm lạ là bọn mật thám Pháp đã dò biết một cách tường tận để chờ ngày hạ thủ.

Vì thành phần phức tạp, hành động tùy tiện, Việt Nam quốc dân đảng đã để cho bọn gián điệp Pháp chui vào đảng không ít. Một trong những tên tay sai đắc lực của chúng là Bùi Tiến Mai, một đảng viên ở Thái Bình. Mai trước kia làm thừa lại, sau gia nhập Quốc dân đảng. Do thủ đoạn gian xảo Mai đã mua được lòng tín nhiệm của các "đồng chí" địa phương để đi sâu vào đảng. Có lần Mai đã thay mặt vị đại biểu Thái Bình là Đặng Đình Điển, đi dự cuộc hội nghị quan trọng của tổng bộ, do đó càng biết được nhiều điều bí mật của đảng để báo cáo với giặc Pháp. Thực ra, những thám tử của Pháp ở trong Quốc dân đảng lúc bấy giờ chẳng riêng gì Bùi Tiến Mai mà còn nhiều kẻ khác ở nhiều cơ quan. Có đứa nguyên là mật thám từ trước rồi tìm cách chui vào đảng. Có đứa sau khi vào đảng rồi mới bị mua chuộc để làm mật thám. Bằng những báo cáo thường xuyên và chi tiết, bọn chức trách Pháp chẳng những theo dõi được từng hành động của Quốc dân đảng, mà còn biết được cả những địa chỉ bí mật, biên bản các cuộc hội nghị, cho đến cả nội tình của đảng2. Tuy vậy, theo thủ đoạn "nuôi cho béo" của mật thám Pháp, chúng cứ để cho cái tổ chức cách mạng đã nắm chắc ở trong tay chúng được tự do phát triển để tìm cho ra nguồn gốc, để thu hút được những người ái quốc vào cạm bẫy rồi cho đến giờ cuối cùng chúng sẽ làm một mẻ "lưới quét" trên trường cách mạng Việt Nam.

Trong lúc Việt Nam quốc dân đảng đã bị lộn sòng vào những kẻ phản động, phản cách mạng, mật thám tay sai cho giặc thì nội bộ của đảng cũng chia rẽ.

Trước đó lãnh tụ đảng đã chia ra hai phái. Một phái mà hai ông Nguyễn Khắc Nhu và Nguyễn Thái Học là tiêu biểu gồm có những người đứng tuổi, trung thành, nhưng tư tưởng và hành động đều theo nền nếp cũ. Một phái mà Nguyễn Thế Nghiệp làm tiêu biểu gồm một số thanh niên trí thức tiểu tư sản, làm việc có thủ đoạn, nhưng không được đa số tín nhiệm. Phái dưới thường cho phái trên là già nua bất tài. Trái lại phái trên thường bảo phái dưới là bất trắc. Hố chia rẽ giữa đôi bên càng ngày càng sâu rộng. Cuối năm 1928, nhiệm kỳ những ủy viên tổng bộ khóa thứ nhất đã hết, đảng có cuộc bầu cử lại những đại biểu lên các cấp bộ. Lần này bọn Nguyễn Thế Nghiệp liền bị truất ra khỏi tổng bộ. Họ liền đề nghị cải tổ lại bộ máy trung ương. Theo đề nghị của họ từ nay trung ương không chỉ là một cơ quan duy nhất như trước mà chia làm hai ban: Lập pháp và Hành chính. Ban Tư pháp gồm có những đại biểu từ dưới bầu lên. Ban Hành chính có thể lựa những người có tài năng bổ nhiệm. Kết quả là ông Nguyễn Khắc Nhu làm Trưởng ban Tư pháp còn Nguyễn Thế Nghiệp và bè lũ tự ứng nhiệm vào Ban Hành chính. Từ đó sự mâu thuẫn giữa hai phe lập pháp và hành chính càng ngày càng gắt gao, đã đến lúc phải đối phó với nhau một cách quyết liệt. Bọn Nguyễn Thế Nghiệp một mặt bí mật tổ chức ra một đảng khác ở trong Việt Nam quốc dân đảng, một mặt thông đồng với mật thám Pháp định mượn tay chúng để trừ tiệt phái đối lập3. Dò biết mưu gian, phái ông Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu cũng bí mật tìm cách trừ mau bọn phản bội và giao cho Ban Ám sát thi hành.
__________________________________
1. Cho đến lúc ấy Việt Nam quốc dân đảng vẫn chưa có đảng kỳ. Và trước ngày bạo động Yên Bái, đảng mới chọn lá cờ nửa đỏ, nửa vàng làm đảng kỳ.
2. Những điều này người ta biết được sau khi đảng đã bị vỡ lở và một số đông đảng viên đã bị bắt.
3. Sau cuộc Cách mạng tháng Tám, người ta tìm thấy trong tập tài liệu bí mật của sở mật thám Pháp tại Hà Nội có những bằng chứng chứng tỏ tên Nguyễn Thế Nghiệp đã làm gián điệp cho Pháp từ lâu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2017, 06:38:21 pm »


Giữa làn không khí nghiêm trọng, người ta đương chờ một cuộc sát phạt xảy ra ở trong nội bộ thì vừa lúc vụ ám sát Ba-danh xảy ra, thực dân liền hạ lệnh bắt cho nhanh những đảng viên Quốc dân đảng và do đó cơ sự lại xoay ra một chiều khác.

Trong cuộc khai thác nguyên liệu của thực dân Pháp ở Đông Dương, việc trồng cây cao su là một nguồn lợi lớn của chúng. Tại miền đất đỏ Nam Kỳ như Long Thành, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh sang đến Kông-pông-thơm, Kông-pông-chàm trên địa hạt Cao Miên (Campuchia) đều đầy rẫy những vườn cao su của chúng. Những nhân công làm tại các đồn điền cao su hầu hết đều do chúng mộ ở Trung - Bắc Kỳ đem vào. Chúng lập ra những sở mộ phu và phái người về các thôn quê chiêu mộ những bần cố nông đi làm cho chúng. Những phu mộ đều phải ký giấy hợp đồng trong một kỳ hạn là 3 năm với những lời hứa phỉnh phờ. Nhưng sau khi đã xuống tàu rồi, những người phu ấy chỉ còn là những con vật không hơn không kém. Chế độ lao động tại các đồn điền cao su là một hình thức dã man nhất trong việc bóc lột nhân công ở thuộc địa. Hàng ngày, người phu phải làm việc 11, 12 giờ với giá tiền công chết đói. Ốm đau không bảo đảm. Hình phạt rất tàn khốc. Chủ sở và bọn tay sai của chúng là bọn cai, sếp có quyền đánh chết người vô tội vạ trong địa hạt của chúng. Vì vậy số người được thoát chết trở về so với số phu mộ hàng năm đem đi không quá ba, bốn phần trăm. Những đồn điền lớn như Phú Riềng, Giồng Tiếng, Phước Hòa, Hớn Quản, Bến Súc, Chúp, v.v... tại Nam Kỳ và Cao Miên đều đã được bón tưới bằng xác và mồ hôi của đám phu mộ để bọn tư bản đất đai Pháp ở Đông Dương hàng năm cung cấp cao su cho mấy hãng Rơ-nôn, Xi-tơ-rôn (Renault, Citroen) ở bên chính quốc thu được một mối lời rất lớn.

Mặc dầu thực dân Pháp hết sức bưng bít nhưng chế độ giết người tại vườn cao su của chúng đã được tố cáo trên một vài tờ báo đối lập (Journal d'opposition) bằng chữ Pháp xuất bản tại Sài Gòn và bên Pháp. Hơn nữa cái thực trạng của những lớp người phu mộ đi không trở về đã gây một dư luận khủng khiếp trong dân gian. Trước hiện tượng ấy, những đảng cách mạng trong nước nhất định phải can thiệp vào bằng cách này hay bằng cách khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2017, 06:38:40 pm »


Cuối năm 1928, những truyền đơn phản đối việc mộ phu cao su do Đảng Việt Nam thanh niên cách mạng phát ra rất nhiều, về phần Việt Nam quốc dân đảng, với tính chất và phương pháp hành động của nó, người ta không thỏa mãn những hình thức tranh đấu kể trên, mà cần có một cái gì kịch liệt hơn. Thế rồi vào khoảng 7 giờ tối hôm 30 Tết năm Kỷ Tỵ (9-2-1929) tên chủ chuyên việc mộ phu cao su ở Trung, Bắc Kỳ là Ba-danh đi xe hơi vừa đến cổng nhà riêng của nó ở số 110 phố Huế, Hà Nội thì trong hai người thanh niên chờ sẵn ở ngõ, một người cầm mảnh giấy đưa cho Ba-danh còn một người cầm súng lục bắn chết nó ngay tại chỗ. Hai người thanh niên này chính là đảng viên Việt Nam quốc dân đảng. Mảnh giấy kia chính là bản tuyên án tử hình tên lái buôn người đó.

Như trên chúng ta đã biết, trong vòng phong tỏa và lung lạc của bọn mật thám Pháp, Việt Nam quốc dân đảng chỉ còn chờ ngày hạ thủ cuối cùng của chúng. Việc giết tên chủ mộ phu Ba-danh đã làm kinh động giới thực dân trong việc bóc lột nhân công thuộc địa, nhất là bọn mật thám Pháp thấy không thể kéo dài cái chính sách "nuôi" được nữa mà phải mau tay đàn áp ngay.

Đầu tháng 2 năm 1929, một cuộc khám xét bắt người diễn ra khắp mấy đô thị lớn và các tỉnh Bắc Kỳ cùng phía Bắc Trung Kỳ. Những ủy viên trong đảng bộ trung ương, trừ hai ông Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu, cho đến những cán bộ phụ trách tại các cơ quan, các địa phương đều sa vào lưới giặc. Có cấp bộ bị bắt không còn sót một người nào. Nhiều nhất là những binh lính trong hàng ngũ Pháp ở Hải Phòng và Hà Nội. Cuộc càn quét ác liệt này đã làm cho hệ thống Việt Nam quốc dân đảng bị đứt đoạn rất mau. Ấy là chưa kể những tài liệu bí mật đều nằm trong những tập hồ sơ dày của sở mật thám. Toàn quyền Pháp là Pát-ki-ê ra nghị định lập một hội đồng đề hình do tên Bờ-rít làm chủ tịch để xét xử những đảng viên Việt Nam quốc dân đảng. Ngày 3 tháng 7 năm 1929, hội đồng đề hình xử 80 án tù, từ 2 năm đến 20 năm, trong đó có Nguyễn Thái Học và 6 người nữa bị xử vắng mặt.

Tháng 8 năm ấy, đảng bộ Việt Nam quốc dân đảng tại Nam Kỳ bị khám phá cùng với chi bộ lính khố đỏ ở Biên Hòa.

Đến đây cơ sở Việt Nam quốc dân đảng từ Nam chí Bắc bị "trốc gốc" hầu hết và cũng do đó đảng chuyển sang một giai đoạn khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 01:06:03 pm »


Câu hỏi 5: Hãy cho biết động cơ nổ ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái?
Trả lời:


Theo chương trình hoạt động của Việt Nam quốc dân đảng thảo ra lúc đầu là phải trải qua hai thời kỳ phôi thai tức thời kỳ bí mật, dự bị tức thời kỳ bán công khai, rồi mới tiến tới thời kỳ khởi nghĩa. Cuối năm 1928, sau khi đảng mới thành lập được hơn một năm, cơ sở của đảng còn chưa vững chắc, tổng bộ chính thức do Hội nghị đại biểu toàn quốc cử ra chưa có. Kỳ bộ Bắc Kỳ vẫn phải quyền tổng bộ và làm nhiệm vụ của tổng bộ. Các đoàn thể quần chúng ở xung quanh đảng như công đoàn, học sinh đoàn, phụ nữ đoàn, thanh niên đoàn mới lác đác thành lập ở một vài nơi. Như vậy, đảng chưa qua thời kỳ thứ nhất là thời kỳ phôi thai thì làm sao đã có thể đốt cháy giai đoạn để mưu đồ một cuộc khởi nghĩa.

Vậy động cơ nào đã dẫn đến việc nổ ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái?

Từ đầu tháng 2 năm 1929, nhân vụ ám sát Ba-danh, thực dân Pháp ra sức truy lùng, bắt bớ những người yêu nước và phá vỡ hàng loạt các cơ sở cách mạng của Việt Nam quốc dân đảng ở Hà Nội và các tỉnh. Số phận của Việt Nam quốc dân đảng đang mấp mé bên bờ vực thẳm.

Trước tình thế nguy cấp, những người lãnh đạo tổng bộ cho rằng không thể ngồi yên chịu chết, mà phải đứng lên sống mái với quân thù. Tiêu biểu cho ý chí này là hai lãnh tụ Việt Nam quốc dân đảng là Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu.

Sau cuộc vây ráp của thực dân Pháp ở các đô thị lớn, các tỉnh Bắc Kỳ và phía Bắc Trung Kỳ, những ủy viên trong đảng bộ trung ương, trừ hai ông Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu, cho đến những cán bộ ở các cơ quan, các địa phương đều bị bắt. Việc thoát lưới của hai nhà lãnh đạo Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu càng củng cố thêm động cơ bạo động của các ông.

Đối với Nguyễn Khắc Nhu, ông là một nhà yêu nước có xu hướng vũ trang, giàu tính bạo động. Ông là chủ mưu trong cuộc âm mưu bạo động ở Bắc Ninh năm 1927. Còn Nguyễn Thái Học, đối với chương trình ba thời kỳ của Việt Nam quốc dân đảng, ông vẫn ngỏ ý với một số đồng chí là quá dài, quá lâu, ra ngoài sự "chịu đựng" của ông.

Do bối cảnh như trên đã nói, hai ông quan niệm rằng: Nếu cứ ngồi yên để cho quân giặc bắt được rồi cho vào nhà tù hay lên máy chém kết liễu một đời hoạt động thì chi bằng nhân lúc còn được tự do ở ngoài, dốc hết lực lượng còn lại để đánh một trận cuối cùng, may thì thành công; nếu không cũng thành nhân với khẩu hiệu là "không thành công cũng thành nhân".

Ý chí đã quyết, hai nhà lãnh đạo quyết tâm tổ chức khởi nghĩa.

Bên cạnh đó, Việt Nam quốc dân đảng từ trước đã tổ chức được nhiều chi bộ trong hàng ngũ binh lính Pháp, nhất là lính khố đỏ và pháo binh. Đối với những người này, chế độ binh lính bản xứ dưới thời Pháp thuộc đã áp bức họ đến cực điểm. Vì vậy, nỗi uất ức và tinh thần vùng dậy của họ rất mạnh chỉ chờ dịp là bùng nổ. Khi Quốc dân đảng vỡ lở, một số đông binh lính đã bị bắt, nhưng vẫn còn lại một số khá nhiều. Có người đã trốn đi. Có người vẫn tại ngũ. Trước những cuộc bắt bớ dồn dập của giặc Pháp, ai cũng như chờ đợi sắp đến lượt mình. Giống như hai vị lãnh tụ nói trên, họ nhận thấy cần phải khởi nghĩa ngay nếu không chịu đợi chết. Làn sóng sôi sục của họ đã kích thích tinh thần những người còn lại, nhất là hai ông Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu.

Đối với họ lúc này chỉ có một con đường là lăn xả vào cuộc bạo động, khởi nghĩa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 01:08:07 pm »


Câu hỏi 6: Trình bày đôi nét về Hội nghị đại biểu toàn quốc của Việt Nam quốc dân đảng ngày 17 tháng 9 năm 1929 tại Lạc Đạo để bàn bạc kế hoạch khởi sự với việc xuất hiện hai phái: Phái cải tổ và phái khởi nghĩa?
Trả lời:


Trong điều kiện quân Pháp ra tay khủng bố và truy lùng gắt gao, các lãnh tụ Việt Nam quốc dân đảng đứng đầu là Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu lúc này càng xúc tiến việc thống nhất ý kiến để cùng có một hành động dứt khoát, phù hợp với tình thế. Chính vì vậy, họ đã quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu toàn quốc của Việt Nam quốc dân đảng ngày 17 tháng 9 năm 1929 tại Lạc Đạo1.

Trong hội nghị này, xuất hiện hai phái: Phái cải tổ và phái khởi nghĩa. Phái cải tổ do Lê Hữu Cảnh và Trần Văn Huân đứng đầu, phái chủ trương khởi nghĩa do Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu làm đại biểu chiếm ưu thế trong hội nghị.

Phái thứ nhất cho rằng lúc này phải cải tổ lại đảng để bảo toàn cán bộ. Người ta cũng nói phải kéo dài thời kỳ dự bị để chờ điều kiện thuận lợi mới chuyển sang thời kỳ chuẩn bị kế hoạch, rồi sau đó mới tới thời kỳ khởi nghĩa vũ trang như chương trình của đảng đã để ra lúc ban đầu. Phái thứ hai, trái lại, cho rằng cần phải nhân dịp thực dân Pháp chưa phá vỡ được hẳn tổ chức cách mạng cần kịp tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền. Nếu kéo dài thời kỳ dự bị thì với bộ máy đàn áp ghê gớm giăng ra khắp nơi, các đảng viên rồi sẽ lần lượt rơi vào nanh vuốt của quân thù và sẽ không còn mong gì khởi nghĩa được nữa. Hội nghị không tranh luận nhiều về hai chủ trương trên vì tối đại đa số đều theo chủ trương thứ hai, nhất là chủ trương đó lại được hai lãnh tụ có uy tín nhất của đảng nhiệt liệt ủng hộ. Mọi người đều vui lòng chấp nhận khẩu hiệu "Không thành công thì thành nhân” của hai lãnh tụ nêu lên. Liên hệ với việc Kinh Kha vào Tần giết Tần Thủy Hoàng không thành công nhưng hy sinh vì việc nghĩa rồi vẫn được thiên hạ thán phục, người ta đều khẳng khái sẵn sàng theo tấm gương anh dũng đó.

Trong khi thảo ra kế hoạch khởi nghĩa, ban lãnh đạo đều tính đến hai lực lượng: trong nước và ngoài nước.
__________________________________
1. Hội nghị được họp ở một làng gần ga Lạc Đạo, trên con đường từ Gia Lâm đi Hải Phòng. Sau đó người ta quen gọi là Hội nghị Lạc Đạo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 01:09:26 pm »


Đối với lực lượng trong nước, các lãnh tụ đã cho xúc tiến việc chế bom (đúng ra là lựu đạn), mua sắm và chế tạo các loại vũ khí và phương tiện chiến đấu khác như dao, gươm, mã tấu, dầu hỏa... Thí dụ: ngay từ trước Hội nghị Lạc Đạo, Nguyễn Khắc Nhu đã xúc tiến thành lập các xưởng chế bom ở làng My Điền và ở các địa điểm khác như Võng La, Xuân Lũng, Sơn Dương thuộc tỉnh Phú Thọ, v.v... Ngoài ra, việc tuyên truyền cho bính lính người Việt trong quân đội Pháp lại càng được đẩy mạnh. Vì theo quan niệm của các nhà lãnh đạo Việt Nam quốc dân đảng lúc này là phải biến lực lượng binh lính thành chủ lực quân của cách mạng. Họ sẽ là những người trực tiếp chiến đấu chống Pháp, sẽ là những người hạ các đồn lũy của Pháp và lôi kéo toàn bộ binh lính Việt Nam theo cách mạng. Các đảng viên ngoài quân đội chỉ cần phần nào hỗ trợ cho binh lính về mặt chính trị và quân sự mà cách mạng vẫn có thể thành công. Cũng phải nói rằng về mặt này, Nguyễn Khắc Nhu đã đóng một vai trò hết sức quan trọng. Vì với kinh nghiệm binh vận từ thời kỳ Hội Việt Nam dân quốc, những người thân tín của Nguyễn Khắc Nhu như cô Giang, cô Bắc, Nguyễn Văn Toại (tức đồ Thúy) đều là những chiến sĩ binh vận xuất sắc, đặc biệt là đối với đồn binh Yên Bái.

Có điều là việc tiếp xúc với các lực lượng khác trong nước như nhóm Nguyễn An Ninh hoặc Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Tân Việt qua nhiều lần gặp gỡ từ trước đó đều không đem lại được kết quả.

Đối với lực lượng ngoài nước, công việc cũng không có gì suôn sẻ. Trước kia sau nhiều cuộc liên hệ với các nhóm cách mạng Việt Nam ở Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, các lãnh tụ Việt Nam quốc dân đảng vẫn chưa nắm được điều gì cụ thể. Đến giai đoạn này Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu lại cử một đặc phái viên sang Quảng Tây nhưng cũng chẳng đem lại được kết quả gì. Và trong khi cử đặc phái viên đi với tâm trạng nóng lòng sốt ruột chờ đợi tin tức, Nguyễn Khắc Nhu đã thốt ra hai câu đối chữ Hán:

      Tinh thần sậu phó thiên sơn cận
      Tiêu tức trì lai phiến khắc trường.


Tạm dịch là:
      Tinh thần chớp nhoáng muôn non ngắn
      Tin tức chậm ghê khoảnh khắc dài.

Cũng trong thời gian này, các nhà lãnh tụ Việt Nam quốc dân đảng đã tính tới việc yêu cầu viện trợ của nước ngoài.

Những việc đối ngoại nêu trên được triển khai sau Hội nghị Lạc Đạo. Còn trong hội nghị, "mặc dầu lúc đó có hai chủ trương khác nhau nhưng cuối cùng vẫn không có một biểu quyết rõ ràng. Và có thể nói là không thảo luận nữa. Vì uy thế của hai nhà lãnh đạo Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu đã lấn át cả hội nghị. Một đại biểu của phái cải tổ vừa lên tiếng đã suýt bị bắn ngay. Kết quả là chủ trương bạo động được quyết định. Phái cải tổ chỉ có thể phản đối một cách tiêu cực là nằm yên không tham dự"1.
_______________________________
1. Trần Huy Liệu, Văn Tạo, Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam, tập V, Nxb Văn, Sử, Địa, H. 1958.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 05:49:28 pm »


Câu hỏi 7: Hãy trình bày quá trình chuẩn bị khởi nghĩa của Việt Nam quốc dân đảng?
Trả lời:


Để chuẩn bị cho việc khởi nghĩa, các nhà lãnh đạo Việt Nam quốc dân đảng đã tiến hành một số hoạt động sau:

1. Đề ra kế hoạch tổng công kích (Tổng công kích kế hoạch)

Sau Hội nghị Lạc Đạo các lãnh tụ bạo động liền đề ra một bản Tổng công kích kế hoạch với mấy điểm chính sau đây:

Một là, đảng chỉ huy một cuộc tổng bạo động, cùng một lúc đánh vào những đô thị lớn và những nơi yếu điểm quân sự của giặc Pháp.

Hai là, vũ khí giết giặc phần chính nhằm vào những vũ khí cướp được của địch và bom, dao do mình chế tạo lấy.

Ba là, lực lượng chính trong cuộc bạo động là những binh lính trong hàng ngũ Pháp, lực lượng phụ là những đảng viên ở ngoài.

Bốn là, quân kỳ dùng trong cuộc khởi nghĩa có hai sắc: nửa đỏ, nửa vàng1.

Năm là, quân trang: nghĩa quân mặc quần áo dạ vàng, đội mũ có hình lưỡi trai, đi giầy cao su, đeo băng vàng ở cánh tay phải đề chữ "Việt Nam cách mạng quân".

Sáu là, công tác cấp thiết phải làm ngay là mở cuộc tuyên truyền rộng rãi những người nằm trong hàng ngũ binh lính Pháp và lập những cơ quan chế bom.

Mặc dầu kế hoạch tổng công kích thảo ra, đến lúc tìm cách thực hiện, nó rất xa với điều kiện thực tế. Cuộc tổng khởi nghĩa không thể thi hành được trong toàn quốc vì đảng đã không có một căn bản suốt dải Trung Kỳ. Còn đảng bộ Nam Kỳ chưa đến nỗi tan vỡ, nhưng một số yếu nhân như Trần Huy Liệu, Nguyễn Phương Thảo tức Nguyễn Bình, Võ Công Tồn,... đã bị bắt và mấy chi bộ nhà binh cũng vỡ theo. Như vậy nếu cuộc bạo động nổ ra cũng chỉ có thể hạn chế trong phạm vi Bắc Kỳ. Điểm lại thế lực của đảng ở Bắc Kỳ thì hệ thống tổ chức đã bị đứt đoạn lung tung. Có chi bộ vì đại biểu bị bắt nên dây liên lạc bị cắt, chỉ còn như một "cô đảo" giữa đại dương. Việc dự định đánh mấy đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, v.v... và mấy yếu điểm quân sự của giặc như Sơn Tây, Phả Lại,... cũng khó lòng thực hiện được. Kết quả là chương trình tổng bạo động chỉ còn lại một phần: tùy theo thực lực của mình ở từng nơi mà phát động.
______________________________
1. Trong bản Tổng công kích kế hoạch không thấy giải thích gì về ý nghĩa màu sắc của lá cờ. Sau đó người thì cắt nghĩa là tượng trưng của màu đỏ da vàng, người thì cắt nghĩa xa hơn bảo nó là tượng trưng của cách mạng dân tộc màu vàng và cuộc cách mạng thế giới màu đỏ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 05:49:53 pm »


2. Những cuộc ám sát và tống tiền

Song song với những cuộc vây bắt liên tiếp của thực dân Pháp, cuộc tiến hành bạo động của một số đảng viên Việt Nam quốc dân đảng cũng khá rầm rộ. Hai hình thức thường xảy ra nhiều nhất là ám sát và tống tiền. Để bắt cho được hai nhà lãnh đạo Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu, bọn mật thám đã lợi dụng và uy hiếp một số đảng viên Việt Nam quốc dân đảng bị bắt rồi thả ra làm tay sai cho chúng. Vì vậy Ban Ám sát của quốc dân đảng đã phải hoạt động luôn, mà người nổi tiếng nhất hồi đó là Đoàn Trần Nghiệp tức Ký Con. Việc ám sát tên phản đảng Nguyễn Văn Kính tại vườn bách thú Hà Nội bấy giờ đã gây một dư luận sôi nổi trên các báo và tạp chí.

Về vấn đề tài chính, trước kia Việt Nam quốc dân đảng ít chú ý tới việc làm ra tiền theo lối mạo hiểm. Một khi cần đến người ta chỉ lấy tư cách cá nhân. Nhưng trong khi chuẩn bị khởi nghĩa, người ta cần phải tiêu rất nhiều tiền, nên trên báo chí hồi ấy luôn luôn thấy đăng những tin tống tiền tại thành phố hay đánh chặn ô tô ngang đường. Nhiều phú ông nhận được thư của Việt Nam quốc dân đảng gửi tới "quyên" tiền. Một vài đám cướp lớn ở thôn quê đã xảy ra có dính líu tới Việt Nam quốc dân đảng. Cố nhiên là bên những việc lấy tiền làm việc nghĩa, cũng không thiếu những kẻ mượn danh cách mạng để làm bậy.

Thời kỳ này một vài cơ quan chế bom của Việt Nam quốc dân đảng tại My Điền (Bắc Giang), Phao Tân và Nội Viện (Bắc Ninh) bị phát giác vì vô ý để bom nổ chết người. Thỉnh thoảng đế quốc Pháp lại khám phá ra những nơi chôn bom. Hàng nghìn trái bom ném đã bị chúng bắt được trong những tháng cuối năm 1929, đầu năm 1930 tại các vùng Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Kiến An, ngoại thành Hà Nội (vùng xung quanh sân bay Bạch Mai, Thái Hà ấp...).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 05:50:20 pm »


3. Hội nghị Võng La với việc phản bội của Nguyễn Thành Dương

Ngày 25 tháng 12 năm 1929, những ủy viên quân sự của Việt Nam quốc dân đảng định tổ chức một cuộc hội nghị tại làng Võng La để xúc tiến việc khởi nghĩa. Trong cuộc hội nghị này, đã xảy ra việc phản bội ghê gớm của Nguyễn Thành Dương tức Đội Dương.

Dương là một thanh niên học thức, đi lính cho Pháp làm đội trưởng, đóng tại trường bay Bạch Mai và gia nhập Việt Nam quốc dân đảng. Được cử làm ủy viên quân sự trong cuộc chuẩn bị khởi nghĩa, Dương còn được chỉ định đốt trường bay Bạch Mai một khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ. Có người nói Dương là gián điệp của Pháp phái vào từ trước. Cũng có người nói Dương mới manh tâm phản bội trong những ngày sau này, nghĩa là sau khi thấy rõ thực lực của đảng cách mạng không có gì đáng kể, cuộc bạo động đi vào cõi phiêu lưu nên Dương sinh lòng tráo trở, từ chỗ cách mạng xoay ra phản cách mạng, mong thừa cơ lập công với giặc để kiếm phú quý. Có một điều là khác với những tên phản bội khác ở trong xó tối, Dương đã làm việc phản bội rất ngang ngược và công nhiên. Sau khi nhận được giấy triệu tập đi dự hội nghị quân sự ở Võng La, Dương được lệnh của mật thám Pháp là phải tìm cách giết cho được những lãnh tụ bạo động ngay tại chỗ. Rồi sau đó, một mặt Dương sắp đặt với bọn mật thám bố trí bao vây, một mặt báo cho hội đồng quân sự biết Dương sẽ đem hai "đồng chí" trong chi bộ Bạch Mai đến dự hội nghị để lĩnh kế hoạch làm việc. Hai "đồng chí" mà Dương nói đây chính là hai tên mật thám được phái đến giúp sức Dương.

Làng Võng La ở ven sông Đà thuộc tỉnh Phú Thọ là một sào huyệt của Việt Nam quốc dân đảng bấy giờ. Những người làng hầu hết là đảng viên hay đoàn viên. Vì vậy đảng thường chọn chỗ này để tổ chức những hội nghị quan trọng. Hôm ấy Dương cùng những ủy viên quân sự khác như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Nguyễn Văn Khôi, Nguyễn Văn Liên... đến dự hội nghị. Trong lúc hội nghị sắp bắt đầu thì bọn mật thám Pháp đã bố trí cách đầu làng không xa, chỉ chờ một tín hiệu là xông vào. Thế rồi cơ sự đã diễn ra. Hội nghị do ông Nguyễn Khắc Nhu làm Chủ tịch vừa bắt đầu thì Dương cùng hai tên mật thám vụt đứng dậy rút súng lục nhằm bắn vào Chủ tịch và những ủy viên trong hội nghị. Một cuộc hỗn loạn xảy ra. Những ủy viên, người thì bỏ chạy, người thì bắn trả lại. Ông Nguyễn Khắc Nhu nằm lăn ra giả chết. Ông Phó Đức Chính bị thương ở chân. Những vệ sĩ của Việt Nam quốc dân đảng canh gác ở ngoài nghe tiếng động chạy vào tiếp cứu. Đồng bọn tên Dương thấy thế cũng không dám sục sạo đuổi theo, chỉ thủ thế chờ bọn mật thám ở ngoài kéo đến. Trong khi ấy bọn mật thám nghe tiếng súng nổ ập vào, vừa đến đầu làng bắt gặp người làng vác cày, vác cuốc ra đồng làm như không có việc gì xảy ra. Chúng chia nhau một mặt vào sục sạo trong làng, một mặt ra lệnh cho người làng phải tập hợp lại để điểm tên và điểm mặt. Tuy vậy kết quả chúng vẫn không bắt được một đảng viên cách mạng nào. Thì ra trong lúc lộn xộn họ đã cải trang lẫn vào đám dân làng, được dân làng ủng hộ, ra ngoài đồng trốn thoát. Duy có Phó Đức Chính bị thương không ra kịp, được một người đàn bà mới đẻ ở trong làng giấu vào một ổ rơm. Cũng may mà bọn mật thám không phát hiện được.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM