Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:15:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Bái  (Đọc 27532 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2017, 09:05:26 am »


3. Việt Nam quốc dân đảng

Nếu Hội Việt Nam cách mạng thanh niên là tổ chức đại diện cho khuynh hướng cách mạng vô sản thì Việt Nam quốc dân đảng là tổ chức tiêu biểu nhất của khuynh hướng cách mạng dân chủ tư sản ở Việt Nam trong những năm 20.

Bộ phận hạt nhân đầu tiên của Việt Nam quốc dân đảng là nhóm Nam Đồng thư xã1 do hai anh em nhà giáo Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm thành lập cuối năm 1926 tại Hà Nội. Với tư cách là một cơ sở xuất bản tiến bộ, Nam Đồng thư xã chuyên in ấn những sách báo yêu nước, như: Gương phục quốc, Gương thành bại, Gương thiếu niên, Trưng Nữ vương,... nhằm khích lệ tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc trong nhân dân. Vì vậy, Nam Đồng thư xã mau chóng trở thành nơi thu hút và tụ họp của một số trí thức, thanh niên, sinh viên hồi đó, trong đó có Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Hồ Văn Mịch, Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống)... Khác với Nhượng Tống chủ trương "hòa bình cách mạng", Nguyễn Thái Học và một số người khác như Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm kiên quyết ủng hộ tư tưởng bạo lực cách mạng, dùng "sắt và máu để giành lại độc lập dân tộc". Sau nhiều lần thuyết phục, trao đổi, nhóm tán thành bạo lực đã chiếm đa số trong Nam Đồng thư xã. Trên cơ sở đó, ngày 25 tháng 12 năm 1927, một tổ chức cách mạng đã được thành lập ở Hà Nội, lấy tên là Việt Nam quốc dân đảng. Sau này, Việt Nam quốc dân đảng còn tập hợp thêm được một số nhóm khác có cùng quan điểm ở các địa phương, như nhóm Hoàng Văn Tùng ở Thanh Hóa, nhóm Việt Nam dân quốc của Nguyễn Khắc Nhu ở Bắc Ninh, Bắc Giang.

Bị chi phối bởi các điều kiện giai cấp và xã hội, Việt Nam quốc dân đảng không đề ra được một đường lối chính trị độc lập, rõ ràng. Trong mấy năm tồn tại, tổ chức này đã nhiều lần thay đổi chính cương và điều lệ. Khi mới thành lập, trong bản Điều lệ được thông qua tại hội nghị thành lập, Việt Nam quốc dân đảng ghi rõ mục đích: "Trước làm cách mạng quốc gia, sau làm cách mạng thế giới"2 (tức là trước tiên đánh đổ đế quốc chủ nghĩa trong nước, sau giúp các nước khác đánh đổ đế quốc giành độc lập dân tộc). Đến bản Điều lệ soạn thảo tháng 7 năm 1928 lại xác định tôn chỉ của đảng là "chủ nghĩa xã hội dân chủ"3, đảng có mục đích đoàn kết cả nam lẫn nữ để: "Đẩy mạnh cách mạng dân tộc; xây dựng nền dân chủ trực tiếp và giúp đỡ các dân tộc bị áp bức” 4. Tiếp đó, trong bản Điều lệ sửa đổi công bố tháng 2 năm 1929, Việt Nam quốc dân đảng lại thay bằng ba nguyên tắc tư tưởng của Cách mạng tư sản Pháp 1789: "Tự do - Bình đẳng - Bác ái"5. Mục đích của Đảng là tiến hành "cách mạng dân tộc, cách mạng chính trị và cách mạng xã hội"6. Cuộc cách mạng này sẽ diễn ra qua bốn thời kỳ: Thời kỳ bí mật (tập hợp lực lượng); thời kỳ dự bị (chuẩn bị các điều kiện vật chất như lương thực, vũ khí đạn dược cho cuộc khởi nghĩa vũ trang); thời kỳ công khai (đánh đuổi giặc Pháp, lật đổ ngôi vua); thời kỳ kiến thiết (thành lập chính phủ cộng hòa, thực hiện các quyền tự do dân chủ) 7. Cho tới thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, đêm trước của bạo động Yên Bái, Việt Nam quốc dân đảng lại mô phỏng theo chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn (một nhà dân chủ tư sản tiêu biểu của Trung Quốc đầu thế kỷ XX), nhưng những nguyên tắc và chính sách có tính cách mạng lại bị loại bỏ. Cụ thể, Việt Nam quốc dân đảng chỉ ủng hộ chủ trương “cách mạng dân tộc" và "thiết lập dân quyền", còn khẩu hiệu "bình quân địa quyền" và các chính sách "liên Nga, liên Cộng, phù trợ công nông" (tức đoàn kết với nước Nga Xô viết, liên minh với Đảng Cộng sản và ủng hộ giúp đỡ công nông) lại không được nhắc tới.
__________________________________
1. Trụ sở Nam Đồng thư xã nay là số nhà 129 phố Trúc Bạch, Hà Nội.
2-4. Trần Huy Liệu, Văn Tạo, Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam, tập V, Nxb Văn - Sử - Địa, H. 1958, tr. 18, 81, 105.
5-7. Trần Huy Liệu, Văn Tạo, Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam, tập V, tr. 18, 81, 105.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2017, 09:06:40 am »


Rõ ràng, cho đến tận cuối năm 1929, Việt Nam quốc dân đảng vẫn không có một cương lĩnh thể hiện rõ mục đích và lập trường chính trị của mình. Đúng như Trần Dân Tiên nhận xét: "Nó muốn một nước cộng hòa, nhưng là thứ cộng hòa nào? Sẽ cai trị quốc gia như thế nào? Với phương pháp gì người ta sẽ xây dựng lại kinh tế quốc gia? Làm thế nào để nâng cao mức sống của những tầng lớp lao động, thợ thuyền, nông dân và trí thức? Về những điều này, Việt Nam quốc dân đảng chưa có chương trình rõ rệt"1.

Thành phần xã hội của Việt Nam quốc dân đảng chủ yếu gồm trí thức, học sinh, giáo viên, công chức, những người làm nghề tự do, một số thân hào thân sĩ ở nông thôn. Đảng còn có nhiều đảng viên là binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp. Bản cáo trạng của Hội đồng đề hình xét xử vụ án Ba-danh (Bazin) năm 1929 đã thừa nhận: "Các giáo viên, các binh sĩ là hai cái cột chống đỡ mái nhà Đông Dương, Quốc dân đảng đã làm lay chuyển hai cây cột ấy".

Về mặt tổ chức, Việt Nam quốc dân đảng có bốn cấp: tổng bộ, kỳ bộ, tỉnh bộ và chi bộ. Mỗi chi bộ không quá 19 người, Điều lệ của đảng quy định các đảng viên trong một xóm, một làng, một tổng, một huyện, một khu phố hay một thành phố đều có thể hợp thành một chi bộ. Các hoạt động của chi bộ do cơ quan tỉnh bộ trực tiếp chỉ đạo và điều hành.

Lãnh đạo tổng bộ là một số nhân vật có uy tín như Nguyễn Thái Học (Chủ tịch đảng), Nguyễn Thế Nghiệp (Phó Chủ tịch đảng). Ngoài ra còn có các ủy viên khác như Nhượng Tống, Trương Dân Bảo, Nguyễn Hữu Đạt. Cơ quan Tổng bộ gồm có các ban Tuyên huấn, Ngoại giao, Trinh sát, Kinh tài, Tổ chức, Ám sát.

Trong hơn hai năm tồn tại, Việt Nam quốc dân đảng đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và phát triển cơ sở, nhưng địa bàn hoạt động chính của đảng là ở Bắc Kỳ. Ngoài ra còn có một số chi bộ ở Nam Kỳ và ở Lào. Tại Trung Kỳ, từ Vinh trở vào, Việt Nam quốc dân đảng không phát triển được vì thế lực của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và Tân Việt rất mạnh.

Ngoài các chi bộ, Việt Nam quốc dân đảng còn chủ trương thành lập các tổ chức quần chúng bao gồm Đoàn phụ nữ, Đoàn công nhân, Đoàn nông dân, Đoàn học sinh và các binh đoàn quân sự. Các hội đoàn này là lực lượng cảm tình của đảng, có nhiệm vụ hỗ trợ, phối hợp với các đảng viên trong đấu tranh giành chính quyền khi có thời cơ.
_________________________________
1. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, H. 1975, tr. 73.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2017, 09:07:08 am »


Hoạt động chủ yếu của Việt Nam quốc dân đảng là xây dựng lực lượng và phát triển cơ sở của đảng ở các địa phương. Đầu năm 1928, Việt Nam quốc dân đảng bắt đầu thực hiện việc hợp nhất với các nhóm "Việt Nam dân quốc" của Nguyễn Khắc Nhu ở Bắc Ninh, Bắc Giang; nhóm Hoàng Văn Tùng ở Thanh Hóa. Cũng từ thời gian này, nhờ hoạt động của những người lãnh đạo Tổng bộ như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu mà một số chi bộ Việt Nam quốc dân đảng đã lần lượt được thành lập ở Vĩnh Yên, Phú Thọ, Sơn Tây (Hà Tây). Tiếp đó, cuối năm 1928 đầu năm 1929, nhiều cơ sở của Việt Nam quốc dân đảng đã được xây dựng ở các tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng... Tính đến đầu năm 1929, riêng ở Bắc Kỳ đã có 120 chi bộ với khoảng 1.500 đảng viên, trong đó có 120 người là cai, đội và lính khố đỏ.

Trong mấy năm tồn tại, Việt Nam quốc dân đảng có chủ trương liên kết, phối hợp hành động với các tổ chức yêu nước và cách mạng trong nước. Ngay từ giữa năm 1928, Đảng đã cử người đi liên lạc và bàn việc hợp nhất với Tân Việt cách mạng đảng và Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, nhưng đều không đạt kết quả. Rút cục trong thực tế, Việt Nam quốc dân đảng vẫn bị cô lập với tất cả các nhóm cách mạng khác ở Đông Dương và cho đến năm 1930 - như chánh mật thám Đông Dương Mác-ty (Louis Marty) nhận xét - không quan hệ với những phần tử An Nam có xu hướng quốc gia đặt ở xứ ngoài.

Khác với các tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và Tân Việt cách mạng đảng, Việt Nam quốc dân đảng ít chú trọng tới công tác tuyên truyền và huấn luyện đảng viên. Năm 1928, Việt Nam quốc dân đảng quyết định ra báo Hồn cách mạng làm cơ quan ngôn luận. Nhưng mãi đến tháng 2 năm 1929, tờ báo mới phát hành được một số thì bị lộ nên phải đóng cửa. Nói chung, đảng không có một cơ quan ngôn luận, hoặc tài liệu, văn kiện chính thức nào để giải thích tôn chỉ, mục đích của đảng và để tuyên truyền huấn luyện đảng viên. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho công tác phát triển đảng tiến hành tùy tiện, thiếu cơ sở và chuẩn mực, đồng thời gây nên tình trạng mơ hồ về lập trường chính trị của đảng.

Do không có lý luận cách mạng làm cơ sở cho đường lối và phương pháp đấu tranh nên Việt Nam quốc dân đảng thiên về các hoạt động ám sát, khủng bố cá nhân. Một số vụ tống tiền các nhà giàu ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định vào đầu năm 1929 đều do Việt Nam quốc dân đảng thực hiện. Điển hình nhất là vụ ám sát Ba-danh - tên trùm mộ phu ở Bắc Trung Kỳ tại Hà Nội.

Vào dịp đầu tháng 2 năm 1929, chủ sở mộ phu Ba-danh tiến hành một đợt mộ phu mới ở Bắc Kỳ làm cho đông đảo quần chúng bất bình, căm phẫn. Để khích lệ tinh thần đấu tranh chống chính sách mộ phu của Pháp, Thành bộ Việt Nam quốc dân đảng Hà Nội đã cử Nguyễn Văn Viên thực hiện kế hoạch ám sát tên Ba-danh (ngày 9-2-1929), sau khi ám sát xong Nguyễn Văn Viên đã trốn thoát. Vụ ám sát Ba-danh đã làm nức lòng các tầng lớp nhân dân, còn bọn thực dân vô cùng hoảng sợ và tức tối. Chúng tăng cường lực lượng truy tìm thủ phạm vụ án, đồng thời nhân đà đó thẳng tay bắt bớ và khủng bố những người yêu nước, phá vỡ các tổ chức cách mạng. Hàng loạt đảng viên và quần chúng có cảm tình với đảng bị bắt. Sau 5 tháng mở chiến dịch khủng bố, đến giữa tháng 7 năm 1929, chính quyền thực dân đã bắt được 225 đảng viên đưa ra xử án. Đồng thời, tại Hà Nội và nhiều tỉnh khác như Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh..., hệ thống tổ chức cơ sở của đảng hầu như bị phá vỡ. Nguy cơ tan rã hoàn toàn của Việt Nam quốc dân đảng đang đến gần.

Nói tóm lại, Việt Nam quốc dân đảng về căn bản là một tổ chức "phỏng theo mô hình cách mạng của Quốc dân đảng Trung Quốc". Nó đại diện cho quyền lợi và tư tưởng của tư sản dân tộc và tiểu tư sản lớp trên. Vì thiếu một cơ sở kinh tế và giai cấp đủ mạnh làm chỗ dựa nên trong suốt mấy năm tồn tại của mình, Việt Nam quốc dân đảng không thể đưa ra được một đường lối chính trị độc lập. Thêm vào đó, công tác tổ chức và phát triển đảng rất sơ hở, lỏng lẻo; công tác tuyên truyền, huấn luyện thì sơ sài... Những nhược điểm và hạn chế đó làm cho Việt Nam quốc dân đảng không đủ khả năng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2017, 09:09:30 am »


Câu hỏi 2: Hãy cho biết nguyên nhân và điều kiện dẫn đến việc thành lập Việt Nam quốc dân đảng?
Trả lời:


a) Nguyên nhân và điều kiện khách quan: Do ảnh hưởng của cách mạng tư sản Trung Quốc.

Ngoài những tác động lớn lao sau cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất, một ảnh hưởng trực tiếp từ nước láng giềng đưa lại là phong trào cách mạng ở Trung Quốc do Quốc dân đảng lãnh đạo đã dội mạnh vào nước ta. Trước và sau cuộc Cách mạng tư sản năm 1911 (được gọi là cuộc Cách mạng Tân Hợi), trên các sách báo trong nước cũng như tin tức từ ngoài truyền vào, cách mạng Trung Quốc đã trở thành một đề tài bàn luận và chiếm được cảm tình của các nhà trí thức Việt Nam. Những lãnh tụ của đảng cách mạng Trung Quốc như Tôn Văn, Hoàng Hưng, Hồ Hán Dân, Trần Anh Sĩ, Sái Ngạc... đã được nhiều người Nam viết sách ca tụng và treo hình ảnh ở nhà. Cái chết oanh liệt của 72 nghĩa sĩ ở Hoàng Hoa Cương đã gieo sự căm phẫn quân thù vào tâm khảm của một số thanh niên cách mạng Việt Nam bấy giờ. Cuộc Cách mạng Tân Hợi thành công, rồi cuộc Cách mạng Tân Hợi thất bại. Những biến thiên đó gây tác động lớn với cách mạng Việt Nam. Phong trào Ngũ tứ (4-5-1917), phong trào Tân văn hóa, nhất là cuộc đại cách mạng 1923-1925 đã như một cơn gió lốc thổi vào Việt Nam trong lúc giai cấp tư sản vừa thức dậy. Học thuyết Tôn Văn và chủ nghĩa Tam dân đã mở cho các nhà cách mạng cấp tiến Việt Nam một phương trời mới. Có người đã thay chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc thành chủ nghĩa dân tộc Việt Nam bằng cách đem vào một nội dung Việt Nam. Cho đến năm 1927, cuộc Bắc phạt của Quốc dân đảng do sức ủng hộ của công nông, đẩy tới một cao trào thắng lợi thì cũng là lúc mà chính đảng của giai cấp tư sản Việt Nam bắt đầu thành lập.

b) Điều kiện chủ quan

Trước khi Việt Nam quốc dân đảng ra đời, hai đảng Thanh niên và Tân Việt đã chiếm một địa vị trên trường cách mạng Việt Nam. Tuy vậy, với thành phần của nó, hai đảng này cũng chỉ mới thu hút được một số đông thanh niên tiểu tư sản, công nhân, nhân sĩ cách mạng. Còn các tầng lớp khác như phú nông, kỳ hào và địa chủ vẫn còn vắng mặt nhiều trong các tổ chức bí mật bấy giờ.

Từ năm 1925, trong khi phong trào chính trị diễn ra sôi nổi như biểu tình đòi thả cụ Phan Bội Châu, truy điệu cụ Phan Chu Trinh, đưa đám cụ Lương Văn Can, v.v... thì Nam Đồng thư xã do Phạm Tuấn Tài làm chủ nhiệm thành lập ở Hà Nội. Thư xã này chuyên xuất bản những sách ái quốc hòa nhịp với những bài cổ súy phong trào trên tờ Thực nghiệp dân báo bấy giờ đã gây được một tiếng vang không nhỏ và lôi cuốn được một số đông những người cảm tình xung quanh.

Tiếp đó, từ tuyên truyền cổ động đi đến tổ chức, Nam Đồng thư xã chính là phôi thai của Việt Nam quốc dân đảng sau này. Như trên đã nói, ở nước ta hồi ấy, trước Việt Nam quốc dân đảng đã có hai đảng Thanh niên cách mạng và Tân Việt cách mạng. Vậy vì cớ gì mà lại mọc ra một đảng thứ ba? Nhìn vào thành phần của ba đảng này, chúng ta thấy cũng có chỗ giống nhau và cũng có chỗ khác nhau. Và những thành phần xã hội còn có những bất đồng về chính kiến đối với một vài vấn đề lớn.

Về tư tưởng và hành động, phái Nam Đồng thư xã hầu hết là tín đồ của Tôn Trung Sơn. Họ nặng về chủ nghĩa dân tộc và không chủ trương đấu tranh giai cấp. Họ chú trọng vào công việc bạo động và sao nhãng những hình thức tuyên truyền và tranh đấu hàng ngày. Đối với những đảng viên đảng Thanh niên bấy giờ, mặc dầu thành phần giai cấp và đường lối chính trị còn khác xa với Đảng Cộng sản, nhưng những tiếng "cách mạng thế giới" và "cộng sản” trở nên quen thuộc của nhiều người. Mà những cái đó cố nhiên không thể có được những đồng cảm và đồng điệu của phái Nam Đồng thư xã. Thêm vào đấy cơ quan chỉ huy trung ương của đảng Thanh niên bấy giờ đặt ở Quảng Châu, không được sự đồng tình của phái Nam Đồng trong khi họ chủ trương tổng bộ phải đặt ở trong nước. Chính cũng vì những kiến giải khác nhau ấy đã đưa một số thanh niên tiểu tư sản Hà thành vây quanh Nam Đồng thư xã bấy giờ trù định một tổ chức cách mạng khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2017, 09:10:35 am »


Câu hỏi 3: Cho biết chương trình hoạt động và tổ chức của Việt Nam quốc dân đảng?
Trả lời:


Cuộc vận động thành lập tổ chức Việt Nam quốc dân đảng bắt đầu từ nửa cuối năm 1927. Qua mấy kỳ hội nghị sơ bộ và vạch ra những tổ chức sơ sài, ngày chính thức thành lập đảng vào ngày 25 tháng 12 năm 1927. Hôm ấy có một số đại biểu các chi bộ ở Bắc Kỳ đến dự đại hội và thông qua bản đề án tổ chức cùng chương trình và điều lệ của đảng.

Những sáng lập viên của đảng hầu hết là những người trong Nam Đồng thư xã và một số cảm tình ở xung quanh. Trong đó có những người viết báo, làm sách, làm các nghề tự do hay công chức, sinh viên. Có cả những người trước kia đã vào đảng "Việt Nam độc lập” ở bên Pháp hay có dính líu với đảng Thanh niên trong việc đưa học sinh sang học ở Quảng Châu rồi bị bắt ở biên giới Trung - Việt. Có cả mấy đại biểu nông dân ở các tỉnh lân cận.

Đại hội đã bầu ra ban lãnh đạo gồm:

      - Nguyễn Thái Học: Chủ tịch tổng bộ.
      - Nguyễn Thế Nghiệp: Phó Chủ tịch.
      - Phó Đức Chính: Trưởng ban Tổ chức.
      - Nhượng Tống: Trưởng ban Tuyên truyền.
      - Nguyễn Ngọc Sơn: Trưởng ban Ngoại giao.
      - Đặng Đình Điển: Trưởng ban Tài chính.
      - Nguyễn Hữu Đạt: Trưởng ban Giám sát.
      - Trương Dân Bảo: Trưởng ban Trinh sát.
      - Hoàng Văn Tùng: Trưởng ban Ám sát.

Riêng Ban Binh vụ khuyết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2017, 02:44:06 pm »


a) Chương trình hoạt động của Việt Nam quốc dân đảng:

Việt Nam quốc dân đảng không phải là một đảng quốc gia thuần túy, không đề cập gì đến vấn đề thế giới. Những người sáng lập ra nó hầu hết là tín đồ của Tôn Trung Sơn thấm nhuần chủ nghĩa Tam dân, nên tinh thần và tuyên bố của nó trong những ngày đầu cũng không bó hẹp ở trong phạm vi quốc gia. Có điều là quan niệm thế giới của những người quốc dân đảng bấy giờ không được rõ ràng lắm. Trong bản chương trình điều lệ thảo ra lúc đầu, không nói gì đến những chữ "chủ nghĩa", "chính cương" hay "đảng cương” mà chỉ nêu ra một câu coi như kim chỉ nam của nó là: "Trước làm dân tộc cách mạng, sau làm thế giới cách mạng". Nhưng làm thế giới cách mạng theo cung cách nào? Những dòng cuối cùng của bản chương trình điều lệ cũng chỉ nhắc đến bằng một câu: "Sau khi làm xong cuộc cách mạng quốc gia rồi, sẽ cùng các dân tộc nhược tiểu cùng làm cách mạng thế giới".

Về mục đích và tôn chỉ, đảng nêu rõ ràng là đánh đổ nền quân chủ chuyên chế, lập Việt Nam dân quốc cộng hòa. Nhân dân được hưởng những quyền tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, v.v...

Trên bước tiến hành cuộc cách mạng quốc gia, đảng chia ra ba thời kỳ:

1) Thời kỳ phôi thai tức thời kỳ bí mật.

Công tác chính trong thời kỳ này là kết nạp đảng viên, tổ chức các chi bộ để gây cơ sở cho đảng.

2) Thời kỳ dự bị tức thời kỳ bán công khai.

Sau khi cơ sở đã rộng và vững rồi, đảng chú ý đến việc tổ chức các đoàn thể quần chúng ở xung quanh đảng như công đoàn, binh đoàn, nông đoàn, học sinh đoàn, v.v... Đồng thời đảng lập ra những cơ quan tuyên truyền như ra báo, viết sách để chấn hưng dân khí và cổ động gián tiếp cho đảng. Trong khi ấy đảng cũng phái người ra ngoài học tập, vào các trường võ bị, các xưởng chế tạo khí giới để sang thời kỳ thứ ba về nước đánh giặc.

3) Thời kỳ khởi nghĩa tức thời kỳ công khai.

Qua hai thời kỳ chuẩn bị ở trên, đến đây đảng đã có thể tiến tới một cuộc tổng khởi nghĩa. Những cơ quan tuyên truyền sẽ tung ra những sách báo công khai cổ động khởi nghĩa. Những đoàn quân cảm tử được tổ chức hợp với những đồng chí trong quân đội Pháp nổi dậy tại các thành thị. Những cán bộ quân sự từ ngoại quốc về chỉ huy cuộc khởi nghĩa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2017, 02:49:24 pm »


b) Tổ chức của Việt Nam quốc dân đảng

Tổ chức của đảng lấy chi bộ làm đơn vị căn bản. Bất kỳ ở đâu hễ có một số đảng viên, mặc dầu chức nghiệp khác nhau, là có thể họp thành một chi bộ. Mỗi chi bộ hạn định từ 19 người trở xuống1, sở dĩ có sự hạn định theo con số ấy là vì theo luật lệ lưu hành của chính phủ Pháp bấy giờ, những cuộc hội họp nào từ 19 người trở lên đều phải xin phép. Như vậy nếu cuộc hội họp nào của chi bộ có bị khám phá thì với số người ấy, cũng không bị rơi vào lưới pháp luật của giặc2. Trên cấp chi bộ là huyện bộ, rồi đến tỉnh bộ. Tại thành phố là thành bộ, trên những tỉnh bộ và thành bộ là kỳ bộ. Cao hơn hết là tổng bộ toàn quốc.

Nguyên tắc tổ chức là dân chủ tập trung. Mọi người trong chi bộ bầu ra một chi bộ trưởng và một đại biểu của chi bộ. Những đại biểu của chi bộ họp thành huyện bộ. Huyện bộ bầu một huyện bộ trưởng và một đại biểu lên tỉnh bộ. Cứ như thế lên tới kỳ bộ và tổng bộ. Những đại biểu trong huyện bộ, tỉnh bộ, thành bộ, kỳ bộ và tổng bộ cũng không quá số 19 người.

Mỗi chi bộ có 4 ban: tuyên truyền, tổ chức, tài chính và trinh thám. Ban Tuyên truyền giữ việc tuyên truyền cho đảng để kết nạp đảng viên. Ban Tổ chức giữ việc tổ chức các cuộc hội họp, các cơ quan sinh lời. Ban Tài chính thu tiền nguyệt liễm, tiền lạc quyên của các đảng viên và giữ quỹ của chi bộ. Ban Trinh thám chuyên việc dò xét tình hình trong ngoài và theo dõi hành tung của các đảng viên nếu có điều gì đáng ngờ. Mỗi ban đều có một trưởng ban chịu trách nhiệm với chi bộ trưởng.

Từ chi bộ đến tỉnh bộ, mỗi cấp đều có 4 ban kể trên. Nhưng ở kỳ bộ và tổng bộ thì đã mở rộng thành 8 ban với những công tác trọng yếu của nó:

1) Ban Tuyên truyền huấn luyện chuyên việc tuyên truyền và huấn luyện đảng viên, tổ chức nhà in và biên tập các sách báo bí mật. Nếu có điều kiện đặt thêm cơ quan tuyên truyền ở nước ngoài.

2) Ban Tổ chức giữ việc tổ chức các cơ quan, các cuộc hội họp lớn.

3) Ban Kinh tế tài chính giữ quỹ của đảng, làm ra tiền cho đảng bằng đủ mọi cách sinh lợi, mạo hiểm, v.v...

4) Ban Trinh thám chuyên việc dò xét tình hình bên địch và hành động của các đảng viên. Nếu gặp những kẻ phản đảng, phản cách mạng, Ban Trinh thám theo dõi cho có đủ bằng chứng để đưa lên Ban Tư pháp.

5) Ban Tư pháp giữ việc xét xử những kẻ phản đảng.

6) Ban Ám sát thi hành kỷ luật của đảng do Ban Tư pháp giao cho. Chẳng những trừng trị những kẻ phản đảng mà cả những kẻ phản cách mạng ở ngoài đảng cho đến những quan lại Pháp nổi tiếng tham ác.

7) Ban Quân sự tổ chức những đội quân cảm tử của đảng, chế tạo vũ khí và điều khiển cuộc vũ trang bạo động.

8 ) Ban Giám sát chuyên việc kiểm tra các công việc của đảng thuộc mọi cấp, mọi ngành.
______________________________
1. Trong chi bộ không phân ra những tiểu tổ như tổ chức của các đảng mà chúng ta thường thấy.
2. Thực ra bọn thống trị Pháp lúc bấy giờ cũng không căn cứ vào luật hiện hành này. Nếu chúng bắt gặp một cuộc hội họp chính trị nào, có khi chỉ 5, 3 người cũng bị bắt và bị tù.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2017, 02:51:16 pm »


Về việc tổ chức binh lính trong hàng ngũ quân đội Pháp, trước kia những chi bộ địa phương thường gồm cả binh lính ở trong và dân chúng ở ngoài. Nhưng sau vì những điều bất tiện và dễ lộ bí mật, đảng tổ chức một ngành riêng cho những đảng viên nhà binh. Ngành này được cử đại biểu trực tiếp với tổng bộ. Tuy vậy nếu gặp nơi nào chỉ mới có một số binh lính lẻ tẻ vào đảng thì hãy tạm sinh hoạt chung với những chi bộ ở ngoài.

Trong việc tổ chức của Việt Nam quốc dân đảng còn có một điều phiền phức nữa là vấn đề phụ nữ. Lúc mới đầu theo điều lệ đã định những chị em phụ nữ được tự do vào đảng, nhưng phải sinh hoạt riêng từng chi bộ. Sau vì một vài việc xảy ra ở trong các tổ chức cách mạng khác, Việt Nam quốc dân đảng đã đi đến chỗ không cho phụ nữ vào đảng, mà chỉ tổ chức ra những đoàn riêng. Tuy vậy một chi bộ phụ nữ đã tổ chức từ trước, trong đó có hai chị Bắc và Giang thì vẫn để nguyên không giải tán. Còn những chị gia nhập sau này thì đều là đoàn viên. Cho đến khi chuẩn bị khởi nghĩa thì giới hạn nam nữ trong đảng mới xóa bỏ.

Về kỷ luật của Việt Nam quốc dân đảng có khác với nhiều đảng cách mạng khác là: bên cạnh những hình phạt phê bình, cảnh cáo, khai trừ, còn có cả tử hình. Những đảng viên được kết nạp vào đảng, trong khi làm lễ tuyên thệ, sau những lời hứa "hy sinh tính mạng", "hy sinh tài sản" còn có cả lời hứa không được ra khỏi đảng. Nếu thoát ly đảng sẽ bị tử hình1.

Việt Nam quốc dân đảng vừa thành lập đã phát triển khá nhanh. Hồi ấy tại vùng Bắc Ninh và Bắc Giang có cuộc âm mưu bạo động. Người chủ mưu là ông Nguyễn Khắc Nhu tức Xứ Nhu - một nhà nho có danh vọng ở trong vùng và một số đồng chí vừa ở trong quân đội Pháp vừa ở ngoài dân. Thế lực của nó không ra ngoài hai tỉnh kể trên. Nó không có một tổ chức như một chính đảng. Theo tiếng gọi của người đương thời nó được gọi là phái "Việt Nam dân quốc" vì chủ trương của nó là đánh đuổi giặc Pháp để lập nền dân quốc Việt Nam. Cuộc âm mưu bạo động đương tiến hành thì cơ quan chế bom bị phát giác2 vì trong lúc vô ý đã làm bom nổ chết người. Hai người phụ trách cơ quan chế vũ khí này là hai ông Đồ Cương và Quản Trác đều trốn thoát. Một số binh lính ở Bắc Ninh có dính líu đến vụ âm mưu bạo động bị khám phá. Giặc Pháp bắt nhiều người và cuộc bạo động bị vỡ ngay từ trong trứng. Cũng là lúc mấy đại biểu của Việt Nam quốc dân đảng mới thành lập tìm đến ông Xứ Nhu và mấy lãnh tụ khác khuyên chưa nên bạo động vội và mời vào tổ chức của đảng. Do đó phái "Việt Nam dân quốc" bỏ kế hoạch bạo động đương theo đuổi và hầu hết gia nhập Việt Nam quốc dân đảng. Tức thì quốc dân đảng có thế lực mạnh ngay ở vùng Bắc Ninh và Bắc Giang.
_______________________________
1. Lời thề này vì phản khoa học nên thực tế đã không áp dụng được, không nói gì những kẻ phản đảng, phản cách mạng đã chui vào trong đảng, mà đảng cũng không thể giữ được đảng viên. Những ngày sau này trào lưu cách mạng tiến nhanh và ý thức giai cấp rõ rệt, một số đông những phần tử cấp tiến đều thoát ly Việt Nam quốc dân đảng để gia nhập Đảng Cộng sản.
2. Cơ quan chế bom ở núi Chè thuộc làng Cao Kỵ (Bắc Ninh).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2017, 02:51:33 pm »


Ngoài hai tỉnh kể trên đảng còn có cơ sở ở các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An và rải rác ở nhiều tỉnh Bắc Kỳ. Thành phần của nó ở thành thị là một số tư sản, tiểu tư sản trí thức, công chức và học sinh; ở thôn quê hầu hết là những thân hào, phú nông, trung nông và địa chủ. Tại Thái Bình, một nhà đại địa chủ làm nghị viện dân biểu trong thời Pháp thuộc có chân trong tổng bộ của đảng và là một "Mạnh Thường Quân" của đảng. Trong số đảng viên còn có cả một tuần phủ là lang Mường có tiếng ở Hòa Bình. Đảng cũng có một số ít công nhân ở thành thị, hoặc ở trong công xưởng, hoặc làm nghề thủ công.

Đồng thời đảng phát triển mau ở Nam Kỳ mà Cường học thư xã làm trung tâm điểm. Ngoài thành phố Sài Gòn, thế lực đảng lan đến các miền Gia Định, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, Trà Vinh, Bến Tre, Biên Hòa và Cap Saint-Jacques (Vũng Tàu).

Tại Trung Kỳ, tổ chức của đảng chen vào những tổ chức của Thanh niên và Tân Việt nên không lan rộng được nhiều. Ngoài một chi bộ ở Thanh Hóa ra, đảng chỉ có những phần tử rải rác tại mấy tỉnh như Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết.

Một địa hạt hầu như độc quyền của Việt Nam quốc dân đảng hồi ấy là những binh lính trong hàng ngũ quân đội Pháp. Đối với hai đảng Thanh niên và Tân Việt, binh lính chỉ mới được tuyên truyền ít nhiều, chưa có tổ chức. Trái lại Việt Nam quốc dân đảng vừa thành lập đã bắt tay ngay vào việc tổ chức các chi bộ ở trong quân đội Pháp. Do đó không bao lâu, đảng có một số trung kiên trong hàng ngũ lính khố đỏ và pháo binh của Pháp, nhất là ở Hải Phòng và Kiến An.

Tóm lại, cơ sở của Việt Nam quốc dân đảng là ở Bắc Kỳ. Lực lượng chính của nó là binh lính người Việt trong quân đội Pháp, tiểu thương tiểu chủ, thân hào địa chủ, nông dân dưới quyền lãnh đạo của một số tư sản, tiểu tư sản thành thị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2017, 06:33:23 pm »


Câu hỏi 4: Hãy trình bày hoạt động chính của Việt Nam quốc dân đảng giai đoạn 1928-1929, trong đó có vụ ám sát Ba-danh - tên trùm mộ phu ở Bắc - Trung Kỳ tại Hà Nội?
Trả lời:


Công tác tuyên truyền huấn luyện của Việt Nam quốc dân đảng rất bị hạn chế, mặc dù từ chi bộ cho đến trung ương đều có Ban Tuyên truyền. Tại Trung ương có tờ báo "Hồn cách mạng" là tờ báo duy nhất. Nhưng cho đến tháng 2 năm 1929, trước ngày bị lộ mới xuất bản được số đầu, in bằng thạch. Vì quá lệ thuộc vào nguyên tắc bí mật, từ tổ chức đến cả danh nghĩa, đảng không hề tuyên truyền ra đến ngoài. Còn việc huấn luyện đảng viên thì hầu như không có. Người mới vào đảng chỉ được giải thích qua loa về chương trình, điều lệ của đảng. Ngoài một vài bài văn thơ cảm khái để cổ động lòng yêu nước thương nòi, đảng không có một chương trình huấn luyện để đào tạo hay giác ngộ cán bộ, đảng viên. Nếu có một vài tài liệu tuyên truyền hay giải thích về đường lối chính trị của đảng thì cũng là do sự tự động của một vài đảng bộ địa phương chứ không phải bài học chung của đảng. Nguyên nhân là do thành phần của đảng đã phức tạp, quy định lại thiếu thống nhất đối với các đảng viên, do đó đảng không có một tinh thần và một ý chí chung. Ngay đến việc nhận định tôn chỉ của đảng cũng có chỗ không giống nhau. Ví dụ đối với một câu quan trọng nhất trong đường lối chính trị của đảng: "Trước làm dân tộc cách mạng, sau làm thế giới cách mạng" thì cũng theo xu hướng từng người mà giải thích khác nhau. Người nặng nề về quốc tế thì cắt nghĩa thế giới cách mạng là cứu cánh, còn dân tộc cách mạng là con đường trải qua. Trái lại người nặng nề về quốc gia thì hiểu nghĩa thế giới cách mạng, theo quan niệm của Tôn Trung Sơn, là giúp cho các dân tộc nhỏ yếu làm cách mạng chứ không liên hiệp với giai cấp vô sản toàn thế giới. Tại đảng bộ Nam Kỳ việc kết nạp đảng viên chú trọng vào những người có tinh thần quốc tế và bài xích chủ nghĩa quốc gia thuần túy. Trong quyển "Câu chuyện chung"1 do Ban Tuyên truyền đảng bộ viết ra và xuất bản công khai dưới danh nghĩa của Cường học thư xã, có câu: Trong lúc này nếu ai chỉ nói đến dân tộc cách mạng mà không đặt nó vào phạm vi thế giới cách mạng là chật hẹp, cũng như ai chỉ nói đến thế giới cách mạng mà quên dân tộc cách mạng là "vu khoát"2. Cũng tại đảng bộ này, người ta kết nạp cả những người từ Matxcơva về và trong số tài liệu huấn luyện đảng viên có cả những bản "Chủ nghĩa cộng sản sơ giải" (A.B.C. du communisme) và "Công xã Pari"3.

Chẳng những thế, trong bản chương trình đầu tiên của Việt Nam quốc dân đảng không nói gì đến kiến thiết quốc gia sau khi độc lập thế nào, ngoài một câu vắn tắt: "Lập Việt Nam dân quốc cộng hòa". Chính chỗ này cũng là mối tranh luận giữa những đảng viên khác nhau về chính kiến.
________________________________
1. Người ký tên viết sách này là Hậu Nhân. Sách vừa ra được 4 ngày thì bọn mật thám Pháp ỏ Sài Gòn đến tịch thu sách còn lại ỏ Cường học thư xã và bắt người quản lý bỏ tù.
2. Vu khoát: Vu vơ.
3. Việc huấn luyện chủ nghĩa và nhận định đường lối chính trị không thống nhất ở trong đảng đã gây nên phân liệt sau này giữa các đảng viên bị bắt giam ở trong nhà tù của đế quốc Pháp. Năm 1931 tại đảo Hòn Cau, một số đông những đảng viên cao cấp Việt Nam quốc dân đảng, trong đó có cả những ủy viên Tổng bộ và Kỳ bộ Nam Kỳ đã đem bản chương trình điều lệ của đảng thảo ra từ lúc mới đầu để kiểm thảo lại, và giải thích câu "trước làm dân tộc cách mạng, sau làm thế giới cách mạng", một câu then chốt đã gây nên những cuộc tranh luận kịch liệt đến phân liệt giữa hai dòng tư tưởng của đảng viên, bằng một đoạn ý nghĩa rộng rãi sau này: "Trước làm dân tộc cách mạng, sau làm thế giới cách mạng có nghĩa là trừ bỏ những bất bình về kinh tế, về chính trị và xã hội để mưu hạnh phúc cho người Việt Nam và thế giới". Câu giải thích rộng rãi và thiếu chuẩn xác này đã được đa số đảng viên có mặt ở đấy thông qua. Nhưng vì quan điểm và tinh thần khác nhau về căn bản giữa các đảng viên nên nạn phân liệt vẫn không tránh được.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM